ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN
CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN GIÁC NGỘ
Tác giả : MÃ MINH - Dịch & giải: Chân Hiền Tâm
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh 2004
Phần TU HÀNH TÍN TÂM
Phần này là y nơi chúng sanh chưa vào Chánh định tụ mà nói, nên nói tu hành tín tâm.
TU HÀNH TÍN TÂM là vì lòng tin chưa đủ, nên nói “Y NƠI chúng sanh chưa nhập chánh định tụ”. CHƯA NHẬP CHÁNH ĐỊNH TỤ là chỉ cho những vị thuộc hàng bất định.
Thế nào là tín tâm? Làm sao tu hành? Lược nói tín tâm có 4 thứ.
Nói tu hành tín
tâm thì trước tiên phải biết tín tâm là gì rồi mới tu. Biết rồi thì tu như thế
nào để có được tín tâm ấy. Nên đây nêu “THẾ NÀO là tín tâm, làm sao tu hành?”.
Tín tâm có 4 thứ, còn tu hành thì có 5 môn. Đầu tiên, nói rõ về tín tâm là tin
những gì?
Thế nào là 4?
1. TIN BẢN CĂN, đó là thích niệm pháp chân như.
2. TIN PHẬT có vô lượng công đức, thường nhớ nghĩ, thân cận, cúng dường, cung kính hầu phát khởi thiện căn và nguyện cầu tất cả trí.
3. TIN PHÁP có lợi ích lớn, thường nghĩ tu hành các ba la mật.
4. TIN TĂNG tu hành chân chánh, tự lợi lợi tha. Thường thích thân cận chúng Bồ tát, cầu học hạnh như thật.
Tín tâm gồm có 4 thứ tin là tin tự tánh chân như của chính mình và tin vào Tam bảo.
CĂN, nghĩa của nó là cội rễ, nguồn gốc. BẢN là ‘của mình’. BẢN CĂN đây là chỉ cho pháp tánh chân như. TIN BẢN CĂN là tự tin tánh mình, tin mình có pháp chân như. Vì việc tu hành đây là để tạo niềm tin, nên nói “THÍCH NIỆM pháp chân như”. Tức luôn luôn nhớ nghĩ mình có pháp tánh chân như rỗng rang sáng suốt với vô lượng công đức thanh tịnh. Nhớ vậy để làm gì? Để huân tập lòng tin đối với pháp tánh chân như. Có lòng tin thì mới chịu khó chịu khổ tu tập để trực chứng lấy pháp chân như ấy.
Chỉ tin vào bản tánh của mình mà không tu tập thì cũng chẳng tới đâu, nên phải đặt lòng tin vào Tam bảo. Có lòng tin thì mới học hạnh của Phật, học lời Phật nói và thân cận với các bậc tôn túc mà nhận lời chỉ dạy cho việc tu hành.
Đến đây là xong phần nói về tín tâm. Sau là phần tu hành để có được tín tâm ấy.
Tu hành có 5 môn có thể thành tựu lòng tin ấy. Thế nào là 5? Một là môn Thí, hai là môn Giới, ba là môn Nhẫn, bốn là môn Tấn, năm là môn Chỉ Quán.
5 môn này giúp thành tựu tín tâm, vì nó giúp ta xả đi tâm vị kỷ, bỏ bớt những nhiễm ô mà mình đã huân tập trong nhiều đời nhiều kiếp khiến sự thật bị che mờ, lòng tin đối với sự thật ấy mới bị phai lạt. Như áo trắng bị nhuộm đen. Cái hiện tại mình nhận được là cái áo đen, vì thế nếu người nói nó màu trắng, mình cũng khó tin được nó màu trắng. Song nếu cái đen ấy bỗng nhiên mờ dần thì niềm tin chiếc áo không phải màu đen ấy sẽ phai lạt. Một khi áo hở được một chỗ trắng thì niềm tin áo trắng càng chắc thật. 5 môn này giống như thuốc rửa giúp cái áo phai bớt màu đen để hiển ra khoảng trắng thật của áo.
1. Thế nào là tu hành môn THÍ? Nếu gặp những ai đến cầu xin, mình có tài vật gì đều tùy lực giúp họ để tự xả xan tham mà cũng khiến người kia hoan hỉ. Nếu gặp người bị ách nạn, khủng bố, nguy bức thì tùy sức mình mà giúp họ hết sợ. Nếu có chúng sanh đến cầu pháp thì tùy sự thông hiểu của mình mà phương tiện giảng nói, chẳng nên tham cầu danh lợi và sự cung kính mà chỉ nghĩ đến việc tự lợi, lợi tha, hồi hướng bồ đề.
THÍ nói đủ là bố thí. Thứ gì có tính cách không ôm vào mà chỉ xả ra gọi là bố thí. THẾ NÀO LÀ TU HÀNH MÔN THÍ, tức hành bố thí là hành như thế nào? Bố thí đây có 3 thứ :
1. Đem của cải ra cho. Tức tùy theo tài lực của mình mà giúp được ai thì giúp. GẶP AI ĐẾN CẦU XIN, cũng chỉ luôn cho kẻ không cầu xin mà đang gặp khó khăn túng thiếu, mình cũng sẵn lòng chia phần. Giúp ra sao mà người giúp và kẻ được giúp đều có lợi. Người giúp thì xả được lòng xan tham, còn kẻ được giúp thì vui vẻ hoan hỉ. Nếu giúp mà khiến kẻ được giúp càng đau khổ, người giúp thêm cao ngạo thì việc làm tuy như nhau nhưng tinh thần đã đi ngược. Ngược thì lòng tin khó thành tựu.
Việc bố thí tiền của nói đây là bước đầu nuôi dưỡng tín tâm. Ý nghĩa chính của việc làm này là giúp mình xả bỏ lần lòng vị kỷ của cái tôi hẹp hòi, hướng lần về lòng vị tha của chân ngã. Vì thế dù kiến thức học Phật của mình rộng bao nhiêu mà đối với vấn đề xả bỏ ngoài da này mình chưa thực hiện được thì cần phải coi lại vốn kiến thức học Phật ấy. Tu hành mà ngày càng chắc bóp, so đo thiệt hơn giữa người với mình quá kỹ thì việc tu hành của mình có vấn đề.
2. Giúp người khác bằng công sức và tấm lòng của mình. Thấy người gặp bức bách lo âu thì giúp họ bớt lo âu. Thấy người sợ hãi thì làm cho họ bớt sợ hãi … Không hẳn chỉ đối với người đồng loại mà với tất cả muôn loài đều vậy. Tùy sức mình mà giúp.
3. Bố thí Pháp. Pháp đây không phải chỉ là pháp tu hành trong đạo Phật, mà những lời lẽ đạo đức khiến người sống đúng với nhân quả, với đạo đức gia đình xã hội, khiến cuộc sống của người được vui vẻ ... đều gọi là pháp. Giải thích nghĩa lý của kinh, giải nghi những thắc mắc của người đối với vấn đề Phật pháp, hay khuyên người làm lành tránh ác, chỉ cho người những gì cần thiết cho đạo đức của người v.v… đều thuộc về loại bố thí pháp này. Đó là tùy cơ của chúng sanh mà pháp có cạn sâu.
“CHẲNG NÊN tham cầu danh lợi…” chủ yếu là nói về vấn đề bố thí pháp, nhưng phần giải thích đây lại nói chung cho cả 3 loại bố thí, vì 3 cách bố thí trên chỉ giúp ta đạt được tín tâm khi các việc làm ấy không vì danh, vì lợi hay sự cung kính ở thế gian mà chỉ với tâm niệm là phá trừ bản ngã, nguyện mang lợi ích cho muôn loài và cuối cùng là hồi hướng về Phật đạo. Vì thế, đây giải thích chung cho cả 3.
2. Thế nào là tu hành môn GIỚI? Là chẳng giết hại, chẳng trộm cướp, chẳng dâm dật, chẳng nói hai lưỡi, chẳng nói lời ác, chẳng nói điều hư dối, xa lìa xan tham, tật đố, giả dối, nịnh nọt, quanh co, sân nhuế và tà kiến. Nếu là người xuất gia thì vì phải chiết phục phiền não nên cũng cần xa lìa chỗ rối ren ồn náo, thường ở chỗ tịch tĩnh, tu tập hạnh ít muốn biết đủ, hạnh đầu đà v.v... cho đến một tội nhỏ, tâm cũng sanh sợ hãi, hổ thẹn mà hối cải. Chẳng được khinh thường những giới cấm Như Lai đã đặt ra. Phải giữ gìn sự tỵ hiềm và chê bai, chẳng để chúng sanh vọng khởi tội lỗi.
GIỚI hiểu nôm na là giới luật, là những hình tướng đặt ra để ngăn ngừa bớt những ách nạn cho người đời. Giữ được những tướng này thì tâm đỡ ô nhiễm, đạo dễ gần, niềm tin dễ phát triển. Khi Phật sắp nhập diệt, ngài A Nan hỏi “Không có Phật thì đời sau nương vào đâu mà tu hành?”. Phật trả lời 3 thứ, trong đó có vấn đề giới luật. Cho thấy giới luật rất quan trọng trong đời mạt pháp này.
Những thứ như giết hại, trộm cắp … một người dân bình thường còn không được làm, huống là người tu hành nuôi dưỡng tín tâm làm Phật? Song với người đời thì việc giết hại những con vật nhỏ là chuyện bình thường. Với người tu, cố gắng giữ gìn được chừng nào hay chừng đó. Không sát hại vừa tránh được nghiệp quả không hay, vừa nuôi dưỡng được lòng bi. Tín tâm mới vững mạnh.
Với người xuất gia thì ngoài những giới tướng đã thọ, các vị còn phải chiết phục phiền não. PHIỀN NÃO là chỉ cho những thứ làm tâm không yên, bắt nguồn từ định kiến và ái dục. Muốn chiết phục những thứ này thì phải có thiền định. Thiền định thì lúc đầu phải xa lìa chỗ ồn náo, thường ở chỗ tịch tịnh … Nói chung, không nên để tâm loạn động theo cảnh giới bên ngoài, mà cần phải làm chủ những máy động trong tâm. Đó là nói về tâm. Còn về thân thì tu tập hạnh ít muốn biết đủ, hạnh đầu đà.
Đây nói về tu hành tín tâm, vì sao lại có các vị xuất gia? Vì tuy xuất gia nhưng tín tâm tu Phật không phải ai cũng có. Có vị thì vấn đề thiền định tu Phật được đặt song song với việc làm lợi ích chúng sanh. Song có vị chỉ lấy bằng cấp, học vị hay chữ nghĩa làm sự nghiệp tối cùng mà coi thường việc thiền định, nhiếp tâm. Xuất gia với tâm như vậy là do tín tâm tu Phật chưa phát. Chưa phát chứ không phải không có. Nên đây lập bày giúp cho phát.
Vì sao CHẲNG ĐƯỢC KHINH THƯỜNG những giới cấm Như Lai đã đặt ra? Vì đó là nền tảng cơ bản cần có của người con Phật. Ngoài những lợi ích thiết thực cho bản thân, nó còn góp phần để đạo pháp được trường tồn ở thế gian. Người tại gia giữ gìn giới luật đã đành. Với các vị xuất gia, vấn đề này càng nghiêm trọng. Vì Tăng Ni là bộ phận chính đại diện cho Phật pháp. Muốn biết Phật giáo thế nào, người ta căn cứ vào bộ phận lớn ấy mà đánh giá trước tiên. Tâm thanh tịnh là quan trọng. Song hình tướng là thứ người đời căn cứ vào đó để đánh giá người tu. Vì thế, oai nghi và giới luật là những thứ mà người tu phải gìn giữ để người đời luôn có tâm kính trọng đối với Phật pháp. Khoác áo tu mà miệng phì phèo thuốc lá, nghe nhạc, xem phim, nhịp chân ... rồi nói cười ồ ạt trong quán ăn thì không khỏi khiến người đời khó chịu và khởi tâm khinh mạn. Những hành động ấy, ngoài việc làm giảm đi giá trị của đạo pháp, còn khiến chúng sanh khởi tâm khinh thường, chê bai, xa rời đạo Phật. Đó là khiến cho chúng sanh VỌNG KHỞI TỘI LỖI. Nên nói “PHẢI GIỮ GÌN sự tỵ hiềm và chê bai”. Cho nên, là xuất gia hay tại gia đều không nên coi thường giới luật mà Như Lai đã đặt ra.
3. Thế nào là tu hành môn NHẪN? Là phải nhẫn chịu những não hại người khác đem lại mà chẳng ôm lòng trả báo, cũng phải nhẫn chịu đối với lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc.
NHẪN là nhẫn nhịn. NÃO HẠI là những thứ làm mình phiền lòng, khó chịu, buồn bực. Lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc nhà thiền gọi là bát phong. Gọi bát phong vì nó là 8 thứ gió có thể làm các thức nổi sóng, lòng người phải lay động. LỢI là lợi lộc. XƯNG là tán thán ca ngợi. DỰ cũng là ca ngợi nhưng có tính cách gián tiếp. LẠC là sự sung sướng. 4 thứ này là gió thuận. SUY là hao tổn, xuống dốc. HỦY là chê bai chỉ trích. CƠ là chế giễu. KHỔ là những bức bách, không thuận lòng. 4 thứ này là gió nghịch. Thuận hay nghịch gì, nếu không nhẫn thì thân tâm đều động. Động thì tín tâm sẽ không phát nên đây dạy phải nhẫn. NHẪN nghĩa là cố gắng đừng để những thứ đó dẫn dắt. Tâm khởi thích thú hay khó chịu với các thứ đó thì cần tỉnh, biết mà đừng chấp vào đó, gọi là NHẪN.
NHẪN đây khác với nhẫn của người đời. Người đời nhẫn lúc này để hơn lúc khác, thua keo này bày keo khác. Vì thế cái nhẫn của người đời thường là nhẫn để trả thù, hả dạ. Người tu Phật, nhẫn là để trở về với bản tâm vốn thanh tịnh của mình. Cái nhẫn ấy là nhẫn trong sự vị tha, buông bỏ ... nên nói KHÔNG ÔM LÒNG TRẢ BÁO.
4. Thế nào là tu hành môn TẤN? Là đối với các việc thiện, tâm chẳng giải đãi, thối chuyển, lập chí kiên cường xa lìa sự khiếp nhược. Phải nhớ từ quá khứ lâu xa đến nay, ta đã hư vọng thọ nhận tất cả đại khổ của thân và tâm, không có lợi ích. Cho nên, cần phải siêng tu mọi công đức lợi mình, lợi người, chóng lìa các khổ.
TẤN tức là tinh tấn. Làm bất cứ việc gì mà thiếu sự tinh tấn thì không xong. Huống hồ tu hành, là việc đi ngược lại với thói quen thế gian của mình.
Tinh tấn như thế nào? Với các việc thiện thì không được giải đãi. GIẢI ĐÃI là làm biếng, ương ương dỡ dỡ, không thiết tha. Việc gì lợi người mà xả được cái tôi đố kỵ, kiêu mạn, ít kỷ, xan tham của mình thì đều phải cố gắng quyết tâm làm bằng được, không nên thoái thác hay né tránh. Làm vậy là mình đang “LẬP CHÍ kiên cường, xa lìa sự khiếp nhược”. KHIẾP NHƯỢC vì bản ngã còn mạnh. Xả được bản ngã thì khiếp nhược chẳng còn.
PHẢI NHỚ … là lời nhắc nhở mỗi khi mình giải đãi đối với việc tu hành. Đời này khổ nhiều hơn vui, lo nhiều hơn an. Vui không bao nhiêu mà khổ thì đứt gan đứt ruột, nên nói ĐẠI KHỔ. Thương thì không được gần, ghét lại cứ chung chạ, không thứ gì vừa lòng … là những cái khổ về tâm. Nóng, lạnh, bịnh hoạn, tai nạn, đói khát … là những cái khổ về thân. CHO NÊN … là kết luận cho cái PHẢI NHỚ vừa nói : Đời không có gì vui, vì thế cần tinh tấn tu hành để thoát khổ.
Phải là việc làm mang lợi ích thiết thực lâu dài cho người mới gọi là công đức. Có công đức tức cũng lợi mình. Lợi mình lợi người thì niềm vui tràn ngập, sanh tử tức niết bàn. Nên nói “SIÊNG TU các công đức, lợi mình lợi người, chóng lìa các khổ”.
Đây là cái tinh tấn thứ nhất cần phải thực hành. Kế là những việc cần tinh tấn khác.
Lại nữa, nếu có người tuy tu hành tín tâm nhưng do từ trước đến nay, tạo nhiều ác nghiệp trọng tội, bị tà ma chư quỉ làm não loạn, hoặc là bị các sự việc ở thế gian mỗi mỗi kéo lôi trói buộc, hoặc bị bịnh khổ làm bực phiền … Có rất nhiều sự chướng ngại như thế thì cần phải dũng mãnh tinh cần, ngày đêm sáu thời lễ bái chư Phật, thành tâm sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỉ, hồi hướng bồ đề thường chẳng bỏ phế, để trừ các chướng, thiện căn tăng trưởng.
Ngoài sự tinh tấn đối với việc thiện, ta còn phải tinh tấn thường hằng lễ Phật, sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỉ và hồi hướng bồ đề. HỒI HƯỚNG BỒ ĐỀ là để tránh cái nạn đi lạc. Đi lạc là thay vì tu để thành Phật, mình lại tắp qua Nhị thừa hay ngoại đạo tà giáo. Nếu hồi hướng thì sẽ được sự hộ trì của chư Phật. Chư vị Bồ tát sẽ tạo ra nhiều hạnh duyên giúp mình không rẻ bên này, không đáp bên kia ... Mình lọt qua Nhị thừa thì chư vị lôi mình ra. Mình tắp qua ngoại đạo thì chư vị lôi mình về. Chỉ một Đại thừa không có lối rẽ nào khác.
Các việc như lễ Phật, sám hối v.v... thì giúp tiêu trừ bớt những chướng nghiệp của thân và tâm mà mình đã gây tạo trong quá khứ. CHƯỚNG NGHIỆP là những duyên bên ngoài làm cản trở việc tu hành của mình. Như bình thường thì không sao, nhưng cứ tréo chân lên ngồi thiền thì nhức đầu sổ mũi, còn không thì ngủ gà ngủ gật … Bình thường thì không có gì xảy ra, nhưng đến ngày giảng pháp thì người thân bị thế này thế kia, không thể bỏ mặc để đến chùa nghe pháp v.v... Đều là hình thức của chướng nghiệp. Chướng thấy thì ngoài tâm nhưng đều do tâm mà ra. Nên cách duy nhất để trị là ngay tâm mà SÁM HỐI. Sám lỗi trước chừa lỗi sau thì chướng nghiệp mau tiêu, tín tâm mau phát.
5. Thế nào là tu hành môn CHỈ - QUÁN?
CHỈ là dừng tất cả tướng cảnh giới, tùy thuận nghĩa quán Samatha.
QUÁN là phân biệt tướng nhân duyên sanh diệt, tùy thuận nghĩa quán Tỳbátxána.
Thế nào là TÙY THUẬN? Dùng 2 nghĩa ấy dần dần tu tập chẳng tách lìa nhau nên cả 2 đều hiện tiền.
Đây là món cuối cùng trong 5 món tu hành. Không có thiền định thì tâm không thể lóng lặng mà phát niềm tin bất thối đối với Đại thừa, nên môn CHỈ - QUÁN này là môn quan trọng nhất trong 5 món.
SAMATHA là tên khác của CHỈ. Theo định nghĩa đây thì CHỈ là dừng tất cả cảnh giới. Nghĩa của nó nằm ở chữ DỪNG này. Dừng nghĩa là không cho nối tiếp. Những gì khởi lên trong tâm, mình đều dừng và đưa tâm trở về trạng thái KHÔNG vốn sẵn của nó, gọi là CHỈ. Cảnh giới có thể là cảnh giới ngoại trần, một trạng thái sân, một trạng thái vui, một dòng vọng niệm ... Nếu là tu CHỈ thì tất cả những thứ đó đều không phải là cảnh giới mà mình hướng đến, nên tất cả đều buông. Tu CHỈ giúp hành giả có định tâm. Môn QUÁN KHÔNG này thành căn bản trí.
TỲBÁTXANA là tên khác của quán. QUÁN là quán xét tướng nhân duyên sanh diệt của vạn pháp, nên nói là PHÂN BIỆT. Pháp tu quán này giúp hành giả phát tuệ. Môn QUÁN SANH DIỆT này thành hậu đắc trí.
CHỈ và QUÁN tuy hành tướng thấy trái nhau nhưng thật là đang bổ xung cho nhau, giúp hành giả lóng lặng tâm thức mà không rơi vào chỗ trầm tịch thiếu trí tuệ, nên nói “Dùng 2 nghĩa ấy dần dần tu tập chẳng tách lìa nhau, nên cả 2 đều hiện tiền”. Đây là lúc định tuệ hiện tiền.
Sau là nói về pháp tu CHỈ một cách chi tiết.
1/ TU TẬP CHỈ
Ở chỗ yên tịnh, ngồi ngay thẳng, chánh ý, chẳng nương hơi thở, chẳng nương hình sắc, chẳng nương nơi không, chẳng nương đất nước gió lửa … Cho đến, chẳng nương nơi thấy, nghe, hiểu biết. Tất cả các tưởng thuộc niệm đều trừ. Cũng bỏ luôn tưởng trừ. Vì tất cả pháp vốn không có tưởng. Niệm niệm chẳng sanh. Niệm niệm chẳng diệt. Cũng chẳng được ngoài tâm niệm cảnh giới, sau lấy tâm trừ tâm. Tâm nếu tán loạn dong duổi thì phải nhiếp lại, trụ ở chánh niệm. Chánh niệm ấy là, phải biết chỉ là tâm, không có cảnh giới bên ngoài. Ngay tâm ấy cũng không có tự tướng, niệm niệm bất khả đắc.
Ở CHỖ YÊN TỊNH là, vì CHỈ là dừng tất cả tướng cảnh giới, nên việc dứt duyên bên ngoài là cần thiết. Lại, người mới ngồi thiền, chỗ yên lặng dễ điều tâm. Ngài Hiền Thủ nói “Ở chỗ yên tịnh là duyên của tu chỉ. Duyên này nói đầy đủ có 5 thứ. 1/ Ở trong rừng vắng hay những nơi yên tịnh. 2/ Trì giới thanh tịnh. 3/ Y thực đầy đủ. 4/ Được thiện tri thức dẫn dắt. 5/ Bỏ hết các duyên sự. Đây chỉ nêu sơ lược nên chỉ nói chỗ yên tịnh”. Căn cứ đây thì thấy, việc nhập thất của hành giả tu thiền thuận cho việc tu CHỈ rất nhiều. Muốn thấy tánh không của vạn pháp thì phải đặt nặng vấn đề tu CHỈ này.
NGỒI NGAY THẲNG … là nói đến việc điều thân. Thiền sư Đại Giác nói “Ngồi ngay thẳng chính là kiết già phu tọa của đức Như Lai thể nhập thật tướng, cũng gọi là ngồi thiền”. Toàn già là tư thế tốt nhất để điều thân điều tâm, song cũng có thể là bán già, ngồi xếp chân theo kiểu Nhật, hay ngồi thẳng trên ghế v.v… Tùy căn nghiệp của mỗi người, thuận với tư thế nào khiến dễ điều thân, điều hơi thở thì ngồi. Còn tốt mà không hợp với căn nghiệp của mình thì thêm chướng thân tâm, cũng thành vô ích. Song với tư thế nào thì chủ yếu vẫn là ngồi ngay thẳng. NGAY THẲNG là không được nghiêng bên trái hay bên phải, không được để lưng cong hay ểnh lưng lên. Cong thì sanh hôn trầm, ểnh thì sanh bịnh tật. NGỒI thì ít động hơn đi mà tỉnh táo sáng suốt hơn nằm, nên ngồi. Tư thế thì nhiều nhưng điểm chủ yếu vẫn là ngồi ngay thẳng, nên đây chỉ nói NGỒI NGAY THẲNG.
CHÁNH Ý, đây là phần tu tập để tăng trưởng tín căn Đại thừa, tức để thấy được nhân Phật tánh, nên những gì hướng về đó gọi là chánh, những gì ngoài mục đích ấy gọi là tà. Ngồi thiền với chủ ý lóng tâm để thể nhập lại Phật tánh của mình, gọi là chánh. Ngồi thiền chỉ với chủ ý bồi dưỡng cho thân tâm được an lạc, trị bịnh, xuất hồn du phương v.v… gọi là tà. Ngài Hiền Thủ nói “Hành giả đời mạt pháp, người có nguyện chánh thì ít, người cầu tà thì nhiều, phong thái cứ như là tịch diệt mà thật là cầu danh lợi thế gian. Tâm đã chẳng chánh mà được định thì không thể có. Lìa cái cầu tà này nên gọi là chánh ý. Ý MUỐN để việc quán tâm này cùng với LÝ tương ưng, độ mình và độ người đến đạo vô thượng, gọi là chánh ý”.
NƯƠNG HƠI THỞ là chú tâm vào hơi thở, hơi thở đi đến đâu biết đến đó. Đây là do khi mới tập thiền, vọng tưởng quá nhiều, cái biết bị lu mờ nên không đủ lực để buông, thành phải nương theo hơi thở ra vô để bạt đi vọng tưởng. Đây đã qua giai đoạn này, nên nói KHÔNG NƯƠNG HƠI THỞ.
HÌNH SẮC là gân, xương v.v… và 4 tướng xanh, vàng, đỏ, trắng. KHÔNG là hư không, cùng với ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA ... NƯƠNG là đặt tâm vào những thứ đó. Song tất cả đều là những thứ có hình tướng và cảnh giới rõ ràng mà CHỈ thì dừng hết tất cả tướng cảnh giới, nên đây cũng “Không nương hình sắc, hư không v.v...”
“Không nương vào THẤY, NGHE, HIỂU BIẾT” không phải là bít hết các căn, mà thấy nghe vẫn bình thường nhưng không đặt tâm vào những thứ ấy. Như những điều dạy về tu CHỈ trên, nếu ngồi thiền mà tâm cứ nhớ nghĩ đến nó rồi suy diễn tới lui là đang nương vào sự hiểu biết. Nếu đặt tâm vào thấy nghe hiểu biết như vậy thì chẳng khác việc mình để tâm duyên theo trần cảnh bên ngoài, tâm không thể định. Nên cũng không được nương vào những thứ ấy.
“Tất cả những tưởng thuộc niệm đều trừ, cũng bỏ luôn tưởng trừ”. TƯỞNG THUỘC NIỆM là chỉ cho tâm vọng tưởng. Ngài Hám Sơn nói,[38] khi mới dụng tâm thì đề khởi nhất niệm làm chủ. Do lực quán chiếu của nhất niệm, chỉ cần thấy được chỗ vọng tưởng sanh thì nhất niệm này chiếu phá lập tức không để vọng tưởng tương tục. Song vọng tưởng đã diệt thì nhất niệm này cũng phải bỏ. Vì sao phải bỏ? Vì tự thể chân như xưa nay ly tướng. Nhất niệm ấy chẳng qua là thứ đối đãi với vọng tưởng, vì vọng tưởng mà lập. Duyên khởi với vọng tưởng nên vọng đã trừ mà cái nhất niệm ấy không bỏ thì nó lại là cái gốc để trợ cho vọng tưởng sanh khởi. Sở đã hết thì năng cũng phải trừ, nên nói BỎ LUÔN TƯỞNG TRỪ.
Phân từng chi tiết như vậy là để hiểu tu CHỈ đúng pháp là thế nào. Còn khi thực hành, chỉ một việc đơn giản là : Sau khi đã ổn định tư thế ngồi xong, tất cả những gì hiện ra trong tâm, là một dòng suy nghĩ hay một hình ảnh nào đó, là một cơn sân hay một kiến giải hay ho v.v… một khi BIẾT được sự có mặt của chúng thì không để chúng nối tiếp. Không có vọng tưởng thì cũng không cần chống cái biết lên làm gì. Tức có niệm thì có biết, không niệm thì buông cái biết đi, nhưng đừng để rơi vào hôn trầm. Ngài Vĩnh Gia nói “Tỉnh tỉnh lặng lặng phải”. Cái BIẾT ấy là chỉ cho cái nhất niệm trừ tưởng mà ngài Hám Sơn đã nói. Thực hành như thế thì vẫn thấy nghe rõ ràng nhưng không nương vào bất cứ gì như trên đã nói.
“TẤT CẢ pháp vốn không có tưởng” là nêu lý do vì sao phải trừ tất cả tưởng. “NIỆM NIỆM chẳng sanh, niệm niệm chẳng diệt …” vì niệm vốn không thật có, chỉ do bất giác mà thấy có niệm, tánh của chúng là không. Niệm niệm chẳng sanh vì sanh mà không có tánh sanh. Niệm niệm chẳng diệt vì diệt mà không có tánh diệt. Kinh nói “Sanh mà vô sanh, niệm và vô niệm”.
“ … NGOÀI TÂM niệm cảnh giới, sau lấy tâm trừ tâm” là một cách dụng công khác. Dùng cái biết để buông vọng tưởng rồi buông luôn cái biết ấy là do thể tánh chân như vốn “vô nhất vật”. Vô nhất vật nên phải buông tất cả để thể nhập lại cái tánh ấy, chứ cái biết ấy không phải là vọng tưởng. Ngài Hám Sơn nói “Lực quán chiếu của nhất niệm chẳng thuộc vọng tưởng chuyển”. Nó chính là dụng Bát Nhã. Còn trường hợp NGOÀI TÂM NIỆM CẢNH GIỚI đây thì cái niệm cảnh giới ấy lại thuộc vọng tưởng chuyển (vì duyên với cảnh giới bên ngoài). Dụng tâm như thế thì chẳng lìa được sanh diệt. Qua nhiều giai đoạn chỉ thêm nhọc công, nên nói “CHẲNG ĐƯỢC NGOÀI TÂM niệm cảnh giới, sau lấy tâm trừ tâm”.
“Nếu tâm tán loạn dong duổi thì phải nhiếp lại trụ ở chánh niệm”. Ngồi thiền mà suy nghĩ hết chuyện này lại thấy hình bóng kia, gọi là TÁN LOẠN. Không làm chủ được dòng vọng niệm mà niệm này cứ nối tiếp niệm kia liên tu bất tận, gọi là DONG DUỔI. NHIẾP là thâu lại. CHÁNH NIỆM là “Phải biết chỉ là nhất tâm, không có cảnh giới bên ngoài”. Như vậy, NHIẾP lại TRỤ Ở CHÁNH NIỆM là buông đi những gì hiện lên trong tâm để tâm trở về trạng thái vốn không của nó. Tự thể không của tâm không phải là tướng bị thấy, nên nói “Ngay tâm ấy cũng không có tự tướng, niệm niệm bất khả đắc”. BẤT KHẢ ĐẮC là không thể nắm bắt.
Phần tu CHỈ trên chủ yếu là cho lúc ngồi. Tuy là nói trong lúc ngồi nhưng ngồi chỉ là phương tiện trợ giúp, còn tâm được yên tịnh mới là chính. Nên mọi lời dạy đều đặt nặng ở tâm, giúp tâm được yên mà không dạy chi tiết các tư thế ngồi. Phần chánh văn sau là nói về tu CHỈ ngoài những lúc ngồi. Trong giai đoạn chuyển tiếp này có phần XẢ THIỀN. Luận đây không nêu. Song đối với người tu, phần xả thiền này không kém quan trọng, nhưng đa số lại hay coi thường. Đây nêu thêm để chúng ta nắm vấn đề được rõ ràng.
Cuốn Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán của ngài Trí Khải ghi “Hành giả nếu tọa thiền sắp xong, khi muốn xuất định, trước nên phóng tâm duyên cảnh khác, kế hả miệng thở ra. Nhiên hậu nhè nhè động thân, động vai … tất cả đều phải êm ái, rốt sau lấy tay xoa khắp tất cả lỗ chân lông, rồi lấy hai tay xoa với nhau cho nóng áp lên hai mắt, sau mới mở mắt. Đợi sức nóng trong người ra hết mới tùy ý ra đi. Nếu không như vậy, khi ngồi trụ tâm mà khi xuất buông xả mau quá thì phần vi tế chưa tan, trụ lại trong thân khiến người nhức đầu, trăm lóng xương cứng đờ như mắc chứng phong lao. Về sau trong khi tọa thiền bức rức không yên. Thế nên muốn xuất định cần phải lưu ý”.
Phần trên đã nêu bày khá rõ ràng. Đây chỉ nhấn mạnh lại vài chi tiết quan trọng :
1. Muốn xả thiền, trước phải ‘Phóng tâm duyên cảnh khác’. Trước khi xả thiền, mình có phần hồi hướng và tụng Bát Nhã là chỉ cho phần này.
2. Khi xả thiền mọi thứ cần phải nhẹ nhàng. Thường khi chúng ta học tọa thiền, quí Thầy Cô đã chỉ bày thứ lớp cách xoa xát từ trên xuống dưới. Đây chỉ nói ‘Xoa khắp tất cả lỗ chân lông’ vì đây chỉ chú trọng đến ý nghĩa của việc xoa bóp. Xoa bóp là để giúp máu huyết lưu thông lại bình thường sau khi ngồi yên 1 hay 2 tiếng. Việc xoa bóp cần sâu vào da thịt nhưng phải chậm rãi nhẹ nhàng, không nên để người dao động mạnh theo việc xoa bóp. Thường khi ngồi thiền mà tâm định thì khi xả thiền, mọi động tác của mình tự nhiên trở nên nhẹ nhàng thong thả. Gấp gáp náo động là biểu lộ cho một tâm loạn động.
Đối với người mới tập thiền, chúng ta hay có quan niệm ‘Mới ngồi chưa có định, cần gì phải kỹ càng’. Song thứ gì cũng thành thói quen và thành chủng tử trong thức tạng. Chúng sẽ để lại dấu ấn cho những kiếp sau. Vì thế, dù mới tập hay chưa được định thì mình cũng cần nắm vững kiến thức về tọa thiền, cần có một tư thế đúng và xả thiền trong tư thế xoa bóp nhẹ nhàng. Điều thân có ổn định rồi thì việc điều tâm mới tốt đẹp.
3. Xả thiền xong không nên đứng dậy đi liền. Không phải chỉ sau khi xả thiền, mà ngay cả trước khi ngồi thiền, mọi thứ cũng cần chậm rãi để hơi thở sâu và điều hòa. Đây nói nếu đi vội, sức nóng trong người chưa tan thì về sau ngồi thiền, người sẽ bức rức không yên. Thân không yên tâm khó định. Cho nên, cẩn thận đối với việc tọa thiền thì làm ít mà kết quả nhiều. Không cẩn thận thì ngồi nhiều mà kết quả không có. Ngồi nhiều, ngồi lâu mà tâm không an định được, có khi vì mình coi thường việc xả thiền đây.
Sau là nói về tu CHỈ ngoài những lúc ngồi.
Nếu khi rời chỗ ngồi, đi đứng tới lui với mọi hành tác, trong tất cả thời, thường nhớ nghĩ phương tiện, tùy thuận quan sát. Tập lâu thành thục thì tâm ấy được trụ. Do được trụ nên tâm dần dần sắc bén mà tùy thuận nhập được chân như tam muội, dẹp sâu phiền não, tín tâm tăng trưởng, chóng được bất thối. Chỉ trừ người nghi hoặc, không tin, phỉ báng, bị chướng nghiệp của trọng tội, ngã mạn, giải đãi. Những hạng người như thế là chẳng thể nhập.
Ngồi là tư thế thù thắng khiến định tâm dễ đạt, nhưng không phải vì vậy mà nói đến CHỈ là phải ngồi. Nếu chỉ có ngồi, thì đối với người tâm chưa vào định không thể ngồi lâu. Ngồi mà ngủ hay nghĩ hết chuyện này đến chuyện kia thì dễ, còn ngồi mà dụng công buông bỏ đàng hoàng thì 2 tiếng là nhức mình nhức mẩy khó mà ngồi hoài. Trong khi quán tâm thì cần miên mật, vì miên mật mới hàng phục được vọng tâm. Cho nên, chỉ ở tư thế ngồi mới tu thì khó mà tâm được sáng và thấy được tánh. Nên tu CHỈ không thể chỉ có trong khi tọa thiền mà phải được áp dụng mọi lúc mọi nơi. Mọi lúc là TRONG TẤT CẢ THỜI, mọi nơi là “ĐI, ĐỨNG, TỚI, LUI với mọi hành tác”.
THƯỜNG NHỚ NGHĨ PHƯƠNG TIỆN, là áp dụng công phu khi tọa thiền thế nào thì khi đi, đứng, nằm, ngồi cũng áp dụng như thế. TÙY THUẬN QUÁN SÁT là tùy sự tùy việc mà tu CHỈ kết hợp với tu QUÁN để cả 2 cùng hiện tiền.
TẬP LÂU THÀNH THỤC là việc làm này không thể trong một ngày một bữa mà xong, cũng không thể nay làm, mai nghỉ, mốt làm, kia nghỉ. Nó đòi hỏi sự kiên trì liên tục. LÂU thì phải kiên trì. TẬP thì phải mỗi ngày, mỗi buổi … từ ngày này qua ngày khác như các vận động viên luyện tập thi đấu. Có vậy thì công phu mới thành thục. THÀNH THỤC, là việc làm ấy đối với mình bây giờ tựa như việc ăn cơm, uống nước.
TÂM ẤY ĐƯỢC TRỤ tức là lúc pháp tu CHỈ đã có tác dụng. Tâm không còn rong ruổi tán loạn nên nói là TRỤ. Trụ được thì tâm trở nên sắc bén. SẮC BÉN, là tâm đã có chánh niệm không để vọng tưởng làm chủ. Như pháp môn BIẾT VỌNG KHÔNG THEO ta đang áp dụng đây. Thời gian đầu, BIẾT có vọng để buông rất khó. Biết rồi chưa đủ thời gian để thở là vọng đã dẫn tới đâu đâu. Phải thực hành một thời gian dài, cái BIẾT mới có mặt được nhiều. Đến khi dòng tương tục bị cắt đoạn mới có thể biết được niệm khi niệm vừa khởi. BIẾT được như vậy gọi là sắc bén.
Niệm vừa khởi mà giác được thì không có phiền não nên nói DẸP SÂU. Phiền não là chỉ cho những thứ như lo âu, không yên, buồn phiền v.v… Nói chung, những thứ gì làm phiền cái não của mình thì gọi là phiền não. Chẳng hạn, đến ngày đi chùa người ta mời mọi người, còn mình thì không thấy nhắc đến. Nếu trong đầu mình khởi lên ý niệm ‘Mình nghèo nên nó loại mình ra’ rồi buồn phiền nối tiếp nhau … gọi là phiền não phát sanh. Còn vừa định khởi niệm mà giác liền không cho khởi nghĩ, hoặc khởi nghĩ rồi mà biết đó là vọng buông đi, thì buồn phiền không xuất hiện … gọi là dẹp sâu phiền não.
Ngoài ra phiền não còn chỉ chung cho kiến và ái. Một khi nhập được chân như tam muội thì kiến và ái cũng không, nên nói DẸP SÂU.
Tu mà phiền não giảm hẳn thì niềm tin đối với chính mình, với pháp môn, với Thầy Tổ tăng trưởng, nên nói TÍN TÂM TĂNG TRƯỞNG. Tín tâm tăng trưởng thì việc tu hành không thể lui sụt nên nói CHÓNG ĐƯỢC BẤT THỐI.[39] Pháp tu CHỈ này đưa tâm về tình trạng ‘không’ nguyên thủy của nó, nên nói “TÙY THUẬN nhập được chân như tam muội”.
Bất cứ ai thực hành đúng pháp tu CHỈ đã nêu đây đều tùy thuận nhập được chân như tam muội. Chỉ trừ 6 hạng sau : KHÔNG TIN và PHỈ BÁNG thì không bao giờ áp dụng pháp tu nên không thể tùy thuận mà nhập được chân như tam muội. NGÃ MẠN và bị CHƯỚNG NGHIỆP của trọng tội thì không thể áp dụng pháp tu. GIẢI ĐÃI, NGHI HOAËC thì dù có áp dụng pháp tu, cũng không tới đâu. Tuy 6 tướng này khác nhau nhưng cùng được chung một thứ là CHẲNG THỂ NHẬP, là chẳng thể nhập chân như tam muội.
Lại nữa, nương nơi tam muội này thì biết pháp giới nhất tướng - là pháp thân của tất cả chư Phật cùng với thân chúng sanh bình đẳng không hai - gọi là nhất hạnh tam muội. Phải biết, chân như là nền tảng của tam muội. Nếu người chịu tu hành thì dần dần hay sanh vô lượng tam muội.
Đây là kết quả của pháp tu CHỈ trên. Nhập được chân như tam muội thì biết được pháp giới nhất tướng nên nói NƯƠNG NƠI TAM MUỘI NÀY. Nương tam muội này thì thấy pháp thân chư Phật cùng thân chúng sanh bình đẳng không hai nên tam muội này còn có tên là NHẤT HẠNH TAM MUỘI.
“PHÁP THÂN của tất cả chư Phật cùng với thân chúng sanh bình đẳng không hai” là giải thích PHÁP GIỚI NHẤT TƯỚNG. Ngài Hiền Thủ nói “Nhập nhất hạnh tam muội thì biết hết pháp giới nhiều như các sông hằng của chư Phật không có tướng sai biệt”. Chân như tam muội hay sanh ra vô lượng tam muội khác nên nói “Chân như là NỀN TẢNG của tam muội”.
Dưới là nói về ma sự trong khi tu tập CHỈ.
Với chúng sanh không đủ lực thiện căn thì bị các ma, ngoại đạo, quỉ thần hoặc loạn. Trong khi ngồi thiền, hoặc hiện hình làm cho hoảng sợ, hoặc hiện tướng nam nữ đoan chánh v.v… Phải niệm duy tâm, cảnh giới tự diệt, chẳng thể làm não loạn.
Đây là nêu ra những hình thức của ma sự và cách đối trị. Gọi là ma sự vì những thứ này làm tổn hại đến việc tu hành thành Phật của người tu.
KHÔNG ĐỦ LỰC THIỆN CĂN là nguyên do của loại ma sự này. Đây là trường hợp của người tu còn khí phần ác tập bên trong, cộng với khí phần thiền định đang huân tập phát ra mà có những sự này. Nên nói “không đủ lực thiện căn”.
Không phải người và vật thì gọi là ma, quỉ, thần. Vì những thứ này hiện ra nhằm phá hoại công phu khiến người tu không vào được chánh định nên chung nhóm với NGOẠI ĐẠO. Làm cho tâm không thể an định gọi là HOAËC LOẠN. Có 2 trường hợp, hoặc là hiện ra những hình thức dễ sợ khiến người sợ hãi, hoặc là hiện ra những thân tướng đẹp đẽ để người mê mẫn. Đây là nêu ra ma sự trong khi tọa thiền. Ngoài lúc tọa thiền mà bị những đối tượng khác làm cho hoảng sợ hay mê mẫn rồi bỏ công phu tu tập thì với mình, những đối tượng ấy cũng gọi là ma, quỉ, thần, ngoại đạo. Nói ma là để mình ý thức mà quay về với sự tu tập của mình, không phải để mình chưởi người ta là quỉ. Lại gây thêm khẩu nghiệp.
Cách đối trị những thứ ấy là phải niệm duy tâm. NIỆM DUY TÂM là nhớ không có thứ gì ngoài tâm mà có. Vì sao lại niệm duy tâm? Vì niệm duy tâm để nhớ các hiện tướng ấy không thật có, chỉ do ảo giác mà ra. Vậy mới không sợ hãi cũng không đắm trước. Bình thản, giữ vững công phu thì ma sự mới hết.
Xưa có vị thiền sư ngồi thiền. Ngồi được một lúc thì thấy nơi rốn mình có con nhện đen cứ lớn dần và choáng hết cả người. Ông rất bực mình về con nhện ấy. Một hôm, ông trình với thầy về việc con nhện rồi thưa với thầy, đợt ngồi thiền này, ông sẽ thịt con nhện nếu nó xuất hiện. Thầy khuyên nên lấy bút đánh dấu lên mình nhện, rồi lần sau hãy giết. Vâng lời, khi nhện xuất hiện ông đánh dấu lên mình nó. Sau khi xả thiền, thầy trò cùng xem thì thấy dấu mực ấy nằm nơi rốn ông. Nếu không có thầy thì vị thiền sư đã tự hại mình. Cho nên, ma cảnh xuất hiện, nếu không biết duy tâm sở hiện, lại có tâm thủ xả với nó thì dễ sanh chuyện đáng tiếc.
Hoặc hiện hình chư thiên, hình Bồ tát, cũng tạo ra hình Như Lai với đầy đủ tướng tốt ; hoặc thuyết Đà la ni, hoặc thuyết bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ ; hoặc thuyết bình đẳng, không, vô tướng, vô nguyện, không oán, không thân, không nhân, không quả, rốt ráo không tịch là chân như niết bàn ; hoặc khiến người biết túc mạng và những việc đã qua, cũng biết được những việc chưa đến ; được tha tâm thông, biện tài vô ngại, hay khiến chúng sanh tham trước danh lợi thế gian.
Những tướng này rất dễ khiến người đắm trước, vì nó mang những hình thức Phật pháp. BIẾT TÚC MẠNG là biết về những việc ở tiền kiếp của mình và người, như đức Phật biết về vô số kiếp làm Bồ tát của ngài trước kia. ĐƯỢC THA TÂM THÔNG là có tâm biết được ý nghĩ và tâm trạng của người khác. BIỆN TÀI VÔ NGẠI là thuyết pháp thì không chướng ngại, đối đáp nghị luận thì không ai bằng. Được những thứ này, không ai có thể nghĩ là ma sự. Song thứ gì cũng thành ma một khi ta thích thú và khởi tâm ngã mạn về những thứ đó. Chấp thì Phật cũng thành ma. Nên đây nêu ra để nhắc nhở người tu.
Ngài Hiền Thủ nói những tướng trên có khi là ma sự nhưng có khi là do thiện căn khai phát. Ma sự là chỉ cho những tướng do tưởng mà có hoặc do lòng mong cầu quá mạnh như đi trong sa mạc mà thấy nước v.v... Thiện căn khai phát là do định lực, tâm lóng lặng hay hoặc nhiễm mòn mỏng mà có. Song dù đúng là thiện căn khai phát mà chấp trước thì cũng thành ma sự. Cái khó là làm sao biết được là do ma làm hay do thiện căn phát ra. Giản trạch ma hay thiện như vậy vì ngài cho rằng, nếu do ma làm mà cho là tướng thiện rồi đem tâm thủ trước thì đọa vào lưới tà. Còn thật là cảnh do thiện căn khai phát mà cho là ma sự rồi tâm sanh nghi hãi và xả bỏ công phu thì thối thất thiện căn, việc tu hành thành dang dỡ. Vì thế, ngài đã nêu ra 3 cách để nghiệm lấy chánh tà như sau :
1. Dùng định lực để kiểm nghiệm : Khi đang trong định nếu những tướng ấy xuất hiện thì không thủ cũng không xả mà giữ lấy định tâm bình đẳng. Nếu đúng là do thiện căn khai phát thì định lực càng sâu, tướng thiện ấy càng phát. Nếu là ma sự thì chẳng bao lâu sau, nó sẽ tự hoại.
2. Dựa vào pháp tu chính của mình mà trị : Như pháp tu chính của mình là quán bất tịnh thì cứ y nơi pháp quán bất tịnh ấy mà nghiệm. Nếu quán như vậy mà cảnh giới kia càng rõ ràng thì biết là do thiện căn khai phát, còn nếu nó mờ dần thì biết là ma sự.
3. Dùng trí tuệ quán sát : Quán cái tướng phát ra ấy và truy nghiệm căn nguyên của nó. Chẳng thấy chỗ sanh, thấu rõ không tịch thì tâm chẳng trụ trước. Tà phải tự diệt, chánh sẽ tự hiển.
Phương cách được áp dụng trong 3 cách thử trên cũng giống với cách đối trị được nói ở phần sau, chủ yếu đều là giữ tâm bất động, không thủ cũng không xả đối với cảnh giới dù đó là ma sự hay do thiện căn phát ra. Trong kinh Lăng Nghiêm, cảnh giới của A La Hán và Bích Chi Phật cũng bị liệt vào ma sự thuộc thức ấm. Liệt vào ma là để hiểu, cảnh giới ấy chưa phải là cội nguồn chân thật mà chấp làm chỗ tận cùng thì gọi là ma. Không phải vì chứng được cảnh giới ấy mà gọi là ma.
“Hay khiến chúng sanh THAM TRƯỚC DANH LỢI thế gian” cũng là thứ để phân định các tướng trên thuộc ma sự hay do thiện căn. Nếu do thiện căn tức thuận với chân như, tướng vô ngã phải hiển lộ. Còn tham trước danh lợi thế gian là tướng thuộc vọng tưởng do vô minh làm chủ.
Lại khiến người chợt giận chợt mừng, tánh tình bất thường ; hoặc nhiều thương yêu, ngủ nhiều, bịnh nhiều, tâm sanh giải đãi ; hoặc chợt khởi tinh tấn, sau lại bỏ phế, sanh lòng chẳng tin, nhiều nghi ngờ, nghĩ ngợi, lo toan ; hoặc bỏ thắng hạnh mà tu các nghiệp tạp nhạp ; hoặc bị pháp thế gian ràng buộc lôi kéo ; cũng hay khiến người được vài phần tương tự như tam muội ... đều là sở đắc của ngoại đạo, chẳng phải là tam muội chân thật. Cũng có khi khiến người, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày … cho đến bảy ngày trụ ở trong định, tự nhiên được ăn uống các thứ thơm ngon, thân tâm vui thích, chẳng đói, chẳng khát, khiến người ái trước. Hoặc khiến người ăn không có hạn định, lúc nhiều lúc ít, nhan sắc đổi khác…
“CHỢT GIẬN, CHỢT MỪNG, tánh tình bất thường” là biểu hiện cho nội tâm không ổn định. Nước không lặng thì trăng không hiện. Tâm không ổn định thì trí không phát, tánh không thấy. “SANH LÒNG CHẲNG TIN, nhiều nghi ngờ, nghĩ ngợi, lo toan” cũng là những tướng phá hoại định tâm nên đều gọi chung là ma sự.
NHIỀU THƯƠNG YÊU, là chỉ cho sự thương yêu mang tính ái dục dính mắc. Tu là để bớt sự dính mắc mà nay lại sanh nhiều thương yêu tức đã đi ngược với việc tu hành. “NGỦ NHIỀU, bịnh nhiều, tâm sanh giãi đãi” là những tướng làm cho sự tu tập bị đình trệ, nên gọi là ma sự.
