Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Phụ Lục

Wednesday, February 5, 201400:00(View: 7325)
Phụ Lục

XỨ TRẦM HƯƠNG

Quách Tấn

 -----oOo-----

PHỤ LỤC


I. HỒI KÝ VỀ CUỐN XỨ TRẦM HƯƠNG

 

A. ÐÔI NÉT VỀ TỈNH KHÁNH HÒA.

Mặc dù gồm đủ các mục cần thiết: Lịch sử, Ðịa lý, Thắng cảnh, Cổ tích, Nhân vật..., Ðôi nét về tỉnh Khánh Hòa chưa có thể gọi là một địa phương chí, vì quá sơ lược.

Ðó là một bài diễn văn, nói làm hai buổi, chỉ dày 30 trang giấy đánh máy hàng hẹp.

Nguyên vào năm 1926, trở lại ngành hành chánhphục vụ tại tòa hành chánh tỉnh Khánh Hòa ở Nha Trang, tôi phụ trách soạn thảo địa phương chí cho chánh quyền địa phương. Vốn ở Khánh Hòa đã lâu năm, công việc ấy đối với tôi không lấy gì làm khó lắm. Huống nữa địa phương chí viết theo kiểu hành chánh thì chẳng cần phải nhiều tài liệu. Nhưng việc viết địa phương chí tòa hành chánh Khánh Hòa dã giao cho một nhân viên viết từ ngày người Pháp giao quyền lại cho người Việt, ngót bao nhiêu năm qua mà chưa có được chữ nào, thì sao mình lại làm tài khéo tài khôn viết vội.

Viết xong trong một thời gian ngắn đã gây ác cảm với người “tiền nhiệm” lại làm cho bọn có quyền tưởng lầm rằng “ai viết cũng được”. Thêm nữa sao lại không nhân dịp tìm thêm một số tài liệu cho mình.

Tôi bèn đề nghị ông Tỉnh trưởng cấp phương tiện để đến từng quận khảo cứu tường tận rồi sẽ viết. Ông Tỉnh chấp thuận, nhưng hai ông phó cho là tốn côngmất thì giờ. Ðể có tài liệu viết, họ bảo tôi đưa ra những gì cần biết, rồi sức cho các quận lo tìm hiểu và phúc trình.

Tháng ngày qua... và tôi đợi...

Thời bấy giờ có phong trào học tập chánh trị. Mỗi tuần các công chức nghĩ việc trong 2 giờ để học tập. Mỗi cơ quan cử ra một ban thuyết trình. Tôi bị dính vào ban thuyết trình chung của thị xã Nha Trang. Nói mãi về chính trị ai nấy đều ngấy cả người. Tôi đề nghị thỉnh thoảng đổi món. Toàn ban đồng ý và tôi phải thực hiện trước tiên.

Sẵn có tài liệu trong tay(1), tôi bền lấy tỉnh Khánh Hòa làm đề tài nói chuyện.

Tôi mất ngót một tuần nhật để viết bài - viết trong những giờ rảnh ở sở.

Lập ý, cấu tứ, bố cục xong, tôi ngồi vào bàn đánh máy chữ với bản đồ trước mặt, rồi lốc cốc lốc cốc...

Lắm lúc nguồn văn đang tuôn trào thì ông Tỉnh sai làm việc này, ông phó kêu hỏi việc nọ, hoặc ông ty nhờ chút việc kia, làm tôi cụt hứng. Khi trở lại cùng văn chương, phải vét phải bước giây lâu mới tìm được mạch trở lại... Những buổi vào làm việc được vài giờ liên tiếp, không bị gián đoạn, thì thích thú vô ngần. Tiếng máy đánh chữ của tôi làm át hẳn tiếng máy đánh chữ và tiếng nói chuyện chung quanh. Tôi có cảm giác là tôi là một nhạc sĩ ngồi đánh dương cầm (piano) và đến khi tôi tự hỏi: “tiếng máy chữ giúp cho nguồn văn mình chảy dễ dàng hay nguồn văn mình làm tiếng máy chữ kêu êm ái”?

Ở nhà làm việc hay lúc làm việc trong một phòng riêng ở Ty Kiến Thiết, tôi không có những cảm giác ấy, ý nghĩ ấy. Tôi chắc ở đây, sức cố gắng bật những tiếng ồn ào chung quanh, đã gây ra để làm gia vị cho công việc sáng tác không nhằm nơi...

Các nhà tu thiền ngồi nhập định ở giữa chợ chắc hưởng nhiều lạc thú hơn ngồi nơi thanh vắng? Và có lẽ hứng vị của các nhà tu lúc ngồi thiền cũng như mình lúc sáng tác mỗi khi mỗi khác, cho nên nhập định mãi, sáng tác mãi, mà không bao giờ chán, không bao giờ nhàm...

Một đôi bạn đồng sự thấy tôi làm việc chăm chỉ, đến ghẹo để mua vui. Nhiều khi rất bực. Song xét kỹ bực bội không có lợi chi hết, tôi bèn “tương kế tựu kế” tìm ngay chút ít vui trên thú vui nghịch ngợm của anh em...

Một hôm một ông bạn đến đứng xem tôi làm việc thấy bên những cảnh núi sông tôi có điểm xuyết một vài câu ca dao địa phương, hay một bài hát do tôi soạn nhưng dấu tên, bèn nói:

- Các nhà thơ đến đâu làm hoen ố phong cảnh đến đó. Hèn chi ca dao có câu:

“Hòn đất mà biết nói năng

Thì mồm thi sĩ hàm răng không còn.”

Nghe nói, ngước lên nhìn, tôi không ngăn nổi trận cười bộc phát. Ông bạn ngạc nhiên hỏi:

- Anh cười gì, mà coi bộ thích thú như thế?

- Tôi cười anh là thi sĩ mà không tự biết.

- Câu ca kia đâu phải của tôi.

- Tố giác anh đâu phải câu ca, mà chính là hàm răng vàng anh vậy.

Lại một bận khác, một ông bạn khác đếm xem bài. Lúc ấy tôi vừa viết xong con sông Cù ở Nha Trang và bước sang con sông Dinh ở Ninh Hòa. Tôi mới viết đến ba ngọn nguồn của con sông và đương nghĩ một bài ca trang điểm cho phong cảnh nhưng chưa tìm ra ý. Ông bạn xem bài ca về con sông Nha Trang:

Sông Nha Trang, cát vàng nước lục

Thảnh thơi con cá đục

Lội dọc lội ngang...

Ðã nguyền cùng em giữ dạ đá vàng,

Quý chi tách cà phê đen, ly sữa bò trắng

Anh nỡ phụ phàng nước non.

hỏi tôi:

- Sông Nha Trang có thơ, sông Ninh Hòa chắc cũng có chứ?

Ông bạn là người quen biết cũ. Trước kia bị tình phụ thường dùng rượu để giải sầu. Nghe ông bạn hỏi, tôi liền nảy tứ, đáp:

- Sông Dinh mà không có thơ thì chợ Ninh Hòa hết người đến uống rượu. Xem đây:

Vừa dứt lời, tôi đánh lốc cốc:

Sông Dinh có ba ngọn nguồn

Anh nhớ em băng đèo vượt suối,

Nhưng không biết đường đến thăm em!

Ghé vô chợ Ninh Hòa

Mua một xâu nem

Một chai rượu trắng,

Anh uống cho say mèm để quên nỗi nhớ nhung...

Rượu không say,

Nghĩ lại ngại ngùng

Con gái 12 bến nước,

Biết thủy chung bến nào?

Nhân câu chuyện xưa của ông bạn, mà kéo được nem và rượu là món đặc biệt ở Ninh Hòa vào để trang điểm cho sông Dinh, thì thật là thú vị!

Tôi nghĩ nếu không có ai đến, hoặc có mà là một người khác chớ không phải ông bạn say rượu vì tình kia, thì liệu có đem được nem được rượu vào làm gia vị cho cảnh sông Dinh không? Chắc là không... Cho nên ngoài mình ra, ai hiểu vì sao lại có câu “vui vui” như thế (2). Thánh Thán nói: “Khi ta viết văn có con ruồi đậu trước ngòi bút. Khi người xem văn ta không thấy con ruồi đậu trước ngòi bút thì làm sao hiểu được ta”(3) là nói về những trường hợp như trên.

Những ý nghĩ “lạc đề” thế ấy thường nảy ra trong khi viết lách. Thường thường, tôi phải ngừng viết, để ghi chép kẻo quên, nếu thấy hay hay... Ðó là vài hột đậu phộng rang, vài cộng rau giá hay một hớp canh rau tập tàn... điểm vào bữa ăn thịnh soạn..., chúng chỉ làm cho thêm thích khẩu khi trở lại dùng những món ăn chính.

Viết Ðôi nét về tỉnh Khánh Hòa tôi gặp được một số đậu phộng rang và rau giá... mà hai chuyện trên là đại biểu xứng đáng...

Ðến đoạn cuối, để chấm dứt cho ý vị, tôi dùng đến những món ăn đặc biệt của Khánh Hòa xào nấu thành ca dao:

Thơm Vạn Giả ngọt đà quá ngọt(4)

Mía Phú Ân cái đọt cũng ngon(5)

Hỡi người chưa vợ chưa con

Vào đây chung gánh nước non với mình.

Ở Khánh Hòa có mấy món ăn đã nhập làng tục ngữ là:

Yến sào Hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa

Tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh(6).

Nhân thời Pháp thuộc lên Võ Cạnh chơi, được ăn một bữa cháo cá tràu ngon quá sức ngon. Từ ấy tôi không còn thấy cá tràu nơi nào bì kịp. Lại sau khi hồi cư về Nha Trang, nhà tôi mua được một mớ sò huyết mà người bán nói rằng ở Thủy Triều mới đem ra. Tôi ăn rất khoái khẩu - nên tôi bèn nhập ngay hai món nầy vào bốn món kia, gia vị thêm chút tình của mình thành một bài hát:

Yến sào Hòn Nội

Vịt lội Ninh Hòa

Tôm hùm Bình Ba

Nai khô Diên Khánh

Cá tràu Võ Cạnh

Sò huyết Thủy Triều

Ðời anh cay đắng đã nhiều

Về đây ngọt sớm ngon chiều với em.

Ðến ngày đem ra trình làng, tôi nhờ một số văn nghệ sĩ Nha Trang phụ trợ việc ngâm hát những thơ, ca theo nhịp đàn sáo như kỳ diễn thuyết Hàn Mặc Tử tại Saigon.

Cuộc nói chuyện tổ chức tại rạp chiếu bóng Tân Tân. Thính giả hầu hết là công chức (giáo viên, thư ký, ty, sở, trưởng, chủ, sự...) và các nhân sĩ trong thị xã Nha Trang. Cuộc nói chuyện được hoan nghênh nhiệt liệt.

Ông Hiệu trưởng trường trung học Võ Tánh nói:

- Ðịa lý là môn khô khan dễ chán mà anh trình bày thế ấy, thì thật chẳng khác chiếu phim phong cảnh. Rước anh dạy địa dư thì tuyệt.

Tôi cười:

- Ðừng bày, trước đây tôi đã bị phê bình rằng đem tánh chất lãng mạn trộn cả vào môn địa lý, và bị đuổi ra khỏi trường rồi. Ðâu dám “tái phạm”.

 Buổi nói chuyện được ghi âm và được phổ biến trên đài phát thanh làm vui cho đồng bào địa phương không ít.

Ông bạn già Trần Thúc Lâm ở xóm Máy Nước cạnh đài phát thanh Nha Trang, đến bảo:

- Hòn Trại Thủy ở đâu? Tôi hỏi không ai biết hết. Họ nói ở trong thành phố Nha Trang chỉ có núi Sinh Trung chơ không làm gì có núi Trại Thủy. Có người bảo rằng anh “đẻ” ra, nên núi chỉ nằm trong tưởng tượng.

Tôi phá lên cười:

- Vậy xóm Máy Nước của anh cũng do tôi “đẻ” ra hay sao? Bởi hòn Trại Thủy nằm ngay trước mặt nhà anh.

- Ðó là hòn núi Chùa chớ.

- Sẽ có người cải đó là hòn Xưởng hoặc hòn Kho vì xưa kia có kho và xưởng ở núi.

- Sao lại nhiều tên thế.

- Thì cũng như người trợ bút cho Lành Mạnh, mỗi kỳ viết bốn năm bài mà phải lấy bút hiệu nào Cổ Bàn Nhân, nào Thi Nại Thị nào Cù Huân Khách, nào Ðịnh Phong...

- Thế thì cũng có phần rắc rối.

- Tôi đã nói rõ vì sao người ta lại gọi là Trại Thủy, là Hòn Kho, Hòn Xưởng, mà cũng đã nói rõ nó nằm ở núi nào. Tại người nghe không để ý nên sanh ra thắc mắc. Nhà văn thường bị độc giả rầy oan là vậy đó...

Thượng tọa Thích Trí Thủ nói cùng đệ tử là Tràn Ðình Lạc:

- Ăn nằm vói núi đã chín mười năm, mãi nay nhờ bác Quách mình mới biết tên là Trại Thủy!

Như vậy bài Ðôi nét vè tỉnh Khánh Hòa cũng gây được ít nhiều ảnh hưởng trong quần chúng.

Năm 1963, nhân làm Tổng giám thị Trung tâm tu nghiệp cán bộ Khánh Hòa tôi cho in ronéo bài diễn văn ấy phát cho anh em làm tài liệu tham khảo khi đi phục vụ nhân dân. Tôi gởi cho các bạn quen xa gần để mua vui. Hiếu Chân lấy làm thích thú, đăng lời cảm tạ và hẹn sẽ nói về công phu bài ấy, trong số Tự Do ra ngày 18-4-1963. Hiếu Chân chưa kịp viết bài thì ông bạn Phan Ngọc Châu, giáo sư Việt Văn và sinh ngữ ở Saigon gởi bài phê bình đến dăng ở số Tự Do ra ngày 221-7-1963, Phan quân tán thán nhiều điểm.

Còn Nguyễn Ang Ca thì lấy trọn bài đem vào thiên phóng sự Miền Trung đăng trong Tiếng Chuông, tháng 4-1963. Họ Nguyễn chỉ mào đầu vài câu rằng ra Nha Trang gặp tôi và được tôi tặng nhiều tài liệu về Khánh Hòa, rồi cắt từng khúc bài của tôi, đem y nguyên văn vào bài của mình mà không để trong vòng kép (“...”) cho rõ rằng anh ta trích của tôi. Tôi viết thư phản đối. Anh ta đăng bài công bố rằng phần nhiều tài liệu trong bài phóng sự là của tôi, chớ không nói những đoạn nào là của tôi (thỉnh thoảng có chen năm ba câu của anh ta vào bài của tôi...) Trong khi tặng Ðôi nét về tỉnh Khánh Hòa tôi lại còn cho mượn một phiến ảnh chụp cảnh hốt cốt Hàn Mặc Tử. Anh ta đem vào Saigon làm bản kẽm in vào đoạn nói về Quy Nhơn song không cẩn thận làm mất phứt!! Tôi bảo rằng anh ta cố ý đoạt, anh ta lấy danh dự thề rằng không có tà tâm. Tôi đành chịu thiệt!!!

Tôi không ngờ một người có tên tuổi trong làng báo mà thiếu thận trọng như thế. Tôi chợt nhớ đến lời nói của Tân Việt năm 1958 khi mới gặp: “Anh nên cẩn thận, chớ nên đưa các bản thảo cho các nhà văn nhà báo xem. Nhiều người không được liêm chính”.

Nhưng rồi tôi lại nhớ đến lời của ông bạn Nguyễn Ðồng: “Văn mình có giá trị người ta mới ăn cắp. Chớ ai lấy trộm giẻ rách làm gì”.

Tôi cười mà bỏ qua.

Rồi nhận thấy Ðô nét về tỉnh Khánh Hòa có ít nhiều giá trị, tôi định sẽ bổ túc các mục còn thiếu, các cảnh còn sót để làm thành một phướng pháp diệt phiền não.

Thậy vậy. Chẳng lúc nào tâm hồn tôi được thanh thản bằng lúc làm thơ viết văn.

Trước kia tôi tưởng chỉ làm thơ mới được đưa tâm hồn ra ngoài và lên trên những phiền toái của cuộc sống hàng ngày, chỉ làm thơ mới khơi vợi được những gì tích tụ, những gì âp ủ... trong lòng. Nhưng từ khi quen với văn thì nhận thấy viết văn cũng có hiệu quả như làm thơ. Chi khác một điều là viết văn phải ngồi và mất công viết. Song lại được cái thú là “được mỏi tay mỏi lưng phải đi nằm cho hết mỏi”. Không mỏi mà đi nằm đâu có thú bằng mỏi mà đi nằm. Cũng như không đói mà ăn đâu có ngon bằng đói mà ăn.

Như thế là: viết văn làm thơ đã thú mà lại còn tìm được thích thú trong thú làm thơ viết văn. Thành ra thú sanh thú, thú cha, thú con, thú cháu... vô tận vô cùng...

Bởi vậy nên viết mãi không chán.

Cực chẳng đã mới nghỉ viết.

(Trích hồi ký Bóng Ngày Qua)

 

B. XỨ TRẦM HƯƠNG

Xứ Trầm Hương là “Ðôi nét về tỉnh Khánh Hòa” bổ túc và nhuận chính.

“Ðôi nét về tỉnh Khánh Hòa” hoài thai từ thời Pháp thuộc lúc tôi còn làm việc tại tòa sứ Nha Trang (1935-1945). Lúc bấy giờ thỉnh thoảng theo làm thông ngôn cho các nhà du lịch và khảo cổ ngoại quốc, tôi biết được thêm nhiều thắng cảnh cổ tích ở những nơi xa vắng, ngoài những danh thắng gần thành phố Nha Trang. Tôi lại được các vị tiền bối như cụ cử Phan Bá Vỹ, cụ đề Ngô Văn Nhượng, nhà Nho Trần Khắc Thành... kể cho nghe nhiều chuyện ly kỳ, nhiều tích lý thú.

Nhờ đó mà tôi viết “Ðôi nét về tỉnh Khánh Hòa”.

Vì là một bài thuyết trình cho nên chỉ viết lại những nét đại khái. Tôi cũng có ý muốn viết kỹ lại kẻo những tài liệu đã thu thập được rủi mất đi uổng. Nhưng chưa có dịp mà cũng chưa thấy hứng.

Nhân tôi có gởi tặng Nguyễn Hiến Lê một bản “Ðôi nét về tỉnh Khánh Hòa” và nói qua trường hợp soạn thảo. Nguyễn quân khuyên nên viết kỹ lại. Võ Hồng và Châu Hải Kỳ cũng đồng ý cùng Nguyễn Hiến Lê. Võ Quân bảo:

- Cảnh thiên nhiên dù có thay đổi vẫn còn dấu tích, chớ những câu chuyện liên quan hoặc nhiều hoặc ít đến Khánh Hòa, hiện nay đã ít người biết rồi, nếu anh không viết lại thì sau anh e không còn ai biết để viết.

Nguồn hứng vừa khơi thì tôi lại gặp Hòa Thượng Thích Trí Thủ và Ðại đức Trừng San. Hòa Thượng hứa ủng hộ việc xuất bản. Ðại đức cho mượn xe và hướng dẫn đi thăm các ngôi chùa cổ và đôi cảnh cần thăm lại và có thể đến thăm.

Trong khi đi tôi lại thu thập thêm được nhiều tài liệu quý báu.

Những sự kiện ấy kích thích tôi hăng hái viết về Khánh Hòa. Tôi tạm gác “bóng Ngày Qua”.

Sau khi đi các quận “tạm đủ” rồi, tôi lo viết. Tôi khởi sự vào đầu tháng 9 năm 1968, và quyết cố hoàn thành trước tháng 12, hầu kịp xuất bản trong tết Kỷ Dậu để làm quà mừng tuần hoa giáp của tôi.

Nhưng trời chẳng chiều người! Vừa viết xong được 3/4 thì bị ngọa bệnh.

Nguyên tôi đau nội trĩ đã gần 40 năm. Nhờ giữ vệ sinh nên “quân bất lương” không có cơ quấy phá. Không biết có phải vì tôi ngồi nhiều quá hay vì “kỳ hạn đã đến” mà mạch lương (fistules anales) trổ ra. Nghe tin bác sĩ Tân-Tây-Lan ở nhà thương Quy Nhơn mổ giỏi, tôi bèn ra Quy Nhơn.

Mổ ngày 26-12-1968.

Cuối tháng 1 năm 1969, tôi về Nha Trang định ăn tết xong trở ra trị cho thật lành. Nhưng thấy vết mổ mỗi ngày mỗi cạn dần nên nằm nhà băng bó. Gần hai tháng rưỡi trôi qua, tưởng bệnh đã lành, ngồi viết tiếp về Khánh Hòa. Mới mấy hôm bệnh trở phải ra Quy Nhơn trở lại (15-4-1969).

Ra Quy Nhơn bị mổ đi mổ lại đến 5 lần. Phải nằm bệnh từ nửa tháng 4 đến nửa tháng 6-1969 mới về Nha Trang trở lại.

Sáu tháng trôi xuôi! (12-68 - 6-69)

Khi về Nha Trang thì thấy tập địa phương chí “Non nước Khánh Hòa” của ông Nguyễn Ðình Tư đã bán ở các tiệm sách.

Ông Tư trước kia làm tại Ty Ðiền địa Nha Trang, cùng tôi là chỗ quen biết. Tôi nghe ông ta viết tập Non nước Khánh Hòa đã lâu. Nhưng biết rằng ông ta viết theo lối viết “Non nước Phú Yên”, nên tôi không ngại bị dẫm chân nhau. Nhưng nghe sách ông ta đã ra, lòng tôi không khỏi nao nức muốn đọc. Ðọc xong thật mừng vì quả như lời tôi đã đoán. Song lại có hơi bực vì ông ta đã lấy một số “ca dao” trong “Ðôi nét về tỉnh Khánh Hòa”, đã không ghi xuất xứ lại còn sửa nhiều chỗ để tỏ rằng tự mình đã tìm ra chớ không phải mượn của tôi. Những câu ấy vốn là của tôi đặt ra, ai biết đâu mà truyền cho ông ấy?(7)

Anh Trần Thúc Lâm cùng máy anh em ký giả quen biết ở Nha Trang muốn viết bài chỉ trích. Sợ có người hiểu lầm rằng tôi đã xúi anh em vì ganh tị, nên tôi can:

- Không có gì quan trọng, cứ để sách tôi ra đời, bạn đọc sẽ rõ trắng đen.

Rồi tôi tiếp tục viết Khánh Hòa bị bỏ dỡ và đã hoàn tất sau ba tuần nhật cần cù.

Nhận thấy tên “Ðôi nét về tỉnh Khánh Hòa” không gọn và tên “Non nước Khánh Hòa” ông Tư đã dùng trùng, tôi bèn lấy tên: XỨ TRẦM HƯƠNG

Vì Khánh Hòa có nhiều trầm hương nhất các tỉnh miền Trung, và tôi có bài ca:

Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương

Non cao biển rộng người thương đi về

Yến sào ngon ngọt tình quê

Sông sâu đá tạc lời thề nước non.

Sau khi viết xong tựa bài nói rõ tính cáchmục đích Xứ Trầm Hương. Tôi đem lên Viện Phật học Nha Trang trao cho Hòa Thượng Thích Trí Thủ để Hòa Thượng đem vào Saigon in.

Công việc yên xong vào tiết Tiểu Thử, năm Kỷ Dậu, tức trung tuần tháng 7 năm 1969.

* *

*

Viết Xứ Trầm Hương tôi viết theo lối hồi ký. Nghĩa là tôi ghi lại những gì tôi thấy, tôi nghe, tôi cảm trong mấy mươi năm sống cùng non nước Khánh Hòa. Tôi chú trọng về thắng cảnh cổ tích, giai thoại huyền thoại là những cái dễ mất. Còn những gì thuộc về địa lý thuần túy là những cái thường còn thì nhượng cho các nhà khảo cứu, các nhà địa lý học chuyên môn.

Do đó tôi thích thú khi viết Xứ Trầm Hương cũng như khi viết “Bóng Ngày Qua”: tôi viết lòng tôi, tôi sống lại.

Tôi sống lại và làm sống lại cho Khánh Hòa nhiều “cái” đã chết hẳn trên mặt đất và trong lòng người địa phương. Nói là chết trong lòng người địa phương kể cũng oan, vì người hiện thời đâu phải người cựu thời. Các vị phụ lão đều qua đời hết. Anh chị em thanh niên bị cái “mới” lôi cuốn, ít người nghĩ đến những “cái cũ” của cha ông, bởi những cái cũ ấy không đem lại những ích lợi trực tiếp, những ích lợi hiện tiền. Làm sống lại những “cái vô ích” ấy, tôi lấy làm khoái. Tôi khoái riêng cùng tôi. Và tôi cảm thấy “Xứ Trầm Hương” là một cõi riêng biệt của tôi, và tôi làm một đại biểu của người cổ Khánh Hòa lãnh thiên chức giữ gìn những “cái” đã mất và sắp mất trước làn sóng ngoại lai.

Viết Xứ Trầm Hương tôi “viết” bằng máy đánh chữ.

Làm xong dàn bài trong trí, tôi ngồi vào bàn máy là “viết” một hơi. Ý theo tiếng lóc cóc của máy mà nhảy ra. Lời theo ý mà hình thành. Câu cú suông sẻ càng tốt, què quặt cũng mặc. Viết xong một đoạn, siêng thì đọc lại, nhác thì cho qua.

Thật chẳng khác viết hồi ký!

Bởi mục đích chính là gởi gắm chút lòng, tiêu diệt phiền não, chớ đâu phải “làm văn”.

Tuy vậy, tánh thận trọng đã sẵn có trong người, sức uẩn nhưỡng đã nuôi sẵn từ trước, cho nên tự tin rằng không có sự bừa bãi trong ý cũng như ngoài lời.

Khi mới bắt đầu viết, tôi tưởng sách chỉ dày độ trăm rưỡi trang là nhiều. Vì “Ðôi nết về tỉnh Khánh Hòa” chỉ có vài chục trương đánh máy. Không ngờ Xứ Trầm Hương dày đến trên 300 trang đánh máy. Dày ngang “Nước non Bình Ðịnh”.

Viết về non sông, có cái vui mà đôi khi cũng có cái buồn. Viết về Bình Ðịnh tôi buồn cho tỉnh nhà bị mấy cay cầy và cây ké ở đèo An Khê. Hai cây nầy là di tích lịch sử. Chúng đã chứng kiến lễ tế cờ của 3 vua Tây Sơn. Cho nên phương ngôn có câu: “Cây ké phất cờ, cây cầy khỉ cổ”. Thời Ngô Ðình Diệm cán bộ địa phương đã hạ cây ké để lấy gỗ làm trụ sở và gần đây cây cầy đã bị thuốc khai quang của Mỹ làm rụng lá đen cành. Sống thác thế nào chưa rõ! Viết về Khánh Hòa, tôi buồn về tấm bia Võ Cạnh.

Võ Cạnh là một làng thuộc quận Vĩnh Xương giáp giới quận Diên Khánh và nằm về phía Nam Quốc Lộ số 1.

Ở đó có một tấm bia bằng đá xanh, cao lớn, khắc chữ “Khoa - Ðẩu”. Theo các nhà khảo cổ thì bia nầy dựng từ thế kỷ thứ II, để làm biên giới của Phù Nam và Chiêm Thành.

Bia nằm dưới một cây duối lâu đời, nửa ló lên mặt đất, nửa chông dưới bùn ruộng. Suốt bao nhiêu đời ít ai để ý.

Năm 1936, có một nhà khảo cổ đến Nha Trang. Nhờ ông học sanh Nguyễn Tấn ở Võ Cạnh, tục gọi là Học Bảy chỉ điểm, nhà khảo cổ đến xem và quả quyết là tấm bia phân ranh giới của Phù Nam và Chiêm Thành. Ông sứ Lavigne định đem bia về tòa sứ Nha Trang. Nhưng chưa kịp thực hiện thì bị đổi, ông sứ Destenay đến thế. Tôi “làm tài khéo tài khôn; vào nhắc, bị cự cho một mớ vuốt mặt không kịp!” Từ ấy không ai còn nghĩ đến tấm bia.

Khi viết Xứ Trầm Hương, tôi nhớ đến bia ấy... Nhưng ông Học Bảy đã qua đời, quang cảnh trong làng lại có nhiều sự thay đổi, tôi đi tìm mấy bận không còn thấy cây duối cổ ở chỗ nào! Nhờ người con ông Học Sanh là anh Ngộ tìm dùm, cũng không biết nơi đâu là nơi có tấm bia và cây duối! Trên 30 năm rồi, cây duối làm vì còn sống, bia đá chắc gì còn vùi lấp để đợi thiện duyên mà trồi lên(8)

Ở các nước văn minh, các cổ vật được bảo tồn trân trọng. Ở nước mình chánh quyền chỉ nghĩ đến những cái mới của nước người, phần đông nhân dân cũng không có lòng háo cổ. Thành thử cổ tích của nước nhà bị tàn rụng lần lần. Nếu tình hình hỗn loạn cứ kéo dài thì lúc thái bình e người Việt Nam sẽ trở thành một dân tộc mới bắt đầu dựng nước. Trong nước sẽ không còn một mảy maychứng tỏ rằng mình có một nền văn hiến bốn nghìn năm!

Lắm lúc thật là buồn!

Cầu may vớt vác được chút nào hay chút nấy, tôi ghi chép tất cả những gì tôi thấy tôi nghe. Dù là công dã tràng, công Tinh Vệ tôi cũng tự thấy được an ủi ít nhiều.

Cho nên khi làm việc văn chương, tôi thấy tôi sống, và tự cho mình sống có ích, ít nhất là cho bản thân. Ngày tháng trôi qua mình không biết, nếu biết cũng không tiếc bởi dã dùng làm việc cho văn chương, cho đời sống: Thì giờ không mất.

(Trích hồi ký Bóng Ngày Qua)

 

 

II. BÊN LỀ CUỐN XỨ TRẦM HƯƠNG

 

BỨC THƯ GỞI BÁO ÐẠI ÐOÀN KẾT

Nha Trang, ngày 15 tháng 11 năm 1982

 

Kính gởi: Tòa soạn Ðại Ðoàn kết, 66 Bà Triệu, Hà Nội.

 

Trích yếu: về việc ông Nguyễn Hoàng Diệp lấy văn trong Xứ Trầm Hương làm của mình.

 

Tờ Ðại Ðoàn Kết số 17 ra ngày 18/8/1982 (mà tình cờ tôi được đọc) có đăng nơi trang 8 bài Nha Trang - Thành phố du lịch của ông Nguyễn Hoàng Diệp.

Bài của ông Nguyễn Hoàng Diệp là một bài, từ đầu chí cuối, chắp nối những đoạn văn lấy trong tập địa phương chí Xứ Trầm Hương của tôi soạn và xuất bản tại Nam Việt Nam năm 1969. Ông Diệp đã chắp nối những đoạn văn lấy trong Xứ Trầm Hương bằng đôi lời đưa đẩy, thành một bài văn ý tiếp mạch liền. Những bạn chưa đọc Xứ Trầm Hương rất dễ lầm bài của ông Diệp là một sáng tác, một bài sáng tác của một người đã sống ở Nha Trang lâu năm.

Xứ Trầm Hương rất được phổ biến ở Nha Trang, vì là một quyển địa phương chí của tỉnh Khánh Hòa. Sợ nơi quý Tòa soạn không có tập văn ấy, tôi xin ghi rõ sau đây những đoạn ông Diệp đã lấy trong Xứ Trầm Hương.

- Ðoạn đầu nói về sự giải thích sai lầm hai tiếng Nha Trang, ông Diệp đã chép y trang 158, 159 của Xứ Trầm Hương;

- Ðoạn tiếp nói về nguồn gốc của hai tiếng Nha Trang, ông Diệp đã chép gần y trang 106 của Xứ Trầm Hương;

- Ðoạn nói về bốn “con thú” trên cuộc đất Nha Trang, ông Diệp đã chép gần y trang 166 của Xứ Trầm Hương;

- Ðoạn nói về các ngọn tháp Chàm, ông Diệp đã rút gọn trang 170, 175, 178, 180 của Xứ Trầm Hương;

- Ðoạn nói về bãi biển Nha Trang, ông Diệp đã tỉa lời và ý nơi trang 163, 164, 165... của Xứ Trầm Hương;

- Vân vân...

Mượn văn người khác, văn cổ hay văn kim, là việc thường trong làng văn từ xưa đến nay. Những người cầm bút biết tự trọng, những nhà văn chân chính, khi trích một đoạn văn của ai, hay ở sách nào, đều ghi rõ xuất xứ, đều không quên tác giả những câu mình trích. Nếu tác giả những câu mình trích còn tại thế, thì theo phép lịch sự, phải xin phép trước. Nếu không biết địa chỉ của tác giả thì phải ghi rõ ở nơi “bị chú”. Ðó là phép xã giao mà giới lao động trí óc thường dùng để cho đời sống tinh thần thêm đẹp .

Tôi không hiểu vì sao ông Nguyễn Hoàng Diệp lại làm một việc không được chính đáng như thế? Quyển Xứ Trầm Hương ra đời đã lâu, tất cả mọi người đều có thể dùng làm tài liệu, mọi người đều có thể trích đăng... Việc sử dụng đó làm tăng giá trị giá trị cho tập văn, chớ không làm thiệt hại cho tác giả. Song người sử dụng phải tỏ thái độ đứng đắn để nêu cao tác phong và đạo đức của giới cầm bút.

Tôi viết bức thư nầy không có mục đích gì khác hơn là đề nghị quý Tòa soạn, nếu thấy lời nói của tôi là phải, thì yêu cầu ông Nguyễn Hoàng Diệp nên sửa sai, hầu trở nên một nhà văn tốt về mọi phương diện.

 

Kính thư

QUÁCH TẤN

 

 

BÊN LỀ CUỐN “XỨ TRẦM HƯƠNG”

QUÁCH TẤN

 

Nhân ngày Quốc tế người có tuổi, ngày 1-10-1992 các bạn thân ở Nha Trang: Lê Kiểm, Châu Hải Kỳ, Võ Thành Nhân, Nguyễn Ðức Linh, Hoành Sơn rủ đến chúc tôi:

- Tơ chưa ráo ruột tằm chưa nhộng

Song vẫn còn mai, mộng vẫn hương.

Nhà tôi ở gần chợ, tôi tiếp bạn nơi phòng riêng tuy hẹp và thiếu tiện nghi nhưng thanh tịnhấm cúng. Câu chuyện về ông già bà cả, xưa có nay có, trong nước có, ngoài nước có, được các bạn thay ngẫu kể vui thật là vui.

Bỗng có một nữ khách đến. Giao, con tôi ra tiếp nơi phòng khách. Giây lâu, Giao vào mời tôi ra hỏi ý kiến. Vì tôi đã biết khách là ai và có việc gì nên Giao chỉ nói vắn tắt:

- Họ bằng lòng trả nhuận bút cho 1.500 quyển, mỗi quyển trị giá 15.000 đồng. Nhưng tiền nhuận bút không tính 6% theo hợp đồng, mà chỉ tính 5% theo Nhà xuất bản ấn định. Như vậy thì tiền nhuận bút bị cắt giảm đi 220.000 đồng,

Tôi nói nhỏ cùng Giao:

- Vì mình cô thế, nên đành theo gương ông lão ở hang Ngu Công.

Giao tiễn khách về, rồi đưa tôi vào phòng họp bạn. Lê Kiểm vội vã hỏi:

- Nữ khách là ai vậy?

Tôi đáp:

- Là cô Việt Dung, biên tập viên của Nhà xuất bản tổng hợp Khánh Hòa, mang tiền nhuận bút quyển “Xứ Trầm Hương” vừa tái bản đến cho tôi.

Lê Kiểm vỗ tay cười lớn:

- Lựa ngày Quốc tế người lớn tuổi để trả tiền nhuận bút cho một nhà thơ lão thành, lại cử một giai nhân đi thi hành nhiệm vụ. Phong độ Nhà xuất bản tổng hợp Khánh Hòa thật đẹp quá.

Tôi cười đáp:

- Nếu tiền nhuận bút được trả sòng phẳng theo hợp đồng thì lại càng đẹp biết bao nhiêu.

Các bạn tỏ vẻ kinh ngạc. Ai nấy cũng muốn biết rõ nội vụ. Giao thay tôi trình bày:

- “Xứ Trầm Hương” do Nhà xuất bản Lá Bối ở Sài Gòn ấn hành năm 1969. khoảng thượng tuần tháng 6 năm 1991, ông Nguyễn Gia Nùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản tổng hợp Khánh Hòa cùng cô Việt Dung, biên tập viên Nhà xuất bản, đến thương lượng với ba tôi xin tái bản cuốn “Xứ Trầm Hương”. Ba tôi ưng thuận. Ông Nguyễn Gia Nùng nói loại sách này rất kén độc giả, nếu in số ít thì không lời, mà in số nhiều thì bị cầm vốn. Và định cho in ít nhất là 1.000 cuốn nhiều nhất là 3.000. Giá cả không thể ấn định trước nhưng ít nhất cũng trên 10.000 đ/cuốn. Nghề in lúc này đã tiến bộ nên cuốn sách tuy dày nhưng chỉ trong vòng 1 tháng là in xong. Vài ngày nữa cô Việt Dung sẽ đến nhà thảo luận chi tiết nội dung cuốn sách.

Hai hôm sau, cô Việt Dung đến cùng tôi tu sửa một vài chi tiết không cần thiết với hoàn cảnh hiện tại. Riêng về bìa thì để thích hợp với thị hiếu độc giả nên thêm vào hình ảnh tháp bà Thiên Y A Na. Tất cả đều được ba tôi chấp thuận.

Sáng ngày 26-6-1991 cô Việt Dung đến với tờ hợp đồng đánh máy sẵn và được ông Nguyễn Gia Nùng ký với tư cáchđại diện Nhà xuất bản tổng hợp Khánh Hòa. Nội dung tờ hợp đồng rất đơn giản, không ghi những điều cần thiết như thời hạn hợp đồng phải thực hiện, số lượng sách phải in v.v..., mà chỉ ghi số tiền ứng trước là 300.000 đồng, số bách phân tiền nhuận bút là 6%. Vì tin Nhà xuất bản tổng hợp Khánh Hòa là Nhà xuất bản có nhiều uy tín và ông Nguyễn Gia Nùng làm một văn nghệđứng đắn ở Nha Trang nên ba tôi ký hợp đồng không chút ngần ngại.

Song nửa năm qua, từ ngày hợp đồng được ký, sách vẫn không thấy đâu cả. Trong một buổi họp mặt tất niên của anh em văn nghệ sĩ tỉnh Khánh Hòa, gặp ba tôi ông Nùng nói “Xứ Trầm Hương” đã in xong từ lâu, nhưng vì kẹt tiền nên ra chậm, nay đã cho người đem tiền vào lấy rồi. Thế nào Tết này cũng ra mắt độc giả. Nhưng rồi Tết qua, Xuân tnà, Hạ đến, Thu sang mà vẫn không thấy sách đâu cả!

Sáng ngày 14-9-1992 cô Việt Dung vui vẻ đem đến cho tôi một cuốn “Xứ Trầm Hương” vừa được ông Nguyễn Gia Nùng đem từ Sài Gòn về. Và hẹn tôi sáng ngày 21-9-1992 đến trụ sở Nhà xuất bản nhận tiền nhuận bút. Ðúng ngày hẹn tôi đến Nhà xuất bản thì không gặp cô Việt Dung.

Mấy hôm sau cô Việt Dung đến cho tôi biết:

- Sở dĩ có sự trục trặc tiền nong là do ban tài vụ bảo rằng sách in ghi là 1.500 cuốn nhưng thực ra chỉ có 600 cuốn cho nên chi trả tác quyền theo 600 cuốn. Ðồng thời chỉ trả 5% theo chỉ thị của ban giám đốc chớ không thể trả theo bản hợp đồng đã ký. Nghe trái tai tôi sắp nổi giận nhưng trấn tĩnh được bởi tôi nghĩ rằng cô Việt Dung chỉ là một sứ giả đưa tin còn ban tài vụ thì có liên can gì đến mình nên tôi ôn tồn đề nghị cô Việt Dung đợi ông Nùng đi công tác về rồi hãy giải quyết. Một tuần sau ông Nùng về không giải quyết được phải đợi đến hơn một tuần nữa ông giám đốc Nguyễn Văn Tôn về mới giải quyết xong.

Châu Hải Kỳ hỏi:

- Giải quyết thế nào?

- Chịu trả tiền nhuận bút theo số sách và giá đã ghi trên bìa. Nhưng lại bớt đi 1%. Thành ra ba tôi bị trụt mất 220.000 đồng.

Thành Nhân và Nguyễn Ðức Linh tỏ ý bất bình. Nhân nói:

- Các nhà thơ tiền chiến có danh đã qua đời gần hết. Trên đất Khánh Hòa còn sống sót thầy QUÁCH là một điều đáng mừng. Mười mấy năm nay Sở Văn Hóa không để ý nâng đỡ cuộc sống, nay Nhà xuất bản tổng hợp Khánh Hòa lại còn nhẫn tâm rút bớt tiền nhuận bút!

Lê Kiểm nói:

- Ðối với hoàn cảnh chật vật của anh Tấn hiện nay, 220.000 đồng không phải là nhỏ nhưng chữ TÍN giá trọng nghìn vàng, nếu đã thể hiện trên giấy mực mà Nhà xuất bản không thực hiện nghiêm chỉnh, như vậy là thất tín. Anh Tấn dù có bị thiệt thòi không đáng là bao so với Nhà xuất bản tổng hợp Khánh Hòa.

Châu Hải Kỳ nói tiếp:

- Văn chương là chuyện nghìn thu (văn chương thiên cổ sự). Cuối triều Tự Ðức hay dưới triều Thành Thái (tôi không nhớ rõ) có ông Hoàng Giáp họ Trần làm Ðốc học tỉnh Hà Nam bóp chẹt một thí sinh lấy 3 đồng bạc. Cụ Tam Nguyên Yên Ðổ biết chuyện bèn tặng quan Ðốc học một bài thơ trong đó có hai câu thật đặc sắc:

“Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp

Ðè thằng mặt trắng lấy tam nguyên”.

Và thi sĩ Tản Ðà trong một bài vịnh Kiều cũng đã có câu:

“Hai mươi lạng bạc đời Gia Tĩnh

Mua lấy nghìn thu tiếng Sở Khanh”.

Câu chuyện văn chương kéo dài. Ðể làm quà lưu niệm, Giao đem ra cho tôi 5 cuốn “Xứ Trầm Hương” mới tái bản (sách này do tôi mua lại Nhà xuất bản được bớt 10%).

Hoành Sơn, Ðức Linh và Thành Nhân đứng dậy thưa:

- Chúng con biết hảo ý thầy, nhưng xin thầy vui lòng chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con.

Hoành Sơn tiếp lời:

- Nếu thầy không bị Nhà xuất bản tổng hợp Khánh Hòa rút bớt tiền nhuận bút thì chúng con không dám tỏ lời này: Bác Lê Kiểm trên tuổi “cổ lai hy”, nhà đơn chiếc. Bác Châu Hải Kỳ mấy tháng nay đau ốm phải nằm bệnh viện tốn kém không ít. Chúng con mong hai bác nhận quà tặng của thầy, còn ba chúng con chỉ xin chữ ký của thầy trên sách mà thôi. Tiền sách chúng con xin hoàn lại để bù vào phần nào số tiền bị rút bớt.

Thế là ngày Quốc tế người già, bên lề cuốn XỨ TRẦM HƯƠNG tôi được hưỏng một thú vui đặc biệt.

Q.T.

(Trích trong tập hồi kỳ “Bóng ngày qua”)

(Ðăng trong Tạp chí Nha Trang số 15, tháng 12-1992 của Hội VHNT Khánh Hòa).

 

 

ÐÍNH CHÍNH CỦA TẠP CHÍ NHA TRANG.

 

ÐÍNH CHÍNH

Tạp chí NHA TRANG số 65/2001 (Xuân Tân Tỵ) có một số sơ sót xin được đính chính lại:

- Trang 86, bài “Ai ơi Tết đến ghé chơi Tháp Bà” được bạn đọc phát hiện tác giả Hoàng Văn đã chép lại nguyên xi nhiều đoạn trong cuốn sách “Xứ Trầm Hương” của cố nhà thơ Quách Tấn do NXB Lá Bối xuất bản năm 1970. Ban biên tập đã kiểm tra lại thấy ý kiến phản ảnh là đúng sự thật.

...

Ban biên tập thành thật cáo lỗi cùng độc giả về những sơ sót trên.

NHA TRANG

(Tạp chí Nha Trang số 66, tháng 3-2001)

 

 

III. NHỮNG BÀI BÁO VIẾT VỀ XỨ TRẦM HƯƠNG

 

NHA TRANG LÀ TÊN SÔNG LẤY ÐẶT CHO THÀNH PHỐ HAY LÀ TÊN THÀNH PHỐ DÙNG LÀM TÊN SÔNG.

QUÁCH TẤN

Có nhiều người cạn nghĩ hễ nghe nói là tin, tin rằng Nha Trang do hai chữ “Nhà Trắng” mà ra. Sự thật không phải thế.

Nha Trang là do tiếng Chàm Ya Tran mà ra. Ya là nước, là sông; Tran nghĩa là câu lau, cây sậy. Ya Tran nghĩa là sông lau. Vì con sông Cái chạy từ Diên Khánh xuống đến biển, mọc đầy lau lách ở hai bên bờ nên người Chàm gọi là Ya Tran. Sau khi đất Chiêm Thành sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam thì người Việt phiên âm chữ Ya Tran ra Nha Trang để gọi con sông Cái chạy từ Diên Khánh đến biển.

Như thế, Nha Trang là tên sông.

Vì sao tên sông lại trở thành tên thành phố?

Xin đáp:

Phần đất Khánh Hòa ngày nay, khi còn thuộc về người Chiêm Thành tức là người Chàm thì gọi là Cù Huân (Kaut Hara). Ðất Cù Huân sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 18, thời Chúa Nguyễn, Chúa Nguyễn đổi tên đất Cù Huân thành dinh Bình Khang, sau đổi là Bình Hòa. Dinh Bình Hòa chia làm 2 phái là phủ Ninh Hòa và phủ Diên Khánh. Dinh quan Tổng trấn Bình Hòa đóng tại Ninh Hòa mang tên là sông Sinh). Hậu bán thế kỷ thứ XVIII dinh Bình Hòa thuộc về nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu vào làm Tổng trấn, nhận thấy Ninh Hòa không có thể dụng binh, bèn dời dinh vào Diên Khánh. Ðể trấn giữ quân Chúa Nguyễn ở phía Nam, Trần Quang Diệu bèn xây thành đắp lũy kiên cố nơi đóng binh và gọi là Diên Khánh thành.

Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Ánh đánh lấy được thành Diên Khánh, và cử tướng Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bình Hòa. Nguyễn Văn Thành cho xây đắp lại thành Diên Khánh, và lấy tên Nha Trang của con sông Cái mà đặt tên cho thành là Nha Trang thành.

Ðến triều Minh Mạng (1820-1840) dinh Bình Hòa đổi thành tỉnh Khánh Hòa. Thành Nha Trang được xây lại theo kiểu Vauban và bỏ tên Nha Trang lấy lại tên Diên Khánh: Diên Khánh thành.

Sau khi thực dân Pháp chiếm được toàn cỏi Việt Nam nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng, thì đặt cơ quan cai trị tại miền Duyên Hải và lấy hai chữ Nha Trang mà đặt tên cho địa phận đóng cơ quan cai trị tức là thành phố Nha Trang hiện thời. Như thế là thành phố Nha Trang đã lấy tên sông, nhưng không phải lấy trực tiếp mà lấy qua thành Diên Khánh. Có người không đi sâu vào bối cảnh lịch sử, thấy sông Nha Trang chảy qua thành phố Nha Trang thì bảo sông mang tên thành phố.

* *

*

Ðể chứng minh cho những điều trình bày trên đây, tôi xin trích vài ba câu thơ cổ còn lưu truyền.

Ðại Lãnh văn viên, cô nguyệt hạ

Nha Trang xạ hổ loạn vân gian.

Nghĩa là:

Lắng vượn trăng mờ đêm Ðại Lãnh

Bắn hùm mây loạn núi Nha Trang.

Nha Trang đây là thành phố Nha Trang ở Diên Khánh chớ không phải là thành phố Nha Trang. Bởi vì thành phố Nha Trang mới bắt đầu xây dựng sau ngày thực dân Pháp đặt nền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam dưới triều Ðồng Khánh (1885-1888). Còn câu thơ này làm vào khoảng cuối triều Tự Ðức (1848-1883 ). Ðó là câu thơ của Nguyễn Tư Giản làm quan ở triều đình Huế tặng Nguyễn Thông làm Án sát tỉnh Khánh Hòa, dưới triều Nguyễn vẫn gọi là Khánh Hòa là Nha Trang thành:

Lưỡng ngạn lô hoa trường đáo hải

Tứ biên hoàng diệp tổng vi thu.

Nghĩa là:

Trắng ngập đôi bờ lau xuống biển

Vàng bay bốn mặt lá gieo thu.

Ðó là câu thơ của nhà chí sĩ Trần Quý Cáp đã làm năm 1905, lúc cùng hai bạn đồng chí là Huỳnh Thúc Kháng và Phan Chu Trinh đi cổ động cho phong trào Ðông du của chí sĩ Phan bội Châu ghé ngang qua Nha Trang. Trong câu thơ không có chữ Nha Trang nhưng câu “Lưỡng ngạn lô hoa trường đáo hải cho chúng ta biết đó là sông Nha Trang. Bởi “Lưỡng ngạn lô hoa” nghĩa là “hai bên bờ sông hao lau”, mà “sông lau” tức là sông Nha Trang. Câu đó cũng cho chúng ta thấy rằng mãi dến thừoi thực dân phong kiến Nha Trang vẫn còn đầy lau lách ở hai bên bờ.

Như thế thì hai chữ Nha Trang quả là tên con sông Cái đã có từ xưa. Rồi tên sông lấy đặt tên cho thành, rồi tên thành lấy đặt tên cho thành phố, rồi thành phố và sông đều mang chung một tên.

* *

*

Con sông Nha Trang đã đi vào lịch sử và đã vào văn chương, chẳng những văn chương chữ Hán mà cả văn chương chữ Việt. Xin cử một bài chữ Việt.

Sông Nha Trang,

Cát vàng sóng lục

Nhởn nhơ con cá đục

Lội dọc lội ngang...

Ðã nguyền cùng em giữ dạ đá vàng,

Sao anh nỡ ham tách cà phê đen, ly sữa bò trắng

phụ phàng nước non?!

Bớ anh ơi,

Nét bia Hòn Chữ chưa mòn.

Lưỡi gươm rửa hận hãy còn mài trăng.

Q.T

 

 

HÒN TRẠI THỦY TRƯỚC THỜI PHÁP THUỘC

QUÁCH GIAO

 

Hòn Trại Thủy là một thắng cảnh được du khách ưa đến thăm viếng nhất ở Khánh Hòa. Có nhiều bạn thắc mắc:

- Dù là thổ sơn thì cũng vẫn là núi, cớ sao lại lấy chữ “Thủy” là nước mà đặt tên?

Có người giải thích:

- Bởi vì trên núi có bồn chứa nước máy để phân phát cho thành phố Nha Trang.

Ðó là câu trả lời của những người “Không biết mà làm ra vẻ biết” cũng như bảo Nha Trang là do chữ “Nhà Trắng” mà ra. Sự thật không phải thế.

Hòn Thổ sơn nổi danh này, ngoài tên Trại Thủy còn có tên nữa là Hòn Xưởng, Hòn Kho. Ðại Nam Nhất Thống Chí chép là “Khố Sơn” (dịch Hòn Kho ra chữ Hán). Ðó là những tên thông dụng. Núi còn một tên nữa rất ít người biết là Hoàng Mai Sơn gọi tắt là Mai Sơn, gọi nôm na là Non Mai. Tên này có trước tên Trại Thủy, Hòn Xưởng, Hòn Kho... Tên của khách văn chương đặt cho núi, và vốn coi mặt mà đặt tên.

Hòn Trại Thủy trước thời thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam, là một hòn núi mọc toàn mai. Những khóm mai cổ thụ, cội cao tàn cả, mọc chen vào những tảng đá hoa cương to lớn. Mỗi lần xuân đến hoa mai nở vàng cả núi. Hết mùa hoa mai thì lá mai đậm và láng trùm lên núi một màu xanh lục lìa và anh ánh. Sáng đông lá mai rụng hết núi trở htành một hòn núi trọc màu xám in những nét đen nhạt của những cành khúc khuỷu, những cội u nần của những khóm mai già rắn rỏi... Cảnh sắc mùa nào cũng đẹp đẽ nên thơ.

Tên “Hoàng Mai Sơn” đã đẹp, núi lại còn một tên nữa cũng đẹp không thua “Ngọc Bức” tức laø “con dơi ngọc”. Mệnh danh như thế là vì đứng ở Nam, xa xa nhìn thấy núi giống hình một con dơi nằm sải cánh, đầu hướng về Nam và trên núi có những tảng đá hoa cương nhấp nháy ánh sáng.

Ðể vịnh Hoàng Mai Sơn người xưa có câu:

Hoàng Mai sơn hạ La Phù mộng,

Ngọc Bức danh trung Hiệp Phố tình.

Nghĩa là: Dưới núi Hoàng Mai chợp được giấc mộng La Phù; trong tiếng Ngọc Bức có ngậm chứa tình Hiệp Phố.

Núi ở mặt ngoài thật là thanh nhã, ngờ đâu ở bên trong lại có thể dụng binh.

Nhưng trước khi nói đến mặt quân sự của núi Hoàng Mai, tôi xin nói qua lịch sử của đất Khánh Hòa.

- Xưa kia Khánh Hòa là đất của Chiêm Thành gọi là Cù Huân (Kaut Hara). Cù Huân sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam khoảng đầu thế kỷ XVII, thời chúa Nguyễn, Cù Huân đổi thành dinh Bình Khang, sau đổi thành Bình Hòa. Dinh Bình Hòa chia làm hai phủ là phủ Diên Khánh và phủ Bình Hòa. Coi việc cai trị toàn dinh có quan Trấn Thủ. Dinh quan Trấn Thủ đóng tại Ninh Hòa gần sông (do đó sông Ninh Hòa mệnh danh là sông Dinh). Khoảng hậu bán thế kỷ thứ XVII, nhà Tây Sơn thắng chúa Nguyễn, dinh Bình Hòa thuộc về nhà Tây Sơn. Tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu vào trấn Bình Hòa, nhận thấy Ninh Hòa không thể dụng binh bèn dời dinh Tổng Trấn vào Diên Khánh, xây thành đắp lũy để chống với quân chúa Nguyễn ở mặt Nam, về đường bộ. Ðể chống giữ về mặt biển, Trần Quang Diệu lại cách một đạo thủy binh xuống trấn miền duyên hải. Xét thấy núi Hoàng Mai Sơn vị thế hiểm trở, bèn dùng làm căn cứ quân sự. Trên núi thì cất trại lính, dưới núi về mặt Bắc gần sông lại đóng xưởng cất thuyền, lại đóng kho chứa lương thực. Vì vậy núi mới có tên là Trại Thủy hay Hòn Xưởng, Hòn Kho. Cuối thế kỷ XVIII Nguyễn Ánh đánh lấy lại được Dinh Bình Hòa. Quan trấn thủ do Nguyễn Ánh bổ nhiệm là Nguyễn Văn Thành vẫn giữ những căn cứ quân sự của Trần Quang Diệu để chống quân Tây Sơn. Năm 1802 Nguyễn Ánh diệt được nhà Tây Sơn, nắm được toàn cõi Việt Nam, mới dẹp bỏ những căn cứ quân sự không cần thiết. Những trại xưởng, kho ở núi Hoàng Mai Sơn cũng bị phá hủy. Vật không còn, song danh không mất. Người địa phương vẫn gọi núi là Trại Thủy hoặc Hòn Xưởng, Hòn Kho.

Ðến năm 1885 kinh đô Huế bị thực dân Pháp đánh chiếm. Vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị xuống chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân Việt Nam đứng dậy chống thực dân Pháp. Nhân dân các tỉnh từ Huế trở ra và từ Huế trở vào đều ứng nghĩa CầnVương.

Nghĩa binh Khánh Hòa do Trịnh Phong lãnh đạo dùng Hòn Trại Thủy làm căn cứ chiến đấu. Pháp đổ bộ lên bãi biển Nha Trang bị nghĩa quân Trịnh Phong chặn đánh không thể tiến bước. Nhờ lòng dũng cảm của nghĩa binh và thế hiểm trở của Trại Thủy, Trịnh Phong dã chiến thắng quân xâm lăng nhiều trận. Nhưng rồi có người trong nghĩa quân làm phản, đem những bí mật quân sự cho địch biết, lại bày mưu cho địch để đánh nghĩa quân. Thực dân Pháp theo lời hướng dẫn của tên Việt gian phản quốc, dùng hỏa công đánh úp nghĩa binh. Ðể bảo toàn quân lực, Trịnh Phong theo đường bí mật rút quân ra khỏi Trại Thủy về giữ thành Diên Khánh. Quân Pháp. Quân Pháp dùng thuốc súng đốt rụi tất cả cây cối, lều trại trên hòn Trại Thủy và sau khi dẹp xong phong trào Cần Vương ở mọi nơi và đặt xong cơ quan cai trị ở Nha Trang, thực dân Pháp trổ con đường từ Nha Trang lên Diên Khánh, dùng những tảng đá trên hòn Trại Thủy đập nát ra để lót đường. Từ ấy hòn Trại Thủy trở thành một hòn núi đất trơ trụi. Chỉ sườn núi phía sau còn vài lớp dá và trên núi còn vài khóm mai còi làm di tích cho những gì của núi đá có từ nghìn xưa.

Vào khoảng 1943-1944 Ðại sư Giác Phong dời chùa Hải Ðức ở dưới đường Hai Chùa Nha Trang lên cất ở đầu phía Tây núi Trại Thủy. Và khoảng 1955-1960 Hội Phật Học Khánh Hòa xây Kim Thân Phật Tổ ở đầu núi phía Ðông. Sau đó những am, những cốc lần lượt xây cất và cây cối lần lần trồng ở khắp núi, làm cho hòn Trại Thủy mỗi ngày trở nên đẹp đẽ. Hiện nay núi đã trở thành một thắng cảnh nổi danh của Khánh Hòa.

Ðến viếng cảnh Trại Thủy mà biết được “lý lịch” của núi một cách khá tường tận thì cái thú tham quan tưởng cũng thêm nhiều hứng vị.

Q.G.

NT, 9 -1990

 

 

ÐẦM ÉN VÀ RỪNG MAI TUY MẤT NHƯNG VẪN CÒN

QUÁCH TẤN

 

Cụ cử Phan Bá Vĩ ở Nha Trang, thời tiền chiến có bài thơ “Nha Trang Xuân Cảm” mà cặp trạng rằng:

Ðầm én Xương Huân mây phủ tía

Rừng mai Phước Hải nắng đơm vàng

Và ca dao Khánh Hòa có câu:

Ðầm Xương Huân én tía

Rừng Phước Hải mai vàng

Lỡ duyên thiếp phải xa chàng

Xuân về có nhớ Nha Trang thời về.

Khách du lịch đến Khánh Hòa, sau khi xem hết thắng cảnh ở Nha Trang, mà nghe được hai câu thất ngôn và bài ca dao trên đây thì không khỏi thắc mắc:

“Ðầm én tía Xương Huân”, “Rừng mai vàng Phước Hải” nghe nói trong văn chương mà soa không thấy ở ngoài thực tế?

Xin thưa:

- Hai cảnh ấy ở giữa thành phố Nha Trang:

Ðầm Xương Huân nằm ở giữa phường Xương Huân và phường Vạn Thạnh rộng chừng vài ba mẫu tây, nước xà hai do sông và biển Nha Trang chảy vào. Chung quanh đầm, đều xây bờ đá và trồng cây có bóng mát, dưới gốc cây có đặt ghế đá để ngồi chơi. Nước đầm khi triều dâng thì chứa chan lai láng, những đêm có trăng, mặt đầm long lanh ánh sáng như một tấm gương vừa rửa xong.

Trên bờ đầm phía Nam có một ngọn đồi toàn đá hoa cương, hình thù phảng phất con voi trắng đứng uống nước, nên cổ nhân gọi là “Bạch tượng quyện hồ”. Trên đỉnh đồi có một ngọn miếu ngói thờ công thần của nhà Nguyễn gọi là miếu Sinh Trung. Thời Pháp thuộc, chân đồi bị đập phá để làm đường, hình bạch tượng không còn nữa. Từ ấy người địa phương không gọi đồi là đồi Bạch Tượng mà gọi là đồi Sinh Trung. Tuy cảnh “Bạch tượng quyện hồ” không còn nữa, nhưng đồi Sinh Trung vẫn làm tăng cảnh thú của đầm Xương Huân nhiều lắm.

Ðầm Xương Huân còn một đặc điểm nữa là có nhiều chim én tụ tập.

Nha Trang có hai thứ én: một thứ ở biển, một thứ ở trên cạn. Thứ ở biển gọi là én biển, gọi tắt là yến phần nhiều lông trắng và vàng.

Còn én ở trên cạn gọi là én đất lông đen nhánh như huyền, tục gọi là én tía.

Cứ mỗi lần xuân đến, én tía ở từ phương xa bay đến đầm Xương Huân đông vô số. Bay đến từ lúc mới tinh sương, lớp bay lượn trên không, lớp bay là là sát mặt đầm. Ðến khi mặt trời lên cao thì tản đi nơi khác. Chiều đến thì lại bay về đảo liệng trên đầm Xương Huân một vài vòng rồi tản ra từng tốp kéo nhau vào những lùm lách, lùm cậy mọc ở ven sông mà ngủ. Ngày nào cũng thế. Ðến mùa thu, khi mưa phùn gió bấc nổi lên thì lần lượt kéo nhau đi tìm nơi ấm ráo. Suốt cả mùa đông đầm không có bóng dáng một con én tía.

Khách phương xa đến vùng chợ Ðầm không mấy ai biết rằng nơi đây xưa có đầm sâu và có én tía.

Mai vàng Phước Hải:

Xưa kia bao trùm ngót mấy dặm từ Nha Trang đến Ðồng Bò, từ Mả Vòng đến gần bãi biển.

Cứ mỗi năm vào khoảng cuối tháng 11 đầu tháng chạp thì rừng mai rụng lá và đâm bông đến Tết thì hoa nở vàng rực cả một vùng rộng lớn.

Bên mé rừng có một ngọn đồi hình thù phảng phất giống một con rùa nằm trở đầu xuống biển. Trên đầu rùa có một ngôi tháp của một vị Hòa Thượng đến tu hành từ khi Nha Trang còn là một bãi cát mênh mông chỉ lưa thưa một đôi nóc nhà lụp xụp. Vì đồi hình thù giống rùa, trên đồi là cổ tháp và nằm cạnh rừng mai vàng, nên cổ nhân gọi đồi là “Kim quy đới tháp”. Thời Pháp thuộc, một con đường mở từ Nha Trang vào hướng Nam đã cắt đứt “cổ rùa”, thành ra đầu rùa nằm ở phía Ðông, mình nằm ở phía Tây. Sau đó ngôi nhà thờ của Cơ Ðốc giáo lại dựng lên trên mình Rùa. Thành ra cảnh tượng “Kim quy đới tháp” không còn nữa. Tên đồi đổi ra là núi “Một” hay núi “Nhà Thờ”.

Cũng như đồi Bạch Tượng đối đầu với đầm Xương Huân, đồi Kim Quy đã làm tăng phong vị cho rừng mai Phước Hải rất nhiều: Mỗi độ xuân về chúng ta lên đồi Kim Quy nhìn vào Nam thì chúng tacảm giác một bức gấm màu vàng trải trùm trên mặt đất.

Thời Pháp thuộc, rừng mai Phước Hải vẫn còn. Nhưng bắt đầu từ thập niên 1930 thì rừng mai bị phá dần để làm củi và lấy đất cất nhà. Qua giai đoạn 1955-1975 thì rừng mai bị tàn phá sạch và vùng Phước Hải trở thành một khu phố có đường rộng có nhà cửa khang trang. Hiện nay trong vườn hoặc bên rào của một đôi biệt thự vẫn còn sống sót một đôi gốc mai già.

Rừng “Mai vàng Phước Hải”, đầm “Én tía Xương Huân” nay tuy không còn trên mặt đất nhưng vẫn còn trong thi ca.

Người xưa có câu:

Cổ lai vô vật bất thành thổ

Chỉ hậu duy thi khả thắng kim.

Nghĩa là:

Xưa nay không có vật không tan ra thành đất

Chỉ thơ thắng được vàng sau khi mình nhắm mắt.

Những câu thơ, bài ca nói về rừng Phước Hải, đầm Xương Huân đã trở thành bất hủ trên đất Khánh Hòa, thì “Rừng mai - đầm én” vẫn còn mãi trong thi ca.

Q.T.

(Trầm Hương, số 1 - 1990)

 

 

 

NHA TRANG CÓ CỌP CÓ MA

QUÁCH TẤN

 

Nhân dân trong các tỉnh lân cận Khánh Hòa truyền tụng: “Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận” và trong tỉnh Khánh Hòa lại còn có câu: “Cọp Ổ Gà, Ma Ðồng Cháy” như thế chứng tỏ rằng Khánh Hòa có nhiều cọp cũng có nhiều ma, song ma không nhiều bằng cọp.

Chắc các bạn từ 60 tuổi trở xuống không tin vì hiện tượng ma không thấy đã đành mà cọp cũng không thấy đâu cả.

Không thấy không phải là không có. Muốn rõ sự thật xin các bạn thử đi một mình vào rừng sâu, bạn sẽ thấy cọp đông như “chợ trời” và ma nhiều như các ông các bà buôn lậu. Mà chả cần đi đâu cho xa, các bạn chỉ độc kỹ những văn thơ của Khánh Hòa, các bạn cũng sẽ nhận thấy câu “cọp Khánh Hòa...” và câu “Cọp Ổ Gà, ma Ðồng Cháy” là đúng sự thật, mà không phải chỉ Ổ Gà mới có cọp, Ðồng Cháy mới có ma. Cọp và ma ở ngay tại Nha Trang:

Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt

Phước Hải xuân về cọp thưởng mai.

Ðó là câu thơ của cụ Thuần Phu Trần Khắc Thành ở khóm Duy Hà, phường Xương Huân.

Tại Mả Vòng xưa kia có một ngôi mả vôi to lớn hình tròn nằm choán cả lối đi, khách bộ hành đi ngang qua đó đều phải đi vòng qua mộ - nên mới gọi là Mả Vòng. Truyền rằng nơi Mả Vòng có rất nhiều ma. Ðến lúc hoàng hôn ma thường hiện ra ngồi bên mả, đợi người đi qua thì “hớp hồn”. Do đó mà kẻ dừng lại phải cố gắng làm sao để qua khỏi Mả Vòng lúc mặt trời chưa lặn.

Sau khi Pháp đặt nền cai trị lên đất Khánh Hòa liền mở rộng con đường Diên Khánh - Nha Trang và dời mả ấy đi nơi khác. Tuy mả đã dời nhưng người đi đường vẫn còn sợ và ít người dám cất nhà ở chung quanh vùng này. Mãi đến năm 1930-1945 mới có phố xá nơi Mả Vòng.

Còn vùng Phước Hải xưa kia chỉ là một rừng mai vàng - mỗi bận xuân về mai nở trùm cả trăm mẫu đất. Từ khi Pháp chiếm Khánh Hòa rừng mai Phước Hải bị dân đốn làm củi nên ngày càng ít đi. Ðến thời hậu chiến (1945-1975) rừng mai bị phá chỉ còn năm mười gốc cằn cỗi. Khi rừng mai còn rậm, cọp ở núi Huỳnh Ngưu tức Ðồng Bò, thường xuống tìm mồi...

Hai câu thơ trên mượn cảnh thực để ngụ ý châm biếm nhân vật Nha Trang thời Pháp thuộc.

Còn một câu nữa cũng cho chúng ta thấy cọp Khánh Hòa ẩn núp trong rừng thơ:

Ðại Lãnh văn viên vô nguyệt hạ

Nha Trang xạ hổ loạn vân gian.

Nghĩa là:

Lắng vượn trăng mờ đêm Ðại Lãnh

Bắn hùm mây rối núi Nha Trang.

Ðó cũng là cảnh thực để gửi tâm sự. Tác giả là Nguyễn Tư Giản làm quan dưới triều Tự Ðức (1828-1883). Hai câu đó là cặp luận bài tặng biệt cụ Nguyễn Thông.

Cụ Nguyễn Thông là một chí sỹ đậu cử nhân, quán ở Gia Ðịnh. Khi miền Nam bị Pháp chiếm trọn 6 tỉnh (1867) cụ không chịu “đội trời chung cùng giặc” bèn đưa cả gia đình ra cư trú tại Bình Thuận, mở trường dạy học. Triều đình Huế biết cụ là một nhân tài bèn mời cụ ra làm quan. Ban đầu cụ làm Dinh điền sứ, lo việc triển khai khẩn đất hoang. Cụ hiểu rộng thấy xa, có tưt tiến bộ, nhiều khi trái ý triều đình. Cho nên đương ngồi Án sát Khánh Hòa thì bị triệu hồi về Huế khiển trách. Về Huế cụ lấy cớ già yếu xin về Bình Thuận làm ruộng. Triều thần là Nguyễn Tư Giản biết rõ khí tiết và tâm sự cụ, nên có bài tặng biệt “Ðại Lãnh.... Nha Trang”.

Thơ Khánh Hòa còn nhiều, chỉ xin đưa ra cặp có liên quan đến “ma” và “cọp” để mua vui cùng bạn đọc Trầm Hương. Và để cho thêm vui xin hiến các bạn mấy câu thơ về Nha Trang thời tiền chiến.

Nha Trang có cọp có ma

Có đầm én có rừng hoa mai vàng.

Q.T

(Trầm Hương, số tháng 7-1989)

 

 

MỘT THI XÃ BỊ BỎ QUÊN CỦA NHA TRANG.

QUÁCH TẤN

 

Các nhà nghiên cứu văn học ngày trước cũng như ngày nay, không mấy ai biết rằng ở Nha Trang có một thi xã đã góp phần không ít vào việc xây dựng nền văn học Việt Nam.

Ðó là Hoàng Mai thi xã.

Hoàng Mai là thi xã thành lập năm 1935. Sáng lập viên là ba nhân sĩ có uy danh ở Khánh Hòa: Nhà Nho Trần Khắc Thành ở phường Xương Huân, cụ cử Phan Bá Vỹ ở phường Phước Hải; cụ đề Ngô Văn Nhượng ở thôn Phú Ân Nam huyện Diên Khánh.

Thi xã mệnh danh Hoàng Mai vì Khánh Hòa có nhiều mai vàng: mai biển có, mai núi có, mai vườn có. Lại thêm ở Nha Trang có một rừng mai rộng mấy trăm mẫu, giăng trùm cả vùng Phước Hải và hòn Trại Thủy trước ngày thực dân Pháp chiếm cứ Nha Trang. Hòn Trại Thủy đầy mai cổ thụ nên có danh là Mai Sơn.

Thi xã lấy đặc điểm của địa phương để mệnh danh, chẳng những để tỏ lòng thương yêu kính trọng quê hương mà còn để nêu cao “văn thái phong lưu” của thi xã.

Thi xã ra đời với một bài thơ luật:

Nghiệp cũ Hoàng Mai kể Bạch Liên

Phong tao mong giữ nếp chân truyền

Vàng trau ánh mộng đơm ngòi thép

Ngọc ấm tình xuân đúc phẩm tiên

Châu thắm xạ thơm hồn Lạc Việt

Trúc nhuần tơ nhuyễn giọng Hàn Thuyên

Hỡi người đây gấm sang Nam Hải

Qua gác Ðằng Vương hãy ghé thuyền.

Bài thơ hàm súc, vừa thích thực được bốn chữ Hoàng Mai thi xã, vừa nói lên được mục đíchtôn chỉ cùng chủ trương đường lối phải theo.

Thi xã lập ra không có tham vọng đào tạo nhân tài. Ba cụ Phan, Trần, Ngô noi gương người đời Tống lập Bạch Liên thi xã mà lập Hoàng Mai Thi Xã chỉ nhằm mục đích cùng bạn đồng thanh đồng khí xa gần, giữ vững truyền thống đẹp đẻ của cha ông để lại trên nền văn học Việt Nam.

Thi xã chủ trương lấy ôn, nhu, chân, hậu làm cốt, lấy thanh nhã tự nhiên làm cách, lấy chữ Quốc ngữ làm chữ chính, thể Ðường luật là thể chính.

Những người muốn gia nhập thi xã, trước hết phải thông thạo phép làm thơ, sau nữa là phải có tư cách, không thiếu lễ, nghĩa, liêm sĩ. Người tài cao học rộng mà tác phong kém, đạo đức thiếu vẫn không được thi xã kết nạp. Do đó xã viên không quá hai mươi người và phần nhiều là người từ bốn mươi tuổi trở lên, tân học có, cựu học có. Trụ sở đóng tại nhà cụ cử Phan Bá Vỹ (hiện nay ở số 24 Lý Tự Trọng, Nha Trang).

Thi xã mỗi tháng họp một lần vào sáng chủ nhật đầu tháng. Họp để cùng nhau giảng cứu về thi pháp, hoặc phê bình những áng văn chương có danh cổ kim trong nước, ngoài nước hoặc đề ra thơ cho xã viên sáng tác, hoặc chấm những bài thơ của xã viên trình chính...

Lúc bấy giờ Thơ Mới nổi dậy từ Nam chí Bắc, công kích thơ Ðường luật kịch liệt, gây một phong trào rầm rộ. Phong trào khởi đầu từ năm 1932 và chấm dứt năm 1941. năm 1935, năm Hoàng Mai thi xã ra đời, là năm phong trào Thơ Mới lên cao tột độ. Những anh em trong Hoàng Mai thi xã không chút nao núng. Anh em cũng không tìm cách hoặc tỏ thái độ chống đối phong trào. Dưới sự lãnh đạo của ba vị tiền bối Trần, Phan, Ngô, anh em ung dung sáng tác theo chủ trương đường hướng của thi xã mình.

Ðồng thời cùng Hoàng Mai thi xã, ở Huế có Hương Bình thi xã do cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm “Tao đàn nguyên soái”, ở Phan Thiết có Liên Thành thi xã do cụ Phú Khê Ðoàn Tá đóng vai “chủ nhân ông”. Hai thi xã này liên hệ mật thiết cùng thi xã Nha Trang, thường có thơ từ trao đổi ý kiến, quan điểmxướng họa với nhau.

Thơ của Hoàng Mai cũng như thơ của Hương Bình, Liên Thành không đăng lên báo chí, không in thành sách, mà chỉ đánh máy hay in ronéo phổ biến trong nội bộ. Tuy vậy những bạn yêu thơ ở ngoài thi xã vẫn được tân hưởng những vần giai tác như:

Ân đâu phải trả nợ bằng tơ

Vô dụng đành mang tiếng sống thừa

Việc cả muốn làm không đủ sức

Lòng buồn mong tả chẳng nên thơ

Chuyện trò với một bầy con trẻ

Bè bạn còn vài bộ sách xưa

Miễn giữ trọn niềm ngay với thảo

Mặc tình ai ghét mặc ai thưa.

Ðó là bài “Thư hoài”(9) của cụ Ngô văn Nhượng. Lời thơ thanh lão, ý thơ thuần hậu. Tác giả đã theo đúng chủ trương của thi xã. Anh em trong thi xã phần đông dùng làm mẫu để theo.

Thơ của cụ. Phan Bá Vĩ cũng theo đúng đường hướng của thi xã. Bài “Nha thành xuân cảm” sau đây cũng rất được bạn trong và ngoài thi xã hoan nghênh.

Bốn mươi xuân lẻ tết Nha Trang

Xuân mới tình xuân vẫn cũ càng

Ðầm én Xương Huân mây phủ tía

Rừng mai Phước Hải nắng đơm vàng

Nghề quen bút sắt dù chăm chút

Nghĩa thắm ngòi lông dám phụ phàng

Ngoảnh lại thành sen cây lớp lớp

Hoa lan thầm trổ tóc Phan lang.

Văn chương trang nhã. Muốn thưởng thức trọn cái hay của thơ tưởng cũng nên biết qua thân thế tác giả. Cụ Phan sanh quán ở Phan Thiết, đậu cử nhân nhưng không làm quan với Nam Triều mà làm ký lục tòa sứ Pháp. Cụ làm việc ở tòa sứ Nha Trang trên 40 năm, tạo lập cơ nghiệp ở Nha Trang và trở thành nhân sĩ Khánh Hòa chính thức.

Cặp luận tả rõ thân phận, chuyển kết nói lên lòng không quên cố hương là Liên Thành (thành sơn) tức Phan Thiết.

Toàn thể thơ cụ Phan cũng như thơ cụ Ngô đều nghiêm chỉnh. Trái lại thơ của nhà nho Trần Khắc Thành thường là thơ châm phúng. Xin đan cử một luật:

VỊNH GÀ QUÈ

Thôi rồi ai ném hoặc ai quăng

Chẳng lẽ gà sanh cẳng rửa răng?

Năm đức đã đành trời sở phú

Hai chân còn giận đất không bằng

Cối xay đã thạo nghề ăn quẩn

Tiếng gáy đừng đeo thói ghét xằng

Nghĩ kỹ cũng mừng cho đó chút

Ra trường chiến đấu bớt hung hăng.

Ý thông thường nhưng khéo sẻ dụng thành tạo thành những tứ mới lạ, làm cho bài thơ có một phong cách đặc biệt chưa từng thấy trong số thơ truyền tụng xưa nay, nhất là cặp trạng và cặp luận. Cặp trạng thích thực “gà què” như thế là độc đáo. Cặp luận dùng phương ngôn ngữ để triển khai ý “gà què” như thế là tài tình. Không phải tay lão luyện, học rộng biết nhiều thì khó sáng tạo nên những vần thơ hay như thế.

Trong Hoàng Mai thi xã có ba nhà lãnh đạo có thi tài thi tâm như vậy thì tất nhiên các xã viên học được nhiều cái hay cái đẹp trong việc lập ý, cấu tứ, tu từ và sáng tác giai phẩm. Nếu chúng ta ra công sưu tầm, thế nào cũng phát hiện được nhiều giai chương lệ cú.

Q.T

Nha Trang, mùa hạ năm Kỷ Tỵ (1989)

 

 

ÐÔI VẦN CA XƯA CỦA KHÁNH HÒA

QUÁCH TẤN

 

Ca dao Huế có câu:

Chợ Ðông Ba đưa ra ngoài dại

Cầu Trường Tiền đúc lại xi moong

Hỡi người lỡ hội chồng con

Vào đây tính cuộc vuông tròn với nhau.

Khánh Hòa có câu:

Thơm Vạn Giả ngọt đà quá ngọt

Mía Phú Ân cái đọt cũng ngon

Hỡi người chưa vợ chưa con

Vào đây chung gánh nước non với mình.

Quản bao lên thác xuống ghềnh

Mía ngon thơm ngọt đượm tình nước non.

Bài ca Huế và bài của Khánh Hòa trùng nhua ở câu 3. câu này chỉ khác nhau chút ít thôi. Một bên thì “lỡ hội chồng con”, một bên thì “chưa vợ chưa con”.

Khác chút ít là khác bên ngoài chớ bên trong thì khác nhau xa.

Bài trên ra đời Thành Thái Duy Tân, trong khoảng 1889-1916. tác giả phải là một chí sĩ mượn lời người đàn bà để kêu gọi các bạn đồng chí đến với mình để mưu đồ đại sự. Các bạn đồng chí đó là những chiến sĩ tướng nghĩa Cần Vương thời Hàm Nghi (1885-1887) còn sống sót.

Cầu Trường Tiền xưa bằng gỗ thường bị lụt phá hư, nên đến đời Thành Thái mới bắc lại bằng sắt. Cầu sắt vẫn không chống nỗi sức lụt nên phải đúc lại bằng xi măng cốt sắt. Tác giả mượn cầu để nói lóng rằng: “Cuộc chống Pháp trước, vì tổ chức chưa chặt chẽ vững vàng nên bị thất bại, chớ nay đã củng cố nghiêm túc rồi thì nhất định đại sự sẽ thành công.

Bài Khánh Hòa mới xuất hiện khoảng 1942-1945, lúc Nhật đã đóng quân ở Nha Trang, trên lưng nhân dân Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng phải chịu hai gánh nặng xâu thuế, một nửa thực dân Pháp, một của phát xít Nhật. Ở Khánh Hòa lúc bấy giờ có một nhóm trí thực vận động tổ chức một mặt trận cứu nước. Bài kia là một bài kêu gọi đồng chí vì phải chống đến hai kể thù nên chiến sĩ phải là người “chưa vợ, chưa con” tức là chưa hề có liên hệ gì đến Pháp, Nhật.

Mục đích kêu gọi của hai bài là một: “Chống xâm lăng cứu nước” nhưng đối tượng kêu gọi khác nhau, một bên là người cũ, một bên là người hoàn toàn mới.

Nếu không rõ bối cảnh lịch sử thì không thấy chỗ “úp mở” trong hai bài ca dao.

Nhân tiện cũng xin nói thêm:

“Tổ chức chống xâm lăng ở Khánh Hòa đã thành hình, nhưng người được cử làm “Tổ trưởng” lại manh tâm theo Nhật. Một số “tổ tiên” thấy rõ nguy cơ liền rút lui khỏi tổ chức. Ðể lại cho tên tổ trưởng một bài ca.

Sông Nha Trang cát vàng nước lục,

Thảnh thơi con cá đục

Lội dọc lội ngang

Ðã thề cùng em giữ dạ đá vàng.

Quý chi tách cà phê đen ly sữa bò trắng

Anh nỡ phụ phàng nước non!

Nét bia hòn Chữ chưa mòn

Lưỡi gươm tiết hận hãy còn mài trăng

Trong khi vận động tổ chức cũng có lắm bài ca, sau đó trở thành ca dao:

Anh đứng Hòn Chồng

Trông ra Hòn Én

Trở về Tháp Bà

Về lại Sinh Trung

Non xanh nước biếc trập trùng

Biết bao liệt nữ anh hùng em ơi!

Em hãy nhận lời

Cùng anh kết ngãi

Ðầu nguồn cuối bãi

Ta hãy nương nhau

Sông Cù nước mãi còn sâu

Công linh chẳng trước thì sau cũng thành.

Ở Phú Khánh, thời Pháp thuộc sản xuất nhiều thơ ca yêu nước. Trên đây mới dẫn đôi bài ở Khánh Hòa, mong được gọp thêm vào tập thơ ca Phú Khánh.

QT

(Trầm Hương, tháng 3-1989)

 

 

 

TẾT NÓI CHUYỆN TRẦM HƯƠNG

QUÁCH TẤN

 

Ngày Tết ngoài nhang thẻ, nhang bó, nhang vòng, những nhà khá giả còn thắp trầm hương.

Trầm hương là khí anh tú tụ vào cây gió sống lâu năm nơi non cao rừng rậm.

Khí anh tú kết tinh trong cây gió, gọi chung là trầm hương nhưng sự thật có hai thứ là Trầm và Kỳ.

Trầm tức là trầm hương, kỳ tức là kỳ nam. Kỳ do cây “gió bầu” sanh ra, trầm do “gió lưỡi trâu”, “gió cam” sanh ra. Ðó là theo lời của người nhà nghề chớ thật sự thì kỳ là thứ trầm có nhiều dầu, còn trầm là thứ kỳ có ít dầu. Trong những cây gió có trầm thỉnh thoảng vẫn có kỳ, và trong những cây gió có kỳ thì trầm luôn luôn bao chung quanh hoặc ở bên cạnh. Thường thường kỳ ít có, và khi có cũng có ít hơn trầm.

Kỳ và trầm phân biệt nhau ở hình chất và khí vị.

- Trầm chất cứng và nặng, màu hơi vàng, vị đắng. Kỳ nhẹ và mềm, màu đen, vị lại đủ cay chua ngọt đắng.

- Trầm mùi ngát, kỳ mùi thanh. Khói trầm bay vòng quanh rồi tan ra, khói kỳ bay thẳng và bay vút.

Ðược tánh đôi bên cũng có chỗ khác nhau.

- Trầm dùng giáng khí, tức là đem khí hạ xuống.

- Kỳ dùng trị các chứng phong đàm, mài với nước mà uống, hay đốt xông vào lỗ mũi. Trị các chứng đau bụng cũng rất hay, chỉ ngậm trong miệng cho tiêu rồi nuốt. Nhiều khi hiệu nghiệm như thần. Trầm và kỳ còn đuổi được tà khí độc, khí ô uế. Trầm thì đốt lên, kỳ chỉ đeo vào mình cũng đủ.

Nhưng đàn bà chửa rất kỵ kỳ nam, không nên cho uống hoặc mang theo trong người, nếu không kiêng có khi bị sẩy thai. Còn trầm thì vô hại.

- Kỳ có 4 thứ: Giá trị phân định rõ ràng trong câu ngạn ngữ “nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”.

- Bạch kỳ nam sắc trắng, chất mềm và rất nhiều dầu.

- Thanh kỳ nam, màu hơi xanh, nhiều dầu thì mềm, ít dầu thì cứng.

- Huỳnh kỳ nam, màu vàng như sáp ong, chất cứng và nặng, để lâu khô dầu trở nên nhẹ.

- Hắc kỳ nam, mùa đen chất cứng. Nhưng chỗ nhiều dầu lại mềm như bạch kỳ nam. Kỳ nam thường dùng làm thuốc, giá rất đắt.

Trầm hương ít dùng làm thuốc, thường dùng để dốt trong những buổi cúng tế, trong những ngày lễ lạc, trong những ngày yến tiệc nơi đài các phong lưu, gí trị thua kỳ nam, nhưng được thông dụng hơn nhiều.

Trầm chia làm 4 loại:

- Trầm mắt kiến, có lổ có hang do kiến đục làm tổ trước khi cây thành trầm.

- Trầm rễ do rễ cây sanh ra.

- Trầm mắt tử kết tạo trên nhánh cây.

- Trầm tốc ở nơi thân cây.

Trầm tốc có nhiều nhất và trên thị trường chia ra làm nhiều thứ giá bán khác nhau.

- Tốc hoa màu vàng lạt, có những chấm lốm đốm như hoa.

- Tốc nước, màu vàng lợt, chất ươn ướt và nặng.

- Tốc xám, màu xam xám như tro.

- Tốc lọ nghẹ, màu đen đen như bồ hóng.

- Tốc đá, nặng và trông hình sắc như đá.

- Tốc ớt, sắc vàng lợt, vị cay như ớt xiêm.

- Tốc hương, sắc vàng lợt, hương đượm, thường bao chung quanh kỳ nam, cho nên có nhiều điểm, nhiều gân kỳ nam lẫn vào. Nếu dầu nhiều thêm thì tốc ký trở thành kỳ.

Trầm hương và kỳ ở Trung Việt núi nào cũng có. nhưng có nhiều nhất là núi Khánh Hòa. Cho nên ca dao có câu:

Khánh Hòa là xứ trầm hương

Non cao biển rộng người thương đi về.

Ở Khánh Hòa nơi nổi tiếng nhất về trầm hương là Vạn Giả.

Cây quế thiên thai mộc ngoài hang đá

Trầm hương Vạn Giả ngát cả sơn lâm

Anh với em như quế với trầm

Trời xui đất khiến sắt cầm giao duyên.

Tràm là lâm sản quý nhất ở Khánh Hòa. Ðối với trầm Khánh Hòa lại có một thứ hải sản cũng quý như trầm dó là yến sào. Hai thứ sản vật quý giá này thường đi đối với nhau.

Khánh Hòa biển rộng non cao

Trầm hương Vạn Giả - yến sào Nha Trang.

Chẳng những đi đôi với nhau, trầm hương và yến sào lại quấn quýt với nhau tạo cho người Khánh Hòa một tinh thần thanh cao, một tấm lòng chung thủy.

Yến sào thấm vị trầm hương

Dù mưa dù nắng tình thương vẫn nồng

Nghĩa nhân duyên với núi sông

Ðá mòn nước cạn giải đồng không nao.

Có dịp sẽ nói kỹ về yến sào. Ở Khánh Hòa dù là nơi sản xuất nhiều yến sào nhưng ít nhà dùng yến sào để ăn Tết. Còn trầm hương thì không nhà nào, lúc giao thừa hay sáng mùng một mà không có một lư trầm tỏa hương nơi bàn thờ tổ tiên, nơi bàn thờ Phật thánh.

Cho nên các cụ ngày xưa thường bảo con cháu:

Xuân về thắm đủ trăm hoa

Mùi trầm hương thiếu vẫn là chưa xuân.

 

 

IV. PHÊ BÌNH CUỐN XỨ TRẦM HƯƠNG.

 

TÔI ÐỌC “ÐÔI NÉT VỀ TỈNH KHÁNH HÒA CỦA QUÁCH TẤN”

 

“Ðôi nét về tỉnh Khánh Hòa của Quách Tấn” tuy chỉ là “đôi nét” nhưng đủ cả lịch sử, địa lý, thắng cảnh, cổ tích của Khánh Hòa.

Ngoan ngoãn đi theo Quách Tấn để xem các thắng cảnh của Khánh Hòa, để gặp tiên, dù rằng:

Người tiên cỡi hạc đi không lại,

Non đưa vắng vẻ cảnh am tiên.

Rồi hãy đứng bên am tiên mà ngậm đắng với “đôi khóm mã tiền”. Nhưng Tiên, Phật, Ma và Cọp thuộc về những mẫu chuyện huyền ảorùng rợn. Xin hãy dừng nói dến ở đây. Ta chỉ đi theo con người. Con người vừa thực vừa hư nhưng gần với chúng ta. Con người sống bằng xương bằng thịt, bằng tâm tình, bằng ý chí. Ta phải sống vậy! Ta theo chân Quách Tấn để nghe người dân Khánh Hòa bày tỏ tâm tình cùng những bâng khuâng bên trong cũng như những dáng điệuthái độ bên ngoài:

Anh bước chân lên Ðèo Cả,

Trông sang Vạn Giả,

Ngó lại Tu Bông...

Biết lòng cha mẹ đành không,

Anh chờ em đợi uổng công hai đàng.

Hết lên đèo cùng chàng trai Khánh Hòa đương bâng khuâng về tương lai của một cuộc tình duyên mới bắt đầu, ta lại theo chàng nhìn trăng nước trong một đêm mới bắt đầu, ta lại theo chàng nhìn trăng nước trong một đêm thơ mộng để nghe chàng than thở nỗi cách ngăn giữa hai tấm lòng đương xao xuyến niềm ái ân:

Anh đứng Nha Trang

Trông sang Xóm Bóng

Ánh trăng lờ mờ, gợn sóng lăn tăn;

Gần em chưa kịp nói năng,

Bây giờ sông cách biển ngăn ngại ngùng!

Thắng cảnh, lương thời đều có đây mà thiếu lạc sự cho nên thưởng tâm của chàng Khánh Hòa có tâm hồn thi nhân ấy biến thành mối lo âu, khiến chàng ngại ngùng vì nỗi cách ngăn. Tuy nhiên, chàng không hoàn toàn thất vọng về cuộc tình duyên mà chàng đương deo đuổi: Chàng biết tự an ủi và biết sống bằng hy vọng. Chàng biết quan niệm ai tình một cách uyển chuyển, theo lối của :laton:

... Ngoài còn Vạn Giả,

Trong còn Cam Lâm,

Vẫn còn tdrăng ngọc gió trầm,

Nghìn thu nghĩa nặng tình thâm mãi còn.

Xem đấy thì, trong lúc theo chân Quách Tấn ngoạn cảnh Khánh Hòa, “chúng ta cũng nhận thấy được phần nào cái tâm hồn của người Khánh Hòa và lòng người tỉnh khác đến trú ngụ tại Khánh Hòa” trong đó Quách Tấn là một.

Trở lên là một vài nét về địa lý nhân văn. Chưa kể một số thắng cảnh nho nhỏ, xinh xinh, xa xôi, khuất nẻo. Ngoài một số những địa danh có vẻ mộc mạc, cũ kỹ gần như man rợ: Hòn Hèo, Tu Hoa, ta ghe thấy những tên xinh đẹp, cổ kính và nên thơ Suối Ngổ, Ba Hồ, Suối Tiên... mà hiện nay du khách còn ngại “phiêu lưu”, chưa tìm đến để tận hưởng cái thú nhàn tịch của chốn lâm tuyền. Phần nhiều các thắng cảnh ấy đều liên hệ đến một chuyện cổ tích, thần tiên hay trần tục mang một sắc thái địa phương đặc biệt. Ðọc đến các đoạn văn nhu nhàng và gợi hứng ấy, chúng ta tưởng thấy mình như chàng ngư phủ kia đang vào nẻo nguồn Ðào, hoặc như chàng Lưu Nguyễn đương thơ thẩn trên lối Thiên Thai... Du khách tương lai trong tỉnh Khánh Hòa hãy tạm du hành trong cảnh mộng ấy cho đến ngày “rẽ mây trông rõ lối vào Thiên Thai”. Mộng còn hơn thực!

Tuy nhiên, muốn viếng thăm cảnh thực thì ta trở lại theo chân Quách Tấn mà làm bạn với người dân Khánh Hòa hòa mình với cuộc sinh hoạt hiện tại của họ, chia xẻ những lạc thú cũng như những bi thương của họ. Thật vậy, cảnh thực dù cay đắng đến đâu cũng thấy “ngon ngọt” Nếu con người đừng sống xa con người; nhất là con người biết sống siêng năng, sản xuất không ngừng; con người biết rõ cái giá trị những sản phẩm do chính bàn tay mình làm ra hay do Tạo Hóa đã cống hiến cho mình và con người biết quý cái hạnh phúc ở bên cạnh một người bạn đời đằm thắm, tình tứ và thủy chung. Dù ở địa phương nào, nếu con người chịu khó công tác, biết lợi dụng sẳn vật thiên nhiên, biết trọng tình thân ái, nghĩa là biết làm lụng và yêu mến như người dân Khánh Hòa, thì con người và đất đai cứ trường tồn, mà cảnh tình có cay đắng cũng trở nên ngọt bùi. Thật vậy, ta hãy nghe người dân Khánh Hòa tỏ lòng một cách hiểu biết và khả ai những gì thuộc về đời sống của họ.

Yến sào Hòn Nội,

Vịt lội Ninh Hòa

Tôm hùm Bình Ba

Nai khô Diên Khánh,

Cá tràu Võ Cạnh,

Sò huyết Thủy Triều,

Ðời anh cay đắng đã nhiều,

Về đây ngọt sớm ngon chiều với em.

Bao nhiêu sơn hào hải vị của Khánh Hòa, người dân Khánh Hòa đều biết rõ với một tấm lòng quý mến tha thiết.

Hơn nữa cá thứ thổ sản ấy lại được gia vị bằng một thứ tình ái mộc mạc mà đậm đà, thì đời sống của con người, sắc thái của cảnh thực lại càng hòa hợp thành một mùi vị tinh tếthâm thúy biết bao!

QUÁCH TẤN ơi, “Vài nét về Khánh Hòa” tuy đơn sơ mà gợi hứng khá nhiều. Vì thế, trên kia tôi nhân hứng mà đòi hỏi thêm một bức họa đồ của tỉnh ấy. Trong lúc đọc tôi nhớ đến một số văn nhântriết gia Pháp đã văn chương hóa một số tác phẩm khoa học của họ như Fuffon đã viết Vạn Vật Học, Diderot viết về bệnh mù, Michelet viếtg sử, Rousseau về thực vật học, Taine viết văn với nhiều thú vị về những bài có tính cách địa lý... Và vì thế tôi mong ước chúng ta có những tập Toming Clul Victuam.

“Vài nét về tỉnh Khánh Hòa” đượm nhuần mùi vị thi ca của đất nước. Nó rung động tâm hồn sầu xứ của người ly hương dù anh và tôi không phải sinh trưởng ở Khánh Hòa. Nhưng Khánh Hòa là một phần của Tổ quốc cả. Người lữ hành ở ngoại quốc, giữa trưa hè nghe tiếng ve ngâm, nửa đêm nghe tiếng trẻ con khóc hay tiếng gà gáy xa xa,thì tưởng như mình đang đi hay dang nằm trên đất tổ. Vì lẽ các thanh âm áy là thanh âm chung của nhân loại, nó quen thuộc với các giống người, cho nên nó gợi lòng nhớ quê của người lưu lạc, nó làm sống động trong tâm hồn chúng ta những kỷ niệm êm ái, những hình ảnh thânyêu của thời thơ ấu, cái thời mà vũ trụ của ta ở trong phạm vi ruộng vườn...

Huống hồ rừng núi, sông biển, cây cỏ, chim muôn, nhân dân và vật sản của Khánh Hòa liên hệ mật thiết với chúng ta: qua văn thơ ta phải thấy tâm hồn ta được ràng buộc với quê hương bằng một sợi dây vô hình, thân mật, thiêng liêng và bền dẻo biết bao.

PHAN NGỌC CHÂU

(Trích báo Tự Do số 1902, 1908, ngày 17-4, 21-7-1963)

 

 

 

QUÁCH TẤN

VÀ BUỔI CHIỀU VÀNG CỦA ÐÔNG PHƯƠNG

 

Chớp mắt ngàn thu quạnh

Về đâu chiếc lá bay?

QT..

 

Hồi chiều tôi vừa ghé thăm thi sĩ Quách Tấn. Trên đường trở về, nhìn nắng xế qua thành phố, nhìn cảnh sinh hoạt buồn tẻ của một thị xã ven bờ biển miền Trung, một ngày sắp qua. Ðiều này khiến tôi ưu phiền về Quách Tấn. Nghĩ đến tuổi già của ông, rồi nghĩ về cõi thơ cô tịch của ông mà lòng thấy ngậm ngùi. Tôi chợt nhớ lại hai câu thơ của Lý Thương Ẩn, hai câu thơ nói đến cuộc đời xế bóng:

Tịch dương vô hạn hảo

Chỉ thị cận hoàng hôn.

Mà Quách Tấn đã dịch trong Xứ Trầm Hương của ông như thế này:

Tịch dương cảnh đẹp vô ngần

Riêng thương chiếc bóng đã gần hoàng hôn.

Tôi tin chắc là khi dịch hai câu thơ trên Quách Tấn không nhiều thì ít đã ký thác tâm sự của mình vào trong đó, vì tôi biết năm nay ông đã 67 tuổi, tuổi của mùa đông cuộc đời.

Dường như, nơi con người của ông, tôi luôn luôn bắt gặp một quê hương xa xôi nào đó nằm sâu trong tiềm thức ông: Những đền đài xưa cũ, những ngồi chùa u tịch trong rừng sâu, những chuyện nghìn lẻ một đêm thời đại xanh mộng thuở ban đầu - Những điều này, Quách Tấn luôn luôn say sưa yêu mến kể lể trong hầu hết những tác phẩm của ông, như bức thông điệp mà ông muốn trao đến cho thời đại đau thương này.

Trước nhà ông có cây mận dù đã già nhưng vẫn xanh tươi hầu như suốt bốn mùa. Sau một thời gian đi xa, khi tôi trở lại thăm ông thì thấy mận đã mất. Tôi ngạc nhiên, chỉ ngạc nhiên mà không dám hỏi lý do vì tôi ngại gợi đến nỗi buồn cho ông. Tôi tự hỏi không biết cây mận bị ai đốn rồi thì hằng ngày ông tri âm với ai?- điều này chẳng có gì là lạ, vì ai đã từng đọc thơ ông thì thấy cây mận này đã buộc chặt vào đời ông như hình với bóng. Cây mận đã trở thành nhân chứng cho bao nhiêu là dâu bể xảy ra trong đời sống văn chương của ông. Chính dưới gốc mận này, những thi sĩ nổi danh của Việt Nam từ tiền chiến đã từng họp mặt như: Tản Ðà, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê... và điều cảm động nhất mà tôi được biét là thi sĩ Tản Ðà đã từng ở lại ngôi nhà này trong mấy hôm và đã ngồi tư lự nhiều giờ dưới gốc mận này. Sau hết là điều quan trọng mà tôi nghĩ đến cây mận, mà chính cây mận này là nơi gợi hứng vô tận cho những vần thơ của ông. Cây mận đã trở thành một tiểu vũ trụ riêng tư của ông. Ở đó, ông trốn gió, trốn mưa, trốn những cơn bão của tâm hồn, và những tiếng động ồn ào huyên náo nhất của thời đại cơ giới.

Ðọc Quách Tấn là tìm lại tiếng đập rộn ràng của trái tim vũ trụ: ở đó thiên nhiên phơi mở. Nhất là giữa thời đại cơ giới này, chúng ta đã đánh mất chúng ta. Chúng ta đánh mất bằng những tiện nghi dễ dãi nhất, trong cái sinh hoạt của một ngày ta luôn luôn bận rộn, hai buổi ở công sở. Buổi chiều trở về nhà có nhật báo, có máy phát thanh. Tối đến có ti vi. Sống như vậy ta cứ nghĩ là sẽ chạy trốn được nỗi cô đơn, trốn được cái hoang lạnh của kiếp người. Nhưng không, càng chạy trốn bao nhiêu thì nỗi trống rỗng càng bám chặt ta bấy nhiêu. Bởi vì trái tim đã mất, và đời sống càng ngày càng cách ly với thiên nhiên.

Vì vậy, Quách Tấn đem trả lại cho ta sự quay tròn theo thời tiết điệu đời trời đất: sáng, trưa, chiều, tối. Rồi đến mùa: xuân, hạ, thu đông.

Ðọc Quách Tấn ta tìm lại thời gian thực sự, nhưng thế nào là thời gian thực sự? Thời gian thực sự là thời gian không do trí óc con người bịa đặt ra, nó không được xác định bởi bất cứ cái gì của con người. Thời gian của con ngườithời gian của tấm lịch, của đồng hồ trên tay, hay trên vách tường. Ta đã bon chen, lo lắng theo tiếng reo của đồng hồ, ta phải bon chen cho kịp đến công sở vì sợ trễ giờ, bởi vậy mà ta hốc hác, đau khổ. Còn thời gian thực sự thì không như thế, mà là thời gian theo thiên nhiên của vũ trụ.

Vào những thời đại xa xưa, thì thời gian đối với họ là buổi sáng nhìn triêu dương, buổi chiều nhìn tịch dương, đêm đến nhìn sao lấm tấm trên trời cao. Ngày rằm đến bằng mặt trăng tròn, và ngày rằm đi khi mặt trăng khuyết.

Mùa xuân được báo hiệu bằng đóa hoa đào, mùa hè đến bằng hoa phượng và mùa thu bằng hoa cúc hay những cây hòe trổ bông làm vàng rực cả đồi cao. Nhất là khí trời lành lạnh vào những chiều có gió heo may:

Nắng chiều thu trở lạnh

Buồn vương ngọn heo may.

Mùa đông đến âm thầm bằng những bước chân người nông phu dắt trâu ra đổng, và những con chim ngơ ngác bay tìm về tổ cũ để trốn tránh gió mưa:

Lá vàng buông gió lạnh

Trơ trọi nhánh thầu đâu

Bay về thăm tổ cũ

Ngơ ngác lòng chim sâu.

...

Nhớ thương tràn gió lạnh

Làng cũ bóng mây trôi.

Ðọc hai câu thơ này khiến tôi nhớ quê hương da diết. Quê hương ở đây không nhất địnhtỉnh táo hay miền nào, mà là quê hương mơ hồ trong tiềm thức. Ðã từ lâu rồi, trên những nẻo đường lênh đênh, ta đã vô tình đánh mất, như ta đã đánh mất tuổi thơ. Rồi một chiều nào đó đi ngang qua một làng quê, ta chợt nghe tiếng sáo mục đồng:

Lặng lẽ nằm nghe sóa mục đồng.

(Ðọng Bóng Chiều, tr, 42)

rồi nhớ lại vườn cau sau nhà:

Vườn xưa muôn cách trở

Phảng phất mùi hoa cau.

Nhớ tiếng cu cườm vào những trưa hè trong lũy tre xanh, nhớ đồng lúa thơm, nhớ ngọn gió nồm:

Sóng gợn đồng lúa thơm

Hương theo ngọn gió nồm

Qua hàng tre nắng nhuộm

Dòn dã tiếng cu cườm.

(Sđd, tr. 32)

Và rồi trong một đêm cô tịch nào đó, sau khi mọi hoạt động của con người đã bị dừng lại - giờ phút yên lặng nhất đã đến, từ xa vọng lại tiếng chuông chùa:

Mây nước nhiễm phong trần

Nơi đâu tình cố nhân

Những đêm buồn tỉnh giấc

Chùa cũ tiếng chuông ngân.

(Sđd tr.7)

Có lẽ đã từ lâu rồi, trên những nẻo đường xuôi ngược, thi sĩ đã không còn nghe được tiếng chuông của ngôi chùa cổ thuở nào - rồi đêm nay bất chợt nghe lại. Niềm vui bừng dậy trong tâm hồn, thi sĩ chào đón tiếng chuông như chào đón một người bạn lâu năm nay trở về gặp lại.

Vào “những đêm buồn tỉnh giấc” ta nằm mà nhớ mông lung, ta cảm thấy như đã đánh mất một cái gì... tuổi thơ, quê hương trong dĩ vãng.

Ôi quê hương, sao đường trở về nghe xa xôi quá! Ðọc Quách Tấn là miên man đi vào trong cõi mộng huyền bí của Á Ðông. Ở đó mộng và thực không còn phân chia, mộng chính là thực và thực chính là mộng.

Trong suốt hai tập du ký của Quách Tấn: Nước non Bình Ðịnh và Xứ Trầm Hương, mới đọc vào ta cứ tưởng là chép về địa lý. Nhưng kỳ thực Quách Tấn không làm chuyện thông thường đó, điều mà ông muốn đạt đến là: thiên về phong cảnh, cổ tích, giai thoại, huyền thoại... là những cái dễ mất. Còn những gì thuộc về khoa học, thuộc về chuyên môn thuần túy, là những cái thường còn thì thường cho các nhà học giả... (Xứ Trầm Hương, tr. 6). Với Quách Tấn, bất cứ ở đâu và lúc nào ông cũng triền miên trong thần thoại. Trong dãy Trường Sơn chạy dọc theo miền Trung này, ngày nay đâu là đâu có ai ngờ rằng, trước kia đã là bao nhiêu chuyện xảy ra: Con ngựa trắng của Nguyễn Nhạc ngơ ngác vì vắng chủ, đi lang thang một mình trong núi. Và ly kỳ hơn nữa là chuyện chàng Lía. Hồi xưa chàng sống một nơi mà “quang cảnh man dại. Người cứng bóng vía đến đâu, lúc gió quá cũng cảm thấy rờn người...” (Nước non Bình Ðịnh, tr. 279). Và cứ như vậy, Quách Tấn đưa ta đi từ cảnh âm u này đến chuyện âm u khác, rợn người biết bao nhưng cũng thơ mộng biết bao. Ở khắp núi rừng Việt Nam hiện nay làm sao ta tìm lại dấu vết của ngôi chùa này: “Người đến viếng cảnh chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ, ngồi tựa bóng cây đón gió mát, tưởng chừng mình đã xa cách hẳn cõi trần tục”:

Gió ru hòn mộng thiu thiu

Chuông chùa rơi rụng bóng chiều đầy non.

Nếu khôngtiếng chuông lay mộng, thì mộng còn mãi chìm trong bóng mây ráng, hoặc làm con cò vương hương bay lơ lửng trong hồ sen yên tịnh... Nhưng mộng dù đã tỉnh, mà cơn hứng vẫn còn nồng... Tuy nhiên bóng chiều đã về tây, bóng tối đi tìm mồi, và đôi cọp mun trong hang đá sau chùa kìa... (Nước Non Bình Ðịnh, tr. 270). Và biết bao chuyện lạ như vậy được Quách Tấn đem ra kể lại. hình như có lẽ Quách Tấn cảm thấy cô độc khi đem những chuyện như vậy mà nói giữa thời này: thời đại mà sự thống trị của lý trí đã quá mãnh liệt, tất cả đều ải chính xác, hiệu năng, nghĩa là phải hợp với khoa học. Còn mấy ai nghe theo ông: “Hỡi ai là người đồng thanh tương khí?” (Nước non Bình Ðịnh tr. 280),

Quách Tấn vẫn thường than thở như vậy, sau mỗi lần ông nhắc đến một chuyện hoang đường. Ðiều này chúng ta có quyền tin rằng: Quách Tấn muốn nuôi một hoài bão. Tôi nhớ Heigegger đã nói như thế này: “Từ khi thần linh biến khỏi mặt đất, thì thế giới bắt đầu trầm mình trong bóng tối”. Thời đại này đã xua đổi thần linh, nghĩa là dánh mất bản lai diện mục của mình. Ðó là lý do mà ta có thể hiểu tại sao Rimbaud bỏ Âu châu tân tiến, sống lang thang tận những sa mạc nóng cháy của Phi châu, và luôn luôn ngóng vọng về Ðông Phương, và Hoelderlin mơ mộng trở về tắm lại tận nguồn dòng sông Indus ở Ấn Ðộ. Vào những thời đại xa xưa của nhân loại - thuở ấy, con người say sưa ca hát với thần linh, đùa giỡn với mặt trời, mặt trăng. Nhưng rồi cuối cùng đã từ bỏ quê hương của mình.

Quách Tấn muốn chỉ đường cho ta về lại cố hương xa xôi ấy. Trên đường về ta sẽ thấy bầu trời đầy mùi thơm của mùi hương thuở nào:

Phảng phất hương trầm thoảng

Trời Thiên Y A Na

(Thiên Y A Nanữ thần của Chiêm Thành trước kia) và núi sông thì đầy mộng và chiêm bao:

Thanh bình câu chuyện

Trời mộng bóng chiêm bao,

TRẦN HỮU CƯ

(Trích Thời tập số 15, 1974)

 

 

QUÁCH TẤN - QUÊ HƯƠNG VÀ THƠ

Con chim mộng đang tỉnh dậy trong hồn. Ðó là những gì cô kết nhất khi tôi nghĩ về Quách Tấn. Ðó là những gì còn lại sau những giờ dài đọc văn và thơ Quách Tấn.

Tháng trước, nhận được thư người bạn ở Việt Nam nhờ viết về Quách Tấn cho số Văn đặc biệt dành cho anh. Tôi tự nghĩ: dễ quá. Viết về Quách Tấn tôi có thể viết thao thao. Bởi Quách Tấn đã nằm đầu lưỡi, mười đầu ngón tay tôi. Chỉ cần một cái búng nhảy của lời. Chỉ cần một chút run của gió. Tất cả sẽ tuôn trào.

Nhưng không.

Những ngày rất dài đã đi qua. Dài tựa con đường ngoằn ngoèo từ ngoại ô Nam lên ngoại ô Bắc xuyên Paris tình ái, nơi mỗi ngày tôi phải đi qua. Tôi đã tới những nơi thầm kín nhất cho cõi lòng toang mở: con sông Marne với lá tuôn Vỹ Dạ, Place Contrescarpe với đêm dài ma hú, đồi Montmartre dấu chôn môi đỏ, vườn tuileries với rue d’Alger dài như ngón tay kiều diễm, và còn bao nhiêu nơi nữa? Tất cả đều như một lằn rách dưới đêm sâu.

Bây giờ ngồi cạnh l’Étang de Cortot một ngày chúa nhật. Le diamache à Volle d’Avray. Ngồi đọc lại tất cả những thư từ Quách Tấn gửi cho tôi từ mười năm nay. Tôi đọc từ khi hoa súng nở cho tới khi hoa súng khép lá non và cánh nõn trên mặt hồ, cho tới khi gia đình Faulkner gọi chở tôi về.

Tôi biết một cách rất rõ là không dễ gì viết về Quách Tấn như đã tưởng. Ðương nhiên, tôi có thể ngồi viết một ngàn trang trong hai hay ba đem để ca tụng hay hạ giá Quách Tấn. Nhưng viết về Quách Tấn thì không. Bởi quả thực, chúng ta đang lãng quên Quách Tấn quá lâu ngày. Chúng ta đã lãng quên dãy núi Trường Sơn mây mươi năm nay, dù vẫn nhìn, vẫn nói, vẫn tưởng là Trường Sơn còn hiện hữu.

Phải rồi, chính sự lãng quên đã đưa chúng ta đi xa, quá xa, rời khỏi dung mạo, diện mục mình.

Nếu không có Lê Thương, chúng ta chẳng bao giờ hát Hòn Vọng Phu. Nhưng có Lê Thương rồi, chúng ta cũng chỉ nghêu ngao hát Hòn Vọng Phu mà không biết Hòn Vọng Phu ở đâu, nó ra thế nào, nó đợi CÁI gì? Chúng ta đã quên mất Niềm Chờ Ðợi. Và chúng ta lang thang. Lang thang là đi ngang, chớ không đi tới. Không đi tới Niềm Chờ Ðợi. Do đó, không thể thu đất cho khoảng cách giữa mình thực hữu với chấm sáng của niềm chờ đợi đang đợi chờ mình nhập MỘT trong nhau.

Mẹ tôi quê ở Nam Ðịnh. Thuở nhỏ, khi cha tôi gặp nạn, mẹ đưa tôi về Nha Trang rồi Bình Ðịnh. Mấy năm trời với núi non, dừa xoài, sông, cây trứng cá, lò gạch, lò gốm, lò đường, Tuy Phước, Cầu Ðôi... Cái thời xa đó vẫn in hằn tâm khảm. Sau này lớn lên, tôi có dịp trở lại Nha Trang vài lần. Nhưng tôi không biết gì về Nha Trang, Bình Ðịnh cả. Cố nhiên là tôi có thể nói như mọi người về Tháp Chàm, về Hòn Chồng, về Chụt, về Hải Ðức, về đèo Rù Rì... Dù vậy, tôi chỉ là khách bàng quang đứng ngắm, đứng nhìn, đứng trầm trồ, đứng cười cợt, đứng lắc đầu. Tôi không xứng bằng giá trị một thân cây chằm rễ xuống su sâu của sỏi đất. Tôi không hề cảm thấy thấu sự chuyển mùa theo hương gió qua thân thể mình nơi chôn nhau cắt rún như thế nào. Tôi chỉ biết rất nhiều về xe hon đa, về xe Peugeot 404, về tivi về các vụ đảo chánh, về hàng lụa, về ăn diện, về chuyện nước ngoài.

Bởi chưng vì tôi đã đánh mất nơi tâm khảm “một màu vàng linh động dính liền sắc trời xanh” của rừng hoa xoài nguyên phối.(10) Mười loài hoa trang quý của thẩm mỹ học Trong Quốc đã khiến chúng ta rời bỏ lối nhìn bình đẳng sâu suốt sự vật để chấp nhận những kiểu cách nhất thời. Núi, bãi, khói, sông, hồ... dường như chỉ đẹp thực trong tranh, và là tranh tàu như tranh Tống Ðịch(11) chẳng hạn. Kỳ dư tám cảnh đẹp như tám cảnh Tiêu Tương không hề có thực trên quê hương!(12)

Núi rừng ta còn quên, nói chi tới bầy chập chờn đom đóm mà Quách Tấn đã đứng trong nụ cười giữa khuya sao vằng cặc nhìn tựa “bao nhiêu sao trên trời đều sa xuống và đọng nơi cây cối”.(13)

Bao giờ sự quên lãng thực sự bị lãng quên để cho núi rừngthực tại ùa về chầm nhập vào châu thân thì lúc đó ta mới thôi làm người du lịch để tuôn tràn trên mảnh đất đứng tựa dòng sông.

Lúc đó ta sẽ thấy “núi non trông biếc thêm, sông biển trông trong thêm. Và những chòm cây muồng hèo ở hai bên đường, những khóm lau khóm dứa ở nơi bãi vắng, dầy đặc cả đom đóm.” (14) Bầy đom đóm của tìm thức chói soi giữa lũng tối lạc đường.

Lấy máy bay đáp xuống phi cảng Nha Trang, thuê phòng ở khách sạn, xuống được Ðộc Lập chọn mua áo tắm, một chai ambre solaire, rồi ra biển nằm phơi tấm thân “trống mái” của Vọi. Ðó là Nha Trang của tuổi trẻ bây giờ. Ðó là Nha Trang của Saint Trop, của Floride... Một thứ Nha Trang học làm sang, một thứ Nha Trang đang cuốn dần vào vòng dây thép gai. Chứ không phải là Nha Trang thần thánh dân tộc, Nha Trang của voi ở Ma Ca, của cá ở Trường Bơi, của Chà Khé ở Hồ Ðá(15)ù, Nha Trang của “những áo xiêm lần lượt biến thành năm sắc mây chờn vờn trên ngàn cây cổ thụ”(16), trong của “mùi hoa rừng bay theo gió, có đó rồi không”(17).

Tôi không tin có tuổi 20 và tuổi 40 để thị oai nhau hay “dạy bảo” nhau. Tôi không tin có hai cảm quan của hai thế hệ. Tôi không tin có hai lối sống khác thường. Tôi không tin “hạt đậu ngày xưa to hơn bây giờ” như một nhân vật của Lỗ Tấn đã than.

Có gì khác nhau giữa sự kiện đôi lứa đứng nhìn trăng của những thế kỷ trước “chỉ mảnh trăng thiên hạ mà bảo rằng của đôi ta” và sự kiện bắn một lá cờ lên nguyệt điện để giành trăng cho quốc gia mình?

Chỉ có lối nhìn khác nhau. Một lối nhìn soi vào thực tại, thấy thực tạithực tại. Và một lối nhìn biến thực tại thành thực tại ly thực tại. Hai lối nhìn đó ở thời đại nào lại không có, ở lứa tuổi nào lại không có?

Cho nên chúng ta không thể đặt Quách Tấn cách lìa với thời đại chúng ta. Sự chia gãy nền thơ dân tộc làm thơ cũ, thơ mối vào những năm 30 tuy ồn ào vẫn không mang lại ý nghĩa gì cho bằng việc cái nền thơ đó đã mang lại gì cho trời thơ Việt, cho nền suy tư dân tộc. Một số rất lớn các nhà thơ trẻ của chúng ta đã thanh toán hẳn thơ Ðường, Ðỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị vẫn tiếp tục ngự trị thi đàn thế giới và thi đàn Trung Quốc, kể cả Trung Quốc của xã hội chủ nghĩa (năm 1962, Trung Quốc đã rầm rộ kỷ niệm 1250 năm ngày sinh đại thi hào Ðổ Phủ). Nguyễn Du Dante Shakespeare Dostoievskh, Tolstoi, Pouchkine... cũng thế. Bởi vì chưa có những bài thơ, những nhà thơ vượt được tiếng thơ của những nhà thơ kỳ vĩ này, kể cả những quốc gia đã thay đổi hẳn nhân sinhthế giới quan. Tổ quốc ta đã kinh qua gần 30 năm lửa máu, đau đớn, uất hận, thế mà tôi đọc được rất ít bài thơ thể hiện nỗi đau khổ trầm thống của quần chúng như khi tôi đọc Ðỗ Phủ.

Giá trị của Quách Tấn chính là giá trị của một cái nhìn đầy hào khí dân tộc và nhân bản rọi vào thủ đô thi casuy tưởng.

Khi tôi đọc “Nước non Bình Ðịnh”(18) và “Xứ Trầm Hương” của Quách Tấn, tôi cảm giác như mình đang đọc Lê Quý Ðôn, Phan Huy Chú... Một Lê Quý Ðôn đã được gạn lọc nền bác học Trung Quốc để thọc sâu vào mối nguồn văn hóa Việt. Thật vậy, Quách Tấn không viết riêng những thiên đại dư chí, không sao chép riêng truyện tiếu lâm, thần thoại hay giai thoại. Dưới ngòi bút Quách Tấn, tất cả đều mang chủ đích nung nấu và thể hiện cái gì quý giá nhất, chân thật nhất để tồn tại và không mất gốc: nền suy tư tộc Việt.

Giá trị của hai cuốn “Nước non Bình Ðịnh và “Xứ Trầm Hương” rất lớn và độc chuyên. Chúng là tài liệu căn bản cho các nhà nghiên cứu dân tộc về sử học, đại dư học, dân tộc học, nhân chủng học, xã hội học, tư tưởng học... Sử học, bởi vì Quách Tấn vừa rọi chiếu vào một số lớn sử liệu về Tây Sơn, Cần Vương mà sử nhà Nguyễn và sở mật thám Pháp đã ém nhẹm, phá hủy. Ðịa dư học, vì Quách Tấn bằng hàng chục năm trường sống cái sống thực của nhà thơ đã có đủ thẩm quyền chỉ nẻo cho các nhà địa dư học, chỉ có thước đo và ống dòm. Dân tộc học, nhân chủng học xã hội học, vì qua Quách Tấn, những xó ngách của con người Kinh, Thượng và làng xóm, tập tục, thông lệ, đều được ghe chép cặn kẽ. Từ cách chặt dừa nghệ thuật và đầy hương vị cùng với nghi thức giữa chủ dừa và người uống ở Khánh Hòa(19) cho đến việc tế lễ Miếu Lỗ Lườn ở Ninh Hòa. Từ cá nhân tướng Rái(20) cho đến sự khám phá loài một mới hóm hỉnh trong bột xi măng(21). Từ việc trai gái hát đối: “quây quần giữa sân tươi cười nói nói... Rồi ai về nhà nấy, lòng xuân phơi phới đêm xuân”(22) cho tới tục hát ống(23).

Không biết vì cố ý hay vô tình mà Quách Tấn đã mô tả rất nhiều những chuyện kể nhân gian pha lẫn màu sắc thần bí, mộng thực. Ðọc văn khí của Quách Tấn chúng ta ngờ đây là chỗ dụng công. Hoang đường, thần bí đối với Quách Tấn là chỗ dụng công. Hoang đường, thần bí đối với Quách Tấn vốn không có làn ranh với thực tại khôn dò. Chúng trộn lẫn trong nhau. Và mỗi bận kể xong, Quách Tấn đều láy đi láy lại câu “khó tin rằng có, khó ngờ rằng không”. Hoang đường, mộng mỵ, thần bí nơ trang sách hiển hiện như một thực tại bị lãng quên quá lâu ngày. Con người đã bỏ quên những thần linh bằng hữu, đã bở quên quê hương mình để chạy theo hư ảo của cái tưởng là thật một cách trắng như ngân hàng, dầu xăng, ngói gạch, đô la... Chúng ta đã thực sự quên những cây trầm hương nơi núi rừng Khánh Hòa, bỏ lơ cho cọp mun và bà Thiên Y A Na. chúng ta đã thực sự quên những tổ yến huyết, bỏ lơ cho người Trung Hoa mại bản. Chúng ta đã thực sự quên cát trắng làng thủy tinh phó mặc cho thứ chủ nghĩa O.K Isme xuề xòa. Chúng ta đã bỏ đói con ngựa trắng của Nguyễn Nhạc trong dãy núi Bình Ðịnh. Chúng ta đã ngoảnh mặt làm lơ với người họa sĩ tài ba dân tộc Nguyễn Khanh, có tài viết chữ thảo như thần (calligraphie) để chạy nhờ các ông thầy Tàu viết giúp(24)

Chúng ta đã bỏ quên chúng ta. Nên Quách Tấn mới dụng công gọi thần linh trở về, gọi bản lai diện mục trở về. Với kẻ đi xa lâu ngày, hay kẻ có tân học, ắt phải chê Quách Tấn đang manh tâm mà thư thực tại. Kỳ thực, trên giấy mực, Quách Tấn đang bày ra cái lề lối suy tư bất khuất cố hữu của tộc Việt: Tính tương duyên. Mộng và thực giao hòa trên thế đứng hai chân cho thực tại tựu thành. Thực tại hiển hiện khi ý chí sâu suốt của ta thâu lấy tiềm năng và hậu thức hầu khai thác triệt để khiến linh thiêng biến ra cảnh sống thường ngày. Ðây có lẽ chính là điều mà các nhà tư tưởng học nên lưu tâm.

Chính Quách Tấn cũng đã nói: “Thầy cậy cây dầu, cây dầu cậy thần”(25). Tiếng đàn ngoài dây tơ vừa hé nơi đây. Cho nên khi Quách Tấn láy đi láy lại việc thần thánh, tiên trần, nhắc ông chỉ muốn làm việc tố cáo: nhân tính đã mất, xã hội ly nhân, tính như u ám.

Việt Nam có nhiều người theo đạo Phật. Tôi mạn phép xin khuyên học đọc “Nước non Bình Ðịnh” và “Xứ Trầm Hương” đẻ biết thêm về thân thế, sự nghiệp của nhiều vị Cao Tăng nơi chốn thiền lâm mà lâu nay không có người nghiên cứu, ghi chép. Quý vị sẽ ngạc nhiên biết thêm về Hòa Thượng Rau, Hòa Thượng Ðò. Những đièu mà tôi cầu mong họ đọc hơn cả những là những lời bình phẩm của Quách Tấn đối với các di tích, chùa chiền, tự viện hiện có số lớn đang bị hoang phế hay trang hoàng lố lăng. Quách Tấn rất nghiêm khắc về điểm này, dù ông là một Phật tử. Tôi nghĩ rằng tuy không nói ra, nhưng Quách Tấn dường như cũng ôm ấp muốn bảo tồn phục hồi nền Phật giáo dân tộc. Quách Tấn tâm niệm mong cho “đá mọc quanh chùa biết gật đầu đảnh lễ trước Kim Thân Phật Tổ”(26)

Tôi tiếc không thể nói nhiều hơn về “Non nước Bình Ðịnh” và “Xứ Trầm Hương” vì sở học còn sơ sài, xin dành để cho các nhà khảo cứu, đại họccăn bản uyên thâm.

Trên đây, tôi chỉ muốn htổ lộ sự thẹn thùng và cảm giác của một kẻ tưởng là biết nhiều về quê hương, sông núi, mà kỳ thực không biết gì cả. Phải chi có được những Quách Tấn cho Nước Non Thừa Thiên, Nước Non Hà Hội, Nước Non Cửu Long... để cho quê hương bừng sống dậy cùng thần linh đang bơ vơ trên sông núi.

Thuở trước chúng ta đã sang tới bên Trung Quốc mời Từ Hải và Kiều về ngự trị trời thơ Việt mà một Từ Hải Việt Nam là Chàng Lía(27) dã bị bỏ quên nơi xó rừng Trung Việt! Sao Quách Tấn hay một nhà thơ nào khác không “diễn nôm” con người dũng liệt này? Chúng ta sẽ có Tân Kiều cho thế kỷ văn học XX.

Ở đây, tôi cũng xin thổ lộ sự hỗ thẹn của tôi là chưa đọc hết tác phẩm của Quách Tấn. Tôi chưa hề đọc “Trăng Ma Lầu Việt” và “Nghìn lẻ một đêm” hầu gặp biết thêm chiều sâu tư tưởngvăn tài Quách Tấn. Bởi vì Quách Tấn vừa là một nhà thơ, một nhà văn, một nhà tư tưởng. Ngày xưa tôi chỉ nghĩ Quách Tấn là một nhà thơ. Một nhà thơ trong nghĩa do nền giáo dục quy ước định ra. Chính nền giáo dục này đã bó rọ tôi trong lối nhìn của nó. Lối nhìn tranh chấp và đỗ vỡ. Một con người như Quách Tấn, kinh qua trên 60 năm trời trên mảnh đất máu lửa đầy dối trá này, đã nhúng ta vào đại sự, đã viết và tiếp tục viết, dịch, chú... hẳn không phải là người chỉ biết ngồi đưa võng viết chuyện mây đưa gió thổi.

Dù chưa được đọc “Trăng Ma Lầu Việt” và “Nghìn lẻ một đêm” và một số tác phẩm khác của Quách Tấn, tôi cũng tự an ủi vì biết rằng mình là kẻ ít đọc sách nhất, là kẻ dốt nát nhất trong số người ít đọc sách và dốt nát nhất trên thế gian và ở xứ sở Việt Nam này.

Quách Tấn khi viết về “Ðôi nét về Hàn Mặc Tử”, về “Bích Khê” về “Những Bức Thư Thơ”, về “Giọng Hàn Huyên”, về truyện ngắn như Con Mèo Tam Thể, Thôn Trường Ðịnh, v.v... về “Mùa Cổ Ðiển”, về “Ðọng Bóng Chiều”, về “Mộng Ngân Sơn”... luôn luôn giữ phong độ của kẻ mang hòa khí ngút ngàn. Mỗi hàng mỗi câu đều thể hiện sáng sủa, uyên nghiêm mà tràn ngập thi ca, khiến cho người đọc “lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ”. Tất cả con người Quách Tấn là thi ca, là tiếng báo hiệu của một sự thành tựu.

... Bây giờ Quách Tấn ở đâu? Anh đang đứng bên bờ biển Thái Bình, tại một địa điểm quê hương thường gọi là Nha Trang, “đầy áo giọt hoa rơi”(28). Thơ Quách Tấn như Trăng phân thân thành “vàng tan sa số ảnh”(29) áo bọc cho muôn triệu cõi lòng xa vắng quằn quại trên một đất nước đang đánh mất thi ca.

Người thi sĩ đó đứng nhìn “Mây un trời tháng hạ”(30) để đón đưa khách sang sông viễn du vào dòng sông đầy ắp thi ca hào hùng và bất khuất.

Làm gì đây? Nếu không là ngâm lớn tiếng thơ cho tiếng thơ cầm tay mình dẫn vào giữa lòng thơ uyên nguyên hào khí. Quê hương và con người sẽ không mất.

Bởi vì con chim mộng đang tỉnh dậy trong hồn.

Con chim mộng với cái nhìn ngây thơ không mất gốc khiến những phần đất ung thối khỏi hoàn toàn ung thối, khiến cho những phố chợ lợi danh, phiền não, như Nha Trang là một cũng phải: “đồng hóa cùng lá cây và dính liền với làng quê đồng ruộng. Những cao ốc, biệt thự, phố xá chỉ còn là những vệt trắng, vệt xám, vệt đỏ, thấp thoáng trong sắc xanh của cây của núi của trời...”(31)

Phải rồi, con chim mộng đang tỉnh dậy trong hồn. Cám ơn anh, anh Quách Tấn, nhà thi hào cô đơn không nhưng không đơn độc.

NGUYỄN THÁI

 

TẤM LÒNG ÐÃ TRẢI CÙNG NON NƯỚC

 

Tuy nơi LỜI THƯA đầu sách, tác giả đã dè dặt minh xác rằng mình không có tham vọng viết một quyển địa phương chí, mà chỉ làm công việc “ghi chép” lại những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm trong mấy mươi năm sống cùng non nước Khánh Hòa, nhưng suốt cả gần 500 trang giấy, ngòi bút tài hoa, lịch lãm của ông đã đóng trọn vai trò người hướng đạo nhiệt thành đưa đi thăm thú, tìm hiểu hầu khắp mọi mặt của địa phương, từ địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa đến phong tục, vật sản, các thắng cảnh cổ tích, các nhân vật hữu danh... Như vậy, vẫn có thể coi XỨ TRẦM HƯƠNG là một quyển địa phương chí về đất nước, con người Khánh Hòa, nhưng ở đây còn với cái nhìn và bút pháp thể hiện của một nhà thơ giàu xúc cảm và tâm huyết.

Giá trị của Xứ Trầm Hương có lẽ không phải là ở những tài liệu về dân số, về độ cao của núi non, chiều dài của sông suối, sản lượng khai thác các nguồn lợi kinh tế trong tỉnh... mặc dù tất cả những điều này đều được tác giả ghi chép công phu, cặn kẽ.

Với Xứ Trầm Hương, con người nghiên cứu của Quách Tấn dường như đã chọn cho mình một cách tiếp cận từ góc độ văn hóa dân gian. Ông tìm về những gì có thể chúng ta đã lãng quên, mất mát, những dấu tích, những vang bóng một thời. Mỗi trang sách như mở ra một đoạn đường, một mảnh đất, một khoảng trời quê hương tốt đẹp. Cả một dải non sông gấm vóc từ đèo Cả đến Cam Ranh, tưởng chừng nới đâu cũng gặp những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, những di tích lịch sử, những câu ca, điệu hò, chuyện kể dân gian đượm màu huyền hoặc, những ngóc ngách của con người, làng xóm, tập tục, sinh hoạt... nói như một nhà văn, chỗ nào ta cũng thấy phảng phất hình ảnh người xưa, văng vẳng tiếng nói của người xưa.

Hãy đọc Xứ Trầm Hương để biết rằng ngay giữa lòng thành phố Nha Trang tòa ngang dãy dọc hiện giờ, xưa kia đã từng có một rừng mai Phước Hải “mùa xuân hoa nở ánh cả vùng”, và bên cạnh rừng mai, còn có cả rừng dương liễu mơ màng buông lục, để từ đấy Nha Trang còn nổi danh là một miền “thùy dương cát trắng”.

Hãy đọc Xứ Trầm Hương để hiểu thêm về đại địa của Nha Trang nơi sông biển bốn bề bao bọc, và đây đó “bốn ngọn núi tượng hình bốn con thú tụ họp lại để giữ gìn anh khí” cho cuộc sống con người.

Hãy đọc Xứ Trầm Hương để giữ mãi trong tâm tưởng một đêm giao thừa ở Tháp Bà, vào cái thời khắc đất trời giao cảm ấy “núi non trông biếc thêm, sông biển trông trong thêm. Và những chòm cây muồng hòe ở hai bên đường, những khóm lau khóm dứa ở nơi bãi vắng, dầy dặc cả đom đóm ‘tựa hồ’ bao nhiêu sao trên trời đều sa xuống đọng nơi cây cối”.

Giữa bao nhiêu biến thiên, thay đổi của cuộc đời, Quách Tấn giữ lại cho ta hình ảnh một Nha Trang “đồng hóa cùng lá cây và dính liền với làng quê đồng ruộng. Những cao ốc, biệt thự, phố xá chỉ còn là những vệt trắng, vệt xám, vệt đỏ, tháp thoáng trong sắc xanh của cây của núi của trời”, một Nha Trang của “lá me, lá chùm ruột lác đác bay. Chiều chiều chim én lượn từng bầy đớp chuồn chuồn trong sương mỏng”, Nha Trang của “những áo xiêm lần lượt biến thành năm sắc mây bày chờn vờn trên ngàn cây cổ thụ”. Nha Trang của “mùi hương rừng bay theo gió, có đó rồi liền không”.

Sinh ra và lớn lên ở Bình Ðịnh, nhưng người thi sĩ của Mùa Cổ Ðiển của Mộng Ngân Sơn lại có hơn nửa đời người gắn bó với Nha Trang, Khánh Hòa, vùng đất mà ông “kính yêu như bà Nghĩa mẫu”, vùng đất mà ông đã trải tấm hình “thiết tha, thành thực” trong rất nhiều sáng tác của mình. Và không chỉ trong thơ. Với Xứ Trầm Hương, Quách Tấn đã tiếp tục một mảng đề tài truyền thống mà người xưa đã làm với Dư Ðịa Chí: Ô Châu Cận Lục, Phủ Biên Tạp Lục... Tấm lòng của ông với những giá trị nhân văn cao cả của quê hương đẹp biết bao:

“Tấm lòng đã trải cùng non nước

Thương được nhờ ơn cũng chẳng nhờ”

NGUYỄN VIẾT TRUNG

(Khánh Hòa xuân Quý Dậu 93)

 

 

“RIÊNG NHỚ TÌNH XƯA GHÉ BẾN THĂM”.

 

Mối tình anh đối với quê hương xứ sở thật là đậm đà. Hai quyển sách anh viết về tỉnh Bình Ðịnh nơi anh sinh ra và tỉnh Khánh Hòa nơi anh ở gần suốt đời là hai quyển sách có giá trị không những về mặt địa lý lịch sử mà còn về mặt văn hóa nữa. Anh đã gọi tỉnh Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương. Tôi nghĩ, nếu mỗi nhà văn nhà thơ chúng ta viết được một quyển sách về nơi mình sinh hay nơi mình ở như Quách Tấn đã viết veà Bình Ðịnh và Khánh Hòa thì chúng ta đã góp phần không nhỏ vào kho tàng hiểu biết đất nước Việt Nam rất nhiều và rất lớn.

TẾ HANH

Hà Nội đầu năm Quý Dậu (Văn Nghệ HNVVN)

 

 

VĨNH BIỆT THI SĨ QUÁCH TẤN

 

 

... Thi sĩ Quách Tấn còn là nhà văn hóa lớn. Ngoài những tác phẩm đã xuất bản mà chúng ta đã biết như Trăng Ma Lầu Việt, Nghìn Lẻ Một Ðêm, Nước Non Bình Ðịnh, Xứ Trầm Hương, Ðôi Nét Về Hằn Mặc Tử, Nhà Tây Sơn, Họ Nguyễn Thôn Vân Sơn... hiện cụ còn để lại một gia tài đồ sộ có trên 50 đầu sách về đủ loại biên khảo, lịch sử, văn hóa... kể cả sách cho thiếu nhi.

Chỉ riêng hai tập du ký Xứ Trầm Hương và Nước non Bình Ðịnh thôi cũng đủ khẳng định Quách Tấn là một cây bút trác tuyệt đến nhường nào. Thế nhưng ông cũng chỉ một mực khiêm tốn: “Tôi chỉ thiên về phong cảnh, cổ tích, giai thoại, huyền thoại... là những cái dễ mất. Còn những gì thuộc về khoa học, thuộc về chuyên môn thuần túy, là những cái thường còn thì nhường cho các học giả” (Xứ Trầm Hương, trang 6). Những cuốn sách như thế, chắc chắn sẽ còn được nhiều thế hệ tiếp sau trân trọng. Chỉ tiếc rằng, sinh tiền, đời cụ lắm phong ba nên những cuốn sách dày công nghiên cứu, trải rộng tấm lòng của cụ cùng non nước vẫn còn nằm im lìm trong ngăn tủ.

TRIỆU PHONG

 

 

QUÁCH TẤN - VÀ ÐÊM GIAO THỪA Ở THÁP BÀ

HỒNG MINH

 

Cứ mỗi độ giao thừa, tôi lại nhớ những câu văn ngọt ngào, và không khí, cảnh tượng của đêm hôm ấy.

Ngày đó, 26-11-1992, Quách Tấn trong tuổi 85. Mừng thọ nhà thơ. Câu lạc bộ Văn Hóa tỉnh Khánh Hòa tổ chức đêm bình văn mang tựa đề “Hương Mùa Cổ Ðiển”. Nhà thơ được mời đến, ngồi ở vị trí hết sức trang trọng. Thế hệ những nhà văn cao tủôi của miền Trung sống trên đất Khánh Hòa chẳng còn được mấy người: 1 nhà thơ Quách Tấn, 1 nhà văn Võ Hồng, 1 nhà thơ kiêm dịch giả Ðào Xuân Quý... Hình như, chỉ còn lại có vậy thôi!... Dĩ vãng một thời đã qua như còn bảng lảng đâu đây trong làn sương khói của hương trầm, và cả trong dáng điệu trang nghiêm của nhà thơ, người mà nhà phê bình Hoài Thanh đã từng gọi là “Sứ giả của đời Ðường, đời Tống”. Tác phẩm “Mùa Cổ Ðiển” của ông có một vị trí lịch sử trong nền văn học dân tộc: Nó là tấm bản lề “khép lại một thời đại trong thi ca”...

Ông ngồi đó, mắt mờ, tai nặng, nhưng trên gương mặt sáng rỡ một nụ cười. Chẳng ai ngờ rằng, chỉ hơn 20 ngày sau, ông đã từ giã cõi đời ra đi vĩnh viễn...

Có phải bởi cái không khí, cái cảnh tượng ấy hay không, hay bởi giọng văn đầy chất thơ được rót từ suối nguồn của trái tim nặng lòng đối với mỗi cảnh sắc quê hương, mà nó khiến tôi xúc động đến thế. Tôi nghe đoạn văn viết về đêm giao thừa ở Tháp Bà trích trong tác phẩm “Xứ Trầm Hương” của ông - cảm tưởng như mình đang bước, đúng hơn là đang tuôn vào cõi mộng mơ nào. Không phải những câu văn, mà là tâm huyết của người con thành Ðồ Bàn - Bình Ðịnh đã chinh phục lòng người. Nó khiến ta cảm được cái tầng sâu của mỗi trang văn hóa trên đất nước mình mà thêm trân trọng, thấm thía, nâng niu những giá trị tinh thần truyền thống. Kỳ diệu thay cảnh những người con đất việt. Ðêm 30 Tết, không quên thắp nén hương tưởng nhớ, phụng thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na của xứ Cơ Lan Nha Trang đầy huyền thoại thuở nào! Dường như từng câu, từng câu trong đoạn văn của ông vẫn còn đọng lại trong tôi, rõ nguyên mồn một...

Ðêm Giao Thừa ở Tháp Bà có thể gọi là kỳ thú.

(...) Phải đi bộ mới tận hưởng được những gì đáng hưởng khi trời đất nước vào xuân. Khí trời đương lạnh tự nhiên thấy ấm, một khí ấm đặc biệt, dìu dịu thưng thưng, trong trong lại mát mát. Lại phảng phất một mùi hương thanh thanh: hương trầm, hương kỳ nam từ rừng sâu đưa đến, hay hương nhang hương hoa từ trong nhà trong chùa bay ra? Tắm mình trong bầu không khí yên lặng, vừa ấm, vừa mát, vừa trong vừa thơm, du khách cảm thấy tâm cũng như thân tự nhiên thanh thảnh nhẹ. Bao nhiêu hận thù, bao nhiêu phiền não đều tan sạch. Cõi lòng từ từ mở rộng để đón phút linh thiêng liêng mới bắt đầu.

Cảnh cũng như người đều giũ sạch những bợn trần của năm cũ. Núi non trông biếc thêm, sông biển trông trong thêm. Và những chòm cây muồng hòe ở hai bên đường, những khóm lau khóm dứa ở nơi bãi vắng, đầy đặc cả đom đóm.

Có thể nói rằng đom đóm ngự trị cả nước non.

Và cũng có thể bảo rằng bao nhiêu sao trên trời đều sa xuống đọng nơi cây cối.

Ánh vàng làm chúa tể thay bóng tối đêm ba mươi. Nhìn trước ánh vàng. Ngoảnh sau: ánh vàng. Trông sang tả: ánh vàng. Ngó sang hữu: ánh vàng. Từ cầu Hà Ra qua đến Xóm Bóng, du kháchcảm giác đi ngang qua một rừng sao.

Nhưng rừng sao ở đây không đứng yên mà luôn luôn cử động. Hễ vùng nầy sáng thì vùng kia tắt, vùng nầy tắt thì vùng kia liền sáng. Cứ sáng, tắt, tắt, sáng... luân phiên, liên tục, không mau, không chậm, đều đặn, nhịp nhàng.

Quanh đồi Cù Lao và trên những lùm cây ở mé sông cạnh tháp, cũng đầy cả đom đóm. Ánh vàng cũng rực rỡ, chấp chới lung linh. Và trên tầng ánh sáng khi khuất khi hừng, bốn ngọn tháp nửa quyến cây xanh nổi bật lên nền trời cao, uy nghiêm nhưng hiền hậu.

Những ngọn đèn lồng ngũ sắc giăng trên cành cây, những ngọn huyền đăng treo trước sân tháp, chập chờn trong bóng lá, rọi vào cảnh vật, chỗ tỏ chỗ mờ, nơi thưa nơi nhặt, vui vẻ nhưng rụt rè, như cô gái quê mặc áo mới ra chào khách.

Từ dưới chân đồi lên đến sân tháp, người đông như kiến, chen chúc nhau, nối tiếp nhau. Người tuy đông, nhưng không ồn ào lộn xộn. Phần nhiều các bà các cô, dường như lắng lòng mình lại, để lúc dạo vườn hái lộc, vào tháp xin xăm, dễ cùng thần linh giao cảm.

Trong tháp chật ních người lễ bái. Hương tỏa mịt mù làm mờ cả hàng trăm cây đèn sáp cháy cao ngọn. Những luồng khói thơm tuôn ra cửa, ra nơi lỗ trống trên đỉnh tháp, ngạt ngào trong gió và lưởng vưởng trên đầu cây cao như những làn sương mỏng. Những tiếng chuông tiếng trống trong tháp bay ra, không rền vang như tiếng trống chùa miễu, tiếng chuông nhà thờ, mà vì vách tháp dày, cửa tháp hẹp, nghe mơ hồ phảng phất như có như không.

(...) Những người râm đi bẻ những cành xanh tươi quanh tháp là vui vẻ thảnh thơi. Ðàn ông đàn bà, con trai con gái, ai nấy đều hớn hở tươi cười. Nhưng không một tiếng ồn, không một bước mạnh. Ði qua mặt nhau, êm đềm lặng lẽ như bóng mây qua.

Quang cảnh thật là huyền mơ! Và bầu không khí thiêng liêng bao trùm cả cảnh vật.

Ðứng trước cảnh có thể gọi là thần tiên ấy, con người dường như trở nên thuần hậu, khoan hòa. Cho nên từ trước đến nay, chưa hề xảy ra những chuyện không tốt lành mà những nơi đông người thường hay có. Và vì lòng người đã dẹp bớt được tham sân si để hòa mình với cảnh, nên lá xăm, nắm lộc buổi đầu năm rất linh nghiệm. Do đó, lòng tín ngưỡngThiên Y A Na gia tăng. Và việc “đi Tháp Bà” đêm giao thừa đã thành một cái lệ. Thời Tiền Chiến đã đông, thời Hậu Chiến còn đông gấp bội”...

Ðoản văn của Quách Tấn giữa này xuân gieo nặng vào lòng ta xn giọt tình đối với đất nước, quê hương. Ta đọc văn ông, cũng là thắp lên một nén hương tưởng nhớ đến nhà thơ của nhóm “Bàn Thành Tứ Hữu” đã hơn nữa cuộc đời gắn bó với mảnh đất Xứ Trầm Hương!

H.M

(Khánh Hòa chủ nhật, xuân Ất Hợi, 1995)

 

 

V. CƯỚC CHÚ.

 

BÀI MINH (MINH VĂN) GỌI LÀ VÕ CẠNH

Tác giả: FINJOZART

Dịch giả: Ðào Tử Khải - Trang Thị Mý

 

Bài minh bằng chữ Phạn (sanskrit) xưa nhất đã được phát hiện ở bán đảo Ấn Ðộ China (Ðông Dương) và ngay ở cả trên toàn vùng Ðông Dương và cả ở Nam Dương từ trước đến nay, là cái bài minh Võ Cạnh; đã từ bảy chục năm nay, nó đã được nêu lên bằng hai bài báo, nhiều nhận xét và nhiều cuộc nghiên cứu khác. Bây giờ, một bên là tầm quan trọng của nó và một bên khác là sự thiếu nguyên lành của nó đã làm cho các nhà minh văn học luôn luôn quan tâm đến nó. Hiện nay chúng tôi vẫn thấy cần được đem ra nghiên cứu lại dưới ánh sáng của những “donnée” (tạm thời dịch là chứng tích) mà chúng tôi đã thu hoạch được ở Ấn Ðộ về các nền văn hóa của các thời hoạt động nhất giữa họ với vùng Ðông Nam Châu Á.

Bài minh này, lần đầu tiên được ông Nergaigne nêu lên dưới cái tên là Bài minh ở Nha Trang. Ðúng ra thì khối bia (ở đây dịch giả không gọi nó là một tấm bia, mà gọi nó là một khối đá to lớn có minh văn, chứ không phải là một tấm đá như nhiều bia khác) này được phát hiện ở vùng Nha Trang, tại làng Võ Cạnh hay nói một cách thật đúng như ông Finot người đã viết lại về nó, thì là ở một cái làng nằm cạnh giữa hai địa phương Phó Văn và Phú Vinh, thuộc tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa (nay là xã Vĩnh Trung và xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Sau rồi, ông Parmentier vào năm 1923 có ghi thêm một số xác nhận sau đây: “ở tỉnh Khánh Hòa, trong một cuộc điều tra mới, chúng tôi nhận thấy rằng Bài minh Võ Cạnh thường được truyền tụng là được nhìn thấy nó nằm bẹp ở rìa phía Nam của một ngọn đồi nhỏ của người Chàm cũ, nói một cách chung chung là nằm về phía Ðông của một ngôi nhà thờ đạo. Một cuộc khai quật ở chỗ đó vào ngày 19 tháng 11 năm 1922 có sự hiện diện của ông Sylvain Levy chỉ tìm thấy rải rác một vài tảng gạch ỡ to tướng (0m18 x 0m35 x 0m80). Những mảng gạch to lớn do ông Parmentier nêu lên có thể chứng minh rằng đây là những dấu vết của một kiến trúc cổ đại, nhưng không thể đánh giá được niên đại của chúng.

Việc nhận định vị trí của khối bia trên lãnh thổ của nước Chăm pháp cũ, và tính chất cổ xưa của loại chữ Phạn dùng để khắc bài Minh có thể chứng minh rằng khối bia này là của nước Chăm Pa Ấn Ðộ hóa (chịu ảnh hưởng của Ấn Ðộ). Nhưng từ năm 1927, thì ông Finot lại cho nó là một khối bia, của một quốc gia lệ thuộc với vương quốc Phù Nam, nhưng không loại trừ việc tiểu quốc này có thể về sau đó đã bị nước Chăm Pa thôn tính. Cuối cùng, thì các luận điểm cho nó là của nước Phù Nam đã đứng vững. Bài minh này có thể được khắc ở chỗ khác rồi đem chở đến chỗ này sau khi đã khắc xong. Nó là một tảng đá cao trên hai mét (2m 00) năm mươi phân, có hình một cây cột xù xì (thô kệch) hình chữ nhật chiều rộng hơn là 0m72, chiều hẹp hơn là 0m67.

Phía trên đầu tảng đá ấy bị mẻ mác đi một miếng ở phía rộng hơn, và phần chữ của mặt bia phía bên kia là gần như hoàn toàn bị mất từ trên xuống cho đến dòng chữ thứ 06. Mặt cạnh phí bên trái của khối bia cũng bị mờ chữ gần hết từ trên xuống dưới cho đến dòng thứ 8. Ở mặt cạnh bên phải, thì chỉ còn lại một số viết chữ lờ mờ mà thôi.

Chữ khắc rất lớn, trùng bình là cao 1 cm, tuy chữ lớn như vậy, nhưng chi tiết của chúng vẫn có một không được rõ ràng, vì lý do mặt đá không được nhẵn. Một số chi tiết chữ được dịch ra sau đay là không thể chụp rõ bằng ảnh, và không thể in rõ bằng thác bản được, nhưng chỉ là mò ra, hoặc chỉ khẳng định bằng cách lấy các ngón tay lần theo những nét đục của các chữ trên mặt khối đá mà thôi. Chỉ có dùng cách đó thì mới có thể nối liền được những đường khúc khuỷu của mặt đá với những đường nét gia công của nét đục sau này.

Như ông Negaigne đã nhấn mạnh thì lối chữ này cũng giống với lối chữ ở những bài minh Rudradâman ở Girnar và bài minh Vâsisshiputra ở Kranheri ở vào thế kỷ thứ II kỷ nguyên Thiên Chúa. Ông ta đánh giá rằng, không có trường hợp có thể cho phép nói rằng niên điểm của khối bia Võ Cạnh là sau thế kỷ thứ ba (III) được.

Thế là vấn đề lâu đời của bài minh thì ai cũng đều công nhận và không còn ai bàn cãi nữa. Nhưng trước đó, thì một số nhà minh học cũng còn có một số ý kiến bàn cãi về cách so sánh của ông Negaigne giữa khối bai nà với một số minh văn ở Ấn Ðộ.

Ông M.R.C Majumdar thì có lưu ý hai chữ ở khối bia Võ Cạnh là khác với những điều ở bài minh Rudradâman và bài minh Vâsisshiputra: một là ở đây không có loại nét ngoắc cong của những cái móc câu theo chiều dọc móc về phái bên trái thường có trong hai loại chữ của hai bài minh văn kia, hai là ở đây không có đường khum ngoảnh về phái trước phía trên đường kẻ dọc của hình chữ L thường có trong 2 bài minh kia. Vả lại, một số nét cá biệt của lối viết trên bia Võ Cạnh lại thấy giống với ở trên những bài minh Kusâna. Do đó, mà ông Rajumdar cho rằng lối chữ viết ấy là thuộc nguồn gốc ở miền Bắc nước Ấn Ðộ.

Ông M.K.A Nilakanta Sastri thì chống lại luận điểm của ông Rajumdar và nhấn mạnh rằng bất cứ trong trường hợp nào cũng có thể kết luận rằng cả người Ấn Ðộ đầu tiên đến ở đất Ấn Ðộ China là nguồn gốc miền Bắc. Rồi ông M.K.A Nilakanta cũng chứng minh một cách đúng đắn rằng lối chữ viết trên bia Võ Cạnh là có trước lối chữ ở những bài minh Bhadravarman và bài minh Mulavarman.

Ý kiến này cũng được ông M. Chhabra đồng ý.

Ông M.D.C Sircar thì lại có ý kiến muốn bảo vệ ý kiến cho rằng bài minh Võ Cạnh là một tác phẩm về sau này mà lâu nay chưa ai nghĩ thế. Tuy vậy những lý lẽ mà ông nêu lên thì lại không có tính chất nghiên cứu cổ tự (Paleographique có nghĩa là cổ tự học tức là môn học nghiên cứu về chữ cổ). Trái lại, ông ta đã dẫn dụng “phướng pháp bảo thủ của cách viết chữ Phạn ở Ấn Ðộ China” để giải thích cái hình thức cũ kỹ mà ông ta đã đưa ra (nghĩa là không sớm hơn nữa đầu thế kỷ thứ IV và có thể là còn muộn hơn nữa kia). Phướng pháp bảo thủ ấy chỉ là giả thiết nhất thời mà thôi. Chứ hiện nay không hề có thể có cứ liệu. Ngược lại thì ông Nergaigne đã nêu lên những kiểu chữ viết ở Ấn Ðộ của thời đại nhiều văn minh nhất thì cũng vẫn được sử dụng ngay ở Ðông Dương trước lúc mà những kiểu chữ ấy mang thêm một số nét đặc thù cá biệt ở từng địa phương và bắt đầu đi theo một con đường tiến triển riêng. Cái phướng pháp bảo thủ giả thiết ấy cũng còn có thể được giả thiết rằng bản thân nó có một sự cắt quảng (gián đoạn) trong quan hệ với nước Ấn Ðộ, nói cách khác thì người ta sẽ không hiểu được rằng chính nó có thể đứng vững trước những thay đổi không ngừng của xứ Ấn Ðộ. Ông Sircar còn đánh hạ bớt cái tính chân thật mà ông đã dùng để so sánh bài minh Võ Cạnh với bài minh Bhadravarman về mặt niên điểm, điều đó chứng tỏ rằng giữa hai bài minh có biểu lộ một sự tiến bộ rõ nét vê lối chữ viết.

Phướng pháp bảo thủ cần thiết để hình dung trong việc giải thích tính chất cổ xưa (P’archafsne) của lối chữ viết trong giả thiết đánh giá hạ thấp niên đại xuống có lẽ cần phải đình chỉ ngay lại một cách đột ngột, nếu cái niên điểm bị kéo xuống thấp hơn. Luận điểm của ông Sircar thì chỉ là đặt căn cứ vào cái việc là bài minh Võ Cạnh của chúng ta là viết bằng chữ Phạn (Sanskrit) và trong đó có những câu theo luật (thơ) Vasantatikala, theo ông thì đó là điều không thể phù hợp với một cái niên điểm lâu hơn, chữ Phạn (Sanskrit), theo ông ta, thì chỉ thay thế lối chữ viết Prâkit trong phần nhiều những bài minh từ hồi thế kỷ thứ VI về sau, và những luật thơ có niên điểm như luật Vasantatilakala thì chỉ được sử dụng phổ biến từ thời kỳ nghệ thuật gupta (ở Ấn Ðộ) mà thôi.

Ông Coedès thì đã đánh bại cái luận điểm ấy, và tìm cách khẳng định tính lâu đời của bài minh của chúng ta bằng cách nêu lên rằng tên nhà vua Crimara được ghi trong bài minh chính là tên của vua Phạm Chế Mân đã được chép trong tài liệu lịch sử Trung Quốc vào khoảng năm 200 sau kỷ nguyên Thiên Chúa.

Ông Sircar cũng đã nhắc lại một lần nữa những điều trần về quan điểm của ông ta, sau này ông Caspardonne thìlại tán thành ý kiến của ông Sircar và đánh đổ cách đối chiếu tên vua Crimara với tên vua Phạm Chế Mân. Ông Kalyan Kimar Sarkar, thì lại công nhận cách đối chiếu của ông Coedès là đúng và đồng thời đập lại luận điểm của ông Sircar bằng cách dẫn dụng các bài minh Ấn Ðộ bằng chữ Sanskrit xuất hiện từ thế kỷ thứ II mà cũng đã được viết bằng hình thức thơ theo luật cổ điển.

Sau này ông Kamakeshmar Thattachaya đã nghiên cứu về cổ tự học (môn học nghiên cứu chữ cổ đại) cũng đã chứng minh rằng bài minh của chúng ta không những gần giống với bài minh Rudradaman ở Gujra (Ấn Ðộ) mà còn gần giống vối những bài minh Nagarjunakonda. Ðiều đó nói lên là lối chữ viết Võ Cạnh không cần phải tìm nguồn gốc ở miền Bắc Ấn Ðộ, và theo ông này thì nó thuộc vào niên điểm thế kỷ thứ III sau công nguyên và có mang truyền thống của cách viết miền Nam Ấn Ðộ. Có một sự khác biệt hết sức rõ ràng giữa bia Võ Cạnh và bia Nagarjunakonda. Vì rằng trong lối viết của nài minh Nagarjunakonda có những cái móc dọc dài có đường khum lớn về phía trên bên trái xuất phát từ phía dưới dòng đi lên. Bởi vậy, theo ý chúng tôi, thì lối chữ viết ở bia Võ Cạnh là giống với lối chữ ở các bài minh ở phía Tây Ấn Ðộ như ông Nergaigne đã so sánh.

Ngoài ra, chúng tôiý kiến là những nét giống nhau mà ông Nergaigne nêu lên là có tính cách quyết định về vấn đề niên đại của khối bia Võ Cạnh, nó phù hợp với niên đại của những bài minh ở Ấn Ðộ có kiểu chữ và lời văn giống với nó. Nhưng nó lại không quyết định về cái mặt nguồn gốc của lối chữ được du nhập vào Ðông Dương và nguồn gốc của những con người mang cái lối chữ viết ấy sang nữa. Ðúng ra thì lối chữ Junâgahd tức là lối chữ ở trên bia Rudradaman và lối chữ Kanderi tức là lối chữ ở trên bia Vasisthiputra là những lối chữ và những biểu hiện về cách viết các biệt ở từng địa phương là không rõ rệt và cũng không chắc chắn. Những lối chữ ở các bài minh cổ nhất ở miền Nam Ấn Ðộ là còn thuộc về một kiểu chữ Asoka từ miền Tây Bắc xuống cho đến miền Maisâr. Trong những thế kỷ sau thời vua Asoka, thì trong toàn cõi nước Ấn Ðộ, phướng pháp bảo thủ được tôn trọng. Ở đây, điều dó được chứng minh và những nét đặc thù mới xuất hiện thì đều không phải chỉ riêng cho chúng thỉnh thoảng ở xa những địa phương và những thời điểm mà người ta thấy chúng xuất hiện đầu tiên, vì những kiểu chữ viết không phải luôn luôn gắn bó một cách chặt chẽ với bước đường đi (hành trình) đều đặn và với những bước tiến hóa về mặt thời điểm của nó.

Ðó là lý do khiến cho ông M. Majumdar có thể so sánh một cách dễ dàng bài minh Võ Cạnh với những bài minh Kusana ở miền Bắc cũng như ông Nergaigne đã so sánh nó với bài minh Mahaksatrapa ở miền Tây nước Ấn Ðộ tức là bài minh Rudradaman. Nhưng mà những chi tiết được ông M. Majumdar dẫn dụng và coi là có ý nghĩa hơn cả thì lại không phải là tất cả đều thế. Ví dụ sự thiếu mặt của những nét cong phía dưới của những cái móc ngược sang phái bên trái không phải là đặc trưng của lối viết cổ kinh của lối viết Kusana. Cái nét khum nói trên đây thì cũng vắng mặt (không có) ở cả những bài minh ở Tonigala trên đất Ceylan khắc vào hồi năm 88 và năm 76 trước kỷ nguyên Thiên Chúa, cũng như vắng mặt cả ở những bài minh Tamoules trong các hang động và trên các khí vật bằng đất nung trong thời kỳ trước hoặc sau kỷ nguyên Thiên Chúa ít nhiều, và vắng mặt ngay cả ở những bài minh Alahabad nói về nhà vua Samudragupta (cuối thế kỷ thứ IV sau kỷ nguyên Thiên Chúa).

Còn về những luận điểm của ông Sircar về vấn đề sử dụng tiếng Phạn Sanskrit cùng với nhiều niêm luật cổ điển về thơ trong minh văn, thì đều không đứng vững như các ông Coedès, ông K.K Sarkar và ông K. Bhattacharya đã nêu rõ. Hơn nữa, ông ta không hiểu về việc nhất thiết phải sử dụng chữ Sanskrit để làm ngôn ngữ chung trong quan hệ giữa các miền khác nhau trong nước Ấn Ðộ và giữa người Ấn Ðộ với người nước ngoài. Ở Ấn Ðộ, trong thời kỳ đầu tiên của kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, chính là thời kỳ mà chữ Sanskrit đang bắt đâu thay thế lối chữ Prakrits trong các bài minh chính thức, trong lúc đó thì chữ Sanskrit hoặc là được dùng xen vào hoặc được pha trộn vào với các hình thức của chữ Prakrits, vì thế trong thời kỳ này, hiện tượng pha trộn ấy cũng sản sinh ra trong văn học Phật giáo, trước khi sử dụng một cách phổ biến chữ Sanskrit trong các sách vở Phật giáo sau này (ngoại trừ trong lĩnh vực của truyền thuyết bằng chữ Pâli ở bộ kinh Théravada), do đó mà đẻ ra trong nhất thời một thứ chữ Sanskrit lai căng của Phật giáo. Ông Egerton, trong một tác phẩm thú vị nghiên cứu về lối chữ Sanskrit ấy của Phật giáo, đã không đếm xỉa đến cái chữ Sansrit lai căng trong minh văn học và ngoài Phật giáo, ông ta đã nêu giả thiết rằng cuộc Phạn hóa (sau Skritisation) từng bước của những văn bản Phật giáo ở miền Trung Ấn có lẽ là kết quả của một sự tìm kiếm về uy tín. Nhưng giả thuyết ấy là không phù hợp với sự thật. Thử hỏi liệu một thứ chữ Sanskrit không đúng đắn có thể gây được uy tín cho nó trong một cái xứ sở của một nền Phạn ngữ dùng theo đúng văn phạm mà ở mọi nơi đều thông thạo, đều được học và đều được tinh thông bởi một lớp các nhà nho học vấn uyên thâm? Nếu ở trong cái thời kỳ đó, mà giá phỏng có sự đòi hỏi cần thiết phải viết ra những văn bản Phật giáo bằng chữ Sanskrit thật đúng mực, thì đó là một việc không có gì là khó khăn cả. Vậy thì lẽ dĩ nhiên trong trường hợp mà các chữ Sanskrit ngày càng trở thành không thống nhất với nhau và ngày càng trở thành không dung hòa với nhau được, thì chữ Sanskrit ắt được trở thành một thứ ngôn ngữ chung. Trước khi sử dụng tiếng Ba Tư, rồi đến tiếng Anh, thì chữ Sanskrit. Tuy không phải là tiếng nói của tất cả, nhưng vẫn trở thành một thứ tiếng của mọi ngườihọc thức và ở khắp mọi nơi trong nước Ấn Ðộ, dưới một hình thức chung, nó được dùng trong nền giáo dục truyền thống. Ngay trong việc sử dụng thông thường trong quan hệ giữa nước này và nước khác trong khu vực Ấn Ðộ Aryen, muốn được hiểu nhau một cách thông suốt người ta cũng chọn lấy tiếng Sanskrit làm thông dụng. Nhưng trong việc sử dụng thông thường đó, thì những hình thức quen thuộc của vùng Trung Ấn tấ nhiên phải trở thành pha trộn với những hình thức Phạn ngữ cổ điển ngay trong ngôn ngữ của những lớp người chưa thật sự đoạn tuyệt dứt khoát với nó (tức là với Phạn ngữ cổ điển). Còn về những văn bản lai căng mà tính chất văn học thường được bổi bật hẳn lên, thì nó lại trở thành tiêu biểu cho cụoc văn học hóa của cái lai căng nhật dụng (thông thường, dùng hàng ngày), nó không phải là một tác phẩm văn học giả tạo về mặt uy tín không được suy xét kỹ có thể không phù hợp với một thứ tiếng nói được sử dụng thực tế các mối quan hệ thông thường, cũng có htể không phải là ngôn ngữ cổ điển trong nền giáo dục.

Ở vùng của giống người Dravidiens (miền Nam Ấn Ðộ), thì ngoài cái truyền thống minh văn học theo lối chữ Prakrisr bắt đầu với các bài minh từ thời Asoka đến thời Maisur và tồn tại mãi cho đến ngày chữ Sanskrit đến nay thế chữ Prakrist dưới triều đại hộ Pallaava, thì những minh văn cũ nhất đều là bằng chữ Tamoule. Chữ Sanskrit và Tamoul hoặc Sanskrit lai với tiếng Malayalam như tiếng Manippiravalam chẳng hạn, nhưng đó chỉ là một thứ thổ âm có tính chất kỹ thuật (nghề nghiệp) chủ yếu là thứ tiếng Vaisnava thuộc thời kỳ muộn sau này, thì nhường chỉ dùng trong các giới nhà nho thông thạo cả hai thứ tiếng mà thôi, và nó không thể được coi như giống chữ Phạn lai của những thế kỷ đầu kỷ nguyên Thiên Chúa giáo.

Ngoài nước Ấn Ðộ ra, thì nếu nơi nào có nhiều bài minh bằng chữ Ấn Ðộ thì là bằng chữ Sanskrit cổ xưa. Ngoài những bài minh bằng tiếng địa phương được xuất hiện về sau này thì thường chỉ gặp có môt loại khác là chữ Tamoul mà thôi, nhưng phải là thời kỳ còn muộn hơn nữa. Chưa bao giờ chúng tôi bắt gặp được những bài minh bằng chữ Phạn Sanskrit lai cả, hoặc bằng chữ Prakrist (ngoại trừ ở vùng Trung Á thì chữ Prakrist đã xuất hiện từ những thế kỷ đầu kỷ nguyên Thiên Chúa giáo và đã trở thành một thứ tiếng nói địa phương rồi). Tất cả mọi chứng cứ trên đây đều đã rõ ràng. Giá phỏng như chữ Sanskrit chỉ là một sự Phạn hóa (Sanskritisation) của chữ Prakist thông thường để đi đến một thứ tiếng nói chung của toàn nước Ấn Ðộ. Vậy thì điều thấy được rõ ràng là thứ tiếng nó không thể xuất hiện một cách bình thường cả ở các vùng của giống người Pravidiens không có sẵn một thứ chữ Prakist thông thường, và cũng không thể xuất hiện được ở những nơi xa lạ chẳng hề nói một thứ tiếng nào trong nước Ấn Ðộ cả. Ở Ðông Dương và ở Nam Dương thì ảnh hưởng của Ấn Ðộ là do người Ấn Ðộ ở nhiều địa phương khác nhau trong nước Ấn Ðộ mang đến, những người Ấn Ðộ đó có thể nói nhiều thứ tiếng khác nhau, tiếng Dravidien tiếng Indo-Aryen crh hạn, thì cái ngữ ngôn có thể là chung cho những người Ấn Ðộ phải là tiếng Phạn ngữ Sanskrit. Họ dùng Phạn ngữ một cách rộng rãi, và không hề dùng một thứ tiếng nào khác. Và những người dân bản xứ của những nước chịu ảnh hưởng Ấn Ðộ cũng chỉ biết dùng chữ Phạn Sansskrit trước khi chữ Pali được du nhập. Bài minh Võ Cạnh sẽ cho chúng ta một tỷ dụ về việc biểu hiện bằng chữ Sanskrit của một cái mà người ta chỉ có thể giải thích bằng một nguồn gốc Tamoul mà thôi.

Về một bản chất của nó, thì việc nghiên cứu bài minh sẽ cùng dẫn cho chúng ta thấy rằng nó do có tính chất Phật giáo như ông Finot đã gán cho nó và lâu nay đã được mọi người nói chung đều công nhận.

Dưới dây, chúng tôi sẽ trước tiên giới thiệu nguyên văn bài minh mà chúng tôi đọc đường. Ngoài việc giới thiệu các bức ảnh về nó, chúng tôi còn giới thiệu bằng các thác bản (bản tập).

Năm 1954. chúng tôi cũng đã được quan sát tận mắt khối bia bằng đá và sờ bằng ngón tay những nét khắc của bài minh như chúng tôi đã nói trên kia.

Từ dòng thứ 1 đến dòng thứ 5 bị mòn.

Dòng thứ 6:... phổ độ chúng sinh...

Dòng thứ 7:... đặt để... cho cuộc khải hoàn đầu tiên

Dòng thứ 8:... Ðêm rằm sáng giăng... Ðêm giăng tròn, tổ chức thành lập cuộc nhóm họp do đức hoàng đế lòng tốt lòng lành triệu tập...

Dòng thứ 9: ... Cùng với các nhà truyền giáo, thật là một nhịp để uống lấy hàng trăm lời huấn thị của đức hoàng đế. Cùng với cả hoàng giahoàng tộc của đức vua Srimara.

Dòng thứ 10:... vì sự tô điểm... vì cái con người là niềm vui của gia đình và nàng con gái của người đích tôn của hoàng thượng Srimara... đã được hạ chiếu (như hạ lệnh)... đẻ ra các người thân thuộc...

Dòng thứ 11: ... ở chính giữa... việc ban lệnh này đưa lại hạnh phúc cho muôn loài do vị Karin tốt lành nhất (tức là nhà vua) ban cho... đi về về trên thế giới này...

Dòng thứ 12:... Những người được ngồi trên ngôi vua... bởi tấm lòng muốn chia đều của cải cho con cái anh em, và con cháu sau này.

Dòng 13: Tất cả mọi thứ gì là bạc, là vàng, người người hầu, là của cải vật chất trong kho...

Dòng 14:... Tất cả những thứ đó đều do tự tôi giao lại với lòng vui vẻ và có ích lợi. Ðó là cái mà tự tôi cho phép và tự các nhà vua sau này cho phép.

Dòng 15:... là đã chuẩn y... được sự chứng giám của vị quan tư lễ của tôi là Vira (quan tư lễ tức là Ministre, là một vị quan chuyên lo về các việc thờ cúng của nhà vua, là một vị chức sắc khá lớn trong tôn giáo Ấn Ðộ được ở luôn bên cạnh nhà vua để giúp vua làm lễ và thay các vị thần linh của tôn giáo Ấn Ðộ để chứng giám các buổi lễ của nhà vua).

Bề mặt bên phải của khối đá hết sức bị xói mòn, thì chỉ còn lại một vài dấu vết của chữ khắc trên 3 dòng chồng lên nhau có thể đọc “Sa, Stho marre”. Còn một số dấu vết khác thì càng không rõ hơn nữa, nhưng cũng chứng tỏ hình như những bài minh còn khắc sáng cả bên mặt này nữa. Ðó là điều khiến cho ông M. Jacques đoán rằng khối bia này đã được khắc ở cả bốn mặt do đó mà có cái bài viết sau này của ông ta. Người ta có thể phản đối lại rằng bài minh hình như vẫn được tiếp tục không có sự cách quảng từ dòng 14 đến dòng 15, ở hai dòng đó người ta chỉ cần điền vào chữ raja (bhi) r là đủ, nhưng cách phản đối như vậy không có tính cách quyết định và nếu như người ta không chịu thừa nhận rằng nguyên lúc đầu minh văn được khắc ít nhấtmặt phải theo chiều ngang, thì người ta không thể nào giải thích được tại sao ở trên đó lại có dấu vết chữ thuộc cùng một loại văn tự với nhau so với văn tự ở những mặt khác.

Dù sao thì bài minh cũng bị sứt mẻ nhiều quá, cho nên không thể đọc được một cách đầy đủ nội dung của nó. Những phần còn lại được bảo quản, cũng có mang lại một số donnés có ý nghĩa.

Ông Finot đã lầm tưởng đây là chứng cớ của một bài minh Phật giáo. Ông đã phát biểu rằng: cái ý nghĩa của tính không ổn định của cáci “luân hồi” (le va et vient) của cái thế giới này, cái lòng từ bi đối với chúng sinh, sự hy sinh mọi thứ của cải để phân phát cho người khác, nhưng nét dùng để nói lên đặc tính của người con của nhà vua Crimara đều là mang một sắc thái rõ ràngPhật giáo rồi, để khỏi phải kết luận rằng nhà vua ấy đang truyền bá cái thuyết của đức Phật đại từ đại bi. Thực ra thì các nhà vua theo đạo Bàlamôn cũng cúng hiến nhiều tiền của vào các đền đài. Những nhà vua này không hề có cái ý nghĩ rằng sau khi có đủ tiền của dùng cho yêu cầu của gai đình vợ con rồi, thì còn phải lấy phần còn lại phân phát cho các chúng sinh nói chung. Tinh thần của đại đế Asoka vẫn còn được sống lại trong các bản chiếu chỉ đó vào ngày rằm sáng giăng, một trong hai ngày lễ hàng tháng của đạo Phật, cũng vẫn không đủ để chứng minh cho cái giả thuyết ấy của ông Finot.

Ðến năm 1955. ông M. Kalyan Kumar cũng phát biểu cùng một ý kiến như thế và có nói thêm rằng phải quy kết đó là một nhà vua nào đó có một cái tên mang ý nghĩa Phật giáo như (Sri Nara như Raja-Nula). Thực ra thì càng có cái tên ấy lại càng không phải tín đồ Phật giáo, vì rằng chữ Nara là của một thằng quỷ sứ trong đạo Phật bị Ðức Ðức Phật đánh bại, thử hỏi nếu là một ông vua theo đạo Phật sao lại mang tên như vậy? Ông M.K Thattacharya đã lưu ý một cách đúng đắn vào năm 1961 rằng cái giả thuyết của ông Finot dựa vào những luận cứ quá yếu ớt.

Thực ra thì không có một luận cứ nào của ông Finot còn có thể được nhắc lại cho đến bây giờ. Cái từ “lokasyasya gatagalim” là một từ ở kinh Ramayanaz, và theo như lời của Râma, thì gatagati có nghĩa là sự đi về thế giới bên kia, và sự trở lại thế giới bên này. Lòng từ bi (Karuna) đối với chúng sinh thì chính là một điều răn của đạo Bàlamôn và trong cái thời có mối quan hệ giữa Ấn Ðộ và các nước Ðông Dương, thì những nhà Bàlamôn ở miền Nam nước Ấn Ðộ cũng công nhận rằng lòng từ bi đối với chúng sinh (phổ độ chúng sinh) là một trong những ân đức của thần Siva đối với muôn loài. Việc cúng hiến tất cả các thứ của cải, theo như ông M.F. Chhabra nói như đã ghi trong bài minh, chẳng qua cũng chỉ là một thứ lễ trong tôn giáo Ấn Ðộ mà thôi, chứ có phải đâu là ở đạo Phật mới có. Theo ông Kalidasa thì cái thứ lễ mà người ta dâng nộp tất cả mọi thứ của cải cũng giống như là ông M. Chhabra đã nêu lên vậy. Nhưng nếu như điều đó đủ để chứng minh rằng không phải chỉ có những người theo đạo Phật thì mới có những hành động phóng xá như vậy, thì cũng không nhất thiết phải thấy trong sự chỉ dẫn của bài minh võ Cạnh của chúng ta như ông M. Chhabra đã nói, chứng cớ của một cuộc cúng hiến theo lễ Bàlamôn chính cống thường làm ở những nơi hải ngoại. Văn học Tamoula không phải thuộc môn phái Vê-da (non védisant) và còn mang ít sắc thái Phật giáo cũng chứng minh những điều đó trong những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Thiên Chúa.

Bộ kinh Tolkappiyan trong phần nói về thơ ca, có kể ra những hành động khác nhau, trong đó có những hành động mà nó cung hiến tiếng tăm cho người ta (sự hào phóng về tiếng tăm của một thứ danh vọng vô ngần) và “sự khước từ danh vọng” được cộng vào với tấm lòng đại từ đại bi.

Và cũng nhờ sử dụng văn từ Tamoul, mà người ta có thể hiểu được cái tên của nhà vua Srimara. Chữ Mara có nghĩa là chết, thường có mặt ở nhiều tên vua bằng chữ Sanskrist, nhưng không phải là nó đứng tách rời một mình, ví dụ nó ghép vào từ Para để thành chữ tên Paramara “có nghĩa là con người đã chết cho kẻ thù của mình” nghĩa là tương xứng với chữ Parantaza. Còn chữ Srimara thì lại không có nghĩa là “con người đã chết vì của cải” và cũng không có nghĩa là của cải (giàu có) đã chết. Chữ MARAN là một chữ Tamoul để chỉ một cái danh hiệu thông thường về nhà vua Pandya ở Naturai và chính cái danh hiệu ấy chúng ta cần nhận rằng nếu phiên dịch ra chữ Phạn thì là Srimara vậy. Tiếng Sanskrist thì không thể phân biệt được giữa hia chữ “r” của tiếng Tamoul, vì nó không có chữ nào có âm thanh tương xứng với chữ Ra của tiếng Tamoul, cho nên nó không thể nào phiên âm được chữ Maran ngoài cách phiên nó bằng Mara. Cái danh hiệu MARAN cho các nhà vua Pandya là đã từng được dùng trong văn học Tamoul trong những thế kỷ đầu kỷ nguyên Thiên Chúa giáo đồng thời với niên điểm của bài minh Võ Cạnh, đại để như trong chữ Turanamuru chẳng hạn. Trong triều đại lịch sử Pandya, thì về thời kỳ cuối tức là từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ X có 4 nhà vua lấy tên là Maravarman và một nhà vua lấy tên là Sri Mara Srivallabha (815-862) viết theo tên bằng chữ Sanskrist.

Bài minh Võ Cạnh cho chúng ta biết rằng truyền thống Ấn Ðộ giáo chứ không phải là Phật giáo miền Nam nước Ấn đã được thâm nhập sang đến tận vùng ven biển phía Ðông xứ Ðông Dương ngay từ những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Thiên Chúa. Có những tư liệu Trung Quốc, chưa rõ ràng cho lắm, cho rằng nhà vua Srimara đã tại vị ngay từ trước thời kỳ có bài minh Võ Cạnh, mặc dù những tư liệu đó chưa được thật sự vững chắc. Trong bài minh có nói “cái con người là niềm vui của gia đình của người con gái của cháu đích tôn nhà vua Srimara”, như vậy con người này có nghĩa là một người cháu tương đối xa của nhà vua Srimara vì rằng người ấy chỉ là niềm vui của gia đình mà thôi. Vậy thì cũng chưa hẳn đã phải là con giai của người cháu gái của nhà vua Srimara, người này chỉ là niềm vui của gia đình của người cháu gái nhà vua mà thôi. Do đó người ta cũng có thể tự đặt cho mình câu hỏi là đã chắc gì nhà vua Srimara đã là tại vị vào lúc mà người cháu của ông ta cho khắc bài minh vào khối bia và biết đâu chính ông ta lại là một nhà vua của triều đại Pandya như cái danh hiệu MARAN đã nói lên, và chỉ con cháu của ông ta lúc sang làm vua ở cái xứ sở mới này rồi nhắc đến tên của ông ta lúc sang làm vua ở cái xứ sở mới này rồi nhắc đến tên của một truyền thống của triều đại Pandya trong khi đang làm vua ở một nơi trên bán đảo Ðông Dương(32)

 

 

TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH

 

Sau năm 1975, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh (10-1975). Huyện Cam Ranh được thành lập, Huyện Khánh Ninh gồm Ninh Hòa, Vạn Ninh. Huyện Khánh Xương gồm Vĩnh Xương (7 xã) và Diên Khánh. Các xã thuộc huyện Khánh Dương nhập về tỉnh Ðăk Lăk.

Năm 1977, 7 xã thuộc huyện Vĩnh Xương trước đã nhập vào Khánh Xương được tách rời để nhập vào thành phố Nha Trang, Diên Khánh trở lại huyện cũ.

- Năm 1979, huyện Khánh Ninh lại tách ra 2 huyện cũ là Ninh Hòa và Vạn Ninh.

- Năm 1985 huyện Cam Ranh tách ra thành hai huyện: Khánh Sơn và Cam Ranh; huyện Diên Khánh lại tách thêm thêm thành 2 huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh.

- Năm 1982 (tháng 12) quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phú Khánh (trước 1945 thuộc tỉnh Bà Rịa, sau 1954 thuộc tỉnh Phước Tuy, 1982 thuộc tỉnh Ðồng Nai)

- Năm 1989 tỉnh Phú Khánh được tách ra 2 tỉnh như cũ: Phú Yên và Khánh Hòa (1-7-1989).

Ngày nay, tỉnh Khánh Hòa gồm 7 huyện (Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Cam Ranh, Khánh Sơn, Trường Sa) và thành phố Nha Trang.

Toàn tỉnh gồm 6 thị trấn, 17 phường, và 105 xã với dân số 818.863 (tính đến 1-4-1989).

Diện tích gồm 4.626 km2 trên đất liền và 180.00 km2 trên mặt biển.

(Theo tư liệu trong tập Quê Hương Khánh Hòa - 1990)

 

 

THEO DẤU CHÂN BÁC SỸ YERSIN LÊN ÐỈNH HÒN BÀ

MAI LĨNH

 

Từ Nha Trang theo Quốc lộ 1A vào phía Nam chứng 20 km, rẽ về hướng Tây đi ven theo dòng suối Dầu lên hướng thượng nguồn. Cũng con suối ấy nhưng mỗi đoạn được gọi tên khác: Suối Lau, suối Ðá Giăng, suối Ðá Hàn... Nhiều năm qua do việc khai thác gỗ và phá rừng trồng cây công nghiệp kể cả được phép và trái phép - các loại xe tải nặng đã làm vỡ, sập nhiều cống được xây dựng từ năm 1917, nhất là đoạn từ dốc “3 cua” đến suối Cá. Năm 1989, tên đoạn đường ấy chúng tôi đếm được gần 20 cửa cống thoát nước băng qua đường; cầu Ðá Hàn còn nguyên vẹn dù phải chịu tải quá sức thiết kế từ hơn 70 năm trước, nhưng rồi cũng không chịu nổi.

Từ cầu Suối Cá đi lên, con đường của bác sĩ Yersin vòng vèo, dzích dzắc hình “chữ chi” dựa vào sườn núi. Mặt đường đất rộng chừng 2 mét. Ở nhiều chỗ cua gấp khúc “cánh chỏ”, vách ta-luy đất núi vẫn nguyên vẹn. Con đường bỏ phế hơn nửa thế kỷ, nhưng các loại cây mọc rải rác giữa lòng đường rất nhỏ, chiều cao chừng hơn 2 mét, đường kính không quá 5 cm; không hề có dấu tích gốc cây lớn giữa đường bị chặt hạ. Hai bên đường, cây lớn nhỏ đủ loại chen nhau. Khu rừng này có nhiều loại cay gỗ như sến, tô hạp, quế, dó, tùng, trắc bá diệp... Loại cây có gốc chừng 2 người ôm rất ít, kể cả những chỗ chưa bị khai thác. Cây dó khá nhiều, nhưng dân tìm trầm lùng sục đào tận gốc, hiện chỉ có cây trên dưới 15 năm tuổi. Ðể rút ngắn thời gian đến đích, chúng tôi chỉ theo con đường của bác sĩ Yersin vài đoạn rồi cắt đường tắt, leo vách ta-luy băng ngang đường lên đỉnh núi. Có 2 lối đi lên: từ cầu Suối Cá đường ngắn hơn, nhưng nguy hiểm hơn; từ cầu Ðá Hàn đi đường vòng vèo đỡ dốc. Nhưng đi lối nào cũng phải trèo những dốc đứng sững liên tục, người ở trên tuột chân sẽ kéo theo cả nhóm lăn xuống; hoặc đi trên đường “lưng ngựa”, hai bên là vực sâu hun hút.

Một số tài liệu ghi rằng khu rừng này có rất nhiều khỉ và không có voi. Nhưng trong chuyến đi năm 1989, chúng tôi gặp nhiều đống phân voi đã khô vẫn còn nguyên vẹn. Trong cả hai chuyên đi, mỗi chuyến 3 ngày, 2 đêm - chúng tôi không hề thấy con khỉ nào hay dấu hiệu có heo rừng, thú dữ... nhưng muỗi vắt rất nhiều. Từ độ cao hơn 1.200 mét, suốt bốn mùa ẩm ướt, mưa nhiều, hơi đá tỏa ra lạnh buốt. Ðêm xuống, đốt lửa quanh lán chịu khói cay mắt vì củi ướt, chúng tôi vẫn không chịu nổi cái rét nếu không nhờ rượu mạnh và thuốc lá dù đã quấn kín người. Giữa tiếng côn trùng rả rích, nổi lên chói tai tiếng chim gõ kiến phá tan không khí tĩnh mịch nặng nề của đêm rừng Hòn Bà.

Dựa theo các tài liệu, bản vẻ cũ, chúng tôi phát cỏ tranh tìm ra 2 nền nhà chính xây đá chẻ còn nguyên vẹn những bậc tam cấp, bồn hoa, hệ thống hầm chứa nước sạch và vị trí đặt ăng-ten vô tuyến điện trên một tảng đá to lớn có bề mặt bằng phẳng. Nhà ở đây đều dùng toàn gỗ nên đã hư hỏng hoàn toàn.

Theo truyền thuyết, Hòn Bà là hành cung của Thiên Y A Na Thánh mẫu, vào những đêm thánh mẫu giá lâm, trên núi có hào quang tỏa sáng. Tuy nhiên, truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết. Sự lạ có thật nơi đây là một cái mội nước (vũng nhỏ) giữa lưng chừng khe núi phía sau khu nhà của bác sĩ Yersin. Cái mội này quanh năm có nước, ước chỉ chừng 50 lít; nhưng múc đến đâu lại đầy đến đó, không cạn hơn cũng chẳng đầy hơn. Ngoài nước mưa, Trạm quan trắc Hòn Bà có đủ nước dùng nhờ bơm từ mội nước ấy.

Sáng sớm tinh mơ, vừng đông rực rỡ lan tỏa nhuốm hồng màn sương. Thoáng chốc sương tan, những tia nắng rẻ quạt xuyên mây tạo nên cảnh trí kỳ vĩ tuyệt vời. Từ trên điểm cao nhìn xuống, mặt biển trong vịnh Cam Ranh, vịnh Nha Trang lấp lánh, lung linh. Trời quang, có thể nhìn rõ núi, đảo quanh vịnh Nha Trang, xa xa là núi mẹ bồng con thuộc địa phận M’Drăc (Dăklăk). Dùng ống nhòm có thể thấy những cao ốc, lô cốt ở bến thuyền du lịch Cầu Ðá ở Nha Trang. Dạo quanh một vòng trước khi tạm biệt Hòn Bà, cảm giác lâng lâng ngập tràn khi chúng tôi nhặt được một chậu gốm trồng phong lan trong đám cỏ tranh trên nền nhà cũ. Kỷ vật nằm đây, người xưa không còn. Di tích Hòn Bà liệu có còn ai lui tới?

 

 

BIA THÁP PÔ-NA-GA CỦA PHAN THANH GIẢN

 

“Pô Ino Nagar là vị thần tạo lập trái đất, các hương thơm quý giá, cây gỗ trầm, nên một hôm trong lúc tế trời, Nữ thần tung lên không trung một hạt lúa có cánh, trắng như mây. Ân huệ của Nữ thần thật vô vàn. Phước đức của Nữ thần ở khắp mọi nơi. Nhớ công ơn Nữ thần, người Chàm xây một ngọn tháp để thờ ở Yjatran (Nha Trang).

“Ngày xưa, nữ thần Po Nagar do trời sai xuống, tạo ra trái đất, trầm hương vào lúa. Hương mộc và kỳ nam, tượng trưng cho sự linh hiển của Nữ thần. Nữ thần làm tỏa ra hương lúa, cổ võ trồng cây bồ đề. Những ai mỗi khi têm côi trầu hay thưởng thức hương vị lúa gạo đều phải sắm sửa quả phẩm thành bánh dâng lên Nữ thần.”

Về sự tích nữ thần, có một bản ghi chép bằng chữ Hán khắc ở trên bia dựng tại phía Bắc tháp Pô Nagar (Thiên Y A Na) do nhà thi sĩ Phan Thanh Giản, bấy giờ làm Ðại học sĩ bộ Lễ dưới triều Tự Ðức, đã viết vào năm 1857, dịch theo nguyên văn sau đây:

“Trong thiên hạ, những chỗ sầm uất lâu đời hay có những sự tích ly kỳ, người ta chép vào sử truyền lại vì thấy có ích cho nước, cho dân.

Xem như chuyện Lạc-già Quan Thế Âm và Lâm Thiện Hậu ở Việt Dương toàn là chuyện lạ thường nên vẫn được lưu sử; cũng như sự tích Liễu Hạnh công chúa giáng sinh ở Nam Ðịnh, những khi hiển ứng đều có ghi lại thành dã sử.

Miền Nam nước ta sống trong cảnh mưa thuận gió hòa, thuần phong mỹ tục. Phần đất của con cháu Hồng Lạc tuy đất hẹp dân ít, song lại là nơi dân cư được thần linh ủng hộ cho nên được no ấm đầy đủ và xem xứ mình như một cảnh Bồng Laithế gian.

Cách trở với Trung Quốc, việc giao thông không thuận tiện nên cuộc bang giao khó khăn.

Vì không có sử sách để kê cứu, tôi không biết sự tích của Thiên Y Thánh mẫu cho tường tận, chính lúc đi qua Khánh Hòa, là nơi nguồn gốc của Thánh mẫu, được nghe các bậc bô lão kể lại và đã đọc dã sử, cũng chỉ biết được sơ lược mà thôi.

Người ta nói: “Bà Thiên Y giáng sinh ở núi Ðại An (cạnh núi Cù Huỳnh) thuộc làng Ðại An, tỉnh Khánh Hòa, mé ngoài có biển bao bọc, sơn thanh thủy tú, chính là nơi di cảnh của thần tiên. Nơi ấy có đôi vợ chồng già không có con, nhà ở dưới chân núi ngày ngày trồng dưa độ nhật. Dưa chín thì hay mất quả, hai vợ chồng lấy làm lạ, mới rình bắt được một nàng độ hơn mười tuổi hái trộm dưa chơi dưới trăng. Thấy nàng còn bé, vẻ mặt dễ thương, sống trong cảnh côi cút, hai vợ chồng mới thuận đem nàng về nuôi, thường vẫn nâng niu âu yếm chẳng khác gì con ruột.

Một ngày kia trời làm lụt, cảnh vật buồn tênh, nàng mới sực nhớ đến Tam Ðảo, một cảnh thần tiên cũ, liền hái hoa quả, chọn đá xây một hòn giả sơn để ngắm; ông già thấy vậy nổi giận mắng nàng. Trong khi đang hối hận buồn rầu, gặp lúc hồng thủy trôi nổi cây kỳ nam đến, nàng bèn biến thân vào khúc gỗ kia, mặc cho dòng nước cuốn ra biển rồi trôi dạt vào bờ Bắc Hải (Trung Quốc). Dân cư ở đó lấy, nhưng quá nặng không khiêng nổi. Lúc ấy có một vị Thái tử Trung Hoa, tuổi chừng hai mươi đang buồn rầu vì đã từng trèo non lặn suối mà chưa tìm được một ý trung nhân, nghe tin ấy liền lấy xe đi đến bờ bể, tự mình đỡ cây kỳ nam, đưa vào nội điện, thường hay vỗ về khi nhàn rỗi. Một đêm trăng, hương thơm ngào ngạt, Thái tử trông thấy bên cạnh cây kỳ nam một bóng người khi ẩn khi hiện. Thái tử lấy làm lạ đến gần thì bóng người kia lại biến đi. Một đêm kia trong khi thiên hạ đang say đắm giấc nồng, Thái tử lén ra đó chờ một hồi lâu, khi bóng mỹ nhân hiển hiện thì ông ta ồm choàng lấy ngay, không tránh được, nàng phải bày tỏ sự tình. Sáng hôm sau nửa mừng nửa lo, Thái tử vào tâu với Phụ hoàng, vua cha ngạc nhiên, truyền bói một quẻ, gặp quẻ đại cát, bèn cho thái tử kết hôn với nàng.

Hai vợ chồng thái tửvới nhau đã lâu sinh hạ được một hoàng nam tên là Tri và một công chúa tên là Quý. Nhưng một ngày kai nàng nhớ quê cũ mới đem hai con đi, lại biến thân vào gỗ trầm, mặc cho dòng nước xuôi về Nam, đến chân núi Cù Huỳnh, tìm lại ngôi nhà xưa ở mé núi. Cảnh vật đổi dời, song thân đã khuất, từ thì Bà ở lại, sửa sang vườn tược, lập nhà thờ phụng cha mẹ. Dân trong vùng dại dột không biết tìm kế sinh nhai hay hại lẫn nhau, bà mới đặt ra lễ phép dạy dân làm ân, cách sinh dưỡng rồi sau khi cho chạm tượng của Bà để lại ở chóp núi, Bà cởi chim loan lên tiên giới một ban mai.

Bên Bắc triều, thấy người yêu đi không trở lại, Thái tử cho người chèo thuyền đi tìm. Khi gần tới nơi, thủy thủ tỏ vẻ hống hách, dọa nặt dân trong vùng, và không biết kính cẩn tượng thần Bà, nên bị trời phạt, thổi một trận cuồng phong đánh đắm thuyền ấy ở cửa biển Ðại An. Ngày nay nơi đó nổi lên một gò đá khắc chữ “khoa đẫu” (chữ Hời) xem khó hiểu, và từ hồi ấy trở đi, trên cù lao Yến thường có thần hiển linh, cứu nhân độ thế, cầu xin gì cũng được, nên dân trong vùng khắp xa gần đều thiết bàn thờ thờ phụng Ngài.

Trên núi Cù lao kia có một ngọn tháp cao sáu trượng thờ ngài Thiên Y, bên hữu một cái tháp nhỏ cao hai trượng thờ Thái Tử, đằng sau một nhà nhỏ thờ hai con Ngài, bên tả một nhà nhỏ thờ song thân. Trước mặt tháp có dựng một cái bia đá viết chữ Hời như ta thấy trên hòn đá án ngữ ngoài cửa biển. Trong vườn của Ngài, hoa quả vẫn tốt tươi, khách ngoạn cảnh có thể hái và tha hồ ăn tại chỗ. Hàng năm đến kỳ tế lễ, sơn thú và hải ngư về chầu ở cửa điện và người xưa thường kính cẩn gọi Ngài là Thiên Y A Na Ðiện Bà Chúa Ngọc Thanh Phi.

Triều vua Nguyễn đã phong Ngài chức “Hồng nhơn Phổ tế Linh ứng thượng đẳng thần”, chọn dân vùng Cù Lao làm thủ từ ở đền Ngài.

Có một điều mà tôi lấy làm lạ, nếu ngài là một Thiên nữ thời đến đây làm chi, toan sống trọn đời núi non lại bỗng dưng vượt biển Nam qua Bắc kết duyên âu yếm cùng Thái tử rồi lỗi hẹn trăm năm mà trở về núi cũ; đến sau cảnh còn, người mất, gió mây trôi nổi ra oai thần thánh; như vậy thì hành động bậc thần thánh không tự chủ nhất định được hay sao, thật tôi rất lấy làm lạ(33).”

Người ta còn kể lại rằng Thánh Mẫu có khi hiện ra trên lưng một con bạch tượng đi du ngoạn khắp các ngọn núi. Mỗi lần nữ thần du hành là người ta nghe rõ tiếng lệnh như tiếng thần công báo hiệu. Có khi nữ thần hiện ra thành một dải lụa ngà lượn khúc trên không trung, dưới bầu trời êm ả, hay cởi trên đầu một con đại-ngạc-ngư dạo chơi từ hòn cù lao đến các đảo lân cận.

Ðể thờ bà chúa Thiên Y A Na, tại Huế, có xây một ngôi đền gọi là điện Hòn Chén (Ngọc Trản) hay là Huệ Nam Ðiện ở phía lên nguồn sông Hương. Hàng năm vào đầu thu, người ta thường đến cúng lễ, lên đồng. Một thi sĩ ở thế kỷ XIX, Nguyễn Văn Trinh, có làm một bài thơ dài theo lối Chầu văn kể sự tích nữ thần còn được truyền tụng đến ngày nay, có đoạn sau đây:

Bóng trăng thấp thoáng, làn mây chập chờn,

Hương trời sắc nước nào hơn,

Bỗng đâu biến mất như cơn giấc hòe.

Hương thừa thấp thoáng còn nghe,

Trong khi gặp gỡ ai dè sắc không.

Hôm sau gió mát trăng trong,

Nhìn cây lại thấy Tiên dung ra vào...

Trong dân chúng, sự tích của Thiên Y A Na Thánh Mẫu thường khi lẫn lộn với Liễu Hạnh - Giáng Hương Thánh Mẫu, vị nữ thần của Nội đạo Việt Nam.

(Trích Việt Nam Văn học toàn thư của Hoàng Trọng Miên)



(1) Trong bụng thì đúng hơn.

(2) Ðây là một trong bao nhiêu trường hợp khác.

(3) Chỉ nhớ đại khái.

(4) Khách đi đường bảo nhau rằng thơm có hai nơi ngon nhất là “Nhất Tam Kỳ nhì Vạn Giả”.

(5) Phú Ân ở quận Diên Khánh.

(6) Xưa kia Khánh Dương thuọc về Ban Mê Thuột, nên Diên Khánh nổi tiếng khô nai ở Khánh Hòa. Từ khi Khánh Dương thuộc Khánh Hòa thì người “vi thiên” chỉ còn biết Khánh Dương.

(7) Ðôi nét về tỉnh Khánh Hòa được phổ biến bằng ronéo và trên đài phát thanh Nha Trang.

(8) Hiện nay bia Võ Cạnh tồn trữ tại Viện Bảo Tàng lịch sử Hà Nội. Xem phụ lục.

(9) Thư chép: hoài: nỗi niềm ôm ấp trong lòng.

(10) Nước non Bình Ðịnh, Quách Tấn, Nam Cường xuất bản, Sài Gòn 1967, trang 95

(11) Lý Ðịch đời Tống, thường gọi là Tống Lý Ðịch gọi tắt là Tống Ðịch (1174)...

(12) Nước non Bình Ðịnh, trang 118.

(13) Xứ Trầm Hương, Quách Tấn. Lá Bối xuất bản. Sài Gòn 1970, trang 179.

(14) Xứ Trầm Hương trang 179

(15) Xứ Trầm Hương trang 222

(16) Xứ Trầm Hương trang 199

(17) Xứ Trầm Hương trang 189

(18) Nam Cường xuất bản, Sài Gòn 1967.

(19) Xứ Trầm Hương 354.

(20) Nước non Bình Ðịnh, trang 208.

(21) Nước non Bình Ðịnh, trang 130.

(22) Nước non Bình Ðịnh, trang 451.

(23) Nước non Bình Ðịnh, trang 455.

(24) Xứ Trầm Hương. Trang 440.

(25) Xứ Trần Hương. Trang 307.

(26) Xứ Trầm Hương,

(27) Nước non Bình Ðịnh, trang 289.

(28) Mộng Ngân Sơn trang, 130.

(29) Mộng Ngân Sơn trang, 56.

(30) Mộng Ngân Sơn trang, 61: “Mây ùn trời tháng hạ/ Dồn lạnh khác sang sông”.

(31) Xứ Trầm Hương, trang 277.

(32) Vì không rõ đại chỉ, xin hai vị dịch giả vui lòng lượng thứ cho việc liên hệ xin phép (B.T.V)

(33) Bản dich của Thái Văn Kiểm


Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 6518)
Mùa An Cư Kiết Hạ năm 2016 nầy tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 67 để sang năm 2017 xuất bản với nhan đề là "Nước Mỹ bao lần đi và bao lần đến"
(View: 16260)
Khánh Hòa là xứ Trầm Hương, Non cao biển rộng người thương đi về... Quách Tấn
(View: 14438)
Kinh thành đá Gia Na là thạch kinh có quy mô lớn nhất trên thế giới, với các tảng đá ma ni trên đó khắc lục tự chân ngôncác loại kinh văn, là thắng tích văn hóa hiếm thấy.
(View: 13687)
Thật không ngoa chút nào, khi tạp chí Chùa cổ Bình Dương cho rằng, chùa Tây Tạng là "dấu ấn đầu tiên của Mật tông”.
(View: 14244)
Tây Tạng là quê hương của những bậc thánh nhân, những vị bồ tát, những đạo sĩ sống cô tịch và độc cư nơi rừng sâu núi thẳm để tu tập thiền định.
(View: 14192)
Đến đây, nếu để ý bạn sẽ thấy gần như mỗi người Tây Tạng đi đâu cũng xoay trên tay bánh xe mani (một ống đồng xoay trên một trục thẳng đứng)...
(View: 19944)
Tất cả đang im lặng trong chàng. Triết Hựu có thể nghe được, trong một lúc mười muôn triệu thế giới đang dừng lại, chỉ còn một hơi thở và một trái tim.
(View: 16489)
Trưởng giả Tu-đạt-đa (cũng gọi là Tu-đạt) là một nhà từ thiện lớn, luôn vui thích làm những chuyện phước đức, bố thí. Ông thường cứu giúp những người nghèo khó...
(View: 27375)
Chùa Linh Mụ đẹp quá, nên thơ quá. Nói vậy cũng chưa đủ. Nó tịnh định, cổ kính, an nhiên, trầm mặc. Nói vậy cũng chưa đủ.
(View: 19631)
Nằm giữa mây mù và rừng nguyên sinh hoang rậm, cả hệ thống những thiền viện, am, chùa cổ hiện ra - với toà ngang dãy dọc, với ngôi tháp đá tảng xanh 7 tầng...
(View: 17458)
Vượt qua một cây cầu dài và hơi bị rung lắc, bắc qua sông Falgu, chúng tôi đến khu vực được ngành du lịch Ấn Độ giới thiệu là làng Sujātā.
(View: 22065)
Ở trên khuôn viên của núi Mihintale hiện còn có một hang động và người ta cho rằng hang động ấy là nơi mà Tôn giả Mahinda đã ở lại đấy trong lần đầu tiên ngài đến Mihintale.
(View: 25205)
Qua ký sự, tác giả giới thiệu những vùng đất tâm linh của Phật giáo đồng thời nói lên niềm cảm khái của mình trước các vùng đất thiêng liêng, và cảm xúc của ông về thế giới hiện đại.
(View: 21109)
Trước khi Người nhập diệt Đại Bát-Niết-bàn, Phật đã khuyên những đệ tử kính đạo nên viếng thăm, chiêm bái bốn nơi để được tăng thêm sự truyền cảm về tâm linh của mình...
(View: 17183)
Trong các công hạnh đơn giản mà sâu dày và khó thực hiện cho vẹn toàn nhất là hạnh buông xả. Hành giả Phật giáo lấy tâm buông xả làm công hạnh hàng đầu.
(View: 22219)
Chúng tôi đi với hai mục đích chính: Thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam chiêm bái các Phật tích và viết một quyển ký sự để giới thiệu các Phật tích cho Phật Tử Việt Nam được biết.
(View: 21574)
Trong lúc thiền quán, tôi tập trung suy nghĩ rất nhiều những lời thầy dạy. Tôi bừng tỉnh nhận ra quả thật điều mà tôi khổ công tìm kiếm không phải là việc say mê dành trọn thời gian cho việc tu tập thiền định.
(View: 15490)
Lang thang trên đất nước Myanmar rộng lớn bạn sẽ không ngừng được tiếp xúc với hàng loạt xưởng thủ công tạc tượng Phật từ đá (chủ yếu là đá cẩm thạch)...
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant