LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ TẬP V
(Mahàprajnàparamitàsatra) - Tác giả: Nàgàrjuna (Bồ Tát Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán: Cưu Ma La Thập - Dịch Việt: Thích Thiện Siêu
Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh 2001
Cuốn 97
KINH: Bấy giờ Bồ-tát Tát-đà-ba-luân lãnh thọ lời dạy giữa hư không xong, từ đây đi về phương đông; đi không bao lâu lại nghĩ rằng: Tại sao ta không hỏi tiếng nói giữa hư không: Ta sẽ đi đến chỗ nào, sẽ đi xa hay gần, sẽ theo ai nghe Bát-nhã ba-la-mật? Khi ấy liền đứng lại, khóc lóc, ưu sầu, nghĩ rằng: Ta đứng nơi đây quá một ngày một đêm; hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày bảy đêm, không nghĩ đến mỏi mệt, cho đến không nghĩ đến đói khát, lạnh nóng; không có nhân duyên nghe, lãnh thọ Bát-nhã ba-la-mật thời không bao giờ cất bước. Thí như người có một đứa con chết đột ngột, ưu sầu, khổ sở, chỉ ôm lòng áo não, không nghĩ đến việc gì khác. Như vậy, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân lúc bấy giờ không có tâm khác, chỉ nghĩ đến ta lúc nào sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật? Tại sao ta không hỏi âm thanh giữa hư không: Ta nên đi đến chỗ nào? Sẽ đi xa hay gần? Sẽ theo ai nghe Bát-nhã ba-la-mật?
Này Tu-bồ-đề, khi Tát-đà-ba-luân ưu sầu nghĩ tưởng như vậy, giữa hư không có Phật nói với Tát-đà-ba-luân rằng: Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Chư Phật quá khứ khi hành đạo Bồ-tát cầu Bát-nhã ba-la-mật cũng như ngươi ngày nay. Con do sự siêng năng tinh tấn, ưa vui pháp, nên từ đây đi về phương đông, cách đây 500 do tuần, có thành gọi là Chúng Hương. Thành kia có bảy lớp bảy báu trang nghiêm. Đền đài, quán xá, lan can đều trang sức bằng bảy báu. Ao bảy báu, hàng cây bảy báu bao quanh bảy lớp. Thành ấy ngang dọc mười hai do tuần; giàu, vui, yên tịnh; nhân dân thịnh vượng. Năm trăm làng chợ, đường ngõ tương đương, đẹp đẽ như tranh vẽ, cầu đò như đất, rộng rãi thanh tịnh. Trên bảy lớp thành đều có lầu đài bảy báu, cây báu thành hàng, cành lá bằng vàng ròng bạc trắng, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, lưu ly, pha lê, ngọc báu sắc hồng. Dây báu giăng hàng, lưới linh bằng vàng trồng lên trên thành, gió thổi tiếng linh âm thanh hòa nhã làm vui chúng sinh, giống như khéo làm năm thứ nhạc rất vui thích; lưới vàng, linh báu có âm thanh như vậy. Bốn phía thành kia có ao nước chảy trong sạch, lạnh ấm tùy theo sở thích; giữa ao có thuyền trang sức bằng bảy báu do nghiệp đời trước gây dựng, chúng sinh cưỡi trên thuyền báu ấy vui chơi thích thú. Trong ao nước có các hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng xen lộn, các hoa đẹp trải khắp trên mặt nước. Các hoa có được trong thế giới ba ngàn đại thiên đều ở trong đây. Bốn phía thành kia có năm trăm vườn quán có bảy báu trang nghiêm rất đáng ưa thích. Trong mỗi mỗi vườn đều có năm trăm ao, mỗi ao ngang dọc mười dặm, đều do bảy báu làm thành, trang nghiêm đủ màu sắc. Trong ao nước cũng có hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng trải khắp trên nước, các hoa sen ấy lớn như bánh xe; hoa màu xanh ánh sáng xanh, hoa màu vàng ánh sáng vàng, hoa màu đỏ ánh sáng đỏ, hoa màu trắng ánh sáng trắng. Chim cưu, nhạn, oang ương, các loài chim khác ở trong ao nước phát âm thanh hòa hợp. Các vườn quán ấy không thuộc của ai, mà là do nghiệp đời trước của chúng sinh làm nên. Do nhân duyên đêm dài tin vui pháp thâm diệu mà hành Bát-nhã ba-la-mật nên thọ hưởng quả báo ấy. Này thiện nam tử, trong thành Chúng Hương ấy có đài cao lớn, cung điện của Bồ-tát Đàm-vô-kiệt ở trên đó. Cung điện kia ngang dọc một do tuần, đều trang sức bằng bảy báu với nhiều màu sắc trang nghiêm rất đáng ưa vui. Tường vách bảy tầng đều bằng bảy báu, lan can bảy lớp, lầu gác bảy báu, ao báu bảy lớp cũng đều bằng bảy báu. Ao sâu bao quanh vườn, bảy báu trùng điệp. Hàng cây bảy lớp, cành lá bảy báu bảy lớp bao quanh. Trong cung điện kia có bốn loại vườn vui thích: Một là thường vui; hai là lìa buồn; ba là tô điểm bằng hoa; bốn là tô điểm bằng hương. Trong mỗi mỗi vườn đều có các ao: một là hiền; hai là hiền hơn; ba là vui vẻ; bốn là vui vẻ hơn; năm là yên ổn; sáu là yên ổn hơn; bảy là xa lìa; tám là không thoái chuyển. Bốn phía các ao, mỗi mặt đều có một thứ báu bằng vàng ròng, bạc trắng, lưu ly, pha lê, văn quý làm đáy ao, bên trên rải cát vàng. Cạnh mỗi mỗi ao có thềm tám bậc, trang sức bằng các thứ báu vi diệu. Giữa các bậc thềm có hàng cây chuối màu vàng Diêm-phù-đề. Trong tất cả các ao, các thứ hoa sen xanh, vàng, đỏ trắng trải khắp trên mặt nước. Bốn phía các ao sinh cây hoa đẹp, gió thổi các hoa rơi vào ao nước. Ao kia thành tựu tám công đức, hương thơm như chiên đàn; màu sắc, mùi vị đầy đủ, nhẹ và mềm mại. Bồ-tát Đàm-vô-kiệt với sáu vạn tám ngàn kỹ nữ, năm dục đầy đủ, cùng nhau vui thích và nam nữ trong thành đều vào trong các vườn thường vui, lìa lo v.v... Trong các ao hiền, hiền hơn v.v... có năm dục đầy đủ, cùng nhau vui thích. Này thiện nam tử, Bồ-tát Đàm-vô-kiệt với các thể nữ giỡn chơi vui thích rồi, mỗi ngày ba buổi nói Bát-nhã ba-la-mật; trai gái lớn nhỏ trong thành Chúng Hương, nơi có nhiều người nhóm họp trải tòa pháp lớn, bốn chân tòa kia hoặc bằng vàng ròng, hoặc bằng bạc trắng, bằng lưu ly, pha lê; trải nệm the đủ các màu sắc, treo các dây màn, lấy lụa trắng trải lên trên đó, rải các thứ hoa thơm. Tòa cao năm dặm, giăng trướng ngọc trắng. Bốn phía đất kia rải hoa năm màu, đốt các hương thơm nổi tiếng, rưới hương bôi trên đất để cung kính cúng dường Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát Đàm-vô-kiệt ở trên tòa ấy nói Bát-nhã ba-la-mật. Những người kia cung kính cúng dường Đàm-vô-kiệt như vậy là vì muốn nghe Bát-nhã ba-la-mật. Trăm ngàn vạn chúng nơi đại hội ấy gồm chư thiên, người đời tập họp một chỗ, trong đó có người nghe, có người lãnh thọ, có người nắm giữ, có người đọc tụng, có người viết chép, có người nhớ nghĩ đúng, có người thực hành như kinh nói. Khi ấy, chúng sinh do nhân duyên đó đều không bị đọa vào ác đạo, không thoái chuyển đối với Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Này con, thiện nam tử, hãy đi đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt sẽ nghe Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát Đàm-vô-kiệt đời đời là thiện tri thức của con, có thể dạy cho con Vô thượng chánh đẳng chánh giác, chỉ bày, dạy bảo, làm lợi ích vui mừng. Bồ-tát Đàm-vô-kiệt xưa kia khi cầu Bát-nhã ba-la-mật cũng như con ngày nay vậy. Con đi chớ kể ngày đêm, chớ sinh tâm chướng ngại, không bao lâu con sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật.
Bấy giờ Tát-đà-ba-luân tâm hoan hỷ, vui vẻ nghĩ rằng: Lúc nào ta sẽ được gặp thiện nam tử ấy, được nghe Bát-nhã ba-la-mật? Thí như có người bị trúng tên độc bèn không nghĩ gì khác, chỉ nghĩ lúc nào sẽ gặp được thầy thuốc giỏi, nhổ tên độc ra, trừ khổ cho ta. Như vậy, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân không có nghĩ gì khác, chỉ ước nguyện rằng: Khi nào ta sẽ được gặp Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để ta được nghe Bát-nhã ba-la-mật? Ta nghe Bát-nhã ba-la-mật ấy mà dứt các tâm sở hữu?
Khi ấy, Tát-đà-ba-luân từ chỗ đang ở, nghĩ đến Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, đối với hết thảy pháp được thấy biết không chướng ngại, liền được vô lượng môn tam-muội hiện ra trước mắt, đó là: Môn tam-muội Quán các pháp tính, môn tam-muội Các pháp tính không thể có được, môn tam-muội Phá vô minh đối với các pháp, môn tam-muội Các pháp không khác, môn tam-muội Các pháp không hư hoại tự tại, môn tam-muội Các pháp hay chiếu sáng, môn tam-muội Các pháp lìa tối, môn tam-muội Các pháp không có tương tục khác, môn tam-muội Các pháp không thể có được, môn tam-muội Rải hoa các pháp vô ngã, môn tam-muội Uy thế như huyễn; môn tam-muội Như tượng trong gương, môn tam-muội Được biết ngôn ngữ hết thảy chúng sinh, môn tam-muội Hết thảy chúng sinh hoan hỷ, môn tam-muội Vào phân biệt âm thanh, môn tam-muội Được mỗi mỗi ngôn ngữ tự cú trang nghiêm, môn tam-muội Không sợ, môn tam-muội Tính thường im lặng, môn tam-muội Được giải thoát không ngại, môn tam-muội Lìa trần cấu, môn tam-muội Lìa danh tự ngữ cú trang nghiêm, môn tam-muội Thấy các pháp, môn tam-muội Các pháp không có ngại gì, môn tam-muội Như hư không, môn tam-muội Như kim cương, môn tam-muội Không sợ nhiễm đắm sắc, môn tam-muội Được thắng, môn tam-muội Chuyển mắt, môn tam-muội Rốt ráo pháp tính, môn tam-muội Hay cho yên ổn, môn tam-muội Sư tử rống, môn tam-muội Hơn hết thảy chúng sinh, môn tam-muội Hoa trang nghiêm, môn tam-muội Dứt nghi, môn tam-muội Theo hết thảy kiên cố, môn tam-muội Xuất sinh các pháp được sức thần thông không sợ, môn tam-muội Có thể thông đạt các pháp, môn tam-muội Các pháp tài ấn, môn tam-muội Các pháp không có phân biệt thấy, môn tam-muội Lìa các kiến chấp, môn tam-muội Lìa hết thảy tối tăm, môn tam-muội Lìa hết thảy tướng, môn tam-muội Giải thoát hết thảy nhiễm trước, môn tam-muội Trừ hết thảy giải đãi, môn tam-muội Được pháp sâu xa vi diệu sáng tỏ, môn tam-muội Không thể cướp đoạt, môn tam-muội Phá ma, môn tam-muội Không đắm trước ba cõi, môn tam-muội Khởi lên ánh sáng, môn tam-muội Thấy chư Phật v.v... Như vậy, Tát-đà-ba-luân ở trong các môn tam-muội ấy liền thấy mười phương vô lượng vô số chư Phật, vì các hàng Bồ-tát nói Bát-nhã ba-la-mật.
LUẬN. Hỏi: Tát-đà-ba-luân vì cớ gì quên không hỏi âm thanh giữa hư không?
Đáp: Tát-đà-ba-luân vì việc quá hoan hỷ che tâm nên quên. Như người quá ưu sầu, quá hoan hỷ, do hai việc ấy nên quên.
Hỏi: Âm thanh giữa hư không đã diệt, cớ gì ở đó bảy ngày mà không trở lại tìm chổ để hỏi?
Đáp: Như xưa ở chỗ trống vắng, vì nhất tâm cầu Bát-nhã ba-la-mật nên giữa hư không có tiếng. Nay cũng muốn nhất tâm như xưa, mong trở lại nghe tiếng để dứt nghi ngờ.
* Lại nữa, Tát-đà-ba-luân đã bỏ cái vui thế gian, vào sâu Phật đạo, tâm ưa thích đến cùng tột, âm thanh giữa hư không tuyên bảo, mở bày cho chút ít, rốt cuộc chưa dứt được nghi thời âm thanh kia liền dứt. Như trẻ con được chút ít vị ngon, vì ưa đắm vị nên lại khóc lóc muốn được nữa. Tát-đà-ba-luân cũng như vậy, được nhân duyên mùi vị của Bát-nhã ba-la-mật mà không thể thông đạt nên chẳng biết đi đâu, thế nên trú lại mà khóc lóc.
Hỏi: Cớ gì cho đến bảy ngày thân Phật mới hiện?
Đáp: Thí như người quá khát mới biết nước ngon. Hoặc hai ngày, ba ngày tinh tấn, ham muốn chưa sâu, nếu quá bảy ngày sợ người kia ưu sầu chướng ngại tâm, không còn chịu cầu đạo, nên bảy ngày ưu sầu, như thí dụ trong kinh đây nói.
Hỏi: Cớ gì Tát-đà-ba-luân ưu sầu đến thế, như có đứa con yêu quý chết?
Đáp: Bát-nhã ba-la-mật là đệ nhất thật giữa các pháp, là pháp bảo chơn thật của mười phương chư Phật. Tát-đà-ba-luân được chút ít ý vị, vì chưa đủ nên ưu sầu, như đứa con yêu quý chết, nghĩ rằng: Khi nó khôn lớn, có nhiều việc thành đạt thời trông mong nhờ vào sức nó. Bồ-tát cũng như vậy, nghĩ đến tăng ích sức Bát-nhã ba-la-mật, được không thoái chuyển rồi, thời thành tựu việc Phật. Như con đối với cha, hiếu hạnh suốt đời, không có tâm đổi khác. Bát-nhã ba-la-mật đối với Bồ-tát cũng như vậy, nếu có thể được vào cho đến thành Phật, trọn không xa lìa; như cha thấy con, tâm liền vui vẻ. Bồ-tát tuy được mỗi mỗi pháp cũng không hoan hỷ như thấy được Bát-nhã ba-la-mật. Như đứa con, giả có tên đó, Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, không, không nhất định thật có, chỉ có tên giả; như vậy là nhân duyên tướng chung.
Cha tuy yêu con, song không thể đem đầu, mắt cho nó; Bồ-tát vì Bát-nhã ba-la-mật nên trong vô lượng đời đem đầu, mắt, tủy, não thí cho chúng sinh. Con đối với cha hoặc có khi không thể báo ân, hoặc có thể báo ân, ngay cả có thể làm lợi nhỏ trong hiện tại như cung cấp cơm áo, hoan lạc v.v... còn Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật không điều gì không làm được, cho đến hết thảy trí tuệ, huống gì thế lực của Bồ-tát và sự giàu vui thế gian. Con báo ân cha thời ân cùng cực chỉ một đời, còn sự lợi ích của Bát-nhã đến vô lượng đời, cho đến khi thành Phật. Con đối với cha hoặc tốt hoặc xấu, còn Bát-nhã ba-la-mật không điều gì không tốt. Con chỉ là tên giả, hư dối không thật, còn Bát-nhã ba-la-mật là thánh pháp chơn thật, không có hư dối. Sự báo ân của con tuy đem lại cái vui nhỏ hiện tại, song có vô lượng cái ưu sầu khổ não, còn Bát-nhã ba-la-mật chỉ đưa đến cái vui chơn thật, hoan hỷ, cho đến cái vui thành Phật. Con chỉ có thể cung dưỡng lợi ích cho cha, không thể cứu cha khỏi sinh, già, bệnh, chết, còn Bát-nhã ba-la-mật khiến Bồ-tát rốt ráo thanh tịnh, không còn già, bệnh, chết. Con chỉ có thể làm cho cha được tự tại trong cái vui thế gian, còn Bát-nhã ba-la-mật có thể làm cho Bồ-tát làm chủ hết thảy thế gian trời người. Có các nhân duyên và thí dụ sai khác như vậy. Người đời biết việc ưu sầu vì con chết, nên lấy đó làm ví dụ.
Hỏi: Phật hiện ra giữa hư không là Phật nào? Cớ sao trước chỉ có âm thanh, mà nay hiện thân? Phật đã hiện thân cớ sao không độ liền mà bảo đi đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt?
Đáp: Chẳng phải chơn Phật, chỉ là ảnh tượng hiện ra, hoặc Phật khiến hóa Phật, hoặc đại Bồ-tát hiện làm Phật. Vì phước đức thiện căn đời trước nên chỉ nghe âm thanh. Nay sau bảy ngày bảy đêm, nhất tâm niệm Phật, công đức thành tựu nên được thấy thân Phật. Phật sở dĩ không độ liền, vì người kia đời đời có nhân duyên với Đàm-vô-kiệt, nên sẽ từ nơi đó được độ. Có người nên theo Xá-lợi-phất được độ, giả sử Phật hiện thân cũng không thể làm cho giác ngộ.
Phật tán thán lành thay là, vì Tát-đà-ba-luân chí tâm cầu muốn biết chỗ đến và nhân duyên nghe Bát-nhã nên Phật hiện thân mà tán thán lành thay. Chư Phật quá khứ khi hành đạo Bồ-tát, cầu Bát-nhã cũng siêng khổ như vậy. Vì mới phát tâm mà tội cũ còn dày nặng nên phước đức chưa tập hợp. Phật an ủi tâm người kia rằng: Người cầu Bát-nhã ba-la-mật tuy siêng khổ cũng chớ giải đãi, chớ sinh tâm thoái mất. Hết thảy chúng sinh có được kết quả tu hành, thời trong khi tu nhân đều khổ. Lúc hưởng quả được vui, nên suy nghĩ rằng, vô lượng công đức quả báo của chư Phật đều do tự các ngài siêng năng gắng gổ. An ủi như vậy rồi, nói rằng: Con từ đây đi về phương đông, cách 500 do tuần có thành gọi là Chúng Hương, không bao lâu sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật.
Hỏi: Thành Chúng Hương ở chỗ nào?
Đáp: Sau khi Phật quá khứ diệt độ, chỉ có để lại giáo pháp. Giáo pháp ấy không trải khắp Diêm-phù-đề, chỉ chỗ nào chúng sinh có nhân duyên nghe pháp thời đi đến. Bấy giờ cõi nước Chúng Hương giàu vui, sinh nhiều bảy báu nên lấy bảy báu làm thành. Khi ấy Tát-đà-ba-luân tuy cùng ở cõi Diêm-phù-đề mà sinh ở chỗ không có Phật pháp, không có bảy báu sinh ra, chỉ nghe truyền tên Phật, tên Bát-nhã ba-la-mật là Phật đạo. Người ấy đời trước chứa nhiều phước đức, phiền não nhẹ ít, nghe liền tin vui, nhàm ghét vui thú thế tục, xa lìa thân thuộc, đi đến ở giữa rừng vắng, muốn đi đến cõi nước có Phật pháp.
Âm thanh mở bày lời nói là, sợ người kia đi đến chỗ khác mà không đi đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, cho nên nói, tiếp sau Phật hiện thân chỉ rõ chỗ đi đến.
Hỏi: Nhân duyên về Tát-đà-ba-luân đã nghe đủ ở trên, nay nhân duyên về Đàm-vô-kiệt như thế nào?
Đáp: Uất-già-đà, Trung Hoa dịch là Thịnh; Đạt-ma, Trung Hoa dịch là Pháp. Bồ-tát ấy ở trong thành Chúng hương theo ý thuyết pháp cho chúng sinh, khiến chúng sinh gieo rộng căn lành nên gọi là Pháp thịnh. Nước ấy không có vua, trong đó nhân dân đều không có chấp tôi, ta; như người châu Uất-đơn-việt, duy chỉ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt là chủ. Nước đó khó đến được. Tát-đà-ba-luân nhờ không tiếc thân mạng, lại được chư Phật, Bồ-tát tiếp trợ nên đến được. Đại Bồ-tát vì độ chúng sinh nên sinh trong cõi nước như thế, chúng sinh không có thiếu thốn gì, tâm họ điều hòa nhu nhuyến, dễ có thể được độ.
Hỏi: Bồ-tát Đàm-vô-kiệt là thân do cha mẹ sinh, hay vì độ chúng sinh nên dùng sức thần thông hóa làm thân ấy? Nếu là thân của phước báo thời cần gì dùng sáu vạn thể nữ, vườn quán, ao tắm, các thứ trang nghiêm để tự vui thích? Nếu là thân do cha mẹ sinh thời làm sao có thể khiến Tát-đà-ba-luân cúng dường đầy đủ, đều ở giữa hư không hóa thành đài lớn, vào các tam-muội, trải qua bảy năm?
Đáp: Có người nói, đó là thân do cha mẹ sinh. Vì Bồ-tát được thật tướng các pháp và sức thần thông thiền định nên muốn độ chúng sinh trong thành ấy; như các Bồ-tát lợi căn trong thành khác, có thể vào thiền định, cũng có thể vào cõi Dục. Vì nhiếp hóa chúng sinh nên thọ năm dục mà không mất thiền định; thí như người tránh nóng nên nằm ở trong bùn, khi đứng dậy trở lại rửa sạch như cũ; còn phàm phu căn độn nên không thể làm được như vậy. Vì vậy mà dùng sức thần thông hóa làm đài hoa, bảy năm vào định. Lại, vì sức phương tiện nên có thể thọ năm dục, ý nghĩa như trước nói. Bồ-tát không chỉ hành một đạo, mà vì chúng sinh nên hành đủ các đạo để dìu dắt. Như rồng nổi mây, sấm sét, giông tố, mưa trận mưa lớn. Bồ-tát cũng như vậy, tuy là thân do cha mẹ sinh chưa lìa phiền não, mà có thể tu hành pháp lành, vì chúng sinh nên không dứt hết kiết sử.
Có người nói: Bồ-tát này là thân do pháp tính sinh. Vì độ chúng sinh trong thành Chúng Hương nên biến hóa mà độ; nếu là thân do cha mẹ sinh thời làm sao được mười phương Phật khen ngợi và khiến Tát-đà-ba-luân đi theo thọ pháp, được sáu vạn tam-muội? Thế nên biết, đó là đại Bồ-tát hóa thân. Thí như tướng rồng chết xuất hiện trong biển lớn; như quả chín thời phải rơi, khi ấy chim Cánh vàng đi đến ăn. Chúng sinh cũng như vậy, khi nghiệp nhân duyên chín muồi thời đại Bồ-tát đến độ.
Bấy giờ Tát-đà-ba-luân nghe tiếng Phật dạy giữa hư không nên sinh tâm rất hoan hỷ, rất ham muốn: Khi nào ta sẽ được gặp Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nói Bát-nhã ba-la-mật để làm cho mũi tên phiền não ái kiến trong tâm ta ra khỏi? Vì muốn làm rõ việc ấy nên trong đây Phật nói ví dụ mũi tên độc: Như người bị mũi tên độc vào thân liền không có nghĩ gì khác, mà chỉ nghĩ đến đau khổ cấp bách; và mũi tên độc không lấy ra mau thời độc chạy khắp mình mà mất mạng. Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cũng như vậy, bị mũi tên có tẩm chất độc tà nghi và mũi tên tham dục vào tâm, do đã thấy mọi người vì mũi tên độc tà kiến làm tổn thương tâm và sợ mũi tên độc tham dục chạy khắp mình, cướp mất mạng trí tuệ, phải chết như người phàm nên nghe nói Bồ-tát Đàm-vô-kiệt có thể lấy mũi tên ấy ra thời gấp rút muốn gặp Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, chứ không còn nghĩ gì khác.
Trong đây, nói dứt các tâm sở hữu. Tâm sở hữu là tâm thủ tướng chấp trước, cho đến đối với pháp lành cũng có bệnh ấy. Tát-đà-ba-luân mắt trông thấy thân Phật, trước đó chưa từng thấy, theo Phật nghe dạy, được cái vui pháp nên xa lìa cái vui năm dục, liền được thấy biết không ngại đối với hết thảy pháp.
Thấy biết không ngại là, như sức của Tát-đà-ba-luân được thấy biết không ngại, chẳng phải Phật không ngại. Khi ấy được vào các môn tam-muội.
Môn tam-muội Quán các pháp tính là, môn tam-muội có thể quán thật tính các pháp.
Môn tam-muội Thật tính các pháp không thể có được là, lúc đầu được tam-muội là không, không sinh, không diệt, nay được tam-muội này là được không nhiễm trước tính ấy, không cho rằng được tính ấy có tướng quyết định.
Môn tam-muội Phá vô minh đối với các pháp là, các pháp ở trong tâm người phàm phu, vì vô minh nên quanh co bất chính, cho là thường, lạc, ngã, tịnh. Được tam-muội này thời vô minh tương ưng với điên đảo, chấp thường, lạc, ngã, tịnh bị phá; chỉ quán hết thảy pháp vô thường, không, vô ngã.
Hỏi: Như Bồ-tát phá được vô minh đối với các pháp còn không cần thấy Phật, cần gì phải đi đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt?
Đáp: Phá vô minh không chỉ có một thứ mà có thứ ngăn chặn không cho phát khởi, cũng gọi là phá. Vì chứng được thật tướng các pháp nên phá vô minh.
Lại, vô minh có rất nhiều loại: Có phần Bồ-tát phá, có phần Phật phá, có phần Bồ-tát nhỏ phá, có phần Bồ-tát lớn phá, như trước nói ví dụ ngọn đèn.
Lại, Tu-đà-hoàn cũng gọi là phá vô minh, cho đến A-la-hán mới là thật phá. Trong pháp Đại thừa cũng như vậy, Bồ-tát mới phát tâm vì hiểu được thật tướng các pháp nên cũng gọi là phá vô minh, cho đến Phật thời vô minh phá hết không còn thừa. Thế nên Tát-đà-ba-luân có vô minh tà kiến và ngã kiến, đối với Phật pháp đều phá hết nên được gọi là tam-muội Phá vô minh, không lỗi.
Môn tam-muội Các pháp không sai khác là, được tam-muội ấy thời quán hết thảy pháp một tướng tức là vô tướng.
Môn tam-muội Các pháp không hư hoại tự tại là, được tam-muội ấy thời quán hết thảy pháp như, pháp tính, thật tế, vô vi nên gọi là không hư hoại. Được pháp ấy rồi được tự tại, biết rõ ràng các pháp; vì cầu Phật đạo nên không thủ chứng pháp ấy.
Môn tam-muội Các pháp có thể chiếu sáng là, do tướng chung, tướng riêng mà biết hết thảy pháp.
Môn tam-muội Các pháp lìa tối tăm là, vô minh có hai, một là dày, hai là mỏng. Mỏng gọi là vô minh; dày gọi là tối tăm. Phá vô minh dày nên gọi là lìa tối tăm; trước phá vô minh mỏng nên gọi là phá vô minh đối với các pháp.
Môn tam-muội Các pháp không có các tương tục là, năm uẩn mỗi niệm diệt, tương tợ tương tục sinh, khi chết nối tiếp sinh mà không tương tợ. Được tam-muội này biết các pháp niệm niệm tương tục, không sai khác.
Môn tam-muội Các pháp không thể có được là tam-muội tương ưng với hết thảy pháp không.
Môn tam-muội Rải hoa là được tam-muội này, đối trước mười phương Phật có thể dùng hoa bảy báu rải lên trên Phật.
Môn tam-muội Các pháp vô ngã là quán hết thảy pháp vô ngã.
Môn tam-muội Uy thế như huyễn là được tam-muội này có thể mỗi mỗi biến hóa thân, như vị thầy huyễn thuật lớn có thể dẫn dắt chúng sinh phát khởi tâm hiếm có, dùng sức huyễn xoay chuyển tâm người trong một nước.
Môn tam-muội Được như tượng trong gương là, được tam-muội này thời quán các pháp sở hữu trong ba cõi, như tượng trong gương, hư dối không thật.
Môn tam-muội Biết được ngôn ngữ của hết thảy chúng sinh là, được tam-muội này thời có thể biết ngôn ngữ của hết thảy chúng sinh.
Môn tam-muội Hết thảy chúng sinh hoan hỷ là, vào tam-muội này thời có thể chuyển tâm sân giận của chúng sinh thành tâm hoan hỷ.
Môn tam-muội Vào phân biệt âm thanh là, vào tam-muội này thời có thể phân biệt được hết thảy âm thanh lớn nhỏ, thô tế của trời, người.
Môn tam-muội Được mỗi mỗi câu chữ của ngôn ngữ câu chữ trang nghiêm là, được tam-muội này thời nghĩa lý tuy cạn mà có thể trang nghiêm tự cú ngôn ngữ, làm cho người khác hoan hỷ, huống nữa là nghĩa lý sâu xa.
Môn tam-muội Không sợ là, được tam-muội này thời không sợ tất cả ma dân, ngoại đạo, luận sư và các phiền não.
Môn tam-muội Tính thường im lặng là, vào tam-muội này thời thường im lặng nhiếp tâm, vì độ chúng sinh nên tùy theo điều họ muốn nghe mà phát ra âm thanh, như kỹ nhạc trời ưng ý mà phát ra.
Môn tam-muội Được giải thoát không ngăn ngại là, được tam-muội này thời đối với hết thảy pháp được trí tuệ không ngăn ngại.
Môn tam-muội Lìa trần cấu là, được tam-muội này thời các trần cấu kiết sử đều dứt. Đây tức là tam-muội Vô sinh pháp nhẫn.
Môn tam-muội Danh tự, ngữ ngôn trang nghiêm là, được tam-muội này thời có thể trang nghiêm mỗi mỗi câu kệ, ngôn ngữ mà thuyết pháp.
Môn tam-muội Thấy các pháp là, vào tam-muội này, do thấy thế đế và đệ nhất nghĩa nên biết rõ các pháp.
Môn tam-muội Các pháp vô ngại đảnh là, như người ở đỉnh núi xem khắp bốn phương. Bồ-tát trú ở tam-muội này thấy khắp hết thảy pháp không có chướng ngại.
Môn tam-muội Như hư không là, vào tam-muội này thấy pháp trong thân ngoài thân đều như hư không, được tự tại.
Môn tam-muội Như kim cương là, như kim cương có thể phá các núi. Tam-muội này cũng như vậy, có thể phá pháp làm chướng ngại sáu Ba-la-mật mà thẳng đến Phật đạo.
Môn tam-muội Không sợ nhiễm đắm sắc là, được tam-muội này cho đến sắc cõi trời còn không nhiễm đắm, huống nữa là sắc khác.
Môn tam-muội Được hơn là, muốn có làm gì đều có thể hơn chứ không thua.
Môn tam-muội Chuyển mắt là, được tam-muội này thời ma và ma dân muốn thấy chỗ khuyết điểm của Bồ-tát, trở lại thấy thành chỗ hay.
Môn tam-muội Rốt ráo pháp tính là, được tam-muội này thời thấy hết thảy pháp rốt ráo vào trong pháp tính.
Môn tam-muội Có thể cho yên ổn là, được tam-muội này thời tuy luân chuyển qua lại sáu đường mà tự biết mình chắc chắn sẽ làm Phật, yên vui không lo sợ.
Môn tam-muội Sư tử rống là, vào tam-muội này có thể hàng phục đến thảy ma dân, ngoại đạo, không ai dám đương đầu.
Môn tam-muội Hơn hết thảy chúng sinh là, được tam-muội này quá hơn đối với hết thảy chúng sinh. Hết thảy có hai: Một là danh từ hết thảy, hai là thật hết thảy. Hơn đối với hàng phàm phu có tâm chấp trước ba cõi và hàng Thanh văn, Bích-chi Phật, Bồ-tát mới phát tâm chưa được tam-muội ấy, nên gọi là hết thảy.
Môn tam-muội Hoa trang nghiêm là, được tam-muội này thời thấy mười phương Phật ngồi trên hoa sen bảy báu ở giữa hư không mà mưa hoa sen bảy báu lên trên Phật.
Môn tam-muội Dứt nghi là, tuy chưa được làm Phật mà vẫn có thể dứt nghi cho hết thảy chúng sinh.
Môn tam-muội Theo hết thảy kiên cố là, thật tướng các pháp gọi là kiên cố. Được tam-muội này thời theo thật tướng các pháp chứ không theo pháp khác.
Môn tam-muội Vượt ra ngoài các pháp, được sức thần thông không sợ là, được tam-muội này thời vượt qua pháp phàm phu, được sáu thần thông, mười lực, bốn điều không sợ của Bồ-tát.
Môn tam-muội Có thể thông đạt các pháp là được tam-muội này cho đến đối với các pháp Như, pháp tính, thật tế, thông đạt mà không trú trước, cho đến pháp bình đẳng.
Môn tam-muội Các pháp tài ấn là, tài là pháp thiện; ấn là tướng. Như người được dây đeo ấn không ai dám khinh dễ; Bồ-tát được ấn pháp tài cũng không ai có thể làm chướng ngại.
Môn tam-muội Không có phân biệt thấy là, nếu phân biệt các pháp tức sinh tâm thương ghét; được tam-muội này thời thấy các pháp không khởi tâm phân biệt.
Môn tam-muội Lìa các chấp kiến là sáu mươi hai tà kiến và chấp thủ tướng đối với sắc pháp v.v... cho đến chấp Phật, chấp Pháp, chấp Tăng, chấp Niết-bàn đều gọi là chấp kiến, vì sao? Vì thủ tướng nên sinh ra tâm chấp trước.
Môn tam-muội Lìa hết thảy tướng là, tức tam-muội tương ưng với môn Vô tướng giải thoát.
Môn tam-muội Lìa hết thảy nhiễm trước là, lìa hết thảy tướng nên đối với hết thảy pháp cũng không chấp trước.
Môn tam-muội Trừ hết thảy giải đãi là, được tam-muội này như trong đây nói, cho đến bảy năm không ngồi, không nằm. Bồ-tát được tam-muội ấy thời thường không có tâm giải đãi cho đến khi thành Phật, không bao giờ ngưng nghỉ.
Môn tam-muội Được pháp sáng suốt, sâu xa là, pháp sáng suốt là Phật pháp và hết thảy trí tuệ. Bồ-tát được tam-muội này thời có thể thấy xa Phật pháp, suy nghĩ trù lượng biết pháp ấy sâu xa, vi diệu không gì sánh bằng.
Môn tam-muội Không thể cướp đoạt là được tam-muội này thời hành đạo Bồ-tát không ai có thể cướp đoạt được ý nguyện ấy.
Môn tam-muội Phá ma là, được tam-muội này thời ma tuy là chủ cõi Dục, mà Bồ-tát dùng thân người vẫn có thể phá được ma.
Môn tam-muội Không nhiễm trước ba cõi là, được tam-muội này thời thân tuy ở trong ba cõi mà tâm thường ở Niết-bàn, nên không đắm trước.
Môn tam-muội sinh khởi ánh sánh là, được tam-muội này thời có thể phóng ra vô lượng ánh sáng chiếu khắp mười phương.
Môn tam-muội Thấy chư Phật là được tam-muội này thời tuy chưa được mắt trời, tai trời mà vẫn có thể thấy mười phương chư Phật, nghe mười phương chư Phật nói pháp, thưa hỏi chỗ nghi.
Tát-đà-ba-luân trú trong các tam-muội ấy liền thấy mười phương vô lượng vô số chư Phật ở giữa đại chúng, vì hàng Bồ-tát mà nói Bát-nhã ba-la-mật.
(Hết cuốn 97 theo bản Hán)