CD Ngâm thơ Mặc Giang – Tình Tự Quê Hương - Số 04:
01. Tình núi nghĩa rừng Ns Hồng Vân
02. Tiếng lòng nức nở quê hương Ns Tố Lan
03. Nối một nhịp cầu Ns Thùy Dương
04. Trao thế hệ đàn em Ns Minh Tiến
05. Tình dài hóa ngắn một cõi đi về Ns Thúy Vinh
06. Cuốn một bờ lau bụi mờ bỏ lại Ns Kim Luyên
07. Điệp khúc quê hương Ns Duy Khanh
08. Việt Nam còn đó muôn đời Ns Bích Ngọc
09. Đâu nguồn cảm hứng Ns Bích Ngọc
10. Xoay quả địa cầu Ns Phan Xuân Thi
Tình núi nghĩa rừng
Rừng già gạn hỏi núi non
Đã bao nhiêu tuổi mà còn xuân xanh
Núi rằng lạ thật không anh
Nào đâu có tuổi mà xanh với già
Còn anh sao gọi rừng già
Vì trơ gốc cội mặn mà gió sương
Núi nghe cơ cảm xót thương
Nghiêng nghiêng bóng núi vương vương cạnh rừng
Núi cao rừng thấp chập chùng
Lung linh kỳ bí điệp trùng xa xa
Núi non bên cạnh rừng già
Rừng reo gió hú la đà đầu non
Thời gian dù có hao mòn
Núi rừng muôn thuở vẫn còn thiên thu.
Tháng 06-2005
Mặc Giang
Tiếng lòng nức nở Quê Hương
Nắng lên cho ấm hương sầu
Gợi lên trầm bỗng tiếng cầu kinh xưa
Tình quê biết nói sao vừa
Đau thương máu lệ hay chưa hỡi người ?
Còn đâu câu hát tiếng cười
Lá xanh e úng hoa tươi nghẹn ngào
Tháng ngày mòn mỏi tiêu dao
Âm vang dậy sóng rạt rào hồn ai ?
Mẹ quê khóc mãi đêm dài
Da mồi tóc bạc hôm mai bơ phờ
Kìa trông em bé ngây thơ !
Xuân xanh đốt cháy trông chờ chi đây
Kìa trông thiếu phụ vai gầy !
Phấn son nhòa nhạt niềm tây lạnh lùng
Kìa trông một thuở anh hùng !
Vì dân vì nước đau lòng không anh ?
Người đang cát đá nhục hình
Kẻ thì cúi mặt rêu xanh nấm mồ
Quê hương ơi biết bao giờ ?
Thanh bình no ấm chan hòa yêu thương
Không còn máu đổ lệ vương
Trong ngoài ca khúc liên hoan trở về
Nương dâu vườn sắn con đê
Gia đình sum hợp phu thê vui vầy
Thời gian đếm mãi nào hay
Nghe không Mẹ gọi đêm rày đầy vơi
Hương hồn Tổ Quốc ai ơi !
Hương hồn Tổ Quốc của người Việt Nam !
23-10-82
Nối Một Nhịp Cầu
“Em còn nhỏ làm sao em biết được”
Chuyện dong dài của người lớn em ơi
Đày đọa, đãi bôi đủ thứ trên đời
Dai dẳng, nổi chìm, tàn hơi chưa gánh nổi
Em còn nhỏ, em ơi đừng có hỏi
Nếu trả lời, em không thể hiểu đâu
Bàn tay non, sao vói tới bể dâu
Hồn trong trắng, nhìn chi tranh vân cẩu
Em còn nhỏ, làm sao em hiểu nổi
Cái con quay đem búng sẵn lên trời
Vừa đỡ, vừa thưng tan nát tơi bời
Người lớn còn vò đầu, bứt tai, loang lở
Em còn nhỏ, em đừng nên lo sợ
Thế hệ chúng tôi đau khổ nhiều rồi
Thế hệ các em sẽ khác xa thôi
Hai thế hệ thì làm sao giống được !
Nhìn lại bức tranh của nhiều đời trước
Cũng lần mò từng trang sử mà thôi
Xấu tốt, nhục vinh, cao ngất núi đồi
Vùi lấp tang thương sâu hơn hố thẳm
Tôi chỉ là khách hôm nay đứng ngắm
Quá khứ xa xưa, cát bụi hoen mờ
Thì mai kia, em cũng đứng ngẩn ngơ
Nhìn dáng dấp chúng tôi lùi dĩ vãng
Tôi xin đến bên em như một người bạn
Em biết nhìn tôi là đã khó quá rồi
Một khoảng mười năm,
Hai mươi năm
Ba mươi năm
Đã quá xa xôi
Huống chi lại cách nhau qua từng thế hệ
Tôi thu gọn lại thôi, cho dễ
Đến bên em, như gạch nối bên đường
Như một nhịp cầu bắt một dòng sông
Để đón nhận cho nhau, không đánh mất
Tôi đến bên em như một cung bậc
Của cung đàn cho khúc nhạc trường ca
Nghe âm vang từng tiếng nhỏ lan xa
Hòa ngân vọng cho cung đàn lên tiếng
Em có nghe thì như một câu chuyện
Tiếp cho em vững chãi trên đường đi
Mỗi bước đi, dù không giống nhau gì
Nhưng nối nhịp như cung đàn đang gảy
Tiếng khổ đau, em đừng reo, đừng khảy
Tiếng yêu thương đem trang trải cho đời
Những tấm gương xưa soi sáng nơi nơi
Cho thế hệ của em nhiều hạnh phúc
Chỉ cần nhìn nhau, cảm thông đôi chút
Là chúng tôi đã sung sướng đi rồi
Vì ngày mai, còn những đứa em tôi
Sẽ tiếp tục hành trình mênh mông quá !
Tháng 02 - 2004.
Cảm tác sau khi đọc câu
“Em còn nhỏ làm sao em biết được?” của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Mặc Giang
Trao thế hệ đàn em !
Xin trao về thế hệ đàn em
Thế hệ chúng tôi đâu có quên
Gắng sức hoàn thành bao gạch nối
Từ tiền nhân gởi lại cho em
Thế hệ chúng tôi bao dấu ngoặc
Chống sào lái mũi giữa muôn chiều
Ngửa nghiêng tơi tả như chiếu rách
Bầm dập dậy men tợ cơm thiu
Có trách chúng tôi thì cứ trách
Đồng thời đồng thế mới đồng cam
Ngoài chăn, sao cảm trong chăn ấy
Há miệng đã đau bỡi nát hàm
Cũng may còn ngóp ngoi lên được
Trao lại các em hơi tạm yên
Những khổ đau, vá bằng vụn vỡ
Những tang thương, đắp bỡi oan khiên
Máu, nước mắt cùng hòa đổ ra
Một thời lịch sử đã đi qua
Bao nhiêu tình tự hy sinh ấy
Cũng bỡi vì non, nợ nước nhà
Thuyền vượt trùng dương biết biển khơi
Phong ba ụp phủ, giập tơi bời
Gió sương xơ xác, vùi tan nát
Nát cả con người, nát biển khơi
Có sống chẳng qua còn sót lại
Chỉ xin làm sỏi đá bên đường
Và xin được lót thềm loang lở
Bồi đắp quê hương, vá đoạn trường !
Tháng 04-2005
Mặc Giang
Tình Dài Hóa Ngắn,
Một Cõi Đi Về
Ba mươi năm, quãng đường một phần ba vạn sáu
Tên của em, ẩn ở đâu lộn bùn cáu chưa về
Nay cảnh đày, mai cảnh đọa lê thê
Ai đã mệnh danh, để cho em ngục tối ?
Ba mươi năm, tại sao không dám gọi ?
Cửa đóng khung, quyền lực khép bạo tàn
Nhà không nóc, bóng tối sợ hai man
Ngày không đến, bình minh xa dịu vợi !
Ngựa đã thẳng cương, một đường lao tới
Trâu đã vướng cày, giẫm nát đồng xanh
Núi bảo là sông, nhắm mắt cũng đành
Sỏi đá nói gạo cơm, đâu dám trái
Em nằm đó, ba mươi năm quay lại
Bảy mươi năm, đã cuốn hút một bè !
Mỉm cười đi em, tha thứ em nghe !
Thương cho em, có trái tim không dám thở
Thương cho em, cúi đầu chống đỡ !
Miệng ngậm câm, dù có vỡ tâm can
Mảnh hồn đau, dù cay xé ngập tràn
Em có biết, tôi đã khổ
vì em luôn giam hãm trong tâm tư, lẽ sống
Hãy mở từ tâm, cho dòng máu tươi khơi động
Hãy mở vành mi, chào giọt lệ biết yêu thương
Em sẽ đến bên tôi, không cần nẻo cần đường
Vì bảy mươi năm, đã mù say lầm lạc !
Tôi nói cho em nghe !
Cùng bước nhau về cánh đồng quê, ca hát
Lúa đã lên bông, reo nắng ấm, ngẩng đầu
Đám mạ non, không vùi dập chìm sâu
Hạt ngọc đã từ lâu, mòn gốc rạ !
Em cũng có trái tim
Đâu phải là gỗ đá !
Cùng là khối thịt da
Ai lại chẳng nghe đau !
Tội tình chi, lẫn cửa trước, trốn cửa sau
Ta cứ bước nhau về
Nước phải có nguồn
Tổ phải có Tông
Biển rộng nhờ sông
Cây cao nhờ cội
Ba mươi năm, đến nay mới gọi
Tên của em, một cõi đi về
Xin cúi đầu, thưa gởi Bóng Mẹ Quê
Tha tất cả một lũ con hư hỏng
Mẹ đã chết rồi, nhưng tim Mẹ nóng
Vành môi khô, Mẹ hé mở nụ cười
Là anh là em, cùng một Mẹ đó, em ơi !
Mẹ đã chết, nhưng từ nay Mẹ sống
Ba mươi năm, chợt như tỉnh mộng
Bảy mươi năm, một cõi đi về
Anh chị em, tắm gội tình quê
Sông bến cũ, gừng cay muối mặn
Ba mươi năm, Tình Dài Hóa Ngắn
Bảy mươi năm, Một Cõi Đi Về !
Ngày 15-11-2003
Mặc Giang
Cuốn Một Bờ Lau, Bụi Mờ Bỏ Lại
Một lỡ bước băng ngang
Gieo vạn sầu thế kỷ !
Gió lộng Trường Sơn, núi rừng hùng vĩ !
Sóng bạc Thái Bình, biển cả mênh mông !
Tiếng khóc quê hương tê tỉ ruộng đồng
Tóc mẹ trắng, xõa chiều dài lịch sử
Bàn tay mẹ, đưa con về tình tự
Mái lều tranh, ấp ủ những ngọt bùi
Con là gì, cũng là đứa con thôi !
Con của đất nước ngàn xưa để lại
Thức hệ cuốn trôi theo từng thời đại
Hận thù ! Khi nhắm mắt cũng buông tay
Quyền uy ! Mòn đá cụi cũng lung lay
Chỉ có sự sống và tình thương là tất cả
Anh và tôi, đâu phải người xa lạ
Dù không quen, cũng gợi cảm tình người
Huống chi cùng sữa mẹ dưỡng nuôi
Sao để mẹ, bạc đầu, không nói !
Tiếng hồn thiêng, âm thầm khẽ gọi
Bước chân về bên cội rừng xưa
Tay nắm bàn tay, đừng nói, dư thừa !!!
Đưa mắt nhìn nhau, ngậm ngùi ứa lệ !
Mảnh hình cong, anh và tôi cùng thế hệ
Đã làm đau thống thiết biết bao rồi ?
Năm tháng dần qua, lần lữa buông trôi !
Anh và tôi, đã biết nhau
Quãng đường dài, quá đủ !
Lăn lộn chi, cho tóc mẹ thêm màu
Anh hãy quay đầu
Bóng tối chìm sâu
Tôi cuốn bờ lau
Bụi mờ bỏ lại
Dệt nên một mái
Bếp lửa nhà tranh
Em, tôi và anh
Ngọn lửa thêm hồng
Việt Nam trời đông
Quê hương ta đó !!!
Tháng 11-2003
Mặc Giang
Điệp Khúc QUÊ HƯƠNG
Tôi hát khúc nhạc Trường Sơn
Cao vút núi non hùng vĩ
Tôi ca âm điệu Thái Bình
Rạt rào biển cả mênh mông
Nối liền tình biển nghĩa sông
Tình non nghĩa nước một dòng hùng ca
Bắc Nam Trung thật đậm đà
Ba miền đất nước một nhà Việt Nam
Hát từ thuở Vua Hùng, lập quốc Văn Lang
Ca nguồn cội Rồng Tiên, mẹ Âu cha Lạc
Truyền nối nhau năm mươi thế kỷ đã thừa
Hát về tình tự xa xưa
Hát vang không dứt để chừa mai sau
Da vàng máu đỏ một màu
Nắm tay xây dựng nhịp cầu quê hương
Hát vang trên khắp nẻo đường
Hát vang thôn xóm, phố phường thân yêu
Tôi hát tiếng kiêu sa, dựng cờ lịch sử !
Tôi hát tiếng oai hùng, bảo vệ non sông !
Năm ngàn năm, mãi khơi dòng
Kết tinh thành mảnh hình cong dư đồ
Giang sơn gấm vóc điểm tô
Non sông cẩm tú nên thơ diệu kỳ
Hát trên những bước đi
Miền Bắc khai nguyên
Cái nôi dân tộc
Thăng Long, Hà Nội
Hát trên những nẻo đường
Lịch sử vươn dài
Từ ải Nam Quan
Đến mũi Cà Mau
Hát thành phố Sài Gòn
Hòn ngọc viễn đông
Ba trăm năm, trang sử lên ngôi
Hát Huế Kinh đô
Tiếng vọng Trường Tiền mấy nhịp
Dạ sầu sông Hương núi Ngự
Hát nữa đi em, bài ca tình tự
Hát nữa đi em, tiếng hát tình quê
Trường Sơn lan tỏa câu thề
Thái Bình loáng bạc, sóng kề nước reo
Hát lên cao vút lưng đèo
Ngân sâu bóng nước, mái chèo đò ngang
Tâm tư hòa điệu cung đàn
Em reo khúc nhạc tình tang trở về
Nhạc vàng trổi khúc tình quê
Năm ngàn năm, vẹn ước thề núi sông
Trường Sơn ca khúc Biển Đông
Em reo ca khúc Lạc Hồng Việt Nam
Núi non ca khúc xanh lam
Em reo ca khúc ngàn năm Tiên Rồng
Non sông ca khúc một dòng
Em reo ca khúc một lòng nhớ thương
Tình quê ca khúc nẻo đường
Em reo ca khúc quê hương muôn đời
Thuyền reo ca khúc xa khơi
Em reo ca khúc muôn đời Việt Nam.
Tháng 12 – 2003
Mặc Giang
Việt Nam, còn đó muôn đời
Việt Nam, tiếng gọi đầu đời
Ba miền đất nước nơi nơi hữu tình
Việt Nam, ta giữ lấy mình
Năm ngàn năm, bóng in hình xưa nay
Việt Nam, nam bắc đông tây
Núi sông một dãi đong đầy hùng ca
Việt Nam, là của nước nhà
Cháu con gìn giữ, ông cha lưu truyền
Việt Nam, sông núi hồn thiêng
Kinh bao thời đại như kiềng ba chân
Việt Nam, nghĩa nặng ngàn cân
Ân nặng ngàn vạn tương lân sinh tồn
Việt Nam, hải đảo, núi, hòn
Đất liền, biển cả, như son thiếp vàng
Việt Nam, vùng vẫy dọc ngang
Đội trời, đạp đất vẻ vang giống nòi
Việt Nam, non nước tô bồi
Trao nhau trân trọng muôn đời vĩnh niên
Việt Nam, non nước ba miền
Từng trang sử Việt nối liền từng trang
Việt Nam, máu đỏ da vàng
Năm ngàn năm, những vinh quang tuyệt vời
Việt Nam, còn đó muôn đời
Năm ngàn năm nữa rạng ngời Việt Nam.
Tháng 4 – 2005
Mặc Giang
Đâu nguồn cảm hứng !
Có người hỏi, từ đâu tôi cảm hứng
Để mở đầu và viết những bài thơ
Tôi nói rằng cuộc sống, ấy là thơ
Và nhân thế, đó là nguồn cảm hứng
Trần thế mênh mông, đứng chỗ nào cứ đứng
Trời đất bao la, nhìn chỗ nào cứ nhìn
Thế là thơ, và ý rộng thênh thênh
Chỉ có điều viết hay là không viết
Khi muốn viết, tự dưng mình sẽ biết
Trải thành thơ tức muốn nói những gì
Đừng đòi hỏi viết cho ai, và viết cái chi chi
Mà hãy thả từng dòng reo nét chữ
Nhìn chỗ nào thiếu dư hay đọng ứ
Thế là thơ nương theo ý khơi dòng
Chờ nắng lên vội vã trải ra hong
Kẻo ẩm ướt, chưa kịp khô, meo mốc
Dưới thung lũng, như đồi cao đỉnh dốc
Giữa thâm u, như bát ngát trăng rằm
Ngồi một nơi nhưng thấy tận xa xăm
Và cứ viết theo hồn thơ cất cánh
Khi đã viết, không đọng cô giới hạn
Không thời gian, không sáng tối, đêm ngày
Nếu muốn thì như phượng múa rồng bay
Còn nếu không như hồn thơ bỏ ngỏ
Có phải không, hãy coi kìa, đó đó
Đọc đến đây, bạn đã thấy một bài
Viết cho mình hay viết cho những ai
Bảo là thơ hay là gì cũng được !!!
Tháng 5 – 2005
Mặc Giang
Xoay quả địa cầu
Xoay quả đia cầu
Nhìn thấy mọi quốc gia trên trái đất
Có những nơi văn minh
Có những nơi nghèo nhất
Dù có thương mà không đọng nhiều ray rức
Nhưng khi nhìn hình Chữ S
Tâm hồn tôi bổng chùn lại, xuyến xao
Mảnh đất cong cong, có gì đó vậy nào
Mà trong tôi, nghe bồn chồn chi lạ
Những buồn vui lẫn lộn không thể tả
Những nỗi niềm đan kín thấm lòng đau
Mở mắt nhìn những tưởng như chiêm bao
Mấy mươi năm, một khung trời thăm thẳm
Tôi trầm ngâm vắng lặng
Mảnh hình cong đất nước của tôi ơi
Từ thị thành cho đến những vùng hẻo lánh xa xôi
Tôi luôn để ý những gì xảy ra, từ Nam tới Bắc
Có những điều, tôi nghe sao quá quắt
Có những điều, tôi cảm thấy thương thương
Vì dù sao, cũng là của quê hương
Của mọi nỗi niềm, lâng lâng từng cảm xúc
Sông ơi, sông mấy khúc
Nước ơi, nước mấy bờ
Ước ơi, ước có mơ
Trông ơi, trông có đợi
Những mến thương, rung rung từng khắc khoải
Những dấu yêu, khơi động đắp vơi đầy
Bao nhiêu năm, không một lúc nào khuây
Bởi quê hương của tôi là tất cả.
Tháng 9 – 2005
Mặc Giang