DẮT NHAU XUỐNG GIẾNG
(Truyện Thơ năm Bính Thân)
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Xưa kia ở chốn núi rừng
Có đàn khỉ nọ khoảng chừng năm trăm
Họp bầy nô rỡn quanh năm,
Một hôm khỉ rủ nhau thăm bìa rừng
Có cây cổ thụ nhiều tầng
Mọc bên bờ giếng sáng ngần ánh trăng.
Giếng sâu. Dưới đáy nước trong
Trăng tròn in bóng bềnh bồng nổi trôi
Khỉ kêu: "Thôi chết! Nguy rồi!
Mặt trăng rơi xuống giếng khơi đây này
Phải mau tìm cách vớt ngay
Giúp đời khỏi cảnh đọa đầy tối tăm!"
Khỉ ta nhảy nhót lăng xăng
Xôn xao tìm cách cứu trăng khỏi chìm.
Hồi lâu, khỉ chúa loan tin:
"Tôi đà có cách! Anh em yên lòng!
Theo lời tôi! Mấy cũng xong!
Ta chung góp sức, mình cùng tiếp tay,
Tôi trèo lên bám cành cây
Một anh bám lấy đuôi này của tôi
Rồi anh khác lại bám đuôi
Cả đàn lần lượt nối dài tiếp nhau
Thả người xuống được giếng sâu
Vớt trăng dưới đáy lên đâu khó gì!"
Khỉ ta mừng rỡ kể chi
Cùng nhau theo diệu kế kia đã bàn
Bám đuôi nhau cả một đàn
Giếng sâu mò xuống, trăng vàng vớt lên
Nào ngờ nặng trĩu cành trên
Nhánh cây cổ thụ gẫy liền. Thảm thay!
Giếng kia rơi xuống cả bầy
Khỉ ta lúng túng, loay hoay nổi chìm,
Nào tìm ra được lối lên!
Nào ai cứu vớt khỏi miền nước sâu!
Khỉ ta chết hết còn đâu!
Thần cây cổ thụ ngâm câu kệ rằng:
"Trên cao vẫn có bóng hằng
Khắp nơi trần thế ánh trăng tràn trề,
Một con đã quá u mê
Tiếc thay cả lũ chẳng hề biết chi
Dắt nhau xuống giếng cùng đi
Để rồi chết thảm cũng vì dại ngu!"
*
Đời người lắm kẻ mê mờ
Khổ đau mà cứ ngỡ là sướng vui
Vô thường lẽ Đạo ai ơi
Cớ chi lặn lội mãi nơi muộn sầu!
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Thi hóa Truyện Cổ Phật Giáo)