- Phẩm thứ 01: Phẩm bảy pháp
- Phẩm thứ 02: Phẩm Nghiệp Tương Ưng
- Phẩm thứ 03: Phẩm Xá-lê Tử Tương Ưng
- Phẩm thứ 04: Phẩm Vị Tằng Hữu Pháp
- Phẩm thứ 05: Phẩm Tập Tương Ưng
- Phẩm thứ 06: Phẩm Vương Tương Ưng
- Phẩm thứ 07: Phẩm Trường Thọ Vương
- Phẩm thứ 08: Phẩm Uế
- Phẩm thứ 09: Phẩm Nhân
- Phẩm thứ 10: Phẩm Lâm
- Phẩm thứ 11: Phẩm Đại (Phần đầu)
- Phẩm thứ 12: Phẩm Phạm Chí (Phần đầu)
- Phẩm thứ 12: Phẩm Phạm Chí (Phần sau)
- Phẩm thứ 13: Phẩm Căn Bổn Phân Biệt
- Phẩm thứ 14: Phẩm Tâm
- Phẩm thứ 15: Phẩm Song
- Phẩm thứ 16: Phẩm Đại (Phần sau)
- Phẩm thứ 17: Phẩm Bô-Đa-Lợi
- Phẩm thứ 18: Phẩm Lệ
KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002
118. KINH LONG TƯỢNG[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, ở tại Đông viên giảng đường Lộc mẫu[02].
Bấy giờ vào lúc xế trưa, Đức Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, bước ra khỏi tịnh thất và nói:
“Ô-đà-di[03], Ta và ngươi hãy đi đến Đông hà để tắm[04].”
Tôn giả Ô-đà-di đáp:
“Kính vâng.”
Khi ấy, Đức Thế Tôn cùng với Tôn giả Ô-đà-di đi đến Đông hà, cởi bỏ y phục trên bờ sông rồi xuống nước tắm. Tắm xong, lên bờ lau mình và mặc y phục vào.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc có một con voi chúa tên là Niệm[05], đang lội ngang qua Đông hà với tất cả các loại kỹ nhạc được tấu lên. Dân chúng trông thấy nói rằng:
“Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là Đại long vương hay là con gì vậy?[06]“
Tôn giả Ô-đà-di chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con voi thân hình to lớn cho nên dân chúng trông thấy nói rằng: ‘Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là Đại long vương hay là con gì vậy?’
Đức Thế Tôn nói:
“Đúng vậy, Ô-đà-di! Đúng vậy, Ô-đà-di, con voi có thân hình to lớn nên dân chúng trông thấy nói rằng: ‘Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là Đại long vương hay là con gì vậy?’
“Này Ô-đà-di, ngựa, lạc đà, trâu, lừa, rắn[07], người, cây cối... nếu có thân hình to lớn, này Ô-đà-di, dân chúng trông thấy cũng nói rằng: ‘Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là Đại long vương hay là con gì vậy?’
“Ô-đà-di, nếu Trời, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí (hay bất cứ ai) từø người cho đến trời ở trên đời này mà không làm hại bằng thân, miệng, ý, Ta nói vị ấy chính là rồng[08].
“Ô-đà-di, Như Lai ở trong thế gian này bao gồm Trời, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí (hay bất cứ ai) từ người cho đến trời đều không dùng thân, miệng, ý để làm hại, cho nên Ta được gọi là rồng.”
Khi ấy, Tôn giả Ô-đà-di chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch:
“Bạch Thế Tôn, mong Đức Thế Tôn gia trì cho con thêm uy lực. Mong Đức Thiện Thệ gia trì cho con thêm uy lực để con được ở trước Phật, bằng bài tụng liên hệ đến rồng[09] mà tán thán Đức Thế Tôn.”
Đức Thế Tôn nói:
“Tùy ý ngươi muốn.”
Khi ấy Tôn giả Ô-đà-di ở trước Đức Phật, dùng bài tụng liên hệ đến rồng tán thán Đức Thế Tôn rằng:
- Chánh giác sanh nhân gian,
- Tự chế ngự, đắc định.
- Phạm hạnh bước vững vàng,
- Bình an, tâm ý tĩnh.
- Nhân loại đều xưng tôn;
- Vượt ngoài tất cả pháp.
- Chư Thiên đều kính ngưỡng;
- Chí Chân, Bậc Vô Trước.
- Từ rừng, bỏ rừng đi;
- Siêu việt toàn kết sử;
- Xả dục, sống vô dục,
- Vàng ròng trong khối đá.
- Mặt trời trên hư không,
- Tối thượng giữa loài rồng,
- Vang lừng danh Chánh Giác,
- Hy-mã điệp muôn trùng.
- Tuyệt đối không não hại,
- Đại long, thật Đại long;
- Chắc thật, đây tối thượng,
- Rồng thiêng giữa loài rồng!
- Ôn nhuần và vô hại,
- Hai chân rồng là đây.
- Khổ hạnh và phạm hạnh,
- Là bước đi của rồng.
- Rồng thiêng, tay là tín;
- Hai đức, xả là ngà;
- Tuệ đầu và niệm cổ;
- Phân biệt pháp, tư duy;
- Bụng lớn, chứa muôn pháp;
- Độc cư: đôi cánh tay;
- Rồng tu quán hơi thở;
- Nội tĩnh, tâm tinh chuyên;
- Chánh định, đi hay đứngï;
- Nằm thiền, ngồi cũng thiền;
- Định ý, hằng định ý;
- Là pháp thường của long.
- Thọ thực nhà thanh tịnh;
- Nhà bất tịnh không ăn;
- Ác bất tịnh, không thọ,
- Quay đi như Sư tử.
- Sở đắc những cúng dường,
- Từ tâm nên nạp thọ.
- Long thực, do tín thí;
- Vừa đủ, không đắm say.
- Đoạn trừ mọi kết sử,
- Giải thoát mọi đường dây.
- Tâm không, không trói buộc,
- Vạn nẻo bước du hành.
- Chẳng khác loài sen trắng,
- Nước sanh, nước nuôi lớn;
- Bùn lầy không nhiễm trước;
- Tuyệt sắc, hương ngào ngạt.
- Cũng vậy, tối thượng giác,
- Sanh thành trong thế gian;
- Tịnh diệu, dục không vương,
- Như hoa không nhiễm nước.
- Ví như ngọn lửa hừng;
- Bớt củi, ngọn tắt dần.
- Củi hết rồi lửa tắt;
- Như vậy lửa diệt tàn.
- Kẻ trí nói dụ này,
- Nghĩa ấy mong thấu triệt;
- Là điều long sở tri,
- Long tụng, long sở thuyết.
- Triệt đoạn dâm dục, sân,
- Trừ si, vô lậu tịnh;
- Long xả bỏ hậu thân,
- Đó là long diệt tận.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ô-đà-di sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tham chiếu Pāli: A. Vi.43 Nāga; Thag. 689-704.
- [02] Đông viên Lộc tử mẫu giảng đường 東 園 鹿 子 母 講 堂. Pāli: Pubbārama Migāgamātu-pāsāda, giảng đường đượcc xây dựng bởi bà Visakhā, mẹ của Miga.
- [03] Ô-đà-di 烏 陀 夷. Pāli: Udāyi, cũng gọi là Mahā-udāyi, hay Pandita-udāyi, con của một người Bà-la-môn ở Kapilavatthu.
- [04] Đông hà 東 河. Pāli: Pubbakotthaka. Bản Pāli nói: Phật gọi ngài A-nan đi tắm.
- [05] Long tượng danh viết Niệm 龍 象 名 曰 念. Pāli: Seto nāma nāgo (Seta, bản Hán đọc là Sati).
- [06] Long trung long, vi đại long vương, vi thị thùy 龍 中 龍 為 大 龍 王 為 是 誰. Pāli: Nāgo vata, bho, nāgo. “Rồng kìa, các ngài, rồng kìa!”
- [07] Nguyên Hán: hung hành 胸 行, đi bằng bụng, Pāli: Uragam, loài bò sát hay con rắn.
- [08] Bất dĩ thân khẩu ý hại (...) thị long 不 以 身 口 意 害 是 龍. Pāli nói: Āgum na kāgoti kāyena vācāya manasā, tam ahaṃ nāgo ti brūmi, ai không làm ác bằng thân, miệng, ý; Ta nói người đó là nāga.
- [09] Long tương ưng tụng 龍 相 應 頌.