Đặt Nền Tảng Để Tuệ Giác Sinh Trưởng
-----------
Khi bắt đầu sự thực hành, hãy nhiệt tình như một con nai
Bị nhốt trong chuồng của một nông dân đang tìm cách thoát ra.
Trong khoảng giữa hãy như người nông dân trong mùa thu hoạch
Không chờ đợi bất cứ điều gì.
Vào lúc cuối hãy giống như người chăn dắt
Đang lùa đàn thú về chuồng.
-Những Từ Ngữ Thánh Thiện của Patrul Rinpoche-
Điều gì làm ra tất cả những rắc rối trong thế gian? Những cảm xúc chướng ngại ẩn tàng của chúng ta. Một khi chúng phát sinh, chúng làm tổn hại chúng ta cả bề mặt lẫn chiều sâu. Những cảm xúc phiền não này chẳng làm nên tích sự gì mà chỉ tạo nên rắc rối ngay từ lúc đầu cho đến phút cuối cùng. Nếu chúng ta cố gắng để kháng cự lại chúng mỗi một thứ một cách riêng lẻ, chúng ta sẽ thấy mình ở trong một cuộc đấu tranh bất tận. Vậy thì gốc rể của những cảm xúc phiền não là gì mà chúng ta có thể đối phó cách nào để có lợi ích hơn?
Trong nhiều kinh điển của Đức Phật, chúng ta thấy những thực hành để chống lại thèm muốn, chẳng hạng như thiền quán về những gì nằm bên dưới làn da – thịt, xương, nội tạng, máu, phân và nước tiểu. Những quán chiếu này tạm thời thật sự ngăn chặn tham dục, nhưng chúng không hoàn tất giống như thế đối với thù hận. Và sự đảo ngược lại cũng đúng: những sự thực hành được dạy vì lợi ích của việc tiêu mòn thù hận, chẳng hạn như trau dồi từ ái, không tác động như những sự đối trị với tham dục. Như thuốc men dùng để chửa trị một chứng bệnh đặc thù, không thể đối phó với những thứ bệnh khác. Tuy thế, vì tất cả những cảm xúc ẩn tàng chướng ngại đặt nền tảng trên si mê về tính chân thật tự nhiên của mọi vật, thì những sự thực tập dạy chúng ta vượt thắng sự si mê ấy như thế nào để cắt đứt tất cả những cảm xúc phiền não. Thuốc giải độc đối với si mê đối phó tất cả những rắc rối của vọng tưởng. Đây là tặng phẩm phi thường của tuệ giác.
Khi chúng ta chuẩn bị cho việc phát triển tuệ giác vào trong vấn đề chúng ta, những người khác, và mọi vật thật sự tồn tại như thế nào, điểu thiết yếu là phải học hỏi những giáo huấn tâm linh một cách tỉ mỉ, suy đi nghĩ lại về điều đã học hỏi. Điều này là quan trọng bởi vì nhằm để phát sinh một thể trạng cho phép chúng ta thâm nhập không trở ngại qua thực tại, trước nhất chúng ta phải chỉnh đốn những ý tưởng sai lầm của chúng ta về sự tồn tại.
NHẬN DIỆN SI MÊ
Để thành công trong việc phát triển tuệ giác, trước nhất chúng ta cần phải nhận diện si mê. Si mê trong phạm vi này không chỉ là sự thiếu vắng tri thức – nó là sự lĩnh hội sai lầm giảo hoạt về bản chất tự nhiên của sự vật. Nó thừa nhận một cách sai lầm rằng con người và sự vật tồn tại trong chính chúng và của chính chúng, do cung cách của chính bản chất tự nhiên của chúng. Đây không phải là một khái niệm dễ dàng để nắm bắt, nhưng là một điều rất quan trọng để nhìn ra nhận thức sai lầm này, vì nó là cội nguồn của những cảm xúc tiêu cực chẳng hạn như thèm muốn và thù hận. Trong Đạo Phật chúng ta nói đi nói lại nhiều lần về tính không, nhưng nếu quý vị không thấy người ta quy một cách sai lầm cho vấn đề sự vật là sự tồn tại tự tính của chính chúng, thì không thể thấu hiểu tính không. Quý vị phải nhận ra, tối thiểu là trong một cách thô thiển, những gì chúng ta [vì vọng tưởng] đang chồng thêm lên bên trên những hiện tượng một cách sai lầm trước khi quý vị có thể thấu hiểu tính không tồn tại thay mặt cho nó. Thấu hiểu quý vị thật sự tồn tại như thế nào, thì quý vị thật sự là không bị phủ lên bởi một sự tưởng tượng sai lầm, đây là chủ đề chính của quyển sách này.
Tất cả những lời giáo huấn của Đức Phật được hướng tới việc đạt đến giải thoát khỏi vòng sinh tử – với sự luân hồi bất tận từ đời này đến đời khác – và đạt đến sự toàn giác. Si mê là gốc rể của mọi thứ, mà nó che lấp con đường của những sự đạt đạo này. Si mê trói buộc chúng ta với khổ đau; vì thế si mê phải được nhận diện một cách rõ ràng. Để làm như thế, chúng ta phải xem xét tính chất sai lầm này của sự tồn tại tự tính xuất hiện như thế nào trong tâm thức, tâm thức đồng ý nó như thế nào, và tâm thức căn cứ vô số ý tưởng trên nền tảng sai lầm này như thế nào.
Si mê không chỉ khác hơn kiến thức, mà nó còn là sự mâu thuẩn của kiến thức. Những nhà khoa học nói với chúng ta rằng nếu chúng ta càng thẩm tra mọi vật một cách sâu sát hơn có thể càng chắc hơn rằng chúng ta phải tìm thấy khoảng không trống rống. Si mê bằng việc dựa trên những tướng mạo, sự chồng thêm lên bên trên con người và sự vật một cảm giác chắc thật, mà thật sự nó không có ở đấy. Si mê khiến chúng ta tin tưởng rằng những hiện tượng này tồn tại trong một cách cơ bản nào đấy. Qua si mê những gì chúng ta thấy chung quanh chúng ta dường như tồn tại một cách độc lập, nhưng điều này không phải như vậy. Bằng việc truyền cho con người và sự vật chung quanh chúng ta thể trạng cường điệu này, chúng ta bị đẩy vào trong tất cả những loại cảm xúc gây tổn thương thổi phồng quá mức và cuối cùng như thế.
Nhận diện sự hiện hữu sai lầm này của sự vật và nhận ra sự đồng ý ẩn tàng của chúng ta đến vọng tưởng này là bước đầu tiển đối với việc thực chứng rằng quý vị và những chúng sinh khác, cũng như những đối tượng khác, không tồn tại như chúng xuất hiện; chúng không tồn tại một cách chắc thật và tự động. trong tiến trình của việc phát triển một sự đánh giá đúng quý vị thật sự là ai, quý vị cần nhận thức rõ sự khác biệt giữa việc quý vị xuất hiện như thế nào trong chính tâm thức quý vị và quý vị thật sự tồn tại như thế nào. Nó cũng đúng đối với người khác và tất cả những hiện tượng khác của thế gian.
Phản Chiếu Thiền Quán
Quán Chiếu:
1- Tất cả những cảm xúc ẩn tàng chướng ngại căn cứ và tùy thuộc trên sự si mê về tính chân thật tự nhiên của con người và sự vật.
2- Có những phương pháp đặc thù để đình chỉ thèm muốn và thù hận một cách tạm thời, nhưng nếu chúng ta làm xói mòn tính si mê nhận thức sai lầm bản chất tự nhiên của chính chúng ta, những người khác, và tất cả mọi vật, thì tất cả mọi cảm xúc tàn phá sẽ bị tiêu trừ.
3- Si mê thấy những hiện tượng như sự tồn tại độc lập của tư tưởng – mà chúng thật sự không tồn tại trong tự chúng và của chính chúng.
Trích từ quyển How to See Yourself as You Really Are của Đức Đạt Lai Lạt Ma
Tuệ Uyển chuyển ngữ
- Tag :
- Tuệ Uyển