Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Bếp Lửa Đêm Thâu

15 Tháng Ba 201300:00(Xem: 15551)
Bếp Lửa Đêm Thâu

Bếp Lửa Đêm Thâu

 

Ánh lửa sáng, đốt cháy những khúc củi khô. Lửa trong lò bập bùng thâu đêm. Lửa nấu chín nồi bánh tét trong đêm 28 tết. Lửa sưởi ấm lòng người trong đêm khuya lạnh. Lửa làm người dừng chân trên mọi nẻo đường. Lửa nung khí nóng cho người bộ hành khi mỏi chân trên vạn đường dài. Lửa là sức sống, kiêu hùng, cuồng nhiệt, đốt cháy mọi chướng ngại trên bước tiến. Lửa là lửa. Lửa mang chí hiên ngang trên ngàn núi cao. Lửa tiềm tàng trong mọi vật thể. Lửa hóa thân có mặt muôn nơi.

Bây giờ là 1 giờ khuya, theo giờ địa phương, giữa chốn núi rừng u tịch, Thầy ngồi đẩy từng khúc củi khô vào bếp, nấu nồi bánh tét. Mọi người đều yên giấc. Loài côn trùng kêu than dưới làn lá khô, trong lòng đất lạnh. Lửa trong lò cháy tí tách, tí tách... Nước nồi bánh tét sôi sùng sục, bốc hơi lên không gian, làm ấm cả một góc Thị Ngạn Am.

Có ai ngờ, Thầy ngồi chụm củi nấu bánh tét để cho dân làng ăn tết vào những ngày cuối năm giữa núi rừng miền cao nguyên. Bởi vì, Thầy được người đời tôn xưng là Thiền sư, Đạo sư, là người làu thông Tam Tạng Kinh Điển; là nhà thơ phiêu bồng, trác tuyệt; là nhà văn hóa, học thuật, giáo dục Tăng Ni nhiều thế hệ; là dịch giả, chú thích lược giảng nhiều bộ Kinh, Luật, Luận; là người tự học và thông hiểu nhiều ngoại ngữ, và còn nhiều tài hoa khác nữa...

Những đức tính có trong Thầy đủ để chúng ta học trọn đời cũng không hết. Học mãi cho đến đời sau khi mà cái tâm u mê, đần độn còn có đó, trí tuệ chưa bùng vỡ, thì trăm kiếp ngàn đời vẫn là u mê, đần độn, thì lấy gì để được như Thầy.

Cái mà người ta không ngờ ấy, chỉ là tri thức của thế gian. Sự cảm nhận thường tình của con người xã hội, hỉ, nộ, ái, ố... mà thôi. Còn những bậc xuất trần, ly dục, hay nói theo thuật ngữ Phật giáo là "Nhị đế dung thông" thì có gì của sự đến đi hay cao thấp. Ngồi trong thư phòng dịch kinh, luật, ngang bằng việc chống gậy lên non; cuốc đất trồng khoai, tưới nước. Đứng trên bục giảng triết học Đông Tây, như thể bửa củi, gánh nước dưới nhà bếp, giá trị như nhau. Những Thiền sư, Đạo sư, hay những nhà tư tưởng lớn không câu nệ, hẹp hòi trong sự sai biệt của hai phạm trù thế gianxuất thế gian. Từ những pháp của thế gian tác thành sự tu chứng của xuất thế gian. Từ sự đối đãi, nhị nguyên giữa lòng đời hai bờ sinh tửgiác ngộ có sự tương quan mật thiết với nhau. Không sinh tử thì làm gì có Niết bàn. Không có thế gian thì làm gì có Xuất thế gian. Do vậy, không phàm phu thì muôn đời chẳng có bậc Thánh. Thầy ngồi chụm củi nơi bếp lửa hồng, hình ảnh được thi vị hóa giữa đêm tối vô cùng. Thầy thắp lên ngọn đuốc soi đường cho người đi. Đến nơi tăm tối để thấy được nỗi khổ đau của muôn loài. Có vào địa ngục mới biết nỗi khổ của ba đường ác đạo. Kẻ không có cơm ăn mới biết đói lòng. Người không có áo mặc mới biết lạnh thân. Thầy đang chia sớt những nỗi niềm ấy.

Cuộc du hành phong sương, tuyết nguyệt của Thầy hôm nay, có người thuật lại lời Thầy: "đi vậy mình thấy được Phật giáo dân dã thế nào, chứ trước giờ mình chỉ thấy Phật giáo tự viện đó là Phật giáo của nhà giàu, Phật tử giàu đến chùa giàu... ở Già Lam mười mấy năm chưa từng có người nghèo nàn, bần cùng đến thăm. Bây giờ rất thú vị khi trên đường có cụ già chạy theo cho ổ bánh mì không, có thằng nhỏ kêu cho lon gạo, có thanh niên chở củi cho quá giang đoạn đường đèo v.v..." Lời Thầy nói giống như hạnh nguyện độ sinh của Bồ Tát hóa thân vào đời ác năm trược, nơi nào có khổ đau, nơi đó có Bồ Tát. Quả thật, lời nói đầy tình nghĩa. Đầy tình yêu thương, đầy trách nhiệm, bổn phận của người hóa độ, hoằng dương Phật pháp của bậc Thánh giả, thấy nỗi khổ của chúng sanh chính là nỗi khổ của chính mình. Vì chúng sinh bịnh nên Bồ tát bịnh. Vì chúng sanh nghèo khổ, nên Bồ tát hóa duyên khất thực để mua cái nghèo khổ của chúng sinh.

Một đời sống quyền quí, giàu có, cao sang, đời sống ấy lắm lúc không thấy nỗi cơ hàn của người cùng khốn. Không cảm thông được nỗi niềm chua cay, nghiệt ngã của tầng lớp thấp của xã hội. Lắm lúc kẻ ăn trên ngồi trước, chức tước quyền uy lại được nhiều người trọng vọng, ra thưa vào trình. Nhưng tinh thần Phật giáo không phải là vậy. Giai cấpnô lệ không có trong Thánh pháp luật của Như Lai. Người thi hành Thánh pháp luật của Như Lai phải là người lấy sự sống của người làm sự sống của mình. Lấy sự thiếu hụt, đói khát của người làm nếp sống của mình. Có vậy, mới không sống đời xa hoa phù phiếm, không có sự ngăn cách giữa giai tầng này với giai tầng nọ, giai cấp nọ với giai cấp kia. Chúng ta hãy bình tâm để thấy đời sống của một số Tăng Ni của xã hội Việt Nam hôm nay, 2012, như thế nào. Có lẽ là một đời sống quan liêu của người giàu có. Một nếp sống bức khỏi đời sống của chư vị Tổ đức Thiền gia trên dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam 2000 năm qua. Ngày nào xã hội Việt Nam còn dung chứa đời sống quan liêu, giàu có của một số Tăng Ni ấy thì ngày đó Phật Giáo Việt Nam bị xa rời quần chúng Phật tử, bị ngăn cách, phân chia, tạo thành giai cấp và không thể hòa đồng trong cộng đồng xã hội để cộng hưởng cái giá trị đích thực của sự sống mà cảm thông, chia sẻ với mọi quần chúng Phật tử.

Thầy nói: "... đi vậy mình mới thấy được Phật giáo ngoài dân dã thế nào, chứ trước giờ mình chỉ thấy Phật giáo tự viện, đó là thứ Phật giáo của nhà giàu. Phật tử giàu đến chùa giàu...". "Phật giáo ngoài dân dã". Chúng ta hiểu là người Phật tử sống trong nông thôn, ruộng vườn, rẫy nương, cày sâu cuốc bẫm. Các ngôi chùa làng, niệm Phật đường mái tranh vách đất. Hình ảnh "Phật giáo ngoài dân dã" đã nói lên cái cảnh nắng lửa, mưa dầu; đời sống vật chất thiếu trước hụt sau. Còn đời sống tinh thần, hay niềm tin nơi ngôi Tam Bảo cũng bị lung lay, hay đổi Đạo là chuyện thường, vì không có hình bóng của Chư Tăng Ni, tổ chức đạo tràng tu học, Bát quan trai, Phật thất... Thuyết pháp, giảng dạy giáo lý cho quần chúng Phật tử dân dã ấy thì lấy gì Phật tử dân dã gắn chặt niềm tin nơi Phật để thấu hiểu Giáo phápkính trọng chúng Tăng. Lời nói ấy đã báo động cho "Phật giáo tự viện", "Phật giáo của nhà giàu", "Phật tử giàu đến chùa giàu..." phải cảnh tỉnh để mở mắt thấy được thực trạng của "Phật giáo ngoài dân dã" mà tự nguyện dấn thân hay chia sẻ đời sống vật chất cũng như tinh thần để đồng cảm với họ, mà không quấn chăn, trùm kín nơi "Phật giáo tự viện" "Phật giáo của nhà giàu" để rồi mai kia, mốt nọ, mở mắt ra thấy chung quanh mình toàn là kẻ ngoại đạo.

Đời sống của một tự viện, hay sự hoằng pháp của chư Tăng Ni mà cả đời "... chưa từng có người nghèo nàn, bần cùng đến thăm..." thì quả thật cần phải xét lại. Tinh thần sống của Phật giáo là hòa tan như không khí nuôi sống vạn vật, như ánh nắng trưởng thành mọi loài. Đời sống thượng tầng không khí của những cao ốc sẽ mất hút đi những bóng dáng người đi dưới chân cao ốc, vì quá xa cách trở thành không thấy, không nghe và không biết. Khi xưa, Đức Thế Tôn thân hành hóa độ người gánh phân - giai cấp thứ tư của xã hội Ấn Độ thời ấy; Tôn giả Đại Ca Diếp muốn mua cái nghèo của bà lão ăn xin nên uống hết mẻ cháo thiu. Ngài Xá Lợi Phất chú nguyện cho con chó ghẻ lở được thác sinh cung trời... và còn nhiều chuyện công hạnh hóa độ khác nữa của chư vị Bồ Tát, Tổ đức Thiền sư. Sự hiện diện của Đạo Phật như cỏ nội, mây ngàn, vô tướng như nước. Thênh thang như mây. Tự tại như gió và an lạc như những cơn mưa đầu mùa làm tươi nhuận lá hoa cây cỏ. Nhân sinh quan của Đạo Phật không tù túng, không giới hạn, không đóng khung bởi một phạm trù nào, một môi trường cố định nào, mà đời sống của Đạo Phật là sống cho, đời sống hiến dâng, mà không là đời sống cao sang, phân chia, ngăn cách... Đạo Phật là đạo của con người, cho con người và vì con người. Vậy con người thượng tầng của xã hội hay con người hạ cấp của thôn dã, tất cả đều là người. Người thượng tầng của xã hội là lớp người giàu có, tiền bạc, quí phái được hóa độ, có đủ nhân duyên, phước báu đến với các tự viện khang trang, đầy đủ phương tiện để tu, để học, để hành trì giáo pháp, tiếp xúc với chư vị thiện hữu tri thức, với các bậc tôn túc cao Tăng. Còn đời sống của "người nghèo nàn, bần cùng" thì sao? Ai là người hóa độ? Ai là người chăm sóc đời sống tâm linh? Cầu an, cầu siêu khi hữu sự? Người sống cần có đời sống tâm linh, thì người chết lại còn cần hơn nữa. Hình ảnh của các ngôi chùa làng; hành trạng tiếp xúc của chư Tăng Ni với dân dã là điều quan trọng và cần thiết hay nói cách khác là thể hiện lòng từ bi đến với muôn loài vô phân biệt. Ấy là thực tánh đã có trong Giáo pháp. Là lời dạy của đức Thế Tôn đến với chúng sinh. Hôm nay, Thầy đã ra khỏi đời sống Tự viện để thấy được thực tâm và thực trạng của núi rừng, dân dã; Hình ảnh:

"Lão già trên góc phố

Quằn quại trời mưa dông"

(Giấc mơ Trường Sơn - An Tiêm. Tr.81)

Hay:

"Đàn trẻ nhỏ dắt nhau tìm xó chợ

Tìm tương lai tìm rác rưởi mưu sinh"

(Giấc mơ Trường Sơn - An Tiêm. Tr.51)

Và còn quá nhiều hình ảnh của đời sống dân dã, nghèo nàn, túng thiếu trong Giấc Mơ Trường Sơn. Như là:

"Lon sữa bò nằm im bên chợ

Con chó lạc

đến vỗ nhịp

trời mưa

Tôi lang thang

đi tìm cọng cỏ

Nó nhìn tôi

vô tư"

(Giấc mơ Trường Sơn - An Tiêm. Tr.74)

Đơn điệu như khúc nhạc miền quê, đã vẽ nên bức tranh miền thôn dã, của buổi chợ chiều trống vắng, của đời sống lang thang loài chó hoang. Nếu không ra khỏi đời sống thị thành, kinh đô, ánh sáng thì làm gì thấy được lão già ăn xin, nằm co ro nơi góc phố, trên vỉa hè, lạnh lẽo, cô đơn, và cũng làm sao thấy được đàn trẻ khốn cùng, không cha, không mẹ, không được học hành của tuổi ấu thơ mà cùng dắt nhau tìm sống trên đống rác. Nhặt từng chiếc bao nylon, từng chiếc ve chai đổi lấy đồ ăn. Ấy là một thực trạng của xã hội, mà nếu không gần gũi, tiếp xúc thì khó có cơ hội để cảm thông, chia sẻ, để khơi dậy lòng từ trong nỗi niềm thương đau.

Đi vào cát bụi để thấy những hạt cát tròn trĩnh dễ thương. Những hạt bụi mang trọn hình hài của vũ trụ. Cát bụi ấy là tinh thể của đất trời, hay nói một cách dân gian là hình ảnh gần gũi với sự sống của vạn loài trên mặt đất. Những hạt cát, những hạt bụi ấy đã tạo thành sự sống thiên nhiêntự nhiên.

Tầng lớp người dân dã, họ sống chân thành, mộc mạc, như Thầy đã gặp, đã thấy trên con đường phiêu du. "... Có cụ già chạy theo cho ổ bánh mì không, có thằng nhỏ kêu cho lo gạo, có thanh niên chở củi cho quá giang đoạn đường đèo v.v..." Cả hai nếp sống thượng tầng và hạ lưu đều quí kính và đáng trọng, nếu họ biết thể hiện tấm lòng hộ pháp, biết thương người, chia sẻ cho nhau. Người mang sứ mạng hóa độ, hoằng dương Phật pháp phải tiếp xúc qua các lớp người của xã hội, nếu không cán cân tình người sẽ bất xứng, và bị sai lệch bởi nhân ngã, tự tha.

Bếp lửa hồng vẫn bập bùng cháy. Cháy từ ngày 28 đến 30 tết. Bao nhiêu nồi bánh tét được vớt ra để trên sàn. Bánh nguội, mang đem cho hàng xóm, dân dã quanh vùng, cùng nhau ăn tết. Hương vị của mùa xuân miền núi cao là vậy đó. Cặp bánh tét dâng cúng Phật. Cúng ông bà Tổ tiên. Đôi quả bưởi hái ngoài vườn, vài nải chuối mới cắt hôm qua, nhưng vẫn không thiếu đôi cúc vàng đại đóa quanh hè để thấy mùa xuân. Đơn sơ nhưng đậm đà. Mộc mạc nhưng chất chứa tình người, tình Đạo của những tâm hồn dân quê, hoang dã.

Giữa chốn rừng xanh, Am Thị Ngạn được cất lên, dưới những tàng cây quanh năm che bóng mát. Khoảng giữa của thất là nơi thờ Phật. Từng trên của chiếc bàn nhỏ là tôn tượng đức Bổn Sư. Phía dưới là chiếc bàn hình chữ nhật, cặp đèn bạch lạp, chính giữa là lư hương, và dưới sàn nhà là cặp chuông mõ nho nhỏ. Hai bên treo hai câu liễn, do Thầy viết chữ thảo. Phía bên tay trái từ ngoài nhìn vào là chiếc bàn thờ Tổ tiên cũng nho nhỏ, đơn sơ chỉ có cặp đèn cầy tí xíu. Một lư hương cũng tí xíu, chẳng có bông hoa, trà quả. Ngoài hiên thất, trước là vách bình phong, chạm chữ Phật trong vòng tròn, và chiếc võng đu đưa bên vài chậu cúc vàng đại đóa. Chừng ấy hình ảnh của Thị Ngạn Am đủ cho thấy đời sống của Thầy đơn sơ, tri túc cỡ nào.

ht_tue_sy__1_

Thị Ngạn Am

Không khí của những ngày đầu năm nơi Thị Ngạn Am như thế nào, chúng ta nghe lời kể lại của Thầy Thị giả: "Năm nay HV có dịp ăn tết cùng Sư phụgia đình của ông, gồm ông anh bên Lào qua, vợ chồng cô em gái Sư phụ bên Pháp về. Có lẽ họ lo lắng cho Sư phụ về việc ông đi lang thang vừa rồi nên năm nay ai cũng về và cuối cùng lại có dịp đoàn tụ bên nhau hưởng một cái Tết thật độc đáo: ở vùng quê nghèo dân dã, giữa núi rừng, tối 28 tết nấu bánh tét biếu tặng dân trong làng, tối 29 cũng cúng giao thừa do Sư phụ làm chủ lễ, HV và thầy Đức Thắng cùng gia đình ông... Thị Ngạn Am mấy ngày Tết Canh Thìn - gian thờ Phật; - Sư phụ nấu bánh tét đến 2 giờ sáng; - hiên nhà tối 30 tết."

ht_tue_sy__2_

Thầy Tuệ Sỹ nấu bánh tét.

Trong Giấc Mơ Trường Sơn, Thầy đề cập đến rất nhiều nơi về đóm lửa, rừng sâu, rừng khuya, phương trời xa, đời lữ khách, bếp lửa giữa rừng khuya, tìm lên núi, sinh lộ viễn trình, ngắm ánh lửa,... Do vậy, hôm nay Thầy đốt lửa hồng trong bếp; Thầy lên đường lang thang qua từng quán trọ, từng chặng đường cát bụi, rừng xanh, sương mù, khói sóng là chuyện bình thường mà chẳng ai đặt dấu hỏi. Vì sao? Tâm tư suy nghĩ như thế nào, thì biểu hiện qua đời sống bên ngoài là thế ấy. Chúng ta đọc thơ của Thầy như sau:

"Còn nghe được tiếng ve sầu

Còn yêu đóm lửa đêm sâu bập bùng"

(Giấc mơ Trường Sơn - An Tiêm. Tr.23)

Thầy "yêu đóm lửa đêm sâu bập bùng", nên 2 giờ sáng vẫn còn ngồi đốt lửa để nấu bánh tét thì có gì phải thắc mắc. Vì yêu đóm lửa trong đêm thâu đã sưởi ấm lòng Thầy, lòng lữ khách viễn phương, lòng bộ hành lỡ độ đường. Ánh lửa hồng, ánh lửa sáng, ánh lửa bập bùng cháy, ánh lửa soi sáng tối tăm, ánh lửa ấy luôn âm ỉ cháy trong lòng như là:

"Ai biết mình tóc trắng

Vì yêu ngọn lửa tàn

Rừng khuya bên bếp lửa

Ngồi đợi gió sang canh"

(Giấc mơ Trường Sơn - Bếp lửa giữa rừng khuya - An Tiêm. Tr.34)

Ngọn lửa cháy bập bùng Thầy yêu, ngọn lửa tàn Thầy cũng yêu, có nghĩa là Thầy yêu lửa. Lửa cháy thành ngọn gọi là lửa ngọn; lửa cháy củi thành than gọi là lửa than; lửa tàn còn ấm gọi là lửa tro; dù dưới dạng thức nào cũng gọi là lửa. Dù dưới dạng thức nào lửa luôn sưởi ấm quê hương.

"Chồng gối cao không thấy mặt trời

Trên khung cửa con chim thắt cổ

Đàn kiến bò hạt cát đang rơi

Tôi nhắm mắt trầm ngâm ánh lửa"

(Giấc mơ Trường Sơn - Loạn thị - An Tiêm. Tr.62)

Ánh lửa bình thường thì có gì phải nhắm mắt trầm ngâm. Ánh lửa để Thầy nhắm mắt trầm ngâm phải là một thứ ánh lửa dị thường. Ánh lửa thiêu đốt hết tất cả những chướng ngại của vô minh, phiền não, của những thế lực phi nhân. Ánh lửa đó một thời thắp sáng quê hương, từ thuở sơ khai, từ thời lập quốc, từ buổi ban đầu đốt lên ngọn lửa dẫn đường quê hương. Ngọn lửa ấy, soi tỏ từng bước chân đi qua các triều đại. Ngọn lửa ấy, soi tỏ tâm can, bừng dậy lòng hộ quốc, an dân của giống nòi Tộc Việt.

Nhắm mắt lại để suy tư, để nghiền ngẫm, để đắm chìm một cách sâu xa, một cách lắng đọng. "trầm". Trầm tư, trầm mặc, trầm tưởng... thì đủ biết không phải là một thứ ánh lửa đơn điệu, đơn độc, đơn sơ, đơn giản như bao nhiêu thứ ánh lửa trong bếp, trong lò trong củi khô, gỗ mục... Trầm ngâm về ánh lửa để thấy cái gì trong ánh lửa? Để gởi gấm một tâm sự? Một bầu nhiệt huyết dâng cho? Hay chút hơi ấm để lòng người được ấm lại? Nhắm mắt để "trầm ngâm ánh lửa" là một triết lý sống thực tình người. Là chất liệu trưởng thành của trời đất. Là bài trường ca của giống Đại Việt. Là sinh thái, tình tự quê hương. Trầm ngâm ánh lửa là nghĩ về hơi ấm của con tim đồng bào, đồng loại. "Trầm ngâm ánh lửa" để sống thật chân tình. Sống trong tình thương mình có. Sống một cách linh động, linh hoạt, linh thiêng như ánh lửa đang cháy. "Trầm ngâm ánh lửa" để thấy mình hiện hữu, trong sự hiện hữu của con người.

Bếp lửa đang cháy bên hiên Thị Ngạn Am, giữa vùng núi rừng u tịch những ngày cuối năm, như là ảnh tượng hiện hữu một cách sống động trong Giấc Mơ Trường Sơn:

"Yêu rừng sâu nên khóc mắt rưng rưng...

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối...

Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu...

Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương."

Tất cả những lời thơ: "yêu rừng sâu", "băng rừng vượt suối", "núi rừng hợp tấu", "mưa lũ biên cương" như là chất liệu, dựng thành Giấc Mơ Trường Sơn bất hủ, để sống mãi trong lòng người qua nhiều thời gian.

Thị Ngạn Am cất giữa núi rừng cao nguyên đây cũng là điều tất nhiên trong tâm tư của Thầy muốn sống giữa núi rừng, giữa đêm thâu, giữa đồi cao, suối ngàn, thát lũ... Thầy đứng dưới hiên Thị Ngạn Am, đưa mắt nhìn phương trời xa, như mơ về cảnh đời nào đó. Dõi mắt xa xăm một cuộc lữ. Một bước đường. Một hành trình vô định.

ht_tue_sy__4_

Thầy đứng nhìn một phương trời mộng

"Chân trời xanh luống cải

Đời ta xanh viễn phương

Sống chết một câu hỏi

Sinh nhai lỡ độ đường."

(Giấc mơ Trường Sơn - Luống cải chân đồi - An Tiêm. Tr.28)

Xanh viễn phương, như là "Nhứt bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du. Kỳ vi sanh tử sự. Giáo hóa độ xuân thu."

Thầy đang chống gậy đợi ai, trong đôi mắt đăm chiêu, diệu vợi? Ai có thể đọc được những gì chất chứa trong đôi mắt đó. Một chiếc nón lá, một cây gậy tre chống nhìn về phương trời xa giữa chốn rừng xanh núi thẳm, để cho thi nhân nào viết trọn hồn thơ, cho nhà họa sĩ nào vẽ xong bức ảnh chân dung tuyệt tác. Hay hình ảnh vị Thiền sư chống gậy lên non mà nhìn mây trắng. Như thế nào thì chỉ có Thầy mới biết. Cái biết đó được trả lời trong tận cùng tâm thức u u minh minh, hay một trí tuệ làu làu xuyên qua đôi mắt như hai hố thẳm.

thay_doi_non

Thầy đội nón chống gậy tre

Đầu đội nón. Tay tựa gậy, đứng để nhìn. Cúi xuống để nhìn. Nhìn thật sâu. Nhìn thật rõ. Nhìn thật thắm thiết, như lưu giữ hình bóng ai. Như mơ về một thời. Như mơ về một xa xăm, tít mù không bờ bến, không hẹn hò. Vô ngôn. Tịch lặng. Ấy là cái nhìn của tư tưởng vượt thoát. Cái nhìn của cảm nghĩ từ bi.

"Ta cúi xuống trên chân người bụi đỏ

Để nhìn sâu trong vết tích hoang đường

Ta sống lại trên môi cười rạng rỡ

Để nhìn sâu trong ngọn nến tàn canh."

(Giấc Mơ Trường Sơn - An Tiêm. Tr. 38)

Bếp lửa ngoài hiên Thị Ngạn Am vẫn cháy. Đốt cháy những khúc củi khô. Lập lòe khi tỏ khi mờ. Giờ Giao thừa đã đến, Thầy Y hậu chỉnh tề, thắp 3 cây hương bạch Phật đón giao thừa và lễ vía đức Phật Di Lặc đầu năm. Lời Kinh tụng. Tiếng chuông mõ canh khuya làm sống dậy cảnh núi rừng u tịch. Trăm cây ngàn là như chấp tay, cúi đầu thầm niệm Nam Mô.

San Diego ngày 12 tháng 12 năm 2012

Nguyên Siêu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 8834)
Khuyến khích mọi người trong gia đình ta thọ năm giới, thì ngày đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời ta, vì gia đình ta sẽ được duy trì, và cuộc sống gia đình đơn giản...
(Xem: 10298)
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng dạy rằng tiền bạc không mang lại hạnh phúc, vì hạnh phúc thuộc về lãnh vực tinh thần
(Xem: 11161)
Tất cả những lời giáo huấn của Đức Phật được hướng tới việc đạt đến giải thoát khỏi vòng sinh tử
(Xem: 11145)
Các con phải cố gắng niệm Phật, bởi vì công đức niệm Phật rất lớn. Đó chính là áo giáp an toàn nhất có thể che chở cho các con chứ không phải ba mẹ hay của cải vật chất.
(Xem: 10118)
... người ta có thể đoán chiếc thuyền con ấy chính là nhà của lão, vì lão phơi thuốc, xắc thuốc, nấu thuốc ngay trên đó.
(Xem: 11899)
Phái đoàn chúng tôi gồm 34 người đã thực hiện chuyến hành hương Hàn Quốc - Đài Loan - Singapore, dưới sự hướng dẫn của trưởng đoàn Thầy Hạnh Giới.
(Xem: 11688)
Chỉ riêng Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, dù thịnh hay suy, tiếng chuông sớm khuya vẫn không hề gián đoạn, hay tắt lịm giữa đêm tối vô minh.
(Xem: 11738)
Trong cả thành phố này, anh chị chỉ có tôi là chỗ thân nhất, vừa là thầy vừa là bạn. Buổi sáng anh gọi phone bảo trưa nay đến đón tôi về nhà dùng cơm cho vui.
(Xem: 10217)
Hoàng tử Bồ-Đề-Đa-La thả lỏng giây cương. Con bạch mã thong dong bước qua cổng hoàng thành, đi về phía hoàng cung. Đám lính lệ cúi rạp, đỡ hoàng-tử xuống ngựa.
(Xem: 9512)
Cha mẹ chúng tôi thương yêu, kính thuận nhau, và cũng hết mực thương yêu con trẻ, không bao giờ có ý ngăn cản sự góp mặt chào đời của mỗi đứa chúng tôi trong gia đình ấy.
(Xem: 10373)
Thuở đó, tăng đoàn thường ba Y, một Bát, từng bước chân trần hoằng hóa đó đây, đêm nghỉ trong rừng, tìm gốc cây êm mát, gối đầu mà ngủ.
(Xem: 9836)
Tập quán lì xì của người Việt chúng ta thực sự bắt nguồn từ một truyền thống lâu đời của Trung Quốc...
(Xem: 11864)
Ta đưa đôi mắt thiền quán nhìn sâu vào danh tướng, để thấy rõ danh tướng có làm cho ai khổ đau không? Danh tướng không làm cho ai khổ đau cả, mà danh tướng cũng không làm cho ai hạnh phúc hết.
(Xem: 11548)
Như từ một đống hoa tươi, Lựa ra ghép lại cho đời tràng hoa, Nhiều tràng phô sắc mặn mà, Người đời cũng vậy khác xa đâu nào
(Xem: 10590)
Mỗi ngày khi vừa thức giấc, Hãy nghĩ rằng, May mắn thay hôm nay, Tôi đã thức dậy, Thấy mình vẫn còn sống, Vẫn giữ được sự sống quý giá của con người.
(Xem: 11900)
Khắp nơi trong cõi dương gian, Hận thù đâu thể xua tan hận thù, Chỉ tình thương với tâm từ, Làm tiêu oán hận, giải trừ hờn căm, Đó là định luật ngàn năm.
(Xem: 10327)
“Khi tôi trông thấy một con vật dường như ngu đần mà lại biết khóc, cặp mắt của nó còn lộ vẻ đầy hãi sợ và buồn khổ, tôi bỗng rùng mình!”
(Xem: 10550)
Cứ mỗi lần nhìn bức thư pháp nơi chánh điện chùa Phổ Từ, tôi lại nhớ đến Sư Ông. Không những qua hàng chữ mường tượng ra bóng dáng người mà trong nét bút màu mực lưu lại như còn văng vẳng lời nhắc nhở tràn đầy ưu ái của Sư Ông đối với tôi và mọi người.
(Xem: 10761)
Bài chuyển ngữ dưới đây được trích từ một quyển sách của nhà sư Thái Lan Ajahn Mun (1870-1949), mang tựa là Muttodaya (Un Coeur Libéré/A Heart Released/Con Tim Giải Thoát).
(Xem: 11586)
Bài chuyển ngữ dưới đây được trích từ một quyển sách mang tựa Con tim giải thoát (A Heart Released) của nhà sư Thái Lan Ajahn Mun (1870-1949).
(Xem: 12330)
Ngạn ngữ Tây phương nói: “ Cái Tôi là cái đáng ghét” ( Le moi est haissable). Mặc dù là một câu nói được nhiều người biết, nhưng đó mới chỉ là nhận xét hời hợt về cái gọi là Cái Tôi.
(Xem: 10191)
Cho, không phải chỉ là làm vui kẻ đón nhận; mà còn là một thái độ, một nghệ thuật sống ở đời để có hạnh phúc...
(Xem: 9822)
Khi đức Phật dạy về Khổ thánh đế, Ngài nói đến năm uẩn; Ngài muốn cho chúng ta biết và thấy năm uẩn...
(Xem: 10461)
... ngài Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu một ngày của mình bằng việc lễ lạy. Từ tư thế đứng, ngài buông dài người ra sàn nhà, với chỉ một tấm đệm mỏng trải trên tấm ván đủ cho phần thân mình.
(Xem: 9691)
Tại một ngôi trường tiểu học trong một thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ hôm nay là ngày đầu tiên khai giảng cho năm học mới...
(Xem: 11318)
Nụ cười của Ngài thật là tinh tế. Thế nhưng tại sao Ngài lại mỉm cười? Có phải đấy là một thể dạng phúc hạnh mà Ngài cảm nhận được trong khi thiền định hay chăng?
(Xem: 9948)
Con người đau khổ bởi sinh già bệnh chết, tâm đau khổphiền não tham sân si, mạn, nghi, ác kiến.
(Xem: 12035)
Ngủ nghỉ mới thức dậy, xin nguyện cho chúng sanh, có trí giác hoàn toàn, nhìn rõ khắp mười phương...
(Xem: 9727)
Mãi cho đến mấy chục năm sau, Thầy mới tìm ra được hình ảnh của một vị Thầy đích thực, một vị Bổn Sư. Bổn Sư chỉ có nghĩa là "Thầy của tôi" thôi.
(Xem: 22054)
30 năm qua được coi là quá đủ cho một thế hệ tiếp nối. Nếu không được ghi lại, kể lại thì lớp người sau chắc chắn sẽ đi vào quên lãng hay hiểu một cách lờ mờ hoặc qua trung gian một người khác kể...
(Xem: 10259)
Thi phẩm “Hạt Cát Mịn” như bản tóm lược, hay nói khác thì đây là công trình “Thi Hóa Duy Thức Học” để làm tài liệu tu học. Một môn học quan trọng bậc nhất đối với người học Phật.
(Xem: 9526)
Gió mùa thu năm nay, trở nên khô khốc, ảnh hưởng bởi nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua ở xứ này.
(Xem: 10275)
Đức Phật luôn gợi nhắc cho chúng ta rằng mỗi người chúng ta đều sở hữu các khả năng và phẩm chất tốt đẹp, cần phải biết vận dụng và phát huy để làm cho cuộc sống trở nên giàu sang hiền thiện...
(Xem: 16760)
Đạo sư nói: "Tôi cũng là một người du lịch qua cuộc đời này nên không mang theo đồ đạc gì nhiều".
(Xem: 14373)
“Mùa Xuân bỏ vào suối chơi, Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa, Múc bình nước mát về qua, Ghé thôn mai nọ, hỏi trà mạn xưa”
(Xem: 10326)
Người tụng kinh lâu ngày sẽ hiểu ý kinh, Người niệm Phật lâu ngày sẽ thấy cảnh Phật...
(Xem: 9301)
Triều Nguyên sinh năm 1953 tại Đại Lộc, Quảng Nam, bên bến sông Thu Bồn lồng lộng gió nắng, ngan ngát hương đồng cỏ nội.
(Xem: 9382)
“Khi một ý xấu vừa manh nha, biết ngay tai họa của nó, ta liền giữ chánh niệm như cây bám chặt vào đất”.
(Xem: 13116)
Phật giáo đã có ít nhất 2500 năm lịch sử; và có lẽ, cũng đã có chừng ấy lần các thế hệ Phật giáo đồ xao lòng nhớ lại câu chuyện Phật dự hứa ngày viên tịch, báo trước giây phút bỏ lại trần gian.
(Xem: 10950)
Nói đến mùa thu, người ta nghĩ ngay đến lá vàng. Trên cây là những tán lá vàng rợp. Dưới đất là những thảm lá vàng, trải lấp cả lối đi.
(Xem: 12481)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã có những lời dạy thật chí thiết về con người và sự vật, cảnh giớicõi nầy hay những cõi khác.
(Xem: 10945)
Shunryu Susuki Đại sư (1904-1971) là người sáng lập Trung tâm Thiền San Francisco và là một khuôn mặt chủ chốt trong việc truyền bá đạo Phật sang phương Tây.
(Xem: 13113)
Cuối tuần qua, tại Trại Huấn luyện Huyền Trang V ở Hayward, CA. Vừa lắng nghe và thông dịch lại cho các Trại sinh không hiểu tiếng Việt qua đề tài Thấu đáo về Hiện tình Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
(Xem: 11603)
Phật ngồi đó, tiếp tục thiền định với ánh mắt từ bi hướng về những người đang thảnh thơi thưởng thức một tách cà phê ấm hoặc bận chăm chú xem màn ảnh của điện thoại...
(Xem: 9921)
Trong khuôn viên khu nhà tập thể của quân đội, xe Bus của từng đơn vị lần lượt chuyển bánh rời khỏi vùng Fribourg vào sáng ngày cuối khóa tu học
(Xem: 12983)
Tường thuật lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập chùa Bảo Quang và Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu PL 2558
(Xem: 11461)
Suốt bãi biển dài rộng, không ai mong đợi một cái gì trường cửu. Tất cả đều tạm bợ, có đó, rồi để cho sóng vô tình cuốn đi...
(Xem: 13194)
Nó từng đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chuyện trò đối đáp đùa giỡn của chúng tôi quanh chiếc bàn này - vui có, buồn có, thương yêu, giận lẫy cũng có.
(Xem: 12728)
Thế giới của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu mỗi người không chỉ chăm lo về lợi ích riêng của mình mà còn chăm lo về lợi ích của người khác nữa.
(Xem: 13525)
"Cơn Dông Giữa Mùa Hạ" là tựa đề bài tường thuật của Trần Thị Nhật Hưng nói lên nỗi niềm bâng khuâng và xúc động cùng những kỷ niệm tràn ngập dội về tâm trí của tác giả khi hay tin Sư Ông Khánh Anh viên tịch.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant