Như lý tác ý là khởi nghĩ, hướng tâm về mọi sự vật và hiện tượng đúng như lời dạy của Đức Phật. Như lý tác ý là một pháp môn tu tập liên hệđến sự phát triển tâm thức để thực nghiệm và nhận rõ các pháp đều do duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã. Như lý tác ý là một trong bốn yếu tốlàm tăng trưởng, sung mãn tuệ giác. Bốn yếu tốđó là: Thân cận bạn lành, nghe chánh pháp, như lý tác ý, và sống theo pháp.
Tác ý hay Tác ý chú tâm (manasikara) có nghĩa là hướng tâm, như bánh lái của con thuyền; nếu hướng tâm đúng, Như lý tác ý (yonisomanasikara), thì con thuyền sẽ đi đúng hướng; nếu hướng tâm sai, phi Như lý tác ý (ayonisomanasikara), thì con thuyền sẽ đi lạc.
Manasikara nó có nghĩa là khởi tâm đến, hướng tâm đến – nên nó đồng nghĩa với tác ý. Nhưng khi khởi tâm, hướng tâm đã thuần thục sẽ phát sanh Chú tâm, giai đọan này tương đương với tầm và tứ tâm sở (Tầm là sự thúc đẩy tâm tìm đối tượng. Khi đã tìm được đối tượng thì tứ là nỗ lực suy nghĩ cách nắm bắt hay giữ lại đối tượng ấy). Khi Chú tâm thuần thục, nó sẽ đưa đến Nhất tâm. Vậy cho nên khi nói Manasikara – là hàm nghĩa tác ý, qua tầm, qua tứ, qua sự chú tâm sẽ đi đến nhất tâm. Như thế, chú tâm đưa đến Nhất tâm. (Tương ưng kinh – Chương 22)
Chúng ta thường không làm chủ được mình vì luôn sống theo phản ứng bản năng và kinh nghiệm của thế giới hiện tượng hơn là việc quản lý tâm ý và hành vi. Vì bản năng là tác độngcủa nghiệp, nên phản ứng theo bản năng là bị nghiệp dẫn và nếu không kiềm chế hay hóa giải thì đễ tạo thêm nghiệp xấu ác.
Làm thế nào để tu tập Như lý tác ý hay tâm đặt đúng hướng? Đó là tập khởi nghĩ về mọi sự vật và hiện tượng đúng như bản chất của chúng, nghĩa là duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã. Sự phát triển Như lý tác ý là tiến trình phát triển nhận thức của một chúng sinh, có thể chia thành 4 mức độ như sau:
- Lúc mới thực tập Như lý tác ý – Chúng ta nhìn mọi sự vật và hiện tượng qua sự hiểu biết, khái niệm, kiến thức về các giáo lý: duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã. Ở giai đoạn này chúng ta mới chỉ hiểu Nghĩa qua khái niệm, kiến thức và hoạt động của lý trí như phán đoán, so lường, suy luận, tư duy (xin xem TÌM HIỂU VÀ THỰC HÀNH VĂN TƯ TU) trên hiện tượng, v.v., chứ chưa thấy được thực tánh (lý) của sự vật và hiện tượng (pháp) ngay nơi thực tại. Tuy mới hiểu nghĩa hay có khái niệm, kiến thức về duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã, chúng ta cũng tác ý đúng hướng, và thấy được sự lợi lạc của những tác ýnày.
- Sau khi thực tập Như lý tác ý một thời gian (ngắn hay dài tùy theo căn cơ và sự tinh tấn) – Chúng lần lần bắt đầu Thấy được Lý qua trực nhận ban đầu. Tức là nhận được Lý (sự thật – bản chất tự nhiên của pháp) qua thể nghiệm của thấy biết (tri kiến) trực tiếp và trung thực bản chất của pháp ngay nơi thực tại. Ở giai đoạn này, chúng ta có thể bắt đầu quản lý được tâm ý và hành vi của mình một cách tự nhiên không gượng ép. Trong giai đoạn này chúng ta sẽ cảm nhận được sự tu học của chúng ta dễ tiến bộ hơn, như hiểu được lý Kinh, bớt chấp trước, bớt thành kiến, dễ khởi và giữ được Chánh niệm, tinh tấn hơn trong các pháp hành như ngồi thiền, tụng Kinh, trì chú, v.v.
- Thông suốt Lý qua thể nghiệm Sự – Khi đã nhận ra sự thật (Lý) tức tiếp xúc với thực tánh pháp thì ngay đó bắt đầu thể nghiệm thực tại chân đế, xóa dần sự ngăn cách giữa người Kinh nghiệm (bản ngã) và đối tượng được Kinh nghiệm.
- Lý và Sự không hai – Khi sống trọn vẹn trong thực tánh chân đế thì không còn người Kinh nghiệm và đối tượng được Kinh nghiệm, tức là ngay nơi thực tại hiện tiền thân-tâm-cảnh Lý và Sự không hai. Dầu sống giữa tục đế vẫn tuỳ duyên thuận pháp, không còn xa rời thực tánh chân đế.
Khi hành thiền, Như lý tác ý giúp hành giả kiểm soát các triền cái (tham lam, sân hận, trảo cử, hôn trầm, nghi ngờ). Trong khi hành thiền, Như lý tác ý và hai giác chi Trạch pháp (thẩm sát) và Niệm được áp dụng để hành giả tư duy liên tục để duy trì việc kiểm soát tâm, tạo nên đối tượng nơi tâm, và tác ý đúng cách.
Đức Phật có dạy “Này các tỳ kheo, người có Như lý tác ý các thiện pháp chưa sanh sẽ sanh, các bất thiện đã sanh sẽ diệt.” Và “Này các tỳ kheo, người có Như lý tác ý các Pháp giác chichưa sanh sẽ sanh, các Pháp giác chi đã sanh sẽ đưa đến Pháp hành (Bhavana) được tròn đủ.”
Khi tu tập, người Phật tử có thể Như lý tác ý chọn một pháp môn hợp với mình để tu tập mà không chỉ dựa vào ý kiến hay Kinh nghiệm của người khác. Trong khi tu tập chúng ta cũng cần áp dụng Như lý tác ý để chọn cho mình những trợ hạnh cần thiết. Nếu đi sâu hơn, chúng ta cũng có thể nhờ Như lý tác ý để biết được mình cần phải bồi đắp thêm những phẩm hạnh nào trong 37 Phẩm trợ đạo, v.v. Chúng ta phải nhận diện, cẩn thận và khéo léo chuyển hóanhững thành kiến của chúng ta vì chúng là những chướng ngại cho tiến trình tu học.
Trong cuộc sống, người Phật tử có thể khéo léo thực tập Như lý tác ý để có thể nhìn các pháp đúng như lời Phật dạy và để kiểm soát hành động của mình. Nhờ vậy, một người có học tập và hành Như lý tác ý thì tâm thức lần lần giảm tham, sân, si và ý thức sinh khởi theo hướng đưa đến chánh kiến; và có khả năng tác ý khiến các thiện pháp sinh khởi và tăng trưởng.
Thí dụ, khi hành trì Như lý tác ý, nghĩa là nhận diện các pháp là duyên sanh, vô thường, khổ, vô ngã, thì dù có thấy một người khả ái hoặc không khả ái, tâm tư mình cũng không dao động, không rơi vào tham ái đối với sắc khả ái, không sinh khởi bực phiền đối với sắc khôngkhả ái, không có những suy nghĩ hay hành động sai lầm đưa đến hại mình và hại người.
Khi một người chưa có nhân duyên tu tập Như lý tác ý hay tu học giáo pháp của Phật thường bị nghiệp dẫn hoặc có tập khí nặng về tham, sân, si thì thường tác ý theo chiều hướng đưa đến tà kiến hoặc tác ý theo một cách khiến các pháp bất thiện phát sinh và tăng trưởng. Kinh Phật gọi đó là Phi Như lý tác ý hay tâm đặt sai hướng (xin xem NHẬN BIẾT ĐỂ TRÁNH XA MÊ TÍN).
Nguyện cầu Chư Phật gia hộ cho quý Phật tử và gia đình luôn khỏe mạnh, hạnh phúc, bình an, đầy hỷ lạc khi tu tập và hộ trì Tam Bảo.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát
Thị Phước
Chùa Ngàn Phật
- Từ khóa :
- Thị Phước