Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Quyển Thứ Nhất

10 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 7318)
Quyển Thứ Nhất

CHÚ GIẢI KINH PHẬT THUYẾT
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC

(Dịch theo bản in lần thứ nhất của Hoa Tạng Phật Giáo Đồ Thư Quán,
Đài Bắc, tháng 2, năm Dân Quốc 81 (1992))
Vận Thành Hạ Liên Cư hội tập
Hoàng Niệm Tổ chú giải - Như Hòa dịch Việt

Quyển Thứ Nhất

Lời nói đầu 

Pháp môn Tịnh độNhất Thừa liễu nghĩa, vạn thiện đồng quy, thích ứng khắp ba căn, thâu trọn phàm thánh, thoát khỏi ba cõi theo chiều ngang (hoành siêu tam giới), nhanh chóng bước lên bốn cõi Tịnh Độ, cực viên, cực đốn, là pháp môn vi diệu chẳng thể nghĩ bàn. Kinh Vô Lượng Thọ là kinh lãnh đạo trọng yếu của các kinh Tịnh Độ. Các bậc đại đức trong Tịnh tông thường gọi là kinh này là kinh Tịnh Độ bậc nhất.

Quyển Phật thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh là do thầy tôi: lão cư sĩ Hạ Liên Cư, hội tập năm bản dịch gốc đời Hán, Ngụy, Ngô, Đường, Tống của kinh Vô Lượng Thọ, chọn hết điểm tinh yếu, thâu trọn các điểm mầu nhiệm soạn thành kinh này, hiện đang được công nhậnbản kinh Vô Lượng Thọ hoàn thiện nhất.

Kinh Vô Lượng Thọcương yếu của Tịnh tông. Cư sĩ Bành Thiệu Thăng đời Thanh khen rằng: ‘Kinh Vô Lượng ThọViên giáo xứng tánh của Như Lai, là cách thức hóa độ chúng sanh về cái họ vốn sẵn có’.

Thầy Thích Đạo Ẩn người Nhật cũng khen kinh này như sau: ‘Chánh thuyết của đức Như Lai xuất thế, kinh điển mầu nhiệm kỳ đặc tối thắng, lời giảng cùng cực về Nhất Thừa cứu cánh, lời vàng khiến chóng chứng viên dung, lời thành thật của mười phương Như Lai, là giáo pháp chơn thật dành cho kẻ mà thời tiết, căn cơ đã chín muồi’.

Cậu tôi là lão cư sĩ Mai Quang Hy cũng ngợi khen: ‘Kinh Vô Lượng Thọ là lời giảng xứng tánh đến cùng cực của Như Lai, là cách thức giáo hóa chúng sanh về cái họ sẵn có, là Nhất Thừa liễu nghĩa, là pháp môn tổng hợp vạn thiện, là cương yếu của hơn trăm mấy mươi kinh Tịnh Độ, là chỉ quy của cả Đại Tạng giáo’.

Các bậc hiền đức đã nồng nhiệt khen ngợi kinh này như trên là vì pháp môn Trì Danh Niệm Phật rất viên mãn, thẳng chóng, là phương tiện rốt ráo nhất siêu trực nhập, viên đốn cùng cực. Dùng biển nguyện Nhất Thừa của đức Di Đà, sáu chữ hồng danh của quả giác rốt ráo để làm cái tâm phát khởi cầu thành Phật quả cho bọn chúng sanh ta. Dùng quả làm nhân: nhân quả đồng thời, từ quả khởi tu nên tu cũng chính là quả. Tâm tu cầu thành Phật chính là cái tâm thành Phật chẳng thể nghĩ bàn. Vì vậy, sách Di Đà Yếu Giải viết:

‘Một câu A Di Đà Phật chính là pháp để đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của đức Bổn Sư Thích Ca trong đời ác ngũ trược, nay đem toàn thể Quả Giác này trao cho chúng sanh trược ác. Đó là cảnh giới sở hành của chư Phật, chỉ Phật với Phật mới hiểu cùng tận nổi, chẳng phải là điều cửu giới dùng tự lực tin hiểu được nổi’.

Lại viết: ‘Đem pháp giới thể làm thành thân và cõi của Phật Di Đà, cũng do chính toàn bộ cái thể ấy làm thành danh hiệu Di Đà. Vì vậy, danh hiệu Di Đà chính là bổn giác lý tánh của chúng sanh’.

Đủ thấy rằng: kinh này thật là lời giảng xứng tánh đến cùng cực của đấng đại từ bi phụ Như Lai Thế Tôn, là kho tàng bí mật của chư Phật đem phơi bày trọn vẹn ra hết. Vả lại, pháp môn Niệm Phật đây cũng chính là cách thức để giáo hóa chúng sanh về cái họ vốn sẵn có. Đúng như sách Yếu Giải đã nói, một câu Phật hiệu này chính là bổn giác lý tánh của chúng sanh. Nên biết: Cái tâm niệm Phật ngay hiện tại của ta chính là Quả Giác của Như Lai. Do đó, Quán kinh dạy: ‘Tâm này là Phật’. Tâm này trì danh thì chính là ‘tâm này làm Phật’. Vốn đã là Phật, nay lại làm Phật. Vì vậy, ngay lập tức là Phật: thẳng chóng thỏa đáng, phương tiện rốt ráo, kỳ đặc, thù thắng chẳng thể nghĩ bàn.

Hơn nữa, trong các kinh Tịnh Độ, chỉ có kinh này có đủ trọn vẹn cả Viên lẫn Diệu: Dùng ‘phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’ làm tông, lấy đại nguyện mười niệm ắt vãng sanh của Phật Di Đà làm gốc, giảng tỉ mỉ chánh nhân vãng sanh của ba bậc, bao trọn khắp các loài thánh phàm trong chín giới, dạy rõ pháp Trì Danh Niệm Phật, trực chỉ con đường vãng sanh quy nguyên. Vì vậy, kinh này được xem là kinh bậc nhất của Tịnh Tông.

Khổ nỗi, kinh điển quý báu thù thắng bậc nhất của Tịnh tông này lại bị chìm lấp trong Đại Tạng Trung Hoa đến hơn ngàn năm.

Xét đến nguyên nhân, cũng bởi kinh này có đến năm bản dịch gốc: các bản dịch hoặc rộng hoặc lược sai biệt khá lớn. Nêu một ví dụ: về đại nguyện của đức Di Đà, trong hai bản dịch Đường, Ngụy có bốn mươi tám nguyện, nhưng hai bản dịch đời Ngô, Hán chỉ có hăm bốn, bản dịch đời Tống lại là băm sáu nguyện. Điều này khiến cho kẻ sơ tâm học Phật nếu chuyên trì một bản dịch thì khó bề hiểu rõ ý chỉ sâu xa. Nếu đọc đủ cả năm bản lại càng gian nan. Vì vậy, đa số bỏ kinh này, dồn sức vào nghiên cứu kinh A Di Đà.

Đầu đời Thanh, cư sĩ Bành Thiệu Thăng nói: ‘Kinh này ít được xiển dương thì thật do chúng ta thiếu cội lành’. Thật đúng như vậy! Thế nên, các đại cư sĩ: Vương Nhật Hưu đời Tống, Bành Thiệu Thăng, Ngụy Thừa Quán đời Thanh đều vì hoằng dương kinh này mà mỗi vị trước sau soạn ra hội bổn và tiết bổn (1)

Cư sĩ Vương Nhật Hưu đời Tống từng viết cuốn Long Thư Tịnh Độ Văn được bốn biển khen ngợi, truyền tụng tới nay. Ông Vương khi lâm chung đứng ngay ngắn vãng sanh, đủ chứng minh cư sĩ thật là bậc hạnh giải đều ưu việt, là bậc tại gia đại đức thù thắng hy hữu của Tịnh Tông Trung Hoa.

Ông Vương tiếc nuối bảo điển bị bụi phủ, bèn hội tập bốn bản dịch các đời Hán, Ngụy, Ngô, Tống của kinh Vô Lượng Thọ soạn thành một bản, đặt tên là Đại A Di Đà kinh. Bản của ông Vương ra đời được cả nước khen là tiện lợi, được các tùng lâm lấy làm khóa bổn (2), lưu truyền phổ biến còn hơn cả bản dịch gốc. Càn Long Đại Tạng Kinh của Trung Hoa và Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng của Nhật đều thu nhập bản hội tập của Vương vào Đại Tạng.

Liên Trì đại sư nói: ‘Bản hội tập của ông Vương so sánh với năm bản dịch thì giản dị, rõ ràng, hiện đang phổ biến, lợi ích rất lớn’. Lại nói: ‘Do bổn của họ Vương phổ biến trong đời, người ta quen xem’. Vì thế, trong tác phẩm Di Đà Sớ Sao, mỗi khi dẫn chứng kinh Vô Lượng Thọ, đa phần ngài trích dẫn từ bản của ông Vương. Cận đại, Ấn Quang đại sư khi viết lời tựa cho lần in lại bản Viên Trung Sao, cũng khen bản của ông Vương là: ‘Văn nghĩa tường tận, lưu thông khắp nơi’.

Bản hội tập của ông Vương tuy có công rất lớn đối với Tịnh tông, nhưng có quá nhiều điểm sai sót. Ngọc trắng có vết, hiền giả xót xa. Liên Trì đại sư chê rằng: “Sao phần trước, viết thêm phần sau”, ‘Phần lấy, phần bỏ chưa trọn vẹn’. Bành Thiệu Thăng cư sĩ chê là: ‘Lộn xộn, trái nghịch nhau, chẳng phù hợp với ý chỉ viên dung’. Bút giả nay dựa theo lời phê của các bậc cổ đức, trộm nêu ra ba khuyết điểm của ông Vương:

- Một, bản hội tập của ông Vương chỉ dựa theo bốn bản, chưa dùng bản dịch đời Đường. Bản dịch đời Đường mang tên Vô Lượng Thọ Như Lai Hội trích từ kinh Đại Bảo Tích do đại sư Bồ Đề Lưu Chí dịch, lời văn có nhiều điểm áo diệu, tinh yếu mà các bản dịch khác không có.

- Hai, phần lấy, phần bỏ chưa trọn vẹn: chọn phần rườm rà, bỏ phần trọng yếu, biến sâu thành cạn. Chẳng hạn như, Liên Trì đại sư quở rằng: ‘Như ba bậc vãng sanh, bản dịch đời Ngụy đều nói là phát Bồ Đề tâm, mà bản họ Vương chỉ nói là bậc trung phát Bồ Đề tâm. Bậc hạ bảo chẳng phát, bậc thượng lại chẳng nói, thành ra cao thấp chẳng thứ tự. Vì vậy, bảo là chưa trọn vẹn’. Do câu trên, thấy rằng ‘bậc thượng chẳng nói’ là bỏ chỗ trọng yếu, ‘bậc hạ lại nói chẳng phát’ chính là biến sâu thành cạn. Vì vậy, Liên Trì đại sư cùng ông Bành quở trách.

- Ba, tự ý thêm văn, nghiễm nhiên tự sáng tác. Họ Vương hay dùng lời văn mình sáng tác ra để diễn thuật nghĩa của bản dịch gốc. Vì vậy, Liên Trì đại sư quở rằng: “Sao phần trước, thêm phần sau, chưa theo đúng phép dịch thuật”. Ngài trách ông Vương sao dẫn kinh văn nơi phần trước, rồi tiếp đó, chép thêm lời văn ông tự soạn. Nếu đã là hội tập, cần phải dựa theo bản dịch gốc, muôn phần chẳng được dùng câu nào ngoài bản dịch gốc. Vì ông tự tiện thêm câu văn nên Tổ trách họ Vương ‘chưa theo đúng phép dịch thuật’. Thấy được những khuyết điểm trên của họ Vương không có nghĩa là chẳng nên hội tập, mà chỉ để thấy rằng hội bản của ông ta có nhiều tì vết.

Cư sĩ Bành Thiệu Thăng cảm khái trước lỗi lầm của hội bản họ Vương, bèn dùng bản dịch đời Ngụy chia thành từng mục, tạo thành bản kinh Vô Lượng Thọ thứ bảy, nhưng bản này chỉ là tiết bản của bản dịch đời Ngụy.

Vì thế, cuối đời Thanh, cư sĩ Ngụy Thừa Quán (tự là Mặc Thâm) nhằm cứu vãn khuyết điểm của ông Long Thư (hiệu của ông Vương Nhật Hưu) bèn dùng cả năm bản dịch gốc hội tập thành một bản. Ban đầu đặt tên là kinh Vô Lượng Thọ, sau ông Chánh Định Vương Canh Tâm đổi thành Ma Ha A Di Đà kinh. Lời văn bản hội tập của ông Ngụy giản dị, trong sáng, chọn lọc, thích đáng, vượt xa bản họ Vương, nhưng vẫn vướng căn bịnh thêm văn chưa hoàn toàn dứt hết được. Do đó, bản của họ Ngụy cũng chưa tận thiện.

Tiên sưcư sĩ Hạ Liên Cư: bi, trí cùng đủ, thông suốt cả Tông lẫn Giáo, viên dung Hiển, Mật, Thiền, Tịnh nhất tâm, chuyên hoằng dương trì danh niệm Phật nhiếp vạn đức. Do hoằng dương Tịnh tông nên ngài mong mỏi bản kinh đệ nhất của Tịnh Tông này sẽ được vẹt bụi tỏa sáng, nguyện ước bản kinh vô thượng này nhiêu ích đời sau, bèn kế tục tiền hiền tiến hành hội tập lần nữa, vứt bỏ vạn duyên đóng cửa ba năm, tịnh đàn kết giới, lắng tâm tồn chí, sửa bản thảo mười lần mới hoàn tất.

Đầu tiên, được vị lão pháp sư thấu triệt cả Tông lẫn Giáo là Huệ Minh, tay cầm hội bản chụp hình trước Phật điện để chứng minh. Kế đó, vị đại đức trong Luật tôngTừ Hàng lão pháp sư chuyên giảng kinh này ở Tế Nam, đích thân phân khoa, giảng giải. Cậu tôi là Mai lão cư sĩ cũng giảng kinh này trên đài phát thanh trung ương, khen là hội bản tốt nhất. Sau đấy, trong phần lời tựa của kinh, ông còn viết:

‘Tinh đáng, minh xác, hiển nhiên có căn cứ. Không một nghĩa nào chẳng lấy từ bản dịch gốc. Không một câu nào vượt ngoài bản gốc. Làm rõ ràng những chỗ khó khăn, thô tháp, tối nghĩa. Với chỗ phiền phức rườm rà làm cho đơn giản gọn gàng. Chỗ lộn xộn, lôi thôi biến thành nghiêm chỉnh. Chỗ thiếu sót làm cho viên dung. Chỗ tốt đẹp đều được đầy đủ, không sự thực nào chẳng được thâu lấy trọn vẹn. Tuy muốn chê là bản chẳng hay cũng vô phương’.

Vì vậy, từ khi hội bản của tiên sư ra đời đến nay, chẳng có chân mà đi khắp chốn. Các bậc tôn túc Phật giáo cho rằng hội bản này: văn giản dị, nghĩa phong phú, câu cú lưu loát, nghĩa lý viên dung, nên nó được giảng thuyết, tán dương, lưu truyền cả trong nước lẫn hải ngoại. Người thấy kẻ nghe hoan hỉ tín thọ, trì tụng, ấn hành liên tục chẳng dứt.

Gần đây, hội bản này được giới học Phật hải ngoại đưa vào Tục Tạng trong lần ấn hành mới nhất. Mừng được thấy quang minh của Đại kinh thường chiếu thế gian, cái nguyện thù thắng hội tập của tiên hiền may đã viên thành. Bản kinh Vô Lượng Thọ hoàn thiện nhất nay đã hiện diện, ấy thật là đại sự nhân duyên hy hữu khó gặp vậy.

Niệm Tổ tôi là phàm phu đầy dẫy phiền não, trót được tiên sư giao phó đại sự chú giải hoằng dương kinh này. Tôi tuy trước đã phát đại tâm nhưng chướng sâu huệ cạn, phải vâng lãnh sứ mạng nặng nề này thật hoảng hốt tột bực! May được từng theo học dưới giảng tòa của thầy, đích thân nghe toàn bộ kinh này. Trong hai mươi năm hầu hạ, từng được nghe điểm huyền áo của các tông Thiền, Tịnh, Mật, hiểu thô thiển thâm tâm hội tập Đại kinh của tiên sư. Đầu thập niên sáu mươi, từng thử viết đề cương huyền nghĩa kinh này, trình lên thầy duyệt, may được ấn khả, nhưng trong cơn kiếp nạn cách mạng Văn Hóa, bản thảo ấy bị hủy mất chẳng còn chút gì.

Tôi giờ đây tuổi đã ngoài bảy mươi, lại lắm bệnh cũ, thẹn chưa báo ơn sâu, sợ vô thường chợt đến, nên gắng gượng tấm thân già bệnh, kế tục hoằng thệ truyền đăng, đem thân tâm này cúng dường Tam Bảo, đóng cửa tạ khách, toàn lực chú giải kinh, mong báo một trong muôn phần ân sâu của tiên sư cùng mười phương tam thế thượng sư Tam Bảo cùng pháp giới chúng sanh.

Thêm nữa, kinh này thù thắng ở chỗ khế lý, khế cơ. Lý là thật tế lý thể, cũng tức là Chơn Như Thật Tướng, bổn tế chơn thật. Khế lý là vì kinh này vốn trụ nơi chơn thật huệ để khai hóa hiển thị chơn thật tế cùng ban cái lợi chơn thật, thuần nhất chơn thật. Kinh này còn được xưng tụngTrung Bổn Hoa Nghiêm kinh: hết thảy sự lý được giảng trong kinh này đều là nhất chơn pháp giới sự lý vô ngại, sự sự vô ngại của kinh Hoa Nghiêm. Lý thể bí mật, sâu thẳm của kinh Hoa Nghiêm hiện diện trong kinh này nên nói là khế lý.

Về khế cơ, chỉ riêng mình kinh này là thù thắng. Pháp môn Trì Danh của kinh này thích hợp khắp cả ba căn, thâu trọn phàm thánh. Kẻ thượng thượng căn thật rất thích hợp gánh vác toàn thể kinh này, kẻ hạ hạ căn cũng có thể do kinh này đắc độ. Trên thì như Pháp Thân Đại Sĩ: Văn Thù, Phổ Hiền cũng đều phát nguyện vãng sanh. Dưới đến ngũ nghịch, thập ác lâm chung niệm Phật cũng đều tùy nguyện vãng sanh. Vượt ngang khỏi ba cõi, chứng trọn vẹn bốn cõi Tịnh Độ, chóng sát cánh cùng Quán Âm, Thế Chí, mới thấy phương tiện rốt ráo của pháp môn này thật thích ứng khắp mọi căn cơ.

Hơn nữa, Khế Cơ còn có nghĩa là khéo khế hợp với căn cơ, thời đại. Như Lai rủ lòng từ riêng lưu lại kinh này một trăm năm nữa sau khi các kinh khác diệt hết, đúng là ngụ ý: kinh này phù hợp xã hội hiện tại và tương lai.

Hiện tại, khoa học phát triển, nhân loại càng cần phải có đầy đủ tri thức rộng rãi. Xã hội tiến bộ, trách nhiệm mỗi người phải gánh vác càng tăng thêm. Vì vậy, ai nấy đều phải học rộng, đa năng, cúc cung tận tụy tham gia kiến thiết, tạo phước cho nhân dân, thực hiện nhân gian Tịnh Độ. Cận đại, đại sư Thái Hư đề xướng nhân gian Tịnh Độ, từng dẫn chứng kinh Vô Lượng Thọ. Ấy là bởi kinh này soi chiếu cả pháp thế gian lẫn xuất thế gian, dạy rõ hai đế: Chơn, Tục.

Điểm mầu nhiệm của Tịnh tông là ‘chẳng lìa Phật pháp mà hành thế pháp, chẳng bỏ thế pháp mà chứng Phật pháp’. Bởi pháp Trì Danh thật là tiện lợi, tu chỗ nào cũng được, nào phải ẩn cư rừng núi, lúc nào cũng niệm được, chẳng phiền bế quan, ngồi yên, chỉ cần phát khởi cái tâm rộng lớn, một bề chuyên niệm, chí ít mười niệm, một niệm cũng được vãng sanh, chẳng trở ngại công việc thế gian, vẫn như cũ mà chóng thoát sanh tử. Lại có thể tự giác, giác tha, rộng độ chúng sanh đời vị lai. Đây cũng là ta, người cùng lợi, tạo phước cho xã hội ngay trong hiện tại.

Vì vậy, kinh dạy: ‘Đời tương lai kinh đạo diệt hết, ta do từ bi xót thương, riêng lưu lại kinh này tồn tại trăm năm. Nếu có chúng sanh gặp được kinh này, tùy lòng mong cầu đều đắc độ’.

Rõ ràng kinh này phù hợp tình huống thực tế của xã hội, chiếu cả Chơn lẫn Tục, viên dung cả Sự lẫn Lý, thâu phàm lẫn thánh, tâm, Phật chẳng hai. Vì vậy, chỉ mình kinh này có thể trường tồn trong đời vị lai. Rõ ràng kinh này chẳng những là cương yếu của các kinh Tịnh Độ mà còn là chỉ quy cho giáo pháp của cả Đại Tạng, thật vì hết thảy hữu tình cõi này, phương khác, hiện tại, tương lai được lìa khổ hưởng vui, tột cùng pháp yếu Bồ Đề.

Vì vậy, Niệm Tổ tôi nghĩ ân mong báo đáp, phát tâm vô thượng, kính cẩn chú giải kinh này để tiếp nối Phật huệ mạng. Kính mong hai giới tăng tục, thập phương Như Lai, thượng sư, bổn tôn, kim cang hộ pháp từ ân chở che, oai đức thầm gia hộ. Mong bản chú thích này sẽ khế hợp thánh tâm, rộng khởi phát niềm tin cho mọi người. Hễ ai thấy nghe đều vào được biển nguyện nhất thừa của Phật Di Đà.

 

Khái yếu 

Giải thích kinh này dựa theo quy cách của tông Hoa Nghiêm và khuôn mẫu A Di Đà Sớ Sao, chia tổng quát thành mười môn: Một, giáo khởi nhân duyên; hai: thể tánh kinh này; ba: tông thú của bộ kinh; bốn: phương tiện lực dụng, năm: căn khí được hóa độ; sáu: tạng giáo sở nhiếp; bảy: bộ loại sai biệt; tám: dịch, hội hiệu, thích; chín: tổng thích danh đề; mười: phần giải thích chính ý nghĩa của kinh.

Chín môn đầu luận về cương yếu, tông thú, bộ loại của toàn kinh, có điểm đại đồng tiểu dị với ngũ trùng huyền nghĩa của Tông Thiên Thai. Tuy về mặt rộng, lược, lấy, bỏ có chút sai khác, nhưng nói chung: trước hết, tổng luận để phát huy rõ ràng điểm cương yếu của kinh, khiến cho người đọc trước hết nhận thức tổng thể, sau mới nghiên cứu kinh văn. Cái lưới trương lên thì các mắt lưới mở ra, lãnh hội dễ dàng. Điều này cũng giống như trong các sách vở cận đại luôn có phần khái luận đặt ở đầu. Ở đây tôi gọi là khái yếu, là phần thứ hai [của bản chú giải].

1. Giáo khởi nhân duyên

 Giáo khởi nhân duyên là nói về nhân duyên hưng khởi đại giáo. Trước hết, trình bày sự hưng khởi của Phật giáopháp môn Tịnh Độ, rồi mới thuật rõ nhân duyên hưng khởi kinh này.

Phàm hết thảy pháp chẳng ngoài nhân duyên. Nhân duyên hưng khởi đại giáo vô lượng, mà vô lượng nhân duyên lại chỉ là một đại sự nhân duyên. Kinh Pháp Hoa dạy: ‘Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyênthị hiện xuất hiện trong đời’. ‘Chỉ là đem tri kiến Phật chỉ bày, giác ngộ chúng sanh’.

Phẩm Khởi Tín kinh Hoa Nghiêm chép:

Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác tánh khởi chánh pháp chẳng nghĩ bàn. Vì cớ sao? Do chẳng phải vì chút ít nhân duyênthành Đẳng Chánh Giác xuất hiện trong thế gian. Ngài do mười thứ vô lượng vô số trăm ngàn a tăng kỳ nhân duyênthành Đẳng Chánh Giác xuất hiện trong đời, cho đến rộng nói vô lượng nhân duyên như thế chỉ vì một đại sự nhân duyên. Đại sự nhân duyên gì? Chỉ là vì muốn khai thị tri kiến Phật cho chúng sanh’.

Kinh Hoa Nghiêm là pháp được đức Thế Tôn giảng đầu tiên. Kinh Pháp Hoagiáo pháp cuối cùng. Từ đầu đến cuối chỉ vì đại sự nhân duyên sau đây: muốn cho chúng sanh khai, thị, ngộ nhập tri kiến của Phật, cũng có nghĩa là: muốn cho hết thảy chúng sanh hiểu rõ bổn tâm, đạt được tri kiến giống với tri kiến của Phật, cùng thành Chánh Giác.

Nhân duyên hưng khởi kinh này cũng thế. Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ (tức kinh Di Đà bản dịch đời Đường) viết: ‘Ta thấy đại sự nhân duyên lợi ích an lạc như thế nên nói lời thành thật, chắc chắn’, đủ thấy chỗ hưng khởi của pháp môn Tịnh Độ giống hệt như của kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa: đều cùng là đại sự nhân duyên cả. Vì sao? Sách A Di Đà Sớ Sao viết:

‘Nay chỉ nhất tâm trì danh liền được bất thối. Ấy là trực chỉ tự tâm, phàm phu thành Phật một cách rốt ráo. Nếu tin chắc chắn như vậy, nào cần phải trải khắp ba thừa, trải qua nhiều kiếp. Chẳng vượt khỏi một niệm chứng nhập Bồ Đề thật nhanh chóng, đấy chẳng phải là đại sự sao?’.

Đủ thấy Tịnh Tông đúng là pháp trực chỉ đốn chứng: lấy tâm niệm Phật nhập Phật tri kiến. Sự hưng khởi của Tịnh tông đúng là do đại sự nhân duyên này. Phần kế sẽ giảng rõ nhân duyên hưng khởi kinh này.

 a. Xứng tánh cực đàm, Như Lai chánh thuyết

 Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đều là giáo pháp Viên Đốn xứng tánh, nhưng chỗ quy thú của chúng lại thuộc trong kinh này. Ngẫu Ích đại sư khen kinh này như sau:

‘Dứt bặt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn. Áo tạng của Hoa Nghiêm, bí tủy của Pháp Hoa, tâm yếu của hết thảy chư Phật, chỉ nam cho muôn hạnh Bồ Tát đều chẳng ra khỏi kinh này’.

Do vậy, kinh này được xưng tụng là lời bàn luận xứng tánh đến mức cùng cực (xứng tánh cực đàm)

Thêm nữa, trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Bình Giải, thầy Đạo Ẩn người Nhật nhận định:

Hiện tại nay là đời ngũ trược, lúc tạo ác; cho nên khó tu một thứ thánh đạo bởi vì sẽ gặp nhiều chướng nạn. Chỉ riêng pháp môn này: chí viên, cực đốn, lại còn giản dị, thẳng chóng. Chánh thuyết xuất thế nằm riêng một mình trong kinh này. Cả một đời thuyết pháp quy về kinh này, như các dòng nước xuôi về bể cả.

Do vậy, bảo rằng: trăm vạn a tăng kỳ nhân duyên phát khởi kinh Hoa Nghiêm, một đại sự nhân duyên thành kinh Pháp Hoa cũng chỉ là nguồn gốc của pháp này’.

Có nghĩa là: cả hai kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa chỉ là pháp dẫn đường cho kinh này. Kinh này thật là chỗ chỉ quy của cả Đại Tạng giáo. Cuối kinh Hoa Nghiêm, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Đại Sĩ dẫn về Cực Lạc, đủ để chứng minh [cho nhận định trên].

Thánh giáo như chiên đàn, miếng nào cũng thơm. Pháp nào cũng viên đốn, vốn chẳng cao hạ; chỉ vì chúng sanh cấu nặng chướng sâu, tâm thô trí hèn, đói gặp cỗ vua mà chẳng dám ăn. Chỉ một pháp Trì Danh trong kinh này mới là đạo dễ hành, ai cũng tu được.

Chương Đại Thế Chí Viên Thông chép: ‘Tịnh niệm tương tục’, ‘tự được tâm khai’, chính là tâm phàm phu khai tri kiến Phật. Đến như kẻ căn khí cạn cợt chỉ cần chí tâm tin ưa, nguyện sanh cõi kia, dẫu rằng mười niệm, lúc mạng sắp hết, được Phật nhiếp thọ, liền sanh Cực Lạc. Hoa nở gặp Phật, ngộ nhập vô sanh, kỳ diệu nhanh chóng không chi hơn nổi. Hết thảy chúng sanh do pháp này đắc độ, xứng hợp bổn hoài của mười phương Như Lai.

Kinh này lại tuyên dương pháp chơn thật thuần nhất của Như Lai chẳng quyền biến, cong quẹo nên gọi là Chánh Thuyết. Lại nữa, Thế Tôn xứng hợp bổn tánh trao bày hết cả ra, chẳng chút mảy may giấu diếm nên gọi là Xứng Tánh. Hết thảy hàm linh đều nhân đây được độ thoát, thật là bàn luận xứng tánh đến cùng tột nên gọi là Xứng Tánh Cực Đàm.

 b.Tam căn phổ bị, thánh phàm tề thâu

Căn khí của chúng sanh thiên sai vạn biệt nên Thế Tôn nói tám vạn bốn ngàn pháp môn nhằm thích ứng khắp các căn cơ:

Hoa Nghiêm Viên giáo chuyên tiếp độ kẻ thượng thượng căn. Trí huệ như Xá Lợi Phất, thần thông như Mục Kiện Liên đều được gọi là bậc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Phật mà trong hội Hoa Nghiêm còn như đui, như điếc, huống là kẻ kém hơn họ. Vì vậy, hạ căn tuyệt chẳng có phần.

Đến như các giáo pháp Tiểu thừa là để tiếp độ căn cơ quyền, tiểu. Với bậc thượng căn, giáo pháp Tiểu thừa mắc phải lỗi ‘giáo cạn, căn sâu’ nên cũng chẳng ứng cơ.

Chỉ có pháp môn Trì Danh Niệm Phật trong kinh này: thâu trọn phàm thánh, thích hợp lợi, độn. Đến cùng tột thì như Phổ Hiền, Văn Thù còn phát nguyện cầu sanh Cực Lạc.

Bài kệ của đức Phổ Hiền có câu: ‘Nguyện tôi vào lúc lâm chung, trừ sạch hết thảy các chướng ngại, tận mặt gặp Phật A Di Đà, liền được vãng sanh cõi An Lạc’.

Bài kệ của ngài Văn Thù là: ‘Nguyện lúc tôi lâm chung, trừ diệt các chướng ngại, tận mặt gặp Di Đà, vãng sanh cõi An Lạc’. Lại như Đại kinh chép: ‘Phật bảo Di Lặc: Trong thế giới này có bảy trăm hai mươi ức Bồ Tát đã từng cúng dường vô số chư Phật, trồng các cội đức sẽ sanh cõi kia’.

Thấp nhất thì như bọn ngũ nghịch thập ác trong Quán kinh, lâm chung được gặp bạn lành, dạy cho niệm Phật. Mười niệm thành công cũng sanh cõi kia. Đủ thấy kinh này rộng thâu vạn loại, độ khắp ba căn, là thuốc A Già Đà trị lành muôn bịnh. Vì vậy, Đại kinh chép: ‘Gặp gỡ kinh này, tùy lòng mong muốn đều được độ’.

Trên đây đã giải thích kinh này rộng thích ứng các căn cơ, với bọn phàm phu ta ơn đức ấy thật sâu đậm. Nay đang là thời mạt pháp, chúng sanh phước huệ cạn mỏng, cấu chướng sâu nặng, chỉ cậy pháp môn tiện dụng này, chỉ nhờ vào tin Phật, trì danh mới có thể công siêu lũy kiếp, vãng sanh Cực Lạc, chóng lên bất thối. Nếu khôngpháp môn vi diệu như thế, phàm phu làm sao thoát khỏi biển nghiệp sanh tử này lên nổi bờ kia?

Vì vậy, đấng Đại Từ Bi Phụ, đạo sư hai cõi nghĩ thương chúng ta, mở ra pháp môn Tịnh Độ này, khéo chỉ rõ hai cõi khổ, vui, để khích động chúng sanh đang trầm luân: Cõi này: đống lửa lớn, cõi kia: ao trong mát. Sen báu trước mặt, non đao sau lưng. Khi ấy, tự nhiên sanh khởi nguyện thù thắng, chán nhàm Sa Bà, cầu sanh Cực Lạc; đã sanh lòng tín nguyện liền trì danh hiệu ắt được độ thoát. Sanh cõi kia xong, gặp Phật nghe pháp, đắc vô thượng ngộ. Dùng hữu niệm nhập vô niệm, do vãng sanh khế hợp vô sanh. Đốn ngộ tâm này vốn sẵn bình đẳng. Sư Hải Đông Nguyên Hiểu đời Đường nói:

“Bốn mươi tám nguyện trước hết vì phàm phu, sau kiêm vì thánh nhân thuộc tam thừa”

Đủ thấy cái mầu nhiệm của Tịnh Độ tông: trước hết là nhằm làm cho phàm phu đắc độ vậy.

c. Diệu pháp tha lực, khéo hộ trì hành nhân

 Các pháp môn khác hoàn toàn cậy vào tự lực. Đời mạt tu hành lắm nỗi chướng nạn, chẳng hạn như kinh Lăng Nghiêm đã giảng rộng về năm thứ ấm ma quấy nhiễu hành nhân tu Thiền quán. Hành nhân chỉ mất chánh kiến đôi chút liền bị vướng lưới ma.

Vì vậy, kinh ấy dạy: ‘Chẳng khởi thánh tâm thì là thiện cảnh giới. Nếu cho là thánh giải liền lạc quần ma’, đủ thấy hành nhân hơi chấp trước liền bị mất chánh kiến, liền vào đường ma, cầu thăng hóa giáng, thậm chí đọa Nê Lê (địa ngục). Vì vậy, các pháp khác gọi là đạo khó hành.

Chỉ có pháp môn Niệm Phật cũng như Mật pháptha lực môn, thuộc về Quả Giáo (3). Hành nhân phát tâm niệm Phật, nhờ vào bổn nguyện của Phật Di Đà nhiếp thọ, oai thần gia bị hộ trì hành giả, ma chẳng dám quấy nhiễu. Kinh Thập Vãng Sanh chép:

‘Phật dạy: Nếu có chúng sanh niệm A Di Đà Phật nguyện vãng sanh, đức Phật kia liền sai hăm lăm vị Bồ Tát ủng hộ hành giả, dù đi hay ngồi, dù đứng hay nằm, dù ngày hay đêm, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ chẳng cho ác quỉ, ác thần có cơ hội làm hại’.

Do bởi chương Đại Thế Chí Viên Thông Niệm Phật của kinh Lăng Nghiêm có dạy: ‘Nay con ở cõi này nhiếp người niệm Phật quy về Tịnh Độ’ nên sách Tịnh Tu Tiệp Yếu viết: ‘Đại Thế Chí Bồ Tát hiện ngự trong cõi này làm lợi ích lớn, nhiếp thủ người niệm Phật chẳng bỏ khiến họ lìa tam đồ được vô thượng lực’.

Kinh A Di Đà lại dạy: ‘Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe kinh này thọ trì và nghe danh hiệu chư Phật thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy đều được hết thảy chư Phật hộ niệm’. Người niệm Phật còn được quang minh xa đến bốn mươi dặm chiếu vào thân, ma chẳng phạm nổi.

Do những điều trên, thấy được rằng: người niệm Phật có hăm lăm vị Bồ Tát được Phật Di Đà sai đến, trong hết thảy thời, chốn, ủng hộ gia trì. Lại có các vị như Đại Thế Chí... oai đức nhiếp thọ, lại được hết thảy chư Phật hộ niệm nên xa lìa được ma nạn, yên ổn tu trì. Do nhờ vào tha lực hóa hiểm thành lành, thật là đạo dễ hành.

Nếu bảo nhờ cậy tha lựcchấp tướng thì phải biết rằng tha lực cũng là tự tâm. Ta, người chẳng hai; tự, tha cũng vậy. Do tha lựchiển hiện tự tâm, từ hữu niệm nhập vô niệm, đấy đúng là điểm thâm diệu của pháp này. Vì thế, sách Di Đà Yếu Giải viết:

“Điểm cốt yếu của pháp môn này là thấu rõ tha chính là tự. Nếu báng rằng đó là Phật khác thì là tha kiến chưa mất. Nếu đặt nặng tự Phật (vị Phật của chính mình) lại thành ra ngã kiến điên đảo”.

d. Thầm hợp diệu đạo, khéo nhập vô sanh

Vô niệmvô sanh thật xa vời đối với khả năng của phàm phu. Bát Địa Bồ Tát của Viên giáo đã lìa hết thảy phân biệt tâm ý thức mới gọi là thật sự được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Đủ thấy: với thánh giả còn khó huống hồ là phàm phu còn đầy ắp phiền não. Vì vậy, Thiện Đạo đại sư viết trong Tứ Thiếp Sớ rằng:

Nay các quán môn này chỉ phương lập tướng, trụ tâm để đạt cảnh, trọn chẳng thể vô tướng ly niệm. Như Lai thấy trước rằng phàm phu tội trược đời mạt lập tướng sanh tâm còn khó làm nổi, huống hồ ly tướng niệm! Khác nào kẻ không có thuật thần thông lại toan xây nhà trên không’.

Bởi vọng tâm của chúng sanh niệm niệm tiếp nối như nước chảy xiết, chưa từng tạm ngơi; nay nếu miễn cưỡng đè nén, thô niệm tuy hơi được ngừng, tế niệm chưa hề ngưng dứt. Hành nhân nếu hiểu lầm liền cho là đã được tương ưng thì thật là sai lầm lớn.

Vì vậy, Đại Từ Bi Phụ khởi lòng Vô Duyên Từ ban cho pháp môn tiện dụng kỳ diệu này, chỉ phương lập tướng để nhiếp tâm chuyên chú. Ngay nơi vọng tâm này trì danh hiệu Phật. Niệm một Phật danh hoán trừ trăm ngàn vạn ức vọng tưởng tạp niệm. Niệm tới thuần thục bèn mất cả năng, sở, vô tâm mà trụ, Phật hiệu phân minh, thầm hợp diệu đạo liền khế hợp sự thật mầu nhiệm ‘vô trụ sanh tâm’ của kinh Kim Cang Bát Nhã.

Tâm sanh diệt của chúng sanh chỗ nào cũng duyên được, chỉ riêng chẳng duyên nổi Bát Nhã. Phải đạt đến địa vị Địa Thượng Bồ Tát (4) của Biệt giáo mới khế nhập nổi: lúc vô trụ liền sanh tâm, lúc sanh tâm liền vô trụ. Còn thì các bậc Địa Tiền Bồ Tát (5) vẫn còn tách rời thành hai: một thời sanh tâm, thời khác vô trụ. Đủ thấy rõ phàm phu tuyệt chẳng có phần.

Nay pháp môn Tịnh Độ này dạy chúng sanh trì danh niệm Phật khiến chúng sanh ngay nơi niệm ly niệm, ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu, khéo nhập vô niệm, ngay nơi phàm thành thánh. Vì vậy, sách Sớ Sao viết: ‘Vượt ba a tăng kỳ kiếp trong một niệm, ngang với chư thánh trong một câu’. Thật là diệu dụng chẳng thể nghĩ bàn! Các pháp môn khác phải thâm nhập ngay vào vô sanh nên là đạo khó hành. Nay Tịnh nghiệp này lại khéo nhập vô sanh nên là đạo dễ hành.

Pháp môn Niệm Phậtđường tắt tu hành mà một pháp Trì Danh lại là đường tắt trong pháp niệm Phật, nên gọi là đường tắt nhất trong các đường tắt.

Hơn nữa, kinh này chẳng đề xướng ‘nhất tâm bất loạn’ mà dùng ngay phát Bồ Đề tâm, một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật làm Tông. Chỉ cần phát tâm chuyên niệm đều được vãng sanh. Vì vậy, pháp này lại càng minh xác, đơn giản, quan trọng. Do đó, kinh này được xưng tụng là kinh bậc nhất của Tịnh tông. Đó là do kinh này là đường thẳng nhất trong các đường thẳng, là phương tiện bậc nhất trong các phương tiện, dứt bặt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn.

Các đại đức Tịnh tông Nhật Bổn lại xem trọng kinh này hơn Trung Hoa rất nhiều. Sớ giải Đại Kinh của Hắc Cốc Pháp Nhiên thượng nhân viết:

‘Trong giáo pháp vãng sanh vừa có giáo pháp căn bổn, vừa có giáo pháp cành nhánh. Kinh này là căn bổn giáo, các kinh khác là kinh cành nhánh. Kinh này còn gọi là chánh vãng sanh giáo, các kinh khác là bàng vãng sanh giáo… Kinh này còn gọi là giáo pháp vãng sanh trọn vẹn, các kinh khác là giáo pháp vãng sanh chưa trọn vẹn’.

Cứ theo nghĩa trên, Tịnh Độ tông ví như đỉnh ngọn núi Diệu Cao mà kinh này chính là chót đầu đỉnh núi. Kinh này dạy: hết thảy hàm linh đời tương lai đều do nương vào kinh này mà được độ thoát. Kinh này lợi ích khắp chúng sanh bậc nhất như vậy. Pháp Trì Danh thầm hợp diệu đạo thật dễ thực hành.

 e. Đại thánh rủ lòng từ, riêng lưu lại kinh này

 Kinh chép: ‘Đời tương lai, kinh đạo diệt hết, ta vì từ bi thương xót riêng lưu lại kinh này tồn tại trong đời một trăm năm. Nếu có chúng sanh gặp được kinh này tùy lòng sở nguyện đều được độ thoát’.

Thêm nữa, kinh Chánh Pháp Diệt Tận cũng nói về tình cảnh pháp diệt tối hậu giống như kinh Vô Lượng Thọ. Điều này hiển lộ nhân duyên thù thắng hưng khởi kinh này.

Diệu dụng của pháp môn Trì Danh ví như thức ăn ngon lại giàu chất dinh dưỡng tăng cường sức khỏe, lại như linh dược linh nghiệm thần hiệu trừ sạch được bệnh trầm kha khó chữa, trị khắp các bệnh, khắp ban bố lợi ích. Vì vậy, bảo rằng: ‘Diệu dụng lớn lao thay chẳng thể nghĩ bàn’.

Đến khi đời mạt, ác trược càng sâu, các căn kém cỏi, tuổi thọ chỉ còn mười năm, cấu nặng chướng thâm. Khi đó, sóng ác ngập tràn, lửa độc dậy đất, Thế Tôn rủ lòng từ riêng lưu lại pháp này để làm thuyền từ, xối mưa cam lộ. Ơn Phật sâu nặng nát thân khó đền.

2. Thể tánh của kinh

 Hết thảy các kinh điển đại thừa đều dùng Thật Tướng làm chánh thể. Cổ đức nói: ‘Các kinh đại thừa đều dùng một Thật Tướng làm ấn’.

Thật Tướng là tướng chơn thật cũng là Bình Đẳng Nhất Tướng. Thật Tướng không có tướng nhưng chẳng phải là bất tướng. Có tướng mà vô tướng nên gọi là Thật Tướng. Vô tướng là lìa hết thảy tướng hư vọng nên vô tướng chính là ly tướng.

Hơn nữa, Thật Tướng chẳng phải là bất tướng do chẳng phải là ngoan không, đoạn diệt như lông rùa, sừng thỏ, hết thảy hư vô! Kinh Kim Cang dạy: ‘Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng thì thấy Như Lai’. Nghĩa là: Ngay nơi tướng lìa tướng, lìa sạch tướng hư vọng thì thấy Thật Tướng, nên nói là thấy Như Lai, đấy là chỉ Pháp Thân Như Lai.

Pháp thân Như Lai lìa hết thảy tướng, nên nói: Thật Tướng vô tướng, nhưng không phải là không có Pháp Thân nên nói: Thật Tướng chẳng phải là bất tướng. Pháp sanh diệt toàn là hư vọng nhưng trong cái sanh diệt có cái chẳng sanh diệt. Các pháp sanh diệt là tướng sai biệt, nhưng trong cái sai biệt có cái chẳng sai biệt. Chẳng sanh chẳng diệt, chẳng có sai biệt nên nói Thật Tướngbình đẳng nhất tướng.

Thật Tướng nghĩa lý sâu xa. Nếu hiểu rõ Thật Tướng thì ngộ được lý Đại Thừa.

Nay tôi dùng thí dụ cho dễ hiểu: Ví dụ như dùng vàng chế ra tháp, tượng, bình, chén, xuyến, vòng, các thứ tướng sai biệt rõ ràng. Nếu đem các vật đó bỏ vào lò nung lại hóa thành vàng. Các tướng vốn có đều tiêu diệt hết, nhưng vàng là bổn thể các vật vẫn còn như cũ. Đủ thấy tướng sai biệt của các vật có sanh có diệt, đều thuộc về hư vọng, nhưng bổn thể các vật là vàng, bình đẳng nhất tướng, bất sanh bất diệt, chẳng tăng, chẳng giảm.

Trên đây, dùng vàng để ví cho Thật Tướng chơn thật bình đẳng, các vật bằng vàng ví cho các tướng sai biệt. Do ví dụ trên, thấy được rằng: ‘Nếu phá tướng hư vọng sai biệt của các vật bằng vàng: tháp, tượng, bình, xuyến, vòng thì thấy vàng chơn thật bình đẳng nơi các vật. Dùng điều này để ví lìa tướng hư vọng của hết thảy pháp thì thấy Thật Tướng. Do lìa tướng hư vọng sai biệt nên nói là vô tướng. Trong các tướng hư vọng sai biệt có bổn thể chơn thật bình đẳng nên bảo là chẳng phải bất tướng. Ngay nơi tướng lìa tướng, có tướng mà vô tướng bèn thấy rõ Thật Tướng.

Thật tướng lìa ngôn thuyết đúng như ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng nói: ‘Nếu nói dường như có một vật thì chẳng trúng’, nên chẳng thể dùng thí dụ thế gian nào chỉ rõ được Thật Tướng. Trong thí dụ trên, nếu ngộ nhận thật có một tướng vàng cụ thể để đạt được thì lại vướng vào tướng, không còn là Thật Tướng của vô tướng nữa! Vì vậy, bảo rằng: Hễ có ngôn thuyết đều chẳng phải là thật nghĩa.

Hơn nữa, kinh Viên Giác dạy: ‘Các huyễn diệt tận, giác tâm chẳng động’, ‘Vì cái huyễn diệt bị diệt, cái chẳng phải là huyễn (phi huyễn) chẳng bị diệt. Ví như mài gương (6) hết chất dơ thì ánh sáng hiện’.

Cái giác tâm sau khi huyễn bị diệt vừa được nói trong kinh cùng với cái sáng suốt hiện ra khi hết cấu nhơ đều chỉ cho cái Thật Tướng bình đẳng nhất vị được hiển lộ do lìa vọng. Mài gương thật ra là mài bỏ chất nhơ, tánh gương vốn sáng, chẳng phải tự bên ngoài mà có. Nhơ hết, sáng hiện, lìa vọng tức là chơn. Do vậy, bảo: ‘Chẳng nhọc cầu chơn, chỉ cần dứt cái Thấy’. Cái Thấy của chúng sanh đều là cái thấy hư dối. Cái Thấy chơn thật là tri kiến của Phật.

Sách Yếu Giải lại viết:

‘Tâm tánh của một niệm hiện tiền của chúng ta chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở khoảng giữa, chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai, chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng, dài, ngắn, vuông, tròn, chẳng phải hương, chẳng phải vị, chẳng phải xúc, chẳng phải pháp. Tìm thì chẳng thể được nhưng chẳng thể bảo là Không. Nó tạo đủ bách giới, thiên như (7) nhưng chẳng thể bảo là Có. Lìa hết thảy tướng duyên lự, phân biệt, ngữ ngôn, nhưng chẳng phải ngoài những thứ ấy riêng có tự tánh (như trong thí dụ ở phần trên, hết thảy các vật đều chẳng ngoài vàng).

Nói tóm lại, lìa hết thảy tướng chính là hết thảy pháp. Do lìa nên vô tướng. Cũng do vậy nên chẳng phải là bất tướng. Do chẳng thể được nên cưỡng gọi là Thật Tướng’.

Rõ ràng Thật Tướng chính tên cưỡng gọi của một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta. Tánh của một niệm nơi tâm được cưỡng gọi là Tự Tánh. Nhị Tổ tìm tâm chẳng được nên ‘đã an tâm rồi’ nhưng chẳng thể bảo là không. Tuy Lục Tổ nói: ‘Nào ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp’ cũng chẳng thể chấp là có. Lìa tứ cú, tuyệt bách phi, chẳng thể dùng suy lường, phân biệt để hiểu nổi. ‘Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng’ ‘riêng sáng vằng vặc’, ‘rạng ngời hư không’, ‘linh quang độc diệu thoát sạch căn trần’. Vì thế, Liên Trì đại sư khen ngợi rằng:

‘Lớn thay chơn thể! Chẳng thể nghĩ bàn nổi thì chỉ có mỗi tự tánh mà thôi!’.

Bản chất của Thật Tánh đã được bàn thô thiển như trên. Còn như thể tánh của Đại kinh vì sao lại bảo là Thật Tướng? Dưới đây sẽ bàn. Vãng Sanh Luận của Thế Thân Bồ Tát viết:

Trang nghiêm cõi Phật công đức thành tựu, trang nghiêm Phật công đức thành tựu, trang nghiêm Bồ Tát công đức thành tựu. Nên biết ba thứ thành tựu nguyện tâm trang nghiêm này có thể nói gọn trong một pháp cú. Một pháp cúthanh tịnh cú. Thanh tịnh cú là chân thật trí huệ vô vi Pháp Thân’.

Luận này thật đã hiển thị nhất chơn pháp giới sự lý vô ngại: ngay nơi tướng chính là đạo. Các thứ y báo, chánh báo trang nghiêm nơi thế giới Cực Lạc, mỗi thứ đều là Pháp Thân vô vi trí huệ chơn thật, mỗi thứ chính là Thật Tướng. Do vậy mới nói kinh này lấy Thật Tướng làm thể. Cừ Am đại sư đời Minh nói: ‘Rừng quỳnh, ao ngọc hiển hiện trực tiếp nguồn tâm, thọ lượng, quang minh phơi bày trọn vẹn tự tánh’.

U Khê đại sư viết trong bộ Viên Trung Sao như sau:

‘Rừng quỳnh, ao ngọc, thọ lượng, quang minh vốn là tướng của hết thảy pháp. Chúng đã hiển lộ trực tiếp nguồn tâm, phô bày trọn vẹn tự tánh thì lấy tướng nào để đạt được! Đấy chính là tướng mà vô tướng, tuy là tướng mà là chánh thể của vô tướng. Tâm tánh của bọn ta lượng đồng pháp giới, linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng. Theo bề dọc thì suốt cả ba đời, theo bề ngang thì trọn mười phương’.

Cõi nước Cực Lạc chẳng ở ngoài tâm, tâm ta sẵn đủ bách giới thiên như. Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh, cõi tịnh thì tâm ta tịnh, nào có một pháp ở ngoài tâm ta. Pháp được kinh này phô diễn là để hiển thị trực tiếp bổn tâm, phô bày trọn vẹn tự tánh. Ngay nơi tướng chính là đạo, chẳng phải là không có Thật Tướng. Sách Di Đà Yếu Giải viết:

‘Thật Tướng không hai, cũng chẳng phải là bất nhị. Vì vậy dùng toàn thể làm y báo, chánh báo, làm pháp, làm báo, làm tự, làm tha, nhẫn đến năng thuyết, sở thuyết, người độ, kẻ được độ, người tin, pháp được tin, người phát nguyện, điều được nguyện, người trì, danh hiệu được trì, năng sanh, sở sanh, người khen ngợi, pháp được khen ngợi, không chi chẳng được Thật Tướng chánh ấn in vào’.

Do đoạn văn trên, thấy được rằng toàn kinh này gói trọn trong một Thật Tướng, nên nói: Thật Tướngthể tánh của kinh này vậy.

Lại nữa, phẩm Đức Tôn Phổ Hiền trong kinh này chép: ‘Khai hóa hiển thị chơn thật tế’. Phẩm Đại Giáo Duyên Khởi chép: ‘Muốn cứu vớt quần manh, ban cho lợi ích chơn thật’. Phẩm Tích Công Lũy Đức chép: ‘Trụ chơn thật huệ dũng mãnh tinh tấn, một dạ chuyên chí trang nghiêm cõi nhiệm mầu’.

Chơn thật tếChơn Như Thật Tướng bổn tế. Đó chính là điều kinh này khai thị. Cõi nhiệm mầu Cực Lạc được trí huệ chơn thật trang nghiêm thành tựu. Di Đà Thế Tôn thâu nhiếp cõi mầu nhiệm ấy, tuyên dương pháp mầu này, muốn ban cho bọn chúng sanh ta cái lợi chơn thật. Ba thứ chơn thật này (chơn thật tế, chơn thật huệ, và lợi ích chơn thật), một chính là ba, ba chính là một, là phương tiện rốt ráo chẳng thể nghĩ bàn. Toàn thể của y báo, chánh báo cõi Cực Lạc, pháp môn Tịnh Độ đều là chơn thật tế. Vì vậy, ta nói kinh này lấy Thật Tướng làm thể tánh vậy.

3. Tông thú của kinh này

Điều được kinh đề cao gọi là Tông. Tông là trọng yếu, là tông chỉ của toàn bộ kinh. Tông lại là đường trọng yếu để tu hành. Vì vậy, Tông là cương lãnh của toàn bản kinh. Lưới (cương) được giở lên thì mắt lưới trương ra. Nắm cổ áo (lãnh) thì thân áo xuôi theo. Vì vậy sau khi phán định thể, trước hết phải xác định Tông.

Thể là lý, Tông là hạnh. Thể là cái thể để Tông nương vào. Tông là cái Tông để hiển thị cái thể.

Ngoài ra, tông và thể là hai mặt hỗ tương. Tông là hạnh trọng yếu để lãnh hội thể nên phải đề cao.

Sớ giải Tâm kinh của ngài Hương Tượng giảng: ‘Điểm được coi trọng là Tông, chỗ quy hướng của tông thì gọi là Thú’. Ngài Khuê Phong đại sư viết trong sách Viên Giác Lược Sớ rằng: ‘Thú có nghĩa là hướng đến, tức là chỗ quy hướng của tâm ý thức’.

Đủ biết: thú là quy thú (hướng đến, quay về). Vì vậy, dựa vào tông chỉ của kinh để tỏ rõ việc làm, biết điều mong cầu, thấu đáo tột cùng chỗ kinh đạt đến thì gọi là Thú vậy.

Từ xưa đã có nhiều thuyết bàn về tông thú của bản dịch kinh Vô Lượng Thọ đời Ngụy.

Bản sớ giải của ngài Gia Tường Cát Tạng viết: ‘Tông chỉ của kinh này thường có hai thuyết: một là Di Đà tu nhân cảm quả Tịnh Độ. Hai là khuyến vật (chỉ cho chúng sanh) tu nhân, vãng sanh cõi kia’.

Ngài Hải Đông Nguyên Hiểu viết trong sách Tông Yếu rằng: ‘Kinh này đúng là dùng nhân quả Tịnh Độ làm tông thể, lấy nhiếp chúng sanh vãng sanh làm ý chí’.

Đàm Loan pháp sư bảo: ‘Lấy danh hiệu Phật làm thể của kinh’.

Ngài Thiện Đạo nói: ‘Niệm Phật tam muội là tông, nhất tâm hồi nguyện vãng sanh Tịnh Độ là thể’ (thể ở đây chỉ cho thú).

Bộ Hợp Tán của thầy Thích Quán Triệt người Nhật viết: ‘Kinh này: niệm Phật là tông, vãng sanh là thể. Kinh này tôn trọng niệm Phật nên lấy niệm Phật làm tông, chỗ quy thú của tông là cốt được vãng sanh nên lấy vãng sanh làm thể’.

Tịnh tông coi kinh Vô Lượng ThọĐại kinh, kinh A Di ĐàTiểu kinh vì hai kinh này chỉ rộng, lược sai khác. Do vậy, trong Sớ Sao, ngài Liên Trì gọi Đại kinhĐại Bổn, tiểu kinh là Tiểu Bổn, vì thật ra hai kinh chỉ là cùng một kinh.

Tông thú của kinh A Di Đà cũng có nhiều thuyết, ở đây chỉ chọn lấy những thuyết quan trọng.

Sách Sớ Sao cho rằng: ‘Y, chánh thanh tịnh, tín nguyện vãng sanh là tông thú’.

Sách Viên Trung Sao bảo: ‘Dùng tín, nguyện, tịnh nghiệp làm tông trí của kinh’.

Sách Di Đà Yếu Giải cho rằng: ‘Dùng tín nguyện trì danh làm tông’.

Tổng hợp những ý kiến về tông thú hai kinh Đại, Tiểu nói trên của các vị trong nước và hải ngoại, ta thấy tất cả đều lấy tín nguyện trì danh, vãng sanh Tịnh Độ làm gốc. Tham khảo khắp ý kiến các vị đã chú giải kinh cũng như căn cứ trên kinh văn kinh này, tôi minh xác tông thú kinh này như sau:

Kinh này dùng phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm làm Tông; sanh trọn vẹn bốn cõi Tịnh Độ, chóng lên địa vị bất thối làm Thú.

 a. Giảng về Tông

 Người vãng sanh trong ba bậc thượng trung hạ nói trong phẩm Ba Bậc Vãng Sanh kinh này, ai chẳng lấy phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm làm nhân. Hơn nữa, nguyện thứ mười chín của Phật Di Đà là:

‘Nghe danh hiệu ta, phát Bồ Đề tâm, tu các công đức, phụng hành sáu ba la mật kiên cố chẳng thối. Lại đem thiện căn hồi hướng nguyện sanh cõi ta, nhất tâm niệm ta ngày đêm chẳng dứt. Lúc lâm chung, ta cùng các Bồ Tát hiện đến đón trước mặt, trong khoảnh khắc liền sanh cõi ta làm Bồ Tát a duy việt trí’.

Nguyện thứ mười tám: ‘Nghe danh hiệu ta chí tâm tin ưa, bao nhiêu thiện căn, tâm tâm hồi hướng nguyện sanh cõi ta, nhẫn đến mười niệm, nếu chẳng sanh về chẳng lấy Chánh Giác. Chỉ trừ kẻ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp’ 

Rõ ràng: nguyện thứ mười chín chú trọng phát Bồ Đề tâm, một lòng niệm Phật. Nguyện 18 nhấn mạnh ‘chí tâm tin ưa, nhất hướng chuyên niệm’. Vì vậy, ta biết rằng ‘phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’ là tâm tủy của bổn nguyện Phật Di Đà, là tông yếu của toàn bộ Đại kinh, là chánh nhân ắt đủ để vãng sanh, là thuyền từ phương tiện độ sanh. Điều được Đại kinh tôn sùng hoàn toàn là điểm này. Đường trọng yếu tu hành chỉ có điểm này là thiết yếu, nên nó là tông của Đại kinh vậy.

Đàm Loan pháp sư viết trong Vãng Sanh Luận chú rằng:

‘Ba bậc vãng sanh trong kinh Vô Lượng Thọ tuy hạnh có ưu, liệt, nhưng không ai chẳng phát tâm Bồ Đề vô thượng. Tâm Bồ Đề vô thượng này chính là tâm nguyện thành Phật, chính là tâm độ chúng sanh. Tâm độ chúng sanh chính là tâm nhiếp thủ chúng sanh sanh về cõi có Phật.

Vì vậy, nguyện sanh cõi An Lạc Tịnh Độ thì cần phải phát tâm Bồ Đề vô thượng. Nếu ai chẳng phát tâm Bồ Đề vô thượng, chỉ nghe cõi kia hưởng vui không gián đoạn, do vui thích mà nguyện sanh thì cũng chẳng được vãng sanh’.

An Lạc Tập viết:

Theo Tịnh Độ Luận của ngài Thiên Thân, phàm muốn phát tâm lãnh hội Vô Thượng Bồ Đề thì có hai nghĩa:

Một là trước hết phải rời bỏ ba pháp trái nghịch Bồ Đề môn, hai là cần biết ba pháp thuận Bồ Đề môn.

Những gì là ba?

Một là nương theo trí huệ môn: chẳng cầu tự mình vui vì xa lìa ngã tâm tham trước tự thân.

Hai là nương từ bi môn: dẹp hết thảy khổ cho chúng sanhxa lìa tâm khiến chúng sanh chẳng an vui.

Ba là phương tiện môn: tâm xót thương hết thảy chúng sanhxa lìa tâm cung kính, cúng dường tự thân. Ấy gọi là xa lìa ba pháp trái nghịch Bồ Đề tâm.

Thuận Bồ Đề mônBồ Tát xa lìa ba pháp trái nghịch Bồ Đề môn như trên liền được ba pháp tùy thuận Bồ Đề môn. Những gì là ba?

Một là tâm vô nhiễm thanh tịnh chẳng vì thân mình cầu an vui. Bồ Đề là chốn thanh tịnh vô nhiễm, nếu vì tự thân cầu vui là trái với Bồ Đề môn. Vì vậy tâm vô nhiễm thanh tịnh là thuận Bồ Đề môn.

Hai là tâm an thanh tịnh vì dẹp khổ cho hết thảy chúng sanh.

Ba là tâm vui thanh tịnh, muốn cho hết thảy chúng sanh được đại Bồ Đề vậy, vì nhiếp thủ chúng sanh sanh cõi kia vậy. Bồ Đề là chỗ thường vui rốt ráo, nếu chẳng làm cho hết thảy chúng sanh được cái thường vui rốt ráo thì trái nghịch Bồ Đề môn.

Cái thường vui rốt ráo ấy dựa vào đâu để có được? Cần phải dựa vào đại nghĩa môn. Đại nghĩa môn là cõi nước An Lạc kia vậy. Thế nên, phải khiến họ nhất tâm chuyên chí nguyện sanh cõi kia, muốn cho họ chóng hiểu được vô thượng Bồ Đề’.

Ngài Hải Đông Nguyên Hiểu lại viết trong bộ Tông Yếu rằng: ‘Phát Bồ Đề tâm chính là chánh nhân’. Ngài lại bảo: Phát Bồ Đề tâm có hai loại:

a. Một là theo sự phát tâm:

‘Phiền não vô biên nguyện đều đoạn hết, thiện pháp vô lượng nguyện đều tu hết, chúng sanh vô biên nguyện đều độ cả. Quả báo của tâm ấy tuy là Bồ Đềhoa báo của nó là Tịnh Độ. Vì sao thế?

Bồ Đề tâm lượng rộng lớn vô biên, xa rộng vô hạn nên cảm được y báo Tịnh Độ rộng lớn không ngằn mé, chánh báo thọ mạng lâu dài vô lượng. Ngoại trừ Bồ Đề tâm, không có gì làm được như thế cả’.

b. Hai là thuận lý phát tâm: ‘Tin hiểu các pháp đều như huyễn mộng, chẳng phải có, chẳng phải không, dứt ngôn ngữ, bặt suy nghĩ. Tin hiểu như vậy, phát tâm rộng lớn, tuy chẳng thấy có phiền não, pháp lành mà chẳng bài bác là không có gì để tu để đoạn’.

Vì vậy, tuy nguyện đoạn hết, tu hết mà chẳng trái nghịch Vô Nguyện tam muội. Tuy nguyện độ hết vô lượng hữu tình mà chẳng có người hóa độ, kẻ được độ. Do vậy, có thể tùy thuận Không, Vô Tướng như kinh dạy:

Diệt độ vô lượng chúng sanh như vậy, nhưng thật chẳng có chúng sanh được diệt độ. Phát tâm như vậy công đức vô biên, dẫu cho chư Phật trọn kiếp diễn nói công đức người ấy còn chẳng nói hết nổi’.

Quán kinh còn dạy: ‘Muốn sanh cõi kia nên tu ba phước.... Ba là phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến khích hành giả’. Lại dạy: ‘Nếu có chúng sanh nguyện sanh cõi kia, phát ba tâm liền được vãng sanh. Những gì là ba? Một là tâm chí thành, hai là thâm tâm, ba là hồi hướng phát nguyện tâm. Đủ ba tâm thì ắt sanh cõi kia’. Phát ba tâm này cũng chính là phát Bồ Đề tâm.

Hơn nữa, Mật tông chú trọng nhất là phát đại Bồ Đề tâm. Giáo điển Bồ Đề Tâm Nghĩa dạy: ‘Bồ Đề tâm là cái gốc để thành Phật. Đại sự nhân duyên không điều nào hơn được nó’.

Sách Bồ Đề Tâm Luận lại giảng: ‘Bồ Đề tâm này hàm chứa pháp công đức của hết thảy chư Phật. Nếu tu chứng xuất hiện thì làm đạo sư của hết thảy. Nếu quay về gốc thì là cõi Mật Nghiêm, chẳng đứng dậy khỏi tòa mà thành tựu được hết thảy Phật sự’.

Lại khen ngợi Bồ Đề tâm như sau: ‘Nếu ai cầu Phật huệ thông đạt Bồ Đề tâm thì ngay nơi thân do cha mẹ sanh ra mau chứng địa vị Đại Giác’.

Thêm nữa, vua của các kinh là kinh Hoa Nghiêm dạy: ‘Quên mất Bồ Đề tâm tu các pháp lành thì là ma nghiệp’. Phát tâm quan trọng chẳng thể ví dụ nổi.

Các vị như sư Nguyên Hiểu lấy phát Bồ Đề tâm làm chánh nhân, niệm Phật làm trợ nhân. Các vị như Thiện Đạo, Linh Chi của Trung Hoa và các sư Tịnh tông người Nhật cho Trì Danhchánh hạnh, phát tâm là trợ hạnh. Hai thuyết nghịch nhau. Liên Trì đại sư nói một cách dung hội trong Sớ Sao rằng: ‘Đã dùngTrì Danh làm chánh hạnh, lại lấy Trì Danh làm phát Bồ Đề tâm thì hòa hội được ý kiến của cả hai phái’.

Tôi nay đề xướng ‘phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’ là tông của kinh này, thật là gộp trọn ý kiến cả hai phái, lại còn quy nhiếp về trì danh, thật phù hợp với ý tổ Liên Trì.

Vả lại, tám chữ trên, nói rộng thì chính như ý kiến của thiền sư Triệt Ngộ: ‘Thật vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, dùng thâm tín nguyện trì danh hiệu Phật’. Nói gọn thì như đại sư Ngẫu Ích đề xướng: ‘Tín nguyện trì danh’.

Sách Di Đà Yếu Giải lấy tín nguyện trì danh làm tông, lại còn viết:

‘Tín nguyện trì danhyếu chỉ của cả bộ kinh. Tín nguyện là huệ hạnh, trì danh là hành hạnh. Được vãng sanh hay không toàn là ở chỗ có tín nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp toàn do trì danh sâu hay cạn. Vì thế, huệ hạnh để dẫn đường, hành hạnh là chánh tu như mắt và chân liên quan với nhau’.

Lại còn viết:

‘Tin sâu phát nguyện chính là vô thượng Bồ Đề. Hợp tín nguyện ấy lại thì đích thật là chỉ nam của Tịnh Độ. Do vậy, chấp trì danh hiệuchánh hạnh... Kinh Đại A Di Đà cũng lấy phát Bồ Đề nguyện làm trọng yếu thật tương đồng với kinh này’.

Rõ ràng: ‘tín nguyện trì danh’ và ‘phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’ đúng là cùng một tông chỉ. Đại sư Ngẫu Ích lấy ‘tín nguyện trì danh’ làm tông cho kinh Tiểu Bổn thì tông chỉ của hai bổn Đại, Tiểu phải giống nhau. Vì vậy, bảo ‘phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’ là tông của kinh Đại Bổn thật đúng là tuân phụng lời dạy của đại sư Ngẫu Ích.

Chữ Hướng trong ‘Nhất hướng chuyên niệm’ có nhiều nghĩa:

- ngả theo một hướng mà tiến tới

- lệch hẳn về một phía

- một vị

- gộp chung lại

- một khoảng thời gian

Do vậy, ‘nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật’ có nghĩa là chuyên nương theo pháp môn Trì Danh Niệm Phật này. ‘Nhất hướng chuyên niệm’ vốn là chữ lấy trong nguyện thứ mười tám: mười niệm ắt sanh. Di Đà trong lúc tu nhân phát ra đại nguyện ‘mười niệm ắt vãng sanh’ nên hành nhân phát Bồ Đề tâm nhất hướng chuyên niệm ắt được vãng sanh Tịnh Độ, chứng trọn vẹn diệu quả bất thối.

Người vãng sanh bậc thượng, bậc trung, bậc hạ trong kinh đều do phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phậtvãng sanh Tịnh Độ Cực Lạc. Ấy là do giác ngộ là quả, tâm làm nhân, phương tiện rốt ráo phơi bày trọn vẹn nguyện hải nhất thừa của Di Đà, sáu chữ hồng danh oai thần công đức chẳng thể nghĩ bàn.

Hơn nữa, ‘nhất hướng chuyên niệm’ là như cổ đức dạy: ‘Thượng thì tận hình thọ, hạ thì mười niệm’. Thượng tận hình thọ là từ ngày phát tâm niệm Phật trở đi, chung thân niệm Phật thẳng đến một niệm tối hậu lúc lâm chung. Đấy là bậc thượng. Còn bậc hạ chưa làm nổi như vậy, hoặc bởi chướng nặng, hoặc do bận rộn chẳng rảnh niệm nhiều thì mỗi ngày hành pháp Thập Niệm cũng là ‘nhất hướng chuyên niệm’. Còn bét nhất như trong Quán kinh nói: kẻ ngũ nghịch, thập ác lúc mạng sắp dứt, được nghe thánh giáo, chí tâm hối cải, mười niệm xưng danh cũng được vãng sanh, nên nói: mười niệm ắt sanh.

Hành giả nên biết: nhất hướng chuyên niệm là từ lúc bắt đầu phát tâm niệm Phật cho đến một niệm tối hậu, mà niệm quan trọng khẩn thiết nhất là niệm tối hậu. Như kẻ ác nghịch vừa nói trên đây, niệm Phật mười tiếng thì tiếng thứ nhất là sơ niệm, tiếng thứ mười là niệm cuối cùng, cũng là thẳng từ sơ phát tâm cho đến chết đều trì danh. Do vậy, phù hợp với tông chỉ nhất hướng chuyên niệm.

Trái lại, như có kẻ niệm Phật mấy mươi năm nếu lúc tối hậu bỏ lửng, khinh thị Trì Danh, đổi qua tu pháp khác, hoặc lúc lâm chung chẳng ưa Cực Lạc, luyến tiếc thế gian, chưa niệm Phật nổi thì chẳng gọi là nhất hướng chuyên niệm!

Nếu như ngờ rằng niệm Phật sao lại có công đức như thế, nên biết: do năng niệm, sở niệm đều là Thật Tướng vậy. Sách Di Đà Yếu Giải giảng:

‘Quang theo chiều ngang chiếu khắp mười phương. Thọ là theo chiều dọc khắp cả ba đời. Ngang dọc hỗ tương đều là pháp giới thể. Đem cả cái thể ấy làm thành thân và cõi của Phật Di Đà, cũng đem cả cái thể ấy làm thành danh hiệu Di Đà. Vì vậy, danh hiệu Di Đà chính là bổn giác lý tánh của chúng sanh. Trì danhBổn Giác hợp với Thỉ Giác. Thỉ, Bổn chẳng hai, chúng sanh và Phật chẳng hai, nên một niệm tương ứng đức Phật của một niệm. Niệm niệm tương ứng với đức Phật trong niệm niệm’.

Do đoạn trên thấy được rằng: danh hiệu Di Đàpháp giới thể nên công đức của danh hiệu chẳng thể nghĩ bàn. Lại nữa, danh hiệu tức là bổn giác lý tánh của chúng sanh. Khởi tâm niệm Phật là Thỉ Giác. Đức Phật đang được mình niệm đây chính là Bổn Giác của ta. Do vậy, ta nói trì danh chính là Bổn Giác hợp với Thỉ Giác. Bởi vậy, niệm niệm tương ưngniệm niệm chính là Phật thì rõ ràng công đức trì danh chẳng thể nghĩ bàn.

Hơn nữa, theo Mật Điển, công đức của chỉ mình chữ A trong sáu chữ hồng danh đã là vô lượng. Đại sư Hưng Giáo người Nhật giảng:

‘Từ chữ A lưu xuất hết thảy đà ra ni, từ hết thảy đà ra ni sanh ra hết thảy Phật’.

Còn bảo: ‘Chơn ngôn chữ A là tâm của mười phương Phật. Pháp thân chư Phật cùng gia trì’ và:

‘Tỳ Lô Xá Na dùng chữ A này làm tạng bí mật’.

Lại còn nói:

‘Ba thân chỉ nói một pháp chữ A, các kinh rộng khen công đức của pháp này. Nghe tên thoảng qua tai, các tội băng tiêu. Xướng âm, thấy mặt chữ, vạn đức như mây nhóm. Xem sơ qua mà tin thì dạo thẳng Tịnh Độ, tu sâu viên trí, chứng Phật đạo ngay hiện tại’.

Công đức của chữ A đã như thế, huống hồ là công đức của toàn danh hiệu Phật. Một câu Phật hiệu đây hạ thủ thật dễ, chẳng luận nam nữ trẻ già, chẳng biết ngu trí, rảnh, bận, ai cũng niệm được, kẻ nào cũng hành được.

Danh chiêu vạn đức, cảm ứng mầu nhiệm khó nghĩ nổi. Từ hữu niệm khéo nhập vô niệm, ngay nơi tâm phàm nhanh chóng hiển lộ quả đức, đúng như Sớ Sao viết: ‘Ngang với chư thánh trong một lời, vượt ba a tăng kỳ kiếp trong một niệm’.

Cực viên, cực đốn, quá sức giản dị, nên biết ‘phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’ chẳng chỉ là cương tông của kinh mà thật còn là chỉ quy của cả Đại Tạng giáo.

b. Giảng về Thú

Chỗ quy hướng của tông gọi là Thú. Chỗ thú hướng của ‘phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’ là vãng sanh Cực Lạc Tịnh Độ, chứng ba thứ bất thối. Vì vậy, kinh này lấy sanh trọn vẹn bốn cõi Tịnh Độ, chóng lên địa vị bất thối làm Thú.

Tịnh Độ có bốn cõi: Phàm Thánh Đồng Cư, Phương Tiện Hữu Dư, Thật Báo Trang NghiêmThường Tịch Quang. Dưới đây sẽ giải thích sơ lược về tướng trạng vãng sanh bốn cõi.

 * Cõi Phàm Thánh Đồng Cư:

 Cõi Phàm Thánh Đồng Cư của thế giới Cực Lạc là đồng cư Tịnh Độ. Thế giới Sa Bà ta đang ở đây cũng là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Cõi này cũng có phàm, có thánh như Văn Thù thường hiện Ngũ Đài, các A La Hán thường trụ Thiên Mục hoặc Nhạn Đãng. Họ đều là bậc thánh cõi này, nhưng cõi đồng cư chúng ta đang ở là đồng cư uế độ. Vì vậy, tuy cùng mang tên đồng cư mà thật ra chẳng giống nhau.

Sách Yếu Giải giảng về cõi Đồng Cư nơi đây như sau:

Do thật thánh (chỉ cho ba thánh quả Tiểu thừa) quá khứlậu nghiệp, quyền thánh (đại quyền thị hiện Bồ Tát) đại từ bi nguyện, nên phàm phu được ở chung với thánh nhân. Đến khi thật thánh nát thân (niết bàn), cơ ứng hóa của quyền thánh hết (cơ duyên hóa độ đã hết) liền thăng, trầm khác xa, khổ, vui khác biệt vời vợi. Tuy là tạm giống, rốt cuộc không giống.

Lại nữa, trong vòng trời đất ít kẻ được thấy nghe. Nếu may mắn được gặp gỡ thì ít kẻ chịu thân cận, học hỏi. Hơn nữa, khi Phật tại thế thánh nhân dẫu đông, như của quý, như điềm lành, nhưng chẳng thể trọn khắp các cõi nước như các ngôi sao, như bụi trần. Vả lại, tuy đồng cư mà việc làm, thành tựu trọn chẳng giống nhau’.

Theo lời giải thích của sách Yếu Giải, cõi Phàm Thánh Đồng Cư của thế giới này kém Cực Lạc ở bốn điểm:

- Tạm đồng: cõi này, ba quả vị đầu của tiểu thừa chứng A La Hán xong liền nhập tịch diệt. Cơ độ sanh của Đại Quyền Bồ Tát đã hết thì liền chẳng thị hiện nữa. Do đó, phàm phu cõi này chỉ là tạm thời đồng cư, chẳng phải là rốt ráo. Còn đồng cư Tịnh Độ lại có thể cùng các Đại Bồ Tát hội chung một chỗ cho đến khi thành Phật.

- Khó gặp: Tuy có thánh giả hiện sống trong cõi này nhưng chẳng dễ gặp gỡ, thân cận. Còn ở Cực Lạc đều như thầy, như bạn, sáng, chiều cùng ở.

- Hiếm hoi: Thánh giả như của quý, như điềm lành, hy hữu khó gặp, còn Cực Lạc thì ‘có nhiều nhất sanh bổ xứ, số ấy rất nhiều chẳng thể dùng toán số để biết nổi, chỉ có thể nói là vô lượng vô biên a tăng kỳ’.

- Việc làm chẳng đồng: Trong cõi này, thánh giả đều ở cảnh thánh, còn chúng sanh luân hồi sáu nẻo, thăng trầm vô định. Phàm thánh tuy cùng ở cõi này mà việc làmthành tựu khác hẳn nhau. Ở Cực Lạc, cùng hết vô minh, cùng lên Diệu Giác, nên biết là đồng cư nơi Tịnh Độ vượt xa đồng cư cõi này vô lượng vô biên.

Hơn nữa, phàm ở cõi này gồm cả ba ác đạo: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, còn đồng cư cõi kia ‘chẳng còn có cái tên ác đạo, nữa là thật có!’ Được vãng sanh, chẳng rớt vào ba ác đạo nữa, vĩnh viễn lìa nẻo ác, chẳng như chúng sanh cõi này trong biển sanh tử, thoạt vào thoạt ra, thoạt chìm, thoạt nổi, xoay vần trong ác đạo, hướng đến cái khổ đã lâu.

Về mặt thăng tấn thì như Yếu Giải nói: ‘Nên biết đại sự nhân duyên của bọn ta: một ải đồng cư thật khó thoát qua nhất’. Ấy là vì phàm phu cõi đồng cư này phải đoạn hai hoặc: kiến, tư mới đắc lậu tận thông, mới vượt khỏi dòng sanh tử, vượt thoát đồng cư tiến lên cõi Phương Tiện Hữu Dư. Đấy là vượt tam giới theo chiều dọc, thật là việc khó.

Nay pháp môn vãng sanh bỏ đồng cư uế độ sanh về đồng cư Tịnh Độ, được sanh Cực Lạc liền đoạn sanh tử nên gọi là vượt ngang tam giới (hoành siêu tam giới). Người vãng sanh chẳng đợi đoạn hai hoặc: kiến, tư, chỉ cần phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm, liền được Phật nguyện ngầm gia bị, quyết được vãng sanh Tịnh Độ. Việc này rất dễ nên gọi đạo dễ hành.

Phương tiện vượt thẳng như thế rất thù thắng hy hữu, mười phương không đâu bằng nổi. Do vậy, cõi Đồng Cư của Cực Lạc vượt xa cõi Phật mười phương.

Lại còn đới nghiệp vãng sanh: dẫu còn là phàm phu chẳng bị thối chuyển, một đời thành Phật. Thế nên, vãng sanh đồng cư cũng là sanh trọn vẹn bốn cõi vậy.

 * Phương Tiện Hữu Dư độ:

 Nếu người niệm Phật dụng công sâu đậm: lìa được tâm tạp loạn, chuyên niệm một câu danh hiệu, tâm, miệng tương ưng, từng chữ phân minh, tâm chẳng rời Phật, Phật chẳng rời tâm, niệm niệm tiếp nối chẳng có gián đoạn. Niệm Phật như thế gọi là sự nhất tâm. Nếu đạt đến cảnh giới này tuy chẳng cầu đoạn hoặc mà kiến, tư phiền não tự nhiên đoạn mất. Từ Đồng Cư uế độ cõi này sanh ngang sang cõi Phương Tiện Hữu Dư của Cực Lạc.

 * Thật Báo Trang Nghiêm độ:

 Nếu nhớ Phật, niệm Phật rành rẽ phân minh, đi, đứng, nằm, ngồi chỉ có một niệm ấy, không còn niệm thứ hai, chẳng bị các niệm tham, sân, phiền não tạp loạn thì gọi là sự nhất tâm. Trên mặt sự đã đạt nhưng về lý chưa thấu triệt, chỉ thuộc về định môn, chưa có huệ môn.

Nếu trên đầu sào trăm thước tiến thêm một bước, nơi bổn tánh mình chợt khế hợp, biết rõ năng niệm, sở niệm chỉ là nhất tâm, chẳng trụ hữu niệm, chẳng rớt vào vô niệm như Sớ Sao viết: ‘Nếu nói là có thì bổn thể của cái tâm năng niệm tự nó là không, đức Phật đang được mình niệm cũng trọn chẳng thể được. Nếu bảo là không thì tâm năng niệm sáng ngời chẳng lầm lẫn, đức Phật được niệm phân minh rạng ngời’.

Vô niệm mà niệm, niệm nhưng vô niệm. Nói, nghĩ dứt bặt, chẳng thể gọi tên, mô tả, chỉ là nhất tâm, thể vốn sẵn thanh tịnh, nào có pháp gì tạp loạn được. Đấy gọi là lý nhất tâm, thuộc về huệ môn, kiêm cả đắc định. Niệm Phật nếu đạt đếnnhất tâm, phá một phần vô minh thì sanh trong Thật Báo Trang Nghiêm độ, đồng thời chứng một phần Thường Tịch Quang độ.

Thật Báo Trang Nghiêm độ là nơi cư ngụ của Pháp Thân Đại Sĩ. Các vị Đại Sĩ từ Sơ Địa trong Biệt giáo, Sơ Trụ trong Viên giáo trở lên mới được sanh cõi ấy. Phá một phần vô minh, chứng một phần Pháp Thân mới sanh được cõi này.

Bậc Đại Sĩ cõi ấy sắc tâm tự tại, thân và cõi ảnh hiện, trong một đầu lông hiện cõi Bảo Vương. Trong một hạt bụi chuyển đại pháp luân, xứng tánh trang nghiêm vô chướng, vô ngại. Bốn mươi địa vị Pháp Thân Đại Sĩ từ bậc Bồ Tát sơ trụ trong Viên giáo cho đến Đẳng Giác Bồ Tát đều thuộc cõi này. Mỗi địa vị đều chứng một phần Thường Tịch Quang độ.

 * Thường Tịch Quang độ

 Cõi Pháp Thân của Phật ngự được gọi là Thường Tịch Quang. Sách Yếu Giải viết:

‘Thể thật của tướng chẳng tịch chẳng chiếu. Tịch mà hằng chiếu, chiếu nhưng luôn tịch, chiếu mà tịch cưỡng gọi là Thường Tịch Quang. Tịch mà chiếu cưỡng gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân’.

Vì vậy, thân và cõi chẳng hai; đều là cưỡng gọi. Tịch chiếu đồng thời chẳng phải là cảnh suy lường được.

Thêm nữa, ba chữ Thường Tịch Quang phơi bày trọn vẹn ba đức Niết Bàn của Như Lai bí tạng. Thường là Pháp Thân đức vì Pháp Thân thường trụ. Tịch là giải thoát đức vì trần lao vĩnh viễn tịch tĩnh. Quang là Bát Nhã đức do trí quang chiếu khắp.

Đẳng Giác Đại Sĩ phá sạch bốn mươi mốt phẩm vô minh, liền phá một phẩm sanh tướng vô minh tối hậu, Pháp Thân hiển lộ hoàn toàn, chứng trọn vẹn ba đức, triệt ngộ ngọn nguồn bổn tâm, rốt ráo thanh tịnh, chứng nhập Thường Tịch Quang độ.

Phàm phu đới nghiệp vãng sanh cõi Đồng Cư, do gặp Phật dạy dỗ nên không thối chuyển. Do thọ mạng vô lượng nên ngay trong một đời ấy đoạn trừ trọn vẹn các hoặc, thanh tịnh trọn vẹn bốn cõi Tịnh Độ. Do vậy, sanh cõi Đồng Cư cũng chính là sanh ba cõi trên nên bảo là: sanh trọn bốn cõi.

Lại nữa, trong cõi này (Sa Bà) tu hành khó khăn lắm duyên thối thất, nên kẻ tu đạo nhiều như lông bò, người đắc đạo hiếm tựa vảy lân. Cực Lạc thành Phật dễ vì không thối chuyển. Phẩm Vãng Sanh Chánh Nhân trong kinh dạy: ‘Những kẻ vãng sanh đều đắc a duy việt trí, đều đủ ba mươi hai tướng sắc vàng, đều sẽ làm Phật’.

Cực Lạc hơn hẳn mười phương, trước hết là do phàm phu đới nghiệp: sanh cõi kia rồi liền đắc a duy việt trí. A Duy Việt Trí: Tàu dịch Bất Thối. Bất thối lại có ba nghĩa:

- Vị bất thối: nhập dòng thánh chẳng đọa địa vị phàm phu.

- Hạnh bất thối: trừ kiến tư hoặc, dẹp sạch trần sa, luôn độ chúng sanh, chẳng đọa Tiểu thừa.

- Niệm bất thối: Phá vô minh, hiển Phật tánh, niệm niệm lưu nhập Như Lai quả hải.

Với ba thứ bất thối trên đây, nếu ở cõi này tu trì thì phải đoạn kiến hoặc như Sơ Quả của Tạng giáo, Kiến Địa của Thông Giáo, Sơ Trụ của Biệt Giáo, Sơ Tín của Viên giáo mới gọi là Vị Bất Thối.

Bồ tát của Thông giáo, Thập Hướng của Biệt giáo, Thập Tín của Viên giáo mới là Hạnh Bất Thối.

Sơ Địa của Biệt giáo, Sơ Trụ của Viên giáo mới gọi là Niệm Bất Thối.

Nhưng pháp môn Tịnh Độ hoành sanh siêu việt chẳng thể nghĩ bàn. Hễ vãng sanh rồi chẳng đọa lại địa vị phàm phu là chứng vị bất thối.

Cõi nước Cực Lạc chỉ có một Phật thừa nên chẳng đọa tiểu thừa, đó là hạnh bất thối.

Sanh cõi Đồng Cư xong liền cùng sanh ba cõi trên, viên tu viên chứng. Ở trong thế giới ấy, ắt phá vô minh, hiển Phật tánh, chứng Niệm Bất Thối.

Do Niệm Bất Thối vượt đủ bốn mươi mốt nhân vị, một đời thành Phật như sách Yếu Giải chép: ‘Ngũ nghịch thập ác, mười niệm thành tựu đới nghiệp vãng sanh. Kẻ thuộc hạ hạ phẩm đều được ba thứ bất thối’. Sách ấy lại viết:

‘Hiểu như vậy mới có thể tin sâu nguyện lực của Phật Di Đà. Tin Phật lực rồi mới có thể tin công đức của danh hiệu. Tin trì danh rồi mới có thể tin sâu tâm tánh của chúng ta vốn là chẳng thể nghĩ bàn’.

Hơn nữa, nhân duyên bất thối nơi cõi Cực Lạc gồm năm điều:

- Một, được Di Đà đại từ nguyện lực nhiếp trì nên chẳng thối.

- Hai, Phật quang thường chiếu, Bồ Đề tâm tăng tấn nên chẳng thối.

- Ba, nước, chim, cây cỏ đều diễn diệu pháp, tăng thêm chánh niệm nên chẳng thối.

- Bốn, thuần các Bồ Tát làm bạn thù thắng, ngoài không ma tà, trong không phiền não nên chẳng thối.

- Năm, thọ mạng vĩnh kiếp ngang với Phật nên chẳng thối.

Ôi, thánh đức khó lường, ơn Phật khó báo, Di Đà bi tâm cùng cực, thánh trí khôn tày, từ đấy hiện ra cõi Đồng Cư Tịnh Độ dễ sanh về này cho phàm phu. Hành nhân chẳng cần đoạn hoặc, tiêu nghiệp, chỉ cốt tín nguyện trì danh, chí ít mười niệm đều được vãng sanh, vượt ngang tam giới, mãi lìa các khổ, chứng địa vị bất thối, nhất sanh bổ Phật, siêu tình ly kiến chẳng thể nghĩ bàn. Mười phương thế giới thật không đâu bằng được như vậy nên Cực Lạc được ngàn kinh muôn luận cùng khen ngợi.

Vãng sanh cõi Đồng Cư tức là sanh ngang qua ba cõi trên. Chứng địa vị bất thối cũng là chứng trọn vẹn ba thứ bất thối. Niệm niệm phổ lợi quần sanh, tâm tâm lưu nhập biển giác, đó thật là chỗ quy thú của kinh này vậy.

 

3. Đại Giáo duyên khởi

Chánh kinh:

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn oai quang rạng rỡ như khối vàng nung, lại cũng như gương sáng trong ngoài sáng tỏ, hiện quang minh lớn, biến hiện ra hơn trăm ngàn thứ. Tôn giả A Nan liền tự suy nghĩ: “Hôm nay Thế Tôn sắc thân, các căn vui sướng thanh tịnh, quang nhan vòi vọi, bảo sát trang nghiêm, từ xưa đến nay ta chưa từng thấy”, mừng rằng mình được chiêm ngưỡng, sanh tâm hy hữu.

Ngài liền từ tòa đứng dậy, trật áo vai phải, quì dài, chắp tay, mà bạch Phật rằng:

- Thế Tôn ngày nay nhập đại tịch định, trụ pháp kỳ đặc, trụ hạnh đạo sư của chư Phật trụ, là đạo tối thắng. Quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật nghĩ đến nhau. Ngài nghĩ đến quá khứ vị lai chư Phật hay chăng? Ngài nghĩ đến chư Phật hiện tại ở phương khác hay chăng? Vì sao ngài lại oai thần hiển diệu, quang thụy thù diệu? Xin tuyên thuyết cho.

 Giải:

Đức Thích Tôn muốn diễn thuyết pháp môn Tịnh Độ vô thượng thù thắng nên hiện tướng lành, phóng quang để tạo đầu mối cho A Nan thưa hỏi để khiến cho kẻ được nghe liền sanh ý tưởng hy hữu, sanh ý tưởng khó gặp gỡ, y giáo phụng hành cầu sanh Tịnh Độ.

Xét ra, các kinh Viên Đốn đều có nói tướng Bổn Sư Thích Tôn phóng quang, nay kinh này cũng như vậy. Bản Hán dịch ghi:

‘Khi ấy, Phật đang ngồi nghĩ đến chánh đạo, mặt ngài có ánh sáng năm màu biến hiện hơn trăm ngàn thứ. Ánh sáng thật sáng rực. Hiền giả A Nan liền từ tòa đứng dậy, chỉnh đốn y phục, dập đầu lễ chân Phật, bạch trước đức Phật rằng:

- Nay vẻ mặt của Phật rạng rỡ, cớ sao mỗi lúc lại biến đổi sáng rực đến thế? Nay vẻ mặt đức Phật rạng ngời tinh thuần có hơn trăm ngàn sắc, trên dưới sáng tỏ, đẹp đẽ đến thế. Con từ khi hầu Phật đến nay, chưa từng thấy thân thể Phật rực sáng, sáng vằng vặc bội phần đến thế ấy. Con chưa từng thấy đấng Chí Chơn Đẳng Chánh Giác quang minh oai thần giống như hôm nay’.

Bản Ngô dịch cũng dịch giống vậy, chỉ có dùng chữ hơi khác. Các bản dịch khác có đề cập đến điểm này, nhưng không ghi tỉ mỉ.

Bản Ngụy dịch hai lượt nói: ‘Quang nhan vòi vọi’, lại còn ghi: ‘Oai thần rạng rỡ’. Bản Đường dịch chép: ‘Oai quang rạng rỡ như khối vàng nung, lại như gương sáng tĩnh lặng tỏa chiếu sáng ngời’. Bản Tống dịch ghi: ‘Sắc mặt viên mãn, bảo sát trang nghiêm’.

So sánh năm bản dịch, bản Hán dịch mô tả tường tận nhất, các bản dịch khác chỉ nói giản lược. Câu ‘bảo sát trang nghiêm’ trong bản Tống dịch có nghĩa là trong quang minh hiện ra cõi nước. Câu này có thể dùng để bổ túc chỗ thiếu sót của các bản dịch cũ. Do điểm này, đủ thấy việc hội tập các bản dịch là điều tất yếu.

Hơn nữa, đa số các nhà chú thích kinh thời xưa cho rằng khi đức Bổn Sư nói kinh này chưa từng phóng quang. Đó là bởi họ chưa đọc kỹ tường tận các bản dịch cổ đời Ngô, Hán vậy.

Chữ ‘Thế Tôn’ chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật. Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Phật đủ các đức, được đời tôn trọng, nên hiệu là Thế Tôn’. Phật là đấng tôn quí nhất của thế gian nên xưng là Thế Tôn.

‘Oai’: có oai đáng nể thì nói là ‘oai’. Chữ Oai ở đây chỉ cho oai thần. Sách Thắng Man Bảo Quật chép: ‘Bề ngoài khiến muôn vật kính nể là Oai. Bên trong khó đo lường nổi thì gọi là Thần’.

‘Quang’ là quang minh: tự tỏa sáng là Quang, chiếu soi vạn vật là Minh, cũng có nghĩa là phóng quang chiếu rạng ngời. Quang minh có hai công dụng: một là phá tối, hai là biểu thị pháp. Ấy là vì quang minh của Phật chính là tướng trí huệ.

‘Hách’ là sáng. ‘Biến’ là đông nhiều. Vì vậy, câu ‘oai quang hách biến’ (tạm dịch là “oai quang rạng rỡ”) hàm ý quang minh do Phật phóng ra hùng mãnh có oai thế, sáng chói, số lượng rất nhiều. Tiếp theo đó, dùng ngay hình ảnh vàng được nung chảy để ví von. Sắc vàng vốn đã chói sáng, khi bị nung chảy còn chói lọi hơn nữa. Ví quang minh của Phật như vàng bị nung chảy ra đọng lại, cho nên nói ‘như khối vàng nung’.

‘Lại như gương sáng chiếu suốt trong ngoài’ (hựu như minh kính, ảnh sướng biểu lý): Ảnh là ánh sáng. Sướng là thông đạt.

Ngài Hải Đông Cảnh Hưng giảng: ‘Ánh sáng của gương chiếu ra ngoài gọi là “ảnh biểu”, giống như thân Phật có quang minh tỏa ra ngoài. Hình ảnh bên ngoài được chiếu rõ bởi ánh sáng lại hiện rõ trong gương, cũng giống như quang minh đã phóng ra soi ngược lại khiến vẻ mặt rạng rỡ. Do vậy, bảo là “biểu lý”.

Ngài Tịnh Ảnh giảng: ‘Ánh sáng chiếu ra ngoài gọi là “ảnh biểu”. Ánh sáng chiếu ra ngoài rồi lại hiện rõ trong gương gọi là “ảnh lý”. Thân Phật giống như vậy: quang minh chiếu ra ngoài là biểu, chiếu rạng thân Phật là lý’.

Theo hai thuyết trên, thân Phật trong ngoài rạng ngời ví như tấm gương sáng sạch. Do gương phóng quang chiếu ra ngoài thì gọi là ‘ảnh biểu’. Quang minh phóng ra ấy lại chiếu vào trong gương thì gọi là ‘ảnh lý’.

Trong hai bản Hán dịch và Ngô dịch chép rằng Phật quang ‘hơn trăm ngàn sắc’ và ‘hơn trăm ngàn biến hiện’, ‘quang minh rất mực sáng rực’, ‘trên dưới sáng ngần’, ‘càng sáng vằng vặc bội phần’ đều chỉ nhằm nói rõ ý nghĩa ‘ảnh sướng biểu lý’.

Câu ‘sắc mặt viên mãn, bảo sát trang nghiêm’ trong bản Tống dịch chỉ rõ trong quang minh của Phật hiện bóng mười phương cõi báu như gương báu to tròn hiện bóng mười phương.

Sách Bình Giải giảng rằng: ‘Trong ánh quang minh vằng vặc, hiện bóng tướng trang nghiêm các cõi báu mười phương, giống như trong gương châu báu hiện ra tướng sum la vạn hữu!’ Thuyết trên đây thật đúng là đang nói về cảnh giới Hoa Nghiêm.

Câu‘hiện đại quang minh biến hiện hơn trăm ngàn thứ’ ý nói: Trong pháp hội, Phật phóng quang minh lớn, trong chớp mắt biến hiện muôn thứ, quang sắc chen lẫn, trang nghiêm thù thắng tự nhiên như trong phẩm Tự của kinh Pháp Hoa chép: ‘Từ tướng bạch hào giữa mày có ánh sáng lớn chiếu khắp’.

Do vậy, ‘hiện quang minh lớn’ chính là ‘đại quang phổ chiếu’. Vì vậy, câu ‘oai thần rạng ngời’ trong bản Ngụy dịch cũng tương đồng với câu này, cùng biểu thị quang minh oai thế chiếu rạng ngời của Phật rất rộng lớn, không gì sánh nổi.

Còn như câu ‘biến hiện hơn trăm ngàn thứ’ thì cũng như câu ‘tự nhiên quang sắc xen lẫn nhau, chuyển biến tối thắng’ trong phẩm Thọ Lạc Vô Cực của kinh này, cùng biểu thị Phật quang tự nhiên xen lẫn nhau, xoay chuyển, quang sắc biến hóa, càng biến hiện càng thù thắng chẳng cùng cực.

‘Tôn giả A Nan liền tự suy nghĩ’: Tôn giả A Nanđương cơ của kinh này. Xét về Bổn (15), ngài là vị Pháp Thân Đại Sĩ từ quả hướng nhân. Trong kinh Pháp Hoa, Phật bảo các Bồ Tát rằng:

Ta cùng bọn ông A Nan ở chỗ Không Vương Phật đồng thời phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, A Nan thường tu đa văn, ta thường siêng tinh tấn. Vì vậy, ta đã đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh GiácA Nan hộ trì pháp của ta, cũng sẽ hộ trì pháp tạng của chư Phật trong tương lai, giáo hóa thành tựu các Bồ Tát’.

Xét về Tích, A Nan là người kết tập Kinh tạng, được truyền Phật tâm ấn (tổ thứ hai của Thiền tông), truyền thọ Mật thừa, là nhân vật cốt lõi trong việc truyền thừa Đại giáo. Kinh Liên Hoa Sanh Đại Sĩ Ứng Hóa Nhân Duyên nói: ‘Từ ngài A Nan, sơ tổ Mật giáoLiên Hoa Sanh Đại Sĩ nhận lãnh mật pháp do đấng Thích Tôn phó chúc truyền trao lại’. Sách Thai Tạng Giới Mạn Đà Ra Ni Sao, quyển 3 nói: ‘A Nan mật hiệuTập Pháp Kim Cang’. Điều này chứng tỏ rằng về Bổn, A Nan chính là ‘kim cang tức Phật’ vậy.

Vì vậy, truyền trì Phật pháp là bổn nguyện của ngài A Nan, hiện đang thị hiện làm thị giả của Phật, tiếp nối huệ mạng của Phật, tiếp nối quá khứ dẫn đến tương lai. Vì vậy, trong kinh này, ngài là đương cơ, lại có thể tự khéo suy nghĩ phát ra lời hỏi hay khéo ấy.

‘Sắc thân các căn, vui vẻ thanh tịnh’: Chữ ‘các căn’ chỉ cho năm căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của thân sắc tướng. Gia Tường Sớ giải thích chữ ‘thanh tịnh’ là ‘quang hiển’. Kinh Bảo Tích lại chép:

‘Thân Như Lai tự tánh trong trẻo, vì cớ sao? Vì Như Lai từ lâu đã xa lìa hết thảy phiền não và các cấu uế. Thân Như Lai vượt khỏi thế gian. Vì cớ sao? Chẳng bị pháp thế gian làm nhiễm ô… Thân Như Lai như hình ảnh vi diệu trong tấm gương sạch, như vầng trăng tròn sáng [hiện bóng] trong nước sạch’.

Tổng hợp những điều vừa dẫn trên, ta có thể giải thích kinh văn như sau: Lúc ấy, đức Thế Tôn nơi năm căn như mắt v.v... đều hiện vẻ vui sướng, trong tâm an lạc, diệu tướng trong trẻo như ảnh hiện trong gương, như trăng in nước, quang minh viên mãn, thanh tịnh như không có hình chất, hoan hỷ sung sướng, thanh tịnh trang nghiêm.

Lại nữa, vì sao Phật vui? Tịnh Ảnh Sớ chép: ‘Vui vì có hai lý do:

- Nghĩ đến hạnh đức đáng ưa đã thành tựu của A Di Đà Phật cho nên vui.

- Nghĩ đến chúng sanh đã đến lúc được ích lợi cho nên vui’.

‘Quang nhan vòi vọi’: Quang là quang minh. Nhan là vẻ mặt. Sách Vô Lượng Thọ Kinh Tiên Chú viết: ‘Vẻ mặt của Phật có ánh sáng nên gọi là quang nhan’.

‘Vòi vọi’ là ý nói vẻ mặt cao quý, vĩ đại, đáng tôn trọng nhất. Gia Tường Sớ giảng: ‘Vòi vọi là ý nói đức rộng lớn, cao quý, rạng ngời’. Nói chung, câu này diễn tả vẻ mặt của Phật viên mãn các đức, rạng ngời quang minh hơn hẳn hết thảy các thứ.

‘Bảo sát trang nghiêm’: Câu này trích từ bản Tống dịch, phía trước câu này có bốn chữ ‘diện sắc viên mãn’ ý nói: trong quang minh vi diệu phóng ra từ khuôn mặt đức Phật, hiện bóng cõi nước báu (bảo sát) trang nghiêm của cõi Phật mười phương.

Sách Pháp Hoa Văn Cú Ký, quyển 2 giảng chữ ‘Sát’ như sau: ‘Sát, Hán dịch là “điền”, tức là vương thổ của một đức Phật’. Vì vậy, Sát nghĩa là một Phật độ, một nước Phật.

Tiếp ngay theo câu ‘bảo sát trang nghiêm’, bản Tống dịch ghi thêm: ‘Công đức như vậy là chưa từng có’, ý nói: quang minh hiển hiện thập phương, Phật sẽ khai diễn pháp hy hữu bậc nhất. Vì vậy, Phật hiện tướng lành chưa từng bao giờ thấy như thế.

Do đó, kinh chép tiếp rằng: ‘Từ xưa đến nay, chưa từng được thấy, mừng rằng mình được chiêm ngưỡng, sanh tâm hy hữu’. Ý câu này là ngài A Nan tuy hầu bên cạnh Phật đã lâu, nhưng các tướng lành như thế ấy từ trước đến nay ngài chưa được thấy. Ngày nay mừng được dịp ngắm nhìn, khâm phục, thấy quang minh này trong tâm hoan hỉ, liền khởi lên ý tưởng hy hữu, khó gặp.

Do vậy, A Nan liền từ chỗ ngồi đứng lên, kéo áo ca sa đắp thân để lộ vai hữu. Câu ‘trật áo vai hữu’ trong kinh chính là cách tỏ lòng cung kính cùng cực của tỳ kheo. ‘Quỳ dài’ là cả hai đầu gối cùng đặt sát đất. ‘Chắp tay’ là áp cả mười ngón của hai tay trái và phải vào nhau nên còn gọi là ‘hợp thập’. Ở Ấn Độ, chắp tay biểu thị kính lễ, biểu thị cung cách nhất tâm chuyên chú, cung kính. ‘Bạch’ là thưa bày. A Nan quỳ dài, chắp tay, hướng về đức Phật tỏ bày, cung kính thốt lời thưa hỏi.

Nhập đại tịch định’: lìa hết thảy tán động, tịch tĩnh rốt ráo là “đại tịch”. Đại tịch địnhthiền định được đức Như Lai nhập. Quyển 30 kinh Niết Bàn chép:

‘Ta ở Sa La song thọ nơi cõi này, nhập đại tịch định. Đại tịch định có tên là Đại Niết Bàn’.

Sách Bình Giải lại nói: ‘Phổ Đẳng tam muộiĐại Tịch Định chỉ là tên khác của Niệm Phật Tam Muội... Nay đức Phật vì để nói pháp môn niệm Phật nên trụ Niệm Phật tam muội’.

Như vậy, Đại Tịch Định nói chung là một thứ thiền định của Phật mang tên Đại Niết Bàn. Còn xét trong kinh này, Đại Tịch Định chỉ Niệm Phật Tam Muội. Niệm Phật Tam Muội được gọi là Bảo Vương Tam Muội là vua trong các tam muội. Giờ đây, đức Thế Tôn khai diễn pháp môn Tịnh Độ nên ngài nhập Niệm Phật Bảo Vương Tam Muội.

‘Trụ pháp kỳ đặc’: Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Phật đắc pháp thù thắng hơn những kẻ khác, trong đời chẳng ai có pháp như vậy nên gọi là kỳ đặc’. Sách Hợp Tán chép: ‘Bí thuật để cứu tế phàm phu hiện giờ sẽ nói nên bảo là trụ kỳ đặc’.

Sách Bình Giải lại giảng:

‘Pháp kỳ đặc là chánh giác quả hải của Như Lai nên gọi là “kỳ đặc”. Kỳ đặc đến cùng cực thì như phần giảng về Hoa Quang Xuất Phật sẽ nói rõ.

Lại nữa, như trong phẩm Tánh Khởi của kinh Hoa Nghiêm: “Trong thân hết thảy chúng sanhchánh giác trí, do khen ngợi nên nói là kỳ thay!” [Điều này] kỳ thì kỳ lạ thật, nhưng chưa đặc biệt. Lại như trong phẩm Đề Bà Đạt Đa kinh Pháp Hoa, long nữ thành Phật mới thật là đặc biệt. Đặc biệt thì đặc biệt thật, nhưng chưa kỳ lạ.

Chỉ có một pháp môn này kỳ lạ nhất, đặc biệt nhất, vì sao? Kinh dạy: “Các hoa sen báu khắp đầy thế giới”.

Hoa sen ấy nếu bảo là y báo thì ngoài hoa nào có Phật Chánh Giác, nếu bảo là Chánh, thì sao lại nói là trăm ngàn ức cánh? Nếu cho là Nhân thì hoa ấy chính là công đức của Như Lai quả. Nếu cho là Quả, hoa ấy chính diệu hoa trong thập phương. Nếu cho là Chủ thì hoa hàm chứa nổi vô lượng huệ của mười phương tam thế. Nếu bảo là Bạn, lại chỉ là Chánh Giác của Như Lai. Nếu cho là một pháp thì trong ấy lại xuất sanh vô lượng pháp. Nếu cho là vô lượng, hoa ấy cũng là một câu danh hiệu. Kỳ kỳ đặc đặc! Pháp chẳng thể nêu, chẳng thể nói, chẳng thể nghĩ bàn nên cưỡng gọi là pháp kỳ đặc’.

Nghĩa trên đây rất sâu, ở đây tôi chỉ lược nói: Quả đức của Như Lai được xưng tụng là kỳ đặc, tối cực kỳ đặc như đoạn kinh nói về ‘ánh sáng của hoa hiện ra đức Phật’ trong kinh có nói rõ.

Vả như kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Trong thân hết thảy chúng sanhChánh Giác Trí’, điều này rất kỳ lạ, nhưng chúng sanh ai cũng có, chẳng phải là hiện tượng đặc biệt, nên cho rằng: “kỳ lạ nhưng chưa đặc biệt”. Trong kinh Pháp Hoa, long nữ thành Phật: Long nữ tám tuổi, ngay lập tức thành Phật, thật là rất đặc biệt. Nhưng là đặc biệt mà không kỳ lạ do vì chúng sanh bổn lai là Phật, ai cũng có phần, ai cũng hiện thành được. Vì vậy, long nữ thành Phật cũng chẳng được coi là kỳ lạ!

Chỉ có một pháp Tịnh tông trong kinh đây đã là đặc biệt nhất, lại cũng là kỳ lạ nhất. Phần sau, trong phẩm Bảo Liên Phật Quang sẽ nói rõ về phương diện y chánh, chủ, bạn, nhân quả, một, nhiều....

Nếu luận theo thường tình, do hoa sen ở trong ao nên là y báo. Nhưng nếu bảo là Y báo, thì mỗi một hoa có ba mươi sáu trăm ngàn ức ánh sáng, trong mỗi một ánh sáng hiện ra ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật; đủ thấy Phật từ hoa hiện ra, nên nói: ngoài hoa không có Phật. Do vậy, chẳng thể bảo hoay báo.

Nếu cho là chánh báo, trong kinh nói hoa có trăm ngàn ức cánh, rõ ràng là cánh hoa chẳng phải là thân Phật, nên chẳng được nói là chánh báo.

Nếu xem là nhân, do hoa ấy từ quả đức của Như Lai thành tựu, nên chẳng phải là nhân.

Nếu xem là quả, hoa ấy lại là vật sanh trong mười phương thế giới, chẳng đợi đến khi hành nhân đạt đến cái quả giác ngộ, viên mãn công phu.

Vì vậy, hoa sen chẳng thể là quả. Nếu xem là chủ thì hoa hàm chứa được mười phương tam thế vô lượng huệ, dung chứa hết thảy, bạn của hoa quá nhiều!

Nếu xem là bạn, thì ngoài tâm không có pháp, chỉ là chánh giác của Như Lai. Y, chánh, chủ, bạn, hết thảy mọi vật trong Cực Lạc đều chỉ do tự tâm của Di Đà Như Lai hiện ra.

Muốn bảo là một pháp thì một hoa có vô lượng quang, trong mỗi quang xuất sanh vô lượng pháp. Nếu nói là vô lượng, lại chỉ là một câu danh hiệu. Ba thứ trang nghiêm vào trong một pháp cú.

Vì vậy, bảo đây là pháp kỳ lạ nhất trong các sự kỳ lạ, pháp đặc biệt nhất trong những chuyện đặc biệt, pháp chẳng thể nêu, chẳng thể nói, chẳng nghĩ bàn, cũng chẳng đặt tên nổi, chỉ đành cưỡng gọi là ‘pháp kỳ đặc’.

Nay đức Thế Tôn muốn tuyên nói hoằng nguyện Nhất Thừa của Phật Di Đà là pháp kỳ đặc nhất nên trụ vào sở trụ của Phật Di Đà, là điều Phật nào cũng nghĩ đến, nên nói là ‘trụ pháp kỳ đặc’.

‘Trụ hạnh đạo sư của chư Phật trụ là đạo tối thắng’: Tịnh Ảnh Sớ giảng chữ ‘Phật sở trụ’ như sau: ‘Chỗ Phật trụ là Niết Bàn thường quả, chư Phật cùng trụ. Nay đức Thế Hùng (chỉ đức Thích Ca) trụ nơi chỗ trụ ấy là trụ đại Niết Bàn để khởi lên diệu dụng hóa độ’.

Sách Hội Sớ giảng: ‘Chỗ Phật trụ chẳng phải là điều Nhị Thừa, Bồ Tát đạt đến nổi, chỉ có Phật với Phật mới trụ nổi’. Lại viết: ‘Phật giảng tam thừa, hễ khi nói các các giáo pháp khác đều trụ trong pháp tam thừa. Nay ngài trụ vào chỗ trụ của chính mình nên nói là trụ chỗ Phật trụ’.

Thuyết sau hay hơn vì hiện tại pháp được Phật sẽ nói là Quả Giác của Phật, là cảnh giới của Phật, cho nên phải trụ vào pháp chư Phật tự trụ để tỏ bày diệu pháp thù thắng này ngõ hầu làm nhân tâm (cái tâm phát khởi để làm nhân, hầu đạt đến cái quả là sự giác ngộ hoàn toàn) cho chúng sanh.

Sách Bình Giải lại giảng: ‘Trụ chỗ trụ của Phật là trụ Phổ Đẳng tam muội. Phổ Đẳng tam muộiĐại Tịch Định đều là tên khác của Niệm Phật tam muội. Tam thế chư Phật đều trụ vào niệm Phật này nên bảo là chỗ trụ của Phật. Nay Phật vì chúng sanh nói pháp môn Niệm Phật nên trụ Niệm Phật tam muội’. Thuyết của sách Bình Giải phù hợp với yếu chỉ của kinh này nhất.

‘Đạo sư’ là bậc dẫn dắt người khác nhập Phật đạo. Kinh Thập Trụ Đoạn Kết nói: ‘Gọi là đạo sư vì chỉ bày chánh đạo cho chúng sanh’. Kinh Hoa Thủ chép: ‘Có thể vì người khác nói đạo chẳng sanh tử nên gọi là đạo sư’. Kinh Phật Báo Ân nói: ‘Đại đạo sư là bậc dùng đường chánh chỉ bày đường đến Niết Bàn, khiến cho được vô vi thường lạc’ (Vô vipháp vô vi, thường lạcthường lạc ngã tịnh).

Sách Bình Giải lại viết: ‘Hạnh đạo sư chính là Di Đà Thế Tôn bình đẳng dẫn dắt không để sót vậy’ và: ‘Đại đạo sư chính là Di Đà Thế Tôn dùng bổn nguyện nhiếp dẫn năm thừa’. Do đó, đức Bổndiễn thuyết kinh này chính là ngài đã trụ vào hạnh của Phật Di Đà vậy.

Chữ ‘đạo tối thắng’ được Tịnh Ảnh Sớ giảng rằng: ‘Vô Thượng Bồ Đề là đạo tối thắng’.

Sách Hội Sớ lại giảng như sau: ‘Là pháp mà hết thảy pháp thế gian, xuất thế gian chẳng sánh được’.

Sách Bình Giải giảng: ‘Đạo tối thắng là một đạo Niệm Phật Vãng Sanh vì trong hết thảy phương tiện nó là vô thượng tối thắng’.

Lại còn viết: ‘Đạo tối thắnggiải thoát đức. Kinh Niết Bàn dạy: ‘‘Vô thượng thượng, chơn giải thoát’’. Vì vậy, vô thượng thượng nghĩa là tối thắng’.

Ấy là vì Niệm Phật chính là đạo tối thắng vô thượng thượng: khi vãng sanh ắt chứng Niết Bàn.

Hơn nữa, ngay lúc đang niệm Phật, tâm là Phật, tâm làm Phật, ngay khi ấy chính là Phật chính là lúc vô thượng thượng giải thoát. Ngày nay đức Thích Tôn sắp khai diễn diệu pháp Di Đà nên trụ nơi Phật Di Đà trụ, hành hạnh của Phật Di Đà hành, niệm điều Phật Di Đà niệm. Do vậy, ngài A Nan bảo Phật ‘trụ đạo tối thắng của chư Phật trụ’.

Với các câu ‘quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật nghĩ đến nhau’ v.v... Gia Tường Sớ giảng: ‘Điều mà vị quá khứ, vị lai, hiện tại Phật nào cũng nghĩ nhớ là tam thế chư Phật đều có ý niệm hóa độ chúng sanh. Ánh sáng của mỗi vị chiếu lẫn nhau, trí từng vị chiếu soi lẫn nhau nên bảo là nghĩ nhớ lẫn nhau’.

Sách Bình Giải viết: ‘Các đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, lấy điều cả ba đời nghĩ nhớ để suy lường điều đức Phật đang tâm niệm’.

Sách Hợp Tán lại viết: ‘Ta được tam thế chư Phật nghĩ đến, suy ra lẽ nào đức Phật hiện tại chẳng nghĩ đến chư Phật. Nhưng nay ngài lại hiện ra tướng lạ lùng này vượt hơn hẳn chư Phật là có nguyên cớ gì?’

Kinh chép: ‘Oai thần hiển diệu, quang thụy thù diệu’ là ý nói: hiện ra sắc tướng, quang nhan vòi vọi, oai thần khó lường, phóng quang hiện điềm lành, tướng đẹp thù thắng: mười phương bảo sát hiện bóng trong quang minh. Do vậy, sách Hợp Tán khen ngợi là ‘vượt hẳn chư Phật’.

Ngài A Nan do thấy hiện các quang minh, tướng tốt lành mình chưa hề được thấy như vậy, hoan hỷ, mừng rỡ, nên lại tự suy nghĩ: Ngày hôm nay đức Thế Tôn hiện quang minh hy hữu như thế, hiển lộ tướng tốt lành khó thấy biết trọn vẹn như thế, ắt hẳn đức Thế Tôn phải nhập đại tịch định, trụ pháp kỳ đặc. Pháp ấy, định ấy chính là Niệm Phật Tam Muội, hạnh đạo sư, đạo tối thắng.

Do tam thế Như Lai, mỗi vị Phật nghĩ đến nhau; suy ra đức Thích Tôn nay ắt hẳn đang nghĩ đến Phật khác, chỉ chưa biết rằng ngài nghĩ đến vị Phật nào, cho nên thưa hỏi: ‘Ngài nghĩ đến chư Phật quá khứ, vị lai chăng? Ngài nghĩ đến chư Phật phương khác trong hiện tại chăng?’ Nếu chẳng phải là nghĩ đến đức Phật, vì sao ngày nay Phật lại ‘oai thần hiển diệu, quang thụy thù diệu đến thế’.

Oai là dũng mãnh. Thần là chẳng thể nghĩ lường. Hiển diệu là sáng đẹp. Trong quang minh của Phật hiện bóng mười phương bảo sát trang nghiêm, hiển hiện Hoa Nghiêm huyền môn nhiệm mầu chẳng thể nghĩ bàn. Tướng tốt lành trong ánh sáng ấy (quang thụy) mầu nhiệm tuyệt luân, cho nên A Nan thỉnh Phật giảng cho.

 Chánh kinh:

 Khi ấy, đức Thế tôn bảo A Nan rằng:

- Lành thay! Lành thay! Ông vì thương xót, lợi lạc các chúng sanh nên có thể hỏi nghĩa vi diệu như vậy. Ông nay hỏi như thế hơn cả công đức cúng dường một thiên hạ A La Hán, Bích Chi Phật, bố thí suốt nhiều kiếp cho chư thiên, nhân dân, các loài ngọ nguậy, bay lượn, bò trườn đến trăm ngàn vạn lần. Vì cớ sao? Vì chư thiên, nhân dân, hết thảy hàm linh trong tương lai đều do lời hỏi của ông mà được độ thoát!

 Giải:

Đoạn kinh trên là lời đáp của đức Bổn Sư. ‘Lành’ là tốt. ‘Lành thay!’ (sadhu) là lời khen ngợi. Trí Độ Luận chép: ‘Lành thay, lành thay, nói đến hai lần là tỏ sự vui mừng vậy’.

Sư Tịnh Ảnh bảo lời hỏi của A Nan ‘xứng cơ, đương pháp, hợp thời’ nên đức Phật khen ngợi. Sách Bình Giải cho rằng ‘vì lời hỏi đó tương xứng tâm Phật’. Những câu tiếp đó là lời đức Như Lai tự giải thích lời khen ngợi của mình.

‘Ông vì thương xót, lợi lạc các chúng sanh nên có thể hỏi nghĩa vi diệu như thế’: Thương xótbi tâm dẹp khổ. ‘Lợi lạc’ là từ tâm ban vui. Phật khen A Nan: Ông nay nguyện dẹp tan nỗi khổ của hết thảy chúng sanh nên mới hỏi nghĩa như vậy. ‘Vi diệu’: pháp thể u huyền nên nói là ‘vi’, dứt bặt nghĩ lường nên gọi là ‘diệu’. Ấy là do bổn thể của pháp u thâm, diệu huyền, chẳng thể dùng ngữ ngôn, phân biệt biết được nổi, vì vậy, gọi là ‘vi diệu’.

Từ câu ‘ông nay hỏi như thế’ cho đến hết đoạn kinh đều nói về công đức của lời hỏi của A Nan.

‘Một thiên hạ’ chính là một trong tứ thiên hạ. Tứ thiên hạ chính là bốn đại châu quanh bốn phía núi Tu Di. Một là Nam Thiệm Bộ Châu (tức là địa cầu), hai là Đông Thắng Thần Châu, ba là Tây Ngưu Hóa Châu, bốn là Bắc Uất Đan Châu. Vì vậy, một thiên hạ là một đại châu.

Phật dạy: Công đức của lời hỏi ấy của ngài A Nan còn hơn cả công đức cúng dường A La Hán, Bích Chi Phậtbố thí chư thiên, nhân dân trong nhiều kiếp và các loài trùng ‘ngọ nguậy, bay lượn, bò trườn’ trong cả một đại châu đến trăm ngàn vạn lần.

‘Kiếp’ là cách gọi tắt chữ kiếp ba của tiếng Phạn, dịch là Trường Thời. Trí Độ Luận nói: ‘Núi đá to bốn mươi dặm, có người trường thọ, cứ mỗi trăm năm lại đến một lần dùng chiếc áo mềm mại phất qua. Khi hòn đá to ấy đã bị phẩy đến mòn nát hết cả mà kiếp vẫn chưa tận’.

‘Ngọ nguậy’ (quyên) chỉ cho loài trùng nhỏ. ‘Bay’ là loại trùng nhỏ biết bay. ‘Bò trườn’ (nhu động) là loài trùng không chân, chỉ loài trùng đi bằng cách bò. Lời hỏi của A Nan vì sao có công đức đến thế? Là vì ‘chư thiên, nhân dân, hết thảy hàm linh trong tương lai đều nhân lời hỏi của ông mà được độ thoát’.

‘Hàm linh’ chỉ loài có linh tánh, tức là chúng sanh. Bản Hán dịch ghi: ‘A Nan, nay ông đều độ thoát chư thiên, đế vương, nhân dân và các loài ngọ nguậy, bay lượn, bò trườn’. Ấy là bởi vì từ lời hỏi này dẫn ra pháp môn Tịnh Độ: thâu trọn phàm thánh, lợi độn cùng được độ, hoành siêu tam giới, chóng lên bốn cõi Tịnh Độ, được chư Phật cùng khen ngợi, được các kinh luận cùng nêu; Nhất Thừa liễu nghĩa, vạn thiện đồng quy chẳng thể nghĩ bàn. Hết thảy chúng sanh trong tương lai đều do pháp này mà được độ thoát. Vì vậy, đức Phật khen ngợi công đức của lời hỏi ấy.

Chánh kinh:

A Nan! Như Lai do vô tận đại bi, xót thương tam giới, cho nên xuất hiện trong đời: quang xiển đạo giáo, muốn cứu vớt quần manh, ban cho cái lợi chơn thật khó gặp, khó thấy, như hoa Ưu Đàm ít khi xuất hiện. Lời hỏi của ông trong hiện tại gây lợi ích rất nhiều.

Giải:

‘Vô tận đại bi’: Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện chép: ‘Chư Phật Như Lai dùng đại bi mà làm thể’‘Dùng nước đại bi nhiêu ích chúng sanh thành tựu hoa quả trí huệ của chư Phật, Bồ Tát’.

‘Vô tận’ chính là ý nghĩa ‘chẳng có cùng tận’ trong kinh Hoa Nghiêm. Như Lai do tâm đại bi chẳng cùng tận nên thương xót tam giới. ‘Thương xót’ (căng ai) là thương yêu, xót thương. ‘Tam giới’ là Dục giới, Sắc giớiVô Sắc giới. Phật vì thương xót hết thảy chúng sanh trong tam giới ‘cho nên xuất hiện trong đời’.

Câu này chỉ rõ bổn hoài xuất hiện trong thế gian của Như Lai. Kinh Pháp Hoa nói: Chư Phật Thế Tôn do một đại sự nhân duyên nên xuất hiện trong đời’. Đức Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên nên tuyên nói nguyện lực của Phật Di Đà để phổ độ chúng sanh.

Quang xiển đạo giáo, muốn cứu vớt quần manh’: Quang là sáng sủa, to lớn, rộng rãi. Xiển là mở ra. ‘Đạo giáo’ chỉ chánh đạo thật giáo, tức là giáo hóa của chư Phật, chỉ chung cho giáo pháp cả một đời của đức Thế Tôn: tám vạn bốn ngàn pháp môn. Vì vậy, ‘quang xiển đạo giáo’ nghĩa là rộng tuyên kinh pháp của Như Lai.

Chửng (cứu vớt) là cứu giúp. ‘Manh’ là mầm mộng, ‘quần manh’ chỉ quần sanh. Chư Như Lai dùng đại bi làm thể muốn cứu hết thảy chúng sanh nên nói: ‘Muốn cứu vớt quần manh’.

 Sách Hội Sớ giảng:‘Tiệm, Đốn đều xứng với căn cơ, tùy duyên đều được độ thoát, nên bảo là cứu vớt quần manh’.

Sách còn viết:

‘Chữ Muốn chỉ cho sở nguyện đại bi của đức Thích Ca. Nhưng một chữ này thông với cả đoạn trên lẫn đoạn dưới, bao hàm hai nghĩa:

- Một là, khi nói ‘muốn cứu vớt quần manh’ thì chư Phật Như Lai dùng đại bi làm thể muốn làm cho kẻ chưa độ được độ, kẻ chưa an được an, đó là ‘quang xiển đạo giáo’. Vì vậy, ý câu này thông với câu kinh văn trước đó.

- Hai là muốn thí cho lợi lạc chơn thật, tức là Như Lai muốn cho chúng sanh nhập Di Đà nguyện hải’.

Sách Bình Giải kết luận thuyết trên bằng câu:

Chư Phật sở dĩ xuất hiện trong đời là vì muốn giảng Di Đà nguyện lực cứu giúp muôn chúng sanh để ứng với bổn hoài vậy’.

‘Ban cái lợi chơn thật’: Ban là ban cho, cũng có nghĩa là ân tứ (thưởng cho). Theo Thiện Đạo đại sư, ‘cái lợi chơn thật’  là cái lợi chơn thật phát xuất từ thệ nguyện của Phật Di Đà. Bài kệ của đại sư có câu:

‘Như Lai sở dĩ xuất hiện trong đời là chỉ để nói biển bổn nguyện của Phật A Di Đà’.

Sách Bình Giải khen ngợi rằng:

‘Nay riêng mình kim gia (người Nhật gọi đại sư Thiện Đạokim gia) giải thích khéo léo, những người khác chẳng bàn được như vậy. Thuận theo cách giải thích của Tổ, lấy Di Đà bổn nguyện làm cái lợi chơn thật thì ý nghĩa dùng tám vạn bốn ngàn pháp môn để quang xiển đạo giáo đã được minh bạch’.

Sách Bình Giải lại dẫn sách Lục Yếu: ‘Lợi chơn thật chỉ cho danh hiệu này, tức là Phật trí’.

Sách Bình Giải viết thêm: ‘Nay chơn thật là Phật trí danh hiệu. Ngài Thiện Đạo cho rằng Pháp Tạng trong lúc tu nhân thành tựu chơn thật nên bảo là bổn nguyện chơn thật. Nói rộng ra thì là năm nguyện chơn thật. Nói gọn lại thì chỉ là một câu danh hiệu. Vì vậy, ta biết rằng cái chơn thật này bao gồm giáo, hạnh, tín, chứng’

Như vậy, ‘Lợi’ là cái lợi lớn lao của danh hiệu. Cứu cánh của cái lợi lớn lao ấy chính là Niết Bàn vô thượng diệu quả. Sách Bình Giải còn viết:

‘[Gọi là] lợi chơn thật là vì so sánh với phương tiện quyền giả. Vì vậy, đem pháp thế gian so với Tiểu Thừa thì Tiểu Thừa là chơn mà pháp thế gian là giả. Dùng Tiểu Thừa sánh với Quyền Đại Thừa, Quyền Đại Thừa là chơn mà Tiểu Thừa là giả. Dùng Quyền Đại Thừa sánh với Thật Đại Thừa Pháp Hoa, Hoa Nghiêm v.v... thì Thật Đại là chơn, Quyền Đại là giả. Dùng Thật Đại thừa Pháp Hoa, Hoa Nghiêm v.v… sánh với nguyện thứ mười chín của Phật Di Đà (Nguyện mười chín trong bản Ngụy dịch như sau: ‘phát Bồ Đề tâm, tu các công đức, chí tâm phát nguyện, muốn sanh cõi ta’) thì nguyện mười chín là chơn, mà Hoa Nghiêm, Pháp Hoa... là giả.

Vì cớ sao? Hoa Nghiêm, Pháp Hoa lấy vãng sanh làm mặt lợi ích của kinh, các kinh ấy vẫn chưa ra khỏi nguyện mười chín. Đem nguyện mười chín sánh với nguyện hai mươi (bản Ngụy dịch: nghe danh hiệu ta, hệ niệm cõi ta, trồng các cội đức, chí tâm hồi hướng, muốn sanh cõi ta) thì nguyện hai mươi là chơn, nguyện mười chín là giả.

Đem nguyện thứ hai mươi sánh với nguyện mười tám (mười niệm vãng sanh) thì nguyện hai mươi là giả, nguyện thứ mười tám là chơn, là viên đốn nhất trong pháp viên đốn’.

Viên đốn tột bực không gì hơn kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, mà nay còn chê là quyền giả, chỉ khen ngợi Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh của kinh này là viên nhất trong pháp viên, pháp đốn nhất trong pháp đốn, chơn thật nhất trong các thứ chơn nhất là vì cớ gì? Sách Bình Giải giải thích:

‘Nay bàn về mặt lợi ích, pháp kia là giả, pháp này là chơn. Vì sao?

Pháp kia (chỉ cho Pháp Hoa, Hoa Nghiêm) nói đến nhanh chóng thành Phật đạo, nhưng chẳng thấy có người nhanh chóng thành Phật, nên thành ra biệt thời ý (16)

Pháp thể há có biệt thời ý, chỉ do căn cơ của con người hèn kém. Nay những kẻ tin tưởng chẳng nghi ngờ thì mười người tu cả mười được sanh, vãng sanh rồi sẽ tiến đến Bồ Đề chẳng lui sụt: ngay nơi đầu tiên mình được sanh về đã là Bồ Đề vì dẫu Phật tại thế hay diệt độ, cũng chỉ có một pháp này.

Do vì hết thảy phàm thánh thực hành pháp này không phân biệt, do về mặt lợi ích chơn thật thì không có gì hơn nổi pháp này’.

 Đoạn văn trên ý nói: Nếu luận về pháp thể, các kinh đều là chơn, nhưng nếu bàn về mặt lợi ích: các kinh khác đều là giả, chỉ có pháp này là chơn. Vì sao thế? Do các pháp như Pháp Hoa v.v... tuy nói có đạo thành Phật nhanh chóng, nhưng chẳng thấy có người y pháp tu trì ngay đời sau thành Phật, nên đó chỉ là cái nhân để thành Phật một cách biệt thời (tức là trong tương lai lâu xa sau này sẽ thành Phật).

Luận về pháp thể, vốn chẳng phải đợi đến biệt thời mới thành Phật; hiềm vì căn cơ hành giả kém cỏi nên chẳng thể nhanh chóng thành Phật. Chỉ có Nhất Thừa nguyện hải của Tịnh Tông đây, sáu chữ hồng danh: mười người tu mười người được sanh, vạn người tu vạn người vãng sanh, nên vượt trỗi hơn các kinh khác. Vả lại:

- Vãng sanh ắt chứng Bồ Đề.

- Khi pháp diệt rồi chỉ còn kinh này để độ sanh

- Phàm thánh niệm Phật bình đẳng. Sách Sớ Sao nói: ‘Một câu ngang với chư thánh’

Vì vậy, ta bảo là ‘lợi chơn thật’ không có chi hơn được pháp này.

Hơn nữa, kinh này có thể ban cho cái lợi chơn thật là do những điều được giảng trong kinh đều là chơn thật tế. Cõi mầu nhiệm Cực Lạc chính là do A Di Đà Phật trụ vào chơn thật tế biến hiện ra như Vãng Sanh Luận viết: ‘Ba thứ (chỉ cõi Phật, Phật, Bồ Tát) thành tựu nguyện tâm trang nghiêm... vào trong một pháp cú. Một pháp cúthanh tịnh cú. Thanh tịnh cú là chơn thật trí huệ vô vi Pháp Thân’. Chơn thật tếvô vi Pháp Thân. Y báo, chánh báo của Cực Lạc là do chơn thật trí huệ hiện ra. Do vì hết thảy chơn thật nên có thể ban cho lợi chơn thật.

Vô vi Pháp Thân chính là Thật Tướng, cho nên sách Yếu Giải nói:

‘Năng thuyết, sở thuyết, năng độ, sở độ, năng tín, sở tín, năng nguyện, sở nguyện, năng trì, sở trì, năng sanh, sở sanh, năng tán, sở tán, không thứ gì chẳng do Thật Tướng chánh ấn in vào’.

Đủ thấy: nhập được pháp môn này rồi thì mỗi mỗi việc đều là nhập Thật Tướng. Vì vậy, trong những pháp ban bố cái lợi chơn thật thì không pháp gì hơn được pháp này.

‘Khó gặp, khó thấy như hoa Ưu Đàm ít khi xuất hiện’: Gặp (trị) là gặp gỡ. Sách Hội Sớ giảng: ‘Phật pháp khó nghe nên nói “khó gặp”. Phật thân khó được trông thấy nên là “khó thấy”.

Hoa Ưu Đàm có chỗ dịch là Linh Thụy Hoa. Lá nó như lá cây lê, quả to bằng nắm tay, vị ngọt, không hoa mà kết trái, tuy có hoa nhưng rất ít khi thấy được hoa.

Kinh Bát Niết Bàn chép: ‘Có loại thọ vương tôn quý tên là Ưu Đàm Bát, có trái, không hoa. Nếu nó sanh kim hoa, trong đời bèn có Phật’.

Kinh Văn Thù Hiện Pháp Tạng lại chép: ‘Đời không Phật, cây ấy chỉ có trái không có hoa’.

Kinh Xuất Diệu lại chép: ‘Hơn mấy ngàn vạn kiếp, thỉnh thoảng mới trổ hoa. Chúng sanh thấy hoa bảo rằng Như Lai sắp ra đời’.

Theo các kinh trên, hoa này khó gặp ít có, khi nào có Phật ra đời nó mới xuất hiện. Vì vậy, nó được dùng để ví với giáo pháp chơn thật của Phật khó gặp gỡ.

Nay do lời hỏi của A Nan, bổn hoài của đấng Thích Tôn được mở toang, hoằng nguyện của Phật Di Đà được tỏ rõ nên bèn đem pháp chơn thật này giãi bầy hết cả ra để lợi ích khắp quần sanh. Vì vậy, Phật khen A Nan rằng: ‘Lời hỏi hiện nay của ông gây nhiều lợi ích’.

Chánh kinh:

A Nan nên biết: Như Lai chánh giác là trí khó lường chẳng có chướng ngại, có thể trong một niệm trụ vô lượng ức kiếp, thân và các căn chẳng bị tăng, giảm. Vì cớ sao thế? Định, huệ của Như Lai đã trọn vẹn cùng tột đến vô cực. Do với hết thảy pháp được tự tại tối thắng. A Nan nghe kỹ, khéo nghĩ nhớ lấy, ta sẽ vì ông phân biệt giải nói.

Giải:

Chánh Giác là giác trí chơn chánh chứng ngộ hết thảy các pháp, tức là Chơn Trí của Như Lai. Vì vậy, ta bảo thành Phật là thành Chánh Giác như Tịnh Ảnh Sớ viết: ‘Như Lai chánh giác gọi chung là Phật trí’. Đủ thấy bốn chữ ‘Như Lai chánh giác’ biểu thị Phật trí một cách hoàn toàn. Trí ấy rất sâu nên bảo là ‘khó lường’.

Vì Phật chứng pháp Niết Bàn rất sâu đến cùng cực nên Gia Tường Sớ viết rằng: ‘Nói trí Chánh Giác của Như Lai khó lường là ý nói: chơn trí mầu nhiệm đến cùng tuyệt, chiếu soi tột cùng pháp giới, chẳng phải là điều kẻ hạ căn, phàm tình biết được nổi’.

Sách Bình Giải lại viết: ‘Như Lai Chánh Giác là nương vào Nhất Như của Phật Di Đà để thành Chánh Giác, ứng thân ấy chính là bổn địa thân. Trí ấy khó lường.... Niệm Phật tam muội là sở trụ, do trụ vào đấy phát sanh được diệu trí thù thắng’.

Câu này ý nói: Chánh Giác của Thích Ca Như Lai là do nương theo Nhất Như thừa của Di Đàthành Chánh Giác. Vì vậy, ngài với Phật Di Đà là cùng một Chơn Như, mà cũng là cùng một Pháp Thân.

Ứng thân Phật [của Phật Thích Ca] hiện tướng lành ngay trong pháp hội đây thật ra chính là Pháp Thân (bổn địa thân) của Như Lai. Nhất Như thừa của Phật Di Đà trụ vào Niệm Phật Tam Muội. Do trụ vào tam muội ấy phát sanh trí huệ thắng diệu nên ‘trí ấy khó lường’.

Do vậy, điều này chẳng phải là điều các Đại Sĩ địa thượngĐẳng Giácthể tính kể, suy lường nổi. Dùng chơn trí thắng diệu hiểu thấu suốt được Chơn Như, lại thông đạt hết thảy các pháp chẳng có chướng ngại nên bảo là ‘chẳng có chướng ngại’.

Câu ‘có thể trong một niệm, trụ vô lượng ức kiếp mà thân và các căn chẳng bị tăng giảm’ hiển thị cái đức của Bổn Địa Pháp Thân. Câu ‘trụ vô lượng ức kiếp’ ngụ ý Phật có thọ mạng vô lượng. Phẩm Thọ Lượng của kinh Tối Thắng Vương có bài kệ rằng: ‘Nếu ai trụ ức kiếp, tận lực thường tính toán, cũng chẳng biết được nổi thọ lượng của Thế Tôn’. Nay kinh này dạy trong khoảng một niệm trụ vô lượng kiếp thì đây chính là môn ‘thập thế cách pháp dị thành môn’ trong mười huyền môn sự sự vô ngại pháp giới của kinh Hoa Nghiêm.

Bản dịch kinh Hoa Nghiêm đời Tấn có câu: ‘Biết vô lượng kiếp là một niệm, biết một niệm chính là vô lượng kiếp’. Sự kéo dài hay rút ngắn đồng thời nói trên giống với kinh này. Điều trên đủ chứng minh rằng kinh này chẳng khác gì kinh Hoa Nghiêm! Thích Tôn là Tỳ Lô, Ứng Thân Giáo Chủ nơi thế giới của chúng ta cũng chính là Pháp Thân Vô Lượng Thọ Phật. Thích Ca và Tỳ Lô, Di Đà chẳng hai chẳng khác.

Tiếp theo đó, kinh nói: ‘Thân và các căn chẳng có tăng giảm’ ngụ ý Phật thân tốt đẹp phi thường. Do ngài trụ vào bổn địa Pháp Thân thị hiện ứng thân nên đầy đủ đức của viên mãn báo thân.

‘Định, huệ của Như Lai đã trọn vẹn cùng tột đến vô cực’ (Như Lai định huệ cứu sướng vô cực): ‘Định’ là thiền định. Huệ là trí huệ. Giới, Định, Huệ gọi là tam vô lậu học. Hội Sớ viết: ‘Cứu là cùng tột, rốt ráo. Sướng là thông suốt. Để phân biệt với sở đắc của hạng còn tu nhân nên bảo là vô cực’.

Vì vậy, ý của câu kinh trên là thiền định, trí huệ của Phật đã được thông suốt trọn vẹn cùng cực, đó chẳng phải là điều hết thảy các vị Đại Sĩ còn ở địa vị tu nhân đạt được nổi.

‘Với hết thảy pháp được tự tại tối thắng’: Tâm thoát khỏi sự trói buộc của phiền não, thông đạt vô ngại, đó là “tự tại”. Hơn nữa, chẳng toan tính mà đạt được, hết thảy vô ngại nên gọi là tự tại. Như trong kinh Hoa Nghiêm, có mười tự tại:

a. Mạng tự tại: Bồ Tát đắc huệ mạng trường thọ, trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp trụ trì thế gian chẳng có chướng ngại.

b. Tâm tự tại: Bồ Tát dùng trí huệ phương tiện điều phục tự tâm, nhập được vô lượng đại tam muội, du hí thần thông không chướng ngại.

c. Tư cụ tự tại: Bồ Tát có thể dùng vô lượng trân bảo, các thứ vật dụng để trang nghiêm hết thảy thế giới một cách thanh tịnh vô ngại.

d. Nghiệp tự tại: Bồ Tát có thể tùy theo các nghiệp để ứng thời thị hiện, thọ các quả báo không chướng không ngại.

e. Thọ sanh tự tại: Bồ Tát theo tâm niệm có thể ở trong các thế giới thị hiện thọ sanh không chướng không ngại.

f. Giải tự tại: Bồ Tát thành tựu kiến giải thù thắng, thị hiện các thứ sắc thân, diễn thuyết diệu pháp không chướng không ngại.

g. Nguyện tự tại: Bồ Tát tùy lòng mong muốn, ở trong các cõi, ứng thời xuất hiện thành Đẳng Chánh Giác không chướng không ngại.

h. Thần lực tự tại: Bồ Tát thần thông quảng đại oai lực khó lường, trong các thế giới thị hiện biến hóa không chướng không ngại.

i. Pháp tự tại: Bồ Tát đắc đại biện tài, trong các pháp diễn thuyết rộng rãi vô biên pháp môn một cách không chướng không ngại.

j. Trí tự tại: Bồ Tát trí huệ đầy đủ, trong một niệm hiện ra thập lực vô úy của Như Lai thành Đẳng Chánh Giác không chướng không ngại.

Nay kinh đây nói ‘tự tại tối thắng’ là như kinh Pháp Hoa nói: ‘Ta làm pháp vương, tự tại trong pháp’. Viên mãn mười tự tại của Hoa Nghiêm một cách rốt ráo nên bảo là ‘tối thắng’. Tiếp theo đó, đức Thế Tôn hứa nói, truyền dạy A Nan lắng nghe kỹ (chú tâm nghe pháp), khéo tự suy nghĩ nghĩa lý được nghe. Cuối cùng bảo: ‘Ta sẽ vì ông, phân biệt giải nói’.

(Tới đây, phần biệt tự đã hết)

Biệt Tự còn gọi là Phát Khởi Tự vì nó dẫn phát chánh văn của toàn bộ kinh. Hiện tại, do A Nan phát ra câu hỏi, Thế Tôn hứa nói, diễn giảng pháp môn Tịnh Độphương tiện rốt ráo, cực viên, cực đốn, thù thắng này. Nhưng do đây là pháp siêu tình ly kiến chẳng thể nghĩ bàn, khó tin, chúng sanh tình chấp sâu nặng chẳng thể tin nổi nên trong phần phát khởi, thâm nhập chứng tín, tổng cộng có đến năm tầng:

- Thứ nhất, Thế Tôn phóng quang, hiện tướng lành để chứng tín.

- Thứ hai, A Nan hoan hỷ thưa hỏi. Lời hỏi của A Nanhai nghĩa trọng yếu: một là, A Nan thấy Phật phóng ra quang minh hy hữu, biết là ngài ắt hẳn trụ pháp kỳ đặc, hạnh đạo sư, đạo tối thắng. Nhưng pháp ấy, hạnh ấy, đạo ấy ắt là những điều đều được chư Phật nghĩ đến chứ không phải là pháp nào khác. Hai là A Nan do đâu hỏi nổi diệu nghĩa ấy? Chính điểm này chỉ rõ A Nan vốn là vị đại Bồ Tát đức tuân Phổ Hiền, từ quả hướng nhân. Trong hội thuần nhất chẳng tạp, diễn nói viên âm, nay chính là đúng lúc. Hội chúng thù thắng chính là ngụ ý diệu pháp hy hữu.

- Lần chứng tín thứ ba là Thế Tôn khen ngợi công đức của lời hỏi đó khó nghĩ nổi. Phật nói: Hết thảy hàm linh trong tương lai đều do lời hỏi này được độ thoát. Chỉ một lời đã phô trọn chánh nhân hưng khởi pháp môn Tịnh Độ. Vì vậy tên của phẩm này là Đại Giáo Duyên Khởi.

-Thứ tư, Phật lại bảo A Nan: Như Lai sở dĩ xuất hiện trong đời chỉ vì muốn cứu vớt quần manh, ban cho lợi ích chơn thật. Ban cho điều gì? Chính là chỉ nên cậy vào sáu chữ hồng danh Di Đà Nguyện Hải. Chính bởi lời hỏi của A Nan mà Phật khải thị diệu pháp khó gặp hy hữu đến thế như hoa Ưu Đàm. Hết thảy chúng sanh trong tương lai toàn là nhờ vào lời hỏi của A Nan mà được độ thoát. Vì thế, Phật khen A Nan để chứng tín.

- Thứ năm, Thế Tôn biết một cách sâu xa rằng đây thật là pháp hết thảy thế gian khó tin nổi nên hiểu dụ chúng sanh rằng: Giác trí của Như Lai khó lường, thần thông vô ngại, định huệ thông suốt rốt ráo, tự tại nơi pháp. Lời Thế Tôn nói chơn thật chẳng dối, muôn vàn chớ khinh nghi, chỉ nên tín ngưỡng. Kinh lại còn dùng thí dụ chỉ cho chúng ta: Phật là Quả Giác, ta là phàm phu, lẽ nào ta lại dùng cái tâm phàm phu phân biệt ngu muội để đo lường Như Lai trí một cách hư vọng? Chỉ nên tin nhận ắt sẽ mãn nguyện.

Do những điều trên, ta thấy được rằng Tự phần của kinh toàn là chứng tín. Ngẫu Ích đại sư chỉ ra tông của Tiểu Bổn kinh này là ‘tín, nguyện, trì danh’. Ba thứ tư lương ấy khuyết một chẳng được, nhưng lấy Tín làm đầu đủ thấy sự trọng yếu của Tín. Trong tự phần, trước hết nói đến cái gốc của kinh này là ‘chơn thật tế’ cho nên pháp này đáng tin. Diệu dụng của kinh này rộng ban cho chúng sanh cái lợi chơn thật cho nên phải tin.

Chơn Thật Tế là gì? Chính là như Liên Trì Đại Sư trong Sớ Sao đã dạy rằng: ‘Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng, chẳng trược, chẳng thanh, không lui, không tới. Lớn thay chơn thể, chẳng thể nghĩ bàn được, chỉ có mỗi tự tánh [mới được như thế mà] thôi!’ Vì vậy, chơn thật tế chính là tự tánh của đương nhân.

Cái lợi chơn thật là gì? Sớ Sao lại nói: ‘Lắng trược thành thanh tịnh, quay lưng [bõ cõi Sa Bà], hướng về [Tịnh Độ], siêu việt ba a tăng kỳ trong một niệm, ngang với chư thánh trong một lời. Diệu dụng cùng cực thay, cũng chẳng thể nghĩ bàn nổi. Chỉ là Phật Thuyết A Di Đà Kinh mà thôi!’.

Kinh A Di Đà chính là tiểu bổn của kinh này, cho nên biết được rằng: diệu dụng đến cùng cực chỉ là kinh này thôi! Tông của kinh này là ‘phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’. Phát Bồ Đề tâm bao hàm trọn vẹn ‘tín nguyện’. ‘Nhất hướng chuyên niệm’ chính là trì danh.

Hai bổn Đại, Tiểu có cùng một cương tông. Diệu pháp như thế cùng thâu trọn vẹn ba hạng khiến cho phàm phu chóng cùng được bổ xứ. Diệu dụng lớn lao, chẳng thể nghĩ bàn chính là việc phát tâm niệm Phật dạy trong kinh này. Đấy chính là cái lợi chơn thật. Do diệu dụng chơn thật như thế nên trong khoảng một niệm, vượt qua ba đại a tăng kỳ kiếp một cách nhanh chóng. Xưng danh một tiếng, địa vị bằng với chư thánh. Chúng ta may mắn được nghe, thật đúng là một dịp hy hữu trong vô lượng kiếp đến nay

Hết quyển một

(Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa kính dịch xong ngày 17 tháng 01 năm 2002)

(1) Hội bổn, tiết bổn: hội bổn là bản kinh soạn được bằng cách so sánh những bản dịch khác nhau của cùng một bản kinh gốc, chọn lấy những điểm tinh yếu, gạt bỏ những điểm rườm rà, trùng lặp, không quan trọng để có được bản kinh hoàn thiện nhất. Tiết bản là chia bản kinh thành từng tiểu đoạn, mỗi tiểu đoạn có một tiểu đề để nói lên ý chính của đoạn kinh đó.

(2) Khóa bổn: kinh đọc tụng trong các thời khóa công phu hằng ngày.

(3) Quả Giáo: Giáo pháp nêu ngay cái quả đức để làm nhân phát khởi tu hành chúng sanh, nương theo công đức viên mãn của quả toàn giác để tu trì. Đây là cách phán giáo của Mật tông. Theo họ, Tịnh Độ, Mật tông là quả giáo. Các tông khác là nhân thừa.

(4) Địa Thượng Bồ Tát: Các vị Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên.

(5) Địa tiền Bồ Tát: các vị Bồ Tát chưa dự vào hàng Thập Địa, tức là thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng.

(6) Mài gương: Thời xưa, dùng đồng làm gương nên phải mài cho gương sáng bóng mới soi mặt được.

(7) Bách giới thiên như: Theo tông Thiên Thai, có mười giới: từ ngạ quỉ, súc sanh, địa ngục.. cho đến chư Phật. Trong mỗi giới lại có đủ mười giới, nên 10x10 = 100 giới. Trong mỗi giới lại có mười môn như thị; như thị tướng, như thị thể, như thị tánh.. (xem kinh Pháp Hoa) nên thành ra một ngàn như. Tông Thiên Thai dùng chữ bách giới thiên như để chỉ tất cả các pháp

(8) Lưới Đế Thích (đế võng): Lưới của Đế Thích mỗi mắt lưới là một hạt ngọc.

(9) Chủ bạn giao tham: Pháp này là chủ thì các pháp kia là bạn, lấy pháp khác làm bạn, thì pháp này cùng các pháp còn lại là bạn.

(10) Cơ nghi: căn cơ thích ứng với pháp được giảng.

(11) Tương: ở đây chỉ cho các thứ nước được chế biến từ thực phẩm như nước trái cây ép, súp..

(12) Hiếp sĩ: chỉ cho vị Bồ Tát đứng hầu hai bên Phật, như Quán Âm, Thế Chíhiếp sĩ của Phật Di Đà.

(13) Hà sa, trần hải: cát trong sông, bụi trần nhiều như biển cả.

(14) Khí mạch (dhuti), minh điểm là các thuật ngữ dùng trong Mật tông Tây Tạng. Dhuti là đường dẫn sinh lực dọc theo cột sống, có những pháp tu riêng để khai mở đường này (gần giống như cách khai mở luồng hỏa hầu kundalini của Yoga). Minh điểm (thigle) theo Mật tông Tây Tạng là một điểm nhỏ như hạt gạo được thừa hưởng từ cả cha lẫn mẹ, được coi là tinh túy của toàn bộ cơ thể. Những hành giả tu các pháp như Kalachakra sẽ được hướng dẫn các pháp quán tưởng, hô hấp, trì tụng chân ngôn để biến điểm này thành hình tượng tương ứng của bổn tôn.

(15) Bổn, Tích: hai khái niệm của tông Thiên Thai. Bổn là Pháp Thân, Tích là ứng hiện. Theo đó, đức Phật Thích Ca thọ 80 năm là ứng tích của bổn Phật Pháp Thân Thích Ca thọ mạng vô lượng. Nói cách khác, tích như bóng trăng in trong nước, bổn như mặt trăng.

(16) Biệt thời ý: quan niệm cho rằng không thể thành Phật hay vãng sanh ngay trong đời hiện tại, niệm Phật trong đời hiện tại chỉ tạo nhân lành vãng sanh cho các kiếp tương lai.

(*) Ý nghĩa câu này rất sâu xa, sẽ được tác giả tự giải thích chi tiết trong phần bốn của bản Chú Giải này.

 

4. Phương tiện lực dụng

 Như kinh Đại Tỳ Lô Giá Na dạy: ‘Bồ Đề là nhân, đại bi là căn, phương tiện là cứu cánh’ thì biết rằng phương tiện độ sanh chính là chỗ kết quy của đại nguyện chư Phật, là điều được đại trí hiển thị, vạn đức trang nghiêm, là chỗ cứu cánh của quả giác. Vì vậy, tiếp sau phần nói về thể tánh, tông thú phải luận về đại lực, đại dụng của phương tiện thắng diệu.

Như kinh Quán Phật tam muội viết:

‘Phật bảo phụ vương:

- Chư Phật xuất thế có ba điều lợi ích:

a. Một là miệng nói mười hai bộ kinhpháp thí lợi ích, trừ được vô minh ám cấu của chúng sanh, mở mắt trí huệ, sanh trước chư Phật, chóng đắc vô thượng Bồ Đề.

b. Hai là chư Phật Như Laithân tướng quang minh tốt đẹp vô lượng. Nếu có chúng sanh xưng niệm, quán sát, dù là tổng tướng hay biệt tướng, chẳng luận là thân của Phật hiện tại hay quá khứ đều trừ diệt được tứ trọng, ngũ nghịch của chúng sanh, vĩnh viễn thoát khỏi tam đồ, tùy lòng ưa thích thường sanh Tịnh Độ cho đến khi thành Phật.

c. Ba là khuyên phụ vương hành Niệm Phật Tam Muội.

Phụ vương bạch Phật:

 - Vì sao chẳng dạy đệ tử thực hành quả đức của Phật địa, Thật Tướng Chơn Như, Đệ Nhất Nghĩa Không?

Phật bảo phụ vương:

- Quả đức của chư Phật có vô lượng cảnh giới thâm diệu, thần thông giải thoát, chẳng phải là cảnh giới phàm phu thực hành nổi. Vì vậy, ta khuyên phụ vương hành Niệm Phật Tam Muội’.

Lại chép:

‘Phật bảo phụ vương: Tâm niệm Phật của hết thảy chúng sanh trong sanh tử cũng giống như vậy, chỉ cốt hệ niệm chẳng ngơi, quyết định sanh ở trước Phật. Một khi được vãng sanh liền có thể cải biến hết thảy các điều ác thành đại từ bi’.

Theo lời đấng Thích Tôn đại từ chí hiếu khuyên phụ vương trên đây, Phật chỉ khuyên niệm Phật, đủ thấy các hạnh môn khác không phải là không thù thắng, nhưng bọn phàm phu chẳng thể tu nổi. Chỉ có pháp môn dốc lòng niệm Phật thích ứng căn cơ nhất. Chỉ nên tuân lời dạy niệm Phật thì quyết định vãng sanh. Một phen vãng sanh rồi liền chuyển nổi ác thành thiện. Diệu dụng của phương tiện niệm Phật đã được hiển thị không còn sót.

Theo đoạn kinh Thế Tôn khuyên phụ vương niệm Phật nói trên, hết thảy chúng sanh còn trong sanh tử tâm phải niệm Phật khẩn thiết chẳng ngơi. Ý Phật muốn nói đến cách Trì Danh Niệm Phật trong bốn cách niệm Phật. Niệm Phật có bốn cách: trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, và thật tướng niệm Phật.

 * Trì danh niệm Phật: chính là điều được kinh này đề cao: xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật. Thiện Đạo đại sư bảo: ‘Chỉ có con đường tắt tu hànhniệm Phật A Di Đà’.

Các môn tu hành khác gọi là vượt tam giới theo chiều dọc như trùng sanh trong tre: đục dọc theo thân tre khó thoát ra, nên là đạo khó hành. Còn niệm Phật như trùng đục ngang ống tre thời dễ thoát ra, là vượt tam giới theo chiều ngang, gọi là đạo dễ hành. Pháp này được ví như đường tắtphương tiện thẳng chóng, thành công nhanh chóng.

 * Quán tượng niệm Phật:

Bày biện tượng Phật, chú mục ngắm nhìn. Hiềm rằng có tượng mới quán được, rời khỏi tượng lại khó quán: Tịnh nhân dễ mất, giữ cho liên tục càng khó. Vì vậy, cổ đức bảo: ‘Tượng đi rồi lại là không, cho nên trở thành gián đoạn’.

Vì vậy, cách này chẳng tiện dụng như trì danh niệm Phật, lúc nào, chỗ nào cũng tu được.

 * Quán tưởng niệm Phật

Như các phép quán dạy trong Quán kinh: ‘Dùng con mắt trong tâm ta, tưởng đức Như Lai kia’. Khổ nỗi, tâm phàm phu tạp loạn, phù động, hiếm có lúc tịnh định, khó nhập pháp quán vi diệu. Vì vậy, mới nói: ‘Cảnh tế tâm thô, diệu quán khó thành’.

Do đó, cách này chẳng bằng trì danh tiện dụng dễ hành, chẳng nề thượng trí, hạ ngu, nào luận khổ, vui, rảnh, bận, ai cũng niệm được, kẻ nào cũng hành được.

 * Thật tướng niệm Phật: xa lìa các tướng sanh diệt, có, không, năng sở, ngôn thuyết, danh tự, tâm duyên... chuyên niệm tự tánh vốn sẵn đức Phật thiên chơn. Khốn nỗi, chúng sanh chưa thoát luân hồi, tâm sanh diệt niệm niệm tiếp nối như kinh Viên Giác dạy:

‘Chưa thoát luân hồi mà bàn đến Viên Giác thì tánh Viên Giác ấy cũng bị xoay chuyển. Đã như vậy mà mong thoát được luân hồi thì quyết chẳng thể được’.

Kinh còn dạy: ‘Huống hồ là tâm cấu trược sanh tử chuyển vần chưa từng thanh tịnh, quán Viên Giác của Phật làm sao lãnh hội được’

Ví như loài trùng rất nhỏ chỗ nào cũng bu được, chẳng thể đậu trên lửa. Ví như tâm chúng sanh, duyên chỗ nào cũng được chỉ chẳng duyên nổi Bát Nhã. Bởi thế, ông Phật của Thật Tướng, tánh Viên Giác tuy chúng sanh sẵn đủ, nhưng bởi vọng tâm niệm niệm sanh diệt nên chẳng quán nổi. Vì vậy, trong kinh Quán Phật Tam Muội, Phật bảo phụ vương: Bổn đức của chư Phật: chơn như thật tướng v.v... chẳng phải là cảnh giới phàm phu hành nổi nên Phật khuyên phụ vương niệm Phật.

Do những điều trên, thấy được rằng: trong các pháp, pháp môn Niệm Phật được xem là đường tắt, trong bốn phép Niệm Phật, Trì Danh Niệm Phật lại là phương tiện rốt ráo nên được gọi là đường tắt nhất trong các đường tắt.

Hơn nữa, bốn cách Niệm Phật khó dễ khác xa nhau, dường như có sâu cạn khác biệt, nhưng thật ra sự-lý bất nhị: sâu chính là cạn, cạn chính là sâu. Nếu được người viên đốn dùng đến thì thầm hợp diệu đạo, còn với kẻ sơ cơ thì cũng về được nhà. Vì vậy, Trì Danh Niệm Phật khác chi Thật Tướng Niệm Phật. Sách Di Đà Sớ Sao viết:

‘Nói đến Thật Tướng chẳng phải là diệt trừ các tướng mà chính là ngay nơi tướng thấy được vô tướng. Kinh dạy: ‘‘Ngôn ngữ thế tục chẳng trái nghịch Thật Tướng’’, lẽ nào vạn đức hồng danh chẳng bằng nổi một lời thế tục sao?’.

Hơn nữa, sách Viên Trung Sao viết:

‘Ngài Tứ Minh nói: Nơi quả viên cực, tất cả danh tự mỗi mỗi chẳng hư, rốt ráo thành tựu, vì mỗi điều được nó chiêu cảm đều là chơn thật tột cùng vậy’.

Vì vậy, Đại Kinh dạy: “Thế Đế chỉ có cái tên, không có thật nghĩa. Đệ Nhất Nghĩa Đế có cái tên, có thật nghĩa vì Phật là đệ nhất nghĩa đế vậy”.

Đức Di Đà nay lại đã chứng được Đệ Nhất Nghĩa Đế, nên một phen xưng tụng gia danh (tức hồng danh A Di Đà Phật) vạn đức cùng phô bày. Di Đà vạn đức tuệ nhật đã phô bày trọn vẹn toàn thể thì tội lỗi hắc ám của chúng sanh ngay trong niệm ấy tự nhiên tiêu tan trần kiếp. Tội tánh vốn không, hư dối chẳng thật đã bị tiêu thì công đức xưng danh lớn như hư không tự nhiên sanh ra’.

Căn cứ theo diệu nghĩa trên, một phen xưng danh hiệu công đức còn đến thế, huống là phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm như trong kinh này. Hơn nữa, trì danh chính là thậm thâm Bát Nhã: niệm đến thuần thục, vạn duyên cùng bỏ hết, năng, sở tiêu sạch thì chính là vô trụ. Ngay trong lúc ấy, một câu Phật hiệu rạng ngời, minh bạch, liên tục chẳng dứt thì chính là sanh tâm. Đấy vốn là chỗ chúng sanh chưa đạt đến, nay do niệm Phật thầm hợp diệu đạo, chẳng hành mà hành, chẳng đến lại đến. Câu nào cũng là Phật tri kiến, niệm nào cũng tỏa ánh sáng Bát Nhã.

Mật giáo nói: ‘Âm chữ đều là Thật Tướng’ nên niệm tên Phật chính là niệm Thật Tướng! Trì Danh Niệm Phật khác gì Thật Tướng Niệm Phật!

Lại nữa, trong hai kinh Đại, Tiểu, bản dịch Tiểu Bổn đời Tần có câu ‘nhất tâm bất loạn’, còn Đại Bổn không có câu ấy mà chuyên chú ‘nhất hướng chuyên niệm’. So sánh hai câu ấy thì điều được đề cao trong Đại kinhminh xác, lại khế hợp căn cơ của chúng sanh, tỏ rõ ân đức vô cực của đấng Từ Tôn. Sách Di Đà Yếu Giải giảng:

‘Nếu chấp trì danh hiệu chưa đoạn kiến - tư, do hoặc tán, hoặc định nên trong cõi Đồng Cư, chia làm ba bậc chín phẩm.

Nếu trì đến mức sự nhất tâm bất loạn, kiến hoặc hay tư hoặc tùy ý đoạn trước được một thứ thì sanh về cõi PhươngTiện Hữu Dư.

Nếu đến mức lý nhất tâm bất loạn, phá toang một phẩm vô minh, cho đến bốn mươi mốt phẩm thì sanh trong Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ, cũng chứng một phần Thường Tịch Quang độ’.

Nghĩa là: tán tâm trì danh liền được vãng sanh Đồng Cư Tịnh Độ. Nếu niệm đến nhất tâm bất loạn liền vãng sanh ba cõi trên. Đấy thật là cảnh hạnh của hiền thánh, nào phải khả năng của phàm phu!

Nếu cứ phải nhất tâm bất loạn mới được vãng sanh, thử hỏi chúng sanh trong biển khổ mấy kẻ đắc độ? Hóa ra pháp môn Trì Danh tiện dụng này cũng là đạo khó hành ư? Sách Tịnh Độ Hợp Tán lại viết:

‘Nương theo kinh này phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm mới được nhất tâm bất loạn. Chẳng thể chuyên niệm thì thật khó nhất tâm’.

Tổng hợp hai ý kiến trên, thấy rằng kinh này lấy phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm làm Tông, hiển lộ trọn vẹn bổn tâm của bậc đạo sư hai cõi và thập phương Như Lai, nguyện thù thắng vô tận của đức Di Đà: phương tiện đại từ tột bực, lực dụng của quả đức khó lường thâu trọn phàm thánh, độ khắp lợi, độn, dưới đến thập ác ngũ nghịch, ngạ quỉ, súc sanh chỉ cần phát tâm chuyên niệm ắt được độ thoát. Rộng độ hết thảy hàm linh, khắp ban cái lợi chơn thật.

Đại ân, đại đức, đại nguyện, đại lực, đại dụng độ sanh vi diệu khó suy nghĩ nổi. Có như thế mới xứng bổn hoài của Như Lai, mới là phương tiện rốt ráo.

5. Các căn khí được kinh này hóa độ

Phần trên đã nói kinh này rộng thâu vạn loại, phổ độ ba căn, nay sẽ giải thích rõ: trong vạn loài, loài nào là khí, trong ba căn, căn nào là đương cơ?

Căn khí có thị khí (căn khí thích hợp) và phi khí sai khác. Căn khí rò bể chẳng kham nhận nổi mưa pháp thì gọi là phi khí (chẳng phải là căn khí thích đáng). Sách Sớ Sao viết: ‘Trước hết là ba loại phi khí: kẻ không có lòng tin, kẻ không có nguyện, kẻ không hạnh. Không phải ba thứ trên thì là khí’.

Tín là tin rằng chúng sanh và Phật chẳng hai, tâm này là Phật, tâm này làm Phật, chúng sanh niệm Phật nhất định vãng sanh rốt ráo thành Phật. Nguyện là chán nhàm Sa Bà, ưa thích, hâm mộ Cực Lạc như con nhớ mẹ, quyết sẽ vãng sanh. Hạnh là từ nguyện khởi hạnh nhất hướng chuyên niệm chẳng gián đoạn.

Ba điều trên đây gọi là tư lương. Tư lương nếu khuyết khó bề tiến tới. Ba thứ: tín, nguyện, hạnh thiếu một thứ chẳng được, như ba chân của cái đỉnh: thiếu một chân, đỉnh phải đổ. Cái đỉnh thiếu một chân chẳng phải là Khí. Sách Sớ Sao lại viết:

‘Lại nữa, người đời tuy hành các điều thiện mà với cõi kia không có tín, nguyện, hạnh, cũng chẳng phải là khí. Tuy có các lầm lỗi mà với cõi kia có tín nguyện hạnh thì cũng gọi là khí’.

Luận về cơ, có đương cơ và bất đương cơ sai khác. Trong ba căn, căn nào là đương cơ thích hợp nhất? Xưa có nhiều thuyết, nay sẽ xét rõ. Năm thời thuyết pháp của đứcThế Tôn đều là tùy cơthiết lập giáo pháp, theo bịnh cho thuốc. Nói chung, các vị Bồ Tátđương cơ của kinh điển Đại thừa, Nhị Thừađương cơ của kinh sách Tiểu Thừa.

Chỉ có Tịnh Độ kỳ đặc, thù diệu, lập riêng phong cách. Từ xưa đã có nhiều thuyết, ở đây xin nêu ba thuyết:

a. Thượng bối vãng sanh chỉ là Bồ Tát

Trong kinh này, với ba bậc vãng sanh, mỗi bậc lại chia thành ba phẩm giống như chín phẩm trong Quán kinh. Chư sư cổ đức trước thời ngài Thiện Đạo đời Đường cho rằng thượng thượng phẩm vãng sanh Cực LạcBồ Tát từ Tứ Địa đến Thất Địa; thượng trung phẩmSơ Địa cho đến Tứ Địa Bồ Tát; thượng hạ phẩmĐại Thừa chủng tánh cho đến Sơ Địa Bồ Tát. Trung phẩm thượng sanh là Tiểu Thừa tam quả.

Nếu hiểu như vậy, trong chín phẩm, thượng phẩm chỉ có Bồ Tát, thánh chúng mới sanh nổi, Tiểu thánh sanh về trung thượng phẩm. Với bốn phẩm từ thượng thượng đến trung thượng, phàm phu tuyệt chẳng có phần.

b. Vốn vì phàm phu, kiêm vì thánh chúng

Thiện Đạo đại sư trong tác phẩm Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ (Quán Kinh Nghĩa Sớ) đả phá thuyết trên như sau: ‘Như Lai nói mười sáu pháp quán này chỉ vì độ thoát chúng sanh thường chìm đắm, chẳng can hệ tới các bậc thánh Đại thừa, Tiểu thừa’. Ý ngài cho rằng: Phật giảng chín phẩm vãng sanh trong Quán kinh chỉ là vì chúng sanh trầm luân, chẳng vì Bồ Tát, A La Hán.

Ngài còn viết:

‘Lại xét văn nghĩa phần Định Thiện và ba bậc vãng sanh thượng, hạ trong Quán kinh, ta thấy đều là vì bọn ngũ trược phàm phu sau khi Phật diệt độ. Chỉ do gặp duyên sai khác mà có chín phẩm sai biệt. Vì sao?

Ba bậc thượng phẩmphàm phu gặp duyên Đại thừa. Ba bậc trung phẩmphàm phu gặp duyên Tiểu thừa. Ba bậc hạ phẩmphàm phu gặp ác duyên’.

Ngài còn viết thêm:

‘Nay với mỗi điều nêu kinh văn chứng minh rõ ràng ngõ hầu phàm phu thiện ác hiện tại cùng được hưởng chín phẩm, sanh lòng tin vô ngại, nương nguyện lực Phật đều được vãng sanh’.

Hơn nữa, trong phần Hành Quyển Kệ khai thị căn cơ của kinh Đại Vô Lượng Thọ có viết: ‘Căn cơ kinh này là hết thảy phàm ngu thiện, ác, đại, tiểu’.

Thuyết của đại sư trên: khế hợp thánh tâm, dưới: tương hợp các căn cơ, thật có công lớn với Tịnh Độ. Vì vậy, phần lớn các sư Trung Hoa, Nhật Bản đề cao thuyết này như sách Hợp Tán của Nhật viết: ‘Mười phương chúng sanh, ba bậc chúng sanh trong nguyện thứ mười tám đều là cụ phược phàm phu. Bọn họ là căn cơ’.

Sách còn viết rằng: ‘Như ngài Nguyên Hiểu viết: ‘‘Bốn mươi tám đại nguyện trước hết vì phàm phu, sau kiêm vì tam thừa thánh nhân’’, cho nên tông ý của Tịnh Độ vốn vì phàm phu kiêm vì thánh nhân’.

Điểm diệu yếu của thuyết này là hiển thị trực tiếp bi nguyện độ sanh vô tận của Như Lai, quét sạch tâm khiếp lui của phàm phu, khắp làm cho họ chánh tín pháp này phát tâm niệm Phật, nương Phật nguyện lực đều được vãng sanh.

c. Chuyên tiếp thượng căn, bàng cập trung hạ

 Thuyết này xét về mặt văn tự tựa hồ trái nghịch với thuyết thứ hai, tương đồng thuyết thứ nhất. Thật ra, nó tương đồng thuyết thứ hai, nhấn mạnh phàm phu chúng ta đều có thể thẳng lên chín phẩm, nên về căn bản, nó trái nghịch thuyết thứ nhất. Bảo rằng ‘chuyên tiếp thượng căn’ là sợ bọn kiến giải hời hợt trong đời thường nghĩ Tịnh tông là hạnh của lũ ông già bà cả bèn xem thường, cho nên phải lập ra thuyết này để cứu vớt họ.

Sách Di Đà Sớ Sao nói:

‘Lại nữa, Khởi Tín Nhân Duyên Phận Sớ nói rõ bậc Sơ Tâm của Tín Vị có bốn căn cơ: dùng lễ bái, sám hối diệt tội để độ sơ cơ, dùng tu tập Chỉ Quán độ trung cơ, dùng cầu sanh Tịnh Độ tiếp độ thượng cơ. Sơ cơchúng sanh nghiệp chướng, trung cơ là phàm phu Nhị Thừa. Vì vậy, biết rằng Tịnh Độ là pháp tu của Đại Thừa Bồ Tát vậy’.

Sách Di Đà Yếu Giải còn cho rằng trì danh‘pháp môn thâm diệu, phá sạch hết thảy những hý luận, đoạn sạch hết thảy ý kiến, chỉ có những bậc như Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả mới triệt để gánh vác nổi’.

Do một pháp Trì Danh là pháp môn vô thượng chí viên chí đốn chẳng thể dùng phân biệt suy lường để hiểu nổi nên bảo là thâm diệu. Chỉ một bề mà niệm chẳng cần đến phương tiện khác, chẳng vướng vào suy lường, trực khởi, trực dụng, tự được tâm khai, ngay khi ấy phá sạch hý luận, trừ sạch hết thảy phân biệt so đo, nên nói: pháp thâm diệu như vậy chỉ có hàng nhục thân Đại Sĩ như Mã Minh v.v... mới trực tiếp lãnh hội được, mới triệt để gánh vác nổi.

Đại sĩ Mã Minh người xứ Đông Thiên Trúc, truyền Phật tâm ấn, là tổ thứ mười hai của Thiền tông, trung hưng Đại Thừa, soạn Đại Thừa Khởi Tín Luận. Cuối luận, khuyên chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

Đại sĩ Long Thọ người Nam Thiên Trúc, là tổ mười bốn của Thiền tông, thân cận Kim Cang Tát Đỏa, lại thành tổ của Mật giáo. Ngài vào long cung đem kinh Hoa Nghiêm về nên thành tổ của tông Hoa Nghiêm. Lại rộng tạo các luận, cực lực hoằng dương Tịnh Độ. Kinh Lăng Già huyền ký rằng: ngài chứng Hoan Hỷ Địa vãng sanh Tịnh Độ, cho nên là tổ của Tịnh Độ tông. Trung Hoa gọi ngài là tổ của tám tông vì các tông Thiên Thai, Pháp Tướng, Nam Sơn, Tam Luận cũng đều coi ngài là tổ khai tông.

Trí Giả đại sư tụng Pháp Hoa, thân tâm rỗng rang, được nhập Pháp Hoa tam muội, đích thân thấy một hội Linh sơn nghiễm nhiên chưa tan. Sau ngài trụ núi Thiên Thai, sáng lập Thiên Thai tông. Lâm chung nằm nghiêng trên hông phải, mặt hướng về tây, xưng niệm A Di Đà PhậtQuán Thế Âm mà tịch.

Vĩnh Minh đại sư được ngài Thiều quốc sư của Thiên Thai tông phát minh tâm yếu, trở thành đích tôn của tông Pháp Nhãn. Sau đó, ngài chuyên chí nơi Tịnh tông: mỗi ngày tụng hồng danh mười vạn câu, kiêm hành nhật khóa một trăm lẻ tám việc, được Quán Âm Đại Sĩ dùng cam lộ rưới vào miệng, diệu huệ phát khởi, viết Tông Kính Lục gồm một trăm quyển và Tâm Phú Chú, Vạn Thiện Đồng Quy... giơ cao đuốc pháp chiếu sáng muôn đời. Năm bảy mươi hai tuổi, ngài thắp hương, giã biệt đồ chúng, ngồi mà quy Tây.

Bốn vị đại đức trên đều là nhục thân Đại Sĩ, là pháp môn long tượng. Sách Yếu Giải bảo chỉ có những người như vậy mới có thể triệt để đảm nhiệm pháp môn Tịnh Độ. Những học nhân gần đây há có nên dùng cái thấy biết thế tục để coi khinh pháp môn Tịnh Độ hay không?

Sách Yếu Giải còn viết:

‘Vì vậy, một tiếng A Di Đà Phật chính là pháp để đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trong đời ác ngũ trược của Bổn Sư Thích Ca, nay ngài đem toàn thể Quả Giác trao cho chúng sanh trược ác. Cảnh giới sở hành của chư Phật chỉ có Phật với Phật mới hiểu rốt ráo, chẳng phải tự lực của cửu giới tin hiểu nổi’. Do câu này, ta thấy pháp môn Niệm Phật thật là pháp thâm diệu vô thượng, chỉ có bậc thượng căn mới có thể trực tiếp gánh vác.

Thêm nữa, phẩm Bồ Tát Vãng Sanh của kinh Vô Lượng Thọ có chép:

Nếu chỉ nói ra danh tự của mười phương thế giới, danh hiệu chư Phật [trong các cõi ấy] và danh hiệu của Bồ Tát [trong cõi ấy] được vãng sanh thì hết cả kiếp cũng chẳng nói hết’.

Phẩm Thọ Bồ Đề Ký lại chép: ‘Do chẳng nghe được pháp này, có một ức Bồ Tát thối chuyển Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác’.

Kinh Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới cũng nói: ‘Bồ Tát rõ thấu chư Phật và hết thảy pháp đều duy tâm lượng, đắc tùy thuận nhẫn hoặc nhập sơ địa, bỏ thân rồi mau sanh thế giới Diệu Hỷ hay cõi Phật Cực Lạc thanh tịnh’.

Sách Di Đà Sớ Sao ghi: ‘Nên biết niệm Phật là cha của Bồ Tát sanh ra Pháp Thân, cho đến bậc Thập Địa từ đầu đến cuối chẳng lìa niệm Phật. Lẽ đâu bọn Sơ Tâm tự mãn chẳng nguyện vãng sanh’. Đủ thấy pháp môn Tịnh Độ thật rất khế hợp căn cơ Bồ Tát.

Do những điều trên thấy được rằng: Trì Danh Niệm Phậtpháp quả giác nhân tâm, chỉ có Phật với Phật mới hiểu tột cùng thể dụng. Pháp ấy vô thượng thâm diệu rộng sâu như biển. Tắm gội trong đó: kẻ hạ căn lội chỗ cạn gần bờ, thân vẫn ở trong biển cả, cũng hưởng cái vui tắm nước biển. Nếu muốn tột cùng đáy biển chỉ đành cậy bậc thượng căn lợi trí. Có lặn xuống nước làm việc, thâm nhập đáy biển mới biết nổi biển rộng sâu vô lượng. Vì vậy, mới bảo là chuyên tiếp thượng căn, kiêm tiếp độ trung căn, hạ căn.

Hai thuyết thứ hai và thuyết thứ ba cách hành văn tuy khác nhưng ý nghĩa tương đồng, khác nào Lô sơn: nhìn ngang thành rặng, nhìn nghiêng thành ngọn. Tướng hiện ra có sai khác, bổn thể chỉ một. Nói chung, vẫn chỉ là một núi Lô sơn. Do đó, văn tự của hai thuyết tuy khác mà thật đều xiển minh bi trí vô lượng của đạo sư hai cõi, phước huệ đều viên mãn.

Nói chuyên tiếp thượng căn chính là hiển thị Như Lai đại trí đại huệ. Pháp môn Tịnh Độ này là do Di Đà trụ chơn thật huệ, từ chơn thật tếkhai hóa hiển thị. Vì vậy, chỉ có Phật và Phật mới hiểu cùng tột.

Biển nguyện Nhất Thừa của Di Đà, sáu chữ hồng danh, viên dung đủ các đức, siêu tình, ly kiến, toàn thểnhất chơn pháp giới sự lý vô ngại, sự sự vô ngại, nên chẳng thể dùng suy lường phân biệt biết nổi, lời nói, chữ nghĩa chẳng diễn tả nổi; cho nên nói: ‘Chẳng phải tự lực của cửu giới tin hiểu nổi’. Hành nhân nếu có thể với pháp thậm thâm vô thượng vi diệu này sanh một chút tin hiểu, kẻ ấy đã là thượng căn nên nói là ‘chuyên tiếp thượng căn’.

Đồng thời, Như Lai từ nơi chơn thật huệ khai diễn pháp môn này là muốn ban cho chúng sanh cái lợi chơn thật nên pháp môn này thật là phương tiện rốt ráo, độ cả ba căn, trọn làm cho hết thảy phàm ngu ác trược chúng sanh trong hiện tại, tương lai đều lên được bờ kia. Vì vậy, pháp thậm thâm này cũng ‘kiêm tiếp độ trung căn, hạ căn’.

Nói chuyên tiếp độ phàm phu là để hiển thị đại từ đại bi của Như Lai. Thế Tôn nghĩ thương chúng kẻ phàm ngu đời mạt chướng sâu, khổ nhiều bèn phát đại nguyện sâu rộng vô thượng. Vì vậy, gọi là nguyện vương. Cốt lõi của đại nguyện chính là nguyện thứ mười tám. Kinh chép:

Thập phương chúng sanh nghe danh hiệu ta, chí tâm tin ưa, tất cả thiện căn tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh cõi ta, chí ít mười niệm, nếu chẳng sanh, chẳng lấy chánh giác. Chỉ trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp’.

Do phàm phu trong sanh tử tâm mê rong ruổi theo cảnh, trầm luân biển khổ, thoạt vào thoạt ra, nếu khôngđại nguyện mười niệm ắt được sanh này, họ còn biết do đâu thoát khỏi luân hồi? Vì vậy, đức Phậtchúng sanh lắm chướng ban riêng phương tiện, khai pháp dễ hành này; thậm chí đến lúc kinh diệt, đặc biệt lưu lại kinh này để làm thuyền bè. Do đó, bảo là ‘chuyên vì phàm phu’.

Hơn nữa, kinh Tỳ Lô Giá Na trong Mật điển chép: ‘Đại bi làm căn, Bồ Đề làm nhân, phương tiện làm cứu cánh’ . Câu này chỉ rõ: pháp phải có phương tiện độ sanh rốt ráo mới là Quả Giác rốt ráo của Như Lai.

Vì vậy, phương tiện rốt ráo mười niệm ắt vãng sanh thật là do phương tiện xứ tối cực thành tựu rốt ráo của đức Di Đà, chính là ý ‘Như Lai với định huệ đã thấu suốt đến cùng cực’ trong kinh này.

Người đời nay sao nỡ vì pháp này dễ hành mà khi dễ! Ví như máy ti vi màu, máy cassette, máy tính điện tử đều phải an toàn dễ dùng. Dẫu kẻ không biết tí gì về khoa học kỹ thuật, nhấn nút một cái liền có thể hưởng thụ thành quả khoa học hiện đại nhất. Do an toàn dễ dùng, người đời liền khen là kỹ thuật tiên tiến. Cùng một lý đó, sao nỡ vì Trì Danh dễ thực hành bèn coi rẻ pháp môn này!

Nên hiểu rõ điểm chú trọng của hai thuyết trên: Thuyết thứ hai khen ngợi pháp môn Tịnh Độ độ khắp các căn, nhưng đặt nặng việc tế độ phàm phu. Thuyết thứ ba nêu cái thâm diệu của pháp môn Trì Danh: chỉ có bậc thượng căn mới triệt để gánh vác nổi. Nên hiểu thấu suốt như thế, đừng chấp chặt văn tự.

Pháp môn đã khéo phù hợp ba căn như sách Yếu Giải viết: ‘Thượng thượng căn chẳng vượt ải này, hạ hạ căn cũng có thể đạt đến’, gồm thâu thánh phàm, lợi, độn đều thích ứng.

Sách Di Đà Sớ Sao cho rằng pháp môn này ‘nhiếp trọn các căn lợi, độn, đều độ thoát cả’. Lại bảo:

‘Các pháp môn khác: cao thì hạ căn tuyệt phận, thấp thì chẳng tương hợp thượng căn. Vì thế, trong hội Hoa Nghiêm như đui, ánh lửa đóm rối rắm thêm. Chỉ có một pháp này thâu cả thượng, hạ, có thể gọi là thuốc A Già trị vạn bịnh, lò đúc thành ngàn vật’.

Lại viết: ‘Chỉ niệm tên Phật ắt sanh cõi ấy thì dù cao hay thấp, hoặc thánh hoặc phàm, cho đến hoặc tin, hoặc ngờ, hoặc khen, hoặc chê, hễ biết có đức Phật ấy liền thành thiện căn. Nhiều kiếp nhiều đời đều được giải thoát’.

Còn trong hiện tại, nếu hỏi ai là kẻ đương cơ thì đáp rằng chẳng luận nam, nữ, già, trẻ, phú quý, bần tiện, thượng trí, hạ ngu, tu lâu, mới tu, túc căn lợi, độn, thiện ác sai biệt, chỉ cốt với pháp môn này sanh lòng tin thật sự, do tin phát nguyện, từ nguyện khởi hạnh, phát tâm Bồ Đề, nhất hướng chuyên niệm, những người như vậy đúng là đương cơ.

6. Tạng giáo sở nhiếp (phân định kinh này thuộc về tạng nào, giáo nào)

 Phàm nghiên cứu kinh điển, trước hết phải biết kinh này thuộc tạng nào, được nói trong thời nào, phán định thuộc giáo nào? Biết rõ các điều ấy sẽ giúp ích cho việc lý giải toàn kinh.

Về sự phán định một đời thánh giáo, ý kiến các nhà khác nhau. Nói tóm tắt là: tam tạng, nhị tạng, ngũ thời, nhị giáotứ giáo, ngũ giáo. Hễ giải thích kinh, trước hết cần phải phán định rõ ràng: Kinh này trong tam tạng thuộc về Kinh tạng. Trong nhị tạng thuộc Bồ Tát tạng. Trong ngũ thời thuộc thời Phương Đẳng, trong nhị giáo thuộc Đốn giáo, trong tứ giáongũ giáo thuộc Viên giáo.

a. Tam tạng

 Đại Thừa Nghĩa Chương giải thích chữ Tạng là: ‘Bao hàm, chứa đựng sâu xa thì gọi là Tạng’. Kinh điển bao hàm, chứa đựng hàm súc văn nghĩa nên gọi là Tạng.

Một là Kinh tạng, tiếng Phạn là Tu-đa-la, Tàu dịch là Khế kinh. Hai là Luật tạng, tiếng Phạn là Tỳ-nại-da, Tàu dịch là Điều Phục. Ba là Luận tạng, tiếng Phạn là A-tỳ-đạt-ma, tàu dịch là Đối Trị.

Trong ba tạng Kinh, Luật, Luận, kinh này thuộc Kinh tạng.

b. Nhị tạng

Trí Độ Luận chép:

‘Tuy cùng là một môn giải thoát mà có tự lợi, lợi người sai khác, thế nên có Tiểu thừa, Đại thừa sai khác. Do vì có hai hạng người nên với lời Phật dạy, dùng văn tự, ngữ ngôn chia thành hai thứ’, tức là Thanh Văn tạngBồ Tát tạng.

Thánh giáo tuy nhiều, chẳng ngoài hai loại này (Duyên Giác tính gộp vào Thanh Văn, nên chỉ có hai tạng).

Sớ giải của ngài Tịnh Ảnh Huệ Viễn viết:

‘Ngài Long Thọ nói: Sau khi Phật diệt độ, Ca Diếp, A Nan ở thành Vương Xá kết tập pháp tạng thành Thanh Văn tạng. Văn Thù, A Nan nơi núi Thiết Vy kết tập Ma Ha Diễn (đại thừa) thành Bồ Tát tạng.

Ngài Trì Địa cũng nói: Phật vì Thanh Văn, Bồ Tát hành đạo thoát khổ nói tu-đa-la. Người kết tập kinh chia thành hai tạng. Kinh nói về hạnh của Thanh Văn làm thì là Thanh Văn tạng. Kinh nói về hạnh Bồ TátBồ Tát tạng’.

Kinh này rộng diễn Đại thừa, trình bày tường tận về tín nguyện vãng sanh, nhân quả thù thắng, cõi Phật Tịnh Độ, y chánh trang nghiêm, nguyện hải vô biên của Phật Di Đà, đạo phổ độ khắp các chúng sanh nên thuộc về Bồ Tát tạng.

c. Ngũ thời

Thiên Thai đại sư dựa vào kinh Niết Bàn, chia cả đời giáo hóa của Như Lai thành năm thời:

- Một là trong hai mươi mốt ngày đầu tiên, nói kinh Hoa Nghiêm là thời Hoa Nghiêm.

- Thứ hai, trong mười hai năm kế tiếp, nơi vườn Lộc Dã v.v.. giảng bốn kinh A Hàm của Tiểu thừa là thời A Hàm.

- Thứ ba, trong tám năm kế tiếp, nói các kinh Duy Ma, Đại Tập, Lăng Nghiêm v.v... và kinh này, chỉ trích thiên giáo, bài trừ tiểu giáo, khen ngợi Đại thừa, cổ võ Viên giáo. Nói rộng (Phương) bốn giáo: Tạng, Thông, Biệt, Viên bình đẳng (Đẳng) độ khắp các căn cơ nên gọi là thời Phương Đẳng.

- Thứ tư, lại trong hai mươi hai năm kế đó, nói các kinh Đại Bát Nhã, gọi là thời Bát Nhã.

- Thứ năm, trong tám năm sau cùng, nói kinh Pháp Hoa, một ngày một đêm nói kinh Niết Bàn, cửu giới, tam thừa đều được thọ ký, chẳng luận Đại, Tiểu đều được thành Phật. Thời này gọi là thời Pháp Hoa - Niết Bàn.

Ta nói kinh này thuộc thời Phương Đẳng thứ ba. Hơn nữa, kinh này được đức Thế Tôn nhiều phen tuyên thuyết nên chẳng thể hạn cuộc trong một thời nào.

d. Phán giáo

Tứ giáongũ giáo

 Các sư xưa nay phán định giáo tướng nói chung có 12 nhà, nhưng nổi tiếng nhất là thuyết Tứ Giáo của ngài Thiên Thai lập ra và Ngũ Giáo của tông Hiền Thủ.

Tứ Giáo theo Thiên Thai là Tạng, Thông, Biệt, Viên:

- Một là Tạng giáo, cũng gọi là Tiểu thừa giáo.

- Hai là Thông giáo, tức là trong Đại thừa nói thông cả ba thừa, độ chung ba căn. - - Ba là Biệt giáo chỉ cho giáo pháp được nói trong kinh Đại thừa chẳng thông với Tiểu thừa.

- Bốn là Viên giáo, tức là pháp giới tự tại viên mãn đầy đủ: một là hết thảy, hết thảy là một, vô ngại pháp môn v.v...

Tông Hiền Thủ phán giáo như sau: ‘Thánh giáo muôn phần sai khác, nhưng chính yếu chỉ có năm loại: Tiểu Thừa Giáo, Đại Thừa Thỉ Giáo, Chung Giáo, Đốn Giáo, Viên Giáo’.

 * Tiểu thừa giáo: Chỉ nói về nhân không, dù có nói đôi chút về pháp không cũng chẳng minh xác do chưa tột cùng nguồn pháp.

 * Đại thừa Thỉ giáo: chưa dạy nghĩa lý: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, chẳng hứa khả định tánh xiển đề sẽ thành Phật, chưa bàn đến điểm cùng tột của Đại thừa nên gọi là Thỉ (bắt đầu).

 * Chung giáo: Do Trung Đạo diệu hữu, định tánh xiển đề đều sẽ thành Phật mới là nói đến chỗ cùng tột của Đại thừa nên gọi là Chung (cuối cùng).

 * Đốn giáo: chỉ nói chơn tánh, một niệm chẳng sanh thì gọi là Phật. Chẳng nương theo địa vị để nói theo thứ lớp nên gọi là Đốn. Như kinh Tư Ích dạy: ‘Đắc thuyết pháp chánh tánh là chẳng từ một địa vị này sanh lên một địa vị khác’. Kinh Lăng Nghiêm dạy: ‘Sơ Địa chính là Bát Địa, nhẫn đến không có gì là thứ lớp cả’.

 * Viên giáo: gộp chung cả bốn loại trên, viên mãn đầy đủ, giảng về vô tận pháp giới, tánh hải viên dung, duyên khởi vô ngại, tương tức, tương nhập, lưới Đế Thích trùng trùng (8), chủ bạn giao tham (9) vô tận, vô tận. Một địa vị chính là hết thảy địa vị, hết thảy địa vị chính là một địa vị. Vì vậy, thập tín mãn tâm chính là gồm trọn hết thảy địa vị, viên thành chánh giác.

 Nhị giáo

Trên đây, tuy cách phán giáo khác nhau, nhưng ý kiến của các nhà chẳng ngoài hai giáo: Tiệm, Đốn. Hai thuyết Thiên Thai, Hiền Thủ cũng đều dùng Tiệm, Đốn để chia thành tứ giáo, ngũ giáo. Ngũ Giáo Chương chép:

‘Hoặc chia làm hai, tức là: Tiệm, Đốn. Do trong hai giáo Thỉ, Chung, tất cả giải hạnh đều ở ngôn thuyết, địa vị có thứ lớp, nhân quả nương dựa nhau, từ nhỏ nhiệm đến phức tạp nên gọi chung là Tiệm. Ngôn thuyết đốn tuyệt, lý tánh đốn hiển, giải hạnh đốn thành, một niệm chẳng sanh chính là Phật v.v... thì gọi là Đốn’.

Huệ Viễn đời Tùy của Trung Hoa (tức ngài Tịnh Ảnh) phán định kinh này như sau:

Nay kinh này, trong hai tạng thuộc về Bồ Tát tạng, là pháp môn Đốn Giáo dành cho người căn cơ chín muồi. Vì sao biết là Đốn? Kinh này chính vì người trong hàng phàm phu nhàm sợ sanh tử cầu chánh định, dạy họ phát tâm sanh về Tịnh Độ, chẳng từ Tiểu thành Đại, cho nên biết là Đốn’.

Sư Đại Hựu đời Minh phán định kinh Tiểu Bổn như sau: ‘Về phương diện Tiệm Đốn, kinh này thuộc Đốn giáo’. Các sư Trung Hoa đa phần phán định hai kinh Tiểu Bổn, Đại Bổn theo thuyết này. Vì vậy, trong hai giáo Đốn, Tiệm, kinh này thuộc Đốn giáo.

Trên đây, là dựa theo Đốn, Tiệm mà phán định.

Nếu theo thuyết Ngũ Giáo: Tiểu, Thỉ, Chung, Viên, Đốn của ngài Hiền Thủ để phán định giáo tướng của kinh này thì các bậc đại đức Tịnh Tông Trung Hoa và ngoại quốc xưa nay tuy nhân duyên chẳng giống nhau, nhưng ý kiến chỉ sai khác đôi chút. Theo họ, thật ra kinh này không những chỉ thuộc về Viên Đốn giáo, mà còn là đốn nhất trong các kinh Đốn giáo, viên nhất trong các kinh Viên giáo.

Cư sĩ Bành Nhị Lâm (Tế Thanh) trong cuốn Khởi Tín Luận nhận định kinh này như sau: ‘Kinh Vô Lượng Thọviên giáo xứng tánh của Như Lai’. Thầy Thích Đạo Ẩn người Nhật trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Bình Giải phán ngay rằng: ‘Bổn nguyện Nhất Thừa đốn cực đốn tốc, viên dung viên mãn’.

Đa số các vị đại đức người Nhật cũng nghĩ như vậy. Sách Đại Kinh Thích viết:

‘Thiên Thai, Chơn Ngôn tuy mang tiếngĐốn giáo, nhưng cần phải đoạn hoặc rồi mới chứng lý nên còn là Tiệm giáo. Giảng rõ phàm phu chưa đoạn hoặc, vượt thẳng khỏi tam giới thì chỉ riêng có giáo pháp này nên giáo pháp này là đốn nhất trong Đốn giáo’.

Ngài Nhật Khê lại bảo:

Các giáo pháp của thánh đạo về lý thì viên dung, nhưng về mặt lợi ích còn cách ngại, thiên lệch bởi khó tìm được căn cơ Đốn Giáo. Vì vậy, về giáo pháp thì viên dung, nhưng xét trên căn cơ lại thành Tiệm. Bảo Tịnh Độviên đốn vì lợi ích nhanh chóng viên mãn’.

Nghĩa là:

Các thánh giáo khác tuy đủ lý viên dung, nhưng căn cơ chúng sanh thô thiển, chẳng rõ hiểu nổi ý chỉ, không cách chi lãnh hội, khởi hạnh để hưởng được lợi ích của pháp. Vì vậy pháp tuy là viên đốn, nhưng do căn cơ hành nhân cạn cợt, đốn pháp thành tiệm, viên pháp thành thiên lệch. Còn Tịnh Độ chẳng giống vậy, ai cũng hành được, đều được cái lợi chơn thật, chẳng nhọc đoạn hoặc vượt thẳng khỏi tam giới nên thật là giáo pháp viên mãn, đốn nhất trong Đốn giáo.

Thêm nữa, sách Viên Trung Sao chép:

‘Pháp môn viên đốn trước hết cũng cần phải khai ngộ, viên giải, rồi kế đó mới tu hành viên mãn, phá tam hoặc mới chứng nổi viên quả để đạt đến bất thối.

Nay pháp này chỉ nói hai báo: y, chánh cõi kia để khai giải sanh lòng tin, bảy ngày trì danh, nhất tâm bất loạn, dùng đấy để làm phương cách tu hành. Lúc lâm chung liền được vãng sanh, được bất thối chuyển.

Vì thế, thấy được rằng kinh này là đề hồ vô thượng trong đời ác ngũ trược’.

Đủ thấy, ý của Viên Trung Sao cũng gần giống với ý kiến của các bậc đại đức người Nhật vừa dẫn ở phần trên.

Hơn nữa, gọi kinh này là vô thượng đề hồ, tự nhiên kinh này phải là giáo pháp khế lý, khế cơ, viên đốn cùng cực vậy. Vì vậy, bộ Ngốc Sao của Nhật viết:

‘Vả lại, Đốn Giáonhị giáo, nhị siêu.

Nhị giáo thì:

Một là Thật giáo là đạo khó hành, tức là các giáo pháp Phật tâm, Chơn Ngôn, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm v.v...

Hai là Tịnh Độ bổn nguyện là đạo dễ hành, như Đại Thừa Vô Lượng Thọ v.v.. Về nhị siêu thì, một là thụ siêu (siêu theo chiều dọc), hai là hoành siêu (siêu theo chiều ngang)’.

Sách Bình Giải giảng rằng: ‘Do tự lực tu đoạn nên gọi là thụ siêu. Tịnh độ bổn nguyện là pháp thật sự do tha lực siêu việt thành Phật nên gọi là hoành siêu.... Trong các đốn pháp của hoành siêu, trì danh là đốn nhất trong các đốn’.

Các vị đại đức trên đây đều tuân theo thuyết của Thiện Đạo đại sư, phán định kinh này là giáo pháp đốn cực, đốn tốc, viên dung, viên mãn. Chẳng hạn như sách Bình Giải xưng tụng kinh này là ‘chuyên bậc nhất trong các chuyên, đốn bậc nhất trong các đốn, chơn bậc nhất trong các chơn, viên bậc nhất trong các viên’, là ‘giáo pháp dứt bặt đối đãi bất nhị, là đạo Nhất Thừa chơn như’.

Sách Di Đà Yếu Giải chép:

‘Một đời giáo hóa của Phật Thích Ca chỉ có kinh Hoa Nghiêm nói lên nhất sanh viên mãn (một đời tu được trọn vẹn thành Phật), mà cái nhân của nhất sanh viên mãn ấy là mười đại nguyện vương dẫn dắt về An Dưỡng nằm trong phẩm cuối cùngPhổ Hiền Hạnh Nguyện, đem việc ấy khuyến khích Hoa Nghiêm hải chúng.

Than ôi! Phàm phu đạt ngay lên địa vị bổ xứ là một điều đề xướng, đàm luận lạ lắm, cao lắm, chẳng thể suy lường nổi. Chỗ phát khởi của kinh Hoa Nghiêm nằm ngay trong kinh này mà thiên hạ xưa nay ít kẻ tin, lắm kẻ ngờ. Càng viết lắm nghĩa càng mờ mịt, tôi chỉ còn cách mổ tim vẩy máu [để giãi bày] mà thôi’.

Sách Yếu Giải còn viết:

Vì vậy, đời tương lai kinh pháp diệt hết, riêng lưu lại kinh này tồn tại trong đời một trăm năm để rộng độ hàm thức. Thuốc a già đà trị chung muôn bịnh, dứt bặt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn. Áo tạng Hoa Nghiêm, bí tủy Pháp Hoa, tâm yếu của hết thảy chư Phật, kim chỉ nam cho muôn hạnh Bồ Tát đều chẳng ra ngoài kinh này. Muốn khen ngợi, trình bày đầy đủ thì dẫu cả kiếp cũng chẳng nói hết được’.

Kinh Pháp Hoa được tông Thiên Thai tôn sùng là thuần viên, không kinh nào mầu nhiệm bằng. Kinh Hoa Nghiêm được tông Hiền Thủ coi là biệt giáo Nhất Thừa, sự sự vô ngại, là giáo pháp hoàn toàn viên mãn. Nay đại sư Ngẫu Ích chỉ rõ: cái thuần viên của tông Thiên Thai, cái toàn viên của Hiền Thủ, cái bí tủy và áo tạng của những tông ấy đều chẳng ra ngoài kinh này, đủ thấy kinh này đúng là toàn viên.

Hơn nữa, điểm cốt tủy của kinh Pháp Hoa là thuần viên nên nói rằng: kinh này thật là viên nhất trong các pháp viên mãn. Đây thật là dị khẩu đồng thanh với lời phán giáo của các vị đại đức Nhật, thật đúng như lời thường nói trong nhà Thiền: ‘Thở cùng một lỗ mũi’ vậy.

Cận đại, bậc đại đức trong Tịnh tôngđại sư Ấn Quang khen ngợi sách Yếu Giải rằng:

‘Lý sự đều đạt đến chỗ tuyệt diệu, kể từ khi Phật thuyết kinh này đến nay, [Yếu Giải] là bản chú giải bậc nhất, khéo léo nhất, xác thực nhất. Ví dù cổ Phật xuất thế chú giải lại kinh này cũng chẳng thể hay hơn được nữa’. Đủ thấy lời phán giải về kinh này của sách Yếu Giải giống như là của đích thân Phật phán định vậy.

Ngoài ra, sách Sớ Sao viết:

‘Căn cứ theo năm phần phán giáo của Hiền Thủ, tức là: Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên, nay kinh này thuộc về Đốn giáo mà cũng kiêm thuộc cả hai giáo trước và sau (tức là Chung và Viên).Viên giáo nhiếp trọn kinh này, kinh này nhiếp một phần Viên giáo’.

Lại viết:

‘Tứ pháp giới là:

Một là sự pháp giới, hai là lý pháp giới, ba là sự lý vô ngại pháp giới. Ba giới này các giáo pháp khác cũng có.

Bốn là sự sự vô ngại pháp giới chỉ một mình kinh Hoa Nghiêm là có nên gọi là Biệt Giáo Nhất Thừa.

Với cái toàn viên của kinh Hoa Nghiêm, kinh này (kinh A Di Đà) được ít phần. Viên giáo nhiếp trọn kinh này, kinh này nhiếp được một phần Viên giáo’.

Do Liên Trì đại sư đã phán định kinh Tiểu Bổn là phần viên, ngài bèn nêu lên mười điều về sự sự vô ngại pháp giới của hai kinh Tiểu Bổn, Đại Bổn để chứng minh rằng kinh A Di Đà có ít phần thuộc về Viên giáo.

Rõ ràng Liên Trì đại sư cũng phán định kinh A Di Đàgiáo pháp viên đốn, đấy là điểm tương đồng giữa các đại đức Trung Hoa, Nhật Bản. Điểm khác biệt là: hoặc có vị đề cao kinh này là giáo pháp viên mãn nhất trong các pháp Viên giáo, hoặc khiêm nhường cho rằng nó chỉ có đôi phần thuộc Viên giáo. Đấy là do cơ duyên khác biệt nên thiện xảo chẳng đồng, chứ bổn hoài của ngài Liên TrìThiện Đạo, Ngẫu Ích với các đại đức Nhật Bản nào có khác nhau mảy may!

Chẳng qua, lúc trước tác bộ Sớ Sao, đúng là lúc Cuồng Thiền sôi nổi nên đại sư Liên Trì chẳng thể không dùng phương tiện thiện xảo quyền nghi để dìu dắt các căn cơ; cho nên phương tiện mà nói thế. Thật đúng như lời cư sĩ Trầm Thiện Đăng bảo:

‘Ấy là bậc đại quyền Bồ Tát thuận theo căn cơ của đương sự để tùy bịnh cho thuốc nhằm thích ứng với thời tiết nhân duyên mà thôi’.

Trong bộ Sớ Sao, Liên Trì đại sư dẫn đủ các đoạn kinh sự sự vô ngại pháp giới của Tịnh tông thật là ngụ ý sâu xa đủ chứng tỏ nỗi khổ tâm của ngài. Vì sự sự vô ngại chỉ là điều kinh Hoa Nghiêm chuyên có, ta thấy được rằng: đại sư rộng dẫn các chứng cớ từ kinh [Vô Lượng Thọ] để chứng minh kinh này thật sự nói về sự sự vô ngại pháp giới thì ngài cũng đã chứng minh được kinh này thuộc về Viên giáo thật chẳng còn ngờ vực gì nữa.

Nay tôi cũng noi bước đại sư, chuyên luận về huyền nghĩa sự sự vô ngại pháp giới của kinh này.

Tông Hoa Nghiêm lập ra mười huyền môn để chỉ bày pháp giới vô ngại. Gọi là “huyền môn” vì nếu thông đạt những môn này thì có thể nhập được biển Viên giáo huyền diệu của Hoa Nghiêm nên gọi là huyền môn.

Nay tôi sẽ dựa theo thứ tự của Thập Huyền nói trong sách Thám Huyền Ký, dẫn chứng kinh văn để chỉ rõ kinh này thật sự đủ cả Thập Huyền. Nhân đó, xác chứng kinh này thật sự thuộc về Viên giáo, thật sự là kinh Hoa Nghiêm bản trung, nhằm chứng minh các thuyết được nêu ở phần trước là lời chơn thật, chứ chẳng phải do hành nhân Tịnh Tông dối trá tự tôn tự đại vậy.

* Đồng thời cụ túc tương ưng môn

Giáo lý Hoa Nghiêm lấy duyên khởi làm chủ. Toàn bộ hết thảy các thứ trong pháp giới gộp thành một đại duyên khởi. Một pháp thành hết thảy pháp, hết thảy pháp khởi một pháp, cùng một lúc đầy đủ, viên dung hiển hiện, nên bảo là ‘cụ túc tương ưng’.

Phẩm Diệu Nghiêm của kinh Hoa Nghiêm chép: ‘Biển hết thảy pháp môn vô tận cùng hội trong một pháp đạo tràng’. Đại Sớ giảng: ‘Như một giọt nước biển có đủ vị của cả trăm sông’. Đó là huyền nghĩa của môn này.

Trong kinh Vô Lượng Thọ đây hiển thị đầy đủ huyền môn ‘đồng thời cụ túc tương ưng’ như trong phẩm Chí Tâm Tinh Tấn, Pháp Tạng tỳ kheo ‘với các sự trang nghiêm công đức của hai mươi mốt câu chi cõi Phật đó hiểu rõ thông đạt như một cõi Phật. Cõi nước Phật được ngài nhiếp thủ còn vượt xa hơn những cõi Phật nói trên’.

Hai mươi mốt câu chi cõi Phật đề cập trong kinh biểu thị vô lượng cõi Phật. Pháp Tạng tỳ kheo nhiếp vô lượng cõi Phật làm thành một Cực Lạc Tịnh Độ chính là nghĩa ‘hết thảy các pháp cùng thời, cùng chỗ’ của kinh Hoa Nghiêm, do một đại duyên khởitồn tại ‘cụ túc tương ưng’. Đây là tổng môn của Thập Huyền, thật cũng là tổng tướng của kinh đây.

Kinh Vô Lượng Thọ đây cũng do cùng một đại duyên khởixuất hiện vậy!

Hơn nữa, trong phẩm Tuyền Trì Công Đức chép: ‘Nước [nơi ao suối] đó mỗi việc đều tùy thuận ý của chúng sanh’. Chúng sanh muốn nước lạnh, nóng, chảy nhanh, chậm, cạn, sâu, mỗi điều chẳng giống nhau, nhưng cùng một dòng nước ấy có thể cùng lúc đáp ứng ý muốn của từng chúng sanh một.

Nước là một pháp, ý muốn của chúng sanh là nhiều pháp, mà cũng một dòng nước đồng thời đáp ứng ý muốn của các chúng sanh. Đấy đúng là huyền môn ‘đồng thời cụ túc tương ưng’ vậy.

Huống hồ nước ấy lại còn có thể đồng thời ‘sóng vỗ vô lượng âm thanh vi diệu: hoặc nghe tiếng Phật, Pháp, Tăng cho đến tiếng cam lộ quán đảnh thọ lãnh địa vị. Được nghe các tiếng như vậy rồi, tâm họ thanh tịnh, không có các phân biệt, chánh trực, bình đẳng, thành thục căn lành. Điều họ được nghe đều tương ứng với pháp. Điều gì mong nghe, tai liền được nghe. Điều gì không muốn nghe, trọn không phải nghe. Trọn chẳng lui sụt tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác’.

Chỉ cùng một dòng nước mà có thể cùng một lúc, cùng một chỗ thỏa mãn ước muốn của hết thảy người nghe: ai nấy được nghe pháp mình mong nghe, mà điều họ nghe được lại tương ứng với pháp. Đủ thấy toàn thể tổng môn của thập huyền nơi kinh Hoa Nghiêm được hiển thị trong kinh này vậy.

* Quảng hiệp tự tại vô ngại môn

Đại Sớ giảng: ‘Như nơi cái gương đường kính một thước mà thấy cảnh cả mười dặm’. Gương ví cho cái hẹp (hiệp), cảnh mười dặm ví cho cái rộng (quảng).

Phẩm Phát Đại Thệ Nguyện của kinh Vô Lượng Thọ chép: ‘Cõi Phật ấy ngự rộng rãi nghiêm tịnh, sáng rực như gương, chiếu tột mười phương vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn thế giới chư Phật’.

Dùng lực dụng của một cõi soi tỏ khắp mười phương là Quảng. Tướng của một cõi chẳng hoại là Hiệp. Cái rộng rãi của lực dụng vô hạn và cái hẹp của một pháp chẳng trở ngại nhau, mỗi thứ đều tự tại nên gọi là “quảng hiệp tự tại vô ngại”.

Lại nữa: ‘Muốn thấy sự trang nghiêm của các cõi Phật thanh tịnh thảy đều thấy được nơi cây báu, ví như gương sáng thấy rõ khuôn mặt’. Cũng giống như trên, câu này cũng minh thị quảng hiệp tự tại vô ngại môn.

* Nhất đa tương dung bất đồng môn  

Đại Sớ viết: ‘Như ngàn ngọn đèn trong một căn nhà, ánh sáng xen lẫn nhau’. Trong một có nhiều, trong nhiều có một, đó là ‘tương dung’ (chứa đựng lẫn nhau), nhưng tướng của một và nhiều chẳng mất nên là ‘bất đồng’. 

Phẩm Lô Xá Na Phật của kinh Hoa Nghiêm dạy: ‘Dùng một cõi Phật choán đầy mười phương. Mười phương bỏ vào một cõi cũng chẳng dôi ra. Tướng trạng vốn có của từng thế giới cũng chẳng bị hư hoại. Công đức không gì so sánh nổi cũng giống như vậy’.

Một cõi đầy chật cả mười phương, mười phương vào trong một cõi là nghĩa ‘tương dung’. Tướng vốn có của từng thế giới chẳng bị hư hoại là nghĩa ‘bất đồng’.

Trong kinh Vô Lượng Thọ đây, lời nguyện hương báu xông khắp của Phật Di Đà như sau: ‘Tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới’.

Bất cứ một vật gì trong muôn vật ở cõi ngài cũng đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Dùng vô lượng hương báu gộp thành một vật biểu thị hết thảy pháp vào trong một pháp, biểu thị ‘một và nhiều chứa đựng lẫn nhau’ (nhất đa tương dung). Tướng của mỗi một vật lại cùng tồn tại bên cạnh tướng của các thứ hương, biểu thị ý nghĩa hai tướng chẳng đồng. Hương ấy lại tỏa khắp mười phương thế giới còn minh thị rằng một pháp trọn có mặt trong tất cả pháp, đấy lại là hiển thị diệu lý ‘nhất đa tương dung bất đồng’ vậy.

* Chư pháp tương tức tự tại môn

 Phần trên giải thích về ‘tương dung’, phần này nói về ‘tương tức’.

Phẩm Thập Trụ của kinh Hoa Nghiêm, bản dịch đời Tấn, chép: ‘Một tức là nhiều, nhiều tức là một’. Ví như nước với sóng, nước ví cho một, sóng ví cho nhiều. Sóng tức là nước, nước tức là sóng, cái này tức là cái kia (tương tức), mà mỗi thứ tự tại nên nói là ‘tương tức tự tại’. Lại nữa, Đại Sớ viết: ‘Như vàng và màu sắc của vàng, hai thứ chẳng rời nhau’.

Trong phẩm Pháp Tạng Nhân Địa của kinh Vô Lượng Thọ đây có chép:

‘Thế Tôn có thể diễn ra một âm thanh. Mỗi một hữu tình tùy theo loài của mình mà hiểu. Ngài lại có thể hiện ra một sắc thân mầu nhiệm khiến khắp các chúng sanh tùy theo chủng loại của chúng mà thấy [sai khác]’.

Câu này cũng chỉ rõ: hết thảy âm hàm chứa trong một âm, hết thảy thân trong một âm, hết thảy tức là một, một tức là hết thảy, nhiều tức là một, một tức là nhiều. Như sóng với nước, một nước, nhiều sóng là nghĩa ‘tương tức tự tại’.

Lại như phẩm Tán Thán Phật Đức trong kinh đây có chép: ‘Hoa được rải lên ấy liền ở trong không trung hợp thành một hoa. Hoa ấy chẳng rơi xuống, tròn trịa đầy đặn, hóa thành một lọng hoa’. Nhiều hoa thành một hoa nên nhiều tức là một. Trong một hoa hàm chứa nhiều hoa nên một tức là nhiều. Như vậy, kinh này đã hiển thị huyền môn thứ tư.

* Ẩn mật hiển liễu câu thành môn

Đại Sớ viết: ‘Như một mảnh trăng trong vắt trên không, tối và sáng cùng có’. Ý nói: trong ẩn có hiển, trong hiển có ẩn.

Phẩm Lễ Phật Hiện Quang trong kinh này chép:

‘A Di Đà Phật liền từ bàn tay phóng ra vô lượng quang, chiếu khắp hết thảy thế giới chư Phật. Khi đó, các cõi nước Phật thảy đều hiện rõ như trong khoảng một tầm’.

Lại chép:

‘Cho đến Nê Lê, khe, hang, chỗ tối tăm đều sáng bừng lên, đều cùng một màu. Ví như kiếp thủy đầy ngập thế giới, mọi vật trong ấy đều chìm lấp chẳng hiện, mênh mông bát ngát chỉ thấy nước lớn. Quang minh của đức Phật ấy cũng như thế, hết thảy quang minh của Thanh Văn, Bồ Tát đều bị trùm lấp, chỉ thấy Phật quang sáng lòa rực rỡ’.

Đoạn này biểu thị hết thảy pháp chính là một pháp trong Phật quang, một pháp (Phật quang) hiển thị hết thảy pháp (vạn vật trong cõi này, quang minh của hiền thánh) đều ẩn. Đó là tướng của huyền môn thứ năm: ẩn hiển câu thành.

* Vi tế tương dung an lập môn

Đại Sớ viết: ‘Như bình lưu ly đựng nhiều hạt cải’. Các môn nói trên đều minh thị ý nghĩa: rộng hẹp vô ngại, một, nhiều dung chứa lẫn nhau, còn môn thứ sáu này, lại chỉ rõ vô luận trong vật gì nhỏ nhặt đến đâu cũng có thể dung chứa hết thảy các pháp. Trong một sợi lông, một hạt bụi, có vô biên sát hải, hết thảy các pháp đồng thời cùng hiện ra như trong tấm gương hiện bóng muôn hình tượng.

Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện chép:

‘Trong một hạt bụi có cõi nước nhiều như số hạt bụi. Trong mỗi một cõi có chẳng thể nghĩ nổi đức Phật’. ‘Trong đầu một sợi lông nhỏ bé nhất, xuất hiện cõi trang nghiêm ba đời’ chính là nói đến ý nghĩa này.

Nay trong phẩm Tích Công Lũy Đức của kinh Vô Lượng Thọ đây có nói: Pháp Tạng tỳ kheo trong lúc tu nhân, ‘thân, miệng thường tỏa ra vô lượng diệu hương ví như chiên đàn, hoa ưu bát la. Hương ấy thơm ngát khắp mười phương vô lượng thế giới... Trong tay thường tuôn ra vô tận các báu, vật trang nghiêm, hết thảy các vật cần dùng tốt đẹp nhất để lợi lạc hữu tình’.

Phẩm Bảo Liên Phật Quang lại chép: ‘Trong mỗi một hoa hiện ra ba mươi sáu trăm ngàn ức ánh sáng. Mỗi một ánh sáng hiện ra ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật’.

‘Trong mỗi một ánh sáng’ là một tia sáng trong số ba mươi sáu trăm ngàn ức ánh sáng phóng ra từ hoa sen, biểu thị ý nghĩa chí cực vi tế. Trong ánh sáng lại hàm chứa ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật, biểu thị trong cái nhỏ nhiệm nhất lại chứa đựng hết thảy các pháp.

 * Nhân Đà La võng pháp giới môn

Môn vi tế tương dung nói trên chỉ minh họa các tướng tương nhập, tương tức mới có một tầng, chưa minh thị nổi nghĩa lý trùng trùng vô tận tương tức tương nhập nên phải mượn cái lưới của Nhân Đà La (indra) làm thí dụ để minh họa nghĩa này.

Lưới Nhân Đà La là cái lưới châu treo ở thiên cung của Đế Thích. Cái lưới ấy có nghìn hạt châu chiếu rọi lẫn nhau. Trong mỗi hạt châu hiện hình bóng của hết thảy các hạt châu, đấy là tầng thứ nhất: mỗi hạt châu ảnh hiện. Nhưng hết thảy các hạt châu được hiện bóng trong một hạt châu, mỗi hạt ấy lại hiện bóng của chín trăm chín mươi chín hạt châu kia, đó là sự ảnh hiện ở tầng thứ hai.

Các hạt châu trùng trùng ảnh hiện như thế ấy chẳng có cùng tận dùng để thí dụ các pháp tương tức, tương nhập, trùng trùng vô tận. Sách Đại Sớ viết: ‘Như dùng hai tấm gương đặt đối nhau, chiếu rọi hiện bóng lẫn nhau’.

Phẩm Bảo Liên Phật Quang trong kinh đây chép:

‘Các hoa sen báu đầy ắp khắp cả thế giới... Trong mỗi một hoa hiện ra ba mươi sáu trăm ngàn ức ánh sáng. Trong mỗi một ánh sáng, xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật... Mỗi một vị Phật lại phóng trăm ngàn quang minh, vì khắp mười phương thuyết pháp vi diệu. Các đức Phật như thế mỗi vị đều an lập vô lượng chúng sanh nơi Phật chánh đạo’.

 Ở trên, trong phần nói về huyền môn thứ sáu, đã chỉ ra ‘trong mỗi một ánh sáng xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật’vi tế tương dung môn, đấy là một tầng tương tức tương nhập.

Xét kỹ đoạn trước và phần sau của đoạn kinh ấy, ta thấy rõ được diệu nghĩa trùng trùng vô tận tương tức tương nhập:

Trong một cõi Phật A Di Đàvô số hoa sen báu. Mỗi một hoa lại phóng ra số quang minh khó tính biết nổi. Trong mỗi một quang minh lại có số Phật khó tính biết nổi. Mỗi một đức Phật lại phóng quang thuyết pháp, an lập vô lượng chúng sanh nơi Phật chánh đạo. Như vậy, trong cõi Cực Lạcvô số sen. Sen phóng quang. Quang hiện Phật. Phật hiện cõi nước. Trong cõi nước lại có vô số hoa sen, sen lại phóng quang, hiện Phật.

Mỗi một hoa sen ví như một hạt châu nơi lưới Đế Thích, hoa sen như thế khắp đầy cả cõi Phật, đủ thấy kinh này thật sự hiển thị huyền môn ‘nhân đà la võng trùng trùng vô tận, sự sự vô ngại’ của Hoa Nghiêm.

* Thác sự hiển pháp sanh giải môn

 Do trùng trùng vô tận như trên nên vi trần, pháp nào cũng đều là sự sự vô ngại pháp giới. Vì vậy, có thể tùy ý lấy một hạt bụi, một sự để hiển lộ toàn thể pháp giới như Đại Sớ viết: ‘Tượng đứng giơ tay, mắt nhìn đều là đạo’.

Phẩm Bồ Đề Đạo Tràng trong kinh đây chép:

‘Lại nữa, đạo tràng ấy có cây Bồ Đề.... Lại do trông thấy cây ấy mà được ba thứ nhẫn: một là âm hưởng nhẫn, hai là nhu thuận nhẫn, ba là vô sanh pháp nhẫn. Phật bảo A Nan: Cõi Phật như vậy, hoa quả, cây cối và các chúng sanh đều làm Phật sự’.

Một phen nhìn cây ấy chứng được vô sanh thì đúng là huyền chỉ ‘thác sự hiển pháp sanh giải’. Hoa quả, cây cối đều làm Phật sự cũng có cùng ý nghĩa như vậy.

* Thập thế cách pháp dị thành môn

 Môn này biểu thị sự kéo dài hay rút ngắn vô ngại. Tám môn trước biểu thị tướng viên dung theo chiều ngang (không gian), còn môn này biểu thị theo chiều dọc (thời gian).

Thập thế là đời quá khứ, vị lai, hiện tại, mỗi đời lại có quá khứ, vị lai, hiện tại nên thành chín thế. Chín thế nhập vào nhau thành một tổng thế. Tổng thế hợp với chín thế trên thành thập thế.

Mười thế này là pháp khác biệt về thời gian nhưng đồng thời hiển hiện trọn vẹn nên gọi là cách pháp dị thành (các pháp sai khác cùng một lúc thành tựu nên gọi là dị thành).

Phẩm Sơ Phát Tâm Công Đức trong kinh Hoa Nghiêm, bản dịch đời Tấn, chép: ‘Biết vô lượng kiếp là một niệm, biết một niệm tức là vô lượng kiếp’.

Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện lại chép: ‘Trọn hết thảy kiếp là một niệm’, ‘ta trong một niệm thấy ba đời’ đều là nghĩa kéo dài, rút gọn trong cùng một lúc, tam thế nhất như. Vì vậy, Đại Sớ viết: ‘Như giấc mộng một đêm kéo dài cả trăm năm’.

Trong kinh Vô Lượng Thọ đây cũng có nhiều đoạn hiển thị môn này, như trong phẩm Đại Giáo Duyên Khởi chép: ‘Có thể trong khoảng một niệm, trụ vô lượng ức kiếp’. Phẩm Đức Tuân Phổ Hiền chép: ‘Trong khoảng một niệm qua khắp hết thảy cõi Phật’. Phẩm Tán Thán Phật Đức cũng chép: ‘Trong khoảng một bữa ăn, lại đi qua mười phương vô biên cõi’.

* Chủ bạn viên minh cụ đức môn

Vạn pháp ngang dọc thành một đại duyên khởi, pháp pháp thấu tột lẫn nhau nên hễ nêu lên một pháp thì hết thảy các pháp khác thành bạn để làm duyên khởi, cũng tức là lấy một pháp làm chủ thì hết thảy pháp khác đều là bạn để tương ứng với pháp ấy. Lấy pháp khác làm chủ thì các pháp kia thành bạn để cùng nhóm hết cả lại. Vì vậy một pháp viên mãn công đức của hết thảy pháp. Đấy gọi là viên mãn cụ đức. Đại Sớ viết: ‘Như sao Bắc Đẩu ngự ở đâu, các tinh tú đều chầu về’.

Nay kinh này lấy ‘phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’ làm tông, dùng nguyện ‘mười niệm ắt vãng sanh’ làm gốc của đại nguyện, chuyên trọng trì danh niệm Phật thì là ‘đầy đủ vạn đức’.

Một câu danh hiệu Phật này viên mãn đầy đủ công đức của hết thảy pháp. Toàn thể đều là nghĩa lý của Hoa Nghiêm huyền môn ‘viên minh cụ đức’.

Phẩm Tam Bối Vãng Sanh của kinh này chép:

Nhẫn đến đạt được một niệm tịnh tâm, phát một niệm tâm niệm đức Phật kia, người ấy đến lúc lâm chung như ở trong mộng thấy A Di Đà Phật, quyết định sanh cõi kia, được bất thối chuyển vô thượng Bồ Đề’.

Câu này chỉ rõ tịnh tâm niệm Phật một tiếng, công đức vô lượng chẳng thể nghĩ bàn. Hơn nữa, trong các đại nguyện có nguyện: nghe tên được phước. Thập phương chúng sanh do nghe tên ngài ‘sau khi thọ hết, sanh nhà tôn quý, các căn chