
Dầu sao đi nữa tôi cũng đã nghĩ ra lời giải cho cái khổ mà tôi đã tưởng tượng rồi. Lời giải đó dựa trên nguyên tắc này: Dầu bất cứ chuyện gì xảy ra chúng ta KHÔNG THỂ GIẬN SỰ THẬT. Không giận sự thật có nghĩa là không thể trách sự thật, không thể phiền muộn sự thật, và do đó cũng sẽ không khổ vì sự thật. Tại sao tôi nhấn mạnh SỰ THẬT ở đây? — Tại vì có chuyện gì xảy ra mà không là một SỰ THẬT hả bạn? NHÂN đã vậy, DUYÊN đã vậy, thì QUẢ phải xảy ra như vậy. Điều này tôi đã giải thích rõ ở trong bài ‘Từ NHÂN QUẢ đến CHƠN NHƯ” (link: http://batchanhdao.wordpress.com/201…-den-chon-nhu/ ).
Thử hỏi bạn, giả như có một lần nào đó bạn đã sắp đặt một cuộc đi chơi biển thú vị, bỗng dưng đến ngày đó trời nổi giông tố bão bùng làm mọi chuyện phải hủy bỏ tất cả. Bạn có bực dọc trách thời tiết không? — Tôi nghĩ là không! Vì ai lại có thể hờn trách thời tiết bao giờ. Khí hậu đã như vậy, nhiệt độ đã như vậy, gió đã như vậy, thì làm sao giông tố lại không xảy ra? Dầu ta mong trời nắng ráo. Nhưng điều kiện thời tiết không đủ để cho nắng ráo xảy ra thì làm sao mình có thể đòi hỏi một cách vô lý được? Không lẽ mình u mê đến độ muốn một chuyện vô lý xảy ra thay cho một chuyện hữu lý hơn sao?
Đó là nói về thời tiết, nhưng mọi chuyện trên cuộc đời này, kể cả tâm tánh của mọi con người, cũng xảy ra y chang như chuyện thời tiết vậy thôi. Bạn có thể thắc mắc tại sao người đó, người kia, tệ hại đến như vậy? hoặc tại sao xã hội lại bất công đến như thế? Nhưng bạn ạ, tất cả đều xảy ra theo đúng LUẬT NHÂN QUẢ: “CÁC PHÁP DO DUYÊN SANH” như Phật đã dạy. Bất cứ chuyện gì xảy ra, dầu vừa ý hay không vừa ý, đều là SỰ THẬT, do NHÂN đã đủ, do DUYÊN đã đủ, thì QUẢ như vậy phải xảy ra thôi. Không thể khác thế được.
Nếu chúng ta là những người con Phật có Trí Huệ thì đừng bao giờ GIẬN HỜN MỘT SỰ THẬT đã xảy ra cả. Bất chấp sự thật nó oan trái oái ăm làm phật lòng ta đến cỡ nào, thì nó vẫn là SỰ THẬT. Nói như vậy không có nghĩa là ta không nên la rầy, khiển trách ai đã gây nên một chuyện không hay xảy ra. Sự sửa chữa luôn luôn vẫn cần thiết để ngăn chận sự tái diễn. Tuy nhiên sửa chữa thì vẫn cố gắng sửa chữa, nhưng không cần phải tạo bực mình hay khổ não vì chuyện đã xảy ra rồi. Đó là thái độ sống không chống đối SỰ THẬT của một bậc đã GIÁC NGỘ lý Duyên Khởi hay Luật Nhân Quả.