Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Phẩm thứ 01: Tựa

06 Tháng Mười Một 201100:00(Xem: 11283)
Phẩm thứ 01: Tựa

KINH PHẬT THUYẾT ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Thích Nguyên Hùng

Quyển 1

Phẩm thứ 1: TỰA

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe:

Một thời Thế Tôn nằm ở khoảng giữa hai cây sa-la[3] trong rừng Kiên cố[4], bên bờ Hi-liên[5], nơi vùng đất của bộ tộc Lực sĩ, thuộc thành Câu-di[6]. Bấy giờ nhằm ngày trăng tròn tháng hai, Thế Tôn sắp sửa vào bát-nê-hoàn[7], tám trăm ức vị tì-kheo cùng ngồi vây quanh Thế Tôn.

Bấy giờ tất cả chúng sinh đều được an ổn khoái lạc, thân tâm thanh tịnh, không niệm nghi ngờ, không hề mỏi mệt. Ngày nay Thế Tôn đã tự giác ngộ thành bậc Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác, thương xót thế gian, che chở hộ trì, làm chỗ nương tựa cho cả thế gian, thương mọi chúng sinh y như con một. Đại Mâu-ni[8] Tôn điềm đạm ân cần bảo chúng sinh rằng:

- Ta sắp nê-hoàn, trong chúng hội đây ai còn hoài nghi mau nên thưa hỏi, vì đây là lần thưa hỏi cuối cùng.

Đại chúng biết vậy lòng rất đau buồn.

Bấy giờ từ trên khuôn mặt[9] Thế Tôn phóng ra vô số hào quang rực rỡ, xanh vàng đỏ trắng, sắc hồng pha lê, ánh sáng đặc thù, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới[10], chiếu khắp hết thảy mười phương cõi Phật; sáu đường chúng sinh[11] gặp ánh sáng này phiền não nghiệp chướng đều được tiêu trừ; có người xúc động nước mắt chứa chan, tuôn xuống như mưa, nhìn nhau bảo rằng:

- Ôi thôi nhân giả! Thế gian trống vắng. Ôi thôi nhân giả! Phước chúng sinh hết. Than ôi nhân giả! Pháp khổ sẽ tăng. Như Lai không lâu sẽ bát-nê-hoàn! Thế gian trống vắng sao mà chóng thế? Con mắt thế gian sao diệt chóng thế? Chúng ta hãy mau cùng nhau đến chỗ Đức Phật Thế Tôn lễ bái cúng dường, đồng thời thỉnh cầu xin Ngài chớ vội vào bát-nê-hoàn, xin Ngài trụ lại ở thế gian này hoặc là một kiếp hoặc hơn một kiếp. Nếu Phật nê-hoàn, ai sẽ là người dạy bảo chúng ta hành đạo từ bi, ai sẽ là người cứu vớt chúng ta thoát khỏi khổ nạn? Vì vậy các ông điều gì chưa hiểu mau đến chỗ Phật xin Ngài quyết nghi.

Bấy giờ mặt đất chấn động sáu cách[12].

Khi ấy tám trăm ức vị tì-kheo đều đã chứng đạt quả A-la-hán[13], tâm được tự tại, việc mình đã xong, lìa sạch phiền não, hàng phục các căn, ví như rồng lớn, thành tựu Không tuệ[14], lợi mình đã đạt, như rừng chiên-đàn[15] muôn cây trong ấy đều được thơm lây, công đức đầy đủ, xứng đáng gọi là đứa con chân thật của Đức Như Lai. Tên các ngài là: Đại Ca-chiên-diên[16], ngài Bạc-câu-la[17], Ưu-ba-nan-đà[18]… Các tì-kheo này vào sáng hôm ấy dùng cành dương chi[19] súc miệng thanh tịnh thì có ánh sáng vô cùng vi diệu chiếu khắp thân mình, giống như mặt trời lúc vừa mới mọc rọi lên cây xanh từng đường gân lá nổi lên trên ấy như mạch máu đỏ. Chư vị tì-kheo cũng giống như vậy, toàn thân rung động, các lỗ chân lông thảy đều rướm máu tuôn chảy như mưa, lòng đau như cắt. Họ vì thương xót tất cả chúng sinh, muốn cho chúng sinh an lạc hạnh phúc và muốn phát tâm học pháp Đại thừa[20], phương tiện mật giáo[21] hóa độ chúng sinh, cho nên nhanh chóng đến chỗ Như Lai, lạy dưới chân Ngài, nhiễu trăm ngàn vòng, cung kính hỏi thăm, đứng về một phía.

Lại có hai lăm ức tì-kheo-ni[22], đều A-la-hán, tâm được tự tại, những việc cần làm thảy đã làm xong, lìa sạch phiền não, hàng phục các căn, thí như rồng lớn, thành tựu Không tuệ, tự độ viên mãn. Tên các vị ấy là tì-kheo-ni Câu-lân Nữ Tu-bạt-đà-la[23], tì-kheo-ni Ưu-ba-nan-đà[24], tì-kheo-ni Hải Trí v.v… Giống như mặt trời lúc vừa mới mọc rọi lên cây xanh từng đường gân lá nổi lên trên ấy như mạch máu đỏ, các tì-kheo-ni cũng giống như vậy, toàn thân rung động, các lỗ chân lông thảy đều rướm máu, tuôn chảy như mưa, vô cùng thống khổ. Họ vì thương yêu tất cả chúng sinh, muốn cho chúng sinh có được an lạc và muốn phát tâm học pháp Đại thừa, phương tiện mật giáo để làm nhân duyên giáo hóa chúng sinh, liền đến chỗ Phật, lạy dưới chân Ngài, nhiễu trăm ngàn vòng, cung kính hỏi thăm, đứng về một phía.

Lại có rất nhiều vị tì-kheo-ni vốn là bồ-tát, đã chứng Thập địa[25]. Họ là những bậc dõng mãnh vô song trong chốn loài người, vì duyên giáo hóa mới hiện thân nữ. Họ đều có đủ bốn tâm vô lượng[26], có thể hiện thành thân Phật không khác, biến hóa không cùng.

Lại có các vị đại bồ-tát nhiều như số cát trong một con sông Hằng[27]. Họ là những người hùng dũng bậc nhất trong cõi nhân gian, tất cả công đức đều đã đầy đủ, dùng thân phương tiện, tin sâu Đại thừa, chân chính hướng đến cầu pháp Đại thừa, đói khát Đại thừa, mong cầu Đại thừa, khát ngưỡng Đại thừa, khéo léo tùy thuận tất cả thế gian, độ người chưa độ, giải thoát cho kẻ chưa được giải thoát. Họ đã trải qua trong vô số kiếp tu tập tịnh giới, độ thoát chúng sinh; trong số vô kiếp tu tập tịnh giới, an ủi chúng sinh; trong vô số kiếp tu tập tịnh giới, hưng long Tam bảo; trong vô số kiếp tu tập tịnh giới, chuyển bánh xe pháp; trong vô số kiếp tu tập tịnh giới, thành đại trang nghiêm; trong vô số kiếp tu tập tịnh giới, hành xử kiên cố. Họ đã thành tựu vô lượng công đức như thế và thương hết thảy chúng sinh y như con một. Tên của họ là: bồ-tát Hải Đức, bồ-tát Vô Lượng Trí v.v… Giống như mặt trời lúc vừa mới mọc rọi lên cây xanh từng đường gân lá nổi lên trên ấy như mạch máu đỏ, các bồ-tát này cũng giống như vậy, toàn thân rung động, các lỗ chân lông thảy đều rướm máu, tuôn chảy như mưa, vô cùng thống khổ. Họ vì thương xót tất cả chúng sinh, muốn cho chúng sinh có được an lạc, muốn phát Đại thừa phương tiện mật giáo để làm nhân duyên giáo hóa chúng sinh, nên họ liền đến chỗ Đức Phật nằm, dập đầu đảnh lễ, rồi đi nhiễu quanh hơn trăm ngàn vòng, cung kính hỏi thăm, đứng về một phía.

Lại có những người là cận sự nam[28] nhiều như số cát của hai sông Hằng. Họ rất vui vẻ tin sâu các pháp đối trị[29] như là khổ đau hạnh phúc, thường với vô thường, ngã với vô ngã, không với phi không, y với vô y, chúng sinh với chẳng phải là chúng sinh, hằng với phi hằng, kiết với phi kiết, hữu vi vô vi, nê-hoàn với chẳng phải là nê-hoàn… Họ lại ưa nghe diệu nghĩa và muốn xiển dương Đại thừa. Trong vô số kiếp họ đã tu tập phạm hạnh thanh tịnh chưa từng thối thất. Họ muốn thực hành giáo pháp Đại thừa, giảng giải cho người tu tập tịnh giới, tham muốn cầu học Đại thừa vững chắc. Họ lại muốn học tùy thuận thế gian, lại muốn cầu học độ thoát thế gian, lại muốn cầu học hưng long Tam bảo, lại muốn cầu học chuyển vận pháp luân, lại muốn cầu học pháp đại trang nghiêm. Họ đã thành tựu viên mãn vô lượng công đức như thế và thương chúng sinh giống như con một. Các cư sĩ ấy tên Quang Vô Cấu Xưng Vương, Thiện Đức v.v… số nhiều như cát trong hai sông Hằng.

Các cư sĩ này vì muốn cúng dường Đức Phật Như Lai, sáng sớm hôm ấy, mỗi người đều sắm năm ngàn giường, màn bằng gỗ chiên-đàn, trầm thủy, chúng bảo, thiên hương, uất-kim-hương hoa[30]… Tất cả giường, màn đều được xông ướp ngưu đầu chiên-đàn[31], và trang hoàng bằng bảy báu[32] vi diệu. Phía trên che bằng dây lưới vàng ròng, châu báu màu xanh phát ánh sáng xanh, châu báu màu vàng tỏa ánh sáng vàng, châu báu màu đỏ tỏa ánh sáng đỏ, châu báu màu trắng tỏa ánh sáng trắng, châu báu màu hồng tỏa ánh sáng hồng, châu báu pha lê tỏa màu pha lê, bảo châu như ý phát màu như ý, dùng nhiều màu sắc như vậy trang hoàng cực kỳ lộng lẫy. Đặc biệt hiếm có là tấm màn che bốn phía xung quanh. Phía trên phủ bằng màn lưới bảy báu. Bốn mặt xung quanh treo nhiều phan báu, dùng nhiều loại hương phủ lên trên đó, từng sợi dải vàng rũ xuống thật đẹp. Bên trong màn báu lại được trang hoàng bằng nhiều màu sắc khác lạ như trên. Lại dùng bảy báu đúc thành tấm nệm, mềm mại thơm tho, trải lên trên giường. Mỗi một giường màn chở bằng xe báu. Những xe báu ấy cũng được trang hoàng toàn bằng bảy báu, trước sau đều có tràng phan, dù lọng. Mỗi một dù lọng đều dùng bảy báu đan kết làm thành, xanh vàng đỏ trắng vô cùng trang nghiêm; lại được trang hoàng bằng bốn loại hoa, là ưu-bát-la, hoa bát-đàm-ma, hoa câu-mâu-đầu, hoa phân-đà-lợi[33]; cũng dùng bảy báu trang sức như trước. Dùng nhiều vật báu kết thành tràng hoa, tươi tắn xinh đẹp. Lại vẽ bức tranh cuộc đời Đức Phật, diễn tả bồ-tát từ lúc phát tâm đến ngày thành đạo, trong khoảng thời gian thọ nhận thân này bồ-tát nhẫn chịu bao nhiêu khổ hạnh. Còn hai bên đường bày trí kỹ nhạc, mà các nhạc cụ làm bằng bảy báu, âm thanh hòa nhã, phát ra những tiếng vô thường, khổ, không, phát ra những câu: ‘Than ôi thế gian từ nay trống vắng’! Giai điệu réo rắt, nghe đến não lòng, trời đất chấn động. Họ dùng vô số các thứ hoa thơm, bột hương mịn màng, đồng thời bày biện nhiều món thức ăn thơm ngon bậc nhất, đặc biệt được nấu bằng nước thượng nguồn và bằng củi thơm, làm cho thức ăn mềm dẻo thơm ngon, đủ cả mùi vị.

Lại nữa, bên trong bên ngoài khu rừng Kiên cố đều được rưới nước, quét dọn sạch sẽ, rồi rải lên trên lớp cát bảy báu, phía trên trải tiếp các tấm y báu đều được ướp hương, bảo tòa sư tử làm bằng bảy báu xếp ở xung quanh ba mươi hai hàng. Mỗi một bảo tòa, điêu khắc chạm trổ hoa văn tinh xảo, lấp lánh năm màu, dùng nhiều hương thơm xong ướp bảo tòa, phía trên trải bằng nệm lót bảy báu. Chuẩn bị đầy đủ phẩm vật ấy xong, các nam cư sĩ khởi niệm nghĩ rằng:

- Tất cả chúng sinh, ai ưa muốn gì ta đều cho cả, y phục thức ăn, của cải tài sản, đất nước vợ con, đầu mắt tủy não, máu huyết cơ thể, không kể sang hèn, phú quý bần tiện, hễ ai cần gì, xin gì cho nấy, khiến cho đầy đủ, chỉ trừ những thứ sắc dục bất tịnh, thuốc độc hại người, thì không cho thôi.

Các nam cư sĩ phát tâm bồ-tát lại nghĩ như vầy:

- Chúng ta cùng đem giường màn, xe báu, vô vàn phẩm vật cúng Phật và Tăng lần sau cùng này là lần lớn nhất.

Các nam cư sĩ lại nghĩ như vầy:

- Phật và đại chúng thụ nhận phẩm vật chúng ta cúng xong, hôm nay Như Lai sẽ vào nê-hoàn.

Suy nghĩ thế rồi lòng buồn vô hạn, ví như mặt trời lúc vừa mới mọc rọi lên cây xanh từng đường gân lá nổi lên trên ấy như mạch máu đỏ, các nam cư sĩ, cũng giống như vậy, toàn thân rúng động, mỗi lỗ chân lông thảy đều rướm máu, tuôn xuống như mưa, thân tâm đau tựa trúng phải thuốc độc, khóc than thảm thiết.

Lại nữa, cạnh rừng Kiên cố, các nam cư sĩ dựng lều bảy báu, cao rộng đẹp đẽ, trùm khắp hư không. Bên trong lều ấy dựng nhà bảy báu. Bày biện xong rồi đến chỗ Thế Tôn, lạy dưới chân Ngài. Tràng phan, dù lọng, đem đến cúng dường đầy cả hư không. Khói hương như mây, hoa rải như mưa. Các nam cư sĩ, đau buồn than thở, chấn động đất trời, đấm ngực gào khóc, nước mắt như mưa, nhìn nhau nói rằng:

- Than ôi nhân giả, thế gian trống vắng! Con mắt thế gian, sao mau diệt vậy!

Rồi thì tất cả dập đầu sát đất, đồng thanh thỉnh Phật:

- Mong Phật và tăng thương xót chúng con, cùng với chúng sinh, nhận lời cúng dường, Ngài thụ thực xong rồi vào nê-hoàn, để cho chúng con được phước cúng dường Đức Phật, chúng tăng một lần sau cuối!

Thế Tôn biết thời, lặng im không nhận. Họ thỉnh ba lần, Phật đều im lặng.

Bấy giờ hết thảy các nam cư sĩ tuyệt vọng vô cùng, ưu sầu khổ não. Giống như cha lành có một đứa con, rốt cuộc bệnh chết, ông đưa hình hài của con đem chôn ở nơi gò mả, buồn bả quay về, đau xót vô cùng. Các nam cư sĩ đau khổ tột cùng cũng y như vậy. Họ lạy Phật xong, đứng về một phía.

Lại có các vị tín nữ cư sĩ[34] thọ trì năm giới, công đức đầy đủ, số nhiều như cát trong ba sông Hằng. Các cư sĩ này hiện làm thân nữ hóa độ chúng sinh, tự trách thân mình như bốn rắn độc[35]. Họ quán thân thể giống như tòa nhà, cũng là thức ăn của tám vạn trùng; thân này ô uế, do tham dục sinh, thí như xác chết, chẳng mảy may ưa; thân này bất tịnh, chín lỗ bài tiết thường xuyên thải ra những chất dơ bẩn; máu thịt gân cốt, cùng với y phục tạo nên thành quách, hư ngụy giả dối; chân tay xương cốt, làm cột chống đỡ, móng răng tai mắt là các cửa sổ, tâm pháp dối trá làm màn che cửa, phóng dật kiêu mạn là kẻ giữ thành, lũ giặc tâm vương ngự trong thành ấy, tham lợi phóng túng chạy theo sáu cảnh. Thân thể như thành bại hoại như vậy, chư Phật bỏ đi mà kẻ phàm phu thì ưa thích lắm. Quỷ dữ tham dục, giận hờn ngu si nương tựa thân này, như loài hoa lan sống nhờ cây khác, chẳng có chút gì đáng ưa đáng thích; thân này tựa như những chùm bọt nước, như thân cây chuối, chẳng gì bền chắc; như tia điện chớp, tiếng vọng âm thanh của loài ngựa hoang; như trăng dưới nước huyễn hóa không thật; như cơn sóng biển nhanh chóng lướt qua trên đầu ngọn cỏ phút chóc chẳng dừng; như nơi gò mả, như ở rừng hoang, ô uế dẫy đầy, từng đàn lang sói, kên kên cú mèo giành nhau ăn thịt, vô số vi trùng cạnh tranh sinh sống ở trong thân này. Tấm thân thể này ô uế như vậy an ổn được sao? Nếu có thể đếm sợi lông, giọt nước ở trong biển lớn còn biết được số ít nhiều bao nhiêu, nhưng trong thân này độc trùng tàn hoại, bốn trăm bốn bệnh, vô lượng những điều ô uế bất tịnh thật không thể nào tính hết cho được! Giống như Thế Tôn đã từng thí dụ, bao nhiêu cây cối ở trong thiên hạ đem chẻ làm thẻ, hay lấy đất đá trên quả địa cầu tán thành bụi nhỏ, cũng có thể đếm được số bao nhiêu, nhưng đối thân này những thứ bất tịnh số nhiều vô lượng, vượt quá số kia, không thể tính kể. Thân này độc hại, hủy diệt thiện pháp. Các nữ cư sĩ đều có khả năng xả bỏ thân này như nhổ nước bọt, tu hành pháp không, vô tướng vô tác, tin ưa Đại thừa, lại hay diễn nói cho người khác hiểu. Tên các vị ấy: Kỳ-bà-thi-lợi, Thắng Man phu nhân, bà Tỳ-xá-khư… Các cư sĩ này vào sáng hôm ấy, lúc ánh quang minh chiếu khắp thân hình liền biết điềm lạ. Họ bèn nhanh chóng chuẩn bị phẩm vật đem dâng cúng dường đầy đủ thù thắng gấp đôi người trước. Rồi họ đến chỗ Đức Phật Thế Tôn sụp lạy sát đất, xin Phật và tăng thương xót nạp thụ, nhưng Đức Thế Tôn từ chối không nhận. Các nữ cư sĩ lòng rất u buồn, đứng qua một phía.

Lại có những người bộ tộc Li-xa[36] ở trong và ngoài thành Tì-xá-li[37], cùng với vua quan các nước xung quanh cõi Diêm-phù-đề[38], số nhiều như cát của bốn sông Hằng. Những người Li-xa đều có niềm vui ở trong chánh pháp, thuần tu giới hạnh, đạo đức tròn đầy, hàng phục ngoại đạo, cùng với những kẻ phá hoại Phật pháp. Những Phật tử này đều có khả năng thí pháp vô úy, diễn thuyết cho người pháp tạng vô tận; hết thảy đều có khả năng tu tập diệu pháp cam lộ chư Phật đã dạy. Họ có khả năng nhiếp phục chúng ma, tà luận ngoại đạo; tự giữ giới luật, lại hộ trì cho chư Tăng giữ giới thêm được an ổn; tự mình giữ luật, thích nghe Đại thừa và còn diễn nói cho người khác nghe; ai cũng đều có tấm lòng từ mẫn thương khắp chúng sinh, đầy đủ đức độ như những người trước. Tên các vị ấy là Tịnh Ly Cấu Tạng, Thường Khoái Tịnh, Hằng Thủy Ly Cấu Tịnh… Các Phật tử này, mỗi người đều sắm tám mươi bốn ức giường, màn bằng gỗ chiên-đàn, trầm thủy, uất kim, bách mộc[39], đâu-lâu hương mộc[40]… mỗi một giường màn đều được chạm trổ, điêu khắc tinh xảo bằng bảy loại báu, đồng thời trang sức năm màu lấp lánh, đẹp tựa như trước. Mỗi người lại sắm tám vạn bốn ngàn ngựa báu mạnh khỏe; tám vạn bốn ngàn voi chúa hùng dũng; tám vạn bốn ngàn cỗ xe bốn ngựa, và dùng đèn báu Thần châu kết nối, trang sức đoan nghiêm, chạy nhanh như gió; tám vạn bốn ngàn đèn báu Minh Nguyệt, suốt cả ngày đêm thường luôn cháy sáng. Tràng, lọng, phan, hoa, màn, lều đại bảo, tranh tượng thêu bằng len giạ màu trắng như những người trước. Lọng bằng hoa báu rộng một do tuần. Những thứ len giạ vi diệu mịn màng kết thành tranh tượng dài ba hai do tuần. Mỗi chiếc lều cao một trăm do tuần. Mỗi chiếc phan dài một ngàn do tuần. Mọi thứ trang sức đều bằng bảy báu giống như ở trước. Hương thơm thức ăn theo gió bay đi khắp một do tuần. Các Phật tử này sắp xếp giường tọa, cùng các phẩm vật nơi rừng Kiên cố đầy đủ xong rồi đến chỗ Đức Phật, dập đầu thỉnh cầu, đầu mặt sát đất, đảnh lễ xong rồi, đứng về một phía.

Lại có các hàng đại Trưởng giả ở trong Diêm-phù-đề số nhiều như cát của năm sông Hằng. Họ đều vui ưa tin sâu chánh pháp, giới hạnh thuần thục, thành tựu các đức, hàng phục ngoại đạo cùng với những kẻ phá hoại Phật pháp, khiến cho kẻ ấy tin sâu Đại thừa. Tên các vị là Nhật Nguyệt Quang Vương Đảm Bặc Hoa Thủ, Pháp Thủ… Những trưởng giả này đem theo con trai, cùng với con gái số nhiều như cát của năm sông Hằng. Các trưởng giả này buổi sáng hôm ấy, nương thần lực Phật sắm sửa phẩm vật đầy đủ trang nghiêm gấp đôi người trước, đem đến chỗ Phật, cung kính dập đầu, lễ chân Như Lai, rồi tất cả cùng đứng về một phía.

Lại có quyến thuộc nội ngoại của vua thành Tì-xá-li, vua và nhân dân, chủ các thành ấp, tụ lạc thôn xóm lớn nhỏ ở trong cõi Diêm-phù-đề, trừ A-xà-thế[41], còn lại tất cả các bậc vua chúa, như Nguyệt Ly Cấu Tạng, Nhật Ly Cấu v.v… số nhiều như cát của sáu sông Hằng, mỗi người đem theo một trăm tám mươi vạn ức quyến thuộc, đều là những người dõng mãnh phi thường, như rồng, voi chúa, đi nhanh như gió, hết thảy tin ưa giáo pháp Đại thừa, giữ giới thanh tịnh, oai đức đầy đủ, hàng phục ngoại đạo cùng với những kẻ phá hoại Phật pháp. Họ cũng sắm sửa phẩm vật cúng dường trang nghiêm thù thắng gấp đôi người trước, đem đến chỗ Phật thành kính cúng dường, xin Phật xót thương từ bi tiếp nhận. Tất cả mọi người dập đầu sát đất, lễ chân Như Lai, đứng về một phía.

Lại có các vua lớn nhỏ trong cõi Diêm-phù-đề này cùng với phu nhân, cung tần mỹ nữ số nhiều như cát của bảy sông Hằng, trừ A-xà-thế. Hết thảy phu nhân, cung tần mỹ nữ đều chán thân nữ, tu tập Không hành[42], tin ưa Đại thừa, hay vì người khác giảng nói rộng rải công đức tu hành và những điều khác như trước đã nói. Tên các phu nhân gồm Tam Giới Sa, Niệm Đức v.v… Họ sắm lễ vật gấp đôi người trước, vào sáng hôm ấy đến chỗ Thế Tôn, dập đầu sát đất, đảnh lễ chân Ngài, đứng về một phía.

[855a] Lại có thiên tử Phổ Minh cùng với chư thiên nhiều như số cát trong tám sông Hằng. Những thiên tử này ưa pháp Đại thừa, cũng ưa giảng rộng cho người khác nghe. Họ tu tịnh giới, khát ngưỡng Đại thừa, những chúng sinh nào ưa pháp Đại thừa thì dùng pháp ấy thỏa lòng khát ngưỡng; họ tu tịnh giới, ham ưa Đại thừa, kiên cố Đại thừa, giác ngộ Đại thừa, nơi pháp Đại thừa chưa từng khởi lên tâm ý kiêu mạn. Họ hàng phục cả những kẻ ngoại đạo cùng với những kẻ phá rối Phật pháp; hộ trì chánh pháp, tu hành tịnh giới, tùy thuận thế gian, độ người chưa độ, giải thoát cho kẻ chưa được giải thoát. Họ muốn chuyển vận bánh xe chánh pháp, hưng long Tam bảo mãi mãi không dứt; họ muốn kiến lập quốc độ trang nghiêm. Họ đã thành tựu viên mãn vô lượng công đức như thế. Họ có tâm từ, thương khắp chúng sinh giống như con một. Các chư thiên này, vào sáng hôm ấy, ánh sáng chiếu thân liền biết điềm lạ, họ suy nghĩ rằng: ‘Đức Phật Như Lai chẳng bao lâu nữa vào bát-nê-hoàn’. Họ liền đến chỗ Đức Phật Thế Tôn, thấy các phẩm vật dâng cúng đầy đủ, nhìn nhau bảo rằng:

- Chúng ta quan sát người ở thế gian sắm sinh phẩm vật cúng dường Như Lai một lần sau cuối trang nghiêm đặc thù chẳng khác cõi trời. Bao nhiêu phẩm vật cúng Phật cùng Tăng lần cuối cùng này thật là thù thắng, vậy mà Thế Tôn thảy đều không nhận. Này chư nhân giả! Hôm nay chúng ta thỉnh Phật cùng Tăng và các quyến thuộc, làm lễ cúng dường một lần sau cuối cho thật thù thắng. Hôm nay Như Lai, chư Tăng cùng với tất cả quyến thuộc thương xót chúng ta thụ nhận cúng dường lần sau cùng này rồi vào nê-hoàn. Đức Phật ra đời thật là khó gặp, nhưng được cúng Phật một lần sau cuối lại càng khó hơn. Than ôi nhân giả, thế gian trống vắng! Con mắt thế gian, sao diệt chóng thế!

Chư thiên cõi trời lại nghĩ như vầy:

- Chúng ta cũng phải cúng dường Như Lai.

Nghĩ như vậy rồi, tức thì chuẩn bị phẩm vật cúng dường tối thắng hơn cả người ở thế gian. Giường, màn, xe cộ, tràng, phan, hoa, cái, tranh tượng, lều trướng, mỗi mỗi đều dùng hương, lụa, vật báu của các cõi trời để mà trang sức. Chuẩn bị đầy đủ phẩm vật xong rồi, họ đến chỗ Phật, ôm chân đảnh lễ, nhiễu trăm ngàn vòng, cung kính thăm hỏi, đứng về một phía.

Lại có vua của các loài rồng ở khắp cả bốn phương, nhiều như số cát của chín sông Hằng, gồm Hòa-tu-cát[43], anh em Nan-đầu, Ưu-bát-nan-đà[44]… Các vua rồng này đầy đủ công đức, có lòng thương xót tất cả thế gian. Sáng sớm hôm ấy, gặp ánh sáng Phật, Long vương nghĩ rằng: Như Lai không lâu sẽ nhập nê-hoàn. Chúng liền sắm sửa phẩm vật thù thắng, nhiều gấp hai lần của chúng trời, người, đem đến chỗ Phật, ôm lạy chân Ngài, nhiễu trăm ngàn vòng, xong rồi tất cả, đứng về một phía.

Lại có vua của các chúng quỷ, thần và Tỳ-xa-môn[45], nhiều như số cát của mười sông Hằng. Hết thảy quỷ vương sắm sinh lễ vật đầy đủ như trước, đến chỗ Đức Phật, đầu thành đảnh lễ, nhiễu trăm ngàn vòng, xong rồi tất cả đứng về một phía.

Lại có, Già-lưu-la[46] vương, Long oán Già-lưu-la vương… nhiều như số cát hai mươi sông Hằng; Càn-thát-bà[47] vương, Na-la-đạt Càn-thát-bà vương … nhiều như số cát ba mươi sông Hằng; Khẩn-na-la[48] vương, Khoái kiến Khẩn-na-la vương… nhiều như số cát bốn mươi sông Hằng; Ma-hầu-la-già[49] vương, Đại khoái kiến Ma-hầu-la-già vương… nhiều như số cát năm mươi sông Hằng; A-tu-la vương, Du không A-tu-la vương… nhiều như số cát sáu mươi sông Hằng; Đà-na-bà[50] vương, Pháp Thủy Ly Cấu Thắng vương… nhiều như số cát bảy mươi sông Hằng; vua loài la-sát, Quảng bố úy la-sát… nhiều như số cát tám mươi sông Hằng; Chủ vương tùng lâm, Dược hương tùng lâm… nhiều như số cát chín mươi sông Hằng; vua loài Trì Chú, Đại huyễn Trì Chú… nhiều như số cát một ngàn sông Hằng; chúng Dục Sắc, Thiện kiến Dục Sắc… nhiều như số cát một ức sông hằng; chúng Thiên nữ, Lam-bà Thiên nữ… nhiều như số sát trăm ức sông Hằng; vua chúng Phụ-đa, Túc-quân-để Phụ-đa vương… nhiều như số cát ngàn ức sông Hằng; thiên tửcõi trời Tứ thiên vương… nhiều như số cát trăm ngàn ức sông Hằng; Lại có thần gió nhiều như số cát trong trăm ngàn ức của con sông Hằng; Lại có các vua làm mây, tạo mưa, vua của hết thảy, các thần làm cho mây, mưa vắng lặng, nhiều như số cát một ức sông Hằng.

Hết thảy các vua của muôn loài ấy, ngay sáng hôm đó, gặp ánh sáng Phật liền biết điềm lạ, suy nghĩ như vầy: Như Lai không lâu sẽ nhập nê-hoàn. Họ liền sắm sinh phẩm vật cúng dường vô cùng thù thắng, gấp đôi trời, người, đem đến chỗ Phật, đầu thành đảnh lễ, nhiễu trăm ngàn vòng, đứng về một phía.

Lại có voi chúa hương tượng[51], voi chúa thân vàng, voi chúa mắt xanh… nhiều như số cát hai mươi sông Hằng. Các loài voi ấy tùy theo sức mình, từ trong Tuyết Sơn, dùng vòi bứt hoa cùng các dược thảo. Có những bông hoa lớn bằng bánh xe, như ưu-bát-la, hoa bát-đàm-ma, hoa câu-mâu-đầu, hoa phân-đà-lợi. Nói chung tất cả những loài hoa mọc trên núi dưới khe, hoặc trên đất bằng, thảy đều mang đến, dùng để trang sức giường màn các thứ. Các loài voi ấy buồn rầu gào rống, âm thanh chấn động khắp cả đất trời: Thế gian trống vắng sao mà chóng thế? Con mắt thế gian sao diệt nhanh vậy! Muôn loài voi chúa đến bên chân Phật, sụp lạy chân Phật, rồi thì tất cả đứng về một phía.

Lại có các vua của loài sư tử, như Đại Chấn Hống… đều vì chúng sinh cho sự vô úy[52]; cùng với các loài vua của muôn chim, như Ca-lan-đà, Ca-lăng-tần-già[53]… nhiều như số cát của ba sông Hằng, cũng cúng dường Phật đầy đủ trang nghiêm như loài voi chúa.

Lại có vua của các loài trâu, dê, đến rừng Kiên cố cúng dường sữa thơm, hết thảy hào rãnh đều chứa đầy sữa. Lại có vua của các loài ong mật, mang đầy mật thơm chứa đầy hào rãnh. Các loài như vậy nhiều như số cát ở trong sông Hằng, thảy đều đến chỗ Đức Thế Tôn nằm, đảnh lễ sát chân, đứng về một phía.

Lại có các vị thần tiên đã đạt năm thứ thần thông[54], cùng với hết thảy chư vị tiên nhân trong bốn thiên hạ[55], như tiên Nhẫn Nhục v.v… nhiều như số cát một vạn sông Hằng. Các vị tiên nhân biểu hiện vô số thần lực biến hóa, sắm sinh lễ phẩm thù thắng vi diệu, gấp đôi người trước, đem đến chỗ Phật, trải tóc trên đất, ôm chân Như Lai, thành kính đảnh lễ, đứng về một phía.

Bấy giờ tì-kheo và tì-kheo-ni mười sáu nước lớn[56] vân tập đông đủ, kín một do tuần, chỉ thiếu hai chúng của hai Tôn giả Ca-diếp, A-nan[57]. Các vị tì-kheo và tì-kheo-ni, ngay sáng hôm ấy, đến chỗ Đức Phật, ôm chân đảnh lễ, nhiễu trăm ngàn vòng, đứng về một phía.

Lại có vua của các thần núi nhỏ và thần núi lớn; vua của quỷ thần thế giới trung gian; vua của thần núi Tu-di[58], số nhiều như cát của vạn sông Hằng. Những sơn thần này chỉ ăn những loại lá cây, bông, trái và có thần lực phóng ánh sáng lớn. Họ cùng đến chỗ Đức Thế Tôn nằm, ôm chân đảnh lễ, đứng về một phía.

Lại có chư thần, thiên tử trong tám sông lớn, biển lớn, đất lớn, số nhiều như cát, trong trăm ngàn vạn sông Hằng. Các vua lớn nhỏ đều có thần lực phóng ánh sáng lớn, che lấp ánh sáng mặt trời mặt trăng. Họ dùng thần lực làm rừng Kiên cố vọt nước cam lộ[59] đầy cả sông Hằng, mềm mại trong suốt, khắp nơi đều làm bậc thềm bảy báu, khiến cho chúng hội xuống lên lấy nước chẳng hề thấy mệt.

Bấy giờ, nơi vùng đất của bộ tộc Lực sĩ, về phía phương Bắc, tự nhiên xuất hiện giảng đường Thiện pháp[60], hướng Nam xuất hiện giảng đường Trọng các[61]. Các giảng đường ấy chạm trổ tinh xảo, bảy báu trang nghiêm, ánh sáng năm màu, lung linh rực rỡ. Suối trong, hồ tắm, hoa quả, vườn rừng, cũng tự nhiên có. Thật chẳng khác gì khu vườn Hoan Hỷ cõi trời Đạo Lợi, vô cùng ưa thích. Chư vị trời, người, chúng a-tu-la, đều nhìn thấy tướng thể nhập nê-hoàn của đức Như Lai, lòng rất bi cảm, than thở buồn sầu.

Lại có một ức số a-tăng-kỳ[62] chư vị thiên tửTứ thiên vương[63], đều đến hội họp, nhìn nhau bảo rằng: Các ông nhìn kìa, các chúng trời, người và a-tu-la, vì muốn cúng dường Đức Phật Như Lai một lần sau cuối mà sắm phẩm vật đặc biệt thù thắng, nhiều vô số kể. Phật và đại chúng sau khi thụ nhận phẩm thực họ cúng sẽ nhập nê-hoàn. Chúng ta cũng phải sắm sửa phẩm vật nhiều gấp hai lần phẩm vật người trước, tất cả mọi thứ thức ăn, hương hoa, đều của cõi trời, như mạn-đà-la[64], ma-ha mạn-đà-la, hoa ca-câu-la[65], ma-ha ca-câu-la, hoa mạn-thù-sa[66], ma-ha mạn-thù-sa, hoa tán-đa-na[67], ma-ha tán-đa-na. Họ sắm vô lượng hương hoa cõi trời mang đến chỗ Phật, dâng lên cúng dường, dập đầu lạy Phật, đứng qua một phía.

Thích Đề-hoàn Nhân[68] cùng với thiên chúng cõi trời Ba ba[69], số a-tăng-kỳ, sắm sửa lễ vật đem dâng cúng dường. Vua trời thứ sáu[70], cùng với quyến thuộc, sắm sửa lễ vật thù thắng hơn trước. Trừ các cõi trời Bốn vô sắc[71] và Hữu sắc vô tưởng[72], ngoài ra các cõi trời khác đều sắm lễ vật cúng dường thù thắng hơn trước.

Bấy giờ Phạm thiên[73], chủ của thế giới Ta-bà[74], cùng Phạm thiên tử, vô lượng quyến thuộc, thân phóng hào quang che bốn thiên hạ, làm cho ánh sáng trời, người cõi Dục đều bị lu mờ. Áo trời, hoa trời, tung xuống như mưa; đồng thời bày biện phẩm vật, tràng, phan, dù, lọng cõi trời, xếp thành hàng dài, từ cõi Phạm thiên đến rừng Kiên cố. Họ chuẩn bị xong, đến chỗ Thế Tôn, cung kính đảnh lễ, đứng về một phía.

Lại có, Tì-ma-chất-đa[75], vua trời tu-la, cùng với quyến thuộc, số nhiều vô lượng, thân phóng ánh sáng che bốn thiên hạ, khiến cho ánh sáng Thích Đề-hoàn Nhân và các Phạm vương đều bị lu mờ. Vua trời tu-la cũng sắm sửa nhiều lễ vật dâng cúng, trong đó bảo cái to lớn che khắp tiểu thiên thế giới[76]. Họ chuẩn bị xong, phẩm vật cúng dường, liền đến chỗ Phật, cung kính đảnh lễ, đứng về một phía.

Bấy giờ, Thiên ma Ba-tuần[77], cùng với quyến thuộc, ma nữ cõi trời, số nhiều vô lượng. Họ dùng thần lực mở tất cả cửa của các địa ngục; rồi tùy sở nguyện của các chúng sinh trong địa ngục đó, cung cấp cho họ những thứ cần dùng. Đồng thời bảo với chúng sinh trong cõi địa ngục ấy rằng:

- Các ông cần phải suy niệm công đức tùy hỷ sau cùng mà Đức Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác đã từng chỉ dạy. Nếu niệm như vậy, tất cả các ông sẽ thêm sức mạnh, có thể tu hành phước lợi vô cùng, sẽ khiến các ông hưởng được an ổn, khoái lạc lâu dài, mãi mãi thoát khỏi địa ngục khổ đau, vì Đức Như Laioai thần lớn, có thể khiến cho tâm ma Ba-tuần chuyển hóa điều phục, và cũng khiến cho quyến thuộc của ma, bao nhiêu dùng cụ dùng để chiến đấu, đao, trượng, kiếm, cung, tên sắt, dùi sắt, búa sắt, dây buộc, lưỡi móc câu dài, thảy đều biến hóa thành đồ trang nghiêm. Chúng sinh địa ngục xa rời chánh pháp cho nên nhận chịu bao nhiêu khổ đau, đêm dài tăm tối sống trong ngôi nhà tường vách vây quanh, lửa dữ thiêu đốt, nhờ thần lực Phật, mưa pháp rưới xuống khiến cho lửa dữ thảy đều tắt hết.

Khi ấy chúng sinh trong chốn địa ngục thoát khỏi khổ đau, được vui an ổn. Sau khi thoát khổ được an ổn rồi, mỗi mỗi cùng với quyến thuộc của ma sắm sửa lễ vật, đầy đủ thù thắng, gấp đôi số trước, đến chỗ đức Phật, cung kính đảnh lễ:

- Cúi xin Thế Tôn thương xót tiếp nhận cho con cúng dường. Đức Phật thọ nhận cho con cúng rồi từ đây về sau, nếu kẻ thiện nam, người thiện nữ nào xưng lên danh diệu hai chữ Đại thừa[78], tất cả chúng con sẽ vì người ấy bảo hộ cho họ không còn sợ hãi.

Rồi nói chú rằng:

- Sá chỉ trá trá la, đà chỉ lỗ lâu lệ, ma ha lô lâu lệ, a la, ma la, đa la, tất ba ha.

- Câu thần chú này có thể khiến cho những người loạn tâm được định thâm diệu. Câu thần chú này cũng có khả năng giúp người sợ hãi lìa mọi sợ hãi. Câu thần chú này cũng có thể giúp cho vị pháp sư biện tài vô ngại. Câu thần chú này có thể hàng phục các hàng ngoại đạo. Những người đã có khả năng hộ trì chánh pháp vững bền thì tụng chú này được hai vị thần thường theo hộ vệ. Những lời con nói về thần chú này đều là chân thật. Nếu ở những nơi đồng hoang nguy hiểm, các nạn thú dữ, nạn nước, nạn lửa, người nào trì tụng câu thần chú này, các nạn tiêu trừ. Những người siêng năng trì thần chú này, con sẽ giữ họ như rùa giữ kỉ sáu chi[79] của mình. Ngày nay chúng con, đều đã xa lìa những lời xiểm nịnh mà ma thường dùng. Nguyện xin Thế Tôn thương xót nhận lãnh phẩm vật con cúng, nguyện xin hứa khả, câu thần chú này.

Khi ấy Thế Tôn nói với Ma vương:

- Như Lai không nhận phẩm vật ông cúng, nhưng vì an ổn cho các chúng sinh, nay Như Lai sẽ chấp nhận thần chúpháp cúng dường của ông đã nói.

Ba-tuần cầu thỉnh ba lần như vậy, Thế Tôn im lặng không nhận cúng dường. Khi ấy Ba-tuần cùng hàng ma nữ, ôm chân Đức Phật, cung kính đảnh lễ, đứng về một phía.

Lại có, vua của cõi trời Đại Tự Tại Thiên[80] và các Thiên tử, đầy đủ thần lực, số nhiều vô lượng, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, khiến cho ánh sáng của trời Phạm thiên, Thích Đề-hoàn Nhân, cho đến cõi giới của A-tu-la, đều bị lu mờ. Vua cùng Thiên tử Đại Tự Tại Thiên cũng sắm lễ vật đầy đủ trang nghiêm, thù thắng hơn trước; hoa cái[81] sáng rỡ, chiếu khắp ba ngàn, đại thiên thế giới, khiến cho trăm ức, mặt trời, mặt trăng, đều bị che khuất.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 11607)
Bài kinh không những chỉ dành riêng cho người cao tuổi mà cho tất cả những ai muốn tu tập, nhằm mang lại cho mình một tâm thức an bìnhtrong sáng.
(Xem: 11923)
Bài kinh được xem là tinh hoa tâm linh của người xuất gia, như ngón tay chỉ mặt trăng và như chiếc bè đưa sang bờ giải thoát.
(Xem: 11090)
Quá khứ không truy tìm Tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận, Tương lai lại chưa đến...
(Xem: 11330)
Trong bài kinh nầy, Đức Phật giảng về đời sống tốt đẹp cần phải có của một cư sĩ Phật tử.
(Xem: 12049)
Kinh này được dịch từ Tương Ưng Bộ của tạng Pali (Samyutta Nikàya IV, 380). Kinh tương đương trong tạng Hán là kinh số 106 của bộ Tạp A Hàm.
(Xem: 12545)
Đây là một bài kinh rất phổ thông tại các quốc gia Phật giáo Nam truyền và thường được chư Tăng tụng và thuyết giảng trong các dịp lễ.
(Xem: 10742)
Trong bản kinh này Đức Phật thuyết giảng về bản chất vô thường và vô thực thể của năm thứ cấu hợp gọi là ngũ uẩn tạo ra một cá thể con người.
(Xem: 17963)
"Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân để vượt qua bờ bên kia một cách an toàn"
(Xem: 11715)
Tánh không không nhất thiết chỉ là một luận thuyết đơn thuần triết học mà còn mang tính cách vô cùng thực dụngthiết thực, ứng dụng trực tiếp vào sự tu tập nhằm mang lại sự giải thoát.
(Xem: 9931)
Của cải kếch xù của một người như thế nếu không biết sử dụng thích đáng thì cũng sẽ bị vua chúa tịch thu, bị trộm cắp vơ vét, bị thiêu hủy vì hỏa hoạn...
(Xem: 10158)
Bồ Tát Thiện Giới, hiểu theo nghĩa Việt là những giới tốt lành, hay kheo, chơn chánh của Bồ tát.
(Xem: 12337)
Kinh Kim Cang thuộc hệ Bát Nhã, một trong ngũ thời giáođức Phật đã thuyết, và là quyển thứ 577 trong bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển.
(Xem: 15322)
Kinh Di Giáo là một tác phẩm đúc kết những gì cần thiết nhất cho người xuất gia. Đây là những lời dạy sau cùng của Đức Phật, đầy tình thương và sự khích lệ.
(Xem: 11220)
Kinh Đại Bát Niết Bàn (Maha-parinirvana-sutra), cũng được gọi tắt là Kinh Đại Niết Bàn, hoặc ngắn hơn là Kinh Niết Bàn
(Xem: 14310)
Đức Phật A Di Đà do lòng Đại từ bi, Đại nguyện lực, như nam châm hút sắt, nhiếp thọ hết tất cả chúng sanh trong mười phương vào trong cõi nước Tịnh độ của Ngài,
(Xem: 12071)
Kinh Sa-môn quả đã được đức Phật dạy cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ. Nội dung tất cả các phương pháp Phật trình bày trong kinh này đều xoáy sâu vào ba vô lậu học là giới – định – tuệ.
(Xem: 15305)
Sáu chữ BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA sẽ được giải ở câu đầu tiên của phần nội văn, bây giờ giải đề Kinh chỉ giải hai chữ TÂM KINH
(Xem: 11983)
Đề cương kinh Pháp Hoa là học phần cương yếu, Thượng nhân Minh Chánh nêu lên cốt lõi của kinh qua cái nhìn của thiền sư Việt Nam...
(Xem: 12386)
Tên của bộ Kinh này là Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, tên riêng là "Lục Tổ Pháp Bảo Đàn." "Kinh" là tên chung của các bộ Kinh
(Xem: 11148)
Duy ma trọng nhất là bồ đề tâmthâm tâm. Bồ đề tâm thì vừa cầu mong vừa phát huy tuệ giác của Phật. Thâm tâmchân thành sâu xa trong việc gánh vác chúng sinh đau khổ và hội nhập bản thể siêu việt.
(Xem: 12063)
Bài Bát-nhã Tâm kinh do ngài Huyền Trang đời Đường dịch vào năm 649 dương lịch, tại chùa Từ Ân. Toàn bài kinh gồm 260 chữ.
(Xem: 10594)
Thế Tôn đã để lại cho chúng ta một phương pháp để thẩm định đâu là giáo lý Phật Giáo, đâu không phải là những lời dạy của đức Phật.
(Xem: 12541)
Quyển Pháp Hoa Đề Cương là một tác phẩm thật có giá trị của một Thiền sư Việt Nam gần thời đại chúng ta.
(Xem: 13141)
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi Saigon Xuất Bản 1964, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam-Hoa Kỳ Chùa Huệ Quang Tái Xuất Bản
(Xem: 14771)
Phật pháp không phải là một, không phải là hai, từ lâu truyền lại, ngoài tâm có pháp tức ngoại đạo. Người học đạo Phật ai ai cũng biết như thế.
(Xem: 12637)
Kinh Đại Bát Niết Bànbài kinh nói về giai đoạn cuối đời của đức Phật Thích Ca, từ sáu tháng trước cho tới khi ngài viên tịch, tức là nhập Bát Niết Bàn.
(Xem: 16524)
Nghĩa lý kinh Kim cương là ngoài tầm nghĩ bàn, phước đức kinh Kim cương cũng siêu việt như vậy.
(Xem: 19621)
Phật dạy tất cả chúng sanh đều sẵn có Trí huệ Bát Nhã (Trí huệ Phật) từ vô thỉ đến nay. Trí huệ Bát Nhã rất là quý báu và cứng bén, như ngọc Kim cương hay chất thép.
(Xem: 13092)
Giới bản tân tu này tuy cũng có 348 giới điều như giới bản cổ truyền nhưng đáp ứng được một cách thỏa đáng cho nhu yếu thực tập của người xuất gia trong thời đại hiện tại.
(Xem: 12641)
Giới bản tân tu này tuy cũng có 250 giới điều như giới bản cổ truyền nhưng đáp ứng được một cách thỏa đáng cho nhu yếu thực tập của người xuất gia trong thời đại hiện tại.
(Xem: 12228)
Tạng Kinh là bản sưu tập gồm tất cả những bài Kinh đều do Đức Phật thuyết vào những lúc khác nhau.
(Xem: 11816)
Bài kinh được bắt đầu bằng những điều ta cần làm để được bình an. Không phải là những điều ta cần làm cho tha nhân.
(Xem: 10877)
Pháp ấn này chính là ba cánh cửa đi vào giải thoát, là giáo lý căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là chỗ đi về của chư Phật.
(Xem: 13469)
Thích Đức Nhuận, Viện Triết Lý Việt Nam & Triết Học Thế Giới California, USA Xuất bản 2000
(Xem: 11923)
Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập, đời Dao Tần dịch. Sa môn Hám Sơn Thích Đức ThanhTào Khê, đời Minh soạn - Việt Dịch: Hạnh Huệ
(Xem: 11826)
Hán dịch: Thiên Trúc Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi - Đời Nguyên Ngụy, Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ - Phan Rang - Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh
(Xem: 11618)
Bồ tát Long Thọ ra đời khi các cánh cửa của Phật giáo Đại thừa được bắt đầu mở rộng.
(Xem: 12749)
Kinh Căn Bản Pháp Môn nêu lên hai cách tu tập: Chỉ (samātha) và Quán (vipassana). Đây là hai cách tu tập cần yếu trong hành trình dẫn đến giác ngộ.
(Xem: 14492)
Trong tác phẩm này, chúng tôi đã cố gắng giới thiệu một phần quan trọng của tạng kinh thuộc Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) là kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama) trong hình thức toàn vẹn của nó.
(Xem: 12587)
Hòa thượng Tịnh Không giảng tại Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba, bắt đầu từ ngày 28/5/1998, tổng cộng gồm năm mươi mốt tập (buổi giảng).
(Xem: 15645)
Bộ kinh này có mặt ở Trung Quốc từ đời nhà Đường (618-907). Ngài Bát Lạt Mật ĐếDi Già Thích Ca dịch từ Phạn văn ra Hán văn.
(Xem: 13592)
Kinh Pháp Cú là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo phổ thông nhất và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.
(Xem: 12872)
Diệu Pháp Liên Hoa có thể nói là bộ kinh nổi tiếng nhất trong khu vườn kinh điển Phật giáo Đại thừa.
(Xem: 9846)
Phật pháp dạy mọi người lìa khổ được vui, điều này ai cũng đều biết. Nếu như Phật pháp dạy mọi người lìa vui được khổ thì có lẽ không có ai học.
(Xem: 17994)
Thế Tôn đã từng dạy, chỉ có từ bi mới có thể hóa giải được gốc rễ hận thù, tranh chấp, đối kháng và loại trừ lẫn nhau, ngoài từ bi không có con đường nào khác.
(Xem: 11143)
Kinh Kim Cương là một bộ kinh có một vị trí đặc biệt trong lịch sử học tập và tu luyện của Phật giáo nước ta. Từ giữa thế kỷ thứ 7, trước cả Lục tổ Huệ Năng, thiền sư Thanh Biện của dòng thiền Pháp Vân đã nhờ đọc kinh này mà giác ngộ.
(Xem: 9052)
“Ư bỉ nhị thập nhất câu chi Phật độ, công đức trang nghiêm chi sự, minh liễu thông đạt, như nhất Phật sát, sở nhiếp Phật quốc, siêu quá ư bỉ.” Chỉ một câu văn trong kinh Vô Lượng Thọ mà ta đã có ba chữ nói về cõi Phật.
(Xem: 12154)
Chúng ta biết rằng, lý do tồn tại của Thiền cốt ở tâm chứng, không phải ở triết luận có hệ thống. Thiền chỉ có một khi mọi suy luận được nghiền nát thành sự kiện sống hàng ngày và trực tiếp thể hiện sinh hoạt tâm linh của con người.
(Xem: 13028)
Bài kinh này được chọn trong bộ kinh Theragatha mà kinh sách Hán ngữ gọi là Trưởng Lão Tăng Kệ, thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka).
(Xem: 10281)
Này người Bả-la-môn, ngay cả trước khi việc hiến sinh bắt đầu thì người đốt lửa, dựng đàn hiến sinh cũng đã vung lên ba thanh kiếm bất hạnh...
(Xem: 12172)
Mettâ-sutta là một bản kinh ngắn rất phổ biến trong các quốc gia theo Phật Giáo Nguyên Thủy cũng như các quốc gia theo Phật Giáo Đại Thừa. Tên quen thuộc bằng tiếng Việt của bản kinh này là "Kinh Từ Bi"
(Xem: 15283)
Câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” không chỉ là yếu chỉ tu hành của những người tu Phật mà còn có công năng chuyển hóa những tâm hồn bi quan, khổ đau trong cuộc đời, giúp họ sống tỉnh giác và xả ly, tự tin, làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh sống.
(Xem: 16576)
BÁT NHÃ TÂM KINH (Prajnaparamitahridaya Sùtra) là một bản văn ngắn nhất về Bát nhã ba la mật (Prajnaparamità).
(Xem: 12186)
Bát-nhã là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung-hoa có nghĩa là trí-huệ, tiếng Việt-nam mình cũng giữ chữ đó là trí-huệ.
(Xem: 11446)
Giáo lý Tứ diệu đế với bốn chân lý vượt lên trên mọi tác động của điều kiện bên ngoài, bàn về bản chất của kiếp nhân sinh và khả năng vượt thắng mọi nỗi khổ niềm đau của con người đã trở thành động lựcniềm tin của nhân loại.
(Xem: 14245)
Đại Thừa Khởi Tín Luận - Con đường đưa đến giác ngộ, Tác Giả: Mã Minh - Dịch & Giải: Chân Hiền Tâm.
(Xem: 19655)
Tỳ Kheo GiớiTỳ Kheo Ni Giới do HT Thích Trí Quang dịch và giải
(Xem: 14135)
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm. Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng. Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng
(Xem: 24564)
600 câu hỏi và trả lời liên quan đến giáo lý, hành trì, sự phát triển của Phật Giáo; đến lịch sử, văn hóa của các nước thọ nhận Phật Giáo; đến các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị thời đại.
(Xem: 10662)
Kinh 42 Bài là dịch từ chữ Hán Tứ Thập Nhị Chương. Kinh nầy có nhiều bản chữ Hán. Bản lưu hành cho đến gần đây, theo sự ước đoán của Hòa Thượng Trí Quang
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant