Tóm tắt: Tuệ Trung Thượng Sĩ là một trong những nhà thiền học thông tuệ bậc nhất của Phật giáo thời Trần. Ông không chỉ là một thiền gia đạt ngộ sâu sắc, mà còn là một nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà quân sự mưu lược. Nếu như vua Trần Thái Tông được ví như người châm bó đuốc đầu tiên cho thiền học thời Trần, thì Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là người thổi bùng lên ngọn đuốc thiền ấy, để ánh sáng thiền chiếu tỏ dân tộc Đại Việt. Tư tưởng “vạn pháp chi tâm tức Phật tâm” và “hòa quang đồng trần” của ngài chính là biểu hiện của tinh thần Bồ tát sẵn sàng dấn thân vào đời. Tinh thần ấy đã thấm nhuần vô dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được ba vị Tổ Trúc Lâm: Sơ Tổ Trần Nhân Tông, nhị Tổ Pháp Loa, tam Tổ Huyền Quang kế thừa và phát huy xuất sắc. Đến nay, âm vang của tinh thần đó vẫn được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp nối và trở thành phương châm hoạt động: “Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”. Đây chính là tinh thần nhập thế của các vị Bồ tát, đưa đạo vào đời, mang ánh sáng giác ngộ và lòng đại bi soi tỏ thế gian, giúp người mê tìm về bến giác.
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ
Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) tên thật là Trần Tung, con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột của Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Ông người Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Nam Định. Sau khi An Sinh Vương mất, ông được vua Trần Thái Tông phong hiệu là Hưng Ninh Vương.
Theo nhận xét của vua Trần Nhân Tông, Tuệ Trung là một người có khí lượng thâm trầm, phong trần nhàn nhã, từ nhỏ đã có phẩm chất cao sáng, thuần hậu, sớm yêu mến cửa không. Ngài đến tham vấn với thiền sư Tiêu Dao ở tịnh xá Phước Đường và thờ thiền sư làm thầy.
Trần Tung hai lần có công chỉ huy đánh bại quân Nguyên xâm lược (1285 và 1288). Sau khi thắng trận, ông được thăng giữ chức Tiết độ sứ trấn giữ hải đạo Thái Bình. Không lâu sau, ông lui về ở ẩn tại ấp Tịnh Bang (Hải Phòng) đổi tên là làng Vạn Niên, lấy hiệu Tuệ Trung, lập Dưỡng Chân trang để tọa thiền và tu tập. Hàng ngày, “thượng sĩ lấy thiền duyệt làm vui, không lấy công danh làm sở thích. Hòa ánh sáng lẫn với thế tục, ngài cùng mọi người chưa từng chống trái, nên hay làm hưng thịnh hạt giống chánh pháp, dạy dỗ hàng sơ cơ, người đến hỏi han, ngài đều chỉ dạy cương yếu, khiến họ trụ tâm, tánh tùy phương tiện khi hiện, khi ẩn, trọn không có tên thật”.TINH THẦN BỒ TÁT NHẬP THẾ CỦA THƯỢNG SĨ:
Bồ tát (Pàli: Bodhisatta- Sanskrit: Bodhisattva) nghĩa là một hữu tình giác ngộ hoặc người có năng lực đạt đến giác ngộ. Danh từ Bồ tát đã được sử dụng từ thời Phật còn tại thế, chỉ cho những tiền kiếp tích lũy công đức tu tập của Đức Phật trước khi Ngài chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Mãi đến khi Phật giáo Đại thừa ra đời, tinh thần Bồ tát đạo mới thực sự phát triển và xiển dương mạnh mẽ. Quan niệm về Bồ tát của Phật giáo Đại thừa không dừng lại ở hình ảnh một người phát tâm làm lợi ích để thực hành quả vị giác ngộ (tự độ), mà còn chỉ những vị phát đại nguyện dấn thân vào cõi uế trược để cứu độ chúng sinh, khiến họ cũng được giác ngộ thành Phật (độ tha). Tiêu biểu như Bồ tát Quán Thế Âm: Theo kinh Đại Bi tâm Đà La Ni, ngài vốn đã là một vị cổ Phật, nhưng vì hạnh nguyện Đại Bi mà hiện thân Bồ tát ở cõi Ta Bà; hay Bồ tát Địa Tạng Vương với lời đại nguyện: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ-đề” (Địa ngục chưa trống không, tôi thề chưa thành Phật. Chúng sinh được độ hết mới chứng quả Bồ-đề). Chính chủ trương bình đẳng giai cấp và khẳng định sự bình đẳng trong năng lực giác ngộ của mỗi chúng sinh: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”, cùng tinh thần cứu khổ ban vui không phân biệt của Bồ tát đã giúp Phật giáo Đại thừa nhanh chóng du nhập vào nhiều quốc gia, được quần chúng nhân dân hết lòng tin nhận. Và ở nước ta cũng không ngoại lệ, đặc biệt trong giai đoạn Phật giáo Lý – Trần, tinh thần Bồ tát nhập thế đã được đẩy lên trở thành tư tưởng nòng cốt của quốc gia.
Nhắc đến Tuệ Trung Thượng Sĩ, người ta thường ca ngợi ông với hình ảnh một triết gia lỗi lạc, một thiền sư tiêu sái, một nhà thơ, nhà quân sự tài ba. Nhưng thật thiếu sót nếu như không đề cập đến hình ảnh Bồ tát nhập thế của ông. Tất cả những phẩm chất vô ngã, vị tha, dũng cảm (Bi-Trí-Dũng) của Tuệ Trung đều là biểu hiện của một vị đại Bồ tát dấn thân vào đời, đem ánh sáng hòa vào thế tục, như lời bạt mà Trần Khắc Chung đã viết: “Thượng sĩ làm Bồ tát tại gia, chấn hưng gia phong của Phật, đề khởi câu nói, dẫn dắt người hậu học được ánh sáng siêu việt, Phật Hoàng thật được thành tựu chỗ này”.
Đại Bi
Phẩm chất Đại Bi tượng trưng cho tình thương và hạnh nguyện rộng lớn của một vị Bồ tát, nó là tư lương để Bồ tát bắt đầu bước trên con đường hóa độ chúng sinh. Trong bài Vào cát bụi Thượng sĩ đã nói lên tình thương và hạnh nguyện rộng lớn của Ngài đối với chúng sinh:
“Xăm xăm cất bước vào bụi đời
Vàng óng đầu mi, mở khơi khơi.
Xóm bắc rong chơi vào bụng ngựa
Nhà đông cười nói nhập thai lừa.
Roi vàng đánh đuổi trâu đất chạy
Dây sắt lôi đầu cọp đá về.
Rồi một ngày mai băng giá hết
Trăm hoa như cũ rộn xuân đài.”
(HT. Thích Thanh Từ dịch)
“Xăm xăm cất bước vào bụi đời; Vàng óng đầu mi, mở khơi khơi” – hai chữ “xăm xăm” đã thể hiện tinh thần xông qua, không ngại ngùng, không e sợ, dám bước thẳng một mạch vào cõi đời bụi bặm của Thượng sĩ. Không những vậy, ông bước vào đời bằng phong thái sáng ngời, không hề lấm lem bụi trần. Đây là tinh thần một vị Bồ tát đến với đời vì hạnh nguyện mà không sợ hãi, cũng không bị nghiệp lực dẫn lối, không bị uế trược ô nhiễm, đầy đủ phong thái và tự tại.
Và hạnh nguyện của Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là: “Xóm bắc rong chơi vào bụng ngựa; Nhà đông cười nói nhập thai lừa; Roi vàng đánh đuổi trâu đất chạy; Dây sắt lôi đầu cọp đá về”. Đối với các bậc Bồ tát, ở đâu còn chúng sinh khổ đau thì các Ngài sẽ có mặt tại đó, dù cho đó là việc tái sinh vào bụng ngựa, thai lừa. Việc ra vào trong ba cõi nhẹ nhàng như đi chơi, chỉ là vui đùa, không có gì đáng sợ. Bởi các ngài vào cõi trần bằng hạnh nguyện, bằng trí tuệ nên thấy nhẹ nhàng, còn chúng ta vì nghiệp lôi dẫn nên mới sinh tử luân hồi, bị trói buộc, không được tự tại.
“Roi vàng đánh đuổi trâu đất chạy; Dây sắt lôi đầu cọp đá về”. Vì Bồ tát đã chứng được thực tướng, luôn luôn sống được với thể tính chân thật, từ ngay nơi bản thể ấy mà tùy duyên, tùy cảnh ứng ra diệu dụng, biểu hiện thành mọi hình tướng không thể nghĩ bàn. Đối với “trâu đất” thì dùng roi vàng đánh đuổi, đối với “cọp đá” cần dây sắt lôi đầu. Tùy cơ mà phát dụng, hiển tướng khiến cho chúng sinh được lợi ích lớn.
Bồ tát ra vào cõi sinh tử như trở bàn tay, với đại diệu dụng tùy căn cơ mà hóa độ chúng sinh, có thể thấy công hạnh vô cùng lớn lao. Nhưng đối với Thượng sĩ một khi Bồ tát đã hoàn tất hạnh nguyện, làm xong tất cả lợi ích cho chúng sinh mà nhìn lại không thấy bản thân đã từng làm gì đó chính là phút giây viên mãn nhất:
“Rồi một ngày mai băng giá hết
Trăm hoa như cũ rộn xuân đài”.
Cả bài thơ đã thể hiện trọn vẹn hình ảnh của một vị Đại Bồ tát: Thượng sĩ bước vào cuộc đời đầy bụi bặm với lòng đại bi và hạnh nguyện rộng lớn. Siêu vượt mọi hình tướng mang ánh sáng giác ngộ soi tỏ cho thế gian (hòa quang đồng trần).
Trí tuệ
Trên con đường hoằng pháp độ sinh, một vị Bồ tát nếu chỉ có lòng đại bi và thiếu đi trí tuệ thì việc độ sinh chẳng những khó thành tựu mà việc tự độ của bản thân cũng dễ bị lui sụt. Bởi nếu không có một cái nhìn trí tuệ, thấu suốt về ngã và pháp thì việc tu học, độ sinh sẽ vô cùng chướng ngại, Bồ tát rất dễ vướng vào danh, lợi, bỉ thử. Và khi đó, việc độ sinh có thể trở thành công cụ cho danh tiếng, tiền tài, đi ngược với tinh thần giải thoát của đạo Phật.
Đối với Tuệ Trung Thượng Sĩ, ngài đã thể hiện tinh thần vô ngã, vô phân biệt khi nhận định rằng: Tâm của vạn pháp (tâm của mọi chúng sinh) đồng với tâm Phật và tâm của chính mình:
“Tâm của vạn pháp là tâm của Phật.
Tâm Phật cũng phù hợp với Tâm ta,
Pháp là như thế đấy suốt xưa nay”.
(Phật tâm ca – HT. Thích Thanh Từ dịch)
Nếu không phải một bậc giác ngộ sâu sắc thì khó có được cái nhìn dung thông, thấu triệt như vậy. “Tâm của vạn pháp là tâm của Phật” đây chính là cái nhìn từ trí tuệ Bát-nhã siêu việt, tương ưng với câu nói trong Kinh Kim Cương: “Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp”. Ở đây, Thượng sĩ dùng chữ “tâm của vạn pháp” nhằm nhấn mạnh yếu tố “ngã không”, tức là không có một chúng sinh nào tồn tại độc lập, có ngã riêng, mà tất cả đều tương tức, tác động qua lại lẫn nhau. Hay sâu sa hơn, chữ “tâm” mà Tuệ Trung dùng nhằm nói tới Phật tính bản hữu nơi mỗi người. Vì ai cũng sẵn có Phật tính đó nên “tâm” của chúng sinh cùng “tâm” của Phật không khác biệt.
Có thể thấy, trong quan niệm vô ngã của Tuệ Trung, tuy ngôn từ diễn đạt có khác nhưng về nghĩa lý hoàn toàn khế hợp với tinh thần độ sinh của Bồ tát mà Đức Phật đã thuyết trong Kinh Kim Cương: “Này thầy Tu Bồ Đề, nếu một vị Bồ tát mà còn vướng mắc vào các khái niệm về Ngã, Nhân, Chúng Sanh và Thọ Giả thì vị ấy chưa phải là vị Bồ tát chân thật”.
Dũng
Trong các cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên xâm lược, Trần Tung đã sát cánh cùng các triều đình và quân dân nhà Trần kháng chiến, bảo vệ đất nước. Nơi Thượng sĩ không chỉ có sự dũng mãnh, mưu lược của một vị tướng mà còn chứa đựng sức oai hùng của bậc đại sĩ. Đối với chúng sinh, đối diện với sống chết là điều đáng sợ nhất, nhưng theo Thượng sĩ việc “sống chết nhàn mà thôi”:
“Sanh tử xưa nay tự tánh không
Thân huyễn hóa này rồi sẽ diệt
…
Kẻ ngu điên đảo sợ sống chết
Người trí thấy suốt nhàn thôi vậy”.
Có được cái thấy nhàn trước sống chết như Thượng sĩ chỉ có thể là các bậc Bồ tát đại dũng lực. Trong Phật giáo, đại diện cho sự dũng mãnh của một vị Bồ tát là tinh thần “vô úy”. “Vô úy” là tinh thần không sợ hãi trước bất kì hoàn cảnh hay bất kì một đối tượng nào. Đối với Tuệ Trung Thượng Sĩ, tinh thần “vô úy” dũng mãnh ấy không chỉ biểu hiện ở những tuyên ngôn của ngài, mà được chính ngài chứng thực ngay phút giây cận kề sinh tử: “Thượng sĩ nằm trên một chiếc giường gỗ giữa nhà trống theo thế kiết tường nhắm mắt mà tịch. Các người hầu và thê thiếp trong nhà khóc rống lên, Thượng sĩ mở mắt ngồi dậy lấy nước súc miệng rửa tay, rồi quở nhẹ: “Sống chết là lẽ thường, đâu nên buồn thảm luyến tiếc, làm nhiễu động chân tánh ta”. Nói xong, ngài an nhiên thị tịch”.
Hình ảnh ra đi của Thượng sĩ thật nhẹ nhàng và tự tại nhưng nó là cả một nội lực phi thường vượt lên trên sự giày vò của tứ đại tan giã cũng như guồng quay nơi tâm thức. Sức mạnh này chỉ có ở các bậc đại sĩ mà thôi. Và năm vị vua đời Trần cũng đã có được sự “vô úy” trước sinh tử như vậy. Trước Thượng sĩ là vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông, tiếp sau ngài là vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Tất cả các vị đều ra đi trong sự bình thản, đầy tự chủ. Tư tưởng này đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm thức con dân nhà Trần nói riêng và thấm nhuần nơi mỗi con người Việt Nam nói chung, tạo nên một Đại Việt với tinh thần bất khuất, quật cường, không sợ sống chết. Điều ấy đã tạo nên sức mạnh tập thể, là một trong những nguyên nhân để đất nước Đại Việt bé nhỏ chiến thắng được bao cuộc chiến tranh, xâm lược của các đế quốc hùng mạnh.
KẾT LUẬN
Có thể nói, Thượng sĩ đã sống trọn vẹn cả đời và đạo. Với đời, ngài đã cống hiến trọn tâm và sức để phò tá vua, đồng hành cùng quân dân đánh giặc, bảo vệ bờ cõi, bảo vệ sự bình yên cho đất nước. Với đạo, Thượng sĩ không những tự mình tu tập giác ngộ, mà chẳng quản ngại dẫn dắt hàng sơ cơ, không phân biệt Tăng tục, tùy phương tiện đưa họ vào đạo. Xin được trích dẫn một đoạn đối đáp của Tuệ Trung Thượng Sĩ cùng học trò để làm rõ điều này:
“Hỏi:
– Thế nào là gia phong của Thượng Sĩ?
Thượng sĩ đáp:
Nhàn ném trái rừng kêu vượn tiếp
Lười câu cá suối khiến hạc tranh”.
Hỏi về “gia phong” có nghĩa là hỏi về nếp sống của Thượng sĩ. Câu trả lời của Thượng sĩ nghĩa cơ bản có thể hiểu lúc rảnh rỗi thì ném trái rừng gọi vượn đến ăn, khi lười thì đến suối câu cá, cá câu được đều cho hạc hết. Ý nghĩa thực mà Thượng sĩ muốn nói tới là tất cả những gì ngài có được đều trao hết cho chúng sinh chẳng mảy may giữ lại bên mình. Thượng sĩ làm tất cả việc cho chúng sinh nhưng tâm vẫn luôn “nhàn”, không hề bị rối bận, luôn tự tại đây chính là gia phong của ngài.
Có thể thấy, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã hấp thụ trọn vẹn tư tưởng Bồ tát của Đại thừa, ngài sẵn sàng hòa vào trong cuộc đời thế tục để hướng dẫn, chỉ dạy cho chúng sinh với một phong thái đầy tự tại, tiêu sái, không chút e dè, sợ hãi. Ngài chính là một bậc đại sĩ nhập thế đầy đủ Bi – Trí – Dũng, là tấm gương tiêu biểu đưa đạo vào đời, để từ đó tư tưởng của ngài đã được lan tỏa, thấm nhuần trong tinh thần của Phật giáo Việt Nam nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung.
Chú thích
* SC. Thích Nữ Tâm Vương, Nghiên cứu sinh Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tài liệu tham khảo
1. HT. Thích Thanh Từ (1997), Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu.
2. Thích Nhất Hạnh, Kim Cương gươm báu cắt đứt phiền não, Nxb. Thời Đại.
3. Cao Huy Chú – Đào Duy Anh (2021), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Hồng Đức.
4. Viện Văn Học (1977-1989), Thơ văn Lý – Trần, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
5. Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
- Tag :
- Thích Nữ Tâm Vương