Tánh Không Vô Phân Biệt
Nguyễn Thế Đăng
Vô phân biệt được nói đến nhiều lần trong Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật. Ở đây chỉ trích ra một đoạn, cho thấy tánh Không, tánh Như, pháp tánh, thật tế… là không có phân biệt:
“Đức Phật nói: Chư Phật, chư Bồ tát và Độc giác Phật cùng A la hán được pháp này rồi vì chúng sanh thuyết pháp cũng chẳng chuyển đổi tướng các pháp. Vì Như, pháp tánh, thật tế chẳng chuyển đổi được. Vì sao thế? Vì các pháp không có tánh…
Sắc chẳng khác pháp tánh, chẳng khác Như, chẳng khác thật tế. Thọ, tưởng, hành, thức cho đến hữu lậu, vô lậu cũng chẳng khác…
Này Tu Bồ Đề! Vì là thế đế nên phân biệt nói có quả báo, chẳng phải trong Đệ nhất nghĩa đế. Vì sao thế? Đệ nhất nghĩa đế thật không có tướng, không có phân biệt, cũng không có lời nói. Đó là vì sắc cho đến pháp hữu lậu, vô lậu, đều chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, rốt ráo Không, vô thủy Không vậy”.
(Phẩm Bốn Nhiếp, thứ 78)
Trong tánh Không, tánh Như, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, không có sự phân biệt của thế đế, nên không có sanh tử.
Trí huệ quán chiếu tánh Không thì thấy ba cõi sanh tử là do nhớ nghĩ, phân biệt mà thành:
“Bởi cõi Dục là hư vọng, nhớ tưởng, phân biệt, hòa hợp danh tự, có tất cả tướng vô thường phá hoại, là pháp không có. Thế nên Đại thừa này vượt hơn tất cả thế gian và Trời, Người, A tu la”.
“Bởi cõi Sắc và cõi Vô sắc là hư vọng, nhớ tưởng, phân biệt, hòa hợp danh tự, có tất cả tướng vô thường phá hoại, là pháp không có. Thế nên Đại thừa này vượt hơn tất cả thế gian và Trời, Người, A tu la”.
(Phẩm Thắng Xuất, thứ 21)
“Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Lúc thực hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ tát quán như vầy: Chỉ có các pháp và các pháp làm nhân duyên cho nhau mà có nhuận ích, tăng trưởng, phân biệt, so lường, trong đây không có cái tôi và cái của tôi”.
(Phẩm Thiên Vương, thứ 27)
Sự phân biệt của tâm thức đã tạo ra ba cõi và tất cả sự vật không thật, hư vọng, vì “là pháp khôngcó”.
Năm ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức đã phân biệt, chia cắt, phân mảnh thực tại tánh Không thành một thế giới vật chất, chia cắt, tách biệt, phân mảnh, từ đó có sự hữu hạn và khổ đau:
“Phật dạy: đúng vậy, này các Thiên tử! Tướng não hoại là tướng của sắc, cảm nhận là tướng của thọ, duyên lấy là tướng của tưởng, sanh khởi tạo tác là tướng của hành, biết do phân biệt là tướng của thức. Phật được tánh Không của các tướng ấy”.
(Phẩm Vấn Tướng, thứ 49)
Để giải thoát và giác ngộ, phải đưa năm ấm trở lại bản tánh Không của chúng. Nói cách khác, phải xóa tan sự phân biệt hư vọng của các thức, để trở lại “thật tướng của các pháp” là tánh Không vô phân biệt.
Trí huệ Bát nhã thấu suốt tánh Không là vô phân biệt:
“Bạch Thế Tôn! Bát nhã ba la mật này rất sâu khó thấy, không có nhớ tưởng, không có phân biệt, vì là rốt ráo lìa vậy”.
(Phẩm Ma Sầu, thứ 62)
Trí huệ Bát nhã là thấy thật tướng của các pháp, đó là thấy tất cả các pháp là vô phân biệt, do đó thấy tất cả pháp là thanh tịnh:
“Tu Bồ Đề thưa: Ba la mật bất khởi là Bát nhã ba la mật.
Phật bảo: Vì tất cả pháp là vô phân biệt vậy”.
(Phẩm Ca ngợi khắp trăm ba la mật, thứ 44)
“Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp thanh tịnh nên thanh tịnh này thanh tịnh.
Đức Phật nói: Vì rốt ráo thanh tịnh vậy.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao mà ngã thanh tịnh nên sắc thanh tịnh và cả hai rốt ráothanh tịnh?
Đức Phật nói: Vì ngã vô sở hữu nên sắc vô sở hữu mà cả hai rốt ráo thanh tịnh.
….
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Ngã thanh tịnh nên Nhất thiết trí thanh tịnh.
Đức Phật nói: Vì rốt ráo thanh tịnh vậy. Vì sao thế? Vì vô tướng, vô niệm vậy”.
(Phẩm Ca ngợi thanh tịnh, thứ 42)
Tánh Không là vô phân biệt, nên là vô tướng, vô niệm. Vô tướng là không có tướng phân biệt, vô niệm là không có niệm phân biệt.
Thực hành trí huệ Bát nhã là thực hành không phân biệt. Khi tâm không phân biệt thì thức phân biệtchuyển thành trí vô phân biệt.
“Ngài Xá Lợi Phất hỏi ngài Tu Bồ Đề: Chỉ có Bát nhã ba la mật vô phân biệt thôi, còn năm ba la mậtkia có vô phân biệt chăng?
Ngài Tu Bồ Đề nói: Năm ba la mật kia cũng đều vô phân biệt.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi ngài Tu Bồ Đề: Nếu tất cả pháp từ sắc đến vô vi tánh đều vô phân biệt thì làm sao phân biệt có sáu đường sanh tử là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người, a tu la? Làm sao phân biệt là Tu đà hoàn, là Tư đà hàm, là A na hàm, là A la hán, là Độc giác Phật, là chư Phật?
Ngài Tu Bồ Đề nói: Vì nhân duyên chúng sanh điên đảo tạo nghiệp nơi thân, khẩu, ý, theo nghiệp trước mà thọ thân trong sáu đường là thân địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, người, trời.
Như lời Tôn giả nói, làm sao phân biệt có Tu đà hoàn cho đến chư Phật?
Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! Tu đà hoàn tức là vô phân biệt mà có. Quả Tu đà hoàn cũng là vô phân biệt mà có. Cho đến Phật và quả Phật cũng là vô phân biệt mà có.
Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! Chư Phật quá khứ cũng là vô phân biệt, do dứt phân biệt mà có.
Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! Thế nên phải biết tất cả pháp là vô phân biệt, vì là tướng bất hoại, vì các pháp là Như, pháp tánh, thật tế vậy.
Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! Thế nên đại Bồ tát phải hành Bát nhã ba la mật vô phân biệt. Thực hànhBát nhã ba la mật rồi thì được Vô thượng Giác ngộ vô phân biệt”.
(Phẩm Tịnh Nguyện, thứ 64)
Nghiệp là gì? Ban đầu là sự phân biệt khiến tách lìa mình khỏi tánh Không - tánh Như của mình và người, của mọi sự. Từ sự phân biệt tách lìa ta với thế giới, ta với người khác, của ta và của người khác, những phiền não tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ, nghi ngờ… khởi lên, rồi làm theo chúng. Đó là sự “điên đảo tạo nghiệp nơi thân khẩu ý, rồi theo nghiệp trước mà thọ nhận lấy thân trong sáu đường”.
Thật tướng của tất cả các pháp và thật tướng của tâm thức là tánh Không – tánh Như vô phân biệt. Do đó các quả vị trong con đường đều được xác định theo sự chứng đắc vô phân biệt ít hay nhiều hay hoàn toàn. Vô phân biệt là phương tiện đồng thời là cứu cánh của con đường Phật giáo.
Nói theo Phật giáo Ấn-Tạng, Nền tảng là tánh Không vô phân biệt, Con đường tiến hành trong vô phân biệt, và Quả là vô phân biệt viên mãn. Nền tảng tánh Không vô phân biệt ấy phải thấy, gọi là cái Thấy. Duy trì, khai triển cái thấy vô phân biệt ấy là Thiền định. Hạnh là sống với và đi sâu vào cái Thấy tánh Không vô phân biệt suốt ngày, suốt đời. Cái Thấy, Thiền định, Hạnh đưa đến Quả là thể nhập trọn vẹn tánh Không.
Nói theo những thuật ngữ trong Kinh Đại Bát Nhã, quán chiếu tánh Không vô phân biệt giúp người ta “tương ưng”, “nhập vào”, “an trụ” trong tánh Không, là thật tướng của tất cả các pháp.
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng