• Trần Đan Hà
Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, xin dành trọn vẹn tình yêu thương hướng về cha mẹ, bằng cả tấm lòng thành kính của người con; bằng nhất tâm đảnh lễ và ngợi ca những công trình “khai tâm” của chư Tôn Thiền đức dành cho hàng Phật tử. Nhờ vậy chúng con mới biết đến bổn phận của mình mà tu tập; mà vinh danh công đức của những tấm lòng hiếu hạnh. Từ xa xưa cổ đức đã dạy “Làm con hiếu hạnh vi tiên”. Vì thế đối với người Phật tử trước tiên là tu về “Hiếu đạo”. Cho nên chúng ta thường hay quan tâm và trân trọng mùa Vu Lan Báo Hiếu. Theo tình tự dân gian thì họ cũng luôn hướng lòng về với bậc sanh thành dưỡng dục mà cầu nguyện: “Mỗi năm mỗi thắp đèn trời. Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Đối với người Phật tử thì quan niệm về hiếu hạnh là nổ lực tự thân tu học để sớm giác ngộ và giải thoát. Và hồi hướng công đức tu học nầy đến cha mẹ đã quá vãng, để cầu nguyện cho họ sớm được vãng sanh. Như truyền thuyết dân gian thường cho rằng, theo sự tích Ngài Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo, liền dùng Huệ nhãn để tìm mẹ dưới địa ngục a tỳ. Như một đoạn trong Kinh Vu Lan: “Một thuở nọ Thế Tôn an trụ. Xá Vệ thành Kỳ thụ viên trung. Mục Liên mới đặng lục thông. Muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm luân. Công dưỡng dục thâm ân dốc trả. Nghĩa sinh thành đạo cả mong đền. Làm con hiếu hạnh vi tiên...” (Thiền Môn Nhựt Tụng, trang 265).
Khi biết mẹ mình đang chịu đói khổ trong cõi ngục địa giới. Ngài đã tìm đủ mọi cách để cứu mẹ nhưng không lần nào thành công cả, vì mẹ mình nghiệp chướng nặng sâu. Nên ngài liền về bạch Phật xin chỉ dạy phương pháp cứu mẹ. Nhân đó Phật dạy rằng: “Dầu ông có thần lực và lòng hiếu thảo rộng lớn đến đâu, cũng không thể một mình cứu mẹ ông được. Mà phải nhờ thần lực của mười phương Tăng. Nhân ngày tự tứ trong các đạo tràng thanh tịnh ông hảy sắm sửa phẩm vật để cúng dường. Và trước khi Tăng chúng thọ nhận, họ đều chú nguyện cho tín gia thí chủ. Nhờ vào thần lực chú nguyện nầy mà cha mẹ mình được thoát nạn”. Với tấm lòng Đại Hiếu của Ngài Mục Kiền Liên, theo lời chỉ dạy của Phật, đã cứu mẹ mình thoát vòng khổ nạn dưới chốn u đồ. Nên sau nầy nhân gian cứ nghĩ rằng “Kinh Vu Lan là Kinh Báo Hiếu”.
Thế nhưng gần đây, thêm một phát giác rất mới mẻ, đầy thuyết phục rằng, kinh Địa Tạng cũng là một bản kinh Hiếu Đạo. Trong đó có nhiều chi tiết của kinh đã làm sáng tỏ phương pháp tu tập, đem đến kết quả khả thi cho hàng Phật tử qua: “Tư Tưởng Kinh Địa Tạng” như một bức “thông điệp” đầy tính minh triết, lạc quan và mang tính khoa học. Một phát giác mới mẻ và lý thú về nhiều điều. Trong đó đã đi đến một kết luận thật bất ngờ là không chỉ kinh “Vu Lan là bản kinh Báo hiếu”; mà kinh Địa Tạng cũng là một bản kinh “Hiếu đạo” để cho tứ chúng tu tập và noi theo với nhiều bằng chứng được lý giải rất khoa học. Trong đó lý do chánh đáng nhất là ngài Địa Tạng đại sĩ đã căn cứ vào nguyên nhân sở thuyết bản kinh để khẳng định : “Đức Thế Tôn đã nói kinh nầy cho Thánh Mẫu Ma-gia ở cung trời Đao Lợi trước lúc Thế Tôn vào Niết-bàn... có phần giáo hạnh mở rộng đi vào đại bi và đại tuệ. Có thể hiểu Kinh Địa Tạng là một hiếu kinh mở rộng cho năm thừa giáo mà Thế Tôn muốn giới thiệu đến Thánh mẫu” (trang 12). Thêm nữa là Ngài đã dùng phương pháp hướng dẫn tứ chúng tu tập qua con đường hiếu đạo. Cuốn sách luận về Tư Tưởng Kinh Địa Tạng được gọi là “Lời Khai Thị” vì dựa theo nhiều yếu tố mang ý nghĩa thâm diệu của nguyên nhân. Như Đản sanh của đức Bổn Sư ra đời là để: “Khai thị Chúng sinh ngộ nhập Phật Tri Kiến”. Cuốn sách đã làm sáng tỏ mọi hiểu lầm cho tứ chúng. Còn mang thêm ý nghĩa vi diệu của lòng hiếu hạnh đã xóa tan đi màn mây mù che lấp những biên kiến, cố chấp thường tình. Cũng như phương thức giáo hóa chúng sinh từ thấp lên cao của Địa Tạng đại sĩ.
Như “Lời Tựa”:- “Kinh Địa Tạng là một trong các kinh Đại thừa được phổ biến rộng rãi trong quần chúng Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay song song với các kinh Kim Cương, Di Đà, Phổ Môn. Quần chúng thường quan niệm rằng: Kinh Kim Cương, Di Đà, để cầu siêu; kinh Phổ Môn để cầu an; kinh Địa Tạng dùng để đọc tụng cầu siêu cho những người sắp chết và đã chết. Với quần chúng bình dân các kinh dùng để cầu nguyện, cầu xin an ổn cho người sống và kẻ chết.
Thật là đáng tiếc: Quần chúng đã vô tình đưa kinh điển Đại thừa đến chổ đánh mất hết sinh lực giải thoát, khoác vào kinh một màu áo tiêu cực và ảm đạm.
Đến thập niên 60 và 70, Thượng tọa Trí Quang dịch ra Việt văn và ghi phụ chú Kinh Địa Tạng; cư sĩ Mai Thọ Truyền cũng dịch ra Việt văn, ghi thêm lời bàn dưới mỗi phẩm kinh và gọi là mật nghĩa. Hai công trình đó đã mở ra một cái nhìn sáng sủa và một niềm tin trong sáng về kinh Địa Tạng.
Chúng tôi hàng tỷ kheo hậu học, với hiểu biết giới hạn nhưng khát khao muốn giáo lý đầy Trí tuệ và Từ bi của Phật giáo bừng sáng giữa cuộc đời và thời đại khoa học kỷ thuật, mạo muội xin trình bày một số thiển ý về kinh hầu đóng góp thêm một ít tư liệu tư duy cho các Phật tử Việt Nam. Chúng tôi không tránh khỏi những vướng mắc, mong chư vị tôn túc từ bi bổ khuyết, và mong quý Phật tử hoan hỷ góp ý. (trang 6).
Đây có thể gọi là bức thông điệp rất sinh động, tràn đầy nhựa sống gởi đến toàn thể Phật tử Việt Nam. Vì sự suy luận đã khai mở ra cương yếu Kinh Địa Tạng bằng trí tuệ siêu việt của một bậc danh tăng. Việc xây dựng nhằm mục đích cho hàng Phật tử tu học đúng theo nội dung của kinh, để giải thoát ra khỏi và vượt lên chiếc lưới trùng trùng của vô minh. Phá bỏ những nghi ngại mà lâu nay nhiều người hiểu lầm, khiến cho việc tu học về kinh một cách phiến diện, không thấy được những mặt tích cực khác. Vì Cổ đức đã nói: “Y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan” và “Ly kinh nhất tự như đồng Ma thuyết”.
Mở đầu giới thiệu Kinh Địa Tạng: “Kinh không trình bày giáo lý một cách trực tiếp, cũng không trình bày giáo lý dưới hình thức vấn đáp giảng giải, mà gián tiếp nói lên giáo lý qua các cảnh đời khổ đọa và giải thoát, diễn tiến như một tiểu thuyết với các tình tiết được sắp đặt chặt chẻ. Tại đây, chúng ta không quá câu nệ một số điểm trình bày, mà chỉ cốt nắm vững trọng tâm giáo lý của kinh” (trang 19).
