Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

1. Hiển Giáo Tâm Yếu

30 Tháng Năm 201100:00(Xem: 16064)
1. Hiển Giáo Tâm Yếu


BỘ MẬT TÔNG (Bốn Tập)
Dịch Giả:Tỳ Khưu Thích Viên Đức

A. TẬP MỘT
HIỂN MẬT VIÊN THÔNG
THÀNH PHẬT TÂM YẾU

I.- HIỂN GIÁO TÂM YẾU

Nguyên một đời giáo hóa của đức Như Lai, văn ngôn rộng rãi, giáo lý sâu xa, Hiển Mật đều thâu tận hết thảy. 

HIỂN: nghĩa là các thừa Kinh, Luật, Luận. 

MẬT: nghĩa là các bộ Ðà ra ni (Thần chú

Kể từ khi Ngài Ma Ðằng truyền đạo vào đời Hán, ba Tạng lần lần lan khắp xứ Trung Hoa. Ngài Vô Úy truyền đạo vào đời Ðường, ngũ mật ở Trung Hoa mới bắt đầu hưng thịnh, chín phái đồng quy ngưỡng, bảy chúng đều tuân hành; lời nói pháp không thị phi. Con người phân chia ra đường tu chứng, trải qua nhiều năm bị phai mờ, sự hiểu lầm không phải là ít. Hoặc có người học tập Hiển giáo, khinh chê Mật bộ, hoặc có kẻ chuyên Mật ngôn, mờ mịt lý thú của Hiển giáo, hoặc chăm học danh tướng, chưa biết được ngõ vào đạo; hoặc học chữ, tiếng, ít biết quy tắc trì minh, khiến cho quán hạnh thậm thâm, biến thành danh ngôn. Hiển Mật thần tông trở thành âm vận. 

Nay tôi không so chút tài mọn, quyết nương vào hai tông: Hiển Mật lược bày tâm yếu thành Phật. Ngõ hầu hy vọng tương lai mọi người được viên thông, nên nương vào giáo lý lược bày bốn môn: 

1. Hiển giáo Tâm yếu 
2. Mật giáo Tâm yếu 
3. Hiển Mật song biện 
4. May mắn gặp gỡ pháp môn vô giá này, hết lòng vui mừng

(Trong bốn đoạn dưới đây, vì tránh văn nghĩa phiền phức, hoặc ám dụng Thánh giáo, hoặc dẫn nghĩa kinh văn, người xem nên biết.) 

Ðầu tiên nói về Hiển giáo tâm yếu, Ngài Hiền Phủ, Ngài Thanh Lương đều chia sự giáo hóa một đời của Ðức Phật ra làm năm thời: 

1) Tiểu Thừa giáo: A Hàm v.v…gồm có 600 quyển Kinh, Bà Sa v.v… hơn 600 quyển Luận. 

Nói tất cả pháp từ nhơn duyên sinh, chỉ rõ ba cõi không an cũng như nhà lửa, thấu rõ chơn lý nhơn không, tu hành tự lợi, sung sướng được chứng quả Tiểu Thừa

2) Ðại Thừa Thỉ giáo: có hai: 

a) Pháp Tướng Tôn: Gồm có Thâm Mật, Phật Ðịa Kinh v.v… có đến hàng mười bộ kinh. Du Già, Duy Thức v.v… có đến hàng trăm quyển Luận, nói tất cả pháp đều do Duy Thức, chỉ rõ chơn lý Nhị Không, tu Lục độ Vạn hạnh, thẳng đến Ðại Thừa Phật quả. Trong đó phần nhiều nói đến Pháp Tướng mà thôi. 

b) Vô Tướng Tôn: gồm có Bát nhã v.v… hơn một ngàn quyển kinh. Trung Luận. Bách Môn Luận v.v… các bổn luận văn đó nói tất cả các pháp bản lai là không. Vô thỉ mê tình vọng nhận là có. Muốn chứng đạo Bồ đề lấy đó làm sở đắc để tu tập vạn hạnh. Trong đây phần nhiều nói nghĩa Không, Vô Tướng. Hai tông này đều là sơ môn của Ðại Thừa cho nên gọi là Thỉ, nghĩa là ban đầu vậy. 

3) Nhứt thừa Chung giáo: Pháp Hoa, Niết Bàn v.v… hơn bốn mươi bộ Kinh. Bảo Tánh, Phật Tánh v.v… hơn mười bộ Luận nói tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Từ xưa đến nay sáng suốt không mờ, tỏ rõ thường biết, nhưng vì vô thỉ mê vọng, điên đảo không tự giác ngộ. Muốn chứng Phật quả, trước hết phải tỏ ngộ Phật tánh của chính mình đã có, sau mới đem tánh ấy tu tập: Bổn Hữu Vô Lượng Diệu Hạnh. Ở đây hành toàn nói về Pháp tánh, là tận lý của giáo pháp Ðại Thừa cho nên gọi là Chung. Chung nghĩa là hết vậy. 

4) Nhứt thừa Ðốn giáo: Gồm có Lăng Già, Tư Ích, Kinh văn. Ngài Ðạt Ma đã truyền thiền tông, nói tất cả vọng tưởng bổn không, chơn tâm bổn tịnh, nguyên khôngphiền não vốn là bồ đề, chỉ nói Chơn tánh không nương cấp bực mà thành Phật, cho nên gọi là Ðốn. 

5) Bất Tư Nghì thừa Viên giáo: Gồm có Hoa Nghiêm nhứt Kinh, Thập Ðịa nhứt Luận, hoàn toàn nói: Tỳ Lô Pháp Giới, Phổ Hiền Hạnh Hải. Trong đó đều có hoặc Sự, hoặc Lý, hoặc Nhơn, hoặc Quả. Một mà đầy đủ tất cả trùng trùng vô tận. Tổng hàm các pháp, không một pháp nào mà không thu nhiếp. Xứng tánh tự tại, không chướng, không ngại xa hẳn các thiên thuyết nên gọi là Viên. Năm thời giáo này, trước tiên là hẹp hòi, là quyền dụ, sau cùng là thâm mầu, là chơn thật. Nếu lấy Viên giáoso sánh, bốn thời giáo trước đều tạm quyền mà nói ra vậy. 

(Nay căn cứ vàotương đối mà Luận, bốn thời trước là quyền, Viên giáo là thật. Nếu định chấp Viên giáo là thật, thì sẽ thiếu khuyết bốn thời trước, như thế không phải là kẻ thông suốt Viên giáo đầy đủ. Nếu năm thời giáo đều truyền bá, thì Thiên Viên cùng tán thán, hiệp được mọi căn cơ mới đầu đủ. Như trong Viên giáo dưới đây, đều bao gồm đầy đủ các giáo lý pháp môn trước, cho nên không tách riêng ra mà nói.) Nay nương theo Viên giáo tu hành, lược chia làm hai phần. Ban đầu ngộ Tỳ Lô pháp giới, sau tu Phổ Hiền hạnh hải. Ban đầu ngộ Tỳ Lô pháp giới nghĩa là trong kinh Hoa Nghiêm đã nói: Nhứt chơn vô chướng ngại pháp giới, hoặc là nhứt tâm, ở trong đó đầy đủ ba thế gian

1) Khí Thế Gian: là nói tất cả quốc độ
2) Chúng Thế Gian: là nói tất cả hữu tình 
3) Trí Chánh Giác Thế Gian: là nói tất cả Thánh Nhơn. 

Bốn Pháp Giới

1) Sự Pháp Giới
2) Lý Pháp Giới
3) Sự Lý Vô Ngại Pháp Giới
4) Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới

Tất cả các pháp nhiễm tịnh, chưa có một pháp nào ra ngoài pháp giới này. Ðây là chơn tâm căn bản của tất cả phàm phu, Thánh nhơn. Cũng là chơn thân căn bản. 

Nói rộng Chơn Tâm có hai: 

1) Ðồng Giáo Chơn Tâm 
2) Biệt Giáo Chơn Tâm

Ðồng Giáo lại có hai: 

1) Chung Giáo Chơn Tâm
2) Ðốn Giáo Chơn Tâm

Trước hết nói về Chung Giáo Chơn Tâm: Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rằng: “Phải biết hư không sinh ra trong tâm của ông, cũng như một đám mây điểm giữa bầu trời xanh, huống là các thế giới ở trong hư không ư?”(Chơn tâm của ta, cũng như bầu trời trong xanh. Mười phương hư không dường như một đám mây, tức biết chơn tâm rất lớn, hư khkông rất nhỏ. Hư không so với Chơn tâm cũng còn rất nhỏ, huống các thế giới ở trong hư không vậy ư? ). Lại nói rằng: “Hư không sanh trong đại giác, cũng như bọt nước sanh trong biển lớn. Vi trần quốc độ hữu lậu, đều y hư không mà sinh”. Ðại Giác tức là tên khác của Chơn tâm, Chơn tâm rất rộng lớn, cũng như đại hải. Hư không rất nhỏ, in tuồng một bọt nước. Huống các quốc độ, đều y hư không mà sinh. Nếu so với Chơn tâm, tức là nhỏ ở trong cái nhỏ. 

Lại nữa, Chơn tâm biến khắp và viên mãn, bao gồm cả mười phương. Quán sát lại thân cha mẹ sinh ra, giống như trong mười phương hư không kia mà đem thổi một vi trần, thoạt còn, thoạt mất. Lại rằng: (Không biết sắc thân, cho đến sơn hà đại địa, hư không đều là vật ở trong Diệu minh Chơn tâm.) Lại rằng: “Tất cả các vật có trong thế gian đều là Bồ đề Diệu minh Chơn tâm.” (Ðã nói: Tức là Bồ đề Diệu minh Chơn tâm, không phải các pháp thế gian mà ở trong Chơn tâm riêng có tự thể. Tức biết hết thảy pháp giới, hư không, đại địa, hữu tình, vô tình, toàn là một vị Diệu minh Chơn tâm vắng lặng, thanh tịnh, không thêm, không bớt.). Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến giờ, mê ngất Chơn tâm; vọng nhận tứ đại làm thân, duyên lự làm tâm. Thí như trăm nghìn biển lớn trong lặng không nhận, chỉ nhận một bọt nước nhỏ. Nếu rõ thân tứ đại, tâm duyên lự, duyên sinh không tánh, toàn là nước biển. 

Gần đây có kẻ Nho sinh ít xem kinh Phật, nghe nói Chơn tâm rất rộng lớn, mờ mịt chưa tin. 

Tôi xin nói thêm rằng: Ðây chính là đức Như Lai dạy: Chỉ có tự tâm mê muội, điên đảo không thấy, đâu có thể tin là không có được. Như sách Trang Tửthế tục còn nói rằng: Ở biển Bắc Minh có con cá, tên nó là Côn, cá Côn lớn không biết bao nhiêu nghìn dặm; hóa làm con chim gọi là chim Bàng, lưng loại chim này dài không biết bao nhiêu nghìn dặm. Lúc giận, nó bay lên và đôi cánh che phủ như mây trời. Bay đến biển Nam Minh, nó đập nước tung lên ba nghìn dặm, nổi sóng gió động đến chín vạn dặm. Ông Liệt Tử nói rằng: Ðời đâu biết có con vật như thế đó ư? Ông Ðại Võ đi đường xem thấy, ông Bá Ích biết mà đặt tên, ông Di Kiên nghe mà để ý. Không nên cho rằng mắt mình không thấy vật đó, rồi không tin là có. Sách thế tục còn nói: Có tướng vật kỳ lạ, huống nữa đức Như Lai đã nói Vô tướng Chơn tâm vậy ư? 

Luận Bảo Tánh nói rằng: Người ở trong vỏ trứng làm sao thấy suốt được vũ trụ bao la? Câu nói đó thật là đúng! 

Sau đây nói về Ðốn Giáo Chơn tâm, nghĩa là tâm tuyệt đãi đầy đủ thanh tịnh, trong đó không dung nạp một cái gì khác, tất cả vọng tưởng bản lai là không, tuyệt đãi Chơn tâm bản lai thanh tịnh. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng: Pháp tánh bổn không tịch, không thủ cũng không kiến; tánh không tức là Phật, không thể nghĩ lường được.” Luận Khởi Tín nói rằng: “Tất cả các pháp từ vô thỉ đến nay, xa lìa tướng nói năng, xa lìa tướng danh tự, xa lìa tướng tâm duyên, rốt ráobình đẳng; không có thay đổi biến dị, không thể phá hoại; chỉ là nhất tâm cho nên gọi là Chơn như.” Về phần Chung giáo ở trước, tùy theo mê muội của chúng sanh, nói có sắc thân, sơn hà, hư không, đại địa, thế gian các pháp. Khiến các chúng sanh đổi vọng về chơn. Rõ thấu sắc thân, sơn hà, hư không, đại địa, thế gian các pháp, toàn là một vị Diệu minh Chơn tâm

Nay trong Ðốn giáo, vốn không có sắc thân, sơn hà, hư không, đại địa, thế gian các pháp. Vốn là một vị tuyệt đãi Chơn tâm. Cho nên Ngài Thanh Lương nói rằng: Tóm lại không nói Pháp Tướng, chỉ biện rõ chơn tánh, tức biết rõ châu biến pháp giới, vốn là một vị tuyệt đãi Chơn tâm, vắng lặng thanh tịnh, không sanh diệt, tăng giảm.” Muốn hiểu rõ sự châu biến của pháp giới, hãy ví dụ nó giống như một viên ngọc tròn sáng, tỏ rõ, thanh tịnh, không hình không ảnh, không trong, không ngoài. Ngài Thanh Lương nói rằng: “Thể tịch chiếu diệu độc lập, vật ngã nhứt như.” 

Ngài Ðại Ma nói: “Pháp của ta lấy tâm truyền tâm, không lập văn tự!” tức là truyền tâm này vậy. Ngài Tào Khê nói: “Gương sáng vốn thanh tịnh, cần gì phải lau chùi bụi trần ư?”, cũng là tâm này vậy. Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, không rõ tâm này, vọng thấy các tướng cũng như con mắt bịnh, thoạt thấy hoa đốm giữa hư không. Kinh Viên Giác nói: “Vọng nhận tứ đại làm tự Thân tướng. Bóng dáng của lục trầntự Tâm tướng”. Cũng như con mắt bịnh kia thấy hoa đốm giữa hư không. “Nếu rõ Chơn tâm, vốn không có các tướng, như trong hư không vốn không có các hoa đốm.” Kinh Viên Giác nói: “Như Lai nhơn địa tu Viên Giác. Biết được không hoa đốm tức không còn lưu chuyển, cũng không có thân tâm chịu sanh tử. Không tạo tác cho nên là Không, vì bản tánh là Không.” Nay trong Ðốn giáo dụ như không hoa đốm rất là thiết yếu. Ngày nay, người xuất gia học Thiền rất rộng, nhưng đến khi nghe khai thị tâm này, phần nhiều không nhập thần được. Như có ông Diệp Công ưa thích loài rồng, nhưng lúc có con rồng thật hiện ra trước mắt, ông ta mặc nhiên không đoái hoài đến. Nếu chưa ngộ tâm này, không gọi là bậc Chơn thiền định. Như vậy, muốn tu hạnh tham thiền, trước hết phải tỏ ngộ nhất tâm này. 

BIỆT GIÁO CHƠN TÂM: Nhứt chơn vô chướng ngại đại pháp giới tâm, bao hàm ba thế gian, đầy đủ bốn pháp giới, bao gồm cả đây, cả kia mà không chướng ngại. Tức biết pháp giới bao la, trùm chứa mười phương, toàn là nhứt chon đại pháp giới tâm. Ở trong nhứt chơn đại pháp giới này đã có: Phàm, Thánh, hoặc Lý, hoặc Sự. Tùy theo đó nêu một pháp, cũng đều toàn là đại pháp giới tâm. 

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hoa Tạng thế giới đã có trần; trong mỗi một trần thấy pháp giới, lại một trần đã là đại pháp giới tâm. Ở trong một trần đại pháp giới này, lại nêu một trần, cũng toàn là đại pháp giới tâm. Hoặc thời gian hoặc không gian trùng trùng nêu cử, trùng trùng đều là đại pháp giới tâm.” Cho nên Ngài Thanh Lương trong Hoa Nghiêm Thập địa phẩm sớ đã nói: “Ðế võng vô tận nhứt tâm vậy”. Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay mê vọng, không biết vô tận pháp giới là tự thân tâm. Ở trong đó vốn đầy đủ vô tận sắc tâm công đức, tức cùng với Tỳ Lô Giá Na, thân tâm bình đẳng. Bỏ mất thân tâm Phật, vô chướng, vô ngại của chính mình, điên đảo chấp làm tạp nhiễm chúng sanh. Thí như Kim Luân Thánh Vương thống trị tứ thiên hạ, thân trí đầy đủ, giàu vui không ai sánh bằng. Thoạt tiên ngủ mê, mộng thấy làm thân con kiến, ở trong mộng chỉ nhận thân mình là kiến, không biết mìnhLuân Vương

(Vô tận pháp giới của Phật, đời khó thấu được, nay chỉ dụ nghĩa: Mê chơn, chấp vọng, người trí phải nên biết.) 

Vậy muốn cầu thành tựu cứu cánh Phật quả cần phải ngộ Tỳ Lô pháp giới, nếu chưa ngộ pháp giới này, dù trải qua nhiều kiếp tu tập vạn hạnh, cũng uổng công nhọc xác, không được gọi là Chơn thật Bồ Tát. Cũng không thể sinh trong nhà của đức Như Lai. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Không rõ nơ tự tâm, làm sao biết Thánh đạo, trí huệ bị điên đảo, do đó tăng trưởng tất cả sự ác. Ngài Thanh Lương nói: “Không nương sự ngộ này, việc làm không chơn chánh, sự tu hành của mình sẽ ràng buộc thành nghiệp.” Vô tận pháp giới nhứt tâm này, người ít hay biết, biết cũng ít tin, tin cũng ít hiểu, hiểu cũng khó đạt đến cảnh giới đó. Vì vậy Bồ Tát nhiều kiếp không tin, không hiểu. Thượng thủ Thanh Văn như đui, điếc. Nếu là người có túc căn viên mãn, nên chú ý ở đây, ai dốc lòng tri ngộ, đương nhiên ngày nay sanh vào nhà của Phật. 

Sợ người khó tin, tôi xin kể câu chuyện trong Pháp Uyển Châu Lâm: “Có một người ảo thuật, đi đường thấy một kẻ gánh một gánh, trên có cái lồng có thể chứa được vài thùng. Người ấy bảo kẻ gánh rằng: Tôi đi bộ mệt mỏi quá, muốn chun vô lồng của ông để nghỉ chân, mong ông vui lòng cho tôi được như ý. Người gánh bèn suy nghĩ cho đó là kẻ khùng, bèn nói: Ông thử vào xem. Người kia bèn nhảy vô lồng một cách nhẹ nhàng. Tuy lồng chẳng lớn mấy mà người ảo thuật cũng không phải là nhỏ. Người gánh đi mãi vẫn không thấy nặng. Ði được vài mươi dặm đường, ông ta đặt gánh bên gốc cây và ăn uống, bèn mời người ảo thuật cùng ăn. Người ảo thuật nói rằng: Tôi cũng có đầy đủ thức ăn. Người gánh nhìn vào lồng thấy các vật dụng chứa đầy đồ ăn uống, bèn mời người ảo thuật cùng ăn. Người ảo thuật bảo người gánh rằng: Tôi muốn cùng ăn với vợ tôi. Nói xong, y hả miệng nhả ra một người con gái dung mạo đẹp đẽ và hai người cùng ăn uống. Ăn xong, người chồng ngủ, còn cô vợ bảo người gánh rằng: Tôi có một tình nhân muốn đến dùng bữa với tôi. Khi chồng tôi thức dậy, ông chớ nên nói lại việc này. Cô gái liền há miệng nhả ra một tình nhân rồi cùng ăn uống. Cả ba người đều ở trong lồng vẫn không thấy chật hẹp. Lát sau, người ảo thuật cựa mình sắp thức dậy, anh tình nhân bảo người gánh: Chào ông, tôi đi! Cô gái liền bỏ tình nhân vào miệng và đồ ăn uống cũng cất hết trong mồm. Rồi lúc đó người ảo thuật thức giấc cũng đem vợ bỏ vào miệng.” Ðó là truyện tiểu thuyết của thế gian, trùng trùng dung nhan như thế, mà không bị chướng ngại pháp giới ư? 

Vậy cần phải suy xét cho chín chắn mà tin, suy nghĩ để thấu hiểu. Chớ nên cao suy Thánh cảnh, luống dối một đời không lợi ích

TU PHỔ HIỀN HẠNH HẢI: Ðã ngộ được vô chướng ngại pháp giới vốn tự tâm ta, trong đó vốn đầy đủ mười Hoa Tạng thế giới vi trần số tướng hảo, đế võng, vô tận thần thông công đức. Cũng mười phương chư Phật không sai khác; ngặt vì vô thỉ, vọng tình chấp chặt, tập dĩ tánh thành, cuối cùng khó đoạn dứt. Ðể khiến cho thần thông công đức của chính ta không thể thọ dụng một cách tự tại. Cho nên cần phải xứng với Tỳ Lô pháp giới của chính mình, tu tập bản hữu Phổ Hiền Hạnh Hải, làm cho vô tận công dụng mau được hiện tiền

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tu pháp này ít làm công lực, mau chứng Bồ đề. Tuy Phổ Hiền Hạnh Hải rộng bao la không bờ bến.” (Tất cả hạnh môn trong Tạng giáo đã nói đều là Hoa Nghiêm Phổ Hiền Hạnh, chỉ ứng căn cơ thiển cận mà quyền chỉ, nên nêu ra đây một ít mà thôi.) 

Nay nói Quán Hạnh Pháp Lược có năm môn: 

1) Quán Chư Pháp như mộng huyễn
2) Quán Chơn Như tuyệt tướng, 
3) Quán Sự, Lý vô ngại
4) Quán Ðế Võng vô tận
5) Quán Vô Chướng ngại pháp giới

Trước hết: 1) Quán các pháp như mộng huyễn: (Tức đương sự pháp giới quán) nghĩa là thường quán các pháp nhiễm, tịnh, tất cả không thật, đều như mộng huyễn. Kinh Hoa Nghiêm nói: “ Cũng như trong chiêm bao, thấy các hình tướng sai khác; thế gian cũng như vậy, như mộng không khác.” Lại nói: “Ðộ thoát tất cả chúng sanh phải biết các pháp đều như huyễn; chúng sanh không khác huyễn, hết huyễn không còn chúng sanh.” Và kinh Kim Cang có dạy: “Tất cả các pháp hữu vi như chiêm bao, bọt nổi, như sương mù, điện chớp, thường quán xét như vậy.” Ngài Triệu Công nói: “Hư vậy, Vọng vậy, ba cõi không thật; Mộng vậy, Huyễn vậy, sáu đường không vật.” Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, chấp tất cả pháp cho là có thật, khiến khởi hoặc tạo nghiệp, tuần hoàn trong sáu đường. Toàn thể không thật, đều như mộng huyễn thì ái ố tự nhiên tiêu diệt, lòng bi trí tự nhiên tăng trưởng, sáng suốt. Quán mộng huyễn trong Viên Giác Sớ gọi là: “Khởi Huyễn tiêu trần quá. Trong Thiên Thai gọi là Giả quán, cũng còn gọi là “Phương tiện tùy duyên chỉ”. Phân minh, soi chiếu, gọi là Quán, vắng lặng không loạn động gọi là Chỉ. Tức là trong Quán có chỉ, trong chỉ có quán mới là chỉ quán song vận, các phép chỉ quán khác nương theo đây mà rõ. Hoặc có người tuy tin hiểu Viên giáophiền não nặng nề, không thể tu tập quán mộng huyễn được nên tu quán bất tịnh. Nghĩa là quán sát thân này có năm món không sạch.

a)Chủng tử bất tịnh: Nghĩa là tinh cha, huyết mẹ, hai chất trắng đỏ hòa hợp mà thành. Trí Ðộ Luận nói: “Thân là giống không sạch, không phải các vật nhiệm mầu, quý báu, không do chất trong sạch sinh ra, mà sinh ra từ nơi dơ uế.” 

b)Trụ xứ bất tịnh: Là ở trong bụng mẹ, dưới sanh tạng, trên thục tạng chảy ra chất không sạch, ô uế đầy dẫy, mà lại ở ngay trong đó. Lại như Hải Sơn nói: Ðồ không sạch mà đem làm áo trang sức, còn thứ ô uế thì lấy làm vật ăn uống

c)Tự thể bất tịnh: Gồm có ba mươi sáu vật, đều cùng hòa hợp không sạch. Nói ba mươi sáu là: bên ngoài có mười hai phần: Tóc, lông, móng, răng, mồ hôi, đại, tiểu, ghèn, mũi, đàm, dãi, nước miếng. Lại có mười hai phần: Da, da ngoài, huyết, nhục, mỡ, đầu, óc, màng mỏng, xương, tủy, gân, mạch. Bên trong gồm có mười hai: Tim, gan, mật, phổi, lá lách, thận, ruột, dạ dày, sanh tạng, thục tạng, đàm đỏ, đàm trắng. Tức là từ đầu đến chân đều không sạch. Ngài Vĩnh Gia dạy: “Cái đãy đầy phân nhơ là chỗ chứa tụ máu mủ; chảy ra những chất không sạch, là chỗ ở của vi trùng giòi giun, quán cá ươn, hầm tiêu, cũng không sánh kịp.” 

d)Tự tướng bất tịnh: Là chín chỗ (cửu khiếu) thường chảy ra các chất dơ nhớp. Cửu khiếu: là hai tai xuất ra chất dơ; hai mắt chảy ghèn và nước; hai lỗ mũi chảy ra nước mũi; miệng chảy ra đàm dãi; đường đại tiện ra phân dơ; tiểu tiện chảy ra nước khai hôi. Trí Ðộ Luận nói: “Các vật không sạch chứa đầy trong thân, thường chảy ra các thứ không sạch như cái đãy rách đựng đồ vật dơ.” 

e)Cứu cánh bất tịnh: Nghĩa là khi thân hoại mạng chung, sình to, hôi thúi, máu mủ nứt rã, không dám lại gần. Ngài Thiên Thai nói rằng: “Từ chân đến đầu, từ đầu đến chân, tuần tự quán sát, chỉ thấy sình lớn, nứt rã, trong đường đại, tiểu tiện giòi trùng theo máu mủ bò ra, thúi hơn con chó chết.” Kinh Tâm Ðịa Quán dạy: “Nên quán sát tự thân mình hôi thúi, không trong sạch, cũng như chó chết”. Kinh Kim Quang Minh nói rằng: “Ta từ lâu hầu hạ thân hôi thúi này, máu mủ chảy ra không thể thương mến được. Tuy thường cung cấp nuôi dưỡng, nó vẫn ôm sự oán hại. Cuối cùng bỏ ta, nó chẳng biết ơn. Quán sát tự thân mình xong, lại quán sát thân kẻ khác hoặc nam hoặc nữ, đã có thân thì có đủ năm món bất tịnh.” Cho nên Luận Khởi Tín nói rằng: “Nên quán tất cả những thân có trong thế gian đều là bất tịnh.” Các món dơ uế không có một cái gì đáng thương. Ðã quán sát đều là bất tịnh, tâm tham ái tự nhiên không khởi. Kinh A Hàm nói rằng: “Xưa có một vị quốc vương đắm mê sắc dục không nhàm chán. Có vị Tỳ Kheo lấy một bài kệ can gián rằng: 

- Mắt là một cái hang chứa ghèn, lệ, 
- Mũi là cái đãy dơ chứa mũi, dãi. 
- Miệng là đồ đựng đàm dãi. 
- Bụng là kho chứa phẩn niếu. 

Chỉ có vua không có mắt huệ, bị sắc dục làm mờ mịt. Bần đạo thấy gớm, cho nên xuất gia đi tu đạo tràng.” Ngài Thiên Thai dạy rằng: “Tuy quán sát bất tịnh mà hay thành đại sự. Như thây chết trong biển, nương nơi đó mà vào bờ. 

Hoặc là quán bộ xương trắng: Trước hết quán tưởng cái thân của mình da thịt nát rã, chỉ thấy xương trắng lần lần từ hẹp đến rộng. Tưởng nơi một cái đầu da thịt rã rời, chỉ thấy xương trắng cho đến toàn thân đều là xương trắng. Ðã quán thân mình đầy đủ một bộ xương trắng phân minh hiện rõ, rồi lại quán người khác rã rời cũng vậy. Lần lượt quán hết một cái phòng, một ngôi chùa, một thành lũy, một quốc gia cho đến khắp đất đai, lấy biển làm biên giới, sẽ thấy đầy những bộ xương trắng. Muốn cho quán tâm tăng trưởng, lại quán lần lượt từ rộng đến hẹp. Quán một quốc độ là một bộ xương. Lần lần sẽ thấy một thành, một chùa, một phòng, một bộ xương đầy đủ. Rồi quán bộ xương đó cho tới lúc chỉ thấy một chút xương trắng ở giữa chặn mày. Thấy giữa chặn mày rồi chuyên chú một chỗ vắng lặng mà an trụ, như vậy tu tập cho đến khi đắc định. Quán này thành tựu thì tất cả tham ái tự nhiên tiêu diệt

Hoặc Quán Sổ Tức: Nên từ cạn đến sâu, lần lượt tiến tu. Trước hết phải tự mình điều hòa hơi thở, không rít, không nghẹt. Nhứt tâm chuyên chú đếm hơi thở ra vào. Trước hết, đếm hơi hít vào, sau đếm hơi thở ra, từ một đến mười, xong rồi đếm lại thế mãi, tâm tưởng nơi đếm, đừng cho tán loạn. Nếu thấy, không cần cố sức mà đếm dễ dàng từ một đến mười trong hơi thở; lúc đó lại nhứt tâm theo hơi thở ra vào. Khi hít vào, tâm cũng theo hơi vào, từ mũi đến yết hầu, từ yết hầu đến tim, đến rú, đến đơn điền, bắp vế, ống chân cho đến bàn chân, ngón chân. Khi hơi thở ra, tâm cũng theo hơi thở ra. Hơi thở ra xa ngoài thân cho đến một gan, một tầm. Nhứt tâm theo dõi hơi thở ra vào; nếu thấy tâm và hơi thở nương nhau dễ dàng, bây giờ nên buộc niệm, đình chỉ tại giữa chặn mày, hoặc ở nơi đầu mũi, dừng tâm tại đó, quán hơi thở an trụ nơi thân, như sợi chỉ xâu hạt châu, hoặc lạnh hoặc ấm, hoặc thêm hoặc bớt. Nếu thấy, thân vắng lặng khoái lạc, an vui, rồi lại quán sát hơi thở nhẹ nhàng, vi tế. Lại quán tâm thức sát na không trụ. Như vậy tu tập, cảm giác biết hơi thở ra, vào, khắp lỗ chân lông. Tâm nhãn khai minh, thấy sáng suốt trong thân ba mươi sáu vật và các trùng bọ, lúc bấy giờ đã đắc định; rồi lại chăm tu các hạnh môn khác. Ở đây, vì sợ phiền phức nên tạm chấm dứt

Như trong kinh nói: Quán hơi thở ra, vào là bước đầu vào đạo của chư Phật ba đời vậy. 

Hoặc Quán Ngã Không: Nên cần phải để ý suy tìm, thân này bản lai vốn không có Ta (vô ngã). 

Chỉ là sắc tâm, hai pháp hòa hợp mà thành. Sắc có bốn loại: đất, nước, gió, lửa. Nghĩa là cấu sắc: Lông, tóc, móng, răng, da, thịt, gân, cốt, tủy, não, đều là đất. Mũi, đàm dãi, máu mủ, nước miếng, nước bọt, tinh khí, đại, tiểu tiện đều là nước. Hơi nóng là lửa. Sự động chuyển “hô hấp” là gió. Tâm có bốn loại: thọ, tưởng, hành, thức. Thọ nghĩa là lãnh nạp; giữ lấy hình tượng bóng dáng, đó là Tưởng; tạo tác là Hành; rõ biết, phân biệt là Thức. 

Ở trong tám loại này, cái nào là Ta? Nếu đều là Ta thì có tám cái Ta. Hơn nữa ở trong thân thể đã có ba trăm sáu chục đoạn xương, mỗi đoạn đều riêng. Da, lông, gân, thịt, gan, tim, phổi, thận, mỗi cái không giống nhau. Thấy không phải là nghe. Vui không phải là giận. Ðã có nhiều vật như thế, không biết định lấy cái nào để làm Ta. Nếu đều là Ta cả, thì sẽ có cả trăm ngàn cái Ta. Trong một thân sanh nhiều phân đoạn. Xa lìa nó, sẽ không có pháp riêng khác, tìm tòi kỹ lưỡng cái Ta, cũng không thấy đâu cả. Ðã biết thân này là do duyên giả hợp với nhau. Bản lai không có Ta. Hành giả ngày đêm thường tu phép quán rất nhiệm mầu này. Bởi vì tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến giờ, chấp thân này là Ta; do đó mà quý trọng nó, tham cầu danh lợi, muốn đem vinh quang lợi ích cái Ta. Tức giận cảnh nghịch vì sợ nó xâm phạm đến Ta. Tâm tình ngu si, đã so sánh một cách trái lý. Nay đã thường quán thân này: Bản lai không có Ta, tức tam độc tự diệt, tam độc diệt rồi, ba cõi tự xa lìa vậy. 

Hoặc Quán Pháp Không: Nên cần quán xét hai pháp sắc tâm của thân này: Sắc có: Ðịa, thủy, hỏa, phong. Tâm có: Thọ, tưởng, hành, thức. Nơi tám pháp này mỗi pháp quán xét đều do duyên sanh, không có tự tánh. Thể của tám pháp là không. Sơ tâm của hành giả nên tu quán môn này. Tùy nơi tâm tam ưa thích một, hoặc hai, cho đến năm pháp quán đều được tu tập. Tâm quán pháp môn chỉ quý ở sự tu luyện, luyện mới có giá trị, nói suông chẳng lợi ích chi.

2)Chơn Như Tuyệt Tướng Quán: (Tức đương lý pháp giới quán) ở trong an tâm lại có ba môn: 

a)Thường quán toàn thể pháp giới, chỉ là một vị thanh tịnh chơn như. Vốn không có sự tướng sai khác. Trí năng quán này cũng là một vị chơn như. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Tất cả các pháp vô sanh; tất cả các pháp vô diệt. Nếu hiểu như vậy, các Phật thường hiện tiền”. Thất Tổ thiền sư lại nói rằng: “Niệm vô niệm, tức là niệm chơn như”. Ðức Lục Tổ giải thích vô niệm rằng: “Không, là không có các tướng; niệm, là niệm chơn như”, đây mới tưởng niệm các pháp toànchơn như. Nhưng tưởng niệm vốn là tướng của vô tưởng niệm; cho nên Luận Khởi Tín nói rằng: “Tuy niệm không có cái năng niệm, để mà niệm.” (Sở tưởng chơn như ở đây tức là tuyệt đãi Chơn tâm trong Ðốn giáo đã nói trước. Hạnh môn này thường tưởng tất cả pháp, chỉ là một vị thanh tịnh chơn như, vốn không sanh diệt. Ðó gọi là Chơn như tam muội, cũng gọi là Nhất hạnh tam muội, hay là Vô sanh tam muội.) 

b)Nếu tu niệm khởi, chỉ khởi giác tâm. Cho nên Ngài thất tổ nói rằng: “Khi niệm khởi liền biết, biết tức liền không; tu hạnh diệu môn chỉ ở nơi đây; tức là giác tâm này, gọi là quán. Ðây cũng tuy khởi giác tâm, vốn không có tướng khởi giác.” (Hạnh môn này, trong tất cả thời, nếu khởi tâm niệm, chỉ khởi giác tâm. Ðây chính là tu hạnh yếu môn nhiệm mầu vậy). 

c)Xét tâm là sai, động niệm liền trái, chỉ để tâm mà không ký thác vào, lý huyền diệu này sẽ tự lãnh hội. Cho nên kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “Pháp tánh vốn không tịch, không thủ cũng không kiến. Tánh không tức là Phật, chẳng thể suy lường được.” Cổ đức nói rằng: “Thật tướng xa lìa nói và nghĩ; chơn như vượt lên trên thấy và nghe. Ðây là chỗ an tâm; học sự khác sẽ uổng công…” Ở đây cứ theo bổn tánh tự chiếu, chứ không khởi sanh huệ giải mới mẻ nào. Cho nên kinh Viên Giác dạy rằng: “Chỉ cần các Bồ Tátmạt thế chúng sanh ở tất cả thời không vọng niệm; nơi các vọng tâm cũng không dứt bỏ. An trụ ở cảnh vọng tưởng, không thêm liễu. Ở nơi không liễu trí, không biện chơn thật”. Ngài Hiền Thủ lại dạy rằng: “Nếu khởi tâm làm phàm, làm Thánh không phải là chơn hạnh; không làm tất cả hạnh, hạnh tâm không nương ký vào đâu cả, đó gọi là Ðại Hạnh.” Môn này lấy bổn tánh tự chiếu, gọi là quán “Hạnh môn này trong tất cả thời, tâm vô sở ký đó gọi là chơn tu. Tuy tu đủ vạn hạnh, ở trong vạn hạnh, tâm vô sở ký…”. Thiền tôn ở Trung Hoa bảy đời Tổ Sư, chỗ truyền tâm yếu có ba môn; mà nhiếp tận hết thảy, không để sót gì cả. 

1)Kiến Tánh Môn: Trước cần phải liễu ngộ tuyệt đãi Chơn tâm. Tất cả vọng tưởng bổn không, Chơn tâm bổn tịnh; tức tâm là Phật. Không nhờ ngoại cầu, tức là Ðốn giáo Nhứt tâm nói ở trên. 

2)An Tâm Môn: Như ba môn tưởng niệm chơn như đã nói ở trên. 

3)Phát Hạnh Môn: Cần phải đầy đủ tu Bồ Tát Lục độ Vạn hạnh. Ðủ y ba môn tức là chánh thiền; thiếu đi một môn sẽ trở thành thiên kiến. Ngài Ðạt Ma nói rằng: “Pháp của ta, lấy tâm truyền tâm, không lập văn tự. Tâm này là bổn giác thanh tịnh của tất cả chúng sanh, cũng gọi là Phật tánh. Muốn cầu Phật đạo cần phải ngộ tâm này, tức là Kiến Tánh Môn”. Lại nói rằng: “Do đó an tâm, gọi là quán vách khiến cho kẻ đạo nhơn tu tập, tâm an trụ chơn lý. Tịch nhiên vô vi, ví như tường vách, không khởi phân biệt tức là an tâm môn.” Lại nói rằng: “Như vậy phát hạnh, có bốn hạnh”: 

a)Báo Oán Hạnh: Nghĩa là kẻ tu hành lúc gặp sự khổ sở phải tự nghĩ rằng: Ta từ xưa, trải qua bao số kiếp, bỏ gốc theo ngọn, trôi nổi trong các thú, khởi lên nhiều ghét oán, gây ra nhiều điều bậy bạ, nguy hại. Nay tuy không phạm, nhưng vì ác nghiệp, túc oán đã chín muồi, chẳng phải trời hay người đem lại, cam tâm nhẫn chịu mà không oán trách. Kinh dạy rằng: “Gặp khổ không buồn. Vì sao? Ðã hiểu thấu vậy!” 

b)Tùy Duyên Hạnh: Nghĩa là đạo nhơn tu hành nếu được các việc quả báo thù thắng vinh dự, phải tự mình nghĩ rằng: Tất cả pháp đều từ duyên sanh. Vì quá khứ ta tu nhơn đã cảm nay mới được. Duyên hết rồi, trở lại hoàn không; có gì phải vui mừng. Ðược, mất tùy duyên, tâm không tăng giảm, gió vui không động; gió giận không sanh. 

c)Vô Sở Cầu Hạnh: Ðời người mê dại, nơi nơi tham trước gọi là tìm cầu. Người trí khi ngộ chơn lý, xem thấy tam giới, chín cõi cũng như nhà lửa. Có thân đều phải khổ, đâu được sự an vui, ở trong tam giới, không còn chỗ mong vui. Kinh dạy rằng: “Có cầu đều khổ, không cầu mới vui”. 

d) Xứng Pháp Hạnh: Nghĩa là tánh tịnh chơn lý gọi là pháp, mà tánh này vốn không keo kiệt cùng tất cả vạn ác khác. Nên xứng lý tánh mà tu bố thí v.v… Tất cả vạn thiện, riêng bốn hạnh này tức là phát hạnh môn. Ngài Thảo Ðường Thiền Sư, ở trong kinh Viên Giác Sớ cũng có ba môn, đều giống như vậy. 

1)Trước hết phải ngộ Viên Giác tánh: Nghĩa là nhứt vị thanh tịnh Chơn tâm

2)Phát Bồ đề tâm: Nghĩa là đại bi, đại trí, đại nguyện

3)Sau rồi tu Bồ Tát hạnh: Nghĩa là Lục độ Vạn hạnh các pháp. 

Ba môn này rất thiết yếu cho người học Thiền, nếu không viên tu ba môn, không do đâu thể xa lìa các tà kiến. Từ xưa đến nay Ngữ Lục của các nhà Thiền tôn, đa số chỉ ứng theo thời, theo căn cơ hoặc chỉ nói đến kiến tánh, hoặc chỉ nói an tâm, hay chỉ nói phát hạnh. Lại như trong nơi an tâm, phát hạnh, lại mỗi mỗi có nhiều đường lối, hoặc chỉ rõ một đường lối v.v… Nay các môn này, tâm nếu không đạt; nhiên hậu xem đến Thiền giáo khác mới biết được quy chỉ. 

3)Quán Sự Lý Vô Ngại: (Tức là đương sự vô ngại pháp giới quán). Nghĩa là thường quán tất cả các pháp nhiễm tịnh duyên sanh vô tánh, toàn là chơn lý. Chơn lý là tất cả các pháp nhiễm tịnh. Như quán sóng, toàn là tánh ướt, tánh ướt toàn là sóng. Cho nên Khởi Tín Luận nói rằng: Tuy nghĩ các pháp tự tánh không sanh, nhưng lại nghĩ đến nhân duyên hòa hợp. Các nghiệp: thiện, ác, quả báo, khổ vui, không mất, không hoại. (Lý bất ngại Sự vậy, như tánh ướt tuy có một, không chướng ngại cho việc sanh ra nhiều sóng). Tuy nhớ nghĩ nhân duyên thiện ác, nghiệp báo mà cũng liền nghĩ đến tánh của nó không có. (Sự bất ngại lý vậy. Như sóng mòi tuy nhiều, nhưng không ngại toàn thể là tánh ướt.) 

Nếu tu tập: Giả, Không, Trung – ba pháp quán, nghĩa là tưởng tất cả các pháp đều duyên sanh không tự tánh, thể của nó là không, tức là Không quán. Như quán những hình tượng trong gương, toàn là không có thật thể. Nếu tưởng tất cả các pháp, tuy có mà không thật, đều như chiêm bao huyễn hoá, tức là Giả quán. Như quán những hình bóng trong gương, có mà không thật. Nếu tưởng tất cả các pháp, toàn là một vị diệu minh Chơn tâm, nhu trước chung giáo đã nói rõ, Chơn tâm rộng lớn ấy, tức là Trung quán. Như quán cái gương sáng. Ba phép quán này, hoặc là riêng tu một môn, hay là tiệm thứ đều tu, hoặc là một thời đồng tu, tùy ý lấy hay bỏ như đồ dùng. 

1) Ðế Võng Vô Tận Quán: (Tức là đương sự sự vô ngại quán). Trong đây lược bày có năm môn: 

1) Lễ kính môn. 
2) Cúng dường môn. 
3) Sám hối môn. 
4) Phát nguyện môn. 
5) Trì tụng môn. 

1)Lễ kính môn:Nghĩa là tưởng hư không khắp pháp giới: trần trần sát sát trước đế võng vô tận Tam-Bảo, có mỗi đế võng vô tận tự thân mình. Mỗi mỗi thân mình đều lễ lạy đế võng Tam-Bảo vô tận. Trước mỗi ngôi Tam-Bảo có đế võng Tam-Bảo tự thân lễ bái. Lại tưởng một môn này, tận hết đời vị lai tế, không thôi nghỉ, niệm niệm tương tục, không gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp không có nhàm mỏi (Hoặc trong lúc ngồi thiền quán tưởng; hoặc sớm chiều lễ Phật, khi tu tập kiểm niệm. Nhập quán môn này công đức vô tận). (Ngài Thanh Lương nói rằng: Không nhập pháp quán này, tự mình mệt nhọc uổng công. Hoặc thuần nhập được môn này, thì tưởng khắp pháp giới toàn là Tỳ Lô Phật hoặc Chuẩn Ðề v.v... Mỗi trước một tôn tượng, tưởng một thân mình lễ Phật. Tu tập cho đến thuần thục, lần lần tăng trưởng đến 100, 1000 Tôn vị Phật cho đến vô tận. Mấy pháp cũng y theo môn này mà tu tập.) 

2)Cúng dường môn: Tưởng tận hư không khắp pháp giới trần sát đế võng trước vô tận Tam-Bảo, có mỗi đế võng vô tận đồ cúng dường đầy đủ, các sự cúng dường đế võng vô tận Tam-Bảo. Trước mỗi một ngôi Tam-Bảo, có đế võng vô tận thân cúng dường. Lại tưởng một môn này khắp hết đời vị lai tế không nghỉ ngơi. Niệm niệm nối nhau không gián đoạn. Thân, ngữ, ý, nghiệp không nhàm mỏi. (Hoặc trong khi ngồi tưởng cúng dường trước Phật, hoặc thiêu hương, dâng hoa, luyện tập nhập pháp quán này. Nếu khônghương hoa, chỉ chấp tay nhập quán môn này, công đức cũng phát sanh vô tận). 

3)Sám hối môn: Tưởng tận hư không khắp pháp giới, trần trần sát sát đế vọng vô tận trước Tam-Bảo, có đế võng vô tận thân. Mỗi mỗi một thân đều đem hết lòng chí thành sám hối đế võng vô tận tội chướng. Nghĩa là từ hồi nào đến thân ngày nay, đã tạo các tội ngũ nghịch, thập ác, các phiền não sở tri chướng. Mỗi mỗi một thân, sám hối đế võng vô tận tội chướng. Mỗi mỗi tội chướng, có đế võng vô tận thân sám hối. Tổng tưởng một môn này hết thảy đời vị lai tế không bao giờ nghỉ ngơi. Mỗi mỗi niệm nối nhau không gián đoạn. Thân, ngữ, ý nghiệp nối nhau không nhàm mỏi. (Hoặc trong khi ngồi tưởng sám hối, trước Phật sám hối, nên tu tập quán môn này.)

4)Phát nguyện môn: Tưởng tận hư không pháp giới, trần trần sát đế võng vô tận, trước Tam-Bảo có đế võng vô tận thân. Mỗi một thân phát đế võng vô tận nguyện. Nghĩa là: Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Phật pháp vô biên thệ nguyện học. Vô biên phước trí thệ nguyện tập. Vô thượng Bồ đề thệ nguyện thành. Ðem tất cả tự tâm dã an vui với thiện nguyện mà tổng phát. Mỗi mỗi một thân phát đế võng vô tận nguyện. Mỗi mỗi một nguyện có đế võng vô tận thân phát. Tổng tưởng một môn này hết đời vị lai tế không nghỉ ngơi. Mỗi mỗi niệm nối nhau không gián đoạn. Thân, ngữ, ý nghiệp không nhàm mỏi. (Trong lúc ngồi niệm luyện trước Phật, khi phát nguyện tu tập pháp quán tưởng này.) 

5) Trì tụng môn: Tưởng tận hư không khắp pháp giới, trần trần sát sát đế võng vô tận trước Tam-Bảo, có các đế võng vô tận thân. Mỗi mỗi một thân trì các đế võng vô tận chơn ngôn giáo pháp danh hiệu chư Phật, Bồ Tát. Mỗi mỗi một chơn ngôn giáp pháp, danh hiệu chư Phật, Bồ Tátđế võng vô tận thân trì tụng. Tổng tường một môn này, tận đời vị lai tế không nghỉ ngơi. Mỗi mỗi niệm nối nhau không gián đoạn. Thân, ngữ, ý nghiệp không nhàm mỏi. (Hoặc khi trì tụng kinh v.v… trước quán tưởng pháp môn này rồi, nhiên hậu trì tụng rất nhiệm mầu. Năm pháp môn đã thực hành rồi, còn các hạnh khác, y theo đây mà tu tập.) 

Nếu tu tập Tương tức quán, có bốn câu: 

1)Một tức là một: Nghĩa là quán một sợi lông tức là một cái tai. Một cái tai, đồng thời là một sợi lông. 

2)Tất cả tức là một. 

3)Một là tất cả: Hai câu này nên hiệp lại mà quán. Nghĩa là khi quán tất cả người, tức là tất cả Phật, tất cả Phật đồng thời, tức là tất cả người. Trong mỗi câu tất cả các pháp lệ chuẩn theo đây mà quán. 

Nếu tu tập Tương tập nhập quán cũng có bốn câu: 

1)Một nhiếp một đem nhập một: Nghĩa là quán một người, nhiếp một Ðức Phật, đem nhập vào một vị Bồ Tát. Như cái gương phía Ðông nhiếp vào cái gương phía Nam, đem nhập vào cái gương phía Tây. 

2)Một nhiếp tất cả, đem nhập một: Nghĩa là quán một cái hoa nhiếp tất cả sông, đem nhập vào một hòn núi. 

3)Tất cả nhiếp một, đem nhập tất cả: Nghĩa là quán tất cả trần nhiếp một Ðức Phật, đem nhập trong một sợi lông. 

4)Tất cả nhiếp tất cả, đem nhập vào tất cả: Nghĩa là quán tất cả cây nhiếp tất cả thần, đem nhập vào trong tất cả biển. Trong mỗi câu, tất cả các pháp lệ chuẩn nơi đây mà quán tưởng. Hai phép quán: Tương tức, tương nhập này, tùy theo trong mỗi câu mà quán tưởng, lại có tổng quán, biệt quán, nhiều pháp môn. Sợ phiền, không trình bày hết, chỉ chuyên tâm tu luyện, tự nhiên hiểu thấu. 

Cho nên Ngài Bùi Công ở trong bài tựa Pháp Giới Quán nói rằng: “Chỉ khiến cho người học không rõ cảnh trong tự tâm. Tâm huệ đã sáng tỏ rồi, tự thấy nghĩa vô tận. Ðừng đem giáo nghĩa Viên Thông ra chia vụn vặt từng đoạn. Nếu đồng thời tu tập đầy đủ tương ưng quán, nghĩa là tùy quán một pháp, đồng thời đầy đủ pháp giới các pháp vậy. Các huyền môn kia lệ nơi đây mà hiểu. Nếu ưa muốn tu tập Viên tôn tam quán chỉ. Chính như thân một người rõ ba đế: Nhơn thân giả tướng mà có, đó gọi là Tục đế. Nhơn thân duyên sanh vô tánh, sắc thể của nói toàn không gọi là Chơn đế. Nhơn thân giả tướng khôngtự tánh riêng biệt, thể của nó toàn là tịch chiếu chơn lý, gọi là Trung đạo đế. Nhưng ba đế này thể dụng không ngại, không, hữu dung nhau. Tức một mà ba, tức ba mà một. Pháp vốn như thị, y như ba đế này hành giả quán sát thành Tam quán Tam chỉ. Nghĩa là tâm của hành giả quán nhơn thân giả tướng, lìa được cái chấp đó gọi là Phương tiện tùy duyên chỉ. Lại quán nhơn thân sắc thể toàn không, gọi là không quán. Tức quán tâm này khi rõ được sắc Không, lìa được các chấp sắc thể thật có, gọi là Thể chơn chỉ. Lại quán nhơn thân này toàn là Trung đạo thật tánh gọi là Trung đạo quán. Tức là quán tâm này xa lìa được cái chấp có tướng và xa lìa được cái chấp thể không gọi là Viễn ly nhị biên phân biệt chỉ. 

Quán tâm như vậy ở trong một niệm thấy cả ba đế, nghĩa là lập tam quán. Xa lìa được ba món chấp, nghĩa là lập tam chỉ. Tam quán tam chỉ, chỉ là nhứt tâm. Tức một thường là sáu, tức là sáu thường là một. Ðem nhứt tâm này khế đồng sở quán tam đế, cảnh vô ngại của thể và dụng, của không và hữu. Tâm cảnh thường dung, lại thường rõ ràng. Ðã quán một thân người mà thành tam quán tam chỉ; quán tất cả đều như vậy. Hỏi rằng: Luận về Ðại Hạnh tóm lại chỉ vô niệm; cớ sao lấy đế võng tương tức quán v.v… Khiến cho người khởi lên vô tận tưởng niệm, há không mệt mỏi thân tâm ư? Xin trả lời: Nếu thấy đây là một ly niệm để ngoại cầu vô niệm, mà còn chưa được cái chơn vô niệm. Chơn vô niệm là niệm vốn không không làm thế nào lại được cái niệm, cùng vô niệm không chướng ngại nhau? Nếu như được toàn thể Viên hạnh trong Vô tận hạnh? Lời hỏi này là cái ý xuất ra trong Hoa Nghiêm Kinh Ðại Sở. Nếu không tu tập các quán đế võng tương tức, thì không thể chứng trọn được vô ngại Phật quả. Nay có tiểu căn nghe pháp môn này liền thêm phiền loạn, hoàn toàn không thèm để ý. Người xưa nói rằng: con ếch ngồi đáy giếng không thể biết nơi biển lớn được. Núi Thái Sơn không thể đựng trong đãy được. 

5)Vô Chướng Ngại Pháp Giới Quán: (Tức đương tức pháp giới sở y tổng pháp giới quán), nghĩa là thường quán sát tất cả pháp nhiễm tịnh. Thể của nó toàn là vô chướng ngại pháp giới tâm. Trí năng quán này cũng tưởng toàn là pháp giới tâm. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Biết tất cả pháp, là tâm tự tánh. Thành tựu huệ thân, không do tha ngộ”. Lại Ngài Thanh Lương nói rằng: “Nếu biết xúc vật đều là tâm, mới rõ được tâm tánh. Nay trong vô chướng ngại pháp giới này, vốn đủ ba thế gian, bốn pháp giới. Tất cả nhiễm tịnh các pháp, chưa có một pháp nào ra ngoài pháp này, mà pháp giới này đầy đủ cái này, cái kia, xen nhau vô chướng ngại. Thời biết căn căn, trần trần, toàn là vô chướng ngại pháp giới. Nếu ở trong bốn oai nghi, thường quán căn căn, trần trần đều là trùng trùng vô tận pháp giới, thì tu được cảnh giới phổ nhãn vậy. Quán này là căn bản của tất cả phép quán tam muội. Nếu thường tu tập, tất cả tam muội quán môn tự nhiên hiện tiền.” Như trên đã nói nhiều quán môn, hoặc ưa thích tổng tu, hoặc tu một, hai phép, tùy lòng đều được. Chỉ chuyên cần tu luyện, một đời chưa được, ba đời chắc hoàn thành. Lại nữa, hành giả cần phải nổi lên cái tư tưởng, tưởng được hiện tiền, thường được hiện không ẩn mới là Hoa Nghiêm Viên giáo, Chơn Hạnh; Thanh Lương Sở Chú: Sự sự vô ngại trong mười huyền môn gồm có sáu câu. Năm câu trước là khởi tưởng tu luyện, luyện được hiện tiền rồi, lại không tưởng luyện, tuy không tưởng luyện thường hiện không ẩn, mới thành đệ lục hành cú. Pháp giới quán nói rằng: “Suy tư thật sâu xa, khiến nó hiện ra trước mắt, viên minh hiển hiện, xứng hạnh cảnh giới.” Ngài Khuê Sơn thiền sư giải thích rằng: “Suy tư khiến nó hiện ra chơn giải vậy. Ðã hiện ra, liền dừng suy tưởng. Tuy không suy tưởng mà cũng thường hiện ra, không giấu kín mới là thật hạnh.” 

Ngài Nhất Hạnh thiền sư nói rằng: “Trước cần khởi tưởng, tưởng được hiện tiền, nhiên hậu dùng Bát nhã không mà tịnh trừ nó. Tức thành bất tư nghì đại dụng, liền đốn nhập Phật quả. Nếu không khởi tâm quán đó, lầm lãnh hội ý Bát nhã, dẫu cho có nhập không cũng mất đạo lý viên đốn, đối với viên tôn hành giả tu luyện chí thiết thì tự nhiên lời nói biến mất, dứt tuyệt suy nghĩ, liễu liễu phân minh mới là chơn tu hạnh. Nếu được như vậy trong bốn oai nghi thường thấy những cảnh giới không thể nghĩ bàn. Người muốn tu đạo nên lưu tâm sự này, bổn lai như vậy, chỉ vì mê muội không thấy đó thôi. 

Người tu tâm hoặc có cảnh mộng thiện ác, hoặc gặp các thứ ma chướng hiện ra các cảnh giới khác: Trái, thuận, hay nghe các thứ tiếng thiện ác, hoặc các loài trùng kiến bò chạy trên thân, hoặc thân tâm không an, nhiều lo lắng. Hoặc khi nhập quán tưởng có các thứ tướng hiện, không đồng với bổn quán tương ưng v.v… Ðiều cần phải quán đó như chiêm bao, mộng huyễn, tất cả đều không có thật. Hoặc quán tất cả là tự chân tâm của mình. Luận Khởi Tín dạy rằng: “Ðương niệm duy tâm, cảnh giới bèn diệt, không thể làm hại mình được.” 

Từ trước đến giờ đã nói xong phần HIỂN GIÁO TÂM YẾU.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 18437)
Truyền thuyết “Niêm hoa vi tiếu” không biết có từ lúc nào, chỉ thấy ghi chép thành văn vào đời Tống (960-1127) trong “Tông môn tạp lục” mục “Nhơn thiên nhãn”...
(Xem: 19925)
"Đây là con đường duy nhất để thanh lọc tâm, chấm dứt lo âu, phiền muộn, tiêu diệt thân bệnh và tâm bệnh, đạt thánh đạochứng ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ".
(Xem: 19604)
Để diệt trừ cái khổ, người ta phải nhận ra bản chất nội tại của vấn đề khổ. Mà để được vậy, trước hết người ta phải cần có một cái tâm an tịnh...
(Xem: 33517)
Những lúc vô sự, người góp nhặt thường dạo chơi trong các vườn Thiền cổ kim đông tây. Tiêu biểu là các vườn Thiền Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
(Xem: 34664)
Không thể có một bậc Giác Ngộ chứng nhập Niết Bàn mà chưa hiểu về mình và chưa thấy rõ gốc cội khổ đau của mình.
(Xem: 54622)
Muốn thực sự tiếp xúc với thực tại, cho dù đó bất cứ là gì, chúng ta phải biết cách dừng lại trong kinh nghiệm của mình, lâu đủ để nó thấm sâu vào và lắng đọng xuống...
(Xem: 37871)
Thực hành thiền trong Đạo Phật rốt ráo là để Thực Nghiệm sự thật VÔ NGÃđức Phật đã giác ngộ (khám phá). Đó cũng là để chứng thực KHÔNG TÁNH của vạn pháp.
(Xem: 21215)
Do bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, thưa Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài.
(Xem: 17958)
Đức Phật khám phá ra rằng một tâm hạnh phúc nhất là tâm không bị dính mắc. Đây là một niềm hạnh phúc rất sâu sắc, khác hẳn với những gì chúng ta vẫn thường biết.
(Xem: 63788)
Đàn Kinh được các môn đệ của Huệ Năng nhìn nhận đã chứa đựng giáo lý tinh nhất của Thầy mình, và giáo lý được lưu truyền trong hàng đệ tử như là một di sản tinh thần...
(Xem: 17458)
Thiền giữ vai trò rất quan trọng trong đạo Phật. "Ngay cơ sở của Phật giáo, tất cả đều là kết quả của sự khảo sát về Thiền, và nhờ có tư duy về Thiền mà Phật giáo mới được thể nghiệm hóa...
(Xem: 49780)
Khi ta phát triển định tâm, ta sẽ có thể giữ những chướng ngại tạm thời ở một bên. Khi những chướng ngại được khắc phục, tâm ta trở nên rõ ràng trong sáng.
(Xem: 16928)
Thiền có nghĩa là tỉnh thức: thấy biết rõ ràng những gì anh đang làm, những gì anh đang suy nghĩ, những gì anh đang cảm thọ; biết rõ mà không lựa chọn...
(Xem: 16460)
Bất kì ai cũng có khả năng giác ngộ nếu có khát vọng. Khát vọng hướng về mẫu số chung “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”, khát vọng đó là minh sư vĩ đại nhất của chính mình.
(Xem: 14532)
Thiền tông, nói mây, nói cuội, nói chuyện nghịch đời… chẳng qua đối duyên khai ngộ, để phá cho được cái dòng vọng tưởng tương tục của người, hy vọng ngay đó người nhận ra “chân”...
(Xem: 22557)
Nhờ thiền sư Munindra tận tâm hướng dẫn chu đáo từng bước một nên bà tiến bộ rất nhanh chóng. Đi từ cấp thiền cổ điển đến tiến bộ trong chánh niệm (progress insight).
(Xem: 57122)
Tập sách Thiền và Bát-nhã này là phần trích Luận Năm và Luận Sáu, trong bộ Thiền luận, tập hạ, của D. T. Suzuki. Tập này gồm các thiên luận về Hoa nghiêm và Bát-nhã.
(Xem: 13902)
Giác ngộ không phải là cầu toàn, vì càng cầu toàn con càng khổ đau thất vọng, mà là cần thấy ra bản chất bất toàn của cuộc sống. Chỉ cần vừa đủ trầm tĩnh sáng suốt...
(Xem: 29090)
Đức Phật dạy rằng hạnh phúcvấn đề thiết thực hiện tại, không phải là những ước mơ đẹp đẽ cho tương lai, hay những kỷ niệm êm đềm trong quá khứ.
(Xem: 33392)
Thầy bảo: “Chuyện vi tiếu nếu nghe mà không thấy thì cứ để vậy rồi một ngày kia sẽ thấy, tự khám phá mới hay chứ giải thích thì còn hứng thú gì.
(Xem: 38456)
Sở dĩ chúng ta mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau là vì thân tâm luôn hướng ngoại tìm cầu đối tượng của lòng tham muốn. Được thì vui mừng, thích thú...
(Xem: 31306)
Nếu không có cái ta ảo tưởng xen vào thì pháp vốn vận hành rất hoàn hảo, tự nhiên, và tánh biết cũng biết pháp một cách hoàn hảo, tự nhiên, vì đặc tánh của tâm chính là biết pháp.
(Xem: 13960)
Thực tế, thì căn bản của sự thực thiền của các hành giả chân chánh là khám phá ra những hành động nào đem lại khổ đau hoặc hạnh phúc. Sau đó, tránh các hành động gây nghiệp...
(Xem: 14672)
Thực hành phát triển Định Tuệ sẽ xa dần các tà kiến và các thiên chấp; sẽ sống với nhân cách tự-do-tinh-thần; cởi bỏ gánh nặng nô lệ thị phi, tập tục.
(Xem: 14339)
“Phản văn văn tự tánh” là “quay cái nghe nghe tự tánh”. Tự tánhthực thể đang nghe đang thấy đang biết, đồng thời đang tự biết tự thấy…
(Xem: 12710)
Hành thiền, cốt tuỷ nhất, là tự tri, là quán tâm. Học Thiền, tức học đạogiác ngộ, cốt tuỷ nhất là nương ngôn từ để thấy biết trạng thái tâm trí.
(Xem: 14888)
Tôi có một số kinh nghiệm vững chắc về định, tĩnh, và quán tưởng. Điều đó thúc đẩy tôi đến với Thiền Minh Sát. Các tu sĩ ở đây khuyến khích tôi xuất gia.
(Xem: 19248)
Nếu thấy tất cả con người, muôn vật đều hư giả, tạm bợ thì không còn tham sân nữa. Mình không thật, có ai chửi mình cũng không giận. Cái tôi không thật, lời chửi thật được sao...
(Xem: 13872)
Trong Phật giáo có những phương pháp dùng để thực hành Thiền từ bi. Các thiền giả nhằm khích động lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh...
(Xem: 12714)
Thế giới, với người ngộ đạo, đã được lộn trái trở lại: sanh tử lộn ngược thành Niết Bàn. Đời sốngý nghĩakhông tịch. Đời sống là sự biểu hiện của tính sáng.
(Xem: 30499)
Thiền Quán là tri nhận Giác Thức thành Giác Trí. Giác Thức và Giác Trí được quán tưởng theo thời gian. Khi Tưởng Tri thì Thức và Trí luôn nối tiếp nhau làm cho ta có tư tưởng...
(Xem: 11897)
Cuộc cách mạng thực tập Thiền Chánh Niệm bắt đầu bằng một động tác giản dị là chú ý đến hơi thở, cảm thọ trong thân và tâm, nhưng rõ ràng là có thể đi rất xa.
(Xem: 30788)
Sự giác ngộ đem lại lợi ích thực sự ngay trong kiếp sống này. Khi đề cập đến Pháp hành ta nhất thiết phải tìm hiểu qui trình tu tập hợp lý và hợp với giáo huấn của Đức Phật.
(Xem: 29475)
“Chẳng có ai cả” là một tuyển tập những lời dạy ngắn gọn, cô đọng và thâm sâu nhất của Ajahn Chah, vị thiền sư lỗi lạc nhất thế kỷ của Thái Lan về pháp môn Thiền Minh Sát.
(Xem: 30692)
Thiện tri thức! Tâm lượng quảng đại, biến mãn khắp pháp giới, về dụng thì mỗi mỗi phân minh, ứng dụng ra thì biết được tất cả là một, một là tất cả... Thích Nữ Trí Hải dịch
(Xem: 31338)
Bên ngoài xa lìa các tướng gọi là “thiền”, bên trong không loạn gọi là “định”. Bên ngoài nếu như tuy có tướng, song bên trong bổn tính vẫn không loạn, thì đó là cái tự tịnh tự định bổn nguyên.
(Xem: 37220)
Thiện tri thức, khi chưa ngộ thì Phật tức chúng sanh, lúc một niệm khai ngộ, chúng sanh tức Phật. Nên biết vạn pháp đều ở nơi tự tâm...
(Xem: 32347)
Này chư Thiện tri thức, cái trí Bồ Đề Bát Nhã, người thế gian vốn tự có, nhưng bởi tâm mê, nên chẳng tự ngộ được... Minh Trực Thiền Sư Việt dịch
(Xem: 23767)
Quyển "THIỀN QUÁN - Tiếng Chuông Vượt Thời Gian" là một chuyên đề đặc biệt giới thiệu về truyền thống tu tập thiền Tứ Niệm Xứ của đức Phật dưới sự hướng dẫn của thiền sư U Ba Khin.
(Xem: 12269)
Thực tập chánh niệm có thể ảnh hưởng tích cực đến nhiều hoạt động của hạch hạnh nhân, khu vực có kích thước bằng hạt đậu nằm ở trung tâm não bộ...
(Xem: 14260)
Thiền Tiệm Ngộpháp hành từ tập trung trí và thức gom vào một đề mục duy nhất, hoặc dùng một đối tượng đặt ra do tư tưởng định trước.
(Xem: 14123)
Khi chấp nhận thực hành thiền, chúng ta phải có niềm tin sâu sắc vào khả năng của tâm chúng ta ngay từ lúc khởi đầu, và phải duy trì niềm tin ấy...
(Xem: 34063)
Nếu tâm chúng ta dịu dàng, nhân ái, hiểu biết, và có sự đồng cảm đối với tha nhân, chúng ta sẽ tu tập tâm từ đến người khác không mấy khó khăn.
(Xem: 27806)
Đức Phật bảo rằng cần có mười lăm đức tính để tự hoàn thiện, để có thể sinh lòng từ bi đối với mọi người quanh ta hay rộng hơn cho đến tất cả nhân loại...
(Xem: 12499)
Không biết tự bao giờ, Trà trở thành thân quen trong nếp sống Thiền gia Phật Giáo Bắc Truyền, rồi trà thành một phần văn hóa của Phật Giáo...
(Xem: 28724)
Sách này đặt tên "Kiến Tánh Thành Phật", nghĩa là sao? Bởi muốn cho người ngưỡng mộ tên này, cần nhận được lý thật của nó. Như kinh nói: "Vì muốn cho chúng sanh khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật".
(Xem: 29477)
Những bài kinh Phật không có bài nào là không hay. Có miệt mài trên những trang kinh xưa mới cảm được sự vang động của suối nguồn trí tuệ.
(Xem: 12478)
Vị trí cực kỳ quan trọng của Lục Tổ Huệ Năng đối với sự hình thành và phát triển của Thiền tông Trung Quốc đã khiến các đệ tử Phật môn luôn nhắc về ông...
(Xem: 29325)
Trong sách này Ngài Sayadaw diễn tả đầy đủ phương pháp quán niệmgiải thích với đầy đủ chi tiết đường lối suy tư về lý vô ngã có thể dẫn đến mức độ thành tựu Niết Bàn.
(Xem: 28120)
Vào năm 1986-1987 Hòa Thượng giảng Kinh Nguyên Thủy; đối chiếu Kinh Pali (dịch ra Việt Ngữ) và A Hàm tại Thường Chiếu giúp cho Thiền sinh thấy rõ nguồn mạch Phật Pháp từ Nguyên Thủy đến Đại ThừaThiền Tông.
(Xem: 25762)
Con đường thiền tậpchánh niệm tỉnh giác, chứng nghiệm vào thực tại sống động. Khi tâm an định, hành giả có sự trầm tĩnh sáng suốt thích nghi với mọi hoàn cảnh thuận nghịch...
(Xem: 26115)
Cuốn Ba Thiền Sư ghi lại cuộc đời của Ikkyu Sojun (1394-1481), Hakuin Ekaku (1686-1768), và Ryokan Taigu (1758-1831). Mỗi vị Sư đều hiển lộ Thiền Tông trong cách riêng.
(Xem: 22345)
Với người đã mở mắt đạo thì ngay nơi “sắc” hiện tiền đó mà thấy suốt không chướng ngại, không ngăn che, nên mặc dù Sắc có đó vẫn như không, không một chút dấu vết mê mờ...
(Xem: 33237)
Thiền Tông nhấn mạnh vào mặt kinh nghiệm cá nhân, nhắm đưa từng con người chúng ta giáp mặt trực tiếp với chân lý trong ngay chính hoàn cảnh hiện tiền của chúng ta.
(Xem: 31882)
Các pháp thế gian đều kỵ chấp trước, chỗ qui kính của Thích tử không ai bằng Phật mà có khi vẫn phải quở. Bởi có ta mà không kia, do ta mà không do kia vậy.
(Xem: 39691)
Quả thật, chân lý thiền vốn ở ngay nơi người, ngay trong tự tâm chúng ta đây thôi. Vậy ai có tâm thì chắc chắc có thiền, không nghi ngờ gì nữa.
(Xem: 22543)
Bắt đầu bằng cách bỏ qua một bên tất cả những mối quan tâm ở bên ngoài, và quay vào quán sát nội tâm cho đến khi ta biết tâm trong sáng hay ô nhiễm, yên tĩnh hay tán loạn như thế nào.
(Xem: 34578)
Đây là phần thứ 2 trong 3 phần chính của cuốn Zen no Rekishi (Lịch Sử Thiền) do giáo sư Ibuki Atsushi soạn, xuất bản lần đầu tiên năm 2001 tại Tôkyô.
(Xem: 27424)
Thật ra chân lý nó không nằm ở bên đúng hay bên sai, mà nó vượt lên trên tất cả đối đãi, chấp trước về hiện hữu của Nhị Nguyên. Chân lý là điểm đến, còn hướng đến chân lý có nhiều con đường dẫn đến khác nhau.
(Xem: 28482)
Trong tiếng Phạn (Sanskrit), từ "Thiền" có ngữ nguyên là dhyâna. Người Trung Hoa đã dịch theo âm thành "Thiền na". Ý nghĩa "trầm tư mặc tưởng" của nó từ xưa trong sách vở Phật giáo lại được biểu âm bằng hai chữ yoga (du già).
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant