Ý Nghĩa Niệm Phật
Tác Giả: Thích Minh Thành
Pháp môn niệm Phật từ trước đến nay được phổ biến rộng rãi, hàng Phật tử đều có thể ứng dụng thực hành và đã chứng nghiệm sư an lạc, lợi ích từ câu Phật hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều người chưa thật sự hiểu thấu đáo ý nghĩa của việc niệm Phật. Vậy ý nghĩa của việc niệm Phật là gì? Niệm Phật với mục đích gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cặn kẽ hơn để việc niệm Phật thật sự đúng nghĩa và có lợi ích thiết thực trong cuộc sống ngay phút giây hiện tại.
Những Lợi Ích Của Việc Niệm Phật:
Niệm Phật tâm yên tĩnh, trong sáng:
Mọi người kiểm tra tâm của mình xem, từ sáng sớm cho đến tận chiều tối có lúc nào được an tĩnh không? Hay là từ sáng đến chiều, tâm mình luôn lăng xăng, lộn xộn, vội vội vàng vàng, hêt việc này đến chuyện kia. Tính toán, suy nghĩ đủ thứ: hết con cháu đến cơm áo, gạo tiền,... người nghèo tính toán, lo lắng là chuyện đã đành nhưng người giàu cũng chẳng được yên, vì lo làm cho giàu thêm.
Khi lăng xăng, dao động thì tâm mờ tối, nếu được yên lặng thì tâm sáng suốt. Giống hồ nước trong thì có thể phản chiếu rõ ràng cảnh vật xung quanh. Ngược lại, nước có chứa nhiều cặn bã, lại bị khuấy động liên tục thì khó có thể chiếu soi rõ ràng.
Thanh châu gieo vào nước đục, nước đục không thể không trong.
Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn tất nhiên an định.
Ngày xưa có một loại ngọc gọi là Thanh châu. Khi đem ngọc bỏ vào nước đục, thì nước tự nhiên trong sáng. Thời nay chúng ta không còn nhìn thấy loại ngọc đó nữa, mà có thể thấy phèn chua. Ở miền quê thường dùng phèn chua bỏ vào nước để lắng cặn bã, làm nước trong để sử dụng. Cũng như vậy, hồ nước tâm của chúng ta suốt ngày luôn bị những thứ phiền não: buồn, giận, thương, ghét, khuấy động làm vẩn đục. Bây giờ niệm danh hiệu Phật để lắng hết những thứ cặn bã phiền não kia xuống, thì tự nhiên nước tâm trong sáng trở lại và soi rọi được tất cả cảnh vật.
Khi tâm đã tỉnh sáng, thì làm việc gì cũng đều đạt kết quả cao. Người thợ may nếu biết niệm Phật cho tâm tỉnh sáng, thì từng đường kim, mũi chỉ sẽ đều đặn rất đẹp. Người thợ mộc nếu biết niệm Phật với tâm tỉnh sáng, thì những tác phẩm làm ra sẽ có tính thẩm mỹ và có giá trị cao. Người làm ăn mua bán nếu biết niệm Phật, thì làm đâu trúng đó, tính đâu được đấy. Tại sao? Vì tâm tỉnh sáng thì làm việc chính xác, không quên sót. Như vậy niệm Phật cũng có thể làm giàu đồng thời niệm Phật cũng để làm Phật vậy!
Niệm Phật Để Trừ Phiền Não:
Hầu hết mọi người đều chưa trừ diệt hết phiền não, vẫn còn buồn con, giận cháu, thương người này, ghét người kia,...Nếu từ lúc trẻ cho đến già, cứ hết ghét rồi thương liên tục như vậy thì cuộc đời này thật chẳng có ý nghĩa gì! Bây giờ chúng ta niệm Phật là để dẹp hết những tâm niệm não phiền: tham lam, nóng giận, si mê. Nếu không khéo dẹp trừ, thì chẳng phải là người biết tu vậy, không khéo lại làm trò cười cho thiên hạ.
Sân si nghiệp chướng không chừa
Bo bo mà giữ tương dưa ích gì?
Niệm Phật Để Được Nhất Tâm:
Suốt ngày nếu tâm không nghĩ Phật, thì nghĩ chúng sanh. Hết nghĩ thiện lại nghĩ ác, hết nghĩ tốt lại nghĩ xấu. Vì từ lâu ta đã quên lãng, để tâm mình rong ruổi chạy theo những thói xấu ác phàm phu. Giờ đây niệm Phật là đưa tâm mình về một chỗ, làm cho tâm được trong sáng an tĩnh.
Nếu phân tích kỹ thì tâm mình có đủ mười pháp giới, hay còn gọi là mười trạng thái. Có lúc thì từ bi giống như Phật, muốn đem mọi điều tốt đẹp nhất đến cho người. Nhưng có lúc thì sân si, gặp ai cũng muốn cự cãi, đó là tâm của A- tu- la. Hoặc có lúc tham muốn không ngừng, đến khi gần chết vẫn còn tham tiếc, đó là trạng thái tâm của Ngạ quỷ. Hoặc có lúc muốn giữ tròn năm giới, đó là tâm của loài Người.
Cũng có lúc thấy thế gian chịu biết bao tai ương đau khổ, con người đau khổ cùng cực, thì cảm thấy buồn chán muốn đi tu để giải thoát, đó là tâm của bậc Thanh văn. Nhưng cũng có lúc muốn vào khóa tu Phật thất, chuyên tâm niệm Phật để khi về có thể hóa độ người thân trong gia đình cùng niệm Phật giải thoát. Đó là tâm rộng lớn của Bồ tát.
Trong một ngày chúng ta khởi nghĩ tâm Phật và Bồ tát rất ít, mà tâm xấu ác của súc sanh, ngạ quỷ thì rất nhiều cho nên luôn bị khổ đau trói buộc. Niệm Phật là dùng danh hiệu Phật để thu nhiếp tâm an trú ngay nơi pháp giới của Phật. Khi đó tâm mình an tỉnh sáng suốt, đau khổ sẽ tự nhiên rơi rụng hết .
Lâu nay niệm danh hiệu Đức Phật A- di- đà, nhưng mọi người có biết chữ A- di- đà có nghĩa là gì không? A- di- đà là Vô lượng thọ, Vô lượng quang và Vô lượng giác. A- di- đà là Vô Lượng; Phật tức là Giác. Giác nghĩa là tỉnh thức, rõ biết. Mọi người đều có cái biết, nhưng thường đi theo hai chiều: một là chiều đi lên – chiều Tịnh. Hai là chiều đi xuống – chiều Nhiễm. Niệm Phật tức là tâm đi theo chiều Tịnh đến cõi nước của Đức Phật A Di Đà.
Tại sao gọi là Vô Lượng Giác? Chúng ta thấy mặt trời chỉ chiếu sáng ban ngày, còn mặt trăng chiếu sáng ban đêm. Ánh sáng của mặt trời, mặt trăng thì giới hạn, còn ánh sáng của tâm thì không giới hạn. Lúc nào chúng ta cũng biết nghe, biết nhìn, biết ngửi, vừa nhìn liền biết đỏ, xanh, vàng, trắng. Vừa nghe liền biết tiếng nam, tiếng nữ. Khi vừa nhìn thấy hình sắc hoặc nghe âm thanh tâm liền bám vào những thứ đó để phân biệt đẹp hay xấu, ngon hay dở, rồi sanh tâm yêu hoặc ghét. Đẹp thì muốn chiếm đoạt về cho mình, xấu thì hất hủi, chê bai,...Từ đó mà tạo ra bao nhiêu nghiệp khổ.
Nếu khi nhìn thấy hình sắc hay nghe âm thanh rõ ràng mà tâm không khởi niệm phân biệt, thì đó chính là cái biết sáng suốt rõ ràng của mỗi người. Niệm Phật chính là trở về với bản tâm thanh tịnh giác hay bản tánh Di Đà sẵn có ở nơi mình. Như vậy, bản tánh Di Đà không xa, chỉ cần chịu khó ngồi yên niệm Phật, thì sẽ nhìn thấy đức Phật Di Đà phóng hào quang ngay nơi tâm của mỗi người.
Từ trước đến nay, nhiều người có quan niệm chưa đúng về pháp môn niệm Phật. Họ thường xem niệm Phật là pháp môn bậc thấp chỉ dành cho hàng căn cơ bậc hạ, hay các bà già trầu ít học ứng dụng. Nhưng nếu xét kỹ thì sẽ thấy trong một câu niệm Phật bao trùm cả Tam học, Tứ đế, Lục độ và tám muôn bốn ngàn pháp môn của đức Phật Thích Ca. Tất cả đều dung nhiếp trong một câu Phật hiệu.
A Di Đà Là Tam Học:
Tất cả các môn học Phật đều không ngoài ba môn căn bản là: Giới – Định – Huệ.
Ngay lúc ngồi niệm Phật, thân ngồi trang nghiêm, miệng niệm danh hiệu Phật, tâm chuyên nhất trong từng câu, không làm điều sai trái. Ngay khi đó, cả ba nghiệp đều thanh tịnh, nên gọi là Giới.
Khi niệm Phật, tâm chuyên nhất vào câu Phật hiệu. Do đó tâm không tán loạn, yên tĩnh lặng lẽ, nên gọi là Định.
Ngay khi niệm Phật, từng chữ sáng ngời nơi tâm, miệng niệm tâm nghe rõ ràng. Từng câu, từng chữ đều đặn soi sáng không quên sót, không mê lầm, chính khi đó là Huệ.
Như vậy chỉ trong một câu niệm Phật mà bao gồm cả ba môn học: Giới – Định – Huệ.
A Di Đà Là Tứ Đế:
Tứ đế bao gồm: Khổ – Tập – Diệt – Đạo.
Vì thấy cuộc đời quá khổ, nên không còn muốn tranh giành, tham chấp những thú vui tạm bợ vô thường để chuốc them đau khổ. chỉ muốn vào chùa niệm Phật tu hành, cầu sự an vui chân thật vĩnh cữu. Đó là thấy rõ Khổ đế.
Tham lam, nóng giận, si mê, ngã mạn, nghi ngờ,...là những nguyên nhân đưa đến đau khổ. Chẳng phải tại một đấng thần linh nào ban phước hay giáng họa cho mình. Tất cả giàu nghèo, sang hèn, cao thấp, mập ốm, sướng khổ,...đều là từ nơi ba nghiệp của mình tạo ra trong quá khứ mà có. Nghiệp phát xuất từ nơi tâm. Bởi vì tâm chứa đầy những thứ phiền não cấu nhiễm, cho nên ngày nay chúng ta phải gánh chịu những quả báo khổ đau. Niệm Phật mà thấy được như vậy là hiểu rõ Tập đế.
Lúc đang niệm Phật, không khởi tâm tham muốn và cũng chẳng thấy tâm tham ở đâu? Như vậy ngay lúc niệm Phật, diệt được tâm tham. Lúc niệm Phật thì không cự cãi, sân si. Cho nên, ngay lúc niệm Phật là diệt được tâm nóng giận. Ngay lúc niệm Phật, tai nghe rõ ràng từng câu, từng chữ, tâm tỉnh sáng, không mê lầm là diệt trừ được si mê. Diệt trừ được những nguyên nhân chính gây ra khổ đau. Đó là thực hành Diệt đế.
Khi tâm tham dục, sân hận và si mê bị tiêu diệt hết rồi, thì lúc đó ta đang trong cảnh giới Niết bàn an lạc, thanh tịnh. Chẳng cần phải đợi tu mấy chục năm hoặc khi chết mới được Niết bàn. Chính ngay lúc niệm Phật rõ ràng, tâm sáng suốt thanh tịnh là Niết bàn. Đó chính là đạt được Đạo đế. Như vậy lúc niệm Phật cũng thực hành và thấy rõ được Tứ đế vậy.
A Di Đà Là Lục Độ:
Ngay lúc niệm Phật là lúc thực
hành được pháp Lục độ.
(Đại sư Ngẫu Ích)
Phần đông Phật tử chúng ta thường nghĩ chỉ có bậc đại Bồ tát mới có thể tu hành Lục độ, còn mình là hạng phàm phu làm sao dám mơ tới. Nhưng thật không ngờ khi niệm Phật là đã thực hành Lục độ.
Trước tiên niệm Phật là pháp Bố thí. Ngay lúc niệm Phật, buông bỏ hết thân, tâm và cảnh duyên bên ngoài, chỉ còn một câu Phật hiệu. Khi chuyên chú vào câu Phật hiệu mà không còn quan tâm đến tấm thân này nữa, thì đó là buông xả thân. Cũng không quan tâm đến những ý niệm buồn, thương sanh diệt, chỉ an trú trong câu danh hiệu Phật sáng ngời, nên gọi là buông xả tâm.
Ngồi trang nghiêm, mắt nhìn xuống đất, không nhìn đông ngắm tây, chạy theo cảnh vật ở bên ngoài hoặc năm thứ dục lạc: tài, sắc, danh, thực, thùy. Tất cả đều quên hết, chỉ còn nhớ danh hiệu Phật, là buông xả được cảnh duyên. Ngay lúc niệm Phật là lúc thực hành Bố thí.
Thân ngồi trang nghiêm trước bàn Phật, miệng niệm, tâm lắng nghe từng tiếng một. Thân không sát sanh, trộm cắp cũng không tà dâm. Miệng không nói dối hay uống rượu. Năm giới đều không có sai phạm, nên ngay lúc niệm Phật là Trì giới trọn vẹn.
Trong khi ngồi niệm Phật thì không có phải quấy, hơn thua,... chịu được mọi sự đau nhức, mỏi mệt của thân thể. Chỉ nhiếp tâm nhẹ nhàng trong câu danh hiệu Phật. Vì vậy niệm Phật là lúc thực hành được sự Nhẫn nhục.
Khi niệm Phật, tâm không tán loạn, không có xen tạp vọng tưởng, chỉ thuần nhất một câu: “A Di Đà Phật”. Niệm niệm tiếp nối nhau liên tục, không gián đoạn. Đó chính là Tinh tấn.
Ngay khi niệm Phật, vì tâm duyên theo câu danh hiệu Phật không nghĩ tưởng lăng xăng những việc phàm tình thế gian. Vì thuần nhất một niệm, nên tâm vắng lặng, an tĩnh. Đó chính là Thiền định.
Lúc ngồi niệm Phật, từng câu từng chữ phân minh. Mọi sự việc gì xảy ra, tâm đều nhận biết rõ ràng theo đúng lẽ thật, mà không bị phân tán, tạp loạn. Tâm luôn sáng suốt, thanh tịnh là có được Trí tuệ.
Chính vì những điểm trên, nên nói: “Khi niệm Phật cũng là lúc tu hành pháp môn Lục độ”.
Hỏi rằng:
- Người tu thiền, khi làm việc gì, họ chỉ chú tâm vào công việc ấy. Ngoài ra họ không để ý đến việc gì khác, nên có thể làm được tốt. Nhưng người tu Tịnh độ, vừa phải niệm Phật và vừa phải lái xe. Như vậy có trở ngại gì không?
Đáp rằng:
- Không có trở ngại. Càng nhiếp tâm niệm Phật thì lái xe càng chuẩn xác. Không vi phạm luật giao thông hoặc gây tai nạn cho người khác. Làm việc gì cũng chính xác, đạt hiệu quả cao. Tại sao? Bởi vì khi tâm không niệm Phật, thì cũng nghĩ tưởng chuyện này chuyện kia, chẳng chịu ở yên.
Niệm Phật là dùng “nhất niệm phá đa niệm”, tức là dùng một niệm để dẹp trừ nhiều niệm. Khi các ý niệm lăng xăng lắng xuống hết, chỉ còn một câu Phật hiệu hiện tiền, thì lúc đó trí của mình sáng suốt thanh tịnh. Vì vậy mà làm việc gì cũng dễ dàng và thành công. Cho nên nói khi niệm Phật là lúc có được trí tuệ là như vậy.
A Di Đà Bao Gồm Tám Muôn Bốn Ngàn Pháp Môn:
Tám muôn bốn ngàn pháp môn của đức Phật Thích Ca đều nằm gọn trong một câu danh hiệu Phật. Bởi vì tất cả cũng chỉ nhằm mục đích đưa chúng ta trở về với tâm thanh tịnh giác sẵn có của mỗi người.
Tất cả chư Phật ở quá khứ, hiện tại và vị lai thị hiện ra đời cũng chỉ vì một nhân duyên lớn, đó là chỉ bày cho chúng sanh thấy được “Tri kiến Phật” sẵn có trong mỗi người.
Tất cả các đức Phật Thế Tôn ra đời cũng chỉ vì một đại sự nhân duyên, khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật.
(kinh Diệu Pháp Liên Hoa)
“Tri kiến” là thấy biết; “Phật” là giác. Tức là tâm thanh tịnh giác và đó cũng chính là bản tánh Di Đà của mỗi người. Niệm Phật là trở về với tâm thanh tịnh giác của mình.
Đây chính là cốt lõi của tám muôn bốn ngàn pháp môn. Tất cả các pháp môn như: Thiền, Tịnh, Giáo, Mật,... tuy khác nhau về hình thức tu hành, nhưng cuối cùng đều gặp nhau ở chỗ tâm thanh tịnh và giải thoát tất cả phiền não khổ đau đạt đến an vui, hạnh phúc.
Niệm Phật Liền Thành Phật:
Một điểm hết sức quan trọng nữa, mà bấy lâu nay ít có người ngờ tới, đó là ngay lúc niệm Phật chính là lúc thành Phật. Mọi người có tin không? Mới nghe qua thì thấy lạ, nhưng đó là sự thật.
Một niệm tương ưng, một niệm là Phật.
Mỗi niệm tương ưng, mỗi niệm là Phật.
(Đại sư Triệt Ngộ)
Chữ “Tương ưng” nghĩa là phù hợp. Niệm Phật thì tương ưng với tâm thanh tịnh giác.
Khi trước tâm nghĩ tưởng lăng xăng nên mờ tối. Ngày nay dùng câu Phật hiệu làm tâm dừng lặng trong sáng, nên phù hợp với tâm thanh tịnh giác của mình. Một niệm thanh tịnh là thành Phật được một niệm. Bởi vì chúng ta chưa được nhất tâm bất loạn, nên chưa được thành Phật liên tục mà thôi. Vừa được vài niệm thành Phật, thì gặp người châm chọc cho nổi giận là lập tức trở về với niệm chúng sanh rồi.
Nếu người nào khéo tu, luôn giữ vững được tâm niệm của mình cho tương ưng với tâm thanh tịnh giác thì thành Phật mãi mãi. Trong một ngày, niệm Phật được ba giờ hay năm giờ thì thành Phật được ba giờ, năm giờ. Cho nên nói: “Ngay khi niệm Phật là lúc thành Phật”.
Niệm Phật Được Đức Tướng Trang Nghiêm Của Phật:
Lại nữa, ngay lúc niệm Phật là lúc có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật. Mọi người hãy kiểm tra lại xem mình niệm Phật bấy lâu nay, mà lỗ tai có dài thêm chưa? Có thấy trên đầu có vầng hào quang sáng tỏa không? Không phải ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp là lỗ tai của mình phải dài đến vai hay trên đầu có hào quang chiếu sáng hoặc dưới chân có bông sen nở làm tòa. Vậy ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp là như thế nào?
Chúng ta điều biết Hòa thượng Viện chủ chùa Vạn Đức. Nếu ai đã từng thấy pháp tướng của Ngài. Chỉ cần đến gần cũng cảm thấy được sự trong mát nhẹ nhàng. Giống như chúng ta đang đi giữa trời trưa nắng nóng, mà được vào đứng trú dưới một tàng cây lớn râm mát. Đó chính là đức tướng trang nghiêm của Ngài.
Tại sao Ngài lại được đức tướng như vậy? Là nhờ chuyên trì danh hiệu Phật. Từ nơi tâm niệm Phật thuần nhất thanh tịnh mà phát ra những tướng tốt lành, trang nghiêm của Phật. Cho nên chưa cần nghe Ngài nói, vừa nhìn thấy là mọi người đều muốn đảnh lễ, quý kính. Đó là bậc chư Tăng tu hành được tướng tốt trang nghiêm vậy.
Còn Phật tử thì sao? Nếu Phật tử chân chính tu hành, chuyên tâm niệm Phật thì cũng có được những tướng tốt, mọi người khi tiếp xúc điều quý trọng.
Sau khi mãn khóa tu niệm phật về nhà tánh tình trở nên hiền dịu, dễ thông cảm cho con cháu hơn trước rất nhiều. Tâm trí thì tỉnh sáng, lanh lợi, giải quyết công việc nhẹ nhàng, êm đẹp,...niệm Phật có hiệu quả như vậy mới gọi là tu đúng.
Ngược lại, khi trước ít giận ít buồn, bây giờ càng niệm Phật, càng dễ sân giận, khó khăn hơn,...là tu trật pháp rồi. Tu hành mà da dẻ hồng hào, mặt mũi tươi sáng là có được hào quang.
Niệm Phật mà người khác nhìn vào liền thấy từ bi hiền dịu, đó là có được đức tướng từ bi của Phật. Niệm Phật mà tâm được an định, không còn lo lắng, khổ đau, nên được trường thọ sống lâu, đó chính là được lỗ tai dài của Phật. Nhìn kỹ lại thì thấy cũng có nhiều người đạt được những điều này rồi. Như vậy ngay lúc niệm Phật là có được tướng tốt của Phật.
Lúc Niệm Phật Là Lúc Vãng Sanh:
Ngay lúc niệm Phật là lúc được vãng sanh. Nghe có lạ không? Nói như vậy là ý thế nào? Chúng ta phần nhiều đã đọc kinh sách, nên cũng biết cõi Tịnh độ gồm có bốn cõi:
1- Phàm Thánh Đồng Cư
2- Phương Tiện Hữu Dư
3- Thật Báo Trang Nghiêm
4- Thường Tịch Quang Tịnh Độ
Cõi cao nhất và trang nghiêm nhất là cõi Thường Tịch Quang Tịnh độ. Thường là luôn luôn; Tịch là lặng lẽ; Quang là sáng suốt; Độ là cõi nước. Cõi luôn lặng lẽ sáng suốt chính là cõi tâm thanh tịnh của mỗi người.
Một câu A Di Đà
Tâm lặng tưởng nhớ chuyên
Tuy chưa lìa cõi tục
Đã ngồi tòa Bảo liên.
(Đại sư Triệt Ngộ)
Lúc ngồi niệm Phật, tâm của mọi người được lặng lẽ, sáng suốt, thanh tịnh, thì ngay khi đó đã được vãng sanh về cõi Thường Tịch Quang Tịnh độ, là cõi cao nhất trong bốn cõi Tịnh độ. Khi nhắm mắt vãng sanh về cõi Tịnh độ là kết quả của việc niệm Phật. Còn lúc đang sống mà niệm Phật, tâm được thanh tịnh, sáng suốt là nhân. Tuy hiện tại còn chưa lìa cõi thế tục, nhưng đã được ngồi tòa sen báu rồi. Tòa sen báu tức là tâm thanh tịnh của mình. Chính ở điểm này, chúng ta mới thấy được giá trị thiết thực đặc biệt của đạo Phật.
Một quan trọng nữa là một số người tu Tịnh độ thường lầm nghĩ rằng: “Bây giờ mình tu niệm Phật, thì đến chết mới được vãng sanh Cực lạc” hoặc: “Mình niệm Phật phải đến mấy chục năm sau mới được Niết bàn an lạc”...Nhưng thật không ngờ, ngay khi thực hành niệm Phật cũng là lúc chúng ta được vãng sanh Cực lạc, là lúc vào được Niết bàn an lạc.
Trong kinh Nguyên thủy, Đức Phật lập lại nhiều lần về chữ “Pháp” như sau:
Phật pháp thiết thực, hiện tại, đến để
mà thấy, không trải qua thời gian.
Vì sao gọi là “thiết thực”? Vì gần gũi ứng dụng được ngay trong cuộc sống hàng ngày của mình. Sao gọi là “hiện tại”? Là ngay đây, hiện giờ có đầy đủ giới, định, tuệ. Ngay lúc niệm Phật là lúc thành Phật; Ngay lúc niệm Phật là lúc có được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp; Ngay lúc niệm Phật là lúc vãng sanh và cũng là lúc độ thoát chúng sanh.
Niệm Phật có đầy đủ tính thiết thực ở ngay hiện tại, không cần trải qua thời gian. Cho nên gọi là “Tu chứng đồng thời”.
Ngay lúc công phu tu hành niệm Phật, liền có thể cảm nhận được sư an lạc, thanh tịnh. Còn khi nhắm mắt được vãng sanh là quả rốt ráo sau cùng. Hiện tại niệm Phật được an lạc, thì mai sau nhắm mắt mới được tự tại vãng sanh.
Thấy được tính thiết thực và hiệu quả của việc niệm Phật như vậy, mọi người nên hạ thủ công phu ngay lúc này. Đừng hẹn hò đến mai mốt, bởi vì thời gian chẳng đợi người và mạng sống chẳng bền lâu.
Lúc Niệm Phật Là Lúc Độ Sanh:
Còn nữa, ngay lúc niệm Phật cũng là lúc độ thoát chúng sanh. Chúng sanh có hai loại: một là ở bên trong thân và tâm của mình , hai là chúng sanh ở bên ngoài. Nói: “Ngay lúc niệm Phật là lúc độ chúng sanh”, tức là độ chúng sanh ở ngay nơi thân và tâm của mình. Chúng sanh ở bên trong đó là những ai? Từ sáng đến chiều không biết bao nhiêu ý niệm phiền não khởi lên trong lòng nào là thương, ghét, buôn, vui, tham muốn, mong cầu,...một ngày khởi lên không biết bao nhiêu mà kể. Đó là những chúng sanh ở bên trong tâm. Niệm Phật là độ hết chúng sanh của mình qua bờ giác thanh tịnh an lạc, không còn lăng xăng, loạn động nữa. Đó chính là làm Phật độ chúng sanh trong cõi nước của mình.
Khi tâm mình đã được yên tĩnh sáng suốt, đức tướng bên ngoài đầy đủ từ bi, trí tuệ thì mọi người nhìn thấy sẽ tự nhiên mến mộ, phát tâm tu theo mình. Con thấy mẹ tu được an lạc, liền phát tâm dành nhiều thời gian tu tập như mẹ. Anh thấy em tu hành niệm Phật có được những lợi ích thiết thực, liền sanh lòng mến mộ gần gũi học hỏi. Hàng xóm, láng giềng thấy được sự chuyển đổi của mình, thì sanh lòng quý mến muốn được niệm Phật thanh tịnh như mình,...Đó là chúng ta đã độ thoát con cháu, anh em, bà con, hàng xóm. Như vậy ngay lúc niệm Phật là lúc độ thoát được chúng sanh trong tâm mình và những người quanh mình vậy.
Trong kinh Kim Cang, ngài Tu Bồ Đề hỏi Đức Phật:
- Người phát tâm Vô thượng Bồ đề, làm thế nào để hàng phục được tâm? Làm thế nào an trụ được tâm?
Đức Phật đáp:
- Phải độ hết tất cả chúng sanh vào Vô dư Niết bàn.
Như vậy chỉ một câu danh hiệu Phật mà gom trọn tông chỉ của kinh Kim Cang. Niệm Phật chuyên nhất, thì tất cả những vọng tưởng phiền não đều trở về với tâm lặng lẽ thanh tịnh, tức là “Độ thoát tất cả chúng sanh vào Vô dư Niết bàn”.
Lúc Niệm Phật Là Lúc Có Được Hạnh Phúc, An Vui Chân Thật:
Có một ông lão đẩy một chiếc xe chất đầy bánh kẹo đi bán dạo khắp đường phố. Trên xe, ông viết một tấm biển thật to và rõ: “Ngày mai ăn bánh khỏi trả tiền!”. Mấy đứa trẻ nhìn thấy tấm biển viết như vậy, liền nghĩ rằng: “Như vậy thì mình chờ đến ngày mai, khi ông lão quay trở lại, lúc đó mình sẽ được ăn một bữa đầy bánh kẹo mà không phải trả tiền. Thật là thích!”.
Ngày hôm sau, từ sáng sớm bọn trẻ đã đứng xếp hàng chờ ông lão đẩy xe đi ngang. Khi chiếc xe chở đầy bánh kẹo vừa đến đầu ngõ, bọn trẻ reo lên và chạy ngay đến bên chiếc xe, rồi dùng cả hai tay chụp lấy những gói bánh, gói kẹo nhiều màu sắc,...Khi cả bọn chuẩn bị quay đầu chạy đi, thì ông lão cầm tay kéo lại và nói rằng:
- Sao tụi con lấy bánh kẹo mà không trả tiền?
Bọn trẻ nhanh miệng trả lời:
- Dạ! Ngày hôm qua, tụi con thấy ông viết rằng: “Ngày mai ăn bánh khỏi trả tiền” nên hôm nay tụi con đến lấy ăn mà không cần phải trả tiền.
Lúc ấy, ông lão cười xòa và nói:
- Đúng vậy! “Ngày mai ăn bánh khỏi trả tiền”, nhưng hôm nay ăn thì vẫn phải trả đủ.
Thế là bọn trẻ phải tỉu nghiu trả tiền bánh cho ông lão thông minh đầy mưu mẹo.
Bọn trẻ đã bị ông lão gạt cho một vố! Vì không bao giờ có ngày mai! Mọi người hãy xét kỹ lại xem, làm gì có ngày mai. Đến ngày mai thì ngày mai đã là hôm nay mất rồi!
Cũng vậy sự tu hành không có hẹn hò hay chờ đợi đến khi nào mới có an lạc. Nếu khéo tu thì ngay khi đang niệm Phật, chúng ta sẽ cảm nhận rõ ràng hạnh phúc an lạc ngập tràn từ sự an trú vững chắc trong câu Phật hiệu. Chính vì điểm này mà mấy vị xuất gia mới cạo bỏ râu tóc vào chùa tu hành. Còn nếu phải đợi đến khi chết mới được an lạc hạnh phúc, thì làm sao các vị ấy dám tu. Như vậy ngay lúc niệm Phật là lúc có được hạnh phúc an lạc chân thật.
Như trên đã nói, mọi người đều có thể thấy được sự sâu rộng của pháp môn niệm Phật. Bây giờ chúng ta sẽ nói đến vấn đề quan trọng nhất. Nếu muốn được kết quả thiết thực như vậy, thì phải niệm Phật như thế nào mới đúng? Muốn niệm Phật đúng thì người tu phải có đầy đủ ba điều kiện: Tín – Hạnh – Nguyện.
Niệm Phật Phải Có Được Lòng Tin:
Tín là lòng tin đối với đức Phật A Di Đà và cõi nước Tịnh độ. Tin vào khả năng của chính mình có thể niệm Phật giác ngộ, giải thoát. Lòng tin đó có hai mặt:
1- Về mặt Sự tướng:
Là chúng ta tin chắc chắn có Đức Phật Di Đà đang đưa tay tiếp đón chúng sanh về cõi Cực Lạc. Tin thật có một vị cha lành từ bi vô hạn đang mở rộng vòng tay tiếp đón tất cả đàn con thân yêu trở về nhà. Tin thế giới Cực Lạc trang nghiêm, thù thắng từ tâm thanh tịnh của Đức Phật tạo thành là có thật để cho chúng ta vãng sanh về nơi đó.
2- Về mặt Lý tánh:
Tin tâm thanh tịnh, sáng suốt của mình là tâm của đức Phật A Di Đà. Phật A Di Đà được thành Phật, kiến tạo ra được cõi Cực Lạc đều là từ tâm thanh tịnh giác của Ngài. Mà bản tâm này ở nơi mỗi người đều sẵn có. Cho nên nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Vì vậy mà chúng ta tin rằng nhờ có tâm này, mà chúng ta thành tựu được Giác ngộ.
Niệm Phật Phải Lập Nguyện Tha Thiết:
Tin chưa đủ, mà cần phải nguyện cho thiết tha. Chỉ một lòng mong muốn được sanh về cõi Tịnh độ trang nghiêm, nhàm chán cõi Ta bà uế trược, không có tâm tham luyến ngũ dục lục trần. Đó chính là nguyện.
Niệm Phật Phải Thường Tinh Tấn:
Niệm Phật có được lòng tin và thệ nguyện rồi thì phải hành trì tinh tấn đúng theo pháp, không lơi lỏng, lười biếng. Đó là Hạnh, là vấn đề quan trọng nhất để thành tựu niệm Phật nhất tâm, vãng sanh Cực Lạc.
Hòa thượng Liên Trì dạy niệm Phật có ba cách:
1- Niệm thầm
2- Niệm khẽ động môi.
3- Niệm lớn tiếng.
Khi cùng niệm với đại chúng thì niệm lớn tiếng. Còn khi niệm một mình ở nhà, thì niệm thầm hoặc khẽ động môi. Nhưng niệm thầm rất dễ ngủ gục và tán loạn. Đa phần người niệm Phật bị hai thứ bệnh: một là hôn trầm, hai là tán loạn. Ngồi niệm Phật được hai ba câu thì không còn biết mình đang làm gì nữa. Giật mình thì thấy nãy giờ tâm đưa mình du lịch qua Tây, qua Tàu, thả hồn theo mây gió. Còn không tán loạn, phóng tâm chạy đông chạy tây như vậy, thì lại rơi vào hôn trầm ngủ gục. Niệm một hồi mà chính mình còn không biết ở đâu, huống nữa là Phật! Vì vậy chỉ có pháp niệm Phật khẽ động môi là hữu hiệu nhất. Pháp này gọi là Kim cang trì.
Niệm Phật theo cách như vậy sẽ giúp cho chúng ta không bị hôn trầm và ít bị tán loạn vì chú tâm vào môi. Nhưng nếu mình đang ngồi giữa chốn đông người và họ không biết về Phật pháp, nhìn thấy miệng của mình cứ lẩm bẩm liên tục như vậy, thì không khéo gây cho mọi người sự hiểu lầm là“có vấn đề”. Cho nên người khéo tu là biết ứng dụng phương cách tu hành sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, thì sẽ dễ tu và đạt được kết quả cao nhất.
Niệm Phật Phải Đúng Pháp:
Trên đây là trình bày cách tu hành niệm Phật ở hình tướng bên ngoài. Còn công phu niệm Phật thật sự phải chú trọng đi sâu vào trong tâm niệm của mình. Chẳng phải vì thấy người niệm, thì miệng của mình cũng niệm theo, mắt thì ngó đông nhìn tây, còn đầu thì nghĩ ngợi đủ thứ chuyện. Nhìn thấy bên ngoài như đang niệm Phật trang nghiêm, nhưng bên trong thì toàn là vọng tưởng đảo điên. Niệm Phật như vậy, thì dù có niệm thật nhiều, cũng không thể tính là công phu. Niệm Phật như vậy là không đúng.
Niệm Phật đúng pháp là khi niệm thì tâm chỉ chuyên chú vào danh hiệu Phật, miệng niệm rõ ràng và tai nghe từng tiếng không xao lãng. Cả ba điều ấy phải khế hợp với nhau mới được kết quả cao.
Niệm Phật phải giống như một người đứng kế bên kêu một người khác đang nằm ngủ say thức dậy. Tâm của chúng ta đã ngủ say từ vô thỉ kiếp rồi, ngày nay niệm Phật tức là dùng cái giác để đánh thức tâm mê muội của mình tỉnh dậy.
Đó là làm cho “cái chân thật muôn đời” được hiển lộ.
Niệm Phật Phải Thấy Rõ, Không Lầm Mê:
Tất cả con người sinh ra trên thế gian đều “sống say, chết mộng”. Từ khi mở mắt chào đời, lớn lên bươn chải, bon chen, tìm kiếm cho đến lúc xuôi tay nhắm mắt chui vào hòm nằm im dưới đất, đều là sống trong mơ mơ, mộng mộng. Không hề biết mình từ đâu sinh ra? Sinh ra để làm gì? Chết sẽ đi về đâu? Mọi việc đều mờ mịt. Chỉ biết suốt ngày bám lấy những thứ huyễn giả để làm thật, rồi buồn, thương, giận, ghét,...lẫn lộn và khổ đau.
Bây giờ niệm Phật để làm cho tâm sáng suốt, thấy rõ được sự thật của thế gian. Không còn mê lầm thì đau khổ tự nhiên rơi rụng. Cho nên niệm Phật là phải dứt khoát buông bỏ muôn duyên, không lo lắng bất cứ chuyện gì, chỉ nhất tâm vào danh hiệu Phật.
Chúng ta lo lắng nhiều như vậy, nhưng có lo được hết mọi việc không? Nếu lo cho sắc đẹp, thì thử hỏi mấy vị năm, sáu mươi tuổi, sắc đẹp “nghiêng thành đổ nước” khi xưa, hiện nay ở đâu rồi? Tàn phai theo năm tháng mất hết rồi!
Nếu nói lo tiền của, cả đời xông pha tính toán, làm ăn dành dụm được của cải chất đầy trong mấy tủ sắt. Nhưng đến đổ bịnh, bác sĩ lắc đầu chào thua, thì những tiền của kia có giúp gì được cho mình không? Đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.
Dã tràng se cát biển Đông
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.
Cả đời khổ nhọc lo cho những cái giả dối tạm bợ, để rồi cuối cùng cũng bỏ lại hết, tay trắng ra đi một mình. Nói rõ hơn là tấm thân mấy chục ký lô này la cái mà mình yêu quý nhất, cả đời lo cho nó ăn ngon, mặc đẹp, tắm gội, ở sang trọng, tiện nghi đầy đủ,... nhưng cuối cùng nó cũng bỏ mình ra đi mà không hề báo trước. Cho nên nói: “Thân này là kẻ vong ân bội nghĩa”.
Vì nó là “vô ngã”, không có chủ thật sự, chỉ do nhiều duyên hợp lại tạm có, cho nên có thể tan rã bất cứ lúc nào. Vậy mà suốt cả đời, chúng ta cứ dong ruỗi tìm kiếm, lo lắng cho nó, để rồi cuối cùng chẳng nắm giữ được gì, ngoại trừ những sự phiền muộn khổ đau.
Đâu phải khi thân này tan rã là hết, mà còn nghiệp thức dẫn dắt đến đời sau. Nếu khi còn sống, chúng ta biết gieo trồng những việc tốt lành, thì nghiệp thiện sẽ dẫn chúng ta đi đến cảnh giới lành tốt, sáng sủa. Ngược lại, gây tạo những việc xấu ác thì nghiệp ác dẫn chúng ta đi vào cảnh giới xấu ác, tối tăm.
Cho nên chúng ta nên thực hành những việc lành thiện, gieo trồng phước đức, chuẩn bị hành trang để đi trên con đường tốt đẹp. Còn người nào có khả năng tu hành tốt hơn, thì sẽ đạt đến tâm thanh tịnh giác, được an lạc giải thoát hoàn toàn.
Trên đời này đâu có gì quan trọng. Ngay cả tấm thân yêu quý nhất này cũng không thể giữ mãi được, thì còn có gì đáng để cho chúng ta lưu luyến, tham tiếc. Người học Phật vì hiểu được sự giả dối vô thường này, nên không còn tâm tham muốn bất cứ thứ gì. Chỉ một lòng nương theo danh hiệu Phật để trở về với bản tâm thanh tịnh giác của mình.
Niệm Phật Chuyên Tâm, Buông Bỏ Muôn Duyên:
Điều quan trọng nhất trong việc tu hành là phải buông bỏ các duyên, nhất tâm niệm Phật. Cũng cần phải lưu ý trong công phu niệm Phật, không nên niệm nhiều tính số lượng. Chỉ cần mỗi niệm rõ ràng, tiếp nối nhau, không xen hở. Tinh chuyên, thuần nhất một danh hiệu Phật, không có niệm khác xen tạp vào, gọi là “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.
Khi miệng niệm, tay lần chuỗi, tâm ý chuyên chú trong câu Phật hiệu, thì từng niệm, từng niệm đều là tỉnh giác. Mỗi niệm, mỗi niệm đều là phù hợp với tâm Phật. Đó là công phu hành trì chân thật.
Có rất nhiều Phật tử khi hành trì niệm Phật, khởi tâm mong cầu hoặc đang ngồi niệm hoặc nằm ngủ mộng thấy được Phật,...Điều này là không nên vì rất dễ lạc đường, sanh bệnh không tốt. Chỉ cần tinh tấn niệm Phật làm sao cho được nhất tâm, thì ngay tâm đó chính là tâm của Phật A Di Đà.
Chớ nên sanh tâm mong cầu thấy được Phật, mà chỉ làm sao được nhất tâm. (Ấn Quang Đại sư)
Cũng đừng được ít mà cho là đủ. Tức là do sức tu niệm Phật trong khoảng thời gian ngắn thì tâm của mình được yên tĩnh, sáng suốt đôi chút. Ngay đó liền lầm tưởng rằng mình đã ngộ hay chứng được bậc nào đó. Như vậy là không tốt!
Chúng ta bây giờ mới phát tâm tu hành trong một thời gian ngắn, tuy được chút ít tỉnh sáng, nhưng thật ra phiền não còn rất nhiều, thì chưa phải là đã đến chỗ cứu cánh rốt ráo. Do đó mỗi người cần tự xét lại việc tu hành của mình và cố gắng tinh tấn nhiều hơn nữa.
Giống như người đi buôn hàng, chuyền đầu đi buôn được tiền lời rất nhiều, nhưng vẫn muốn chuyến tới sẽ được gấp đôi. Cũng vậy, người tu niệm Phật tuy tâm đã được thanh tịnh đôi chút, thì cần phải làm cho tâm càng thanh tịnh hơn, sự tu hành càng sâu thêm, càng cao hơn nữa. Đừng bao giờ tự cho là đủ rồi dừng lại.
Chư Tổ khi xưa có dạy:
Niệm Phật đến khi nào tâm hết sạch mọi phiền não, thuần giác thanh tịnh mới gọi là được.
Bên cạnh những phần chính yếu của việc niệm Phật đã nói ở trên. Cũng nên tích cực làm những việc lành để hỗ trợ cho sự tu hành được thăng tiến dễ dàng hơn. Những việc lành là làm lợi ích cho mọi người và bảo hộ chánh pháp.
Điều quan trọng trước tiên là cần phải nhận thức rõ sự vô thường, vì đời người chẳng có bao lâu, thoáng chốc tóc đã bạc đầy đầu. Không nên hứa hẹn, trì hoãn vì sẽ không kịp. Phải gấp rút hạ thủ công phu. Đừng như ông Trương Tổ Lưu cũng vì khất hẹn việc tu hành, cho nên cuối cùng phải ôm hận mà đi trong sự tiếc nuối muộn màng.
Một hôm, nhân dịp được mời đến nhà để làm đám tang cho cha Trương Tổ Lưu - vị Thầy vốn quen biết với ông từ trước đã khuyên rằng:
- Ông nên cố gắng tu hành niệm Phật.
Tuy nghe nói như vậy, nhưng Trương Tổ Lưu vẫn hẹn rằng:
- Thưa Thầy, tôi còn ba việc chưa làm xong:
* Thứ nhất là cha tôi chưa chôn.
* Thứ hai con trai tôi chưa lấy vợ.
* Thứ ba con gái tôi chưa gả chồng .
Khi nào tôi làm xong ba việc này, tôi hứa với Thầy sẽ niệm Phật tu hành. Nghe nói như vậy, vị Thầy chỉ còn biết im lặng trở về chùa.
Một tháng sau đó, vị Thầy được người đến báo tin Trương Tổ Lưu đã qua đời. Ông ta qua đời trong lúc những việc kia chưa làm xong.
Vị Thầy đi đến nhà điếu tang và có làm một bài thơ:
Bạn tôi tên là Trương Tổ Lưu
Khuyên ông niệm Phật, hẹn ba điều
Ba điều chưa trọn, vô thường bắt
Đáng trách Diêm vương chẳng nể nhau.
Diêm vương chẳng vị nể ai bao giờ. Vì vậy, tu hành đừng nên khất hẹn, mà phải tinh tấn nổ lực thực hành ngay bây giờ. Đừng bắt chước ông Trương Tổ Lưu hẹn ba điều, nhưng việc chưa xong, thì đã bị Diêm vương bắt đi mất.
Mỗi một ngày trôi qua, phải thường nhớ sự vô thường đang chờ chực kề cận.
Ngày nay đã qua
Mạng sống giảm dần
Như cá cạn nước
Nào có vui gì
Đại chúng phải siêng tinh tấn
Như cứu lửa cháy đầu
Chỉ nhớ vô thường
Chớ có buông lung.
Điều quan trọng thứ hai là dù hoàn cảnh thuận hay nghịch, chúng ta vẫn không lui sụt tâm chí tu hành. Lúc nào cũng tiến tu, không phải mới vừa tu được một vài tháng, chợt gặp một số việc khó khăn liền nghỉ không tu nữa.
Hoặc gặp một vài chướng duyên, liền sợ hãi mà bỏ dở nửa chừng. Đó là người không có chí tu hành lâu dài kiên định. Cho nên tu hành là không ngại hoàn cảnh, chỉ hướng tâm đến chỗ giải thoát.
Điều quan trọng thứ ba là có được ý chí tu hành bền bĩ, không chán nản, mỏi mệt, “nước chảy đá mòn”. Chúng ta nhìn thấy ở chỗ mấy vòi nước, nước rỉ từ vòi chảy xuống nền gạch tí tách từng giọt đều đặn, nhưng lâu ngày chỗ nền gạch đó bị lõm xuống một lỗ. Đó là nhờ sự bền bĩ, đều đặn.
Việc tu hành nên tránh “một ngày nắng, mười ngày mưa”. Có lúc thì niệm Phật chuyên cần quên ăn quên ngủ suốt năm, bảy ngày. Nhưng có khi thì bỏ mặc chẳng niệm câu nào. Tu hành như vậy thì thật khó thành tựu!
Điểm cốt yếu phải giữ cho được đều đặn, lâu dài. Ngày nào cũng phải đều đặn như vậy, thì mới có kết quả an lạc thật sự.
Đến đây chúng ta sẽ nói về lợi ích của việc niệm Phật. Lợi ích thì rất nhiều, không kể hết được, nhưng cũng xin tóm gọn thành ba điểm:
Niệm Phật Tiêu Tội, Tăng Phước:
Nếu ai có lỡ tạo tội gì nặng nề trong tám mươi ức kiếp, mà ngày nay biết niệm một câu danh hiệu Phật thì tất cả tội lỗi đều tiêu tan hết.
Niệm một câu danh hiệu Phật thì trừ được tội nặng trong tám mươi ức kiếp.
(kinh Quán Vô Lượng Thọ)
Nghe nói như vậy, mọi người có dám tin không? Từ trước đến giờ chúng ta niệm Phật cũng khá nhiều, nhưng đã thấy tan hết tội chưa? Tuy là việc khó tin, nhưng đó là sự thật.
Giống như căn nhà cả ngàn năm chìm trong tối tăm, nhưng chỉ cần đốt đèn hay bật công tắt điện thì cả căn nhà liền sáng rực trong chớp mắt. Cũng vậy, lúc trước do bị vô minh che đậy làm cho tối tăm nên gây tạo biết bao tội lỗi. Ngày nay biết niệm Phật trở về với bản tâm thanh tịnh thì mọi tội lỗi đều bị xóa tan. Do lợi ích lớn như vậy, nên mọi người hãy cố gắng tinh tấn niệm Phật!
Niệm Phật Thân Tâm Được An Lành:
Khi ta chân thật niệm Phật, buông bỏ các duyên thì thân tâm an lành, ba nghiệp thanh tịnh, hiển lộ đức tướng giác ngộ ngay nơi thân này.
Niệm Phật Hiện Tại An Lạc, Tương Lai Vãng Sanh:
Niệm Phật nếu được nhất tâm, thì ngay hiện tại thân tâm an lạc và tương lai chắc chắn được vãng sanh. Điều đó không có gì nghi ngờ, bởi hiện tại công phu niệm Phật được thuần thục, thân tâm luôn luôn an trú trong sự tỉnh giác và sáng suốt với câu Phật hiệu, khi nhắm mắt được vãng sanh là chuyện đương nhiên vậy.
Cuối cùng, kính mong mọi người cùng tinh tấn niệm Phật để có được lợi ích thiết thực ngay phút giây hiện tại và tương lai được vãng sanh thượng phẩm thượng sanh./.
- Tag :
- Thích Minh Thành