ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
Khai Luận
Xin kính lễ hồi hướng lên bổn sư Văn-thù-sư-lợi {Diệu Âm - Mañjughoṣa}.
Con cúi đầu đảnh lễ đấng Thế Tôn Thích-ca,
Thân của Người được tạo từ muôn ngàn đức hạnh Ba-la-mật-đa,
Khẩu của Người làm thỏa nguyện vô hạn chúng sanh,
Ý của Người thấu rõ chánh tri kiến về vạn pháp.
Con hạ mình đảnh lễ trước ngài Vô Năng Thắng {Di-lặc - Ajita} và ngài Văn-thù-sư-lợi,
Là các truyền nhân tối cao của đấng Bổn Sư Vô Thượng Sĩ [đức Phật],
Đã tiếp thụ gánh vác tất cả các hành vi của đấng Chiến Thắng,
Các hạnh đó tỏa hào quang đến vô lượng cõi Phật-đà.
Con cúi đầu dưới chân Tổ Long Thọ và Vô Trước,
Đã nổi danh trong tam cấp[1], trang nghiêm toàn cõi Nam Thiệm Bộ Châu[2]
Người đã soạn các luận giảng chính xác
Về chủ ý thậm thâm khôn lường của các đấng Phật mẫu.[3]
Con cúi đầu trước tổ Nhiên Đăng [Atiśa], đã gánh vác kho tàng giáo huấn,
Bao gồm các mấu chốt hoàn chỉnh và không sai lạc
Của lộ trình về quan điểm thâm sâu và các hành vi quảng bác
Đã được trao truyền từ hai tổ tiên phong vĩ đại kia
Con hạ mình tôn kính trước các đạo sư
Là người mà hành vi thiện xảo được hướng động bởi lòng từ ,
Là sự sáng soi cho cửa ngỏ thiện duyên dẫn đưa đến giải thoát,
Là mắt để thấy được muôn vàn kinh điển vô biên.
Nay những ai xúc tiến nỗ lực vào thiền đã học hỏi một ít [kinh văn cổ điển],
Trong khi những kẻ đa văn lại không đủ thiện xảo về mấu chốt của việc thực hành.
Họ thường có khuynh hướng xem kinh văn qua các nhãn quan bộ phái,
Không thể nào dùng luận lý để phân biệt ý chỉ của kinh văn
Cho nên, sau khi thấy họ thiếu vắng lộ trình để đạt đến thiện tri,
Đấng Thế Tôn hoàn tất các giáo huấn, các điểm chính của giáo pháp, [2]
Tôi đã hứng khởi để giảng giải
Về con đường của các nhà tiên phong vĩ đại này.
Tất cả những ai có duyên may không bị che mờ bởi bóng đen về bộ phái.
Và những ai có khả năng tinh thần phân biệt được chánh tà,
Và những ai mong ước tạo ra cuộc đời tốt đẹp an lạc
Hãy nên giữ nhất tâm lắng nghe [3]
Ở đây việc giảng dạy mà tôi sẽ giải thích là cách thức mà những người thiện duyên sẽ được dẫn dắt đến Phật quả bằng phương tiện của giai trình đến giác ngộ: (1) là sự gồm thâu các điểm chính của tất cả các kinh văn của đấng Chiến Thắng, (2) là các lộ trình tu tập đã được rèn luyện bởi hai đại tiên phong: Long Thọ và Vô Trước, (3) là hệ thống cho các chúng sinh tối cao tiến bộ lên trạng thái nhất thiết trí {toàn giác} và (4) là một nội hàm đầy đủ tất cả các giai đoạn được tu tập bởi ba loại người {hạ, trung và thượng căn}.
Các thiện tri thức của Học viện Nālandā vinh quang được xem là đã giải thích việc giảng dạy bằng cách thức của ba thuần khiết {thanh tịnh}: lời giảng thuần khiết của đạo sư, tâm thức thuần khiết của đệ tử, và giáo pháp thuần khiết sẽ được giảng dạy. Sau một thời gian giáo pháp này được lan rộng đến Vikramalaśīla,[4] người ta cho rằng thật là điều quan trọng cho các thiện tri thức để bắt đầu {việc giảng dạy} bằng ba đề tài gồm: sự vĩ đại về tác giả của giáo pháp, sự to tát chính giáo pháp và cách thức nên được giảng giải và lắng nghe giáo pháp đó. Giữa hai phương cách {dạy và học} đã nổi tiếng này, ở đây, tôi sẽ theo cách thứ nhì trong các giảng giải của tôi.
Giảng dạy này về giai trình đến giác ngộ gồm bốn phần:[5]
1. Chỉ ra sự vĩ đại của tác giả của giáo pháp này để xác lập rằng giáo pháp đó là nguồn chánh pháp (chương 1)
2. Chỉ ra sự vĩ đại của giáo pháp để mang đến lòng tôn kính với các huấn thị (chương 2)
3. Cách thức để lắng nghe và giảng giải các giáo pháp này (chương 3)
4. Các thức dẫn dắt đệ tử với các huấn thị thật sự (chương 4 trở đi)
[1]Tức là các cấp giới luật của Thanh Văn thừa, Bồ-tát thừa và Mật thừa – ở đây có sự phân biệt với thuật ngữ tam thừa hay dùng trong các tài liệu Phật giáo Việt Nam bao gồm Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát thừa.
[2]BA1 Trong thiên văn học Phật giáo, Nam Thiệm Bộ Châu {skt. Jambudvīpa} là châu lục phía Nam của Tứ Đại Châu bao quanh núi Tu-di {skt. Meru} trung tâm của thế giới. Đay là châu lục mà loài người có đủ duyên (điều kiện) bên trong và bên ngoài cho việc tu tập tôn giáo.
[3]BA2 “Phật Mẫu của đấng Chiến Thắng” (tức các vị Phật) là kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa {skt. Prajñāpāramitā-sūtra} Trí huệ là mẹ của tất cả các đấng Chiến Thắng có nghĩa là chư Phật, trong phạm trù về việc phát triển trí huệ vốn hiểu biết tánh Không và v.v... thì có thể đạt Phật quả tối hậu.
[4]BA3 Chữ đã được sửa chính tả lại từ chữ “Vrikāmalaśīla” theo A-kya:92.5-93.3, người đã đề cập đến cách viết đúng của tên này và nói rằng bất kể sự xuất hiện của nó bao lâu và bao nhiêu lần xuất bản bài luận của tổ Tsongkhapa như là Vrikmalaśīla, chữ viết đúng chính tả là Vikramalaśīla.
[5]BA4 Phần dàn ý này là một phần của kinh văn Tây Tạng. Các dịch giả đã bao gồm dàn ý nội dung cho mỗi chương ở phần đầu của các chương đó và các phân mục của dàn bài này được trình bày xuyên suốt trong chương. Khi một phân mục đề cập đến các chương tới, các dịch giả sẽ chỉ ra đó là các chương nào. Khi một phân mục đề cập đến các chi tiết bao gồm trong hai tập kế, họ sẽ ghi rõ số chương mà trong đó chi tiết đó bắt đầu và thêm vào từ “và tiếp sau đó”.