Giáo lý của kinh được trình bày dưới hai hình thức là “Xuất xứ và Nội dung”. Về xuất xứ thì chúng ta thấy: “Thời pháp nầy Thế Tôn nói cho Thánh Mẫu Ma Gia nghe, dù thính chúng vân tập gồm đủ các hàng phàm thánh, trước khi Thế Tôn vào Niết Bàn. Đây là thời pháp độ Thánh Mẫu, vừa giáo hóa chúng sinh như là thời kinh hiếu” (trang 20).
Như thế, yếu tố căn bản bao trùm nội dung của kinh là bởi lòng “Hiếu Đạo” : “Con đường dẫn đến Phật trí là Bồ tát đạo phát triển lòng đại từ và đại bi. Cơ sở của tâm đại bi là tâm hiếu thảo” (trang 21).
Chúng ta thấy rằng, nội dung của kinh không giáo huấn cho hàng Phật tử về cung cách đối xử với các bậc “sinh thành dưỡng dục”, cũng như cách thức làm tròn chữ hiếu của người con, như tập quán của dân gian. Mà xuyên qua “nguyên nhân” được hình thành nên bổn kinh mà xác định. (“Đây là thời pháp độ Thánh Mẫu, vừa giáo hóa chúng sinh như là thời kinh hiếu”)
Tương phản với con đường chánh đạo là buông lung dẫn đến đọa lạc: “Đường vào các thống khổ của địa ngục là tà kiến, si mê, bất tín nhân quả, phỉ báng tam bảo... “Bà Duyệt Đế Lợi” là mẹ của thiếu nữ Bà-la-môn (tiền thân của Địa Tạng đại sĩ) là ý nghĩa tất cả đều có mặt chân tâm, chỉ vì không nghe tiếng nói của chân tâm, đi theo tà kiến bà mới bị khổ đọa. (trang 22).
Đây là lý do thứ hai để xác tín kinh Địa Tạng là kinh báo hiếu. Khi Địa Tạng đại sĩ hướng dẫn cho chúng sinh thoát khỏi con đường lầm lạc, có chứa đầy ác hạnh và khổ hạnh được quay về với chân tâm là thể hiện tấm lòng hiếu thảo. (trong chúng sinh có cha mẹ của mình). Một ý niệm về lòng hiếu thảo thật bao la, thênh thang rộng mở như con đường hướng đến từ bi và trí tuệ của đức Như Lai.
Vì khi tâm được giác tỉnh, hướng về chân tánh thì tất cả các vọng niệm, ác niệm đều được chuyển thành chánh niệm, thiện niệm, thoát ly hẳn ác đạo. Khi tâm đã hướng thiện thì các ác niệm, vọng niệm cũ dứt, do đó kinh nói: “Tất cả tội nhân cũng được ra khỏi địa ngục và sinh Thiên giới một lượt với Bà Duyệt Đế Lợi”.
Thế nhưng có một điều đáng chú ý và cần suy niệm để thấy rõ nội dung chính của kinh, đã xác tín một cách khách quan và trung thực, tránh những hiểu lầm về bổn phận của chúng ta đối với hai chữ “hiếu đạo”, cũng như thoát khỏi vòng mê tín, dị đoan của tà đạo:
“Tại đây, nếu hiểu rằng chính Địa Tạng Đại sĩ đã cứu mẹ và các tội nhân địa ngục thì trái với luật nhân quả. Vả lại, ba đời chư Phật và Bồ-tát đều hồi hướng công đức cho hết thảy chúng sinh, nếu tha lực đã cứu độ, thì hóa ra không có chúng sinh sa vào địa ngục; hoặc nếu sa vào thì cũng lại được thoát ra mà không cần tu niệm. Kinh Địa Tạng chẳng đã dạy:“Chí thân như tình phụ tử đi nữa, cũng đường ai nấy đi”. (trang 23).
Đây là điểm minh triết của Thầy khi nhận xét về kinh Địa Tạng, vì tu theo giáo lý của Phật đà là cần phải tự mình nổ lực phấn đấu, tự mình “thắp đuốc lên mà đi”. Hay như lời của nhân gian: “Ai tu nấy chứng”. Chứ không ai có thể giúp cho chúng ta giải thoát khỏi những khổ đau được. Vì khổ đau chính là do “thân, khẩu và ý nghiệp” của chúng ta tạo tác, thì chỉ có chúng ta mới chuyển hóa chúng qua con đường tu tập.
Như thế kinh Địa Tạng xem như hiếu kinh, với mục đích giới thiệu ý nghĩa cho người sống hiểu rõ để xây dựng chánh kiến và chánh tín, hầu có một tập quán nghiệp và một cận tử nghiệp tốt mở đường đi vào Thiên giới sau khi chết. Trì tụng là bước đầu sửa soạn cho mình phát khởi thiện tâm để hành các thiện hạnh. Công đức ấy chỉ là trợ duyên, còn nhân tố chuyển nghiệp chính vẫn là ở thiện tâm của mỗi người tự cứu. Như trong các bài Sám nguyện: “Chúng con khổ nguyện xin cứu khổ. Chúng con khổ nguyện xin tự độ”.
Cảnh giới địa ngục được kinh mở ra như một tấm gương soi cho người thấy rõ tâm mình mà cảnh giác xa rời các ác niệm và ác hạnh. Nó không hoàn toàn là một cảnh giới, mà là các tâm tà kiến, độc hại có thể thiêu cháy các hiếu tâm, từ tâm và thiện tâm. Ý nghĩa Địa Tạng Đại sĩ cứu thoát chúng sanh địa ngục là thế. (trang 25).
Do vậy mà tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, lòng từ tâm đối với mọi người có công dụng xóa sạch các ác tâm, ác hạnh và ác nghiệp cũng như khai nguồn đại bi tâm cho những người hành Bồ tát hạnh.
“Sứ mệnh của Địa Tạng Đại sĩ là đem lại chánh kiến và từ bi cho chúng sanh, chỉ đường đi ra khỏi biển khổ” (trang 27).
Qua đó chúng ta thấy rằng, tu tập theo kinh Địa Tạng vẫn phải theo những thứ tự của nội dung kinh như: Hiếu đạo. Bố thí. Trì giới. Thiền định. Trí tuệ... Nhưng được giải thích rõ ràng cặn kẻ những chi tiết rất chi ly. Ví dụ như “Bố thí” chẳng hạn, lâu nay nhiều người hiểu rằng, bố thí là đem tài vật cúng dường tam bảo, hay giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật. Ở đây giải thích nghĩa bố thí rộng rãi hơn, siêu việt hơn như biết kính trên nhường dưới, hòa thuận với anh chị em trong một nhà, sống hài hòa với mọi người, biết ơn bậc sinh thành dưỡng dục, biết ơn những người đã giúp mình, hay đem đến bình an cho mọi người đều là thuộc hạnh bố thí. Vì hạnh nầy là yếu tố quyết định để xây dựng một tấm lòng thương yêu và hiểu biết (từ bi và trí tuệ).
Mở ra con đường chánh kiến để xây dựng đời sống hướng lên giải thoát và giác ngộ. Là phương pháp tiêu trừ nghiệp chướng cho chúng sanh trong hiện tiền.
“Chánh kiến và từ bi mà có mặt ở đời, có mặt ở mỗi tâm thức chúng sanh thì lo gì tội khổ trong sinh tử không tiêu...” (trang 36).
Chánh kiến cũng có nhiều cấp độ khác nhau, do đó công năng của chánh kiến cũng tùy theo nghiệp lực của mỗi giai cấp mà hóa giải như: “Chánh kiến của phàm phu thì có công năng loại bỏ ác hạnh, làm các thiện hạnh; chánh kiến của hữu học thì siêu vượt thiện ác, nuôi dưỡng trí tuệ vô ngã; chánh kiến vô học thì đoạn diệt hết các nhân sinh tử. Từ bi là độ tha, đem chánh kiến đến cho chúng sinh, thì khổ đau sẽ lui dần, xa dần, chúng sanh” (trg 37).
Sau khi xây dựng được chánh kiến, thì chúng ta an trú giới (mười thiện nghiệp) để chế ngự ba nghiệp (thân, khẩu, ý): “Dù tu tập pháp môn nào của Phật giáo, nổ lực giải thoát chỉ tập trung vào giải thoát ba nghiệp: thân, khẩu và ý nghiệp. Nói rõ là tu mười thiện nghiệp cho đến cấp độ thanh tịnh, loại hẳn sân, si đoạn trừ được nhân tố chính của chúng là vô minh...” (trang 40).
Đạo giải thoát là chỉ bày cho chúng ta ra khỏi những nghiệp lực đã trói buộc chúng ta tạo nên khổ đau. Mà nguyên nhân chính để tác nghiệp trói buộc ấy là : Thân, Khẩu và Ý.
Và kinh xác định: “Phật tử là người sống hiền thiện và có chánh kiến. Con đường đạo đức nầy để hộ trì nhân loại, trực tiếp giáo hóa những kẻ đang sống, mà không phải để tụng đọc cho người chết, không phải để lo tang tế. (trang 41).
Sự cứu độ người chết ở đây mang một ý nghĩa sâu sắc, là căn cứ vào công đức tu tập của người ấy lúc còn sống. Họ phải tu tập tuần tự theo nội dung của kinh chỉ dẫn, từ sơ đẳng để tiến bước và phải tinh tấn mỗi ngày thêm hơn cho đến chánh quả. Như vậy “sự cứu độ” ở đây là công đức giáo dưỡng và nổ lực tu tập của những người đang sống. Như câu chuyện tự độ và độ tha như sau: “Lục Tổ Huệ Năng có lần bạch với Thầy là Ngủ Tổ Hoằng Nhẫn rằng: “Lúc mình mê thì nhờ thầy độ, khi tỉnh rồi thì mình độ lấy mình” như vậy nghĩa của chữ “độ” là tự mình tìm đường ra khỏi nơi tăm tối, đến chổ sáng suốt bằng con đường giáo dục của hàng Thiện Trí thức, và nổ lực tu học của Phật tử.
Như ý nghĩa tụng kinh niệm Phật cho người mới tu: “Lễ bái, ca tụng, ngưỡng mộ Địa Tạng là ý nghĩa lễ bái ca tụng ngưỡng mộ chánh kiến và từ bi. Ca tụng, ngưỡng mộ và lễ bái chánh kiến và từ bi mới chỉ là giai đoạn đầu của người hành đạo hướng về học hỏi, tư duy về chánh đạo. Chỉ với công đức nầy đủ để ngưng lại nhiều ác niệm và ác hạnh”...
Cũng như giải thích: “Công đức của bố thí, cúng dường là công đức làm phát khởi từ tâm, bi tâm và các thiện tâm. Công đức trì tụng kinh là công đức làm phát khởi trí tuệ”. (trang 47).
Qua bản tóm lược những điều cần thiết trong việc tu tập cho tứ chúng rất đơn giản và dễ hiểu. Đây là phương pháp hướng dẫn tu tập của Địa Tạng đại sĩ với chiều hướng từ thấp lên cao. Và theo quy trình của giáo lý Phật giáo. Tuần tự nầy sẽ giúp cho Phật tử dễ dàng chọn lựa Pháp môn tu tập (gọi là trạch pháp). Vì theo lịch sử Phật giáo, thì Giáo lý gồm có tám vạn bốn ngàn pháp môn. Nhưng chung quy cũng chỉ nằm trong ba điểm cốt yếu của giáo lý Thế Tôn chỉ dạy:
1)- “Không làm việc ác” (Chư ác mạc tác).
Người Phật tử sau khi đã quy y Tam Bảo muốn quyết tâm tu hành cho thành chánh quả, thì trước tiên phải quay về nương tựa tự thân để dốc lòng từ bỏ ác kiến, ác niệm và ác hạnh. Như việc giữ gìn năm giới cho người Phật tử tại gia, và rời xa các tin tưởng thần quyền, mê tín, dị đoan; rời xa các thái độ cầu xin, vọng ngoại (thuộc về bổn nguyện). Rời xa các tưởng nghĩ tổn hại cho mình và cho người, rời xa các ham muốn tội lỗi, rời xa sân hận. Nói chung là gìn giữ trọn vẹn năm giới (của thân, khẩu và ý). Đó là bước nổ lực thực hiện lời dạy: “Chư ác mạc tác” (không làm việc ác).
2)- Làm mọi việc lành (Chúng thiện phụng hành)
Việc lành thiết thực hơn hết là bổn phận làm con phải hiếu hạnh với cha mẹ, và thuận thảo với anh chị em trong gia đình trước tiên. Được như vậy thì bản thân mới an lạc, gia đình mới hạnh phúc. Hầu góp công xây dựng một xã hội phú cường và thịnh vượng.
Tròn bổn phận hiếu thảo với bậc sinh thành dưỡng dục rồi, thi người Phật tử cần đến chùa để học hỏi giáo lý hầu mở mang kiến thức về Phật pháp. Sau khi tu tập một thời gian phải nổ lực tu tập theo bước thứ ba.
3)- Làm thanh tịnh tâm ý (Tự tịnh kỳ ý).
Là công việc phát triển lòng từ bi, thực tập thiền định, thiền quán vô ngã để đoạn trừ các tập tục xấu ác như tham ái, chấp thủ và vô minh, là bước tu tập sau cùng.
Song hành theo những bước tu giải thoát trên, người Phật tử cần phải phát tâm giúp cho tha nhân thoát khỏi khổ đau bằng vật chất; giúp tha nhân thoát khỏi khổ đau của tình cảm và tâm lý, và giúp tha nhân hiểu rõ về đạo giải thoát và giác ngộ của Phật giáo.
Thực hiện được như vậy thì hành giả đã có vốn liếng để đầu tư vào lãnh vực tu học một cách tích cực. Làm tròn bổn phận là không phụ lòng giáo hóa của đức Thế Tôn, và chư Tôn Thiền đức, cũng như nắm bắt cơ hội tốt để chúng ta góp sức vào trong công cuộc hộ trì tam bảo một cách đúng nghĩa và hửu hiệu vậy.
Lời kết: Theo quan niệm Phật giáo cổ xưa, thì công việc báo hiếu đối với cha mẹ của những người con, chỉ giới hạn trong vòng “Mùa Vu Lan Báo Hiếu” mà trung tâm điểm là “Ngày Rằm Tháng Bảy”. Thế thì còn lại thời gian hơn ba phần tư của năm chúng ta không thương nhớ về cha mẹ của mình hay sao?
Cho nên bây giờ có thêm một phát giác mới, là chúng ta tu tập theo sự giáo hóa của Địa Tạng đại sĩ, thì việc làm tròn hiếu đạo với song thân, không bị giới hạn về thời gian và không gian. Vì nói như thiền sư Nhất Hạnh thì: “Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành...” (trong Bông Hồng Cài Áo). Và tình thương thì luôn có mặt trong chúng ta quanh năm suốt tháng. Cũng như một nhà văn nào đó đã viết: “Con tim không bao giờ muốn sống nơi chốn quạnh hiu, băng giá; mà nó luôn mong muốn trở về nơi chốn ấm áp bởi tình yêu thương!”
Còn không ngăn cách về không gian, ví dụ: “Ý niệm về quê nhà, không bị ngăn cách bởi không gian vật lý, vì theo Duy thức học thì tốc độ tâm hành nhanh hơn tốc độ ánh sáng, nên khi ta muốn về thăm quê nhà, thì chỉ việc nhắm mắt và nói lên ước muốn của mình thì tức khắc quê nhà sẽ hiện lên trong tâm chúng ta”.
Đây cũng là đề tài suy gẩm cho người Phật tử vậy.
(*) Tư Tưởng Kinh Địa Tạng sách do HT. Thích Chơn Thiện biên soạn. Hòa Thượng là đệ tử của cố Đại lão HT. Thích Tịnh Khiết, Đệ Nhất Tăng Thống Giáo Hội PGVN Thống Nhất. Hòa Thượng tốt nghiệp cao học Tâm lý Giáo dục tại Đại học Ohio, Hoa Kỳ và Tiến sĩ Phật học tại Đại học Delhi, Ấn Độ 1996. Sách do Nhà Xuất Bản Phương Đông ấn hành năm 2010.