KINH PHÁP BẢO ÐÀN
Tỳ Kheo Thích Duy Lực Dịch và Lược Giải
Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana Xuất Bản 1992
Phẩm Cơ Duyên Thứ Bảy
Sư đắc Pháp ở Huỳnh Mai rồi về làng Tào Hầu tỉnh Thiều Châu, dân chúng chẳng ai biết đến. Lúc ấy có một nhà nho tên Lưu Chí Lược, đối đãi với Sư rất cung kính, Chí Lược có người cô xuất gia làm Ni, pháp danh Vô tận Tạng, thường tụng Kinh Ðại Niết Bàn. Sư nghe qua một lần liền biết diệu nghiã của kinh, nên vì Ni giải thuyết. Ni cầm Kinh hỏi chữ, Sư nói: Hỏi nghiã thì được, hỏi chữ thì chẳng biết." Ni nói: Chữ còn chưa biết, làm sao hiểu nghiã? Sư nói: Diệu lý của chư Phật chẳng dính dáng với văn tự. Ni ngạc nhiên kính phục, nói khắp các bậc kỳ lão trong làng: Ðây là người có đạo, rất nên cúng dường. Lúc ấy có cháu chắt của Võ Hầu đời Ngụy tên Tào Thúc Lương, cùng với dân chúng trong làng tấp nập đến chiêm ngưỡng kính lễ.
Thời ấy Bảo Lâm Cổ Tự đã bị hư phế do binh loạn từ cuối đời nhà Tùy, nay xây dựng lại ngôi chùa rồi rước Sư về ở. Chẳng bao lâu dân chúng đến đông, thành nơi trang nghiêm. Sư ở đấy được hơn chín tháng, lại bị bọn ác tìm đến, Sư trốn lên núi, bị bọn họ đốt cháy rừng núi, Sư chen thân ẩn trong kẽ đá được khỏi. Nay trên đá có dấu ngồi kiết già và dấu vằn y của Sư; người đời sau gọi đá ấy là đá tỵ nạn. Sư nhớ lời dặn của Ngũ Tổ là phải ẩn nơi hai ấp Hoài, Hội, bèn về đấy ở ẩn.
Tăng Pháp Hải, người ở Khúc Giang tỉnh Thiều Châu, tham vấn Tổ Sư, hỏi: Thế nào là tức tâm tức Phật? xin Hoà Thượng chỉ dạy. Sư nói: Niệm trước chẳng sanh tức tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật; lập tất cả tướng tức tâm, lià tất cả tướng tức Phật. Nếu ta nói cho đủ thì trọn kiếp cũng chẳng hết, hãy nghe kệ đây:
Tức tâm danh huệ,
Tức Phật nãi định.
Ðịnh huệ đẳng trì,
Ý trung thanh tịnh.
Ngộ thử pháp môn,
Do như tập tánh
Dụng bổn vô sanh
Song tu thị chánh.
Dịch nghiã:
Tức tâm là huệ,
Tức Phật là định.
Ðịnh huệ song song (đẳng trì),
Nơi ý thanh tịnh.
Ngộ pháp môn này,
Do tập khí ngươi,
Dụng vốn vô sanh,
Song tu (định hue) là chánh.
Pháp Hải ngay nơi đó liền đại ngộ, tán thán bằng kệ rằng:
Tức tâm nguyên thị Phật,
Bất ngộ nhi tự khuất.
Ngã tri định huệ nhân,
Song tu ly chư vật.
Dịch nghiã:
Tức tâm vốn là Phật,
Chẳng ngộ là tự khuất (oan cho mình),
Ta biết nhân định huệ,
Song tu lià vạn pháp.
Tăng Pháp Ðạt, người Hồng Châu, 7 tuổi xuất gia, thường tụng Kinh Pháp Hoa, đến lễ Tổ Sư mà đầu chẳng chấm đất. Sư quở rằng: Ðảnh lễ mà chẳng chấm đất bằng như chẳng lễ, trong tâm ngươi tất có chất chứa một điều gì, ngày thường tu hạnh gì? Ðáp: Niệm Kinh Pháp Hoa đã hết ba ngàn bộ. Sư nói: Dẫu cho ngươi tụng đến mười ngàn bộ, nếu ngộ được ý Kinh mà chẳng tự cho là thù thắng, mới đồng một hạnh với ta. Nay ngươi tự phụ cho đấy là sự nghiệp mà chẳng biết lỗi, hãy nghe kệ đây:
Lễ bổn chiết mạn tràng,
Ðầu hề bất chí địa?
Hữu ngã tội tức sanh,
Vong công phước vô tỷ.
Dịch nghiã:
Lễ vốn trừ ngã mạn,
Ðầu sao chẳng chấm đất?
Có ngã tội liền sanh,
Quên công, phước vô tận.
Sư lại hỏi: Ngươi tên gì? Ðáp: Tên là Pháp Ðạt. Sư nói: Ngươi tên Pháp Ðạt, đâu từng đạt pháp. Lại nói kệ rằng:
Nhữ kim danh Pháp Ðạt,
Cần tụng vị hưu hiết,
Không tụng đản tuần thanh,
Minh tâm hiệu Bồ Tát.
Nhữ kim hữu duyên cố,
Ngô kim vi nhữ thuyết.
Ðản tính Phật vô ngôn,
Liên hoa tùng khẩu phát.
Dịch nghiã:
Ngươi tên gọi Pháp Ðạt,
Siêng tụng chưa từng dứt,
Tụng suông chỉ theo tiếng,
Minh tâm gọi Bồ Tát.
Ngươi nay có nhân duyên,
Ta vì ngươi mà thuyết.
Hễ tin Phật vô ngôn.
(Chớ nên chấp ở ngôn ngữ. Vô ngôn: Phật thuyết Pháp 49 năm mà tự nói chẳng thuyết một chữ.)
Lời Phật từ miệng phát.(Chớ nên chấp vào im lặng).
Ðạt nghe kệ xong bèn tạ lỗi rằng: Từ nay trở đi sẽ khiêm tốn cung kính tất cả. Ðệ tử tụng Kinh Pháp Hoa mà chưa hiểu nghiã Kinh, tâm thường có nghi, Hoà Thượng trí huệ mênh mông, xin nói sơ lược nghiã lý của Kinh. Sư nói: Pháp Ðạt, pháp vốn thông đạt, chỉ tại tâm ngươi chẳng đạt. Kinh vốn chẳng nghi, tâm ngươi tự nghi. Ngươi niệm Kinh này lấy gì làm tông chỉ? Ðạt nói: Ðệ tử căn tánh ngu độn, xưa nay chỉ biết y văn niệm tụng, chẳng biết tông chỉ. Sư nói: Ta chẳng biết chữ, ngươi lấy Kinh tụng thử một bộ, ta sẽ giải thuyết cho. Pháp Ðạt liền lên tiếng tụng Kinh, đến Phẩm Thí Dụ, Sư nói: Hãy ngừng, Kinh này vốn lấy nhân duyên xuất thế làm tông chỉ, dù nói nhiều thí dụ cũng chẳng ngoài việc này. Thế nào là nhân duyên? Kinh nói: Chư Phật Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trên đời. Một đại sự tức là TRI KIẾN PHẬT vậy. Người đời ngoài mê chấp tướng, trong mê chấp không, nếu được ở nơi tướng mà lià tướng, nơi không mà lià không, tức là trong ngoài chẳng mê. Nếu ngộ pháp này, ngay trong một niệm tâm liền sáng tỏ, ấy là khai ngộ TRI KIẾN PHẬT vậy. Phật tức là GIÁC, chia làm bốn cửa: Khai GIÁC TRI KIẾN, Thị GIÁC TRI KIẾN, Ngộ GIÁC TRI KIẾN, Nhập GIÁC TRI KIẾN. Nếu nghe khai thị liền được ngộ nhập tức là GIÁC TRI KIẾN, do đó bổn lai chơn tánh liền được hiển hiện. Ngươi nên cẩn thận, chớ hiểu lầm ý Kinh, nghe nói: khai thị ngộ nhập bèn cho là tri kiến của Phật (tha Phật) chẳng có phần mình; nếu hiểu như thế là phỉ báng Kinh Phật vậy. Ðã nói là Phật thì TRI KIẾN PHẬT đã sẵn đầy đủ, đâu cần phải khai thị nữa! Ngươi phải tin rằng, nói tri kiến Phật là ở nơi tự tâm của ngươi, chẳng phải Phật bên ngoài. Bởi vì tất cả chúng sanh tự che khuất ánh sáng của tự tánh, tham ái cảnh trần, phan duyên bên ngoài, nhiễu loạn bên trong, cam chịu trần lao hành hạ, làm nhọc Ðức Thế Tôn từ chánh định ra, khổ tâm khuyên dạy bằng đủ mọi cách, khiến ngừng nghỉ các duyên, chớ nên hướng ngoại tìm cầu, tức chẳng khác với Phật, nên nói là khai tri kiến Phật. Ta cũng khuyên tất cả mọi người nên thường khai tri kiến Phật nơi tự tâm. Người đời tâm tà, ngu mê tạo tội, miệng lành tâm ác, tham sân ganh tỵ, gièm siểm, nịnh bợ, ngã mạn, hiếp người, hại vật, tự khai tri kiến chúng sanh. Nếu được trong tâm ngay thẳng, thường sanh trí huệ chiếu soi tự tâm, dứt ác làm lành, tức là tự khai tri kiến Phật vậy. Ngươi nên niệm niệm khai tri kiến Phật, chớ khai tri kiến chúng sanh. Khai tri kiến Phật tức là xuất thế, khai tri kiến chúng sanh tức là thế gian. Nếu ngươi chỉ luôn luôn lấy công phu tụng niệm làm thời khoá, chẳng khác nào con mao ngưu tiếc đuôi! (con mao ngưu có đuôi rất đẹp, gặp thợ săn chỉ giấu đuôi mà không giấu đầu.) Ðạt nói: Nếu như vậy tức là chỉ cần hiểu nghiã, chẳng cần tụng kinh sao? Sư nói: Kinh có lỗi gì, đâu làm chướng niệm của ngươi! Chỉ vì mê ngộ tại người, tổn ích do mình mà thôi. Miệng niệm tâm hành tức là chuyển được Kinh, miệng niệm tâm chẳng hành tức bị Kinh chuyển. Hãy nghe kệ đây:
Tâm mê Pháp Hoa chuyển,
Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa.
Tụng Kinh cữu bất minh,
Dữ nghiã tác thù gia.
Vô niệm niệm tức chánh,
Hữu niệm niệm thành tà.
Hữu vô câu bất kế,
Trường ngự bạch ngưu xa.
Dịch nghiã:
Tâm mê Pháp Hoa chuyển,
Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa.
Tụng lâu chẳng hiểu thấu,
Nghịch ý nghiã trong Kinh.
Vô niệm (không chấp thật) niệm tức chánh,
Hữu niệm (có chấp thật) niệm thành tà.
Hữu vô đều chẳng chấp,
Tự tánh luôn luôn hiện.
Ðạt nghe xong thoạt chảy nước mắt, ngay nơi đó khai ngộ, nói với Sư: Pháp Ðạt xưa nay thật chưa từng chuyển Pháp Hoa, lại bị Pháp Hoa chuyển. Lại hỏi: Kinh nói: Chư Ðại Thanh Văn cho đến Bồ Tát, tất cả tận tâm suy lường đều chẳng thể đo lường được trí Phật. Nay khiến phàm phu chỉ ngộ được tự tâm thì gọi là tri kiến Phật, tự mình đã chẳng phải là bậc thượng căn, nên chẳng khỏi nghi ngờ. Kinh lại nói ba loại xe: xe nai, xe dê và xe trâu, có gì khác biệt? Xin Hoà Thượng chỉ dạy thêm. Sư nói: Ý Kinh rõ ràng minh bạch, ngươi tự mê trái. Người tam thừa chẳng thể suy lường được trí Phật, lỗi tại suy lường vậy. Dẫu cho ngươi tận sức suy lường, chỉ là càng thêm xa xôi mà thôi. Phật thuyết pháp vốn vì phàm phu mà thuyết, chẳng vì Phật thuyết; lý này nếu chẳng chịu tin thì cũng như năm ngàn người từ trên hội Pháp Hoa lui ra, mà chẳng biết đã ngồi sẵn trên xe trâu (Phật tánh vốn sẵn có), mà lại tìm kiếm ba xe (tam thừa) bên ngoài. Huống trong Kinh rõ ràng chỉ ra cho người: chỉ duy nhất một Phật thừa, chẳng còn thừa nào khác, nói có hai thừa ba thừa, cho đến vô số phương tiện, mọi thứ nhân duyên, lời nói thí dụ, pháp ấy đều vì nhất Phật thừa mà tạm lập. Ngươi sao chẳng tỉnh ngộ, nói ba xe là giả thiết, vì đời xưa mà nói, nhất thừa là thật, vì đời nay mà nói; chỉ bảo ngươi bỏ giả trở về thật, trở về thật rồi thật cũng chẳng chấp. Phải biết tất cả châu báu tài vật đều thuộc về ngươi, do ngươi thọ dụng, chẳng phải là của cha, cũng chẳng phải là của con, cũng chẳng khởi dụng tưởng, ấy gọi là trì Kinh Pháp Hoa, trì Kinh như thế từ kiếp này sang kiếp khác tay chẳng rời Kinh, từ sáng đến tối, chẳng dứt tụng niệm vậy.ế Pháp Ðạt được Sư khai thị, mừng rỡ vô cùng, làm kệ tán thán rằng:
Kinh tụng tam thiên bộ,
Tào Khê nhất cú vong.
Vị minh xuất thế chỉ,
Ninh hiết lụy sanh cuồng.
Dương lộc ngưu quyền thiết,
Sơ trung hậu thiện dương.
Thùy tri hoả trạch nội,
Nguyên thị pháp trung vương.
Dịch nghiã:
Tụng Kinh ba ngàn bộ,
Bị Tổ một lời tiêu.
Chưa thấu đạo xuất thế,
Sao dứt lụy kiếp mê.
Dê, nai, trâu giả thiết (dê, nai, trâu = tiểu, trung, đại thừa).
Ba đoạn thiện quét sạch (1).
Ai ngờ trong nhà lửa,
Vốn là tự tánh Phật.
Sư nói: Ngươi sau này mới được gọi là ông Tăng tụng Kinh vậy. Pháp Ðạt từ đó lãnh hội huyền chỉ, cũng chẳng dứt tụng Kinh.
GHI CHÚ:
(1) Ba đoạn thiện quét sạch: Mới phát thiện tâm là sơ thiện, chẳng chấp thiện tâm là trung thiện, không trụ nơi chẳng chấp là hậu thiện, luôn cả cái tri giải biết về sự không trụ nơi chẳng chấp cũng tiêu là quét sạch.
Tăng Trí Thông, người ở An Phong tỉnh Thọ Châu, xem Kinh Lăng Già hơn ngàn lần mà chẳng hiểu thế nào là tam thân tứ trí, đến lễ Sư xin giải thuyết cho, Sư nói: Tam thân ấy là: Thanh Tịnh Pháp Thân, tức là tánh của ngươi; Viên Mãn Báo Thân là trí của ngươi; Thiên Bá Ức Hoá Thân là hạnh của ngươi vậy. Nếu lià bản tánh mà nói tam thân, ấy gọi là có thân mà vô trí, nếu ngộ được tam thân vốn chẳng tự tánh, tức gọi là tứ trí bồ đề. Hãy nghe kệ đây:
Tự tánh cụ tam thân,
Phát minh thành tứ trí.
Bất ly kiến văn duyên,
Siêu nhiên đăng Phật địa.
Ngô kim vi nhữ thuyết.
Ðế tín vĩnh vô mê.
Mạc học trì cầu giả,
Chung nhựt thuyết bồ đề.
Dịch nghiã:
Tự tánh đủ tam thân
Khai ngộ thành tứ trí.
Chẳng lià sự thấy nghe,
Ðốn siêu địa vị Phật.
Ta nay vì ngươi thuyết,
Tin chắc trọn chẳng mê.
Chớ học kẻ tìm cầu,
Suốt ngày nói bồ đề.
Thông lại hỏi: Cái nghiã của tứ trí có thể nghe được chăng?
Sư nói: Ðã hiểu tam thân, tức rõ tứ trí, sao còn hỏi nữa! Nếu lià tam thân mà nói tứ trí, ấy gọi là có trí mà chẳng có thân, dẫu cho có trí cũng trở thành vô trí. Lại nói kệ rằng:
Ðại viên cảnh trí tánh thanh tịnh,
Bình đẳng tánh trí tâm vô bệnh.
Diệu quan sát trí kiến phi công,
Thành sở tác trí đồng viên cảnh.
Ngũ bát lục thất quả nhân chuyển,
Ðản dụng danh ngôn vô thật tánh.
Nhược kim chuyển xứ bất lưu tình,
Phiền hưng vĩnh xứ Na Già định.
Dịch nghiã:
Ðại viên cảnh trí tánh thanh tịnh,
Bình đẳng tánh trí tâm chẳng bệnh.
Diệu quan sát trí chẳng tác ý. (Sự thấy của diệu quan sát trí chẳng cần tác ý)
Thành sở tác trí đồng viên cảnh.
Ngũ, bát, lục, thất quả nhân chuyển,
Chỉ dùng tên gọi chẳng thật tánh.
Nếu ngay nơi chuyển chẳng dính mắc,
Ở chỗ náo động cũng đại định.
Như thế là chuyển thức thành trí.
Trong giáo môn chuyển tiền ngũ thức làm Thành Sở Tác Trí; chuyển thức thứ sáu thành Diệu Quan Sát Trí, chuyển thức thứ bảy thành Bình Ðẳng Tánh Trí, chuyển thức thứ tám thành Ðại Viên Cảnh Trí. Dù thức thứ sáu, bảy là trong nhân chuyển, thức thứ năm, tám là trên qủa chuyển, nhưng chỉ chuyển cái tên gọi mà chẳng chuyển cái thể vậy. Trí Thông đốn ngộ tánh trí, bèn trình kệ rằng:
Tam thân nguyên ngã thể,
Tứ trí bổn tâm minh,
Thân trí dung vô ngại,
Ứng vật nhậm tùy hình.
Khởi tu giai vọng động,
Thủ trụ phi chơn tinh.
Diệu chỉ nhân sư hiểu,
Chung vong nhiễm ô danh.
Dịch nghiã:
Thể ta sẵn tam thân,
Bản tâm đủ tứ trí.
Thân trí dung lẫn nhau,
Tiếp vật tùy cơ ứng.
Mống tâm tu là vọng,
Giữ yên cũng chẳng chơn.
Nhờ Sư thấu diệu chỉ,
Chẳng còn kẹt danh tướng.
Tăng Trí Thường, người ở Quí Khê tỉnh Tín Châu, xuất gia lúc còn nhỏ tuổi, quyết chí cầu kiến tánh. Một hôm đến tham lễ, Sư hỏi: Ngươi từ đâu đến, muốn cầu việc gì? Ðáp: Ðệ tử gần đây đến núi Bạch Phong ở Hồng Châu lễ Hoà Thượng Ðại Thông, nhờ chỉ dạy cái diệu nghiã kiến tánh thành Phật, nhưng chưa hết nghi ngờ, nên từ xa đến đảnh lễ, mong Hoà Thượng khai thị. Sư hỏi: Hoà Thượng Ðại Thông nói thế nào? Ngươi thử nói xem. Ðáp: Trí Thường đến đó trải qua ba tháng chưa được chỉ dạy, trong lòng tha thiết vì Pháp, nên một hôm vào trượng thất hỏi Thế nào là bản tâm bản tánh của Trí Thường? Hòa Thượng hỏi: Ngươi thấy hư không chăng? Ðáp: Thấy. Hỏi: Ngươi thấy hư không có tướng mạo chăng? Ðáp: Hư không vô hình đâu có tướng mạo! Hòa Thượng nói: Bản tánh của ngươi cũng như hư không, chẳng có một vật để thấy gọi là chánh kiến, chẳng có một vật để biết gọi là chơn tri, chẳng có xanh vàng dài ngắn, chỉ thấy bổn nguyên thanh tịnh, giác thể sáng tròn, gọi là kiến tánh thành Phật, cũng gọi là tri kiến của Như Lai. Ðệ tử dù nghe nói như vậy mà tâm còn chưa lãnh hội, xin Hoà Thượng khai thị. Sư nói: Cái thuyết của Ðại Thông vẫn còn tri kiến nên khiến ngươi chẳng lãnh hội. Nay ta cho ngươi một bài kệ:
Bất kiến nhất pháp tồn vô kiến,
Ðại tự phù vân giá nhựt diện,
Bất tri nhất pháp thủ không tri,
Hườn như thái hư sanh thiểm điện.
Thử chi tri kiến miết nhiên hưng,
Thố nhận hà tằng giải phương tiện.
Nhữ đương nhất niệm tự tri phi,
Tự kỷ linh quang thường hiển hiện.
Dịch nghiã:
Chẳng thấy một pháp thành vô kiến,
Như mây đen che khuất mặt trời.
Chẳng biết một pháp thành vô tri,
Lại như hư không sanh điện chớp.
Như thế vẫn còn chấp tri kiến,
Nhận lầm chưa hiểu thấu phương tiện,
Ngươi phải trong niệm tự biết quấy,
Ánh sáng tự tánh thường hiển hiện.
Trí Thường nghe xong hoát nhiên tâm ngộ, bèn nói kệ rằng:
Vô đoan khởi tri kiến,Trước tướng cầu bồ đề.
Tình tồn nhất niệm ngộ.
Ninh việt tích thời mê.
Tự tánh giác nguyên thể,
Tùy chiếu uổng thiên lưu.
Bất nhập Tổ Sư thất,
Mang nhiên thú lưỡng đầu.
Dịch nghiã:
Khi không khởi tri kiến,
Chấp tướng cầu Bồ đề.
Tình chấp một niệm ngộ,
Khó siêu nhiều kiếp mê.
Bản thể tự tánh giác,
Tùy chiếu vọng lưu chuyển.
Chẳng vào thất Tổ sư,
Si mê chạy hai đầu. (Hai đầu: nhị biên, tức là biên kiến).
Một hôm Trí Thường hỏi Sư: Phật thuyết pháp tam thừa, lại thuyết tối thượng thừa là thế nào? Ðệ tử chưa rõ, xin Thầy dạy bảo. Sư nói: Ngươi chỉ nên tự xét bản tâm, chớ chấp trước pháp tướng bên ngoài, pháp chẳng bốn thừa, tâm ngươi tự có sai biệt: Thấy nghe tụng niệm là tiểu thừa; ngộ pháp hiểu nghiã là trung thừa; y pháp tu hành là đại thừa; vạn pháp thông đạt, vạn pháp đầy đủ, tất cả chẳng nhiễm, lià các pháp tướng, trọn vô sở đắc, gọi là tối thượng thừa. Thừa nghiã là hành, chẳng ở nơi tranh biện, ngươi nên tự tu, chớ hỏi ta vậy, trong bất cứ lúc nào, tự tánh tự như như. Trí Thường lễ tạ, làm thị giả trọn đời Sư.
Tăng Chí Ðạo, người Nam Hải tỉnh Quảng Châu, đến xin chỉ dạy: Ðệ tử từ lúc xuất gia đến nay, xem Kinh Niết Bàn đã hơn mười năm nhưng chưa rõ đại ý, xin Hoà Thượng chỉ dạy. Sư hỏi: Ngươi chưa rõ chỗ nào? Chí Ðạo nói: Các hạnh vô thường là pháp sanh diệt, sanh diệt diệt xong, tịch diệt làm vui (lạc đức). Ðệ tử nghi ngờ chỗ nầy. Sư hỏi: Ngươi nghi ngờ cái gì? Ðáp: Tất cả chúng sanh có hai thân, gọi là sắc thân và pháp thân. Sắc thân vô thường, có sanh có diệt, pháp thân có thường, chẳng tri chẳng giác. Kinh nói sanh diệt diệt xong, tịch diệt làm vui, chẳng biết thân nào tịch diệt, thân nào được vui? Nếu nói sắc thân được vui, sắc thân lúc diệt thì tứ đại tan rã, toàn thể là khổ, khổ chẳng thể nói là vui. Nếu pháp thân tịch diệt thì đồng như cây cỏ ngói đá, ai mà được vui? Lại pháp tánh là cái thể của sanh diệt, ngũ uẩn là dụng của sanh diệt, một thể năm dụng, sanh diệt là thường, sanh thì từ thể khởi dụng, diệt thì nhiếp dụng trở về thể. Nếu cho sanh nữa tức là loài hữu tình chẳng đoạn chẳng diệt; nếu chẳng cho sanh nữa thì vĩnh viễn tịch diệt, đồng với loài vô tình, như thế thì tất cả các pháp đều bị Niết Bàn ngăn cấm, sanh còn chẳng được, có gì là vui? Sư nói: Ngươi là Phật tử, sao lại học tà kiến ngoại đạo, chấp đoạn chấp thường mà luận bàn pháp tối thượng thừa! Theo lời ngươi nói thì ngoài sắc thân lại có pháp thân, lià sanh diệt cầu nơi tịch diệt, lại cho thường đức, lạc đức của Niết Bàn là có thân để thọ dụng, ấy đều là mê chấp và ham tiếc sanh tử, đam mê sự vui của thế gian. Ngươi nay nên biết, Phật vì tất cả người mê, nhận lầm ngũ uẩn hoà hợp là tướng tự thể, lầm cho tất cả pháp là tướng ngoại trần, tham sống sợ chết, niệm niệm trôi lăn trong lục đạo, chẳng biết đều như mộng huyễn hư giả, uổng chịu luân hồi, đem thường đức, lạc đức của Niết Bàn trở thành tướng khổ, suốt ngày tìm cầu. Phật vì thương xót cho những người này, nên khai thị chơn lạc của Niết Bàn, sát na chẳng có tướng sanh, sát na chẳng có tướng diệt, cũng chẳng có sanh diệt để diệt, ấy tức là tịch diệt hiện tiền. Ðang lúc hiện tiền, cũng chẳng có số lượng hiện tiền, nghiã là chẳng có một tí khái niệm nào về không gian, thời gian, và số lượng của tịch diệt hiện tiền, mới gọi là thường đức, lạc đức, nghiã là chơn vui. Vui này chẳng có kẻ thọ dụng, cũng chẳng có kẻ không thọ dụng, há có cái tên gọi một thể năm dụngế sao! Huống là còn nói Niết Bàn ngăn cấm các pháp khiến cho chẳng sanh, ấy là phỉ báng Phật pháp. Hãy nghe kệ đây:
Vô thượng Ðại Niết Bàn,
Viên minh thường tịch chiếu.
Phàm ngu vị chi tử,
Ngoại đạo chấp vi đoạn.
Chư cầu nhị thừa nhân.
Mục dĩ vi vô tác.
Tận thuộc tình sở kế,
Lục thập nhị kiến bản.
Vọng lập hư giả danh,
Hà vi chơn thật nghiã.
Duy hữu quá lượng nhơn,
Thông đạt vô thủ xả.
Dĩ tri ngũ uẩn pháp,
Cập dỉ uẩn trung ngã,
Ngoại hiện chúng sắc tượng,
Nhất nhất âm thanh tướng,
Bình đẳng như mộng huyễn,
Bất khởi phàm thánh kiến,
Bất tác Niết Bàn giải,
Nhị biên tam tế đoạn.
Thường ứng chư căn dụng,
Nhi bất khởi dụng tưởng.
Phân biệt nhất thiết pháp,
Bất khởi phân biệt tưởng.
Kiếp hỏa thiêu hải để,
Phong cổ sơn tương kích.
Chơn thường tịch diệt lạc,
Niết Bàn tướng như thị.
Ngô kim cưỡng ngôn thuyết,
Linh nhữ xã tà kiến.
Nhữ vật tuỳ ngôn giải,
Hứa nhữ tri thiểu phần.
Dịch nghiã:
Vô thượng đại Niết Bàn,
Sáng tròn thường tịch chiếu,
Phàm phu gọi là chết,
Ngoại đạo chấp đoạn diệt.
Những người tu nhị thừa,
Cho đó là vô tác.
Thảy đều do tình thức,
Sáu mươi hai kiến chấp. (1)
Vọng lập tên hư giả,
Ðâu phải nghiã chơn thật.
Chỉ có người kiến tánh,
Thông đạt chẳng lấy bỏ,
Vì biết pháp ngũ uẩn.
Với cái ngã trong uẩn,
Cả hiện tượng thế giới,
Mỗi sắc tướng âm thanh,
Bình đẳng như mộng huyễn,
Chẳng phân biệt thánh phàm,
Chẳng cho là Niết Bàn.
Nhị biên tam tế dứt. (Nhị biên: đối đãi biên kiến; tam tế: quá khứ hiện tại, vị lai).
Thường ứng các căn dụng, (2)
Mà chẳng khởi dụng tưởng,
Phân biệt tất cả pháp, (3)
Chẳng khởi phân biệt tưởng.
Niết Bàn vốn phi vật,
Lửa gió đụng chẳng được.
Chơn vui thường tịch diệt,
Tướng Niết Bàn như thế,
Nay ta gượng nói ra,
Khiến ngươi bỏ tà kiến.
Chớ hiểu theo lời nói,
Mới cho biết ít phần.
Chí Ðạo nghe xong đại ngộ, vui mừng đảnh lễ lui ra.
GHI CHÚ :
(1) 62 kiến chấp: Tứ cú x ngũ uẩn = 20, 20 x tam tế = 60, 60 + thêm Hữu và Vô (nguồn gốc của tất cả nhị biên đối đãi) = 62. Tất cả kiến chấp đều không ở ngoài 62 kiến chấp này.
(2) Thường ứng các căn dụng, mà chẳng khởi dụng tưởng: Thường ứng là tả sự dụng của tự tánh chẳng tác ý, như bóng hiện trong gương, luôn luôn như thế. Ví như dùng cơm chỉ là dùng cơm, chẳng có năng sở, nên nói Thường ứng các căn dụng, mà chẳng khởi dụng tưởng. Còn dụng tưởng thì có tác ý, nên có năng sở, cho ta là năng dùng, cơm là sở dùng.
(3) Phân biệt tất cả pháp, chẳng khởi phân biệt tưởng: Phân biệt tất cả pháp mà chẳng tác ý ví như cơm chỉ là cơm, nước chỉ là nước, còn phân biệt tưởng là có tác ý, nên có cơm ngon cơm dở, nước trong nước đục.
Hành Tư Thiền Sư, họ Lưu, sanh ở An Thành, tỉnh Kiết Châu. Nghe nói Tào Khê giáo pháp thịnh hành, bèn đến tham lễ, hỏi: Nên làm việc gì để khỏi lọt vào giai cấp? Sư hỏi: Ngươi đã từng làm việc gì? Ðáp: Thánh đế cũng chẳng làm. Sư hỏi: Lọt vào giai cấp nào? Ðáp: Thánh đế còn chẳng làm, giai cấp nào mà có! Sư rất trọng, cho là pháp khí, cho làm quản chúng. Một hôm Sư nói: Ngươi nên hoá độ một nơi, chớ cho đoạn dứt giáo pháp đốn ngộ này. Hành Tư Thiền Sư đã đắc pháp, bèn về núi Thanh Nguyên ở Kiết Châu hoằng pháp, sau được vua sắc phong, hiệu là Hoằng Tế Thiền Sư.
Hoài Nhượng Thiền Sư, họ Ðỗ ở Kim Châu. Lúc ban đầu đến lễ An Quốc Sư ở Tung Sơn, An Quốc Sư sai đến Tào Khê tham vấn. Nhượng đến lễ bái. Sư hỏi: Từ đâu đến? Ðáp: Tung Sơn. Sư hỏi:Cái vật gì mà đến như vậy? Nhượng trả lời chẳng được, nổi nghi tình trải qua tám năm, sau nói với Sư: Nói tựa như một vật thì chẳng đúng. Sư hỏi: Còn có thể tu chứng chăng? Ðáp: Tu chứng thì chẳng phải không, ô nhiễm thì chẳng thể được. Sư ấn chứng rằng: Chỉ cái chẳng ô nhiễm này chư Phật đều hộ niệm, ngươi đã như vậy, ta cũng như vậy. Nhượng hoát nhiên đại ngộ, bèn làm thị giả bên Sư mười lăm năm, ngày càng thấu triệt huyền chỉ thâm sâu. Sau đến núi Nam Nhạc, rộng truyền Thiền Tông, được vua sắc phong, hiệu Ðại Huệ Thiền Sư.
Vĩnh Gia Huyền Giác Thiền Sư, họ Ðới quê ở Ôn Châu. Thuở nhỏ tu học Kinh Luận, chuyên về pháp môn chỉ quán của Thiên Thai Tông, nhân xem Kinh Duy Ma Cật phát minh tâm địa (kiến tánh). Bỗng gặp đệ tử của Sư là Huyền Sách đến thăm, luận đàm với nhau; thấy lời nói của Huyền Giác khế hợp với Chư Tổ, Huyền Sách hỏi: Thượng Tọa đắc pháp nơi Thầy nào? Ðáp: Tôi nghe giảng Kinh Luận Ðại Thừa, mỗi mỗi đều có Thầy truyền thừa, sau xem Kinh Duy Ma Cật ngộ tự tâm Phật, nhưng chưa có Thầy ấn chứng. Huyền Sách nói: Trước thời Phật Oai Âm Vương thì được, sau thời Phật Oai Âm Vương, không Thầy mà tự ngộ, ấy đều là thiên nhiên ngoại đạo. Giác nói: Vậy xin nhờ Thượng Tọa vì tôi ấn chứng. Sách nói: Lời tôi chẳng đáng kể, ở Tào Khê nay có Lục Tổ Ðại Sư, các nơi đều tụ tập đến đó để thọ pháp, hễ đi thì cùng nhau đi. Huyền Giác bèn cùng với Huyền Sách đến tham vấn. Khi đến gặp Sư, Huyền Giác đi nhiễu ba vòng rồi đứng lại chống tích trượng. Sư nói: Bậc Sa môn phải đầy đủ ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, Ðại Ðức từ đâu đến mà sanh đại ngã mạn! Giác đáp: Sanh tử việc lớn, vô thường nhanh chóng.Sư nói: Sao chẳng thể cứu (tham cứu) cái pháp vô sanh, liễu ngộ cái chẳng nhanh chóng ấy ư? Ðáp: Thể tức vô sanh, liễu vốn chẳng chóng. Sư bèn ấn chứng: Ðúng thế, đúng thế! Lúc bấy giờ Huyền Giác mới trang nghiêm lễ bái, giây lát sau liền từ giã. Sư nói: Sao về chóng thế? Ðáp: Tự vốn chẳng động, há có chóng sao?" Sư hỏi: Ai biết chẳng động? Ðáp: Hoà Thượng tự sanh phân biệt. Sư nói: Ngươi thật được ý vô sanh. Ðáp: Vô sanh há có ý sao? Sư hỏi: Không ý ai biết phân biệt? Ðáp: Phân biệt cũng chẳng tác ý. Sư nói: Lành thay! Hãy ở lại một đêm. Người thời ấy tôn Huyền Giác là Nhất Túc Giác. Về sau Giác soạn bài Chứng Ðạo Ca thịnh hành khắp thế gian. Sau được sắc phong là Vô Tướng Ðại Sư, người đời tôn là Chơn Giác.
Thiền Giả Trí Hoàng, tham học với Ngũ Tổ, tự cho mình đã được chánh thọ (chánh định), bèn chấp ngồi mãi trong am hơn hai mươi năm. Ðệ tử của Sư là Huyền Sách hành cước đến Hà Bắc, nghe tên Trí Hoàng, liền đến am hỏi thăm. Ông ở đây làm gì? Hoàng nói: Nhập định. Sách hỏi: Ông nói nhập định, là có tâm nhập hay là không tâm nhập? Nếu nói không tâm nhập thì tất cả loài vô tình, cây cối ngói đá đều phải được định; nếu nói có tâm nhập thì tất cả loài hữu tình cũng đều được định. Hoàng nói: Ta đang lúc nhập định chẳng thấy có cái tâm CÓ và KHÔNG. Sách nói: Chẳng thấy có cái tâm CÓ và KHÔNG tức là thường định, đâu có xuất nhập? Hễ có xuất nhập thì chẳng phải đại định. Hoàng không trả lời được, một lúc sau mới hỏi: Thượng Tọa nối pháp ai? Sách nói: Thầy tôi là Tào Khê Lục Tổ Ðại Sư. Hoàng hỏi: Lục Tổ lấy gì làm thiền định? Sách nói: thầy tôi nói: tự tánh huyền diệu trạm nhiên, viên tròn tịch diệt, thể dụng như như, ngũ uẩn vốn không, lục trần phi thật, chẳng xuất chẳng nhập, chẳng định chẳng loạn, tánh thiền vô trụ, chẳng trụ nơi thiền tịch, tánh thiền vô sanh, chẳng khởi thiền tưởng (chẳng tác ý cho là thiền), tâm như hư không, cũng chẳng có cái số lượng của hư không. Hoàng nghe nói như vậy bèn đến lễ Sư. Sư hỏi: Thượng Tọa từ đâu đến? Hoàng thuật lại nhân duyên gặp Huyền Sách. Sư nói: Thật đúng như Huyền Sách nói. Ngươi hễ tâm như hư không, chẳng chấp vào không, ứng dụng vô ngại, động tịnh vô tâm (chẳng tác ý), thánh phàm đều quên, năng sở đều diệt, tánh tướng như như, thì không lúc nào chẳng phải định vậy. Trí Hoàng do đó đại ngộ, cái tâm sở đắc từ hai mươi năm đến nay đều tan rã chẳng còn hình bóng. Sau từ giã Sư về nơi Hà Bắc hoằng pháp, khai hoá tứ chúng.
Có một đồng tử tên là Thần Hội, họ Cao, ở Tương Dương. Lúc mười ba tuổi từ chùa Ngọc Tuyền đến tham lễ. Sư nói: Tri thức từ xa đến khổ nhọc, có đem theo cái bản lai đến chăng? Nếu có bản lai thì phải biết chủ nhơn, thử nói xem! Hội đáp: Lấy vô trụ làm bản, cái thấy tức là chủ. Sư nói: Sa di này hay nói càn! Hội lại hỏi: Hoà Thượng toạ thiền thấy hay chẳng thấy? Sư cầm cây gậy đánh cho ba cái, hỏi: Ta đánh ngươi có đau hay chẳng đau? Ðáp: Cũng đau cũng không đau. Sư nói: Ta cũng thấy cũng chẳng thấy! Hỏi:Thế nào là cũng thấy cũng chẳng thấy? Sư nói: Cái thấy của ta, thường thấy lỗi của tự tâm, chẳng thấy phải quấy tốt xấu của người, cho nên cũng thấy cũng chẳng thấy. Ngươi nói cũng đau cũng chẳng đau là thế nào? Nếu chẳng đau thì đồng với cỏ đá, nếu đau thì đồng với phàm phu, liền khởi sân hận. Ngươi vừa hỏi thấy, không thấy là nhị biên (đối đãi), nói đau, không đau là sanh diệt, tự tánh ngươi còn chẳng tự thấy mà dám đùa người khác! Thần Hội bèn lễ bái cầu xin sám hối. Sư lại nói: Ngươi nếu tâm mê chẳng thấy, cần phải hỏi thiện tri thức để chỉ đường, ngươi nếu tâm ngộ tức tự thấy tánh, phải y pháp tu hành. Nay ngươi mê chẳng thấy tự tâm, lại đến hỏi ta thấy hay không thấy, ta thấy tự ta biết, chẳng dính dáng cái mê của ngươi, ngươi nếu tự thấy, cũng chẳng dính dáng cái mê của ta, sao chẳng tự thấy tự biết, mà lại hỏi ta thấy hay chẳng thấy! Thần Hội lại lễ thêm hơn trăm lạy, xin sám hối tội lỗi, ân cần hầu hạ bên Sư chẳng rời. Một hôm Sư bảo chúng: Ta có một vật, chẳng đầu chẳng đuôi, chẳng danh chẳng tự, chẳng lưng chẳng mặt, các ngươi có biết chăng? Thần Hội bèn ra nói: Ấy là bổn nguyên của chư Phật, Phật tánh của Thần Hội. Sư nói: Ðã nói với ngươi là chẳng danh chẳng tự, ngươi bèn gọi là bổn nguyên Phật tánh, ngươi sau này dẫu cho có ra hoằng pháp cũng chỉ thành một môn đồ tri giải mà thôi. Sau khi Lục Tổ viên tịch, Thần Hội vào trong Kinh thành Lạc Dương, rộng truyền đốn giáo của Tào Khê, soạn bộ Hiển Tông Ký, thịnh hành nơi đời, hiệu là Hà Trạch Thiền Sư.
Tăng hỏi Sư: Ý chỉ của Huỳnh Mai người nào được? Sư đáp: Người hiểu Phật pháp được. Hỏi: Hoà Thượng có được chăng? Ðáp: Ta chẳng hiểu Phật pháp.
Một hôm, Sư muốn giặt cái y của Ngũ Tổ truyền thọ mà xung quanh không có suối tốt, nên đi đến cách sau chùa năm dặm, thấy có núi rừng xanh biếc, thoại khí vòng quanh (thoại khí là triệu chứng tốt lành hiện trên không khí, nhưng phải là người có pháp nhãn mới thấy được.) Sư dộng tích trượng xuống đất, nước suối ngay đó trào ra, chảy thành cái ao. Sư quỳ trên đá mà giặt y. Có vị Tăng ở Tây Thục tên là Phương Biện đến lễ Sư, Sư hỏi: Thượng Tọa làm nghề gì? Ðáp: Thợ đắp tượng. Sư nghiêm mặt lại nói: Ngươi thử đắp ta xem! Biện ngơ ngác, qua mấy ngày sau đắp xong chơn tượng, cao bảy tấc, nét mặt tánh tình đều được tỏ bày khéo léo. Sư cười nói: Ngươi khéo tánh đắp tượng mà chẳng hiểu tánh Phật. Sư rờ đầu thọ ký, dặn phải trọn làm phước điền cho trời người; rồi lấy y mà trả công. Biện chia y làm ba phần: một phần đắp lên pho tượng, một phần tự giữ lấy, một phần lấy lá cây kè gói lại, xong chôn dưới đất, nguyện rằng: Cho tôi đời sau được y này, làm trụ trì nơi đây, xây dựng lại chùa chiền. Ðến năm thứ tám, niên hiệu Gia Hữu đời Nhà Tống (1056-1063, cách đó 380 năm), có vị Tăng tên là Duy Tiên đến đó tu sửa lại chùa chiền, đào đất được y còn như mới. Pho tượng của Sư còn giữ ở chùa Cao Tuyền.
Có vị Tăng đem bài kệ của Ngọa Luân thiền sư lập lại với Sư, Kệ rằng:
Ngọa Luân hữu kỹ lưỡng,
Năng đoạn bá tư tưởng.
Ðối cảnh tâm bất khởi,
Bồ đề nhựt nhựt trưởng.
Dịch nghiã:
Ngoạ Luân có bản lãnh,
Dứt được trăm tư tưởng.
Ðối cảnh tâm chẳng khởi,
Bồ đề luôn luôn trưởng.
Sư nghe xong nói: Kệ này chưa rõ tâm địa, nếu theo đó mà hành thì lại thêm trói buộc. Do đó khai thị một bài kệ:
Huệ Năng một kỹ lưỡng,
Bất đoạn bá tư tưởng.
Ðối cảnh tâm số khởi,
Bồ đề tác ma trưởng.
Dịch nghiã:
Huệ Năng không bản lãnh,
Chẳng dứt trăm tư tưởng.
Bồ đề làm sao trưởng!