Kinh Công Đức Các Bổn Nguyện của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Lược Giảng
Đời Đường, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu dịch
Đối với nghĩa lý của lời kinh, quý vị thấy có điểm nào hoài nghi chăng? Hoặc giả quý vị có kiến giải riêng mới nẩy sinh, hoặc có ý kiến gì về lời giải thích kinh văn? Quý vị cứ tự nhiên trình bầy để chúng ta cùng nhau nghiên cứu. Như có câu nào trong kinh mà quý vị thấy có điểm hoài nghi, hay ý nghĩa trong câu chưa được minh bạch, chúng ta cũng đưa ra để cùng thảo luận.
Đạo lý mà chúng ta học trong Phật giáo chẳng phải là đạo lý của quý vị hay của tôi, mà cũng chẳng phải là đạo lý của đức Phật nữa. Đó chính là đạo lý của “lô-gích” (logic) và của trí huệ mà mọi người cần tuân thủ. Phật giáo chẳng phải như các tôn giáo khác, chỉ dành lấy lẽ phải riêng về mình một cách ngược ngạo, thi hành đường lối ngu dân, độc tài, để áp chế người, bắt mọi người nghe theo mình mà không được đặt vấn đề nào khác. Còn Phật giáo thì biểu hiện một trí huệ cộng đồng. Cái gì có phù hợp với trí huệ thì mới gọi là chân lý; không phù hợp thì cái lý luận đó không thể áp dụng được. Đạo lý của Phật giáo không phải là thứ gì do một quyền lực độc tài, chuyên chế hoặc từ một chính sách ngu dân đưa ra, cho nên ai nấy trong chúng ta đều có quyền phát biểu và chúng ta hãy dùng trí huệ của mình để phán xét lý luận nào là đúng, lý luận nào là sai. Chúng ta phải có con mắt chọn pháp (trạch pháp nhãn), mình làm chủ lấy mình, chớ không phải ai nói sao cũng nghe theo làm vậy, hoặc giả không dám tự mình phát huy trí huệ sẵn có của mình. Như vậy là sai lầm! Chúng ta còn phải tận lực khai mở loại trí huệ chân chính này trong mỗi người của chúng ta.
Trí huệ của chư Phật là cùng một loại. Còn kinh thì kinh nào cũng cùng chung một nguyên lý. Bộ kinh này dạy rằng chúng ta tụng niệm kinh là để giúp cho người bệnh qua được cơn đau ốm. Nếu vì người chết mà tụng kinh thì người chết sẽ được một phần nhỏ công đức, còn người sống đọc kinh thì công đức lại to lớn hơn nhiều. Người chết sẽ được bao nhiêu công đức? Chúng ta không có cách gì để biết nổi, dù khoa học cũng không thể đo lường được. Chỉ biết rằng kinh này là do Phật nói ra nên số lượng công đức là chẳng thể nghĩ bàn.
Riêng về đến người sống thì đọc tụng kinh này sẽ mang lại cho họ bao nhiêu công đức? Họ được những lợi ích gì? Rất nhiều lợi ích. Do là khi họ đọc tụng kinh này, trong tâm của họ sẽ được khai mở, lòng chấp trước của họ sẽ tiêu tan. Phá được chấp trước tức họ sẽ có vô lượng công đức. Mê lầm sanh ra tạo nghiệp rồi thọ quả báo, và nguyên nhân là từ sự chấp trước. Do chấp trước mà tạo tội. Nếu phá được chấp trước thì mọi thứ tội đều chẳng thành, cho nên pháp của Phật nói trong kinh là nhằm phá sự chấp trước. Chỉ mang một chút ít chấp trước, người ta cũng khó mà giải thoát được. Phá được chút ít đó thì công đức của quý vị sẽ là vô lượng và quý vị sẽ chứng được giải thoát.
Quý vị nên khuyến khích bạn bè thân thích quy y đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Quý vị không phải là người xuất gia nên không được phép truyền pháp quy y. Muốn học Phật thì trước tiên là phải học Phật Pháp. Muốn học Phật Pháp thì trước đó phải quy y Tăng. Bộ kinh này đã nói rất rõ: kinh dạy rằng chúng ta phải thỉnh các Tăng chứng minh và nhờ họ làm Phật sự. Nói Phật sự có nghĩa là nói chúng ta phải quy y đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Đã nói quy y thì phải thành khẩn, chúng ta đừng nghĩ rằng đây chỉ là chuyện bình thường như các việc chúng ta làm hàng ngày một cách tùy tiện, như đói thì ăn, lạnh thì mặc quần áo. Học Phật Pháp đòi hỏi chúng ta phải tôn kính Pháp. Pháp được lưu truyền là nhờ đoàn thể Tăng-già. Khi nhập Niết-bàn, đức Phật đã giao trọn pháp của Ngài cho chư Tăng để lưu truyền hậu thế. Bởi vậy, khi quy y với đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chúng ta phải chí thành khẩn thiết thỉnh chư Tăng đến, nhờ họ xếp đặt các nghi thức cho ta. Công việc này không thể thực hiện qua loa cho xong việc, như nói: “Ồ! Quy y thì tôi có thể tự mình làm được!” Chẳng phải dễ dàng như vậy đâu!
Lấy một thí dụ, quý vị đến trường nhập học, trước tiên là phải qua các thầy giáo dạy bảo, sau đó quý vị mới được bằng cấp. Còn như học lấy một mình, chẳng nhờ ai dạy thì ai sẽ cấp bằng cho quý vị. Chuyện đó không thể có được.
Đệ tử: Kinh nói phải phóng sanh các loại khác nhau, có thể đến bốn mươi chín loài. Như vậy các chúng sanh đó có phải là những loài mà người ta ăn thịt không?
Thượng Nhân: Có loài chúng sanh nào mà người ta không ăn thịt chăng? Mèo ư? Chuột ư? Thời nay nhiều người thích ăn thịt mèo và thịt chuột. Quý vị bảo người ta không ăn thịt kiến ư? Có kiến đóng hộp để mọi người dùng đó! Thử hỏi, có loài chúng sanh nào mà người ta không ăn thịt? Quý vị nói thử coi!
Đệ tử: Người bệnh đã đến tình trạng bất tỉnh, thần thức đã đến trước Diêm Vương rồi, vậy mà do công đức của bộ kinh này, thần thức người đó còn có thể trở về được. Thật là một điều đáng vui biết bao! Trong các tôn giáo khác, như Thiên chúa giáo, Cơ-đốc giáo chẳng hạn, cũng có những chỗ ghi lại sự kiện giống như trên, như trường hợp người đã chết, sau đó sống lại và còn nhớ rành rẽ những sự việc đã xảy ra. Họ không biết giải thích sự việc kỳ lạ này ra sao, họ cho rằng đó là do phép lạ của Chúa. Họ còn chủ trương rằng nếu người ta không tin Chúa thì nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục. Ai tin Chúa thì dầu làm điều bất thiện vẫn có thể được lên thiên đàng, còn ngược lại, không tin Chúa thì chắc chắn xuống địa ngục dầu người đó có làm những việc thiện. Lý luận như vậy thiếu “lô-gích” và chẳng thông chút nào! Rất nhiều người bị mê hoặc vì lý luận này. Nay, chúng ta xem trong kinh Phật, thấy mọi sự tình đều được phơi bầy một cách rành rẽ, hợp lý và tuyệt nhiên không có điểm nào nhằm bịt tai bịt mắt mọi người, đó là điều rất đáng vui mừng vậy!
Thượng Nhân: Kiến giải này rất đúng. Trong Phật giáo, ai có điều gì nghi hoặc đều có thể nêu ra để được giải đáp và tuyệt nhiên không hề có sự áp đặt lòng tin đối với mọi người. Chẳng bao giờ có trường hợp giải đáp không được một điều gì thì lại nói rằng: “Đó là ý của Thiên chúa, hoặc giả đó là ý của Phật, ta không có quyền được đặt vấn đề”. Chính đức Phật cũng khuyến khích việc thưa hỏi. Việc này rất tốt bởi chúng ta không nên sống trong sự lầm lạc. Học Phật là phải hiểu đạo lý, mỗi ngày một sáng tỏ hơn, chớ không thể mê tín, nghĩa là tin một cách mê mờ, không hiểu rõ đầu đuôi, ai nói sao thì làm vậy. Học Phật là phải có con mắt chọn pháp (trạch pháp nhãn), lấy trí huệ chân chánh của mình để phân biệt cái nào là Pháp, cái nào chẳng phải Pháp. Càng học Phật, đầu óc càng sáng tỏ, chớ không khải càng học càng trở nên hồ đồ. Cần nhận thức rõ chân lý, đó là sự khai mở trí huệ. Okay?
Này ông A-nan! Lại còn như khi các Quán đỉnh vương hàng Sát-đế-lị, tai nạn khởi lên, như là dịch nạn, nước khác xâm lấn, phản nghịch trong nước, nạn về tinh tú, sao xấu mọc ra, nhật thực nguyệt thực, mưa gió trái mùa, đến mùa chẳng mưa, các Quán đảnh vương và Sát-đế-lị, bấy giờ đối với hết thảy hữu tình, khởi lòng từ bi, tha những tù tội, mà theo các pháp, cúng dường đã nói, cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thời thiện căn ấy và sức bổn nguyện đức Như Lai kia, khiến cho cả nước, liền được an ổn, mưa gió đúng thời, lúa cấy được mùa, hết thảy hữu tình, vô bệnh mừng vui, ở trong khắp nước, không có những thần bạo ác dược xoa, não hại hữu tình, những hình tướng ác thảy đều biến mất.
Phục thứ A Nan! Nhược Sát đế lị, Quán đỉnh vương đẳng, tai nạn khởi thời, sở vị nhân chúng tật dịch nạn, tha quốc xâm bức nạn, tự giới bạn nghịch nạn, tinh tú biến quái nạn, nhật nguyệt bạc thực nạn, phi thời phong vũ nạn, quá thời bất vũ nạn, bỉ Sát đế lị Quán đỉnh vương đẳng, nhĩ thời ưng ư nhất thiết hữu tình, khởi từ bi tâm, xá chư hệ bế, y tiền sở thuyết cúng dường chi pháp, cúng dường bỉ Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, do thử thiện căn, cập bỉ Như Lai bổn nguyện lực cố, linh kỳ quốc giới, tức đắc an ổn, phong vũ thuận thời, cốc giá thành thục, nhất thiết hữu tình vô bệnh hoan lạc, ư kỳ quốc trung vô hữu bạo ác, Dược xoa đẳng thần, não hữu tình giả, nhất thiết ác tướng giai tức ẩn một.
Công đức của bộ kinh này quả là không thể nghĩ bàn. Nếu chúng ta tụng niệm kinh Bổn Nguyện Công Đức của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì có thể tránh được mọi thứ tai nạn và hết thảy loài thứ ác quỷ đều bó tay không hại được chúng ta. Bởi vậy, đức Phật lại một lần nữa bảo ông A-nan: “Này ông A-nan! Lại còn như khi các Quán đỉnh vương hàng Sát-đế-lị”, Sát-đế-lị tức là một giai cấp Ấn độ, cũng tôn quý như giai cấp Bà-la-môn; trong hàng Sát-đế-lị thì có một Quán đảnh vương, tức là người được tấn phong thái tử, trong một buổi lễ gọi là lễ “quán đảnh”; người đó sau này sẽ lên ngôi vua.
“Tai nạn khởi lên”, khi trong nước gặp những tai nạn như hạn hán, lụt lội, gió bão; “như là dịch nạn”, bệnh ôn dịch gây nhiều chết chóc trong dân chúng; “nước khác xâm lấn”, hoặc nạn xâm lấn do nước láng giềng hay một nước khác mang quân tới, “phản nghịch trong nước”, hoặc giả trong nước có phần tử phiến loạn nổi lên chống lại quốc vương;
“Nạn về tinh tú, sao xấu mọc ra”, đây là nói các sao trên trời biến đổi hình dáng một cách khác thường. Có khi người ta thấy vì sao nào đó như bốc hỏa, có vì sao thì nổ tan, có khi sao băng đầy trời, hoặc trường hợp sao chổi tiến sát địa cầu. Những sự biến dạng kỳ quái này thường là nguyên nhân sanh ra các tai nạn như đao binh, hỏa tai, thủy nạn, ôn dịch lưu hành trên trái đất.
“Nhật thực nguyệt thực”, nạn nhật thực và nguyệt thực. Mặt trời hay mặt trăng đương soi sáng rồi bỗng nhiên biến mất, đó là nhật thực và nguyệt thực. Mặt trời vốn nóng, khi nhật thực thì đổi thành mát; ánh trăng thì đương mát đổi thành nóng. Đó chính là những sự tình bất thường.
“Mưa gió trái mùa, đến mùa chẳng mưa”, Chưa cần có mưa thì trời lại đổ mưa, không muốn có gió thì trời lại nổi gió. Khi mưa thì mưa lớn, còn gió thì làm đổ nhà đổ cửa. Gió mưa như vậy là trái mùa, không đúng thời tiết, là một tai nạn. Đến khi cần mưa thì lại xảy ra cảnh hạn hán, lại cũng là một cái nạn.
“Các Quán đảnh vương và Sát-đế-lị, bấy giờ đối với hết thảy hữu tình”, giữa những lúc tai nạn như vừa kể, các Sát-đế-lị cũng như vị sẽ kế thừa ngôi báu phải có lòng nghĩ tới mọi người, phải sám hối giống như vua Thang đời nhà Thương xưa, mà nói rằng: “Tôi, đứa nhỏ tên Lý, xin dâng một con trâu mộng đen, để cáo lên Hoàng Hoàng Hậu Đế”; đây là lời vua Thang tế Trời. Vua thưa lên ra sao? Vua nói đại ý rằng nếu trẫm có tội thì hình phạt kia không nên giáng xuống đầu của trăm họ. Giả dụ họ có gây nên nghiệp tội, thì nhà vua phải nhận mọi trách nhiệm, bởi vua đã không biết cách giáo hóa thần dân. Vua Thang cáo trời đất và nhìn nhận mọi sự lầm lỗi của mình.
Vì ý nghĩa đó cho nên trong khi gặp nạn, các vua quán đảnh phải “khởi lòng từ bi, tha những tù tội”, khởi lòng từ bi mà ra lệnh ân xá cho kẻ tù tội. Họ phải tự nghĩ rằng: “vì sao những tai họa đó xảy đến? Phải chăng ta không có lòng từ bi?” Phải nghĩ như vậy, để phát tâm đại từ bi, ân xá cho những người phạm tội, đương bị tù giam, ngay cả những người đáng tội chết; “mà theo các pháp, cúng dường đã nói, cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, y theo cách thức vừa nói trên để cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
“Thời thiện căn ấy và sức bổn nguyện đức Như Lai kia”, do căn lành cúng dường đức Dược Sư và cũng do sức đại nguyện của Ngài; “khiến cho cả nước, liền được an ổn, mưa gió đúng thời”, mà trong nước được bình an vô sự, mưa thuận gió hòa, như chúng ta thường nghe những câu: “cứ năm ngày thì gió, mười ngày thì mưa, gió không làm cây rên xiết, mưa không làm đất lở”. Lại có câu:
Thiên nhai tiểu vũ nhuận như tô
Thảo sắc dao khán cận khước vô
Tối thị nhất niên xuân hảo xứ
Tuyệt thăng yên liễu mãn hoàng đô[1]
Tạm dịch:
Lất phất mưa rơi ướt tựa dầu
Xa trông lầm tưởng cỏ xanh mầu
Bốn mùa chỉ độc xuân là quý
Tơ liễu khói giăng khắp đế đô
Mưa nhỏ tưới xuống, trông giống như phủ lên mặt đất một lớp mỡ. Đó là loại mưa làm đất cát phì nhiêu, làm cho cỏ cây tươi tốt, chớ không phải như những trận mưa trút nước khiến cho cả khối đất bị vỡ nát cuốn trôi. Còn gió thì hiền hòa, chẳng phải là những cơn bão lốc làm đổ nhà cửa, đổ cây cối. Gió mưa thuận hòa thì “cốc giá thành thục”, lúa cấy thì được mùa; “hết thảy hữu tình, vô bệnh mừng vui”, như vậy thì hết thảy các loại hữu tình, con người cũng như mọi chúng sanh đều không bị bệnh tật, sống trong cảnh an vui; trong nước không thấy các cảnh giết người, cướp của, đốt nhà, hay những hành vi bạo lực. Nay thì ngày ngày xảy ra những việc ấy, rất là đáng ngại, cũng bởi vì chúng ta bất hạnh sanh vào thời nhiễu loạn như vậy.
“Ở trong khắp nước, không có những thần bạo ác Dược xoa, não hại hữu tình, những hình tướng ác thảy đều biến mất”, những loại ác thần như dược xoa - còn gọi là tốc tật quỷ, quỷ chạy nhanh - không còn quấy nhiễu các chúng sanh, rồi hết thảy các loại hình tướng quái dị cũng đều biến mất không xuất hiện nữa.
Các Quán đảnh vương hàng Sát-đế-lị, sống lâu mạnh khỏe, vô bệnh tự tại, lợi ích đều tăng. Này Tôn giả A-nan! Nếu mà các vị hoàng hậu hoàng phi, công chúa thái tử, vương tử đại thần, phụ tá cùng với thể nữ trong cung, các quan và dân, mắc bệnh chịu khổ, và ách nạn gì, cũng nên dựng cây phướn thần năm sắc, thắp đèn tiếp sáng, phóng sanh các loài, rải các thứ hoa, đốt các hương quý, bệnh thời khỏi hết, tai nạn giải thoát. Bấy giờ Tôn giả A-nan hỏi ngài Cứu Thoát: Bạch thiện nam tử! Tại làm sao mà mạng người đã hết, có thể tăng thêm? Ngài Cứu Thoát nói: Bạch Đại đức! Ngài há chẳng nghe Như Lai nói có chín thứ chết uổng (hoạnh tử) ư? Bởi vậy khuyên làm phướn đèn nối mạng, tu mọi phước đức. Vì tu phước đức không bị ách nạn tới lúc mạng chung.
Nhi Sát-đế-lị Quán đỉnh vương đẳng, thọ mệnh sắc lực, vô bệnh tự tại, giai đắc tăng ích. A Nan! Nhược đế hậu phi chủ, trữ quân vương tử, đại thần phụ tướng, trung cung thãi nữ, bách quan lê thứ, vị bệnh sở khổ, cập dư ách nạn, diệc ưng tạo lập ngũ sắc thần phan, nhiên đăng tục minh, phóng chư sanh mạng, tán tạp sắc hoa, thiêu chúng danh hương, bệnh đắc trừ dũ, chúng nạn giải thoát.
Nhĩ thời A Nan vấn Cứu Thoát Bồ tát ngôn: Thiện nam tử, vân hà dĩ tận chi mệnh, nhi khả tăng ích?
Cứu Thoát Bồ tát ngôn: Đại đức! Nhữ khởi bất văn Như Lai thuyết hữu cửu hoạnh tử da? Thị cố khuyến tạo tục mệnh phan đăng, tu chư phước đức, dĩ tu phước cố, tận kỳ thọ mệnh, bất kinh khổ hoạn.
“Các Quán đảnh vương hàng Sát-đế-lị, sống lâu mạnh khỏe, vô bệnh tự tại, lợi ích đều tăng”, các ách nạn đều qua khỏi, các ông hoàng sát-đế-lị, được tấn phong quán đảnh, ai nấy đều sống lâu, khang kiện, được tự tại vì vô bệnh, lợi ích đều tăng.
“Này Tôn giả A-nan! Nếu mà các vị hoàng hậu hoàng phi, công chúa thái tử, vương tử đại thần, phụ tá cùng với thể nữ trong cung, các quan và dân, mắc bệnh chịu khổ, và ách nạn gì, cũng nên dựng cây phướn thần năm sắc, thắp đèn tiếp sáng, phóng sanh các loài”, Này ông A-nan! Nếu các hoàng hậu, hoàng phi, công chúa, trừ quân - tức là thái tử, người kế vị ngôi báu - các vương tử, các vị đại thần hoặc quan phụ tá, các thể nữ trong cung, hết thảy các quan cho đến thứ dân, vì bệnh hoạn mà đau khổ, hoặc giả vì các ách nạn khác, thời cũng phải dựng phướn thần năm sắc, đốt bốn mươi chín ngọn đèn, tiếp sáng luôn luôn không để đèn tắt, bày trước bảy pho tượng đức Dược Sư, rồi phải phóng sanh các loại, những chúng sanh sắp sửa phải chết.
“Rải các thứ hoa, đốt các hương quý, bệnh thời khỏi hết, tai nạn giải thoát”, rải các loại hoa để cúng dường đức Dược Sư, đốt các loại hương quý như trầm thủy hương, trầm hương, đàn hương, chiên đàn hương loại nhãn “ngưu đầu” v.v.. Được vậy, mọi thứ bệnh đều hết, các thứ tai nạn đều được giải trừ.
“Bấy giờ Tôn giả A-nan hỏi ngài Cứu Thoát:”, lúc bấy giờ Tôn giả A-nan lại hỏi Bồ tát Cứu Thoát; Ngài đại diện các chúng sanh mà hỏi thật kỹ càng: “Bạch thiện nam tử! Tại làm sao mà mạng người đã hết, có thể tăng thêm?” Bạch Thiện nam tử! Cớ làm sao người ta đã tới lúc tận mạng, mà đời sống còn được kéo dài thêm, sức khỏe còn được tốt thêm, lợi ích được cả hai đàng như vậy? Đó là điều khó hiểu.
“Ngài Cứu Thoát nói: Bạch đại đức! Ngài há chẳng nghe Như Lai nói có chín thứ chết uổng ư? Bồ-tát Cứu Thoát đáp lại như sau: Này Đại đức! Chẳng lẽ Tôn giả chưa được nghe đức Như Lai nói về chín loại chết uổng (hoạnh tử) do các tai vạ bất ngờ xảy đến hay sao? “Bởi vậy khuyên làm phướn đèn nối mạng, tu mọi phước đức. Vì tu phước đức không bị ách nạn tới lúc mạng chung”, bởi các lẽ ấy, kinh Phật mới khuyên các chúng sanh phải sắm phướn và đèn, tu mọi phước đức. Bởi sắm sửa các thứ cúng dường và làm những việc phước đức nên cuộc đời của họ chẳng gặp khổ nạn, không bị các cảnh chết uổng vì tai bay vạ gió.
A-nan hỏi rằng: Chín loại chết uổng là như thế nào? Bồ-tát Cứu Thoát đáp lại như sau: Nếu các hữu tình, bệnh tuy không nặng, nhưng không gặp thầy, và không có thuốc, hoặc có gặp thầy, lại bị lầm thuốc, bệnh không đáng chết, mà bị chết uổng; lại như tin theo bọn thầy yêu nghiệt, tà ma ngoại đạo, nói bậy họa phước, sinh ra sợ hãi, lòng những hoang mang, coi bói tìm họa, giết các chúng sanh, để cầu thần giúp, gọi các yêu quái, nhờ chúng phù hộ, kéo dài mạng sống, rốt cuộc chẳng được, ngu si mê hoặc, tin điều tà vạy, đầu óc điên đảo, bèn chết bất kỳ, đọa vào địa ngục, chẳng biết ngày ra, đây là thứ nhất trong loại chết uổng.
A Nan vấn ngôn: Cửu hoạnh vân hà? Cứu Thoát Bồ tát ngôn: Nhược chư hữu tình, đắc bệnh tuy khinh, nhiên vô y dược, cập khán bệnh giả, thiết phục ngộ y, thọ dĩ phi dược, thực bất ưng tử, nhi tiện hoạnh tử; hựu tín thế gian tà ma ngoại đạo yêu nghiệt chi sư, vọng thuyết họa phước, tiện sinh khủng động, tâm bất tự chánh, bốc vấn mịch họa, sát chủng chủng chúng sanh, giải tấu thần minh, hô chư võng lượng, thỉnh khất phước hựu, dục ký diên niên, chung bất năng đắc, ngu si mê hoặc, tín tà đảo kiến, toại linh hoạnh tử, nhập ư địa ngục, vô hữu xuất kỳ, thị danh sơ hoạnh.
“A-nan hỏi rằng: Chín loại chết uổng (hoạnh tử) là như thế nào?” ở trên ông A-nan có nghe nói tới chín lối chết uổng, nên ông hỏi thêm cho mọi người được biết một cách rành rẽ. Ông hỏi: Chín loại chết uổng là những loại nào?
“Bồ-tát Cứu Thoát đáp lại như sau: Nếu các hữu tình, bệnh tuy không nặng, nhưng không gặp thầy, và không có thuốc”, Bồ-tát Cứu Thoát nói: như trường hợp các chúng sanh tuy mắc bệnh nhẹ, ví dụ cảm mạo vì gió, chẳng hạn, ho hay đau sơ sơ, nhưng không kiếm ra thuốc để điều trị, hoặc không có thầy thuốc đến trị bệnh cho.
“Hoặc có gặp thầy, lại bị lầm thuốc, bệnh không đáng chết, mà bị chết uổng”, hoặc gặp được thầy thuốc thì trúng phải thầy thuốc dở, cho thuốc không đúng bệnh, kết quả bệnh không đáng chết mà bị chết uổng. Ví dụ như con bệnh đau bụng lại cho thuốc chữa mắt, hay vốn đau cổ họng lại cho thuốc đau đầu. Những loại y sĩ đó, nếu cho trị bịnh thì bệnh nhân chỉ có chóng chết mà thôi; “lại như tin theo bọn thầy yêu nghiệt, tà ma ngoại đạo”, lại còn tin theo bói toán, đoán số mạng, thuyết phong thủy v.v.. đó là những thuật của bàng môn, ngoại đạo; “nói bậy họa phước, sinh ra sợ hãi”, tin bọn thầy bùa quỷ quái, nói bậy bạ những điều họa phước, nên sinh lòng hoảng kinh. Đại khái họ nói những câu: “Cái này ghê lắm! Ông có thể bị tai nạn xe hơi đây! Trong vòng một trăm ngày, nhớ đừng có ra khỏi nhà nghe!” hoặc giả: “Ấy! Bà phải coi chừng, chồng bà ngoại tình đấy!” Toàn là những giọng điệu làm cho mọi người đương sợ hãi lại càng sợ thêm. Dọa người ta như vậy là họ muốn gì đây? Ý họ là thúc mọi người mau mau nhờ họ giúp đỡ.
- Đây rồi! Tôi có cách này. Quý vị chỉ cần đưa cho tôi hai trăm ngàn, tôi có thể giải trừ hết tai nạn.
“Lòng những hoang mang, coi bói tìm họa”, bởi tâm hoang mang, mới đi coi bói toán, tìm thầy để hỏi: “Nhờ thầy coi giùm, khí sắc của tôi ra sao? Liệu tôi có gặp chuyện gì rắc rối không?” Thầy nói:
- Không sao! Đưa cho tôi ba trăm.
Mất ba trăm thì tai qua nạn khỏi. Thầy bói dặn phải làm những thứ gì?
- Đi kiếm cho tôi một con mèo! Giết một con mèo thì hết nạn.
“Giết các chúng sanh, để cầu thần giúp, gọi các yêu quái, nhờ chúng phù hộ”, họ xúi biểu như vậy đó! Xúi biểu giết hại chúng sanh, giết mèo giết chuột, họ nói để làm công đức cúng dường Diêm vương, để Diêm vương xá tội cho. Họ còn kêu các loài yêu quái, loại quỷ đầu trâu, mặt ngựa, nói là để nhờ chúng phù hộ cho khỏi bị tử vong.
“Kéo dài mạng sống, rốt cuộc chẳng được”, dầu có muốn kéo dài tuổi thọ, nhưng đâu có làm được. Đó chính là: “ngu si mê hoặc, tin điều tà vạy, đầu óc điên đảo”, chỉ là một sự ngu si, u tối, tin điều càn rỡ, điên đảo; “bèn chết bất kỳ, đọa vào địa ngục, chẳng biết ngày ra, đây là thứ nhất trong loại chết uổng”, không những không khỏi bệnh mà còn mau chết, sau đó còn bị đọa địa ngục, chưa biết ngày nào mới ra khỏi được. Đó là kết quả của tà kiến, muốn sống thêm nên đã làm hại kẻ khác. Đây là loại chết uổng (hoạnh tử) thứ nhất.
Hai là luật vua, bắt tội tử hình, ba là săn bắn, làm thú vui chơi, hoặc mê tửu sắc, chơi bời vô độ, bị loài phi nhân, đoạt mất tinh khí, bốn là hỏa tai, năm bị chết đuối, sáu là các loại ác thú cắn chết, bảy là sẩy chân từ các vách núi, tám bị thuốc độc, bị phải bùa ngải, hoặc quỷ thây ma, chín là gặp cảnh đói khát mà chết. Đó là chín loại, Như Lai đã nói. Ngoài ra chết uổng còn nhiều loại nữa không thể kể hết.
Nhị giả, hoạnh bị vương pháp chi sở tru lục. Tam giả, điền liệp hi hí, đam dâm thị tửu, phóng dật vô độ, hoạnh vi phi nhân đoạt kỳ tinh khí. Tứ giả, hoạnh vi hỏa phần. Ngũ giả, hoạnh vi thủy nịch. Lục giả, hoạnh vi chủng chủng ác thú sở đạm. Thất giả, hoạnh đọa sơn nhai. Bát giả hoạnh vi độc dược, yếm đảo chú trớ, khởi thi quỷ đẳng chi sở trúng hại. Cửu giả, cơ khát sở khốn, bất đắc ẩm thực, nhi tiện hoạnh tử. Thị vị Như Lai lược thuyết hoạnh tử, hữu thử cửu chủng, kỳ dư phục hữu vô lượng chư hoạnh, nan khả cụ thuyết.
Phần trên nói về trường hợp chết uổng vì đau ốm mà không gặp thầy, không có thuốc, hoặc được thầy thuốc trị bệnh nhưng lại cho lầm thuốc, châm cứu hay mổ xẻ không đúng cách mà phải mạng vong. Bây giờ, nói đến “hai là luật vua, bắt tội tử hình”, loại thứ hai là trường hợp những người, chẳng biết có tội hay không có tội, chẳng biết oan hay ưng, nhưng bị pháp luật xử phải chết. Chẳng qua đấy là quả báo, cái quả của chín loại chết uổng.
“Ba là săn bắn, làm thú vui chơi”, thứ ba nói đến những kẻ săn bắn, đi vào núi săn hươu, nai, các con thú rừng, hoặc giả bắn các thứ chim, coi đó là một thú tiêu khiển, hoặc là những kẻ “ham mê tửu sắc, chơi bời vô độ, bị loài phi nhân, đoạt mất tinh khí”, tham đắm sắc dục, không biết tiết chế, còn rượu thì uống vô chừng, đến khi đã say còn lái xe, rủi xe gặp nạn thì mình cũng uổng mạng. Bởi không có chừng mực, không biết tự chế, nên dễ bị các loài phi nhân cướp mất tinh khí. Phi nhân là chỉ các giống yêu tinh, như sơn tinh thủy quái; chúng chẳng kể gì đạo lý, chúng đoạt lấy tinh khí của người để tu luyện nhằm kéo dài sanh mạng của chúng.
“Bốn là hỏa tai”, thứ tư là chết vì lửa đốt, có thể là cháy nhà rồi bị nạn.
“Năm bị chết đuối”, thứ năm là chết đuối.
“Sáu là các loại ác thú cắn chết”, thứ sáu là trường hợp bị ác thú cắn, hoặc giả bị chó sói ăn thịt, bị hổ vồ, bị rắn cắn.
“Bảy là sẩy chân từ các vách núi”, thứ bảy là sẩy chân trên vách đá và rớt xuống chết uổng.
“Tám bị thuốc độc, bị phải bùa ngải, hoặc quỷ thây ma”, thứ tám là những trường hợp như uống phải chất độc, hoặc bị người ta làm pháp yểm. Đại khái pháp yểm như sau: người ta làm một hình nộm bằng rơm, lấy một tờ giấy ghi rõ giờ, ngày, tháng và năm sanh của nạn nhân rồi dán vào hình nộm. Sau đó người ta bắn tên vào người nộm, cứ như vậy trong suốt một trăm ngày thì nạn nhân sẽ chết; có người mắc bùa chú cũng bị chết uổng (hoạnh tử); đây là tà chú, khi niệm những chú đó để làm hại người nào thì tâm thần của nạn nhân không còn làm chủ được mình, thường thường đi tới chỗ tự sát; lại có những câu chú sai khiến con quỷ dựng được các thây ma đứng dậy rồi đi lại trong đêm khuya, đó là trường hợp quỷ thây ma (thi quỷ).
“Chín là gặp cảnh đói khát mà chết”, thứ chín là chết vì đói khát. Đói mà không có gì để ăn, khát không có gì để uống, bởi cơ sự đó mà bị chết uổng.
“Đó là chín loại, Như Lai đã nói. Ngoài ra chết uổng còn nhiều loại nữa không thể kể hết”, đó là những điều Phật tóm lược về chín loại chết uổng, còn như nói rộng ra nữa thì còn nhiều các nạn khác, không sao kể cho đủ được.
Nói về chín loại chết uổng (hoạnh tử) thì ngày nay trên thế gian không thiếu gì nạn nhân đã mắc phải cảnh này. Đó chẳng phải là điều ngẫu nhiên, mà là kết quả của những hành động coi thường nhân quả của họ ngày trước. Tỷ dụ trường hợp uống lầm thuốc chẳng hạn. Cớ làm sao lại xảy ra chuyện đó? Chính là trong một kiếp nào đó, họ đã dùng thuốc độc để hại người. Đã từng gieo cái nhân hại người như vậy thời kiếp này phải chết uổng vì lầm thuốc, vì giải phẫu không đúng cách, vì châm cứu sai.
Lại như kẻ tử tội. Đây là do phán quyết của luật pháp. Lý ưng pháp luật phải công bằng, nhưng trong trường hợp chết uổng này thì có thể là oan, nên cho tới lúc chết mà nạn nhân cũng không biết lý do tại sao.
Thứ ba nói về thú đi săn. Người ta kéo vào núi để săn bắn. Các loại cầm thú đều chạy một cách điên cuồng, chạy thục mạng, nhưng không chạy khỏi cái chết. Ai mà nhẫn tâm khi chứng kiến thảm trạng như vậy! Lại coi đó là một thứ tiêu khiển, lấy sanh mạng chúng sanh làm trò du hý, thực là vô lý hết sức! Lại như đam mê tửu sắc, ham rượu và sắc dục một cách phóng đãng quá độ, dẫn tới sự say sưa, mất tự chủ rồi làm mồi cho loại phi nhân. Phi nhân nghĩa là không phải giống người, là loại yêu quái, chuyên hút lấy tinh khí của người. Một khi quý vị bị đoạt tinh khí thì quý vị đã mất hết “xăng nhớt” (gasoline) của quý vị rồi còn gì!
Thứ tư là hỏa tai, nạn nhân bị lửa thiêu chết. Nguyên nhân nào vậy? Chỉ vì trước đây quý vị thích ăn thịt “barbecue”, thịt nướng. Nướng thịt kẻ khác thì bây giờ mình bị nướng lại.
Thứ năm là thủy tai, bị chết đuối. Đó là quả báo về những hành động thuở trước đã dìm các sinh linh chết ngộp dưới nước. Tỷ dụ quý vị cho đàn kiến chết chìm dưới nước, rồi một ngày nào đó đích thân quý vị cũng sẽ có dịp được thí nghiệm cảnh bị dìm dưới nước nó ra sao. Lúc đó, khi bị nếm mùi rồi, thân quý vị chìm sâu dưới nước, quý vị chỉ còn uống nước cho bụng quý vị trương lên, vậy là xong cuộc đời.
Thứ sáu là bị ác thú cắn. Quả báo này phát sinh từ kiếp xưa ở cái nết độc ác thích ăn thịt các loãi dã thú như chồn, óc khỉ, chân gấu nướng trên lửa v.v.. nên kiếp này bị dã thú ăn thịt lại. Lại nói ăn cá, phải chọn cá còn đương quậy nhẩy, ăn tươi như vậy mới ngon! Kết quả bây giờ mới đổi thành nạn nhân của các con thú. Súc vật cũng có loại ngôn ngữ của súc vật và biết đâu, khi ăn thịt nạn nhân chúng cũng nhấm nháp, khen ngon: “Ồ! Thịt anh này ngon ghê! Món tiết canh cũng ngon nữa!” Và chúng cũng xúm lại tranh nhau ăn.
Thứ bảy là sẩy chân nơi vách núi. Cớ làm sao ra cơ sự này? Đó là quả báo của hành động cướp giật năm xưa. Lấy túi tiền của người ta chưa đủ, còn thừa lúc sơ ý, xô người ta xuống vực sâu. Tôi có một số người bạn đồng học hồi đó cũng có người bị kẻ gian xô xuống vách núi, may mà họ tin Phật nên không bị rớt xuống vực sâu. Sau đó họ leo lên được thoát nạn. Chuyện này tôi biết rõ lắm.
Thứ tám là bị đầu độc. Lý do chết uổng này là do kiếp trước quý vị đã tìm cách đầu độc người khác, quý vị muốn khống chế người ta, nay thì quý vị bị người khác khống chế lại. Chúng ta có câu: “nhân nào thì quả ấy”, quý vị gây ra nghiệp nào thì lãnh quả của nghiệp ấy. Bởi vậy cho nên mới xảy ra chuyện bùa ếm. Người ta làm những hình nộm, trong đó họ để sợi tóc hay móng tay của nạn nhân, hay họ ghim một tờ giấy trên có ghi tám chữ (bát tự) thuộc về năm sanh, tháng sanh, ngày sanh và giờ sanh của nạn nhân (theo âm lịch, năm tháng ngày giờ đều được ghi bằng can và chi như Giáp tý, Ất sửu v.v..). Người ta trù ếm bằng cách bắn tên, hoặc đốt, hoặc chôn hình nộm này, đại khái tượng trưng cách chết uổng của nạn nhân.
Còn quỷ thây ma (thi quỷ) là nói tới trường hợp có người niệm chú làm cho một thây ma đứng dậy và làm theo đúng sự sai khiến của người đó, ví dụ họ nói như sau: “Vào đêm nay, ngươi phải đi cho ta một trăm dặm, ta sẽ có mặt ở chỗ ấy, chỗ ấy... đợi ngươi”. Dưới hiệu lực của câu chú thây ma cứ theo đúng lệnh, đứng dậy rồi đi giống như một người còn sống vậy.
Loại thứ chín là chết đói, chết khát, chết lạnh, chết nóng. Có những địa phương gặp nạn đói, không có gì để ăn, nên rất đông người bị đói mà chết. Những người đó cứ há miệng ra cười khanh khách, họ cười xong là chết. Tại sao họ cười vậy? Như là họ muốn nói: “Bà con hãy coi tôi đây! Kiếp xưa tôi đã bỏ đói mọi người nên bây giờ tôi gặp quả báo này. Các người biết chưa?” Đại khái là như vậy, họ muốn bảo: “Các người hãy coi tôi làm gương, đừng có bắt chước tôi.” Thật là nhân nào quả ấy, không sai mảy may.
Lại nữa A-nan! Vua Diêm-ma ấy, giữ sổ danh bộ, của người thế gian, nếu các hữu tình, bất hiếu ngũ nghịch, làm xấu Tam Bảo, hại phép quân thần, hủy điều tín giới, thời vua Diêm-ma, tùy tội nặng nhẹ, xét hỏi xử phạt, bởi vậy nay ta, khuyên các hữu tình, đốt đèn dựng phướn, phóng sanh tu phước, để vượt ra khỏi khổ ách tai nạn.
Bấy giờ trong chúng, có mười hai vị đại tướng dược xoa, cùng ngồi trong tòa, đó là: Đại tướng Cung Tỳ La, Đại tướng Phạt Chiết La, Đại tướng Mê Xi La, Đại tướng An Để La, Đại tướng Ngạch Nễ La, Đại tướng San Để La, Đại tướng Nhân Đạt La, Đại tướng Ba Di La, Đại tướng Ma Hổ La, Đại tướng Chân Đạt La, Đại tướng Chiêu Đỗ La, Đại tướng Tỳ Yết La; đó là mười hai đại tướng dược xoa, mỗi vị kèm theo bảy ngàn dược xoa, là những quyến thuộc, tất cả đồng thanh, cùng bạch Phật rằng: Thế Tôn! Ngày nay chúng con, nhờ oai lực Phật, được nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nên không còn sợ các nẻo đường ác. Tất cả chúng con đều cùng một lòng, cho tới hết đời, quy Phật Pháp Tăng, thề xin giúp đỡ hết thảy hữu tình, lợi ích an lạc. Chẳng kể ở đâu, làng hay thành thị, các nước các ấp, trong chốn rừng hoang, nếu có kinh này, lưu truyền ở đấy, hoặc như có người thọ trì danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cung kính cúng dường, quyến thuộc chúng tôi, phù hộ người đó, giúp họ giải thoát hết mọi tai nạn, những điều nguyện cầu, cũng cho toại nguyện. Hoặc người nào muốn, thoát khỏi các thứ tật ách thời nên đọc tụng kinh này, lấy chỉ năm sắc, kết tên chúng tôi, khi nào toại nguyện mới gỡ mối chỉ.
Phục thứ A Nan! Bỉ Diêm ma vương, chủ lĩnh thế gian danh tịch chi ký, nhược chư hữu tình, bất hiếu ngũ nghịch, phá nhục Tam Bảo, hoại quân thần pháp, hủy ư tín giới, Diêm ma pháp vương, tùy tội khinh trọng, khảo nhi phạt chi, thị cố ngã kim khuyến chư hữu tình, nhiên đăng tạo phan, phóng sanh tu phước, linh độ khổ ách, bất tao chúng nạn.
Nhĩ thời chúng trung hữu thập nhị Dược Xoa đại tướng, câu tại hội tòa, sở vị: Cung Tỳ La đại tướng, Phạt Chiết La đại tướng, Mê Xi La đại tướng, An Để La đại tướng, Ngạch Nễ La đại tướng, San Để La đại tướng, Nhân Đạt La đại tướng, Ba Di La đại tướng, Ma Hổ La đại tướng, Chân Đạt La đại tướng, Chiêu Đỗ La đại tướng, Tỳ Yết La đại tướng, thử thập nhị Dược Xoa đại tướng, nhất nhất các hữu thất thiên Dược Xoa, dĩ vi quyến thuộc, đồng thời cử thanh bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Ngã đẳng kim giả, mông Phật uy lực, đắc văn Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai danh hiệu, bất phục cánh hữu ác thú chi bố, ngã đẳng tương suất, giai đồng nhất tâm, nãi chí tận hình, quy Phật Pháp Tăng, thệ đương hà phụ nhất thiết hữu tình, vị tác nghĩa lợi, nhiêu ích an lạc, tùy ư hà đẳng thôn thành quốc ấp, không nhàn lâm trung, nhược hữu lưu bố thử kinh, hoặc phục thọ trì Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai danh hiệu, cung kính cúng dường giả, ngã đẳng quyến thuộc, vệ hộ thị nhân, giai sử giải thoát nhất thiết khổ nạn, chư hữu nguyện cầu, tất linh mãn túc, hoặc hữu tật ách, cầu độ thoát giả, diệc ưng độc tụng thử kinh, dĩ ngũ sắc lũ, kết ngã danh tự, đắc như nguyện dĩ, nhiên hậu giải kết.
“Phục Lại nữa A-nan! Vua Diêm-ma ấy, giữ sổ danh bộ, của người thế gian”, ông A-nan! Lại còn điều này nữa, ông vua Diêm-la kia quản lý các danh bộ của người thế gian, cả danh bộ dương và danh bộ âm; “nếu các hữu tình, bất hiếu ngũ nghịch”, nếu những ai ăn ở không hiếu thảo với cha mẹ, phạm mười điều ác, hoặc phạm tội ngũ nghịch. Ngũ nghịch là sao? Đó là các tội: giết cha là một, giết mẹ là hai, giết thầy là ba - giết thầy cũng như giết A-la-hán - phá sự hoà hợp của Tăng đoàn là bốn và làm chảy máu Phật là năm.
Giết sư phụ của mình là một tội trong ngũ nghịch. Tôi giảng cho quý vị nghe như vậy thì tôi dám chắc không ai dám giết tôi đâu. Giết A-la-hán cũng được coi như tội ngũ nghịch thứ ba này. Bây giờ đến tội phá hòa hợp Tăng, có thể lấy thí dụ như sau: trong đạo tràng các Tăng chúng đương sống trong sự yên ổn, hoan hỷ, quý vị đến nơi ấy phá hoại sự an lạc của họ. Còn tội làm chảy máu Phật thì nay Phật không còn trụ thế, tội này bao gồm những hành động như phá hủy hình và tượng của Phật, hoặc giả đập bể tượng Phật bằng đất, đốt tượng Phật bằng gỗ, như vậy gọi là làm chảy máu Phật. Đây chỉ kể những việc làm cố ý. Nếu chỉ vì vô ý mà gây nên sự hư hại đến tượng Phật thì không có tội. Quý vị nên lưu ý điểm này, về sau đừng có hồ đồ la hoảng lên: “Tôi làm bể tượng Phật mất rồi, làm sao bây giờ? Tôi có bị đọa địa ngục không? Sư phụ ơi! Cứu con với!” Cái đó là very stupid! (quá ngu ngốc).
“Làm xấu (phá nhục) Tam Bảo”, gây điều tiếng xấu cho Tam Bảo, đại khái nói những câu: “Phật là mê tín, người nào tin Phật là mê tín. Mấy người xuất gia chẳng tu gì hết, chẳng giữ giới gì cả. Ồ! Những kinh điển bảo là do Phật nói, toàn là đời sau ngụy tạo cả”. Đó là những hành động “phá nhục Tam Bảo”; “hại phép quân thần, hủy điều tín giới”, làm hại nghĩa vua tôi, hủy hoại tín giới, tức là sự ngay thẳng. Tỷ dụ bảo rằng: “Chẳng cần thủ tín làm gì, cứ nói dối đại đi! Chỉ lần này thôi!” Đại khái là như vậy xúi biểu người khác nói láo, chẳng giữ sự trung thực.
“Thời vua Diêm-ma, tùy tội nặng nhẹ, xét hỏi xử phạt”, vua Diêm-la lúc đó sẽ tùy theo tội nặng hay nhẹ, xem xét rồi xử phạt kẻ có tội; “bởi vậy nay ta, khuyên các hữu tình, đốt đèn dựng phướn, phóng sanh tu phước, để vượt ra khỏi khổ ách tai nạn”, bởi vậy ta nay khuyên các hữu tình nên đốt đèn, bốn mươi chín ngọn, dựng phướn trường thọ, rồi phóng sanh các loại để tu phước, khiến cho các khổ ách sẽ được vượt qua, không còn gặp tai nạn gì nữa.
“Bấy giờ trong chúng, có mười hai vị đại tướng dược xoa, cùng ngồi trong tòa”, lúc bấy giờ trong chúng có mười hai vị đại tướng dược xoa, tức quỷ dạ-xoa loài quỷ chạy nhanh, cùng có mặt tại pháp hội; “đó là”:
“Cung Tỳ La đại tướng, chữ “la” có khi đọc là “loa”
Phạt Chiết La đại tướng,
Mê Xi La đại tướng,
An Để La đại tướng,
Ngạch Nễ La đại tướng,
San Để La đại tướng,
Nhân Đạt La đại tướng,
Ba Di La đại tướng,
Ma Hổ La đại tướng,
Chân Đạt La đại tướng,
Chiêu Đỗ La đại tướng,
Tỳ Yết La đại tướng” ,
“Đó là mười hai đại tướng dược xoa, mỗi vị kèm theo bảy ngàn dược xoa, là những quyến thuộc, tất cả đồng thanh:”, đó là mười hai vị đại tướng dược xoa, mỗi vị có một đoàn quyến thuộc là bảy ngàn dược xoa, tất cả đều đồng thanh bạch lên Phật rằng: “Thế Tôn! Ngày nay chúng con, nhờ oai lực Phật, được nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, bạch Thế Tôn! Chúng con nay nhờ oai lực của Phật, được nghe đến danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; “nên không còn sợ các nẻo đường ác”, do đó chúng con không còn sợ rơi vào các cảnh giới ác nữa (tam ác đạo); “Tất cả chúng con đều cùng một lòng, cho tới hết đời, quy Phật Pháp Tăng, thề xin giúp đỡ hết thảy hữu tình, lợi ích an lạc”, chúng con tất cả đều cùng một lòng quy Phật Pháp Tăng cho đến hết đời và thề xin gánh vác việc giáo hóa chúng sanh, giúp đỡ họ, mang cho họ nhiều lợi ích để họ được sống trong sự yên ổn và hoan lạc.
“Nếu có kinh này, lưu truyền ở đấy, hoặc như có người thọ trì danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, bất kể nơi nào, ở thôn trang, thành thị, các nước, các ấp, hoặc giả trong rừng hoang vắng, nếu ở những nơi đó có lưu truyền kinh này, hoặc có người thọ trì danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; “cung kính cúng dường, quyến thuộc chúng tôi, phù hộ người đó, giúp họ giải thoát hết mọi tai nạn”, và cung kính cúng dường, thì quyến thuộc chúng con sẽ che chở cho họ, giúp họ giải thoát khỏi mọi khổ nạn.
“Những điều nguyện cầu, cũng cho toại nguyện”, những điều gì họ cầu mong đều giúp cho họ toại nguyện; “hoặc người nào muốn, thoát khỏi các thứ tật ách thời nên đọc tụng kinh này, lấy chỉ năm sắc, kết tên chúng tôi, khi nào toại nguyện mới gỡ mối chỉ”, hoặc giả khi gặp tật bệnh mà muốn vượt qua thì nên đọc tụng kinh này, nghĩa là kinh Bổn nguyện Công Đức của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly quang Như Lai, lấy chỉ năm màu (ngũ sắc), kết thành tên của chúng tôi. Khi nào toại nguyện thì mới gỡ mối chỉ ra.
Đây cũng là một loại pháp chú. Pháp chú chẳng phải nhất định thuộc Mật tông. Những người theo Mật tông cố ý huyền bí hóa tông của họ nên mới lấy tên là Mật tông. Sự thật chú có nghĩa là chú nguyện, một sự nguyện cầu hay cầu đảo. Chỉ năm sắc thì tượng trưng cho năm phương hướng, mỗi phương hướng có một ma vương. Khi năm sợi chỉ kết lại thành một mối thì nó mang biểu hiện của sự an ổn đến cho những tình trạng bất an ổn. Chỗ này các vị đại tướng dược xoa phát nguyện rằng nếu có người dùng chỉ năm màu kết thành tên của họ thì họ sẽ làm cho lời cầu nguyện của người đó được thỏa mãn.
Khi được thỏa nguyện rồi thì nên gỡ các mối chỉ ra, theo ý nghĩa là thỉnh thần đến thì có lúc phải tiễn thần đi. Nếu cứ giữ mãi các mối kết chỉ thì thần dược xoa vẫn cứ ở nguyên tại chỗ, khiến cho thần không được tự do. Khi đã được tai qua nạn khỏi thì chúng ta đừng có tham, cố giữ họ lại, cái đó không tốt. Bởi vậy họ mới nói khi nào hết cần thì gỡ mối chỉ ra.
Bấy giờ Thế Tôn tán dương các vị Đại tướng dược xoa: Tốt lắm! Tốt lắm! Đại tướng dược xoa! Các ông báo đáp ơn đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thường nên như vậy lợi ích an lạc cho khắp hữu tình.
Nhĩ thời Thế Tôn tán chư dược xoa Đại tướng ngôn: Thiện tai! Thiện tai! Đại dược xoa tướng, nhữ đẳng niệm báo Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ân đức giả, thường ưng như thị lợi ích an lạc nhất thiết hữu tình.
“Bấy giờ Thế Tôn tán dương các vị Đại tướng dược xoa: Tốt lắm! Tốt lắm! Đại tướng dược xoa!”, lúc bấy giờ, đức Phật nghe các Đại tướng dược xoa phát nguyện như vậy nên khen rằng: Tốt lắm! Tốt lắm; “Các ông báo đáp ơn đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thường nên như vậy lợi ích an lạc cho khắp hữu tình”, đức Phật bảo mười hai ông Đại tướng dược xoa rằng: các ông không quên ân đức của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, muốn báo đáp ân đức đó, thời phải luôn luôn nhớ lời phát nguyện này mà mang lại lợi ích an lạc cho mọi hữu tình, cho họ lìa khổ được vui.
Bấy giờ A-nan bạch đức Phật rằng: Thế Tôn! Pháp môn này nên đặt tên là gì, và chúng con phải phụng trì ra sao? Phật bảo A-nan: Pháp môn này gọi là pháp nói ‘Những Công Đức Bổn Nguyện Của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai’, cũng gọi là pháp nói ‘Thần Chú Kết Nguyện Của Mười Hai Vị Thần Tướng Lợi Ích Hữu Tình’, cũng gọi là pháp ‘Bạt Trừ Hết Thảy Mọi Thứ Nghiệp Chướng’, phải nên phụng trì theo cách như vậy. Khi Bạc-già-phạm nói lời ấy rồi, các đại Bồ-tát và đại Thanh văn, quốc vương, đại thần, bà-la-môn, cư sĩ, thiên long, dược xoa, kiện-thát-phược, a-tố-lạc, yết-lộ-trà, khẩn-nại-lạc, mạc-hô-lạc-già, nhân và phi nhân, hết thảy đại chúng, nghe lời Phật nói, đều vui mừng lớn, tin nhận phụng hành.
Nhĩ thời A Nan bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Đương hà danh thử pháp môn? Ngã đẳng vân hà phụng trì? Phật cáo: A Nan! Thử pháp môn danh thuyết ‘Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức’, diệc danh thuyết ‘Thập Nhị Thần Tướng Nhiêu Ích Hữu Tình Kết Nguyện Thần Chú’; diệc danh ‘Bạt Trừ Nhất Thiết Nghiệp Chướng’, ưng như thị trì. Thời Bạc Già Phạm thuyết thị ngữ dĩ, chư Bồ tát ma-ha-tát, cập đại Thanh văn, quốc vương, đại thần, bà-la môn, cư sĩ, thiên long dược xoa, kiện thát phược, a-tố-lạc, yết lộ trà, khẩn nại lạc, mạc hô lạc già, nhân phi nhân đẳng, nhất thiết đại chúng, văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.
“Bấy giờ A-nan bạch đức Phật rằng: Thế Tôn!” lúc bấy giờ, sau khi đức Phật nói những lời tán thán các vị Đại tướng dược xoa, thì vị Tôn giả Khánh Hỷ, tức là Đại đức A-nan, mới bạch lên Phật rằng: “Pháp môn này nên đặt tên là gì?”, Kinh này gọi là kinh gì? Pháp môn là pháp môn gì? Tên của kinh này nên đặt là gì?; “Chúng con phải phụng trì ra sao?”, chúng con phải thọ trì và đọc tụng Kinh này như thế nào?
“Phật bảo A-nan: Pháp môn này gọi là pháp nói ‘Những Công Đức Bổn Nguyện Của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai’”, đức Phật từ bi bảo Tôn giả A-nan rằng tên của kinh này gọi là công đức các lời nguyện kiếp xưa, tức bổn nguyện của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; “cũng gọi là pháp nói ‘Thần Chú Kết Nguyện Của Mười Hai Vị Thần Tướng Lợi Ích Hữu Tình’”, cũng có thể gọi là những lời nguyện của mười hai vị thần tướng dược xoa, dùng chú “Dược Sư Quán Đảnh Chân-ngôn” nhằm lợi ích cho các hữu tình; “cũng gọi là pháp ‘Bạt Trừ Hết Thảy Mọi Thứ Nghiệp Chướng’”, cũng gọi là bạt trừ hết thảy mọi nghiệp chướng; “phải nên phụng trì theo cách như vậy (ưng như thị trì)”, theo đúng như vậy mà thọ trì.
“Khi Bạc-già-phạm”, lúc ấy, đức Bạc-già-phạm, đây là một danh hiệu khác của Phật; “nói lời ấy rồi, các đại Bồ-tát và đại Thanh văn”, nói xong những lời trên, các Bồ-tát ma-ha-tát - tức là các đại Bồ tát trong hàng Bồ tát - cùng các đại Thanh văn, tức các vị tu pháp Tứ đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo, tức nói các vị trong hàng A-la-hán; “quốc vương, đại thần, bà-la-môn”, vua, quan và ba-la-môn, tức hàng quý tộc, “cư sĩ, thiên long dược xoa”, các cư sĩ có đức hạnh, trời , rồng, dạ xoa, cùng với: “kiện-thát-phược, a-tố-lạc, yết-lộ-trà, khẩn-nại-lạc, mạc-hô-lạc-già”, tức là càn-thát-bà, a-tu-la, khẩn-na-la, ca-lâu-la, ma-hầu-la-già; “nhân phi nhân đẳng”, người và những loại không phải là người; “hết thảy đại chúng, nghe lời Phật nói, đều vui mừng lớn, tin nhận phụng hành”, hết thảy đại chúng trong pháp hội, nghe Phật nói Kinh Công Đức Các Bổn Nguyện Của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đều vui mừng khôn xiết, hết lòng tin lời Phật dạy để thọ trì và tuân hành.