- Phẩm Thứ Nhất: Khuyến Phát Tâm
- Phẩm thứ hai: Luận Về Sự Phát Tâm
- Phẩm thứ ba: Thệ nguyện
- Phẩm thứ tư: Đàn Na Ba La Mật
- Phẩm thứ năm: Giới Ba La Mật
- Phẩm Thứ Sáu: Nhẫn nhục Ba La Mật
- Phẩm Thứ Bảy: Tinh Tấn Ba La Mật
- Phẩm Thứ Tám: Thiền Định Ba La Mật
- Phẩm Thứ Chín: Bát Nhã Ba La Mật
- Phẩm Thứ Mười: Như Thật Pháp Môn
- Phẩm Thứ mười một: Không, Vô Tướng
- Phẩm Thứ mười hai: Công Đức Trì
- Lời bạt
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM LUẬN
Thích Nguyên Ngôn dịch
Phẩm Thứ Tám Thiền Định Ba La Mật
Luận nói: Vì sao Bồ Tát phải tu tập Thiền định? Tu Thiền định Ba La Mật là vì tự lợi, lợi tha, và cả hai đều viên mãn lợi ích. Tu Thiền định như vậy tất là Bồ Tát trang nghiêm Đạo Bồ Đề.
Bồ Tát vì muốn điều phục chúng sanh, khiến cho không sanh xa lìa khổ não, cho nên phải tu tập Thiền định Ba La Mật. Người tu Pháp Thiền định (Tam ma địa, Tam ma đề, Tam muội) là phải khéo nhiếp phục kỳ tâm, và nhiếp phục tất cả loạn tưởng, chẳng cho tâm vọng động, hành, trụ, tọa, ngọa, luôn luôn buộc niệm tại tiền, phải quán sát thuận nghịch, từ đầu, cho đến cổ, xương sống, tay, cùi chỏ, xương sườn, bụng ngực, đầu gối, gót chân, não tủy, cho đến mắc cá chân... tu tập An-ban-sổ- tức,- đây là giai đoạn đầu tiên của Bồ Tát tu tập pháp Thiền định (định tâm), tu Thiền định chẳng gặp những điều ác xấu (tức là lánh xa) tâm thường vui vẻ đây là đầu pháp tự lợi, lại phải giáo hóa chúng sanh khiến tu chánh niệm, đây gọi là hạnh-lợi tha. Bởi do sự tu tập thanh tịnh tam muội, xa lìa ác giác, quán sát giáo hóa chúng sanh, khiến đồng lợi ích như mình, đây gọi là cả hai đều lợi vậy.
Nhơn duyên tu Thiền định, mà thành tựu Bát- giải-thoát, cho đến Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội, Kim-cang-tam-muội, vì vậy nên gọi là Thiền định tức trang nghiêm Đạo Bồ Đề.
Tu Thiền định do ba pháp mà sanh khởi? Những gì là ba?
Một là, do Văn Huệ sanh khởi.
Hai là, do Tư Huệ sanh khởi.
Ba là, do Tu Huệ sanh khởi.
Bồ Tát do nơi ba pháp ấy tu tập, dần dần sanh khởi tất cả Pháp tam muội vậy.
Thế nào do Văn Huệ mà sanh khởi?
Nghĩa là đúng như chỗ được nghe Chánh pháp (như sở văn pháp), mà tâm thường thọ lạc, lại khởi niệm như vậy, thì đắc Vô-ngại-giải-thoát...Cho đến Pháp yếu của chư Phật đều được thọ lạc, bởi do Văn Huệ là có.Nguyên nhân do đa văn Chánh pháp mà thành tựu Chánh niệm, từ đó đối với các pháp cầu học, ngày đêm thường Tinh tấn vui nghe chánh pháp chẳng hề mệt mỏi, đó gọi là DO VĂN HUỆ
Thế nào do Tư Huệ mà sanh khởi?
Nghĩa là suy tư ghi nhớ, quán sát nhứt thiết hữu vi pháp như thật tướng, tức là tướng vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tinh, niệm niệm sanh diệt, tán hoại, mau chóng, bởi lẽ đó nên chúng sanh ưu bi khổ não, tắng ái buộc ràng, chỉ vì lửa dữ của tham, sân, si thiêu đốt, tăng trưởng cho đến đời sau, - khổ não chứa nhóm (tích tập), nhưng vốn không tự tánh, nó như huyển hóa. Khi hành giả thấy biết như vậy, đối với tất cả pháp hữu vi, tất nhiên sanh tâm chán ngán xa lìa. Chuyên tâm Tinh tấn cầu đắc Trí Huệ Phật. Lại suy nghi rằng, Trí Huệ của chư Phật Như Lai bất khả tư nghì , bất khả xưng lường, dẫu cho có kẻ có đại thế lực trong đời, cũng không bằng công đức Trí Huệ của Phật. Vì công đức Trí Huệ ấy, đưa chúng sanh đến chỗ Đại an ổn, không còn đau khổ: Trí Huệ ấy lại hay cứu giúp vô lượng chúng sanh khổ não. Như vậy, TRI KIẾN PHẬT VÔ LƯỢNG, - Trí Huệ Phật quán triệt các pháp hữu vi, vô lượng khổ não, chí nguyện Tinh tấn cầu Vô thượng thượng thiện thừa ,-gọi đó là TƯ HUỆ phát sanh Thiền định Ba La Mật vậy.
Thế nào do Tu Huệ mà sanh khởi?
Nghĩa là ngay từ lúc khởi quán bạch cốt, chỗ đến đắc thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đều do công phu TU HUệ vậy. Như Tu ly dục bất thiện pháp, hữu giác hữu quán pháp, thành tựu Ly Sanh Hỷ Lạc Địa. Khi nhập Sơ thiền, diệt trừ giác quán, nội tâm thanh tịnh nhứt xứ, đắc Vô giác Vô quán, vào Định Sanh Hỷ Lạc Địa. Khi nhập Nhị thiền do Ly Hỷ hành xã tâm niệm an huệ thân thọ lạc, đồng với Hiền thánh, có khả năng xả bỏ thuyết giáo, thường niệm thọ lạc. Khi nhập Tam thiền, do đoạn khổ đoạ lạc, trước khử trừ vui buồn (ưu hỷ), đắc Bất-khổ-bất-lạc, hành Xả niệm thanh-tịnh. Khi nhập Tứ thiền, vượt qua nhứt thiết sắc tướng, diệt trừ nhứt thiết hữu đối tướng, bất niệm nhứt thiết biệt dị tướng, cho nên biết rõ vô biên hư không, tức thành tựu Hư Không Vô Sắc Diệt Xứ. Lại vượt quá nhứt-thiết-hư-không tướng, tri-vô-hữu- thức, tức vào cảnh giới Vô sắc thức diệt định xứ. Lại vượt quá Nhứt thiết thức-tướng, tri vô sở hữu tức nhập vào cảnh giới Vô sở hữu xứ, Vô sắc định xứ. Lại vượt quá nhứt thiết Vô sở hữu xứ, tri Phi hữu tưởng, phi vô tưởng an ổn, tức vào cảnh giới Vô sắc phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ. Bây giờ tùy thuận các thiện pháp tu hành, nhưng không đắm nhiễm (không nhiễm pháp, chấp pháp), chỉ cầu VÔ THƯỢNG THỪA, thành Tối Chánh Giác. Đó gọi là do TU HUỆ mà thành tựu Thiền định ba la mật. Như vậy, Bồ Tát do VĂN, TƯ mà tinh tấn nhiếp tâm, tức thành tựu « Thông minh tam muội Thiền Ba la mật ».
Lại nũa, Bồ Tát tu thiền định có 10 pháp thực hành, chẳng cùng với hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Muời pháp ấy như thế nào?
Một là, khi tu tập Thiền định không cầu chấp ngã, pháp, phải thực hành đầy đủ các Pháp Thiền của Như lai.
Hai là, khi tu Thiền. định, tâm không tham đắm mùi vị, chắp chặt xả ly, nhiễm trước, không riêng cầu an vui cho mình.
Ba là, khi tu Thiền định phải biết đủ thông-nghiệp (nghiệp lực), và biết rỏ tâm hành của chúng sanh.
Bốn là, khi tu Thiền đinh, vì biết rỏ tâm các chúng sanh, nên phải lập nguyện độ thoát chúng sanh.
Năm là, khi tu Thiền định phải khởi Tâm Đại bi đoạn trừ phiến não kiết sử cho chúng sanh.
Sáu là khi tu tập Thiền định, và các tam-muội-thiền, hành giả phải khéo léo biết rõ pháp nhập, pháp xả, vượt ra ngoài tam giới.
Bảy là, khi tu tập Thiền định thì thường đắc Pháp cụ túc tự tại vậy (có nghĩa là đối với các thiện pháp phải luôn luôn tự tại).
Tám là, khi tu tập Thiền định tâm tư phải vắng lặng thắng diệu, đối với các pháp Thiền nhị thừa, và các Thiền tam muội.
Chín là, khi tu tập Thiền định, thường chứng nhập Trí huệ, vượt các pháp thế gian đến Bỉ ngạn vậy.
Mười là, khi tu tập Thiền định, có khả năng hưng thạnh Chánh pháp, thiệu-long Tam Bảo khiến chánh pháp không đoạn tuyệt vậy.
Mười pháp tu tập Thiền định như vậy chẳng cùng với hàng Thanh-Văn-Bích-Chi-Phật (tức là không thành tựu nơi Nhị thừa) (xem thêm kinh Niết bàn, phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát)
Lại nữa, vì biết rỏ tất cả tâm, và phiền não của chúng sanh, cho nên cần tu tập Thiền định là PHÁP TRỢ THÀNH TRỤ TÂM; khiến cho Thiền định trụ bình đẳng tâm, nên gọi là Thiền định.
Tất cả pháp Thiền định như thế, là pháp tắc khi đối với các pháp KHÔNG, VÔ TƯỚNG, VÔ NGUYỆN, VÔ TÁC. Tất cả pháp không, vô tướng, vô nguyện, vô tác v.v... là pháp tắc cần có đối với tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh đều bình đẳng như vậy, tất nhiên các pháp cũng bình đẳng chứng nhập như vậy, bây giờ gọi là thành tựu Đại Định.
Lại nữa, Bồ Tát tuy tùy theo thế gian tu hành, nhưng không tạp nhiễm thế gian pháp, lại xả bỏ thế gian pháp, nhập chánh pháp, diệt trừ nhứt thiết kiết sử, viễn ly nơi ồn náo lo âu, chỉ thích hợp với thanh tịnh vắng vẻ, khi Bồ Tát tu Thiền định như thế, thì tâm AN CHỈ TRỤ, xa lìa các việc làm thế gian. Lại nữa, khi Bồ Tát hành pháp Thiền định, thì phải cụ túc các PHÁP THÔNG, TRÍ, PHƯƠNG TIỆN, HUỆ.
Thế nào gọi là THÔNG , Thế nào gọi là TRÍ?
Nghĩa là, khi thấy sắc tướng, khi nghe âm thanh, hay biết tâm tư kẻ khác, lại ghi nhớ quá khứ, cho đến có khả năng chu du đến thế giới của chư Phật, đó gọi là THÔNG vậy.
Bằng như TRI Sắc tức Pháp tánh, giải liễu âm thanh, tầm hành tánh tướng tịch diệt, ba đời bình đẳng biết rỏ thế giới chư Phật đồng như hư không tướng, mà chẳng chứng diệt tận. gọi đó là TRÍ.
Thế nào là PHƯƠNG TIỆN, Thế nào gọi là HUỆ?
Nghĩa là hành giả khi nhập Thiền thì sanh khởi Đại từ bi, không quên thệ nguyện độ sanh. Tâm tư kiên cố thư kim cang, quán sát chư Phật, thế giới để trang nghiêm, như Bồ Đề đạo tràng, gọi đó là pháp PHƯƠNG TIỆN vậy. Lại nữa, khi vào Thiền định, tâm tư hành giả vĩnh viễn yên lặng trong sáng “vô ngã vô chúng sanh tướng”, tư duy các pháp bản tính không loạn động, thấy thế giới chư Phật đồng như hư không trước mắt, nâng quán sở quán đều trang nghiêm vắng lặng (tịch diệt tướng), đó gọi là PHÁP HUỆ vậy.
Khi thành tựu như thế, gọi là Bồ Tát tu hành Thiền định, Thông Trí Phương Tiện Trí Huệ, sai biệt bốn pháp, khi thành tựu bốn pháp như thế, tức là gần kề quả vị A-nâu-đa-la-tam-muội-tam-bồ-đề. Bồ Tát Mahatát, khi tu hành Thiền định không còn mảy may ác liệt, đối với các pháp đều bất động, đó chính là cụ túc Thiền Ba na la mật vậy.