ĐẠI THỪA KHỞI
TÍN LUẬN
Bồ Tát Mã Minh
Chân Đế dịch ra Hán Văn - Cao Hữu Đính dịch ra Việt văn
Chương 3
Nhân duyên Tạo Luận
Trước hết là nói về phần Nhân Duyên.
Hỏi: Vì những nhân duyên gì mà viết ra Luận này?
Đáp: Nhân duyên ấy có tám. Là những gì?
Một là nhân duyên chung, muốn làm cho chúng sanh xa lìa tất cả khổ, được cái vui rốt ráo; Không phải vì mong cầu danh lợi và sự cung kính của thế gian.
Hai là muốn giải thích cái nghĩa căn bản của Như Lai, khiến chúng sanh hiểu biết đúng đắn không sai lệch.
Ba là khiến chúng sanh mà thiện căn đã thành thục, lãnh hội được giáo pháp Đại Thừa, không thối thất tín tâm.
Bốn là khiến chúng sanh có thiện căn cạn mỏng, tu tập tín tâm.
Năm là nhằm chỉ bày phương tiện tiêu trừ nghiệp chướng xấu ác, khéo léo giữ gìn tâm mình, xa lìa si mạn, ra khỏi lưới tà ma.
Sáu là nhằm chỉ bày phương pháp tu tập chỉ quán để đối trị tâm niệm sai lầm của phàm phu và Nhị Thừa.
Bảy là nhằm chỉ bày phương tiện niệm Phật một cách chuyên nhất để được sanh về cõi Phật, chắc chắn không thối thất tín tâm.
Tám là nhằm chỉ bày sự lợi ích để khuyến khích tu hành.
Vì có những nhân duyên như trên nên tôi viết ra luận này.
Hỏi rằng: Trong Tu đa la đã có đủ pháp ấy rồi, cần gì ở đây phải nói lại?
Xin thưa: Trong Tu đa la tuy có pháp ấy, nhưng vì chúng sanh căn tánh và hạnh nghiệp không đồng, cho nên nhân duyên lãnh hội cũng khác nhau.
Nghĩa là: Khi Như Lai còn tại thế, chúng sanh căn tánh lanh lợi. Người nói thì thân tâm đều thù thắng, viên âm một khi đã phô diễn, các loài chúng sanh đều hiểu rõ như nhau cho nên không cần có luận. Nhưng sau khi Như Lai nhập diệt hoặc có chúng sanh chỉ nhờ tự lực, nhân nghe nhiều mà hiểu rõ. Lại có những người cũng do tự lực, nhưng nghe ít mà hiểu nhiều. Hoặc có những người tự họ không có đủ trí lực, phải nhờ nương vào các bộ đại luận giảng giải ý nghĩa nội dung thì mới hiểu nổi. Nhưng cũng có người cho rằng Đại Luận dài dòng phiền phức, lòng chỉ ưa thích những bài văn cô đọng mà hàm súc, nhân đó mà nắm được chánh giải. Như vậy Luận này vì muốn tóm thâu ý nghĩa vô biên các pháp Phật sâu rộng, nên phải viết ra.