Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Hai Bài Thuyết Giảng Đầu Tiên Của Đức Phật

Friday, October 8, 201000:00(View: 7721)
Hai Bài Thuyết Giảng Đầu Tiên Của Đức Phật

HAI BÀI THUYẾT GIẢNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC PHẬT
và Sự hình thành của Phật giáo

Hoang Phong

haibaiphapdautien-2Sáu tu sĩ khổ hạnh quấn trên người những chiếc áo bạc màu bụi đường cùng nhau "tiến sâu vào lãnh thổ của xứ Ma-kiệt-đà" (Magadha) trong thung lũng sông Hằng (Phổ Diệu kinh - Lalitavistara). Họ đi xuyên ngang các thôn xóm và những cánh đồng xanh mướt. Chung quanh cảnh vật êm ả và lòng họ thật thanh thản. Họ là những người quyết tâm từ bỏ gia đình để chọn một lối sống khắc khổ, không màng tiện nghi vật chất mà chỉ biết dồn tất cả nghị lực để đi tìm bản chất của thế gian này và nguyên nhân đưa đến sự hiện hữu của chính họ.

Khi đoàn người băng ngang cánh rừng hoang cạnh một thôn nhỏ gọi là Ưu-lâu-tần-loa (Uruvela) cách thị trấn Giác Thành (Gaya) độ 10 cây số, thì trước mặt họ hiện ra một con sông nhỏ với dòng nước trong veo. Trong toán người có một vị tên là Tất-đạt-đa Cồ-đàm bỗng cảm thấy yêu thích quang cảnh nơi đây. "Trong lòng sông Ni-liên-thiền (Nairanjana) nhẹ trôi một dòng nước tinh khiếttrong vắt, đây đó hai bên bờ những chòm cây rợp bóng, bờ sông thoai thoải dẫn xuống tận dòng nước, xa xa một vài thôn xóm nhỏ. [...] Trước cảnh thiên nhiên xinh đẹp, vị Bồ-tát Tất-đạt-đa cất lời với năm vị đồng hành như sau : Thật không còn chốn nào thuận tiện hơn nơi đây, cảnh vật xinh tươi lại thuận tiện cho việc ẩn cư.[...] Tôi muốn lưu lại nơi này" (Trung A Hàm, Majjhima-nikaya, 36).

Năm vị đồng hành là Trần Như (Konda), Bạt Đề (Bhaddiya), Sư Ba (Vappa), Ma Ha Nam (Mahanama) và A Thuyết Thị (Assaji) cũng cảm thấy yêu thích quang cảnh của khu rừng này và đều đồng ý. Tất-đạt-đa tự tay dựng lên một túp lều bằng cành lá cây rừng, các vị đồng hành thì mỗi người cũng tự tìm lấy một góc cho mình. Họ vừa khất thực vừa giúp đỡ lẫn nhau để sinh sống và lo việc tu tập, tuy nhiên chỉ có Tất-đạt-đa là chuyên cần và hăng say hơn cả. Cách tu tập thì họ vẫn giữ nguyên các phép du già đã học được trước kia.

Tất-đạt-đa khởi sự luyện tập cách nín thở : "Phải cắn răng thật chặt, đưa lưỡi dán sát lên vòm miệng, phải chú tâm chận đứng không cho một tư duy nào có thể phát sinh, phải khắc phục tư duyhoàn toàn nghiền nát chúng" (Trung A Hàm, 36). Tuy nhiên sau một thời gian tu luyện vô cùng nghiệt ngã trong cảnh cô quạnh thì Tất-đạt-đa cũng cảm thấy trong lòng gợn chút hoang mang và nghi ngờ đối với phương pháp du-già và khổ hạnh mà mình đang tập : "Sự cô quạnh của khu rừng thật nặng nề, quả khó để tìm thấy sự bình thản trong đơn độc. Phải tu tập trong đêm khuya và giữa cảnh vật như thế này thì thật là ái ngại, nhất là khi có một con thú vụt chạy ngang hay một con công làm gẫy một cành cây, hoặc trong những lúc gió rít qua cành lá. Trong bối cảnh như thế này thì thật là dễ sinh ra sự hốt hoảng và khiếp sợ" (Trung A Hàm, 4).

Tuy nhiên sau một thời gian ngắn Tất-đạt-đa không những đã dễ dàng khắc phục được mọi nỗi sợ hãi mà lại còn "phát huy được sự tập trung và nhất quán" trong tâm thức dù cho bất cứ gì xảy ra chung quanh (Trung A Hàm, 36). Vị tu sĩ trẻ tuổi tập luyện thật chuyên cần"hoàn toàn đình chỉ được hơi thở, dù đấy là hơi thở vào hay hơi thở ra, dù bằng hai lỗtai, bằng miệng hay bằng mũi" (Trung A Hàm, 36). Mặc dầu luyện tập nghiệt ngã như thế nhưng vị tu sĩ vẫn không đạt được một kết quả khả quan nào mà lại còn bị nhức đầu như búa bổ, bụng quặn đau và toàn thân thì nóng sốt liên miên...

Tất-đạt-đa bèn ngưng cách luyện tập nín thở và chuyển sang nhịn đói, khởi đầu ăn uống giảm dần và sau đó thì không còn cần đến một chút thực phẩm nào nữa. Chỉ vài tháng sau thì thân xác người tu hành trẻ tuổi trở nên vô cùng tiều tụy : "Xương sườn giống như những chiếc kèo mục nát của một túp lều sắp sụp đổ, chỉ chực rơi xuống và gãy vụn, đấy là vì nhịn đói mà ra. Hai tròng thụt sâu trong hố mắt, con ngươi tròn xoe và lấp lánh như mặt nước dưới đáy giếng thật sâu, đấy là vì nhịn đói mà ra. Da đầu teo quắt lại và chai cứng như vỏ quả khổ qua phơi ra gió hanh và nắng bỏng, đấy là vì nhịn đói mà ra. Thật vậy, tôi nghĩ rằng nếu muốn nắm lấy cột xương sống thì "tôi chi cần sờ vào da bụng", và khi sờ vào da bụng thì "tôi cũng sẽ nắm được cột xương sống", bởi vì tôi đã luyện tập đến mức độ mà da bụng của tôi dán vào xương sống, đấy là vì nhịn đói mà ra, (Trung A Hàm, 36).

Phổ Diệu kinh ghi chép rằng vị khổ hạnh trẻ tuổi chịu đựng như thế cho đến một hôm thì ngất xỉu. Tin đồn về sức khoẻ suy sụp của Tất-đạt-đa lan truyền đến tận kinh đô Ca-tì-la-vệ, tuy nhiên vua cha là Tịnh Phạn (Suddhodana) không nao núng chút nào mà vẫn vững tin là con mình sẽ thành Phật đúng như lời tiên tri của vị đạo sĩ A-tư-đà (Asita) lúc Tất-đạt-đa vừa sinh ra đời. Trong khi đó thì nơi khu rừng Ưu-lâu-tần-loa Tất-đạt-đa lại bắt đầu lo âu, không phải vì sức khoẻ sa sút, thân xác đau đớnrã rời "không còn cử động được nữa giống như một xác chết" (Phổ Diệu kinh), mà vì nhận thấy việc tu tập của mình không mang lại một chút kết quả cụ thể nào cả. Vị tu sĩ trẻ tuỗi bỗng dưng nhớ lại ngày còn trẻ vào một hôm khi đang tham dự một buổi lễhoàng cung thì vụt đạt được thể dạng đệ nhất thiền. Thời bấy giờ thì lúc nào mình cũng được nuông chiều, nào có cần đến sự đày đọa thân xác như thế này đâu. Thế rồi vị tu sĩ trẻ tuổi chợt nhận thấy rằng những năm tu học vừa qua quả thậtvô ích, và con đường khổ hạnh nhất định là một con đường sai lầm và nguy hại.

"Sau đó thì Tất-đạt-đa quyết định bỏ hẳn việc tu tập bằng cách nhịn đói quá khắc nghiệt, bắt đầu húp được một ít cháo lỏng và sau đó thì ăn được một ít cơm để hồi phục sức khoẻ. Thế nhưng khi năm vị đồng hành nhận thấy Tất-đạt-đa không còn cố gắng tập nhịn đói nữa thì họ vô cùng thất vọng và xì xầm với nhau rằng : "Vị khổ hạnh Cồ-đàm thật quả là người điên rồ và ngu ngốc, đánh mất cả con Đường Đạo mà mình đã chọn". Sau đó thì họ quyết định xa lánh Tất-đạt-đa và ra đi nơi khác", (Tứ phần luật của Đàm-vô-đức - Dharmaguptaka-vinaya, trích từ sách của André Bareau : "En suivant le Bouddha","Theo vết chân Phật").

Năm vị khổ hạnh rời bỏ Ưu-lâu-tần-loa lên đường đi về hướng thị trấn Ca-thi (Kashi), ngày nay là Ba-la-nại (Bénares - Varanasi). Riêng Tất-đạt-đa thì vẫn lưu lại một mình trong khu rừng cạnh thôn Ưu-lâu-tần-loa, tuy tay chân bủn rủn nhưng vẫn cố gắng đứng lên để tìm đường vào thôn xóm khất thực. Trên đường đi vị tu sĩ trẻ tuổi nhìn thấy một tấm vải liệm người chết vứt bỏ bên vệ đường bèn nhặt lấy và lần xuống bờ sông Ni-liên-thiền để giặt. Từ lâu người tu hành trẻ tuổi không có quần áo để thay và trên người chỉ còn lại vài mảnh vải đã mục nát. Tất-đạt-đa quấn tấm vải liệm sạch sẽ lên người sẵn sàng đi vào thôn xóm nhưng chỉ đi được vài bước thì đã kiệt lực, đành phải ngồi phệt xuống đất và tựa lưng vào một gốc cây. Kỳ diệu thay đấy lại chính là một sự kiện đã mang lại một cơ duyên thật mầu nhiệm.

Vào buổi sáng hôm ấy trong ngôi làng Senani cạnh khu rừng có một người thiếu phụ còn trẻ tên là Tu-già-đa (Sujata) con gái của vị xã trưởng trong làng, vừa hạ sinh được một đứa bé trai. Trước đây người thiếu phụ vẫn thường cầu khẩn các vị thần linh trong rừng xin cho mình sinh con trai, và khi thấy lời ước nguyện trở thành sự thật bèn sai đứa tớ gái mang một bát cơm thật đầy vào rừng tìm đến một gốc cây to để lạy tạ. Khi vào rừng thì người tớ gái lại bất ngờ gặp Tất-đạt-đa đang tựa lưng vào một gốc cây và ngỡ rằng đấy chính là vị thần linh đang chờ đợi bèn quỳ xuống và hiến dâng bát cơm. Cái bát cơm ấy chính là cơ duyên đã giúp cho Tất-đạt-đa đủ sức gượng đứng lên bằng đôi chân của chính mình.

Trước đây Tất-đạt-đa từ bỏ vợ con và cuộc sống vương giả để quyết tâm đi tìm con Đường Đạo thì giờ đây lại một lần nữa đành phải từ bỏ lối tu tập hành xác. Cuộc sống vương giả và việc hành xác chỉ là hai cực đoan mang lại toàn là thất vọng cho Tất-đạt-đa mà thôi. Nếu hai vị Thầy trước đây không hội đủ khả năng đã làm cho Tất-đạt-đa thất vọng thì hôm nay đây năm vị đồng tu lại giã từ mình và rời bỏ khu rừng này. Tuy nhiên vị Bồ-tát trẻ tuổi vẫn không hề nhụt chí, vẫn quyết tâmvững lòng : "Chẳng lẽ lại không có một Con Đường nào mang lại sự Giác ngộ hay sao ?" (Tứ phần luật của Di-sa-tắc - Mahicasaka-vinaya).

Từ khi rời bỏ hoàng thành lẻn ra khỏi kinh đô Ca-tì-la-vệ đến nay đã tròn sáu năm mà Tất-đạt-đa chỉ thấy toàn là thất vọng và cũng không ngờ rằng trước mặt mục đích đã gần kề. Sự Giác ngộ sắp hiển hiện với người Bồ-tát khi vừa bước vào cái tuổi ba mươi lăm trong kiếp nhân sinh cuối cùng này. Vào buổi chiều mùa xuân hôm ấy, khi Tất-đạt-đa tiến sâu vào một góc rừng gồm toàn cây sa-la thì bỗng nhiên cảnh vật chung quanh vụt trở nên rạng rỡ một cách khác thường. Vị Bồ-tát đi đến đâu thì cây rừng nghiêng xuống một cách kính cẩn, "khi đi ngang hai cây dừa thì bỗng nhiên hiện lên một ao nước thật trong, đáy ao toàn là cát vàng óng ánh, mặt ao hoa sen đủ màu đang nở rộ, nào là sen biếc, sen vàng, sen đỏ, sen trắng... Nào là két, cưỡng, thiên nga, công..., muôn chim bay đến hót vang" (Phổ Diệu kinh). Tuy nhiên Tất-đạt-đa vẫn không tỏ ra một chút dao độngtiếp tục bước một cách thật bình thản, dù rằng vào đêm hôm trước năm điềm mộng liên tiếp báo cho vị Bồ-tát biết là mình sắp đạt được Giác ngộ.

Mặt trời sắp lặn, Tất-đạt-đa bỗng nhiên nhìn thấy một cội cây thật to hiện lên sừng sững trước mặt, một vài tia nắng chiều thật thấp xuyên ngang tàn cây và lấp lánh trên cành lá. Cây này là một loài sung cổ thụ, thường mọc đơn độc trong rừng, lá hình tim, đầu lá nhọn và dài, rễ phụ từ các cành lớn thòng xuống và ăn sâu vào lòng đất. Người dân địa phương gọi cây này là cây Bo hay cây Pipal..., tiếng Phạn gọi là cây Asvattha có nghĩa là Tịch diệt, Sau này người ta còn gọi cây ấy là cây Bồ-đề, âm từ tiếng Phạn là Bodhi có nghĩa là Giác ngộ.

Vị Bồ-tát trẻ tuổi bỗng có linh cảm là cội cây Asvattha đang chờ đợi mình trước mặt và nghĩ rằng đây là lúc mà mình phải nhất quyết tìm cho ra "Con đường mang lại sự Giác ngộ", bèn chắp tay vái chào gốc cây rồi đi chung quanh bảy lần và ngồi xuống cạnh gốc cây, hai chân tréo vào nhau theo tư thế hoa sen, mặt quay về hướng đông...

Vị Bồ-tát nghĩ rằng mặt đất thường được xem như"người mẹ của tất cả chúng sinh" (Phổ Diệu kinh) nên đã dùng tay phải chạm nhẹ vào mặt đất và thệ nguyện như sau : "Dù cho da ta có khô, thịt ta có héo, xương ta có mục, máu huyết và thân xác này có hư rữa thì ta cũng không hề quản ngại ! Khi nào ta chưa đạt được trí tuệ tối thượng và tột cùng thì ta nhất định sẽ không rời khỏi nơi này" (Bản Sinh kinh - Jataka, 1)...

Thần linh từ khắp nơi kéo về bao quanh cội cây, vừa âu lo lại vừa khấn nguyện cầu mong cho người Bồ-tát được thành công viên mãn. Vị Bồ-tát vừa khởi đầu thiền định thì Ma Vương (Mara) hiện lên dẫn theo các đoàn ma quân đông đảo để quấy nhiễu, tìm đủ mọi cách ngăn chận không cho vị Bồ-tát phá tan cái thế giới Ta-bà này của chúng. "Ma vương xua đám ma quân "nửa người nửa quái vật kinh khiếp đến dựng tóc gáy", chúng bao quanh gốc cây để bắn tên, ném đá và lao đủ mọi thứ khí giới, nào kiếm, lao, giáo, mác...vào người vị Bồ-tát" (Bản Sinh kinh). Nhưng lạ lùng thay, tất cả những thứ khí giới ấy khi phóng ra đều hóa thành những cánh hoa và rơi xuống chung quanh chỗ ngồi của Tất-đạt-đa. Ma vương thất bại, liền bày ra kế khác, hắn dẫn đến một đám ma nữ thật xinh đẹp, "khêu gợi và phơi bày ba mươi hai thứ quyến rũ của người đàn bà" (Phổ Diệu kinh). Bọn ma nữ miệng thì ăn nói dâm ô tay chân thì múa may mời mọc, thế nhưng vị Bồ-tát vẫn an nhiên tự tại... Một lần nữa Ma Vương lại thất bại, hắn bèn vận dụng và tung ra những sức mạnh thiên nhiên thật khiếp đảm như cuồng phong, bão táp, sấm chớp... để giáng lên đầu vị Bồ-tát trẻ tuổi. Các vị thần linh nhìn thấy cũng phải khiếp sợ và bỏ trốn. Tuy nhiên vị Bồ-tát vẫn an nhiên tự tại không một mảy may xao xuyến và cội Bồ-đề thì vẫn sừng sững, cành lá vẫn tỏa rộng để che cho vị Bồ-tát. Ma Vương thấy thế đành phải chịu thua và than rằng : "Giống như một con quạ tấn công một khối đá, ta đã hoài công với vị Cồ-đàm này" (Bản Sinh kinh, 1), dứt lời thì Ma Vương ra hiệu cho đám ma quân cùng nhau rút lui và quay về ẩn nấp trong những nơi tăm tối và u mê của thế gian này.

Các vị thần linh khắp nơi lại kéo đến chung quanh cội Bồ-đề để hân hoan đón chờ giây phút Tỉnh thức gần kề của vị Bồ-tát. Quá trình của sự Giác ngộ tiếp diễn trong tâm thức của Tất-đạt-đa suốt trong "ba canh". Trong "canh một" thì Tất-đạt-đa đạt được ba cấp bậc thiền định, loại bỏ được tất cả mọi thứ đam mêdục vọng, làm lắng xuống mọi lý luận và suy tư, vượt lên trên hân hoanthích thú kể cả đớn đau và buồn phiền. Cái thế giới phát sinh từ giác cảm này đã hoàn toàn biến mất trong tâm thức của vị Bồ-tát, tâm thức đó đã biến thành một "thể dạng hoàn toàn tinh khiết, an bìnhtự tại, sự chú tâm trở nên cực mạnh nhưng vẫn an nhiên, không khổ nhọc cũng không hân hoan" (Trung A Hàm, 36). "Sang ‘canh hai’, Tất-đạt-đa lần lượt hội nhập vào tất cả sáu cõi chúng sinh trong thế giới ta-bà, quán thấy thật chi tiết các kiếp sống của chính mình trong quá khứđồng thời cũng nhìn thấy trước hoàn cảnh sẽ tái sinh của từng chúng sinh một trong tương lai, dù đấy là các chúng sinh tầm thường hay lừng danh, xinh đẹp hay xấu xí, dù các chúng sinh ấy sẽ tái sinh trong một kiếp sống thuận lợi hay khó khăn" (Trung A Hàm, 36). Sang "canh ba" thì Tất-đạt-đa bắt đầu thiền định về bản chất của sự sống trong cõi ta-bà và từ đó suy ra được các quy luật chi phối các nguyên nhân mang lại khổ đau và sự hiện hữu trói buộc của con người trong các chu kỳ bất tận của sự tái sinh. "Khi quán nhận được các quy luật ấy thì Tất-đạt-đa cũng đạt được sự "Giác ngộ tối thượng và hoàn hảo" (Phổ Diệu kinh).

Đêm rằm tháng tư hôm nay khi Tất-đạt-đa đạt được Giác Ngộ cũng tương tợ như một đêm rằm tháng tư ba mươi lăm năm về trước khi Tất-đạt-đa vừa sinh ra đời, giữa bầu trời lấm tấm sao đêm hiện lên một vầng trăng thật tròn và rạng rỡ. Dưới ánh trăng vằng vặc trong khu rừng sa-la êm ả, bên cạnh thôn Âu-lưu-tần-loa nơi thung lũng sông Hằng, dưới cội Bồ-đề một Vị Phật hiển hiện thay vào chỗ của vị Bồ-tát Tất-đạt-đa. Từ giây phút này dưới cội Bồ-đề chỉ còn lại một vị Phật, Tất-đạt-đa không còn nữa. Khi thân xác đã được tinh khiết hóa và tâm thức đã loại bỏ được mọi dục vọng thì Tất-đạt-đa cũng không còn, tương tợ như một ngọn lửa tắt lịm khi đã hết nhiên liệu. Những gì mà Tất-đạt-đa đã lưu lại cho chúng ta hôm nay là Tâm thức Giác ngộSiêu nhiên của một Vị Phật.

Khi bình minh vừa ló dạng thì Đức Phật đứng lên và cất lời như sau : "Kiếp nhân sinh thánh thiện này đã mang lại kết quả ! Những gì cần phải thực hiện đã được thực hiện, đây là lần tái sinh cuối cùng của Ta, sẽ không còn gì để quay lại nữa !" (Trung Bộ kinh, 26). Pháp Cú kinh thì cho rằng Đức Phật tuyên bố như sau : "Tuy rằng [trước đây] phải trải qua chu kỳ của nhiều kiếp tái sinh nhưng Ta chưa khám phá ra được kẻ sáng tạo ra căn nhà này, một căn nhà chất chứa đầy khổ đau của sự tái sinh bất tận. Giờ đây thì ngươi đã bị Ta đâm thủng rồi, này kẻ kiến tạo ra ngôi nhà này, mi sẽ không còn một cơ hội nào nữa để xây thêm những căn nhà mới...". Dầu sao thì Phổ Diệu kinh cũng vẫn là bộ kinh mô tả tuyệt vời nhất "Biến cố Diệu kỳ" đã biến Tất-đạt-đa thành một Vị Phật. Sự Giác Ngộ của Đấng Thế Tôn làm rung chuyển cả mặt đất, muôn ngàn hiện tượng kỳ diệu hiển hiện khắp nơi, chư Phật và các vị Bồ-tát kéo đến "hàng vạn" chung quanh cội Bồ-đề để tôn vinh và đảnh lễ Đấng Thế Tôn.

Tuy đã đạt được Giác Ngộ nhưng Đức Phật vẫn tiếp tục lưu lại thêm bảy tuần lễ nữa bên cội Bồ-đề để thiền định. Kinh Phạm Võng (Mahavagga) thì lại cho rằng thời gian này chỉ có "bốn lần bảy ngày". Trong số các kinh sách thuật lại sự tích Đức Phật thì Phổ Diệu kinhbộ kinh mô tả chi tiết nhất về những gì xảy ra trong khoảng thời gian trên đây. Kinh thuật lại là sau khi đạt được Giác Ngộ thì Đức Phật đứng lên và bước mười bốn bước về phía đông bắc rồi xoay người ngồi xuống để tham thiền, mặt hướng vào cội Bồ-đề không chớp mắt suốt trong bảy ngày.

Sau đó thì Đức Phật rời chỗ ngồi để tản bộ trong một khu vườn do các vị Thần linh thiết kế tại hướng tây bắc của cội Bồ-đề và được trang trí toàn bằng vàng và đủ mọi loại đá quý. Sau đó thì Đức Phật bước vào một tòa nhà cũng được trang trí toàn bằng ngọc và ngồi xuống để tiếp tục thiền định. Phổ Diệu kinh còn cho biết thêm là trong thời gian lưu lại bên cội Bồ-đề "Đức Phật cũng đã lướt đi từ đại dương phía đông sang đến đại dương phía tây".

Sang tuần lễ thứ năm thì Đức Phật thiền định tại phía tây của cội Bồ-đề. Lại một lần nữa Ma Vương xua bọn ma nữ kéo đến để giở trò quấy nhiễu, nhưng rốt lại cũng chỉ rước thêm thất bại. Chẳng những Đức Phật không hề dao động mà còn "biến bọn ma nữ thành những bà già lọm khọm" (Phổ Diệu kinh).

Sang tuần lễ thứ sáu thì Đức Phật thiền định dưới một gốc cây bên cạnh bờ hồ Mucalinda tại phía nam của cội Bồ-đề. Tiết trời thay đổi báo hiệu mùa mưa đã gần kề, trong lúc Đức Phật đang thiền định thì một cơn dông thật khủng khiếp kéo đến, trời đen kịt và mưa tuôn như thác đổ. Bất thần từ đáy hồ ngoi lên một con rắn khổng lồ thật uy nghi, đó là loài Long xà (Naga). Con Long xà trườn lên khỏi mặt nước và bò đến chỗ Đức Phật đang tham thiền rồi nhẹ nhàng quấn quanh người Đức Phật bảy vòng, sau đó thì phùng hai mang thật rộng che cho Đức Phật. Khi cơn dông vừa dứt thì Long xà vụt biến thành một thiếu niên thanh tú và quỳ xuống để lạy đấng Thế Tôn.

Sang tuần lễ thứ bảy Đức Phật vẫn còn lưu lại trong vùng phía nam của cội Bồ đềngồi thiền định dưới một cội cây gọi là Rajayatana, có nghĩa là "Nơi thường trú của các bậc đế vương". Vào ngày cuối cùng của tuần lễ thứ bảy thì có hai anh em thương gia tên là Tapussa và Bhalika hướng dẫn "một đoàn năm trăm xe hàng hóa" (Phổ Diệu kinh) từ miền bắc nước Ấn sắp đi ngang vùng này thì có một vị thần linh báo cho họ biết là có một bậc siêu phàm đang hiện diện trong một khu rừng gần thôn Âu-lưu-tần-loa. Hai anh em Tapussa và Bhalika dò tìm và gặp được Đấng Thế Tôn, họ bèn quỳ lạy và dâng lên một ổ bánh làm bằng cơm nấu với mật. Đó là bữa ăn đầu tiên của Đức Phật sau một thời gian dài không ẩm thực gì cả.

Tuy đã đạt được sự hiểu biết toàn năng nhưng Đức Phật cũng cảm thấy do dự và nghĩ rằng : "Sự hiểu biết mà Ta đã đạt được thật vô cùng sâu xa, rất khó để có thể thấu triệt, đem ra ứng dụng sự hiểu biết ấy lại còn khó khăn hơn nhiều, [đấy là những gì] thật an bình, tinh tế, mà chỉ có những người thông thái mới nắm vững được. Thế nhưng con người thuộc thế hệ này thì lại chỉ biết chạy theo những lạc thú của sự bám víu, họ bị kích động bởi sự bám víuthụ hưởng những gì do sự bám víu mang lại..." (Trung A Hàm, 26). Đấng Thế Tôn càng suy nghĩ lại càng do dự trước ý định mang Đạo Pháp để thuyết giảng cho những người đương thời : "Nếu Ta đem con đường Đạo Pháp ra để thuyết giảng mà chẳng có ai hiểu được thì [việc ấy] chỉ mang lại thất vọng và nhọc nhằn cho Ta..." (Trung A Hàm). Thật vậy, "những ai chỉ biết tìm lạc thú trong dục vọng, nấp mình sau tấm màn của u mê thì sẽ không thể nào quán thấy được Sự thực" (Trung A Hàm).

Vị trời Phạm Thiên (Brahma) thấu hiểu được sự đắn đo ấy của Đấng Thế Tôn bèn hiện lên để cố thuyết phục : "Xin Vị Thầy Tối thượng chớ nên phiền muộn, hãy nhìn vào chúng sinh đang phải gánh chịu đau buồn và khổ ải [vì vướng mắc] trong sự hình thành và già nua. Hỡi Vị Tối thắng trong cuộc chiến, hãy đứng lên! Hỡi Vị Thầy Tối thượng, hãy hy sinh tất cả để bước vào cái thế giới này. Cứ đem Giáo lý ra thuyết giảng, rồi đây cũng sẽ có người hiểu được" (Trung A Hàm).

Đấng Giác Ngộ lại tự hỏi thế thì trước hết phải mang Giáo lý này để thuyết giảng cho ai bây giờ ? Ngài nghĩ rằng có lẽ nên tìm đến vị thầy thứ nhất của mình là Alakara Kalama, nhưng các Thiên nhânThần linh lại cho biết là vị này đã qua đời cách nay chưa đầy bảy ngày. Đấng Giác Ngộ bèn nghĩ đến vị thầy thứ hai là Rudraka Ramaputra, nhưng vị này cũng lại vừa qua đời vào tối hôm trước ... Đấng Giác Ngộ bèn nghĩ đến năm vị đồng hành trước đây : "Họ đã từng giúp đỡ Ta, cả năm người đã từng lo cho Ta trong lúc tu tập khổ hạnh. Có lẽ cũng nên đem Giáo lý này ra để thuyết giảng cho họ xem sao. Tiếp theo đó Đấng Giác Ngộ lại tự hỏi thế nhưng họ đang ở đâu bây giờ ? Nhờ vào sự quán thấy tinh khiếtsiêu nhiên, Đấng Giác Ngộ biết ngay là họ đang trú ngụ trong khu rừng Lộc Uyển (Sarnath) nơi thị trấn Ca-thi" (Trung A Hàm).

Sáng sớm hôm sau Đấng Giác Ngộ lên đường đi Ca-thi (Kashi), một nơi nằm bên bờ sông Hằng cách Âu-lưu-tần-loa khoảng 250 cây số về phía tây. Rời khu rừng sa-la, Đấng Giác Ngộ đã chánh thức chấm dứt giai đoạn tầm Đạo và mở ra một giai đoạn mới là giai đoạn giảng huấn kéo dài suốt bốn mươi lăm năm sau đó.

Đấng Thế Tôn theo hướng mặt trời lặn tiến bước và một hôm trên đường cái Ngài gặp một người sa-môn (shramana) trẻ tuổi. Người này xưng tên là Upaka và cho biết mình là đệ tử của vị Thầy Đại Cần Dũng (Mahavira) giáo chủ của đạo Ja-in. Vị sa-môn cất lời hỏi Đấng Thế Tônmôn đệ của vị Thầy nào và tu tập theo giáo lý nào. Sở dĩ vị sa-môn tỏ ý thắc mắc là vì anh ta vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy trên đầu Đấng Thế Tôn tỏa rộng một vầng hào quang rạng rỡ. Từ khi đạt được Giác ngộ đến nay đây là lần đầu tiên có người hỏi Đấng Thế Tôn như thế và có lẽ Ngài cũng nghĩ rằng đây là một dịp để nêu lên Con Đường tu tập mà mình đã tìm thấy, do đó đã cất lời giải thích cho vị sa-môn như sau :

"Chiến thắng được tất cả,

Hiểu biết được tất cả.

[Và] đối với mọi sự vật,

Thì không bám víu vào bất cứ một thứ gì,

Ấy chính là Ta.

Từ bỏ tất cả,

Tự giải thoát cho mình bằng cách loại bỏ sự thèm khát bất tận,

Tự mình hiểu được một cách trọn vẹn,

Vậy thì Ta phải gọi ai là thầy bây giờ ?

Ta chẳng có ai là thầy cả,

Và cũng chẳng có ai tìm thấy một người giống như Ta.

Trong cảnh giới của Thiên nhân,

Chẳng có ai để cho Ta so sánh.

Trong thế gian này Ta là người [duy nhất] đã được giải thoát.

Vì thế Ta là một Vị Thầy không giống với một vị thầy nào khác.

Ta đã tự tìm thấy sự Giác Ngộ đích thực cho chính mình.

Tất cả đã lắng xuống và xả bỏ trong Ta,

Giúp cho Ta chuyển động bánh xe của Đạo Pháp (Dhamma).

Ta đang trên đường đi đến thị trấn Ca-thi,

Để bước vào một thế giới mù quáng,

Và để gióng lên hồi trống của sự Bất-Tử".

(Trung A Hàm, 26).

Vị sa-môn Upaka vô cùng sửng sốt vì không hiểu gì cả về câu trả lời của Đấng Thế Tôn mà chỉ biết kính cẩn nép sang một bên để nhường bước. Phật giáo không phải là một tín ngưỡng hướng vào một sức mạnh bên ngoài để cầu xin mà đúng hơn là một tín ngưỡng dùng để tu tập, rèn luyệnbiến cải lấy chính mình. Đức Phật giải thích cho vị sa-môn biết rằng mình là một vị Chiến thắng. Thật vậy, chiến thắng là kết quả của một sự phấn đấu và tượng trưng cho những gì tích cực và cam go. Chiến thắng trong Phật giáo không có nghĩa là khắc phục ngoại cảnh hay chiến thắng một sức mạnh bên ngoài mà đúng hơn là chiến thắng chính mình, chiến thắng sự u mêsai lầm của mình, chiến thắng bản năng thú tính và những xúc cảm bấn loạn luôn tìm cách kích động và điều khiển mình, chiến thắng tất cả những thứ ấy để mang lại cho mình trí tuệ và sự an bình trong tâm thức.

Sau khi từ giã vị sa-môn thì Đấng Thế Tôn đi đến một nơi có con sông Hằng chắn ngang, dưới bến có một con đò tuy đã đầy người nhưng vẫn còn nấn ná để chờ thêm khách. Đấng Thế Tôn tỏ ý muốn sang sông nhưng người lái đò đòi phải trả tiền trước. Ngài cho biết là không có tiền và ngay sau đó đã mượn "con đường trên không trung" để vượt sang bờ bên kia (Phổ Diệu kinh). Người lái đò sửng sốtkinh hoàng trước phép thần thông của nhà tu hànhcảm thấy vô cùng hối hận về hành động của mình. Phép mầu kỳ diệu đó được đồn đại khắp nơi và sau cùng lan truyền đến tận kinh đô Vương Xá (Rajagrha) của xứ Ma-kiệt-đà và đến tai nhà vua là Tần-bà-xa-la (Bimbisara). Nhà vua tức thời cho triệu người lái đò vào triều để hỏi cho ra lẽ. Khi nghe xong câu chuyện thì vua Tần-bà-xa-la vừa kinh ngạc lại vừa thán phục bèn tức thời ra lệnh là từ nay không ai được phép thu tiền đò hay tiền qua cổng của bất cứ một người tu hành nào.

Đấng Thế Tôn đến thị trấn Ca-thi sau nhiều ngày đường, nơi này còn gọi là Ba-la-nại là một thành phố cổ xưa, rất phồn thịnh và cũng là thánh địa của đạo Bà-la-môn. Trong kinh Vệ-đà có một câu như sau : "Ca-Thi thắp sáng và chiếu rọi cả vũ trụ này"... Đền thờ nhiều vô kể, tín đồ tấp nập khắp nơi, các vị giáo sĩ thì bận rộn lo việc chủ tế các buổi lễ cầu nguyện và hiến sinh. Người già và bệnh tật khắp nơi kéo về đây để được chết và hỏa táng tại thánh địa, tro đem đổ xuống sông Hằng. Ngày nay Ca-thi mang tên là Varanasi và trở thành một trong những thánh địa quan trọng nhất của Ấn giáo, các nghi thức lễ bái và các tập tục từ nhiều ngàn năm vẫn còn lưu lại, việc hỏa táng vẫn tiếp tục như hàng nghìn năm về trước. Đấng Giác Ngộ đến Ca-Thi nhưng không lưu lại nơi này vì các vị tu sĩ "ngoại đạo" như Ngài không có chỗ đứng trong thành phố của những người Bà-la-môn. Do đó Ngài đã rời Ca-thi và tìm đến một khu rừng nằm trệch vào phía bắc của thành phố tên là "Rừng Hươu" (Mrigadava) mà người dân địa phương còn gọi là "Nơi trú ngụ của các bậc hiền nhân" (Richipatana) vì nơi này thường dùng làm nơi tá túc cho các vị khất sĩ, sa-môn, các vị tu hành khổ hạnh bên ngoài đạo Bà-la-môn... Đấng Thế Tôn tìm đến nơi này là cốt ý gặp lại năm vị đồng tu trước kia.

Trong khu rừng Lộc Uyển khi năm vị đồng hành nhận ra Tất-đạt-đa Cồ-đàm đang tiến về phía họ thì tất cả đồng lòng bảo nhau cứ giả ngơ như không nhìn thấy. Dưới mắt họ Tất-đạt-đa chỉ là một con người quá đỗi tầm thường, một con người yếu đuối, "một kẻ đã bỏ cuộc, tham ăn, bị mê hoặc bởi sự ham muốn" (Phổ Diệu kinh). Năm vị khổ hạnh ngồi thành một vòng tròn và đưa lưng ra ngoài. Tuy trong lòng khinh ghét nhưng họ vẫn cứ liếc xem thái độphản ứng của Tất-đạt-đa ra sao. Thế nhưng khi Đức Phật tiến đến gần hơn thì bỗng dưng họ cảm thấy bàng hoàngvô cùng kinh ngạc : Đức Phật hiện ra thật uy nghi, thanh thảntinh khiết... Một sự chấn động sâu xa làm rung chuyển tâm thức họ, tất cả năm vị bỗng nhiên đều đồng loạt đứng bật dậy để đảnh lễ Đấng Thế Tôn.

Họ lay hoay trải chiếu cho "người bạn Cồ-đàm" ngồi, rót nước vào bình bát để mời, mang một tấm đất sét nung đặt xuống đất để "người bạn Cồ-đàm" chùi chân... Sau khi ngồi vào chiếu thì Đấng Thế Tôn khoan thai và từ tốn ngỏ lời với các vị đồng hành của mình trước đây như sau :

"Này các bạn tu sĩ khổ hạnh,[từ nay] không nên gọi Con người Toàn Thiện bằng tên của người ấy nữa và cũng không nên xem người ấy là một người bạn [giống như những người bạn khác]. Này các bạn tu sĩ khổ hạnh, Con người Toàn Thiện là một Thánh nhân, đã hoàn toàn Giác ngộ. Các bạn hãy lắng nghe : Sự Giải thoát ra khỏi cái chết đã được tìm thấy. Ta sẽ đem ra thuyết giảng [về sự Giải thoát ấy] cho các bạn. Ta sẽ giảng dạy cho các bạn về Giáo lý gọi là Đạo Pháp (Dhamma). Nếu các bạn thực thi đúng những lời giáo huấn ấy thì sau này các bạn cũng sẽ nhanh chóng đạt được mục đích tối thượng của một kiếp sống thánh thiện, cái mục đích đó sẽ giúp cho những người cao cả biết rời bỏ thế tục để chọn một cuộc sống rày đây mai đó : tại nơi này và ngay trong lúc này các bạn đều có thể tự mình chứng nghiệm được và thực hiện được sự thực đó" (Trung A Hàm, 26).

Tuy thế cả năm vị đồng hành vẫn còn hoài nghi và nêu lên đủ mọi điều thắc mắc, họ muốn biết vị khổ hạnh Cồ-Đàmlý do nào lại bỏ phép tập luyện hành xác, không chịu nhịn đói..., theo họ thì làm thế nào có thể đạt được sự Giác ngộ tối thượng trong sự đầy đủ. Đấng Thế Tôn kiên nhẫn giải đáp minh bạch từng câu hỏi của họ và sau cùng thì phát biểu như thế này : "Các bạn cố nhớ lại xem, từ khi chúng ta quen biết nhau và trong suốt những năm sống bên cạnh nhau, các bạn có thấy lần nào Ta thốt lên những lời như thế này chưa ?" (kinh Phạm Võng, 1).

Sau khi nghe lời nói chân tình trên đây thì cả năm vị khổ hạnh là Trần Như, Bạt Đề, Sư Ba, Ma Ha NamA Thuyết Thị đều nhận thấy những sai lầm của mình, bèn phủ phục dưới chân Đấng Toàn Năng để xin làm đệ tử. Đấng Thế Tôn gọi họ là những vị tỳ kheo, và cũng nhân dịp này và kể cả về sau Đấng Thế Tôn tự xưng mình là Như Lai (Tathagatha). Nếu hiểu theo cách từ chương thì chữ này có nghĩa là "đến [nơi này] như thế" (Như Lai), hay là "Người đã trở thành như thế" (có nghĩa là đã tỉnh thứcgiác ngộ). Trong các kinh sách sau này Đức Phật giải thích chữ Tathagatha có nghĩa là "Không từ đâu đến và cũng không đi về đâu cả", chỉ là "Như Thế", có nghĩa là tính cách nhị nguyên và đối nghịch của mọi sự diễn đạt đã bị loại bỏ khỏi tâm thức của Ngài. Nếu dựa theo ý nghĩa đó thì Tathagatha cũng có thể hiểu là "Hiện thực Như thế" (tiếng Phạn Tathata có thể dịch là Ainsité, Suchness). Đức Phật đã tự xưng mình một cách thật khiêm tốn nhưng cũng thật cao siêu và tinh tế, nói lên sự Giác ngộ sâu xaphản ảnh cốt tủy của toàn thể Đạo Pháp, trái hẳn với các danh xưng mang tính cách sùng kínhthần thánh hóa mà người ta thường gán cho Ngài.

Sau khi năm vị đồng hành xin được làm đệ tử của Đức Phật thì ngay vào buổi tối hôm ấy, trong khu rừng lộc uyển dưới ánh sáng rạng rỡ của con trăng tròn thứ tám trong năm, tức ngày rằm tháng tám âm lịch và còn gọi là ngày asalha, Đấng Thế Tôn ngồi xuống theo tư thế hoa senthiền định một lúc thật lâu trước khi cất lời thuyết giảng cho năm vị đệ tử. Các vị này chia ra ngồi thành hai hàng bên cạnh Đức Phật, họ cũng giữ yên lặng và tập trung tinh thần để chờ đợi những lời giáo huấn.

Giữa cảnh vắng lặng của khu rừng Lộc Uyển, Đấng Thế Tôn cất lời thuyết giảng và những lời giảng ấy đã khởi động Bánh xe của Đạo Pháp lần đầu tiên. Từ đêm rằm asalha hôm ấy cho đến nay đã hơn hai ngàn năm trăm năm nhưng Bánh xe Đạo Pháp vẫn còn tiếp tục lăn đều trên khắp nẻo đường của hành tinh này. Đấng Thế Tôn cất lời giảng như sau :

"Này các tỳ kheo, có hai thái cực mà người tu hành phải tránh. Hai thái cực ấy là gì? [Thái cực thứ nhất] là tự buông thả theo các thú vui của giác cảm, đấy là những gì thật thấp hèn, tầm thường, trần tục, ghê tởm và chỉ mang lại những hậu quả tai hại mà thôi, [thái cực thứ hai] là tự mình hành xác, đấy là những gì thật khổ sở, ghê tởm và cũng chỉ mang lại những hậu quả tai hại. Không vướng mắc vào hai thái cực đó, này các tỳ kheo, Như Lai đã khám phá ra Con Đường Trung Đạo, mang lại sự quán thấy, đưa đến sự hiểu biết, tạo ra sự tĩnh lặng, trí tuệ, Giác ngộ và mang lại sự Giải thoát.

"Này các tỳ kheo, vậy Con Đường Trung ĐạoNhư Lai đã khám phá ra, mang lại sự quán thấy, đưa đến sự hiểu biết, tạo ra sự tĩnh lặng, trí tuệ, sự Giác ngộGiải thoátcon đường như thế nào? Đấy chỉ có thể là Con Đường Cao quý của Tám sự Đúng đắn (Bát Chánh Đạo), đấy là : quán thấy đúng, tư duy đúng, ngôn từ đúng, hành động đúng, phương tiện sinh sống đúng, cố gắng đúng, chú tâm đúng, tập trung [tâm thức] đúng. Này các tỳ kheo, đấy gọi là Con Đường Trung ĐạoNhư Lai đã khám phá ra để mang lại sự quán thấy, đưa đến sự hiểu biết, tạo ra sự tĩnh lặng, trí tuệ, Giác ngộ và mang lại sự Giải thoát.

"Này các tỳ kheo, đây là Sự thực Cao quý gọi là khổ đau (dukka) : Sinh là khổ đau, già là khổ đau, bệnh tật là khổ đau, chết là khổ đau, phải kết hợp với những gì mình không thích là khổ đau, phải xa lìa những gì mình yêu quý là khổ đau, không đạt được những gì mình thèm muốn khổ đau. Tóm lại, năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn) của sự bám víu khổ đau.

"Này các tỳ kheo, đây là Sự thực Cao quý gọi là nguyên nhân của khổ đau : Đấy là sự ''thèm khát" mang lại sự tái-hiện-hữu và sự tái-hình-thành, sự thèm khát ấy phát sinh từ sự ham muốn quá độ và sự thèm khát thì sẽ luôn chạy theo những thụ hưởng mới, lúc thì nơi này lúc thì nơi khác, đấy là sự thèm khát các lạc thú của giác cảm, đấy là sự thèm khát [được] hiện hữu và hình thành, đấy là sự thèm khát không [muốn được] hình thành (trái với sự mong muốn của mình).

"Này các tỳ kheo, đây là Sự thực Cao quý gọi là chấm dứt khổ đau : Đấy là sự chấm dứt hoàn toàn của sự "thèm khát", dứt bỏ được nó, từ bỏ được nó, tự giải thoát ra khỏi nó, cởi bỏ được nó.

"Này các tỳ kheo, đây là con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau : Đấy là Con Đường Cao quý của Tám sự Đúng đắn, đấy là : quán thấy đúng, tư duy đúng, ngôn từ đúng, hành động đúng, phương tiện sinh sống đúng, cố gắng đúng, chú tâm đúng và tập trung [tâm thức] đúng.

"Này các tỳ kheo, chỉ khi nào đã hiểu được "Đây chính là Sự thực Cao quý gọi là khổ đau", và đấy cũng là những gì mà trước đây chưa hề có ai thuyết giảng, thì khi đó mới hiện lên với mình sự quán thấy, mới hiện lên với mình sự hiểu biết, mới hiện lên với mình trí tuệ, mới hiện lên với mình sự thông suốt, mới hiện lên với mình ánh sáng.

"Này các tỳ kheo, chỉ khi nào đã hiểu được "Đây chính là sự thực Cao quý gọi là ý thức được khổ đau một cách thấu đáo", và đó cũng là những gì từ mà trước đây chưa hề có ai thuyết giảng, thì khi đó mới hiện lên với mình sự quán thấy, mới hiện lên với mình sự hiểu biết, [...]

"Này các tỳ kheo, chỉ khi nào đã hiểu được "Đây chính là Sự thực Cao quý gọi là nguyên nhân của khổ đau", và đó cũng là những gì mà trước đây chưa hề có ai thuyết giảng, thì khi đó mới hiện lên với mình sự quán thấy, mới hiện lên với mình sự hiểu biết,[...]

"Này các tỳ kheo, chỉ khi nào hiểu được "Đây chính là Sự thực Cao quý gọi là nguyên nhân của khổ đau cần phải bị hủy diệt", và đó cũng là những gì mà trước đây chưa hề có ai thuyết giảng, thì khi đó mới hiện lên với mình sự quán thấy, mới hiện lên với mình sự hiểu biết,[...]

"Này các tỳ kheo, chỉ khi nào hiểu được "Đây chính là Sự thực Cao quý gọi là nguyên nhân của khổ đau đã bị hủy diệt", và đó cũng là những gì mà từ trước đây chưa hề có ai thuyết giảng, thì khi đó mới hiện lên với mình sự quán thấy, mới hiện lên với mình sự hiểu biết,[...]

"Này các tỳ kheo, chỉ khi nào hiểu được "Đây chính là sự thực Cao quý gọi là sự chấm dứt khổ đau", và đó cũng là những gì mà trước đây chưa hề có ai thuyết giảng, thì khi đó mới hiện lên với mình sự quán thấy, mới hiện lên với mình sự hiểu biết,[...]

"Này các tỳ kheo, khi nào hiểu được "Đây chính là Sự thực Cao quý gọi là sự chấm dứt khổ đau cần phải đạt được", và đó là những gì mà trước đây chưa hề có ai thuyết giảng, thì chỉ khi đó mới hiện lên với mình sự quán thấy, mới hiện lên với mình sự hiểu biết, [...]

"Này các tỳ kheo, chỉ khi nào hiểu được "Đây chính là Sự thực Cao quý gọi là sự chấm dứt khổ đau đã đạt được", và đó cũng là những gì mà trước đây chưa hề có ai thuyết giảng, thì khi đó mới hiện lên với mình sự quán thấy, mới hiện lên với mình sự hiểu biết,[...]

"Này các tỳ kheo, chỉ khi nào hiểu được "Đây chính là Sự thực Cao quý gọi là con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau cần phải được đem ra thực hiện", và đó cũng là những gì mà trước đây chưa hề có ai thuyết giảng, thì khi đó mới hiện lên với mình sự quán thấy, mới hiện lên với mình sự hiểu biết,[...]

"Này các tỳ kheo, chỉ khi nào hiểu được "Đây chính là Sự thực Cao quý gọi là con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau đã được thực hiện", và đó là những gì mà trước đây chưa hề có ai thuyết giảng, thì khi đó mới hiện lên với mình sự quán thấy, mới hiện lên với mình sự hiểu biết, [...]

"Này các tỳ kheo, chỉ khi nào hiểu được "Đây chính là Sự thực Cao quý gọi là con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau", và đó là những gì mà trước đây chưa hề có ai thuyết giảng, thì khi đó mới hiện lên với mình sự quán thấy, mới hiện lên với mình sự hiểu biết, mới hiện lên với mình trí tuệ, mới hiện lên với mình sự thông suốt, mới hiện lên với mình ánh sáng.

"Này các tỳ kheo, cho đến khi nào mà sự quán thấy và hiểu biết đích thực về Bốn Sự thực Cao quý dưới ba thể dạng gồm mười hai dạng thức khác nhau chưa được hiểu một cách hoàn toàn sáng tỏ, thì khi đó ta vẫn chưa có thể tuyên bố với các Thiên nhân, các Ma vương (Mara), các Phạm thiên (Brahma), các tập thể những người tu hànhgiáo sĩ, các chúng sinh thánh thiện và cả các chúng sinh dưới thể dạng con người trong thế gian này..., rằng ta đã đạt được sự hiểu biết vô songtối thượng. Tuy nhiên, này các tỳ kheo, chỉ khi nào mà sự quán thấy và hiểu biết thật sự về Bốn Sự thực Cao quý dưới ba thể dạng gồm mười hai dạng thức khác nhau đã trở nên hoàn toàn sáng tỏ đối với ta, thì khi đó ta mới có thể tuyên bố với các Thiên nhân, các Ma vương, các Phạm thiên, các tập thể những người tu hànhgiáo sĩ, các chúng sinh thánh thiện và cả các chúng sinh dưới thể dạng con người trong thế gian này..., rằng ta đã đạt được sự hiểu biết vô songtối thượng. Và rồi sự hiểu biết sâu xa sẽ hiện lên với ta : "Tư duy của ta sẽ được giải thoát, không có gì có thể lay chuyển được, đây là lần tái sinh cuối cùng của ta, sẽ không còn một sự hiện hữu nào khác nữa".

Đấng Thế Tôn thuyết giảng như trên đây. Năm vị tỳ kheo rất thỏa dạvô cùng hân hoan trước những lời thuyết giảng ấy. (Tương Ưng Bộ kinh - Samyutta-nikaya, ấn bản PTS, 1892-1938, V, 420-424; cf. Luật tạng - Vinaya-pitaka, I, 110-112, theo bản dịch tiếng Pháp của Môhan Wijayaratna).

Trên đây là bản kinh nổi tiếng gọi là "Tứ Diệu Đế" (tiếng Pa-li : Dhamma-Cakkappavattana-sutta), và cũng là bản kinh đầu tiên trình bày Giáo lý của Đức Phật. Bản kinh tóm lược toàn bộ các nét chính trong Đạo Pháp, và đồng thời cũng tượng trưng cho sự khởi động của Bánh xe Đạo Pháp trong thế gian này. Trong suốt bốn mươi lăm năm hoằng Pháp sau này, Đức Phật chỉ khai triển thêm và xây dựng toàn bộ Giáo lý của Ngài chung quanh bài Pháp thứ nhất trên đây.

Về phương diện hình thức thì bản kinh Tứ Diệu Đế được trình bày bằng cách lập đi lập lại các câu giảng, mỗi câu khi lập lại chỉ thay đổi một vài chữ căn bản. Đấy cũng là cách trình bày chung của tất cả các kinh sách xưa giúp cho dễ nhớ và dễ học thuộc lòng, vì câu sau giống với câu trước chỉ khác nhau một vài chữ mà thôi. Suốt nhiều trăm năm Giáo lý của Đức Phật được phổ biếnlưu truyền bằng cách học thuộc lòngtruyền khẩu như thế trước khi được ghi chép bằng chữ viếttồn tại cho đến nay.

Phần cốt yếu của bản kinhBốn Sự thực Cao quý, vậy chữ Cao quý (tiếng Pa-li ariya, tiếng Phạn arya) mang ý nghĩa như thế nào ? Tại sao lại gọi là Cao quý ? Có rất nhiều sự thực mà chúng ta có thể xem là đúng và tin tưởng được, tuy nhiên những sự thực ấy không có gì là cao quý cả. Chẳng hạn như sự kiện địa cầu quay chung quanh mặt trời là một sự thực, sự thực đó có thể quan sát được và khoa học kiểm chứng được, tuy nhiên cái sự thực đó không có gì Cao quý cả. Hãy nêu ra thêm một thí dụ khác, chẳng hạn có một người nào đó tuyên bố là mình rất hạnh phúc, được đầy đủ và không hề biết khổ đau là gì, điều đó có thể đúng và có thể là một sự thực, tuy nhiên sự thực đó không có gì gọi là Cao quý cả. Trái lại Bốn sự thực của Tứ Diệu Đế là bốn sự thực giải thích được bản chất sâu kín của Hiện thực, quán nhận được các quy luật mang tính cách toàn cầu của mọi hiện tượng, mang lại sự hiểu biếttrí tuệ trong mục đích giải thoát cho con người. Chính vì thế mà bốn sự thực ấy gọi là Cao quý.

Tuy là bản kinh giảng về Tứ Diệu Đế nhưng Đức Phật không giải thích ngay thế nào là Tứ Diệu Đế mà nêu lên trước hết "Con Đường Trung Đạo" và tiếp sau đó là "Con Đường Cao quý của Tám sự đúng đắn" mà kinh sách tiếng Hán gọi là "Bát Chánh Đạo". Con đường Trung đạonền móng để xây dựng một cuộc sống dung hòa, Bát Chánh Đạo gồm có sự quán thấy đúng, tư duy đúng, ngôn từ đúng, hành động đúng, phương tiện sinh sống đúng, cố gắng đúng, chú tâm đúngtập trung tâm thức đúng là những gì tối cần thiết để có thể hiểu được Đạo Pháp là gì. Vì thế mà Đức Phật đã nêu lên những điều kiện tiên quyết trên đây trước khi thuyết giảng về Tứ Diệu Đế. Điều đó cũng gián tiếp cho thấy Phật giáo là một tôn giáo đòi hỏi một cuộc sống đạo hạnh, một sự tu tập kiên trì trong mục đích đạt được sự hiểu biết tối thượng mang lại sự Giải thoát. Phật giáo không phải mà một tín ngưỡng được hình thành từ sự cầu xin và những lời hứa hẹn, và cũng không thể trao tặng cho bất cứ ai một món quà có sẵn.

Vậy con đường Bát chánh là gì ? Con đường đó khởi đầu bằng cách tập nhìn các hiện tượng đúng như thế (quán thấy đúng), tức là không thêm bớt, không bám víu, không diễn đạt xuyên qua những xúc cảm bấn loạn trong tâm thức mình. Quán thấy đúng sẽ giúp suy nghĩ đúng (tư duy đúng) và để nói lên những lời chân thật (ngôn từ đúng). Khi nào đã nhìn thấy đúng, suy nghĩ đúng, nói lên những lời nhân từ, bên trong không che dấu sự lừa lọc thì khi đó mới có thể thực thi được những hành động đúng, tức là những hành động không hung bạo, không làm tổn thương người khác và không tước đoạt những gì của người khác, dù là vô tình hay cố ý. Ngoài những điều kiện đó còn phải cần có những phương tiện sinh sống đạo đứclương thiện (phương tiện sinh sống đúng), không gây ra thiệt hại cho môi trường và sự sống nói chung.

Khi nào thực hiện được các điều kiện căn bản trên đây thì khi đó người tu tập mới có đủ khả năng chú tâm đúng, tức là quan tâm đến những gì hệ trọng và hữu ích hầu biến cải tâm thức của chính mình. Chú tâm đúng là một sức mạnh cần thiết để bước vào Con Đường tu tập một cách thật sự và đúng nghĩa của nó. Tập trung tâm thức đúnggiai đoạn cuối cùng và tinh tế hơn hết và cũng là giai đoạn quan trọng nhất tức là sự luyện tập thiền định để mang lại trí tuệ. Chỉ có trí tuệ mới giúp quán thấy được bản chất đích thực của mọi hiện tượngnguyên nhân của sự hiện hữu của chính mình.

Kinh sách thường tượng trưng tám sự đúng đắn với tám nan hoa của một chiếc bánh xe làm biểu tượng cho Đạo Pháp, điều đó chứng tỏ một cách hùng hồn tầm quan trọng của con đường Bát Chánh. Thật ra thì cũng không nên phân tích và tìm hiểu tám sự đúng đắn riêng rẽ với nhau, vì thực tế chúng liên liên kết và hổ tương với nhau thật chặt chẽ để mang lại một cuộc sống tinh khiết, đạo hạnhtinh tấn.

Vào thời đại của Đức Phật tín ngưỡng bộc phát rất mạnh tại Ấn độ, nhiều trào lưu tôn giáotriết học xuất hiện khắp nơi. Kinh Vệ-đà của đạo Bà-la-môn xuất phát vào khoảng thế kỷ thứ XII trước Tây lịch chỉ mang tính cách cầu khẩnca tụng thần linh, đã trở nên hoàn toàn lỗi thời. Nhiều bản kinh mới gọi là Upanisad được trước tác thay cho Kinh Vệ-đà và cũng từ đó đã làm phát sinh ra nhiều "tông phái cải tiến". Trong bối cảnh phức tạp đó, Đức Phật ngay trong bài thuyết giảng đầu tiên đã nhấn mạnh đến tính cách mới mẻ và duy nhất của Giáo lý do Ngài khám phá ra. Giáo lý của Đức Phật không phải là một loại kinh Vệ-đà cải tiến thuộc phong trào cải cách ồ ạt của đạo Bà-la-môn vào thời bấy giờ. Trong bản kinh Tứ Diệu Đế người ta thấy câu sau đây được nhấn mạnh và lập đi lập lại: "đó là những gì mà trước đây chưa hề có ai thuyết giảng". Có lẽ đấy là điều mà Đức Phật muốn nhắc nhở những người đương thời hơn là nhắc nhở chúng ta vì ngày nay tính cách độc đáo và duy nhất của tín ngưỡng Phật giáo là những gì đã trở nên thật hiển nhiên trong nền tư tưởng của nhân loại.

Trong bản kinh Tứ Diệu Đế và trong đoạn định nghĩa thế nào là khổ đau có một câu như sau : "Tóm lại, năm thứ cấu hợp của sự bám víu là khổ đau". Câu này nêu lên năm thành phần cấu hợp của cá thể con người gồm có : thành phần cấu hợp vật chất tức là thân xác và bốn thành phần cấu hợp còn lại thuộc tâm thức. Đây cũng là một cách báo trước một khái niệm thật căn bản trong Đạo Pháp gọi là Ngũ uẩn. Nắm vững được khái niệm này mới có thể hiểu được một khái niệm then chốt và đặc thù khác là khái niệm Vô ngãĐức Phật sẽ giảng trong bài Pháp thứ hai.

Sau khi Đấng Thê Tôn giảng xong bài Pháp về Tứ Diệu Đế thì "người đệ tử lớn tuổi nhất là Kiều Trần Như lĩnh hội được ngay và xin Đấng Thế Tôn thụ phong cho mình" (Luật Tạng, I,12). Đấng Thế Tôn và năm đệ tử tiếp tục lưu lại thêm vài ngày trong khu rừng Lộc Uyển, và trong thời gian này các đệ tử cũng xin Đấng Thế Tôn giải thích thêm cho họ một số thắc mắc. Trong lúc nghe giảng thì có hai đệ tử là Sư Ba và Bạt Đề vụt chứng ngộ được Giáo lý bèn xin Đấng Thế Tôn thụ phong cho mình. Sau đó đến lượt hai đệ tử khác là Ma Ha NamA Thuyết Thị cũng hiểu được Giáo lý một cách thấu đáo và cũng xin được thụ phong. Thế là năm vị đồng hành trước đây đều chính thức trở thành môn đệ của Đấng Thế Tôn.

Thấy thế Đấng Thế Tôn bảo họ hãy ngồi xuống để lắng nghe Ngài giảng về một chủ đề vô cùng quan trọng khác, đó là bài giảng về giáo lý "Vô ngã". Đây là bản kinh thứ hai được Đức Phật thuyết giảng chỉ vài ngày sau bản kinh thứ nhất. Đấng Thế Tôn cất lời với các đệ tử như sau :

"Này các tỳ kheo, hình tướng (thân xác) không phải là cái Ngã (theo định nghĩa thông thường thì cái 'ngã' hay 'atman' có thể hiểu như là linh hồn). Nếu như hình tướng đúng thật là cái Ngã, này các tỳ kheo, thì hình tướng đâu phải gánh chịu bệnh tật (thân xác phải gánh chịu bệnh tật và cái ngã thì lại được định nghĩa như một thứ gì bất biếntrường tồn), và đối với thân xác thì người ta có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì thân xác của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể như thế khác được" (nếu thân xác đúng là cái ngã thì nó không thể biến đổi để trở thành khác hơn). Trong khi đó, bởi vì thân xác không phải là cái Ngã [cho nên] thân xác phải gánh chịu bệnh tật (vô thường) và người ta sẽ không thể nào có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì thân xác của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể là như thế khác được".

"Này các tỳ kheo, giác cảm không phải là cái Ngã. Nếu như giác cảm đúng là cái Ngã, này các tỳ kheo, thì giác cảm đâu có phải gánh chịu bệnh tật (tức là các giác cảm làm phát sinh sự đau đớn, thích thú hay trung hòa), và [như thế] đối với giác cảm người ta sẽ có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì giác cảm của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể như là thế khác được". Trong khi đó, bởi vì giác cảm không phải là cái Ngã [cho nên] giác cảm phải gánh chịu bệnh tật và người ta sẽ không thể nào có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì giác cảm của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể là như thế khác được".

"Này các tỳ kheo, sự nhận thức không phải là cái Ngã. Nếu như sự nhận thức, này các tỳ kheo, đúng là cái Ngã thì sự nhận thức đâu có phải gánh chịu bệnh tật (sự lầm lẫn), và [như thế] đối với sự nhận thức người ta sẽ có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì sự nhận thức của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể như thế khác được". Trong khi đó, bởi vì sự nhận thức không phải là cái Ngã [cho nên] sự nhận thức phải gánh chịu bệnh tật và đối với sự nhận thức thì người ta sẽ không thể nào có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì sự nhận thức của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể là như thế khác được".

"Này các tỳ kheo, thói quen thường nhật không phải là cái Ngã. Nếu như thói quen thường nhật, này các tỳ kheo, đúng là cái Ngã thì thói quen thường nhật đâu phải gánh chịu mọi thứ bệnh tật (tức là sự bám víu biểu hiện của vô minhsai lầm), và [như thế] đối với thói quen thường nhật người ta sẽ có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì thói quen thường nhật của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể như thế khác được". Trong khi đó, bởi vì thói quen thường nhật không phải là cái Ngã [cho nên] thói quen thường nhật phải gánh chịu bệnh tật, và đối với thói quen thường nhật thì người ta sẽ không thể nào có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì thói quen thường nhật của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể là như thế khác được".

"Này các tỳ kheo, tri thức không phải là cái Ngã. Nếu như tri thức đúng là cái Ngã, này các tỳ kheo, thì tri thức đâu có phải gánh chịu bệnh tật (những sự diễn đạt sai lầm), và [như thế] đối với tri thức người ta sẽ có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì tri thức của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể như thế khác được". Trong khi đó, bởi vì tri thức không phải là cái Ngã [cho nên] tri thức phải gánh chịu bệnh tật và đối với tri thức người ta sẽ không thể nào có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì tri thức của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể là như thế khác được".

- Này, các tỳ kheo nghĩ thế nào? Hình tướng trường tồn hay vô thường?

- Bạch Thế tôn, hình tướngvô thường.

- Nếu một sự vật là vô thường thì nó là những gì khổ đau hay hạnh phúc?

- Bạch Thế tôn, là những gì khổ đau.

- Vậy thì, nếu những gì vô thường là khổ đau, phải gánh chịu sự biến đổi, thì đối với những thứ ấy người ta có thể bảo rằng : "Đấy là cái của tôi, đấy chính là tôi, đấy là cái Ngã của tôi" hay không ?

- Bạch Thế Tôn, nhất định là không.

 

- Này, các tỳ kheo nghĩ thế nào? Giác cảm trường tồn hay vô thường?

- Bạch Thế Tôn, giác cảm là vô thường.

- Nếu một sự vật là vô thường thì nó là những gì khổ đau hay hạnh phúc?

- Bạch thế tôn, là những gì khổ đau.

- Vậy thì, nếu những gì vô thường là khổ đau, phải gánh chịu sự biến đổi, thì đối với những thứ ấy người ta có thể bảo rằng : "Đấy là cái của tôi, đấy chính là tôi, đấy là cái Ngã của tôi" hay không ?

- Bạch Thế Tôn, nhất định là không.

 

- Này, các tỳ kheo nghĩ thế nào? Sự nhận thức trường tồn hay vô thường?

- Bạch Thế Tôn, sự nhận thứcvô thường.

- Nếu một sự vật là vô thường thì đấy là khổ đau hay hạnh phúc?

- Bạch Thế Tôn, đấy là khổ đau.

- Vậy thì, nếu những gì vô thường là khổ đau, phải gánh chịu sự biến đổi, thì đối với những thứ ấy người ta có thể bảo rằng : "Đấy là cái của tôi, đấy chính là tôi, đấy là cái Ngã của tôi" hay không ?

- Bạch Thế Tôn, nhất định là không.

 

- Này, các tỳ kheo nghĩ thế nào? Thói quen thường nhật trường tồn hay vô thường?

- Bạch Thế Tôn, thói quen thường nhật là vô thường.

- Nếu một sự vật là vô thường thì đấy là khổ đau hay hạnh phúc ?

- Bạch Thế Tôn, đấy là khổ đau.

- Vậy thì, nếu những gì vô thường là khổ đau, phải gánh chịu sự biến đổi, thì đối với những thứ ấy người ta có thể bảo rằng : "Đấy là cái của tôi, đấy chính là tôi, đấy là cái Ngã của tôi" hay không ?

- Bạch Thế Tôn, nhất định là không.

 

- Này, các tỳ kheo nghĩ thế nào? Tri thức trường tồn hay vô thường ?

- Bạch Thế Tôn, tri thứcvô thường.

- Nếu một sự vật là vô thường thì đấy là khổ đau hay hạnh phúc ?

- Bạch Thế Tôn, đấy là khổ đau.

- Vậy thì, nếu những gì vô thường là khổ đau, phải gánh chịu sự biến đổi, thì đối với những thứ ấy người ta có thể bảo rằng : "Đấy là cái của tôi, đấy chính là tôi, đấy là cái Ngã của tôi" hay không ?

- Bạch Thế Tôn, nhất định là không.

 

"Tóm lại, này các tỳ kheo, đối với bất cứ những gì là thân xác, dù thuộc vào quá khứ, tương lai hay hiện tại, thuộc nội tâm hay bên ngoài, thô thiển hay tinh tế, tầm thường hay tuyệt diệu, cách xa hay bên cạnh, thì phải nhìn chúng đúng như thế bằng cái trí tuệ không sai lầm để tự nhủ rằng : "Đấy không phải là của tôi, tôi không phải là các thứ ấy, chúng không phải là cái Ngã của tôi".

"Tóm lại, này các tỳ kheo, đối với bất cứ những gì là giác cảm, dù thuộc vào quá khứ, tương lai hay hiện tại, thuộc nội tâm hay ngoại cảnh, thô thiển hay tinh tế, tầm thường hay tuyệt diệu, cách xa hay bên cạnh, thì phải nhìn chúng đúng như thế bằng cái trí tuệ không sai lầm để tự nhủ rằng : "Đấy không phải là của tôi, tôi không phải là các thứ ấy, chúng không phải là cái Ngã của tôi".

"Tóm lại, này các tỳ kheo, đối với bất cứ gì thuộc vào sự nhận thức, dù thuộc vào quá khứ, tương lai hay hiện tại, nội tâm hay ngoại cảnh, thô thiển hay tinh tế, tầm thường hay tuyệt diệu, cách xa hay bên cạnh, thì phải nhìn chúng đúng như thế bằng cái trí tuệ không sai lầm để tự nhủ rằng : "Đấy không phải là của tôi, tôi không phải là các thứ ấy, chúng không phải là cái Ngã của tôi".

"Tóm lại, này các tỳ kheo, bất cứ những gì là thói quen thường nhật, dù thuộc vào quá khứ, tương lai hay hiện tại, nội tâm hay ngoại cảnh, thô thiển hay tinh tế, tầm thường hay tuyệt diệu, cách xa hay bên cạnh, thì phải nhìn chúng đúng như thế bằng cái trí tuệ không sai lầm để tự nhủ rằng : "Đấy không phải là của tôi, tôi không phải là các thứ ấy, chúng không phải là cái Ngã của tôi".

"Tóm lại, này các tỳ kheo, bất cứ những gì là tri thức, dù thuộc vào quá khứ, tương lai hay hiện tại, nội tâm hay ngoại cảnh, thô thiển hay tinh tế, tầm thường hay tuyệt diệu, cách xa hay bên cạnh, thì phải nhìn chúng đúng như thế bằng cái trí tuệ không sai lầm để tự nhủ rằng : "Đấy không phải là của tôi, tôi không phải là các thứ ấy, chúng không phải là cái Ngã của tôi".

"Này các tỳ kheo, nếu biết nhìn mọi sự vật bằng cách như thế thì một người đệ tử hiểu biết sẽ không còn bám víu vào thân xác, không con bám víu vào giác cảm, không còn bám víu vào sự nhận thức, không còn bám víu vào thói quen thường nhật, không còn bám víu vào tri thức. Khi loại bỏ được chúng thì sẽ không còn tham vọng nữa. Khi nào không còn bám víu nữa thì người đệ tử ấy cũng sẽ tự giải thoát cho mình khỏi mọi dục vọng. Khi đã tự giải thoát khỏi mọi dục vọng thì người đệ tử ấy cũng sẽ chợt nhận ra rằng : "[Thế ra] sự giải thoát cũng chính là như thế đấy !", và người đệ tử ấy cũng sẽ hiểu được là : "Tất cả mọi sự tái sinh đã bị hủy diệt, chỉ có Con đường Đạo hạnh tinh khiếttồn tại, những gì phải chấm dứt đã chấm dứt, không còn bất cứ gì lưu lại để chờ đợi được thực hiện, không còn lại gì nữa để mà hình thành".

Đấng Thế Tôn thuyết giảng như trên đây. Năm vị tỳ kheo đều thỏa dạhân hoan đón nhận những lời giáo huấn của Ngài. Hơn thế nữa ngay trong khi mà họ còn đang nghe giảng thì mọi ô nhiễm trong tâm thức đã lần lượt được tẩy uế. Vào thời điểm ấy hiển hiện lên trong thế gian này sáu vị A-la-hán. (Kinh về Giáo lý Vô ngã - Anattalakkhana-sutta, trích từ Luật tạng - Vinaya-Pitaka, ấn bản PTS, 1879-1883, I, 13, cf. S, III, 66, theo bản tiếng Pháp của Môhan Wijayaratna).

Trong bối cảnh mà hầu hết các tín ngưỡng thời bấy giờ đều chủ trương một cái ngã (atman) hay một cái ta, cái tôi trường tồnbất biến thì Đức Phật lại thuyết giảng về Vô ngã. Bất cứ một hiện tượng nào dù thuộc lãnh vực vật chất hay tâm thần đều không hề lệ thuộc vào một "sở hữu chủ" hay một thứ "chủ nhân ông nào" cả, điều ấy có nghĩa là không có một "chủ thể" nào trường tồnbất biến dù là "bên ngoài" hay "bên trong" thân xác và tâm thức đứng ra "làm chủ" để ra lệnh và điều khiển các hiện tượng biến động và đổi thay liên tục từ trong tâm thức cho đến thân xác và ngoại cảnh. Tất cả mọi hiện tượng đều tự lôi kéo nhau mà biến động thuận theo quy luật của nhân duyênhậu quả.

Ngoài ra bản kinh trên đây được chấm dứt bằng một câu mang thật nhiều ý nghĩa : "Vào thời điểm ấy hiển hiện lên trong thế gian này sáu vị A-la-hán". Trước hết câu ấy có nghĩa là Tăng đoàn đã được hình thành, gồm có Đức Phật và năm đệ tử đầu tiên. Điều đáng chú ý thứ hai trong câu này là năm đệ tửĐức Phật cũng đều là những vị A-la-hán, cùng mang một trọng tráchsứ mạng hoằng Pháp như nhau. Đức Phật chọn một cuộc sống khất thực và tha phương, ấy là cách vừa làm gương cho Tăng đoàn lại vừa tạo dịp để hoằng Pháp. Ngài thuyết giảng liên tục trong suốt bốn mươi lăm năm còn lại trong kiếp nhân sinh cuối cùng này của Ngài cho đến một hôm thì Ngài kiệt lực phải dừng lại trong một khu rừng và nằm xuống đất giữa hai gốc cây sa-la. Thật vậy, nếu có Đạo Pháp mà không có Tăng đoàn thì Đạo Pháp cũng sẽ mai một mà thôi. Các vị A-la-hán và Bồ-tát trong Tăng đoàn ngày nay có khi nào nhìn lại tấm gương đó hay chăng ?

Trong một đêm rằm mùa xuân, nơi khu rừng Ưu-lâu-tần-loa dưới cội Bồ-đề hiện ra một Vị Phật thay vào chỗ của vị Bồ-tát Tất-đạt-đa. Và sau đó trong khu rừng Lộc Uyển nơi thị trấn Ba-la-nại thì Vị Phật ấy và cả Tăng đoàn của Ngài cũng lại lùi lại để nhường chỗ cho Bánh xe Đạo Pháp vận hành. Nếu hai ngàn năm trăm năm trước Tăng đoàn khởi đầu gồm có sáu vị A-la-hán thì ngày nay Tăng đoàn đã trở nên đông đảo hơn nhiều để mang Đạo Pháp đến khắp nẻo trong thế gian này. Tam bảo gồm Phật, Pháp, Tăng được thành lập và đó cũng là sự hình thành của Phật giáo.

Bures-Sur-Yvette, 08.10.10

Hoang Phong

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant