TÁNH KHÔNG VÀ AN LẠC
Nguyễn Thế Đăng
Pháp thân Phật là tánh Không không hình không tướng ở khắp như hư không. Báo thân là quang minh và Hóa thân là thân vật chất; hai thân này được gọi là Sắc thân. Sắc thân được ứng hiện từ Pháp thân và không lìa Pháp thân. Một trong những tính cách của sắc thân là an lạc:
Phật thân cùng khắp đầy pháp giới
Khắp ứng chúng sanh đều hiện tiền
Các thứ giáo môn thường dạy trao
Nơi pháp tự tại hay khai ngộ.
Trong các điều vui của thế gian
Thánh tịch diệt lạc là tối thượng
Trụ trong pháp tánh rộng mênh mông
Thiên vương Diệu Nhãn quan sát thấy
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1)
Chư Phật, Đại Bồ-tát ứng hiện thân nơi thế gian, thân ấy lấy pháp thân làm nền tảng nên chứa cái vui cao nhất của thế gian là “thánh tịch diệt lạc”. Hóa thân của một bậc giác ngộ là bốn đại đã được chuyển hóa thành lạc tịch diệt tối thượng.
Phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37, nói quang minh Như Lai (Báo thân) “khiến sanh hoan hỷ”, “hay làm cho tất cả chúng sanh đều được hoan hỷ”:
“Các Bồ-tát trước đó đã thành tựu những địa khi thấy quang minh này thì lại được thanh tịnh hơn, tất cả thiện căn thảy đều thành thục, hướng đến Nhất thiết trí. Các bậc Nhị thừa thấy quang minh này thì diệt tất cả phiền não. Những chúng sanh khác mù tối, nhờ quang minh này thân họ được lạc phúc, tâm trở nên thanh tịnh, nhu nhuyến, dễ uốn nắn để có thể tu chánh niệm và trí huệ. Những chúng sanh trong những cõi địa ngục, quỷ đói, súc sanh đều được khoái lạc, giải thoát những khổ và khi chết được sanh lên cõi trời hoặc cõi người”.
Bản chất của quang minh hay báo thân là lạc phúc, hoan hỷ, nên khi chúng sanh tiếp xúc được với nó thì đều được lạc phúc, hoan hỷ.
Báo thân có nền tảng là Pháp thân và luôn luôn đi cùng Pháp thân. Như thế Lạc và Không luôn luôn đi cùng nhau, không tách rời. Đây cũng là sự thành tựu tối cao của các Tantra Mật thừa: sự bất nhị của tánh không và đại lạc (mahasukha).
Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV nói: “Trong những Tantra Yoga tối thượng, như Kalachakra, giai đoạn cuối là samadhi, trong đó lạc bất biến tối thượng sanh khởi” (Tantra in Tibet, Dalai Lama XIV, 1987 – Mật thừa Tây Tạng, chương Kim cương thừa, nxb Thiện Tri Thức, 1999).
Bài kệ của Ban-thiền Lạt-ma thứ VI nói:
Nguyện rằng con thành tựu thông điệp Bất Nhị sâu xa
Của hai giai đoạn thiền định được dạy trong Guhyasamaja,
Yamantaka, Heruka Chakrasamvara và Kalachakra
Như thế trong nội đời này con hoàn thành chứng ngộ
Thân huyễn và tịnh quang trong hợp nhất viên mãn
Hay thân không hợp nhất với lạc phúc bất biến.
(Sự tu hành Kalachakra, Glenn Mullin, TTT dịch, 2009)
Chúng ta tìm hiểu tiếp về vấn đề tánh không và an lạc này ở tam muội thứ 8 trong 10 tam muội của phẩm Hiền Thủ, thứ 12, đặc biệt nói về quang minh. Mười tam muội này do Bồ-tát Hiền Thủ nói cho các Bồ-tát cầu chứng giác ngộ, “những công đức đó chẳng lường được, nay tôi tùy sức nói ít phần”.
Tam muội thứ 8 nói về những quang minh mà khi phóng ra đem đến an lạc cho chúng sanh. Có thể đặt tên cho tam muội thứ 8 này là Quang minh tam muội. Quang minh tam muội thứ nhất có tên là An Lạc
Có thắng tam muội tên An Lạc
Hay khắp cứu độ các quần sanh
Phóng đại quang minh chẳng nghĩ bàn
Khiến ai được thấy đều điều phục…
Quang minh Báo thân khi phóng ra thì tất cả những sự tiêu cực xấu xa bị tiêu diệt: “bao nhiêu ám chướng đều tiêu trừ”, “rưới tắt những khát ái thế gian”, “vượt qua được bốn dòng nước dữ”, và hiển bày những công đức khiến chúng sanh thực hành Phật pháp để giải thoát. Thế nên một quang minh có tên là Thiện Hiện, sự xuất hiện của những cái thiện.
Khi những tiêu cực đó được xua tan thì an lạc bèn đến. Có quang minh tên là Hoan Hỷ vì làm cho chúng sanh hoan hỷ, ưa làm những hoạt động đem đến sự vui thích cho thân tâm và rồi thành tựu quang minh cho chính mình:
Lại phóng quang minh tên Hoan Hỷ
Quang này thức tỉnh tất cả chúng
Khiến họ ái mộ giác ngộ, Phật
Phát tâm nguyện chứng vô sư đạo.
Tạo lập tượng Như Lai đại bi
Tướng hảo trang nghiêm ngự tòa sen
Luôn ca ngợi những thắng công đức
Do đây thành được quang minh này.
Quang minh Báo thân thành tựu là do công đức được làm y vào Pháp thân tánh Không, “do bổn hạnh xưa được quang minh”:
Nếu ai tự tu các phước nghiệp
Cúng dường chư Phật vô lượng số
Nơi công đức Phật thường nguyện cầu
Được quang minh này làm giác ngộ.
Quang minh là do công đức, nguyện và hạnh hợp thành, do đó quang minh là Báo thân. Báo thân nghĩa là thân lạc phúc, vì Báo thân còn được dịch là “Thọ pháp lạc Phật”.
Quang minh ấy là an lạc và làm cho người khác chuyển dục lạc thành an lạc. Việc phóng quang hẳn là do năng lực của từ bi nơi một Bồ-tát:
Lại phóng quang minh tên Diệt Ái
Quang này thức tỉnh tất cả chúng
Khiến họ xa lìa cảnh năm dục
Trụ nơi diệu vị của giải thoát.
Nếu hay lìa bỏ cảnh năm dục
Tâm trụ diệu vị của giải thoát
Thì hay dùng cam lộ Phật pháp
Rưới tắt những khát ái thế gian.
Bố thí ao giếng và dòng suối
Chuyên cần đạo giác ngộ vô thượng
Trách năm dục, ca ngợi thiền định
Do đây được thành quang minh này.
Cũng nhờ quang minh của Báo thân mà người ta có thể đi sâu vào Pháp thân tánh Không và giúp người khác thấu đạt tánh Không, bởi vì Báo thân quang minh chẳng hề lìa Pháp thân tánh Không.
Lại phóng quang minh tên Huệ Đăng
Quang này thức tỉnh tất cả chúng
Khiến biết chúng sanh tánh không tịch
Tất cả các pháp vô sở hữu.
Diễn nói các pháp Không, vô chủ
Như huyễn, ngọn lửa, trăng dưới nước
Cũng như giấc mộng, bóng trong gương
Do đây thành được quang minh này.
Có quang minh tên là An Ổn, từ an ổn hết khổ đau mà được an lạc.
Lại phóng quang minh tên An Ổn
Quang này chiếu đến người tật bệnh
Khiến trừ tất cả sự khổ đau
Đều được an lạc trong chánh định…
Lại có quang minh khiến người vui mừng thích thú với Pháp:
Lại phóng quang minh tên Lạc Pháp
Quang này giác ngộ tất cả chúng
Khiến nơi chánh pháp luôn mến thích
Lóng nghe diễn thuyết và biên chép
Lúc pháp sắp diệt hay diễn thuyết
Khiến người cầu pháp ý thỏa mãn
Mến thích chánh pháp siêng tu tập
Do đây được thành quang minh này.
Quang minh Báo thân làm những Phật sự như trang nghiêm, cúng dường, xây tháp, tạo tượng bằng đủ loại hương hoa đồ vật thơm sạch quý báu khiến thế giới này biến thành linh thiêng, thanh tịnh, hân hoan, an vui, thành một cõi Tịnh độ. Quang minh Báo thân biến thế giới thành cõi Phật:
Lại phóng quang minh tên Hương Nghiêm
Quang này giác ngộ tất cả chúng
Khi người nghe pháp lòng hân hoan
Quyết định sẽ thành công đức Phật.
Hương tốt quý giá hoa trên đất
Cúng dường tất cả chư Thế Tôn
Cũng dùng xây tháp và tượng Phật
Do đây thành tựu quang minh này.
Lại phóng quang tên Tạp Trang Nghiêm
Bửu tràng, phan lọng vô số lượng
Thắp hương, rải hoa, tấu âm nhạc
Thành ấp trong ngoài đều khắp cả.
Đem những kỹ nhạc vi diệu ấy
Cùng những hương hoa phan lọng đẹp
Các thứ trang nghiêm cúng dường Phật
Do đây thành được quang minh này.
Lại phóng quang minh tên Nghiêm Khiết
Khiến mặt đất đai đều bằng phẳng
Trang nghiêm tháp Phật và chung quanh
Do đây thành được quang minh này.
Lại phóng quang minh tên Đại Vấn
Hay khởi mây thơm hay nước thơm
Nước thơm rưới tháp và chung quanh
Do đây thành được quang minh này.
Quang minh Báo thân này một khi thấm vào tâm , từ từ thấm ra đến khẩu, và cuối cùng ra đến thân, nghĩa là ra đến các giác quan và chuyển hóa các giác quan:
Lại phóng quang minh tên Diệu Âm
Quang này khai ngộ các Bồ-tát
Tất cả các tiếng trong ba cõi
Đều khiến người nghe là tiếng Phật.
Lớn tiếng ca ngợi tán thán Phật
Bố thí chuông linh các âm nhạc
Khiến khắp thế gian nghe âm Phật
Do đây được thành quang minh này.
Do quang minh này, mắt tai mũi lưỡi thân ý, các giác quan đều trở nên thanh tịnh, kinh nghiệm được cõi giới của Phật, hay là pháp giới:
Lại phóng quang tên Mắt Thanh Tịnh
Hay khiến người mù được nhìn thấy
Đem đèn cúng Phật và tháp Phật
Do đây được thành quang minh này…
Lại phóng quang tên Tai Thanh Tịnh
Hay khiến người điếc được nghe tiếng
Trổi nhạc cúng Phật và tháp Phật
Do đây được thành quang minh này…
Do quang minh này sắc thanh hương vị xúc pháp đều thành thanh tịnh, nghĩa là trở lại bản tánh thanh tịnh của chúng, do đó cảnh vật đối tượng đều thành cõi tịnh độ, cõi Phật:
Lại phóng quang tên Sắc Thanh Tịnh
Khiến thấy Phật sắc chẳng nghĩ bàn
Đem những Phật sắc trang nghiêm tháp
Do đây được thành quang minh này.
Lại phóng quang tên Thanh Thanh Tịnh
Khiến biết tánh thanh vốn không tịch
Quán thanh duyên khởi như tiếng vang
Do đây được thành quang minh ấy.
Lại phóng quang tên Hương Thanh Tịnh
Khiến mọi vật hôi đều thơm sạch
Nước thơm rửa tháp, cây bồ-đề
Do đây được thành quang minh ấy.
Lại phóng quang tên Vị Thanh Tịnh
Hay trừ tất cả độc trong vị
Hằng cúng dường Phật, Tăng, Mẹ Cha
Do đây được thành quiang minh ấy.
Lại phóng quang tên Xúc Thanh Tịnh
Hay khiến thô nhám thành dịu êm
Dù thương đao kiếm trên rơi xuống
Đều khiến biến thành tràng hoa đẹp.
Bởi xưa từng ở giữa đường sá
Thoa hương, rải hoa, trải y phục
Rước đưa chư Phật đi trên đó
Vì thế nay được quang minh này…
Kinh còn nhiều đoạn nữa, nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy quang minh tức Báo thân an lạc không lìa Pháp thân tánh Không, chuyển hóa thân tâm và thế giới này thành môi trường của an lạc hay cõi Phật thanh tịnh. Đó là sự chuyển hóa sanh tử thành Niết-bàn, là một mục đích tu chứng của Đại thừa.
Khi một Bồ-tát chuyển hóa thế giới vật chất sanh tử khổ đau thành thanh tịnh, thiêng liêng, an lạc, thì thân tâm và thế giới trở thành Hóa thân của vị ấy. Sự chuyển hóa này là do Báo thân quang minh an lạc không lìa khỏi Pháp thân tánh Không mà thành tựu.
Kinh dạy mỗi chúng ta vẫn có ba thân Pháp, Báo, Hóa, dù ở dạng tiềm năng. Chúng ta vẫn đang có Báo thân dù chưa phóng quang minh được vì chưa đủ trí huệ và công đức. Phật pháp là để cho chúng ta khai mở quang minh Báo thân ấy, sử dụng nó làm lợi lạc cho mình cho người để biến cuộc đời sanh tử của chúng ta thành môi trường của an lạc và tự do.
Với một vị Phật thì ở đâu cũng là Tịnh độ, ở đâu cũng là cảnh giới của tánh Không và an lạc:
“Đại Bồ-tát dùng trí huệ vô ngại biết tất cả cảnh giới thế gian là cảnh giới Như Lai. Biết tất cả cảnh giới ba đời, tất cả cõi cảnh giới, tất cả pháp cảnh giới, tất cả chúng sanh cảnh giới, chân như vô sai biệt cảnh giới, pháp giới vô chướng ngại cảnh giới, thật tế vô biên tế cảnh giới, hư không vô phần lượng cảnh giới, cảnh giới không cảnh giới, đều là Như Lai cảnh giới”. (phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37).
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 229
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng