THẤY PHẬT
Đại sư Tinh Vân
Diệu Huyền
Đã hơn 2500 năm kể từ khi Đức Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn. Hiện tại chúng ta sống trong thời đại gọi là “Mạt Pháp”, trong đó ta không thể nào thấy Đức Phật thực sự được nữa. Khi nghĩ đến điều này, tôi lại nhớ đến một bài thơ trong đạo Phật diễn tả thật thích hợp cảm nghĩ của tôi:
Khi Phật tại thế, tôi còn lạc loài nơi đâu
Khi Phật nhập Niết Bàn rồi, tôi mới được sinh ra
Tôi xin sám hối tất cả những nghiệp chướng sâu dầy
Đã ngăn không cho tôi thấy được kim thân của Đức Như Lai
Nhưng thực ra có nhiều cách để chúng ta thấy Phật được. Chúng ta thấy Phật qua hình ảnh thiêng liêng trong các tôn tượng và bức họa, ta đọc kinh sách để thấy tướng mạo Đức Phật được diễn tả thế nào, và qua sự thực hành tu tập ta có thể biết được “Pháp Thân”, tức thân Phật thực sự. Thấy Phật qua những cách đó, ta sẽ hiểu biết nhiều hơn về bậc Đạo Sư vĩ đại của chúng ta.
Hình ảnh Đức Phật
Ngày nay, khi muốn thấy hình tướng của Đức Phật, chúng ta nhìn vào những tôn tượng và bức vẽ ngài. Trải qua bao nhiêu năm, người ta đã diễn tả lại Đức Phật qua nhiều kiểu khác nhau. Một số tạc hình ảnh của Phật trong gỗ hay đá, một số khác điêu khắc trên kim loại, và có những người khác phác họa ngài trên giấy. Một số tạc hình ảnh của Phật trong gỗ hay đá, một số khác điêu khắc trên kim loại, và có những người khác phác họa ngài trên giấy. Không những chất liệu dùng khác nhau, mà cũng có nhiều dáng điệu khác nhau. Đôi khi, Đức Phật ở trong vị trí ngồi, những lúc khác thì đứng, hoặc nằm. Nhưng dù cho làm bằng chất liệu gì, hay ở trong dáng điệu gì, những hình tượng Phật ấy cũng cho ta cảm nhận khái quát được lòng từ bi, sự trang nghiêm và vĩ đại của ngài.
Tại sao có một số tượng Phật ngồi, trong khi một số khác lại đứng? Mỗi thế đều có một ý nghĩa sâu xa, tượng trưng cho tinh thần và tư cách cao thượng của Đức Phật. Trong vài trường hợp, Đức Phật được diễn tả ngồi trong thế hoa sen, tay để trong lòng, như đang ở trạng thái thiền định sâu xa. Thế ngồi này tượng trưng cho sự giác ngộ của ngài. Đức Phật được giác ngộ sau khi đã trải qua một thời gian dài tu tập thiền định, quán tưởng và tự quán chiếu mình. Những lúc khác, ta lại thấy Đức Phật được diễn tả trong thế ngồi, tay trái để trong lòng, tay phải đưa lên hướng lòng bàn tay ra ngoài, đang giảng Pháp. Thế ngồi này tượng trưng cho sự tu tập giác ngộ của Đức Phật không chỉ riêng cho ngài, mà còn cho tất cả chúng sinh. Sau khi giác ngộ rồi, Đức Phật đã đem chân lý chỉ dạy lại cho chúng sinh, giúp chúng ta tiêu trừ những mê lầm.
Trong một số tượng Phật, ngài đứng với một tay buông xuống, đón nhận và hướng dẫn chúng sanh. Khi ta thấy mình đang chìm đắm trong biển khổ, tất nhiên là ta sẽ cảm thấy vui mừng vô cùng khi thấy Phật đưa tay ra để cứu vớt mình. Trong những tượng khác, Đức Phật đang đi, như thể đang vội vã trên đường đi giảng Pháp. Bậc Như Lai toàn giác rất có lòng từ bi trong việc cứu độ tất cả chúng sinh; ngài luôn luôn ở đó để gia hộ cho chúng ta.
Có một số tượng và bức vẽ mô tả Đức Phật trong thế nằm, nhập Niết Bàn trong sự an bình tĩnh lặng. Thế này tượng trưng cho sự thành tựu viên mãn công đức và trí tuệ, qua đó Đức Phật đã chấm dứt được vòng sinh tử. Thế nằm cũng tượng trưng cho sự chuyển tiếp từ động sang tịnh. Khi Đức Phật còn tại thế, ngài luôn luôn hoạt động, đi vân du khắp nơi để giảng Pháp. Trong khi tất cả những gì động đều có lúc phải chấm dứt, nền tảng tịnh vẫn luôn luôn lâu bền. Khi đến lúc chung cuộc nhập Niết Bàn, Đức Phật trở thành một với vạn pháp và vượt khỏi giòng thời gian. Như vậy, ta có thể nói rằng Niết Bàn là sự chuyển tiếp từ động qua tịnh. Hình ảnh Đức Phật nhập Niết Bàn cho ta thấy rằng ngài luôn luôn ở trong tâm ta, lúc nào cũng hiện diện như trái đất này, và lâu bền như mặt trời và mặt trăng vậy.
Bức tượng Phật bằng gỗ đầu tiên
Tượng Phật gỗ đầu tiên được tạc từ khi nào? Kinh Tăng Nhất A Hàm có kể lại một câu chuyện chi tiết, cũng được Đại Đường Tây Vực Ký thuật lại như sau:
Một năm nọ, trong lúc an cư kiết hạ, không ai thấy Phật ở đâu cả. Khi các đệ tử nhận ra là Đức Phật đã biến mất, họ tung ra tìm kiếm khắp nơi, nhưng không ai biết được ngài đang ở đâu cả. Họ bèn đến hỏi tôn giả Ananda xem ngài có biết Đức Phật ở đâu không, nhưng Ananda cũng không biết. Ananda đề nghị họ nên đến cầu cứu Aniruddha, người có thiên nhãn thông cao nhất. Aniruddha dùng thần thông thấy Phật đã đến cõi trời Đao Lợi để giảng Pháp cho người mẹ quá cố của ngài là Hoàng hậu Maya.
Tại sao Đức Phật lại đi đến cõi trời Đao Lợi mà không cho ai biết cả? Có ba lý do. Thứ nhất là Đức Phật vẫn luôn muốn được giảng Pháp cho người mẹ quá cố của ngài để cám ơn bà đã sinh ngài ra đời. Thứ hai, vì Đức Phật vẫn có mặt thường xuyên để chỉ dạy, nên một số đệ tử của ngài đã trở nên tự mãn và giải đãi trong việc tu học. Thứ ba, trong tăng đoàn đã xẩy ra nhiều chuyện cãi vã, Đức Phật muốn những người liên hệ có thì giờ để suy xét lại hành vi của họ.
Trong những người tưởng nhớ đến Đức Phật nhiều nhất, có vua Udayana của xứ Kausambi. Vị vua này sùng kính Đức Phật đến nỗi, khi vắng mặt Phật ông mất tinh thần và ngã bệnh luôn. Những người trong hoàng gia xúm nhau lại tìm cách làm sao cho nhà vua đỡ bệnh hơn, rốt cuộc, họ giao cho một nghệ nhân tạc tượng tài giỏi nhất trong xứ làm ra một bức tượng Đức Phật. Họ hi vọng rằng, không có Đức Phật thì bức tượng ấy sẽ thay mặt cho ngài để nhận sự thờ kính của mọi người. Nhà vua rất hoan hỷ, và ngay lập tức ông cho mời tôn giả Mục Kiền Liên, người có thần thông nhất trong các đệ tử của Phật, đến giúp họ làm việc này. Mục Kiền Liên dùng thần thông chở nghệ nhân tạc tượng đến cõi trời Đao Lợi để ông ta có dịp chiêm ngưỡng tướng hảo quang minh của Đức Phật. Sau ba lần đến thăm cõi trời, nghệ nhân cuối cùng đã tạc được một bức tượng cao năm feet bằng gỗ đàn hương giống y như Đức Phật. Khi bức tượng này được hoàn thành và đưa tới, nhà vua vui mừng khôn tả, hết bệnh ngay.
Sau ba tháng, Đức Phật trở về với thế giới ta bà. Khi ngài trở về, bức tượng bỗng sống dậy và đến đảnh lễ đón chào Đức Phật. Đức Phật mỉm cười, nói rằng, “Chắc ngươi cũng mệt với chuyện dạy dỗ chúng sanh rồi phải không. Kể từ đây, trong những thế hệ về sau, do nơi ngươi mà chúng sanh sẽ được nhắc nhở đến chân lý.”
Theo như câu chuyện kể này, hình tượng đầu tiên về Đức Phật bằng gỗ đã được đúc tạc khi ngài còn tại thế, trước khi nhập Niết Bàn. Việc bức tượng sống dậy để đón chào Đức Phật ngụ ý rằng Đức Phật vẫn luôn luôn hiện hữu trong chúng ta. Khi ta chiêm ngưỡng tượng Phật, tức là ta đang thấy bản chất tinh yếu của Phật.
Bức tượng Phật bằng kim loại đầu tiên
Còn bức tượng Phật đầu tiên bằng kim loại thì sao? Trong kinh Tăng Nhất A Hàm có kể lại xuất xứ của câu chuyện này, và trong kinh Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cũng nhắc đến như sau:
Khi vua Prasenajit (Ba Tư Nặc) của nước Kosala nghe tin vua Udayana đã tạc được một bức tượng giống Phật bằng gỗ đàn hương, ông cũng suy tính việc tạo một hình ảnh của Đức Phật. Vua Prasenajit muốn tỏ lòng cung kính đối với Đức Phật, hơn nữa, nhà vua cũng hơi có tinh thần cạnh tranh, muốn vượt trội nhà vua Udayana. Thế nên, nhà vua Prasenajit bèn cho người tạc một bức tượng Phật bằng vàng ròng. Bức tượng này cũng cao năm feet, và đánh dấu sự mở đầu sáng tạo của việc đúc tạc hình ảnh Đức Phật.
Cũng trong thời điểm ấy, lão trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindaka) cũng tỏ ý muốn đúc một bức tượng Phật. Một ngày nọ, sau khi Đức Phật đã giảng Pháp xong ở vườn Kỳ Viên, Cấp Cô Độc đến quỳ đảnh lễ ngài, nói rằng:
“Kính bạch Đức Thế Tôn, khi Đức Phật ở với chúng con, mọi người đều cung kính và mọi sự đều có vẻ tốt đẹp và trang nghiêm. Nhưng không may là, khi Đức Phật phải đi xa vân du giảng Pháp, chúng con đều cảm thấy trống vắng và tăng đoàn không còn giữ được tình trạng như khi có Đức Phật. Vì vậy, chúng con xin được đúc tạc hình ảnh giống ngài, để khi Đức Phật đi xa, chúng con sẽ có bức tượng nhắc nhở đến Phật mà thờ kính. Làm như thế, chúng con sẽ luôn cảm thấy gần gũi với Phật.”
Đức Phật nghe vậy rất hoan hỷ. Ngài nói với Cấp Cô Độc rằng: “Bởi vì ông làm việc này để nhắc nhở Giáo Pháp đến chúng sinh, tôi sẽ cho phép ông”.
Cấp Cô Độc hỏi thêm, “Chúng con muốn tôn vinh Đức Phật, và con hi vọng rằng Đức Phật sẽ cho phép chúng con được trang hoàng cho bức tượng.”
Đức Phật trả lời: “Ông cứ tuỳ duyên mà làm”.
Từ những đoạn kinh này, ta thấy rằng ngay cả khi Đức Phật còn tại thế, có nhiều vị vua và trưởng giả đã muốn đúc tạc tôn tượng của ngài để thờ kính. Một pho tượng Phật bằng vàng cũng như một ngọn đèn rực sáng, soi chiếu trái tim chúng ta.
Bức họa Phật đầu tiên
Khi nào có bức họa Phật đầu tiên? Không có câu trả lời chắc chắn cho điều này. Theo kinh A Hàm, một trong những bức họa sớm nhất về Đức Phật được hoàn thành khi Đức Phật sắp nhập Niết Bàn. Lúc ấy, tôn giả Ma-Ha-Ca-Diếp lo ngại rằng vua Ajatasatru (A Xà Thế) của xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) sẽ bị khủng hoảng khi nghe tin Đức Phật nhập diệt, vì vậy, sau khi ngài thảo luận với triều đình của vua A Xà Thế, họ đã quyết định mướn người vẽ một bức họa Phật để giúp nhà vua vượt qua nỗi buồn.
Những bức hoạ Phật được đem đến Trung Hoa trong thời nhà Hán, gần một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập diệt Niết Bàn. Trong thời gian đó, nhiều tăng sĩ từ Trung Hoa đã du hành qua Ấn Độ để học đạo Phật. Ở đó họ được xem bức tượng Phật bằng gỗ đàn hương, và ước ao được thỉnh bức tượng đó về Trung Hoa cho người Trung Hoa có thể chiêm ngưỡng dung nhan Đức Phật. Tuy nhiên, các vị vua Ấn Độ nhất quyết từ chối, không muốn rời xa những bức tượng quý báu của họ. Vì thế, họ đã mướn người làm những bức họa vẽ lại bức tượng này, để các tăng sĩ Trung Hoa có thể đem về xứ. Khi hoàng đế triều Hán xem những bức họa này, ông rất vui mừng và ra lệnh rằng một bức họa Phật phải được trưng bầy trên cổng chính của thành phố Lạc Dương, và cho phép dân chúng được thờ kính Đức Phật.
Ngày nay các Phật tử cũng thường trưng bầy các bức họa Phật trong nhà, vì thấy như vậy tiện hơn là những bức tượng hay những loại hình ảnh khác. Miễn là chúng ta tâm thành, bức tranh lớn hay nhỏ không thành vấn đề, tất cả đều sẽ chiếu sáng lên những người thờ kính.
Tôn kính hình tượng Đức Phật
Bất kỳ một bức tượng Phật nào dù làm bằng đá, bằng gỗ, hay kim loại, hay một bức họa nào dù bằng vải hay bằng giấy, ta cũng đều phải tôn kính hình tượng của Đức Phật trong đó. Có thể có người hỏi rằng: Tại sao ta lại phải tôn kính các hình tượng của Đức Phật?
Trước hết, điều quan trọng phải nhận thức là, chúng ta đều phải kính trọng các hình tượng. Ví dụ, các công dân trong nước đều phải kính trọng lá quốc kỳ của họ, mặc dù lá quốc kỳ đó chỉ là một miếng vải. Tại sao ta lại phải kính trọng một miếng vải? Tuy rằng lá quốc kỳ chỉ là một miếng vải, nhưng nó biểu hiện cho điều gì hơn như thế. Nó là biểu tượng của quốc gia, là niềm hãnh diện của chúng ta với đất nước. Những người theo đạo Thiên Chúa tôn kính cây thánh giá. Tuy nhiên, cây thánh giá chỉ là một vật làm bằng gỗ hay kim loại. Như vậy có phải là những người theo Thiên Chúa Giáo không nên tôn kính thánh giá đó chăng? Sự tôn kính những biểu tượng hoặc hình tượng tuyệt đối không có gì là sai cả, miễn là chúng ta hiểu được những biểu tượng hay hình tượng này tượng trưng cho cái gì.
Một miếng vải có thể được may thành một cái mũ để đội trên đầu. Cũng miếng vải đó có thể được làm thành một đôi dép để đi trên chân. Một miếng vải tự nó cũng chỉ là miếng vải, nhưng ta nhìn nó một cách khác sau khi nó đã có hình dạng của một sản phẩm nào đó. Ta thường giữ một tấm giấy có in hình cha mẹ trong một nơi nào đó an toàn. Cũng miếng giấy đó nếu có nét nghệch ngoạc viết lên thì có thể bị ném ngay không chút thương tiếc. Cũng vậy, một tấm kim loại được đúc thành tượng Phật phải được để ở một nơi sạch sẽ, thích hợp. Cũng tấm kim loại đó, nếu được đúc thành một món đồ chơi, có thể bị đá văng hay ném lung tung không một chút ngần ngại. Một bức tượng Phật có thể làm bằng gỗ, bằng đá, hay kim loại, nhưng trong tâm ta bức tượng ấy biểu hiện cho sự giác ngộ viên mãn của Đức Phật. Khi chúng ta đảnh lễ những hình tượng thiêng liêng của Đức Phật, ta không đảnh lễ những tấm gỗ, đá hoặc kim loại làm nên những bức tượng này, mà chính là ta đảnh lễ Đức Phật.
Điều trọng yếu là chúng ta phải biết vì sao chúng ta làm một việc gì đó. Khi chúng ta đảnh lễ tượng Phật, ta phải tập trung tư tưởng vào Đức Phật và trừ đi những ngọn lửa si mê trong tâm. Ta phải có sự thành kính và chân thật. Khi chúng ta thờ kính hình tượng Phật theo đúng cách, bất kỳ hình ảnh nào của Phật cũng có thể làm cho lòng tin của ta được tăng thêm và cho trái tim ta rung động. Một ngạn ngữ Trung Hoa nói rằng, “Khi có sự thành tâm và tập trung nhất mực, ngay cả đá hay vàng cũng phải nứt ra,” ngụ ý là, nếu chúng ta lễ Phật với lòng thành kính, ta sẽ cảm thấy sự hiện diện của Đức Phật.
Thật sự ra, đạo Phật là một tôn giáo đánh giá ý chí của con người cao hơn những truyền thống đã định sẵn, và dạy chúng ta không nên chấp vào hình tượng, dù là thiêng liêng hay không. Một công án đặc biệt trong Thiền Tông đã chỉ ra điều này như sau:
Có lần, thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên đi du phương đến ở tại một ngôi chùa. Mùa đông năm ấy thật khắc nghiệt lạ thường. Để sưởi ấm, Đan Hà lên bàn thờ, lấy bức tượng Phật bằng gỗ đem đốt. Sư chủ thấy vậy vội vàng chạy đến, hét lên: “Sao ông dám đem tượng Phật ra đốt ?”
Đan Hà không chút ngại ngùng, trả lời: “Tôi không dùng tượng Phật như khúc gỗ. Tôi chỉ muốn tìm xem có xá lợi Phật trong đó không.”
Sư chủ bảo: “Vô lý! Làm sao ông tìm thấy xá lợi Phật trong khúc gỗ được?”
Đan Hà: “Nếu đây là khúc gỗ, sao ông không dùng nó để sưởi?”
Sư chủ nghe câu này, tất cả kiến chấp đều tan vỡ.
Đan Hà đúng là một đệ tử chân chính của Phật, vì ông đã hiểu được tinh yếu của giáo pháp. Ông biết rằng, tâm, Phật, và chúng sanh là một và như nhau. Khi chưa giác ngộ, ta phải tôn kính những hình tượng thiêng liêng. Khi giác ngộ rồi, ta biết rằng Phật không tìm thấy được nơi những hình tượng thiêng liêng, mà ở ngay trong chúng ta.
Trước khi hoàng đế Xuan của triều nhà Hán lên ngôi, ông là một chú tiểu ở trong chùa. Có lần, ông bắt gặp thiền sư Hoàng Bá Hy Vận trong chánh điện đang lễ Phật. Bắt chước thiền sư, thiếu niên, cũng là vị hoàng đế sau này, nói rằng: “Ông thường bảo là, “Đừng lo tìm cầu Phật, đừng lo tìm cầu Pháp, đừng lo tìm cầu Tăng, thế thì việc gì ông phải lễ lậy Phật?”
Đó là, khi đứng sau lưng vị thiền sư, cậu bé chợt nhớ lại một trong những câu ngài hay nói rồi lập lại những lời ấy một cách vô thức: “Đừng chấp nơi Phật, đừng chấp nơi Pháp, đừng chấp nơi Tăng. Thế thì việc gì phải lễ lậy Phật?”
Khi thiền sư nghe vậy, ông liền quay lại tát vào mặt chú tiểu, quát lên: “Đừng chấp nơi Phật, đừng chấp nơi Pháp, đừng chấp nơi Tăng. Nhưng với ngươi thì phải như vậy!”
Những người không hiểu được ý nghĩa đàng sau sự lễ lậy các hình tượng thiêng liêng thường cho chuyện đó là đáng nực cười. Họ không nhận ra rằng, khi lậy Phật là tâm ta đã cảm ứng với tâm Phật.
Thân thật vô tướng của Phật
Thân thật của Phật là thân vô tướng.
Ngày nay, chúng ta có thể thấy hình tượng Đức Phật ở khắp nơi. Dù cho Đức Phật đã nhập Niết Bàn từ hơn 2500 năm trước đây, ngài vẫn hiện diện trong cõi thế này. Nhưng cái gì là thân thật của Đức Phật?
Tướng thật của Phật gọi là Pháp Thân. Pháp thân là tinh tuý thực sự của Phật, không có hình tướng. Ngay cả các vị bồ tát đã đạt đến cửu địa cũng không thể thấy Pháp thân của Phật, thế thì làm sao chúng ta, những người còn mờ mịt trong vô minh, còn thấy gì được? Pháp thân là không có hình thể, không có tướng, không đến cũng không đi, không có khởi đầu, không có chấm dứt. Với những đặc điểm như vậy, làm sao ta thấy Pháp thân của Phật được?
Nhưng trong kinh nói: “Bớt được một chút vô minh, là cảm nghiệm được một chút Pháp thân.” Như thế, ta có thể thấy rằng Pháp thân không phải là điều gì có thể thấy qua vật chất được, vì Pháp thân là có liên hệ trực tiếp đến sự giác ngộ. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng, “Pháp tánh vốn không rỗng, tịch lặng; không thể đắc được, cũng không thể thấy được. Sự không rỗng của Pháp tánh là trạng thái của Phật, đó không phải là điều có thể đo lường được. Pháp thân là vượt ra ngoài ngôn ngữ luận bàn, không thể đo lường được. Có câu nói rằng, “Nếu ai muốn chứng được trạng thái của Phật, tâm người ấy phải trong suốt như không khí vậy.”
Pháp thân là thân của tánh không, không có hình thể, không có tướng mạo, mặc dù không ai thấy hay diễn tả được. Tuy không có hình thể, nhưng hình thể nào cũng có nó, và tuy không có tướng mạo, nhưng tướng mạo nào cũng có nó. Pháp thân hiện diện khắp nơi, vì nó thấm thấu cả trong vũ trụ.
Có một lần, hòa thượng Taiyuan Fu ở Dương Châu đang giảng kinh Đại Bát Niết Bàn. Khi ông cố giải thích bản chất của Pháp thân, một thiền sư đang ngồi trong đại chúng không nhịn được cười. Sau buổi thuyết pháp, hòa thượng Taiyuan Fu đến gặp vị thiền sư, khiêm cung hỏi rằng: “Xin đại sư chỉ dẫn, hồi nãy khi bàn về Pháp thân tôi có nói gì sai không?”
Thiền sư trả lời, “Nếu ông thật sự muốn biết về Pháp thân, tôi khuyên ông nên ngưng giảng pháp trong ba ngày, dốc hết thì giờ để lo tu thiền định. Ông phải tự mình chứng nghiệm Pháp thân, xem đó là cái gì?”
Theo lời khuyên của thiền sư, hòa thượng Fu lập tức đình lại việc giảng Pháp trong ba ngày, và nhập thất dốc lòng ngồi thiền quán Pháp thân. Sau ba ngày, ông đã đạt được sự chứng nghiệm. Quá vui mừng, ông đã tả lại với vị thiền sư qua bài kệ sau:
Pháp thân thật, như hư không
Xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai
Trải rộng tất cả các phương trời
Bao trùm cả âm dương bát quái
Hòa nhịp với mọi nhân duyên,
Và hiển thị trong các kinh nghiệm, ở khắp nơi.
Từ câu chuyện này, ta thấy Pháp thân không phải là điều gì có thể hiểu được qua sự tìm cầu nơi hình tướng. Đó không phải là điều gì có thể giải thích được bằng lời nói. Thân vật chất của Đức Phật được vẽ tạc lại cho tất cả chúng ta đều thấy được, nhưng Pháp thân Phật không thể thấy hay nghe được. Cách duy nhất để biết được Pháp thân Phật, thân thật sự của Phật, là qua tâm trí của chúng ta.
Diệu Huyền dịch
(trích từ quyển Seeing Buddha của Đại sư Tinh Vân)
(Ngọc Bảo)
- Tag :
- Đại Sư Tinh Vân
- ,
- Diệu Huyền