- Mở Đầu
- Tiểu Sử Bồ Tát Thế Thân
- Duy Thức Tam Thập Tụng
- Ba Mươi Bài Tụng Duy Thức
- Chương I Các Thức Năng Biến Trong Duy Thức Học
- Chương Ii Đại Cương Về A Lại Da Thức
- Chương Iii Đặc Tánh Của A Lại Da Thức
- Chương Iv Mạt Na Thức
- Chương V Liễu Biệt Cảnh Thức
- Chương Vi Các Tâm Sở Thiện, Phiền Não Và Bất Tịnh
- Chương Vii Sắc Pháp Và Tiền Lục Thức
- Chương Viii Duyên Cảnh Và Lượng
- Chương Ix Căn Thân Và Thế Giới
- Chương X Bất Tương Ưng Hành Pháp
- Chương Xi Tam Tánh
- Chương Xii Tam Vô Tánh
- Chương Xiii Các Địa Vị Tu Tập
- Chương Xiv Tóm Tắt
- Tìm Một Hướng Đi
Thích Trí Châu
Thanh Lương Thiền Thất - Phật Lịch 2549, 2005
Trong các chương trước chúng ta đã biết Duy Thức Học cho rằng thế giới hiện tượng mà chúng ta đang hiện hữu chỉ là một sự chuyển biến nơi tâm thức. Căn bản của tâm thức là thức A lại gia, là nơi chứa đựng tất cả mọi hạt giống chủng tử, những nghiệp nhân mà chúng ta đã tạo tác ra từ thuở vô thủy cho đến bây giờ. Các chủng tử này chuyển biến, tăng trưởng tiềm ẩn cho đến khi hội được đầy đủ nhân duyên thì hiện khởi ra một loài nào đó trong tam giới. Hiện tại đây chúng ta mang hình hài của con người sinh sống trên trái đất này mà Phật giáo gọi là cõi ta bà.
Đã có thân xác là chúng ta bị vận hành bởi luật nhân quả, bởi thập nhị nhân duyên, bởi sanh lão bệnh tử mà luân hồi trong sáu cõi. Mặc dù vậy với kiếp làm người ta có cái khả năng tu tập để thoát ra khỏi các sự vận hành đó. Sự tu tập này có những điều kiện căn bản cốt yếu và có những thứ lớp địa vị trước khi đạt đến một sự giải thoát hoàn toàn mà ta thường gọi là Giác Ngộ, là Chân Tâm, là Phật Tánh, là Chân Không Diệu Hữu, là Chánh Đẳng Chánh Giác, là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề và rất nhiều danh từ trừu tượng khác được nói tới trong tam tạng kinh điển.
Quả vị tối thượng bồ đề mà chúng ta đang nói đến đây chỉ là tạm dùng danh từ để hiển bầy chứ thật ra không thể gọi được là quả vị nào cả vì cảnh giới này chỉ thật sự được trực nhận khi ta đã kinh nghiệm được một sự đột biến nơi tâm thức. Cái cảnh giới này vượt khỏi tầm suy nghĩ và tưởng tượng của con người nên không thể dùng lời nói để hiển bày ra được. Không thể nào có thể dùng ngôn từ, một phương tiện có giới hạn để diễn tả một cảnh giới vô giới hạn được. Tuy nhiên xin hãy tạm chấp nhận là có cái cảnh giới vô thượng hầu có thể bàn luận và học hỏi.
Điều kiện tiên quyết là phải phát bồ đề tâm, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa độ chúng sanh, nhất quyết phát nguyện đời đời kiếp kiếp tu trì theo đường lối của bậc giác ngộ đã chỉ dậy, giữ tâm không lùi xụt, kiên trì dũng mãnh tu tập cho tới khi đạt được thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, có được sự tự tại vô ngại, một năng lực bất khả tư nghì, tùy duyên ứng hiện hóa độ chúng sanh.
Kinh Lăng Nghiêm có nói đến 57 quả vị dẫn đến Phật quả. Những quả vị đó là: càn huệ địa, thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, tứ gia hạnh, thập địa, đẳng giác và diệu giác.
Khi mới phát tâm tu hành, căn cơ còn non nớt, sự hiểu biết còn nông cạn nên địa vị này gọi là càn huệ địa. Càn tức là nông cạn, khô cằn ví như mảnh đất mới được vun sới chưa được tưới tẩm nhiều.
Sở dĩ hành giả phát tâm tìm hiểu và tu hành pháp đại thừa là vì trong A lại da thức vốn sẵn có hạt giống đại thừa gọi là chủng tánh đại thừa. Khi hạt giống này được vun sới đầy đủ sẽ tăng trưởng và vươn lên từ nơi căn bản thức khiến ta cảm thấy thao thức muốn tầm cầu học đạo, khiến ta có cơ duyên gặp được thiện tri thức, hướng dẫn, khai mở tâm thức, làm ta tin tưởng ở pháp đại thừa, hiểu được sự như huyễn của vạn pháp, xa rời được sự chấp trước, xa rời được vọng tưởng, tin tưởng vào đạo vô thượng mà phát bồ đề tâm, tu tập thăng tiến qua các địa vị từ thập tín lên đến thập địa, rồi đẳng giác và diệu giác.
Trong kinh Lăng Nghiêm, A Nan sau khi được Phật cho Văn Thù Sư Lợi dùng thần chú cứu thoát khỏi chú thuật của Ma Đăng Già, đến trước Phật khóc lóc, giận mình từ vô thủy đến nay, một bề học rộng nhớ nhiều mà chưa có được định lực rốt ráo, cầu xin Phật chỉ cho các pháp Xa Ma Tha (Samatha), Tam Ma Đề (Samadhi) và Tam Ma Bạt Đề (Samapatti) là những phương tiện căn bản để thành đạo quả của chư Như Lai.
Xa Ma Tha, Tam Ma Đề và Tam Ma Bạt Đề ở kinh Lăng Nghiêm phải được hiểu theo thứ tự là Chỉ, Quán và Thiền na. Chỉ là pháp tu định của tiểu thừa, giữ cho tâm được yên, chẳng hạn như pháp chú tâm vào sự đếm hơi thở, chú tâm vào hơi thở dài hoặc ngắn, chú tâm vào bụng phình lên hay xẹp xuống, chú tâm vào đầu một que nhang đang cháy, v.v... Quán là pháp quán tưởng của tiểu thừa, chẳng hạn như quán về mầu sắc xanh, trắng hoặc vàng, quán nước, quán ảnh tượng của Phật hay các vị bồ tát, quán hình ảnh hoa sen, quán các chữ phạn như án hay lam, ngũ đình tâm quán (sổ túc, bất tịnh, từ bi, nhân duyên, 18 giới), quán tứ niệm xứ, quán nhân duyên, v.v...Thiền na còn gọi là thiền hay thiền định là phương pháp của đại thừa bao gồm cả chỉ lẫn quán.
Bàn luận sâu về các pháp Chỉ và Quán không phải là phạm vi của bài này. Ở đây chỉ muốn nhấn mạnh rằng muốn đạt đến cảnh giới Chánh Đẳng Chánh Giác không thể loại bỏ Thiền Định. Tùy theo phương pháp chỉ dậy của các vị tổ mà có nhiều pháp môn và tông phái. Hiện nay những tông phái đại thừa chính thường được nói tới là Tào Động, Tịnh Độ, Mật Tông và Lâm Tế. Mỗi tông phái có chủ trương, đường lối, tông chỉ và cơ phong riêng. Tùy theo cơ duyên và trình độ, theo tông phái nào thì phải giữ tông chỉ và cơ phong của tông phái đó.
Tào Động cũng gọi là thiền mặc chiếu tức là phương pháp tọa thiền giữ tâm tĩnh lặng, biết các vọng niệm khởi lên mà không để vọng niệm lôi cuốn.
Tịnh Độ dùng câu Nam Mô A Di Đà Phật còn gọi là lục tự Di Đà để giữ tâm được an định.
Mật Tông dùng lục tự chân ngôn Om Ma Ni Bát Mê Hồng để an trụ tâm.
Lâm Tế thì khán thoại đầu, hiện nay câu thoại đầu thông dụng được thực tập trong các thiền đường bên Trung Hoa là câu Niệm Phật Là Ai?
Tâm càng định thì tánh giác càng phát triển. Khi tâm tư đã lắng đọng thì những sự ồn ào hay huyên náo bên ngoài không còn ảnh hưởng nhiều đến sự định tâm của chúng ta, các vọng tưởng cũng ít khởi lên, và ta từ từ sẽ cảm giác được những chuyển biến bên trong. Thoạt đầu là những vi vu có thể là do những chuyển động của các luồng khí huyết lưu chuyển trong châu thân, đi lên não bộ, cảm ứng đến các giây thần kinh. Rồi tánh giác phát triển tinh tế hơn khiến ta cảm nhận được những cảnh giới ở xa, ở trong màn đêm; đó là lúc tánh giác phá được những ngăn ngại của sắc ấm.
Sau đó tánh giác phát triển thêm khiến hành giả thoát khỏi các ngăn ngại của thọ, tưởng, hành và thức ấm, cảm nhận được tất cả những gì ta chưa từng cảm nhận được, thấy được sự vận hành của tâm thức, vượt ra ngoài tầm giới hạn của cả không gian lẫn thời gian.
Chính sự phát triển của tánh giác này sẽ đưa ta đến đạo quả vô thượng. Sự phát triển tánh giác này là sự phát triển âm thầm trong vô thức hay tiềm thức, là cái nhân không tạo tác, là cái nhân vô vi sẽ hướng chúng ta đến quả giác ngộ vô vi, một sự giác ngộ viên mãn, một cảnh giới không cảnh giới, một chân không vô vi.
Hãy nghiên cứu bài tụng thứ hai mươi sáu nói về địa vị gia hạnh.
BÀI TỤNG THỨ HAI MƯƠI SÁU
Nãi
chí vị khởi thức
Cầu
trụ Duy Thức Tánh
Ư
nhị thủ tùy miên
Do
vị năng phục diệt
Dịch là:
Khi
chưa khởi được thức
Cầu
trụ Duy Thức Tánh
Thì
hai thủ tiềm ẩn
Vẫn
chưa thể diệt trừ
Chúng sanh từ vô thủy bị vô minh chấp chước che lấp chân tâm nên mãi lưu chuyển trong luân hồi sanh tử. Những chấp chước đó là phiền não chướng và sở tri chướng. Hai chướng này còn gọi là hai thủ, một là năng thủ, hai là sở thủ, là sự chấp chước vào khả năng nhận thức và hiểu biết cùng đối tượng của sự nhận thức và hiểu biết đó, luôn luôn thấy có ngã và có pháp.
Hai thủ này rất khó khắc phục, khi chưa tu được đến bậc kiến đạo thì chưa thể có cái khả năng diệt trừ được chúng vì chúng rất vi tế, nằm núp sâu trong tâm thức, là căn nguyên của mọi chướng ngại ngăn trở tiến trình tu hành.
Vậy bậc kiến đạo là gì? Bậc kiến đạo là bậc sơ địa bồ tát, đã trải qua 45 quả vị, từ quả vị càn huệ địa, qua thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng rồi tứ gia hạnh.
Đến quả vị sơ địa thì mới thật sự nhận biết và thật tin nơi chánh pháp, mới thật sự phát bồ đề tâm dũng mãnh, bỏ được hết các vị kỷ, quên được những lợi ích riêng tư và làm điều gì cũng hồi hướng đến lợi ích và hạnh phúc cho muôn loài. Vị bồ tát sơ địa đã trải qua địa vị tứ gia hạnh là địa vị mà hành giả biết rõ con đường tu tập đưa đến giải thoát mà danh từ chữ hán khi xưa gọi là thuận hướng đến phần quyết trạch, tức là thuận hướng đến phần giải thoát chân thật. Vì biết rõ con đường tu hành nên có cái khả năng diệt trừ hai cái thủ là năng thủ và sở thủ, còn gọi là hai cái chấp, chấp ngã và chấp pháp.
Ở đây tưởng cũng nên nói sơ về bốn cái gia hạnh này. Bốn gia hạnh gồm có noãn, đảnh, nhẫn và thế đệ nhất.
Con người khi hiện hữu họp nhóm lại thành từng nhóm, từng địa phương, phát minh ra cách thức để liên lạc với nhau, đặt ra các quy ước về dấu hiệu và âm thanh để diễn tả các đối tượng vật chất bên ngoài và tình cảm bên trong, nhận xét và đặt tên, định nghĩa, phân biệt đặc tánh của từng hiện tượng. Thành Duy Thức gọi đó là bốn pháp tầm tư. Tầm tư danh, tầm tư nghĩa, tầm tư đặc tánh và tầm tư sai biệt.
Ở bậc noãn, vị bồ tát phát sanh tầm tư bậc hạ, quán bốn pháp tầm tư đều do tự tâm biến hiện, giả nói là có chứ kỳ thực không có gì để nắm bắt, tức là không có tướng sở thủ. Các pháp đều như huyễn, và do cái huyễn đó mà đặt ra có tên gọi, do tên gọi đó mà biết ý nghĩa và đặc tánh của các pháp, từ đó mới phân biệt được sự khác biệt của các pháp. Các vị bồ tát tiếp tục quán như vậy tới lúc đạt được hơi lửa đầu tiên của mặt trời trí huệ, là đạt được bậc noãn, là hơi ấm, là tướng nóng.
Ở bậc đảnh, vị bồ tát phát sanh tầm tư bậc thượng, vẫn quán thấy bốn pháp tầm tư nói trên đều do tự tâm biến hiện, các pháp đó chỉ giả thiết nói ra mà thôi chứ thật sự không có gì để nắm bắt. Ở giai đoạn này tướng sáng của lửa trí tuệ tăng thêm. Địa vị này là tột đỉnh của địa vị tầm tư nên gọi là đảnh, vị bồ tát đã đứng trên đỉnh núi vượt trên mọi sự mê lầm, thấy được khoảng không gian trong sáng bao la.
Noãn và Đảnh đều nương bốn tầm tư mà thành lập.
Ở bậc nhẫn thì phát khởi Trí Như Thật bậc hạ, lìa khỏi Sở Thủ và Năng Thủ, nhẫn chịu cảnh và thức đều không nên gọi là nhẫn. Khi ấy trí giác ngộ sáng tỏ, thân tâm giữ được sự yên lặng trong sáng, không bị các pháp vẩn đục ở chung quanh chi phối.
Ở bậc thế đệ nhất thì phát khởi Trí Như Thật bậc thượng, lìa Năng Thủ và Sở Thủ liên tục không gián đoạn nên chắc chắn sẽ nhập vào Kiến Đạo. Vì đây là pháp tối thắng hơn cả của phàm phu nên gọi là thế đệ nhất, phá hết được các kiến hoặc sai lầm của Phi tưởng phi phi tưởng, sẵn sàng nhập vào dòng thánh.
Nhẫn và Thế Đệ Nhất đều nương bốn như thật trí mà thành lập. Bốn Như Thật Trí là Như Thật Trí Danh, Như Thật Trí Nghĩa, Như Thật Trí Đặc Tánh và Như Thật Trí Sai Biệt.
Như Thật Trí là trí biết hai thủ năng và sở đều không có thật tánh tức là rõ biết rằng lìa thức thì không có bốn tướng Danh, Nghĩa, Đặc Tánh, Sai Biệt và lìa bốn tướng đó thì cũng không có thức chấp thủ. Tất cả chỉ là sự chuyển hiện nơi tâm thức, không có gì là hiện lượng (chân thật) để nắm bắt.
Hãy tiếp tục nghiên cứu bài tụng thứ hai mươi bẩy nói về điều kiện để trụ được Duy Thức tức địa vị tư lương.
BÀI TỤNG THỨ HAI MƯƠI BẨY
Hiện
tiền lập thiểu vật
Vị
thị Duy Thức Tánh
Dĩ
hữu Sở Đắc cố
Phi
thật trụ Duy Thức.
Dịch là:
Nếu
còn một chút gì
Cho
là Duy Thức Tánh
Là
còn có Sở Đắc
Chẳng
thật trụ Duy Thức.
Khi tinh tấn tu hành thì thế nào cũng nếm được hương vị an lạc của sự tu hành, hiểu những ý nghĩa thâm sâu trong các lời kinh, thấy được những cảnh giới khó có thể lý giải, có thể biết trước được một vài sự việc, có thể thấy được trong đêm tối hay là có những giấc mơ thật là kỳ lạ, kinh nghiệm được những giây phút thoải mái trong khi thiền định. Lấy những kinh nghiệm này làm pháp hỷ mà vững tin, dũng mãnh tu hành tinh tấn thì tốt, nhưng lấy đó để mà khoe khoang chứng đắc thì là rất sai lầm.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật liệt ra 50 loại ma chướng trong khi tu tập, Phật nói nếu thiền quán mà được những năng lực gì mà không khởi tâm thấy mình có chứng đắc thì tốt, còn khởi tâm ưa thích hay là thấy mình chứng bậc thánh thì rơi vào tà kiến. Hãy xem một đoạn kinh nói về tà kiến, về sự chứng được ban đêm thấy phương xa:
"Lại dùng tâm ấy nghiên cứu sâu xa, bỗng ở giữa đêm thấy rõ chợ búa, làng mạc, bà con quyến thuộc phương xa, hoặc nghe lời họ nói. Đây gọi là dằn ép tâm cùng tột mà phóng hiện ra, nên thấy được cách xa như thế, không phải là chứng bậc thánh; nếu không khởi tâm chứng thánh thì gọi là cảnh giới tốt, nếu nghĩ là chứng bậc thánh tức là mắc các tà kiến".
Hãy xem thêm một đoạn kinh nói về ma chướng của sự Chấp Sanh Vô Sanh, trong pháp Vô Sanh mà lại chấp có tứ đại sanh ra các pháp, chấp có cái Sanh trong pháp Vô Sanh:
"Lại thiện nam tử, xét cùng tánh không của hành ấm, đã hết sanh diệt nhưng chưa viên mãn về sự tinh diệu của tánh tịch diệt. Khi đã được tùy thuận các căn viên dung, dùng thay lẫn nhau được, nơi tánh viên dung biến hóa tất cả, phát sanh cầu cái ánh sáng của hỏa đại, ưa cái thanh tịnh của thủy đại, yêu cái châu lưu của phong đại, xét cái thành tựu của địa đại, rồi sùng phụng mỗi mỗi cái, nhận những tứ đại kia làm bản nhân và lập nó làm cái nhận hiểu thường trụ, thì người đó sa vào cái chấp 'Sanh Vô Sanh', thành bè bạn với ông Ca Diếp Ba và bọn Bà La Môn, đem hết thân tâm thờ lửa, thờ nước, để cầu ra khỏi sanh tử, mê muội tánh Bồ Đề của Phật, bỏ mất chánh tri kiến; ấy gọi là bọn thứ năm chấp trước, phụng thờ, mê tâm theo vật, lập cái nhân mong cầu hư vọng, để cầu cái quả mong mỏi giả dối, tránh xa tánh viên thông, đi ngược đạo Niết Bàn, sanh ra giống điên hóa".
Dù đạt đến cảnh giới phi tưởng phi phi tưởng của cõi trời vô sắc thì cảnh giới này cũng chưa phải rốt ráo thanh tịnh vô vi, trong tâm thức vẫn còn tiềm ẩn những hoặc lậu thật vi tế của tham, sân và si. Trong kinh có nói đến vị hành giả kia tu tập trong khu rừng bên bờ suối, khi sắp đắc quả phi tưởng phi phi tưởng, bị nhiễu loạn bởi những tiếng động gây ra bởi những đàn chim bay ríu rít xung quanh và bởi những bầy cá nhào lộn trong dòng suối, đã khởi lên một niệm sân nên sau này khi hết hưởng phước ở cõi trời vô sắc thì bị đọa xuống làm con hồ phi ly, là một loại chồn có cánh, vừa biết bay, bắt được chim trên trời, vừa biết lội, ăn được cá dưới nước.
Trong Trung Bộ Kinh, phẩm Pháp Môn Căn Bản, Phật nói nếu kẻ nào đạt được Niết Bàn mà nghĩ rằng mình có chứng đắc thì đó không phải là chứng đắc mà chỉ là một sự tham ái thôi:
" Người ấy nhận biết Niết Bàn là Niết Bàn, người ấy nghĩ mình là Niết Bàn, mình ở trong Niết Bàn, mình ở ngoài Niết Bàn, Niết Bàn là của mình, người ấy tham đắm Niết Bàn. Vì sao thế? Vì người ấy không hiểu rốt ráo Niết Bàn. Ta nói thế!"
Cũng trong phẩm này, ở một đoạn khác, Phật nói:
"Này các tỳ kheo, Như Lai là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác thật biết Niết Bàn là Niết Bàn, ngài không nghĩ mình là Niết Bàn, mình ở trong Niết Bàn, mình ở ngoài Niết Bàn, ngài không nghĩ Niết Bàn là của mình, ngài không tham đắm Niết Bàn. Vì sao thế? Vì ngài hiểu rõ tham đắm là cội rễ của khổ đau, từ đó có sự hiện hữu, có sanh, lão, bệnh và tử. Do vậy này các vị tỳ kheo, với sự diệt trừ hoàn toàn, xa lìa, đoạn trừ, xả bỏ, từ bỏ tất cả tham đắm, Như Lai đã giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác."
Trong kinh Kim Cang, Phật nói với ông Tu Bồ Đề:
"Thật vô hữu pháp Như Lai đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Nhược hữu pháp Như Lai đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề giả, Nhiên Đăng Phật tức bất dữ ngã thọ ký: Nhữ ư lai thế đương đắc tác Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni. Dĩ thiệt vô hữu pháp đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, thị cố Nhiên Đăng Phật dữ ngã thọ ký thị ngôn: Nhữ ư lai thế, đương đắc tác Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni ."
Có nghĩa là:
"Thật không có pháp Như Lai đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nếu có pháp Như Lai đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì Phật Nhiên Đăng đã không thọ ký cho ta: Ở đời sau, ông sẽ đắc thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Vì thật không có pháp đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta như thế này: Ở đời sau, ông sẽ đắc thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni."
Các vị bồ tát chưa đạt đến bậc Bất Động Địa tức bồ tát đệ bát địa thì tuy thấy rõ được con đường tu Giải Thoát nhưng vì vẫn còn thấy có Pháp để tu, còn có cảnh giới Niết Bàn Tịch Tĩnh, còn có tướng Không để chứng, vẫn còn chấp vào một chút tướng mà cho đó là Thắng Nghĩa của Duy Thức, là còn có sở đắc nên chưa thật trụ ở nơi Chân Thật của Duy Thức.
Hãy nghiên cứu bài tụng thứ hai mươi tám nói về địa vị thông đạt.
BÀI TỤNG THỨ HAI MƯƠI TÁM
Nhược
thời ư sở duyên
Trí
đô vô sở đắc
Nhĩ
thời trụ Duy Thức
Ly
nhị thủ tướng cố.
Dịch là:
Nếu
khi đối sở duyên
Trí
đều không sở đắc
Mới
thật trụ Duy Thức
Vì
đã lìa hai thủ.
Các vị bồ tát ở bậc thất địa tiếp tục tinh tấn tu tập không lùi sụt sẽ phát sanh được trí vô sở đắc hay là trí vô phân biệt, không còn chấp vào hai thủ là năng thủ và sở thủ, không còn có cái tướng đối đãi chấp có lẫn chấp không nên có cái khả năng trực nhận được thể tánh chân như. Địa vị này gọi là thông đạt vị.
Những vị A la hán và Bích chi phật đã hồi đầu theo đại thừa cùng những vị bồ tát đệ bát địa tiếp tục tu tập vô phân biệt trí (còn gọi là vô sở hữu trí) có được đầy đủ các phẩm chất ưu việt để đạt tới đạo quả bồ đề, có được trí xuất thế gian, đoạn dứt được hai tướng thô trọng của phiền não chướng và sở tri chướng, phát khởi được tâm từ bi chân thật, thật lòng thương sót cho những chúng sanh hãy còn mê muội, đắm say trong sanh tử luân hồi.
Hãy nghiên cứu bài tụng thứ hai mươi chín nói về địa vị tu tập.
BÀI TỤNG THỨ HAI MƯƠI CHÍN
Vô
đắc bất tư nghì
Thị
xuất thế gian trí
Xả
nhị thô trọng cố
Tiện
chứng đắc chuyển y.
Dịch là:
Không
đắc chẳng nghĩ bàn
Là
trí xuất thế gian
Xả
hết hai trọng chướng
Nên
chứng quả chuyển y.
Trí thế gian bị phiền não chướng và sở tri chướng làm trở ngại. Hai cái chướng này làm cho sự chứng quả Giải Thoát Bồ Đề trở nên khó khăn và nặng nề mệt nhọc nên còn được gọi là hai trọng chướng.
Người thế gian thường bị ngăn trở bởi hai trọng chướng của năng và sở, chấp vào khả năng nhận biết của mình và chấp vào sự đánh giá các đối tượng của sư nhận biết đó. Chính chúng là nguyên nhân tạo ra các thành kiến, phê phán, dẫn đến những thị phi, hiểu lầm, tranh cãi, đấu tranh và hận thù. Chúng làm trở ngại cho tình giao hảo, sự cởi mở và sự tiếp thông giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái trong gia đình, giữa bạn bè và những người thân thuộc, giữa mọi người xung quanh. Chúng làm sứt mẻ tình thân hữu, bế tắc sự thông cảm khiến cho lòng từ bi và thương yêu không thể phát triển được.
Các vị bồ tát đệ bát địa và các thanh văn duyên giác hồi đầu là những vị tu tập được trí vô sở đắc là cái trí có khả năng loại trừ tận cội gốc hai trọng chướng này để hành giả kinh nghiệm được sự chuyển biến nội tại, một sự đột biến nơi tâm thức mà đắc được quả chuyển y.
Chuyển y là gì?
Chuyển là thay đổi, biến đổi như chuyển từ xấu sang đẹp, từ nhơ sang sạch, từ cấu sang tịnh, từ hạn hẹp sang rộng lớn, từ có giới hạn sang vô giới hạn.
Y là nơi nương tựa, nơi được lấy làm căn bản, làm cơ sở tỷ như cái nhà là cơ sở cho người ở, thế giới là nơi cho chúng sanh nương tựa và sinh sống, A lại da thức là căn cứ cho các chủng tử và hiện hành.
Khi chưa chuyển y thì chân tâm bị che lấp bởi hai chướng. Hai chướng này cũng gọi là vô minh, vì làm cho chân tâm bị che khuất, mê muội tăm tối, không được sáng suốt, làm cho sự nhận biết bị biến kế.
Chân tâm bị nhiễm ô sẽ trở nên hạn hẹp, giới hạn nên không được gọi là chân tâm mà là A lại da thức, là cái tạng thức chứa mọi hạt giống phân biệt, cả tốt lẫn xấu và có cả không xấu lẫn không tốt.
Nương nơi A lại da thức mà khởi được vô phân biệt trí còn gọi là vô sở đắc trí thì sẽ dần dần loại bỏ được các cấu nhiễm, xả được hết hai trọng chướng của năng thủ và sở thủ. Khi ấy thức A lại da trở nên thanh tịnh, trong sáng, không còn gọi là thức A lại da nữa mà là Bạch tịnh thức, Đại viên cảnh trí hay là Viên thành thật. Lúc này là lúc không còn có phiền não chướng và sở tri chướng nữa. Đó là lúc đắc được quả chuyển y, còn gọi là Đại Giải Thoát hay là Đại Bồ Đề.
Chính vì những lý do này mà bồ tát Thế Thân nói cái trí vô sở đắc là cái trí xuất thế gian không thể nghĩ bàn, có khả năng đưa hành giả tới bờ giác.
Vị bồ tát nương nơi Duy Thức Tướng tu tập Vô Sở Đắc Trí hay là Vô Phân Biệt Trí, xả được hai tướng thô trọng của phiền não chướng và sở tri chướng mà đắc quả chuyển y là vị bồ tát đã vượt khỏi bậc Thập Địa, lên bậc Đẳng Giác, khởi được Kim Cương Dụ Định chứng được quả vị Diệu Giác của Phật, nhập vào được Duy Thức Tánh tức là cái tánh chân thật của Duy Thức.
Vì thế mà phương pháp tu đạo của Duy Thức được gọi là phương pháp Tùng Tướng Nhập Tánh, nương nơi hiện tướng mà nhập được thể tánh chân như.
Thể tánh chân như là Thật Tánh Duy Thức, là Vô Lậu Giới, là Đại Niết Bàn, là Đại Giải Thoát, là Đại Bồ Đề hay là Vô Thượng Giác.
Các điều vừa trình bầy trên chẳng có gì khác với những gì nói trong Bát Nhã Tâm Kinh mà chúng ta trì tụng hằng ngày. Hãy thử ôn lại vài đoạn:
"Dĩ vô sở đắc cố, bồ đề tát đỏa y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn. Tam thế chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố đắc A Nậu Đa La Tam Miệu tam Bồ Đề"
Lời Việt như sau:
"Vì không có sở đắc, khi một vị bồ tát nương Diệu Pháp Trí Độ thì tâm không chướng ngại. Vì tâm không chướng ngại nên không có sợ hãi, xa lìa mộng tưởng, xa lìa điên đảo, đạt Niết Bàn Tuyệt Đối, Chư Phật trong ba đời y Diệu Pháp Trí Độ nên đắc Vô Thượng Giác".
Trong Thiền Tông có nói đến Đầu Sào Trăm Trượng, khi tới đầu sào rồi phải làm thêm được một bước nhẩy vọt, buông bỏ tất cả, vào được cái Không của Hố Sâu Vực Thẳm, là ý nghĩa của cái Vô Sở Đắc này.
Hãy nghiên cứu địa vị cứu cánh nói trong bài tụng cuối của Duy Thức Tam Thập Tụng.
BÀI TỤNG THỨ BA MƯƠI
Thử
tức Vô Lậu Giới
Bất
tư nghì thiện thường
An
lạc giải thoát thân
Đại
Mâu Ni danh pháp.
Dịch là:
Đấy
là cõi Vô Lậu
Thiện
Thường chẳng nghĩ bàn
Thân
giải thoát an vui
Gọi
là Đại Mâu Ni
Quả chuyển y là kết quả đạt được sau khi diệt trừ được hai trọng chướng, vượt qua bậc đẳng giác, khởi kim cang dụ định thành Phật, là mục đích của sự tu hành, là cứu cánh vị.
Chữ Thử ở đầu bài tụng này là chỉ cho quả chuyển y Đại Niết Bàn hay là Đại Bồ Đề. Đại Niết Bàn là muốn nói đến Đại Giải Thoát, giải thoát khỏi tất cả nhiễm ô của phiền não chướng. Đại Bồ Đề là muốn nói đến Vô Thượng Giác, là trí huệ thanh tịnh, xa rời mọi kiến chấp của sở tri chướng.
Thử
tức vô lậu giới có nghĩa là quả chuyển y đó cũng gọi
là Vô Lậu Giới, cõi vô lậu thanh tịnh của bậc Đại Giác
Ngộ. Cõi này khác hẳn các cõi của địa vị tứ gia hạnh,
và cũng khác hẳn các cõi của hàng Thanh Văn và Duyên Giác
(Nhị Thừa) vì:
1.
Diệt trừ được tất cả các phiền não nhiễm ô.
2.
Không phải là cảnh giới cuả các tật xấu và sự mong cầu
vì không còn dính mắc vào danh và lợi.
3.
Tự tánh thanh tịnh, viên mãn và phổ chiếu.
Vô
Lậu Giới có năm đặc tánh:
Bất
khả tư nghì vì là một chuyển thức nội tại, một sự đột
biến bên trong tâm thức nơi vị bồ tát. Sự đột biến này
rất siêu việt và thâm sâu, vượt khỏi trí tưởng tượng
của phàm phu.
Thiện
vì toàn là pháp trong sạch (bạch tịnh), không có mảy may
dấu vết của nhiễm ô, đồng với pháp giới thanh tịnh,
xa lìa khỏi sanh diệt, khi mà bốn thức đã chuyển thành bốn
trí. Tiền ngũ thức thành Thành sở tác trí, Ý thức thành
Diệu quan sát trí, Mạt na thức thành Bình đẳng tánh trí,
A lại da thức thành Đại viên cảnh trí (Bạch tịnh thức).
Thường
vì không cùng tận, không biến đổi, không sanh không diệt,
đồng với pháp giới thanh tịnh.
An
lạc vì xa lìa các chấp thủ, không còn bị bức não nên thường
làm an lạc mọi loài chúng sanh.
Giải
thoát vì đã xa lìa hẳn khỏi phiền não chướng và sở tri
chướng, vượt thoát khỏi các nghiệp tạo tác sanh tử luân
hồi.
Quả chuyển y cũng gọi là cứu cánh vị và rất nhiều tên gọi khác bao hàm tất cả các đặc tính tịch tĩnh thanh tịnh, thiện thường, giải thoát và an vui vượt lên trên tất cả sự suy nghĩ và tầm hiểu biết của phàm phu, cũng gọi là Đai Mâu Ni, Đại Tịch Tĩnh, hay là Đại Tịch Mặc.
Trong Bách Pháp Minh Môn Luận ngài Thế Thân có nói đến sáu món vô vi: Hư Không Vô Vi, Trạch Diệt Vô Vi, Phi Trạch Diệt Vô Vi, Bất Động Diệt Vô Vi, Thọ Tưởng Diệt Vô Vi và Chân Như Vô Vi. Tùy theo những đặc tính nào muốn nhấn mạnh mà tên gọi của cảnh giới vô vi có khác:
Hư
Không Vô Vi vì muốn diễn tả cái không sanh không diệt, cái
như như không tăng không giảm, không nhơ không sạch, xa rời
các pháp cấu nhiễm, rỗng rang như hư không.
Trạch
Diệt Vô Vi vì muốn nói đến sự nhất quyết diệt trừ tất
cả các cấu nhiễm mà chứng đắc Chân Như.
Phi
Trạch Diệt Vô Vi vì muốn nói đến sự tu trì nghiêm
mật vô phân biệt trí mà chứng đắc Chân Như.
Bất
Động Diệt Vô Vi hay là Diệt Tận Định Vô Vi vì muốn nói
đến cái tâm không bị lay chuyển, kiên cố tu trì, diệt được
mọi phiền não mà chứng đắc Chân Như.
Thọ
Tưởng Diệt Vô Vi vì muốn nói đến sự xa lìa thọ tưởng
mà chứng đắc Chân Như.
Chân
Như Vô Vi vì muốn nói đến cái thể Chân Như thanh tịnh,
tịch tĩnh, như như của các pháp.
Để kết thúc chương này, xin hãy đọc một đoạn trong kinh Lăng Già Tâm Ấn:
"Này Đại Huệ, do các công hạnh của đại từ bi, phương tiện thiện xảo và vô công dụng, vị bồ tát quán sát tất cả các chúng sanh, biết rằng tất cả đều như huyễn, như những bóng hình không phải sanh ra vì một nguyên nhân nào; và xa hơn nữa, vì biết rõ thế giới không hiện hữu ngoài tâm thì vị bồ tát đó hướng đến một đời sống vô tướng. Từ từ đưa tâm thức lên các địa vị cao hơn, vị ấy chứng được cái Tam Ma Địa trong đó vị ấy hiểu được rằng ba cõi chính là tâm. Cái Tam Ma Địa mà vị ấy đạt tới gọi là Như Huyễn Tam Ma Địa. Sau đó vị ấy xa rời mọi biến kế, kiện toàn trí tuệ, biết được tánh vô sanh của mọi sự vật và nhập được vào cái Tam Ma Địa gọi là Kim Cương Dụ Định và đắc được Phật thân. Luôn trú trong sự như như của vạn pháp, đắc được mười năng lực, sáu thần thông và mười sự tự điều ngự mà tùy duyên hóa hiện. Này Đại Huệ, có được các phương tiện thiện xảo, vị ấy sẽ đến được tất cả các quốc độ của Phật; xa rời mọi triết thuyết, xa rời các Tâm thức, Mạt na thức và Ý thức, vị ấy sẽ chứng nghiệm sự Đột Biến bên trong chính mình và thứ lớp đạt đến Như Lai thân."