Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

04 Tông Chỉ Đề Cương Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Wednesday, May 26, 201000:00(View: 7234)
04 Tông Chỉ Đề Cương Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

ĐỀ CƯƠNG KINH PHÁP HOA
Hoà Thượng Thích Nhật Quang
Thiền Viện Thường Chiếu

 

Tông Chỉ Đề Cương Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

CHÁNH VĂN

TÔNG CHỈ ĐỀ CƯƠNG
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

Đức Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên nên xuất hiện ở đời. Bởi muốn khai thị cho chúng sanh khiến ngộ nhập Phật tri kiến đạo.

Lúc mới thành Chánh giác, Ngài nói kinh Hoa Nghiêm, đem cho họ giáo Viên đốn Nhất thừa, khiến mọi người đồng lên biển Hoa Tạng. Nhưng pháp lớn cơ nhỏ, chắc chắn là khó vào. Do đó, Giáo có năm thời, Thừa chia ba tạng.

Thời thứ hai, nơi vườn Lộc Dã, Ngài nói kinh A-hàm.
Thời thứ ba, tại tinh xá Kỳ Hoàn, Ngài nói kinh Bát-nhã.
Thời thứ tư, trong núi Kỳ-xà-quật, Ngài nói kinh Pháp Hoa.
Thời thứ năm, ở thành lớn Câu-thi, Ngài nói kinh Niết-bàn.

Hai thời trước là phần giáo của Tiểu thừaNhị thừa. Đến thời Pháp Hoa là phần giáo của Đại thừa. Kinh nói: Phật nói kinh Đại thừa, tên “Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm”.

Bởi chư Phật hộ niệm từ lâu xa đến giờ. Nay, trong chúng đệ tử, căn cơ đã thuần thục, lưới nghi cũng trừ xong, có thể kham nhận lãnh pháp lớn, nên Phật đem Đại thừa này giao phó. Giáo này cũng đồng với kinh Hoa Nghiêm. Do đó, kinh nói: “Thẳng bẳng bỏ phương tiện, chỉ nói đạo vô thượng. Khiến cho chúng đệ tử, nương đạo Nhất thừa này, tiến vào Tối thượng thừa, Tri kiến Phật nhất đại sự, A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”.

Nhưng, kinh Pháp Hoa cùng kinh Lăng Nghiêm đồng một ý hướng, mà kinh Pháp Hoamật ý xưng dương tán thán Phật tri kiến. Kinh Lăng Nghiêm là nói rõ Phật tri kiến. Đến kinh Niết-bàn thì dạy “Sanh diệt đã hết, lặng lẽ là vui”. Chính nơi đây, niềm vui lớn mới thật rốt ráo.

Nên biết trên hội Pháp Hoa là lúc đào giếng đã thấy đất ướt, biết chắc gần tới nước. Hội Lăng Nghiêm là khi thấy nước rồi. Hội Niết-bàn là lúc uống nước. Thế thì, nhân duyên một việc lớn, chính là giải thoát vậy.

Nói lớn, cũng chẳng vượt qua tâm. Nhưng, tâm lại là Tri kiến chân như, bản lai không một vật. Chúng sanh tự quên cái bản lai này, theo vọng thức, trôi giạt mãi trong biển khổ. Cho nên, pháp của Phật nói ra, dụ như chiếc bè hay cứu vớt chúng sanh, ngược giòng mà qua, khiến họ bỏ vọng về chân. Sau đó, mới khai thị cho họ, dạy biết cái “bản lai thanh tịnh”, ngộ nhập “Tri kiến địa chân như”.

Tỳ-kheo Thanh Đàm,
Thiền sư Giác Đạo Tuân
Minh Chánh tuyển.

GIẢNG 

Bài Tông Chỉ Đề Cương Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này do ngài Minh Chánh viết. 

Đức Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên nên xuất hiện ở đời. Bởi muốn khai thị cho chúng sanh khiến ngộ nhập Phật tri kiến đạo. Bản nguyện rộng lớn của chư Phật ra đời, chỉ vì một việc duy nhất là muốn mở bày cho tất cả chúng sanh nhận được và hằng sống với tri kiến Phật của mình. Chúng tatri kiến Phậtbỏ quên, rồi lăng xăng tạo nghiệp bị luân hồi bị trôi giạt qua vô số kiếp, nên bây giờ các ngài phát nguyện nơi nào có mình, chư Phật thị hiện đến chỉ cho mình việc ấy. 

Lúc mới thành Chánh giác, ngài nói kinh Hoa Nghiêm, đem cho họ giáo Viên đốn Nhất thừa, khiến mọi người đồng lên biển Hoa Tạng. Lịch sử kể rằng, khi đức Thế Tôn thành đạo dưới cội Bồ-đề, ngài đã thốt lên: Lạ thay! Mọi loài đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, tại sao ngu mê để rồi bị trầm luân sinh tử! Nghĩa là ngài dùng con mắt Phật, mắt tuệ đã thực chứng nhìn khắp muôn loài, thấy chúng có sẵn trí tuệ đức tướng Như Lai, tại sao ngu mê để bị trôi giạt. Do đó ngài liền chỉ dạy pháp Viên đốn Nhất thừa, khiến cho mọi người vào biển Hoa Tạng, tức là thể nhập được tạng tâm Như Lai của chính mình. 

Pháp thì lớn, cơ thì nhỏ. Nghĩa là pháp Nhất thừa viên đốn rất rộng sâu, mà căn cơ chúng sanh lại quá cạn hẹp. Chúng sanh đang giong ruổi và mắc mứu bởi trần lao phiền não đầy dẫy, cho nên không nhận nổi pháp viên đốn Phật chỉ dạy. 

Do đó, Giáo có năm thời, Thừa chia ba tạng. Đây là theo sự phán giáo của các tổ đời sau. Thời thứ nhất, là sau khi thành đạo Phật giảng kinh Hoa Nghiêm do chư thiên thỉnh cầu. Thời thứ hai, nơi vườn Lộc Dã, Ngài nói kinh A-hàm. Chúng ta học trong lịch sử, sau khi thành đạo rồi, đức Thế Tôn từ Bồ-đề đạo tràng trở lại vườn Lộc Dã gặp gỡ mấy người bạn đồng tu là năm anh em Kiều Trần Như. Nơi đây ngài nói pháp Tứ đế. Vì vậy, thời thứ hai đức Phật nói pháp cho hàng Nhị thừa.

Thời thứ ba, tại tinh xá Kỳ Hoàn, Ngài nói kinh Bát-nhã. Tinh xá Kỳ Hoàn tức là tinh xá Trúc Lâm. Tinh xá này do ông Cấp Cô Độc thành lập. Phật thành đạo rồi, có những đệ tử xuất giatại gia theo Thế Tôn tu học, phát nguyện tạo phương tiện giúp cho chánh pháp được lưu truyền nơi đời, lợi lạc chúng sanh. Tinh xá Kỳ Hoàn do trưởng giả Cấp Cô Độc phối hợp với thái tử Kỳ-đà thành lập. Đây là tinh xá lớn nhất, đức Phật nhập hạ ở đây cũng nhiều nhất. Tại nơi này Phật nói kinh Bát-nhã.

Thời thứ tư, trong núi Kỳ-xà-quật, Ngài nói kinh Pháp Hoa. Núi Kỳ-xà-quật tức là núi Linh Thứu. Tại đây Phật nói kinh Pháp Hoa

Thời thứ năm, ở thành lớn Câu-thi, Ngài nói kinh Niết-bàn. Đây cũng là chỗ đức Phật nhập Niết-bàn. 

Hai thời trước là phần giáo của Tiểu thừa. Đến thời Pháp Hoa là phần giáo của Đại thừa. Kinh nói: Phật nói kinh Đại thừa tên “Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm”. Tức là kinh Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát này được chư Phật hộ niệm.

Bởi chư Phật hộ niệm từ lâu xa đến giờ. Nay, trong chúng đệ tử, căn cơ đã thuần thục, lưới nghi cũng trừ xong, có thể kham nhận lãnh pháp lớn, nên Phật đem Đại thừa này giao phó. Ngay trong phần đầu, đức Phật thị hiện giới thiệu chỉ bày, từ từ các vị đệ tử lớn như ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-chiên-diên, Ca-diếp v.v… đã thuần thục, đã trưởng thành, kham nhận được giáo pháp Đại thừa, bấy giờ đức Phật mới nói kinh Pháp Hoa.

Giáo này cũng đồng với kinh Hoa Nghiêm. Do đó, kinh nói: “Thẳng bẳng bỏ phương tiện, chỉ nói đạo vô thượng. Khiến cho chúng đệ tử, nương đạo Nhất thừa này, tiến vào Tối thượng thừa, Tri kiến Phật nhất đại sự, A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”. Kinh Hoa Nghiêm nói Thẳng bẳng bỏ phương tiện, chỉ nói đạo vô thượng, tức là chỉ thẳng, vượt qua tất cả phương tiện. Khiến cho chúng đệ tử, nương đạo Nhất thừa này, tiến vào Tối thượng thừa, Tri kiến Phật nhất đại sự, A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Việc duy nhất tối thượng thừa là như vậy. 

Nhưng, kinh Pháp Hoa cùng kinh Lăng Nghiêm đồng một ý hướng, mà kinh Pháp Hoamật ý xưng dương tán thán Phật tri kiến. Kinh Lăng Nghiêm là nói rõ Phật tri kiến. Kinh này đem so với kinh Lăng Nghiêm, cả hai kinh đồng một ý hướng. Kinh Pháp Hoamật ý xưng dương tán thán Phật tri kiến, còn kinh Lăng Nghiêm nói rõ Phật tri kiến. Cùng một ý hướng nhưng mỗi kinh có một nhiệm vụ chỉ bày như vậy đó.

Đến kinh Niết-bàn thì dạy: “Sanh diệt đã hết, lặng lẽ là vui”. Chính nơi đây, niềm vui lớn mới thật rốt ráo. Đến kinh Niết-bàn là rốt ráo, sanh diệt đã hết, lặng lẽ là vui.

Nên biết trên hội Pháp Hoa, là lúc đào giếng đã thấy đất ướt, biết chắc gần tới nước. Nơi hội Pháp Hoa, đức Thế Tôn chỉ cho mọi người nhận ra tri kiến Phật, trong đó có chúng ta. Tuy rằng chúng ta chưa giác ngộ giải thoát, chưa thành Phật, nhưng nhận được mình có tánh giác, có tri kiến Phật tức là tin chắc ta có khả năng thành Phật. Giống như đào giếng tới đất ướt rồi, chắc chắn sẽ tới nước, sẽ trị được bệnh khát nước. Kinh nói nhận được tri kiến Phật, nhà thiền bảo hằng sống với tánh giác của mình.

Hội Lăng Nghiêm, là khi thấy nước rồi. Tức là chỉ thẳng cái đó ra. Hồi nãy tới đất ướt, biết chắc gần tới nước, đến đây thấy nước. Hội Niết-bàn, là lúc uống nước. Kinh Niết-bàn nói gì? Sanh diệt đã hết, lặng lẽ là vui.

Thế thì, nhân duyên một việc lớn, chính là giải thoát vậy. Giáo hóa chúng sanh được như vậy là nhân duyên nhất đại sự đã thành công, tức là giải thoát.

Nói lớn, cũng chẳng vượt qua tâm. Câu này ý nói lớn không ngoài tâm, nói lớn nói nhỏ gì cũng không ngoài tâm cả.

Nhưng, tâm lại là Tri kiến chân như, bản lai không một vật. Tâm chính là Tri kiến chân như, bản lai không một vật. Thành ra khi Lục Tổ nói Bản lai vô nhất vật là ngài đã nhận ra được tri kiến Phật của mình. Nhận được, sống được với tâm của mình rồi, Tổ mới nói “Bản lai vô nhất vật”. Người chưa nhận được tâm, còn bị mắc mứu chạy theo những lăng xăng điên đảo bên ngoài, không khi nào dám nói vô nhất vật. Rõ ràng như vậy.

Chúng sanh tự quên cái bản lai này, theo vọng thức, trôi giạt mãi trong biển khổ. Đây là câu nói thông thường mà các vị thánh dành cho chúng sanh đang lô nhô trong biển khổ. Chúng ta có cái bản lai ấy mà quay lưng với nó, để rồi vướng mắc trôi giạt, khổ sở điên đảo không cùng. Con người thường chạy theo sự thay đổi giả tạm bên ngoài, chợt có chợt không, khi còn khi mất. Khi được thì vui cười hả hê, lúc mất lại buồn khổ sầu thảm. Mất thân này tìm thân khác, cứ thế mà bám, mà trôi giạt. Bây giờ có cách để không bị trôi giạt nữa là chán bỏ thân này, nhận và sống với thân thật, tự nhiên không bị khổ đau nữa. Biết rõ mình bị khổ đau, luân hồi là vì mê nhận những điên đảo, hư giả làm thật. Bây giờ muốn hết khổ đau, muốn dừng vòng luân hồi sinh tử thì đừng ôm đồm, đừng chạy theo, đừng mắc mứu những cái đó nữa. 

Tự chúng ta ý thức và nhận trách nhiệm đối với vòng luân hồi mình đang vướng mắc. Chúng ta không thể cầu nguyện, không thể trông mong ai ban cho mình sự an ổn. Ví dụ mình đang bị một bức xúc trong lòng. Nó ray rứt, quấy nhiễu, lăng xăng mà chưa giải toả được. Giả như bây giờ có ai khuyên, an ủi, để mình quên sự bực bội ấy, nhưng nếu ta chưa giải tỏa, còn vướng bận trong lòng thì dù được an ủi bao nhiêu, sự ray rứt vẫn chưa hết. Chỉ khi nào mình cởi mở, buông bỏ hết thì mới yên được. Cho nên tự mình phải vận dụng trí lực của mình, không thể ỷ lại vào sự hỗ trợ bên ngoài. Đoạn đường đó là đoạn đường quyết liệt tự mình đi, vững vàng hay không, tự tại hay không là do mình. Các phương tiện chỉ có giá trị tạm thời, rất giới hạn, không thể cứu được mình. 

Công phu phải do ta tự gầy dựng, yên lắng hết vọng tưởng, phiền não không còn, mọi lăng xăng buông xuống thì trí tuệ hiện tiền phát ra. Nghĩ như vậy rồi, chư huynh đệ sẽ thấy quý trọng thời gian, sẽ thấy công phu tu hành bây giờ quyết định cho đường đi nước bước của mình, cho cuộc đời mình. Nên nhớ vô thường không tha ai hết, dù cho những bậc phát minh siêu xuất nhất, thuốc thang tối ưu nhất, tuy nhiên cuối cùng rồi cũng bó tay. Một hơi thở ra không lấy lại là rồi. Thế thì có gì bảo đảm? Chả có gì hết, chẳng qua chỉ là duyên hợp thôi. Nếu chúng ta không cùng nhau hạ quyết tâm xây dựng cho đẹp, cho xứng đáng, mà còn gây tạo những bất an bất ổn trong đó thì quả thật là dại khờ. 

Nói cho cùng, việc của mình mình phải đảm đang, phải giải quyết thôi. Càng lớn lên, chúng ta sẽ càng thắm thía nỗi quạnh quẽ, cô đơn một mình, không ai cảm thông nổi! Con đường luân hồi sinh tử ta gầy dựng thì chính ta đương đầu và giải quyết. Pháp của Phật cao siêu mầu nhiệm như thế, nhưng nếu ta không áp dụng, không thể nhập được thì luân hồi sinh tử vẫn cứ lôi ta trong luân hồi sinh tử. Nghiệm tới đây, mọi người nên tha thiết, quý trọng nhau. Vì tất cả chúng ta đều là Phật hết mà, dù người cao, người thấp, người già, người trẻ, người khôn, người dại… cũng là Phật sẽ thành thôi. Chúng ta quý trọng, đùm bọc nhau, để thành tựu việc cho nhau. Tôi nói hỗ trợ, chứ không phải người này làm thành cho người kia được đâu. 

Cho nên, pháp của Phật nói ra, dụ như chiếc bè hay cứu vớt chúng sanh, ngược giòng mà qua, khiến họ bỏ vọng về chân. Sau đó, mới khai thị cho họ, dạy biết cái “bản lai thanh tịnh”, ngộ nhập “Tri kiến địa chân như”. Pháp của Phật dụ như chiếc bè. Chúng ta biết dùng chiếc bè hay không là chuyện của mình. Muốn qua sông thì phải là chiếc bè an toàn, chứ qua giòng nước xoáy, sóng to sông lớn mà bè lủng bè mục thì chết chìm giữa giòng. Biết sử dụng bè cũng như biết sử dụng pháp, biết sử dụng phương tiện tu tập. Trước nhất là thân này, kế là trí tuệ hiểu biết, những phương tiện trong đời sống nuôi dưỡng trí tuệ và thân của chúng ta. Ngoài ra còn có bạn hữu, các phương pháp giải trừ độc tố cho mình.

Dùng xong thì bỏ phương tiện, không nên mang vác theo nữa. Có vị nào thấy một người đi trên đường nhựa mà vác chiếc bè trên lưng không? Không. Nhưng nếu ở dưới sông mà không có bè thì chết. Nói như thế để chúng ta sử dụng cái bè cho đúng. Bè là để qua sông. Làm sao bảo đảm an toàn cho mình, ta giữ gìn để có bè tốt mà qua được sông. Qua sông rồi thì bè trở thành vô dụng

Khiến họ bỏ vọng về chân. Rồi sau đó khai thị cho họ, dạy biết cái Bản lai thanh tịnh, ngộ nhập Tri kiến địa chân như. Nghĩa là nhân kế tựu kế, chỉ cho chúng sanh qua sông vững vàng, làm chủ rồi không bị các pháp kéo lôi, đó là Bản lai diện mục thanh tịnh chân như của chính mình.

CHÁNH VĂN 
TỔNG NÊU PHÁP DỤ
ĐỀ MỤC CỦA KINH

Diệu Pháp Liên Hoa kinh, năm chữ. Hai chữ Diệu Pháp là chỉ cho Pháp thật. Pháp tức là tâm xưa nay trong sạch. Tâm ấy, xưa nay không sanh không diệt, chẳng sạch chẳng nhơ, chẳng thêm chẳng bớt. Ở phiền não mà chẳng loạn động, trụ trần lao mà không nhiễm ô. Cho nên nói, tâm xưa nay trong sạch là vậy.

Lại tâm này, là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của chúng sanh. Tròn đồng thái hư, lớn không bờ mé. Linh linh lặng lặng, phô xưa bày nay. Trạm trạm lóng trong, tức không tức sắc. Không thể dùng tâm thức suy lường mà biết được. Đức Thế Tôn, vì muốn đem một việc lớn, “Tâm này” trao phó cho hàng Bồ-tát, gây tâm nhân địa, làm gốc tu nhân. Nhiên hậu, có thể thành tựu quả địa tu chứng, nên nói rằng Diệu Pháp.

Nên biết, tâm này trong các kinh đều khai thị nó trước nhất. Phương tiện đặt tên, mỗi chỗ chẳng đồng. Như Tâm Kinh Bát-nhã thì “Tâm Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa”. Lại bảo: “Bồ-tát Quán Tự Tại”. Cũng nói: “Chân thật chẳng hư”. Kinh Tịnh Danh nói: “Pháp môn Bất nhị”. Hoặc là “Chẳng nghĩ bàn”. Kinh Kim Cương dạy: “Như thế sanh tâm thanh tịnh”. Lại dạy: “Nên không chỗ trụ mà sanh tâm ấy”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Biển tánh Tỳ-lô”. Lại nói: “Trí Căn bản”. Kinh Lăng Già cho rằng: “Tự giác thánh trí”. Kinh Lăng Nghiêm chỉ: “Diệu minh nguyên tinh”. Lại nói: “Như Lai tàng tánh”. Kinh Viên Giác thì “Nhân địa pháp hạnh” hoặc là “Viên Giác diệu tâm”. Kinh A-di-đà nói: “A-di-đà Phật”. Lại nói: “Kinh công đức chẳng thể nghĩ bàn, hết thảy chư Phật đều hộ niệm”. Kinh Đại Bát Niết-bàn thì dạy: “Thân Kim Cương chẳng hoại”. Đến như kinh Pháp Hoa này là “Diệu Pháp Liên Hoa”, là “Một đại sự nhân duyên”. Lại, “Phật tri kiến đạo”. Hay là, “cứu cánh Phật tuệ”. Cũng lại, “Trí nhất thiết chủng” v.v… Như thế bao nhiêu thứ danh hiệu, đều tùy dụng mà đặt ra, có vô lượng sự sai khác. Thế nên nói là “Diệu Pháp”.

Hai chữ Liên Hoathí dụ. Lấy trong sạch chẳng ô nhiễm làm nghĩa. Vì tất cả sự vật trong thế gian, chẳng kham làm dụ cho tâm, nên cưỡng lấy hoa sen để ví cho nó. Bởi loài hoa này sanh trong nước bùn, mà chẳng bị nước bùn làm ô uế. Cũng như tâm ở trong trần lao, mà chẳng bị trần lao làm mê hoặc. Nhưng, tâm không hình tướng, hoa có xanh, vàng. Nhân hoa mà rõ cái thấy, do thấy mới biết hoa. Hoa là sắc tướng vô tình, còn thấy biết chính là chân tâm. Chỉ chẳng vọng sanh phân biệt thì vật ngã tự như như.

Kinh là sợi chỉ xâu suốt tâm. Bảy quyển bao hàm hơn sáu muôn lời, đều là những số của tâm. Lấy một sợi chỉ xâu hết lại thành một kinh vậy. Nhưng, chỗ tỏ bày của kinh là môn học Định, Tuệ. Thế là nói lượt đi, kỳ thật gồm cả Giới trong đó, do Giới giúp cho Định Tuệ. Nhân Giới sinh Định, do Định phát Tuệ. Thế nên, Giới là phương tiện đầu của Định Tuệ, há có thể lãng quên được ư?

Nói Định Tuệ, tức là tông chỉ của Thiền định. Tuy trong các kinh đều nói Định Tuệ, nhưng có Định Tuệ Tiểu thừa, Định Tuệ Nhị thừa, hoặc Định Tuệ của Quyền thừa Bồ-tát. Đến như kinh này thì Phật tuệ rốt ráo, chỉ bày Nhất thừa, Phật tri kiến đạo, khiến các chúng sanh rốt ráo đều được Trí nhất thiết chủng.

Nên biết, Định Tuệ trong kinh này nói, chẳng phải Định Tuệ của các kinh khác mà có thể so sánh được. Kinh nói: “Tạng kinh Pháp Hoa này, rất bền chắc sâu xa, không người có thể đến”.

Nay, đức Phật giáo hóa hàng Bồ-tát được thành tựu rồi, nên vì họ mà chỉ bày. Nhưng kinh Pháp Hoa, mới bắt đầu khai thị khiến họ ngộ nhập. Đến kinh Lăng Nghiêm, thì nghĩa Đại thừa đã rành rõ, mọi việc đã hoàn tất. Thế nên biết, kinh Pháp Hoa cùng kinh Lăng Nghiêm làm tiêu biểu cho nhau. Do đó, kinh Pháp Hoa cũng có tên là “Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương kinh”.

Kệ rằng:

Đề kinh năm chữ, nghĩa u huyền,
Diệu Pháp Liên Hoa(1), Phật tuệ viên,
Thanh-văn(2), Độc giác(3), khôn lường xét,
Bản lai thanh tịnh, bặt trần duyên,
Theo thời chẳng muội Chân tri kiến,
Chỗ hiển mở bày thật quả nhân,
Pháp dụ cùng nêu, ngời đại sự,
Tâm hoa rực rỡ, chiếu vô biên.

(1) DIỆU PHÁP LIÊN HOA: Diệu Pháp là Pháp diệu khó nghĩ, vượt hơn các pháp. Lại kinh pháp này là vua trong các kinh của Phật nói.

Liên Hoa là dụ như hoa sen. Một loại hoa sánh với các loại hoa khác có năm điều đặc biệt:

1- Có hoa là có gương: nhân quả đồng thời.
2- Mọc trong bùn lầy mà vẫn trong sạch thơm tho.
3- Cọng hoa từ gốc đã tách rời cành lá.
4- Loài ong bướm không bu đậu.
5- Không bị người dùng làm đồ trang điểm.

Nói Diệu Pháp Liên Hoa là gồm cả dụ lẫn pháp trong đó. Thông thường các Phật tử chỉ gọi tắt hai chữ là Pháp Hoa mà thôi. 

(2) Thanh-văn: Các vị này sanh cùng thời với Phật, được nghe pháp Tứ Đế ngộ lý Vô sanh, chứng quả A-la-hán. Thanh văn có bốn bậc:

1- Tu-đà-hoàn 2- Tư-đà-hàm
3- A-na-hàm 4- A-la-hán 

(3) Độc giác: Còn gọi là Bích-chi Phật. Có hai hạng:

a) Các vị ra đời không gặp Phật, cũng không gặp chánh pháp, nhưng nhờ chứng kiến cảnh hoa héo lá khô v.v… mà tự ngộ lý vô thường dứt Kiến tư hoặc, thoát ly sanh tử luân hồi. Vị này gọi là Độc giác.

b) Các vị ra đời gặp Phật gặp chánh pháp, tu quán mười hai nhân duyên, chứng ngộ vô sanh thoát ly sanh tử luân hồi. Vị này gọi là Duyên giác. Cả hai hạng trên cứ nơi quả chứng thì ngang với A-la-hán.

GIẢNG

Diệu Pháp Liên Hoa kinh, năm chữ. Hai chữ Diệu Pháp là chỉ cho Pháp thật. Pháp tức là tâm xưa nay trong sạch. Tâm ấy, xưa nay không sanh không diệt, chẳng sạch chẳng nhơ, chẳng thêm chẳng bớt. Ở phiền não mà chẳng loạn động, trụ trần lao mà không nhiễm ô. Cho nên nói, tâm xưa nay trong sạch là vậy.

Lời văn của ngài Minh Chánh rất sáng. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có thật pháp và thí dụ. Liên hoa là dụ, Diệu pháp là thật. Diệu pháp là chỉ cho tâm xưa nay không sanh không diệt, không nhơ không sạch không thêm không bớt. Ở phiền não mà chẳng loạn động, trong trần lao mà không nhiễm ô. Cho nên nói là tâm xưa nay trong sạch. Đó là nói về tâm thể của chúng ta.

Lại tâm này, là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của chúng sanh. Tròn đồng thái hư, lớn không bờ mé. Linh linh lặng lặng, phô xưa bày nay. Trạm trạm lóng trong, tức không tức sắc. Không thể dùng tâm thức suy lường mà biết được. Đức Thế Tôn vì muốn đem một việc lớn, “Tâm này” trao phó cho hàng Bồ-tát, gây tâm nhân địa, làm gốc tu nhân. Nhiên hậu, có thể thành tựu quả địa tu chứng, nên nói rằng Diệu Pháp.

Ở trên đã dẫn, ở dưới nói thêm, Lại tâm này… một loạt, để chỉ cho chúng ta biết tâm này là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của chúng sanh. Tròn đồng thái hư, lớn không bờ mé. Linh linh lặng lặng, phô xưa bày nay… Nghĩa là tâm trùm hết, linh linh lặng lặng. Những từ này thật sâu sắc, đọc lên đã đủ, không thể giải thích được nữa. Giải thích sẽ trật đi. Linh linh lặng lặng. 

Trạm trạm lóng trong, nghĩa là gì? Chữ Trạm (湛) là lắng yên, bất động, không bị sai sử lay chuyển bởi những thứ bên ngoài. 

Tức không tức sắc: Tâm ấy cũng là không, cũng là sắc. 

Không thể dùng tâm thức suy lường mà biết được. Nghĩa là tâm đó không thể dùng sự suy lường bằng tri thức mà biết được. Chỉ nhận ra, hằng sống.

Đức Thế Tôn, vì muốn đem một việc lớn, “Tâm này” trao phó cho hàng Bồ-tát, gây tâm nhân địa, làm gốc tu nhân. Mục đích ra đời của đức Phật, vô lượng các bậc Thánh, là đem việc lớn “Tâm này” giao phó, ở đây nói hàng Bồ-tát nhưng chính là chỉ cho chúng ta biết mình có tâm ấy, để gây tâm nhân địa, tức tâm của mình là cái gốc tu nhân. 

Nhiên hậu, (然後) là sau đó Có thể thành tựu quả địa tu chứng, nên nói rằng Diệu Pháp.

Nên biết, tâm này trong các kinh đều khai thị nó trước nhất. Phương tiện đặt tên, mỗi chỗ chẳng đồng. Như Tâm Kinh Bát-nhã thì “Tâm Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa”. Tức là chỉ cho Tâm. Nó là kinh Tâm. Bát-nhã ba-la-mật tức là trí tuệ viên mãn. Ba-la-mật là Đáo bỉ ngạn.

Lại bảo: “Bồ-tát Quán Tự Tại”. Kinh Bát-nhã, đương cơ Phật nói pháp là Bồ-tát Quán Tự Tại. Phật bảo với Bồ-tát Quán Tự Tại, mà ngầm hiểu là đức Phật dạy chung cho tất cả chúng sanh.

Cũng nói: “Chân thật chẳng hư”. Kinh Tịnh Danh nói: “Pháp môn Bất nhị” hoặc là “Chẳng nghĩ bàn”. Kinh Kim Cương dạy: “Như thế sanh tâm thanh tịnh”. Lại dạy: “Nên không chỗ trụ mà sanh tâm ấy”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Biển tánh Tỳ-lô”. Lại nói: “Trí Căn bản”. Kinh Lăng Già cho rằng: “Tự giác thánh trí”. Kinh Lăng Nghiêm chỉ: “Diệu minh nguyên tinh”. Lại nói: “Như Lai tàng tánh”. Kinh Viên Giác thì “Nhân địa pháp hạnh”. Hoặc là “Viên Giác diệu tâm”. Kinh A-di-đà nói: “A-di-đà Phật”. 

A-di-đà Phật tức là Vô lượng thọ, Vô lượng quang. Chỉ cho pháp thể thanh tịnh của chính mình. Thành ra kinh A-di-đà nói: A-di-đà Phật.

Lại nói: “Kinh công đức chẳng thể nghĩ bàn, hết thảy chư Phật đều hộ niệm”. Bất khả tư nghì công đức chư Phật nhất thiết hộ niệm.

Kinh Đại Bát Niết-bàn thì dạy: “Thân Kim Cương chẳng hoại”. Đến như kinh Pháp Hoa này là “Diệu Pháp Liên Hoa”, là “Một đại sự nhân duyên”. Lại, “Phật tri kiến đạo”. Hay là, “cứu cánh Phật tuệ”. Cũng lại, “Trí nhất thiết chủng” v.v… Như thế bao nhiêu thứ danh hiệu, đều tùy dụng mà đặt ra, có vô lượng sự sai khác. Thế nên nói là “Diệu Pháp”. Nói diệu pháp là bởi năng dụng hay dụng lực của tâm lớn lao vô cùng vô tận vậy.

Hai chữ Liên Hoathí dụ. Lấy trong sạch chẳng ô nhiễm làm nghĩa. Vì tất cả sự vật trong thế gian, chẳng kham làm dụ cho tâm, nên cưỡng lấy Hoa sen để ví cho nó. Bởi loài hoa này sinh trong nước bùn, mà chẳng bị nước bùn làm ô uế. Cũng như tâm ở trong trần lao, mà chẳng bị trần lao làm mê hoặc. Nhưng, tâm không hình tướng, hoa có xanh, vàng. Nhân hoa mà rõ cái thấy, do thấy mới biết hoa. Hoa là sắc tướng vô tình, còn thấy biết chính là chân tâm. Chỉ chẳng vọng sinh phân biệt thì vật ngã tự như như.

Câu kết cho chúng ta hình ảnh gì? Như trong kinh Viên Giác nói, người muốn nhận ra mặt trăng thật thì phải từ ngón tay mà nhìn lên mặt trăng thật trên kia. Cho ngón tay là mặt trăng sẽ có lỗi vừa làm hư ngón tay, vừa không nhận ra mặt trăng thật. Ở đây cũng vậy, tâm không hình tướng, hoa thì có xanh, vàng. Nhân hoa mà rõ cái thấy, do thấy mà biết hoa. Nhân dụ mà chỉ ra pháp thật. Người có trí từ dụ nhận ra pháp thật. Hoa là sắc tướng vô tình còn thấy biết chính là chân tâm

Chỉ chẳng vọng sanh phân biệt thì vật ngã tự như như. Chúng ta đừng chạy theo vọng thức, đừng sanh phân biệt thì vật ngã tự như

Kinh là sợi chỉ xâu suốt tâm. Bảy quyển bao hàm hơn sáu muôn lời, đều là những số của tâm. Lấy một sợi chỉ xâu hết lại thành một kinh vậy. Nhưng, chỗ tỏ bày của kinh là môn học Định, Tuệ. Thế là nói lượt đi, kỳ thật gồm cả Giới trong đó, do Giới giúp cho Định Tuệ. Nhân Giới sanh Định, do Định phát Tuệ. Thế nên, Giới là phương tiện đầu của Định Tuệ, há có thể lãng quên được ư? Ở đây giải thích chữ Kinh, “Kinh” có ý nghĩa là xâu suốt lại. Bảy quyển bao hàm sáu muôn lời. Có bài tán đầu kinh Pháp Hoa

Hơn sáu muôn lời, thành bảy cuốn,

Rộng chứa đựng vô biên nghĩa mầu.

Trong cổ nước cam lộ rịn nhuần,

Trong miệng chất đề hồ nhỏ mát.

Bên răng ngọc trắng tuôn xá-lợi,

Trên lưỡi sen hồng phóng hào quang.

Dầu cho tạo tội hơn núi cả,

Chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng.

Bài tán này rất hay. Chỗ tỏ bày của kinh là môn học Định, Tuệ. Nói Định Tuệ là nói lượt, kỳ thật có Giới trong đó nữa. Giới giúp cho Định Tuệ. Nhân Giới sanh Định, do Định phát Tuệ, cho nên Giới là phương tiện đầu của Định Tuệ, há có thể lãng quên được ư?

Nói Định Tuệ, tức là tông chỉ của Thiền định. Tuy trong các kinh đều nói Định Tuệ, nhưng có Định Tuệ Tiểu thừa, Định Tuệ Nhị thừa, hoặc Định Tuệ của Quyền thừa Bồ-tát. Đến như kinh này thì Phật tuệ rốt ráo, chỉ bày Nhất thừa, Phật tri kiến đạo, khiến các chúng sanh rốt ráo đều được Trí nhất thiết chủng. Định Tuệ của kinh này nói là gì? Nhất Phật thừa. Trong nhà Phật có Định Tuệ Nhị thừa, Định Tuệ Quyền thừa Bồ-tát v.v… nhưng Định Tuệ của kinh này nói là Nhất Phật thừarốt ráo Nhất thiết chủng trí.

Nên biết, Định Tuệ trong kinh này nói, chẳng phải Định Tuệ của các kinh khác mà có thể so sánh được. Kinh nói: “Tạng kinh Pháp Hoa này, rất bền chắc sâu xa, không người có thể đến”.

Nay, đức Phật giáo hóa hàng Bồ-tát được thành tựu rồi, nên vì họ mà chỉ bày. Nhưng kinh Pháp Hoa, mới bắt đầu khai thị khiến họ ngộ nhập. Đến kinh Lăng Nghiêm, thì nghĩa Đại thừa đã rành rõ, mọi việc đã hoàn tất. Thế nên biết, kinh Pháp Hoa cùng kinh Lăng Nghiêm, làm tiêu biểu cho nhau. Do đó, kinh Pháp Hoa cũng có tên là “Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương kinh”. 

Ở đây nói lại chỗ này một chút. Đức Phật giáo hóa hàng Bồ-tát được thành tựu rồi, nên vì họ mà chỉ bày. Nhưng kinh Pháp Hoa, mới bắt đầu khai thị khiến họ ngộ nhập. Như trước đã nói, kinh Pháp Hoa giống như đào giếng thấy đất ướt, biết chắc có nước. Đến kinh Lăng Nghiêm, thì nghĩa Đại thừa đã rành rõ. Tức là kinh Lăng Nghiêm chỉ cho cái Diệu tịnh minh tâm, hay là cái Kiến chân nguyên minh, tức chỉ cho tâm thể của mình. Mọi việc đã hoàn tất. Sau khi khai thị rõ ràng rồi, đến giai đoạn nhận được chính xácthể nhập. Thế nên biết, kinh Pháp Hoa cùng kinh Lăng Nghiêm, làm tiêu biểu cho nhau. Hai kinh này làm tiêu biểu cho nhau. Do đó, kinh Pháp Hoa cũng có tên là “Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương kinh”. Chữ Vương là vua. Vua trong các kinh. Kinh vua Diệu Liên Hoa rất rộng lớn.

Kệ rằng:

Đề kinh năm chữ, nghĩa u huyền,

Diệu Pháp Liên Hoa, Phật tuệ viên,

Thanh văn, Độc giác, khôn lường xét,

Bản lai thanh tịnh, bặt trần duyên,

Theo thời chẳng muội Chân tri kiến,

Chỗ hiển mở bày thật quả nhân,

Pháp dụ cùng nêu, ngời đại sự,

Tâm hoa rực rỡ, chiếu vô biên.

Hoa sen so sánh với các loại hoa khác có những điểm đặc biệt. Ở đây tóm lại có năm điều.

1. Có hoa là có gương: Hoa sen nở ra là có sẵn gương ở trong rồi, gọi là nhân quả đồng thời. Nghiệm lại với pháp tu của chúng ta rất đặc biệt

2. Mọc trong bùn lầy mà vẫn trong sạch thơm tho: Hoa sen sinh trưởng từ trong bùn lầy nước đọng, hôi nhơ, nhưng hoa lại thơm. Đó là điểm đặc biệt của hoa sen.

3. Cọng hoa từ gốc đã tách rời cành lá. Cọng tách rời cành lá từ dưới gốc.

4. Loài ong bướm không bu đậu. Ong bướm không bu đậu hoa sen. Ngộ thật. Tôi nghĩ ong bướm thì hoa nào cũng bu đậu, nhưng đặc biệt hoa sen nó không dám bu.

5. Không bị người dùng làm đồ trang sức. Người nữ trang sức hoa trên đầu như hoa hường hoa cúc, ít thấy ai cài cái hoa sen tổ bố trên đầu. Đó cũng là điểm đặc biệt.

Điểm đặc biệt của hoa sen là mọc trong bùn lầy mà vẫn trong sạch thơm tho. Chúng ta không thể nào chạy trốn xã hội này, đừng nói phải đến nơi nào đó yên mới tu được! Ở đây, ngay đây bây giờ mà tu không được thì đừng nói chạy đi đâu. Nếu muốn tìm kiếm nơi nào khác mới tu được, thì chẳng khác người đứng núi này trông núi nọ. Nếu không chịu khó, không dám đương đầu với thực tế, không chấp nhận sống với hoàn cảnh hiện tại, thì không thể tiến trên bước đường tu tập. Làm sao trong bùn lầy chúng ta vẫn trong sạch như hoa sen. Làm sao trong cuộc sống này với bao nhiêu vướng mắc mình vẫn tự tại. Mình là mình. Giữa bùn lầy mình vẫn thơm tho. Thơm tho ở đây không phải y cứ trên hình thức ăn chay, niệm Phật, tụng kinh mà khi làm tất cả công việc đều không đắm trước, không thấy tướng ngã tướng nhân. Như các vị Bồ-tát xả thân đắp cầu, làm đường… mà tâm luôn luôn an vui thanh tịnh

Cọng hoa sen từ gốc đã tách rời cành lá, loài ong bướm không bu đậu, không bị người dùng làm đồ trang điểm. Chúng ta tu hành như thế nào để đừng bị cuốn hút, đừng tạo nghiệp. Chúng ta cố gắng phấn đấu từng hơi thở, từng tâm niệm, nhắc nhở nhau tu hành, chuyển cho được nghiệp tập của mình, để được giải thoát an vui ngay trong cõi đời uế trược này.

CHÁNH VĂN 
TỔNG NÊU NHÂN DO TÔNG CHỈ
KHAI THỊ NGỘ NHẬP

Phần duyên khởi của các kinh, mỗi mỗi khác nhau. Nhân duyên kinh này, lấy ánh sáng mà dẫn, từ trong vô lượng nghĩa lưu xuất. Vô lượng nghĩa cũng là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Hạng thượng căn thấy đó, đã tròn đầy yếu cơ Khai, Thị, Ngộ, Nhập, chẳng nhọc đức Thế Tôn từ chánh định dậy, lại diễn nói thêm. Nên trong kinh nói: “Pháp ấy chẳng thể nghĩ bàn, tướng lời nói lặng lẽ. Nhưng các loài chúng sanh khác không thể hiểu thấu, nên xin ưa muốn nghe”. 

Khai là phá bỏ vọng tưởng tình thức kia, bày tỏ căn tánh chân thường tức là Phật tri kiến, tâm bản lai thanh tịnh

Thị là đã khai phá vọng thức rồi, liền chỉ ra căn tánh chân thường, là Phật tri kiến, tâm bản lai thanh tịnh.

Ngộ là chúng sanh từ kiếp vô thủy đến giờ, chẳng biết chân tánh xưa nay trong sạch. Chỉ nhận bốn đại, năm uẩn làm thân, sáu thức vọng tưởng làm tâm. Nên cần phải mở bày, mới có thể giác ngộ “tình thức là vọng, căn tánh là chân”. 

Nhập là đã biết vọng thức, nhận ra chân tánh, bèn hồi tâm ngộ nhập tánh chân thật, chóng bỏ thức tình vọng tưởng. Lại, Nhập cũng chính là nghĩa “nhập lưu vong sở”. Là thu nhiếp các thức trở về căn nguyên, trái bỏ cảnh giới vọng trần vậy.

Kệ rằng:

Pháp Hoa một đại sư nhân duyên,
Khai Thị khiến cho Ngộ Nhập liền (1).
Phóng quang sáng tỏa, bừng mắt đạo,
Từ tam-muội dậy, chỉ linh nguyên.
Hoa lòng, nhận thấu chân tri kiến,
Biển tánh, vào giòng giác biến viên.
Hãy dừng chớ có dùng lời nói,
Mây bay, tùng gợn, vốn thiên nhiên.

(1) KHAI, THỊ, NGỘ, NHẬP: Tất cả các đức Phật Thế Tôn ra đời chỉ vì muốn cho chúng sanh “Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến”. Chúng sanh được khai thị ngộ nhập Phật tri kiến rồi lòng Phật mới thỏa, nguyện Phật mới xong, một đại sự nhân duyên ra đời của các Ngài mới hoàn tất.

Kinh nói: “Các đức Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyênhiện ra trong đời. Xá-lợi-phất! Thế nào nói rằng các đức Phật Thế Tôn hiện ra trong đời chỉ vì một đại sự nhân duyên?

Các đức Phật Thế Tôn vì muốn chúng sanh khai mở Phật tri kiến để được thanh tịnhhiện ra trong đời. Vì muốn chỉ thị Phật tri kiến cho chúng sanhhiện ra trong đời. Vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ Phật tri kiếnhiện ra trong đời. Vì muốn tất cả chúng sanh chứng nhập Phật tri kiếnhiện ra trong đời. Xá-lợi-phất! Đó là các đức Phật Thế Tônđại sự nhân duyênhiện ra trong đời vậy.”

Phật tri kiến chính là bản giác diệu tâm, là chân tánh bình đẳng của tất cả Thánh phàm. Từ xưa đến giờ khắp cùng pháp giới, Phật và chúng sanh vẫn đồng một thể tánh này. Thể tánh dù đồng, nhưng mê chính nó là chúng sanh, ngộ chính nó là Phật. Ngộ tức thuận theo tánh. Thuận theo tánh thì luôn luôn thụ hưởng bốn đức “thường, lạc, ngã, tịnh”. Mê là trái tánh theo trần. Trái tánh theo trần hẳn luân hồi sanh tử đảo điên khôn cùng. Vì trần lao là cảnh “huyễn mộng vô thường”.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Trái giác hợp trần, trái trần hợp giác”, là đấy. 

GIẢNG

Đây là phần Tổng nêu nhân do tông chỉ Khai Thị Ngộ Nhập. Nhân do là nguyên nhân hay lý do về tông chỉ Khai Thị Ngộ Nhập. Đầu kinh Pháp Hoa nói “Đức Thế Tôn ra đời là vì một đại sự nhân duyên”, tức một việc lớn, một nhân duyên lớn. Nhân duyên lớn đó là muốn khai thị ngộ nhập cho chúng sanh. Tức mở bày chỉ ra cho chúng sanh nhận được, thể nhập được tri kiến Phật của chính mình. Đó là lý do chánh yếu của chư Phật thị hiện ra nơi đời. 

Tri kiến Phật được Hòa thượng Tôn sư nói rất nhiều lần qua những thời giảng kinh hoặc Ngữ lục của chư Tổ. Nhà thiền nói tánh giác, chân tâm, hay Ông Chủ của chúng ta. Các đức Phật ra đời nhằm chỉ cho chúng ta nhận được tánh giác của chính mình. Tại sao phải chỉ như thế? Vì chúng ta có sẵn cái đó nhưng quên đi. Chữ Mê (迷) trong nhà Phật có nghĩa là quên đi. Bởi quên nên chúng ta chạy theo vọng trần. Vọng trần là gì? Vọng trần gồm những thức tình điên đảo, vọng tưởng trùng trùng điệp điệp, nhiều lớp nhiều đời chồng chất. Chúng ta đã quên gốc, lại bị vọng tình vọng thức bu bám nên quên lại càng quên, càng mờ mịt không biết lối về, không nhận ra được gốc Phật, không nhận ra được tánh giác của mình. Do đó điên đảo tạo nghiệp, lẩn quẩn trong luân hồi sanh tử, không có ngày cùng. 

Bây giờ chúng ta được học lại những lời dạy cao quý của chư Phật, của các thiện hữu tri thức, chỉ mong muốn chúng ta một điều duy nhất là nhận lại. Nhận lại cái gì? Nhận lại tánh giác của mình, nhận lại cái mà mình bỏ quên. Chỉ khi nào chúng ta nhận lại, sống được với tánh giác thì mới dừng cái vòng lẩn quẩn, cắt đứt những lăng xăng điên đảo từ vô lượng kiếp tới nay. Cắt đứt nó rồi chúng ta hết khổ, không bị trôi lăn nữa. Hòa thượng Tôn sư luôn nhắc nhở chúng ta đừng quên tánh giác, đừng chạy theo vọng tưởng. Ngài dạy vừa dấy niệm là phải tỉnh, dừng, đừng chạy theo, không để nó kéo lôi. Do tỉnh dừng nên được định, biết nó không thật, không để nó kéo lôi là tuệ. Định tuệ hiện tiềnchúng ta sử dụng được trí Bát-nhã của mình rồi.

Với người nhiều công phu, ngay bây giờ có thể biết được tình hình mình sẽ bị luân hồi sanh tử hay không? Biết bằng cách nào? Đó là, nếu có một dấy niệm mà mình làm chủ, đừng để nó kéo lôi, không chạy theo và biết nó hư giả, điểm trán nói: Chính mày mà ta bị trôi giạt, bị kéo lôi, lay hoay lẩn quẩn trong vòng luân hồi từ vô số kiếp đến nay. Bây giờ ta không còn lầm, không còn mê đảo nữa. Bọn bây không còn cơ hội, không đủ sức dẫn dắt ta đi đâu được nữa! Nếu như tất cả thiền sinh chúng ta đều điểm trán được vọng tưởng, những dấy niệm của mình hằng ngày, hằng giờ, từng phút giây là quý vị có thể làm chủ được rồi. Người hằng sống được như vậy là người nhận và sống được với tánh giác của mình. Điều này thật ra rất giản dị, đâu có gì khó! Song mình làm không được vì mê mà thôi. Mê là quên đi tánh giác của mình.

Như anh chàng nọ sáng mai chuẩn bị đi dự hội, đem bít tất mới ra mang. Anh tròng một chiếc bít tất vô xong rồi lại quên, tròng tiếp chiếc còn lại vô chân đó. Chết dở! Mất hết một chiếc không biết tìm đâu, lục hết ngăn tủ, các ngăn kéo, không có chiếc bít tất. Là tại vì hai chiếc tròng vô một chân. Tình trạng chúng ta cũng vậy. Mình có sẵn tánh giác rồi nhưng hơi lẩm cẩm một chút. Lẩm cẩm chứ không do ai lấy mất của mình. Do lẩm cẩm nên cái này chồng chéo lên cái kia, tánh giác ẩn đâu mất, kiếm không ra. Quên là như vậy đó. Mê giác ở trong chúng ta. Nhớ, không quên là giác. Quên, không nhớ là mê. Lẩm cẩm một chút là nằm bên bờ mê. Nhớ ra, tỉnh lại là đứng bên kia bến giác. Mê và giác không có biên cương cố định. 

Cho nên trong công phu tu tập chúng ta phải nâng cao trình độ tỉnh. Cái tỉnh hiện tiền thì được định, tức là vững vàng. Định tỉnh thì không bị mê. Bởi vậy tất cả các thiền sinh chúng ta mỗi ngày đêm đều có ngồi thiền. Ngồi thiền là thế thù thắng nhất để gầy dựng cái tỉnh. Tuy ngồi thiền có tỉnh, nhưng cái tỉnh đó vẫn bị lung lay. Ví dụ mình đi kéo củi nó bị lung lay, làm vườn bị lung lay, tiếp khách lại càng dễ lung lay hơn nữa. Cho nên sự tỉnh giác này phải được duy trì và chú ý thực tập trong tất cả mọi lúc, mọi nơi

Khi chúng ta tập trung ngồi thiền, có ba bước: 

1. Điều hòa thân. Nguyên tắc của pháp ngồi thiền là sau khi thân đã điều hòa rồi thì ngồi yên cho tới chừng nào xả ra mới cử động. Nhờ sự khống chế đó trong một thời gian nhất định, chúng ta nuôi lớn cái tỉnh. Tỉnh được nuôi lớn thì định được phát huy. Định tỉnh phát huy thì định tuệ song hành. 

2. Điều hòa hơi thở. Hơi thở điều hòa thì thân thể chúng ta sẽ biến thông, nhẹ nhàng, thư thái

3. Điều tâm. Đây chính là mục đích chánh của người thực tập tọa thiền. Chúng ta áp dụng pháp tu “Biết có chân tâm” để nhận ra tánh giác của chính mình. 

Mỗi ngày thiền sinh đều phải thực tập như thế. Đây chính là những nguyên tắc để bảo trì thân, bảo vệ hơi thở, cuối cùng là hướng dẫn tập trung vào công phu tu hành. Mỗi ngày ít nhiều gì, các thiền sinh chúng ta đều sống và trải qua những thực tập này. Nếu như ngày nào chúng ta thiếu áp dụng sống tỉnh giác mình sẽ cảm thấy khó chịu. Tại vì ta quen thực tập tỉnh giác rồi. Cho nên sự tu hành rất hay và có ý nghĩa đặc biệt. Ví dụ giờ giải lao huynh đệ năm ba người cùng đi, vui vẻ nói chuyện tới cổng và vượt qua cổng. Bỗng nhiên quí vị nhớ ra quy luật thiền viện không cho phép mình ra ngoài đường, cho nên các huynh đệ quay lại. Đó là những khuôn khổ nhỏ, nếu chúng ta thường xuyên tu tập áp dụng sẽ tạo thành chất liệu nuôi dưỡng sự tỉnh giác

Nếu sự tỉnh giác của vị nào kém thì tu không tiến, vì sức nỗ lực không có. Tự lực không có, giống như người bị bệnh tai biến vậy, thân họ bại hoại hai phần ba, một phần tư hay phân nửa… xem như mất tự chủ, không tự điều khiển được. Làm sao tất cả thiền sinh chúng ta nuôi dưỡng phát huy cho được sự tỉnh giác. Dù rằng chỗ này chưa phải là Phật, song nó là chất liệu đảm bảo cho tương lai của mình. Nó được hình thành ngay trong cuộc đời hiện tại, có giá trị hay không là từ tinh thần này. 

Nhà thiền rất coi trọng những thiền sinhtrình độ tỉnh giác cao. Từ sự quý trọng đó, họ được nuôi dưỡng, được tạo điều kiện để phát huy sự tỉnh giác hiện tiền, mạnh mẽ. Vì thế Hòa thượng Viện trưởng thành lập mô hình các thiền viện chuyên tu ở những nơi như núi cao yên tỉnh. Ngày xưa, khi chưa thành lập thiền viện trúc Lâm ở Đà Lạt, ngài từng tới lui Vũng Tàu, nơi có rừng núi và khí hậu tốt hạ thủ công phu tu thiền. Tâm nguyện của Hòa thượng muốn tạo những nơi thích hợp cho các vị có duyên tu thiền, phát huy cho được sự tỉnh giác càng sâu càng tốt. Ngài dạy: Mấy chú mà tỉnh giác thì không ai làm gì được hết. Ngược lại, sức tỉnh giác yếu thì dù nằm trùm mền trong Bệnh xá, ma quỷ vẫn dắt mình đi như thường.

Trở lại chuyện Mê. Mê là bỏ quên. Quên gì? Quên ở đây không phải quên tiền quên bạc, quên địa vị danh vọng mà là quên cái gốc, quên tánh giác của mình. Mới nguy chứ! Quên cái mà nếu nhớ được mình sẽ giác ngộ giải thoát, tự tại, làm chủ hoàn toàn, không bị ma quái khống chế lôi đi. Phải chi quên được tiền bạc danh vọng thì nhẹ nhàng, đỡ khổ biết mấy. Mỗi chiều chúng ta tụng Bát-nhã nghe Phật nhắc cái này không, cái kia không để nhớ tánh giác. Nhưng nhắc hoài mình cũng vẫn cứ quên! 

Tu thiền thật ra là một phương pháp tu hành mà không có phương pháp gì hết. Có khi chúng ta không cần tụng kinh nữa, chỉ làm sao đừng quên cái gốc. Khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, đức Phật đã thốt lên: Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, tại sao ngu mê bỏ quên để bị luân hồi sanh tử? Ngài thấy toàn thể chúng sanh có khả năng giác ngộ, có trí tuệ đức tướng Như Lai, nhưng không hiểu tại sao bỏ quên để thành ngu mê, bị trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Từ đó ngài phát đại bi đại nguyện nhắc nhở, chỉ vẽ, làm sao cho họ nhớ và sống lại với tánh giác của mình. 

Trong kinh Pháp Hoa, anh cùng tử được người bạn cho viên ngọc, gắn trong chéo áo mà anh cứ quên. Lúc say xỉn khổ sở, trôi giạt, gặp lại người bạn cũ. Anh ta bảo: 

- Hồi đó tôi cho anh viên ngọc cột trong chéo áo, sao không chịu đem ra dùng? 

Nhận ra mình có viên ngọc, lập tức anh chàng cùng tử trở thành giàu có, hết lang thang khổ sở. 

Tóm lại chúng ta đừng quên, đừng mê. Đừng quên đừng mê là nuôi dưỡng tánh giác. 

Phần duyên khởi của các kinh, mỗi mỗi khác nhau. Nhân duyên kinh này, lấy ánh sáng mà dẫn, tức Phật phóng ánh sáng giữa chặng mày, từ trong vô lượng nghĩa lưu xuất. Vô lượng nghĩa cũng là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Hạng thượng căn thấy đó, đã tròn đầy yếu cơ Khai, Thị, Ngộ, Nhập. Ở đây hạng thượng căn đương cơ là ngài Xá-lợi-phất. Sau khi nhận ra tri kiến Phật rồi, ngài được Phật thọ ký sẽ thành Phật

Chẳng nhọc đức Thế Tôn từ chánh định dậy, lại diễn nói thêm. Nên trong kinh nói: “Pháp ấy chẳng thể nghĩ bàn, tướng lời nói lặng lẽ. Nhưng các loài chúng sanh khác không thể hiểu thấu, nên xin ưa muốn nghe”. Lẽ ra đó là chỗ không phải nói gì hết, đức Thế Tôn dùng những hình ảnh, hạng thượng căn từ đó nhận ra và được thọ ký. Tuy nhiên với đại đa số chúng sanh ưa muốn nghe là vì chưa nhận ra.

Ở đây giải thích:

Khai là phá bỏ vọng tưởng tình thức kia, bày tỏ chân tánh chân thường tức là Phật tri kiến, tâm bản lai thanh tịnh. Khai là phá bỏ vọng tưởng, phá bỏ tình thức, bày tỏ chân tánh. Chúng ta nghiệm lại cái gì thuộc về vọng tưởng, thuộc về tình thức thì bỏ đi. Vọng tưởng là gì? Là những lăng xăng ngược xuôi, dính mắc trong lòng chúng ta. Bên trong như thế, còn bên ngoài là cảnh duyên xung quanh, cảnh nào chúng ta cũng mắc mứu, cũng dính hết, nó cũng thuộc về loại bà con quyến thuộc của vọng tưởng

Người tu thiền làm sao để trị được những bệnh này? Tức là bên trong làm chủ, không bị những lăng xăng lôi dẫn. Đối với các hiện tượng, các cảnh duyên bên ngoài, bình thản an nhiên, không chạy theo, không dính mắc. Người được như thế là người có sức làm chủ, sống được với chân tánh của mình. Được như vậy là như như đối với các pháp. Như như đối với các pháp là bên trong yên ổn, niệm lăng xăng không dẫn đi được. Đối với cảnh duyên bên ngoài cũng không phải chạy theo. Cảnh là cảnh, tâm sáng suốt vẫn sáng suốt, không vì cảnh mà tâm mê mờ. Người được như thế là người như như đối với các pháp. 

Thị là đã khai phá vọng thức rồi, liền chỉ ra căn tánh chân thường, là Phật tri kiến, tâm bản lai thanh tịnh. Chữ Thị có nghĩa là chỉ ra. Khi vọng tưởng đã bị khai phá, chúng ta làm chủ được, chúng không lôi kéo mình nữa, đức Phật mới chỉ tới phần chúng tatri kiến Phật ở ngay nơi tự thân. 

Ngộ là chúng sanh từ kiếp vô thủy đến giờ, chẳng biết chân tánh xưa nay trong sạch. Chỉ nhận bốn đại, năm uẩn làm thân, sáu thức vọng tưởng làm tâm. Nên cần phải mở bày, mới có thể giác ngộ “tình thức là vọng, căn tánh là chân”. Ngộ nghĩa là nhận ra. Nhận ra cái gì? Nhận ra từ vô thủy kiếp đến nay chúng sanh quên mất chân tánh vốn sẵn có của mình, nên trôi dạt trong luân hồi sanh tử. Trong các thứ mê chấp, cái mê chấp lớn nhất của chúng tamê chấp thân tâm hư giả cho là thật. Từ đó bám víu, yêu thương, muốn bảo vệ nó, cho nên tạo vô số nghiệp. Bây giờ đức Phật mở bày, chỉ ra cho chúng sanh nhận được “tình thức là vọng, căn tánh là chân”, để chúng sanh không còn chìm đắm trong kiến chấp sai lầm, thoát khỏi nổi khổ sanh tử

Nhập là đã biết vọng thức, nhận ra chân tánh, bèn hồi tâm ngộ nhập tánh chân thật, chóng bỏ thức tình vọng tưởng. Lại, Nhập cũng chính là nghĩa “nhập lưu vong sở”. Là thu nhiếp các thức trở về căn nguyên, trái bỏ cảnh giới vọng trần vậy. Chữ Nhập ở đây có thể thêm từ cho dễ hiểuthể nhập, tức là vào được nhà của mình, là ông chủ sống tự do tự tại hoàn toàn, không còn bị bất cứ thứ gì câu thúc nữa. Khi được đức Phật khai, thị xong chúng ta ngộ rồi, buông bỏ thức tình vọng tưởng cho nên nhận và sống được với thể tánh chân thật của mình. Ngài Minh Chánh bảo là thu nhiếp các thức trở về căn nguyên, bỏ lại cảnh giới vọng trần. Nhập cũng chính là nghĩa nhập lưu vong sở. Ở đây nói theo tinh thần kinh Lăng Nghiêm. Nhập lưu là vào dòng, vong sở là quên. Nhập lưu vong sở là vào được dòng thánh, quên cái dòng luân hồi sanh tử từ lâu nay. Thành thử bây giờ làm sao chúng ta thiền định để vào được chỗ đó. Chỗ đó là chỗ nào? Là tánh giác của mình.

Tóm lại Khai Thị Ngộ Nhậpđức Phật chỉ cho chúng ta biết mình có tánh giác, có pháp thể thanh tịnh, thường trú bất sanh bất diệt, bây giờ quay về nhận lại. Nhân lời dạy của Phật mà ta nhận ra tâm chân thật có ở nơi mình. Pháp của Phật dạy giống như nhân ngón tay thấy được mặt trăng. Nhân cái này nhận ra cái kia. Nếu ai không nhân ngón tay thấy mặt trăng trên kia, lại cho ngón tay là mặt trăng thì làm hỏng đi ngón tay mà không bao giờ biết được mặt trăng. Cho nên Khai là một cách nói. Sở dĩ chúng ta có cái đó mà quên. Bây giờ Phật muốn dẫn chúng ta đến cái đó, chỉ cho chúng ta thấy, rồi tự chúng ta nhận ra, quay về hằng sống với cái đó.

Chư Phật với tâm nguyện muốn chúng sanh hết khổ được vui, các ngài chỉ cho chúng ta biết mỗi người đều có tánh giác. Nói tánh giác là một cách nói thôi, mỗi chúng ta đều có khả năng thành Phật. Nói khả năng thành Phật cũng là một cách nói thôi. Như đức Thế Tôn nói chúng ta là Phật sẽ thành. Muốn nhận lại tánh giác chúng ta phải định tĩnh, cứ lăng xăng theo trần cảnh hoài thì không bao giờ nhận được tánh giác. Nói tánh giác, nói trí tuệ, nói pháp thân, nói chân như, nói Niết-bàn… cũng do chính mình tự ý thức buông bỏ những lăng xăng, làm chủ được đối với tất cả các cảnh duyên thì mới nhận ra cái chân thật ấy. Người nào học Phật, hiểu Phật, áp dụng đúng như vậy là thành công. Phải xoay lại, phản quan tự kỷ, từ nơi mình mà được, không từ bên ngoài đến. 

Chỗ này các thiền sư đưa ra ví dụ, như sư tử, khi có người liệng ra một cục xương, nó không chụp cục xương mà chụp người liệng cục xương. Đó là phản quan. Người tu thiền là người phản quan giỏi nhất, có trí lực mạnh nhất, để thấy ngược lại chính mình, không lầm các pháp tạm bợ bên ngoài. Như nghe nói cánh tay đẹp, có kẻ mê cánh tay đó. Người trí lực kém chưa thể soi thủng để thấy từng tế bào, từng thỏi xương, từng lớp da, từng mảng bầy nhầy hình thành cánh tay nên mới thích cánh tay đẹp ấy. Đây là người không biết quán chiếu. Người biết quán chiếu sẽ phân tích, phẩu thuật thấy rõ cánh tay không có gì đẹp ngoài một mớ da thịt gân xương tạm kết hợp mà thành, nên họ không mê cánh tay. Cái đẹp không có trong mớ bầy nhầy, không có trong thỏi xương trắng, không có trong mớ gân vụn. Tóm lại cái đẹp không có thật. Nói cánh tay đẹp chẳng qua là do mê, không thấy thủng tận căn để các pháp, nên mới có các thứ sai lầm nối theo sau

Mọi thứ trên đời này, nếu sử dụng trí tuệ quán chiếu thì không có gì vướng mắc chúng ta được cả. Nhưng có điều chúng ta không gan, không dám nhìn thẳng mà thôi. Cả ngôn ngữ cũng không có chủ thể cố định. Như bây giờ tôi nói được thế này là nhờ có hàm răng, chưa súng cái nào, hai môi không sứt, lưỡi đầy đủ để phát ra âm thanh rõ ràng. Nhưng nếu như một bộ phận nào hư đi, răng thiếu, môi trớt… thì tôi nói ra không ai nghe được. Mọi cố chấp chẳng qua là quan niệm, thành kiến từ chỗ điên đảo vọng tưởng mê lầm của chúng ta mà ra. Từ đó chúng ta vướng mắc rồi tạo nghiệp với nhau.

Ở đây đức Phật quy tất cả về tâm, không có cái khác. Khai cũng khai mở tâm. Thị cũng chỉ ra tâm, tức tri kiến Phật. Ngộ là nhận lại tâm. Nhập tức thể nhập chân tâm. Bây giờ chúng ta ngồi thiền, thọ trai, tụng kinh, làm tất cả việc trong chúng... tựu trung vì một việc duy nhất là để vào được tánh giác. Tánh giác cũng gọi là bản lai diện mục, là chân tâm, là Ông Chủ. Mỗi danh từ diễn đạt một diệu dụng của tâm. Như nói tánh giác là nặng về giác, nói bản lai diện mục là chỉ cho mặt mắt thực xưa nay của chúng ta v.v… Khi đến được chỗ đó rồi thì mọi danh từ đều không còn ý nghĩa nữa. Vào được chỗ đó rồi thì chỉ nhận ra thôi, không nói gì hết. 

Tất cả những sinh hoạt tu học, việc làm, mọi thi vị trong đời sống của chúng ta đều nhằm làm sao nhập vào được chỗ này. Vào được chỗ này thì quên. Quên gì? Quên trần cảnh, quên bạn bè, quên tiền bạc, quên địa vị, quên ăn ngon, quên mặc đẹp… quên hết. Cho đến cuối cùng quên cái thân này luôn, bỏ sạch vọng tưởng nữa là thành Phật. Cho nên vào dòng được rồi thì kết quả đương nhiên là quên. Nếu chưa quên cái này thì chưa vào cái kia. Hai cái này nghịch chiều, cái này đậm đà thì cái kia yếu nhạt. 

Tóm lại, công huân tu hành hằng ngày của chúng ta đừng nghĩ chỉ ở lúc ngồi thiền, tụng kinh, mà chủ yếu là trong tất cả sinh hoạt đều phải tu. Sở dĩ chúng ta bị sắp đặt vào quy chế thời khóa như vậy là vì mình còn yếu quá đi, thả ra là chạy theo ngoại trần, là đắm nhiễm. Vì vậy có những nguyên tắc để kéo về, lấy lại thế Ông Chủ từ từ. Bao giờ chúng ta tự tại rồi thì thôi, nói gì tụng kinh hay ngồi thiền. Bây giờ chưa tự tại, chưa làm chủ được thì phải tụng kinh, ngồi thiền. Chúng ta đang sử dụng phương tiện, phải biết phương tiệngiá trị trong một giới hạn nào thôi. Chúng ta đang sống, đang hòa hội với nhau, đang sử dụng những phương tiện để tiến đến nhập lưu, hằng sống được với tánh giác của mình. Sống được với tánh giác rồi, trần cảnh sẽ không làm gì được mình. Khi đó thả chúng ta về thành phố hoặc đi Tây đi Tàu không còn sợ nữa, tự do thừa hành Phật sự, làm lợi ích cho chúng sanh. Nhưng bây giờ thì chưa được.

Huynh đệ cũng đừng bao giờ lợi dụng chữ phương tiện. Thầy nói khỏi tụng kinh, tới giờ tụng kinh không ai tụng hết cũng kỳ lắm. Anh em đang sống trong một tập thể có tổ chức, có nguyên tắc, có sự hòa hợpáp dụng phương tiện như vậy. Hòa thượng không nói chúng ta phải tụng kinh suốt đời. Cứ tụng đi, chừng nào ngài thấy chúng ta tự tại, làm chủ được thì không cần tụng nữa. Cũng như Hòa thượng bảo tất cả thiền sinh phải ngồi thiền hai tiếng đồng hồ, nhưng ngài không bắt buộc mãi như thế. Nếu người nào ngồi hai tiếng, rồi ba tiếng, tiến dần lên năm ba ngày một cách tự tại, chừng đó Hòa thượng không bảo mình phải ngồi thiền hai tiếng nữa. Còn bây giờ thì phải theo đúng sự hướng dẫn của ngài và qui định chung của thiền viện.

Nói tóm lại, khai thị ngộ nhậptinh thần chủ yếu nằm trong bản hoài của các đức Phật ra đời, nhằm chỉ cho chúng ta nhận lại gia bảo nhà mình, hằng sống được với nó. Như vậy chúng ta sẽ được tự tại giải thoát.

CHÁNH VĂN
NÊU RÕ DIỆU LÝ THEO MỖI PHẨM
TRONG KINH PHÂN GIẢI

Phẩm Tựa, vào đầu nói: “Phật nói kinh Vô lượng nghĩa xong, ngài vào chánh định Vô lượng nghĩa xứ. Thân tâm chẳng động, giữa chặng mày phóng ánh sáng trắng, chiếu thẳng đến phương đông, tướng các cảnh giới bên đó đều hiện rành rõ”, ấy là sao?

Bởi ánh sáng này trưng biểu cho nhãn căn thấy tánh, tức là Diệu pháp đạo lớn Nhất thừa chẳng nghĩ bàn, cũng là Tối thượng Phật thừa. Lại phương đông thuộc mộc, can tạng chúng ta cũng thuộc mộc. Trong can ngoài nhãn, tinh quang chiếu kiến. Chiếu kiến này chính là tâm. Thân tâm chẳng động phóng ra ánh sáng, là trưng biểu cho tâm thường lặng lẽ, ánh sáng thông cả chiếu kiến. Tâm này xưa nay trong sạch chẳng thể nghĩ bàn. Nhưng chúng sanh theo chiếu bỏ mất chân tông, đuổi cảnh mà bị lưu chuyển. Ấy bởi chấp nhận vọng thức làm tâm vậy.

Thế nên, đức Thế Tôn hiện ánh sáng giữa chặng mày chẳng động này, khiến các chúng sanh bỏ vọng về chân, mà chuyển thức thành trí. Đương cơ, ngài Di Lặc khởi nghi, là theo thức mà tỏ bày tướng cảnh giới hiện bên ngoài kia. Bồ-tát Văn Thù nêu rõ bản nhân của ánh sáng nhiệm mầu. Nghĩa là hiện nay thấy điềm ấy như xưa. Đây lại trưng biểu cho thức theo cảnh mà hiện, cảnh từ căn mà có. Căn tức là ứng dụng của tâm, đấy cũng chính là trí căn bản.

Nên biết, một ánh sáng mà hiện khắp, nhằm bày tỏ gốc là một tinh minh chia làm sáu hòa hợp. Vào một căn mà viên ngộ cả sáu căn, vào một pháp mà chóng rõ hết các pháp là đấy.

Kệ rằng:

Phật tuệ chiếu soi khắp phương đông,
Cùng thời, chúng hội khởi nghi đồng.
Mở đầu Di Lặc, Khai mê thức,
Chỉ thẳng Diệu quang, Thị giác không.
Lập một phá ba, toan trước hiển,
Ngộ quyền về thật, sẽ sau thông.
Pháp môn tùy Nhập, dù vô lượng,
Đồng đến Liên Hoa, pháp mênh mông.

GIẢNG

Tiếp theo là phần nêu rõ diệu lý theo mỗi phẩm trong kinh phân giải. Trước nhất là Phẩm Tựa, vào đầu nói: “Phật nói kinh Vô lượng nghĩa xong, ngài vào chánh định Vô lượng nghĩa xứ. Thân tâm chẳng động, giữa chặng mày phóng ánh sáng trắng, chiếu thẳng đến phương đông, tướng các cảnh giới bên đó đều hiện rành rõ”, ấy là sao?

Ở đây nêu lên câu hỏi sau khi Phật nói kinh Vô lượng nghĩa xong, ngài vào chánh định Vô lượng nghĩa xứ, thân tâm chẳng động, giữa chặng mày phóng ánh sáng trắng, chiếu đến phương đông v.v… tất cả các hiện tướng đó là sao? Theo tinh thần Thiền, ngài Minh Chánh điểm qua từng sự kiện cho chúng ta thấy. Bởi ánh sáng này trưng biểu cho nhãn căn thấy tánh, tức là Diệu pháp đạo lớn Nhất thừa chẳng nghĩ bàn, cũng là Tối thượng Phật thừa. Tức nói về ánh sáng biểu trưng cho nhãn căn thấy tánh. Đây là điểm quan trọng của nhà Thiền. 

Đọc tụng kinh Pháp Hoa, nếu không được sự chỉ điểm của các thiền sư theo tinh thần Thiền, chúng ta sẽ không nhận được yếu chỉ của kinh thông qua cái hiện tại sinh động này. Cái nhìn của nhà thiền rất đơn sơ nhưng sâu sắc, giúp chúng ta nhận được bản tâm ngay nơi sáu căn này. Từ trước, rất nhiều vị trì tụng kinh Pháp Hoa nhưng chưa hề biết Phật tri kiến là gì hoặc ngỡ rằng tri kiến ấy của Phật, chứ mình không có phần. Chư Phật ra đời là nhằm chỉ cho chúng sanh Phật tri kiến của chúng sanh, giúp chúng sanh nhận ra Phật tri kiến của mình. 

Phẩm Tựa nêu lên hình ảnh Phật phóng quang giữa chặng mày, ánh sáng trắng chiếu thẳng phương đông. Từ ánh sáng đó chúng sanh thấy được tất cả hiện tướng sinh hoạt của mình. Ở đây nói ánh sáng này biểu trưng cho nhãn căn thấy tánh, tức là Diệu pháp đạo lớn Nhất thừa chẳng nghĩ bàn, cũng là Tối thượng Phật thừa. Ánh sáng đó không phải hào quang bên ngoài, mà từ tâm phát ra. Giữa chặng mày chính là chân tâm vậy.

Lại phương đông thuộc mộc… Đây là lối giải thích liên hệ tới Ngũ hành. Các Tổ mình ngày xưa hay nói như vậy. Để làm gì? Để chúng ta từ đó nhận lại việc của mình. Phật giáo Việt Nam vào thời Trần chủ trương Tam giáo đồng nguyên. Trong đó có Khổng giáo, Lão giáoPhật giáo. Giai đoạn đầu chúng ta theo tập cấp của Khổng giáo, con người được giáo dục lớn lên theo lễ giáo như thế, học hành, thi cử, đỗ đạt, làm việc đều theo nếp nhà Nho. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn Đạo giáo. Tức luyện đan, tu pháp thần tiên, sống hằng nghìn tuổi, bước đi từ đầu non này qua đầu non khác v.v… vui thích với Bồng Lai tiên cảnh. Sau khi đã sống trải nếm đủ mùi đời rồi, bây giờ con người ước mơ tuổi thọ kéo dài, sống nhẹ nhàng thanh thản nơi cảnh non Bồng nước Nhược. Đến giai đoạn thứ ba trở về với Phật, sống với chính mình. Bấy giờ buông tất cả mơ ước giả tạm, sống trong tinh thần rỗng rang sáng suốt, tự tại giải thoát. Trở lại bình thường, không ước mơ gì nữa, thôi ngược xuôi, không còn dính mắc mọi thứ xung quanh. Sống được với tinh thần Phật, đó là sống Thiền. Tâm như, cảnh như, tâm cảnh không dính nhau gọi là tâm cảnh như như.

Tuy chủ trương như thế, nhưng trên thực tế ít ai đi hết ba giai đoạn trên. Có người gục ở đoạn thứ nhất, có người lan man bước sang đoạn thứ hai. Giai đoạn này lại không có thầy, nếu có bước sang con người cũng sống trong những giấc mơ thôi. Cuối cùng thấy giấc mơ không phải là hiện thực, họ từ bỏ và chuyển sang giai đoạn thứ ba, đó là trở về với chính mình. Ba giai đoạn trên, ít có ai thực hiện được trọn vẹn. Tới một giai đoạn nào đó, ngã tư nào đó, người ta tẽ. Mà đi ngã tẽ thì chẳng tới đâu. Đó chính là sự hụt hẫng giữa giấc mơ và hiện thực

Con người luôn luôn bị dằn co bởi thể lý tâm lý, giống như người đứng giữa ngã tư đường không biết mình phải đi ngã nào? Thân thì muốn đi ngã này mà tâm lại hướng về ngã khác. Đạo Phật không chấp nhận như vậy, chỉ chấp nhận cái hiện thực bình thường an nhiên tự tại. Mà muốn được như thế trước nhất phải bình thản, định tĩnh. Cho nên với người tu thiền, điều đầu tiên không thể thiếu được là tinh thần tự tỉnh giác. Tự tỉnh giác để làm gì? Để những ngã tẽ kia, mọi thứ hấp dẫn xung quanh cuộc đời này không làm gì chúng ta. Chúng ta vẫn nghe, vẫn thấy, vẫn ngửi, vẫn nếm nhưng đều bình thản trước tất cả. Ta không chạy trốn thứ nào, cũng không lầm thứ nào. 

Con đường đó là con đường Thiền. Vậy nên các thiền sư, các hành giả trong tông môn thường nhắc nhở chúng ta, quan trọng ở công phu áp dụng. Làm sao chủ động được các giác quan, tiếp cận với trần cảnh không bị kéo lôi, chúng ta không lầm chạy theo bất cứ cảnh duyên nào bên ngoài. Người được như vậy là người tự tại, cũng gọi là người sống với nếp thiền. Từ hướng đó chúng ta nhận ra được ý nghĩa của thiền, định nghĩa được thiền là gì trong đời sống này. 

Hòa thượng Viện trưởng đinh ninh nhắc dạy chúng ta, tỉnh giác liên tục và làm chủ được các dấy niệm, đó là sống với Ông Chủ, với tánh giác của mình. Khỏi nói Thiền nói Đạo chi, sống được với Ông Chủ không bị cảnh duyên kéo lôi, không lầm cảnh duyên xung quanh là đủ rồi. Thiền là như thế. Nói đến Thiền thì có nhiều cách, nhiều phương thức áp dụng. Phương thức không bị vướng, bị kẹt bởi bất cứ cảnh duyên nào là phương thức của Thiền tông. Nói phương thức nhưng nó không có phương thức gì hết, không có bài bản nào cố định. Ở đây chủ trương tỉnh giác. Tỉnh giác không phải là phương pháp, nó là một sự an nhiên, tỉnh táo sáng suốt bình thường. Khi cần soi rọi thì soi rọi, không cần thì bình thường. Không nói sáng không nói tối, không nói tỉnh không nói mê. 

Nhiều người cho rằng phương pháp này không tưởng. Không phải không tưởng. Vì từ lâu nay chúng ta đụng cái nào là dính cái ấy, các thiền sư nói ta giống như con cẩu, cái gì cũng liếm. Nói pháp dính pháp, nói cảnh dính cảnh, nói tâm dính tâm, nói trí dính trí… Ở đây nói không có một pháp cố định để chúng ta vào không được vô không nổi, mới không kẹt dính. Rõ ràng như vậy.

Ở Trung Hoa có quan Thị Lang Bạch Lạc Thiên là một văn hào lỗi lạc. Khi đến trấn nhậm vùng mà thiền sư Ô Sào đang trụ hóa ở đó. Chữ Ô Sào có nghĩa là ổ quạ. Đặc biệt kỳ lạ hơn thiên hạ, thiền sư Ô Sào tìm một ngọn cây, làm cái ổ ngồi trên đó. Bạch Lạc Thiên đến trấn nhậm vùng này nghe danh thiền sư Ô Sào, đến yết kiến. Khi đến thấy ngài ngồi trên cây, ông đứng dưới nói:

- Ngài ở chỗ chi mà nguy hiểm? 

Thiền sư trả lời

- Chỗ của ta không có nguy hiểm, chỗ của ông mới nguy hiểm. 

Bạch Lạc Thiên thưa:

- Chỗ của con có gì nguy hiểm? 

Thiền sư bảo: 

- Chỗ của ông dưới một người mà trên muôn người. Vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua. Tính mạng của đại quan cùng thân quyến đều lệ thuộc vào lòng yêu ghét của vua, sự tật đố tị hiềm của bạn bè. Một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi của thiên hạ thì làm sao bì được với sự cứng chắc của cội cây này!

Bạch Lạc Thiên nghe xong im lặng, cúi đầu. Sau đó ông hỏi tiếp:

- Xin Ngài chỉ cho đại ý của Phật pháp?

Thiền sư liền đáp: 

- Chư ác mạc tác

 Chúng thiện phụng hành

 Tự tịnh kỳ ý, 

 Thị chư Phật giáo

Dịch:

Chớ làm các điều ác,

Vâng làm các việc lành,

Tự thanh lọc ý mình,

Là lời chư Phật dạy.

Bạch Lạc Thiên nghe xong bảo:

- Những lời ngài vừa nói, đứa bé chín tuổi cũng thuộc.

Thiền sư mỉm cười:

- Đứa bé chín tuổi cũng thuộc nhưng chưa chắc ông già bảy mươi làm được. 

Tới đây Bạch Lạc Thiên mới bắt đầu kính lễ, xin thọ giáo với thiền sư Ô Sào.

Bài kệ thiền sư dạy, ở đây những thiền sinh trên mười năm chưa chắc đã làm được. Bao giờ chúng ta làm chủ được các giác quan, các dấy niệm của mình, luôn sống với ông chủ, không bị cảnh duyên bên ngoài kéo lôi, chừng ấy thôi khỏi phải tụng Pháp Hoa, tụng Bát-nhã… tụng gì cả. Làm chủ được các dấy niệm thì định tuệ đồng đẳng, y như lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng. Lúc đầu nhiều người phê phán pháp của Hòa thượng Viện trưởng dạy giống ngoại đạo, không nhằm trong kinh điển nào hết. Nhưng sự thực đây là pháp môn chỉ thẳng, ai có hành trì mới biết.

Kinh Pháp Hoa nhằm chỉ cho chúng ta tri kiến Phật, để chúng ta nhận ra tánh Phật ngay nơi chính mình. Tại sao trong kinh phải nói đức Phật phóng ánh sáng, có sự chứng kiến của chư Phật, chư Bồ-tát từ các phương đến? Tại vì ánh sáng ấy là ánh sáng tự tâm, không phải ánh sáng của điện đèn. Tướng hào quang sáng giữa chặng mày là chỉ cho ánh sáng tự tâm. Nói một cách bình thường không ai tin, nên phải có chư Phật và Bồ-tát khắp mười phương chứng minh cho điều đức Phật Thích Ca nói là đúng. Cho nên biết thấy được tất cả mọi thứ bằng con mắt tâm là thấy được chân lý.

Ngày nay chúng ta đủ duyên đủ phước hành đạo, thật là quí báu. Nếu để mất cơ hội này, mất duyên này mình sẽ trôi dạt không biết về đâu? Cho nên chúng ta phải tranh thủ làm sao nhận ra được yếu chỉ đó. Mỗi ngày huynh đệ được sống, được học hiểu, được áp dụng tu tập như thế này thì thật không còn gì quý bằng! Đầu đêm cuối đêm, các vị ngồi thiền, tụng kinh, đọc sách, nghe giảng, làm các công tác Phật sự đều biết rõ ràng. Đó là chúng ta sống đạo, sống với tri kiến Phật. Cho nên chúng ta cố gắng đừng cho tâm xen tạp, tỉnh giác liên tục thì tiến thẳng trên con đường Phật đạo, chừng nào bằng Phật mới vừa lòng con. Ngược lại, nếu chưa như thế thì chúng ta dễ thoái chuyển, nhìn qua nhìn lại, thấy thế này cực, thế kia sướng. Cứ đặt vấn đề hoài, càng đặt càng không hài lòng, cuối cùng bỏ cuộc. Vì vậy đã lập chí tu hành đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt, quyết tử, khẳng định như thế, không có gì lay chuyển được.

Bây giờ còn trẻ còn sức khỏe các huynh đệ không siêng tu, đến lúc thân thể suy kém, mất thăng bằng, làm sao áp dụng công phu, làm sao chúng ta giữ được chánh niệm, làm sao hành trì liên tục nổi. Lúc đang có điều kiện chúng ta chưa chịu yên tu, còn ngó qua ngó về, đợi đến khi sức khỏe suy thoái, bệnh tật ập đến chỉ còn nằm đó, hoàn toàn mất hết tự chủ. Trong lúc tỉnh sáng quyết định rõ ràng, mình không chịu làm, đợi đến lúc mơ mơ, muốn nói nói không được, làm sao mà “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” nữa. Cho nên bây giờ là chúng ta phải hạ quyết tâm thôi. 

Học kinh Pháp Hoa là để nhận ra tri kiến Phật của chính mình. Tri kiến Phật này không phải của người khác, không phải của Phật Bồ-tát cho chúng ta, mà chính chúng ta có sẵn. Chư Phật ra đời chỉ cho chúng ta cái chúng ta có sẵn. Thành ra học kinh Pháp Hoa là đem cái của mình ra dùng. Đến giai đoạn chúng ta phải nhận được viên bảo châu vô giá, nhận ra tri kiến Phật của mình, cắt đứt mọi thứ ngược xuôi, những lăng xăng từ trước đến giờ. Ngài Minh Chánh làm Pháp Hoa đề cương này cũng nhằm nhắc nhở chúng ta cái đó. Người tu Phật không cần phải nhận thêm tòa nhà nào, sự nghiệp nào ngoài tri kiến Phật của chính mình. Hãy lấy viên bảo châu vô giá trong chéo ra dùng để không còn ngược xuôi, nghèo khó, lang thang xin ăn vất vả nữa, chấm dứt cuộc đời cùng tử, trở về với đời sống trưởng giả vốn có từ vô thủy.

Phần dưới thiền sư Minh Chánh nói về Ngũ hành… là do ảnh hưởng Tam giáo đồng nguyên từ thời Trần. Thật ra điều này không phải mê tín, mà là cái nhìn của Nho Lão vào thời đó như vậy. Thông hiểu nền văn minh khoa học trong thời đại của mình, cũng hỗ trợ nhiều cho việc giáo hóa của các thiền sư đương thời. Trong thời đại chúng ta ngày nay tối kỵ sự mờ mịt, cho nên chúng ta không được mờ mịt. Mọi thứ đều được đưa ra ánh sáng, bởi vậy thiền phải được tiếp cận với quần chúng. Nói lý chung chung, không có kinh nghiệm thực hành, sẽ không có ai nghe ta đâu. Đó cũng là điều khiến cho thiền tăng chúng ta phải hiểu và tu cho tới nơi tới chốn. 

Mê tín hay chánh tín không có biên thùy nào cố định cả. Ta làm gì mà không biết manh mối, làm mà không thông, bày đặt ra đủ chuyện, đó là mê tín dị đoan. Thiền tăngtrách nhiệm làm sao cho mọi thứ trong cuộc sống phải được mở sáng. Không mở sáng bằng kiến thức thu gặt trong học hỏi, mà mở sáng bằng tâm tuệ giác, từ công phu tu hành của chúng ta. Người có công phu, mỗi ngày khám phá được những tâm tưởng phiền não vọng động, không bị nó lôi kéo nữa, đó là có trí tuệ Bát-nhã. Hồi xưa không biết chúng ta cho thân này là thật, bây giờ từ trí tuệ Bát-nhã thấy rõ nó không thật nên không tham đắm, không chấp kẹt nó nữa. Nhờ thế chúng ta bớt khổ vì thân.

Các nhà khoa học thể nghiệm việc bên ngoài, còn người tu thiền thể nghiệm việc của mình. Như nói về thân thì người tu hành không bao giờ cho thân này thật. Cho đến tâm cũng vậy, người có công phu thấy không thật. Tất cả hiện tượng trên thế gian này, dưới con mắt người có trí tuệ đều không thật, không có chủ tể. Ngày nay khoa học cũng dần dần thấy như thế. Phân tích từ những vật chất lớn tới những hạt điện tử cực nhỏ, cuối cùng không tìm ra vật chất cụ thể, ngoài bầu hư không mênh mông trường tại. Cho nên khoa học càng nghiên cứu càng phát minh càng thấy lời Phật dạychân lý. Với con mắt trí tuệ Bát-nhã, hành giả thấy các pháp lưu hành trước mắt, thể tánh rỗng không. 

Công năng hành thiền đem lại cho hành giả những lợi ích rất to lớn và thiết thực. Cho nên thiền sư Đại Giác tông Lâm Tế nói trong Luận Tọa Thiền “ngồi thiền là ngồi làm Phật”. Ngồi một giờ là làm Phật một giờ, ngồi hai giờ là làm Phật hai giờ… Thế thì bây giờ chúng ta ngồi thiền như thế nào để được gọi là ngồi làm Phật? Các tổ không bao giờ nói ngoa, chỉ vì chúng ta tu hành không đúng như những gì cổ đức chỉ dạy thôi. Những ai chưa hành thiền đúng thì chưa đạt được kết quả tốt, mà chỉ là học trên sáo ngữ. Ngồi thiền phải mở sáng mắt trí tuệ ra, soi thấy thân tâm hư vọng, không theo, như thế mới an định. Có định mới có tuệ. Định tuệ hiện tiền mới gọi là Phật chứ!

Học ngữ là sao? Là bắt chước nói theo những ngôn ngữ nhà thiền, chứ không dám buông tay, để nhận ra cái chân thật. Đối với thiền, phải dám buông tay mới nhận ra được tánh Phật. Như thiền sư Ô Sào dám làm ổ trên ngọn cây để sống mới sáng đạo. Thiền tông có những hành giả dám đi vào cuộc lữ ấy, bỏ tất cả để nhận được cái trọn vẹn nhất. Trong cuộc lữ ấy nếu không dám buông thẳng tay, còn một chút vướng mắc thì chẳng những đời này mà nhiều đời kế tiếp cũng chỉ là kẻ học ngữ thôi, không thể nào nhận được bản tâm chân thật

Khi nghe một vị Luật sư nói các thiền sư chấp không, ngài Đại Châu bảo: “Các ông mới là người chấp không”. Vị Luật sư hỏi: “Chúng tôi căn cứ lời Phật dạy, giữ gìn mọi thứ oai nghi tế hạnh, vì sao chấp không?” Thiền sư mới chỉ “Kinh điển văn tựphương tiện giả lập, chấp trên những thứ đó, không phải chấp không là gì?”. Một khi chúng ta vướng mắc vào phương tiện, cả đời loay hoay lẩn quẩn, không có lối ra. Quả thật nhìn lại quá trình tu hành, đôi khi chúng ta không có lối thoát. Như ngài Đại Giác nói một giờ ngồi thiền là một giờ làm Phật. Chúng ta ngồi thiền hai ba giờ mà không có một phút làm Phật, vì sao? Vì chưa dám buông tay. 

Xét lại công phu, với quá trình tu hành như thế sẽ đưa chúng ta tới đâu? Đó là điều xót xa nhất của mình. Tuổi thọ không cho phép chúng ta kéo dài thêm giờ phút nào, tới lúc chấm dứt dù muốn hay không, ta phải chấp nhận. Không luật sư trạng sư nào chạy chữa được khoảng này cả. Dù hạng quyền quý giàu sang địa vị cỡ nào cũng không giải quyết được. Chuyện hiện thực hôm nay chúng ta cứ lơ là, để ngày tàn tháng lụn trôi qua, chấp nhận một cuộc sống mơ hồ, kéo dài cuộc lữ trong vòng luân hồi không lúc nào tỉnh. Đức Phật bảo thật đáng thương.

Chúng ta còn tranh chấp hơn thua, xấu đẹp, dài ngắn v.v... đủ thứ chuyện, làm sao nhập tri kiến Phật được. Ngài Đại Châu cảnh giác chúng ta bằng một thông báo chung là chớ có chấp ngôn ngữ văn tự. Luật nghi, văn tự trong từng pho kinh điển đều không thật, bằng chứng rõ ràngchúng ta có thể in ra được mà. Nếu nó thật làm sao người ta in hàng trăm tập cho khắp thế giới. Cái thật không thể đem cho được. Cho nên phải biết ngôn ngữ văn tự như ngón tay chỉ mặt trăng, chớ nó không phải là mặt trăng. Nương kinh điển để nhận ra tri kiến Phật nơi mình, chớ không phải học kinh điển để nói như con vẹt. Học kinh là để tu, không học thì không biết đường mà tu, nhưng nhớ không được chấp kinh. Nếu như kinh tạng để nằm ì trong tủ không ai rờ mó tới, không ai dịch giải ra, không ai giảng nghĩa thì có lợi lạc gì đâu. Không một pho kinh nào tự ngồi dậy nói tôi là tri kiến Phật đây. 

Chỗ này Hòa thượng Viện trưởng nói giống như lâu nay khách khứa đầy nhà, bây giờ mời hết khách ra. Không cần phải nói ông chủ, ông nào còn lại đó là ông chủ, khỏi phải giới thiệu. Chủ thì không đi đâu, khách khứa mới tới lui lăng xăng. Những người tới lui không phải là chủ. Cũng thế các pháp trần phiền não chợt hiện chợt mất, không thật, còn cái chủ trì bên trong thì cứ thế không đến không đi, bất sanh bất diệt. Nhưng nghe nói bất sanh bất diệt ta liền chấp bất sanh bất diệt, cho Phật tánh bất sanh bất diệt thì chết cứng ngay đó, coi như Phật tánh bị mình đóng cái mác ngay đó. 

Có những món đồ ai làm ra không biết, nhưng khi tới mình, ta đóng cái mác tên vào thì nó là của mình. Tức thì ai đụng tới không được, đụng tới là cù cặn nổi lên. Điên đảo của chúng sanh là như thế, mất quyền làm chủ là như thế. Bây giờ mình thu hồi lại quyền làm chủ, không bị những lăng xăng bên ngoài quấy động nữa, sống trở về với tri kiến Phật của mình. Đừng vướng kẹt bất cứ thứ gì có hình tướng, có sanh diệt nữa, thì lập tức giải thoát an vui ngay. 

Tâm này xưa nay trong sạch chẳng thể nghĩ bàn. Nhưng chúng sanh theo chiếu bỏ mất chân tông, đuổi cảnh mà bị lưu chuyển. Ấy bởi chấp nhận vọng thức làm tâm vậy. Đó là sự lầm mê của chúng sanh từ nhiều kiếp đến nay. Nhận giả làm chân, nhận khách khứa bên ngoài làm mình, nên tạo nghiệp khổ cho nhau. 

Thế nên, đức Thế Tôn hiện ánh sáng giữa chặng mày chẳng động này, khiến các chúng sanh bỏ vọng về chân, mà chuyển thức thành trí. Đương cơ, ngài Di Lặc khởi nghi, là theo thức mà tỏ bày tướng cảnh giới hiện bên ngoài kia. Bồ-tát Văn Thù nêu rõ bản nhân của ánh sáng nhiệm mầu. Nghĩa là hiện nay thấy điềm ấy như xưa. Đây lại trưng biểu cho thức theo cảnh mà hiện, cảnh từ căn mà có. Căn tức là ứng dụng của tâm, đấy cũng chính là trí căn bản. Theo cái nhìn của thiền sư, mọi hiện tượng chung quanh đều từ tâm, từ trí của mình hiện ra. Nếu người nhận bóng giả bên ngoài thì bị thức tình vọng tưởng kéo lôi, ngược xuôi theo nó. Từ đó nhận lại tức thì nhận được tâm thể.

Trong nhà đầy người lăng xăng tới lui, nhưng mình biết rõ đó là khách, nên không sợ lầm ông chủ hiện tiền, không bị động theo cảnh duyên bên ngoài. Đây là tinh thần phản quan trong nhà thiền. Tuy chúng ta biết tất cả muôn cảnh đều từ gốc này lưu xuất, nhưng nếu chạy ra thì mất gốc, còn nhớ nhận lại gốc thì những lăng xăng bên ngoài tự nhiên lặng. Cách tu phản quan tự kỷ rất nhẹ nhàng, ai cũng có thể tu được. 

Nên biết, một ánh sáng mà hiện khắp, nhằm bày tỏ gốc là một tinh minh chia làm sáu hòa hợp. Vào một căn mà viên ngộ cả sáu căn, vào một pháp mà chóng rõ hết các pháp là đấy. Lối nói của các thiền sư rất giản dị. Những điều ngài nói ở đây rất giống trong kinh Thủ Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm, Phật ví dụ như một căn nhà có sáu cửa lớn nhỏ, giữa nhà có viên ngọc sáng. Viên ngọc phát ánh sáng ra sáu cửa, chúng ta nhận ra viên ngọc cũng từ sáu cửa này. Kinh Lăng Nghiêm gọi viên ngọc đó là Viên Trạm Thường Tính hay Bản Tịnh Minh Thể, Diệu Tịnh Minh Tâm của chúng ta. Quay lưng với ánh sáng này chạy ra ngoài, Phật cho đó là người ngược xuôi theo trần cảnh, bị cảnh duyên kéo lôi, không nhận được Viên Trạm Thường Tính của mình. 

Bây giờ từ sáu căn chúng ta nhận lại tánh giác của mình, chớ không từ đâu khác. Giống ánh sáng phát ra, chúng ta biết ánh sáng đó từ viên ngọc. Muốn nhận được nguồn ánh sáng đó trọn vẹn thì phải quay về nhận lại viên ngọc, không chạy theo những thứ bên ngoài. Kinh Lăng Nghiêm nói là “Bội trần hợp giác”. Còn hạng người chạy theo trần cảnh bên ngoài, bỏ quên Viên Trạm Thường Tính gọi là “Bội giác hợp trần”. 

Ý của kinh Lăng Nghiêmkinh Pháp Hoa không hai. Nghĩa là nếu ai còn mắc mứu cảnh duyên bên ngoài thì người đó không bao giờ nhận được tri kiến Phật. Chỉ có người gan dạ, dám buông mới nhận được tánh giác của mình. Người đó sống, thể nhập được tri kiến Phật. Người tu thiền, dù lúc tụng kinh, cuốc ruộng, bửa củi, nấu cơm, làm tất cả công việc đều có thể nhận lại tri kiến Phật. Ngồi thiền bị muỗi cắn, nóng bức chịu không nổi là chạy theo cảnh duyên nóng bức, khổ vui thì không phản quan tự kỷ. Người như thế dù ngồi một trăm năm, cũng không nhận ra tri kiến Phật. Người đang cuốc đất thấy nhọc nhằn, thấy như vầy như kia, tu không được, đó là cái thấy của phàm phu tục tử, không cần thiết với người muốn nhận lại tri kiến Phật

Người bửa củi người nấu cơm, hành đường, trị nhật cũng vậy. Ví dụ người trị nhật nhằm đêm mưa gió lạnh lẽo, thấy tại sao mình phải cực thế này, trong khi có người nằm ngủ hoặc đang ngồi thiền sung sướng v.v… trong lòng bực bội, đó là hạng người chạy theo vọng trần, không phản quan tự kỷ, nên không nhận được tri kiến Phật. Cho nên chỗ này không có biên cương giữa ma đạoPhật đạo, ai nhận ra thì trong mọi thời mọi cảnh đều nhận được, còn không nhận thì trầm luân sanh tử suốt kiếp. Tổ Qui Sơn bảo “Không nhận được thì muôn đời suốt kiếp mang lông đội sừng”. Mang lông đội sừng là sao? Do không nhận được tâm Phật nên khởi lên những niệm tham sân si. Chính những niệm này dẫn ta vào ngạ quỉ, súc sanh hay thọ hình khổ nơi địa ngục v.v… Nếu mình bị động hoài thì đời đời kiếp kiếp phải như thế thôi. 

Bây giờ các thiền tăng chúng ta phải cố gắng nhận ra tánh giác của mình, để cuộc sống của chúng taý nghĩa. Nói ý nghĩa nhưng không có ý nghĩa gì hết. Ăn cơm là ăn cơm, gánh nước là gánh nước, cuốc đất là cuốc đất, hốt rác là hốt rác, bửa củi là bửa củi, làm tất cả công việc là phương pháp để chúng ta làm Phật. Do đó cung cách là cung cách Phật, việc làmPhật sự, không có nặng nhẹ, xấu tốt, ta người trong đó. Được như vậy là tự tại giải thoát, không luận đại tăng tiểu tăng, không luận hàng xuất gia hay tại gia, nhận ra được tri kiến Phật rồi thì hết trầm luân, ngay đây lập tức chúng ta bỏ được những lớp lang của quỉ đói, của địa ngục, của súc sinh…

Trong thiền viện, sáng mai thầy thì quét sân, thầy xách nước, thầy chạy xe, thầy làm việc này thầy làm việc kia, mỗi người một phận sự, giống như một bản đại hòa tấu nhịp nhàng, thể hiện trọn vẹn ông Phật của mình. Chúng ta học theo gương Bồ-tát Thường Bất Khinh, ngài không nói nhiều, không dạy gì khác ngoài một việc, khi gặp bất cứ ai, nam nữ cư sĩ, tục gia xuất gia, ngài đều bái bái nói “tôi không dám khinh các ngài, các ngài là Phật sẽ thành”. Chỉ một câu nói đó, một bài pháp đó, dù bị mạ nhục, đánh đập, khinh chê, ngài cũng chỉ như thế mà thôi. 

Kệ rằng:

Phật tuệ chiếu soi khắp phương đông,

Cùng thời, chúng hội khởi nghi đồng.

Mở đầu Di Lặc, Khai mê thức,

Chỉ thẳng Diệu Quang, Thị giác không.

Lập một phá ba, toan trước hiển,

Ngộ quyền về thật, sẽ sau thông.

Pháp môn tùy Nhập, dù vô lượng,

Đồng đến Liên Hoa, pháp mênh mông.

Mỗi một phẩm ngài Minh Chánh tóm ý bằng một bài Đường thi. 

Lập nhất phá tam tiên dự hiển, lập một xe trâu trắng phá ba bốn xe dê xe hưu. Ý phá đối đãi không thật để chỉ ra tri kiến nhất Phật thừa

Trong phẩm Tựa thiền sư Minh Chánh nói diệu lý trong mỗi phẩm. Kinh này có 28 phẩm, ngài nói diệu lý của mỗi phẩm qua ánh sáng của thiền tông.

Tuy nhiên việc nhận được tri kiến Phật, sống được với tánh giác không bị cảnh duyên kéo lôi, nói dễ mà làm không dễ. Do đó chúng ta không nên xem thường thời gianthiền viện. Nếu ai xem thường, không chịu gắng gổ tu hành, chỉ thiệt hại cho mình mà thôi, sau này hối không kịp. Thời gian quí báu thế này, quí vị sẽ không tìm được ở đâu nữa, chừng đó ngồi mà trách, tại sao hồi đó không nỗ lực, cuối cùng chỉ còn đổ thừa như vầy như kia. Quí vị đừng nghĩ ngồi thiền, tụng kinh mới là tu. Nếu ngồi ngủ thì cũng không tu gì hết, một trăm năm ngủ lại là ngủ. Đây là pháp môn lưu thông, mở rộng ra để chúng ta có thể áp dụng tu trong mọi tình huống, mọi sinh hoạt, không nên cuộc việc tu vào trong một giới hạn, như thế sẽ thiệt thòi lắm. 

Các thiền sư khi được hỏi đạo, thường trả lời những câu không có trong kinh điển nào hết. Có vị nghe tiếng thầy hương đăng đánh rơi bao nhang cái soạt trên chánh điện liền ngộ đạo. Việc ấy không có trong kinh điển đâu. Nếu chúng ta chấp kinh là lầm. Cho nên người xưa biểu chúng ta hãy nhìn về phương nam mà xem sao Bắc Đẩu. Hoặc nói con ngựa của quan huyện ăn mà con trâu của quan tỉnh no, vị nào khéo thì nhận ra sống được. Nó không cuộc hạn cố chấp, chúng ta sống phải thoải mái bình thản và chấp nhận mọi tình huống. Cuộc đời của mình không phải là một chiếc thuyền chỉ lướt trong cái hồ không có sóng gió. Nên nhớ đây là chiếc tàu ra khơi, thuyền trưởng dở là chết chìm. Cho nên huynh đệ phải cố gắng.

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 12171)
Bài kinh không những chỉ dành riêng cho người cao tuổi mà cho tất cả những ai muốn tu tập, nhằm mang lại cho mình một tâm thức an bìnhtrong sáng.
(View: 12343)
Bài kinh được xem là tinh hoa tâm linh của người xuất gia, như ngón tay chỉ mặt trăng và như chiếc bè đưa sang bờ giải thoát.
(View: 11602)
Quá khứ không truy tìm Tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận, Tương lai lại chưa đến...
(View: 11787)
Trong bài kinh nầy, Đức Phật giảng về đời sống tốt đẹp cần phải có của một cư sĩ Phật tử.
(View: 12480)
Kinh này được dịch từ Tương Ưng Bộ của tạng Pali (Samyutta Nikàya IV, 380). Kinh tương đương trong tạng Hán là kinh số 106 của bộ Tạp A Hàm.
(View: 13072)
Đây là một bài kinh rất phổ thông tại các quốc gia Phật giáo Nam truyền và thường được chư Tăng tụng và thuyết giảng trong các dịp lễ.
(View: 11189)
Trong bản kinh này Đức Phật thuyết giảng về bản chất vô thường và vô thực thể của năm thứ cấu hợp gọi là ngũ uẩn tạo ra một cá thể con người.
(View: 18487)
"Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân để vượt qua bờ bên kia một cách an toàn"
(View: 12209)
Tánh không không nhất thiết chỉ là một luận thuyết đơn thuần triết học mà còn mang tính cách vô cùng thực dụngthiết thực, ứng dụng trực tiếp vào sự tu tập nhằm mang lại sự giải thoát.
(View: 10328)
Của cải kếch xù của một người như thế nếu không biết sử dụng thích đáng thì cũng sẽ bị vua chúa tịch thu, bị trộm cắp vơ vét, bị thiêu hủy vì hỏa hoạn...
(View: 10527)
Bồ Tát Thiện Giới, hiểu theo nghĩa Việt là những giới tốt lành, hay kheo, chơn chánh của Bồ tát.
(View: 12799)
Kinh Kim Cang thuộc hệ Bát Nhã, một trong ngũ thời giáođức Phật đã thuyết, và là quyển thứ 577 trong bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển.
(View: 15827)
Kinh Di Giáo là một tác phẩm đúc kết những gì cần thiết nhất cho người xuất gia. Đây là những lời dạy sau cùng của Đức Phật, đầy tình thương và sự khích lệ.
(View: 11721)
Kinh Đại Bát Niết Bàn (Maha-parinirvana-sutra), cũng được gọi tắt là Kinh Đại Niết Bàn, hoặc ngắn hơn là Kinh Niết Bàn
(View: 14839)
Đức Phật A Di Đà do lòng Đại từ bi, Đại nguyện lực, như nam châm hút sắt, nhiếp thọ hết tất cả chúng sanh trong mười phương vào trong cõi nước Tịnh độ của Ngài,
(View: 12613)
Kinh Sa-môn quả đã được đức Phật dạy cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ. Nội dung tất cả các phương pháp Phật trình bày trong kinh này đều xoáy sâu vào ba vô lậu học là giới – định – tuệ.
(View: 16074)
Sáu chữ BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA sẽ được giải ở câu đầu tiên của phần nội văn, bây giờ giải đề Kinh chỉ giải hai chữ TÂM KINH
(View: 12453)
Đề cương kinh Pháp Hoa là học phần cương yếu, Thượng nhân Minh Chánh nêu lên cốt lõi của kinh qua cái nhìn của thiền sư Việt Nam...
(View: 12819)
Tên của bộ Kinh này là Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, tên riêng là "Lục Tổ Pháp Bảo Đàn." "Kinh" là tên chung của các bộ Kinh
(View: 11604)
Duy ma trọng nhất là bồ đề tâmthâm tâm. Bồ đề tâm thì vừa cầu mong vừa phát huy tuệ giác của Phật. Thâm tâmchân thành sâu xa trong việc gánh vác chúng sinh đau khổ và hội nhập bản thể siêu việt.
(View: 12560)
Bài Bát-nhã Tâm kinh do ngài Huyền Trang đời Đường dịch vào năm 649 dương lịch, tại chùa Từ Ân. Toàn bài kinh gồm 260 chữ.
(View: 10985)
Thế Tôn đã để lại cho chúng ta một phương pháp để thẩm định đâu là giáo lý Phật Giáo, đâu không phải là những lời dạy của đức Phật.
(View: 12987)
Quyển Pháp Hoa Đề Cương là một tác phẩm thật có giá trị của một Thiền sư Việt Nam gần thời đại chúng ta.
(View: 13683)
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi Saigon Xuất Bản 1964, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam-Hoa Kỳ Chùa Huệ Quang Tái Xuất Bản
(View: 15461)
Phật pháp không phải là một, không phải là hai, từ lâu truyền lại, ngoài tâm có pháp tức ngoại đạo. Người học đạo Phật ai ai cũng biết như thế.
(View: 13283)
Kinh Đại Bát Niết Bànbài kinh nói về giai đoạn cuối đời của đức Phật Thích Ca, từ sáu tháng trước cho tới khi ngài viên tịch, tức là nhập Bát Niết Bàn.
(View: 17152)
Nghĩa lý kinh Kim cương là ngoài tầm nghĩ bàn, phước đức kinh Kim cương cũng siêu việt như vậy.
(View: 20433)
Phật dạy tất cả chúng sanh đều sẵn có Trí huệ Bát Nhã (Trí huệ Phật) từ vô thỉ đến nay. Trí huệ Bát Nhã rất là quý báu và cứng bén, như ngọc Kim cương hay chất thép.
(View: 13603)
Giới bản tân tu này tuy cũng có 348 giới điều như giới bản cổ truyền nhưng đáp ứng được một cách thỏa đáng cho nhu yếu thực tập của người xuất gia trong thời đại hiện tại.
(View: 13236)
Giới bản tân tu này tuy cũng có 250 giới điều như giới bản cổ truyền nhưng đáp ứng được một cách thỏa đáng cho nhu yếu thực tập của người xuất gia trong thời đại hiện tại.
(View: 12910)
Tạng Kinh là bản sưu tập gồm tất cả những bài Kinh đều do Đức Phật thuyết vào những lúc khác nhau.
(View: 12406)
Bài kinh được bắt đầu bằng những điều ta cần làm để được bình an. Không phải là những điều ta cần làm cho tha nhân.
(View: 11358)
Pháp ấn này chính là ba cánh cửa đi vào giải thoát, là giáo lý căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là chỗ đi về của chư Phật.
(View: 14170)
Thích Đức Nhuận, Viện Triết Lý Việt Nam & Triết Học Thế Giới California, USA Xuất bản 2000
(View: 12344)
Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập, đời Dao Tần dịch. Sa môn Hám Sơn Thích Đức ThanhTào Khê, đời Minh soạn - Việt Dịch: Hạnh Huệ
(View: 12275)
Hán dịch: Thiên Trúc Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi - Đời Nguyên Ngụy, Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ - Phan Rang - Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh
(View: 12195)
Bồ tát Long Thọ ra đời khi các cánh cửa của Phật giáo Đại thừa được bắt đầu mở rộng.
(View: 13269)
Kinh Căn Bản Pháp Môn nêu lên hai cách tu tập: Chỉ (samātha) và Quán (vipassana). Đây là hai cách tu tập cần yếu trong hành trình dẫn đến giác ngộ.
(View: 15076)
Trong tác phẩm này, chúng tôi đã cố gắng giới thiệu một phần quan trọng của tạng kinh thuộc Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) là kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama) trong hình thức toàn vẹn của nó.
(View: 13014)
Hòa thượng Tịnh Không giảng tại Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba, bắt đầu từ ngày 28/5/1998, tổng cộng gồm năm mươi mốt tập (buổi giảng).
(View: 16193)
Bộ kinh này có mặt ở Trung Quốc từ đời nhà Đường (618-907). Ngài Bát Lạt Mật ĐếDi Già Thích Ca dịch từ Phạn văn ra Hán văn.
(View: 14210)
Kinh Pháp Cú là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo phổ thông nhất và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.
(View: 13411)
Diệu Pháp Liên Hoa có thể nói là bộ kinh nổi tiếng nhất trong khu vườn kinh điển Phật giáo Đại thừa.
(View: 10277)
Phật pháp dạy mọi người lìa khổ được vui, điều này ai cũng đều biết. Nếu như Phật pháp dạy mọi người lìa vui được khổ thì có lẽ không có ai học.
(View: 18575)
Thế Tôn đã từng dạy, chỉ có từ bi mới có thể hóa giải được gốc rễ hận thù, tranh chấp, đối kháng và loại trừ lẫn nhau, ngoài từ bi không có con đường nào khác.
(View: 11568)
Kinh Kim Cương là một bộ kinh có một vị trí đặc biệt trong lịch sử học tập và tu luyện của Phật giáo nước ta. Từ giữa thế kỷ thứ 7, trước cả Lục tổ Huệ Năng, thiền sư Thanh Biện của dòng thiền Pháp Vân đã nhờ đọc kinh này mà giác ngộ.
(View: 9489)
“Ư bỉ nhị thập nhất câu chi Phật độ, công đức trang nghiêm chi sự, minh liễu thông đạt, như nhất Phật sát, sở nhiếp Phật quốc, siêu quá ư bỉ.” Chỉ một câu văn trong kinh Vô Lượng Thọ mà ta đã có ba chữ nói về cõi Phật.
(View: 12622)
Chúng ta biết rằng, lý do tồn tại của Thiền cốt ở tâm chứng, không phải ở triết luận có hệ thống. Thiền chỉ có một khi mọi suy luận được nghiền nát thành sự kiện sống hàng ngày và trực tiếp thể hiện sinh hoạt tâm linh của con người.
(View: 13667)
Bài kinh này được chọn trong bộ kinh Theragatha mà kinh sách Hán ngữ gọi là Trưởng Lão Tăng Kệ, thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka).
(View: 10655)
Này người Bả-la-môn, ngay cả trước khi việc hiến sinh bắt đầu thì người đốt lửa, dựng đàn hiến sinh cũng đã vung lên ba thanh kiếm bất hạnh...
(View: 12555)
Mettâ-sutta là một bản kinh ngắn rất phổ biến trong các quốc gia theo Phật Giáo Nguyên Thủy cũng như các quốc gia theo Phật Giáo Đại Thừa. Tên quen thuộc bằng tiếng Việt của bản kinh này là "Kinh Từ Bi"
(View: 16025)
Câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” không chỉ là yếu chỉ tu hành của những người tu Phật mà còn có công năng chuyển hóa những tâm hồn bi quan, khổ đau trong cuộc đời, giúp họ sống tỉnh giác và xả ly, tự tin, làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh sống.
(View: 17112)
BÁT NHÃ TÂM KINH (Prajnaparamitahridaya Sùtra) là một bản văn ngắn nhất về Bát nhã ba la mật (Prajnaparamità).
(View: 12662)
Bát-nhã là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung-hoa có nghĩa là trí-huệ, tiếng Việt-nam mình cũng giữ chữ đó là trí-huệ.
(View: 11939)
Giáo lý Tứ diệu đế với bốn chân lý vượt lên trên mọi tác động của điều kiện bên ngoài, bàn về bản chất của kiếp nhân sinh và khả năng vượt thắng mọi nỗi khổ niềm đau của con người đã trở thành động lựcniềm tin của nhân loại.
(View: 14773)
Đại Thừa Khởi Tín Luận - Con đường đưa đến giác ngộ, Tác Giả: Mã Minh - Dịch & Giải: Chân Hiền Tâm.
(View: 20470)
Tỳ Kheo GiớiTỳ Kheo Ni Giới do HT Thích Trí Quang dịch và giải
(View: 14610)
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm. Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng. Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng
(View: 25363)
600 câu hỏi và trả lời liên quan đến giáo lý, hành trì, sự phát triển của Phật Giáo; đến lịch sử, văn hóa của các nước thọ nhận Phật Giáo; đến các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị thời đại.
(View: 11082)
Kinh 42 Bài là dịch từ chữ Hán Tứ Thập Nhị Chương. Kinh nầy có nhiều bản chữ Hán. Bản lưu hành cho đến gần đây, theo sự ước đoán của Hòa Thượng Trí Quang
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant