Quán Chiếu Bát Nhã
Nguyễn Thế Đăng
Hệ thống kinh điển trí huệ (bát nhã) tánh Không thường được xếp thành ba phạm trù: Văn tự Bát nhã, Quán chiếu Bát nhã, và Thật tướng Bát nhã. Văn tự Bát nhã là các kinh luận, giảng về tánh Không. Quán chiếu Bát nhã là sự thực hành quán chiếu để thấy biết tánh Không. Và Thật tướng Bát nhã là Thật tướng của tánh Không, cũng tức là Thật tướng của tất cả mọi sự.
Trong bài này chỉ nói đến quán chiếu Bát nhã, và chỉ nói đến hai đề mục quán chiếu, trong rất nhiều đề mục quán chiếu của hệ thống Bát nhã, vì chỉ riêng quán chiếu cái Không thì đã có mười tám cái Không. Hai đề mục ấy cái thứ nhất nghiêng về Không tông của ngài Long Thọ và cái thứ hai nghiêng về Duy thức tông của ngài Thế Thân.
Những câu kinh được trích dẫn là từ Ma ha Bát nhã Ba la mật đa bản dịch của Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập.
1/ Quán chiếu vô tự tánh.
“Lại Này, ngài Xá Lợi Phất! Vì các pháp do hòa hiệp mà sanh nên không có tự tánh.
Những gì do hòa hiệp mà sanh nên không có tự tánh?
Sắc hòa hiệp sanh nên không có tự tánh. Thọ, tưởng, hành, thức hòa hiệp sanh nên không có tự tánh. Nhãn cho đến ý xúc làm nhân duyên sanh thọ là hòa hiệp sanh nên không có tự tánh.
Bố thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật hòa hiệp sanh nên không có tự tánh. Bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cọng hòa hiệp sanh nên không có tự tánh”.
(Phẩm Thập Vô, thứ 25)
Năm ấm sắc thọ tưởng hành thức tạo thành mỗi cá nhân cho đến tất cả những người khác, và tất cả những kinh nghiệm của con người tạo thành thế giới như nó thấy biết, đều không có tự tánh.
Vì sao không có tự tánh? “Vì tất cả các pháp do hòa hiệp mà sanh nên không có tự tánh”. Hòa hiệp mà sanh nghĩa là do nhiều nhân duyên hòa hiệp một cách tạm thời mà có hiện hữu. Một nguyên nhân (nhân), một điều kiện (duyên) mà thiếu thì hiện hữu ấy biến đổi thành cái khác hoặc sụp đổ, tan rã.
Mọi sự vật, mọi con người, mọi hiện tượng đều do nhiều nhân duyên tạm thời hợp lại mà thành nên không có lõi cứng, rỗng không. Khi quán chiếu kỹ lưỡng, sẽ thấy chúng là không có lõi cứng, rỗng không, không có hiện hữu nội tại, không có tự tánh. Đây là một nghĩa của tánh Không.
Quán chiếu vô tự tánh của các hiện hữu giúp chúng ta buông bỏ sự bám nắm vào chúng. Càng bỏ bớt sự bám nắm vào các sự vật, càng bớt các phiền não, các độc tham, sân, si, mạn, nghi…, con người chúng ta càng không bị trói buộc, càng tự do, tức là càng giải thoát. Chính sự bám nắm, dính chặt này của tâm thức đã tạo ra thế giới hạn hẹp và trói buộc mà chúng ta gọi là sanh tử.
Những sự vật sở dĩ che chướng chúng ta để tạo thành phiền não chướng và sở tri chướng của riêng chúng ta là bởi vì sự bám nắm chặt chẽ của chúng ta vào chúng. Sự bám nắm chặt chẽ này là do chúng ta tin vào sự có tự tánh của chúng. Thế nên khi quán chiếu vô tự tánh, những che chướng, những bám nắm sẽ dần dần rơi rụng, để thật tướng tánh Không hiển lộ.
Những câu đầu tiên của phẩm Thập Vô trích ở trên nói rằng:
“Ngài Tu Bồ Đề thưa với Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ tát biên tế trước chẳng thể đắc, biên tế sau chẳng thể đắc, biên tế giữa chẳng thể đắc.
Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô biên nên đại Bồ tát cũng vô biên.
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là đại Bồ tát, đều chẳng thể đắc”.
Khi tánh Không hiển lộ, đó là thật tướng bát nhã, đó là trí huệ thấy biết trực tiếp tánh Không. Trí huệthấy tánh Không là trí huệ thấy “sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô biên, chẳng thể đắc”. Khi “sắc… là vô biên, chẳng thể đắc, nên Bồ tát cũng vô biên, chẳng thể đắc”. Bồ tát vô biên thì trí huệ của Bồ tátvô biên. Trí huệ vô biên ấy là trí huệ thấu suốt tánh Không, trí huệ Bát nhã.
Tóm lại, thấy sắc, thọ,… là vô biên, đây là trí huệ Bát nhã.
2/ Quán chiếu như huyễn, như mộng.
Phẩm Huyễn học, thứ 11, bắt đầu như thế này:
“Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu có người hỏi rằng: Người huyễn học Bát nhã ba la mậtcho đến Bố thí ba la mật, người huyễn học bốn Niệm xứ cho đến mười tám pháp Bất cọng có được Nhất thiết chủng trí chăng? Thì con phải giải đáp thế nào?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Phật hỏi lại ông, tùy ý ông đáp lời Phật.
Này Tu Bồ Đề! Sắc với huyễn có khác nhau chăng? Thọ, tưởng, hành, thức với huyễn có khác nhau chăng?
- Bạch Thế Tôn, không khác.
- Này Tu Bồ Đề! Nhãn đến ý, sắc đến pháp, nhãn giới đến ý thức giới và huyễn có khác nhau chăng?
- Bạch Thế Tôn, không khác.
…
- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ tát học Bát nhã ba la mật như thế sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, như người huyễn học. Vì sao thế? Nên biết rằng năm ấm tức là người huyễn, người huyễn tức là năm ấm.
- Này Tu Bồ Đề! Năm ấm ấy học Bát nhã ba la mật được Nhất thiết chủng trí chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy. Vì năm ấm này tánh vô sở hữu (không ở đâu cả). Tánh vô sở hữu cũng là chẳng thể đắc.
- Này Tu Bồ Đề! Năm ấm như mộng, như ảo ảnh, như tiếng vang, như sóng nắng, như biến hóa…”
Tại sao là như huyễn như mộng? Vì mọi sự đều vô tự tánh, rỗng không nhưng được các giác quanvà ý thức kinh nghiệm sai lầm là có tự tánh, hoàn toàn có thật. Như một đám mây, một bọt nước, một cầu vồng, có thấy nhưng không thể bám nắm, cất giữ, để dành.
Năm ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp tạo thành con người và thế giới theo kinh nghiệm của năm ấm con người đều như huyễn, như mộng. Năm ấm như huyễn hợp tạo thành người huyễn, năm ấm như mộng hợp tạo thành người trong mộng. Người huyễn thì kinh nghiệm một thế giới như huyễn và người trong mộng kinh nghiệm một thế giới trong mộng.
Quán chiếu Bát nhã là quán chiếu thân tâm, thế giới và những người khác đều là những trải nghiệm trong một giấc mộng, không có thật, như huyễn. Với sự quán chiếu này người ta thoát khỏi tham, sân, si, giành giật, chiến đấu vì những điều không thật, những ảo tưởng của chính mình. Sở dĩ con người lọt vào một thế giới sanh tử khổ đau vì không biết thế giới ấy do các giác quan và ý thức hòa hợp tạo ra, không có tự tánh, như huyễn, như mộng.
“Ngài Tu Bồ Đề nói: Này các vị! Như nhà huyễn thuật giỏi, ở giữa ngã tư đường hóa làm Phật và bốn bộ chúng rồi thuyết pháp. Ý các vị nghĩ sao, trong đó có người nói, có người nghe, có người hiểu chăng?
Các thiên tử nói: Bạch đại đức, không có.
Ngài Tu Bồ Đề nói: Này các vị! Tất cả pháp như huyễn ảo, trong đó không có người nói, người nghe, cũng không có người hiểu”.
Với sự quán chiếu như huyễn như mộng, sự phân biệt chia cách muôn đời giữa mình và người, mình và thế giới bị xóa tan để cho bản tánh của mọi sự là tánh Không hiển lộ. Khi ấy ánh sáng tríhuệ tánh Không thấu thoát qua mọi hiện tướng, biến chúng thành như huyễn như mộng và người ta không còn bị ràng buộc vào thế giới này, mặc dù vẫn sống trong thế giới ấy để giúp đỡ những người khác thoát khỏi ảo tưởng huyễn mộng của họ.
Một thí dụ thường thấy trong kinh, luận là bóng và gương. Bóng là các “hiện tướng”, các “ảnh hiện”. Gương là bản tánh Không của các hiện tướng, các ảnh hiện. Với người bình thường chưa học pháp thì không biết các hiện tướng, các ảnh hiện là vô tự tánh và họ chạy theo chúng. Khi quán chiếu bát nhã, tức là quán chiếu vô tự tánh, như huyễn như mộng,…dần dần gương sáng hiện ra. Gương sáng càng hiện thì tướng, ảnh càng trở lại bản chất thật của chúng là không thể nắm bắt, không thể đắc, không có ở đâu cả (vô sở hữu). Khi ấy ánh sáng của gương thấu thoát qua mọi bóng trong gương bấy giờ chúng trở thành không có tự tánh, không thể đắc, như huyễn như mộng.
Kinh nói quán chiếu Bát nhã như trên, đó là “năng lực phương tiện của Bát nhã ba la mật”. Phương tiện thiện xảo này giúp cho Bồ tát khỏi rớt vào sanh tử, đồng thời không giải thoát cho riêng mình để ở trong thế giới của chúng sanh mà giúp đỡ, cứu thoát chúng sanh.
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng