Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

4. Vu Lan Nhớ Mẹ

24 Tháng Hai 201100:00(Xem: 8450)
4. Vu Lan Nhớ Mẹ

SUỐI NGUỒN YÊU THƯƠNG
Tâm Chơn

VU LAN NHỚ MẸ

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Ngưỡng bái bạch Chư tôn thiền đức!

Kính thưa quí Phật tử!

“Mỗi mùa xuân sang mẹ già thêm một tuổi.
Mỗi mùa xuân sang tóc mẹ lại trắng thêm.
Tóc mẹ trắng như tóc mây bàng bạc,
chẳng quản gian nan che chở cuộc đời con.
Tình mẹ đậm đà, lòng mẹ bao la.
Mỗi bước con lớn khôn
đều có bóng hình của mẹ.
Mẹ ơi! Công ơn mẹ
chúng con mãi không quên.
Mẹ ơi! Biết ngày nào con đền được ơn mẹ.
Cầu cho mẹ được yên bình
ở mãi bên chúng con.”
Kính thưa quí vị!

Hằng năm, cứ mỗi độ thu về, mùa báo hiếu đến, chúng con lại thổn thức thương công cha dưỡng dục; tiết Vu Lan sang, chúng con lại bâng khuâng nhớ nghĩa mẹ sanh thành. Và ngậm ngùi tưởng niệm ân đức cao dày của song thân:

“Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Bổn phận làm con, chúng con hằng nhắn nhủ với nhau rằng phải:

“Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Thật vậy!

Dòng thời gian lặng lẽ trôi mau, xuân hạ thu đông bốn mùa luân chuyển. Sự vận hành của thiên nhiên, trời đất, con người, vạn vật trong vũ trụ đều không ngoài nguyên lý vô thường, nhưng trái tim của cha mẹ muôn đời vẫn một, “tấm lòng của mẹ bốn mùa là xuân”. Dẫu cho chúng ta có đi trọn kiếp người cũng không thể nào đi hết những lời ru của mẹ!

Mẹ, người đã đem hết thảy tình thương, ánh mắt, nụ cười, tiếng nói, hương vị của cuộc đời mình cho con trẻ. Mẹ là hình ảnh đầu tiên mà sau này dù chúng ta có đi suốt cuộc đời này cũng chẳng thể nào tìm được người thứ hai thay thế mẹ, khi cuộc đời mẹ đã là cuộc đời con.

Hơn thế nữa, trong kinh Phật có dạy: “Trong nhà có hai đức Phậtchúng ta cần phải cúng dường, đó là cha và mẹ.” Bởi lẽ: “Mẹ là trời Phạm thiên, là vị tiên ban đầu, là người đáng cúng dường.” Đức Phật còn ví như thế, chúng ta há lại dám coi thường cha mẹ hay sao?

Kính thưa quí vị!

Mối tình nào rồi cũng sẽ phai mờ theo năm tháng, nhưng tình thương của cha mẹ muôn thuở vẫn sâu nặng. Và hình ảnh của mẹ sẽ mãi mãi trong tim con không bao giờ quên lãng.

Nói đến mẹ là nói đến một tình yêu không biên giới mà ở đó, không gianthời gian không sánh kịp, văn tự ngôn ngữ không diễn đạt hết. Cho nên có một thi sĩ đã mô tả rằng: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan nhưng chỉ có trái tim người mẹ là vĩ đại hơn hết.”

“Bước từ lòng mẹ bước ra,
Người thiêng liêng nhất cũng là mẹ tôi.
Tiếng thơ nức nở chào đời,
Lại là tiếng mẹ à ơi sớm chiều.
Thương con mẹ đã chắt chiu
Gởi vào lặng lẽ những điều thiêng liêng.”

(Lê Đình Đại)

Mẹ thương con một tình thương không bờ bến. “Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng”, như nước trong nguồn len lỏi chảy xuyên qua từng khe đá sỏi không bao giờ ngăn ngại. Mẹ là tất cả đời con. Con là gia tài của mẹ mà dẫu cho có đi hết nước non thì vẫn mãi không cùng.

Ôi! Tình mẹ thiêng liêng cao cả quá! “Mẹ có nghĩa là mãi mãi, là cho đi không đòi lại bao giờ” mà “từ khi bập bẹ cho đến lúc trưởng thành con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu” tấm lòng của mẹ!

Để rồi, khi những cánh phượng hồng không còn khoe sắc thắm, mấy chú ve nhỏ thôi trỗi khúc hát ngân nga thì ngọn gió thu bắt đầu mơn man theo những chiếc lá vàng rơi giữa chiều buông tiếng chuông chùa trầm mặc, báo hiệu mùa báo hiếu đã về. Mùa Vu Lan đến gợi nỗi ngậm ngùi nhớ mẹ nước mắt rơi. Ôi! Một nỗi nhớ da diết như cơn mưa chiều tháng Bảy sụt sùi tầm tã. Mưa của thiên nhiên giăng mắc giọt sầu hay mưa trong lòng con trẻ tha thiết nhớ mẹ khôn nguôi:

“Mẹ già như chuối chín cây,
Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi.
Mồ côi tội lắm ai ơi! ...”

Và khi sự thật phũ phàng, mẹ chúng con đã không còn nữa:

“Mẹ ta tro bụi trên sông,
Xuôi chèo qua nẻo hư không mẹ về.
Chiều hoa trắng rụng bốn bề,
Trần gian thêm một kẻ về mồ côi.
Từ đây chỗ mẹ ta ngồi,
Mây như tóc trắng rối bời mây qua.”

(Đỗ Trung Quân)

Thưa quí vị!

“Mùa thu buồn, khí thu lạnh, gió thu hiu hắt thì thầm như trao gởi cho nhau những ân tình giữa hai miền sống chết.” Vậy thì anh ơi! Chị ơi! Em ơi! Chúng ta hãy cùng nhau chia sớt nỗi niềm này và nhắc nhau dừng lại bước chân phiêu lãng mà trở về sống trọn tấm tình chung. Với những ai may mắn còn có mẹ hiền, hãy mau mau trở về quì bên chân mẹ và nói lời yêu thương mẹ khi người còn có thể nghe được. Hãy nói rằng: “Mẹ ơi! Mẹ có biết không?... biết là con thương mẹ không?”[15]

Có như thế chúng ta mới xoa dịu được phần nào nỗi đau nhớ thương mỏi mòn của mẹ, và cũng là để lòng mình nghe lại tiếng gọi tình thâm:

“Vi vu hiu hắt thu phong,
Chạnh niềm hiếu đạo trong lòng xót xa.
Công cha nghĩa mẹ đậm đà,
Mảy may chưa đáp lệ sa đôi hàng.”

Mẹ ơi! Mẹ đã chờ đợi chúng con suốt cuộc đời mình. Đã từ lâu rồi mẹ ngồi đếm từng chiếc lá rơi, đếm bao nhiêu lá mà đứa con yêu vẫn biền biệt chưa về, để mẹ mỏi mòn trông ngóng vào ra.

“Bóng mẹ vào ra lối cỏ quen,
Tóc sương dần xóa tóc màu đen.
Nhớ ai ra nhẩm lời kinh nguyện,
Khuya nỗi niềm khuya một ngọn đèn.”

(Phan Minh Hồng)

Thưa quí vị!

Có thể nói rằng đạo đức con người bắt đầu từ sự hiếu kính mẹ cha. Vì thế người xưa đã đưa ra tiêu chuẩn: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu hạnh vi tiên” (Ngàn vạn quyển kinh đều lấy hiếu hạnh làm đầu). Nếu chúng ta không yêu kính cha mẹ thì làm sao chúng ta thương được người khác? Người có hiếu với cha mẹ thì luôn được thành tựu mọi điều tốt đẹp. Người bất hiếu với cha mẹ thì khó thành công trong cuộc sống.

Kinh Phật có dạy: “Tội ác lớn nhất không gì bằng bất hiếu, điều thiện lớn nhất không gì bằng có hiếu”, hay “Hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật.”

Chúng ta phải cố gắng giữ tròn bổn phận một người con hiếu kính với mẹ cha. Nếu không, sẽ có ngày chúng ta hoảng hốt trong nỗi buồn cô quạnh và đớn đau tiếc nuối như thầy Tử Lộ ngày trước đã than van:

“Mộc dục tịnh nhi phong bất đình,
Tử dục dưỡng nhi thân bất tại.”

(Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn nuôi cha mẹ thì than ôi... cha mẹ còn đâu nữa!)

Vậy thì anh ơi! Chị ơi! Em ơi! Chúng ta hãy mau quay về bên mẹ và dâng lên người nỗi niềm một thuở nhớ thương:

“Mẹ ơi! Con nhớ ngày xưa,
Chiều bên đồng ruộng bóng mưa đổ về.
Con đùa, con nghịch mải mê,
Đâu hay mẹ đã lạnh tê cả người.”

Và có lẽ không có nỗi đau đớn xót xa nào bằng niềm hoài vọng của đứa con sớm mồ côi cha mẹ:

“Năm xưa tôi còn nhỏ,
Mẹ tôi đã qua đời.
Lần đầu tiên tôi hiểu,
Thân phận kẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc,
Im lặng tôi sầu thôi!
Để dòng nước mắt chảy,
Là bớt khổ đi rồi.
Độ nhỏ tôi không tin,
Người thân yêu sẽ mất.
Hôm ấy tôi sững sờ,
nghi ngờ trời đất.
Từ nay tôi hết thấy,
Trên trán mẹ hôn con.
Những khi con phải đòn,
Đau lòng mẹ la lẫy.
Kìa nhà ai sung sướng,
Mẹ con vỗ về nhau.
Tìm mẹ con không có,
Khi buồn biết trốn đâu?
Hoàng hôn phủ trên mộ,
Chuông chùa nhẹ rơi rơi.
Tôi thấy tôi mất mẹ,
Là mất cả bầu trời!”
Kính thưa chư Tôn đức!
Kính thưa quí Phật tử!

Theo tục lệ phương Tây: “Nếu anh còn mẹ thì đến Ngày của mẹ:[16] “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng...” “...Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa.”[17]

Tục lệ này, ngày nay đã ảnh hưởng tốt đẹp ở nước ta nhưng không một ai biết chính xác có từ lúc nào.

Chỉ nghe kể lại rằng vào những năm đầu của thập niên 60, Hòa thượng Nhất Hạnh sang Nhật thăm thầy Thiên Ân. Do mới qua bên ấy nên Hòa thượng chưa am tường về phong tục tập quán của xứ này.

Một hôm, Hòa thượng cùng thầy Thiên Ân, một du học tăng Việt Nam trên đất Nhật và biết tiếng Nhật đi mua sách. Trên đường đi ngài gặp một thiếu nữ Nhật Bản cúi đầu lễ phép chào ngài. Sau câu chào hỏi ngài không hiểu gì nhưng thấy cô gái lặng lẽ rút trong bóp của mình một cánh hoa cẩm chướng màu trắng và cài lên ngực áo cho ngài bằng một thái độ hết sức thành kính xen lẫn nỗi niềm xúc động. Ngài vẫn giữ im lặng trong sự cung kính để cô gái cài hoa lên ngực áo cho mình và cúi đầu chào từ giã.

Khi đến tiệm sách hỏi ra thì ngài mới biết hôm nay là ngày tưởng niệm mẹ của người dân xứ Phù Tang, tức là ngày Chủ nhật của tuần lễ thứ 2 tháng 5 dương lịch. Vào ngày tưởng niệm mẹ của người dân xứ này thì bất luận là người nào khi ra đường đều chuẩn bị hai loại hoa; một loại màu đỏ thắm sẽ gửi tặng cho bất cứ ai họ gặp trên đường khi biết người đó còn mẹ, để người đó hạnh phúcyêu thương mẹ nhiều hơn. Và họ cũng sẽ bùi ngùi trao cho những ai bất hạnh không còn mẹ một cánh hoa màu trắng. Từ nguồn cảm xúc ấy, Hòa thượng Nhất Hạnh đã viết nên tác phẩm “Bông Hồng Cài Áo.”

Thời gian sau đó, lễ cài hoa hồng dần dần được chính thức áp dụng vào tất cả các ngôi chùa Việt Nam mỗi khi Vu Lan Thắng Hội về, và trở thành một truyền thống mang ý nghĩa cao đẹp của đạo Phật trong mùa báo hiếu.

Như chúng ta đã biết, hoa hồng tượng trưng cho tình yêu sâu sắc đậm nồng. Và màu đỏ thắm như màu máu con tim, màu của sự sống sẻ chia, hy sinh mà mẹ dành cho con từ lúc mới tượng hình. Còn đóa hoa hồng trắng dẫu đẹp mà sao trông buồn bã quá. Nó hiu hắt, lạnh lùng như mảnh khăn tang phủ trên đầu con trẻ thì trọn đời mồ côi mẹ... Mẹ ơi!

Kính thưa quí vị!

“Biển sâu lòng mẹ sâu hơn,
Cơn vui sóng vỗ nỗi buồn chiều lên.
Cuốn nhau tìm tới con tim,
Cách chi con mẹ đáp đền công ơn.”

(Hà Huyền Chi)

Ôi! Công ơn sanh thành của cha mẹ cả cuộc đời chúng ta không sao trả hết. Mẹ là người đã cho chúng ta tất cả; cho chúng ta từ không thành có, từ có thành lớn khôn:

“Mẹ nuôi con bấy lâu rồi,
Nuôi con khôn lớn thành người mới thôi.”

Mà thật ra, tình mẹ thương con vốn không cùng tận, đã bao giờ thôi đâu! Mãi đến khi nhắm mắt lìa đời, tình thương của mẹ vẫn chưa từng hết.

Mẹ ơi! Mẹ đã cho con hình hài bằng máu và trái tim, bằng nỗi đau tột độ. Mẹ đã nuôi con lớn khôn bằng bầu sữa bổ dưỡng ngọt ngào, lời ru êm dịu mà từ thuở bé con đã nghiền mân mê vú mẹ, và miệng thèm đôi núm màu đỏ son. Rồi khi con biết đòi ăn, cha mẹ là người đút cho con từng muỗng cháo, muỗng cơm. Khi con biết đòi ngủ, cha mẹ là người thức hát ru con. Ôi! Tình của mẹ ấm nồng, lời của mẹ dịu êm.

“Mẹ ru cái lẽ ở đời,

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn.”

(Nguyễn Duy)

Quí vị thử nghĩ lại xem, chúng ta đã bao lần bỏ quên mẹ bên:

“Lều tranh khói bếp la đà,

Run run gậy trúc mẹ già tựa hiên.”

Mẹ tựa hiên trông ngóng, đợi chờ những đứa con “quên cha quên mẹ tình thâm, quên xứ quên sở lâu năm không về”. Những đứa con mà ngày nào mẹ chỉ dám:

“Đưa con ra đến cửa buồng thôi,
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi.
Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc,
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.”

(Nguyễn Bính)

Nhưng đau đớn thay... những đứa con vẫn biền biệt phương nào, để mỗi đêm về:

“Mẹ già lạy Phật Thích-ca
Lạy quanh tám hướng căn nhà trống trơ.”

Đây là hình ảnh rất thực tế, thời nào cũng có. Vậy mà chúng ta vẫn chưa hết “đi hoang”. Đôi khi ở ngay bên cạnh mẹ mà chúng ta cũng dửng dưng làm kiếp “cô hồn” bỏ quên nguồn cội, bỏ mặc mẹ già hiu hắt dòng lệ khô. Chúng ta chạy đuổi theo những vị ngọt cuộc đời mà quay lưng với bầu sữa bổ dưỡng ngày thơ. Chúng ta dại dột quá! Hồi nhỏ “mẹ cho cục kẹo, cái bánh con mừng. Bây giờ con lớn, mẹ cho con cả cuộc đời mà con không nhận”. Con bỏ mẹ bơ vơ!

Kính thưa quí vị!

Đương nhiên là chúng ta không bao giờ muốn mình trở thành đứa con bất hiếu. Cũng chẳng bao giờ chúng ta muốn cho cha mẹ khổ đau. Nhưng thực tế, chúng ta đã quên cha mẹ, đã bỏ cha mẹ mà đi. Để cho:

“Lòng già sớm bạc cơn mong,
Dáng vui trong mỗi chiều trông nhang tàn.
Mẹ ngồi một cõi chưa tan...”

Chờ đợi... và chờ đợi trong cô đơn tuyệt vọng!

Và ở nơi phương trời vô định nào đó, chúng ta có lần nào nhớ đến cha mẹ không? Chúng ta có thấy “tiếng gió chiều thổi qua làn khói mái tranh xiêu. Và trong giếng mắt buồn tê dại, mẹ đứng nhìn quanh mà tủi phận nghèo”? Nếu như chúng ta có được điều đó thì mới thấy rằng mình còn có mẹ ở trong tim.

Quý vị biết không? Bất luận nền luân lý đạo đức nào cũng đều lấy chữ hiếu làm đầu. Một người con đã vong ân bội nghĩa, đã bất hiếu với cha mẹ thì không còn việc độc ác xấu xa nào mà chẳng dám làm. Những người con ấy, nhân phẩm xem như đã mất thì có xứng đáng làm một con người không?

Thế nên, bổn phận làm con chúng ta phải ý thức được điều này: Phải hết lòng hiếu thảo với cha mẹ. Vì trong thực tế, tình yêu mà cha mẹ dành cho con thật không thể dùng hình ảnh nào so sánh kịp. Nếu ước lượng thì “chỉ có vũ trụ kia không bờ không bến mới sánh được với tình mẹ thương con vốn không tận không cùng.” Tình yêu đó dẫu Đông Tây, kim cổ đều chẳng khác.

Truyện cổ Hy Lạp kể rằng: “Có anh chàng tên là Cô-dắc yêu nàng tiên nữ Óc-xa-na. Anh Cô-dắc đến cầu hôn, tiên nữ đòi sính lễ bằng trái tim người mẹ. Mẹ sẵn sàng đáp ứng mong muốn của con. Bà lấy mũi dao bén rạch sâu vào lồng ngực, máu xối ra, tay run run hiến trái tim mình cho con để làm sính lễ. Vì mừng quá nên Cô-dắc vội vàng chạy đến với người yêu, bỏ mặc mẹ nằm thiêm thiếp trong đớn đau cô quạnh. Giữa đường anh vấp ngã. Sững hồn, bỗng anh nghe từ trong lòng đất vang lên tiếng nói ngọt ngào đầm ấm quen thuộc nao nao: ‘Con ơi! Con có sao không?’ Cô-dắc nhìn quanh không thấy ai cả ngoài trái tim người mẹ mà anh đang nắm chặt trong tay.”

Lại nữa, truyền thuyết dân gian ta có kể một câu chuyện về người mẹ bị rắn độc cắn mà chỉ lo nghĩ tới đứa con đang ở nhà... Bà biết mình sắp chết nên cố chạy riết về nhà đổ lúa vào cối xay, đổ thóc vào cối giã gấp gấp để có gạo cho con ăn mới vui lòng chịu chết. Và lạ lùng thay, điều mầu nhiệm đã xảy đến. Trong khi bà mẹ cố dồn hết sức lực, bắp thịt vận động ráo riết thì nọc độc thoát ra theo tuyến mồ hôi, toát ra theo hơi thở mạnh: Bà mẹ thoát chết!

Quí vị có thể nào không cảm động trước tình thương con bao la của mẹ, một tình thương không bờ bến?

Mẹ ơi!

“Mẹ như nước ngọt dòng sông,
Như lòng của biển, như đồng lúa xanh.
Tuổi thơ con ngủ yên lành,
Lời ca dao đó mẹ dành cho con.”
Vậy mà
“Con nào hay sức mẹ hao mòn,
Tay chai mặt nám sắc son phai tàn.”

Cũng như, có những đêm mưa dầm rả rích, “mẹ thắp đèn chong vá áo cho con” giữa lúc con say sưa trong giấc ngủ hồn nhiên. Rồi mẹ khẽ lay con dậy, dịu dàng trao cho con bài học cuộc đời rằng:

“Gần đèn để thấy đời con sáng,
bóng tối làm con tối cuộc đời.”

(Anh Tài)

Kính thưa quí vị!

Có thể nói thêm rằng nhân loại có bao nhiêu con người là có bấy nhiêu bản tình ca, áng văn, thi phú về mẹ. Duy chỉ có ngôn ngữ không lời mới là tuyệt tác vĩnh cửu trong con.

Mẹ ơi! Mẹ là bóng cây, là dòng suối, là bài hát, là ánh sáng... là tất cả niềm tin trong cuộc đời con. Mẹ thương con là một điều thiên phú. Tình yêu đó mẹ không chỉ dành cho con khi còn ở đời mà mãi đến lúc trở về cát bụi mẹ vẫn nặng mang:

“Mẹ ơi! thân xác mẹ còn đây,
Một nửa hồn xa cõi lụy đày.
Một nửa hồn kia còn ở lại,
Những niềm đau khổ quá sâu cay.”

(Vi Khuê)

vì vậy, trong suốt cuộc đời con, hình ảnh mẹ vẫn luôn là nguồn an ủi, động viên lớn nhất trong những khi con hụt hẫng giữa đường đời. Với bao đau khổ, hạnh phúc, nhục vinh, thành bại... không có mẹ con sẽ không còn sức để vươn lên.

Ôi! “Lời mẹ ru con mãi về sau còn rung tiếng người. Một ngày trong nôi, tay mẹ nâng giấc mơ vào đời. Dạt dào yêu thương chong đèn khuya mẹ thức từng đêm. Xót xa trong lòng mai dẫu đời con có về đâu.”

Con có về đâu mẹ cũng theo cạnh bên con để dắt dìu nâng đỡ. Dẫu cho mẹ có cực khổ trăm bề, dãi dầu sương gió, nắng mưa, buôn tảo bán tần kiếm từng chén cơm, manh áo đến quên cả thân mình mẹ cũng không màng, chỉ mong sao cho con của mẹ được yên bình trong cuộc sống:

“Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái gió trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con.”

Đâu chỉ có thế, từ thuở còn trong thai con đã được mẹ chăm chút từng ly từng tí rồi. Cho nên, bây giờ mẹ dẫu có một nắng hai sương, dẫu có héo gầy khổ cực vẫn một lòng yêu thương con khờ.

Mẹ xăn quần tới gối, tay nổi gân xanh, dầm mưa dãi nắng, chỉ mong cho con lớn lên công thành danh toại. Vậy mà... con có biết đâu. Con đã bao lần làm mẹ đau, mẹ khóc, mà mẹ chẳng một lời than van!

Kính thưa mẹ! Kính thưa cha! Kính thưa các đấng sanh thành! Chúng con xin cúi đầu sám hối. Xin cha mẹ hãy nhận đây tất cả lòng thành con trẻ:

“Mẹ ơi! mẹ có biết không,
Con thương mẹ lắm gian truân nhọc nhằn.
Vì con nào quản tấm thân,
Trèo non lội suối gió sương dãi dầu.”

Kính thưa quí vị!

Chẳng biết có muộn màng lắm không khi bấy lâu nay chúng ta mãi lang thang phiêu bạt:

“Bước chân lữ khách rối bời,
Từ trong tiền kiếp vọng lời long đong.
Gió đời thổi lạnh tàn đông,
Vô thường một đóa nở hồng trong tâm.
Luân hồi quán trọ lặng câm,
Ta còn mê mãi trong vòng trần ai.”

Nhưng dẫu có muộn màng hay không thì hôm nay đây chúng ta cũng đã tỉnh rồi. Vậy chúng ta còn chờ đợi gì nữa mà không về với mẹ để lòng già thôi bớt quạnh hiu!

Chúng ta hãy về và cùng ôn lại những tháng ngày bên mẹ. Từ tiếng võng trưa kẽo cà kẽo kẹt, đu đưa trong lời ru ngọt ngào của mẹ bên tai đã vỗ về giấc ngủ như gió từ đại dương thổi vào mát rượi lòng con. Lời ru đó đã ru con ngủ hằng ngày trong niềm mơ ước tương lai. Lời ru lồng lộng điều nhân nghĩa!

Rồi con dần lớn, mẹ dạy con phải biết đem sức mồ hôi, sức lao động để tạo sự nghiệp cho mình. Nhưng lúc ấy con khờ dại quá! Con chỉ biết rong chơi mà phớt lờ lời mẹ dạy. Con đã vô tâm không hay biết mẹ thao thức suốt đêm dài để suy tính, nghĩ ngợi đến tiền chợ tiền gạo ngày mai. Vô tư hồn nhiên, con không để ý đến những nếp nhăn trên trán mẹ và mái tóc hoa râm đang ngày một nhiều thêm cho đến trở thành bạc trắng!

Đến khi con lập gia đình thì bao bận bịu gia duyên ràng buộc nên con không còn ở gần bên mẹ nữa. Thỉnh thoảng trở về thăm mẹ chút thôi mà thời gian cũng hiếm hoi. Thế mà... mẹ vẫn điềm nhiên lo lắng cho sự sống của con. Mẹ bảo rằng dù con có thật sự đã lớn, nhưng trong mắt mẹ con vẫn là đứa trẻ thơ khờ dại cần phải có mẹ đỡ nâng.

Ôi! Tình mẹ bao la quá! Mẹ một đời chỉ biết lo cho con như dòng sông chở nặng phù sa vun bồi cho đồng ruộng, như dòng suối mát lành chảy về xuôi. Dù cho mẹ không sống đủ trăm năm nhưng đã lo cho con dư dả nụ cười và tiếng hát. Để rồi... “một lần thôi mẹ ơi, mẹ đã không ngăn con khóc, là khi mẹ đã không thể nào lau nước mắt cho con, là khi mẹ đã không còn”.

Kính thưa mẹ!

“Dù con hơn nửa cuộc đời,
Không có mẹ vẫn là người mồ côi.”

(Minh Nguyệt)

Thế nên hôm nay, nhân mùa báo hiếu về, chúng con kính dâng lên mẹ bằng tất cả tấm chân tình qua những cánh hoa hồng dù đỏ hay trắng:

“Kính dâng lên mẹ đóa hồng,

Thắm tươi dào dạt mênh mông biển trời.”

Và này anh ơi! Chị ơi! Em ơi! Chúng ta hãy lưu giữ trong lòng mình những cánh hoa hồng thắm đó. Chúng ta hãy tưởng niệm đến công ơn người đã từng “lo cho con suốt cuộc đời cũng chưa đủ, người đã nuốt trọn đắng cay che giấu bệnh tình, cho đến khi mắt mẹ đã không còn nhìn thấy nữa mà mẹ vẫn mỉm cười khi biết con mẹ đã thành danh”.

than ôi! Dòng đời có biết đâu, tháng năm như nước chảy qua cầu, con phiêu bạt trên vạn nẻo đường nhân thế mà bóng mẹ hiền vẫn dõi mắt trông theo.

Mẹ ơi!

“Con không đợi một ngày kia mẹ mất,
Mới giật mình khóc lóc đau thương.”

Hay đợi đến một ngày:

“Có con mới biết sự tình,
Khi xưa thầy mẹ nuôi mình thế nao.”

Và:

“Ngắm con khờ, con thầm gọi mẹ ơi!
Mưa tí tách ngoài thềm như tiếng vọng.
Nhìn lên vách con khóc cùng với bóng,
Mẹ bây giờ mới hiểu mẹ ngày xưa.”

(Thu Nguyệt)

Hoặc là:

“Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.”

Mà mẹ ơi!

“Bao lâu rồi con lưu lạc ngàn phương,
Con nhớ mẹ suốt canh trường khắc khoải.
Ơn dưỡng dục mẹ ơi sao xiết kể,
Công sanh thành con nghĩ quặn lòng đau.”

(Thích Quảng Độ)

Và buồn bã nhất là những chiều thu vàng vọt, con chạnh lòng nhớ mẹ nhớ khôn nguôi. Mẹ ơi! “Vu Lan đến cõi lòng con quạnh quẽ”, nỗi ngậm ngùi rơi lệ khóc mẹ đã không còn để con được yêu thương. Để “có những đêm con thiêm thiếp trong mơ”, con mơ thấy mẹ về bên con ấp ủ tình thương mẫu tử. Và để khi con giựt mình thức dậy, tất cả chỉ là giấc mơ, con hoảng hốt kêu gào than khóc:

“Đừng đi đâu cả mẹ ơi!
Đừng đi đâu cả về nơi cuối cùng.”

Con sợ... con sợ lắm mẹ ơi! Khi dòng “thời gian cứ đi đi mãi, tuổi thơ con dừng lại kỉ niệm thật đầy, nhưng ước mơ thì quá nông” vì con không còn có mẹ; để trên đường đời con thẫn thờ đếm từng bước chân côi đi trong cô liêu nghe lòng tê tái:

“Trên con đường hôm nay đầy lá đổ,
Con bước đi đi mãi giữa hoàng hôn.
Thoáng bơ vơ lạc lõng dậy trong hồn,
Khi chợt nhớ mẹ mình không còn nữa.”

Vậy quý vị ơi! Những ai may mắn còn được mẹ hiền thì phải cố gắng lo tròn chữ hiếu. Không phải đợi đến ngày Vu Lan báo hiếu chúng ta mới tất bật chạy lên chùa thắp nhang lạy Phật cầu nguyện và dự lễ cài hoa hồng mà gọi là đủ. Chúng ta hãy yêu thương mẹ ngay trong từng phút giây của sự sống để thấy mình còn diễm phúc có được mẹ hiền. Đời còn mẹ là còn nhựa sống và tràn đầy ý nghĩa.

Kính thưa quí vị!

“Cây khô đâu dễ mọc chồi,
Cha mẹ đâu dễ sống đời với ta.
Non xanh bao tuổi mà già,
Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu.”

chúng ta dẫu có biết rằng cuối cùng của kiếp người là cái chết, rồi tất cả sẽ trở về với cát bụi ngàn thu, nhưng vẫn không sao tránh khỏi nỗi đau đớn trong lòng khi biết rằng mai này cha mẹ sẽ không còn nữa. Do đó, chúng ta phải dành cho cha mẹ tất cả những gì chúng ta có được. Từ vật chất đến tinh thần, chúng ta hãy dâng lên cho cha mẹ.

Ở đây, sự thành kính phụng dưỡng mới là điều cần thiết. Tuy nhiên, sự hiếu thảo theo thế gian chỉ dừng lại trên bề mặt cuộc sống. Không khéo chúng ta sẽ gây thêm tội nghiệptuổi già chuốc não phiền. Cho nên, theo tinh thần của đạo Phật, bổn phận làm con phải khuyến khích cha mẹ quay về với Chánh đạo, phát tâm lành qui y Tam Bảothọ trì Năm giới, để tuổi giànơi nương tựa tâm hồn. Hướng dẫn cha mẹ quay về với cuộc sống tâm linh tốt đẹpphương cách báo ân chu toàn hơn hết.

Và thương cha mẹ, lo cho cha mẹ thì không gì hơn là giúp người hiện tại sống được an ổn, cõi lòng thanh thản, mai sau được an nhàn giải thoát. Chúng ta đừng nghĩ rằng khi cha mẹ mất rồi làm tang lễ cho linh đình, cúng giỗ cho to mà bảo là có hiếu thì quả là một sai lầm lớn.

“Sống thì con chẳng cho ăn,
Chết rồi xôi thịt làm văn tế ruồi.”

Đó là một thực trạng đáng buồn mà ít nhiều chúng ta thường vấp phải.

Nhưng hôm nay đây đã là đệ tử Phật, chúng ta phải hiểu cho thấu đáo vấn đề báo hiếu. Vâng! Ngoài việc phụng dưỡng sớm thăm tối viếng, lo cho cha mẹ đầy đủ vật thực cần dùng trong lúc tuổi già, chúng ta nên động viên, khuyến khích cha mẹ tìm nguồn an lạc tâm hồn trong vấn đề tu thiện. Được như vậy mới có thể tạm gọi là phần nào đáp đền thâm ân cha mẹ.

Kính thưa quí vị!

Tấm lòng của cha mẹ bao la như trời cao biển rộng. Bổn phận làm con, chúng ta phải hết lòng báo đáp. Nếu không, sẽ có lúc chúng ta phải khóc than cho sự muộn màng này. Bởi vì “mẹ là ánh sáng, là ngọn đèn thắp sáng bằng máu con tim, là đốm lửa thiêng liêng cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối”, soi sáng nẻo con về.

Vậy, chúng ta hãy mau mau trở về mà nắm lấy tay mẹ để thấy đời còn hạnh phúc:

“Mẹ cho con nắm bàn tay,
Bàn tay mẹ ẵm con ngày xa xưa.
Mẹ ơi! Nếu lỡ một mai
Mẹ về với đất tay ai con cầm?”

Nhưng hỡi ôi! Trong chúng ta đây có những người bất hạnh không còn có mẹ hiền để nắm lấy bàn tay yêu thương trìu mến nữa. Bàn tay mà mẹ đã từng chắt chiu dắt con qua mấy nhịp cầu tre lắt lẻo đến trường nay còn đâu nữa. Tay con chới với buông thõng vào hư vôbàng hoàng nhìn lên ngực áo “đóa hoa hồng từ nay hóa trắng”, trắng nỗi niềm nhớ mẹ da diết tâm hồn.

Kính thưa quí vị!

Trong giờ phút thiêng liêng của ngày Vu Lan báo hiếu, chúng ta hãy dành trọn tấm chân tình tưởng niệm ân đức cao dày của hai đấng sanh thành. Và hãy cùng chung vui hạnh phúc với nhưng ai còn có mẹ hiền, còn có mẹ để cài hoa hồng đỏ thắm. Nhưng cũng đừng quên chia sớt nỗi ngậm ngùi với những ai mất mẹ đứng bơ vơ nhìn đóa hoa hồng trắng.

một lần nữa, chúng ta hãy dành một phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn cha mẹ. Và để cùng nhau:

“Ngâm câu thơ cũ trời quê mẹ,
Ran tiếng chim chuyền nhành quýt tơ.
Mẹ như nhánh rẽ dòng sông nhỏ,
Mang hạt phù sa tưới đất quê.”

(Võ Đình Hồng)

Đồng thời, chúng con thành kính dâng lên cha mẹ nỗi niềm sâu kín:

“Mẹ ơi! năm tháng còn văng vẳng,
Tiếng hát ầu ơ của mẹ ru.
Từ thuở xa xưa giờ thấm lại,
Trong lòng con trẻ đẹp thiên thu.”

Hỡi các anh, các chị, các em, đóa hoa hồng vừa cài lên áo đó, chúng ta hãy cùng nhau vui bước về bên mẹ hiền, dẫu có muộn màng nhưng vẫn còn hơn. Chúng ta hãy về và ngậm ngùi chia sẻ nỗi mất mát lớn lao với những người không còn mẹ.

“Thu sang lá rụng sân chùa cũ,
Mà mẹ ra đi chẳng trở về.
Lắng tiếng chuông ngân hòa nhịp mõ,
Nghe lòng chết lịm nỗi đau tê.”

(Khương Vi)

Kính bạch Chư tôn thiền đức!

Kính thưa quí Phật tử!

“Vì biết cuộc đời khổ với không,
Nên con gác lại mối thương lòng.
Hoằng dương chánh pháp đền ơn nặng,
Cúc dục sanh thành thỏa ước mong.”

(Lệ Ngọc)

Và giờ đây, trong buổi lễ trang nghiêm của ngày Vu Lan Thắng Hội, một lần nữa, kính mời quí vị, chúng ta hãy cùng nhau chắp tay tưởng niệm và đảnh lễ cha mẹ, thành kính dâng lên lời sám tội và phát nguyện rằng: đời này và mãi mãi cùng tột đời vị lai, chúng ta sẽ là những con thảo, cháu hiền, để bao nhiêu người mẹ trên thế gian này không còn đau khổ vì những đứa con vong ân bội nghĩa nữa.

Chúng ta hãy thành tâm hướng về hình ảnh đức Đại Hiếu Mục-kiền-liên, niệm hồng danh Ngài 3 lần để cầu Ngài chứng minh cho lòng hiếu thảo của chúng ta, và cầu Ngài gia hộ cho cha mẹ hiện tiền được nhiều phúc lạc, thác rồi sớm được siêu sanh.

Nam Mô Đại Hiếu Mục-kiền-liên Bồ Tát Ma-ha-tát

(3 lần)

THIỀN VIỆN SƠN THẮNG

Mùa Hạ 2001 - PL: 2545


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 25705)
Trăng bồng bềnh trên ngàn thông Và thềm đêm vắng lạnh, khi âm xưa trong veo từ các ngón tay anh đến. Giai điệu cổ luôn khiến người nghe rơi nước mắt, nhưng nhạc Thiền ở bên kia tình cảm.
(Xem: 37907)
“Teachings from Ancient Vietnamese Zen Masters” là bản dịch tiếng Anh nhiều bài thơ, bài kệ và bài pháp của chư tôn thiền đức Phật Giáo Việt Nam từ ngài Khương Tăng Hội ở thế kỷ thứ 3 sau Tây Lịch...
(Xem: 19646)
Hiển Tông Ký là ghi lại những lời dạy về Thiền tông của Thiền sư Thần Hội. Còn “Đốn ngộ vô sanh Bát-nhã tụng” là bài tụng về phương pháp tu đốn ngộ để được trí Bát-nhã vô sanh.
(Xem: 18730)
Uyển Lăng Lục là tập sách do tướng quốc Bùi Hưu ghi lại những lời dạy của thiền sư Hoàng Bá lúc ông thỉnh Ngài đến Uyển Lăng, nơi ông đang trấn nhậm để được sớm hôm thưa hỏi Phật pháp.
(Xem: 14311)
Nói Thiền tông Việt Nam là nói Phật giáo Việt Nam. Và những bậc cao tăng làm sáng cho Phật Giáo, làm lợi ích cho dân tộc từ thế kỷ thứ VI mãi đến nay đều là các Thiền sư.
(Xem: 20147)
Chư Phật cùng tất cả chúng sanh chỉ là một tâm, không có pháp riêng. Tâm nầy từ vô thủy đến nay không từng sanh không từng diệt...
(Xem: 9534)
Kinh có ghi lại một cuộc đối thoại giữa du sĩ khổ hạnh Vacchagotta với đức Thế Tôn, và cuộc đối thoại này rất thiền.
(Xem: 14397)
Trì Châu Nam Tuyền Phổ Nguyện Thiền Sư quê ở Tân Trịnh, Trịnh Châu, họ Vương, theo Đại Hoè Sơn, Đại Huệ thiền sư xuất gia, đến Tung Nhạc thọ giới cụ túc.
(Xem: 35631)
Tám vạn bốn ngàn pháp môn thảy đều do một tâm mà khởi. Nếu tâm tướng trong lặng như hư không, tức ra khỏi thân tâm.
(Xem: 10668)
Trên núi Linh Thứu ngày nọ, trước một cử toạ gồm 1.250 Tì kheo, thay vì thuyết pháp Đức Phật chỉ cầm lên một cành hoa. Ngài se cành hoa ấy giữa mấy ngón tay, và im lặng.
(Xem: 19752)
Quyển Hai quãng đời của Sơ tổ Trúc Lâm do chúng tôi giảng giải, để nói lên một con người siêu việt của dân tộc Việt Nam.
(Xem: 23239)
Hôm nọ, Phật ở trong hội Linh-sơn, tay cầm cành hoa sen đưa lên, cả hội chúng đều ngơ-ngác. Chỉ có ngài đắc ý chúm chím cười (niêm hoa vi tiếu)...
(Xem: 13391)
Thiền sư Khánh Hỷ (1067–1142) thuộc dòng thứ 14, thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Sư họ Nguyễn, quê ở Cổ Giao, huyện Long Biên, thuộc dòng tịnh hạnh, từng được vua Lý Thần Tông phong chức Tăng Thống.
(Xem: 10790)
“Chân như Đạo Phật Nhiệm mầu, Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân, Hiếu là độ được song thân, Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài…”
(Xem: 20284)
Bát-nhã tâm kinh (prajñāpāramitāhṛdayasūtra) là một bản văn ngắn nhất về Bát-nhã ba-la-mật (prajñā-pāramitā). Trong bản Hán dịch của Huyền Trang, kinh gồm 262 chữ.
(Xem: 10629)
Tôi rất cảm phục BS Thynn Thynn khi bà đã tận tình giải thích thấu đáo, trong quyển sách của bà, về cách sống tỉnh giác trong đời sống thường ngày.
(Xem: 9999)
Hoài niệm về tấm lòng yêu thương của cha mẹ nhân mùa Vu Lan.
(Xem: 14905)
Mùa Vu-lan báo hiếu vào tiết Trung Nguyên tháng bảy âm lịch hằng năm, xuất phát từ tích ngài Mục-kiền-liên cứu mẹ...
(Xem: 17711)
Trong các sinh hoạt nhân gian của truyền thống ta, tháng bảy là tháng đượm nhiều sắc thái văn chương nhất. Tháng bảy, mưa ngâu, nhịp cầu ô thước bắt qua giải Ngân-hà...
(Xem: 17636)
Rằm tháng bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng bảy có nhiều ý nghĩa...
(Xem: 13230)
Phàm là bậc Sa-môn Thích tử, nhất định phải lấy việc hướng thượng làm tông chỉ, lìa bỏ các duyên, sống đời đạm bạc...
(Xem: 31207)
Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ Cha công dưỡng dục, Mùa Báo Hiếu bùi ngùi thương Mẹ đức cù lao
(Xem: 25821)
Trong hệ thống giáo điển Phật đà, cả Nam truyền và Bắc truyền đều có những bài kinh, đoạn kinh nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ rất là cảm động.
(Xem: 14005)
Con đang ở lại trần gian trong bầu không khí Đạo pháp hơn 2000 năm. Nhưng kinh sách thiên vạn quyển cũng không bằng được sống bên bậc danh Tăng thạc đức trong ngôi nhà Vạn Hạnh.
(Xem: 17542)
cho dù nghiệp quả của thời quá khứ có nghiệt ngã cỡ nào, trong thời hiện tại ta cứ việc làm tốt, bảo đảm tương lai của ta sẽ an lạc...
(Xem: 11012)
Không đo không lường được tình thương, người ta thường lấy vẻ bao la của trời biển để tạm so sánh. Nhưng kỳ thực, trời và biển có những giới hạn, biên tế.
(Xem: 12319)
Trong truyền thống Phật giáo Trung Hoa-Nhật Bản, hệ thống giáo lý Trung quán và Du-già Duy thức tông đã được xem là cùng đi song song và đối nghịch với nhau.
(Xem: 10495)
Vu Lan phiên âm từ Phạn ngữ Ullambana, Trung Hoa dịch là “Giải đảo huyền” có nghĩa là cởi mở những cực hình hay giải thoát những khổ đau trong 3 cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
(Xem: 12298)
Tôi xin rất thận trọng để nói rằng, tư liệu tôi dựa vào để viết đa phần thuộc Tam Tạng Pāḷi văn, và một số nguồn được lấy từ tiếng Anh cùng một hệ Nam tông..
(Xem: 11795)
Gia đình tôi đầy những câu chuyện này… Có những hành giả vĩ đại như cha tôi và bác tôi, những người thực hành từ trái tim và có năng lực thực sự...
(Xem: 9654)
Nếu cái nhìn tâm linh của mình mà không trải ra đến bờ cõi xa xôi nhất thì “thiện đức” của y không phải là “thiện đức” thứ thiệt...
(Xem: 12380)
Khảo sát về “Năm đức của người xuất gia” để thấy được những nét cao đẹp trong đời sống phạm hạnh, từ đó mà có ra lối hạnh xử ứng hợp với phước điền của pháp phục...
(Xem: 9225)
Con đường Trung đạo Thiền định, không phải chỉ dành riêng cho Thiền tông không đâu, mà chúng dành chung cho tất cả các tông phái Phật giáo trong đó có Tịnh độ tông, và Mật tông.
(Xem: 8520)
Trần Thái Tông là vị vua đầu của triều Trần. Ngài là đệ tử của thiền sư Viên Chứng trên núi Yên Tử. Ngài vừa làm vua vừa thực tập thiền.
(Xem: 9992)
Đây là một trong nhiều pháp môn của Phật, mà đặc điểm là dể tu, dể chứng, rất thích hợp với đại đa số quần chúng...
(Xem: 9782)
...Từ tầm nhìn đúng, hành động đúng, sẽ đưa đến kết quả đúng như ý muốn. Khi làm một công việc gì, thông thường chúng ta phải biết trước rồi làm sau, như vậy sẽ có kết quả tốt.
(Xem: 12064)
Tây Tạng bắt đầu chịu ảnh hưởng của Phật giáo vào thế kỷ thứ 7 trong triều đại của vua Songtsen Gampo.
(Xem: 14497)
Tịch Hộ đã đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8, cho nên đến thế kỷ 11 truyền thống Na Lan Đà đã được thiết lập một cách vững vàngTây Tạng.
(Xem: 9923)
Theo nghĩa thông thường, đắc pháp có nghĩa là đắc pháp nhãn tịnh, chứng ngộ, không còn kiến thủ, giới cấm thủnghi ngờ Tam bảo, không còn trần sa hoặcphiền não vi tế, tức khắc thành Phật...
(Xem: 11229)
Tranh Đại Thừa vẽ con trâu đen. Lần lượt qua từng bước họa, trâu đen trổ trắng lần lần, trắng từ trên đỉnh đầu, lan dần xuống mình, rồi chót đuôi.
(Xem: 8335)
Tất cả pháp hữu vi, Như mộng, huyễn, bọt, ảnh, Như sương, như ánh chớp, Hãy quán sát như vậy.
(Xem: 10992)
Là một trong những dòng Kagyu, dòng truyền thừa Drikung Kagyu do Đạo sư tâm linh vĩ đại Kyobpa Jigten Sumgon sáng lập 852 năm trước.
(Xem: 14134)
Dharma tức là Đạo Pháp của Đức Phật thì lại nhất thiết chủ trương một sự buông xả để giúp con người trở về với chính mình...
(Xem: 9943)
Các bạn có thể bắt đầu pháp quán niệm hơi thở (anapana sati, a-na-pa-ná sa-tị) bằng cách định tâm vào hơi thở vào, hơi thở ra tại lỗ mũi hay ở môi trên.
(Xem: 15246)
“Con người thường trở thành cái mà họ muốn. Nếu tôi cứ nghĩ rằng tôi không thể làm được điều ấy, thì chắc chắn rút cuộc tôi sẽ không làm được gì..."
(Xem: 13107)
Bài viết này khám phá những khả năng của học thuyết và sự hành trì của Phật giáo đã được áp dụng vào cuộc sống hàng ngày trong suốt hơn 2.500 năm...
(Xem: 23128)
156 vị Tăng Ni đã về Phật Học Viện Quốc Tế từ ngày 15 để bắt đầu cho khóa An cư vào lúc 5 giờ sáng ngày mai, 16 tháng 06 năm 2014.
(Xem: 24060)
Vào dịp lễ Vu-lan Thắng hội, Phật tử có tục lệ cúng thí người chết. Dưới đây Tập san trích dịch đoạn kinh có liên hệ đến ý nghĩa cúng thí này.
(Xem: 12602)
Hầu như bất cứ sách nào viết về Thiền tập Phật giáo thời kỳ sơ khai cũng nói với bạn rằng Đức Phật giảng dạy hai kiểu thiền tập: Thiền chỉThiền quán
(Xem: 15456)
Theo Kim Cương thừa, chúng bị rơi vào cõi sinh tử bất tận này bởi những nhận thức bất tịnh.
(Xem: 17823)
Sự Thực Hành Guru Yoga Theo Truyền Thống Longchen Nyingthig
(Xem: 15099)
Theo Mật giáo, trong vũ trụ có ẩn tàng những thế lực siêu nhiên; nếu ta biết sử dụng những thế lực siêu nhiên kia thì ta có thể đi rất mau trên con đường giác ngộ, thành đạo.
(Xem: 16585)
Mật tông là một nền văn hóa đặc sắc của Phật giáo Đại thừa giai đoạn cuối, còn gọi là Mật giáo hoặc Bí mật giáo, Chân ngôn tông, Kim cang thừa, Mật thừa, Quả thừa v.v..
(Xem: 16126)
“Con lớn rồi vẫn là con của mẹ, Suốt cuộc đời mẹ vẫn theo con…”
(Xem: 17684)
Vào đầu thế kỷ XV, ngụy tạo danh nghĩa diệt Hồ phù Trần, nhà Minh sai bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh đem quân đánh chiếm nước ta.
(Xem: 11629)
Tinh thần hiếu hòa với lân bang, ông cha ta từng thể hiện, nhưng không vì thế mà phải hy sinh quyền lợi của dân tộc.
(Xem: 11638)
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc là một ngày lễ hội mang tính văn hóa và nhân văn ở tầm mức quốc tế của tổ chức Liên Hiệp Quốc.
(Xem: 17886)
Thông Điệp Đại Lệ Phật Đản Vesak 2014 của Tổng Thư Ký Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc 2014 PL. 2558... Ban Ki Moon
(Xem: 10812)
Nền khoa học tiên tiến phát triển với tốc độ vũ bão tại các nước văn minh. Khoa học phát triển đã chứng minh được những điều Phật dạy...
(Xem: 10543)
Chúng ta đã có phước đức được sanh trong một thế giới nơi đã có một Đức Phật đến và dạy Pháp... Mặc Phương Tử
(Xem: 11362)
Trong vô lượng pháp môn tu ấy, nhìn chung Thiền và Tịnh đều được coi là phổ cập nhiều nhất hiện nay, nhất là các nước Á đông... Võ Thị Thanh Thảo
(Xem: 12105)
Thiền Lâm Tế Nhật Bản - Nguyên tác: Matsubara Taidoo; Việt dịch: HT Thích Như Điển
(Xem: 11080)
Chư vị Tổ sư trong khoảng thời gian diệu ngộ, tâm tư bay bổng thênh thang như trời mây... Hạnh Huệ; Thuần Bạch dịch
(Xem: 36458)
Cuộc đời của thiền sư Bạch Ẩn là bức tranh sống với câu chuyện ―Thế à! cho đến bây giờ vẫn được nghe kể. Biên dịch lại là góp thêm công hạnh của Ngài.
(Xem: 8994)
Từ thế giới biến đổi vô cùng của thời gian, xuyên suốt qua từng hiển hiện của không gian, từ đỉnh cao ngút ngàn đi lại của tâm thức, đến chốn không cùng của uyên nguyên... Như Hùng
(Xem: 9716)
Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát giảng; Bồ Tát giới đệ tử Thường Nhiếp kết tập; Cư Sĩ Như Hòa dịch Việt
(Xem: 34764)
Tăng đoàn thực hành đúng Pháp và Luật của Phật đã chế định trong sự cùng nhau cộng trú hòa hợpthanh tịnh, cùng nhau giải tán trong sự hòa hợpthanh tịnh.
(Xem: 17299)
Đi đến nước cùng non tận chỗ, Tự nhiên được báu chẳng về không... Thích Tâm Hạnh
(Xem: 10263)
Quyển sách này là một phần trong bộ sách Niệm Phật Pháp Yếu do Cư sĩ Mao Dịch Viên tuyển tập... Thích Minh Thành dịch
(Xem: 10501)
Tác phẩm “Thiền Tông Chỉ Nam” hay còn gọi là “La Bàn Thiền” này, chủ yếu dựa trên các cuộc Pháp thoại của Thiền sư Sùng Sơn qua sự trình bày giáo lý căn bản của Phật giáo... Thích Giác Nguyên dịch
(Xem: 12224)
Đối với người mới tập thiền, không nên ngồi thiền trong lúc qúa no đói, có bệnh, thiếu ngủ, khát nước, quần áo qúa chật, qúa nóng lạnh, qúa ồn ào, không có tọa cụ... Toàn Không
(Xem: 13672)
Thuyết Giảng Mỗi Chiều Chủ Nhật Tại Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo... HT Thích Huyền Dung
(Xem: 14702)
Mật thừa xem thấy thế giới gồm những yếu tố và những tương quan tương phản, đối kháng: bản thểhiện tượng, tiềm năng và biểu lộ, nhân và quả...
(Xem: 9192)
Thiền viết đầy đủ là thiền na, phiên âm từ phạn ngữ dhyana, có nghĩa là tư duy suy xét về một đối tượng tâm thức... Hư Thân Huỳnh trung Chánh
(Xem: 24869)
Thiền Luận - Tác giả: Daisetz Teitaro Suzuki; Quyển Thượng, Dịch giả: Trúc Thiên; Quyển Trung và Hạ, Dịch giả: Tuệ Sỹ
(Xem: 11674)
Thể của tâm lìa tất cả niệm, nghĩa là vốn vô niệm. Nó như hư không, không chỗ nào mà chẳng toàn khắp... Nguyễn Thế Đăng
(Xem: 10356)
Thật cần yếu để học hỏithành đạt trong sự học vấn. Rèn tâm là một tiến trình làm cho quen thuộc... Đạt Lai Lạt Ma; Tuệ Uyển dịch
(Xem: 15978)
12 lời nguyện niệm Phật này, nhằm giúp cho Phật tử có định hướng trong việc tu tậpchí nguyện để về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-Di-Đà... Thích Chân Tính
(Xem: 15611)
Thư cho người em Tịnh độ là một bộ luận nhỏ, gom nhặt những yếu nghĩa của Tông Tịnh độ, chia thành từng bài nhỏ, mỗi bài là một chủ đề... Thích Hồng Nhơn
(Xem: 14544)
Nghĩa Huyền Thiền Sư hiệu là Nghĩa Huyền Hình, quê quán ở Nam Hoa Tào Châu, Thích Duy Lực dịch
(Xem: 13032)
Nguyên tác của Hoài Hải Thiền Sư; Việt dịch Thích Duy Lực, Từ Ân Thiền Ðường Hoa Kỳ Xuất Bản 1992
(Xem: 12469)
Tác giả huý HOÀI HẢI, họ VƯƠNG, người Trường Lạc, Phước Châu, sanh năm Khai Nguyên thứ 12 đời Đường Huyền Tông (CN 724)... Thích Duy Lực dịch
(Xem: 14614)
Choden Rinpoche là một trong những Lạt ma phái Gelug cao cấp nhất, trước năm 1985 ngài hầu như không được biết tới ở ngoài xứ Tây Tạng... Thanh Liên
(Xem: 18392)
Đi vào cửa Pháp: Tuyển tập Giáo huấn của các Đạo sư Tây Tạng - Bản dịch Việt ngữ của Liên Hoa & Thanh Liên
(Xem: 9593)
Tìm Phật ở đâu? Trăm ngàn kẻ điên đi tìm Phật, nếu có tìm thấy một người thì đó cũng không phải là Phật... Dương Đình Hỷ
(Xem: 18562)
Con Đường dẫn đến Phật Quả là một trong những sự giới thiệu tuyệt hảo cho giáo lý của Phật giáo Tây Tạng được sử dụng ngày nay.
(Xem: 18635)
Chỉ vì tín lực chẳng sâu nên thắng nghiệp chìm trong hữu lậu, lại muốn bỏ pháp này để chọn pháp khác, lầm lạc lắm thay!... Như Hòa dịch
(Xem: 19067)
Kính nghĩ, đức Thích-ca mở ra vận hội lớn làm lợi ích rộng lớn cho chúng sinh có duyên, xiển dương giáo pháp tùy theo mỗi quốc độ khiến pháp nhũ thấm nhuần khắp cả... Nguyên Trang dịch
(Xem: 18871)
Pháp Niệm Phật Tam Muội xét về nguồn gốc là từ Viễn Tổ (tổ Huệ Viễn) đề xướngLô Sơn, sáng khởi Liên Xã sáu thời tịnh hạnh, trở thành quy củ cao đẹp cho muôn đời... Như Hòa
(Xem: 11847)
Những ngày đầu xuân, thay vì chào đón mùa xuân mới bằng nụ cười tươi mát, chúng ta lại bắt đầu bằng sự sợ hãi, âu lo vì: năm nay là năm tuổi!... Thiện Ý
(Xem: 13366)
Ở quê anh mới tới đây, Việc quê anh biết đổi thay thế nào. Hôm đi, trước cửa buồng thêu, Cây mai mùa lạnh nở nhiều hoa chưa?... Hoang Phong
(Xem: 48018)
Đêm nay ngày lành Nguyên Đán Giờ nầy phút thiêng Giao thừa. Tuân lệ cổ tục ngày xưa Mở cửa nghinh Xuân tiếp phước. Truyền thừa di phong thuở trước...
(Xem: 11083)
Năm ngựa đến. Người ta hay chúc nhau "mã đáo thành công“. Mã là ngựa, đáo là đến nơi, ngựa đến thì thành công đến... Nguyên Đạo Văn Công Tuấn
(Xem: 13589)
Chúc phúc là ứng xử văn hóa nhằm sẻ chia và gửi gắm những ước mơ hay khát vọng sống thanh cao, thánh thiện... Chúc Phú
(Xem: 13074)
Từ chiều ba mươi, bàn thờ Phật ở mỗi nhà đã sạch sẽ, nhiều hoa tươi, trái cây; người nghèo chỉ cần thành kính dâng lên ly nước trong cũng khiến chư Phật hết lời khen ngợi... Nhụy Nguyên
(Xem: 11099)
Tết Nguyên Đánlễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới... Ngọc Nữ
(Xem: 12586)
Hễ muốn có lộc thì phải gieo nhân. Một khi nhân đã gieo trồng thì tương lai cảm quả sẽ không sai khác, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu... Tịnh Thủy
(Xem: 11074)
Nụ cười của Ngài thực là lạ! Cười gì mà căng hết cả đường gân sớ thịt của khuôn mặt. Cười gì mà phô ra ngoài hết tất cả hàm răng, cả đầu lưỡi... Hạnh Phương
(Xem: 31824)
Noi gương Hưng Đạo, Quang Trung, Chúng ta không thể mất vùng Hoàng Sa, Nam Quan Bản Dốc ngời ngời, Hao mòn một tất tội đời khó dung... Đào Chiêu Vọng
(Xem: 11708)
Tìm kiếm mùa xuân ở đâu xa, An lạc nào hơn xuân trong nhà, Hàm tiếu nụ cười Xuân Di Lặc, Hành nụ cười này, Xuân trong ta... Thích Viên Giác; TVG PhiLong
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant