Hiện nay, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Việt Nam và trên thế giới. Để góp phần chung tay ngăn chặn thực trạng ấy, đạo Phật cũng có những quan điểm thiết thực gắn liền với sự phát triển bền vững của môi trường. Trong đó, học thuyết Duyên khởi – một trong những giáo lý căn bản của Phật giáo – cũng là giải pháp hữu hiệu tạo ra lối sống thân thiện với môi trường, tác động tích cực vào việc bảo vệ môi trường thông qua tu tập và thực hành.
DO CÁC NÀY SANH, CÁI KIA SANH
Đức Phật là bậc toàn giác, Ngài đã dạy cho chúng ta chân lý của sự sống là mọi loài đều có quan hệ gắn bó và hỗ tương nhau. Sự sinh tồn của loài này sẽ là điều kiện tồn tại của loài kia và ngược lại, sự chấm dứt của một loài sẽ kéo theo sự diệt vong của các loài khác. Lời dạy này được thể hiện trong Kinh Tương ưng: “Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt” [1]. Và Thượng tọa Thích Nhật Từ trình bày như sau: “Phật dạy chúng ta không được chặt cây cối với lý do rất đơn giản, bởi vì cây cối có sự sống. Lý do thứ hai là ngôn ngữ trong thời đại của Đức Phật (nếu như Đức Phật dùng ngôn ngữ như hiện nay là bảo vệ môi trường sinh thái. Mọi người sẽ ngơ ngác không biết Đức Phật nói gì) nên Ngài chỉ nói đơn giản cây cối đều có sự sống. Khi phân tích học thuyết Duyên khởi mà Đức Phật đã dạy: Sự sống của con người, các loài động vật, môi trường (trong đó có thảo mộc, không khí ánh sáng…) tất cả đều liên hệ mật thiết với nhau. Đoạn diệt sự sống của một loài nào đó có thể kéo theo ảnh hưởng về sự sống của các môi trường sinh thái, cộng đồng và sự sống còn lại”. [2]
Theo quan điểm Phật giáo, cuộc sống là một phần không thể thiếu của môi trường, kết hợp giữa chúng ta với người khác và muôn loài. Hành vi của chúng ta gây ra tác động không thể phủ nhận đối với những người xung quanh. Và xã hội con người có một tác động không thể phủ nhận đối với môi trường tự nhiên. Chúng ta không tách rời khỏi thế giới đang sống, mà tham gia vào một sự tương tác năng động với nó. “Giữa con người và giới tự nhiên có sự tương nhập lẫn nhau, cùng tác động nhau; vòng sinh vật là một chỉnh thể không thể chia cắt được, tỉ lệ cân đối, động thái có trật tự; con người nương giới tự nhiên để sinh tồn, giới tự nhiên là “thân thể” vô cơ của con người”.[3]
Như vậy, con người và thiên nhiên có mối quan hệ tương hỗ, cùng sinh tồn và phát triển. Thiên nhiên chính là một bộ phận của cơ thể con người, con người không thể tồn tại được mà không có môi trường. Nếu môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, cơ thể vật lý hay đời sống của con người sẽ bị hủy diệt. Bài Kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống thuộc Trường bộ kinh đã thể hiện mối liên hệ tương quan giữa con người và thiên nhiên: “Như vậy, vì không cho tiền của những người nghèo, nghèo đói tăng thịnh; vì nghèo đói tăng thịnh, nên trộm cắp tăng thịnh; …vì hai pháp này tăng thịnh nên tham, sân tăng thịnh; vì tham, sân tăng thịnh nên tà kiến tăng thịnh; vì tà kiến tăng thịnh nên ba pháp tăng thịnh: phi pháp dục, phi lý tham và tà kiến. Vì ba pháp này tăng thịnh nên các pháp sau đây tăng thịnh: thiếu sự hiếu kính đối với cha mẹ, thiếu sự kính trọng đối với các vị cầm đầu trong gia đình. Vì những pháp này tăng thịnh nên tuổi thọ các loài hữu tình này giảm thiểu, sắc đẹp giảm thiểu… Vì chúng ta tạo nhân bất thiện pháp nên bà con chúng ta bị giết hại nhiều như vậy… Do hành thiện pháp làm nhân, tuổi thọ của họ được tăng thịnh, sắc đẹp được tăng thịnh”. [4]
NHẬN THỨC BẢN CHẤT DUYÊN KHỞI
Do lòng tham (S=P. lobha, C. 貪), sân (S. dveṣa, P. dosa, C. 嗔) và hận thù hiện khởi, con người tạo nhân bất thiện (S. akuśala, P. akusala, C. 不善), sống bạo lực, thiếu đạo đức dẫn đến tình trạng nghèo đói, khốn khó, tuổi thọ ngắn ngủi đó là điều hiển nhiên. Và một khi họ thực hành thiện pháp (S. kuśala-dharma, P. kusala-dhamma, C. 善法), bằng cách sống có đạo đức, sống theo pháp luật thì nền kinh tế phồn thịnh, đời sống tốt đẹp, nhan sắc tốt tươi và thọ mạng lâu dài. Điều đáng chú ý là tầm quan trọng của các nguyên tắc luật lệ phải được tôn trọng bởi các vua “Chuyển luân Thánh vương”.
Do chưa nhận thức được bản chất của Duyên khởi và hành động không đúng theo quy luật tự nhiên, con người đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và làm thay đổi cuộc sống chính mình. Cùng quan điểm này, Hòa thượng Tinh Vân giải thích như sau: “Con người thiếu đi nhận thức chính xác về sinh thái tự nhiên, nên không biết quý tiếc nguồn tài nguyên thiên nhiên, chặt phát cây rừng, gây ra nguồn nước bị mất đi…” [5]. Trong Kinh Trường bộ, Đức Phật có dạy: “Này Ananda, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử” [6]. Nội dung bài kinh này mang ý nghĩa giáo dục rất cao. Đức Phật muốn dạy chúng ta phải nhìn lại chính mình, nhận thức đúng quy luật tự nhiên, khắc phục những hành động tiêu cực, không vì mục đích cá nhân mà làm ảnh hưởng đến môi trường và thế giới xung quanh.
Vì chưa có những nhận thức đúng đắn về vai trò của môi trường, con người đã hành động sai trái ảnh hưởng đến môi trường. Rất nhiều người vẫn còn thờ ơ, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm với những người xung quanh, với xã hội và cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường sống trong lành khi xả rác bừa bãi ở bất cứ nơi đâu, nhất là hệ thống kênh rạch, cống rãnh thoát nước, sông hồ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xung quanh. Tác nhân gây nên những vấn đề môi trường hiện nay không ai khác chính là con người. Do đó, việc giải quyết vấn đề môi trường cũng phải bắt đầu từ chính con người. Hòa thượng Thích Chơn Thiện nhận định: “Giáo dục con người nhận thức mối liên hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên qua giáo lý Duyên khởi và ngũ uẩn ngõ hầu con người có thể tự nguyện bảo vệ môi sinh”. [7]
Trên thế giới này, có lẽ không một vị giáo chủ nào sống gần gũi và thân thiện với môi trường thiên nhiên như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật giáo luôn là một tôn giáo thân thiện với môi trường, vạch ra hướng đi tự duy trì và bảo vệ môi trường trên nền tảng đạo đức. Đạo đức thực sự bắt nguồn từ ý thức cơ bản của con người. Giáo dục Phật giáo có thể tích cực đóng góp để làm giảm đi các cuộc khủng hoảng sinh thái bắt nguồn từ hoạt động của con người. Mọi người cần phải quay về nền tảng cơ bản của chính mình để tìm thấy các nguyên tắc đạo đức tôn giáo về môi trường. Tác giả Ngô Văn Trân nhận xét: “Ô nhiễm môi trường chủ yếu do các việc làm thiếu hiểu biết và lòng tham muốn chiếm dụng khai thác tự nhiên bất chấp quy luật tự nhiên, cho nên cần đặc biệt xây dựng và giáo dục phổ cập ý thức tự giác về bảo vệ môi sinh, môi trường, coi đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân, là phẩm chất đạo đức của con người trong thời đại ngày nay”. [8]
Vì thế, để góp phần bảo vệ môi trường, việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề cấp bách cần ưu tiên hàng đầu. Cần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức sang hành động cụ thể, chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng. Mỗi hành động nhỏ sẽ góp phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường. Cho nên, sự cân bằng của hệ sinh thái phụ thuộc chính vào nhận thức và đạo đức của con người. Cùng quan điểm này, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, ThS.BS. Phan Thị Hằng cho biết: “Các giải pháp kéo giảm rác thải nhựa được bệnh viện thực hiện từ tháng 4/2019. Để giảm thiểu lượng chất thải nhựa, vấn đề quan trọng nhất là thay đổi được nhận thức của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân” [9]. Thật vậy, con người không phải là thực thể tồn tại tuyệt đối. Con người là một bộ phận của thiên nhiên, là một bộ phận tham gia vào sự phát triển, thay đổi của thiên nhiên. Vì vậy, điều quan trọng là nâng cao nhận thức của con người về quy luật của tự nhiên và những thách thức đối với môi trường. Khi tác động vào thế giới tự nhiên một cách đúng đắn, con người vừa bảo vệ môi trường sinh thái, vừa không tách rời với thiên nhiên và đem lại lợi ích thiết thực cho sự sinh tồn của cộng đồng.
Tóm lại, Duyên khởi là học thuyết cơ bản để giải thích sự hiện hữu, mối quan hệ nhân quả của mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới. Học thuyết này giúp giáo dục ý thức con người trong mọi hoạt động sống, đặc biệt đối với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái. Đến nay, tư tưởng này vẫn luôn có giá trị nhất định trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học, đảm bảo cân bằng sinh thái. Mọi người hãy cùng chung tay xây dựng và bảo vệ môi trường sống bằng ý nghĩ, lời nói và việc làm tốt đẹp, đem lợi lạc cho bản thân, gia đình, xã hội và toàn nhân loại.
Chú thích:
[1] Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, Thiên nhân duyên, Chương Tương ưng nhân duyên đại phẩm, VNCPHVN, TP HCM, tr.171.
[2] Thích Nhật Từ (2010), “Thông điệp của từ bi” trong Hiểu thương và tùy hỷ, Nxb. Thời đại, Hà Nội, tr.80-81.
[3] Thích Nhuận Đạt (2010), Đạo Phật và môi trường, Nxb. Tổng hợp TP HCM, tr.9.
[4] Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường bộ, tập 2, Kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống, VNCPHVN, TP HCM, tr.374-378.
[5] Tinh Vân (Thích Nhuận Đạt soạn dịch, 2013), Phật giáo và sinh thái tự nhiên, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.133.
[6] Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường bộ, tập 1, Kinh Đại Duyên, VNCPHVN, TP HCM, tr.512.
[7] Thích Chơn Thiện (2009), Lý thuyết nhân tính qua tạng Kinh Pàli, Nxb. Phương Đông, TP HCM, tr.267-268.
[8] Ngô Văn Trân, “Phật giáo với bảo vệ môi trường ở Việt Nam” trong Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 9 (2013), tr.14.
[9] Ngọc Dung – Ý Linh, Bệnh viện lo chống rác thải nhựa, https://nld.com.vn/suc-khoe/benh-vien-lo-chong-rac-thai-nhua-20190819203226909.htm.(Trích từ Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 411)
- Tag :
- Thích Nữ Chúc Hào