KHÔNG CÓ KẺ THÙ
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Thời Đại 2011
Chương 3: Tâm tưởng hận thù
SÁT SANH TRONG TƯ TƯỞNG
Khi chia sẻ một vài quan điểm hóa giải lòng hận thù theo tinh thần đức Phật dạy ở hai phần đầu, chúng tôi có đề cập đến câu chuyện ngụ ngôn trong kinh Đại Bảo Tích, liên hệ về phản ứng của sư tử và chó trước một khúc xương. Câu chuyện ngụ ngôn đó nói về đối tượng của lòng thù hận chính nó đã tạo ra khổ đau cho con người.
Con chó nghĩ rằng cục xương là tác nhân tạo ra sự đau đớn thân xác của chúng nên đã cấu xé khúc xương. Sư tử, ngược lại, biết rất rõ tác nhân không phải là khúc xương mà là con người, nên định hướng được nơi mà khúc xương xuất phát.
Phật dạy, ta nhìn nhận tác nhân không phải nằm ở sự kiện, sự vật, ngay cả con người, mà nằm ở lòng tham, sân, si của người thiếu sự kiểm soát tâm. Trong cuộc sống nhiều người có khuynh hướng tâm lý ngã hóa đối tượng, tức là hình dung đối tượng đã tạo ra nỗi khổ niềm đau cho mình và định vị đối tượng đó. Thay vì, thấy rõ được con người là do hợp thể của năm uẩn tạo thành thì ta lại đi mê mẩn cái giả tạm đó. Tiến trình ngã hóa đối tượng làm cho con người tìm kiếm cơ hội để phóng thích nỗi khổ niềm đau qua lòng thù hận.
Nhiều nơi trên thế giới, có thói quen trút bỏ lòng thù hận lên hình nộm của người bị ghét, để không ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống của người đó. Khi ghét người nào họ làm hình nộm của người đó, rồi đọc bản tuyên án, cầm dao, gậy, bật lửa để đánh đập, đốt hình nộm đó.
Làm như vậy họ cảm thấy thỏa mãn cơn tức giận và an toàn hơn; trong khi trả thù trực tiếp thì sẽ bị luật pháp cầm tù, ảnh hưởng đến công ăn, việc làm, sự nghiệp, hạnh phúc. Đó là sự phóng thích lòng thù hận theo hướng “ngã hóa” đối tượng qua hình nộm. Có người dùng hình phóng to để thay thế hình
nộm, rồi đốt như hành động rửa hận. Có người khắc tên kẻ thù trên khúc cây, mảnh gỗ, rồi dùng dao chặt bằm khúc cây ra nhiều mảnh, nghĩ rằng họ đang băm dằm thân thể của kẻ thù.
Dù bất cứ hình thức nào thì tiến trình ngã hóa đối tượng cũng đã làm cho lòng thù hận có cơ hội gia tăng. Mặc dù đối với pháp luật, kẻ trả thù hình nộm được xem là không có tội, nhưng trong nhân quả đạo đức, người đó đã sát sanh trong tâm tưởng. Tức là hành động sát sinh bằng tâm ý đã được gieo, có sự hưởng ứng, sự đồng tình của nhiều người đang gieo trồng chung một cộng nghiệp trả thù bằng tâm thức, mà tác hại của nó không thua kém gì so với tác hại của một hành động giết người cụ thể.
Hành động thường được thể hiện qua ba khuynh hướng: Hành động của thân thể, lời nói và chữ viết, tâm tư duy với kế hoạch hay những âm mưu.
Hành động của tâm còn nguy hại hơn những hành động cụ thể. Trong hành động cụ thể, chẳng hạn, khi bắn giặc chết nghĩa sĩ có thể ngưng bắn để không phí đạn. Còn hành động ngã hóa đối tượng là bắn, chặt, giết bằng tâm, nên động tác giết hại diễn ra nhiều lần như thể chết nhiều lần. Sự trả thù này chỉ làm cho người sân hận thoả mãn cơn tức giận trong ảo giác. Bất cứ cái gì có thể hình dung đều được sử dụng như công cụ ngã hóa kẻ thù bằng hình nộm, tranh ảnh để tha hồ giết đốt. Kẻ thù không chết thật nhưng nghiệp sát là có thật.
Có người ngã hóa đối tượng theo cách giết người trong giấc mộng. Khi ức chế không giải phóng được, con người có khuynh hướng mang vào giấc ngủ, giấc mơ tạo ra ác mộng để tự thỏa mãn. Ý thức giết người trong mộng để trả thù cũng là nghiệp sát của tâm, cần được chuyển hóa.
Học đạo đức của Bồ tát phân tích, rằng tác nhân chính yếu của hành động nằm ở tâm. Một người được gọi là đạo đức không chỉ được đánh dấu qua những biểu đạt của thân và khẩu. Người giỏi về ngoại giao thường là người thâm thúy, có thể không thể hiện ra ngoài nhưng trong dòng cảm xúc của họ vẫn nghĩ đến hoặc tán đồng các hành vi sát hại.
Hãy trưởng dưỡng lòng từ bi để tất cả những nghiệp thù hận được tháo gỡ và chuyển hóa. Hành động giúp đỡ với động cơ tốt mới thật sự là một thiện sự đúng ý nghĩa, bằng không chưa chắc đã có giá trị tốt đẹp cho cuộc đời.
Như vậy tiến trình ngã hóa có thể thực hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, mỗi người hình dung ra một cách để thỏa mãn bằng hành động, tư duy hay bất cứ một hình thức nào, làm thương tổn trực tiếp hay gián tiếp đến người khác.
Trong công nghệ ăn chay ngày nay, có thể nói rằng Đài Loan là một trong những xứ sở tiên phong tạo ra khuynh hướng ngã hóa đối tượng của việc ăn chay. Lúc đầu, công nghệ thực phẩm chay giả mặn được hình thành với một thiện ý. Thay vì để thực khách ăn thịt những con vật thật thì họ tạo ra những món chay giả các loại thịt cá bằng tàu hủ, mì căn để cho người ăn bớt đi nghiệp sát. Khẩu vị tiếp xúc thì giống nhau nhưng nghiệp sát mạng sống thật thì không có. Thiện chí đó có ý nghĩa dẫn dụ người chưa quen ăn chay.
Về lâu dài, thực phẩm chay được sản xuất theo công nghệ dây chuyền và trở nên phổ biến khắp thế giới. Dĩ nhiên tác dụng lúc đầu của nó không còn nữa. Hiện nay thực phẩm chay giả mặn được sản xuất với hình thù và mùi vị y hệt như thịt cá thật. Nếu có dịp thưởng thức nước mắm chay thì quý vị sẽ cảm nhận được hương vị của nước mắm cá thu không khác chút nào. Tương tự mắm ruốc chay hay các loại cá chay, đùi gà chay, tôm sú, tôm càng chay v.v... không còn hương vị chay tịnh nữa, tanh hôi vô cùng. Ăn những thực phẩm đó nếu không biết trước là đồ chay giả mặn thì không thể phân biệt được giữa thật và giả. Vô tình ta đang ngã hóa đối tượng các con cá, gà thành các hình thù thực phẩm chay. Trong hành động ăn chay đó, ta vẫn đang tiếp tục gieo trồng các hạt giống của sát hại bằng tâm nghĩa là sát sanh trong tư tưởng, do đó nghiệp sát trong tâm cũng khó có thể hóa giải.
Cần loại trừ thói quen tiêu thụ các thực phẩm chay giả mặn. Về phương diện y học, các thực phẩm đó không có dưỡng chất và chứa nhiều độc tố. Hạt giống của tâm sát hại vô tình vẫn được tồn tại dưới dạng tùy miên, tức là ngủ ngầm trong tạng thức con người. Lúc ăn những đồ chay giả mặn, hạt giống sát hại thầm lặng được xúc tác, tưới tẩm và nuôi lớn. Ăn loại thực phẩm chay giả mặn chẳng khác nào ăn những động vật thật, dưới góc độ tâm tưởng. Để xóa bỏ được lòng thù hận ta phải dẹp bỏ tiến trình ngã hóa đối tượng.
BÌNH NGUYÊN TƯƠI MÁT
Trong giới luật của người xuất gia có một điều khoản hỗ trợ cho đời sống hòa hợp của tập thể Tăng già, được gọi là “Như cỏ phủ đất”. Đây là một trong những nghệ thuật quý báu, giúp cho hai đối tượng đang trong tình trạng bất hòa có thể hoà giải trong hiểu biết. Hình ảnh cỏ phủ đều trên đất làm cho ta hình dung đó là một bình nguyên tươi mát, những màu xanh mang lại sức sống và không hề có những ổ gà, ổ voi.
Cỏ trải trên đất làm cho người bộ hành có cảm giác nhẹ nhàng an lạc từng bước chân và có lợi cho sức khoẻ. Bác sĩ vẫn khuyên ta nên đi bộ bằng chân không, để tiếp xúc với khí nitơ và cỏ, tạo ra dưỡng chất tốt. Nếu đi trên cỏ, tiếp xúc với cỏ, đất và khí nitơ thì sức khỏe sẽ gia tăng.
Đức Phật dạy, hãy quan sát mặt bằng của cỏ phẳng lì như vậy để khi có sự rầy rà, thù hận nào diễn ra thì nhanh chóng thực tập bỏ qua. Lúc đó không còn đặt vấn đề ai đúng ai sai. Cách thức đặt vấn đề ngã hóa đối tượng theo sự thù hận sẽ tan biến. Tiến trình của sự hóa giải hận thù được thiết lập và đem lại an lạc hạnh phúc cho đời sống cộng đồng.
Khi Tăng đoàn đã làm phép Yết ma, tức là biểu quyết tập thể, chấp nhận giải quyết vấn đề tranh chấp bất hòa giữa hai bên trên tinh thần “Ngã hóa đối tượng”, từ đó về sau nếu ai còn khơi gợi lại chuyện cũ để tạo ra mối hiềm khích trong quan hệ thì người đó sẽ bị lỗi nặng.
Đức Phật đã dùng nhiều phương pháp tạo dựng một cộng đồng hoà hợp, trong đó tất cả những gai góc của cảm xúc, sự cá biệt và bản ngã trong các mối quan hệ con người đều được san bằng để không ai bị thương tổn.
Trải cỏ trên đất là nghệ thuật hóa giải thù hận rất hay. Nếu áp dụng phương pháp này trong các mối quan hệ xã hội thì rất hữu dụng. Trong quan hệ gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em, những người láng giềng thậm chí giữa những người dưng nước lã, đặc biệt giữa những kẻ thù, nếu áp dụng phương pháp “Như cỏ phủ đất” thì nhất định đời sống hoà bình sẽ được thiết lập.
Có thể do quán tính của mặc cảm hay thành kiến được gieo trồng lâu dài, ta cảm thấy rất gượng ép, khó chịu khi áp dụng phương pháp này. Nếu nỗ lực làm một cách có ý thức thì sẽ thấy rằng đó là nhu cầu cần thiết cho đời sống.
Thực tập “Như cỏ phủ đất” trong tình huống bất phân đúng sai là đang gieo trồng hạt giống Dược sư, tức là thầy thuốc trong suy tư, hành động, lời nói, cách ứng xử v.v... Các hạt giống Dược sư này có thể làm cho con người đạt được ước nguyện.
ĐỪNG NHÂN BẢN HẬN THÙ
Để hỗ trợ về pháp quán không ngã hóa đối tượng, thì ta đừng nhân bản sự thù hận. Nếu chưa đủ bản lãnh để phóng thích nỗi khổ niềm đau dưới góc độ quán vô ngã hay quán không tác giả, thì cũng đừng nhân bản nó lên ở một mức độ nguy hại hơn.
Ngài Mục-kiền-liên là một trong những đệ tử của Phật có công hoằng truyền chánh pháp. Nhiều lần ngài đã vận dụng thần thông cản ngăn việc làm sai quấy của các vị Bà-la-môn, nên bị họ sanh tâm thù hằn, tìm đủ mọi cách để làm hại. Ngài Mục-kiền-liên đã nỗ lực tháo gỡ vài ba lần sự thù hận của đối phương, nhưng không có kết quả. Kẻ thù của ngài hăm dọa nếu không chấp nhận nạp mạng thì nhiều người dân vô tội sẽ bị giết chết. Thấy nghiệp lực sâu dày này khó vượt qua được nên cuối cùng ngài chấp nhận cái chết để cho nghiệp sát hại tập thể không có mặt, đồng thời lại tháo gỡ nghiệp bản thân.
Khi giết được ngài Mục-kiền-liên, họ vẫn không chịu dừng ở đó, mà còn nhân bản sự giết hại lên thành nhiều lần. Họ nghĩ rằng ngài là thần thông đệ nhất, có thể biến cái chết trở thành sự sống, hoặc giả dạng ra Mục-kiền-liên giả chứ không phải Mục-kiền-liên thật, nên đã bằm chặt thân thể ngài ra thành nhiều mảnh vụn, để thân thể không còn có điều kiện ráp nối.
Hành động băm chặt nhiều lần đối với một đơn vị sự sống thì nghiệp sát sanh được nhân lên theo. Bằm một trăm lần thì nghiệp sát sanh sẽ thành một trăm lần và sự thù hận lớn lên một trăm lần. Đó là nhân bản sự thù hận, giết một người mà nghiệp sát nhân thành một trăm lần thì quả là một sự tổn thất lớn về nhân quả.
Sự thù hận thể hiện qua nhiều góc độ khác nhau. Tính cách nhân bản khổ đau được thể hiện trong lịch sử của loài người rất nhiều. Chẳng hạn khi ghét người nào, đến lúc họ chết rồi nhưng vẫn đào mồ cuốc mả lên, móc mắt, dùng súng bắn, dao chặt như thể cho người đó chết lần thứ hai, cho đến mấy chục lần.
Tiến trình nhân bản của cảm xúc hận thù có thể được diễn ra bằng những hành động cụ thể, làm cho con người chết đi nhiều lần hoặc nhục mạ hoặc đem ra xử án. Mặc dù người đó đã chết rồi nhưng vẫn đem ra xử lại. Thậm chí có những loại tuyên án phải xử tử năm lần bảy lượt mới có thể hết tội.
Nếu ngành hành pháp làm như thế thì đang nhân bản sự giết hại và hận thù không đáng đâu vào đâu. Người cầm cân nảy mực luật pháp mà mang tâm niệm đó thì nghiệp sát hại được gieo nhiều hơn.
Vẫn biết rằng nhân quả rõ ràng, làm vì công chính để tạo sự công bằng xã hội và bảo vệ an ninh là một điều rất cần thiết, nhưng nếu tâm niệm vướng vào sự thù hận, bực tức thì ta đã biến mình trở thành tác nhân của hận thù.
Bộ phim Kỳ Quan Trung Quốc, giới thiệu về các điều kỳ diệu trong lịch sử Trung Hoa. Từ văn học nghệ thuật, điêu khắc, cho đến thiên nhiên, phong tục tập quán, tôn giáo, văn hóa.... Phần cuối cùng giới thiệu về văn hóa ẩm thực của người Trung Hoa. Ẩm thực rất tài tình nhưng khó chấp nhận được.
Người ta lựa một đầu bếp thật giỏi, cho phép các thực khách tự chọn những con cá mà họ thích. Sau khoảng 10 giây, con cá được cắt cả chục lát (cắt rất nhanh để cho con cá không kịp giãy giụa) rồi bỏ vào chảo dầu sôi trong vòng mấy giây là thịt của cá đã chín gần hết nhưng tim cá vẫn còn thoi thóp. Khi ăn vào, thực khách có cảm giác ngon hơn và lấy làm sung sướng.
Một đoạn phim khác giới thiệu về cách ăn thịt gà. Người ta chọn một con gà cồ với đùi và chân thật to, nhổ sạch hết lông đùi, rửa sạch lông từ đùi đến chân, rồi đặt trên chảo sắt có độ nóng rất ghê gớm, sau đó chụp cái lồng lại. Con gà nóng quá giãy giụa, càng nhảy thì nó càng đau càng la. Máu từ não, cánh, thân đổ dồn xuống làm bung cái đùi ra to. Chỉ trong vòng một đôi phút con gà đã chết hẳn trên mặt chảo. Đầu bếp bẻ hai đùi để thực khác ăn.
Phương pháp ăn như thế thật nhẫn tâm và để lại lòng hận thù nguy hại. Vì khi chết trong sự đau đớn, các con vật khó có thể siêu sinh, theo đó, lòng thù hận của chúng sẽ gia tăng. Rất tiếc con người không thể nghe được ngôn ngữ của các loài động vật trong lúc chúng chết. Nếu nghe được con người sẽ không có những hành động như thế!
Kinh thánh của các tôn giáo khác nói rằng “Thượng đế rất thương con người, nên tạo ra các loài vật để cho con người ăn”. Học thuyết đó được các nhà thần học giải thích dưới góc độ nhân đạo, tức vì con người. Nên trước khi ăn, người có đạo Nhất thần thường cám ơn Thượng đế!
Đó cũng là một trong những học thuyết đã đẻ ra ngày Lễ tạ ơn (Thanksgiving) của Hoa Kỳ. Thay vì những người Anh đầu tiên định cư ở vùng biển Massachuset, phải biết ơn những người da đỏ tại đây đã dạy họ cách săn bắn, chài lưới và trồng trọt để vượt qua bệnh dịch và đói khát, thì họ lại đi đền ơn Thượng đế. Như vậy, lễ tạ ơn của phương Tây được đặt trên nền tảng vong ân, một đạo lý sai lầm.
Nhân bản nỗi khổ niềm đau thường có nhiều hình thức, trong đó, cách ăn uống thể hiện sự nhẫn tâm đối với loài vật, làm mất nhân phẩm, tạo nhiều nghiệp sát nặng nề. Nếu không có thái độ ăn năn hối lỗi thì những lỗi lầm này sẽ nhân lớn lên và sẽ trở thành nạn nhân của nhau dưới nhiều hình thức. Có những kiếp, ta giết hại chúng và cũng có những kiếp khác ta lại bị chúng giết hại. Hoặc bị cộng nghiệp chung một số phận như chết tập thể trên máy bay, ở nơi công cộng, nơi bị khủng bố, hay những nơi bị sóng thần, động đất, hỏa hoạn v.v...
Khi nhìn thấy sự biểu diễn của “vua bếp”, vỗ tay hoan hô khen: “Quả thật đây là văn hóa ăn uống đặc sắc. Đây là đầu bếp giỏi nhất thế giới!” cũng đã gieo nghiệp sát gián tiếp rồi. Nhân bản sự khổ đau có thể tồn tại dưới dạng thức đồng tình, a dua, hỗ trợ, khuyến khích v.v... Tất cả đều mang chung một cộng nghiệp khổ đau lâu dài trong niềm vui phút chốc.
Hiểu được tính chất của cộng nghiệp, ta nên thận trọng trong cách suy nghĩ và hành động. Bằng không ta có thể gieo trồng nhiều nghiệp sát mà không hề biết, vì tưởng rằng không tự tay giết thì không gieo nghiệp ác.
Nghiệp ác của tâm còn mạnh gấp nhiều lần so với hành động tay chân. Một ông tướng chỉ huy, ra lệnh giết một tập thể thì nghiệp sát có thể được nhân lên, nếu tập thể đó là 100 người thì ông ta đã tạo ra cộng nghiệp giết 100 người. Những người lính tham chiến một người giết một đối thủ thì chỉ gieo nghiệp sát một lần. Người ra lệnh giết tập thể thì phải lãnh hậu quả của cộng nghiệp tập thể.
Người Ấn Độ rất khôn ngoan trong trường hợp này. Nếu ăn mặn, họ không ăn những con cá lòng tong, giống như người Việt Nam ăn những con cá cơm bé xíu. Cứ mỗi bữa cơm nếu gia đình nào có 10 thành viên, thì có thể gieo nghiệp sát khoảng 1000 con. Người Ấn Độ chỉ mua một con cá biển hay cá sông thật to, ăn trong một tuần lễ cho cả gia đình, như vậy đơn vị nghiệp sát chỉ có một mà thôi. Người Ấn Độ không quan trọng vấn đề ăn uống. Họ ăn những món rất đơn giản mà vẫn ăn ngon lành. Ai bị bệnh biếng ăn mà thường xuyên quan sát bữa ăn của người Ấn Độ thì cũng cảm thấy muốn ăn theo. Cách ăn đó không chú trọng đến khẩu vị, nên hạn chế nghiệp sát tối đa. Đó là bài học cho những người ăn mặn suy nghĩ.
Đến bờ biển hoặc chợ Ấn Độ không thấy cảnh bán tôm, cua, sò hến, ngao, ốc, như ở Việt Nam, vì người Ấn nếu ăn mặn họ chỉ ăn toàn những loại cá to. Những người theo Hồi giáo và Thiên Chúa giáo ăn nhiều loại hải sản nên nghiệp sát cũng nhiều. Nếu ai không hạn chế được nghiệp sát thì nên học theo cách này để giảm thiểu việc sát sanh. Đừng phá những tổ ong tổ kiến vì có vô số những con còn nằm trong trứng nước.
Nếu gieo nghiệp sát như vậy thì sau này có thể đang mang thai sẽ bị sẩy thai hoặc muốn thực hiện một nguyện vọng nào thì dễ bị thất bại ngay từ lúc sơ khởi, hoặc phải trải qua năm lần bảy lượt thất bại mới có cơ hội nếm mùi thành công.
Nhân bản sự khổ đau và thù hận sẽ để lại nhiều hậu quả rất đau đớn mà con người không trốn tránh được. Ý thức được điều này thì phải hạn chế tối đa nghiệp sát sanh. Khi nhìn thấy một tổ kiến đang trôi trên mặt nước, ta hãy vớt chúng lên để trên chỗ an toàn. Đó là ta đã gieo hạt giống tình thương. Hành động đơn giản nếu ta làm hết lòng thì có khả năng chuyển hóa được những nghiệp xấu.
TÂM LÝ ĐỘC TÔN
Xóa bỏ thù hận còn được đặt trên nền tảng chuyển hóa tâm lý độc tôn. Châu Do không thể nào chấp nhận Gia Cát Lượng. Hitler không thể chấp nhận dân Do Thái. Tào Tháo không thể nào chấp nhận Từ Thứ. Bởi vì giữa đen và trắng, ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối, thiện và ác, tốt và xấu luôn luôn nằm ở trận tuyến rạch ròi, trên thế một còn một mất.
Người hận thù không muốn kẻ đối nghịch song tồn với mình. Thái độ tâm lý đó tạo ra bản ngã độc tôn. Khi bản ngã tăng trưởng thì lòng thù hận cũng dễ thiết lập. Cứ mỗi lần gieo nghiệp không tùy hỷ thì lòng thù hận đã được hình thành rất vi tế, đôi lúc ta không nhận ra được.
Câu chuyện ngụ ngôn kể về anh chàng nuôi gà đá chuyên nghiệp. Anh có một con gà rất thiện chiến, nhờ nó mà anh đã trở nên nổi tiếng. Nhưng rốt cuộc cái gì cũng phải theo quy luật của nó, con gà lập được nhiều chiến công rồi cũng phải già đi.
Một hôm anh mang về thêm một con gà trẻ, hùng dũng hơn nhiều con gà già. Nhưng chỉ có một cái chuồng, không còn cách nào khác, anh đành nhốt hai con gà chung nhau.
Khi được nhốt chung, gà trẻ này tỏ vẻ cống cao, hống hách, nó vỗ cánh cất tiếng gáy ò ó o o! Lạng qua, lạng lại ra vẻ thách thức. Nó nói với con gà già rằng: “Nếu biết khôn, xin ông hãy cút khỏi nơi đây. Kể từ nay, vương quốc này thuộc về tôi. Tôi là chủ nhân mới. Còn nếu ông không phục, tôi với ông sẽ trải qua cuộc tranh hùng, để phân thắng bại”.
Chú gà già rất buồn vì biết rằng thế hệ trẻ ngày nay không còn tôn trọng thế hệ đi trước. Gà già suy nghĩ rằng, nếu thế hệ gà trẻ biết khiêm tốn một chút thì có lẽ sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm của thế hệ gà già. Không có sự thành công và thất bại của thế hệ đi trước thì thế hệ trẻ sẽ mất rất nhiều thời gian cho khởi sự ban đầu. Gà già càng suy nghĩ thì càng hận thù con gà trẻ này. Dĩ nhiên nếu đấu đá với nó thì làm sao thắng được, nên gà già đã nghĩ cách hoãn binh. Gà già nói:
- Này chú em, tôi rất khâm phục ngoại hình của chú, tôi cũng rất thần tượng sức khỏe mà chú có. Với kinh nghiệm của tôi, chỉ cần nhìn thấy mồng, cánh của chú và nghe tiếng gáy thôi thì tôi biết rằng chú giỏi hơn tôi rất nhiều. Nhưng tại sao ta lại giải quyết vấn đề bằng cách tranh nhau một mất một còn. Chú cũng giống như con cháu của tôi thôi. Nếu chú muốn hơn thua thì tôi không còn cách nào khác. Tôi đề nghị ta hãy cược một trò chơi về sức khỏe. Hy vọng chú đồng ý.
Gà trẻ nghe vậy mừng lắm, cười gáy đắc ý:
- Ông cứ bày ra trò gì tôi cũng sẵn sàng chơi.
Gà già nói:
- Bây giờ tôi với chú chạy marathon. Khi nghe hiệu lệnh một, hai, ba thì hai ta cùng chạy. Ai về trước sẽ làm vua của vương quốc này. Lúc đó ta vẫn có thể là bạn thân của nhau không sao hết.
Gà trẻ mừng nói:
- Tôi chấp nhận. Gà già thách thức:
- Chấp chú chạy trước ba bước, tôi chạy theo sau.
Gà già đứng vào vị trí. Ra hiệu lệnh xong, cả hai cùng chạy. Gà già dùng kinh nghiệm, gắng lực bình sanh chạy giữ khoảng cách cố định sau đuôi gà trẻ.
Lúc đó, anh chủ chuẩn bị cho gà ăn, nhìn vào chuồng và không tin vào mắt mình nữa. Anh càng cố nhìn thật kỹ thì cảnh tượng gà già đuổi theo gà trẻ vẫn tiếp tục diễn ra. Giận quá, anh lầm bầm: “Đây là lần đầu tiên, ta sai lầm trong việc chọn con gà trẻ chẳng ra hồn gì, còn thua xa con gà già”. Đoạn, anh ta thò tay vào chuồng gà, tóm cổ gà trẻ quẳng vào vách tường, làm nó gãy cổ chết.
Anh ta than: “Trong nghề chơi gà của tôi, chưa bao giờ nhìn thấy một con gà nào vô dụng như con gà trẻ này. Lần đầu tiên tôi bị lầm”. Quả thật, con gà trẻ bị chết oan. Những gì anh ta thấy không đúng như anh tưởng.
Giữa chân lý và logic vẫn có thể có những khoảng cách rất lớn. Nếu ta đánh giá chân lý trên những sự kiện có logic với các tình tiết, dựa vào mắt thấy tai nghe, đôi khi tạo ra nhiều nỗi hàm oan, tương tự như chú gà trẻ này. Ở đây, gà già giận gà trẻ háo thắng, không còn biết uống nước nhớ nguồn, không còn biết đạo lý người đi trước kẻ đi sau, nên
định cho chú ta một bài học thôi, không ngờ bài học đó đã mang đến cái chết cho chú gà trẻ. Khi gà già bám theo đuôi gà trẻ với khoảng cách, khiến anh chủ nghĩ rằng gà trẻ bị gà già dí sợ, chạy trối chết. Nếu thua con gà già thì làm sao đá thắng được những con gà trẻ khác nên quẳng nó chết luôn cho rồi.
Lòng thù hận và thái độ độc tôn thường mang lại kết cuộc hoàn toàn không như ý. Nếu gà già thấy được chú gà trẻ chết dưới sự khôn ngoan của mình thì không biết liệu có cảm thấy ăn năn hay không? Nếu chú gà già nói: thôi tôi chịu thua, tôi nhường vương quốc này lại cho chú và ta vẫn có thể là bạn của nhau thì có lẽ không mang cái chết tức tưởi đó. Rõ ràng chết trong sự háo thắng, oan ức khổ đau thì con gà đó không siêu sanh được và sẽ bị đọa trong cảnh giới ngạ quỷ.
Có rất nhiều loại ngạ quỷ. Có loại ngạ quỷ con người. Có loại ngạ quỷ động vật, ngạ quỷ của chư thiên, ngạ quỷ của A-tu-la. Chết mà không siêu sanh thoát hóa sẽ tồn tại dưới hình thức ngạ quỷ. Điều đáng nói là lòng hận thù, sự háo thắng thường tạo ra những cảnh trái ngang đó.
Phải nỗ lực tháo gỡ các oan trái. Đừng để cho tâm lý bản ngã độc tôn khống chế, ta sẽ có cơ hội sống trong hòa bình và thảnh thơi. Khi phát hiện mình có thái độ tâm lý độc tôn thì hãy nhanh chóng tháo gỡ, chuyển hóa. Nhân gian có câu: “Không có mợ chợ vẫn đông,” để cho thấy rằng dù người quan trọng nhất cũng chỉ đóng vai trò nào đó thôi, đừng cho mình là tất cả.
Người quan niệm như vậy sẽ rơi vào chủ nghĩa công thần, chỉ nghĩ về chiến công, đóng góp và thành công của mình nên không thừa nhận đóng góp và thành công của người khác. Như vậy họ sẽ đánh mất rất nhiều tiềm năng của giới trẻ và đó là một sự tổn thất lớn. Ta có thể đổi câu này thành: “Không có mợ chợ càng đông”, nghĩa là khi bản ngã được vứt ra chỗ khác thì sự thành công như hợp chợ sẽ tốt hơn nhiều. Chỉ cần tâm niệm như thế là ta có thể chuyển hóa được trạng thái tâm lý độc tôn.
Nên thực tập vô ngã, bằng cách quán tưởng rằng mình như cái nùi giẻ để cho người khác dậm chân, thau nước để người tắm rửa, cái bàn để người đặt những vật liệu, chén cơm cho người ta được no v.v... Thái độ dấn thân phục vụ đó, giúp ta không còn điểm nào để bám víu vào cái tôi được nữa. Lúc đó ta ý thức được hạnh nguyện của từ bi, không còn những sân si, bực tức. Khi thấu được lẽ đạo rồi thì những công việc làm hằng ngày sẽ thuận lợi suôn sẽ.
Giả sử, ta là công nhân quét đường phố. Hôm đó một đồng nghiệp xin nghỉ phép nên chỉ còn một mình ta quét thôi. Nếu không hiểu giá trị của phục vụ, ta sẽ buồn phiền và tự hỏi: “Tại sao nay tôi phải làm phận sự của hai người?” Hiểu được tinh thần Bồ-tát, ta sẽ hoan hỷ: “Cám ơn bạn, nhờ bạn nghỉ phép mà tôi có cơ hội đóng góp gấp đôi”. Tâm lượng đó làm cho quả phúc gia tăng.
Hoặc trường hợp, một hôm đi chùa và người phụ bếp vắng mặt, ta xung phong vào làm bếp bằng chánh niệm. Trong sự hoan hỷ vừa làm, vừa lắng nghe tụng kinh, thuyết pháp, phước báu sẽ tăng gấp bội. Hãy tận dụng các tình huống để làm việc lành và gieo công đức. Nếu ai ý thức được như thế thì tiến trình tu tập sẽ được rút ngắn mà kết quả vẫn cao.
Khi tâm lý bản ngã được chuyển hóa thì tâm thù hận, giết hại sẽ theo đó được giảm thiểu nhiều. Có những tâm lý nhìn từ xa gần như không liên hệ đến sự thù hận, nhưng phân tích sâu thì chúng có liên đới với nhau. Nên muốn chuyển hóa cái tôi một cách trọn vẹn thì phải học nhiều phương pháp khác nhau, ứng dụng trong nhiều tình huống khác để nghiệp lực xấu ngày càng giảm, cái tốt được tăng trưởng.
ĐẦU MỐI SÂN HẬN
Một phương diện cần lưu tâm là phải dứt trừ đầu mối của lòng sân hận. Đầu mối đó có thể diễn ra dưới nhiều cách thức khác nhau. Chẳng hạn khi xem các bộ phim về chiến tranh, ranh giới của bạn và thù, làm ta chọn chánh nghĩa và lên án phi nghĩa. Ta có thói quen hoan hô và cảm thấy hài lòng khi phía chính nghĩa giết được giặc. Nếu người chính nghĩa bị lâm nguy, ta khắc khoải lo sợ và gần như hoà vào dòng cảm xúc của người đó. Như vậy ta đang tạo ra sự đồng tình và nạp vào đầu những cảm xúc đồng minh hay đồng chí. Đó là một cộng nghiệp.
Phần lớn, tình tiết trong phim là hư cấu, người xem vô tình gieo rắc những hạt giống của sự sát hại và thù hận trong tâm thức, hậu quả là phải gánh chịu nhiều cộng nghiệp không tốt. Đức Phật khuyên không xem quân trận, chiến tranh để không gieo cộng nghiệp hận thù và sát hại. Khi xem cảnh đau thương, tang tóc, máu đổ, thịt rơi, xương chất cao thành núi, lòng hận thù dễ trỗi dậy.
Đứng về một phe nào đó là đang tạo ra đầu mối của ủng hộ và chống đối. Không phát xuất từ lòng từ bi mà phát xuất từ cảm xúc thuận nghịch, thương ghét thì cộng nghiệp xấu phải vương mang. Nếu có dịp, hoặc bất đắc dĩ phải xem những phim như vậy thì đừng tán đồng bên nào, chống đối bên nào để tránh được nghiệp sát gián tiếp.
Hãy ghi nhận sự khổ đau của chiến tranh là một thực tại thuộc về quá khứ, nên không cần hâm nóng quá khứ đó, cũng không cần lên án, vì đó là công việc của luật pháp. Công việc của ta là gieo những hạt giống của từ bi, mong sao cho những oan hồn chết khổ đau đó được siêu sanh thoát hóa. Không giữ lòng hận thù và đồng thời cầu nguyện cho những người đã tạo ra nỗi khổ niềm đau đó không tái phạm trong tương lai.
Đồng tình với cảnh chiến tranh, giết chóc trong phim làm cho sự thù hận được gia tăng. Khi xem những trò chơi điện tử bắn giết nhau, ta đừng để cảm xúc lao theo chúng. Những phụ huynh khôn ngoan sẽ không cho phép con em chơi các games bạo lực. Nó sẽ gieo những hạt giống vào mảnh đất tâm của trẻ và sẽ biến thành một lệnh điều khiển nhân cách của chúng về sau. Lệnh điều khiển này có thể làm chúng nổi loạn với bạn bè, thể hiện qua hình thức đấu đá, đánh nhau. Nguy hiểm hơn là chúng có thể cầm dao, súng thật để bắn giết.
Các bậc phụ huynh không để ý đến những mầm mống ban đầu của hạt giống thù hận, vốn có thể tiêm nhiễm một cách tình cờ qua phim ảnh hay những trò chơi mà ta mua tặng. Tưởng như thế sẽ tạo cho chúng hạnh phúc, nhưng ta không ngờ rằng những đồ chơi dao, gậy, súng, ống đó đã gây cho chúng nghiệp hận thù mà hậu quả sau này không lường trước được.
Phim ảnh ngày nay có nhiều điều đáng học hỏi. Phim hoạt hình giúp cho trẻ tăng trưởng lòng thương yêu động vật. Dùng hình ảnh của các con vật, để nói lên cảm xúc của con người. Các bộ phim hoạt hình đã nhân triết lý đó lên bằng cách cho các con vật có khả năng nghe nói được tiếng nói của loài người. Chúng cũng có cảm xúc, thương yêu, sự chăm sóc y hệt như thế giới con người. Xem những bộ phim này thì hạt giống của nhân đạo, thương yêu, tha thứ được gieo vào não của các em một cách có ý thức.
Phim hoạt hình mang chất liệu giáo dục rất cao. Chỉ cần ta thay đổi cách nhìn là có thể gieo trồng những hạt giống tốt cho các em và rút ngắn giai đoạn giáo dục đáng kể.
Hollywood đã thực hiện bộ phim Kundun (tên của đức Đạt lai Lạt ma do cha mẹ của ngài đặt), nói về cuộc đời của Dalai Lama trong thời niên thiếu, với tính cách nhân từ và đạo đức. Bộ phim đề cập đến sự kiện trước khi Kundun được phục hồi chức vụ trong truyền thống tái sinh.
Khi đến ngôi làng ở biên giới Tây Tạng, quan sát từ xa, các cao đệ của Dalai Lama nhìn thấy các chú bé đang chơi trò đá dế cắn nhau. Kundun chạy tới, đẩy hai phe trẻ ra và bắt một con dế bỏ vào bụi rậm, con còn lại bỏ bên bức tường để chúng không cắn nhau nữa. Hành động đó là một quán tính của lòng từ bi.
Không cần lý giải hay ra lệnh với trẻ em rằng: “Con phải làm thế này, hay không được làm thế kia”. Giáo dục nhồi sọ mà không có giải thích ý nghĩa sẽ tạo thói quen, chứ không có hiểu biết, nên trẻ em sẽ nhàm chán và không làm lâu dài được. Giáo dục bằng hình ảnh và ngôn ngữ cụ thể, trẻ em dễ tiếp thu hơn.
Căn bản của khổ đau và hạnh phúc được hình thành bởi tâm. Tâm điều khiển và chỉ đạo tất cả hành động ứng xử của con người. Nếu không biết kiểm soát thì cũng giống như con lật đật. Sợi dây giựt chính là tâm, tâm giựt về phía nào thì nó sẽ ngả nghiêng múa máy về phía đó. Mới nhìn vào cứ tưởng con lật đật là tác nhân nhưng tác nhân chính là sợi dây giựt bên trong. Tác nhân đó là tâm, tâm được thể hiện qua sự hận thù, trả đũa, giết hại thì hành vi con người trở nên nguy hiểm.
MỞ RỘNG TÂM HỒN
Ngã hóa đối tượng còn được thể hiện qua tâm lý “Giận cá chém thớt”. Thớt là đối tượng bị oan uổng, vì giận con cá nên bằm cái thớt. Đó là một thành ngữ chỉ cho tình huống thể hiện sai đối tượng của cơn giận.
Chẳng hạn, một người lớn tuổi phải làm việc dưới quyền của người nhỏ, thiếu tài cán, mỗi lần bị ra lệnh, hạch sách thì người lớn tuổi cảm thấy khó chịu; phản kháng thì mất việc nên phải cắn răng chịu đựng. Cảm xúc bị đè nén đó tạo thành nỗi hận thù nhưng không thể trút đổ được. Nên về nhà trút nỗi bực tức lên người thân.
Như thế là đang ngã hóa đối tượng bằng cách biến tất cả người thân thành những đối tượng, sự tức giận một cách oan uổng. Thấy được tính thiên biến vạn hóa của sự thù hận, ta nên tìm nghệ thuật tháo gỡ hoặc phóng thích chúng an toàn.
Trong giáo lý Đại thừa có học thuyết “Thọ ký”. Theo đó, đức Phật báo trước cho các đệ tử biết rằng, một hành giả nào đó sẽ được thành Phật trong kiếp tương lai, ở đâu. Vị Phật đó sẽ có hạnh nguyện gì, công cuộc hoằng hóa, độ sanh của vị ấy ra sao, dĩ nhiên đối tượng được thọ ký không nhất thiết là những bậc Bồ-tát, đạo cao đức trọng, bởi vì các Bồ-tát đạo cao đức trọng mà thành Phật là chuyện thường.
Chẳng hạn như ngài A Nan, phát nguyện trong bài dẫn nhập của kinh Thủ Lăng Nghiêm: “Như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê hoàn”. Nghĩa là: “Nếu còn một chúng sanh nào chưa giác ngộ thành Phật thì con đây xin phát nguyện không chứng Niết-bàn”. Con sẽ sống hòa vào khổ đau của chúng sanh, với những kẻ đầu trâu mặt ngựa để chuyển hóa họ.
Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật đã thọ ký cho A Nan sẽ thành Phật, hiệu là Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai, kiếp tên Diệu Âm Biến Mãn, nước tên là Thường Phật Thắng Phan, cõi đó thanh tịnh, đất bằng lưu ly. Đức Phật còn thọ ký cho nhiều người Nhất-xiển-đề, tức là những người không hề có niềm tin đối với Tam bảo, sống theo bản năng và độc ác.
Đề-bà-đạt-đa là nhân vật có nhiều ân oán với đức Phật. Đức Phật từ bi, biết cách huấn luyện tâm cho nên các hạt giống thù hằn của Đề-bà-đạt-đa rót vào tâm của Như Lai cũng giống như cầm một hạt cát mà thảy lên trời xanh, chẳng có giá trị gì. Đức Phật vẫn thọ ký cho Đề-bà-đạt-đa thành Phật trong tương lai. Đạo lý này chỉ có Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa.
Ta có dám thọ ký cho kẻ thù thành Phật không? Đối với người phàm, tất nhiên là không; trù ẻo, nguyền rủa thì có. Lâu lâu nghe ngóng kẻ thù bị thất bại, đau khổ thì lại mừng. Nếu học hiểu giáo lý Phật giáo thì nên thực tập, mong cho người kia thành Phật. Đây là cách thể hiện phẩm chất cao thượng nhất. Ta nên mở tâm mình ra, tâm niệm rằng: “Tất cả kẻ thù mang lại khổ đau cho tôi, gây chướng ngại cho tôi, tôi tha thứ để họ và tôi không còn thù hận nhau nữa”. Hằng tâm niệm như vậy thì ân oán sẽ được chấm dứt, bằng không cứ kéo nhau đi từ kiếp này đến kiếp khác.
Những cặp vợ chồng ly dị, không khéo rất dễ trở thành kẻ thù. Kiếp này không tháo gỡ oan khiên được thì kiếp sau lại phải gặp, thương nhau rồi trở thành kẻ thù của nhau nữa. Trước khi ly dị hãy làm bạn. Điều này hơi khó, nếu làm được hẳn có nhiều giá trị. Hãy nhẫn nại để khỏi khó chịu về sau.
BÀN TAY YÊU THƯƠNG
Trong một thiền viện nọ, sau thời khóa tu tập thiền quán vị thiền sư yêu cầu các thiền sinh ra xung quanh chùa sinh hoạt. Thông qua cách thức sinh hoạt, vị thiền sư sẽ biết tâm của đệ tử ở mức độ nào. Chánh niệm hay thất niệm? An lạc hay khổ đau? Nhìn cách thể hiện là vị thầy có thể đoán biết được. Có người thích ngồi trầm lặng, có người thích ngồi quán tưởng, có người thích đi thiền hành, người thích thảo luận, người thích trao đổi, người thích học hỏi v.v...
Có một thiền sinh đến con rạch để quán về sự thinh lặng của dòng nước như một công án. Đang quán chiếu, thấy con bò cạp bị rớt xuống rạch, thiền sinh dùng bàn tay vớt con bò cạp lên. Khi đặt bàn tay xuống mặt đất, con bò cạp theo phản ứng, dùng cái đuôi chích vào bàn tay của vị thiền sinh.
Thiền sinh cố vượt qua cái đau. Đi một quãng, trở lại con mương, thấy con bò cạp rớt lần thứ hai, vị thiền sinh vớt lên tương tự, rồi lại bị chích lần thứ hai. Những pháp hữu đứng xung quanh quan sát nói rằng:
- Này hiền hữu, tại sao huynh lại làm chuyện ngớ ngẩn. Con bò cạp vốn vô ơn bạc nghĩa, chích hai lần mà huynh vẫn còn muốn giúp đỡ nó?!
Vị thiền sinh trả lời rằng:
- Thưa hiền huynh, chít là thói quen của bò cạp. Cứu nó là thói quen của tôi.
Câu chuyện ngụ ý một điều rất sâu sắc: Học hạnh Bồ-tát thì phải có đủ sức chịu đựng những chướng duyên; không phải chỉ có hai cú chích, có thể là 30 cú. Không chỉ bị chích ở tay, mà có thể cả mắt, đầu hay bất cứ chỗ nào. Nếu câu trả lời là không đủ sức thì hãy khoan làm Bồ-tát. Hãy huấn luyện tâm cho thật vững chãi rồi hãy làm Bồ-tát.
Trong khi làm phước và tu tập, hành giả phải đối đầu với rất nhiều loại bò cạp khác nhau: Bò cạp của thị phi, thù hận, ganh tức, thái độ không tùy hỷ, và bò cạp phá hoại v.v... Các bò cạp đó sẽ chít khác nhau và phản ứng của nó cũng rất đa dạng. Không cần phân biệt đâu là đúng, đâu là sai, người xấu có khả năng chít túi bụi người tốt, thậm chí là người giúp đỡ họ.
Phải trang bị cho mình sức chịu đựng bằng lòng từ bi, hỷ xả, tha thứ, bao dung thì mới có thể xem bò cạp là bạn của mình. Không khéo trong lúc làm lành, gặp nhiều cản lực, giận tức quá, dùng tay hại giết con bò cạp luôn. Như vậy, phát xuất lòng từ bi nhưng nhiều người dấn thân thiếu trang bị trở thành gieo nghiệp sát sanh. Chỉ cần vài chiêu chích của bò cạp cũng đủ để biết được tâm mình đang nằm ở mức độ nào.
Khi làm Phật sự, dĩ nhiên ta gặp rất nhiều loại bò cạp. Đôi khi lời nói, ý nghĩ, việc làm của người thiếu thiện chí cũng mang tính chất giống như những cú chít của con bò cạp. Những lúc như vậy không nên bực tức và cũng đừng nuối tiếc rằng, tại sao tôi phải làm việc tốt với người không hề biết mang ơn nghĩa là gì?
Các tư duy, lý luận như vậy sẽ làm ta vĩnh viễn vẫn là phàm phu tục tử, không thể nào làm Bồ-tát được. Học hạnh Bồ-tát, ta phải bất chấp tình huống ngang trái, thể hiện sự thản nhiên trong thuận và nghịch. Nếu không có được bản lĩnh thì không cứu được con bò cạp mà còn bị bò cạp cắn chết.
Trong đời, có nhiều người nhất-xiển-đề khó hoà giải. Đôi lúc, ta phải cưu mang họ bằng bàn tay thương yêu, như vị thiền sinh đối với bò cạp, thì mới thành công. Hành trì Bồ-tát đạo là con đường đa chiều, đôi lúc có nhiều hương thơm cỏ lạ, có khi có nhiều cỏ dại gai góc đủ loại. Hãy để tâm hướng về các giá trị tích cực, phục vụ chúng sanh để ta không cảm thấy ngạc nhiên khi làm điều tốt mà bị người khác chống đối và chỉ trích.
Nếu ai cũng thực tập được tinh thần khoan dung thì chính nơi đây sẽ trở thành thế giới Cực lạc. Cực lạc có thể được thiết lập ngay từ trong hành động của con người. Ở nhà cũng như ở chùa, hành giả đều có thể thiết lập được Tịnh độ. Khi Tịnh độ hiện tại được thiết lập thì tin chắc 100% rằng sau khi qua đời sẽ tái sanh cảnh giới Cực lạc. Tái sanh về Tây phương chỉ là chuyện phụ. Điều cần thiết là lập Tịnh độ ngay trong đời hiện tại này mới quan trọng hơn gấp trăm lần. Đôi lúc ta chỉ tìm kiếm Tịnh độ ở Tây phương mà bỏ quên việc thiết lập Tịnh độ ngay ở hiện tại.
Không hiểu được tinh thần nhập thế của Phật giáo, ta tự mâu thuẫn trong hành trì. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, chúng ta thường tụng thời công phu khuya, ngài A Nan không muốn thành Phật, phát tâm gần gũi chúng sanh để hóa độ. Đến phần hồi hướng thì lại có câu: “Xin cho con sanh về Tây phương Tịnh độ”. Chỉ trong thời kinh 45 phút mà phần đầu thì phát tâm hùng dũng nhưng cuối thời kinh thì lại đọc câu thể hiện sự lui sụt.
Khi việc tốt đến, ta nên xung phong làm. Nếu nghĩ nó như một gánh nặng, ta đánh mất rất nhiều cơ hội làm Phật sự. Học hạnh Bồ-tát sẽ có vô vàn công đức và nhiều cơ hội. Chỉ cần mở rộng tâm hồn đón nhận thì bạn sẽ cảm thấy cuộc đời này có rất nhiều ý nghĩa. Tiến trình tu tập, rèn luyện trong gian nan thử thách sẽ giúp ta thành tựu nhanh hơn rất nhiều so với người tu tập bình thường. Đến chùa trong một ngày trời nắng trong xanh thì rất dễ, còn đến chùa trong bão táp mưa sa mới thật đáng quý. Điều đó cũng đánh dấu được tần số tâm thức của con người đang ở mức độ nào.
Ai tu theo hạnh Bồ-tát, hãy thực tập giống như vị thiền sinh, hoan hỷ chấp nhận những cú chích của con bò cạp. Đó là cách thức xóa bỏ hận thù tốt nhất theo tinh thần: “Thi ân đừng cầu báo đáp, nhưng khi mang ơn người nào thì đừng quên”. Quả là một đạo lý vi diệu!