Nếu Không Có Tánh Không, Tất Cả Pháp Chẳng Thành
Nguyễn Thế Đăng
Trong Trung luận của Bồ tát Long Thọ luận giảng về tánh Không, phần nhiều là những câu phủ định. Có một câu khẳng định đến mức tuyệt đối khiến chúng ta có thể ngạc nhiên. Trong bài này chúng tasẽ tìm hiểu về câu nói ấy.
14. Bởi vì có nghĩa Không,
Nên tất cả pháp được thành.
Nếu không có nghĩa Không
Tất cả pháp chẳng thành.
(Dĩ hữu Không nghĩa cố,
Nhất thiết pháp đắc thành.
Nhược vô Không nghĩa giả,
Nhất thiết tắc bất thành)
(Quán Tứ Đế, XXIV, câu 14).
1/ Tại sao không có tánh Không thì sẽ không có gì cả?
Các pháp, các sự vật, các hiện tượng được cấu thành là do nguyên lý duyên sanh, nghĩa là do nhiều nhân duyên hợp lại mà thành. Sự kết hợp này chỉ là tạm thời. Hơn nữa chính các nhân duyêncũng thay đổi, vô thường. Thế nên những thí dụ trong đạo Phật về sự vật là “giống như ba cây lau gác lên nhau”, “không có lõi cứng như cây chuối”, “như bọt nước, như sương, như tia chớp”…
Sự vật cho đến con người đều do duyên sanh, nghĩa là không có cốt lõi cứng chắc, không có thực chất, không có tự tánh, vô tự tánh. Vô tự tánh là một nghĩa của tánh Không.
Một sự vật, tự riêng nó, đều do nhiều bộ phận hợp lại mà thành. Những bộ phận ấy phải nương dựa được lẫn nhau. Tính cách nương dựa lẫn nhau, tùy thuộc lẫn nhau (interdependent) chính là nghĩa duyên sanh. Chẳng hạn, một cái bàn để được cấu thành phải có đầy đủ bộ phận, mặt bàn được bào láng, bốn chân, đinh vít, keo dán gỗ…, nếu thiếu một bộ phận nó không thành cái bàn. Về những yếu tố ở ngoài cái bàn, nó còn tùy thuộc vào những sự vật khác: mặt phẳng sàn nhà, một căn phòng che mưa nắng, có điện… Và nó cũng tùy thuộc vào người sử dụng, để làm bàn ăn, bàn nước, hay bàn làm việc. Tóm lại để một cái bàn thành một cái bàn, nó phải nương dựa vào rất nhiều cái khác để tồn tại. Sự nương dựa lẫn nhau, tùy thuộc lẫn nhau này là duyên sanh.
Tùy thuộc vào nhau để hiện hữu, nghĩa là không thể độc lập, tự đứng một mình (independent). Điều này được gọi là không có lõi cứng, trống rỗng, không có tự tánh (tánh riêng), vô tự tánh, là tánh Không.
Như vậy, bất cứ sự vật, con người nào để được cấu thành, để được hiện hữu, đều phải nhờ vào (“bởi vì”, “dĩ”, theo nguyên văn Trung luận) duyên sanh vô tự tánh, nhờ vào, nhờ có tánh Không. Tánh Không, vô tự tánh là điều kiện căn bản cho các pháp vô tự tánh được thành. Nếu không có vô tự tánh hay tánh Không thì chẳng có pháp nào được thành, vì các pháp được thành trên căn bản vô tự tánh. Thế nên, luận nói, “Bởi vì có tánh Không, nên tất cả pháp được thành. Nếu không có tánh Không tất cả pháp đều chẳng thành”.
Có thể hỏi, “bởi vì, nhờ có tánh Không nên tất cả pháp được thành, thế thì có phải tánh Không sanh ra các pháp hay không?”
Trả lời vắn tắt: tánh Không không sanh ra các pháp, vì tánh Không là vô sanh. Nhưng các pháp duyên sanh lẫn nhau mà có, nên các pháp muốn được sanh ra thì phải nhờ tính chất duyên sanh, vô tự tánh, nghĩa là nhờ tánh Không mà sanh ra. Như thế, tánh Không là vô sanh nên không bị nhiễm ô chút nào bởi các sự sanh ra của những nhân duyên, của những nghiệp duyên.
Nhưng sự sanh ra của các pháp thực chất là duyên sanh, vô tự tánh nên sự sanh ra của tất cả các pháp đều là vô tự tánh, là tánh Không. Kinh nói “sắc tức là Không”, nghĩa là sự sanh ra của sắc là tánh Không, vô tự tánh, thật ra là vô sanh.
2/ Chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối
Cũng trong chương Quán Tứ Đế này, có những câu nói về chân lý tương đối (thế tục đế) và chân lýtuyệt đối (chân đế, đệ nhất nghĩa đế):
8. Chư Phật nương hai đế
Vì chúng sanh thuyết pháp
Một là thế tục đế
Hai, đệ nhất nghĩa đế.
9. Nếu người chẳng thể biết
Phân biệt nơi hai đế
Thì với Phật pháp sâu
Chẳng biết chân thật nghĩa.
10. Nếu chẳng nương tục đế
Chẳng đắc đệ nhất nghĩa
Chẳng đắc đệ nhất nghĩa
Ắt chẳng đắc Niết bàn.
(8. Chư Phật y nhị đế
Nhất dĩ thế tục đế
Nhị đệ nhất nghĩa đế.
9. Nhược nhân bất năng tri
Phân biệt ư nhị đế
Tắc ư thâm Phật pháp
Bất tri chân thật nghĩa.
10. Nhược bất y tục đế
Bất đắc đệ nhất nghĩa
Bất đắc đệ nhất nghĩa
Tắc bất đắc Niết bàn. )
Chân lý tương đối và quy ước (thế đế) là sự thật tương đối mà người ta dùng hàng ngày, cái bàn, cái cây, ngọn núi, dòng sông… Với đạo Phật thì tóm gọn lại thành những yếu tố căn bản của con người: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý…
Đức Phật dựa vào những chân lý tương đối và quy ước của thế gian để giảng dạy chân lý tuyệt đối. Tóm lại, chân lý tương đối là danh và tướng và chân lý tuyệt đối là bản tánh của các sự vật, bản tánh của danh và tướng.
Chân lý tương đối là sắc, thanh, hương… và chân lý tuyệt đối là bản tánh của chúng, tức là tánh Không.
Nương vào tục đế là các sự vật để chứng đắc được bản tánh của chúng là tánh Không, hay đệ nhất nghĩa đế. Trong câu 10 ở trên, luận nói rõ đệ nhất nghĩa đế là Niết bàn. Như thế tánh Không là chân thật nghĩa, là đệ nhất nghĩa đế, là Niết bàn.
Với Trung luận nói riêng và hệ thống kinh Bát nhã ba la mật đa nói chung, người ta không tìm kiếmtánh Không đệ nhất nghĩa đế ở ngoài thế đế là các sự vật, ngoài tâm thức mình cùng các ý tưởngvà phiền não của nó. Người ta không tìm để thấy tánh Không ngoài sắc, thọ, tưởng, hành, thức, sắc thanh hương vị xúc pháp, vì như Bát nhã tâm kinh nói, “sắc tức là Không, Không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng lại như vậy”. Cũng như người ta có thể tìm thấy đại dương ngay trong những làn sóng, vì cả hai cùng một tánh nước.
Để thấy tánh Không, sự thật vô tự tánh của tất cả các pháp, gồm cả của tâm thức, người ta phải thấy sự thật vô tự tánh của mọi sự. Để thấy đệ nhất nghĩa đế tánh Không, người ta phải thấy sự vô tự tánh của tất cả thế đế.
Thấy sự vô tự tánh của thế đế, đó là tánh Không. Rồi an trụ miên mật trong cái thấy tánh Không ấy, đó là thực hành Trí huệ Bát nhã ba la mật.
3/ Trong Trung luận và trong Hồi tránh luận, ngài Long Thọ không chỉ nói đến tánh Không mà còn nhấn mạnh đến Trung đạo:
Pháp do các nhân duyên sanh
Ta nói tức là Không
Cũng tức là giả danh,
Cũng là nghĩa Trung đạo.
(Chúng nhân duyên sanh pháp
Ngã thuyết tức thị Không
Diệc vi thị giả danh
Diệc thị Trung đạo nghĩa)
Trung luận, quán Tứ đế, câu 18.
Con đảnh lễ Đức Phật
Đại trí huệ vô thượng
Dạy tánh Không, nhân duyên sanh
Cùng Trung đạo, là một.
(Không tự thể nhân duyên
Tam nhất Trung đạo thuyết
Ngã quy mạng lễ bỉ
Vô thượng đại trí huệ).
Hồi tránh luận, câu chót.
Cả hai bài kệ đều nói duyên sanh, tánh Không và Trung đạo là một, không khác nhau. Vậy Trung đạo là gì?
Trung đạo là “sắc tức là Không”, nhưng không phải phá hoại sắc để có Không. Sắc vẫn tự là sắc, nhưng sắc tức là Không. Không phải phá hủy sắc để thành Không, thế nên có câu tiếp, “Không tức là sắc”. Trung đạo không phải là thu sắc về Không, cũng không phải Không là không có sắc.
Thế đế là sắc, thọ, tưởng…, sắc, thanh, hương, vị… Thế đế nếu không bị phiền não che chướng, các vọng tưởng thêm vào, các đặt tên để cường điệu theo cảm xúc, thì các pháp ấy được thấy “đúng như thật”, “y như chúng là”. Khi ấy Trung luận và các kinh gọi đó là “thật tướng của các pháp”.
7. Thật tướng của các pháp
Tâm hành, ngôn ngữ dứt
Vô sanh cũng vô diệt
Tịch diệt như Niết bàn.
(Chư pháp, thực tướng giả
Tâm hành ngôn ngữ đoạn
Vô sinh diệc vô diệt
Tịch diệt như Niết bàn).
Trung luận, Quán về pháp, XVIII
Thế đế không bị phiền não nhiễm ô chính là thật tướng của các pháp, là đệ nhất nghĩa đế, là Niết bàn.
Cho nên không lìa ngoài thế đế, lìa ngoài sanh tử mà riêng có Niết bàn:
10. Chẳng lìa ngoài sanh tử
Mà riêng có Niết bàn
Nghĩa thật tướng như vậy
Cớ sao lại phân biệt?
(Bất ly ư sanh tử
Nhi biệt hữu Niết bàn
Thực tướng nghĩa như thị
Vân hà hữu phân biệt?
Trung luận, Quán về trói - mở, XVI
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng