Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

I. Hiển Thị Chánh Nghĩa

09 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 7280)
I. Hiển Thị Chánh Nghĩa

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN
CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN GIÁC NGỘ

Tác giả : MÃ MINH - Dịch & giải: Chân Hiền Tâm
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh 2004

Phần GIẢI THÍCH


I. HIỂN THỊ CHÁNH NGHĨA 

 

Y nhất tâm pháp có 2 môn. Thế nào là 2? Một là môn tâm chân như. Hai là môn tâm sanh diệt. 2 môn này, mỗi thứ đều nhiếp tất cả pháp. Nghĩa này thế nào? Vì 2 môn này chẳng tách lìa nhau.

Y NHẤT TÂM PHÁP CÓ 2 MÔN, ngài Hiền Thủ chỉ giải thích từ NHẤT TÂM mà không thấy nhắc đến từ PHÁP như sau “NHẤT TÂM là 1 tâm Như Lai Tạng bao hàm ở 2 mặt. Một là ước về cái thể tuyệt tất cả tướng mà nói, là môn chân như. Hai là ước về nghĩa tùy duyên khởi diệt, tức môn sanh diệt”. Nếu hiểu từ PHÁP thành Y NHẤT TÂM PHÁP thì đây là chỉ cho tâm chúng sanh. Y một tâm chúng sanh mà lập 2 môn. 2 môn nhưng cùng 1 tâm, vì chân như là chỉ cho thể của tâm ấy, sanh diệt là chỉ cho thể, tướng và dụng của tâm ấy, không phải 2 môn là có 2 tâm, nên nói NHẤT TÂM PHÁP. Hiểu theo kiểu nào thì nghĩa ‘1 tâm có 2 môn’ vẫn không đổi.

CHÂN NHƯ là chỉ cho cái THỂ không tướng có thể thấy, thường hằng bất biến, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng đến chẳng đi, chẳng nhiễm chẳng tịnh, bình đẳng một vị, tánh không sai biệt, thế và xuất thế gian không có tướng một hai, không có tướng ngôn thuyết. Do đó trong kinh Lăng Già, Như Lai chỉ đáp khái quát 108 câu của ngài Đại Huệ bằng một chữ PHI. Vì là chỗ không thể chỉ bày nên chỉ dùng lời nói ngăn để người thầm ngộ. 

Ngài Hiền Thủ nói “SANH DIỆT là chỉ cho mặt tùy duyên khởi diệt của chân như. Từ sự huân tập chuyển động mà thành có nhiễm tịnh. Nhiễm tịnh tuy thành nhưng tánh hằng bất động. Vì từ bất động mà thành nhiễm tịnh nên bất động cũng ở trong động môn”. BẤT ĐỘNG là chỉ cho môn chân như. ĐỘNG MÔN là chỉ cho môn sanh diệt. Đây là lý do vì sao trong môn sanh diệt có cả phần cứu cánh giác, là cảnh giới vô niệm của tâm không sanh diệt.

Tuy phân 2 nhưng không thể là 2 nên mỗi môn đều nhiếp tất cả pháp. Vì sao là 2 mà không thể 2 sẽ được Luận chủ làm rõ ở phần chân vọng huân tập lẫn nhau.

Ngài Hám Sơn nói “2 môn ấy mỗi thứ đều tổng nhiếp tất cả pháp là để hiển Như Lai Tạngthức tạng, chân vọng hòa hợp, mỗi thứ đều có lực dụng hàm nhiếp lẫn nhau, đồng thời hiển bày sự diệu mầu của việc huân biến chẳng thể nghĩ bàn. Như Lai Tạng có đủ vô lượng các công đức thanh tịnh, nay mê mà làm thức tạng, biến vô lượng công đức thanh tịnh thành duyên nhiễm ô. Nay nói MỖI THỨ ĐỀU NHIẾP là : Nếu Như Lai Tạng theo sự huân thuộc pháp tịnh thì chân có lực mà vọng không lực, nên duyên nhiễm liền biến thành pháp tịnh, tức tổng nhiếp duyên nhiễm trong Như Lai Tạng thành tất cả dụng thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn. Nếu sự huân thuộc duyên vô minh nhiễm ô thì vọng có lực mà chân không lực, nên công đức thanh tịnh liền biến thành duyên nhiễm ô, tức nhiếp công đức trong thức tạng thành tất cả nghiệp dụng [7] chẳng thể nghĩ bàn”.

A. TÂM CHÂN NHƯ, chính là thể nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn. Đó là tâm tánh chẳng sanh chẳng diệt. Tất cả pháp chỉ nương nơi vọng niệm mà có sai biệt. Nếu lìa vọng niệm thì không có tướng tất cả cảnh giới. Cho nên, tất cả pháp từ xưa đến nay lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, rốt ráo bình đẳng, không có biến khác, chẳng thể phá hoại, chỉ là nhất tâm, nên gọi là chân như

NHẤT PHÁP là không có 2 pháp. GIỚI, chỉ cho những chủng tử trong thức tạng, là nhân làm phát sanh tất cả nhân, quả, thánh, phàm trong mười pháp giới. PHÁP GIỚI, Trung Biên Luận nói “Vì là nghĩa của nhân thánh pháp cho nên gọi là pháp giới”. Nhiếp Luận thì nói “Pháp giới là hết thảy mọi nhân pháp”. Cái nhìn của Nhiếp Luận về pháp giới rộng hơn Trung Biên Luận, nhưng chúng đều có chung một nghĩa là NHÂN, là chỗ làm phát sanh vạn pháp. Song là nhân của tất cả pháp hay chỉ là nhân của thánh đạo thôi, là y nơi mê và ngộ mà lập. Mê thì ẩn đó mà ngộ thì hiển bày. Thấy thì khác mà thật là không khác.

Không gì có thể ngoài pháp giới ấy nên gọi là ĐẠI. Một vị bình đẳng, lìa tướng sai biệt nhưng thâu tóm hết thảy tướng sai biệt, gọi là TỔNG TƯỚNG. PHÁP MÔN, ngài Hiền Thủ nói ”Quĩ sanh vật giải viết pháp. Thánh trí thông du viết môn”. Nghĩa là, những qui phạm nào giúp con người nhận hiểu được sự vật gọi là PHÁP. Thánh trí thông đạt gọi là MÔN. 

NHẤT PHÁP GIỚI ấy không có tướng sai biệt, bình đẳng một vị, không gì có thể ngoài nó, lại là chỗ chung cho thánh nhân nhập đạo, nên gọi là NHẤT PHÁP GIỚI ĐẠI TỔNG TƯỚNG PHÁP MÔN

CHÂN NHƯ là THỂ của cái nhất pháp giới đó. Nói TÂM TÁNH là muốn nhấn mạnh đến chữ TÁNH này. Nó cùng nghĩa với các từ bản thể, thể, cội nguồn. CHẲNG SANH CHẲNG DIỆT là tính chất của cái tánh ấy. Ngài Hiền Thủ nói “Cái chẳng sanh chẳng diệt này là để giải thích pháp thể. Theo vọng mà chẳng sanh, phá trừ cũng chẳng diệt. Sửa trị cũng chẳng sanh, nơi nhiễm cũng chẳng diệt

Hiện nay có sanh diệt đây là do vọng niệm. NIỆM là tướng của tâm, chỉ chung cho những gì khởi lên trong tâm. Nói là VỌNG vì chúng là thứ không thật có. Tuy NIỆM thì muôn hình vạn trạng nhưng những tướng ấy không có chất thật nên nói là VỌNG NIỆM. Chính vì không có chất thật nên niệm sanh rồi lại diệt, diệt rồi lại sanh, liên tu bất tận. Vì không có chất thật, ta mới có thể trừ bỏ vọng niệm để trở về tâm chân thật của mình. 

“TẤT CẢ PHÁP chỉ nương nơi vọng niệm mà có sai biệt” có 2 ý : 

1. Sự sai biệt do nhân duyên biến : Cảnh giới chúng sanh là do lực HUÂN và BIẾN không thể nghĩ bàn của những chủng tử huân tập trong tàng thức mà ra. Tùy loại niệm và tùy mức độ huân tậphiện ra vô lượng vô biên tướng sai biệt trong pháp giới này. Như niệm tham là nhân thì quả là cảnh giới quỉ đói. Niệm sân là nhân thì quả là tướng súc sanh. Niệm từ, bi, hỉ, xả là nhân thì quả là tướng Bồ tát v.v... 

2. Sự sai biệt do phân biệt biến : Do không biết cảnh giới trước mắt là do thức biến nên trên cảnh lại sanh phân biệt chấp thủ, niệm niệm tương tục chẳng dứt, khiến cảnh giới càng thêm sai biệt. Như trên cùng một cảnh mà vui thì thấy cảnh tươi tắn rạng rỡ, buồn thì thấy cảnh tiêu điều tang thương. Hoặc trên cùng một người mà người thì thấy đẹp, kẻ lại thấy xấu. Cảnh giới phát sanh nhiều thứ sai khác như thế là do tâm trạng và quan niệm của từng người có sai khác.

Do 2 loại vọng niệm trên mà hiện ra vô số tướng cảnh giới sai biệt trong pháp giới này. 

TƯỚNG TẤT CẢ CẢNH GIỚI đều do vọng niệm mà có như vậy, nên “Nếu lìa vọng niệm thì không có tướng tất cả cảnh giới”. Cảnh giới rốt ráo của Nhị thừa là diệt niệm, nên chư vị thể nhập cảnh giới không. Cái không ấy rất an lạc nên gọi là niết bàn. Cảnh giới ly niệm của Bồ tát là ngay niệm mà lìa niệm, tức ngay cảnh mà bình thản với cảnh. Đây là cảnh giới vô tâm mà nhà Thiền nói “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.

“Cho nên, tất cả pháp TỪ XƯA ĐẾN NAY …" là nói lên THẬT TƯỚNG của thế giới ta đang sống đây, của pháp giới rộng lớn này. Thiên hình vạn trạng bao nhiêu, cũng chỉ là chiếc bóng của một cái THỂ trong suốt, sáng ngời, chưa từng sanh chưa từng diệt, chưa từng đến chưa từng đi. 

Cái THỂ này không thể dùng tâm phan duyên sanh diệt đây mà thấu được, nên nói “Lìa tướng NGÔN THUYẾT, lìa tướng DANH TỰ, lìa tướng TÂM DUYÊN”. Không bị chi phối bởi các tướng sanh, trụ,ï dị, diệt nên nói KHÔNG CÓ BIẾN KHÁC. Không thuộc hữu vi nên CHẲNG THỂ PHÁ HOẠI.

Vì tất cả ngôn thuyết giả danh không thật, chỉ tùy vọng niệm, chẳng thể nắm bắt, nên nói chân như mà cũng không có tướng, chỉ là chỗ cùng cực của ngôn thuyết, nhơn ngôn thuyết mà bỏ ngôn thuyết. Thể chân như ấy chẳng thể bỏ vì tất cả pháp thảy đều chân. Cũng chẳng thể lập vì tất cả pháp thảy đều đồng như. Phải biết, tất cả pháp chẳng thể nói, chẳng thể niệm nên gọi là chân như.

Đây giải thích vì sao trên nói chân như LÌA ngôn thuyết, danh tự mà đây lại có tên là chân như. Đặt tên CHÂN NHƯ là để người đời biết sự có mặt của nó, là để tạm phân biệt với tâm sanh diệt của chúng sanh, chứ nó không phải là vật thể để ta nắm bắt hay hình dung như một cái chén hay con bò theo cái tên nó đang mang, cũng không phải có danh mà không thật như lông rùa, sừng thỏ

Vì sao biết THỂ chân như chẳng thể bỏ mà cũng chẳng thể lập? Nếu BỎ thì vạn pháp không có chỗ y cứ để sanh khởi như hiện nay. Vì thế, biết thể chân như ấy là CÓ chứ không phải không. CÓ nhưng chẳng thể LẬP. Vì LẬP thì THỂ chân như ấy lại đồng với pháp sanh diệt, tức rơi vào đoạn diệt. Đoạn diệt thì diệt rồi, không còn sanh, vạn pháp cũng không thể sanh khởi nối tiếp như hiện nay. Nên biết “Thể chân như ấy chẳng thể bỏ, cũng chẳng thể lập”.

LẬP đây chẳng qua là mượn ngôn thuyết để chỉ bày sự hiện hữu của tâm chân như. Song muốn nhận được tâm ấy thì ngôn từ, niệm tưởng và sự chấp thủ phải dứt bặt. 

“TẤT CẢ pháp chẳng thể nói, chẳng thể niệm nên gọi là chân như” là muốn hiển bày cảnh giới chân như phải là chỗ ly niệm rốt ráo, không phải cảnh giới bị thấy hay bị biết. Không bị thấy, bị biết thì cũng không năng thấy, năng biết. 

Hỏi : Nếu nghĩa ấy như vậy thì chúng sanh làm sao tùy thuận mà thể nhập?

Đáp : Nếu biết tất cả pháp, tuy nói mà không có năng nói sở nói, tuy niệm mà không có năng niệm sở niệm thì gọi là tùy thuận. Còn nếu ly niệm thì gọi là được nhập.

Câu hỏi nêu lên sự khó khăn khi nói chân như là thứ vượt ngoài suy luậnnhận thức của người đời, lại là chỗ ly tướng rốt ráo. Làm sao chúng sanh có thể thể nhập lại nó bằng tâm ngôn thuyết và đầy suy nghĩ này?

NĂNG là chỉ cho chủ thể. SỞ là chỉ cho đối tượng. NĂNG là chỉ cho cái tạo tác, SỞ là chỉ cho cái được tạo tác. Chúng là một cặp duyên khởi. Gọi là duyên khởi vì cái này làm duyên để cái kia sanh khởi. Duyên khởi nên có thì cùng có, không cùng không. NĂNG NÓI là chỉ cho người nói. SỞ NÓI là chỉ cho cái được nói như ngôn thuyết, văn tự v.v… SỞ NÓI cũng có thể hiểu là người nghe, là đối tượng của cái nói ấy. Cái NÓI này là phần thô của NIỆM.

NIỆM, nghĩa của nó rất rộng. Thô tế nhiều dạng, nhưng có thể hiểu chung chung về niệm như sau : Những gì khởi lên trong tâm đều gọi là niệm. Thấy cảnh mà khởi lên suy nghĩ thì sự suy nghĩ ấy gọi là niệm. Đặt sự chú ý của mình vào một tướng nào đó thì sự chú ý ấy gọi là niệm. Niệm Phật là tâm khởi đọc danh hiệu Phật hoặc quán tưởng hình tượng Phật. Niệm còn có nghĩa là nhớ nghĩ, phân biệt. NĂNG NIỆM là chỉ cho chủ thể. SỞ NIỆM là đối tượng của cái NĂNG NIỆM đó. Như niệm Phật thì NĂNG NIỆM là người niệm, nói chính xác là cái tâm đang niệm. Phật là SỞ NIỆM. Chú tâm vào cái bong bóng thì cái tâm đang chuyên chú ấy là NĂNG NIỆM, bong bóng là SỞ NIỆM.

Để thể nhập lại tâm chân như từ tâm sanh diệt, luận nêu ra 2 phần : Tùy thuận trước, thể nhập sau.

TÙY THUẬN là chưa nhập một với tâm chân như, mà cùng hướng thuận với nó rồi từ từ nhập lại với nó. Như chỗ đến là Trúc Lâm, chưa đến nhưng đang trên đường hướng về Trúc Lâm, gọi là tùy thuận. Muốn tùy thuận để thể nhập thì khi đang nói hay đang niệm, đều quán biết chúng là không. KHÔNG, nghĩa là những thứ đó không có thật thể. Tướng thì có đó nhưng tánh thì không. 

Vì sao nói tánh của chúng là không? Vì cái NĂNG - SỞ ấy do duyên mà có. Duyên hết thì NĂNG - SỞ cũng không. Vì pháp CÓ hay KHÔNG là tùy duyên, mà ta biết các tướng ấy không tánh. Vì không tánh nên Phật gọi chúng là vọng. “BIẾT tất cả pháp, tuy nói mà không có năng nói sở nói, tuy niệm mà không có năng niệm sở niệm” là BIẾT những thứ mình đang dùng đây đều là vọng. BIẾT chúng đúng là vọng gọi là TÙY THUẬN.

Điều kiện để thể nhập lại tâm chân như là phải LY NIỆM. Phần LY NIỆM này cũng có thô và tế. Tùy theo mức độ thô tế mà hoặc là thể nhập hoàn toàn với pháp tánh chân như, hoặc chỉ thể nhập được trạng thái bình đẳng của chân như. [8]Phần bình đẳng này cũng có thô và tế. 

Hỏi : Vì sao trên có phần NĂNG NÓI và NĂNG NIỆM, nhưng khi thể nhập lại chỉ nói đến việc ly niệm mà không nhắc đến việc bỏ cái nói? 

Đáp : Vì NÓI là phần thô của NIỆM. Đã bỏ TẾ thì không cần nói đến THÔ nữa.

Lại nữa, chân như ấy y nơi ngôn thuyết phân biệt mà có 2 nghĩa. Một là “Như thật không” vì hiển bày rốt ráo cái thật. Hai là “Như thật bất không” vì có tự thể đầy đủ vô lượng tánh công đức

Đây là mượn ngôn thuyết để giải bày về cảnh giới chân như. Nói NHƯ THẬT vì nó không phải là vọng. NHƯ THẬT KHÔNG là chỉ cho tự thể KHÔNG của vạn pháp. Kinh hay gọi là ‘Tánh không’. NHƯ THẬT BẤT KHÔNG là để hiểu cái như thật không ấy không tánh. Không tánh nên nó không phải là cái không mình thấy trống trơn như hư không mà đầy đủ vô lượng tướng công đức, không phải là cái không đoạn diệt

A1. KHÔNG, là vì từ xưa đến nay, tất cả nhiễm pháp đều chẳng tương ưng, lìa tướng sai biệt của tất cả pháp, vì không có tâm niệm hư vọng. Phải biết, tự tánh chân như chẳng phải tướng có, chẳng phải tướng không, chẳng phải tướng chẳng có, chẳng phải tướng chẳng không, chẳng phải tướng vừa có vừa không. Chẳng phải tướng một, chẳng phải tướng khác, chẳng phải tướng chẳng một, chẳng phải tướng chẳng khác, chẳng phải tướng vừa một vừa khác. Cho đến nói một cách tổng quát là, bởi y nơi tất cả chúng sanh vì có vọng tâm, niệm niệm phân biệt, đều chẳng tương ưng, nên nói là không. Nếu lìa vọng tâm, thật không thể không.

Đây là hiển bày rộng nghĩa KHÔNG của chân như

NHIỄM PHÁP, là chỉ cho những pháp tương ưng với vô minh, do vô minh mà có, như 9 tướng thuộc bất giác v.v… 

TỰ TÁNH CHÂN NHƯ là chỉ cho phần KHÔNG này. Nó chính là cái nhân Phật tánh trong mỗi chúng sanh. Trực nhận được chỗ này gọi là kiến tánh, là thấy được tự tánh của chính mình. Cái KHÔNG này, nhiễm pháp không thể tương ưng. Trong cái KHÔNG ấy cũng không có tướng sai biệt của tất cả pháp. Vì sao? Vì không có tâm niệm hư vọng. Nghĩa là, trong cái KHÔNG này không có 3 tế và 6 thô được nói trong phần Tâm Sanh Diệt. Ngược lại, không có tướng của 3 tế 6 thô mới có thể nói là trực nhận được cái không này.

 “PHẢI BIẾT tự tánh chân như chẳng phải tướng có, chẳng phải tướng không …” là muốn hiển bày THẬT THỂ chân như không rơi vào nhị biên phân biệt. Nói rộng là không rơi vào tứ cú. TỨ CÚ CÓ - KHÔNG là có, không, chẳng có chẳng không, vừa có vừa không. TỨ CÚ MỘT - KHÁC là một, khác, chẳng một chẳng khác, vừa một vừa khác. 

Có, không, một, khác v.v… là những quan điểm của người đời đối với nhân sinhthế giới. Như thấy thế giới mình đang sống đây là thật, là ta đang vướng vào kiến chấp CÓ. Thấy thế giới này hoàn toàn không, là rơi vào kiến chấp KHÔNG. Thấy pháp này tồn tại độc lập với pháp kia, pháp nào cũng có tự thể của riêng nó, là rơi vào kiến chấp MỘT, KHÁC ... Phần lớn những loại kiến chấp này đều hình thành từ quá trình thiền địnhtruyền thừa nhau cho đến ngày nay. Do cái thấy chưa đến nơi, nên cái nhìn về pháp có sai lệch. Như người mù sờ voi, sờ từng bộ phận của voi mà cho chính là voi. Đây cũng vậy. Thấy pháp là CÓ, KHÔNG, MỘT, KHÁC ... là tùy duyên mà thấy như vậy. Đã tùy duyên thì không thể lấy tướng tùy duyên ấy làm thật tướng của vạn pháp.

Không phải là những tướng đó, nhưng không thể chỉ thẳng, vì thật tướng của vạn pháp không phải là cái bị biết hay đối tượng để nhận thấy, dù đó là tướng không. Vì thế, chỉ có thể mượn 4 từ VÔ, BẤT, PHI, LY để phủ định mà hiển cái không thể thấy, song không phải không có. Ngài Hàm Thị nói “Đây là lời chỉ thẳng. Chỉ ngăn cái quấy kia mà không nói cái phải kia. Nếu có chỗ phải thì khác gì cái quấy. Như vàng làm đồ trang sức, nghĩa là vàng không phải xuyến, không phải thoa … khiến người ngay đó thấu suốt ‘không phải’ là không phải xuyến, không phải thoa mà là vàng vậy”. 

Nhân sinhthế gian là những thứ hiện diện như những thật thể trước mắt ta, mà thật tướng của chúng còn không thể lấy TỨ CÚ để suy lường, huống là ngay chính cái thật tướng ấy? Nên nói “Phải biết tự tánh chân như chẳng phải tướng có, chẳng phải tướng không ...”. Đây tương đương với BÁT BẤT của Trung Luận, với 108 chữ PHI trong kinh Lăng Già.

Hỏi : BÁT BẤT của Trung Luận là “Chẳng sanh cũng chẳng diệt …” khác gì “không có, không không” của TỨ CÚ, mà một thì nhận một thì bác?

Đáp : “Không có cũng không không” là để chúng sanh buông cả CÓ lẫn KHÔNG. Vì pháp không phải là CÓ, nên nói KHÔNG. Song nghe KHÔNG người đời lại chấp vạn pháp là KHÔNG nên nói KHÔNG KHÔNG. Chỉ phủ định mà không thể chỉ thẳng vì nó không phải là vật tướng có thể diễn tả. Chỉ cần tâm khôngtrạng thái sanh diệt của phàm phu, tức không vướng vào CÓ, cũng không trụ ở cái không của Nhị thừa, tức không chấp vào KHÔNG, thì ngay đó là “không có cũng không không”. Còn “không có, không không” của TỨ CÚ là một loại kiến chấp phủ định. Nghe nói “không có không không” lại chấp rằng pháp “không cả có lẫn không”. Từ đó hình thành nên một loại kiến chấp mới. Đó là 2 chỗ khác nhau của BÁT BẤTTỨ CÚ. Cái khác ở đây nằm ở một chữ chấp và buông. 

“CHO ĐẾN nói một cách tổng quát là …” là muốn hiển bày cái NHƯ THẬT KHÔNG ấy không tánh, để đưa ra phần BẤT KHÔNG sau. Nói KHÔNG là muốn hiển bày sự hư vọng của tâm sanh diệt hiện nay. Những niệm tưởng ấy hoàn toàn không có thật thể, không gì là không thể phá trừ nên nói là không. Một khi tâm niệm hư vọng ấy hết thì có vô lượng tướng công đức hiển bày. Cái THỂ ấy không phải không, nên nói “NẾU LÌA vọng niệm thì không thể không”. 

A2. BẤT KHÔNG là, đã rõ thể của pháp là “không” không có vọng, chính là chân tâm thường hằng không biến đổi, đầy đủ pháp thanh tịnh, gọi là bất không. Cũng không có tướng có thể thủ, vì cảnh giới ly niệm chỉ chứng mới tương ưng.

Đây là làm rõ nghĩa BẤT KHÔNG

BẤT KHÔNG, nghĩa là không phải không. Ngài Hám Sơn nói “Cái BẤT KHÔNG này cũng chẳng phải là pháp nào khác. Trước đã hiển thể của pháp là không, không vọng nhiễm, chính là thật thể chân như thường hằng không biến đổi. Nhưng trong cái thể không ấy vốn có vô lượng công đức thanh tịnh, chỉ vì trước đây bị vọng nhiễm ngăn chướng mà chẳng thể hiển. Nay vọng nhiễm đã hết thì tịnh pháp vốn sẵn đầy đủ. Vì nghĩa ấy mà gọi là BẤT KHÔNG. Chẳng phải riêng có một thật pháp có thể thủ. Thể BẤT KHÔNG ấy chẳng phải vọng niệm phân biệt có thể thấu được. Đó là cảnh giới ly niệm, chỉ chứng mới tương ưng”.

Như vậy, cái BẤT KHÔNG nói đây là tướng và dụng của cái KHÔNG. Nó chỉ có khi tâm niệm hư vọng của ta đã hết, chứ BẤT KHÔNG không phải là những tâm niệm hư vọng đó. Một khi niệm tưởng hư vọng còn thì phải lấy cái KHÔNG NIỆM làm chỗ qui về. LY NIỆM rồi thì cái KHÔNG ấy mới BẤT KHÔNG. Cho nên, cảnh giới sự sự vô ngại của thế giới Hoa Nghiêm mà dùng tri thức toán học và sự phân biệt tri thức đây để suy lường thì thế giới Hoa Nghiêm ấy không thể thoát được cái luẩn quẩn và khổ ải của Ta Bà uế trược. Đây đều do tâm vọng tưởng mà ra. 

Trên đã giải thích xong phần Tâm Chân Như. 

 

B. TÂM SANH DIỆT là, y Như Lai Tạng nên có tâm sanh diệt. Đó là, chẳng sanh chẳng diệt cùng với sanh diệt hòa hợp, chẳng phải một, chẳng phải khác, gọi là thức Alaida. Thức ấy có 2 nghĩa hay nhiếp tất cả pháp và hay sanh tất cả pháp. Thế nào là 2? Một là nghĩa giác. Hai là nghĩa bất giác.

Trong kinh Lăng Già Phật nói “Đại Huệ! Có khi ta nói không, vô tướng, pháp thân, pháp tánh, bất sanh bất diệt … những câu như thế đều chỉ cho Như Lai Tạng”. Vậy Như Lai Tạng là tên khác của pháp tánh chân như.

Như Lai Tạng vốn không sanh diệt, do không tự tánh nên không tự giữ, bất giác động niệm huân thành vô minh mà có sanh diệt. Từ cái không sanh diệt bất giác mà thành sanh diệt nên nói “Y NHƯ LAI Tạng nên có tâm sanh diệt”. Sanh diệt thế nào cũng không lìa cái không sanh diệt, nên nói “CHẲNG SANH chẳng diệt cùng với sanh diệt hòa hợp”. Ngài Hiền Thủ nói “Động mà làm thành tâm sanh diệt, chẳng tách lìa nhau nên nói ‘hòa hợp’, chẳng phải riêng có một pháp sanh diệt nào khác đến hợp với chân”.

“Chẳng phải một, chẳng phải khác” là nói đến mối liên hệ giữa sanh diệt và không sanh diệt. Sanh diệt không lìa không sanh diệt nên CHẲNG PHẢI KHÁC. Song sanh diệt không phải là cái không sanh diệt, tướng sanh diệt có thể bỏ mà thể của sanh diệt thì không thể bỏ nên CHẲNG PHẢI MỘT. 

ALAIDA, còn gọi là thức tạng hay là thức thứ 8. Gọi là TẠNG vì nó có khả năng chứa nhóm và duy trì các chủng tử thiện ác, hữu vi, vô vi, hữu lậu, vô lậu. Nói là chứa nhóm nhưng không nên hình dung Alaida như một cái kho sẵn có. Chỉ do chủng tử tương tục họp lại mà có Alaida. Hòa thượng Thiện Siêu mượn hình ảnh đồ vật để diễn tả thức Alaida như sau “Tàng thức như một đống đồ vật chứa đủ mọi thứ tốt xấu. Đồ vật từ đống đồ ấy sanh ra. Đồ vật gì cũng chứa vào đống đồ vật ấy. Không có đồ vật thì không có đống đồ vật. Không có đống đồ vật thì cũng không có đồ vật … Tàng thức cũng vậy. Không có chủng tử của các pháp thì không có tàng thức, không có tàng thức thì không có chủng tử các pháp”.[9] Vì thế Alaida vừa có nghĩa là NĂNG TÀNG vừa có nghĩa là SỞ TÀNG. Lại là chỗ loài hữu tình nương đó chấp làm tự ngã nên có thêm cái tên là NGÃ ÁI CHẤP TÀNG. 

Thức Alaida này rất vi tế. Hạng hữu tình không có chủng tánh giác ngộ thì không thể biết tận căn để của nó. Ngay các vị Nhị thừa thú hướng tịch diệt cũng không thể thông đạt. Ngoài việc giữ gìn các chủng tử, thức này còn có tác dụng làm chỗ nương một cách bình đẳng cho tất cả pháp và giữ gìn sự lưu chuyển luân hồi trong các đường cũng như sự hoàn diệt niết bàn. Thức này từ vô thủy đến nay niệm niệm sanh diệt, trước sau biến khác, nhân diệt quả sanh, chẳng phải thường nhất nên có thể làm chỗ cho 7 chuyển thức huân tập thành chủng tử. Giống như dòng nước dốc, chẳng phải đoạn chẳng phải thường mà cứ nối tiếp nhau nên có sự trôi nổi chìm đắm của loài hữu tình. Đó là nói sơ về thức Alaida. [10]

THỨC ẤY là chỉ cho Alaida. Thức ấy có 2 nghĩa là giác và bất giác. Giác và bất giác đều có khả năng NHIẾP tất cả pháp và SANH tất cả pháp. NHIẾP là chịu sự huân mà thành chỗ cất giữ chủng tử. SANH là biến ra để làm thành cảnh giới. BẤT GIÁC thì thuận với vô minh nên SANH 3 tế, 6 thô và tất cả nhiễm phápthế gian. GIÁC thì ngược dòng vô minh nên SANH tịnh pháp và 4 thánh xuất thế.

Phần sau giải thích để hiểu về GIÁC BẤT GIÁC

B1. GIÁC là tâm thể ly niệm. Tướng ly niệm thì đồng với hư không giới, không chỗ nào mà chẳng khắp. 

“ĐỒNG HƯ KHÔNG giới, không chỗ nào mà chẳng khắp” là diễn tả cảnh giới của tâm khi mọi động niệm đã dứt bặt. TÂM THỂ là chỉ cho bản thể hay tự tánh chân như. LY NIỆM là điều kiện để tâm đồng hư không giới, không chỗ nào mà chẳng khắp. Nghĩa là, sanh diệt đã diệt thì không sanh diệt ngay đó hiển bày. Ngài Hám Sơn nói “Nếu hay ly niệm thì bản thể rỗng nhiên như thái hư không, không chỗ nào mà chẳng khắp. Tất cả cảnh giới sai biệt của vọng niệm hòa thành một vị chân tâm, chỉ là pháp giới nhất tướng không có đối đãi”. 

LY NIỆM là không dính với niệm hoặc là không có niệm. Một niệm khởi lên mà ta không dính với nó, hoặc đưa nó về không, gọi là GIÁC. Cái GIÁC này có cạn sâu, được nói rõ ở phần 4 tướng dưới. GIÁC mà tâm đồng hư không giới là chỉ cho tâm thể vô niệm.

Pháp giới nhất tướng tức là pháp thân Như Lai bình đẳng. Y nơi pháp thân ấy mà nói tên bản giác. Vì sao? Nghĩa bản giác là do đối với thủy giác mà nói, vì thủy giác tức đồng bản giác. Nghĩa thủy giác là, y bản giác nên mới có bất giác, y bất giác nên nói có thủy giác. Lại, vì giác tột nguồn tâm nên gọi là cứu cánh giác. Chẳng giác tột nguồn tâm thì chẳng phải là cứu cánh giác.

Đây là nói rõ từ đâu có 3 tên bản giác, bất giácthủy giác. BẢN là gốc, nguyên sơ, đầu tiên v.v... BẢN GIÁC là chỉ cho cái GIÁC nguyên thủy, tối sơ - Chính là pháp thân Như Lai bình đẳng không tăng không giảm mà Phật và chúng sanh đồng có. Gọi là đầu tiên vì đã có cái thứ hai, thứ ba … Không có cái thứ hai, thứ ba thì không nói cái đầu tiên. Cái thứ hai, thứ ba đây chỉ cho BẤT GIÁCTHỦY GIÁC.

BẢN GIÁC là chỉ cho bản thể vốn không sanh diệt. Bản thể chân như ấy không tánh nên BẤT GIÁC huân thành vô minh. BẤT GIÁC là không tỉnh không sáng. Tức từ bản giác mà có bất giác, bất giác y cứ nơi bản giác mà có. BẤT GIÁC huân rồi thì luân chuyển vào 5 đường làm chúng sanh. Song luân chuyển thế nào thì cái bản thể diệu minh ấy vẫn thường nhiên, không hề thiếu vắng. Cái không thiếu vắng ấy là LỰC khiến chúng sanh chán sanh tử khổ, hồi tâm tu hành. Dựa vào lực ấy mà lập trí THỦY GIÁC. Những thứ như ngừa quấy, ngăn ác, sám hối tội lỗi, tụng kinh, niệm Phật, thiền định v.v… đều là công năng của trí THỦY GIÁC. Tùy thô tế mà có biểu hiện khác nhau.

THỦY nghĩa là mới. THỦY GIÁC là mới giác. Gọi là MỚI không phải vì nó mới có - công năng của THỦY GIÁC không khác bản giác, cũng là lực nội huân của bản giác mà thôi - mà vì nó được lập thành sau khi đã có bất giác. Bất giác rồi mới GIÁC nên gọi là THỦY GIÁC. Tức mê rồi mới GIÁC nên gọi là THỦY GIÁC. Tu hành để trở về cội nguồn chân thật, đi từ mê trở lại ngộ phải có thứ lớp trừ dần, 4 tướng thô tế phân chia chưa đồng, nên THỦY GIÁC vốn đồng bản giác mà chưa hẳn là bản giác. Vì thế nói TỨC ĐỒNG BẢN GIÁC. TỨC, là thủy giác vốn là bản giác, song chưa đến tột nguồn thì thủy giác chưa thể là bản giác. ĐỒNG, là khi thủy giác nhập lại hoàn toàn với bản giác.

Như vậy, từ BẢN GIÁC mà sanh BẤT GIÁC. BẤT GIÁC rồi, nhờ có BẢN GIÁC mới sanh THỦY GIÁC. Nói THỦY GIÁC vì đã có BẤT GIÁC. Không có bất giác thì không có thủy giác, cũng không đặt vấn đề bản giác. Song có BẤT GIÁC mà không có BẢN GIÁC thì cũng không có trí THỦY GIÁC. Duyên khởi mật thiết với nhau như thế, nên nói “Y bản giác mới có bất giác, y bất giác nên nói có thủy giác”. Đây là hiển bày mặt duyên khởi của 3 cái giác. 

CỨU CÁNH là chỗ tột cùng, là cội nguồn chân thật. CỨU CÁNH GIÁC là cái giác tột cùng. Nó là cảnh giới khi thủy giác nhập một với bản giác, nên nói “Giác tột nguồn tâm”. Không nói thẳng bản giác mà nói là CỨU CÁNH GIÁC vì quá trình tu hành ngược dòng hoàn tịnh là đi từ chúng sanh đến Phật, đi từ thấp đến chỗ tận cùng ... đã có thứ lớp nên có chỗ tột cùng hay chưa tột cùng. Gọi CỨU CÁNH GIÁC là để phân biệt với 3 cái giác dưới là bất giác, tương tợ giác và tùy phần giác. Đây là tùy tình trạng ly niệm của tâm mà THỦY GIÁC phân làm 4 GIÁC tương ưng với 4 tướng. Nên thứ lớp thì có 4 tên, nhưng tổng quát cũng đều là THỦY GIÁC

Nghĩa ấy thế nào? Là để giải thích về trí THỦY GIÁCCỨU CÁNH GIÁC.

Phần dưới là nói về tướng của 4 cái GIÁC. Song muốn hiểu về 4 cái giác này thì đầu tiên phải nắm được ý nghĩa của 4 tướng sanh, trụ, dị, diệt thông qua 9 tướng Bất Giác nói ở phần sau. 4 tướng đó được lập thành là y vào tâm sanh diệt mà lập, nên nó chỉ là giả lập. Bản thể chân như vốn không có 4 tướng ấy, chỉ là một thể rỗng rang vô sự, đầy đủ vô lượng công đức thanh tịnh mà thôi. 

‘Không có cũng không không’ song do bất giác mà pháp trong tam giới dường như CÓ dường như KHÔNG. Bản thể ấy vốn không sanh diệt chỉ vì không tánh nên không tự giữ mà biến thành 9 tướng kê trong phần Bất Giác. Luận Phật Tánh nói “Tất cả pháp hữu vi, ước về tiền tế thì cùng tướng SANH tương ưng, ước về hậu tế thì cùng tướng DIỆT tương ưng, ước về trung tế thì cùng với tướng TRỤ và DỊ tương ưng”. Cái vừa có gọi là SANH - ứng với phần Nghiệp Tướng là tướng đầu trong 3 tế. Mé tận cùng gọi là DIỆT - ứng với phần Khởi Nghiệp Tướng, là tướng gần cuối của 6 thô. SANH rồi nối tiếp tương tợ gọi là TRỤ - ứng với phần Năng Kiến, Năng Hiện, Trí TướngTương Tục Tướng, là 2 tế sau và 2 thô đầu. Ngay nơi cái nối tiếp ấy mà chuyển biến, gọi là DỊ - ứng với phần Chấp Thủ và kế Danh Tự, là 2 cái thô giữa. Đây chỉ lướt sơ để có thể nắm rõ về tướng của 4 cái GIÁC dưới. 

Từ chân tâm, bất giác biến khởi ra cảnh giới chúng sanh rồi trải dài sanh tử luân hồi thì SANH trước DIỆT sau. Song ngược dòng hoàn tịnh tu hành thì phải bắt đầu từ chỗ đang mê mà ngược dòng lại những cái đã rồi, nên tướng DIỆT được giác trước, dần dần giác đến tướng SANH. 

1. Như phàm phu, giác biết niệm trước khởi ác nên hay dừng niệm sau khiến nó chẳng khởi, tuy gọi là giác mà thật là bất giác.

Đây là nói về tướng GIÁC thứ nhất. Cái GIÁC này được nói đầu tiên vì nó là tướng thô nhất trong 4 tướng. Thô nhất nên tác dụng của nó cũng yếu nhất và dễ thực hành nhất.

NHƯ PHÀM PHU là, cái giác này dành cho phàm phu. Vì sao dành cho phàm phu? Vì chỉ giác NIỆM ÁC mà thôi. NIỆM ÁC là chỉ cho những niệm làm tổn người hại mình như tham, sân v.v... Giác niệm ác là để niệm ấy không biến thành hành động mà phải bị thân thọ báo trong 3 đường dữ. Vì thế tuy nói phàm phu nhưng là loại phàm phu đã biết tin Nhân Quả, không phải loại phàm phu bình thường. Ngài Hiền Thủ liệt những vị này vào hàng Thập Tín.

Ngài Hám Sơn nói “Đây giác tướng diệt trước. GIÁC TƯỚNG DIỆT là, tâm tạo nghiệp của chúng sanh niệm niệm sanh diệt chưa từng tạm nghỉ, nay giác chỗ một niệm diệt này”. Gọi là giác niệm diệt vì khi ta GIÁC được, thì niệm ác đã sanh, đã có mặt. Sanh rồi mới giác nên không thể giác niệm sanh mà là giác niệm diệt. Căn cứ trên TƯỚNG DIỆT của tâm thì giác tướng diệt chính là giác Khởi Nghiệp Tướng, là giác cái tướng khi nó sắp biến thành hành động. Ngài Hiền Thủ nói “Bởi lực của vô minh đã chuyển tâm tịnh ấy đến tận bờ mé mà hành tướng thô đến đó là tột cùng, nên gọi là tướng diệt”. Sự chậm trễ này là do cái BIẾT của mình chưa nhuần nhuyễn nhanh nhẹn bằng lực của dòng vọng nghiệp, nên mình chỉ có thể giác được niệm khi niệm đến tận bờ mé tướng diệt, mà chưa thể giác khi chúng vừa sanh. 

Không tu thì niệm ác ấy sẽ thành hành động, gây nghiệp rồi thọ khổ. Tu thì BIẾT được sự có mặt của nó và dừng ngay, không để nó nối tiếp. GIÁC chính là BIẾT niệm ác đã có mặt nên nói là GIÁC BIẾT. Ngừng ngay thì niệm ác không tiếp tục, nên nói “Giác biết niệm trước khởi ác nên hay dừng niệm sau khiến nó chẳng khởi”. KHỞI đây có 2 nghĩa : Hoặc là niệm ác khởi tiếp trong tâm, hoặc là niệm ác biến thành hành động. 

Như việc giết người. Giết người thường là kết quả của tâm sân hay tham. Cái sân tham ấy chính là niệm ác. Nếu khi niệm sân hay tham vừa xuất hiện ở tâm mà ta biết niệm vừa hiện lên đó là niệm ác, không thể tiếp tục thì mọi thứ yên ổn. Nhưng vì không ý thức được đó là niệm ác, nên hoặc là việc giết người xảy ra lập tức, hoặc niệm ấy được nuôi dưỡng thành những kế hoạch thiện xảo, sau mới thành hành động. Khởi niệm nối tiếp trên tâm hoặc khởi thành hành động đều diễn tả cái KHỞI đây.

GIÁC nhưng vì sao vẫn gọi là BẤT GIÁC? Vì chỉ mới GIÁC NIỆM ÁC thì quả báo vẫn thuộc về cõi trời người, tức vẫn thấy tam giới là thật. Thấy tam giới thật là cái thấy còn mê, chưa phải là cái giác của Bồ tát và chư Như Lai. Tỉnh nên có giác, nhưng cái tỉnh ấy vẫn chưa ngoài cái mê, nên tuy giác mà vẫn gọi BẤT GIÁC là vậy.

Ngài Hám Sơn giải thích “Vì tuy là giác niệm ác chẳng để nó khởi, nhưng thật ra chỉ là ở trên tâm sanh diệt mà đè nén, chưa thấy được tánh chẳng sanh diệt”. Tâm sanh diệt đây là chỉ cho ‘phần đoạn sanh tử’ của chúng sanh. Nói là GIÁC niệm, nhưng cái giác ấy chỉ là loại trừ dần niệm ác, vẫn chưa thoát được sự chi phối của dòng nghiệp lực. Như đứng trong dòng thác, xoay sở qua lại để thuyền xuôi được theo dòng thác khỏi lật chết, chưa phải là thoát được dòng thác. Lấy niệm sanh diệt trừ niệm sanh diệt nên tuy GIÁC mà vẫn gọi là BẤT GIÁC

2. Như trí quán của Nhị thừa và bậc Bồ tát mới phát tâm, giác ở niệm dị, niệm không tướng dị. Vì xả bỏ tướng chấp trước phân biệt thô nên gọi là tương tợ giác.

Đây là GIÁC NIỆM DỊ. Cái GIÁC này dành cho bậc Nhị thừa và chư vị Bồ tát mới phát tâm. NHỊ THỪA là chỉ cho Thanh vănDuyên giác. TRÍ QUÁNhành tướng tu hành của chư vị. Pháp tu của chư vị là quán các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh … thường ở chỗ vắng vẻ, luôn thủ hộ các căn để cảnh không thể làm duyên sanh nghiệp, dùng một niệm không phá trừ sự sanh khởi của tâm. 

BỒ TÁT là chỉ chung cho các vị tu Đại thừa cầu Phật quả chẳng kể là xuất gia hay tại gia. Thanh vănDuyên giác chuyển tâm tu theo Phật đạo cũng gọi là Bồ tát. BỒ TÁT MỚI PHÁT TÂM là chỉ cho những vị phát nguyện tu Đại thừa và bắt đầu thực hành công phu. Không có phần công phu này thì không phải là Bồ tát mới phát tâm nói đây.

2 loại vị này đều tập trung vào việc trừ bỏ những sanh khởi trong tâm để đưa tâm trở về trạng thái KHÔNG trong lặng của nó. Vì thế, niệm ác hay niệm thiện, niệm vui hay niệm buồn v.v… các vị đều GIÁC. Những trạng thái hiện lên trong tâm đó đều gọi chung là TƯỚNG DỊ. Dị là không giống nhau. Những thứ hiện hành đó không ở một dạng nhất định nào nên gọi là DỊ. Song niệm dù muôn hình vạn trạng bao nhiêu mà giác được thì niệm ấy liền không. Cái KHÔNG ấy là bình đẳng, không có tướng khác nên nói “Giác ở niệm dị, niệm không tướng dị”. Cái KHÔNG nhờ giác được tướng dị đó tuy gần với cái KHÔNG của bản giác, nhưng chưa phải là cái không của bản giác nên nói TƯƠNG TỢ. Vì đạt được quả vị rốt ráo của Nhị thừa chăng nữa, thì cái KHÔNG rốt ráo ấy cũng mới là HÀNH không, [11] THỨC vẫn còn. Cái KHÔNG của Phật tánh là THỨC cũng không. Vì thế, giác tướng dị tuy cũng gọi là GIÁC nhưng chỉ mới là TƯƠNG TỢ, chưa phải là chính nó.

Chỗ hướng đến của Nhị thừaBồ tát phát tâm tu Phật tuy khác nhau, nhưng hành tướng tu hành cũng như kết quả đạt được thì như nhau, nên phần GIÁC TƯỚNG DỊ này bao gồm cả Nhị thừa lẫn Bồ tát mới phát tâm. Dẫn Nhị thừa ra đây là để hiểu thêm chỗ đứng của chư vị đối với cả quá trình tu Phật. Nhị thừa buông được TƯỚNG DỊ nhưng thủ chặt cảnh giới KHÔNG ấy làm niết bàn. Bồ tát buông được TƯỚNG DỊ, nhưng biết cái không ấy mới chỉ là hóa thành chưa phải bảo sở, nên không an trụ nơi cái lạc ấy mà tiến lên phá tiếp tướng trụ để trở về cội nguồn chân thật nhất tâm, đầy đủ vô lượng tướng công đức thanh tịnh.

TƯỚNG CHẤP TRƯỚC PHÂN BIỆT THÔ là chỉ cho tướng Chấp Thủ và Kế Danh Tự ở phần Bất Giác sau. CHẤP TRƯỚC là chỉ cho tướng Chấp Thủ. PHÂN BIỆT THÔ là chỉ cho Kế Danh Tự. Tham, sân, khổ, vui … Những hình tướng biến khác ấy đều biểu hiện cho trạng thái dính mắc của tâm đối với cảnh. Nếu những tướng trạng ấy không, tức sự dính mắc không còn. Dính mắc không thì xem như đã giác phá được tướng Chấp Thủ. Tướng Chấp Thủ đã phá thì tướng Kế Danh cũng chẳng còn nghĩa lý, nên nói “Xả bỏ tướng chấp trước phân biệt thô”.

Xả bỏ được những tướng đó thì tâm coi như không, nhưng cái không ấy chưa phải là cái không của Phật tánh, vì nó còn vướng cái phân biệt tế Trí Tướng[12] nên nói “VÌ XẢ BỎ tướng chấp trước phân biệt thô, nên gọi là tương tợ giác”. Quả vị rốt ráo của Nhị thừa thấy như phá được tướng tương tục của tâm, nhưng thật ra chỉ mới là phần hiện hành, nên luận chỉ nói “XẢ BỎ TƯỚNG chấp trước phân biệt thô” mà không nói đến việc xả bỏ tướng tương tục.[13] 

3. Như bậc pháp thân Bồ tát giác ở niệm trụ, niệm không tướng trụ. Vì lìa tướng niệm phân biệt thô nên gọi là tùy phần giác.

NIỆM TRỤ là chỉ cho 4 tướng Năng Kiến Tướng, Cảnh Giới Tướng, Trí TướngTương Tục Tướng trong phần Bất Giác sau. NĂNG KIẾN là chỉ cho cái thấy của mình. Thân tứ đạithế giới mình đang sống đây liệt chung vào CẢNH GIỚI TƯỚNG. Khi đã có cái thấy và cảnh giới bị thấy thì lập tức trên cảnh lại sanh phân biệt. Cái phân biệt này gọi là TRÍ TƯỚNG. Phân biệt rồi sanh ái trước nên tâm càng động, niệm càng huân … vì thế niệm niệm tương tục không dứt. Cái tương tục không dứt đó gọi là TƯƠNG TỤC TƯỚNG.

Gọi là NIỆM TRU, vì Nghiệp Tướng - tức tướng SANH - vừa xuất hiện thì lập tức 4 tướng ấy theo đó mà dàn trãi, nên gọi là niệm trụ. Ngài Hiền thủ nói “Vô minh cùng tướng sanh hòa hợp chuyển tâm tịnh ấy đến chỗ này, hành tướng của nó còn tế, pháp chấp kiên trụ nên gọi là tướng trụ”. 

PHÁP THÂN BỒ TÁT là chỉ cho những vị đã trực chứng được nhân Phật tánh, chính là tự tánh chân như không sanh không diệt của chính mình. Là chỉ cho chư vị Bồ tát thuộc hàng Thập Địa, luận đây gọi là NHƯ THẬT TU HÀNH. Do chư vị đã khoét thủng được màng vô minh, đặt chân lên đất Như Lai, nên gọi là pháp thân Bồ tát. Tuy cùng được một niệm đặt chân ấy, mà viên mãn quả Phật có tới 10 địa, chưa được hoàn toàn như Phật, nên gọi là ‘tùy phần giác’. 

TÙY PHẦN GIÁC tức là giác từng phần. Chứng được nhân Phật tánh rồi nhưng tập khí bao đời chưa xong, pháp thân chưa thể hiển lộ tròn đầy, qua cái niệm đốn ngộ ấy, hiện thân vẫn là Bồ tát giác tướng trụ nên gọi là giác từng phần. 

BỒ TÁT GIÁC TƯỚNG TRỤ là, tuy đã kiến tánh nhưng thân, căn, cảnh và sự nhận biết về những thứ ấy vẫn còn, trí phân biệt chưa hết, dòng tương tục tuy có đứt đoạn nhưng chưa dứt hẳn. Bởi cớ sự ấy mà gọi là TỪNG PHẦN. Hành thiền mà nhận chân được thật tướng của 4 tướng ấy, gọi là GIÁC TƯỚNG TRỤ. Tùy mức độ giác mà có 10 địa. Ngài Hám Sơn nói “Phần phá, phần chứng nên gọi là tùy phần giác”.

TƯỚNG PHÂN BIỆT THÔ là để phân biệt với Nghiệp Tướng phân biệt tế. Nói phân biệt tế là chỉ cho sự liễu biệt của Alaida thức, chỉ là liễu biệt mà không có sự tham gia của ý thức. Chính cái Nghiệp Tướng này mà dù đạt được tâm giác chiếu không còn cảnh giới lục trần, tâm ấy vẫn chưa phải là pháp tánh chân như tròn khắp mà Phật và chúng sanh đồng có, nên nói “VÌ LÌA TƯỚNG niệm phân biệt thô nên gọi là tùy phần giác”.

3 tướng trên đều chưa gọi là CỨU CÁNH GIÁC vì chưa đến được cội nguồn của tâm. 

4. Như Bồ tát địa tận đầy đủ phương tiện, nhất niệm tương ưng, giác tâm sơ khởi, tâm không có tướng sơ. Vì xa lìa niệm vi tế nên được thấy tâm tánh, tâm tức thường trụ, gọi là cứu cánh giác.

Đây là giác TƯỚNG SANH. 

BỒ TÁT ĐỊA TẬN là Bồ tát ở vị kế Phật. PHƯƠNG TIỆN là những phương thức, phương cách tiện dụng … mà nhờ chúng, người tu đạt được cứu cánh niết bàn. Như niệm Phật, ngồi thiền, chỉ - quán v.v… Phương tiện thì đủ từ GIÁO đến SỰ, từ tự lợi đến lợi tha. Ngài Hám Sơn nói “Phương tiện là các pháp quán, hạnh, tu, đoạn”. Vậy ĐẦY ĐỦ PHƯƠNG TIỆN là, công hạnh đã tròn, hoặc nhiễm đã hết, chỉ là một nguồn tâm chân thật. 

NHẤT NIỆM TƯƠNG ƯNG là chỉ cho cái trí đoạn được phần tập khí cuối cùng, thủy giác hợp nhất hoàn toàn với bản giác. TƯỚNG SANH hay NIỆM VI TẾ là chỉ cho Nghiệp Tướng, là động niệm tối sơ của tâm biến khởi. Động niệm vi tế này là động niệm đầu tiên làm chỗ nương cho Năng Kiến và Cảnh Giới xuất hiện. GIÁC TƯỚNG SANH chính là giác cái niệm làm tâm động đó. Nên nói GIÁC TÂM SƠ KHỞI. Ngài Hiền Thủ nói “TÂM SƠ KHỞI là, căn bản vô minh y nơi giác nên có mê mà làm động tâm tịnh ấy, khiến niệm vi tế sanh khởi, nay nhờ giác mà biết nếu rời bản giác thì không có bất giác, tâm động ấy vốn tịch diệt. Như do lầm phương hướng mà đông thành tây. Hết lầm thì tây chính là đông, phương tây hoàn toàn không có, nên nói TÂM KHÔNG CÓ TƯỚNG SƠ. Ở 3 cái giác trước, mỗi cái đều có sở giác[14] vì động niệm chưa hết, nên chỉ nói niệm không có tướng dị, tướng trụ v.v... Đây ở địa vị cứu cánh, động niệm đều hết, chỉ là nhất tâm, nên nói tâm không có tướng sơ vậy”. 

Cho nên Tudala nói “Nếu có chúng sanh hay quán vô niệm thì hướng về trí Phật”.

Đây là câu kết luận sau khi đã giải bày toàn bộ 4 tướng THỦY GIÁC. Chỗ tột cùng cần đến thì vô niệm. VÔ NIỆM, hiểu đơn giản là không khởi niệm. Pháp tánh chân như ấy hoàn toàn không có niệm tưởng hư vọng. Vì thế, tu để trở về nguồn cội chân thật thì phải quán vô niệm. QUÁN VÔ NIỆM là quá trình tu hành được giải bày từ phần ‘tương tợ giác’ đến ‘cứu cánh giác’ trên. TRÍ PHẬT là chỉ cho cội nguồn nhất tâm chân như. CHÚNG SANH là chỉ chung cho tất cả thánh, phàm, tăng, tục chưa thành Phật. Bất kể là tăng hay tục, ai thực hành được cái quán vô niệm ấy trong tất cả thời thì người đó đang hướng về trí Phật. Nói là HƯỚNG vì còn QUÁN. 

Lại tâm khởi, không có tướng sơ có thể biết mà nói biết tướng sơ chính là vô niệm. Cho nên, tất cả chúng sanh chẳng gọi là giác, vì từ xưa đến nay niệm niệm tương tục, chưa từng ly niệm, nên nói vô thủy vô minh.

LẠI TÂM KHỞI là lập lại câu nói giác tâm sơ khởi trên. Chẳng phải khi giác mà biết có tướng sơ nên nói “KHÔNG CÓ tướng sơ có thể biết”. Đã không có tướng sơ có thể biết vì sao lại nói biết tướng sơ? Giải thích rằng, nói biết tướng sơ chính là vô niệm. Như khi hết lầm thì biết tây chính là đông, hoàn toàn không có tướng tây có thể biết. Nói biết tướng tây chính là đông vậy.[15] 

CHO NÊN, là từ những điều vừa nói đó mà ngẫm ra điều kế tiếp đây. “TẤT CẢ chúng sanh chẳng gọi là giác”. Vì sao chẳng gọi là giác? Vì chưa từng rời khỏi niệm, dù chỉ là một ý tưởng MUỐN LY thoáng qua trong đầu. Không ai dám nghĩ rằng, không có suy nghĩ và những cảm giác vui buồn đây mà con người sống được. Thật ra, càng ít niệm tưởng, định kiến bao nhiêu sống càng khỏe, càng hạnh phúc bấy nhiêu. Chưa từng giác tức chưa từng tỉnh. Không tỉnh tức là mê. Mê nên gọi là vô minh. Cái vô minh này không biết có mặt từ bao giờ nên nói là VÔ THỦY VÔ MINH. Vô thủy là không có bờ mé ban đầu. Không có bờ mé ban đầuvô minh này không có chất thật, không thật nên không tìm được chỗ khởi đầu của nó. Minh và vô minh chỉ là 2 mặt duyên khởi của một chân tâm thường trụ bất biến mà thôi. 

Nếu được vô niệm thì biết sanh, trụ, dị, diệt là tướng của tâm, vì đồng vô niệm, thật không có sự biến khác của thủy giác. Vì tứ tướng đồng thời có, đều không tự dựng lập, xưa nay bình đẳng, đồng một giác.

NẾU ĐƯỢC VÔ NIỆM là khi thủy giác đã hợp nhất với bản giác, khi pháp thân đã hiển lộ hoàn toàn. VÌ ĐỒNG VÔ NIỆM là cái nhân (điều kiện) để biết 4 tướng sanh, trụ, dị, diệt là tướng của tâm. Vì sao gọi là tướng của tâm? Vì tâm vô niệm chính là bản thể của 4 tướng ấy. Chúng là mặt duyên khởi của một bản thể vô niệm chứ bản thân chúng không có tự thể riêng. Là SANH vì có DIỆT và TRỤ. DIỆT và TRỤ là nhân khiến lập tướng SANH. Nói là DIỆT vì có SANH và TRỤ. DIỆT là nhân để SANH và TRỤ được lập thành. Tướng DỊ không rời tướng TRỤ mà có. 4 tướng ấy luôn là duyên khởi của nhau nên có thì đồng có, không thì đồng không, không có thứ lớp trước sau như ta đang thấy hiện nay. Hiện nay thấy vậy là do mê mà thấy.[16] Cái đồng khởi, đồng mất này cho thấy 4 tướng ấy không có tự tánh. Vì nếu có tự tánh thì SANH không thể đồng thời với DIỆT. Không tự tánh, xuất hiện nhờ duyên nên nói KHÔNG TỰ DỰNG LẬP. 

Trong kinh Trung Bộ, Phật nói “Ai thấy được duyên khởi, người ấy thấy pháp. Ai thấy được pháp người ấy thấy duyên khởi". THẤY PHÁP là thấy được thật tướng của vạn pháp, chính là trở về cội nguồn chân thật của mình. THẤY DUYÊN KHỞI chính là trực nhận được chỗ nhân quả đồng thời. Đã đồng thời thì thủy giác không có thứ lớp trước sau nên nói “Không có SỰ BIẾN KHÁC của thủy giác". 

XƯA NAY tức khi nào cũng vậy. BÌNH ĐẲNG ĐỒNG MỘT GIÁC là nói lên thật tướng của bất giácthủy giác. Chẳng qua chỉ do mê và ngộ mà thấy có tướng khác, không phải cái khác này xuất phát từ chính bản thân chúng. Như nhặm mắt mà thấy bóng đèn có vân tròn chung quanh, không phải bóng đèn thay đổi từ cái không vân tròn sang có vân tròn. Một khi mắt hết nhặm thì biết bóng đèn có vân chẳng qua chỉ là bóng đèn không vân

Lại nữa, bản giác tùy nhiễm phân biệt sanh 2 tướng, cùng bản giác kia chẳng tách rời nhau. Thế nào là 2? Một là Trí tịnh tướng, hai là Bất tư nghì nghiệp tướng.

NHIỄM tức là nhiễm ô. Như áo trắng vấy mực, người không uống rượu nhưng ở gần người uống rượu rồi sinh uống rượu … những hình thức như thế gọi là nhiễm. Vậy, nhiễm là đối với tịnh mà nói, là chỉ cho những thứ mới huân, không có gốc thật. Thập Bất Nhị Môn Chỉ Yếu nói về sự NHIỄM ở tâm như sau “Lấy tâm trói buộc hiện tại mà nhìn các pháp thì cái một và nhiều sẽ trở ngại lẫn nhau, niệm niệm bám víu gọi là nhiễm”. Gọi NHIỄM PHÂN BIỆT vì nhiễm là do phân biệt mà có.

BẢN GIÁC TÙY NHIỄM cũng là một loại vọng tâm nhưng không phải là loại vọng tâm gây nghiệp tạo tội của chúng sanh, mà là cái vọng tâm hoàn tịnh, chính là chỉ cho tướng thủy giác. Ngài Hiền Thủ nói “Thủy giác này không phải mới khởi, chính là bản giác tùy nhiễm tạo ra”.

Vì sao lại có tùy nhiễm? Ngài Hiền Thủ nói “Vì nếu lìa nhiễm duyên thì chẳng thành được, nên nói tùy nhiễm”. Nghĩa là, nhờ cái tùy nhiễm hoàn tịnh ấy mới có được 2 tướng đây. Nên nói “Tùy nhiễm phân biệt SANH 2 tướng”. Bản giác chính là thể tánh của 2 tướng ấy nên sanh rồi chẳng rời bản giác thành CHẲNG TÁCH RỜI NHAU. 

TRÍ TỊNH TƯỚNG, nghĩa của nó nằm ở 2 từ TRÍ TỊNH. TRÍ TỊNH là cái trí có được khi bản giác tùy nhiễm hoàn tịnh. 

BẤT TƯ NGHÌ NGHIỆP TƯỚNG, tương tự như phần Trí tịnh, nghĩa của nó nằm ở mấy từ ‘bất tư nghì nghiệp’. NGHIỆP là chỉ cho nghiệp dụng, là những cái dụng có được khi bản giác tùy nhiễm hoàn tịnh. Cái dụng này không thể dùng đầu óc suy nghĩ đây mà nghĩ ngợi bàn luận, nên nói BẤT TƯ NGHÌ. Như 32 ứng thân của Quan Âm Đại Sĩ v.v… đều là nghiệp dụng của bản giác tùy nhiễm hoàn tịnh.

Phần sau là đi vào chi tiết của 2 tướng ấy. 

B1a. TRÍ TỊNH TƯỚNG là, y nơi pháp lực huân tập, như thật tu hành, đầy đủ phương tiện, phá tướng thức hòa hợp, diệt tướng tương tục của tâm, hiển bày pháp thân, trí thuần tịnh. 

NHƯ THẬT TU HÀNH là chỉ cho những vị đã chứng được nhân Phật tánh. Nương cái nhân vô sanh ấy mà tu chân như tam muội không thủ, không niệm nên nói Y NƠI PHÁP LỰC HUÂN TẬP. Nói HUÂN TẬP là muốn nói cái LÝ được trực nhận đó phải quán suốt trên tất cả SỰ để LÝ - SỰ viên dungthể nhập SỰ - SỰ viên dung. Phần PHÁP LỰC này, ngài Hiền Thủ cũng như ngài Hám Sơn không chỉ cho nó là lực huân tập của chân như bên trong mà còn là lực huân tập của dòng giáo pháp bên ngoài. Lấy đó tu tư lương gia hạnh thiện căn,[17] chứng nhân vô sanh, đăng địa tu chân như tam muội.

ĐẦY ĐỦ PHƯƠNG TIỆN, chỉ cho chỗ hành của Bồ tát địa tận. PHÁ THỨC HÒA HỢP là phá vào phần nghiệp thức. Chính là ‘giác tướng sơ’ đã giải thích ở phần Cứu Cánh Giác. Tướng thức hòa hợp đã phá, tức sanh diệt đã diệt, chỉ còn cái thể không sanh diệt nên nói TRÍ THUẦN TỊNH. 

TƯỚNG TƯƠNG TỤC nói đây là chỉ cho tương tục vi tế. Kinh Lăng Già gọi là lưu chú. Sơ Địa là đã phá thủng được tướng tương tục của dòng vọng niệm, nhưng phải đến địa vị tột cùng của Thập Địa mới dừng hết tương tục vi tế của tâm mà thể nhập quả vị Phật.

Tùy theo pháp thân hiển lộ từng phần hay viên mãntướng trí tịnh này có từng phần hay viên mãn.

Nghĩa ấy thế nào? Vì tất cả tướng tâm thức đều là vô minh. Tướng vô minh chẳng lìa giác tánh, chẳng thể hoại, chẳng phải chẳng thể hoại. Như nước của đại dương, nhơn nơi gió mà dậy sóng. Tướng nước và tướng gió chẳng rời nhau mà nước chẳng phải là tánh động. Nếu gió ngừng, tướng động ắt diệt nhưng tánh ướt chẳng hoại. Tự tánh thanh tịnh của tâm chúng sanh cũng như vậy, nhơn gió vô minh mà động. Tâm và vô minh đều không hình tướng, chẳng tách rời nhau, mà tâm chẳng phải tánh động. Nếu vô minh diệt thì tương tục ắt diệt mà trí tánh chẳng hoại.

NGHĨA ẤY THẾ NÀO là để giải thích vì sao những tướng khác như tướng hòa hợp, tương tục của tâm đều dứt mà tướng TRÍ TỊNH lại có?

Tướng tương tục và tướng hòa hợp đều diệt bởi nó thuộc phần tâm thức sanh diệt. TÂM THỨCchân tâm do động niệm mà biến thành thức. Tướng sanh diệt có, chẳng qua là từ chỗ không sanh diệt mà thành sanh diệt, như nước biển gặp gió mà thành sóng. Hết gió thì hết sóng nhưng nước biển vẫn còn. Không phải không gió, không sóng là không luôn nước. Như vậy, sóng là tướng biểu trưng cho thể ướt của biển khi ở trạng thái động, nước là tướng biểu trưng cho thể ướt của biển khi ở trạng thái tĩnh. TRÍ TỊNH TƯỚNG chính là phần nước đó, là tướng biểu trưng cho phần thể không sanh diệt. Vì thế, khi không có gió vô minh thì các tướng khác đều diệt, nhưng tướng của cái nguyên thể ban đầu vẫn còn. Kinh Lăng Già nói “Chẳng phải tự tướng chân thức diệt, chỉ là nghiệp tướng diệt”. Đây là nói gọn lại phần ví dụ trên để dễ nắm vấn đề

Sóng biển thì làm lật thuyền, nhưng nước biển thì lại tải thuyền. Cái tải ấy là dụng của nước khi ở thể tĩnh. Cái dụng này chỉ cho phần BẤT TƯ NGHÌ NGHIỆP TƯỚNG nói sau. 

B1b. BẤT TƯ NGHÌ NGHIỆP TƯỚNG là, y nơi Trí tịnh tướng hay tạo mọi cảnh giới thù thắng vi diệu. Đó là, vô lượng tướng công đức thường không đoạn dứt, tùy theo căn tánh của chúng sanh, tự nhiên tương ưng với mọi thứ mà hiện để được lợi ích.

Y, là nương vào đó. Loại nghiệp dụng này chỉ có khi tướng Trí tịnh đã xuất hiện. Nghĩa là, bản giác tùy nhiễm hoàn tịnh rồi, mới có được loại nghiệp dụng chẳng thể nghĩ bàn này, nên nói Y NƠI TRÍ TỊNH TƯỚNG

CẢNH GIỚI THẮNG DIỆU này, Thật Tánh Luận nói “Thân của chư Phật Như Lai như hư không, không tướng. Chỉ vì các bậc thắng trí mà làm thành cảnh giới 6 căn, thị hiện thành sắc tướng trang nghiêm, phát ra âm thanh vi diệu, khiến người người ngửi được giới hương của Phật, nếm được diệu pháp của Phật, đạt được giác tam muội[18] mà thấu được diệu pháp thâm sâu,[19] nên gọi là cảnh giới vi diệu”. Cảnh giới này không phải chỉ Phật mới có. Theo kinh Lăng Già, Bồ tát từ địa thứ ba trở đi đã có thể hóa hiện ra vô số huyễn thân, tùy niệm thị hiện làm lợi ích cho chúng sanh.

ĐÓ LÀ, là giải thích “Trí tịnh tướng hay tạo mọi cảnh giới” như thế nào. Là tùy theo căn tánh của chúng sanh mà hiện để được lợi ích. LỢI ÍCH là, tạo đủ các loại hạnh duyên hỗ trợ để giúp chúng sanh quay dần về bản tâm thanh tịnh của mình. Hạnh duyên này, hình tướng của nó không nhất định. Có thể là hình tướng trang nghiêm đầy đủ lực dụng thần thông, biện tài vô ngại như Phật Thích Ca Mâu Ni. Có thể là hình tướng dịu hiền của một Quán Thế Âm hay hình tướng dữ tợn của một ngài Tiêu Diệm. Có thể là hình tướng của một người đàn bà nghèo khổ xin ăn cùng cực cùng đàn con nhỏ …[20]] Song dù là hình tướng nào thì tất cả đều biểu trưng cho một thể TỪ BI vô hạn. Vì sao nói vô hạn? Vì đều cùng mục đích là giúp chúng sanh “Lìa tất cả khổ, đạt được cái vui rốt ráo”. 

Ứng thânbáo thân của chư Phật cũng như của chư vị Bồ tát đăng địa đều tùy thuộc vào căn tánh của chúng sanh mà hiện, nên tuy nói TẠO mà thật là không có tạo, chỉ là CẢM nên ỨNG mà thôi. Phần CẢM ỨNG này là sự vi diệu không thể nghĩ bàn của bản tâm thanh tịnh. Tâm của chúng sanh càng thanh tịnh thì càng dễ gặp Phật. Vì thế nói “Vì các bậc thắng trí mà làm thành cảnh giới lục căn”. THẮNG TRÍ là chỉ cho những vị tâm tương đối thanh tịnh. Đây là lý do vì sao vào thời đức Phật còn tại thế và sau đó một ít thôi, chúng sanh đọc học kinh luận dễ dàng mà chứng thánh đạo cũng nhiều. Vì căn tánh của họ vốn thắng diệu. Vốn thắng diệu, họ mới gặp được Phật và cách thời Phật ra đời không xa. Nói vậy không có nghĩa càng xa Phật thì căn tánh của chúng ta càng lụn bại. Càng xa Phật mà không tu tập thì căn tánh lụn bại là lẽ tất nhiên. Nhưng càng xa Phật mà càng tu tập miệt mài thì tuy không thấy được tướng Phật với 32 tướng tốt trang nghiêm, nhưng lại thể nhập được chính ông Phật vô tướng, vô trụ mà Phật cùng chúng sanh đồng có. 

Cái ứng và cảm này cho thấy DUYÊN KHỞI chi phối mọi sự mọi vậtthế gian. Không có thứ gì tự xuất hiện một mình mà đều có nhân có duyên. Phật pháp cũng như thế. Phải có nhân có duyên không có gì tự khởi. Trí và bi của chư Phật đầy đủ trùm khắp, nhưng chúng sanh không có căn lành, không biết hướng về, tức không cảm thì không có sự ứng hiện. Cầu mà ứng chính là do công đức mình đã tu tạo nhiều đời trước đây. Không cầu mà ứng bởi căn lành quá thành thục. Như nước và mặt trăng, chỗ nào nước trong không bị che chắn thì trăng liền hiện. 

CÔNG ĐỨC nói đây là chỉ cho trí tuệ thanh tịnh nhiệm mầu không có bờ mé của pháp tánh chân như, nên nói THƯỜNG KHÔNG ĐOẠN DỨT.

Lại nữa, TƯỚNG GIÁC THỂ có 4 nghĩa đại, đồng với hư không và giống như kính sạch trong. 

GIÁC THỂ là nói về thể của cái giác, chính là bản giác hay tâm chân như. Giác thể này có 4 tướng. Vì giác thể rộng lớn không bờ mé, bao hàm tất cả như hư không, nên nói là ĐẠI. Lại tròn sáng mà hay hiện như kính sạch trong, nên lấy hư không và kính làm dụ. 

Thế nào là 4?

1. NHƯ THẬT KHÔNG KÍNH, xa lìa tất cả tướng cảnh giới của tâm, không phápthể hiện, chẳng phải nghĩa giác chiếu. 

Đây là nghĩa NHƯ THẬT KHÔNG đã nói ở phần Tâm Chân Như. Nói NHƯ THẬT bởi cái không này là THỂ TÁNH chân thật của tất cả pháp. 

TƯỚNG CẢNH GIỚI là chỉ cho thân, căn và cảnh giới ta đang có đây. Nó cũng chỉ cho ‘cảnh giới chứng’ còn trong vòng năng giác - sở giác. Hành thiền mà còn thấy có cảnh giới - dù cảnh giới ấy sáng rực không có bờ mé như hư không - thì cảnh giới ấy vẫn là cái bị thấy, chưa phải là cái THỂ như thật không này. Gọi là CỦA TÂM, vì tất cả tướng cảnh giới đều không ngoài tâm mà có. Không ngoài tâm nên tất cả đều không có chất thật, chỉ do vọng niệm, vọng giác mà thành. Như mắt bịnh mà thấy hoa đốm trên hư không. Hoa đốm vốn không thật có. Tướng cảnh giới kia cũng vậy. Do tâm bịnh mà tướng cảnh giới xuất hiện. Cảnh giới vốn không. Nên nói “XA LÌA tất cả …”.

Dùng KÍNH để dụ cho cái NHƯ THẬT KHÔNG thì biết cái như thật không ấy tính nó hay hiện vật. Đây nói “Không pháp có thể hiện” là do vật vốn không, không phải kính ấy không có tính hay hiện. Lìa năng giác - sở giác mới thấu được tánh thể này nên nói KHÔNG PHẢI NGHĨA GIÁC CHIẾU. 

2. NHÂN HUÂN TẬP KÍNH, là như thật bất không. Tất cả cảnh giới thế gian đều từ trong đó mà hiện, chẳng ra chẳng vào, chẳng mất chẳng hoại, nhất tâm thường trụ, vì tất cả pháp tức là tánh chân thật. Lại, tất cả nhiễm pháp đều chẳng thể nhiễm, trí thể bất động, đầy đủ vô lậu huân chúng sanh.

Đây là nghĩa NHƯ THẬT BẤT KHÔNG ở phần tâm chân như. Gọi là NHÂN HUÂN TẬP bởi cái thể này là chỗ HUÂN TẬP của các chủng tử, chính là sở nhân y của tất cả pháp. Gọi là SỞ NHÂN Y vì nó là chỗ Y TỰA của tất cả pháp, cũng là NHÂN làm phát sanh vạn pháp. Nhiễm tịnh y nơi chánh nhân quả của mười phương pháp giới đều hiển hiện tại nhất tâm này, như gương sáng hiện tất cả sắc tượng, rời gương thì không có hình tượng, nên nói “TẤT CẢ CẢNH GIỚI thế gian đều từ trong đó mà hiện”.

CHẲNG RA CHẲNG VÀO … là muốn hiển bày vạn pháp chỉ là bóng dáng của tự tâm, không có tự tánh của riêng nó. Thấy ra thấy vào chỉ là do mê mà thấy. Ngài Hiền Thủ nói “Phải đợi huân tập mới hiện các pháp, không phải không huân mà tự hiện được, nên nói CHẲNG RA. Không có tâm năng huân thì không có pháp, pháp không từ ngoài vào, nên nói CHẲNG VÀO. Tuy pháp không từ trong ra, không từ ngoài vào, song vì duyên khởipháp hiển hiện, không phải là không, nên nói CHẲNG MẤT. Do duyên tụ khởi mà thành, không có xuất xứ, chẳng khác chân như, nên nói CHẲNG HOẠI. Như ảnh trong gương, dao chẳng thể chém. Vì đồng với gương nên chẳng thể hoại vậy”. 

NHẤT TÂM THƯỜNG TRỤnhất tâm chân như chính là thể của các tướng ấy. Như cảnh vật hiện trong gương và gương không phải một, nhưng bản chất của cảnh vật ấy lại chính là gương, tức vật và gương không khác. Vì cái KHÔNG KHÁC ấy mà nói “Pháp ấy tức là tánh chân thật”. Vì cái KHÔNG MỘT ấy mà nói “Tất cả nhiễm pháp đều chẳng thể nhiễm”. CHẲNG THỂ NHIỄM vì cảnh đến thì hiện cảnh, vật đến thì hiện vật, nó không có tánh lưu giữ khi vật và cảnh đã không. Chính cái tánh không lưu giữ ấy mà ta biết mặt gương dù chất đầy cảnh tượng, thể của gương vẫn trong. Chẳng nhiễm nên nói TRÍ THỂ BẤT ĐỘNG. [21]

ĐẦY ĐỦ VÔ LẬU là chỉ cho pháp tánh chân như đầy đủ công đức thanh tịnh. HUÂN CHÚNG SANH là tự thể ấy làm nhân huân tập bên trong, khiến người chán cái khổ sanh tử, thích cầu cái vui niết bàn.

3. PHÁP XUẤT LY KÍNH, là pháp bất không thoát phiền não ngạitrí ngại, lìa tướng hòa hợp, thuần thanh tịnhsáng suốt.

XUẤT LY nghĩa là rời bỏ, thoát khỏi. Gọi là XUẤT LY KÍNH vì pháp bất không ấy thoát khỏi sự trói buộc của phiền nãosở tri. PHÁP là chỉ cho pháp tánh chân như. PHIỀN NÃO NGẠITRÍ NGẠI là chỉ cho phiền não chướngsở tri chướng. Phá được 2 chướng này chính là phá được tướng hòa hợp giữa sanh diệt và không sanh diệt, nên nói LÌA TƯỚNG HÒA HỢP. Như gương, không còn bụi bặm thì mặt gương bóng sạch trong suốt hiển bày, nên nói “thuần thanh tịnh và sáng suốt”. THUẦN nghĩa là không có gì khác ngoài sự thanh tịnhsáng suốt ấy. Đây là lúc thủy giácbản giác hợp nhất.

4. DUYÊN HUÂN TẬP KÍNH, là y pháp xuất ly nên chiếu khắp tâm chúng sanh, khiến tu thiện căn, tùy niệm thị hiện.

Kính thứ hai trên nói về NHÂN huân tập. Đây, nói về DUYÊN huân tập. Gọi là duyên vì nó làm ngoại duyên giúp chúng sanh tu tập thiện căn. Phần này tương đương với phần dụng Bất tư nghì nghiệp tướng nói trên. Song đây nói ngay THỂ, kia nói ở TRÍ. Một bên là y nơi pháp xuất ly, tức ngay nhân tức quả mà nói. Một bên là y nơi bản giác tùy nhiễm hoàn tịnh, là quá trình từ nhân đến quả. 

Cái dụng này chỉ có khi tâm đã qua được 2 chướng trong phần Xuất Ly Kính trên, nên nói Y PHÁP XUẤT LY. PHÁP XUẤT LY chính là giác thể mà Phật cùng chúng sanh đồng. Ngài Hám Sơn nói “Trước, là chúng sanh vốn có Phật tánh làm nhân nội huân. Nay tu hành thì lìa chướng xuất triền, chứng được pháp thân, tức hay chiếu khắp tâm chúng sanh mà khởi đồng thể đại bi, hiện mọi thứ thân tướng để điều phục chúng sanh, làm duyên ngoại huân. Đại viên cảnh bình đẳng hiển hiện, cùng tâm chúng sanh chiếu sáng lẫn nhau. Chỉ vì chúng sanh mê mà chẳng biết. Trí giác tròn sáng nên hay chiếu khắp”.

TÙY NIỆM THỊ HIỆNtùy tâm niệm của chúng sanh mà hiện hóa thân, báo thân làm lợi ích cho chúng sanh

B2. BẤT GIÁC là, chẳng biết đúng như thật pháp chân như toàn nhất, bất giác tâm khởi mà có niệm. Niệm không có tự tướng, chẳng lìa bản giác. Giống như người mê nương nơi phương hướng mà lầm. Nếu lìa phương hướng thì không lầm. Chúng sanh cũng vậy. Y giác nên mê. Nếu lìa giác tánh thì không có bất giác. Vì có tâm vọng tưởng bất giác nên hay biết danh nghĩa mà nói chân giác. Nếu lìa tâm bất giác thì không có tự tướng chân giác có thể nói.

BẤT GIÁC là đối với GIÁC mà nói. BẤT GIÁC thì không phải giác. Tự tánh chân như do không tự tánh nên không tự giữ mà vọng động. Cái động đó là do BẤT GIÁC mà có. BẤT GIÁC vì chẳng biết đúng như thật về một cái toàn nhất. 

Bản giác biểu trưng cho cái không động. Nay động nên gọi là bất giác. Bất giác thì khởi niệm. Niệm này là do bản giác vọng động mà có, nên nó không có tự thể riêng mà thể của nó chính là bản giác, nên nói “Niệm không có tự tướng, chẳng lìa bản giác”. Như sóng lăn tăn từ nước mà có, thể của nó vẫn là nước. 

GIỐNG NHƯ NGƯỜI MÊ … là ví dụ để hiểu bất giác nương nơi giác mà có. Bất giác không phải là bản giác, nhưng không lìa bản giác. GIÁC TÁNH là chỉ cho thể tánh của cái giác, chính là bản giác, là cái thể ‘như thật không’ nói trên. 

bất giác nên có niệm tưởng, có niệm tưởng nên có ngôn từ, văn tự. DANH là chỉ cho tướng, hình thức. NGHĨA là chỉ cho nội dung, tính chất, ý nghĩa. Cũng như từ chân như, lập ra CHÂN GIÁC vì có bất giác. Bất giác đã không thì chân giác cũng chẳng thể nói. Bởi nó là thứ không năng giác - sở giác, không năng kiến - sở kiến nên không thể lấy tri thức đây mà suy lường hay nói năng.

Đây là nêu bày mặt duyên khởi của chân giácbất giác. Không có chân giác thì không có bất giác mà không có bất giác thì cũng không lập chân giác, chỉ là một thể thường trụ không sanh không diệt, không đến không đi. Duyên khởi nên ngay bất giác chính là giác. Ngay cái sanh diệt chính là cái không sanh diệt. Ngay cái mê ấy mà biết là mê, chính là giác. Như người ngủ rồi mộng, ngay trong mộng mà biết mình đang mộng thì lúc ấy không mộng. 

Lại nữa, y bất giác nên sanh 3 thứ tướng, cùng với bất giác kia tương ưng chẳng lìa. 

Y BẤT GIÁC NÊN SANH … tức bất giác là nhân sanh ra 3 thứ tướng. TƯƠNG ƯNG nghĩa là phù hợp không trái nghịch, như nắp đi đôi với nồi. Cùng bè cùng lứa gọi là tương ưng. Phải có nhân bất giác mới có quả là 3 tướng, không có bất giác thì không có 3 tướng nên nói CHẲNG LÌA. 

Tướng trước là nhân để tướng sau sanh khởi. Theo thứ tự trước sau có tất cả 9 tướng, khiến chân tâm thanh tịnh vô tướng khởi sanh thế giới, chúng sanh, nghiệp quả, luân hồi … nối tiếp vô hạn định.

Thế nào là 3?

I. VÔ MINH NGHIỆP TƯỚNG : Vì y bất giác nên tâm động mà gọi là nghiệp. Giác thì bất động. Động tức có khổ vì quả chẳng lìa nhân.

Nghĩa VÔ MINH, ngài Hàm Thị nói như sau “Trong Như Lai Tạng thật có 2 nghĩa minh và vô minh. Minh, là giác thể vốn minh. Vô minh, là giác thể vốn không tánh, vì cực chân nên không phân biệt, trong cái không phân biệt ấy mà trạm nhiên thường trụ - gọi là diệu, trong cái không phân biệtmờ mịt chẳng tỉnh - gọi là vô minh”. Bị cái lực mờ mịt ấy mà tâm không còn ở trạng thái tĩnh lặng nên gọi là động. Tướng động ấy gọi là NGHIỆP TƯỚNG. Nghiệp tướng là nói về tướng nghiệp. Nghiệp là chỉ cho hành động hoặc sự tạo tác. Không tĩnh lặng mà đã có vọng động nên gọi là nghiệp. Gọi VÔ MINH NGHIỆP TƯỚNG vì tướng nghiệp ấy do vô minh mà có.

Bản chất của bất động là thường, lạc, ngã, tịnh. Động thì ngược lại với bất động, lại chính từ cái động ấy mà sanh ra 9 tướng trong phần Bất Giác đây, khiến chúng sanh chịu nhiều sanh tử khổ não, nên nói “Động tức có khổ, vì quả chẳng lìa nhân”. NHÂN là chỉ cho Nghiệp Tướng. QUẢ là chỉ cho tướng Nghiệp Hệ Khổ, là tướng cuối cùng trong 6 thô. 

Ngài Hiền Thủ nói “Đây tuy động, nhưng động niệm này rất vi tế. Duyên khởithành nhất tướng, năng sở chưa phân. Chính là phần tự thể của thức Alaida”. 

II. NĂNG KIẾN TƯỚNG : Vì y động nên hay thấy. Bất động thì không có thấy.

KIẾN nghĩa là thấy. NĂNG là chỉ cho phần chủ thể. NĂNG KIẾN là chỉ cho chủ thể hay thấy. Tuy nói là thấy nhưng không nhất định phải có mắt mới thấy, mà sự rõ biết của tâm thức cũng gọi là thấy. Điều này sẽ được nói rõ ở phần Cảnh Giới Tướng sau. 

Nói NĂNG là do đối với SỞ mà nói. Sở kiến là chỉ cho Cảnh Giới Tướng dưới. Phần Năng Kiến này là do Nghiệp Tướng chuyển thành, nên nói “Y động nên hay thấy”. Tuy là do bất giác mà có, nhưng nó là cái thấy chưa bị nhiễm ô bởi sự phân biệt của Trí TướngTương Tục Tướng. Kinh Lăng Nghiêm gọi nó là KIẾN TINH, là cái thấy còn tinh ròng. Có sự vọng động của Nghiệp Tướng mới có Năng Kiến, không có sự vọng động đó thì không có Năng Kiến, nên nói “Bất động thì không có thấy”. 

III. CẢNH GIỚI TƯỚNG : Vì y Năng Kiến mà vọng hiện cảnh giới, lìa Kiến thì không có cảnh giới.

CẢNH GIỚI TƯỚNG, ngài Hám Sơn giải thíchhư khôngtứ đại. Trong phạm vị xa nguồn hiện nay, cảnh giới mà một chúng sanh hữu tình đang thọ nhận chính là Cảnh Giới Tướng. Như với Nhân đạo thì Cảnh Giới Tướng chính là thế giới con người đang sống bao gồm cả thân và các căn, còn tâm thuộc về Năng Kiến. 

Vì có Năng Kiến mới có Cảnh Giới Tướng, nó là phần SỞ KIẾN của tướng Năng Kiến này, nên nói Y NĂNG KIẾN. Không có Năng Kiến thì không có Cảnh Giới Tướng nên nói “LÌA KIẾN thì không có Cảnh Giới”. Nói VỌNG HIỆN vì cảnh giới này không có thật thể, chỉ do tâm bất giác mà vọng thấy có cảnh giới. Như đi trong sa mạc, do ảo giác mà thấy có nước. Nước ấy vốn không thật có. Cái thấy do ảo giác ấy chỉ cho Năng Kiến. Nước chỉ cho Cảnh Giới Tướng. Đây là do mê Như Lai Tạng mà thấy dường như có thân căncảnh giới trước mắt, nên nói VỌNG HIỆN. 

Quá trình biến khởi từ chân tâm ra cảnh giới chúng sanh được giải rõ trong kinh Lăng Nghiêm như sau : Khi ngài Phú Lâu Na hỏi “Tánh bản nhiên thanh tịnh vì sao bỗng nhiên sanh ra núi, sông, đất liền cùng các thứ hữu vi thứ lớp dời đổi… ?”. Trả lời từng chi tiết xong, Phật kết luận “… Đều do tánh rõ biết sáng suốt của giác minh. Nhơn rõ biết mà phát ra tướng. Từ cái vọng thấy mà sanh ra núi, sông, đất liền cùng các tướng hữu vi thứ lớp dời đổi …”. Nhơn rõ biết mà phát ra tướng thì cái tướng được thấy đầu tiên là SỞ MINH. Sở minh chính là MINH. Song gọi là sở minh vì cái minh ấy trở thành đối tượng mà ta nhận biết được.

Nghĩa là, GIÁC TÁNH vốn là minh, song TÁNH thì không rơi vào năng sở, nên cái MINH này không phải là đối tượng để ta thấy được. Do không tự tánh, không thể tự giữ nên có Nghiệp Tướng. Có nghiệp tức có sự chuyển biến mà sanh ra sở. Chính là SỞ MINH. Sở lập thì năng sanh,[22] chỉ cho Năng Kiến Tướng. Nói năng - sở vì trạng thái sáng chiếu thanh lương ấy vẫn là thứ mà ta cảm nhận được, không phải vì nó tách biệt thành chủ thể và đối tượng rõ rệt như ta thấy hiện nay. Chỉ thuần là một GIÁC MINH thanh tịnh. Đây là cảnh giới niết bàn của các vị Duyên giác. [23]

Khi sở minh được lập tức giác tánh bị che mờ. Giác tánh đã mờ thì minh ẩn mà vô minh hiện, nên xem trở lại đồng như mờ tối, chính là hư không. Hư không mờ tối không chủ thì động tịnh so nhau nên đối đãi mà thành dao động, sanh ra phong luân nắm giữ thế giới. Do sự dao độngminh giác càng thêm cứng chắc nên có kim luân giữ gìn cõi nước. Phong đại và kim bảo cọ xát với nhau nên có lửa sáng. Ánh sáng của kim bảo thấu suốt trong ngoài như thủy tinh có hơi đượm ướt, thêm lửa liền biến thành chất lỏng nên có thủy đại trùm khắp mười phương v.v…[24] Đây là nói về quá trình biến khởi của hư khôngtứ đại từ chân thể thanh tịnh. Từ hư không tứ đại ấy mới phát sanh núi, sông, đất liền và các pháp hữu vi. Tất cả đều thuộc Cảnh Giới Tướng

SỞ MINH là phần sở kiến tế, khi ấy chưa có thế giớithân căn của chúng sanh, nên nói “không nhất định phải có mắt mới thấy mà sự rõ biết của tâm thức cũng gọi là thấy”. Chưa có căn thân vì sao lập bày Năng Kiến? Vì sự rõ biết về cái sáng chiếu ấy không thể là nghe, ngửi hay nếm mà chỉ có thể là thấy, nên đây lập Năng Kiến và cũng chỉ lập Năng Kiến chứ không thể lập gì khác. 

Vì có cảnh giới làm duyên lại sanh 6 tướng. 

CẢNH GIỚI LÀM DUYÊN vì Năng Kiến là nhân. Nhân duyên đầy đủ thì trổ quả, nên nói SANH 6 TƯỚNG. 

Thế nào là 6?

1. TRÍ TƯỚNG : Y nơi Cảnh Giới, tâm khởi phân biệt mà có yêu thích cùng chẳng yêu thích.

Nói TRÍ TƯỚNG thì nghĩa của nó nằm ở chữ TRÍ. Nên tuy nói “Tâm khởi phân biệt mà có yêu thích cùng chẳng yêu thích” nhưng phần chính chỉ nằm ở mấy chữ KHỞI PHÂN BIỆT mà thôi. Song vì sao lại có thêm yêu thích cùng chẳng yêu thích? Vì phải có phần YÊU THÍCH cùng CHẲNG YÊU THÍCH thì trí này mới thuộc bất giác, Thiền sư Tổ Nguyên nói “Khéo hay phân biệt mà chẳng sanh yêu ghét, gọi là huệ”.

Phân biệt mà sanh yêu ghét là do không biết cảnh giới trước mắt chỉ là tướng sở hiện của hiện thức. PHÂN BIỆT là thấy mình khác người, người khác người, vật khác vật v.v… nói chung, những cái thấy rơi vào nhị biên đều gọi là phân biệt. Vì thấy thứ nào cũng có tự tánh của riêng nó, nên sanh tâm yêu thích hay không yêu thích. Song bản chất của các pháp thì không tánh, chỉ do tự tâm bất giác vọng hiện. Pháp không có thật thể mà lại nảy sanh yêu ghét thì biết cái yêu ghét ấy là thứ để đánh giá TRÍ này bị vô minh chi phối. Vì thế không chỉ nói “Tâm khởi phân biệt” mà còn kèm theo “Có yêu thích cùng chẳng yêu thích”. 

2. TƯƠNG TỤC TƯỚNG : Y nơi Trí Tướng mà sanh ra khổ vui, giác tâm khởi niệm tương ưng chẳng dứt.

Nghĩa chính của đoạn này nằm ở mấy từ “Giác tâm khởi niệm tương ưng chẳng dứt”. Y NƠI TRÍ TƯỚNG vì do phân biệt ta, người, tốt, xấu … mới sanh quan niệm, suy nghĩ, cảm giác ... niệm này nối tiếp niệm kia không dứt, kết thành một sự tương tục chặt chẽ. Cái tướng nối tiếp liên tục ấy gọi là TƯƠNG TỤC TƯỚNG. Vì ta hay hướng ra ngoài để ý đến cảnh nhiều hơn đến tâm nên không thấy được sự tương tục này. 

Người tu thiền chiếu phá vọng tâm, sẽ thấy được sự tương tục không dứt này. Kinh Lăng Già phân nó này thành 11 thứ sâu kín. Do chấp pháp và chấp vào nhị biên phân biệt mà hình thành nên 11 loại này. Như chấp 5 ấm, chấp vô ngã, chấp nhân duyên v.v... mà có tương tục. Ngài Hiền Thủ thì phân thành 2 loại[25] là tha và tự như sau “Y nơi phân biệt trước, đối với cảnh yêu thích thì khởi sự vui thích, với cảnh chẳng yêu thích thì sanh đau khổ buồn phiền. Mỗi mỗi khởi niệm mà tương tục hiện tiền, đây là để rõ cái TỰ tương tục. Lại hay khởi hoặc làm nhuận thấm thêm nghiệp duy trì sanh tử, đây là cái THA tương tục”. 

3. CHẤP THỦ TƯỚNG : Y nơi Tương Tục, duyên niệm cảnh giới, duy trì sự khổ vui, tâm khởi dính mắc. 

CHẤP là chẳng chịu xa lìa. THỦ là nắm giữ. Nghĩa của nó tương đương với từ DÍNH MẮC thêm nghĩa DUY TRÌ

DUYÊN NIỆM CẢNH GIỚI là chú ý đến cảnh, rồi duyên lấy cảnh ấy mà sanh ra sự khổ, vui. KHỔ VUI là 2 trạng thái đối nghịch của tâm thức. Nóùi khổ vui nhưng là nói tất cả những trạng thái khởi lên trong tâm như tham, sân, thích thú, đau khổ v.v… Chúng đều biểu hiện cho việc duyên niệm cảnh giới. Do tâm dính mắc với cảnh mà sanh ra những trạng thái đó. Dính mắc còn biểu hiện ở việc không yên lòng với chính mình mà cứ hướng ra ngoài bám vào âm thanh, sắc tướng … như cần một cuốn sách để đọc, cần một ai đó để nói chuyện, không chịu được sự tĩnh lặng v.v… Ngược lại, không chịu được sự ồn náo mà chỉ thích chỗ tĩnh lặng cũng biểu hiển cho tâm dính mắc. Song dính mắc vào sự tĩnh lặng dù gì cũng gần đạo hơn dính mắc vào cảnh bên ngoài.

DÍNH MẮC có, là do sự tương tục của dòng vọng niệm làm nhân, cảnh giới trước mắt làm duyên mà thành sự. Sự tương tục của dòng vọng niệm chính là sự nối kết liên tục những định kiếnquan niệm của mỗi người về thế giới mình đang sống. Vì lấy những thứ đó làm nền tảng để đánh giá so đo vạn pháp, nên thuận thì sanh vui thích rồi muốn nắm giữ, nghịch thì sanh khổ lạc và muốn xa lìa. Cả 2 đều chỉ cho sự dính mắc, chính là Chấp Thủ Tướng

4. KẾ DANH TỰ TƯỚNG : Y nơi vọng chấp, phân biệt tướng danh ngôn hư dối.

KẾ là tính toán so đo. PHÂN BIỆT nói đây mang nghĩa suy tính so đo nhiều hơn là sự phân biệt của Trí Tướng. Trí Tướng chỉ có phân biệt chứ chưa bị sự chi phối của Tương Tục TướngChấp Thủ Tướng. Phân biệt của Trí Tướng khiến tâm tương tục không dứt, song nó chưa có tác dụng tạo nghiệp như sự phân biệt ở đây. Vì vậy Bồ tát ở các địa dưới, tuy còn trí phân biệt nhưng không bị dòng nghiệp lực chi phối tạo nghiệp như chúng sanh

VỌNG CHẤP là chỉ cho tướng Chấp Thủ trên. Gọi là VỌNG vì nó chỉ là thứ hư dối, do huân tập lâu đời mà thành, không có thật thể. Song do sự dính mắc ấy mà trên cảnh sở thủ mới nảy sanh tâm suy lường rồi tạo nghiệp.

DANH NGÔN là chỉ cho danh và ngôn thuyết. Gọi là DANH nhưng trong đó gồm đủ cả danh và tướng. Bởi có tướng mới lập danh. NGÔN là ngôn thuyết vọng tưởng. Ba thứ danh, tướng và vọng tưởng này đi liền với nhau. Kinh Lăng Già nói “Tướng và danh theo nhau mà sanh các vọng tưởng”. Nói chúng HƯ DỐI vì tướng là từ tâm biến hiện không có thật thể. Danh và vọng tưởng là y nơi cái không thật thể ấy mà lập, nên cũng không có thật thể.

5. KHỞI NGHIỆP TƯỚNG : Y nơi danh tự, tìm danh thủ trước, tạo mọi thứ nghiệp 

KHỞI NGHIỆP là khởi lên hành động, tạo tác. Nghĩa chính của nó nằm ở mấy từ TẠO MỌI THỨ NGHIỆP. Làm các việc thiện gọi là khởi nghiệp thiện. Làm các việc ác gọi là khởi nghiệp ác. Song đây đang nói về quá trình bất giác nên chỉ nói đến nghiệp ác chứ không nói đến nghiệp thiện. Nghiệp thiện thuộc về thủy giác. Giác được tướng diệt là giác phá được niệm ác không để nó thành hành động, chính là phá được tướng Khởi Nghiệp này. Không có tướng này thì cũng không có tướng Nghiệp Hệ Khổ sau.

Y DANH TỰ là do có tướng Kế Danh Tự trên mà sanh ra phần Khởi Nghiệp này. Bởi phân biệt đã mang màu sắc dính mắc của tướng Chấp Thủ, nên tìm danh thủ trước. TÌM DANH THỦ TRƯỚCtìm tòi và ôm giữ những danh tướng mình thích. Một khi đã có tâm niệm như thế đối với những vật mình thích thì với những vật mình không thích, mình cũng sẽ có những hành động ngược lại. Thích thì tìm cách thu vào. Không thích thì tìm cách đẩy đi. Đây là cái nhân để tạo nghiệp. TẠO MỌI THỨ NGHIỆP là phát động thân và miệng tạo nên những hành động khiến muôn loài đau khổ. Phần Khởi Nghiệp này là cái nhân để có cái quả là khổ. 

6. NGHIỆP HỆ KHỔ TƯỚNG : Y nghiệp mà thọ báo nên chẳng tự tại.

HỆ nghĩa là trói buộc. NGHIỆP HỆ KHỔ là nói đến sự trói buộc của nghiệp mà sanh ra khổ. Y NGHIỆP, là nương vào phần Khởi Nghiệp Tướng trên. Đã có nhân thì đủ duyên quả sẽ có, nên nói “Y nghiệp mà thọ báo”. THỌ BÁO là chỉ cho việc thọ nhận cái quả từ cái nhân đã gieo trước đó. 

TỰ TẠI nghĩa là không vướng bận hay dính mắc, nó trái với từ HỆ. Người mà không có thứ gì trên đời làm họ nao núng hay vướng bận thì người ấy không thể khổ. CHẲNG TỰ TẠI là chỉ cho cái Nghiệp Hệ Khổ đó.

Người đời gây nghiệp vì nhiều lý do : Đầu tiên là do thiếu trí tuệ mà gây nghiệp, sau là do hoàn cảnh bức bách mà gây nghiệp. Hoàn cảnh bức bách là cái quả của một cái nhân bất thiện trước đó. Cái bức bách ấy chỉ cho cái CHẲNG TỰ TẠI thứ nhất. Đó là “thọ báo nên chẳng tự tại”. Từ cái bức bách ấy mà phải gây tạo thêm nhiều ác nghiệp, là cái CHẲNG TỰ TẠI thứ hai. Nghiệp một khi đã thành thói quen, lại bị lệ thuộc vào thói quen ấy, là cái CHẲNG TỰ TẠI thứ ba. Bị 2 dòng họ nghiệp và khổ ràng rịt chặt chẽ như thế, nên nói Nghiệp Hệ Khổ Tướng

Giải thích xong 9 tướng bất giác. 9 tướng này, ngài Hiền Thủ nói 3 tế thuộc thức Alaida, còn 6 thô thuộc ý thức. Chỉ nêu bày Alaida và ý thức thông qua 3 tế và 6 thô mà không nói đến Matna vì : Vô minh làm động tâm thể thanh tịnh, khiến khởi hòa hợp là nghĩa của Alaida, không phải nghĩa của Matna, nên trong 3 tế không đề cập đến Matna. Còn Trí Tướng v.v… sanh khởi được là do tâm duyên với cảnh bên ngoài. Matna thì không duyên được với ngoại cảnh, nên trong phần 6 thô cũng không nói đến Matna. Song một khi Alaida khởi thì đã có thức Matna tương ưng, còn khi ý thức duyên với cảnh giới bên ngoài thì bên trong cũng phải có Matna làm chỗ y chỉ, ý thức mới sanh khởi được. Vì vậy, chỉ đề cập đến ý thức và Alaida mà không nói đến Matna. Tuy cách phân chia thấy có khác nhưng nghĩa chung giữa kinh và các luận thì không khác.

Phải biết, vô minh hay sanh tất cả nhiễm pháp, vì tất cả nhiễm pháp đều là tướng bất giác.

VÔ MINH là chỉ có cái bất giác đầu tiên sanh ra 9 tướng trong phần Bất Giác. NHIỄM PHÁP, chỉ cho 9 tướng trên, đều do bất giác mà có nên nói “Đều là tướng bất giác”. 

Lại nữa, giác và bất giác có 2 tướng. Thế nào là 2? Một là tướng đồng, hai là tướng khác.

Đây là nêu bày thật tướng của bất giác và giác. TƯỚNG ĐỒNG và TƯỚNG KHÁC là muốn nói đến cái ‘không một cũng không khác’ giữa bất giác và giác. 

1. Tướng đồng : Thí như mọi thứ đồ gốm đều đồng tánh tướng vi trần. Cũng vậy, mọi thứ huyễn nghiệp vô lậu vô minh đều đồng với tánh tướng chân như

TƯỚNG ĐỒNG, là nói về cái KHÔNG KHÁC giữa giác và bất giác, chính là chỉ cho THỂ tánh chân như. Giác và bất giác tuy tướng trái nhau nhưng cùng chung cội nguồn, như sóng vỗ làm lật thuyền, nước lặng thì tải thuyền nhưng đều cùng chung một tánh ướt và tướng nước. MỌI THỨ ĐỒ GỐM là chỉ cho giác và bất giác. Tuy đồ gốm mỗi thứ hình tướng khác nhau nhưng đều từ đất làm ra. Đất, đây gọi vi trần. TÁNH TƯỚNG VI TRẦN là dụ cho TÁNH TƯỚNG CHÂN NHƯ

Nghiệp vô lậu thuộc về giác. Nghiệp vô minh thuộc về bất giác. Gọi là huyễn nghiệp vì nghiệp vô lậu hay vô minh đều là thứ do huân tập mà có, không có thật thể. 2 tướng trái nhau ấy đều không rời bản thể chân như nên nói ĐỒNG.

Cho nên, trong Tudala – y nơi nghĩa ấy – nói “Tất cả chúng sanh xưa nay thường trụ nhập niết bàn”. Pháp bồ đề, chẳng phải là tướng có thể tu, chẳng phải là tướng có thể tạo, rốt ráo không chứng đắc, cũng không sắc tướng có thể thấy. Mà có sắc tướng để thấy chỉ là do huyễn nghiệp tùy nhiễm tạo ra, chẳng phải tánh của trí sắc là bất không, vì tướng của trí không thể thấy.

CHO NÊN là kết lại như sau. Y NƠI NGHĨA ẤY là y nơi tướng ĐỒNG vừa nói đó. Đây là dẫn kinh để nêu bày chỗ đồng của giác và bất giác. Niết bàn thuộc giác. Chúng sanh thuộc bất giác. Nói CHÚNG SANH là muốn nói đến sanh tử. Tướng sanh tử không phải là tướng niết bàn. Giác không phải là bất giác. Nhưng do cái ĐỒNG nói trên mà biết “TẤT CẢ CHÚNG SANH xưa nay thường trụ nhập niết bàn”. Thấy sanh tử khác niết bàn chẳng qua là do mê và ngộ mà có cái thấy như vậy. Mê nên thấy có sanh tử để ra, niết bàn để vào. Ngộ thì ngay sanh tửniết bàn. Như ngủ rồi mộng mà thấy đi đây, đi kia, vui, buồn lẫn lộn. Tỉnh mộng thì biết trước sau vẫn trên giường. 

TƯỚNG BỒ ĐỀgiác tánh chân như. “Tướng bồ đề chẳng thể …” là nêu bày thực chất của pháp bồ đề. “Chẳng phải là tướng CÓ THỂ TU …” vì bồ đề là pháp sở liễu không phải là pháp sở tác. Như ngọn đèn chỉ khiến vật trong phòng tối hiện rõ, không phải ngọn đèn tạo được đồ vật. Bồ đề vốn sẵn đủ, chỉ do hoặc nhiễm mà không thể hiển. Tu chínhphương tiện trừ bỏ hoặc nhiễm để bồ đề hiển lộ, không phải bồ đề trước không nay nhờ tu mới có. Nên nói “Chẳng phải là tướng CÓ THỂ TẠO”. 

KHÔNG CHỨNG ĐẮC bởi bồ đề không phải là pháp sở chứng. Nói chứng đắc là đứng ở địa vị mê mà nói. Ngay cái chứng ấy không có năng chứng cũng không có sở chứng. Không năng không sở thì không có cái thấy cũng không có cái bị thấy, nên nói “KHÔNG SẮC tướng có thể thấy”. Thực chất của bồ đề là thế, nên thứ gì còn là cái để ta thấy được thì thứ ấy đều do HUYỄN NHIỄM mà ra. 

BẤT KHÔNG tạm hiểu là ‘có’. TÁNH CỦA TRÍ là chỉ cho tánh không. Cái không này không thuộc phạm trù KHÔNG và CÓ ở thế gian, không phải là cái bị thấy, nên nói “CHẲNG PHẢI tánh của trí là bất không”. Đây là nêu lý do để hiểu vì sao nói “Có sắc tướng để thấy, chỉ là do huyễn nghiệp tùy nhiễm tạo ra”. Đó là vì chân như Phật tánh hoàn toàn không có sắc tướng, nhưng lại có khả năng hiện sắc tướng. Cái hiện ấy là do căn nghiệp của chúng sanh mà ra, không phải do bản thân nó tự hiện. HUYỄN NGHIỆP TÙY NHIỄM là chỉ cho căn nghiệp của chúng sanh. Tùy mức độ của huyễn nhiễm mà thấy được ứng hay báo thân Phật.

2. Tướng khác : Như mọi thứ đồ gốm, mỗi thứ chẳng giống nhau. Cũng vậy, vô lậu vô minh tùy huyễn nhiễm mà có sai biệt, vì tánh sai biệt của huyễn nhiễm. 

Đây là nói về cái KHÔNG MỘT giữa giác và bất giác, là nói về TƯỚNG của chúng. THỂ thì đồng mà TƯỚNG lại khác vì tùy duyên. Theo duyên tịnh, gọi là giác. Theo duyên nhiễm, gọi là bất giác. KHÁC là như thế. Như chén và bình đều từ đất mà ra, nhưng hình thứccông dụng của chén và bình hoàn toàn khác nhau. Nên nói “Mỗi thứ CHẲNG GIỐNG NHAU”.

CŨNG VẬY là, tướng của giác và bất giác cũng như tướng của mấy thứ đồ gốm đó. Thể đồng mà tướng khác. Cái khác này là do duyên. Huyễn nhiễm là tịnh thì có vô lượng tướng công đức vô lậu thanh tịnh. Huyễn nhiễm là bất tịnh thì có vô lượng pháp vô minh nhiễm ô. TÁNH sai biệt nói đây phải hiểu là SỰ sai biệt. Đại khái là, tướng của các pháp thấy có sai biệt, chẳng qua là do sự sai biệt của huyễn nhiễm tạo ra, không phải bản chất của pháp vốn sai biệt. Như cùng một khuôn mặt, nhưng tùy cách vẽ mà có hình tướng là ác quỉ hay mỹ nhân, không phải khuôn mặt vốn như thế.

 

Lại nữa, NHÂN DUYÊN SANH DIỆT là, chúng sanh nương tâm ý, ý thức mà chuyển. Nghĩa ấy thế nào? Vì y nơi thức Alaida nói có vô minh, bất giác mà khởi hay thấy, hay hiện, hay thủ cảnh giới, khởi niệm tương tục nên nói là ý. Ý này có 5 tên. 

LẠI NỮA, là còn chuyện để nói tiếp. Đây muốn hiển bày NHÂN DUYÊN tạo ra sanh diệt. TÂM mà đi liền với Ý và Ý THỨC là chỉ cho thức tâm. Ba thứ đó họp lại mà sanh thì xuất hiện loài hữu tình tùy tịnh nhiễm mà có sai biệt, nên gọi loài hữu tình ấy là CHÚNG SANH. Có 3 thứ đó mới có chúng sanh lưu chuyển trong 5 đường, nên nói “Nương tâm, ý, ý thức mà chuyển”. CHUYỂN là nghĩa sanh khởi, lưu chuyển.

Vậy tâm, ý, ý thức chính là nhân duyên của sanh diệt. Căn cứ theo Ý NÀY CÓ 5 TÊN thì phải có phần Ý này thức Alaida mới xuất hiện, vậy TÂM nói đây là chỉ cho Như Lai Tạng. Không có phần tâm thể này thì ý và ý thức không nương đâu sanh khởi được, nên đây nêu nhân duyên của sanh diệt gồm đủ tâm, ý và ý thức.

NHÂN DUYÊN sanh diệt này có 2 : Đầu tiên là Ý nương TÂM mà khởi, thứ hai là nương nơi Ý ấy mà Ý THỨC sanh khởi. NGHĨA ẤY THẾ NÀO là để làm rõ quá trình chúng sanh nương tâm, ý, ý thức chuyển ra sao. Do bất giác nên tâm thành thức mà có tên là Alaida, vì vậy nói “Y NƠI THỨC Alaida nói có vô minh”. CÓ VÔ MINH là muốn nhấn mạnh đến phần bất giác trong Alaida. ( Alaida có 2 phần là giác và bất giác).

BẤT GIÁC MÀ KHỞI, là do vô minh mà tâm thể vọng động, chỉ cho phần Nghiệp Thức. HAY THẤY, là tâm thể vọng động rồi chuyển thành tướng Năng Kiến trên, gọi là chuyển thức. HAY HIỆN, là tâm thể ấy giờ thành cái hay hiện, chỉ cho Hiện Thức. THỦ LẤY CẢNH GIỚI, là thủ lấy cảnh mà Hiện Thức hiện ra, chỉ cho Trí Thức. Nói THỦ mà chỉ cho TRÍ THỨC, vì do phân biệt mới có cái thủ này. Cái phân biệt ấy chính là Trí Thức. Sanh phân biệt rồi KHỞI NIỆM TƯƠNG TỤC, gọi là Tương Tục Thức. 5 phần này là nền tảng để ý thức y đó mà khởi, nên luận gọi 5 thức này là Ý. Sau là liệt kê và nói rõ về hành tướng của mỗi thức.

Trên, từ bất giác phân thành 9 tướng, nhân quả trước sau rõ ràng. Đây gom thành 2 phần là ý và ý thức.

Thế nào là 5? Hỏi là để liệt kê 5 tên thuộc Ý. 

1. NGHIỆP THỨC : Là lực vô minh bất giác tâm động. 

ĐỘNG là nghĩa của nghiệp. Vì thế gọi phần tâm động khi chưa phân năng - sở này là Nghiệp thức. Nó là nền tảng đầu tiên để có tâm thức

2. CHUYỂN THỨC : Y nơi tâm động mà thấy tướng. 

TÂM ĐỘNG là chỉ cho Nghiệp Thức trên. Vì động mà có chuyển. CHUYỂN là chỉ cho sự thay đổi chuyển biến so với trạng thái cũ. CHUYỂN THỨC là chỉ cho trạng thái tâm không còn tĩnh lặng mà đã có sự sanh diệt. Chuyển thức có 2 : Một là do vô minh làm động khiến chân tánh chuyển thành cái năng thấy, chỉ cho tướng Năng Kiến trước. Hai làø phần chuyển thức thuộc 6 thức là ý thức, nhãn thức v.v… là do bị ngoại cảnh làm động mà chuyển thành hay thấy. Phần CHUYỂN THỨC nói đây chỉ cho Năng Kiến Tướng, và do tính chất CHUYỂN này làm nền tảng mà khi đủ duyên 6 thức cũng chuyển. Chuyển thức trong kinh Lăng Già dùng chỉ cho cả 7 thức. 

3. HIỆN THỨC : Là hay hiện tất cả cảnh giới. Như gương sáng hiện các sắc tượng, hiện thức cũng như vậy. Tùy 5 trần nào ứng đến được thì liền hiện không có trước sau. Vì tất cả thời nhậm vận mà khởi, thường hiện tiền

Hiện thức tức là thức Alaida. Alaida là chỗ chấp trì chủng tử của các pháp mà cũng là chỗ biến hiện ra các pháp. Chỉ nhấn mạnh về mặt biến hiện nên nói là hiện thức. Kinh Lăng Già nói “Cái huân và biến chẳng thể nghĩ bàn là nhân của hiện thức”. HUÂN là chân như không tánh niệm niệm bất giác huân thành vô minh. BIẾN là 3 tế đồng thời biến hiện. Cái BIẾN này là nhân để có hiện thức mà cũng là thứ đặt trưng biểu hiện cho khả năng HAY HIỆN của hiện thức, nên nói “HAY HIỆN tất cả cảnh giới”.

“NHƯ GƯƠNG SÁNG hiện các sắc tượng” là hình ảnh để ta hình dung về hiện thức. Sắc tượng nào nằm trong phạm vi của gương thì đồng thời hiện không có trước sau, nên nói “ỨNG ĐẾN ĐƯỢC thì liền hiện không có trước sau”. Đây là do thế lực của chủng tử trong Alaida đã thành thục mà nó biến hiện ra tướng khí thế gian là 4 đại và 5 TRẦN sắc, thanh, hương, vị, xúc. ỨNG ĐẾN ĐƯỢC là chỉ cho việc thành thục, đủ nhân đủ duyên đó. KHÔNG CÓ TRƯỚC SAU vì một khi đủ duyên để khởi thì đồng khởi như gương hiện hình tượng. Đây cũng nói lên chức năng của thức Alaida : Chỉ nhận thức hay phản ánh các sự vật xuất hiện trong nó như một tấm gương phản chiếu mọi hình tượng. Chỉ là sự nhận thức đơn thuần, không có sự chia chẽ, suy tư, tính toán, so đo. Theo hệ thống 8 thức, suy tư, tính toán, so đo thuộc về 7 chuyển thức

Alaida không phải lúc có lúc không như ý thức mà từ vô thủy đến nay, nó sanh diệt tương tục thường hằng không gián đoạn, đủ duyên liền hiện nên nói “TẤT CẢ thời nhậm vận mà khởi, thường hiện tiền”. 

4. TRÍ THỨC : Phân biệt pháp nhiễm tịnh.

Phân biệt là đặt trưng của thức. Phân biệt là nền tảng để ý thức nương đó so đo vạn pháp rồi tạo nghiệp. 

5. TƯƠNG TỤC THỨC : Vì niệm tương ưng chẳng dứt. Trụ trì nghiệp thiện ác trong vô lượng đời quá khứ khiến chẳng mất. Lại hay thành thục quả báo khổ, vui … trong hiện tạivị lai không hề sai lệch. Hay khiến hiện tại, bỗng nhiên nhớ lại những việc đã qua, bất giác lo nghĩ vọng tưởng những việc chưa đến.

NIỆM TƯƠNG ƯNG CHẲNG DỨT là hiển bày nghĩa của 2 chữ TƯƠNG TỤC : Niệm này nối tiếp niệm kia sanh diệt không dứt.

“TRỤ TRÌ niệm thiện ác …” trở đi là nói về công năng của thức tương tụcTRỤ TRÌduy trì gìn giữ. “TRỤ TRÌ NGHIỆP thiện ác trong vô lượng đời quá khứ khiến chẳng mất.

LẠI HAY thành thục quả báo khổ, vui … trong hiện tạivị lai không hề sai lệch” là cái tương tục thuộc công năng của Alaida.

“HAY KHIẾN hiện tại bỗng dưng nhớ việc đã qua, bất giác lo nghĩ vọng tưởng những việc chưa đến” thuộc về ý thức

Cho nên tam giới hư ngụy chỉ do tâm tạo. Lìa tâm thì không có cảnh giới 6 trần. 

TAM GIỚIDục giới, Sắc giớiVô sắc giới. HƯ NGỤY vì nó không có thật thể, chỉ do bất giác tâm động mà có năng kiến, sở kiến nên nói CHỈ DO TÂM TẠO.

DỤC GIỚIsở kiến [27] của loại hữu tình có 2 thứ dục là ái dụcthực dục. SẮC GIỚIsở kiến của người đạt được 4 thiền. VÔ SẮC GIỚIsở kiến của người tu 4 không địnhkhông vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứphi tưởng phi phi tưởng xứ. Cõi này không có thân thể, vật chất, chỉ còn tam thức trụ thiền định thâm diệu, nên gọi là vô sắc

[27] Chỉ cho Cảnh Giới Tướng

Tùy theo mức độ thanh tịnh hay ô nhiễm của tâm mà có căn thân và thế giới khác nhau nên nói CHỈ DO TÂM TẠO. 

6 TRẦN là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. LÌA TÂM có thể hiểu theo 2 nghĩa :

1. Lìa Như Lai Tạng. Là muốn hiển bày 6 trần không có tự thể của riêng nó mà lấy Như Lai Tạng làm thể, nên nói “LÌA TÂM thì không có cảnh giới 6 trần”. 

2. Lìa thức Alaida, tức không có cái bất giác đầu tiên để Nghiệp Tướng xuất hiện thì không có tướng thứ hai, thứ ba để có 6 trần, nên nói “LÌA TÂM thì không có cảnh giới 6 trần”. 

Nghĩa ấy thế nào? Vì tất cả pháp đều từ tâm khởi, đều từ vọng niệm mà sanh. Tất cả phân biệt tức phân biệt tự tâm. Tâm chẳng thấy tâm, không tướng có thể được. Phải biết, tất cả cảnh giớithế gian đều nương nơi vọng tâm vô minh của chúng sanh mà được tồn tại. Cho nên, tất cả pháp như bóng trong gương, không có cái thể để nắm bắt, duy tâm hư vọng. Vì tâm sanh thì mọi thứ pháp sanh, tâm diệt thì mọi thứ pháp diệt. 

NGHĨA NÀY THẾ NÀO là để giải thích vì sao nói “Tam giới hư ngụy chỉ do tâm tạo”. Vì tất cả pháp đều từ vọng niệm mà có, đều là sở hiện của tự tâm theo 2 thế lực nhân duyênphân biệt. Đã giải thích ở phần Tâm Chân Như.

PHÂN BIỆT đây, tế thì chỉ cho Trí Tướng, thô thì chỉ cho Kế Danh Tự Tướng. Vì vạn pháp không ngoài tâm mà có nên nói “PHÂN BIỆT tức phân biệt tự tâm”. Song tâm chẳng thể phân biệt chính tâm, như mắt chẳng thể thấy chính nó. Muốn thấy mắt, phải nhờ gương. Vậy con mắt thấy được đó chỉ là bóng của con mắt thật. Pháp mình thấy được cũng như con mắt trong gương kia, tuy là tự tâm nhưng chỉ là bóng dáng của tự tâm, nên nói TÂM CHẲNG THẤY TÂM. Là bóng thì không có thật thể, nên nói “KHÔNG TƯỚNG có thể được”. 

“PHẢI BIẾT tất cả cảnh giớithế gian đều nương nơi vọng tâm vô minh của chúng sanh mà được tồn tại” là hiển bày vạn pháp do đâu mà có, do đâu mà tồn tại. “CHO NÊN tất cả pháp như bóng trong gương, không có cái thể có thể nắm bắt” là kết luận rút được từ cái PHẢI BIẾT ấy. THỂ, là chỉ cho tự tánh của vạn pháp. Vạn pháp không tánh nên nói KHÔNG THỂ NẮM BẮT. 

VÌ, là để hiểu vì sao nói DUY TÂM HƯ VỌNG. Tâm bất giác động niệm nên nói TÂM SANH. Do động niệm mà Cảnh Giới Tướng xuất hiện, vạn pháp từ đó mà lưu xuất, nên nói MỌI THỨ PHÁP SANH. Giác được niệm tối sơ làm tâm biến động, gọi là TÂM DIỆT. Niệm tối sơ đã giác thì Năng Kiến không. Không Năng Kiến thì không Cảnh Giới Tướng nên nói MỌI THỨ PHÁP DIỆT. Tâm là chỗ y chỉ qui nguyên của vạn pháp nên nói DUY TÂM. Không có tự thể, sanh diệt tùy duyên nên nói HƯ VỌNG

Lại nữa, ý thức tức là tương tục thức. Do phàm phu dính mắc xoay vần sâu trong ngã và ngã sở, mỗi mỗi vọng chấp, theo sự phan duyên, phân biệt 6 trần, gọi là ý thức, cũng gọi là phân ly thức, cũng gọi là phân biệt sự thức. Thức ấy nương nơi phiền não kiến và ái mà tăng trưởng.

Đây là nói về ý thức. TỨC, là ngay đó mà không hẳn là đó. Ý thức thuộc thức tương tục nhưng không phải là toàn bộ thức tương tục ấy nên nói là TỨC. 

THỨC này lấy Ý làm chỗ nương (sở y) để sanh khởi nên gọi là Ý THỨC.

Gọi là PHÂN LY THỨC vì có khi ý thức hiện khởi độc lập với 5 thức ngoài, nhưng thường thì phân ra kết hợp với 5 thức ngoài duyên riêng 5 trần. Luận Thành Duy Thức nói “Không phải chỉ một việc nhận rõ cảnh của 5 thức đang duyên mà ý thức còn giúp cho 5 thức khởi. Lại, ý thức đối với cảnh sở duyên của 5 thức có thể nhận biết được rõ ràng khác với 5 thức. Do đó Thánh giáo nói ý thức gọi là có phân biệt còn 5 thức thì không”.[28] Thì biết, gọi PHÂN LY là do phân ra duyên với 5 trần của 5 thức, không phải vì ý thức qua mắt thành nhãn thức, qua tai thành nhĩ thức v.v... mà gọi là phân ly.

[28] Luận Thành Duy Thức – Bản dịch của H.T Thiện Siêu, trang 322.

Gọi là PHÂN BIỆT SỰ THỨC vì thức này hay phân biệt mọi sự tướng trong, ngoài, đến, đi v.v... 

Duy ThứcLăng Già đều phân THỨC thành 8 là Alaida, Matna, ý thức và 5 thức thuộc sắc căn, còn luận đây chỉ phân thành 2 là ý và ý thức. Phân như thế vì chủ ý của luận là thâu gọn các thứ để hành giả nhận được vấn đề dễ dàng. Do Alaida và Matna không bao giờ lìa nhau, chúng là chỗ y tựa của nhau nên có Alaida tất có Matna, mà Matna là sở y của ý thức, nên một khi ý thức khởi thì đủ cả Alaida và Matna. Vì vậy đây gom chung thành Ý cho gọn. Cũng như 6 thức ngoài, chỉ nêu bày ý thức mà không nêu bày 5 thức kia, vì Ý THỨC là đầu mối khởi hoặc tạo nghiệp, còn 5 thức ngoài thì việc của chúng chỉ là liễu biệt cảnh của riêng chúng và cảnh hiện thế nào, chúng chỉ nhận biết đúng thế ấy. [29] Tức không có phần phân biệt chấp thủ thuộc ý thức thì hiện lượng của 5 thức ngoài đồng với thức thứ 8. Chỉ vì mê trong khoảng sát na trôi vào đất ý, chớp mắt lầm qua mà không còn hiện lượng : Khi 5 thức ngoài cảm nhận tướng 5 trần thì ở một sát na đầu,[30] ý thức cùng duyên và cảm nhận tướng 5 trần như 5 thức ngoài kia. Song qua sát na sau, mọi thứ đều thuộc phạm vi của ý thức : nhận biết so đo, phân biệt và chấp giữ hết mọi cảnh giới. Ngoài khả năng nhận biết phân biệt cảnh hiện có trước mắt, ý thức còn khiến ta nhớ về cảnh đã qua, tưởng đến cảnh chưa tới, cả những thứ không có trên thế gian cũng tưởng ra được … [31] đều là công năng của ý thức. Công năng này là một phần của thức tương tục trên, nên nói “Ý THỨC tức là tương tục thức”. 

[29] Duy Thức Học gọi loại cảnh được nhận biết y như chính nó này là TÁNH CẢNH, là loại cảnh không bị ý thức làm biến dạng thành đẹp, xấu, vui, buồn hay biến thành những vật bị đóng khung bởi sự so sánh. Loại tánh cảnh này được gọi là HỮU CHẤT TÁNH CẢNH. Còn một loại tánh cảnh nữa là VÔ CHẤT TÁNH CẢNH, chỉ cho thật tánh chân như

[30] Đây là khoảnh khắc mà cái thấy chưa bị trí phân biệt chi phối. Sát na đầu này là chỗ hành giả tu thiền cần trực nhận, rồi y cứ đó mà tu để bỏ dần trí phân biệt khi đối duyên xúc cảnh. Cảnh được trực nhận ngay sát na đầu ấy chính là loại HỮU CHẤT TÁNH CẢNH nói trên. 

[31] Loại phim khoa học giả tưởng hiện nay là một điển hình. Những cảnh thuộc nhớ và tưởng được nói đây, Duy Thức gọi chung là “Độc ảnh cảnh”.

Hỏi : Vì sao trên đã nói 9 tướng bất giác này, ngài Hiền Thủ phân 3 tế thuộc thức Alaida, còn 6 thô thuộc ý thức, mà đây thì Trí TướngTương Tục Tướng lại phân qua ý? 

Đáp : Đó là do phân theo thô và tế để phù hợp với hành tướng tu hành của mỗi địa vị trong quá trình ngược dòng hoàn tịnh.

. Phân 6 thô thuộc ý thức là theo kinh Lăng Già mà nói. Kinh Lăng Già gọi thức thứ 6 này là thức phân biệt (tức bao gồm luôn phần Trí Tướng). Đó là vì đối tượng tu hành của kinh là Bồ tát thuộc hàng Thập Địa. Hành tướng tu hành của các vị là tập trung phá bỏ phần trí tướng phân biệt tế nên không cần phân chi tiết.

. Luận đây thì nêu bày hành tướng tu hành của cả 4 hạng là phàm phu, Nhị thừa, Bồ tátBồ tát địa tận. Nhị thừa chỉ mới phá đuợc phần hiện hành của ý thức mà phần tế vẫn còn, chỉ Bồ tát hàng Thập Địa mới phá thẳng được phần tế của ý thức, nên phân Trí tướngTương Tục Tướng thuộc về ý mà không phân vào ý thức.

Song dù phân thế nào thì cũng không lỗi, vì tuy là 8 nhưng không lìa nhau mà có. Ta sẽ thấy cái hay của cách phân chia này trong phần chân vọng huân tập ở phần II của luận này. 

Cách phân chia hệ thống THỨC giữa kinh và các luận tuy thấy có khác (nên cùng tên mà nghĩa có rộng hay hẹp hơn) nhưng nghĩa lý chung thì hoàn toàn không khác.

NGÃ hiểu nôm na là cái tôi, cái ta của mình đây. NGÃ SỞ là những cái của tôi. Thứ gì kèm theo 2 chữ CỦA TÔI thì biết thứ đó thuộc phần ngã sở.

PHÀM PHU nói đây là chỉ cho người còn vướng nặng ở cái tôi và của tôi. Đây là muốn nhấn mạnh đến phần ý thức còn trong địa vị mê, là của phàm phu không phải của thánh nhân. VƯỚNG nặng là ý nghĩa của câu “CHẤP THỦ dính mắc xoay vần sâu” trên. Nói SÂU vì phàm phu không nhận thức được sự huân tập tai hại của ý thức, nên thay vì tìm cách đối trị dừng bớt, lại để nó phát triển khiến sự huân tập ngày càng nhiều. Huân càng nhiều thì sự chấp ngã càng sâu. Huân rồi lại biến, biến rồi lại huân nên nói XOAY VẦN. Thứ gì xâm phạm đến TÔI hoặc những thứ CỦA TÔI mà sanh sự thì biết mình đang “Chấp thủ dính mắc xoay vần sâu trong ngã và ngã sở”. Đó là ta đang để cho phần ý thức này hiện khởi và làm chủ. 

MỖI MỖI VỌNG CHẤP là đụng đâu chấp đó. “THEO SỰ PHAN DUYÊN phân biệt 6 trần” là, ý thức nương vào 2 thứ tương tụctrí thức mà NGOÀI thì bám vào cảnh khởi phân biệt so đo : Vạn pháp biến thành những tướng đối đãi, hòa hợp liên tục là do ý thức liễu tri nghĩa tướngquá khứ lấy đó làm căn cứ phán định các pháp trước mắt.[32] TRONG thì nghĩ về những cảnh đã qua, tính toán cho việc chưa tới và so đo hơn thua với việc hiện tại rồi khởi vui, buồn, tham, sân, thương, ghét ...[33] 

[32] Như nhìn anh A rồi khởi lên ý niệm “Anh A mập ra”. Có niệm “mập” ấy là do lấy cái “ốm” của anh A trước đây làm nền tảng để so sánh. Đây là chỗ mà kinh nói “Thấy biết dựa trên thấy biết là gốc của vô minh”. 

[33] Bất cứ những gì hiện lên trong tâm, biết mà buông là đang phá dần vào phần ý thức này. 

Trong kinh Lăng Già, khi đức Phật nói niết bàn của Phật chính là do diệt ý thức mà có, ngài Đại Huệ đã hỏi “Chẳng phải dựng lập 8 thức sao?”. Phật trả lời “Dựng lập!”. Ngài Đại Huệ thưa “Nếu dựng lập vì sao chẳng nói lìa thức thứ 7 mà chỉ nói lìa ý thức?”. Phật trả lời “Vì kia làm nhân và kia phan duyên. Thức thứ 7 chẳng sanh …”. Nghĩa là, do mê mà toàn thể Như Lai Tạng thành thức, vọng khởi kiến phần mới có cái chấp ngã của thức thứ 7. Song lỗi lại không ở thức thứ 7 mà ở ý thức : Thức thứ 8 biến hiện ra 5 trần làm cảnh sở duyên cho ý thức. Ý thức nương đó khởi phân biệt, dẫn phát tập khí chứa trong Alaida. Do đó, thức thứ 7 chung khởi chấp ngãngã sở, suy lường so đo mà sanh sự tương tục xoay vần nối tiếp. Ngài Hàm Thị nói “Như biển tâm và sóng ý là do thức thứ 6 duyên với cảnh giới tự tâm hiện ra làm gió thổi mà có sanh diệt. Thức thứ 6 nếu diệt thì tâm ý tự dừng. Như biển cả không gió thì cảnh tượng đây được rỗng sáng vậy”. Lỗi đều từ ý thức nên Nhị thừa hay Đại thừa thì Phật cũng dạy phá bỏ phần ý thức mà thôi. Nhưng qua luận này thì hiểu, dù là quả vị giải thoát của Nhị thừa chăng nữa, chư vị cũng chỉ mới phá được phần hiện hành của ý thức. Phải tu Đại thừa mới phá luôn được phần tế. Do chỗ khác nhau này mà một bên thì thành khô thân diệt trí, một bên lại đầy đủ 4 trí, 3 thân : Thể, tướng và dụng tròn đầy. 

Do cái nhìn về pháp có khác, nên hành tướng diệt ý thức của Nhị thừa là ngoài thì hạn chế các căn không cho tiếp xúc với 5 trần, trong thì phá bỏ sự sanh khởi của pháp trần. Như trường hợp Diệt Tận Định của các vị La Hán. Do hạn chế sự tiếp xúc với 5 trần, chỉ tập trung phá bỏ phần pháp trần nên các vị nhập được cái định tương đương với định của Bát Địa nói đây. Trong cái định ấy, do không có cảnh giới làm duyên nên Alaida và Matna không thể sanh khởi. Tuy cũng dẹp bỏ duyên như định vô tưởng của ngoại đạo, nhưng định của A La Hán có khác với định vô tưởng : Trong quá trình tu hành, thánh Nhị thừa có phần quán khổ, không, vô thường, vô ngã nên phá thêm được phần câu sanh ngã chấp thuộc Matna. Song do vẫn thấy có sanh tử để thoát, niết bàn để nhập, tức tâm chấp pháp vẫn còn, nên phần câu sanh pháp chấp thuộc Matna chưa hết, chỉ vì không duyên nên thấy trong lặng. Song khi xuất định đối duyên, các chủng tử ấy lại nẩy mầm, khiến các vị mất cái định trong tịnh. Đây là do chưa liễu tri được các pháp từ tâm sanh, vẫn cho pháp có thật tánh. Vì chấp phápthật tánh nên trí phân biệt chưa tan, đối với ngoại cảnh tâm chưa thể bình đẳng. Ngoại cảnh không bình đẳng thì không thể tránh được sự sanh khởi của tâm khi đối duyên tiếp cảnh. Vì lý do này mà xét ra chư vị lại không thể ngang với Bồ tát Bát Địa nói đây, động tịnh đều như nhau. 

Với Đại thừa, biết “Các pháp từ tâm sanh, tâm không chỗ sanh pháp không chỗ trụ nên các vị trừ tâm, không trừ cảnh. Đối duyên xúc cảnh, bát phong thổi chẳng động là kim chỉ nam. Tức ở tất cả chỗ, tất cả thời làm sao chứng được cảnh giới hiện lượng của tự tâm, được vô ngại với tất cả pháp. Song trong kinh Lăng Già đức Phật vẫn khuyến cáo “Đại Bồ tát muốn biết hiện lượng của tự tâm … phải lìa chỗ ồn náo, những tập tục ngủ say, đầu hôm, giữa đêm và gần sáng thường phải giác ngộ”. Đó là vì sự sanh khởi của ý thức đối với cảnh sở duyên quá nhanh chóng, khó mà giữ được hiện lượng của tự tâm. Trong khi hiện lượng của tự tâm ở chỗ vắng lại dễ giác. Cho nên, Bồ tát thì động tịnh đều tu mà tịnh vẫn là yếu tố cần thiết cho việc tu hành. Quán các pháp là biến hiện của tự tâm thì phân biệt không sanh. Phân biệt không sanh thì thấy các pháp y như chính nó. Tác động qua lại như thế lâu xa thì đối cảnh vô tâm. Sanh tửniết bàn cả 2 đều bình đẳng. Thật tánh các pháp sẽ hiển lộ hoàn toàn như bóng trong gương. Đây là quá trình tu hành của Bồ tát. Chẳng bỏ phương tiện mà chẳng chấp là thật pháp.

KIẾN là chỉ cho kiến hoặc bao gồm tất cả những mê hoặc về LÝ như ngã kiến, tà kiến. Ngày nay hay gọi là Nhân sinh quan và Thế giới quan. Những QUAN NIỆM rơi vào tứ cú có - không, một - khác đều gọi là KIẾN. Chỉ Quán quyển 5 nói “Tất cả mưu kế toan tính của hàng phàm phu chưa bước vào đường thánh đạo đều gọi là kiến”.

ÁI là chỉ cho những mê hoặc về SỰ như tham, sân v.v…

Qui Kính Nghi Thống Chân Ký ghi: “Kiến là nói về kiến hoặc, bao gồm 88 kiết sử, chỉ ở ngôi vị kiến đạo mới dứt bỏ được. Ái là tu hoặc, bao gồm 81 phẩm, chỉ ở ngôi tu đạo mới dứt bỏ được”. 

KIẾN là nền tảng để ÁI sanh trưởng, ÁI tăng trưởng thì KIẾN được củng cố, khiến sự chấp thủphân biệt yêu ghét càng nhiều, nên nói “NƯƠNG NƠI phiền não kiến và ái mà tăng trưởng”. Phiền não là từ chung chỉ cho kiến và ái. 

Nương nơi sự huân tập của vô minh, thức khởi. Chẳng phải là chỗ phàm phu hay biết, cũng chẳng phải chỗ trí tuệ của Nhị thừa giác được. Y theo Bồ tát thì, từ sơ chánh tín phát tâm quán xét, nếu chứng được pháp thân thì biết được ít phần. Cho đến địa vị rốt ráo của Bồ tát cũng chẳng thể biết hết. Duy chỉ có Phật là thấu được tận cùng.

Đây hiển bày Duyên Khởi thậm thâm, là chỗ tối cực vi tế làm phát sanh thức tâm.

Phàm phu không giác hoặc chỉ mới giác được niệm diệt nên “CHẲNG PHẢI là chỗ phàm phu hay biết”.

Nhị thừa chỉ giác được niệm dị nên “CHẲNG PHẢI chỗ trí tuệ của Nhị thừa giác được”.

Bồ tát đăng địa thì chứng được một niệm đồng chư Phật nên có thấu được chỗ tận cùng, nhưng qua nhất niệm ấy vẫn là Bồ tát giác tướng trụ. Tức chỉ mới được phần sâu chưa được phần rộng, như người trong tù có được một khoảng nhỏ nhìn thấu trời xanh, nhưng chưa thể được toàn bộ, nên nói “Biết được ít phần”.

Địa vị tận cùng của Bồ tát tuy giác được tướng sanh, song phải thể nhập hoàn toàn với pháp thân ấy, tức ở địa vị Phật, mới có thể biết hết, nên “CŨNG CHƯA thể biết hết”. 

Vì sao? Tâm này từ xưa đến nay, tự tánh thanh tịnh mà có vô minh. Bị vô minh nhiễm, có tâm nhiễm ấy. Tuy có nhiễm tâmthường hằng bất biến. Nghĩa ấy duy chỉ có Phật mới biết. Đó là tâm tánh thường vô niệm nên gọi là bất biến. Vì chẳng đạt được nhất pháp giới nên tâm chẳng tương ưng, hốt nhiên niệm khởi, gọi là vô minh.

VÌ SAO là để giải thích chỗ chỉ Phật mới biết đó. CHỈ PHẬT MỚI BIẾT vì ở địa vị Phật mới thấu được nó hoàn toàn. “TỰ TÁNH thanh tịnh mà có vô minh, bị vô minh nhiễm có nhiễm tâm ấy” là chỉ ra nguyên nhânnhiễm tâm, là nghĩa tịnh mà thường nhiễm. “TUY CÓ NHIỄM TÂMthường hằng bất biến” là nói về nghĩa nhiễm mà thường tịnh. Nhiễm mà thường tịnh, tịnh mà thường nhiễm này chỉ có Phật mới biết. 

Đây là chỗ Như Lai Tạng biến thành thức tạng, là chỗ duyên khởi tối sơ làm phát sanh nghiệp thức để có thế giới chúng sanh. Kinh Lăng Già nói cảnh giới này chỉ có Như Lai và các vị Bồ táttrí tuệ thậm thâm mới thấu được. Trí tuệ thậm thâmloại trí không do học hỏi thu gom bằng tri thức. Nó đòi hỏi đến phần tu hành trực chứng không qua trung gian suy luận

“VÌ CHẲNG ĐẠT được nhất pháp giới nên tâm chẳng tương ưng” là nguyên nhânvô minh. HỐT NHIÊN là muốn hiển bày cái KHỞI ấy không có gốc chỉ do bất giác mà có. 

Nhiễm tâm có 6 thứ. 

6 thứ nhiễm tâm này, 3 cái đầu là ‘tương ưng’, 3 cái sau là ‘bất tương ưng’. Nói TƯƠNG ƯNGngoại cảnh cùng với tâm có sự hòa hợp. Còn tâm cảnh chưa đến với nhau, gọi là BẤT TƯƠNG ƯNG. Các từ này được Luận chủ định nghĩa rõ ngay sau phần 6 nhiễm này.

Thế nào là 6? 

1. CHẤP TƯƠNG ƯNG NHIỄM : Địa vị giải thoát của Nhị thừa và Tín Tương Ưng xa lìa.

CHẤP là chỉ cho tướng Chấp Thủ và Kế Danh Tự ở phần Bất Giác.

ĐỊA VỊ GIẢI THOÁT của Nhị thừa là chỉ cho quả vị A La HánBích Chi Phật.

2 quả vị này đã phá được hoặc phiền não là kiến và ái. Trụ trong cái định của quả vị ấy thì không còn 6 trần làm duyên để sanh khởi tướng Chấp Thủ và Kế Danh nên nói XA LÌA

TÍN TƯƠNG ƯNGquả vị cuối của Thập Tín bước sang Thập Trụ. Ngài Hiền Thủ nói “Bồ tát sơ phát tâm Trụ, tuy ‘hoặc’ vẫn còn nên chẳng chứng được ‘nhân không’, song Bồ tátđịa vị này đối với ‘nhân không’ thật được tự tại”. Như vậy, Bồ tát Tín Tương Ưng tuy chưa được ngã không như các vị Nhị thừa vì ‘hoặc’ vẫn còn, nhưng không bị tướng Chấp Thủ và Kế Danh chi phối, nên cũng được xếp chung vào đây.

Tiếp duyên đối cảnh, không vì cái vui mà muốn lưu giữ, không vì cái khổ mà muốn xa lìa, không vì cái lợi của mình mà hại người, hại vật … là biểu hiện cho cái XA LÌA ấy. Đây là cái LÌA của Bồ tát. Nương cái LÌA này, phá tiếp phần nhiễm tương tụcphân biệt dưới.

2. BẤT ĐOẠN TƯƠNG ƯNG NHIỄM : Tín Tương Ưng Địa dùng phương tiện tu học, dần dần có thể bỏ, đắc Tịnh Tâm Địa thì rốt ráo lìa. 

BẤT ĐOẠN là không hề đứt đoạn, chỉ cho sự tương tục không dứt của Tương Tục Tướng. Dòng vọng niệm của mình là một dòng tương tục không hề có khoảng hở. TỊNH TÂM ĐỊAquả vị Sơ Địa. Trải qua các vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng dùng các pháp chỉ, quán v.v... tu tập đến khi CHỨNG được pháp thân, gọi là ĐẮC TỊNH TÂM ĐỊA. Đắc Tịnh Tâm Địa thì cắt đứt được sự tương tục của dòng vọng niệm. Vậy theo luận đây, CHỨNG PHÁP THÂN không chỉ là cái chuẩn để đánh giá hạng vị tu hành, mà còn để biết sự tương tục của dòng vọng niệm đã có khoảng hở. Nói RỐT RÁO, vì trước đó chỉ do đè nén mà thấy có khoảng không, không phải đã lìa được cái nhiễm tương tục này, đến khi chứng được một niệm nhân - pháp đều không, dòng tương tục mới thật sự dứt. Dứt, không có nghĩa là dòng vọng niệm đã hoàn toàn hết. Phải đến Bát Địa, dòng vọng niệm mới hết, vì lúc ấy trí phân biệt bị dẹp bỏ hoàn toàn. Nhân dứt thì duyên mới thật sự dứt. Vì thế trong phần 4 tướng giác trên, nhập Sơ địa rồi vẫn còn giác tướng tương tục

Ngài Hiền Thủ nói “Từ Thập Trụ trở đi, tu phương tiện Tầm và Tư của Duy thức, cho đến Sơ Địa thì chứng được chân như viên mãn không có ba tánh.[34] Phân biệt pháp chấp chẳng thể hiện tiền, nên nói ‘Tịnh Tâm Địa rốt ráo lìa'”.

[34] 3 tánh : Biến kế, y thaviên thành

3. PHÂN BIỆT TRÍ TƯƠNG ƯNG NHIỄM : Cụ Giới Địa lìa dần, cho đến Vô Tướng Phương Tiện Địa mới rốt ráo lìa.

CỤ GIỚI ĐỊA là Nhị Địa. VÔ TƯỚNG PHƯƠNG TIỆN ĐỊAThất Địa. Pháp môn bất nhị mà nhà thiền hay đề cập đến chính là để phá thẳng vào phần ‘Phân biệt trí tương ưng nhiễm’ này. TRÍ nói đây là trí phân biệt nhiễm tịnh không phải là trí phân biệt mang màu sắc chấp thủ của phần Kế Danh Tự

Từ Cụ Giới Địa cho đến Thất Địa vẫn còn dùng phương tiện để trừ sạch hiện tập nên nói LÌA DẦN. Tuy chưa được vô công dụng hạnh như ở Bát Địa, nhưng ở địa vị Thất Địa, cái giác thường hiện tiền, không còn bị phần nhiễm phân biệt chi phối, nên nói RỐT RÁO LÌA. Trong tất cả thời, tất cả chỗ mà dụng được cái giác để niệm niệm không phân biệt, phiền não không hiện hành, chính là ở địa vị này. Kinh Hoa Nghiêm nói “Bồ tát này thường siêng tu tập phương tiện huệ, khởi đạo thù thắng, an trụ bất động, không một niệm thôi nghỉ phế bỏ. Đi, đứng, nằm, ngồi, nhẫn đến lúc ngủ hay chiêm bao cũng chưa từng tương ưng với các chướng…”. 

Tuy ở địa vị này, tất cả tâm tưởng đều dứt không còn khởi trở lại, nhưng kinh Lăng Già vẫn cho cái trí siêu tình ấy là trí lừa què. Chỉ khi vào được hạnh vô công dụng của Bát Địa mới được gọi là bậc tối thắng.

4. HIỆN SẮC BẤT TƯƠNG ƯNG NHIỄM : Sắc Tự Tại Địa có thể lìa. Do tâm thể bất giác vọng động mà hiện Năng Kiến và Cảnh Giới Tướng. Cái hiện cảnh giới ấy gọi là HIỆN SẮC BẤT TƯƠNG ƯNG NHIỄM. Cái hiện ấy do vô minh mà có, vô minh hết thì ‘hiện sắc’ cũng không, nên nói NHIỄM. 

SẮC TỰ TẠI ĐỊA là chỉ cho địa vị Bát Địa, còn gọi là Bất Động Địa. Gọi là Bất Động vì trí vô phân biệt nhậm vận tương tục, tướng dụng phiền não không làm lay động được.[35] Kinh Hoa Nghiêm ví hạng Bất Động này như người vừa tỉnh mộng “Ví như có người trong giấc mơ thấy mình té trong sông lớn, vì muốn thoát nạn nên phát đại dũng mãnh, hành đại phương tiện. Do đại dũng mãnh và đại phương tiện nên liền thức giấc. Khi đã thức giấc thì những việc làm trong mơ liền dứt”. Đại dũng mãnh và đại phương tiện chỉ cho ý chíphương tiện tu hành mang tính dụng công từ Sơ Địa đến Thất Địa. Nhờ sức dụng công ấy mà hoàn tỉnh, tức nhập Bát Địa. Nhờ hoàn tỉnh mà biết tất cả chỉ là mộng mị. Sự dũng mãnhđại phương tiện kia cũng là những việc làm trong mộng, tỉnh rồi liền không, nên nói ‘vô công dụng’.

[35] Thành Duy Thức Luận.

CÓ THỂ LÌA vì đã phá được cái nhiễm hiện sắc ấy, nhận ra được tánh như huyễn của cảnh giới. Ngài Hàm Thị nói “Đệ Bát Địa thấy pháp vô ngã, giác tự tâm hiện tất cả cảnh giới thảy như mộng huyễn. Liền dùng tự giác chiếu liễu nhập như huyễn tam muội hiện tất cả thân như trăng đáy nước, bóng trong gương, như ý tự tại khắp các cõi Phật”. Địa này được 2 điều tự tạihiện thân tướng và quốc độ nên gọi là SẮC TỰ TẠI. Song địa này vẫn còn bị 2 nhiễm dưới chi phối

5. NĂNG KIẾN TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG NHIỄM : Tâm Tự Tại Địa có thể lìa. 

Đây là chỉ cho Năng Kiến. Tâm Tự Tại ĐịaCửu Địa. Cửu Địa phá tiếp một phần câu sanh của sở tri, nên ngoài lực dụng có được khi nhập Bát địa, còn được 4 thứ trí vô ngại sau :

1/ Thông đạt tự tại về ngôn từ.

2/ Hiểu biết giáo pháp một cách không ngăn ngại.

3/ Hiểu biết về nghĩa không ngăn ngại.

4/ Biện tài vô ngại, thấu rõ mọi cơ nghi, khéo vì người nói pháp.

Được 4 cái vô ngại này là do tâm đã được tự tại, không bị cái nhiễm NĂNG KIẾN TƯỚNG làm ngăn ngại, nên nói “TÂM TỰ TẠI ĐỊA có thể lìa”.

6. CĂN BẢN NGHIỆP BẤT TƯƠNG ƯNG NHIỄM : Bồ tát địa tận nhập Như Lai Địa có thể lìa.

Đây là chỉ cho phần Nghiệp Tướng đầu tiên. Nó là nền tảng để các tướng nhiễm khác sanh khởi nên gọi là CĂN BẢN. Địa vị tận cùng của Bồ tát gọi là BỒ TÁT ĐỊA TẬN. Địa này, kim cang dụ định hiện tiền, dứt một lần 2 loại câu sanh sở tri vi tếchủng tử phiền não chướng nhậm vận hằng khởi mà nhập biển quả Như Lai

Nghĩa CHẲNG RÕ ĐƯỢC NHẤT PHÁP GIỚI thì từ Tín Tương Ưng Địa quán xét, học, đoạn … nhập Tịnh Tâm Địa thì tùy phần được lìa, cho đến Như Lai Địa có thể lìa rốt ráo.

“NHẬP Tịnh Tâm Địa thì tùy phần được lìa” vì đã rõ được ít phần về nhất pháp giới. Trải qua 10 địa đến Như Lai Địa thì thấu suốt hoàn toàn nên nói LÌA RỐT RÁO. Lìa rốt ráo là lìa cái CHẲNG RÕ ấy. Sau là giải thích về nghĩa TƯƠNG ƯNG và BẤT TƯƠNG ƯNG ở phần 6 nhiễm trên. 

Nghĩa TƯƠNG ƯNG là, tâm niệm pháp khác y nơi nhiễm tịnh sai biệt mà tri tướng duyên tướng đồng.

Phần TƯƠNG ƯNG này là chỉ cho 3 nhiễm tâm đầu. Do tâm cảnh hòa hợp mà sanh 3 cái nhiễm này nên gọi 3 cái nhiễm này là TƯƠNG ƯNG NHIỄM. 

Giải thích một cách chi tiết thì TÂM là chỉ cho tâm vương, gồm Alaida, Matna, ý thức và 5 thức thuộc sắc căn. NIỆM PHÁP là chỉ cho tâm sở niệm pháp, gồm 51 tâm sở. TÂM NIỆM PHÁP KHÁC vì tâm vương không phải là tâm sở. Tâm sở là loại tâm hệ thuộc vào tâm vương, phải nương tâm vương mới khởi được. Đối với cảnh sở duyên, nó có thể nhận được cả tướng riêng trong khi tâm vương chỉ nhận lấy tướng chung mà thôi. Khác là như thế. 

NHIỄM TỊNH SAI BIỆT là chỉ cho cảnh bị phân biệt. Y NƠI NHIỄM TỊNH thì biết TRI TƯỚNG DUYÊN TƯỚNG ĐỒNG là đồng ở mặt nhiễm tịnh. Ngài Hiền Thủ giải thích “Tâm vương tri tịnh, tâm pháp cũng đồng. Tâm vương duyên nhiễm, tâm pháp cũng đồng. Tri tướng tức năng tri đồng. Duyên tướng tức sở duyên đồng”. Nghĩa là, vương và sở tuy khác nhau, nhưng khi chúng cùng duyên một cảnh mà chúng đồng nhiễm hay đồng tịnh thì gọi là TƯƠNG ƯNG

Nghĩa BẤT TƯƠNG ƯNG là, tâm bất giác thường không riêng khác, chẳng đồng về tri tướng duyên tướng.

Phần BẤT TƯƠNG ƯNG này chỉ cho 3 nhiễm sau. 3 nhiễm này là do tâm bất giác vọng động mà ra, không phải từ sự hòa hợp giữa tâm và cảnh mà có, nên nói “Tâm bất giác THƯỜNG KHÔNG RIÊNG KHÁC”. Với 3 BẤT TƯƠNG ƯNG, vương sở chưa phân thì không thể lập bày đồng khác, nên nói “CHẲNG ĐỒNG về tri tướng duyên tướng”.

Nghĩa NHIỄM TÂM là, còn gọi là phiền não ngại, vì hay làm chướng căn bản trí chân như

Nhiễm tâm là chỉ 6 nhiễm trên. Do 6 nhiễm ấy mà có nhiễm tâm. PHIỀN NÃO NGẠI là tên khác của nhiễm tâm nên nói CÒN GỌI LÀ. 

VÌ HAY … là để giải thích vì sao gọi là phiền não ngại, vì che chắn không cho căn bản trí hiển, nên gọi là NGẠI.

CĂN BẢN TRÍ CHÂN NHƯ là chỉ cho cái thể ‘như thật không’ nói trên. Gọi CĂN BẢN vì nó là tánh thể của tất cả pháp nhiễm tịnh. Cũng là căn bản của mọi loại trí nên gọi là CĂN BẢN TRÍ. Tâm không có 6 tướng nhiễm tâm ấy thì chứng được phần căn bản trí này. 

Nghĩa VÔ MINH là, còn gọi là trí ngại, vì hay làm chướng thế gian tự nhiên nghiệp trí.

VÔ MINH tức căn bản vô minh, là duyên làm chân thể thanh tịnh biến động. THẾ GIAN TỰ NHIÊN NGHIỆP TRÍ là chỉ cho trí Nhất thiết chủng của Phật. Trí này thông đạt được tổng tướng lẫn biệt tướng của tất cả pháp, lại biết được đạo pháp của tất cả chư Phật và nhân chủng của tất cả chúng sanh trong ba đời, có nghiệp dụng lợi lạc cho loài hàm thức chẳng thể nghĩ bàn. Đây thuộc về hậu đắc trí. Không phá được phần căn bản vô minh này thì không thể có được loại trí tuệ viên mãn như Phật nên nói HAY LÀM CHƯỚNG ... 

Nghĩa ấy thế nào? Hỏi “Vì sao nói nhiễm tâm làm chướng căn bản trí, vô minh làm chướng thế gian nghiệp trí?”. Sau là giải thích.

Vì y nhiễm tâm, năng kiến năng hiện, vọng thủ cảnh giới, trái với tánh bình đẳng.

Đây là giải thích phần nhiễm tâm làm chướng căn bản trí. Trên nói “Tự tánh thanh tịnh mà có vô minh. Bị vô minh nhiễm, có tâm nhiễm ấy”. Từ cái nhiễm tâm ấy mà có năng kiến, năng hiện nên nói Y NHIỄM TÂM. Năng kiến, năng hiện là chỉ cho tướng Năng Kiến và Cảnh Giới Tướng trên. Do phân năng - sở mới sanh phân biệt, trái với tánh vốn không năng sở phân biệt, nên nói “TRÁI VỚI tánh bình đẳng”.

Vì tất cả pháp thường tĩnh lặng, không có tướng khởi. Vô minh bất giác, vọng cùng pháp trái, nên chẳng hay tùy thuận được với mọi loại trí thông suốt hết thảy cảnh giới thế gian

Đây là giải thích vì sao chúng sanh không có, hay chỉ được từng phần cái trí tròn sáng với vô vàn diệu dụng của Phật. Chỉ vì tâm chúng sanh động mà không có được cái dụng chẳng thể nghĩ bàn ấy. 

Giải thích phần NHÂN DUYÊN của sanh diệt xong. Sau là nói về TƯỚNG sanh diệt.

Lại nữa, TƯỚNG SANH DIỆT có hai. Thế nào là hai? Một là thô vì cùng với tâm tương ưng. Hai là tế vì cùng với tâm bất tương ưng. Lại có thô trong thô là cảnh giới của phàm phu. Tế trong thô và thô trong tế là cảnh giới của Bồ tát. Tế trong tế là cảnh giới Phật. 2 loại sanh diệt ấy nương nơi sự huân tập của vô minh mà có. Đó là y nhân, y duyên. Y nhân là nghĩa bất giác. Y duyên là nghĩa cảnh giới vọng tạo.

Tướng sanh diệt có 2 là THÔ và TẾ. THÔ là chỉ cho 6 thô, TẾ là chỉ cho 3 tế, đều thuộc bất giác. 3 tế thuộc ‘bất tương ưng nhiễm’ nên nói “Tế vì cùng với tâm BẤT TƯƠNG ƯNG”. 6 thô là do sự hòa hợp giữa tâm và cảnh mà ra, nên nói “Vì cùng với tâm TƯƠNG ƯNG”.

Trong 6 thô, 4 tướng sau thô hơn 2 tướng đầu nên nói 4 tướng sau là THÔ. 4 tướng thô ấy đều thuộc 6 thô nên nói THÔ TRONG THÔ. Nhị thừa, Bồ tát mới phát tâmphàm phu giác 4 tướng này nên nói “THÔ TRONG THÔ là cảnh giới của phàm phu”. Gọi cả Nhị thừaBồ tát mới phát tâmphàm phu vì các vị chưa thấy được nhân Phật tánh như Bồ tát đăng địa

Bồ tát đăng địa giác 4 tướng Tương Tục Tướng, Trí Tướng, Cảnh Giới TướngNăng Kiến Tướng. Tương TụcTrí Tướng là 2 tướng đầu trong 6 thô, thuộc phần tế của 6 thô, nên nói TẾ TRONG THÔ. So với Nghiệp Tướng của 3 tế thì Cảnh Giới TướngNăng Kiến Tướng là thô, nên nói THÔ TRONG TẾ. Bồ tát từ Sơ Địa đến Thất Địa giác 2 tướng TríTương Tục. Bồ tát từ Bát Địa trở lên giác 2 tướng Cảnh Giới và Năng Kiến, nên nói “Tế trong thô và thô trong tế là CẢNH GIỚI CỦA Bồ tát”. 

TẾ TRONG TẾ là chỉ cho Nghiệp Tướng trong 3 tế. Bồ tát địa tận giác được phần Nghiệp Tướng, nhưng chỉ ở địa vị Phật mới thấu được toàn bộ cảnh giới lật mê làm ngộ này, nên nói “Tế trong tế là CẢNH GIỚI CỦA PHẬT”. Vì thế, chứng được Phật nhân thì tiêu 9 tướng không 3 tánh, nhưng viên mãn quả Phật lại đủ cả 4 trí lẫn 3 thân.

Do chân như không tánh, bất giác huân thành vô minh mà sanh 3 tế, nên nói “Y NƠI sự huân tập vô minh mà có”. Sanh 3 tế rồi, lại lấy cái tế thứ ba là Cảnh Giới Tướng làm duyên, tiếp tục sanh khởi 6 thô nên nói Y NHÂN, Y DUYÊN. NHÂN là chỉ cho tướng bất giác đầu tiên tức căn bản vô minh, DUYÊN là chỉ cho Cảnh Giới Tướng, nên nói “Y NHÂN là nghĩa bất giác, Y DUYÊN là nghĩa cảnh giới vọng tạo”. Cảnh giới vọng tạo là chỉ cho Cảnh Giới Tướng. Cảnh giới này không thật nên nói VỌNG TẠO.

Nếu nhân diệt thì duyên diệt. Nhân diệt nên tâm bất tương ưng diệt. Duyên diệt nên tâm tương ưng diệt.

Do cái nhân là bất giác mới có 3 tế, nếu bất giác diệt thì 3 tế không còn, trong đó có Cảnh Giới Tướng, nên nói “NHÂN DIỆT thì duyên diệt”. 3 tế thuộc bất tương ưng nên nói “NHÂN DIỆT nên tâm bất tương ưng diệt”. Cảnh Giới Tướng diệt thì không có duyên để sanh khởi 3 thô thuộc tâm tương ưng, nên nói “DUYÊN DIỆT nên tâm bất tương ưng diệt” . 

Như vậy 6 nhiễm chỉ thật sự hết khi căn bản vô minh bị phá. Nói vậy không có nghĩa, tu thì hành giả phải phá thẳng vào phần ‘căn bản vô minh’ này. Muốn cũng không được. Vì nó thuộc phần quá tế. Muốn phá được cái tế này thì trước phải phá bớt những cái thô ngoài, như muốn thấy lõi bắp thì phải lột bỏ mấy lớp vỏ ngoài trước. Điều này được hiển rõ trong quá trình ngược dòng hoàn tịnh, thủy giác có đến 4 tướng, 6 nhiễm cũng phải trừ dần từ thô đến tế. Đây nói NHÂN DIỆT THÌ DUYÊN DIỆT là để hiểu, dù tương ưng nhiễm đã phá mà cội gốc vô minh chưa phá thì cũng chưa xong. Uẩn - xứ - giới đã phá mà vô minh chưa hết thì chưa phải là niết bàn rốt ráo. Chỉ khi phá được hoàn toàn phần căn bản vô minh thì nhiễm tâm mới thật sự dứt. Diệt Tận Định của A La Hán chỉ mới là hóa thành chưa phải bảo sở cũng vì duyên diệt mà nhân chưa diệt. Chỉ khi nhân diệt thì duyên mới thật sự diệt. Chỉ là duyên diệt thì nhân chưa diệt. Vì thế không nên lưu giữ tư tưởng “Hành diệt thì thức diệt”. 

Hỏi : Nếu tâm diệt làm sao tương tục? Nếu tương tục vì sao nói rốt ráo diệt?

TÂM DIỆT là chỉ cho tâm tương ưng lẫn bất tương ưng. TƯƠNG TỤC là chỉ cho sự nối tiếp sau khi đã diệt hết 6 loại nhiễm tâm. Đại khái là, người nghe do quen với tư tưởng TƯỚNG và THỂ là một, nên khi nghe tâm diệt thì thắc mắc rằng ‘Nếu tâm đã diệt thì trí và dụng của Phật là gì? Nếu trí và dụng của Phật còn, chúng sanh vẫn có chỗ y chỉ để tương tục thì sao lại nói là rốt ráo diệt?’. Sau là giải thích.

Đáp : Nói diệt, chỉ là tướng của tâm diệt, chẳng phải thể của tâm diệt. Như gió nương nước mà có tướng động. Nếu nước diệt thì tướng gió đoạn dứt không có chỗ y chỉ. Vì nước chẳng diệt, tướng gió tương tục. Chỉ là gió diệt mà tướng động diệt theo, chẳng phải nước diệt. Vô minh cũng vậy, nương nơi thể của tâm mà động. Nếu thể của tâm diệt thì chúng sanh đoạn dứt, không có chỗ y chỉ. Vì thể chẳng diệt mà tâm được tương tục. Chỉ là si diệt nên tướng của tâm diệt theo, chẳng phải tâm trí diệt.

Trên đã phân rõ tâm chúng sanh có 2 phần là THỂ không sanh diệt và TƯỚNG thì sanh diệt. Đây nói DIỆT, chỉ là tướng của tâm diệt, không phải là thể của tâm diệt. Tướng ô nhiễm diệt mà thể tánh vô vàn công đức không diệt nên không rơi vào đoạn diệthiển bày vô lượng trí, vô lượng dụng. Nói RỐT RÁO DIỆT là diệt hết tướng ô nhiễm của tâm, không phải diệt cái thể của tâm. Ô nhiễm hết thì tâm diệu giác hiển bày, như bụi hết thì mặt gương lộ rõ.

Đưa ra ví dụ gió và nước đây là nhằm để người hiểu TƯỚNG không lìa THỂ nhưng TƯỚNG không phải là THỂ. 

Gió là chỉ cho vô minh bất giác. Biển nước chỉ cho chân thể thường trụ. Gió vô minh tác động vào biển nước chân thể ấy khiến nó thành đủ thứ hình tướng nhấp nhô, gọi là sóng. Nếu không có cái chân thể ấy thì gió vô minh nhiều bao nhiêu, sóng cũng không thể có. Nghĩa là, chúng sanh lưu chuyển biến dạng qua 6 đường là do vô minh, nhưng phải có sẵn cái chân thể thường trụ làm nền tảng thì vô minh ấy mới có chỗ tác động mà có biển sóng trong 6 đường. Không có biển nước ấy thì vô minh không nương đâu mà tạo được 2 tướng thô tế trên, chúng sanh cũng không nương đâu mà lưu chuyển. Giờ nói DIỆT không phải là diệt biển nước chân thể mà là diệt vô minh. Gió vô minh diệt thì biển sóng dừng. Biển sóng dừng thì ngay đó là biển nước. Nhiễm ô hết thì ngay chỗ hết ấy là chân như thường trụ đầy đủ vô lượng tướng công đức thanh tịnh

SI là chỉ cho vô minh. Nói TRÍ là do đối với SI mà nói. Nói TÂM là đối với TƯỚNG CỦA TÂM mà nói. Diệt là diệt SI và TƯỚNG CỦA TÂM không phải là diệt TRÍ và TÂM nên nói “Chẳng phải TÂM TRÍ diệt”. 

 

Lại nữa, NGHĨA HUÂN TẬP có 4 pháp nên nhiễm pháptịnh pháp khởi chẳng dứt. Thế nào là 4?

1. Tịnh pháp, gọi là chân như.
2. Nhân của tất cả nhiễm ô, gọi là vô minh.
3. Vọng tâm, gọi là nghiệp thức.
4. Cảnh giới hư vọng, đó là 6 trần.

HUÂN là xông ướp. TẬP là lặp đi lặp lại, ta hay dùng từ thói quen để chỉ cho việc này. Như vậy HUÂN TẬP là chỉ cho tính xông ướp do việc lặp lui lặp tới mà thành. Những gì được lặp lui lặp tới mãi mới thành huân tập. Như ngày nào cũng ngồi thiền là mình đang huân tập việc ngồi thiền vào thức tạng. Ngày nào cũng học Hán văn là mình đang huân tập Hán văn vào thức tạng. Ngày nào cũng nổi sân là đang huân cái sân vào thức tạng. Ngày nào cũng hét là đang huân cái hét vào thức tạng.

Đặc tính của huân tập là thứ gì được huân tập nhiều thì thứ đó trở nên bền bĩ và có sức mạnh vượt trội. Như áo quần đem ướp hương càng lâu thì mùi thơm càng nhiều. Thần đồng về âm nhạc, toán học v.v… là do âm nhạc hay toán học được huân tập sâu xa trong thức tạng. Bảy tám tuổi đã muốn xuất gia vì chủng tu hành được huân tập sâu dày. 

NGHĨA HUÂN TẬP CÓ 4 PHÁP là việc huân tập đây dựa vào 4 pháp mà phát khởi. Đó là chân như, vô minh, nghiệp thứccảnh giới 6 trần. 4 thứ này huân tập qua lại mà có nhiễm pháptịnh pháp. NHIỄM PHÁP là chỉ cho pháp thuận dòng với bất giác. TỊNH PHÁP thì thuộc thủy giác ngược dòng hoàn tịnh. 

TỊNH PHÁP mà đây chỉ nói CHÂN NHƯchân như là nền tảng của tịnh pháp. Ngài Hiền Thủ nói “Tịnh pháp, gọi là chân như’ là chân như trong môn sanh diệt. Vì có 3 nghĩa nên nói là tịnh pháp. 1/ Ước về thể mà nói, từ xưa đến nay nó vốn thanh tịnh. 2/ Ước về tướng của thể mà nói, vì nó làm nội huân lật nhiễm thành tịnh. 3/ Ước về dụng huân biến mà nói, là ứng cơ thì thành tịnh duyên”.

NHIỄM Ô là chỉ cho 6 nhiễm, 3 tế và 6 thô. Tất cả đều do vô minh mà có. Vô minh là nhân sanh ra các thứ đó nên nói “NHÂN nhiễm ô gọi là vô minh”.

VỌNG TÂM là chỉ cho tâm vọng tưởng của chúng sanh. Bất giác tâm động sanh cái năng thấy cùng cảnh giới bị thấy. Trên những thứ hư vọng ấy lại sanh phân biệt, chấp thủ v.v… Tất cả đều thuộc vọng tâm. Nghiệp thức là nhân nên nói “VỌNG TÂM gọi là nghiệp thức”.

Chân như, vô minh, nghiệp thức và 6 trần huân tập qua lại ra sao khiến tịnh phápnhiễm pháp khởi chẳng dứt sẽ được làm rõ ở các phần sau. Đầu tiên là nêu ví dụ để người có thể hình dung về nghĩa HUÂN TẬP. Sau là đi vào chi tiết

Nghĩa HUÂN TẬP là, như ở thế gian áo quần thật không hương, nếu người dùng hương xông ướp thì tất có mùi hương. Đây cũng vậy, chân như tịnh pháp thật không ô nhiễm, chỉ do vô minhhuân tập nên có tướng nhiễm. Vô minh nhiễm pháp thật không có nghiệp thanh tịnh, chỉ do chân nhưhuân tập nên có dụng thanh tịnh.

Nghĩa HUÂN TẬP, đây dùng ví dụ áo quần vốn không có mùi hương, nhưng do dùng hương xông ướp mà thành có mùi hương để hình dung về nghĩa của huân tập. XÔNG ƯỚP là chỉ cho việc huân tập

ĐÂY CŨNG VẬY là, nhiễm pháptịnh pháp cũng như áo quần bị đem ủ hương mà có mùi thơm : Nhiễm pháp là do vô minh xông ướp chân như mà thành. Tịnh pháp là do chân như xông ướp lại vô minh mà có dụng thanh tịnh. Việc huân tập đã như dùng hương xông ướp thì khi không xông ướp mùi hương sẽ hết. Không để vô minh huân mà chỉ lấy chân như huân thì nhiễm pháp hết, tịnh pháp sẽ hiển lộ hoàn toàn

Sau là đi vào chi tiết.

Thế nào là HUÂN TẬP KHỞI NHIỄM PHÁP CHẲNG DỨT?

Đây hỏi để giải thích quá trình chân như bị vô minh huân mà có nhiễm pháp. Chính là quá trình bất giác. Nói CHẲNG DỨT vì một khi sự huân tập thành hình thì nó có lực khiến sự huân tập càng nối tiếp. Như trạng thái nghiện thuốc hoặc nghiện rượu. Do đã tập quen với thuốc lá và rượu nên thói quen ấy tạo ra một lực khiến việc uống và hút ấy tiếp diễn không ngừng. Vì thế một khi thứ gì đã thành thói quen thì bỏ rất cực.

Đó là do nương pháp chân như mà có vô minh. Vì có vô minh nhiễm pháp làm nhân liền huân tập chân như. Do huân tập nên có vọng tâm. Vì có vọng tâm liền huân tập vô minh.

Đây là nói sơ qua quá trình huân tập khởi nhiễm pháp. Đầu tiên là giới thiệu vô minh từ đâu mà có. Trong Như Lai Tạng có 2 nghĩa minh và vô minh. Minh, là giác thể vốn minh. Vô minh, là giác thể vốn không tánh, vì cực chân nên không phân biệt, trong cái không phân biệttrạm nhiên thường trụ gọi là diệu, trong cái không phân biệtmờ mịt chẳng tỉnh gọi là vô minh. Vì vậy nói “NƯƠNG PHÁP chân như mà có vô minh”. 

“Vì có vô minh nhiễm pháp làm nhân liền HUÂN TẬP CHÂN NHƯ” là, vô minh nương chân như mà khởi, rồi lại lấy chân như làm chỗ huân, huân chân như thành nghiệp thức. Nghiệp thức xuất hiện lại huân tập vô minh mà thành các tướng bất giác kế tiếp nên nói “Vì có vọng tâm liền HUÂN TẬP VÔ MINH”. Theo đây thì thấy, năng huân có 2 thứ là VÔ MINHVỌNG TÂM. Phần dưới phân thành 2 là vọng tâm huân tậpvô minh huân tậpvì vậy

Kế là trình bày quá trình trên một cách chi tiết.

Chẳng rõ được pháp chân như, bất giác niệm khởi hiện cảnh giới hư vọng. Do có cảnh giới hư vọngnhiễm pháp làm duyên liền huân tập vọng tâm khiến tâm ấy niệm trước tạo mọi thứ nghiệp, thọ tất cả khổ của thân lẫn tâm. 

“CHẲNG RÕ ĐƯỢC pháp chân như” là nói vô minh nương chân mà khởi. BẤT GIÁC NIỆM KHỞI là chỉ cho quá trình vô minh nhiễm pháp huân chân như thành vọng tâm. Vọng tâm đây chỉ cho phần tế là nghiệp thức. Nghiệp thức lại huân tập vô minh làm phát sanh 2 tướng Năng Kiến và Cảnh Giới Tướng nên nói HIỆN CẢNH GIỚI HƯ VỌNG. Trên cảnh hư vọng ấy lại sanh phân biệtchấp thủ nên nói “Do có cảnh giới … làm duyên liền huân tập vọng tâm, khiến tâm ấy NIỆM TRƯỚC”. NIỆM là chỉ cho Trí TướngTương Tục Tướng. TRƯỚC là chỉ cho Chấp Thủ TướngKế Danh Tự Tướng. Đã chấp thủ dính mắc thì TẠO MỌI THỨ NGHIỆP, chỉ cho Khởi Nghiệp Tướng. Tạo nghiệp rồi thì phải THỌ TẤT CẢ KHỔ của thân lẫn tâm, chỉ cho Nghiệp Hệ Khổ Tướng

Nghĩa huân tập cảnh giới hư vọng có 2 thứ. Thế nào là 2? 

1. Huân tập tăng trưởng niệm. 
2. Huân tập tăng trưởng thủ.

Đây là nói rõ lại quá trình “Cảnh giới hư vọngnhiễm pháp làm duyên liền huân tập vọng tâm khiến tâm ấy niệm trước” trên. Cảnh giới làm duyên huân tập vọng tâmvọng tâm nương nơi cảnh giới hư vọng mà xông ướp thêm vô minh nên nói HUÂN TẬP CẢNH GIỚI. Tức lấy nghiệp thức làm nhân, cảnh giới hư vọng làm duyên, sanh 4 tướng đầu của 6 thô. Trí TướngTương Tục Tướng thuộc về NIỆM. Chấp Thủ và Kế Danh Tự thuộc về THỦ.

Bởi quá trình trên được lặp lui lặp tới với tất cả pháp ở thế gian khiến người đời CÀNG THÊM phân biệt, so đo, dính mắc đối với ngoại cảnh, dòng vọng niệm ngày một tương tục bền chắc, nên nói HUÂN TẬP TĂNG TRƯỞNG NIỆM và HUÂN TẬP TĂNG TRƯỞNG THỦ. 

Dưới là nói rõ về sự huân tập của vô minhvọng tâm. Vô minhvọng tâm làm năng huân, huân tập chân nhưnghiệp thức.

A. Nghĩa VỌNG TÂM HUÂN TẬP có 2. Thế nào là 2?

Vô minh nương chân mà khởi, rồi huân lại chân như mà có nghiệp thức. Đây thuộc vô minh huân tập. Còn nghiệp thức huân vô minh làm phát sanh cảnh giới hư vọng, rồi nương nơi cảnh giới hư vọng ấy mà khởi 4 thô … thì thuộc VỌNG TÂM HUÂN TẬP. Vọng tâm huân tập này có 2 thứ :

1. Căn bản nghiệp thức huân tập : Làm cho A La Hán, Bích Chi Phật và tất cả Bồ tát phải chịu cái khổ sanh tử

CÁI KHỔ SANH TỬ là lấy theo bản trực giải của ngài Hám Sơn, còn bản sớ giải của ngài Hiền Thủ thì ghi là “Cái khổ sanh diệt”. Song khổ của sanh diệt hay sanh tử cũng đều chỉ cho cái khổ của ‘biến dịch sanh tử’. 

Đây là nghiệp thức làm năng huân, huân tập vô minh làm phát sanh Năng Kiến và Cảnh Giới Tướng. A LA HÁNBÍCH CHI PHẬT là quả tối cùng của Thanh vănDuyên giác. Trụ trong định này thì chư vị không còn bị sanh tử trong 3 cõi, lìa được cái khổ của phần đoạn thô, nhưng vẫn bị sự sanh diệt của phần chuyển thức chi phối, nên nói “PHẢI CHỊU cái khổ của sanh diệt”. TẤT CẢ BỒ TÁT là chỉ cho Bồ tát từ Tín Tương Ưng Địa trở đi, là các vị Bồ tát đối với nhân không đã được tự tại (đã nói trong phần 6 nhiễm trên). Các vị đã lìa được cái khổ thô nhưng còn cái khổ tế nên nói “CHỊU CÁI KHỔ của sanh diệt”. 

2. Tăng trưởng phân biệt sự thức huân tập : Làm cho phàm phu phải chịu cái khổ do nghiệp trói buộc

PHÂN BIỆT SỰ THỨC là chỉ cho ý thức trên. Đây, ý thức làm năng huân, huân tập nghiệp thức làm tăng trưởng tướng Chấp Thủ và Kế Danh, rồi khởi hoặc tạo nghiệp mà chịu cái khổ của ‘phần đoạn sanh tử’, nên nói “CHỊU CÁI KHỔ do nghiệp trói buộc”.

B. Nghĩa VÔ MINH HUÂN TẬP có 2. Thế nào là 2?

Đây, vô minh làm năng huân. Năng huân đều là vô minh nhưng tùy thô tế mà có 2 thứ :

1. Căn bản huân tập : Vì hay thành tựu nghĩa nghiệp thức. CĂN BẢN là chỉ cho căn bản vô minh. Vô minh này huân tâm thể thành nghiệp thức v.v... nên gọi là CĂN BẢN HUÂN TẬP. 

2. Sở khởi kiến và ái huân tập : Vì hay thành tựu nghĩa phân biệt sự thức.

SỞ KHỞI là được sanh khởi từ … Dùng bổ nghĩa cho từ kiến và ái. Kiến và ái là 2 thứ được sanh ra từ căn bản vô minh nên gọi là SỞ KHỞI KIẾN VÀ ÁI. Tên khác của chúng là tứ trụ địa vô minh hay chi mạt vô minh. Được 2 thứ này xông ướp mà ý thức tăng trưởng nên nói “Vì THÀNH TỰU nghĩa phân biệt sự thức”. 

Trên là nhiễm huân, dưới là tịnh huân.

Thế nào là HUÂN TẬP KHỞI TỊNH PHÁP CHẲNG DỨT?

Đây hỏi để giải thích quá trình chân như huân vọng tâm mà có tịnh pháp. Đó là quá trình ngược dòng hoàn tịnh, nói về trí thủy giác

Là, vì có pháp chân như nên hay huân tập vô minh. Do lực nhân duyên huân tập, khiến vọng tâm chán sanh tử khổ, thích cầu niết bàn. Vì vọng tâm ấy có nhân duyên chán và cầu nên liền huân tập chân như.

LÀ, tức trình bày quá trình huân tập khởi tịnh pháp. Chân như tuy bị vô minh huân thành 6 nhiễm, nhưng bản thânvẫn có lực huân lại vô minh. Tâm chán cái khổ ở thế gian muốn cầu sự yên tịnh thánh lạc của niết bàn là biểu hiện cho lực tác dụng ấy. Ngay đời sống đây, đang quây cuồng trong tình cảm, vật chất hay gia đình mà bỗng khởi niệm ngao ngán và muốn sống một đời sống bình lặng, không đấu tranh v.v… dù chỉ một thoáng, cũng là biểu hiện của lực chân như. Hình tướng biểu hiện này bao gồm nhiều dạng, tùy thô tế mà thấy khác nhau. Song chúng có cùng một điểm chung là không muốn dính mắc vào danh lợi thế gian và mang khuynh hướng vị tha. 

Tâm chán thế gian và cầu niết bàn xuất hiện thì quá trình vọng tâm huân tập chân như bắt đầu. Nói vọng huân vì cái chán và cầu ấy thuộc vọng tâm sanh diệt, song nó chịu sự chi phối của chân như nên tuy là vọng huân mà lại thành tịnh hạnh. Đây là phần thô của trí thủy giác

Tự tin tánh mình, biết tâm vọng động, không có cảnh giới trước mắt, tu pháp xa lìa. Vì như thật biết không có cảnh giới trước mắt nên mỗi mỗi phương tiện khởi hạnh tùy thuận, không thủ không niệm, cho đến lâu xa ... 

Tin ‘Tức tâm tức Phật’, tin ‘Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức’, tin mình có khả năng làm Phật v.v… đều gọi là TỰ TIN TÁNH MÌNH. Song cái TIN nói đây chỉ mới là tin vào kinh luận hay thiện hữu tri thức giảng dạy mà tu tập, chưa phải là niềm tin bắt nguồn từ việc trực chứng của bản thân. Vì thế, BIẾT đây cũng là do tin mà biết, vẫn còn nằm trong sự hiểu biết thuộc ý thức nhưng là phần ý thức hoàn tịnh. 

BIẾT TÂM VỌNG ĐỘNG là biết những thứ mình vẫn cho là tâm mình như suy nghĩ, phân biệt, nhớ thương, vui buồn … chỉ là tâm hư vọng không có thật thể. KHÔNG CÓ CẢNH GIỚI TRƯỚC MẮTvạn pháp chỉ do thức biến. Do có niềm tin như thế nên bắt đầu tu tập.

TU PHÁP XA LÌA là dùng những phương tiện giúp trừ bỏ những thứ làm tâm mình vọng động. Quán những suy nghĩ, vui buồn khởi lên trong tâm là vọng rồi buông, không để chúng nối tiếp là đang thực hiện tu pháp xa lìa. Miên mật niệm Phật để nhiếp dòng vọng niệm là đang tu pháp xa lìa v.v… Tùy căn cơ của chúng sanh ở mỗi thời mà pháp tu để xa lìa này nhiều vô số. Song nhiều thế nào thì điểm chung của chúng vẫn là đưa tâm trở về trạng thái vốn trong lặng, không dính mắc mà thôi.

NHƯ THẬT BIẾT là biết không do học hỏi mà là qua sự trực nghiệm của bản thân. Đây là chỉ cho cảnh giới trực chứng của Bồ tát Sơ Địa. “MỖI MỖI PHƯƠNG TIỆN, khởi hạnh tùy thuận, không thủ không niệm, cho đến lâu xa …” là nói về quá trình tu hành của hàng Thập Địa. HẠNH TÙY THUẬN là tu hạnh tùy thuận với chân như pháp tánh. Sơ địa chứng được nhất niệm vô sanh, y cứ nhất niệm ấy mà tu chân như tam muội nên nói là TÙY THUẬN. Bồ tát Sơ Địa trở đi tập trung phá trừ phần Trí Tướng là nhân của 3 tướng Tương Tục, Chấp Thủ và Kế Danh nên nói KHÔNG THỦ KHÔNG NIỆM, chính là tu chân như tam muội nói trên. Song chỉ ở Bát địa, trí phân biệt mới thật sự dứt, nên từ Sơ Địa đến mãn tâm Thất Địa cái ‘không thủ không niệm’ này vẫn còn trong vòng dụng công. Đến Bát Địa mới thật là hoàn toàn ‘không thủ không niệm’.

CHO ĐẾN LÂU XA là trải qua quá trình tu hành lâu xa[36] … đến địa vị cuối cùng của Bồ tát, thì có kết quả như sau :

Bởi lực huân tập nên vô minh diệt. Do vô minh diệt nên tâm không khởi. Do không có khởi, cảnh giới diệt theo. Do nhân duyên đều diệt nên tướng của tâm đều hết, gọi là đắc niết bàn thành nghiệp tự nhiên.

Do lực huân tập của trí thủy giác, ngược dòng 4 tướng là diệt, dị, trụ và sanh mà diệt được căn bản vô minh. Tuy quá trình diệt là diệt từ thô đi lần về tế - phải là tâm không khởi thì mới thấy được phần căn bản vô minh mà diệt - nhưng chỉ khi cái tế dứt rồi thì cái thô mới thật sự hết, vì nhân diệt thì quả mới thật sự diệt, nên nói “DO VÔ MINH diệt nên tâm không khởi”, là từ tế thuận lại thô. KHÔNG KHỞI này là chỉ cho Nghiệp TướngNăng Kiến Tướng. Vô minh hết thì tâm không còn bị lực ấy làm động mà có Nghiệp và Năng Kiến. Năng Kiến không thì Cảnh Giới Tướng cũng không, nên nói “Do KHÔNG CÓ khởi, cảnh giới diệt theo”. Cảnh giới diệt rồi thì tâm không nương đâu mà khởi phân biệt, tạo nghiệp, chịu khổ ... Tức căn bản vô minh hết thì 9 tướng trong phần Bất Giác cũng hết. Căn bản vô minh là NHÂN, Cảnh Giới Tướng là DUYÊN làm sanh khởi 6 thô, nên nói “Do nhân duyên đều diệt nên tướng của tâm đều hết”. TƯỚNG CỦA TÂM là chỉ cho 9 tướng bất giác hay 6 nhiễm. 

ĐẮC NIẾT BÀN là chỉ cho quả vị Phật. Đây là chỉ cho tâm thể đã sạch hết vọng nhiễm, thuần thanh tịnhsáng suốt. Thành Phật thì có được tất cả mọi loại trí thông hết tất cả cảnh giới của chư Phật cũng như chúng sanh mà khởi nghiệp dụng chẳng thể nghĩ bàn, nên nói THÀNH NGHIỆP TỰ NHIÊN. Loại nghiệp dụng này chẳng do tác ý mà thành, chỉ tùy sự cảm ứng với chúng sanh mà hiện nên nói TỰ NHIÊN.

Phần ‘Huân tập khởi tịnh pháp chẳng dứt này’ cũng có 2 phần là vọng tâm huân và chân như huân. Huân tập khởi tịnh pháp mà nói VỌNG TÂM HUÂN, vì phần tu tập này vẫn còn y cứ trên tâm sanh diệt mà tu. Song phần vọng tâm này không phải là thứ vọng tâm gây nghiệp để thọ khổ trong 6 đường mà là phần vọng tâm chịu sự chi phối của chân như. Luận đây gọi là trí thủy giác

A. Nghĩa VỌNG TÂM HUÂN TẬP có 2. Thế nào là 2?

VỌNG TÂM HUÂN TẬP tức vọng tâm làm năng huân. Vọng tâm huân này có 2 thứ. Một là Ý THỨC huân tập. Hai là Ý huân tập

1. Phân biệt sự thức huân tập : Phàm phuNhị thừa chán cái khổ sanh tử, tùy sức mình mà tu tập, từ từ hướng về đạo vô thượng.

PHÂN BIỆT SỰ THỨC chính là ý thức trên. CHÁN CÁI KHỔ SANH TỬ vì còn chấp ngoài tâm có cảnh giới. ĐẠO VÔ THƯỢNG là chỉ cho quả vị Phật. Phàm phuNhị thừa thấy cái khổ vô thườngthế gian mà tu quả giải thoát, không hề biết có thức Alaida. Đó là lý do hướng về đạo vô thượng chậm nên nói TỪ TỪ. Ngài Hiền Thủ nói “Thức này chẳng biết các trần chỉ do thức biến hiện nên chấp ngoài tâm thật có cảnh giới. Phàm phuNhị thừa tuy có phát tâm hướng đến giải thoát, mà còn tính có sanh tử đáng chán, niết bàn đáng vui, chẳng rõ đạo lý duy tâm, vẫn còn lực tác ý, phải lâu xa về sau mới hoàn đắc được bồ đề, nên nói ‘Tùy sức tu tập, từ từ hướng về đạo vô thượng’”.

2. Ý huân tập : Chư vị Bồ tát phát tâm dũng mãnh, chóng đạt niết bàn

Ý đây bao gồm 5 thứ là nghiệp thức, chuyển thức, hiện thức, trí thứctương tục thức. Vì chư Bồ tát biết thân, tâm và cảnh giới chung quanh đều là duy tâm sở hiện. Sanh tử hay niết bàn chỉ do phân biệt mà ra : Vì có ta có người, có thân có sơ, có yêu có ghét v.v… mà khổ đau và hạnh phúc tràn đầy, 6 đường trói buộc, thế gian mới thành sanh tử đáng chán, rồi tìm cầu niết bàn để ra. Một khi phân biệt đã buông thì thân sơ không khác, yêu ghét không còn, sanh tử không khác niết bàn ... Vì thế, chư vị tập trung xả bỏ sự phân biệt đối với ngoại cảnh. Căn cứ theo 9 tướng bất giác thì chỗ hành ở địa vị này là phá thẳng vào phần Trí Tướng, là tướng đầu trong 6 thô. Trí tướng đã phá thì sự tương tục của dòng vọng niệm cũng hết, tâm chấp thủ ngoại cảnh chẳng còn.

Chỉ cần một động tác BUÔNG mà ngay sanh tửniết bàn, nên nói CHÓNG ĐẠT NIẾT BÀN. Xét về quá trình ngược dòng của 9 tướng bất giác thì chỗ hành của chư vị cũng gần với quả vị Phật hơn phàm phuNhị thừa, nên nói là CHÓNG. Tu thẳng pháp môn bất nhị đây, nếu không phải là người đầy đủ thiện căn đời trước, niềm tiný chí không vững thì không dám hành, nên nói PHÁT TÂM DŨNG MÃNH.

Theo cách phân đây thì thấy, gọi phàm phu, Nhị thừa hay Bồ tátcăn cứ vào hướng phát tâm, chỗ hành trì cũng như phần lý mà hành giả nhận được. Ngược lại, muốn biết chỗ hành trì của mình thuộc Ý HUÂN TẬP hay Ý THỨC HUÂN TẬP cũng căn cứ vào hướng phát tâm, chỗ hành trì và phần lý nhận được mà biết. Nếu phát tâm tu Phật, tin vào lý duy tâm, tất cả mọi phân biệt, niệm thiện, niệm ác gì cũng buông thì công phu của mình thuộc phần Ý HUÂN TẬP. Còn tu hành chỉ để có một cuộc sống ở tương lai sung sướng hơn, hoặc tu để nhập niết bàn mà thoát cái khổ ở thế gian … Nói chung, chưa thấu đượïc lý duy tâm hoặc có hiểu mà việc tu hành còn đặt nặng trong sự phân biệt thiện ác mang tính đối trị thì công phu ấy thuộc Ý THỨC HUÂN TẬP

B. Nghĩa CHÂN NHƯ HUÂN TẬP có 2. Thế nào là hai?

Đây là chân như làm năng huân. Chân như huân có 2 loại. Một là tự thể huân tập. Hai là dụng huân tập. TỰ THỂ HUÂN TẬP là nói về cái dụng của tự tánh. Dụng này mọi loài hữu tình đều sẵn đủ. DỤNG HUÂN TẬP là nói về cái dụng của chân như. Không phải tự tánh khác chân như mà lập ra 2 cái dụng khác nhau. Tự tánh không khác chân như nhưng phân dụng tự tánh hay dụng chân như vì dụng chân như này chỉ có khi hành giả đã trực chứng lại được pháp thân, tức đã qua quá trình sàng lọc ô nhiễm. Nó thuộc về dụng làm lợi ích cho tha nhân. Tùy mức độ địa mà dụng này nhiều hay ít. Địa càng cao thì dụng càng khắp.

1. Tướng tự thể huân tập : Từ vô thủy đến nay, đầy đủ pháp vô lậu, có đủ nghiệp chẳng thể nghĩ bàn làm tánh cảnh giới. Y nơi 2 nghĩa ấy thường hằng huân tập. Bởi có lực này nên hay khiến chúng sanh chán cái khổ sanh tử, thích cầu niết bàn, tự tin thân mình có pháp chân như, phát tâm tu hành. 

Đầy đủ PHÁP VÔ LẬUNGHIỆP DỤNG chẳng thể nghĩ bàn là 2 thứ mà tự thể sẵn đủ từ xưa đến nay, mê hay ngộ thì vẫn đó, chẳng qua là ẩn hay hiện mà thôi nên nói LÀM TÁNH CẢNH GIỚI. Việc này không phải là chỗ thức tâm đến đuợc nên nói CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN. 

VÔ THỦY là không có mờ mé ban đầu. Do 2 thứ này làm nhân ngầm huân tập bên trong mà chúng sanh mới có thể chán sanh tử khổ thích tìm cái vui niết bàn. Tin tâm mình là Phật, tin có pháp chân như và phát tâm tu hành đều do dụng của phần tự thể huân tập này. Đặc tính của dụng này là dù còn trong địa vị mê, nó vẫn có tác dụng đối với chúng sanh

Hỏi : Nếu nghĩa đúng như vậy thì tất cả chúng sanh đều có chân như, đều cùng huân tập, vì sao “có tin và không tin” trước sau vô lượng sai biệt? Đều nên đồng thời tự biết có pháp chân như, siêng tu phương tiện, cùng nhập niết bàn

Đây là nêu thắc mắc khi nghe sự phát biểu trên : Nếu mọi người đều có sự huân tập thường hằng của tự thể mà hay phát tâm tu hành vì sao hiện nay có người tin, có người không tin? TIN là chỉ cho những người tin tâm mình là Phật rồi phát tâm tu hành. KHÔNG TIN là chỉ cho những người có khi nhân quả cũng không biết, thấy người ăn chay thì nói ngu, thấy người giữ giới tu hành thì bữu môi khinh bỉ, thấy người ngồi xếp bằng quán tâm cho là làm chuyện ruồi bu … Đây đều thuộc dạng không tin.

Đó là về mặt tin và không tin. Còn về mặt tu hành thì vì sao cũng đồng có sự huân tập của tự thể vô lậu mà việc thành Phật lại không đồng, người trước kẻ sau đều sai khác? 

Đáp : Chân như vốn một mà có vô lượng vô biên vô minh – từ xưa đến naytự tánh sai biệt dày mỏng chẳng đồng. Vô lượng loại thượng phiền não nương vô minh khởi sai biệt. Phiền não ngã kiếnái nhiễm nương vô minh khởi sai biệt. Như vậy tất cả phiền não đều nương nơi vô minh mà khởi, trước sau vô lượng sai biệt. Duy chỉ có Như Lai hay biết mà thôi.

Đây là lời giải thích : Tuy chân như là đồng nhưng có sự sai khác là do mức độ vô minh trong mỗi người có khác nhau. “TỰ TÁNH sai biệt dày mỏng chẳng đồng” là muốn nói về tính chất của vô minh sai biệt chẳng đồng. Gồm 2 loại : THƯỢNG PHIỀN NÃO là chỉ cho sở tri chướng. PHIỀN NÃO ngã kiến và ái là chỉ cho phiền não chướng. Tính theo 6 nhiễm thì cái nhiễm tương ưng đầu thuộc phiền não, 5 cái nhiễm kế thuộc thượng phiền não. 2 thứ này gốc đều từ vô minh mà có nên nói NƯƠNG VÔ MINH MÀ KHỞI. 

Tất cả những thứ này chỉ có một mình Như Lai hay biết nên nói là DUY. HAY BIẾT là thấu được chỗ vô minh sản sanh ra vô lượng thượng phiền nãophiền nãochúng sanh.

Phần vô minh nói đây là yếu tố căn bản để hiểu vì sao cùng được sự huân ngầm của tự thể chân như bên trong mà chúng sanh lại có sự sai khác trong việc phát tâm cũng như tu hành. Yếu tố căn bản này kết hợp với nhân duyên của mỗi người mà càng có nhiều cái khác trên cái đồng đó. Phần sau sẽ nói rõ về nhân duyên ấy. 

Lại, pháp của chư Phật có nhân có duyên. Nhân duyên đầy đủ thì pháp mới được thành. Như tánh lửa trong cây là nhân chánh của lửa, nếu người không biết, chẳng mượn phương tiện mà cho là cây tự cháy thì không có chuyện này. Chúng sanh cũng vậy. Tuy có lực huân tập của chánh nhân, nếu chẳng gặp chư Phật, Bồ tát và các bậc thiện tri thức lấy đó làm duyên, mà có thể tự đoạn phiền não, nhập niết bàn thì không có việc ấy. Nếu, tuy có lực của ngoại duyên mà trong chưa có lực huân tập của tịnh pháp thì cũng chẳng đến mức có thể chán cái khổ sanh tử thích cầu niết bàn. Nếu nhân duyên đầy đủ. Nghĩa là, tự có cái lực huân tập, lại được cái nguyện từ bi của chư Phật và các vị Bồ tát hộ trì thì hay khởi cái tâm chán khổ, tin có niết bàn, tu tập thiện căn. Bởi tu thiện căn thành thục nên được gặp chư Phật và Bồ tát chỉ dạy mà lợi hỉ, mới có thể tiến thẳng đến đạo niết bàn

Duyên Khởi là thật lý chi phối thế gian. Vì thế, việc tu hành cũng không thể thoát khỏi cái lý ấy. DUYÊN KHỞI là, bất cứ pháp nào ở thế gian cũng phải đủ 2 phần là nhân và duyên mới thành tựu được. NHÂN là yếu tố chính, DUYÊN là các yếu tố phụ. Phụ và chính phải đủ, pháp mới thành hình. Như lửa muốn có thì yếu tố chính là nằm ở chất dễ cháy. Đây lấy chất dễ cháy là cây. Song chỉ có cây không thì không thể tìm thấy lửa, mà phải có các điều kiện khác như nhiệt độ cực nóng v.v… thì cây mới có thể tạo ra lửa. Các điều kiện ấy gọi là duyên.

Tương tự, dù mỗi người có đủ cái nhân huân tập bên trong là tự thể chân như, nhưng nếu không có cái duyên bên ngoài là thiện tri thức chỉ dạy. Hoặc có thiện tri thức bên ngoài, nhưng bên trong việc huân tập tịnh pháp chưa đủ … thì đều rơi vào trường hợp nhân duyên không đủ. Nhân duyên không đủ thì việc tu hành không thể thành tựu. Như Hòa thượng Trúc Lâm dạy thiền, thành lập các Chiếu từ năm 1975. Không phải mình không biết, nhưng bận làm ăn và nhiều thứ khác nữa nên biết thì biết mà tu thì không tu. Mười mấy năm sau hoặc đến bây giờ, gần hết một quãng đời lên voi xuống chó, cộng thêm kinh sách và băng giảng của Hòa thượng, mình mới nhận ra được sự bấp bênh giả tạo của danh lợi mà chịu phát tâm tu hành. Nhận ra được sự vô thường của danh lợi, biểu hiện cho sự huân tập của chánh nhân chân như. Song phải nhờ lực ngoại duyên là sự bấp bênh về tiền tài và danh lợi, cùng với duyên thiện tri thức là khơi lại tâm Bát Nhã sẵn đủ trong mỗi chúng sanh, mình mới có thể phát tâm chán thế gian cầu Phật đạo. Không có cái duyên bấp bênh về danh lợi thì chánh nhân dù có cũng không đủ mức làm mình chán và cầu. Chưa chán thì thiện tri thức có đó mà cũng như không. Chán rồi mà không gặp được thiện tri thức dạy cầu Phật đạo lại gặp các vị tu tiên, xuất hồn thì mình lại thành tiên ông hay xuất hồn tản mạn đâu đó, còn không thì nhảy cầu Bình Lợi chẳng hạn … Đó là nói về chủng nhân bên trong chưa được vững nên cần nhiều duyên bên ngoài. Còn người mà chủng nhân bên trong đã vững, như Lục Tổ chẳng hạn, thì không cần đến cái duyên bấp bênh như trên, nhưng cũng phải có cái duyên là nghe được kinh Kim Cang, gặp được Tổ Hoằng Nhẫn v.v… mới tu hành thành đạo được.

Bậc tri thức của người dù thuộc Phật giáo chăng nữa, cũng hằng hà sa số dạng : Vị có công phu chứng ngộ, vị thì chỉ toàn tri thức, vị thì danh lợi không thiếu chút gì, rồi Đại thừaTiểu thừa v.v... Gặp thiện tri thức rồi, việc huân tập tịnh pháp ở mỗi người cũng không giống nhau. Người khoẻ tu hành tốt hơn người ốm yếu thì lực huân tập tịnh pháp mạnh hơn. Song có khi người khỏe gặp duyên thuận lại không muốn thành Phật, chỉ tu tà tà cho qua ngày qua tháng, nên việc huân tập tịnh pháp trở thành yếu. Cứ vậy mà sự sai khác ngày càng nhiều ... Nên tuy cùng được chân như nội huânlòng tin, sự tu hành và kết quả làm Tổ thành Phật có sai khác. “Tu THIỆN CĂN thành thục được gặp chư Phật ...” là chỉ cho nhân duyên đầy đủ. LỢI HỈ là lợi íchhoan hỉ.

Sau nói về dụng của chân như

2. Dụng huân tập : Chính là lực ngoại duyên của chúng sanh. Như vậy, ngoại duyênvô lượng nghĩa. Lược nói có 2 thứ. Thế nào là 2? Một là duyên sai biệt. Hai là duyên bình đẳng.

Loại dụng này phải chứng pháp thân rồi mới có, dùng làm ngoại duyên giúp chúng sanh tu hành. Dụng này tùy vào căn nghiệp của chúng sanh hữu duyênứng hiện. Bởi tâm chúng sanhvô lượng sai biệt nên ngoại duyên cảm ứng cũng có vô lượng nghĩa. VÔ LƯỢNG NGHĨA là nhiều hình thái khác nhau đến nỗi không đếm xuể. Song sai biệt thế nào cũng không ngoài 2 thứ là bình đẳngsai biệt. Vì sao gọi là bình đẳngsai biệt, phần sau sẽ giải thích.

2a. Duyên sai biệt : Người ấy, trong khoảng thời gian từ khi mới phát tâm cầu đạo cho đến khi thành Phật, đều nương nơi chư Phật và các vị Bồ tát. Trong đó, hoặc thấy, hoặc niệm, hoặc làm quyến thuộc, cha mẹ, người thân, hoặc làm người giúp việc, hoặc làm bạn hữu, hoặc làm oan gia, hoặc khởi tứ nhiếp ... cho đến tất cả việc làm với vô lượng duyên hạnh. Bởi do lực huân tập đại bi phát khởi nên hay khiến chúng sanh tăng trưởng thiện căn, nếu thấy nếu nghe đều được lợi ích.

Khi một người phát tâm cầu Phật đạo là có sự hộ trì của chư Phật và chư vị Bồ tát. Việc hộ trì này được thể hiện bằng nhiều cách. HOẶC THẤY là thấy thân tướng của các ngài. HOẶC NIỆM là nhớ nghĩ đến công đức của các ngài. Nhờ cái thấy và nghĩ ấy mà tinh tấn tu hành. HOẶC LÀM quyến thuộc, cha mẹ, người thân v.v... là những cách khác mà chư vị Bồ tát dùng để trợ giúp người cầu đạo. Thuận hạnh như làm những người thương yêu, nghịch hạnh như làm kẻ oan gia … đều là tùy căn nghiệp của chúng sanhứng hiện. Như người phải dùng biện pháp cứng rắn là la rầy hay gặp khổ nạn mới chịu tu thì chiêu sách oan giala mắng được lập bày. Người mà sự la mắng chỉ khiến họ điên tiết, chỉ có sự chịu đựngtha thứ mới khiến họ hồi tâm thì hình ảnh nhân đức luôn tha thứ xuất hiện ... Tùy căn nghiệp của người tu mà ứng hiện thành đủ loại duyên với nhiều hình thức khác nhau, nên nói VÔ LƯỢNG DUYÊN HẠNH.

Theo đây thì thấy, tu hành không phải chỉ có thầy mới là bậc thiện tri thức của mình. Chồng, vợ, con cái, cha mẹ, người thân hay những chuyên gia chuyên làm mình điêu đứng khổ sở đều có thể là ứng thân của chư vị Bồ tát giúp mình phá trừ bản ngã, chóng được bất động. Hướng ra mà than thở, phiền trách ... là bé cái lầm! Đây mới thấy giá trị của câu nói ‘Phản quan tự kỷ bổn phận sự’ trong nhà thiền. Nghịch hay thuận chỉ nên quay về quán ở tâm mình. 

TỨ NHIẾP gồm 4 pháp là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Dùng 4 pháp này cũng với mục đích là tạo mọi thứ duyên hạnh để dẫn dắt chúng sanh về đạo vô thượng

Duyên ấy có 2 loại. Một là duyên gần nên chóng được độ. Hai là duyên xa nên lâu xa mới được độ. 2 duyên xa và gần này, phân biệt có 2 loại. Thế nào là 2? Một là duyên tăng trưởng hạnh, hai là duyên thọ đạo.

Duyên sai biệt này có 2 loại là xa và gần. Nói xa và gần là căn cứ vào thời gian được độ mà nói. Duyên xa và gần này lại có 2 loại là tăng trưởng hạnh và thọ đạo.

DUYÊN TĂNG TRƯỞNG HẠNH là nói về những duyên giúp người tu tăng trưởng thiện hạnh. DUYÊN THỌ ĐẠO là duyên giúp người tu thọ nhận hay nhập đạo

2b. Duyên bình đẳng : Tất cả chư Phật và Bồ tát đều nguyện độ thoát hết thảy chúng sanh, tự nhiên huân tập thường hằng chẳng bỏ. Bởi cùng lực trí thể nên tùy theo thấy nghe cảm ứng mà hiện làm các nghiệp. Nghĩa là, chúng sanh nương nơi tam muội đều bình đẳng được thấy chư Phật. 

BÌNH ĐẲNG là như nhau, không có sai khác. Chư Phật và Bồ tát đều có tâm bình đẳng độ thoát chúng sanh. Chư vị không có ý độ người này bỏ người kia như người đời khi làm việc thiện : Nghèo thì cho, giàu thì không, thương thì cho, ghét thì không. Tâm bình đẳng ấy được huân tập một cách thường hằng chẳng bỏ. Vì cái bình đẳng ấy mà tất cả chúng sanh bất kể là giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ v.v... một khi có được tam muội thì đều sẽ thấy được chư Phật. ĐƯỢC TAM MUỘI là muốn nói đến tâm thức đã được lóng lặng các loại phiền não kể trên. Như chỗ nào nước trong thì trăng liền hiện không có chọn lựa phân biệt. THẤY nói đây là muốn nói đến việc thể nhập cảnh giới Phật. 

Thể dụng huân tập ấy, phân biệt lại có 2. 

THỂ DỤNG HUÂN TẬP là nói về tướng thể huân tậpdụng huân tập. Đây đều thuộc về chân như huân. Thể dụng huân tập này phân làm 2 thứ là huân chưa tương ưng và huân đã tương ưng

Thế nào là 2?

 (1+2) a. Huân chưa tương ưng : Phàm phu, Nhị thừa và các vị Bồ tát sơ phát tâm do ý, ý thức huân tập, nương nơi tín lựctu hành, nên chưa được tâm vô phân biệt cùng thể tương ưng, chưa được nghiệp tu hành tự tại cùng dụng tương ưng.

HUÂN CHƯA TƯƠNG ƯNG là, tuy là huân tập tịnh pháp nhưng sự huân tập này chưa tương ưng được với chân như. Nói CHƯA TƯƠNG ƯNG vì sự huân tập này do ý và ý thức huân tập. Đây là phần thủy giác thô, tương đương với 2 tướng giác đầubất giác và tương tợ giác của phàm phu, Nhị thừaBồ tát mới phát tâm. Chưa chứng được nhân Phật tánh nên nói “Nương nơi TÍN LỰC mà tu hành”. Lúc này chưa phá được trí phân biệt khiến tâm chưa tương ưng được với trạng thái bình đẳng của chân như, nên nói “Chưa được TÂM VÔ PHÂN BIỆT cùng với thể tương ưng”. Mọi thứ vẫn còn trong vòng tác ý dụng công, nên nói “Chưa được nghiệp TU HÀNH TỰ TẠI cùng dụng tương ưng”.

Ngài Hám Sơn nói “Đây làm rõ, năng huânchân như thì thể và dụng bình đẳng mà sở huân là căn cơ thì có sai biệt. Phàm phu, Nhị thừa, Bồ tát sơ phát tâm chỉ y nơi ý thức huân tập, chỗ phát tâm cạn, chỉ nhờ tín lựctu hành, chưa thể thâm nhập chân như tam muội nên chưa được tâm vô phân biệt cùng thể tương ưng, chưa được trí nghiệp tự tại cùng dụng tương ưng. Sự sai biệt này có là tại căn cơ”.

(1+2) b. Huân đã tương ưng : Pháp thân Bồ tát được tâm vô phân biệt cùng với trí dụng của chư Phật tương ưng, chỉ nương nơi pháp lực, tự nhiên tu hành, huân tập chân như, diệt trừ vô minh

HUÂN ĐÃ TƯƠNG ƯNG là sự huân tập tịnh pháp lúc này đã tương ưng được với chân như. Đây thuộc phần thủy giác tế, tương đương với 2 tướng giác sau là tùy phần giáccứu cánh giác. PHÁP THÂN BỒ TÁT là chỉ cho Bồ tát thuộc hàng Thập Địa. Sơ Địa chứng được căn bản trí chân như nên bắt đầu tương ưng với chân thể chân như. Đến Bát Địa về sau được tương ưng luôn với dụng, nên nói “Được tâm vô phân biệt cùng với trí dụng của Phật tương ưng”. PHÁP LỰC là chỉ cho phần lực có được khi chứng nhân Phật tánh. Y cứ nhất niệm ấy mà tu nên nói “CHỈ NƯƠNG nơi pháp lực”. Từ Bát Địa trở đi, mọi hành tác đều thuộc vô công dụng hạnh nên nói TỰ NHIÊN TU HÀNH

Như vậy, TỰ THỂ chân như tuy vẫn âm thầm huân tập bên trong một cách thường hằng nhưng với phàm phu, Nhị thừaBồ tát sơ phát tâm thì cái huân ấy chưa tương ưng, bởi tác dụng của nó còn bị vô minh che phủ. Phải đến Sơ Địa trở đi, tuy chưa hoàn toàn nhưng tự thể chân như đã thật sự hiển lộ, nên từ đó trở đi mới gọi là tương ưng. Còn DỤNG HUÂN TẬP của chân như thì trong khoảng từ Sơ Địa đến Thất Địa không phải không có, nhưng phải đến Bát Địa mới gọi là tương ưnglúc ấy dụng này mới thật sự có tác dụng đúng mức của nó. 

Đến đây là xong phần nhiễm tịnh huân tập qua lại. Dưới là làm rõ nghĩa tận và bất tận của việc huân tập giữa nhiễm và tịnh. 

Lại nữa, nhiễm pháp từ vô thủy đến nay huân tập chẳng dứt, đến khi thành Phật sau mới đoạn dứt. Tịnh pháp huân tập thì không có đoạn, tận đến vị lai. Nghĩa ấy thế nào? Vì pháp chân như thường hằng huân tập. Vọng tâm tất diệt, pháp thân hiển hiện, khởi dụng huân tập nên không có đoạn. Lại, tướng tự thể chân như của tất cả phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, chư Phật không có tăng giảm, chẳng phải mé trước sanh chẳng phải mé sau diệt mà rốt ráo thường hằng. Từ xưa đến nay, tự tánh đầy đủ tất cả công đức.

Nhiễm pháp thì có đoạn dứt mà tịnh pháp thì không bao giờ đoạn vì chân như vốn không có bờ mé, thường hằng bất biến, nên sự huân tập của nó cũng không có bờ mé. Thấy đầu, thấy cuối, thấy sanh, thấy diệt là do vô minh mà thấy. Đến quả vị Phật thì vô minh diệt nên sanh diệt cũng diệt. Nói vô minh diệt là không còn lầm. Phân thành phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát hay Phật là theo phần nhiễm vô minh mà phân, không phải vì ở phàm phu chân như giảm còn ở Phật chân như tăng. Chân như tùy duyên mà có thân Phật, thân chúng sanh còn bản thân nó thì chưa từng tăng chưa từng giảm.

TỪ XƯA ĐẾN NAY là khi nào cũng vậy, tự tánh chân như luôn đầy đủ các công đức, chỉ vì vô minh che lấpphàm phu, Nhị thừaBồ tát không sử dụng được các công đức ấy. Sau là kể về nghĩa của công đức

Đó là :

Đại trí tuệ quang minh 
Chiếu khắp pháp giới
Chân thật hiểu biết 
Tự tánh thanh tịnh tâm 
Thường, lạc, ngã, tịnh 
Thanh lương, bất biến, tự tại 

Đây là nêu các công đứctự tánh chân như vốn đầy đủ. ĐẠI TRÍ TUỆ QUANG MINH là chỉ cho trí tuệ của Phật, nó thường được biểu trưng bằng con mắt thứ ba phát sáng giữa 2 chặng mày của đức Như Lai. Vì là quang minh nên nó CHIẾU KHẮP PHÁP GIỚI. Trí tuệ ấy thấu đạt được tất cả mọi cảnh giới đúng như chính chúng, nên nói CHÂN THẬT HIỂU BIẾT. Vì đã lìa hết hoặc nhiễm nên tâm được TỰ TÁNH THANH TỊNH. Vì tánh đức tròn đầy nên được THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH. Vì tánh đức không biến đổi nên THANH LƯƠNG, BẤT BIẾN, TỰ TẠI.

Như vậy có đầy đủ vô lượng Phật pháp chẳng lìa, chẳng đoạn, chẳng khác, chẳng thể nghĩ bàn, cho đến đầy đủ không thiếu một nghĩa nào, gọi là Như Lai Tạng, cũng gọi là pháp thân Như Lai.

Đây là phần tổng kết về công đức của pháp thân. Đầy đủ VÔ LƯỢNG PHẬT PHÁP là chỉ cho mọi loại công đức. Các thứ này không ngoài chân như mà có nên nói CHẲNG LÌA. Vô thủy tương tục nên nói CHẲNG ĐOẠN. Đồng vị với chân thể nên nói CHẲNG KHÁC. Chẳng thể dùng tri thức đây mà lường định nên nói CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN. 

Ngài Hiền Thủ nói “Nếu chân thể này không có tánh đức thì Như Lai chứng rồi, chẳng nên đầy đủ công đức. Còn chứng tánh rồi mà vạn đức tròn đủ thì biết chân như vốn đầy đủ vô lượng công đức. Nên nói ‘Đầy đủ không thiếu một nghĩa nào’. Khi ẩn thời có thể sản sanh ra Như Lai nên gọi là Như Lai Tạng. Khi hiển thời làm chỗ y chỉ cho vạn đức nên gọi là pháp thân”. 

Hỏi : Trên nói thể chân như bình đẳng, ly tất cả tướng, vì sao đây lại nói thể ấy có mọi thứ công đức? Đã nói chân như lìa ngôn không tướng vì sao đây lại nói có đầy đủ vô lượng Phật pháp chẳng lìa, chẳng đoạn, chẳng khác, chẳng thể nghĩ bàn, cho đến đầy đủ không thiếu một nghĩa nào?

Đáp : Tuy thật có các nghĩa công đức ấy nhưng không có tướng sai biệt, cùng đồng một vị chân như duy nhất. Nghĩa ấy thế nào? Bởi do không phân biệt, lìa tướng phân biệt, cho nên không hai. Lại do nghĩa gì mà nói sai biệt? Bởi y nơi tướng nghiệp thức sanh diệt mà nói.

Tuy có các nghĩa công đức ấy nhưng chúng đều đồng một vị chân như, không có tướng sai biệt. KHÔNG TƯỚNG SAI BIỆT vì không có năng phân biệt cùng sở phân biệt. Nói sai biệt đây là y nơi nghiệp thức sanh diệt mà nói, cũng như thấy sai biệt là y nơi nghiệp thức mà thấy sai biệt. Dưới là giải thích

Vì sao nói vậy? Bởi tất cả pháp vốn chỉ là tâm, thật không có niệm. Mà có vọng tâm, bất giác niệm khởi, thấy các cảnh giới, nên nói vô minh. Tâm tánh chẳng khởi tức là nghĩa đại trí tuệ quang minh. Nếu tâm khởi thấy thì có tướng chẳng thấy. Tâm tánh lìa thấy tức là nghĩa chiếu khắp pháp giới. Nếu tâm có động thì chẳng phải là sự hiểu biết chân thật, không có tự tánh, chẳng phải thường, chẳng phải lạc, chẳng phải ngã, chẳng phải tịnh, nhiệt não suy biến thì chẳng tự tại, cho đến có đủ vô lượng nghĩa vọng nhiễm. Đối lại với nghĩa ấy là tâm tánh bất động, thì có vô lượng các tướng công đức thanh tịnh thị hiện. Nếu tâm khởi, lại thấy các pháp được niệm hiện trước thì có chỗ “thiếu”. Như vậy vô lượng công đức tịnh pháp tức là nhất tâm, lại không có chỗ niệm, cho nên đầy đủ, gọi là pháp thân Như Lai Tạng.

VÌ SAO NÓI VẬY là để giải thích vì sao nói y nơi nghiệp thức mà nói sai biệt. Vì tâm vốn không niệm chỉ do bất giác vọng động mà sanh cái thấy cùng cảnh giới bị thấy, rồi y nơi trí phân biệt mà pháp pháp thành sai biệt. Nếu tâm tánh không khởi, tức không bị vô minh làm động chuyển thành nghiệp thức, thì chỉ là đại trí tuệ quang minh chiếu khắp, không có tướng sai biệt. Nói vô lượng các tướng là do đối lại với vô lượng vọng nhiễm mà nói. Nghĩa là, tâm không vọng động thì pháp pháp đều chân, không có tướng sai biệt, mọi thứ trí tuệ công đức đều hiển bày nên nói ĐẦY ĐỦ. Vô lượng tướng công đức ấy không lìa nhất tâm mà có, nên nói là TỨC. Nếu tâm vọng động thì tất cả công đức trí tuệ kia đều ẩn, mọi thứ trở thành hạn cuộc, có cái thấy được có cái không thấy được. Như cái thấy hiện nay của mình, bị ràng buộc trong các căn nên không thể thấu hết mọi thứ. Đó là nghĩa THIẾU.

Pháp thân với đầy đủ công đức thanh tịnh gọi là pháp thân Như Lai Tạng. 

Lại nữa, dụng chân nhưchư Phật Như Lai khi còn ở tại nhân địa, phát đại từ bi, tu các ba la mật nhiếp hóa chúng sanh, lập đại thệ nguyện muốn độ hết thảy chúng sanh trong các cõi, chẳng giới hạn kiếp số, đến cùng tận vị lai. Bởi vì coi hết thảy chúng sanh như thân mình mà chẳng nắm giữ tướng chúng sanh. Nghĩa ấy thế nào? Vì là, thật biết tất cả chúng sanh cùng với thân mình, chân như bình đẳng không có sai khác.

Đây nói về dụng của chân như. NHÂN ĐỊA là chỉ cho địa vị khi mới tu, là cái nhân để có cái quả là Phật quả nên gọi là nhân địa. Dụng này có là do khi mới phát tâm tu Bồ tát đạo - địa vị Tín Thành Tựu Phát Tâm dưới - đã phát 3 thứ tâm, trong đó có tâm muốn bạt tất cả khổ cho chúng sanh. Phát tâm xong, tu 4 thứ hạnh và chuyển sang giai đoạn Giải Hạnh Phát Tâm. Từ đó trở đi, tùy thuận tu 6 độ ba la mật mới đủ năng lực thực hành hạnh nguyện đã phát này, nên nói “TU CÁC BA LA MẬT nhiếp hóa chúng sanh”. Vì sao phải tu các ba la mật? Vì không tu 6 ba la mật thì ngã tướng không hết. Không hàng phục được ngã thì nhiếp chính thân mình còn khó, huống là nhiếp người khác với thời gian vô tận

Lập đại thệ nguyện muốn độ hết chúng sanh trong các cõi, chẳng giới hạn kiếp số, cùng tận đến vị lai là nhờ TRÍ và BI đã hiển, nên nói “Vì coi hết thảy chúng sanh như thân mình mà chẳng nắm giữ tướng chúng sanh”. “CHẲNG NẮM GIỮ tướng chúng sanh” là không dính mắc vào tướng thân tâm của chúng sanh mà mình đang nhiếp hóa. Không dính mắc vì nhận ra được mặt huyễn tướng của vạn pháp. Tuy mọi thứ là như huyễn nhưng khi đang mê thì khổ đau không như huyễn, nên vì chúng sanh đang mê mà phát bi nguyện độ hết tất cả. COI CHÚNG SANH NHƯ THÂN MÌNH vì như thật biết “Chúng sanh cùng với thân mình, chân như bình đẳng không có sai khác”.

Vì có trí đại phương tiện như vậy, trừ diệt vô minh, thấy pháp thân mình, tự nhiên có mọi thứ dụng của Bất tư nghì nghiệp, liền cùng chân như đồng khắp tất cả chỗ. Lại cũng không có tướng dụng có thể được.

TRÍ ĐẠI PHƯƠNG TIỆN, là những gì đã thực hành khi còn ở nhân địa. Do những phương tiện ấy mà trừ diệt được vô minh. Vô minh hết thì pháp thân hiển bày. Đây là cái quả tự lợi. Pháp thân hiển bày thì đối cơ ứng duyên hiện mọi thứ báo hóa thân, lợi ích khắp tất cả, nên nói “Tự nhiên có mọi thứ dụng của Bất tư nghì nghiệp”. BẤT TƯ NGHÌ NGHIỆP nói đây là chỉ cho ‘Bất tư nghì nghiệp tướng’ ở phần Tâm Chân Như. Dụng này do vô tâm mà ra, không do tác ý mà thành, nên nói “Không có tướng dụng có thể được”. Đây là nói về cái quả của lợi tha

Vì sao? Vì chư Phật Như Lai chỉ là thân trí tướng pháp thân đệ nhất nghĩa đế, không có cảnh giới thế đế, lìa hành tác, chỉ tùy theo sự thấy nghe của chúng sanh khiến họ được lợi ích, nên nói là dụng.

VÌ SAO là để giải thích câu “Không có tướng dụng có thể được”. Vì thật tướng của chư Như Lai chỉ là chân trí quang minh, chiếu khắp v.v… không có tướng thân tâm như ta thấy thân tướng Phật Thích Ca Mâu Ni. Thân đó chỉ là hóa thân cảm ứng theo tâm chúng sanh mà hiện. Thân Như Lai thật sự thì không có hình tướng, nên nói “THÂN TRÍ TƯỚNG pháp thân đệ nhất nghĩa đế, không có cảnh giới thế đế”. THẾ ĐẾ còn gọi là tục đế, là chỉ cho những gì thuộc về thế gian. ĐỆ NHẤT NGHĨA ĐẾ còn gọi là chân đế, là chỉ cho chân lý thâm diệu như thật tướng, chân như v.v...

Không tướng, không thân, song có cảm liền ứng, khiến chúng sanh được muôn vàn lợi ích nên gọi là DỤNG. Dụng này không do tác ý mà thành nên nói LÌA HÀNH TÁC. 

Dụng ấy như thế nào sẽ được làm rõ ở phần sau. 

Dụng ấy có 2, thế nào là 2?

Dụng này có 2. Một là cảnh giới do tâm phàm phuNhị thừa cảm mà ứng ra. Hai là cảnh giới do hàng Bồ tát cảm mà ứng ra. SỞ KIẾN là chỉ cho cảnh giới ấy. Nó là đối tượng của tâm Năng Kiến. Để nguyên từ sở kiến không dịch là để nhớ, cảnh giới ấy không lìa tâm mà có. Tuy nói dụng của chư Phật, song chân tâm của chúng ta cùng với thể tánh của chư Phật bình đẳng không hai. Cho nên, Phật thânứng hóa thân hay báo thân đều không lìa tâm này mà có, chỉ tùy sự huân tập của ý thức hay nghiệp thức mà trên dụng thấy có sai biệt

1. Sở kiến của tâm phàm phuNhị thừa, là y nơi phân biệt sự thức, gọi là ứng thân. Vì chẳng biết là chuyển thức hiện, thấy từ ngoài đến, nhận lấy phần tề của sắc, nên chẳng thể biết hết.

“SỞ KIẾN của phàm phu và Nhị thừa” là chỉ cho phần Phật thânphàm phuNhị thừa thấy được. PHÂN BIỆT SỰ THỨC là chỉ cho ý thức. Song phần ý thức này là phần ý thức ngược dòng hoàn tịnh, là phần thô của trí thủy giác. Nhị thừa không biết có thức Alaida, chưa thấu đạt lý duy tâm, thấy ngoài tâm có pháp là nghĩa của ‘phân biệt sự thức’, nên nói “Y NƠI phân biệt sự thức”. Cảnh giới Phật thân chỉ là sở kiến của tướng Năng Kiến, tùy nhiễm tịnh mà có sai biệt. Song phàm phuNhị thừa chỉ mới biết có ý thức, nên nói “VÌ CHẲNG BIẾT là chuyển thức hiện, thấy từ ngoài đến”. THẤY TỪ NGOÀI ĐẾN như thấy thân Phật với 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp mà không biết là duy tâm sở hiện.

PHẦN TỀ CỦA SẮC là chỉ cho sắc với từng phần, từng đoạn, có giới hạnphân chia rõ ràng như hiện trạng ta đang thấy hiện nay. “NHẬN LẤY phần tề của sắc” tức chấp những sắc chất ấy là thật. Thấy vạn pháp thật là cái thấy bị vô minh chi phối, không phải là đại trí tuệ quang minh chiếu khắp pháp giới nên KHÔNG THỂ BIẾT HẾT. 

2. Sở kiến của tâm Bồ tát từ sơ phát tâm đến cứu cánh địa, y nơi nghiệp thức, gọi là báo thân. Thân có vô lượng sắc, sắc có vô lượng tướng, tướng có vô lượng tướng tốt. Chỗ trụ y nơi quả cũng có vô lượng. Mọi thứ trang nghiêm, tùy chỗ mà thị hiện, không có bờ mé, chẳng thể cùng tận, lìa tướng phần tề, tùy chỗ cảm ứng, thường hay trụ trì, chẳng hủy, chẳng mất. Các công đức như thế, đều nhơn nơi các hạnh vô lậu ba la mật huân tập và sự huân tập chẳng thể nghĩ bàn mà được thành tựu, đầy đủ vô lượng tướng lạc nên nói là báo thân.

Vì chịu sự huân của nghiệp thức nên sở kiến của tâm Bồ tát từ khi mới phát tâm cho đến địa vị tận cùng không gọi là ứng thân mà gọi là báo thân. Bồ tát từ địa vị Tín Thành Tựu Phát Tâm đã được học hiểu về nghĩa duy tâm sở hiện, nên nói Y NGHIỆP THỨC. Dưới là nói về báo thân.

“THÂN CÓ VÔ LƯỢNG SẮC, sắc có vô lượng …” ngài Hám Sơn nói “Đây là Hoa Nghiêm Lô Xá Na Phật, thân tự độ tha không chướng không ngại, đẳng đồng pháp giới nên lìa phân ranh, chỉ là một báo cảnh chân thật”. CHỖ TRỤ Y NƠI QUẢ là chỉ cho phần y báo. Chánh báo là nhân để có cái quả là y báo nên nói chỗ trụ y nơi quả. Chánh và y báo đó là do tu tập các ba la mật như bố thí, trì giới v.v… mà có, nên nói “NHƠN NƠI CÁC HẠNH vô lậu ba la mật huân tập”. Khi thực hành sự tu tập thường hằng không bỏ ấy là ta đang nương lực chân như huân tập lại vọng tâm, khiến vô minh diệt, pháp thân hiển bày, nên nói “Nhơn NƠI SỰ HUÂN TẬP chẳng thể nghĩ bàn mà được thành tựu”. 

Dưới là nói về sở kiến Phật thân của mỗi hạng vị.

Lại sở kiến của phàm phu là sắc thô, tùy theo 6 đường mà có cái thấy chẳng đồng, mọi loài khác nhau, chẳng phải là tướng thọ lạc nên nói là ứng thân.

Sắc thô là chỉ cho sắc có phần đoạn như hiện nay. “TÙY THEO 6 ĐƯỜNG mà có cái thấy chẳng đồng, mọi loài đều khác” là tùy theo tập nghiệp của từng loài mà thấy thân Phật có khác nhau. Ngài Hiền Thủ nói chúng sanh ở 3 cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh thấy thân Phật là thân đen dài 3 thước to như chân voi, cõi Trời thì thấy Phật là thần cây hay thiên thần … Tất cả đều chẳng phải là tướng xuất thế nên CHẲNG PHẢI LÀ TƯỚNG THỌ LẠC. Còn Nhị thừa thì thấy Phật là bậc thánh A La Hán xuất thế

Lại nữa, sở kiến của các bậc Bồ tát sơ phát tâm là do tin sâu pháp chân như nên hiểu được ít phần. Biết sắc tướng và các sự trang nghiêm này không đến không đi, lìa hẳn phần tề, chỉ y tâm hiện, chẳng lìa chân như, nhưng các vị Bồ tát ấy còn tự phân biệt, bởi chưa nhập được vị pháp thân.

Sở kiến của Bồ tát thì khác với phàm phuNhị thừa. Phàm phuNhị thừa vẫn cho thân tâmcảnh giới quanh mình là thật. Bồ tát dù là sơ phát tâm, tuy chưa thấu đạt vạn pháp vô ngã nhưng đã BIẾT vạn pháp duy thức nên nói “BIẾT SẮC TƯỚNG và các sự trang nghiêm …”. Cái BIẾT này tuy còn trong giới hạn của sự học hỏilòng tin, nhưng nó là kim chỉ nam cho việc tu tập cũng như cách hành xử của hàng Bồ tát này. 

BỒ TÁT SƠ PHÁT TÂM nói đây là chỉ cho những vị chưa chứng được chân như. Tức bao gồm 2 hạng Tín Thành TựuGiải Hạnh nói trong phần Tướng Đạo Phát Tâm sau. Song nói TIN SÂU, thì biết đây đặt nặng ở hạng Giải Hạnh. Hạng này, về LÝ thì đã được thâm hiểu rõ ràng lý chân như, về SỰ thì đã giác vào tướng dị, đã được ‘tương tợ giác’.

CÒN TỰ PHÂN BIỆT là muốn nói : LÝ thì biết như vậy nhưng trên SỰ thì chưa được hoàn toàn như LÝ, phải dụng công tu tập và dùng pháp đối trị nhiều. Theo kinh và luận đây thì phải đến địa vị Bát Địa trở về sau SỰ và LÝ mới viên dung. Đây là chỗ tâm chứng của chư Tổ. 

Nếu đạt được tâm thanh tịnh thì sở kiến vi diệu, dụng của nó trở nên thù thắng, cho đến Bồ tát địa tận thấy được cứu cánh. Nếu lìa nghiệp thức thì không Kiến Tướng. Vì pháp thân của chư Phật không có sắc tướng đây kia đắp đổi qua lại cùng thấy.

Đây là nói về phần sở kiến tế của hàng Bồ tát Thập Địa. Không phải là ứng hóa thân với sắc thô như của phàm phuNhị thừa, nên nói “Dụng của nó TRỞ NÊN THÙ THẮNG”. Tâm càng thanh tịnh thì sở kiến càng vi diệu, tức không cần đến sự dụng công mà tâm càng KHÔNG bao nhiêu thì báo thân càng vi diệu bấy nhiêu. THẤY ĐƯỢC CỨU CÁNH là thấy được chỗ rốt ráo sanh ra thức tâm. KIẾN TƯỚNG, để nguyên âm Hán như vậy vì có nhiều nghĩa : Người cho nó là Năng Kiến Tướng. Người cho nó là KIẾN và TƯỚNG. Kiến là chỉ cho cái thấy. Tướng là chỉ cho cái bị thấy. Nếu Việt dịch thì thành TƯỚNG THẤY. Do trong bộ luận, không thấy dùng từ TƯỚNG để chỉ cho cái bị thấy mà chỉ thấy dùng từ Cảnh Giới Tướng. Nếu Việt dịch thì nó cũng chỉ cho tướng Năng Kiến. Nên đây chọn nghĩa của kiến tướngNĂNG KIẾN TƯỚNG. Song dù dùng theo cách nào thì ý cũng như nhau. Vì một khi năng kiến xuất hiện thì sở kiến cũng xuất hiện, chỉ là thô hay tế mà thôi. 

LÌA NGHIỆP THỨC là chỉ cho cảnh giới của người tu khi đạt được cội nguồn chân thật, là thể nhập thể tánh của vạn pháp. Lúc ấy không có năng thấy sở thấy, nói chính xác là không còn năng biết sở biết. Không năng biết nhưng không gì chẳng biết. Vì không năng biết mà không biết gì hết là đang ngủ gục hay rơi vào hang ổ của vô minh.

“Pháp thân của chư Phật KHÔNG CÓ SẮC TƯỚNG đây kia đắp đổi qua lại cùng thấy” là muốn hiển bày, pháp thân không phải là đối tượng của cái thấy cũng như sự nhận biết. Đó là do đã lìa nghiệp thức nên không có Kiến Tướng cùng Cảnh Giới Tướng. Vì thế kinh Lăng Nghiêm nói “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến”. Khi thấy tánh thì cái thấy ấy không có thấy. Ngài Hám Sơn nói “Chân thể pháp thân là nhất tâm chân nguyên, chẳng thuộc mê ngộ, chẳng mượn duyên sanh. Chính cái thiên chân này là chánh nhân Phật tánh, nên ý tóm kết đây là chuẩn mực để hiểu về chỗ rốt ráo vậy”. Nghĩa là, muốn biết mình đã thấy được chỗ rốt ráo chưa thì cứ lấy đoạn kết này làm tiêu chuẩn. Nếu chưa thì tiếp tục công phu đến khi nào thâm nhập được những điều luận đã nói đây mà tâm không còn chút nghi ngờ

SƠ ĐỊA tuy cũng chứng pháp thân nhưng chỉ mới chứng được cái thể, gọi là nhân Phật tánh. Luận đây gọi là ‘không’, chỗ khác nói ‘tánh không’. Còn ở quả vị Phật thì nhân đã tròn đầy nên thể, tướng và dụng đầy đủ. Luận đây gọi là ‘không, bất không’, chỗ khác nói ‘Chơn không diệu hữu’. Đây là cảnh giới sự sự vô ngại của thế giới Hoa Nghiêm. Trên mặt lý thì TÁNH KHÔNG hay CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU không khác, song khác tên là do một bên chỉ nói đến thể, một bên đã đủ thể - tướng - dụng. Cái khác này là do sự gọt giũa vô minh có cạn sâu, không phải tự chân như có sai khác. Như phần trên nói về dụng của tự tánh và dụng của chân như vậy. Song dù chỉ mới là thể hay đầy đủ cả thể - tướng - dụng thì tất cả đều không thuộc cái thấy năng sở của ta hiện nay.

Cho nên, ngồi thiền mà còn thấy đủ thứ thì chưa dính gì đến việc thấy tánh, huống chỉ mới tin tâm là Phật. Song thấy tánh rồi thì sao? Cũng phải tu 2 a tăng kỳ nữa mới thành Chánh đẳng chánh giác. Cũng phải giác 5 tướng Tương Tục, Trí Tướng, Cảnh Giới, Năng Kiến và Nghiệp Tướng mòn con mắt đến khi chúng hiện nguyên hình là vọng mới thôi. Không phải kiến tánh là xong. Hòa thượng Trúc Lâm nói KIẾN TÁNH KHỞI TU. Nó có thể áp dụng cho người mới tin mà tu, lúc ấy tu là có tu. Cũng có thể áp dụng cho người đã thật kiến tánh mà tu, thì tu mà không tu, nhưng không hẳn là không tu. Đến khi vọng tưởng đều dứt, huyễn cảnh thật sự hiển bày, lúc ấy mới thật là tu mà không tu. 

Hỏi : Nếu pháp thân của chư Phật lìa sắc tướng, vì sao hay hiện sắc tướng? Hỏi để hiểu vì sao pháp thân lìa sắc tướng mà có thể hiện sắc tướng?

Đáp : Pháp thân ấy chính là thể của sắc nên hay hiện sắc. Nghĩa là, từ xưa đến nay, sắc và tâm chẳng phải hai. Bởi sắc tánh chính là trí nên thể của sắc không hình, gọi là trí thân. Bởi trí tánh tức là sắc nên gọi là pháp thân khắp giáp tất cả chỗ. Sắc sở hiện ấy không có phần tề, tùy tâm hay hiện mười phương thế giới, vô lượng Bồ tát, vô lượng báo thân, vô lượng trang nghiêm, mỗi mỗi sai biệt, đều không có phần tề mà chẳng ngăn ngại lẫn nhau. Đó chẳng phải là chỗ thức tâm phân biệt có thể biết, vì nó là dụng của chân như tự tại.

Pháp thân Như Lai có 2 thứ : LÝ PHÁP THÂN là chỉ cho tánh thể tịnh sáng mà chúng sanh và Phật đồng, xưa nay ly niệm, khắp giáp tất cả chỗ. TRÍ PHÁP THÂN là trí rốt ráo của thủy giác khế hợp hoàn toàn với lý bản giác. Ngài Hàm Thị nói “Mê lý pháp thì thành vọng giác, theo nhân duyên vọng giác ấy mà có 12 loại thân trong 3 cõi. Ngộ lý pháp thì chuyển vọng giác làm thủy giác. Thủy giác hợp nhất với bản giác thành căn bản trí. Do sức căn bản trí vô tác này cảm phát bi nguyện mà báo và hóa thân thành tựu”. Đây là LÝ và TRÍ dung nhau. Sắc và tâm chẳng phải hai. SẮC nói đây là chỉ cho sắc thân Phật, tức là báo và hóa thân.

BÁO THÂN có 2 thứ : TỰ THỌ DỤNG THÂNviên mãn báo thân, do chư Phật trải qua vô số kiếp tu tập thiện căn mà cảm nên, khắp giáp cả pháp giới, thân và cõi chẳng lìa nhau, gọi là thật báo trang nghiêm độ. Thân này chư vị Bồ tát chỉ được nghe tên chứ không thể thấy. THA THỌ DỤNG THÂN là thân do cảm với từng căn cơ của chúng sanhứng hiện. Đây là do chư Phật muốn chư vị Bồ tát thọ đại pháp lạc, tiến tu thắng hạnhtùy nghi ứng hiện

Các thứ sai biệt của báo thân gọi là hóa thân. HÓA THÂN có 3 thứ : ĐẠI HÓA là chỉ cho thân Lô Xá Na ngàn trượng, hoặc hiện vi trần vô số tướng tốt... gia bị cho Bồ tát Đại thừa. TIỂU HÓA là chỉ cho thân vàng một trượng sáu với 32 tướng tốt... ứng cho Tiểu thừa, trời và người. TÙY LOẠI HÓA là tùy loài mà hóa hiện như voi lớn, anh võ, vượn, nai, Chuyển luân thánh vương... Báo và hóa này đều nhiếp thuộc sắc thân, từ trí pháp thân mà được. Trí pháp thân, luận đây gọi là TRÍ THÂN

SẮC là từ TRÍ THÂN mà hiện. Song TRÍ THÂN tức là PHÁP THÂN. Vậy PHÁP THÂN chính là tánh thể của SẮC, nên nói “Pháp thân ấy chính là thể của sắc nên hay hiện sắc. Bởi sắc tánh chính là trí nên thể của sắc không hình, gọi là trí thân”. 

SẮC và TRÍ vốn không hai, nên nói “Bởi SẮC TÁNH chính là TRÍ nên thể của sắc không hình. Bởi TRÍ TÁNH tức là SẮC nên gọi là pháp thân khắp giáp tất cả chỗ”. SẮC là thứ được hiện từ TRÍ nên gọi là SẮC SỞ HIỆN.

PHẦN TỀ là có hạn định, phân ranh, không toàn nhất. Chúng là những thứ được thấy bởi nghiệp thức phân biệt. Pháp thân thì lìa nghiệp thức, chỉ là một thể toàn nhất, không có bờ mé, nên sắc sở hiện của nó không có bờ mé cũng không phân ranh. Vì vậy nói “Sắc sở hiện ấy không có phần tề”. TÙY TÂMtùy theo căn cơ của chúng sanhứng hiện. Có cảm liền ứng không chướng ngại, khắp giáp tất cả chỗ nên nói HIỆN MƯỜI PHƯƠNG THẾ GIỚI

“VÔ LƯỢNG BỒ TÁT ... mà chẳng ngăn ngại lẫn nhau” là nói về cảnh giới sự sự vô ngại của thế giới Hoa Nghiêm. Ngài Hám Sơn nói “Sở dĩ trong biển Hoa Nghiêm, các độ duyên khởi trùng trùng vô tận, mỗi mỗi giao kết với nhau là do lý sự vô ngại nên được sự sự vô ngại. Đây chẳng phải là chỗ biết của thức tâm. Đều là đại dụng của chân như tự tại”. THỨC TÂM là chỉ cho tâm thức hiện tại mình đang dùng nó để quan sát mọi sự mọi vật đây. Bởi nó bị chi phối bởi thức phân biệt nên mọi thứ trở thành có phân ranh, ngăn ngại. DỤNG CỦA CHÂN NHƯ là chỉ cho báo hóa thân Phật. 

Phần Hiển Thị Chánh Nghĩa được phân làm 2 là Tâm Chân Như và Tâm Sanh Diệt, là muốn hiển bày từ nhất tâm chân như khởi thành 2 môn phân biệt, động và tịnh chẳng phải một. Sau là hiển động và tịnh chẳng phải hai. Nhờ cái không hai này mà chúng sanh mới có thể thành Phật

Lại nữa, hiển thị từ môn sanh diệt ngay đó mà nhập môn chân như. Nghĩa là, truy tìm 5 ấm, sắc và tâm cùng cảnh giới 6 trần rốt ráo đều vô niệm. Vì tâm không hình tướng, tìm khắp mười phương chẳng thể được. Như người mê nên lầm đông là tây mà phương hướng thật chẳng dời đổi. Chúng sanh cũng vậy. Bởi vô minh mà lầm nên cho tâm là niệm. Tâm thật chẳng động. Nếu hay quán xét biết tâm vô niệm thì được tùy thuận vào môn chân như.

HIỂN THỊ là nêu bày. “Từ môn sanh diệt NGAY ĐÓ MÀ NHẬP môn chân như” là ngay nơi tâm sanh diệt đây mà về lại cái không sanh diệt. Về bằng cách nào? Nhận ra đúng bản chất của tâm sanh diệt tức là đang tùy thuận với tâm không sanh diệt.

SẮC là chỉ cho sắc ấm. TÂM chỉ cho thọ, tưởng, hành. thức ấm. “TRUY TÌM 5 ấm, sắc và tâm cùng cảnh giới 6 trần rốt ráo đều vô niệm” là quán tận đến cội nguồn của sắc tâm cùng cảnh giới 6 trần thì thấy tất cả đều vô niệm. Vốn vô niệm nhưng do bất giác vọng động mà thành sắc tâm cùng cảnh giới 6 trần, niệm niệm tương tục. Lại nhận cái sắc ấy làm thân, nhận cái tâm niệm niệm tương tục ấy làm tâm mà quên mất cội nguồn vô niệm. Luận đây dùng ví dụ “NHƯ NGƯỜI MÊ lầm đông là tây mà phương hướng thật chẳng đổi” để ta hình dung về cái lầm đó của mình. NHƯ NGƯỜI MÊ là chỉ cho người không tỉnh, hay lầm lẫn. Do lầm lẫn nên dù đang đứng ở phương đông nhưng vẫn cho là phương tây. Nói tây là do lầm mà nói chứ phương đông vẫn là phương đông chẳng hề thay đổi. Đang trong tâm vô niệm nhưng do lầm nên không nhận tâm vô niệm ấy mà chỉ nhận những tơ tưởng, suy nghĩ, vui, buồn là tâm mình, rồi nhận cảnh giới hư vọng bên ngoài là thế giới của mình. Song nhận đó là tự mình nhận chứ không phải tâm và cảnh vốn như vậy. Tâm và cảnh vốn vô niệm. Chỉ vì nhận những thứ hư vọng là mình nên sự hư vọng mới nối tiếp mà che mờ cái không hư vọng. Ý là, dù trong cảnh giới nào, chúng ta vẫn không hề rời cái chân thật, chỉ cần ngay nơi cảnh giới ấy mà quán thấy tướng hư vọng của nó là mình đang trở về cái chân thật của mình.

Do vô minh mới lầm niệm là tâm, nên nói “BỞI VÔ MINH mà lầm, nên cho tâm là niệm”. TÂM THẬT CHẲNG ĐỘNG là nói về thực chất cái gọi là tâm. Nếu thật là tâm mình thì nó không động, không có tướng sanh diệt. Thứ gì là sanh diệt vọng động thì thứ ấy không phải tâm chân thật của mình. 

“NẾU HAY QUÁN XÉT biết tâm vô niệm” là phương cách tu tập để nhập môn chân như. HAY là thường hằng. QUÁN XÉT biết tâm vô niệm là quán tất cả những niệm tưởng hiện lên trong tâm đều không có thật thể. Như Hòa thượng Trúc Lâm dạy “Biết tất cả là vọng”. Biết là vọng thì không để những thứ ấy dẫn thành hành động mà tạo nghiệp thọ khổ, nên nói BIẾT VỌNG KHÔNG THEO. Biết được vậy là mình đang tùy thuận để nhập môn chân như. Được vô niệmnhập môn chân như.

Ngài Hám Sơn nói “5 ấm của chúng sanh đều nhơn nơi nhất niệm mà có. Nay bất tất phải so đo chúng sanh là chân hay là giả? Chỉ cần quán chỗ khởi của nhất niệm vốn tự vô niệm. Vô niệm tức vô sanh. Vô sanh thì chúng sanh vốn không, lại hỏi có sắc tâm cùng các pháp ư? Sở dĩ dạy quán thẳng vô niệm là vì quán vô niệmđốn ngộ ngay môn chân như vậy. Một cái thuật quán vô niệm này là yếu chỉ tu hành bí truyền của Phật Tổ. Nên Tổ Đạt Ma từ Tây sang dạy Nhị Tổ ‘Đem tâm ra ta an cho!’. Nhị Tổ trả lời ‘Con tìm tâm chẳng thể được”. Lục Tổ cũng nói “Xưa nay không một vật’. Các Tổ về sau không gì là không chỉ rõ cảnh giới ly niệm. Nên nay tham thiền, chẳng biết ý chỉ vô niệm, lại khởi mọi thứ tư lương huyền diệu, há là ý của Tổ sư từ Tây sang ư? Chẳng phải chỉ có một luận này mà ngay cả toàn bộ Đại Tạng 1700 tắc cũng đều qui về một câu vô niệm. Học giả nên ghi nhớ điều này”.

Phần Hiển Thị Chánh Nghĩa đã xong. Sau là phần Đối Trị Tà Chấp, là phần thứ 2 của chương Giải Thích.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 16858)
Luận Văn Tổng Quát Về Đại Thừa do HT. Thích Trí Quang dịch giải
(Xem: 11894)
Nguyên tánh chân nhưlặng lẽsáng suốt không có gì gọi là chúng sanh (ngã), vũ trụ (pháp)...
(Xem: 56038)
Mông Sơn Thí Thực là một nghi thức đã được sử dụng rất phổ cập trong các ngôi Già lam thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông. Có ba loại nghi thức Mông Sơn: Đại Mông Sơn, Trung Mông Sơn và Tiểu Mông Sơn.
(Xem: 14061)
Bồ-tát Mã Minh tạo luận, Tam tạng pháp sư Chân Đế dịch Hán. HT Thích Trí Quang dịch giải Việt
(Xem: 18040)
Các phương thuốc của thế giới này, đa dạng và nhiều vô kể, thế nhưng chẳng có một phương thuốc nào có thể sánh với Đạo Pháp.
(Xem: 16447)
Tạng Luật được hình thành từ những điều luật được đặt ra để chỉnh đốn đạo đức tác phong của chúng đệ tử Đức Phật...
(Xem: 20321)
"Chỉ vì đại sự nhơn duyên duy nhấtĐức Phật xuất hiện thế gian, đó là muốn mọi người, mọi chúng sanh đều thành Phật đồng như Đức Phật".
(Xem: 21052)
Tại Na-lan-Đà có một phái tu khổ hạnh, vị đứng đầu là Ni-kiền Thân-Tử, ông có cả nghìn đệ-tử, và có người tôn xưng ông là bậc Thánh...
(Xem: 16601)
Được HT Thích Tuệ Sỹ dịch theo bản Sanskrit, do Nhà xuất bản Phương Đông ấn hành năm Quý Mùi.
(Xem: 16417)
Tiếng Phạn “Sa Di”, ở đây dịch là Tức Từ, ý nói: Dứt ác, hành điều từ, dứt nhiễm ô thế giantừ bi cứu giúp chúng sanh. Còn dịch là Cần Sách, hoặc dịch là Cầu Tịch.
(Xem: 16116)
“Sau khi ta diệt độ, nên tôn trọng, kính quý Ba La Đề Mộc Xoa (Giới) như tối tăm gặp ánh sáng, như nghèo khó được của báu."
(Xem: 21647)
Đức Phật dạy rằng, người nào sống không giới luật, tuy ở gần ta mà cũng như cách xa ta muôn dặm; người nào sống có giới luật, tuy ở xa ta muôn dặm mà cũng như ở cạnh bên ta.
(Xem: 25622)
Vào dịp lễ Vu-lan Thắng hội, Phật tử có tục lệ cúng thí người chết. Dưới đây Tập san trích dịch đoạn kinh có liên hệ đến ý nghĩa cúng thí này.
(Xem: 16942)
Trẫm từng nói: Phật pháp chia ra Đại thừa, Tiểu thừa là việc thuộc về bên tiếp dẫn. Kỳ thật mỗi bước Tiểu thừa đều là Đại thừa, mỗi pháp Đại thừa chẳng lìa Tiểu thừa.
(Xem: 13951)
Tất cả nam nữthế gian giàu sang hay nghèo hèn, chịu khổ vô cùng hoặc hưởng phước vô lượng đều do nghiệp nhân gieo tạo đời trước mà cảm thọ quả báo hiện tại.
(Xem: 22520)
“Nhất thiết hữu vi pháp; Như mộng, huyễn, bào, ảnh; Như lộ diệc như điện; Ưng tác như thị quán.”
(Xem: 14336)
Thành thật luận (Satyasiddhi-sastra) do Ha-lê-bat-ma tạo luận, Cưu-ma-la-thập dịch Hán, Nguyên Hồng dịch Việt, thâu lục trong Đại chính, Đại Tạng Kinh số No 1647.
(Xem: 29965)
Chân Như Quan Của Phật Giáo (Ðặc biệt lấy Bát-Nhã làm trung tâm) Nguyên tác: Kimura Taiken; Việt Dịch: HT. Thích Quảng Độ
(Xem: 12631)
Nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho toàn thể quý học chúng Bồ tát giới tại gia, có đầy đủ bi trí lực để hoàn thành bản nguyện tự lợi, lợi tha, trong khung trời giải thoát tự tại của chánh pháp Như Lai.
(Xem: 19442)
Tôi được Tăng sai phụ trách hướng dẫn Bồ tát Học xứ cho chúng Giới tử tân thọ Bồ tát giới...
(Xem: 17745)
Kinh AN BAN THỦ Ý là một trong những bản kinh được xuất bản sớm nhất ở Viễn Đông và đã góp phần vào việc phổ biến Phật giáo qua việc giảng dạy cách thức thiền tập...
(Xem: 14160)
Bồ tát Long Thọ trước tác Trung luận gồm 27 phẩm (chương) 446 bài kệ, mỗi bài 4 câu, mỗi câu 5 chữ. Ở Ấn Độ các bản luận giải thích như Vô Úy luận...
(Xem: 13765)
Trong Luật tạng, bộ Luật đầu tiên theo trong sử nhắc đến là bộ Bát thập tụng luật do Tôn giả Ưu-ba-li tám mươi lần ngồi tụng thì mới xong bộ Luật của Phật dạy.
(Xem: 14191)
Một thời Đức Thế Tôn ở tại cung điện của chú tể Đại dương, cùng với chúng đại tỳ kheo tám ngàn vị và chúng đại bồ tát ba mươi hai ngàn vị.
(Xem: 13813)
Người giảng: Lão Hòa thượng Tịnh Không; Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ – Viên Đạt cư sĩ; Biên tập: Phật tử Diệu Hiền
(Xem: 13743)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 215, Hán dịch Pháp Cự; Việt dịch: Thích Bảo An
(Xem: 13888)
Đại Chánh Tân Tu, Kinh số 706, Bộ Kinh Tập, Hán dịch: Thi Hộ; Việt dịch: Thích Thiên Ân
(Xem: 14534)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 32 số 1648 thuộc Luận Tập Bộ Toàn; Ưu Ba Đề Sa; Tăng Già Bà La; HT Thích Như Điển
(Xem: 12547)
Vãng sinh tập đều ghi chép nhiều truyện có thật đời xưa tu Tịnh độ được vãng sinh Tây phương của đủ các hạng người xuất gia lẫn tại gia, của cả loài vật... Chúc Đức dịch Việt
(Xem: 15060)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Luận Tập, Kinh số 1666; Bồ-tát Mã Minh tạo luận; Hán dịch: Chân Đế; Việt dịch: Nguyên Hồng
(Xem: 18505)
Đây là một quyển kinh Phật Giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới... Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Xem: 23709)
Kinh Pháp Hoa ai cũng biết là bộ Kinh Tối Thượng Thừa mà nó không phải Đại Thừa và cũng gọi là Phật Thừa... HT Thích Thắng Hoan
(Xem: 14428)
Kinh PHÁP-HOA là một bộ kinh lớn mà từ xưa đến nay, sau khi đức Phật diệt-độ, được lưu thông nhứt và được nhiều người tụng-trì nhứt trong các bộ kinh lớn... HT Thích Trí Tịnh
(Xem: 15282)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Hoa Nghiêm, Kinh số 0301, Hán dịch: Thật Xoa Nan Ðà; Việt dịch: HT Thích Minh Lễ
(Xem: 107615)
Sám văn gồm có ba cuốn ngày nay là sám văn ấy. Đem nước từ bi tam muội rửa sạch oan nghiệp nhiều kiếp, lấy ý nghĩa đó để mệnh danh Thủy sám... HT Thích Trí Quang
(Xem: 15392)
Trong đời mạt pháp, các đệ tử của ta chỉ đeo đuổi theo bên ngoài, ít có ai quan niệm đến vấn đề Sanh Tử... HT Thích Thiền Tâm
(Xem: 21010)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0665, Hán dịch: Nghĩa Tịnh, Việt dịch: HT Thích Trí Quang
(Xem: 39701)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0642; Hán dịch: Cưu Ma La Thập; Việt dịch: Định Huệ
(Xem: 16553)
阿 毘 達 磨 俱 舍 論 A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận I... dịch theo bản Sanskrit... Tuệ Sỹ
(Xem: 35981)
Tăng đoàn thực hành đúng Pháp và Luật của Phật đã chế định trong sự cùng nhau cộng trú hòa hợpthanh tịnh, cùng nhau giải tán trong sự hòa hợpthanh tịnh.
(Xem: 17228)
Phật Thừa Tôn Yếu luận là một trong nhiều tác phẩm của Đại sư Thái Hư, mang ý nghĩa bao quát nội dung giáo nghĩa Đại thừa Tiểu thừa... Thích Thiện Hạnh Dịch
(Xem: 12207)
Kim Sư Tử Chương là một tác phẩm rất ngắn của thầy Pháp Tạng nhưng bao hàm được giáo lý của Kinh Hoa Nghiêm... HT Thích Nhất Hạnh
(Xem: 16590)
Luận Phật Thừa Tông Yếutùy thuận theo thời cơ lược nói về tông bảncương yếu của Phật pháp... Nguyên tác: Đại sư Thái Hư; Thích Nhật Quang dịch Việt
(Xem: 15050)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0639, Hán dịch: Na Liên Ðề Da Xá, Việt dịch: Thích Chánh Lạc
(Xem: 13650)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0628, Hán dịch: Pháp Thiên, Việt dịch: Thích nữ Tịnh Nguyên
(Xem: 14643)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0626, Hán dịch: Chi Lâu Ca Sấm, Việt dịch: Phật tử Phước Thắng
(Xem: 13358)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0619, Hán dịch: Đàm Ma Mật Đa, Việt dịch: Thích Nguyên Xuân
(Xem: 20299)
Từ Bi Thủy Sám Pháp - Trước thuật: Ngộ Đạt Thiền Sư; Dịch Giả: Thích Huyền Dung
(Xem: 28168)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Sử Truyện, số 2076, Nguyên tác Đạo Nguyên, Việt dịch: Lý Việt Dũng
(Xem: 13947)
Thiết Lập Tịnh Độ là quyển sách của HT Thích Nhất Hạnh giảng giải về Kinh A Di Đà với góc nhìn thiền học
(Xem: 14429)
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí-Tịnh, Anh dịch: Quảng Định / Quảng Hiếu hiệu đính, Sưu tập: Tuệ Uyển
(Xem: 22792)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0615, Hán dịch: Cưu Ma La Thập, Việt dịch: Thích Nguyên Xuân
(Xem: 18781)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0614, Hán dịch: Cưu Ma La Thập, Việt dịch: Thích Nguyên Xuân
(Xem: 23242)
Quyển "Thập thiện nghiệp đạo kinh giảng yếu" của ngài Thái Hư Pháp sư, thấy tóm tắt dễ hiểu, lời lẽ giản dị mà ý nghĩa đầy đủ, lại rất hợp với căn cơ hiện tại... Thái Hư
(Xem: 15062)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0600, Hán dịch: Thực Soa Nan Đà, Việt dịch: HT Thích Tâm Châu
(Xem: 17023)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0599, Hán dịch: Nghĩa Tịnh, Việt dịch: Nguyên Thuận
(Xem: 17488)
Bản dịch Việt được thực hiện bởi Nhóm Phiên dịch Phạn Tạng, dựa trên bản Hán dịch của Huyền Trang, A-tì-đạt-ma Câu-xá luận... Tuệ Sỹ
(Xem: 20472)
Theo Viên TrừngTrạm Nhiên (1561- 1626), ở trong Kim cang tam muội kinh chú giải tự, thì Đức Phật nói kinh nầy sau Bát nhãtrước Pháp hoa... Thích Thái Hòa
(Xem: 26557)
Thiền Luận - Tác giả: Daisetz Teitaro Suzuki; Quyển Thượng, Dịch giả: Trúc Thiên; Quyển Trung và Hạ, Dịch giả: Tuệ Sỹ
Quảng Cáo Bảo Trợ
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM