Tâm Thức Chúng Sanh Tác Dụng Đến Cảnh Giới
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
Trong suốt những năm tháng hoằng pháp độ sanh Đức Phật luôn chú trọng đến mục đích chính là giải thoát con người ra khỏi những phiền não khổ đau của kiếp nhân sinh, đạt đến sự chứng ngộ, giải thoát. Bài kinh đầu tiên và căn bản nhất mà Đức Phật tuyên thuyết là Tứ Đế, nội dung Đức Phật phân tích sự khổ, nguyên nhân và cách diệt khổ. Đây là giáo lý căn bản để Đức Phật lấy đó làm mục tiêu hành hoạt trong suốt những năm tháng ngài còn tại thế. Bằng một cách đơn giàn nhất Đức Phật đã nói rằng mục đích giáo lý của ngài là : “Như nước trong đại dương chỉ có một vị mặn, giáo pháp ta cũng chỉ có một vị duy nhất đó là vị giải thoát”. Thông thường thì ngài từ chối những câu hỏi có tính chất siêu hình, trong Kinh Tiễn Dụ (Cūḷa-Māluṅkyaputta-suttam) khi tôn giả Man đồng Tử hỏi ngài:
“Thế giới hữu thường hay vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên, sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt, hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?” .
Ngài dùng một ví dụ cụ thể để trả lời như sau:
“Ví như một người bị trúng tên độc; do bị trúng tên độc nên đau đớn cùng cực. Người ấy được các thân thuộc đồng tình thương xót, mong muốn cho được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc nên tìm cầu y sĩ nhổ tên. Nhưng nó lại nói rằng, ‘Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết người bắn tôi đó, họ gì, tên gì, sanh ở đâu, cao hay thấp, mập hay gầy, da đen hay trắng, hay da không đen không trắng, thuộc dòng Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ hay Công sư, là người ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc?... Nhưng nó chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung…”(kinh Tiễn Dụ-bản Việt dịch của HT Tuệ Sỹ).
Thường thì Đức Phật không trả lời những câu hỏi mang tính huyễn hoặc thiếu thực tế như thế, vì ngài cho rằng nó không giúp ích gì cho chúng sanh trên hành trình tu tập để cầu giác ngộ giải thoát khổ đau cả.
Thế nhưng trong những trường hợp cần thiết như để khai thị cho đệ tử thì ngài cũng đề cập đến vũ trụ quan của ngài. Ví như để trả lời cho hai đệ tử là Bà-tất-tra và Bà-la-đọa ngài đã nói về nguồn gốc sự hình thành vũ trụ và con người ngài đã thuyết Kinh Tiểu Duyên (Agaññasutta). Ta có thể sơ lược như sau: Từ buổi sơ khai khi hình thành quả đất trải qua một thời gian rất dài có một loài chúng sanh sống bằng hỷ lạc, du hành trong ánh sáng từ thế giới khác, khi bay qua quả đất đã thu hút dưỡng chất mà mất đi khả năng bay trong ánh sáng, các loại dưỡng chất theo tuần tự thời gian xuất hiện trên quả đất để đáp ứng cho nhu cầu của loại chúng sanh đó. Do hấp thụ dưỡng chất trên quả đất mà thân hình nó càng ngày càng phát triển, loài người bắt đầu xuất hiện. Người nào ham ăn nhiều thì nhan sắc mau xấu, người nào ăn ít thì nhan sắc còn tươi nhuận; người đẹp đẽ sinh tâm kiêu mạn khinh người xấu xí; người xấu xí sinh tâm tật đố ghét người đẹp đẽ, chúng sanh vì thế cùng nhau tranh tụng mãi, đây là hình thái ban đầu của tham, sân, si hình thành trong tâm thức con người. Cho đến một thời gian dài bắt đầu có sự phân chia giới tính nam nữ, cùng lúc lúa xuất hiện và loài người có thể hái lượm để ăn mà không cần gieo trồng gì cả. Chúng sanh lúc ấy ăn loại lúa gạo tự nhiên; lấy xong nó lại sinh ra, vô cùng vô tận, nhưng cũng có kẻ tham lam nên cố tình cất giữ và người khác cũng bắt chước theo, thế là hình thành khái niệm tích lũy, tích trử thức ăn nên thức ăn trở nên khan hiếm, gạo cũng sinh ra vỏ trấu và phải gieo trồng thì mới có ăn. Từ đó sanh ra mâu thuẫn, xung đột và họ đã chia nhau từng mảnh đất để gieo trồng để khỏi xâm hại của nhau. Nhưng rồi có kẻ lười biếng không chịu làm mà đi trộm của người khác, trật tự xã hội đã bị đảo lộn, do đó họ đồng ý với nhau bầu ra một vị minh chủ để giữ gìn trật tự của xã hội, phân xữ các kiện cáo, duy trì sự công bằng trong xã hội. Đó là sự hình thành chính quyền đầu tiên trong xã hội loài người…
Từ kinh Tiểu Duyên ta thấy nguyên thủy tiền thân của con người sống một cách thánh thiện, họ bay từ thế giới khác đến quả đất và bắt đầu bị thu hút bởi các loại dưỡng chất, cảm thấy ngon ngọt bèn nãy sinh ra ý niệm tham muốn hưởng thụ và kết quả ai tham lam ăn nhiều thì sẽ sinh ra xấu xí ai ăn ít thì nhan sắc tươi nhuận. Cứ thế khi lòng tham càng ngày càng tăng cùng với sự phát sinh luyến ái tình dục giới tính và con người tham đắm vào đó thì môi trường cũng càng ngày càng xấu đi. Nhũng gì trước đây tự nhiên có để cho con người tự nhiên hưởng thụ mà sinh sống thì vì do lòng tham lam sinh ra tranh chấp, giành giật gây ra mâu thuẫn, xung đột nên càng ngày càng mất dần và loài người phải làm lụng, gieo trồng mà ăn, nhưng sự tham lam không có điểm dừng nên môi trường cứ thế ngày càng bị huỷ hoại.
Những gì Đức Phật đã tuyên thuyết về nguồn gốc và sự tiến hóa của loài người trong Kinh Tiểu Duyên ta có thể suy luận rằng môi trường biến hóa từ tâm thức con người, tâm thanh tịnh thì cảnh giới an nhiên tự tại, môi trường sống được yên lành phát triển một cách tự nhiên, tâm tham lam thích chiếm hữu thì cảnh giới bị nhiễm ô, môi trường bị hủy hoại. Đối chiếu với thực tế xã hội loài người hiện nay chúng ta thấy những gì mà Đức Phật nói trong Kinh Tiểu Duyên đang được chứng minh một cách cụ thể. Con người tự cho mình là chúa tể của muôn loài, vì lòng tham không điểm dừng con người dùng trí thông minh để tạo ra thật nhiều của cải, vật chất để phục vụ cho đời sống của mình ngày càng sung sướng hơn. Đồng thời để đạt được điều đó con người đã hủy hoại thiên nhiên, phá vỡ môi trường tự nhiên, đối xử với loài vật một cách tàn độc không thương tiếc. Để phục vụ cho lòng tham, vì lợi nhuận của mình người ta đã sử dụng phân thuốc, chất kích thích hóa học để rút ngắn thời gian tăng trưởng, tăng năng xuất của cây trồng, lạm dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu để phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái. Đối với vật nuôi để ăn thịt, con người đã vận dụng trí thông minh của mình để dùng hóa chất tăng trưởng, dồn ép gia súc vào chuồng trại hết sức chật hẹp, không cho con vật di chuyển để mau lớn, rút ngắn tối đa mạng sống con vật một cách tàn bạo để cung cấp thịt cho con người. Thế giới hiện nay chúng ta đang sống văn minh hơn, giàu có hơn, ăn ngon mặc đẹp hơn, có nhiều thứ để hưởng thụ hơn, nhưng không khí chúng ta đang hít thở là một bầu không khí đã bị ô nhiểm bởi khí thải nhà máy, xe cộ, của hóa chất… bị thải ra môi trường. thịt của những con vật mà loài người đang ăn thực ra chỉ là một dạng khác của thực phẩm công nghiệp được tẩm hóa chất và độc tố.
Những gì mà loài người đã tàn độc gây ra cho thiên nhiên, cho muôn loài hôm nay đã bị trả giá. Xã hội càng văn minh, y tế ngày càng phát triển thì càng nhiều bệnh lạ mà y học tiên tiến cũng bó tay, mẹ thiên nhiên đã giận dữ đáp trả bằng những trận cuồng phong, những trận bão lụt khủng khiếp tàn phá hủy diệt, những trận hạn hán, nhiệt độ đột ngột tăng cao, thiên tai liên tiếp giáng xuống quả đất khiến con người phải mất mạng, phải mất nhà cửa, tiêu tán tài sản.
Hiện nay loài người đang căng mình chống chọi với dại dịch toàn cầu corona virus, trận đại dịch khủng khiếp của thế kỷ XXI đang cướp đi mạng sống của hàng triệu người, dịch bệnh lây lan cho hàng trăm triệu người khác và đại dịch ngày càng bùng phát mãnh liệt hơn. Trong khi đó tại các nước Đức, Bỉ, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ đang xãy ra những trận bão lụt kinh hoàng nhất trong lịch sử cướp đi mạng sống của nhiều người và gây tổn hại tài sản, nhà cửa cho hàng triệu người khác. Nhìn cảnh con người từ Đông sang Tây, từ những nước đói nghèo lạc hậu cho đến những nước văn minh tiên tiến hàng đầu thế giới đang phải vật vã ngày đêm sống trong nỗi sợ hãi khi đối diện với kẻ thù vô hình, một cuộc chiến không cân sức, không nhận diện được kẻ thù, không có chiến tuyến và cái chết có thể đến bất ngờ không trừ một ai. Ta tự hỏi chuyện gì đang xảy ra cho loài người thế này, ngày tận thế sắp đến rồi chăng?! Thực ra tất cả những gì thiên tai, dịch họa đang xãy ra ngày hôm nay là QUẢ do con người đã gieo NHÂN trong quá khứ và hiện tại. Các nhà khoa học cố giải thích các thiên tai, dịch họa theo hiện tượng mà không thể giải thích nguyên nhân, bản chất của nó. Trong khi đó tất cả các hiện tượng của thiên nhiên nếu được nhìn từ luật nhân quả, nghiệp báo, lý duyên sinh thì ta sẽ tìm ra câu trả lời. Người Phật tử thấu hiểu giáo lý nhà Phật, quán chiếu luật nhân quả, nghiệp báo, lý duyên khởi, duyên sinh thì sẽ hiểu ra tất cả, để rồi từ đó sẽ điều chỉnh thái độ sống của mình đối với thiên nhiên, thay đổi hành vi tàn độc, giết hại sinh mạng muôn loài để phục vụ cho sự hứng thú hưởng thụ cái ăn của mình, ngừng việc phá hoại và tăng cường bảo vệ thiên nhiên, môi trường, lấy lòng từ bi mà đối xử với muôn loài, quý trọng mạng sống của chúng sanh, vì chúng ta hiểu rõ tất cả muôn loài đều ham sống sợ chết. Thay đổi quan niệm sống, biết thiểu dục tri túc, kiềm chế lòng tham và dục vọng, tăng cường làm việc thiện, dứt trừ các việc ác để có sự thanh thản trong tâm hồn, có cuộc sống được an nhiên. Như thế là đã tự chế tác chất đề kháng, đó cũng là một thứ vaccine để tự bảo vệ mình và chia sẻ cho mọi người. Những gì Đức Phật dạy trong Kinh Tiểu Duyên xa xưa đã được chứng nghiệm trong thực tiễn cuộc sống hôm nay để cho Phật tử chúng ta suy ngẫm và thực hành.
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
- Từ khóa :
- Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật