- Mở Đầu
- Tiểu Sử Bồ Tát Thế Thân
- Duy Thức Tam Thập Tụng
- Ba Mươi Bài Tụng Duy Thức
- Chương I Các Thức Năng Biến Trong Duy Thức Học
- Chương Ii Đại Cương Về A Lại Da Thức
- Chương Iii Đặc Tánh Của A Lại Da Thức
- Chương Iv Mạt Na Thức
- Chương V Liễu Biệt Cảnh Thức
- Chương Vi Các Tâm Sở Thiện, Phiền Não Và Bất Tịnh
- Chương Vii Sắc Pháp Và Tiền Lục Thức
- Chương Viii Duyên Cảnh Và Lượng
- Chương Ix Căn Thân Và Thế Giới
- Chương X Bất Tương Ưng Hành Pháp
- Chương Xi Tam Tánh
- Chương Xii Tam Vô Tánh
- Chương Xiii Các Địa Vị Tu Tập
- Chương Xiv Tóm Tắt
- Tìm Một Hướng Đi
Thích Trí Châu
Thanh Lương Thiền Thất - Phật Lịch 2549, 2005
TIỂU SỬ BỒ TÁT THẾ THÂN
Bồ tát Thế Thân sanh tại Bá Lộ Sa (Purusapura) còn gọi là Phú Lâu Sa Bổ La, bây giờ là thành phố Peshawar thuộc vương quốc Kiền Đà La (Gandhara) ở Bắc Ấn vào khoảng năm 316 Tây Lịch tức 860 năm sau khi đức Phật diệt độ. Ngài là người con thứ hai của một gia đình Bà La Môn, cha là Kiều Thi Ca (Kausika), mẹ là Tỷ Lân Trì (Virinci).
Khi ngài mới ra đời thì anh ngài là Vô Trước (Asanga) đã là tu sĩ theo Phật Giáo Đại Thừa. Ngài có người em là Tỷ Lân Trì Tử (Virincivatsa), theo Phật Giáo Tiểu Thừa. Riêng ngài thì thuở ban đầu theo Phật Giáo Tiểu Thừa, về sau được ngài Vô Trước điểm hóa nên chuyển theo Đại Thừa.
Tên tiếng Phạn của ngài là Vasubandhu, dịch âm là Bà Tu Bàn Đầu, có nghĩa là vị thân thuộc của trời nên dịch theo nghĩa là Thế Thân hoặc Thiên Thân. Còn tên của anh ngài có nghĩa là không chấp chước tức không bị dính mắc vào đâu cả. Tên của em ngài thì lấy theo tên mẹ, Tỷ Lân Trì (Virinci) là tên mẹ, Tử (vatsa) là con.
Vô Trước tu theo Đại
thừa, vì muốn giác ngộ lý rốt ráo của các kinh điển nên ngài bỏ vào rừng tu
thiền định trong suốt 12 năm. Theo truyền thuyết thì ngài đã nhập định lên cõi
trời Đâu Xuất và được bồ tát Di Lặc đọc cho năm bộ luận để truyền lại cho hậu
thế. Năm bộ luận đó là:
1. Du Già Sư Địa Luận
2. Đại Thừa Trang Nghiêm
Kinh Luận
3. Thập Địa Kinh Luận
4. Trung Biên Phân Biệt
Luận
5. Kim Cang Bát Nhã Luận
Ban đầu Thế Thân theo học với phái Nhất Thiết Hữu Bộ thuộc Tiểu Thừa, lấy Đại Tỳ Bà Sa Luận (Vaibhasika) làm căn bản. Khi nghiên cứu luận Đại Tỳ Bà Sa, có nhiều điểm ngài còn nghi ngờ nên ngài hóa trang để đi đến Ca Thấp Di La tức Kashmir bây giờ để điều nghiên thêm về Đại Tỳ Bà Sa vì Ca Thấp Di La là nơi giảng giải luận chính thống Đại Tỳ Bà Sa.
Tại Ca Thấp Di La, ngài nhập chúng và theo học với ngài Ngộ Nhập được 4 năm, trong khoảng năm 342 đến 346 Tây Lịch.
Bị phiền não vì Thế Thân hay đưa ra những ý kiến riêng để lập luận và bác bỏ những phân tích quá giáo điều và chi li của các vị thầy, ngài Ngộ Nhập bèn nhập định và biết được Thế Thân không thuộc hệ phái của Ca Thấp Di La. Ngài liền khuyên Thế Thân nên trở về Kiền Đà La trước khi bị nguy hiểm vì chân tướng bị phát giác.
Thế Thân trở về Kiền Đà La, chuẩn bị thực hiện một dự án vĩ đại mà ngài có trong đầu từ lâu. Để không bị bó buộc và thực hiện được dự án của mình, Thế Thân ở tịnh xá riêng trong trung tâm của Bá Lộ Sa, tự túc sinh sống bằng cách thuyết giảng giáo lý Phật Đà cho công chúng. Cứ sau mỗi buổi thuyết giảng, ngài đúc kết những lời giảng thành những bài kệ, tất cả tổng cộng đến hơn 600 bài kệ, giải nghĩa toàn thể hệ thống Đại Tỳ Bà Sa, tạo thành bộ A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Abhidharma-kosa), nói lên tất cả những chỗ thiếu sót và không hợp lý của Đại Tỳ Bà Sa và trình bầy kiến giải của mình. Bộ luận nầy cũng được gởi đến Ca Thấp Di La theo lời yêu cầu của những học giả ngưỡng mộ ngài ở địa phương đó.
Chúng Hiền (Sanghabhadra) là một luận sư về chính thống Đại Tỳ Bà Sa, đã từng cùng với Thế Thân tham học với ngài Ngộ Nhập ở Ca Thấp Di La, nghe ngài Thế Thân sau khi tham học về đã làm luận Câu Xá bài phá nhiều điểm cổ truyền của bản tông, liền viết ra hai bộ luận gọi là phá tà hiển chánh, A Tỳ Đạt Ma Bảo Luận và A Tỳ Đạt Ma Hiển Tông Luận, để phản bác lại luận cứ của ngài Thế Thân.
Tuy nhiên vì hai bộ nầy chấp theo cựu thuyết nên nội dung còn nhiều chỗ lủng củng không được thông suốt nên các học giả trong Hữu Bộ khi nghiên cứu giáo lý bản phái chỉ tham cứu bộ A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận của ngài Thế Thân mà thôi, còn hai bộ luận của ngài Chúng Hiền biên soạn thì bị coi là phản bội với giáo nghĩa của Hữu Bộ. Câu Xá Luận sau này được gọi là Tân Tỳ Bà Sa Luận, và ngài Thế Thân được coi là tân giáo chủ của phái Hữu Bộ. Sau khi đúc kết xong bộ Câu Xá Luận, Thế Thân thường du phương hoằng hóa. Cho tới bấy giờ ngài không những không thèm để ý đến những bộ luận Du Già của người anh mà còn phỉ báng tất cả các kinh luận Đại Thừa, cho đó chỉ là lý thuyết suông.
Biết được thái độ của nguời em như vậy, Vô Trước quyết đưa em mình vào con đường Đại Thừa. Ngài phái hai đệ tử mang kinh luận Đại Thừa đến tìm cách đọc cho Thế Thân nghe. Sau khi nghe hết các bộ kinh và luận Đại Thừa đó, Thế Thân nhận ra Phật Giáo Đại Thừa thật ra rất thâm sâu cả về lý thuyết lẫn thực hành, chứ không phải chỉ lý thuyết suông như ngài hằng nghĩ trước kia. Hối hận vì xưa kia đã phỉ báng Đại Thừa, ngài muốn cắt lưỡi tự tử. Các đệ tử của Vô Trước vội khuyên can và khẩn thiết yêu cầu ngài tới thăm Vô Trước.
Thế Thân trở về Bá Lộ Sa gặp Vô Trước và trong cuộc đàm luận với người anh về Phật Giáo Đại Thừa, ngài đã nắm được các yếu chỉ của giáo lý Đại Thừa. Vô Trước khuyên Thế Thân không nên tự tử mà nên dùng tài uyên bác của mình để quảng bá giáo lý Đại Thừa hầu chuộc lại lỗi lầm phỉ báng Đại Thừa khi xưa.
Cũng có thuyết cho rằng vì muốn thuyết phục em mình quay về với Đại Thừa, Vô Trước đã viết thư cho Thế Thân báo rằng mình đang đau nặng và chỉ có thể yên tâm nhắm mắt nếu Thế Thân hứa làm cho một việc, đó là đọc tất cả các kinh Đại Thừa cho mình nghe. Dĩ nhiên là Thế Thân bằng lòng thỏa mãn lời yêu cầu của người anh. Sau khi đọc hết các bộ kinh Đại Thừa mà Vô Trước đưa cho, Thế Thân hoát nhiên ngộ nhập được ý nghĩa thâm sâu của Đại Thừa. Ngài hối hận tỏ ý muốn cắt lưỡi tự tử để tạ cái tội đã phỉ báng Đại Thừa, nhưng Vô Trước đã can ngăn và khuyên ngài hãy dùng cái lưỡi đã phỉ báng Đại Thừa khi xưa để hoằng dương chánh pháp Đại Thừa.
Từ đó về sau, Thế Thân chỉ chuyên tu trì, nghiên cứu, hoằng dương và trước tác các luận giải thuộc Đại Thừa mà thôi. Ngài trước tác trên 500 luận giải Đại Thừa, trong đó có các luận giải sau:
1. Chú giải về Trung
Biên Phân Biệt Luận
2. Duy Thức Nhị Thập
Tụng và chú giải
3. Đại Thừa Bách Pháp
Minh Môn Luận
4. Duy Thức Tam Thập
Tụng
5. Tam Tự Tánh
6. Phật Tánh Luận