10
HỒI HƯỚNG
Chương cuối này của Bồ Tát Hạnh là sự hồi hướng công đức cho lợi lạc của tất cả chúng sanh.
1. Bằng tất cả đức hạnh nào tôi đã tích lũy ở đây
Từ việc biên soạn bài ca này,
Sự hướng dẫn này để đi vào Bồ tát đạo
Nguyện cho mọi người bắt đầu bước lên con đường đi đến Phật tánh.
2. Nguyện cho những chúng sanh ở bất cứ nơi đâu
Đang bị hành hạ bởi những khổ đau của tâm và thân,
Nhờ công đức này đều có được
Niềm vui và hạnh phúc vô biên.
3. Ngày nào họ còn lây lất trong sanh tử,
Nguyện rằng niềm vui của họ không biết đến sự suy vi
Và trong dòng tương tục không đứt đoạn
Nguyện họ nếm được lạc phúc không gì vượt hơn.
Trong ngày cuối này tôi muốn cám ơn tất cả cho đến bây giờ đã tham dự những lời dạy này. Tôi đã muốn đưa ra một bình giảng chi tiết hơn về chương chín, chương trí huệ, nhưng đã không đủ thời gian. Tuy nhiên, việc ấy đem lại một lý do chánh đáng để trở lại nước Pháp, và tôi quyết định trở lại để chúng ta có thể dùng một tuần lễ chỉ nghiên cứu về chương chín.(44)
Tất cả các bạn ở đây, những người bạn tâm linh với một mối quan tâm đích thực những lời dạy của Phật, xin hãy nghiên cứu và thực hành càng nhiều càng tốt. Kiến thức và hiểu biết căn bản các bạn đã có về chủ đề tánh Không sẽ làm cho sự thực hành của các bạn dễ dàng hơn nhiều. Sự hiểu biết về tánh Không này sẽ còn mạnh mẽ hơn nếu nó được đặt nền trên sự thực hành về vị tha. Vì Shantideva viết Bồ Tát Hạnh ban đầu như một cẩm nang cho những hành giả hơn là một khảo luận lý thuyết, chúng ta nên làm hết mức để áp dụng những lời dạy về tính không ích kỷ này. Sống cho những người khác là quan trọng bao la đối với tất cả chúng ta, bất kể niềm tin tôn giáo nào của chúng ta.
Tất cả chúng ta ở đây trên hành tinh này, quả thế, như những người du lịch. Không ai trong chúng ta có thể sống ở đây mãi mãi. Chúng ta sống lâu nhất cũng chỉ một trăm năm. Thế nên khi chúng ta còn ở đây chúng ta nên cố gắng có một lòng tốt và làm cái gì tích cực và ích lợi cho cuộc đời chúng ta. Hoặc chúng ta sống chỉ vài năm hay cả một thế kỷ, thật sự đáng tiếc hay đáng buồn nếu chúng ta tiêu phí thời gian đó để làm nặng nề thêm những vấn đề chúng tác hại đến những người khác, thú vật và môi trường. Điều quan trọng nhất là làm một người tốt.
Tôi đã nhận thấy vài người bạn cũ trong các bạn ở đây, những vị tăng ni người Tây phương đã thực hành và giữ nguyện xuất gia hơn mười lăm năm, có vị cả hai mươi năm. Các bạn gần như là những những trưởng lão của Tăng già ! Tôi đã nhận thấy từ phong thái và cái nhìn của các bạn rằng khi các bạn nghe những lời dạy các bạn hoàn toàn tập trung vào chủ đề. Điều này rất đáng quý, và tôi hy vọng các bạn sẽ tiếp tục đến mức các bạn hoàn thành Bồ đề tâm đích thực và sự chứng ngộ tánh Không. Điều này là có thể được qua sự chuyển hóa bên trong. Một ngày nào đó các bạn sẽ thực sự trở thành những Bồ tát. Dầu chướng ngại nào nữa, dầu lâu xa bao nhiêu, chớ có nản chí. Và trong lúc này, tôi muốn cảm ơn các bạn rất nhiều.
Ở Dordogne đây có những trung tâm Phật giáo của phái Nyingma và Kagyu, và ở các nơi khác ở Pháp, có những trung tâm Gelug và Sakya. Tôi rất vui khi thấy những truyền thống khác nhau này giữ gìn một tinh thần mạnh mẽ hòa hợp với nhau, không thành kiến giáo phái. Xin hãy tiếp tục trau dồi tinh thần đó.
55. Và bao giờ hư không vẫn còn tồn tại
Bao giờ vẫn còn dẫu một chúng sanh
Nguyện rằng tôi còn tiếp tục ở lại như thế
Để giải trừ khổ đau cho tất cả chúng sanh.
56. Nguyện những đau đớn và muộn phiền của tất cả chúng sanh lạc lõng
Đều chín muồi đầy đủ nơi tôi.
Và nguyện cho cộng đồng đức hạnh của chư Bồ tát
Mãi mãi đem lại hạnh phúc cho chúng sanh.
57. Nguyện cho Giáo Pháp, phương thuốc duy nhất giải trừ đau khổ,
Ngọn nguồn của tất cả lạc phúc an vui,
Được nuôi dưỡng, hộ trì với lòng tôn trọng
Và trường tồn suốt cả thời gian bao la !
Nguyện Bồ đề tâm quý báu nảy sinh
Ở những ai nó chưa được phát sanh.
Và nơi nào nó đã sanh ra, chớ để dừng tắt,
Mà ngày càng lớn rộng khắp nơi nơi.
CHÚ THÍCH
1. Kunu Rinpoche (1885-1977), ngài vốn đến từ Ấn Độ, học ở Tây Tạng và trở thành một trong những vị thầy của Dalai Lama.
2. Patrul Rinpoche (1808-1887) là một vị thầy nổi bật, gốc từ xứ Kham miền đông Tây Tạng. Ngài được xác nhận là một hóa thân của Shantideva và của Chenrezi, đức Phật của lòng Đại Bi. Có lẽ ngài được biết nhiều do cuốn sách của ngài Kunzang lame shelung (được dịch thành Những Lời của vị Thầy Hoàn Hảo của tôi, sắp xuất bản năm 1994 do ISLT / Harper San Francisco).
3. Shantideva là một đạo sư Phật giáo thế kỷ thứ tám ở đại học tu viện Nalanda ở Ấn Độ. Chính những nhà sư của Nalanda mà ngài lần đầu dạy cho Bồ Tát Hạnh.
4. Tâm Kinh là một hình thức ngắn gọn nhất của những Kinh Bát Nhã ba la mật và chứa đựng tinh túy của những giáo lý về tánh Không. Xưng tán Văn Thù là một cầu nguyện đến vị Phật của Trí Huệ, thường được đọc tụng trước khi nghiên cứu một bản văn Phật giáo. Một mạn đà la, một biểu tượng tượng trưng cho vũ trụ, được dâng cúng cho vị thầy khi cầu thỉnh ban cho những lời dạy.
5. Bánh Xe Pháp là biểu tượng của sự giảng dạy của đức Phật. Quay Bánh Xe Pháp đồng nghĩa với trình bày những lời dạy. Sự giải thích xa hơn được đưa ra về sau trong chương này.
6. Luật (Vinaya) là phần những lời dạy của đức Phật đề cập đến hạnh kiểm đạo đức, đặc biệt là những lời nguyện và điều giới cho tăng ni xuất gia và cư sĩ Phật giáo.
7. Một dòng phái là một dòng những vị thầy Phật giáo trao truyền lại cho những người thừa kế tâm linh của các ngài những lời dạy mà chính các ngài đã nhận được và thừa kế từ bổn sư của các ngài. Một dòng phái có thể quan hệ với một bản văn đặc biệt hay một nhóm các giáo lý. Hầu hết các dòng phái có thể lần theo dấu vết ngược trở lại cho đến chính đức Phật. Dòng phái của Dalai Lama về Bồ tát hạnh đi từ Shantideva qua một dòng liên tục các đạo sư Phật giáo đến Patrul Rinpoche, rồi đến Khenpo Shenga (1871-1927), Kunu Rinpoche, và chính Dalai Lama.
8. Minyak Kunzang Sonam là một học giả vĩ đại phái Gelug học với Patrul Rinpoche gần hai mươi năm. Bình giảng của ngài về Bồ Tát Hạnh là bộ chi tiết nhất có thể có được.
9. Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892) là người chịu trách nhiệm cho sự phục hưng của Phật giáo ở Tây Tạng trong thế kỷ trước. Vị đại lama này là một trong những nhà sáng lập của phong trào Rime, hay phong trào không bộ phái.
10. Trong Đại thừa Phật giáo, từ không có ngã, vô ngã (Tây Tạng : bdag med ; Skt : nairatmya) áp dụng không chỉ cho cái tôi cá thể mà còn cho tất cả mọi hiện tượng, ngã trong bối cảnh này nghĩa là thực thể thực sự hay bản chất. Một Bồ tát đã chứng ngộ vô ngã nơi mình như một cá nhân và nơi tất cả mọi hiện tượng khác.
11. Cấp độ thứ nhất : xem Thuật ngữ, Mười cấp độ
12. Mười ba la mật gồm sáu ba la mật (xem Thuật ngữ) cùng với phương tiện thiện xảo, sức mạnh, nguyện vọng và trí huệ bổn nguyên.
13. Nagarjuna (Long Thọ, thế kỷ thứ nhất hay thứ hai) là một đạo sư Ấn Độ chịu trách nhiệm cho sự truyền bá những giáo lý bát nhã ba la mật. Những lời dạy của ngài về tánh Không hình thành nền tảng cho giáo thuyết Madhyamika, hay Trung Đạo.
14. Xem Thuật ngữ, Mười tám đặc tính của một cuộc đời làm người quý báu.
15. Gendun Drupa (1391-1474) là vị đầu tiên trong dòng những tái sanh sau đó (kể từ cuộc đời của vị thứ ba) được nhận danh hiệu Dalai Lama. Như thế ngài là Dalai Lama “thứ nhất.”
16. Aryadeva (thế kỷ thứ hai) tiếp tục công trình của Nagar-juna và giải thích thêm những lời dạy của Trung Đạo.
17. Xem chương tám, trang 139, về một phương pháp truyền thống khai triển lòng bi và quan tâm đến những người khác bằng cách nhìn họ như cha mẹ của mình.
18. Cầu Nguyện Bảy Ngành là một thực hành để tịnh hóa chính mình và tích lũy công đức qua lễ kính, cúng dường, sám hối, vui theo công đức của những người khác, thỉnh cầu những lời dạy, cầu xin chư Phật và những vị thầy khác ở lại trong thế giới này, và hồi hướng công đức mình đến giác ngộ của tất cả chúng sanh.
19. Abhidharma là phần của những lời Phật dạy giải thích siêu hình học Phật giáo và những cấp độ trên con đường đến Phật tánh.
20. Danh từ Ma thường được dùng trong Phật giáo để chỉ mọi chướng ngại cho tiến bộ tâm linh. Những chướng ngại như vậy là những biểu lộ của tâm thức và nghiệp của chúng ta. Chúng không nên được nghĩ như là những chúng sanh thù ngịch đe dọa chúng ta từ bên ngoài.
21. Dignaga là một đạo sư Ấn Độ thế kỷ thứ năm hay thứ sáu.
22. Mười sáu phụ phân của Bốn Chân Lý Cao Cả là (1) chân lý về khổ : khổ, vô thường, tánh Không, và vô tự tánh ; (2) chân lý về nguồn gốc của khổ : nguồn gốc của khổ, sự sanh ra, căn cứ thuộc về nguyên nhân, và những điều kiện ; (3) chân lý của sự ngừng dứt : ngừng dứt, làm cho bình an, tuyệt hảo, và từ bỏ ; (4) chân lý của con đường : con đường, hiểu biết, thành tựu, và giải thoát.
23. Tám đệ tử thân cận là tám vị Bồ tát : Manjushri, Avalo-kiteshvara, Vajrapani, Akashagarbha, Kshitigarbha, Sarvanivaranavishkambhin, Maitreya, và Samanta-bhadra.
24. Sáu món trang sức là : Nagarjuna, Aryadeva, Asanga, Vasubandhu, Dignaga, và Dharmakirti.
25. Hai vị thầy tối cao là : Shantideva và Chandragomin.
26. Một ví dụ cho điều này là nói một lời dối trá nếu làm thế để cứu đời của ai đó.
27. Ba độc là tham, sân và si (vô minh).
28. Sắc thân là thân hình thể của một vị Phật, trong nó ngài xuất hiện cho chúng sanh. Nó bao gồm báo thân và hóa thân (xem Thuật ngữ).
29. Ví dụ, công đức có được qua thiền định về chư thiên (deva) trong cõi vô sắc giới không thể hủy hoại được bởi giận dữ khởi lên trong trạng thái đang làm người.
30. Một Tịnh Độ là một thế giới biểu lộ bởi một vị Phật hay Bồ tát phù hợp với công đức của những chúng sanh. Những chúng sanh tái sanh trong một Tịnh Độ có thể tiến bộ nhanh chóng trên đường đến Phật tánh.
31. Những chi tiết về học thuyết Samkhya có thể tìm thấy trong T. R. V. Murti, Triết Lý Trung Đạo của Phật giáo (London : Allen và Unwin, 1960).
32. Thoát khỏi một sanh tử được giả định là thường còn là một mâu thuẫn ngay trong ngôn ngữ.
33. Cõi vô sở hữu xứ là một trong bốn thế giới vô sắc, hay cõi vô sắc, ở chót đỉnh của vòng sanh tử, được kinh nghiệm qua bốn thiền vô sắc mà những hành giả của con đường Phạm Thiên (Brahma) được xem là đạt được. Những chúng sanh trong những cõi này đã tạm thời nén lặng những thức tình tiêu cực thô, nhưng tâm thức của họ còn thấm khắp bởi vô minh và họ thiếu bất cứ chứng ngộ nào về vô ngã. Vì lý do này, họ không thể thoát khỏi sanh tử và tiếp tục sanh lại trong các cõi thấp hơn. Xem Thuật ngữ, Ba cõi.
34. Cái thấy, tri kiến của phái Madhyamika là cái thấy của Trung Đạo đề xướng bởi Nagarjuna. Nó được bàn luận khá đầy đủ trong chương 9 của Bồ Tát Hạnh.
35. Những cái này là bốn cách tri giác một đối tượng. Xem Anne C. Klein, Hiểu Biết và Giải Thoát (Ithaca, N.Y. Snow Lion, 1986), trang 108-110.
36. Năm khuyết điểm ngắt phá định tâm là lười biếng, quên những lời dạy về thiền định, hôn trầm và phóng dật, thiếu cố gắng và quá nỗ lực. Xem Mahamudra, Lobsang P. Lhalungpa dịch (Boston : Shambhala, 1986), trang 21.
37. Ba cái khổ là : (1) Khổ thêm vào khổ là cái mọi chúng sanh có thể tri giác như không ưa thích và đau đớn ; trong sanh tử, những cái khổ theo nhau trong một tiếp nối không dứt. Ví dụ, khi người ta đã bị bệnh, người ta không chống nổi cơn bệnh khác, hay sự mất mát tất cả tài sản theo sau việc căn nhà bị cháy. (2) Khổ của biến dịch ám chỉ sự kiện mọi hạnh phúc và vui thích trong sanh tử đều phải bị biến đổi, sớm hay muộn, thành một trạng thái khổ. Ví dụ, một sự vui thích về vị giác được kinh nghiệm trong một bữa ăn ngon có thể mở đường cho một khó chịu về tiêu hóa. (3) Khổ thấm nhuần khắp được định nghĩa như là cái khổ do từ sự kiện đơn thuần là có năm uẩn, hay năm hợp thể. Khi nào người ta còn mang lấy sự hiện hữu bị điều kiện hóa trong sanh tử, thì còn có khổ. Hầu hết những chúng sanh bình thường không thể tri giác được cái khổ này một cách rõ ràng, cũng như người ta khó có thể cảm thấy một sợi tóc trong lòng bàn tay. Nhưng cũng như một sợi tóc trong con mắt gây ra khó chịu và đau đớn dữ dội, những chúng sanh đã chứng ngộ thì kinh nghiệm cái khổ thấm nhuần khắp này rất sắc nét. Giải thích thêm được tìm thấy trong Đồ Trang Sức bằng Ngọc của Giải Thoát của Gampopa dịch bởi H.V. Guenther (Boston : Shambhala, 1986) và trong Những Lời của vị Thầy Hoàn Hảo của tôi của Patrul Rinpoche (xem chú thích số 2).
38. Năm con đường và mười cấp bậc : xem Thuật ngữ.
39. Năm khoa học chính yếu là ngôn ngữ, luận lý, thủ công, y khoa và triết học.
40. Xem Thuật ngữ, Mười Hai móc xích tương thuộc.
41. A la hán nghĩa là “người đã hủy diệt những kẻ thù.” Những kẻ thù ở đây là những tình thức tiêu cực, chúng bị tiêu diệt qua sự thực hành những giáo lý của thừa căn bản, hay Thanh Văn thừa. Những vị A la hán hoàn thành giải thoát khỏi những khổ đau của sanh tử, nhưng vì sự chứng ngộ về tánh Không của các vị chưa hoàn hảo, các vị không thể từ bỏ những tấm màn vi tế của sự bám chấp vào thực tại của hiện tượng, chúng là những chướng ngại đối với toàn giác. Các ngài còn phải đi vào Đại thừa để tiến đến mục đích tối thượng là Phật tánh.
42. Điều này bởi vì tâm thức phải được nâng đỡ và làm mạnh bằng kho công đức khổng lồ để có thể chứng ngộ tánh Không.
43. Bởi vì Thanh Văn và Độc Giác Phật tìm kiếm giải thoát chỉ cho riêng các ngài, các ngài được xem như gia tộc kém hơn những người thuộc gia tộc Bồ tát, cố gắng cho giác ngộ của tất cả chúng sanh.
44. Thật vậy, ngài đã dạy chương thứ chín của Bồ Tát Hạnh cho một thính chúng rộng rãi vào tháng tám năm 1993 ở Viện Vajrayogini, Lavaur. Một bản dịch của lời bình giải này đang được sửa soạn. Ngài đã đặt lời dạy của ngài căn cứ trên hai bình giải chi tiết của Khenpo Kun-zang Palden và Minyak Kunzang Sonam (xem chú thích số 8). Hai bình giải này đã được dịch, theo ý muốn đã được ngài nói ra, dưới nhan đề Trí Huệ : Hai Bình Giải Phật giáo, do hội Dịch Thuật Padmakara (Peyzac-le-Moustier, Pháp : Padmakara, 1993).
(Đối với độc giả tiếng Việt, chúng ta có thể xem thêm chủ đề Trí huệ thấu hiểu tánh Không này do đức Dalai Lama giảng giải trong những tác phẩm do Thiện Tri Thức đã xuất bản như Trí Huệ và Đại Bi, Mật Thừa Tây Tạng…)
Trí Huệ và Đại Bi, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Việt dịch: Thiện Tri Thức
Mật Thừa Tây Tạng, Tsongkapa, Đức Dalai Lama và Jeffrey Hopkins
THUẬT NGỮ
Ba cõi, hay ba thế giới : Trong một số văn cảnh, sanh tử được chia làm ba cõi hay ba thế giới – cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Cõi sắc và cõi vô sắc chỉ hiện hữu đối với một số chúng sanh chư thiên, họ đã đạt đến những trạng thái này nhờ bốn định sắc giới và bốn định vô sắc giới.
Ba sự tu hành : Giới, định và huệ.
Báo thân : Thân của sự thọ hưởng, hay những hình thể vượt khỏi loài người trong đó chư Phật biểu lộ chính các ngài. Báo thân chỉ có thể trực tiếp tri giác được đối với những chúng sanh chứng ngộ cao.
Bồ đề tâm : Tâm của giác ngộ. Đây là một từ then chốt trong Đại thừa. Ở mức độ tương đối, nó là ước muốn đạt được Phật tánh vì lợi lạc của tất cả chúng sanh và sự thực hành cần thiết để làm điều ấy. Ở mức độ tuyệt đối, nó là sự quán thấy trực tiếp vào bản tánh tối hậu của cái ngã và những hiện tượng.
Bồ tát : Một người thực hành trên con đường đến Phật tánh, tu hành lòng bi và sáu ba la mật, người đã thệ nguyện đạt đến giác ngộ vì tất cả chúng sanh. Dịch ngữ Tây Tạng của từ này có ý nghĩa “anh hùng của tâm giác ngộ.”
Bốn Chân Lý Cao Cả : (1) Khổ : bản chất của hiện hữu trong sanh tử là khổ. (2) Tập (nguyên nhân) : nguyên nhân của khổ là những thức tình tiêu cực hoặc che ám. (3) Diệt : sự dừng dứt của khổ là Phật tánh. (4) Đạo : con đường là phương cách để đạt được giải thoát.
Đại thừa (Mahayana) : gồm cả hai Kinh thừa (Sutrayana) và Mật Chú thừa hay Mật thừa (Mantrayana).
Đi nhiễu : Một thực hành sùng mộ có công đức cao, cốt ở đi theo chiều kim đồng hồ, một cách tập trung và tỉnh giác, quanh một sự vật thiêng liêng, như một ngôi chùa, một tháp, núi thiêng, hay căn nhà – và ngay cả con người – của một đạo sư tâm linh.
Định tâm (Skt : samatha) : Một trạng thái trong thiền định trong đó tâm thức tập trung nhất niệm và không cố gắng vào đối tượng thiền định.
Độc Giác Phật hay Bích Chi Phật : Người đạt đến giác ngộ một mình, không có sự giúp đỡ của một đạo sư và không trao truyền những lời dạy cho người khác.
Gelug : Một trong bốn truyền thống chính của Phật giáo Tây Tạng, thành lập bởi Tsongkapa (1357-1419).
Hóa thân : Thân biểu lộ, phương diện của đại bi và phương tiện, nhờ đó một vị Phật có thể được thấy biết bởi những chúng sanh chưa giác ngộ. Bởi thế, nó là phương tiện nhờ nó ngài có thể liên lạc với họ và cứu giúp họ.
Kadam : Dòng phái của Phật giáo Tây Tạng thoát thai từ những lời dạy của Atisha (982-1054). Giáo lý của nó nhấn mạnh vào kỷ luật tu viện, nghiên cứu, và thực hành lòng bi. Ảnh hưởng của truyền thống Kadam thì thấm khắp trong mọi trường phái Phật giáo Tây Tạng, dù nó đặc biệt hòa hợp với giáo lý Gelug, cái này thật ra đôi khi được đề cập đến như là phái Kadam Mới.
Kagyu : Một trong bốn truyền thống chính của Phật giáo Tây Tạng, thành lập bởi Marpa Nhà Dịch giả (1012-1095), thầy của Milarepa.
Kalpa : Kiếp, một chu kỳ dài của thời gian như được quan niệm trong vũ trụ luận truyền thống của Ấn Độ. Một đại kiếp, nó tương đương với chu kỳ thành lập, kéo dài, suy hoại và vắng mặt của một hệ thống vũ trụ, gồm tám mươi tiểu kiếp. Một kiếp trung gian gồm hai tiểu kiếp chung nhau, trong cái trước thọ mạng của đời sống tăng lên, trong cái sau sự thọ mạng của đời sống giảm đi.
Karma (nghiệp) : Từ Sanskrit nghĩa là “hành động”, được hiểu như luật nhân quả. Theo giáo lý của Phật, mọi hành động, từ tư tưởng, lời nói hay hành vi, đều là những hạt giống cuối cùng sẽ sinh ra quả trong trải nghiệm, hoặc đời này hoặc những đời tới. Một hành động tích cực hay đức hạnh sẽ kết thành hạnh phúc, và sự tội lỗi hay hành động tiêu cực là nguyên nhân của khổ về sau.
Kim Cương thừa : Xem Mật thừa.
Kinh (Sutra) : Những lời dạy đức Phật Thích Ca Mâu Ni ban cho, được ghi nhớ bởi những đệ tử của ngài, và sau đó ghi lại.
Kinh thừa (Sutrayana) : Đại thừa có hai bộ phận : Kinh thừa là những lời dạy căn cứ trên những kinh và tuyên thuyết sự thực hành sáu ba la mật, và Mật thừa, những lời dạy và thực hành căn cứ trên những bản văn tantra.
Mantra : Thần chú, một nhóm lời hay âm kết hợp với những hóa thần đặc biệt để thiền định, sự trì tụng nó tạo thành một phần chính yếu của thiền định mật giáo.
Mật thừa (hay Mật Chú thừa) : Thừa của những mật chú, đôi khi gọi là Kim Cương thừa (Vajrayana). Bộ những giáo lý và thực hành này căn cứ trên những tantra, và dù nó thực ra là một phương diện của Đại thừa, nó đôi khi được xem như một thừa riêng.
Mười cấp độ (mười địa) : Những giai đoạn trên con đường giác ngộ. Cấp độ thứ nhất của Bồ tát đánh dấu sự bắt đầu của con đường thấy. Cấp độ thứ hai đến thứ mười là những giai đoạn tiến bộ trong con đường thiền định.
Mười hai mắt xích của tương thuộc (duyên sanh) : Vô minh, những khuynh hướng thói quen, thức, danh và sắc (hình thể), sáu môi trường giác quan, tiếp xúc, cảm giác, khao khát, bám giữ, đi vào hiện hữu (cuộc đời), sanh, già và chết.
Mười tám đặc tính của đời người quý giá : Mười tám đặc tính này bao gồm tám sự tự do và mười đặc ân. Tám sự tự do gồm không sinh ra (1) trong những cõi địa ngục ; (2) như một quỷ đói ; (3) làm một thú vật ; (4) trong những cõi của chư thiên ; (5) giữa những người hoang dã không biết đến những giáo lý và thực hành của Phật pháp ; (6) như người với những tà kiến, như là những tà kiến về hư vô đoạn diệt, về tính bản chất của cái ngã và những hiện tượng… ; (7) trong thời gian không có Phật xuất hiện ; và (8) bị chướng ngại về tinh thần (thể trí biện thông). Mười đặc ân được chia thành năm cái ở trong và năm cái ở ngoài. Năm đặc ân ở trong là (1) được sinh làm người ; (2) ở một xứ sở trung tâm có Phật pháp được tuyên thuyết ; (3) có những khả năng (căn) bình thường và đầy đủ ; (4) là người đã không nhúng mình vào những nghiệp quá nặng ; (5) có niềm tin vào Pháp. Năm đăïc ân ở ngoài là những sự kiện (1) một vị Phật đã xuất hiện trong thế giới ; (2) ngài có giảng Pháp ; (3) Lời Dạy của ngài vẫn tồn tại ; (4) Pháp đó có được thực hành ; và (5) người ấy được chấp nhận là một đệ tử bởi một đạo sư tâm linh.
Năm con đường : Những con đường tích tập, chuẩn bị, thấy, thiền định và không học nữa. Những con đường này biểu trưng những giai đoạn kế tiếp nhau trong tiến bộ tâm linh hơn là những lối đi khác biệt và phân biệt đến giác ngộ. Một Bồ tát trên con đường không học nữa đã đạt đến Phật tánh. Xem thêm Mười cấp độ.
Năm độc : Năm thức tình tiêu cực chính : vô minh, tham chấp, giận ghét, kiêu mạn và ghen tỵ.
Năm uẩn : Năm hợp thể cấu thành về tâm sinh lý, nó đặc trưng cho chúng sanh : hình thể (sắc), cảm giác (thọ), báo tin (tưởng), thúc đẩy (hành) và thức.
Như Lai : Một tính ngữ dành cho một vị Phật.
Như Lai tạng : Phật tánh, tiềm năng của Phật tánh, hiện diện trong tâm thức của mỗi chúng sanh.
Niết bàn (Nirvana) : Chuyển ngữ Tây Tạng của từ Sanskrit này nghĩa là “vượt qua khổ đau” và để chỉ những mức độ khác nhau của giác ngộ đạt được theo thực hành của Thanh Văn thừa hay Bồ tát thừa.
Nyingma : Truyền thống xưa nhất của bốn truyền thống chính của Phật giáo Tây Tạng, sáng lập bởi Guru Padmasambhava vào thế kỷ thứ tám.
Pháp : Phần giáo lý khai thị bởi Phật Thích Ca Mâu Ni và những vị giác ngộ khác, chỉ ra con đường đến giác ngộ. Nó gồm hai phương diện : Pháp của sự trao truyền, tức là những lời dạy được ban cho, và Pháp của sự chứng ngộ, hay những trạng thái đạt được qua sự áp dụng những lời dạy.
Pháp thân : Thân tuyệt đối hay thân chân lý ; một phương diện của tánh Không.
Phật : Người đã trừ bỏ hai tấm màn che (che chướng của những tình thức tiêu cực [phiền não chướng] là nguyên nhân của khổ đau, và che chướng của vô minh [sở tri chướng] làm ngăn ngại toàn giác) và là người đã hoàn thiện hai loại hiểu biết (về bản chất tuyệt đối và tương đối của những hiện tượng).
Quán thấy sáng tỏ hay thấu suốt (Skt : vipashyana) : Thiền định phát hiện sự không có hiện hữu nội tại, vô tự tánh của tâm thức và những hiện tượng.
Quy y : Nương náu. Một Phật tử tìm kiếm sự che chở và hướng dẫn của Tam Bảo để tìm ra giải thoát khỏi khổ đau của sanh tử. Bởi thế Tam Bảo lập nên sự quy y Phật giáo, và một Phật tử có thể định nghĩa như là người nào quy y Tam Bảo.
Sakya : Một trong bốn truyền thống chính của Phật giáo Tây Tạng, sáng lập bởi Khon Konchok Gyalpo (1034-1102).
Sanh tử (samsara) : Bánh xe, hay vòng tròn của đời sống. Trạng thái không giác ngộ, trong đó tâm thức bị nô lệ vào ba độc tham, sân, si, đi từ một trạng thái này sang một trạng thái khác một cách không kiểm soát được qua một dòng vô tận những kinh nghiệm tâm lý chúng đều có tính chất là khổ.
Sáu ba la mật, hay những thực hành siêu việt : Sáu hoạt động rộng lượng, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ chúng tạo thành thực hành của con đường Bồ tát. Chúng được gọi là siêu việt bởi vì, khác với rộng lượng bình thường…, chúng không bị nhiễm ô bởi những thức tình tiêu cực khác.
Sáu cõi : Theo truyền thống, kinh nghiệm của chúng sanh trong sanh tử được hệ thống hóa vào sáu phạm trù tổng quát, là những cõi hay thế giới, trong đó tâm thức trú ngụ như là kết quả của những hành động trước kia, hay nghiệp. Không có cái nào của những trạng thái này là thỏa mãn, dù mức độ khổ trong chúng khác biệt nhau. Ba cõi cao nhất, hay may mắn, nơi đó khổ đau được nhẹ bớt do những vui sướng tạm thời, là những cõi trời của chư thiên, hay deva ; những cõi của Asura (A tu la), hay bán thiên ; và thế giới của con người. Ba cõi thấp hơn, trong đó khổ thống trị nơi mỗi một kinh nghiệm, là những cõi thú vật, quỷ đói và địa ngục.
Tam Bảo : Phật, Pháp (Giáo lý), và Tăng (Chúng hội những đệ tử và hành giả). Đấy là ba đối tượng của sự quy y.
Tám mối bận tâm thuộc thế gian : Được hay mất, sướng hay khổ, tán dương hay chỉ trích, và danh tiếng hay tiếng xấu. Hầu hết những con người không theo một con đường tâm linh đều tìm kiếm cái được và cố gắng tránh cái mất, và lấy bỏ như thế đối với những cặp đối nghịch này.
Thanh Văn thừa hay Tiểu thừa : Những hành giả được xem là thuộc về hai bộ giáo lý khác nhau, hay thừa, theo bản chất nguyện vọng của họ. Hai bộ đó được biết như là Tiểu thừa, hay Căn Bản thừa và Đại thừa. Căn Bản thừa chia thành hạnh của những Thanh Văn, các ngài là đệ tử của đức Phật, và hạnh của những vị tìm kiếm giác ngộ chỉ dựa vào chính mình, hay Độc Giác Phật. Mục đích của Thanh Văn và Độc Giác là Niết Bàn, như là sự giải thoát rốt ráo khỏi khổ đau của sanh tử. Đại thừa là con đường của những Bồ tát, hay những người, trong khi chấp nhận tính vững chắc và hiệu quả của thừa kia, ước muốn giác ngộ viên mãn của Phật tánh vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Từ Hinayana, Tiểu thừa có nghĩa là “Thừa kém hơn,” nhưng điều này không nên hiểu theo một nghĩa chê bai, bởi vì những giáo lý của nó là căn bản cho sự thực hành của cả Đại thừa. Dalai Lama đã gợi ý danh từ Thanh Văn thừa để dùng thay vì Tiểu thừa. Trong trường hợp này, danh từ ấy được hiểu bao gồm cả Độc Giác Phật thừa.
Thức tình tiêu cực hay phiền não (Skt : klesha) : Những yếu tố thuộc tâm thức ảnh hưởng vào những tư tưởng và hành động rồi sẽ sinh ra khổ đau. Năm thức tình tiêu cực chính tức là năm độc.
Send comment