- Phẩm Thứ Nhất Khuyến Phát
- Phẩm Thứ Hai Phát Tâm
- Phẩm Thứ Ba Nguyện Thệ
- Phẩm Thứ Tư Đàn Ba La Mật
- Phẩm Thứ Năm Thi Ba La Mật
- Phẩm Thứ Sáu Sằn Đề Ba La Mật
- Phẩm Thứ Bảy Tỳ Lê Gia Ba La Mật
- Phẩm Thứ Tám Thiền Na Ba La Mật
- Phẩm Thứ Chín Bát Nhã Ba La Mật
- Phẩm Thứ Mười Như Thật Pháp Môn
- Phẩm Thứ Mười Một Không Vô Tướng
- Phẩm Thứ Mười Hai Công Đức Trì
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM KINH LUẬN
Bồ Tát Thế Thân tạo
Tam Tạng Pháp Sư Cưu La Ma Thập dịch Hán
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân dịch Việt
PHẨM
THỨ MƯỜI HAI
CÔNG ĐỨC TRÌ
Bồ Tát tu trọn đủ tâm vô tướng, song tam chưa từng trụ nơi tác nghiệp. Bồ Tát này biết các nghiệp tướng mà vẫn cứ làm, vì tu thiện căn cầu Bồ Đề nên không xả bỏ hữu vi, vì các chúng sinh (mà) tu đại bi nên không trụ vô vi, vì chân diệu trí của tất cả chư Phật nên không xả bỏ sinh tử, vì độ vô biên chúng sinh sao cho không còn chút sót nên không trụ Niết Bàn. Như thế gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát thâm tâm cầu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Chư Phật tử, Bồ Tát thành tựu mười pháp, sẽ không sao thối thất vô thượng Bồ Đề. Những gì là mười?
- Một là Bồ Tát thân phát tâm vô thượng Bồ Đề, giáo hoá chúng sinh cũng khiến họ phát tâm.
- Hai là thường ưa thích được gặp Phật, đem những gì mình quý ra phụng thí cúng dường (để) gieo trồng thiện căn một cách thâm sâu
- Ba là do vì cầu pháp nên đem tâm tôn kính cúng dường pháp sư, nghe pháp không biết chán.
- Bốn là nếu thấy Tỳ kheo tăng bị phân chia thành hai bộ, tranh tụng cùng nhau, cùng gây lỗi lầm với nhau, thời cần cầu phương tiện khiến họ hoà hợp
- Năm là nếu thấy cõi nước nào tà ác tăng thượng Phật pháp muốn hoại, thời có thể đọc, tụng, nói, dù chỉ là một bài kệ khiến cho Phật pháp không dứt tuyệt, chuyên tâm hộ pháp không tiếc thân mạng.
- Sáu là thấy các chúng sinh sợ hãi khổ não, thời sẽ cứu giúp đem vô uý thí cho họ.
- Bảy là phát tinh cần tu hành, cầu các kinh pháp thậm thân thuộc Bồ Tát tạng phương đẳng Đại Thừa.
- Tám là đắc pháp này rồi thọ trì đọc tụng thật hành y như kinh nói mà thật hành, y như kinh nói mà trụ.
- Chín là tự trụ vào pháp cũng có thể khuyến đạo khiến cho nhiều chúng sinh nhập vào pháp này.
- Mười là nhập vào pháp rồi có thể vì người mà giải nói, dạy bày (cho được) lợi ích (mà) vui mừng, khai ngộ chúng sinh.
Bồ Tát thành tựu mười pháp như thế, rồi ra sẽ không thối thất đối với vô thượng Bồ Đề. Bồ Tát cần phải tu hành (theo) kinh này như thế. Các kinh điển như thế là không thể suy lường, chính là những gì có thể sinh được tất cả các mầm đại từ bi. Kinh này có thể khai ngộ dẫn đạo các chúng sinh bị trói buộc hoàn toàn, khiến họ phát tâm. Kinh này có thể vì các người hướng về Bồ Đề mà làm sinh nhân. Kinh này có thể thành hạnh không động của tất cả các Bồ Tát. Kinh này có thể là nơi hộ niệm của chư Phật thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai.
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, muốn chăm chỉ tu tập vô thượng Bồ Đề thì phải tuyên nói rộng rãi ban hành các kinh điển như vậy, làm cho không đoạn tuyệt nơi Diêm Phù Đề, khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh được nghe kinh này. Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào nghe kinh này, thì các người ấy trọn được khối đại trí huệ không thể suy lường hết sức ích lợi, và quả báo phúc đức không thể lường nổi. Cớ sao như vậy? Kinh này có thể khai mở vô lượng mắt huệ thanh tịnh, có thể khiến mầm Phật nối tiếp không đoạn, có thể cứu vô lượng chúng sinh khổ não, có thể chiếu sáng tất cả các vô minh si ám, có thế phá bốn ma và các nghiệp ma, có thể phá hoại tất cả các tà kiến của ngoại đạo, có thể diệt tất cả khối lửa lớn phiền não, có thể làm tiêu hết nhân duyên sinh khởi các hành, có thể đoạn tham tiếc, phá giới, sân khuể, giải đãi, loạn ý, ngu si, sáu bệnh cực nặng ấy, có thể trừ diệt nghiệp chướng, báo chướng, pháp chướng, phiền não chướng, chư kiến chướng, vô minh chướng, trí chướng, tập chướng. Tóm yếu mà nói, kinh này có thể làm cho tất cả các ác pháp tiêu diệt không còn chút nào, có thể làm cho tất cả các thiện pháp bùng lên tăng trưởng.
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe kinh này rồi hoan hỉ ưa thích sinh tâm hi kỳ, phải biết người ấy đã từng cúng dường vô lượng chư Phật (nên đã) trồng sâu thiện căn. Cớ sao như vậy? Kinh này là chỗ qua lại của chư Phật ba đời, cho nên hành giả nghe được kinh này, phải tự mừng vui thấy may mà đạt được thiện lợi lớn.
Nếu có ai biên, chép, đọc, tụng kinh này, phải biết phúc báo người ấy có được là vô lượng vô biên. Cớ sao như vậy? Do sở duyên của kinh này vô biên, do (kinh) hưng khởi vô lượng đại thệ nguyện, do (kinh) nhiếp thọ tất cả các chúng sinh, do (kinh) trang nghiêm vô thượng đại Bồ Đề, cho nên phúc báo có được cũng y như thế không có hạn lượng. Nếu (ai) có thể hiểu ý nghĩa của kinh, theo lời kinh nói mà tu hành, thời tất cả chư Phật trong suốt a tăng tỳ kiếp dùng vô tận trí để nói về phúc báo (của người) ấy cũng không nói tận hết được.
Nếu có pháp sư nói đến chỗ kinh này, phải biết trong (chỗ) ấy liền phải dựng tháp. Tại sao vậy? Bởi là nơi xuất sinh chân thật chính pháp. Kinh này tuỳ ở nước nào, thành, ấp, xóm, làng, chùa, miếu, tịnh xá, phải biết trong (các chỗ) ấy chính là có pháp thân. Nếu có ai cúng dường hương, hoa, âm nhạc, lụa treo, phan cái, ca ngâm tán thán, chắp tay cung kính (đối với kinh ấy), phải biết người ấy đã nối tiếp giống Phật, huống gì lại thọ trì kinh một cách trọn đủ. Các người như thế thành tựu công đức , trí huệ trang nghiêm, trong đời vị lai, sẽ được thọ ký, quyết định sẽ thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Thầy
Thích Nhất Chân Việt dịch
18/1/94