Cổng chùa hiện dần ra trên con đường đất quen thuộc. Trời trưa nắng gắt, thỉnh thoảng từng cơn gió lốc thổi đến, hất tung bụi mù và cuốn theo mấy chiếc lá vàng bay tung tóe. Dừng chân trước lối rẽ vào chùa, tôi ngước nhìn cánh đồng lúa vừa cắt xong chỉ còn trơ gốc rạ phơi mình trong nắng hạ. Vài cánh cò bay lượn qua lại tạo nên những vệt trắng lờ mờ giữa bầu trời mênh mông vạt nắng. Có tiếng hò ru em dìu dặt chân quê. Có lời ca vọng cổ phát ra từ chiếc máy thu thanh bên ngôi nhà hàng xóm. Một khung cảnh làng quê yên bình mộc mạc, tạo ra chút cảm giác bồi hồi cho người vừa trở về nhưng lại sắp sửa đi xa.
Sân chùa vắng lặng vì đang là giờ chỉ tịnh trưa. Tôi bước nhẹ qua mái hiên, đến cạnh bờ ao ngồi nghỉ mệt. Mới đầu hạ mà sen đã nở rộ. Nhìn những cánh sen trắng hồng tươi tắn vươn lên từ trong đầm nước, cũng làm dịu bớt cái nắng nóng mà tôi mang tận từ thành phố về đây. Tôi đang trở về ngôi chùa của tổ đình, để chuẩn bị cho một chuyến đi xa, nên mỗi khoảnh khắc nơi đây bỗng trở nên gần gũi đến thân tình.
Thuở mới xuất gia còn theo học văn hóa bên ngoài, cứ mỗi kỳ nghỉ hè Thầy cho tôi về quê để hầu Sư ông và nhờ người dạy bảo. Đối với tôi lúc ấy mùa hạ là một chuyến đi chơi dài ngày thật thích thú. Sư ông không quá nghiêm khắc như tôi nghĩ. Bao mùa hạ tôi có tiếng là hầu Sư ông nhưng thực ra chẳng làm gì nhiều. Vì người sống giản dị theo cung cách an bần lạc đạo, không câu thúc nhiều vào nghi lễ. Người có dáng tôn nghiêm đạo mạo của bực tôn túc, nhưng lại hài hoà dễ dãi của người vui với thú điền viên cây cỏ. Mỗi ngày Người bỏ ra vài giờ dạy cho tôi và chú tiểu Tịnh Minh (đệ tử của sư chú Hải Nghiêm) học Tỳ-ni nhật dụng và tập viết chữ nho. Còn thì những buổi sáng sớm và chiều tối, Tôi thường theo Sư ông ra vườn dạo cảnh xem hoa. Ao sen khi ấy vừa mới hình thành nên chỉ sơ sài vài cây sen bé xíu. Có một lần tôi rủ Tịnh Minh trốn ngủ trưa ra ao sen chơi. Tịnh Minh vốn kính phục tôi là huynh trưởng, lại cho tôi là dân thành phố hiểu biết nhiều, vì thế mà tôi cũng hay ra oai với chú.
Chỉ một khắc sau thì tôi và Tịnh Minh đã yên vị trên chiếc xuồng ba lá chèo ra giữa ao. Tịnh Minh là dân miệt vườn nên bơi lội chèo ghe rất cừ. Còn tôi là chú tiểu thư sinh, dù luôn tỏ ra đạo hạnh nghiêm trang, nhưng tâm tư đôi lúc cũng ưa bay nhảy trong chốn phàm tình. Tôi hay xem văn chương thi phú, biết người xưa từng chèo xuồng hái hoa sen với bao ý thú thanh nhàn, nên cũng đèo bồng muốn bắt chước. Khi Tịnh Minh cho chiếc xuồng nhỏ lách qua một bụi sen trắng đang nở hoa, tôi đưa tay định hái búp sen thì Tịnh Minh vội ngăn lại:
- Đừng Sư huynh! Sư ông quý mấy bông sen đó lắm. Mỗi chiều người thường chống gậy đi dạo quanh hồ để ngắm sen nở. Quý thầy còn không dám hái đem vào cúng Phật nữa là…
Tôi hơi phật ý, nhưng biết Tịnh Minh nói đúng… đành phải im lặng. Thôi thì hãy để cho mấy cánh sen trắng trong tinh khiết kia được tự tại đứng giữa ao đầm mà nghiêng mình đón nhận ngàn tia nắng mặt trời chiếu rọi. Như vậy vẫn còn hơn là hái xuống, dù có đem cắm vào những nơi trang trọng tôn nghiêm cũng làm cho hoa chóng tàn rũ; huống chi tôi chỉ có ý định hái hoa để nhìn ngắm chơi thôi.
Tịnh Minh sợ Tôi giận nên vội kiếm chuyện khác nói:
- Sư huynh đọc thơ cho em nghe đi… Có bài thơ gì hay lắm mà có lần em nghe sư huynh đọc đó. Hình như là bài “Cô gái hái sen” thì phải.
Tôi đang mãi nhìn con nước lăn tăn theo nhịp chèo khua vang động. Tôi rất thích chèo ghe, nhưng tập bao nhiêu lần rồi mà khi đưa mái chèo thì chiếc xuống cứ tròng trành xoay tròn chứ không chịu tiến bước. Khi nghe Tịnh Minh nói tôi chỉ ậm ự:
- Ờ …. nhưng mà chúng ta là những chú tiểu đi ngắm sen chứ đâu được hái. Vậy thì để Sư huynh sáng tác ra bài thơ khác lấy chủ đề là “chú tiểu ngắm sen” nhé?
- Ồ hay lắm! Sư huynh làm liền đi.
Tôi bèn cười khỏa lấp: - Nói chơi chứ sư huynh không có hứng làm thơ lúc này đâu. Thôi để lần khác…. huynh sẽ làm tặng đệ một bài thật hay.
Tịnh Minh im lặng đưa mái chèo lướt nhanh hơn rồi dừng lại dưới táng cây dừa cạnh bờ bên kia để trú nắng. Ao không rộng lắm lại đang thả sen, nên không thể thoải mái cho ghe qua lại. Tôi không rủ Tịnh Minh ra sông lớn vì biết cậu ta dù có nể mặt Sư huynh đến mấy cũng không dám. Chẳng là khi mới về quê lần đầu, tôi bảo chú ra sông tập cho mình chèo ghe. Tịnh Minh ngồi đằng lái, tôi ngồi đằng mũi chỉ việc đẩy nhẹ mái chèo lướt theo. Có lẽ vì mãi mê ngắm sông nước hữu tình và tôi đang cao hứng đọc thơ nên cả hai đã không chú ý đến chiếc Tàu lớn đang chạy đến gần với tốc độ nhanh. Lúc Tịnh Minh nhìn thấy thì không còn kịp nữa. Chiếc ghe nhỏ bị sóng đánh lật nhào. Tôi không biết bơi… chới với theo dòng nước xoáy một lúc thì Tịnh Minh nắm được, rồi chú vừa ôm lấy Tôi vừa bơi một tay vào bờ. Tôi thoát chết lần ấy. Nhưng Tịnh Minh bị quỳ hương Quá đường suốt một tuần lễ và Sư ông cấm không cho tôi ra sông nữa.
Mỗi lần về quê, tôi và Tịnh Minh đều có những kỷ niệm khó quên. Chúng tôi trạc tuổi nhau, lại xuất gia một lần (tôi được Thầy đưa về quê cho Sư ông xuống tóc), chỉ vì thầy tôi là huynh trưởng của sư chú Hải Nghiêm nên đương nhiên tôi cũng là sư huynh của Tịnh Minh. Được làm sư huynh nên tôi hay tỏ vẻ người lớn hơn. Mà cũng bởi chú nhỏ quá hiền lành chơn thật, cứ xem tôi là thần tượng. Dưới mắt chú, tôi là người học rộng hiểu nhiều. Tôi hay nói ra nhiều thứ, kể cả những chuyện không đâu vào đâu, vậy mà Tịnh Minh cũng hoàn toàn tin tưởng và lắng nghe. Chú rất thích tôi kể chuyện và đọc thơ. Tôi kể thế nào chú cũng khen hay, đọc thơ kiểu gì chú cũng thán phục. Vì chú là người ham hiểu biết mà lại lười đọc sách báo, nên bỗng nhiên tôi trở thành người vẻ vời lắm chuyện. Tịnh Minh rất siêng làm lại chuyên tu mà ít chú trọng vào việc học hành, nhiều lần sư chú Hải Nghiêm cứ than phiền:
- Tịnh Minh chỉ ham làm vườn trồng trọt mà chẳng chịu học. Nó không có chí như con. Học hết cơ bản trên tỉnh thì nằng nặc đòi về quê, không chịu học lên nữa.
- Vậy thì chú gởi Tịnh Minh về thành phố ở với con đi. Có con kèm cặp Tịnh Minh ắt sẽ học khá hơn.
Tôi nói vậy vì tin chắc Tịnh Minh sẽ nghe theo, không ngờ chú lắc đấu phản đối:
- Không đâu. Em không thích về thành phố và cũng chẳng muốn học nữa. Em ở chùa phụ công việc với Thầy, lại có Sư ông dạy học kinh bộ cũng đủ tu rồi. Hơn nữa em học dốt lắm…
- Sư đệ đừng nghĩ như vậy. Đệ chẳng nghe Sư ông dạy là “Tu mà không học là tu mù” đó sao. Dù ở chùa đệ vẫn học kinh luật, nhưng đến trường lớp mình sẽ học được bao điều hay đẹp của thầy bạn, sau này có nhiều cơ hội phục vụ cho đạo pháp chúng sinh…
Tôi cố thuyết phục mà Tịnh Minh vẫn giữ nguyên lập trường:
- Em không có hứng thú lắm về chuyện học hành Sư huynh ạ! Thì thôi đệ xin làm Bàn Đặc… hiểu bao nhiêu thì tu bấy nhiêu. Không phải là em mặc cảm hay tự ti gì đâu. Biển học mênh mông còn em chỉ là con thuyền nhỏ, sức chỉ bơi được chừng đó thôi. Sư ông, quý sư chú, sư bác đều kỳ vọng vào sư huynh. Còn em dù.. suy nghĩa cạn cợt đơn giản và học hành không tới đâu, nhưng cũng tin tưởng sư huynh sẽ là cây đại thọ vững chắc cho ngôi nhà Phật Pháp mai sau...
Chà! Sư đệ bây giờ nói chuyện nghe cũng văn vẻ quá - Tôi thầm kêu lên và cũng phục Tịnh Minh đã nói lên những ý tưởng dù chơn chất, làm cho tôi phải suy nghĩ nhiều về con đường tu học của mình. Hoa trong khu vườn Đaọ luôn tỏa ra nhiều hương sắc, nhưng mỗi loài lại tôn vị cho cuộc đời bằng những giá trị riêng. Có lắm khi tôi vì quá đề cao việc học mà quên đi bao tâm nguyện từ thuở ban đầu…
- Kìa! Chú Tịnh Văn về bao giờ mà không vào trong chùa lại ngồi đây? Ăn cơm chưa, chị dọn cho nghen?
Tôi quay lại cười với Chị Hai - Người làm công quả nấu cơm trong chùa:
- Dạ em về vào giờ chỉ tịnh nên không dám vào. Đi từ sáng sớm, xe nổ lốp đến giờ mới tới. Sư ông còn nghỉ hả chị?
- Sư ông dậy rồi và đang ngồi niệm Phật trên nhà Tổ. Em dùng cơm xong lên chào Người cũng được.
…. Ngôi nhà Tổ hơi tối vì cửa sổ cửa lớn luôn đóng kín. Sư ông ngồi tịnh niệm lần tràng hạt trên chiếc tràng kỷ. Hình như người nghe bước chân đi lên nên quay lại. Tôi ngập ngừng lên tiếng: - Bạch Sư ông…
- Tịnh Văn phải không? Con về chơi hay có chuyện gì? Việc học hành và nhập hạ của con ra sao rồi?
- Dạ bạch Sư ông… Con về đảnh lễ Sư ông… và xin thưa về việc tuần sau con phải sang Ấn Độ du học.
Sư ông khẻ ho lên một tiếng, tay vẫn lần chổi hạt trong tư thế nhàn nhã khoan thai, nhưng giọng nói bỗng trở nên nghiêm nghị:
- Đang trong hạ mà con lại bỏ đi du học xa? Gấp rút như vậy sao?
- Bạch Sư ông…Vì trường bên đó người ta đang mở khóa mới vào mùa hạ này. Con đã thưa với Thầy và chỉ xin tùng hạ thôi.
- Vậy à! Chuyện học hành thì cần thiết thực. Nhưng người tu hành quan trọng ở nơi tuổi hạ. Việc nhập hạ từ bao đời nay đã trở thành truyền thống của người tu Phật, là một nếp sống Tăng đoàn hòa hợp mang ý thanh cao giải thoát, mình không thể xem thường được con à.
- Dạ… con cũng biết vậy, nên cứ lưỡng lự phân vân. Nhưng giấy tờ nhập học và hộ chiếu đã xong xuôi, nếu hoãn lại e là sẽ bỏ qua cơ hội.
Sư ông đứng dậy chỉ tay vào cánh cửa: - Con mở cửa để Sư ông ra bên ngoài hóng mát một chút.
Tôi mở cửa rồi dìu Sư ông ra ngồi trên băng đá dười mái hiên. Nhìn ra mặt nước hồ sen trong ánh nắng hanh chiều, nghe thoang thoảng có mùi hương sen theo làn gió nhẹ.
- Tịnh Văn, con thấy sen mùa hạ nở có đẹp không?
- Da… thưa đẹp lắm. Tôi ngập ngừng trả lời mà không hiểu Sư ông định nói gì.
- Ừ! Sen vốn là loài hoa tinh khiết, lại chỉ ra hoa kết nụ vào mùa hạ. Mùa của muôn loại côn trùng sinh sôi nảy nở và cây trái sum suê. Lúc này trời đất giao hòa giữa cái nắng gắt và những cơn mưa tầm tã của vùng nhiệt đới, sen đã sanh trưởng ra và tạo nên một dáng vẻ riêng, không thể xen lẫn vào bất cứ loại cây trái nào được. Do đó mà sen được ví cho mọi sự sống vươn lên trong chốn bùn lầy nước động. Sen trong mùa hạ càng rực rỡ và tươi xinh hơn mấy mùa khác.
Tôi thích thú nghe Sư ông bình phẩm về hoa sen. Người hiểu rõ về tính chất của hoa và đã diễn tả bằng tất cả sự cảm xúc của cõi lòng. Nhưng tôi biết Người đang mượn chuyện hoa sen để dạy bảo mình.
- Nay mai con phải đi học xa rồi - Sư ông chậm rãi nói tiếp - Việc học hành không thể trì hoãn được thì thôi cũng tuỳ duyên… Ngày trước sư chú Hải Nghiêm của con cũng đi du học vào mùa hạ. Giáo pháp Phật có muôn ngàn, cốt sao cho người tu cảm thấy an lạc để lựa chọn một pháp tu ứng dụng thiết thực là được. Sư ông nói đến hoa sen là cũng có ý khuyên con mấy điều. Mỗi mùa hạ lạp là dịp để cho người tu hành chúng ta thúc liễm thân tâm trao dồi giới hạnh. Suốt cả năm mình thường dễ dãi buông lung theo chuyện học hành, Phật sự này nọ. Chỉ có ba tháng tịnh tu dù không trọn vẹn, nhưng con phải luôn nghĩ là mình đang nhập hạ. Ở xứ người mọi sinh hoạt tu niệm đều khác, ngoài việc nỗ lực học tập, con cũng phải sống cho thanh cao trong sáng. Mình hòa nhập mà vẫn gĩữ tâm thanh tịnh chánh niệm, như loài sen bất nhiễm…
- A! Sư huynh về từ bao giờ vậy. Chúng mình ra ao hái sen đi.
Tịnh Minh từ hậu liêu bất ngờ chạy ra nói lớn, rồi thục vào ngay khi nhìn thấy Sư ông. Sư ông chỉ cười trách nhẹ: - Chú tiểu này lúc nào cũng trông Sư huynh về để cùng chơi đùa. Học hành thì lơ đễnh, suốt mấy ngày chẳng thuộc nổi một bài kinh ngắn. Nói vậy chứ chú cũng có hạnh lắm. Thôi thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi vườn mỗi cảnh. Con ra chơi với sư đệ một lát. Sáng sớm mai Sư ông bảo chú Hải Nghiêm đưa về thành phố và mua cho ít đồ chi dụng để đi học.
Tôi đi ra bờ ao. Tịnh Minh đang ở bên dưới cười nói với lên: - Sen mùa này nở nhiều lắm rồi, để em hái cho Sư huynh mấy bông đem về thành phố nhé.
- Không cần nữa đệ à! Nhìn sen trong đầm lầy như vậy mới thú vị hơn. Sư huynh muốn giữ mãi hình ảnh của những bông sen này để làm hành trang cho chuyến đi xa ngày mai.
Mắt Tịnh Minh bỗng đăm chiêu nhìn tôi: - Sư huynh sắp đi du học rồi… em chẳng có gì để gởi tặng cả. Nhưng Sư huynh còn nợ em một bài thơ đấy. Bài thơ chú tiểu ngắm sen mà sư huynh hứa làm năm nào đó.
- Được rồi huynh sẽ làm cho đệ. Nhưng để xem sen nở trước đã.
Ôi! Những cánh sen tươi thắm rực rỡ trong những ngày tháng hạ… Những lời giáo huấn chân tình đạo vị của Sư ông và hình ảnh chú tiểu ngắm sen ở chốn quê nhà, chắc chắn rồi đây sẽ mãi theo tôi trên mỗi chặng đường du phương cầu học ở xứ người.