ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan
Chương 5
Biết Tâm
Trống Rỗng Và Trống Trải
Mở cửa tâm ra để thực sự nhìn vào nội tâm của mình không phải là điều dễ dàng, nhưng ta có thể rèn luyện bản thân để làm điều đó. Nếu ta có đủ chánh niệm để tự thấy và tự hiểu bản thân, ngay đó ta đã diệt trừ được bao vấn đề. Ái dục sẽ khó thành hình. Dầu nó khởi lên dưới bất kỳ hình thức nào, ta cũng phải thấy nó, biết nó, dập tắt nó và buông bỏ nó.
Khi ta phải làm những điều này, không có nghĩa là ta “đạt được” điều gì, vì thật ra một khi tâm rỗng không, nó không đạt được điều gì cả. Nhưng để nói cho những ai chưa trải nghiệm điều đó được hiểu thì nó là thế này: Sự trống rỗng (emptiness) thì trống không (empty) như thế nào? Có phải mọi thứ biến mất hay bị hủy diệt? Thực ra thì trống rỗng không có nghĩa là tâm bị hủy diệt. Tất cả những gì đã bị hủy diệt là sự bám víu và chấp thủ. Ðiều chúng ta cần làm là: Xem sự trống rỗng là gì khi nó thực sự xuất hiện và không bám vào nó. Bản chất của sự trống rỗng là nó sống mãi trong ta - đây là sự rỗng không tự ngã - tuy nhiên tâm vẫn hoạt động, biết và thấy chính nó. Chỉ cần ta không đặt tên, phán đoán hoặc chấp vào nó, chỉ có thế thôi.
Có nhiều loại và nhiều mức độ của sự trống rỗng, nhưng nếu đó là sự rỗng không của loại này hay loại kia thì đó không là sự trống rỗng chân chính, vì nó chứa đựng ý hướng cố gắng muốn biết đó là loại trống rỗng nào, có đặc tính gì. Ðây là điều mà ta phải quán sát thấu đáo nếu ta thật sự muốn biết. Nếu đó là sự trống rỗng giả tạo, bề ngoài - sự rỗng không của tâm tĩnh lặng, không có tâm hành về đối tượng hay không có cảm giác về cái ngã bên ngoài – đây không phải là sự rỗng không chân chính. Sự rỗng không chân chính nằm dưới sâu, chớ không phải chỉ ở mức độ tâm vắng lặng hay định tĩnh. Sự trống rỗng của cái không rất sâu thẳm.
Nhưng từ những gì ta đã học, đã nghe, ta có khuynh hướng gọi sự rỗng không của tâm tĩnh lặng như là cái không, cái trống vắng - nhưng đây là sự đặt tên sự vật một cách sai lầm trong cái trống rỗng đó. Thật ra đó chỉ là tâm tĩnh lặng bình thường. Ta cần nhìn sâu hơn. Dầu ta đã trải nghiệm hay nghe về điều gì trước đây, đừng để bị kích động. Ðừng đặt tên, cho đó là trình độ chứng đắc này, chứng đắc nọ. Nếu không ta sẽ làm hỏng mọi việc. Có thể ta đạt tới mức độ mà ta có khả năng giữ tâm vững chắc, nhưng một khi ta đặt tên, gắn nhãn sự việc thì tâm dừng ngay tại đó – hoặc là tán loạn khó kiểm soát.
Sự đặt tên, dán nhãn này là một hoạt động của bám víu. Nó rất vi tế, rất nhạy cảm. Bất cứ cái gì xuất hiện là nó bám vào. Vì thế ta hãy để tâm ta rỗng không, không đặt tên nó là gì. Sự rỗng không buông bỏ các mối lo âu hay buông bỏ ảnh hưởng của các tâm hành là điều mà ta cần quán sát kỷ càng. Ðừng cho là (đặt tên) nó ở mức độ này hay kia, vì để đo lường và so sánh sự việc theo cách này sẽ chặn đứng mọi thứ - đặc biệt, là cái biết về tâm biến đổi như thế nào.
Vì thế lúc khởi đầu, chỉ cần quán sát, chỉ cần chú ý những thứ này. Nếu để bị kích động ta sẽ làm hỏng mọi thứ. Ta sẽ không thấy mọi vật xuyên suốt. Ta sẽ dừng lại ở đó, không thể tiến xa hơn nữa. Vì lý do này, khi ta rèn luyện tâm hoặc quán tâm tới điểm nếu thỉnh thoảng có được sự tỉnh giác rõ ràng, hãy xem chúng chỉ là những thứ cần quán sát.