- Phẩm Thứ Nhất: Niệm Phật phải vì thoát sinh tử luân hồi
- Phẩm Thứ hai: Niệm Phật phải vì phát vô thượng Bồ-đề tâm
- Phẩm Thứ Ba: Niệm Phật phải đặt trọn lòng tin vào lời Phật dạy
- Phẩm Thứ Tư: Niệm Phật phải phát nguyện vãng sinh cực lạc
- Phẩm Thứ Năm: Niệm Phật phải hành trì cho thiết thực
- Phẩm Thứ Sáu: Niệm Phật phải dứt trừ phiền não
- Phẩm Thứ Bảy: Niệm Phật phải thực chứng bằng kinh nghiệm bản thân
- Phẩm Thứ Tám: Niệm Phật phải bền lâu không gián đoạn
- Phẩm Thứ Chín: Niệm Phật phải an nhẫn các chướng duyên
- Phẩm Thứ Mười: Niệm Phật phải dự bị lúc lâm chung
NIỆM PHẬT SÁM PHÁP
Tác giả: HT Thích Thiền Tâm
---o0o---
QUYỂN HẠ
PHẨM THỨ TÁM
NIỆM PHẬT PHẢI BỀN LÂU KHÔNG GIÁN ÐOẠN
Niệm Phật muốn giữ được tinh tấn bền lâu thì phải có lập trường vững chắc. Lập trường đó là nhớ đến mục đích hành trì của mình, bao nhiệu việc làm ngày hôm nay đều là nỗ lực hướng đến giải thoát sanh tử hoàn thành địa vị Phật đà để tự độ độ tha cho ngày sau.
Triệt-Ngộ đại sư dạy rằng :
Cương yếu của Pháp môn Niệm Phật chỉ bao gồm trong mười sáu chữ sau đây:
Thật vì sanh tử
Phát bồ đề tâm
Lấy tín nguyện sâu
Trì danh hiệu Phật.
Loài người ở cõi ta bà uế độ nầy nếu chỉ tu ngũ giới, thập thiện và các điều lành khác, mà không niệm Phật thì cùng Phật vô duyên. Vì không duyên với Phật, nên các chủng tử vô lậu trong a-đà-na thiếu cơ năng để dẫn phát. Cho nên dù tu các nghiệp lành, thì nhiều lắm cũng chỉ sanh lên cõi Trời chứ không được về Tịnh-Ðộ. Tuổi thọ ở các cõi Trời tuy lâu dài nhưng vẫn có hạng lượng, khi phước báo chấm dứt thì sẽ tùy nghiệp mà sa đọa trong ba đường dữ.
Chúng sanh do ngã chấp làm gốc và từ ngã chấp mà khởi tạo các nghiệp nhân lành hoặc dữ- nên sau đó, thì tùy theo sự thành thục của mỗi loại chủng tử mà phải chịu luân hồi. Trong kiếp luân hồi thì nghiệp ác rất dễ tạo, mà duyên lành thì khó tu, nên thời gian đọa xuống các ác đạo lại rất ngắn. Tất cả các chúng sanh nếu không về Tịnh-Ðộ của chư Phật thì tất phải ở uế độ. Ðã ở uế độ thì với hoàn cảnh xấu ác, nhiều chướng duyên, và với căn cơ con người thời mạt pháp. Chắc chắn sớm hay muộn cũng phải đọa ác đạo. Và muốn sanh về Tịnh-Ðộ của Phật thì tất phải niệm Phật.
Niệm Phật quả thật là pháp môn thuộc về đại thừa viên đốn.
Nói đại thừa vì pháp nầy lấy niệm Phật làm nhân tố tiến tu và lấy địa vị toàn giác làm quả chứng
Nói là Viên, vì môn này nhiếp trọn cả năm tông tám giáo, như các bậc cổ đức đã phê luận.
Nói là Ðốn, vì phương tiện nầy đưa từ hàng cụ phược phàm phu lên đến ngôi Bất-Thoái-Chuyển, từ bậc sơ học lên đến quả Vô thượng Bồ-đề rất thẳng tắt mau lẹ.
Muốn cầu giải thoát thì đối với niệm Phật phải xem là điều tất khẩn yếu- và bắt gặp pháp môn nầy lúc nào thì phải thực hành ngay khi ấy, không nên chờ hẹn. Mạng sống con người rất ngắn ngũi, muốn phòng ngừa cơn vô thường chợt đến thì mỗi thời khắc phải gắng chăn niệm Phật, như thế, gặp giây phút cuối cùng mới khỏi bị bối rối tay chân.
Ðể niệm Phật cho được bền lâu, thì phải tùy theo tinh thần, sức khỏe và hoàn cảnh của mình mà tự đặt ra thời hạn, rồi lần lần tăng tiến. Trong đời sống, người niệm Phật phải gồm có đủ hai hình thức hành trì, đó là Ðịnh Thời và Không Ðịnh Thời.
Ðịnh thờì là mỗi ngày đều phải có thời khoá nhất định, lại nên ghi số là bao nhiêu câu Phật-Hiệu.
Không định thời là ngoài các thời khóa kể trên, trong lúc đi đứng nằm ngồi đều phải niệm thầm, nhưng niệm thả và không ghi số. Ðiểm cốt yếu là dù niệm chậm hay mau cũng phải rành rẽ rõ ràng, tâm bắt kịp tiếng, tâm và tiếng đều phải dung hòa nhau. Cứ như thế, niệm lâu ngày thuần thục nên sức niệm mau dần và niệm được nhiều hơn.
Muốn niệm Phật cho được nhiều thì phải chuyên cần tập luyện bằng cách :
- Phải ngồi mà niệm : Mặc dù đi hay đứng đều có thể niệm Phật, nhưng muốn niệm cho mau mà vẫn nghe rõ ràng sáu chữ, thì nên ngồi mới thích hợp.
- Nên dùng chuỗi nhẹ : và lấy mười câu danh hiệu làm một đơn vị.
- Niệm đầy đủ sáu chữ : NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT với tấm lòng chí thành và cung kính.
- Vừa niệm thầm vừa niệm ra tiếng luân phiên thay đổi nhau : niệm thầm thì ít mệt, nhưng dễ hôn trầm, niệm lớn tiếng thì có tác động lớn lao cho sự phát tâm nhưng lại mau mệt.
Tuy nhiên, phải luôn luôn ghi nhớ cái điểm căn bản của sự niệm Phật là : câu niệm rành rẽ, rõ ràng và tâm cùng tiếng phải dung hòa nhau. Chớ có vội cầu nhiều mà thành ra niệm dối. Không nhất thiết phải đạt cho được định tâm, mà vấn đề chính yếu là bền lâu, không gián đoạn thì dù có tán tâm dần dần cũng sẽ chuyển thành Ðịnh Tâm. Người tuy tạp niệm có nhiều, nhưng chịu khó niệm bền lâu, tất cả sẽ trở thành chánh niệm .
Mặc dù con đường thực hiện tâm linh còn có nhiều hiểm trở khó khăn nhưng đệ tử chúng con vẫn nhận thức rằng chông gai nào cũng phải bị khuất phục trước sự kiên gan của con người. Cho nên trong niềm tin tuyệt đối vào lời Phật dạy trong ước nguyện phó thác cuộc đời mình cho Bản Nguyện A-Di-Ðà, trong khát vọng trở về quê hương Cực-Lạc- đệ tử hôm nay đối trước mười phương Tam-Bảo xin chân thành đảnh lễ khẩn cầu chư Phật cùng chư vị đại địa Bồ-tát thương xót đến chúng con mà ban thêm nhiều năng lực để chúng con luôn luôn ghi nhớ rằng : Niệm Phật phải bền lâu không gián đoạn để hoa sen báu bên Liên-Trì mãi mãi thắm tươi.
Ðệ tử chúng con xin đem cả tánh mạng mà quy y và đảnh lễ :
Nam mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Niệm Phật
Nam mô A-Di-Ðà Phật
Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát
Nam mô Ðại Thế Chí Bồ tát
Nam mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ tát