“BỎ THẮNG HẠNH tu các nghiệp tạp nhạp” là, như việc tu hành của mình là tu để thành Phật, tức lấy việc buông vọng sáng tâm làm chính, còn việc thiện là phụ để trợ giúp cho việc tu hành. Với tinh thần đó, việc buông vọng và làm các việc thiện đều gọi là thắng hạnh. Nếu bỏ việc buông vọng mà chỉ lấy việc thiện làm sự nghiệp cho qua một đời tu, thì việc thiện lúc đó gọi là NGHIỆP TẠP NHẠP, không buông vọng gọi là BỎ THẮNG HẠNH.
“CHỢT KHỞI TINH TẤN sau lại bỏ phế” là lúc thì tu, lúc thì không. Hứng chí thì tập trung biết vọng liền một tháng sống dỡ chết dỡ, rồi sau bỏ mặc mọi thứ, giới cũng chẳng giữ. Tu kiểu sớm nắng chiều mưa như vậy là việc tối kỵ trong công phu tu hành, vì tu hành đòi hỏi sự kiên trì, bền bĩ và thường hằng. Thà chậm mà đi hoài, đi tới đâu chắc tới đó hơn là làm cái ào rồi bỏ. Thất thường như thế thì hết 3 a tăng kỳ cũng chưa thành Phật, nên gọi là ma sự.
“BỊ PHÁP THẾ GIAN ràng buộc lôi kéo” là, những thứ không cần thiết cho việc tu hành mà vẫn chui đầu vào đó, gọi là bị LÔI KÉO. Những thứ không lợi ích cho việc tu hành mà gở không ra, gọi là bị RÀNG BUỘC. Không bỏ được xem tivi, không thể thiếu cờ tướng, mê mẫn với những sách báo của thế gian, vướng vào những việc lặt vặt không cần thiết trong gia đình … đều là những dạng thuộc “Bị pháp thế gian ràng buộc kéo lôi”.
“KHIẾN NGƯỜI ĐƯỢC vài phần tương tự như tam muội” là, tu hành một thời gian, bỗng nhiên mọi thứ chung quanh đều trở nên thuận lợi với mình. Vì gặp thuận duyên nên mình đâm ra an lạc và tự tại với mọi thứ ở thế gian. Sự an lạc tự tại ấy có là do thuận duyên mà ra, không phải do công phu thiền định mà được. Đây là ví dụ để tạm hiểu cái gọi là “tương tự như tam muội”. Thứ gì tương tự thì không bền vững. An lạc và sự tự tại ấy sẽ mất khi nghịch duyên xuất hiện. Nó là thứ để đánh giá loại tam muội mình đạt được đó đúng là tam muội hay chỉ là tương tự như tam muội. Giống thì giống mà phải thì không phải nên gọi là ma sự.
ĂN UỐNG KHÔNG HẠN ĐỊNH là ăn uống không điều độ hoặc là ăn quá nhiều. NHAN SẮC ĐỔI KHÁC là mặt lúc vui, lúc buồn, lúc hồng hào, lúc tím ngắt. TRỤ TRONG ĐỊNH có khi đến 7 ngày, được ăn uống các thứ thơm ngon, không đói không khát, ngài Hám Sơn gọi đây là tướng của ma dục. Vì chúng sanh bao đời lấy thực làm mạng, nên sanh nhiều tham trước đối với thói quen sâu đậm này. Nay tập tu thiền định, tuy ở trong định mà dục tập đã huân tập trước đây phát ra khiến người dính mắc. ÁI TRƯỚC là thích thú tham đắm. Làm bất cứ gì mà tâm dính mắc đều gọi là ma sự.
Bởi các nghĩa ấy, hành giả thường nên dùng trí tuệ quán sát, chớ khiến tâm này rơi vào lưới tà. Phải chuyên cần chánh niệm, chẳng nắm giữ, chẳng dính mắc thì hay xa lìa các nghiệp chướng.
Đây là chỉ bày cách đối trị của tất cả các tướng trên. “BỞI CÁC NGHĨA ẤY, hành giả …” là vì ma sự đưa đến việc ái trước và tham danh lợi thế gian, lọt vào lưới tà, nên hành giả phải dùng trí tuệ quán sát để đừng rơi vào những chỗ đó. HÀNH GIẢ là chỉ cho người đang tu thiền định. DÙNG TRÍ TUỆ QUÁN SÁT là phải biết vạn pháp không ngoài tâm mà có. Nói chung, quán làm sao để tâm không dính mắc vào những cảnh giới ấy thì gọi là dùng trí tuệ quán sát. KHÔNG DÍNH MẮC là không thủ cũng không xả, không ái trước cũng không sợ hãi. Nó có là chuyện của nó, mình tu là chuyện của mình, bình thản một khi những tướng ấy xuất hiện. PHẢI CHUYỀN CẦN chánh niệm v.v… là một cách giúp tâm không dính mắc.
Đây là kể ra một số ma sự để người tu biết mà tránh. Phần ngũ ấm ma trong kinh Lăng Nghiêm nói chi tiết hơn. Song dù là cảnh giới nào thì người tu chỉ cần nhớ một điều : Bản tâm vốn thanh tịnh không có cảnh giới có thể thấy. Những thứ có thể thấy đều do huyễn nhiễm tạo ra nên chúng không có thật thể, Phật gọi là vọng. Cảnh giới sờ sờ như thật trước mắt đây còn là vọng, huống là một vài cảnh giới thoáng qua. Những cảnh giới ấy có khi do tưởng mà ra nhưng có khi là do định lực mà có. Thấy được những cảnh giới ấy không lỗi. Lỗi là ở chỗ dính mắc. Dính mắc theo chiều vơ vào hay đẩy ra cũng đều thể hiện cho việc coi chúng là thật. Cái không thật mà cho là thật, chưa phải chỗ cần đến mà đã trụ lại, lỗi là ở chỗ đó. Vì thế thái độ hợp lý nhất khi cảnh giới lạ xuất hiện là bình thản. Nó là nó, mình là mình, không có tâm lưu giữ cũng không có tâm tránh né sợ hãi.
Nên biết TAM MUỘI CỦA NGOẠI ĐẠO đều chẳng lìa tâm kiến, ái, ngã mạn nên tham trước danh lợi và sự cung kính ở thế gian. CHÂN NHƯ TAM MUỘI thì, chẳng trụ Kiến Tướng, chẳng trụ tướng đắc, cho đến xuất định cũng không giải đãi, kiêu mạn, phiền não đã có dần dần nhạt mỏng. Nếu các phàm phu chẳng tập pháp tam muội ấy mà tự cho là nhập chủng tánh Như Lai thì không có việc này. Vì tu các thiền tam muội của thế gian thì khởi nhiều tham trước, nương nơi ngã kiến, ràng buộc trong tam giới, chung cùng với ngoại đạo. Nếu không có sự giúp đỡ của thiện tri thức thì khởi cái kiến của ngoại đạo vậy.
Đây là để phân định giữa chánh định và tà định.
Ngã ái, ngã kiến, ngã mạn là những thứ thuộc vô minh do vô minh huân tập mà có, nên thiền định mà những thứ đó phát triển thì biết loại định mình đang tu đó chẳng chân chánh. Ngài Hiền Thủ nói “Trong mà dính tà định thì ngoài tham danh lợi”. Nghĩa là, tu mà thấy lòng tham danh lợi không bớt thì biết pháp mình đang tu ấy là tà. Vì thế, tập thiền một thời gian mà sanh ra mê xe hơi, nhà lầu, chùa chiền, tiền bạc, lại thích mọi người cung kính lạy lễ mình như một vị Bồ tát, hoặc thích nổi danh v.v… là biết mình đã thành bà con cháu chít của ngoại đạo. Còn tu một thời gian mà phiền não dần dần nhạt mỏng, giảm kiêu mạn, không ham danh, không cầu lợi, cũng không làm biếng v.v… là mình đang tu đúng, vì những tướng ấy cho thấy mình đang tùy thuận được với chân như tam muội.
“CHẲNG TRỤ Kiến Tướng, chẳng trụ tướng đắc” là nói về chân như tam muội. Ngài Hiền Thủ nói “Ở trong định mà không đắm trước mùi vị của thiền định. Vì không tâm nên chẳng trụ tướng thấy. Vì không cảnh nên chẳng trụ tướng đắc”. CHỦNG TÁNH NHƯ LAI là chỉ cho Phật tánh. Bởi chân như tam muội thuận với pháp tánh nên muốn thể nhập pháp tánh phải tu định này.
THIỀN TAM MUỘI THẾ GIAN là chỉ cho những loại thiền không đặt mục tiêu đưa con người về vô ngã. Tứ thiền, tứ không, xuất hồn v.v… đều thuộc loại tam muội này.
THIỆN TRI THỨC là những vị giúp mình trên con đường tu hành, thường là chỉ cho vị thầy hướng dẫn pháp tu cho mình. Gọi là THIỆN vì chư vị dẫn mình đi theo con đường thiện. Theo đây thì thấy, vị thầy và pháp tu nào giúp mình dừng đi tham, sân, si, phiền não, ngã mạn thì pháp tu đó thuận với chân như tam muội, vị thầy ấy là bậc thiện tri thức mà mình phải thân cận, cung kính, cúng dường, học hỏi và tu tập. Vì thân cận cúng dường thiện tri thức là nhân duyên trước tiên để được đầy đủ tất cả trí. [40] Tất cả trí là chỉ cho trí Nhất thiết chủng của Phật. Học hỏi và tu tập là nhân duyên kế tiếp để mình có được cái trí ấy.
“KHÔNG CÓ SỰ GIÚP ĐỠ của thiện tri thức thì khởi cái kiến của ngoại đạo” là, vì tinh thần chính của đạo Phật là phá ngã, nên sự giúp đỡ của một vị thầy trong công phu tu tập quan trọng không kém so với việc giúp mình có được kiến thức, pháp tu và hướng đi cho việc tu hành. Muốn phá ngã thì phải gọt dũa lần cái ngã ấy. Muốn gọt dũa cái ngã ấy thì phải có duyên, ngã mới có cơ lòi ra để gọt dũa. Thiện tri thức có thể là người làm cho cái ngã của mình ló đầu, cũng có thể là người nhắc nhở khuyên răn mình trong những lúc như thế. Ngã ló đầu, gọi là khởi cái kiến của ngoại đạo. Không có thiện tri thức thì mình sẽ để cho cái ló đầu ấy tiếp tục, nên nói “Không có sự giúp đỡ của thiện tri thức thì khởi cái kiến của ngoại đạo”.
Người tu mà tâm càng có nhiều sở đắc thì thiện tri thức lại càng cần thiết. Sở đắc là chỉ cho những kết quả tốt trong vấn đề tu hành. Bởi kiêu mạn là thói quen muôn thuở của chúng sanh, nên sở đắc được chút gì thì lập tức kiêu mạn ló đầu thông hết các căn. Thiện tri thức sẽ là người giúp mình lột hết cái kiêu mạn ấy. Kiêu mạn, gọi là khởi cái kiến của ngoại đạo. Không có thiện tri thức thì cái kiêu mạn ấy sẽ phát triển, nên nói “Không có thiện tri thức thì khởi cái kiến của ngoại đạo vậy”.
Ngoài ra, kinh nghiệm trong vấn đề tu hành là rất cần thiết, nhất là lãnh vực thiền định. Như trường hợp vị thiền sư gặp con nhện trên. Không có thầy hay giấu thầy những điều mình thấy trong quá trình tập thiền ... rất dễ xảy ra chuyện đáng tiếc. Tu thiền mà điên hay gặp nhiều điều quái lạ một phần là do thiếu thiện tri thức. Có thiện tri thức mà không thật tình trình bày hết những khó khăn cũng như thuận lợi trong việc tu hành cũng coi như thiếu thiện tri thức. Thiện tri thức tối quan trọng như thế, nên kinh Hoa Nghiêm nói “Phải cầu cho được chân thiện tri thức. Cầu thiện tri thức chớ có lười mỏi, thấy thiện tri thức chớ có nhàm chán. Thiện tri thức có dạy bảo điều gì phải đều tùy thuận, không có lòng chống trái. Nơi phương tiện thiện xảo của thiện tri thức chớ thấy lỗi lầm”.
Vì những yếu tố như tùy thuận, chớ thấy lỗi lầm nơi phương tiện thiện xảo của thiện tri thức mà cần phải cầu cho được CHÂN THIỆN TRI THỨC. Ai dạy mình làm lành tránh ác, biết nhân quả ở thế gian ... nói chung là những việc hướng thiện, đều gọi là thiện tri thức. Song muốn gọi là CHÂN THIỆN TRI THỨC thì phải là người giúp mình phá đi ngã tướng, hướng mình về đạo vô thượng. Vì hạnh nguyện của chư Phật và chư vị Bồ tát sâu dày trùm khắp nên nếu là người thật tâm tu hành thì chắc chắn sẽ gặp được chân thiện tri thức.
Thấy thiện tri thức CHỚ CÓ NHÀM CHÁN, vì chân thiện tri thức chỉ có đè bẹp cái tôi của mình chứ không có việc gì khác, nên gặp hoài mà chưa đủ năng lực buông bỏ cũng ngán tận cổ, nên khuyên chớ nhàm chán. Không nhàm chán mà tùy thuận được thì ngã tướng của mình mới được bào mòn. TÙY THUẬN là ngoài vâng trong thuận. Không phải ngoài thì gật mà trong cất đó chống đối. Ngoài gật trong chống thì khó mà gần gũi thiện tri thức lâu dài. Tu tập là nhận ra điều ấy và quyết tâm tùy thuận để phá ngã.
PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO là chỉ cho những pháp mà vị thiện tri thức áp dụng để phá trừ bản ngã cho mình. Gọi là thiện xảo vì nó không nhất định ở một tướng nào, nhưng luôn mang lại lợi ích cho người tu hành. Tùy căn cơ, đối tượng, tùy lúc, tùy nơi … mà có khi là một lời khuyên nhẹ nhàng, có khi là một câu nói cộc lốc hay một cơn thịnh nộ, cũng có khi là một sự im lặng … Lời khuyên nhẹ nhàng là cho những lúc mà sự nhẹ nhàng có tác dụng mạnh với vấn đề tu hành của chúng sanh. Song cũng có những đối tượng phải trợn ngược mắt lên, họ mới chịu dừng chân, bớt tới bớt lui mà tập trung cho việc tu hành … Tuy 2 hình thức trái nhau nhưng đều xuất phát từ một lòng bi rộng lớn, giúp người tinh tấn tu hành. Phương tiện thiện xảo là như thế! Thấy lời nhẹ nhàng thì chịu mà thấy trợn ngược mắt lên liền cho ‘Sân quá!’ là mình đã vướng cái lỗi “THẤY LỖI LẦM nơi phương tiện thiện xảo của thiện tri thức”. Có cái thấy như vậy vì mình đã bỏ quên phần việc PHẢN QUAN TỰ KỶ mà nhà thiền đã dạy mình.
Loại phương tiện thiện xảo này nhiều hình nhiều dạng, cũng chỉ luôn cho pháp tu mà chư thiện tri thức đã dạy mình.
Lại nữa, tinh cần chuyên tâm tu học tam muội ấy thì hiện đời được 10 thứ lợi ích. Thế nào là 10?
1.
Thường được sự hộ niệm của mười phương chư Phật và Bồ tát.
2.
Chẳng bị các ma ác quỉ làm cho hoảng sợ.
3.
Chẳng bị 95 thứ ngoại đạo quỉ thần hoặc loạn.
NGOẠI ĐẠO là chỉ cho những tôn giáo không phải là đạo Phật. Nói cách khác, tôn giáo nào lập giáo không đúng với thật lý chi phối ở thế gian là Duyên Khởi - mà mặt triển khai của nó là Nhân Duyên và Nhân Quả - đều coi là ngoại đạo. 95 loại là nói theo kinh Hoa Nghiêm và luận Đại Trí Độ, chỉ cho ngoại đạo ở Tây Vức. Như ngoại đạo Khổ Hạnh Luận Sư, đạo này cho rằng chỉ cần tu khổ hạnh thì sẽ đạt được niết bàn. Ngoại đạo Ma Hê Thủ La Thiên thì coi Thủ La Thiên là đấng sáng tạo ra muôn loài. Ngoại đạo Ni Kiền Tử thì cho rằng lúc đầu tiên sanh ra một đôi nam nữ, rồi đôi nam nữ ấy hòa hợp với nhau mà sanh ra muôn loài ...
KHÔNG LÀM HOAC LOẠN vì tu CHỈ thì tâm bớt vọng động, trí tuệ sáng tỏ, thông tỏ lý Nhân Duyên và Nhân Quả, nên không tin theo những điều mê tín bất hợp lý. Không tin thì không theo. Không tin không theo tức không bị những thứ đó làm hoặc loạn.
4. Xa
lìa sự phỉ báng pháp thậm thâm. Trọng tội và nghiệp chướng dần dần nhạt mỏng.
5.
Diệt hết nghi ngờ và các giác quán xấu ác. GIÁC, chỉ cho sự hiểu biết. QUÁN,
đồng nghĩa với quan niệm.
6. Đối
với cảnh giới của chư Như Lai, lòng tin được tăng trưởng.
7. Xa
lìa buồn rầu hối hận, ở trong sanh tử mà dũng mãnh, chẳng khiếp sợ.
8. Tâm
được nhu hòa, xả bỏ kiêu mạn, chẳng bị người khác làm cho phiền não.
9. Tuy
chưa được định, nhưng trong tất cả thời, tất cả chỗ cũng giảm bớt được phiền
não, chẳng còn ưa thích thế gian.
10.
Nếu được tam muội thì chẳng bị ngoại duyên và tất cả âm thanh làm cho kinh
động.
Đây là 10 thứ lợi ích mà người tu có được khi học pháp tam muội này, mà bước đầu là pháp tu CHỈ trên.
Sợ hãi, lo âu, nghiệp chướng, trọng tội, phiền não, kiêu mạn v.v… chẳng qua đều từ thức phân biệt mà ra. Do phân biệt mà có thân có sơ, có ta có người … từ đó mà sanh kiến ái. Có ái nên sanh sợ sanh lo. Ái thân thì sợ bất cứ thứ gì làm hại đến thân. Ái người thì lo mất người … Vì ái mà tạo nghiệp chịu khổ trong 3 đường dữ. Nay tu CHỈ, tùy thuận với chân như tam muội thì phân biệt mòn dần, vô phân biệt dần dần hiện tiền nên các thứ trên cũng giảm dần. Được tam muội thì không bị ngoại duyên và âm thanh làm động cũng là thứ để mình đánh giá về công phu tu tập của mình.
Sau là phần tu tập QUÁN.
2/ TU TẬP QUÁN
Lại nữa, nếu người chỉ tu CHỈ thì tâm bị chìm lặng, hoặc khởi giải đãi chẳng thích các việc thiện, xa lìa đại bi, nên cần tu QUÁN.
Đây là lý do vì sao cần phải tu QUÁN. Người nào có kinh nghiệm về việc này sẽ thấy cái đúng của lời dạy đây. Tu CHỈ là nhiếp tâm không cho sanh khởi nên tu một thời gian thì hay bị tình trạng CHÌM LAËNG này. Cái dỡ thứ hai của việc chỉ tu CHỈ là đối với việc thiện hay sanh tâm biếng nhát. Đó là do tu CHỈ thì thâu nhiếp thân tâm vào chỗ tịnh. Tịnh thì khiến thân tâm được yên ổn, an lạc. Làm thiện thì phải tiếp duyên, thân tâm động trở lại nên thấy ngán. Thứ gì ngán thì đâm nhát. Việc THIỆN là việc làm lợí ích cho tha nhân, nên nói XA LÌA ĐẠI BI.
Tu tập QUÁN là, nên quán tất cả pháp hữu vi ở thế gian không có gì lâu bền, biến hoại trong giây lát, tất cả tâm hành, niệm niệm sanh diệt, vì vậy nên khổ. Nên quán các pháp niệm được ở quá khứ chợt thoáng như giấc mộng. Nên quán các pháp niệm được ở hiện tại giống như ánh chớp. Nên quán các pháp niệm được ở vị lai giống như mây bất chợt mà khởi. Nên quán ở thế gian, thứ gì có thân thảy đều bất tịnh, mọi thứ đều ô uế, không một thứ gì đáng ưa thích.
Như vậy, phải nhớ tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay đều nhơn nơi sự huân tập vô minh khiến tâm sanh diệt, đã thọ tất cả vạn khổ của thân tâm. Hiện tại thì có vô lượng bức bách. Vị lai, cái khổ cũng không hạn định. Khó xả khó lìa mà chẳng giác biết. Chúng sanh như thế rất đáng thương xót!
Đây là cách chỉ bày tu QUÁN. Tu tập CHỈ thì niệm thiện niệm ác gì, trồi đầu lên đều buông. Tu tập QUÁN thì vẫn cho khởi niệm, nhưng là cái niệm đúng với sự thật ở thế gian, giúp người tu buông được sự dính mắc. Phương thức thấy như trái nhau nhưng lại làm thành cho nhau. Nhờ QUÁN mà CHỈ thành. Nhờ CHỈ mà QUÁN thành.
Pháp QUÁN này có nhiều thứ : QUÁN VÔ THƯỜNG, là khởi niệm thấy các pháp ở thế gian không có gì thường hằng, giây lát đã biến hoại. QUÁN KHỔ, vì tất cả vô thường sanh diệt sanh diệt nên khổ. QUÁN VÔ NGÃ là quán các pháp không có tự tánh, chỉ như giấc mộng, mây trôi, sấm chớp, thoạt có thoạt không. QUÁN BẤT TỊNH là quán thân này ô uế nhơ nhớp để khỏi dính mắc vào thân này. QUÁN ĐẠI BI là quán chúng sanh bị vô minh dẫn chạy trong các đường khổ. Cái bất tịnh cho là tịnh, cái khổ cho là vui, nên không bao giờ thoát được khổ. Ngài Hám Sơn nói “Vì chẳng biết khổ nên không có tâm chán khổ. Bởi cớ sự ấy mà cái khổ không có hạn định. Đây mới là chỗ đáng thương xót! Nếu chẳng phải là lòng bi rộng lớn thì chẳng thể cứu được”. Cái QUÁN này giúp người tu dù được niết bàn của Nhị thừa cũng không trụ đó mà trải dài sanh tử bạt khổ cho chúng sanh.
Còn nhiều pháp QUÁN khác như QUÁN HUYỄN, QUÁN VỌNG v.v… Quán có nhiều thứ như thế là do tùy bịnh, tùy cơ của chúng sanh mà lập. Song tựu trung đều giúp người tu buông bỏ sự dính mắc trở về bản tâm thanh tịnh của chính mình.
Suy nghĩ vậy rồi thì nên dũng mãnh lập đại thệ nguyện : Nguyện cho tâm tôi lìa phân biệt, trải khắp mười phương tu hành tất cả các thiện công đức. Tận đến vị lai, dùng vô lượng phương tiện cứu vớt và làm vơi đi tất cả khổ não cho chúng sanh, khiến họ được cái lạc bậc nhất của niết bàn.
SUY NGHĨ VẬY RỒI, tức khởi những cái niệm đã nói trên. ĐẠI THỆ NGUYỆN là chỉ cho việc phát tâm bồ đề. Đại nguyện này có 2 : Một thuộc tự lợi là cầu Phật trí, một thuộc lợi tha là nguyện độ chúng sanh không nhàm mỏi. “Tâm tôi LÌA PHÂN BIỆT trải khắp mười phương tu hành tất cả các thiện công đức” là cầu Phật trí. “Tận đến vị lai, dùng vô lượng PHƯƠNG TIỆN CỨU VỚT và làm vơi đi mọi khổ não cho chúng sanh …” là nguyện độ chúng sanh. Phải đủ 2 nguyện này mới có thể hoàn thành Phật đạo.
Nguyện tâm tôi LÌA PHÂN BIỆT vì thức phân biệt là đầu mối của mọi khổ não, phân cách, vô minh … đã giải thích rõ trong phần Nhân Duyên Sanh Diệt, mục ý thức. Lìa phân biệt thì người với ta không khác, thân với sơ không khác … việc lợi ích cho chúng sanh mới được trọn vẹn.
Dùng vô lượng PHƯƠNG TIỆN cứu vớt … là dùng các pháp bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự, tùy căn nghiệp của chúng sanh mà ứng hiện để giúp họ thoát khỏi 3 đường dữ và hướng họ về đạo vô thượng.
Được CÁI LẠC BẬC NHẤT của niết bàn là nhân duyên thứ nhất khiến bộ luận xuất hiện. Nó chính là cái lạc rốt ráo, chỉ cho cái lạc có được ở quả vị Phật.
Do khởi nguyện như vậy nên trong tất cả thời, tất cả chỗ, tùy sức kham nhận của mình mà giữ các điều thiện, chẳng bỏ việc tu học, tâm không giãi đãi.
Phát nguyện rồi thì phải tinh tấn tu học. Tinh tấn tu học như thế nào?
Chỉ trừ thời tọa thiền là chuyên niệm nơi CHỈ, còn tất cả thời còn lại đều phải QUÁN cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Hoặc đi, hoặc đứng, hoặc nằm, hoặc dậy đều nên cùng hành CHỈ - QUÁN. Nghĩa là, tuy niệm các pháp tự tánh chẳng sanh mà cũng tức là niệm nhân duyên hòa hợp, nghiệp thiện ác và quả báo khổ vui chẳng mất, chẳng hoại. Tuy niệm nhân duyên quả báo thiện ác mà cũng tức là niệm tánh bất khả đắc.
CHỈ và QUÁN đều tu nhưng đầu tiên có sự phân chia. Chỉ tập trung tu CHỈ trong khi tọa thiền, còn khi không tọa thiền thì dùng QUÁN. CHỈ đã nói ở phần trên. QUÁN là dùng trí tuệ để hiểu thứ gì nên làm, thứ gì không nên làm. THỨ NÊN LÀM là những việc thuận với tịnh và thiện, THỨ KHÔNG NÊN LÀM là những thứ thuận với động và bất thiện. Chẳng hạn, đi đông đi tây lo chuyện tào lao vừa biểu hiện một cái tâm không yên, vừa làm cho thân tâm càng động thì cố gắng bớt đi, tập trung cho việc tu hành. Đó là việc nên làm. Đấu tranh kiện cáo đến nỗi lỗ đầu sức trán vì tiền bạc hay chùa chiền của mình là biểu hiện cho việc mình coi những thứ đó không như giấc mộng, ánh chớp, mây trôi mà đều coi chúng có ngã. Đây là điều trái lại với lời dạy mà luận vừa nêu trên, nên đều thuộc những việc không nên làm. Cái nên làm thì làm, cái không nên làm thì đừng làm. Tu QUÁN là như thế. Không thực hiện được tinh thần này thì không phải là tu QUÁN. Không CHỈ không QUÁN vì không có niềm tin chân chánh cũng không thể phát niềm tin chân chánh.
Sau là cùng hành CHỈ - QUÁN trong tất cả thời, tất cả chỗ. Đây là lúc CHỈ - QUÁN đã thuần thục, gọi là định tuệ. Ngài Hiền Thủ nói “‘Niệm các pháp tự tánh chẳng sanh’ là nói về cái chẳng phải có, để rõ về CHỈ. ‘Nhân duyên hòa hợp, niệm thiện ác khổ vui chẳng mất, chẳng hoại’ là nói về cái chẳng phải không, để rõ về QUÁN. Hai thứ này chẳng phải là 2 nên nói là TỨC. Đây là thuận với cái chân bất động mà kiến lập các pháp. Vì ‘chẳng phải có’ tức ‘chẳng phải không’ nên có thể không bỏ CHỈ mà tu cả QUÁN. ‘Tuy niệm nhân duyên quả báo thiện ác mà cũng tức là niệm tánh bất khả đắc’ là để rõ ngay QUÁN là CHỈ. Đây là thuận với giả danh chẳng hoại mà nói về thật tướng vạn pháp. Vì ‘chẳng phải không’ tức ‘chẳng phải có’ nên có thể không bỏ QUÁN mà tu cả CHỈ. Nói thì thấy có trước sau như vậy, khi hành thì dung hợp chẳng phải hai. Tánh của cái không hai này chính là thật tánh”.
Phân CHỈ phân QUÁN là để nắm vấn đề, còn ngay khi tu CHỈ vẫn cần đến pháp QUÁN rất nhiều. Đó là những lúc mà niệm buông hoài không được. Ngồi thiền mà những chuyện đau lòng cứ hiện hình, hoặc một cơn sân đè hoài không xuống thì mình phải quán. Quán thế gian này có gì lâu bền mà sân hận đau lòng, hoặc quán từ bi để giảm cơn sân hận. Cũng có thể quán tất cả đều từ không biến hiện, rồi cũng trở về không. Hay quán tất cả chỉ là vọng v.v… Pháp quán nào khiến mình hạ hỏa, yên tịnh … thì pháp quán ấy đúng duyên, mình cứ áp dụng. Nhưng phải nhớ, đã nói là đúng duyên, tức pháp quán là thứ tùy duyên không cố định. Như quán từ bi có tác dụng làm giảm sân hận nhưng lại có chiều hướng ngược lại với ái dục. Với ái dục phải quán bất tịnh. Đó gọi là đúng duyên. Ngoài ra, một khi đã nói đến 2 chữ tùy duyên thì đối với mình nó có tác dụng nhưng đối với người khác thì chưa chắc, đối với thời trước có tác dụng nhưng đối với thời này không hẳn. Nói vậy để đừng dính mắc vào pháp tu, đừng có tâm ôm đồm mọi thứ và một khi hết bịnh thì pháp cũng phải buông, không nên thủ chặt mà sanh bịnh.
Pháp môn BIẾT VỌNG KHÔNG THEO mình đang tu tập đây là một loại CHỈ - QUÁN song hành. Biết tất cả là vọng chính là QUÁN, không theo hoặc buông đi chính là CHỈ. Nói đúng hơn, biết vọng chính là tuệ, không theo tức là định. Nếu không phải là cái thấy của tuệ, không thể thấy được vạn pháp là vọng. Không phải là lực của định thì khó mà không theo. Khi mới tập tu, biết vọng trở thành phép QUÁN các pháp là vọng. Quán được thì buông được, đó là CHỈ.
Tu CHỈ là để đối trị tâm trụ trước của phàm phu, xả bỏ cái thấy khiếp nhược của Nhị thừa. Tu QUÁN là để đối trị cái tâm hẹp hòi yếu kém chẳng khởi đại bi của Nhị thừa, xa lìa việc chẳng tu thiện căn của phàm phu. Do nghĩa như vậy nên 2 môn CHỈ - QUÁN nương cộng nhau mà thành, chẳng tách lìa nhau. Nếu CHỈ - QUÁN không đủ thì không thể nhập đạo bồ đề.
Đây là nêu ra tác dụng của CHỈ và QUÁN. Như có bịnh mà uống thuốc, thì thuốc phải có tác dụng trị bịnh, bịnh mới lành. Nêu tác dụng của CHỈ và QUÁN cũng có nghĩa là nêu lên những thiếu sót khiến phàm phu và Nhị thừa không có được trí tuệ và lực dụng như Phật.
1. Với phàm phu
Pháp tu CHỈ có tác dụng “đối trị tâm trụ trước”, còn tu QUÁN có tác dụng đối trị “việc chẳng tu thiện căn”. ĐỐI TRỊ, nghĩa của nó như từ trị bịnh. Có bịnh thì có thuốc rõ ràng. Không bịnh thì không dùng thuốc. Đối trị là như vậy. Nó mang tính tạm thời. TRỤ TRƯỚC, là trụ trước vào các pháp ở thế gian. Đây là âm Hán, còn nghĩa của nó tương đương với từ dính mắc hay tham đắm ... Những gì khiến mình để tâm không buông ra được gọi là trụ trước. Gọi là TRỤ vì tâm vốn vô trụ, nay do đắm trước các tướng mà thành có trụ, nên nói là ‘trụ trước’. CHỈ là dừng tất cả tướng cảnh giới, tức đưa tâm về chỗ vô trụ, nên có tác dụng trị bịnh TRỤ. Dừng tất cả tướng cảnh giới thì không có cảnh giới để tham đắm, nên trị bịnh TRƯỚC.
QUÁN, là niệm “Nhân duyên hòa hợp, niệm khổ, vui, thiện, ác ... chẳng hoại, chẳng mất”. Nghĩa là, tuy vạn pháp không tánh, nhưng tỉnh thì sanh tử tức niết bàn mà mê thì khổ đau không phải hạnh phúc. Chưa kể nghiệp nhân một khi đã gây thì nghiệp quả lại phải gặt. Cho nên, tuy thấy các pháp là không, nhưng không vì thế mà buông xuôi không làm thiện. Nhờ đó, pháp tu quán này có thể đối trị việc chẳng tu thiện căn của phàm phu.
2. Với Nhị thừa
Tu CHỈ là nhiếp tâm trụ ở chánh niệm. “Chánh niệm là, phải biết chỉ là nhất tâm không có cảnh giới bên ngoài”. Nghĩa là, sanh tử đáng sợ hay niết bàn đáng ưa đều không ngoài tâm mà có, cũng đều là mộng huyễn. Mộng huyễn thì không có gì để khiếp sợ. Vì thế nói “Tu CHỈ để xả bỏ cái thấy khiếp nhược của Nhị thừa”.
Tu QUÁN là quán chúng sanh từ xưa đến nay thọ tất cả vạn khổ của thân tâm ... khó xả, khó lìa mà chẳng giác biết. Thật là đáng thương xót! Nên khởi tâm đại bi, trải dài sanh tử giúp họ vơi đi khổ nạn ở thế gian. Cái quán này giúp Nhị thừa dù đủ khả năng trụ niết bàn vẫn trải dài sanh tử không nhàm mỏi, nên nói “Đối trị tâm hẹp hòi yếu kém chẳng khởi đại bi của Nhị thừa”. Chỉ nghĩ đến niết bàn cho riêng mình nên nói HẸP HÒI. Vì sợ hãi sanh tử nên nói là YẾU KÉM.
CHỈ - QUÁN nói đây giúp người tu không rơi vào phàm phu cũng không rơi vào Nhị thừa mà tiến đến giác ngộ viên mãn, nên chúng không thể tách lìa nhau. Nếu chỉ thực hành CHỈ hay QUÁN đều không thể thành Phật.
Phần sau là nói về pháp môn niệm Phật.
PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
Lại nữa, chúng sanh mới học pháp này muốn cầu chánh tín, song tâm còn khiếp nhược - do sợ trú ở thế giới Ta Bà này, chẳng gặp được Phật thường xuyên để thân cận cúng dường, sợ tín tâm khó mà thành tựu, nên ý muốn thối lui - thì phải biết, Như Lai có nhiều phương tiện thù thắng nhiếp hộ tín tâm. Đó là dùng nhân duyên Ý CHUYÊN NIỆM PHẬT, tùy nguyện được sanh về cõi Phật ở phương kia, thường thấy chư Phật, lìa hẳn ác đạo. Như trong Tudala nói “Nếu người chuyên niệm đức A Di Đà ở thế giới Tây phương cực lạc, thiện căn tu được đều hồi hướng nguyện cầu sanh về thế giới ấy thì liền được vãng sanh, thường thấy được Phật, rốt cuộc chẳng còn thối lui. Nếu quán pháp thân chân như của Phật kia, thường chuyên cần tu tập, cuối cùng sẽ được sanh ra trụ ở chánh định.
Ngoài pháp tu CHỈ - QUÁN trên, còn một pháp có thể giúp chúng ta phát khởi niềm tin chân chánh đối với Đại thừa, đó là Ý CHUYÊN NIỆM PHẬT. Môn này dành cho những vị sợ tín tâm của mình khó có thể thành tựu ở thế gian này, muốn về cõi cực lạc của đức A Di Đà. Đây là mượn duyên bên ngoài để được bất thối. Như ngoài thế gian thì duyên nhiều khó làm chủ bản thân, nên mượn duyên trong chùa để có thể ổn định thân tâm tu hành.
Ngao ngán với những mất mát, nạn tai, đau khổ ở thế gian, nhưng chưa đủ niềm tin đối với tự tánh chân như của mình mà chỉ một lòng muốn về nương đức Di Đà là điều kiện để biết mình có duyên với pháp môn niệm Phật đây. Khế cơ mà khế lý thì việc tu tập mới thành công.
Ý CHUYÊN NIỆM PHẬT thì việc niệm Phật này phải được thực hiện bằng Ý chứ không phải chỉ bằng miệng, bằng mắt hay bằng mũi. Cảnh giới ngạ quỉ, súc sanh hay địa ngục đều do ý khởi tham hay sân mà ra. Vì thế muốn là cảnh giới Phật thì ý cũng phải là Phật. CHUYÊN nghĩa là không gián đoạn. Niệm này nối tiếp niệm kia sao cho niệm trước là Phật thì niệm sau cũng là Phật. Cứ vậy mà liên tục từ giây này qua giây kia, từ lúc này đến lúc khác, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu. NIỆM PHẬT, Tổ thứ 13 của Liên Tông là Đại sư Ấn Quang đã phân thành 3 pháp là chuyên niệm tự lực, chuyên niệm tha lực và tự tha đều niệm (tức thiền tịnh song tu). Phần này sẽ trích dẫn đầy đủ sau khi giải thích hết ý nghĩa của phân đoạn này.
“QUÁN PHÁP THÂN CHÂN NHƯ của Phật kia … cuối cùng sẽ sanh ra trụ ở bất thối” là muốn nói đến sự bất thối ở tự thân không nhờ duyên bên ngoài. Như điều kiện sống ở tùng lâm khiến con người không thể bị ô nhiễm gọi là nhờ duyên bất thối. Sống ngay trong trần gian với đầy đủ các pháp ô nhiễm nhưng mình không bị ô nhiễm, gọi là bất thối ở tự thân. Bất thối ở tự thân có 2 hạng. Hạng thứ nhất là chỉ cho những vị đã thấu hiểu về pháp thân, tuy chưa chứng thực nhưng đủ niềm tin tin tâm mình là Phật, ngoài tâm không có pháp. Hạng thứ hai là chỉ cho các vị đã chứng thực được pháp thân, tức từ Sơ Địa trở đi. CHÁNH ĐỊNH, đối với hạng thứ nhất là chỉ cho chánh định tụ, đối với hạng thứ hai là chỉ cho chân như tam muội.
Theo Tổ Ấn Quang, NIỆM PHẬT có 3 pháp :
1. CHUYÊN NIỆM PHẬT TỰ LỰC : Cùng tột thật tướng, lấy việc chứng ngộ làm gốc. Đối với các pháp như 5 ấm, 6 nhập, 12 xứ, 7 đại v.v… dùng trí tuệ Bát Nhã chiếu soi, thấu rõ tất cả pháp xưa nay đương thể toàn không, thấy được tánh chân như vi diệu tròn đầy … Đây gọi là thật tướng niệm Phật. Thật tướng niệm Phật này tuy là thật lý tối thâm song lại chẳng dễ tu, vì chỉ nương nhờ vào giới định tuệ của chính mình, không có sự trợ giúp của tha lực. Nếu chẳng phải là người có sẵn căn duyên đời trước thì hội nó còn chẳng dễ huống là thực chứng. Xem nội dung lời dạy đây thì phần này tương đương với Thiền tông.
2. CHUYÊN NIỆM PHẬT THA LỰC : Có 3 thứ :
a. QUÁN TƯỞNG, là nương theo kinh Thập Lục Quán mà quán : Hoặc chuyên quán tướng lông trắng, hoặc quán pháp thân rộng lớn v.v... Quán đến đầy đủ 16 thứ quán.
b. QUÁN TƯỢNG, là đối trước hình tượng Phật mà tưởng về tướng hảo quang minh của Phật v.v...
c. TRÌ DANH, là nhất tâm xưng niệm hiệu A Di Đà.
3 pháp này tuy hình thức thực hành không giống nhau nhưng đều có chung một điểm là phải đầy đủ lòng tin chân thành và ước nguyện thiết tha mới có thể cùng Phật cảm ứng đạo giao, mới có thể quyết định được hiện đời ra khỏi Ta Bà mà sanh về Cực Lạc.
3. PHÁP TỰ THA ĐỀU NIỆM : Còn gọi là thiền tịnh song tu, đặt nền tảng trên việc chuyên khán “Niệm Phật đó là ai?” cốt để minh tâm kiến tánh, chẳng dùng tín nguyện cầu sanh Tây phương làm sự nghiệp. Đã không có tín nguyện thì không thể nương vào tha lực mà vãng sanh Tây phương. Chưa đến được chỗ nghiệp hết tình không thì cũng không thể nương vào tự lực mà liễu thoát sanh tử. Vì thế, với pháp thiền tịnh song tu này, chỉ có người tín nguyện đã đầy đủ mới có lợi ích. Còn không thì chẳng bằng hết lòng với một môn trì niệm danh hiệu Phật.
Trong 3 pháp niệm Phật trên thì Ý CHUYÊN NIỆM PHẬT chính là pháp chuyên niệm Phật tha lực, là nương vào sự chuyên cần niệm Phật và ý nguyện thiết tha gặp Phật. Nhờ tha lực ấy vãng sanh Tịnh độ Tây phương.
Ngài Ấn Quang nói : Pháp TRÌ DANH hạ thủ công phu dễ nhất mà thành công mau nhất. Nếu thâu nhiếp 6 căn, tịnh niệm được liên tục thì ngay đời này sẽ chứng được niệm Phật tam muội. Khi lâm chung nhất định vãng sanh thượng phẩm. Dù căn cơ có hạ liệt, chưa chứng được tam muội mà dùng tín nguyện trì danh hiệu Phật như con nhớ mẹ không gián đoạn, thì đến khi lâm chung, cảm ứng đạo giao, nương nhờ từ lực của Phật theo nghiệp vãng sanh. Nếu chí tâm trì niệm, niệm đến toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm, không niệm mà niệm, niệm mà không niệm, tâm Phật cả hai cùng rõ rệt, rồi cả 2 cùng mất, thì diệu lý thật tướng chân thể hiển lộ. Ngay đó Tây phương hoàn toàn tròn sáng. Đây là trì danh mà thâm đạt thật tướng, chẳng phải dùng quán mà tự thấy Tây phương. Nhiếp cơ rất rộng, lợi ích rất nhiều, rất hợp với kẻ độn căn thời mạt pháp.
Về cách hành trì, ngài dạy : Mỗi người tùy vào thân phận của mình mà lập, chẳng thể cố chấp cố định vào một pháp nào. Từ sáng đến chiều, đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh, mặc áo, ăn cơm, đi tiêu, đi tiểu … chỉ một thánh hiệu ấy không cho lìa tâm và miệng. Nếu như ở chỗ thanh khiết thì niệm ra tiếng hay niệm thầm thầm đều được. Còn khi ngủ, nghỉ, tắm, rửa, đi tiêu, đi tiểu cho đến những nơi không được sạch sẽ thì chỉ nên niệm thầm thầm, vì niệm thầm thì công đức cũng vậy. Niệm ra tiếng thì không được cung kính nên không niệm ra tiếng, chứ không phải ở những nơi đó không được niệm Phật. Lại, khi ngủ mà niệm ra tiếng ngoài việc không cung kính còn bị tổn khí.
Phương pháp hay nhất của việc trì danh là thâu nhiếp toàn bộ 6 căn, tịnh niệm liên tục. Thâu nhiếp toàn bộ 6 căn là tâm niệm Phật. Chuyên chú nơi danh hiệu Phật tức nhiếp được ý căn. Miệng phải niệm rõ ràng mạch lạc là nhiếp được thiệt căn. Tai cần nghe rõ ràng rành mạch là nhiếp được nhĩ căn. Ba căn này đã bị nhiếp bởi danh hiệu Phật thì nhãn căn quyết chẳng thể có cái nhìn tạp loạn, tức mắt cũng được nhiếp. Tỷ căn chẳng thể có cái ngửi tạp loạn, tức mũi cũng được nhiếp. Khi niệm Phật, thân phải đoan nghiêm nên thân cũng được nhiếp. 6 căn đã nhiếp thì tâm không có vọng niệm, chỉ lấy Phật làm niệm, nên là tịnh niệm. 6 căn nếu chẳng nhiếp thì tuy là niệm Phật mà trong tâm vẫn đầy dẫy vọng tưởng, khó mà được lợi ích thiết thực.
Một câu A Di Đà Phật miên miên mật mật luôn thường nhớ niệm. Phàm có những niệm như háo thắng, giận dỗi … bất ngờ manh động thì phải suy nghĩ “Ta là người niệm Phật, sao có thể khởi các niệm này?” Niệm khởi liền ngừng, lâu ngày thì tất cả những thứ niệm khiến ta lao thần tổn thân ấy đều không thể khởi. Do công đức bất khả tư nghì của Phật gia trì, chưa quá 10 ngày sẽ thấy rất hiệu nghiệm. Nếu thỉnh thoảng niệm một câu, hai câu mà muốn hiệu nghiệm ngay là tự dối mình dối người. Tuy vẫn có công đức nhưng khỏi bịnh thì chẳng thể được.
Khi niệm Phật cần chí thành. Niệm Phật mà tâm chẳng thể qui nhất là do đối với sanh tử tâm chẳng thiết tha. Nếu có ý tưởng sắp bị dầu sôi lửa bỏng chẳng thể cứu viện thì tâm tự qui nhất. Khi trong tâm bỗng khởi lòng thương xót thì phải biết đó là do thiện căn khai phát nhưng không nên nuôi dưỡng tình trạng ấy, nếu không sẽ vướng vào ma bi. Phàm có việc gì thích ý cũng chẳng nên vui lòng, không sẽ vướng vào ma vui.
Khi niệm Phật, hai mắt cần buông xuống, không nên đề thần quá sức đến nỗi tâm bốc hỏa sanh nóng nảy. Nếu đỉnh đầu phát ngứa, đau nhức hay có các thứ bịnh khác thì cần điều hòa bên trong sao cho thích hợp để không bịnh hoạn. Khi niệm ra tiếng cũng không nên niệm quá sức.
Bịnh cùng ma đều do nghiệp đời trước gây nên, chỉ cần chí thành khẩn thiết niệm Phật thì bịnh tự khỏi, ma sự tự lìa. Nếu chẳng chí thành hoặc khởi tà niệm thì tâm đọa trong sự u tối, ma quỉ ắt quấy nhiễu. Vào lúc niệm Phật xong, khi hồi hướng thì nên vì tất cả những oan gia trong quá khứ mà hồi hướng, khiến mọi loài đều nhờ vào sự lợi ích niệm Phật của mình mà siêu sanh vào đường lành.
Niệm Phật LẦN HẠT thì có thể ngừa giải đãi, song khi tịnh tọa niệm Phật thì chẳng nên lần hạt. Vì lần hạt thì hướng động nên tâm chẳng thể định. Về lâu về dài tất sẽ sanh bịnh.
Nếu chưa được nhất tâm thì tuyệt đối không nên nảy sanh ý tưởng muốn thấy Phật. Nếu nóng nảy muốn thấy thì tâm niệm rối rắm, cái niệm muốn thấy ấy sẽ động kết trong lòng thành đại bịnh. Oan gia lâu đời nương cái niệm tình tưởng vọng động ấy hiện làm thân Phật để báo cái oán xưa. Đó là do tâm mình không chánh kiến. Chưa kể một khi thấy ma mà sanh hoan hỉ thì ma nhập vào tạng phủ sẽ phát cuồng. Dù gặp được Phật sống cũng chẳng thể cứu. Cho nên, chỉ cần niệm Phật cho được nhất tâm, chẳng cần thấy Phật hay không. Nhất tâm rồi thì tự có sự cảm ứng không thể nghĩ bàn. Nếu niệm Phật mà bị khí muộn [41] là do nghiệp chướng khiến ra như vậy. Chỉ cần chí thành khẩn thiết niệm Phật thì từ từ sẽ yên.
Pháp QUÁN TƯỞNG tuy hay nhưng phải nhớ hình tượng Phật thấy đó chỉ là sở hiện của tự tâm. Nếu nhận nó là cảnh thật ngoài tâm thì vướng vào ma sự, sẽ sanh cuồng.
Người tu hành thời nay, phần lớn vướng vào ma sự đều do lấy tâm vọng động mong cầu cảnh giới tốt. Một khi cảnh giới tốt xuất hiện, nếu cho cảnh giới ấy là ma thì cảnh giới ấy là cảnh giới tốt, hễ sanh cái tâm tham trước vui mừng thì bị tổn hại chẳng chút lợi ích, huống chưa phải là cảnh giới tốt? Nếu là người có công phu hàm dưỡng thì cảnh giới dù có cũng như không, nên ma cảnh nếu hiện vẫn là cảnh giới tốt. Đó là vì gặp ma mà chẳng bị ma chuyển, tức năng lực tinh tấn cao.
Phần NIỆM PHẬT HỒI HƯỚNG cũng không thể bỏ qua. Song chỉ nên hồi hướng sau khóa công phu tối và đi kinh hành vào buổi trưa. Còn bình thường thì lấy việc trì niệm liên tục làm sự hồi hướng thời thường. Mọi công hạnh ngày thường đều hồi hướng vãng sanh và CẦN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM, thệ nguyện độ sanh. Có công đức tu trì nào đều khắp vì tứ ân trong ba cõi và chúng sanh trong pháp giới mà hồi hướng. Đã cùng chúng sanh kết sâu pháp duyên thì thắng hạnh Đại thừa của mình chóng thành. Nếu chẳng thấu nghĩa này thì rơi vào tri kiến tự lợi của phàm phu và Nhị thừa, tuy tu diệu hạnh mà cảm cái quả thấp hèn.
Phàm người niệm Phật, tùy theo phương tiện của mỗi người cốt phải khắc phục cho được tập khí của mình. Phàm người đáng nói thì dù cho đối nghịch với ta cũng phải vì người mà nói, khiến người gặp được điều lành, tránh xa điều dữ, lìa khổ được lạc. Hằng ngày phải ngay thẳng rõ ràng. Với người thì nói rõ về nhân quả báo ứng và con đường niệm Phật liễu thoát sanh tử. Dạy dỗ con cái cũng đồng nghĩa với việc gầy dựng nền tảng thái bình. Tâm thẳng như dây đàn căng, lời nói không mập mờ lấp lững. Muốn giữ cái tâm có thể đối chất với quỉ thần lúc lâm chung thì làm việc gì quyết chẳng mê mờ lý trời. Như thế đến lúc lâm chung không có hiện tượng đáng thương, đáng tiếc xảy ra.
Tất cả những lời trên đều trích từ lời dạy của Tổ Ấn Quang trong Tư Qui Tập. Ghi ra đây để hiểu thêm về pháp môn Tịnh Độ. So với CHỈ - QUÁN cách thực hành có khác, song tinh thần và mục đích thì không khác, cũng đều giúp người tu gạt bỏ vọng tưởng, qui về cội nguồn nhất tâm. Theo đây thì thấy, Tây phương ở đâu cũng không ngoài tâm mà có. Niệm Phật mong vãng sanh cõi Tịnh độ ở Tây phương chỉ là phương tiện cho người chưa đủ niềm tin với tự tánh chân như của mình. Phương tiện thì thứ lớp có khác, còn cội nguồn rốt ráo thì hoàn toàn không khác.
Đã nói xong phần Tu Hành Tín Tâm, kế là phần Lợi Ích Và Khuyên Tu.