Nguyên tác: Hòa thượng Walpola Rahula - Người dịch: Lê Kim Kha
Lời Tựa
“Những Điều Phật Đã Dạy” là một trong những quyển sách nói về Phật học bán chạy nhất ở các nước phương Tây, được dịch ra nhiều thứ tiếng và được tái bản nhiều lần kể từ khi nó được xuất bản đầu tiên vào năm 1958 tại London.
Quyển sách thích hợp cho mọi người thuộc nhiều trình độ kiến thức khác nhau về Phật học. Nó gồm những chương viết về Tứ Diệu Đế, Thiền Phật giáo, Triết lý Vô Ngã, các phương pháp Thiền trong cuộc sống… và các bản dịch của nhiều Kinh nguyên thủy, ghi lại những lời dạy của Đức Phật. Tôi tin chắc rằng “Những Điều Phật Đã Dạy” là một quyển sách tham khảo cực kỳ giá trị cho bất cứ ai quan tâm và muốn biết về Phật giáo. Bất kể người đã theo học Phật từ lâu, thì người đó sẽ luôn khám phá ra điều mới mẻ hoặc bổ sung một cách thỏa mãn hơn những kiến thức về Phật học mà người ấy đã học trước đó.
Nhiều người phương Tây viếng thăm Thái Lan, miền đất của những Chùa chiềng xinh đẹp hoặc đến những nước phương Đông khác cũng sẽ tìm thấy quyển sách này là một quyển sách lý tưởng để họ đọc và tìm hiểu về Phật giáo.
Cầu mong cho Chân Lý được thấy bởi mọi người.
Thượng tọa Chaokhun Phra Metheevorrayarn
Chùa Wat Raja-o-rasaram
Chomthong (Bangkhutien),
Bangkok.
Lời Giới Thiệu
Của Giáo sư Paul Demie’ville
Thành viên Viện Hàn Lâm Pháp Quốc
Giáo sư trường Đại Học Pháp Quốc
Giám đốc Khoa Nghiên Cứu Phật-học, trường Cao học (Paris)
Quyển sách này trình bày về Phật giáo bằng một tinh thần hiện đại bởi một trong những đại diện uyên bác của Phật giáo, một cao tăng ngộ đạo.
Hoà thượng Tiến sĩ Wapola Rahula đã tu học và tu tập tại Tích-Lan và đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong một tu viện hàng đầu (Tu viện Pirivena) ở đảo quốc này, nơi mà Giáo pháp của Đức Phật đã được truyền bá vào thời vua Asoka và được giữ nguyên vẹn bản sắc của truyền thống đó cho đến tận hôm nay. Dù vậy, sau khi được trưởng thành trong truyền thống tu học đó, để thích ứng với yêu cầu đối diện với tinh thần mới và những phương pháp nghiên cứu mang tính khoa học của quốc tế, Ngài theo học ở trường đại học Tích-Lan, rồi lấy bằng Cử Nhân Danh Dự (ở London), và sau đó lấy bằng Tiến sĩ Triết học tại Đại học Tích-Lan với luận án uyên thâm về “Lịch sử Phật Giáo của Tích Lan”.
Ngài đã làm việc cùng với những giáo sư danh tiếng ở Đại học Calcutta, Ấn Độ và có tiếp cận mật thiết với Phật giáo Đại Thừa, vốn là trường phái Phật giáo hiện hành từ Tây Tạng đến các nước Viễn Đông. Ngài đã quyết định đi vào nghiên cứu qua văn hệ Tây Tạng và Trung Hoa để mở rộng tầm hiểu biết thấu đáo của mình. Và chúng tôi được vinh dự có ngài đã trường Đại Học Paris (Sorbonne) của chúng tôi để thực hiện một nghiên cứu về Ngài Asanga (Vô Trước) - nhà triết học nghiên cứu lỗi lạc của Phật giáo Đại Thừa vốn được truyền tụng bằng tiếng Phạn mà những tác phẩm chính bằng tiếng Phạn đã bị thất lạc - và phải thực hiện nghiên cứu thông qua những bản dịch bằng tiếng Tây Tạng và Trung Hoa.
Từ đó đến nay (1958-ND) đã tám năm kể từ khi Tiến sĩ Rahula đến với trường chúng tôi, trong cà-sa y vàng, hít thở không khí ở Trời Tây, sưu tầm nghiên cứu trong “Ngàn năm gương cũ soi Kim Cổ” để tìm trong dòng “gương cũ” đó những ánh sáng phản chiếu bao trùm của Phật pháp.
Quyển sách này, Ngài nhờ tôi phổ cập ra các nước phương Tây, là một tác phẩm trình bày sáng tỏ về những nguyên lý nền tảng và cốt lõi của học thuyết Phật giáo vốn được tìm thấy trong các Văn bản Kinh cổ xưa, hay được gọi là ‘Kinh A Hàm’ (Agama) bằng tiếng Phạn[1] và trong những kinh bộ (Nikaya) thuộc Tam Tạng Kinh (Tipitaka) bằng tiếng Pali[2]. Tiến sĩ Rahula là người có kiến thức vô song về những tạng Kinh nguyên thủy này.
Phật giáo đã được lưu truyền, diễn dịch khác nhau qua nhiều thế kỷ và nhiều vùng rộng lớn khác nhau. Nhưng Phật giáo ở đây được trình bày bởi Tiến sĩ Rahula trong quyển sách này – đầy tính nhân văn, hợp lý và rất khoa học – được củng cố vững chắc bởi rất nhiều bằng chứng chính thống của các Kinh tạng nguyên thủy, đã tự nói lên tất cả, cứ như Ngài chỉ đọc lại giùm chúng ta nghe mà thôi.
Khi giảng giải về những trích dẫn, Ngài luôn diễn dịch nghĩa từ và nghĩa ý một cách chính xác, rất rõ ràng, đơn giản, trực tâm và không hề làm ra vẻ thông thái khách sáo. Một số giảng giải có thể dẫn đến thảo luận thêm, đó là lúc mà Ngài muốn khám phá lại từ trong Kinh điển nguyên thủy tiếng Pali tất cả những triết lý của Phật giáo Đại thừa. Và sự biết rành về nguồn kinh tạng Pali này đã giúp Ngài mang lại một nguồn ánh sáng mới cho việc làm đó.
Ngài thể hiện mình là một người hiện đại, nhưng ngài cố gắng tránh những so sánh, đối đãi này nọ với các dòng tư tưởng khác của thế giới đương đại.
Xin dành cho độc giả sẽ đánh giá tính hiện đại, khả năng ứng dụng của một học thuyết (Phật giáo) từ trong tác phẩm học thuật này, với những giảng giải giàu tính nguyên thủy nhất mà Ngài đã trình bày.
Giáo sư Paul Demie’ville
Lời Mở Đầu
Cả thế giới hôm nay ngày càng quan tâm đến Phật giáo. Nhiều trường lớp và nhóm nghiên cứu đã hình thành và nhiều số lượng sách về Phật giáo đã xuất hiện.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là những quyển sách được viết bởi những người không thật sự có đủ năng lực hoặc có những người đưa vào trong tác phẩm của mình những nhận định từ những tôn giáo khác gây ra những sai lệch. Chẳng hạn có một giáo sư vừa mới viết một quyển sách về Phật giáo, thậm chí không biết được Ananda , thị giả thân cận của Đức Phật, là một Tỳ kheo (tu sĩ), mà cho rằng Ananda là một cư sĩ!. Kiến thức về Phật giáo được truyền bá trong những quyển sách loại này xin để cho độc giả tự tưởng tượng là như thế nào.
Tôi đã cố gắng viết quyển sách bé nhỏ này để gửi đến chung đến nhiều độc giả đã có học vấn và trí tuệ, nhưng chưa có được hiểu biết đặc biệt gì về Phật giáo; và muốn biết được những điều Phật đã dạy thật sự là gì. Và vì lợi ích của những độc giả này, tôi cố gắng trình bày các đề tài một cách trung thành và chính xác những ngôn từ thật sự được dùng bởi Đức Phật, một cách ngắn gọn, trực tiếp và giản dị nhất, y như chúng đã được ghi lại trong Tam Tạng Pali (Tipitaka) mà các học giả đều công nhận là những ghi chép cổ xưa nguyên thủy nhất của về những lời dạy của Đức Phật. Những trích dẫn ở trong quyển sách này đều được lấy trực tiếp từ những tạng Kinh nguyên thủy đó. Chỉ có vài chỗ khác, tôi cũng tham chiếu trích dẫn thêm từ trong những trước tác ra đời sau các tạng Kinh gốc.
Tôi cũng nghĩ đến những độc giả vốn đã có được một số kiến thức về những điều Phật dạy và muốn đi sâu hơn nữa để học hỏi thêm. Vì vậy, tôi cũng cung cấp đính kèm không chỉ các những “Thuật ngữ” chính bằng tiếng Pali, mà còn thêm phần tham khảo nguyên văn dưới phần “Chú Thích” ở cuối mỗi trang và một thư mục những sách chọn lọc để tham khảo về Phật học.
Khó khăn của tôi cũng có nhiều thứ: Trong suốt quyển sách, tôi đã cố gắng trình bày sao cho những người còn xa lạ và những người đã quen thuộc (với Phật giáo), làm cho các độc giả hiện đại hiểu được và hiểu đúng, mà không phải làm mất đi bất kỳ ý nghĩa và hình thức nào của các bài giảng của Đức Phật.
Khi viết quyển sách này, các bài Kinh cổ xưa trôi chảy trong trí óc tôi, tôi rất thận trọng giữ nguyên vẹn các từ đồng nghĩa và các ngôn từ lặp đi lặp lại, vốn là một phần của các lời thuyết pháp của Đức Phật được truyền miệng đến chúng ta ngày hôm nay, mục đích là để cho độc giả mường tượng được cách thuyết giảng mà Đức Phật đã hay sử dụng. Tôi cố gắng giữ nghĩa dịch gần sát nghĩa như văn bản gốc của Kinh nguyên thủy; và cố gắng làm cho các câu từ được trích dịch trở nên dễ dàng và dễ đọc.
Nhưng một điều nữa là rất khó mà trình bày một ý tưởng, ý nghĩa mà không làm mất đi ít nhiều sự dung dị, giản dị của một số nghĩa riêng biệt mà Đức Phật đã muốn khai giảng như vậy. Như tựa sách “Những Điều Phật Đã Dạy” đã được chọn cho quyển sách này, tôi cảm thấy thật sai trái nếu không trích dẫn ra những từ ngữ và cả những hình ảnh minh họa mà Đức Phật đã dùng để giảng dạy, hơn là chỉ ưu tiên diễn dịch với một sự hài lòng nào đó mà vẫn còn rủi ro là làm sai lệch ý nghĩa thật sự.
Tôi đã trình bày trong quyển sách này hầu hết mọi điều đã được khắp nơi chấp nhận là những giáo pháp cốt lõi và nền tảng của Đức Phật. Đó là các học thuyết về Tứ Diệu Đế, về Bát Chánh Đạo, về Năm Uẩn, về Nghiệp, về Tái Sinh, về Duyên Khởi (Paticcasamuppada), về Thuyết Vô Ngã (Anatta), về Bốn Nền Tảng Chánh Niệm (Satipatthana, Tứ Niệm Xứ).
Lẽ tự nhiên là có những diễn đạt khó mà quen thuộc đối với những độc giả phương Tây. Tôi xin gợi ý rằng nếu là một độc giả phương Tây, người ấy nên bắt đầu bằng Chương I, rồi đọc sang các Chương V, VII, VIII, rồi sau đó quay trở lại Chương II, III, IV và VI sau khi các định nghĩa chung đã được làm rõ và sống động hơn.
Một điều nữa là: không thể nào viết một quyển sách về những lời Phật đã dạy mà không đưa ra được những “Chủ Đề” của giáo lý mà cả hai trường phái Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada) và Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana) đều chấp nhận đúng là nền tảng tư tưởng của mình.
Theravada-Hinayana (‘Chiếc Xe Nhỏ’, trước đây gọi là ‘Tiểu Thừa’) không được dùng nữa, mà được gọi là Trường Phái Trưởng Lão (Theras) và Phật Giáo Đại Thừa (‘Chiếc Xe Lớn’) là hai trường phái lớn nhất của Phật Giáo ngày nay.
Theravada hay Trường Phái Trưởng Lão được coi là Phật Giáo Nguyên thủy chính thống, được phát triển ở các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào và Chittagong ở miền Đông Pakistan. Trường phái Đại Thừa được phát triển sau này và được thịnh hành rộng rãi ở các quốc gia Phật Giáo khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Việt Nam, Triều Tiên …. Có những khác biệt giữa hai trường phái, chủ yếu là về một số niềm tin, cách tu tập và nghi thức (về giới luật và lễ nghi), tuy nhiên những giáo pháp quan trọng được đề cập và bàn luận trong quyển sách này đều được hai trường phái Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa nhất trí giống nhau.
Còn một điều tôi cần làm là nói lời cảm tạ đến Giáo sư E.F.C.Ludowyk, là người đã mời tôi viết quyển sách này, vì tất cả những sự giúp đỡ mà ông đã dành cho tôi, vì những sự quan tâm và những gợi ý ông dành cho quyển sách, và cũng nhờ ông đã dành thời gian để đọc lại bản thảo của tôi. Lời cảm tạ sâu sắc cũng dành cho cô Miss Marianne Mohn, người đã đọc hết bản thảo và đưa ra những gợi ý hiệu chỉnh quý giá. Cuối cùng, tôi thật sự mang ơn Giáo sư Paul Demie’ville, người thầy của tôi ở Paris, đã viết “Lời Tựa” tốt đẹp cho quyển sách này .
W. RAHULA
Paris, Tháng Bảy, 1958
Lời người dịch
Tôi tình cờ tìm thấy một ấn bản gốc của quyển sách này khi thăm viếng ngôi Chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaew) ở Bangkok, Thái Lan, ấn bản này được tái bản năm 2010 tại Thái Lan (ấn bản đầu tiên của tác giả được xuất bản lần đầu tiên năm 1958 tại London).
Tôi đọc qua và thật thú vị nhận thấy rằng, đây là một quyển sách quý giá, ở đó chúng ta tìm thấy những bằng chứng chính xác từ Kinh điển Pali cổ xưa và những giáo lý cơ bản được trích dẫn này đều được chấp nhận là giáo lý chung bởi hai trường phái chính của Phật giáo: Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Nguyên Thủy.
Những giảng giải được tác giả dẫn dắt cùng với hàng trăm dữ liệu và trích dẫn quan trọng mà ngài công phu chọn lọc từ kho tàng Tam Tạng Kinh Pali và cả những kinh, luận giảng của Phật Giáo Đại Thừa (như Kinh Lăng-già; A-tì-đạt-ma Tập luận, Ðại Thừa Nhập Lăng-già của ngài Vô Trước; Trung Quán Luận của ngài Long Thọ). Quý độc giả sẽ tìm được những thông tin giải thích quý giá trong những phần “Chú Thích” ở cuối mỗi trang.
Và vì những điều đó, quyển sách này, (như độc giả đã đọc qua phần giới thiệu trên đây của Giaó sư Paul Demieville và tác giả Hòa thượng W. Rahula), sẽ là thích hợp và làm quan tâm tất cả mọi người, từ những Phật tử sơ cơ mới tìm hiểu Phật pháp cho đến những cư sĩ tại gia, và các Tăng Ni xuất gia đã từng có cơ duyên tự học đạo Phật, cho đến những sinh viên Phật giáo hay đang nghiên cứu Phật giáo như một bộ môn: Họ sẽ tìm thấy, tìm thấy lại, hiểu thêm cũng như chiêm nghiệm lại về những lời dạy của Đức Phật một lần hay nhiều lần nữa, thông qua lối viết thật dung dị mà sâu sắc, bóng bẩy mà chân thực của tác giả, một nhà học thuật lỗi lạc, một Hoà thượng ngộ đạo.
Khi tham khảo một số thuật ngữ chuyên môn bằng tiếng Pali, tiếng Anh được nghiên cứu và sử dụng bởi các Thầy Tổ trước đây, tôi cũng vô tình nhận ra quyển sách này cũng đã từng được biên dịch bởi Ni sư Trí Hải năm 1966 mang tên “Con Đường Thoát Khổ”. Tôi có phần nhận thấy là trong nưa thế kỷ trở về trước, xứ mình còn sử dụng ngôn ngữ gồm nhiều từ ngữ Hán Việt. Thiết nghĩ ngày nay rất nhiều Phật tử ngày nay khó mà có được vốn từ như vậy để họ bắt đầu tìm hiểu về Phật giáo qua Hán Việt. Đó là những Phật tử lớn tuổi ở những miền nông thôn xa xôi, vốn không được tiếp cận với nhiều sách vở giáo dục trong những thập niên đầy chiến tranh trước kia. Đó là những Phật tử trẻ tuổi hôm nay đã và đang học kiến thức Phật pháp, cũng như những học sinh trung học, sinh viên đại học...vốn cũng không dễ dàng hiểu được ngay ý nghĩa của các từ ngữ Phật học bằng tiếng Hán Việt.
Rồi với sự động viên của các quý thầy ở Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, tôi cố gắng nghiên cứu, tham khảo cẩn thận để dịch quyển sách này tiếng Việt để các độc giả nói trên dễ dàng hiểu rõ nghĩa và ý nghĩa của những lời dạy của Đức Phật.
Nhiều chỗ chủ đề của giáo lý sâu xa, sau khi dịch ra tiếng Việt, tôi cũng cố gắng mở ngoặc từ Hán Việt tương đương, để cho nhiều người đã quen học các thuật ngữ này cũng dễ dàng nhận ra. Ví dụ: Bất an và lo lắng (Trạo hối), Bảy Yếu Tố Giác Ngộ (Thất Giác Chi)…Nhiều chỗ như vậy, tôi đều tham khảo những trước tác cũng như các nguồn tư liệu khác nhau một cách cẩn thận và dùng lại một số danh tính từ Hán Việt, một khi về khách quan tiếng thuần Việt vẫn chưa đủ vốn từ và sự “giàu nghĩa” để diễn đạt trong những trường hợp đó. Tôi tri ơn cố Ni Sư Trí Hải nhờ một số tham khảo về thuật ngữ đã được dùng bởi Ni Sư, một học giả xuất gia đáng tự hào của giới Phật học Việt Nam.
Nhưng mục đích cũng là để cho người đọc sẽ đọc dễ dàng một quyển sách hay một bản Kinh bằng tư duy tiếng Việt mà chúng ta nghe, nói, đọc, viết hằng ngày mà không phải tư duy qua một ngôn ngữ khác để hiểu. Đối với các Tăng Ni, nhà nghiên cứu, sinh viên Phật học…đang nghiên cứu Phật học bằng nhiều thứ tiếng, xin gợi ý quý vị có thể tham khảo thêm bản gốc bằng tiếng Anh của quyển sách được phát hành ở rất nhiều nhà sách trên thế giới hay trang điện tử như: quangduc.com/ whatbuddhataught hay sridb.com.
Phần cuối của quyển sách là những trích dịch một số Kinh nguyên thủy quan trọng mà tác giả đã đích thân chọn dịch và “gửi gấm” vào quyển sách này. Sự gửi gấm là:
“Phật giáo khai giảng bằng Lẽ Thật của cuộc đời và Chân lý của thế giới (Kinh Chuyển Pháp Luân), chứ không phải một cái gì để tôn thờ như trong một tín ngưỡng; Đạo Phật cũng chỉ dạy về lòng yêu thương dành cho đồng loại và chúng sinh, - về quan niệm hạnh phúc, điều lành và điều xấu, và quan niệm sống, quan hệ gia đình, xã hội, kinh tế…trong hằng ngày để có được hạnh phúc và điều lành đó (Kinh Lòng Từ, Kinh Điềm Lành, Kinh Lời Khuyên Dạy Sagala); - về những cách tu tập căn bản dành cho cả những tu sĩ lẫn cư sĩ tại gia (Kinh Phòng Trừ Tất Cả Âu Lo & Phiền Não, Kinh Ví Dụ Về Tấm Vải, Kinh Niệm Xứ), mà chỉ cần như vậy và làm đúng theo hướng dẫn như vậy của Đức Phật, một người đã có thể hoàn toàn tu tập tốt, thậm chí có hàng ngàn người đã có thể giác ngộ vào thời Đức Phật thuyết giảng”. Những Kinh này chắc chắn là một bản dịch công phu từ kinh Pali cổ xưa nhất, với trình độ ngôn ngữ và tu học uyên bác của Ngài.
Qua hơn nữa thế kỷ từ lúc phát hành trên thế giới, quyển sách được cho là hay nhất, có thể gọi đây là một luận án công phu về Phật học, không đồ sộ nhưng khá đầy đủ về những “ý nghĩa cốt lõi” của Phật giáo. Vì vậy, quyển sách này có thể được dùng như một tư liệu trích dẫn trong quá trình dạy và học bởi các Tăng, Ni và Tăng sinh trong những khóa học chính quy ở các trường, những đạo tràng.
Tôi thầm mang ơn những người thầy: HT. Thích Thanh Từ, TT. Thích Thông Phương (Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt), bằng những gặp gỡ và những giảng dạy của các thầy, tôi đã học được nhiều ý nghĩa cao đẹp trong ánh sáng Phật Pháp.
Nhiều lời cảm ơn cũng dành cho các quý thầy Khế Định, Thông Kim, Bảo Tú, Khả Kiến (thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, thiền viện Thường Chiếu), các thầy đã gần gũi và động viên tôi thật nhiều trên bước đường học Phật và làm Phật sự ở Việt Nam.
Trong đó, sự mang ơn khó quên dành cho thầy Thích Trúc Thông Tịnh, người đã dành nhiều thời gian nhất để giúp đỡ tôi hàng ngày trong nhiều năm làm Phật sự, ấn hành kinh sách, và cũng chính là người thầy đã khích lệ tôi nỗ lực chuyển dịch quyển sách này ra tiếng Việt và thầy là một trong những người giúp đọc lại bản thảo.
Cảm ơn những Phật tử Nguyễn Thị Thu Nga, Ngô Đức Lân, Lê Hoàng Phi, Nguyễn Thị Thu Nga, Lê Kim Hân và ban ấn hành đã miệt mài giúp đỡ tôi trong việc đánh máy, hiệu chỉnh bản dịch.
Vì trình độ tu học có hạn so với biển tri thức không dễ lãnh ngộ hết được và những sơ xuất không thể tránh được trong khi soạn thảo và ấn hành, kính mong các độc giả vui lòng cảm thông và góp ý, bổ sung cho quyển sách này.
Đà Lạt, cuối Đông năm Canh Dần, 2010 (Phật Lịch 2554)
Lê Kim Kha
----------------------------------------[1] Gồm 4 bộ là: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và Tạp A Hàm.
[2] Gồm 5 kinh bộ Nikaya là: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh.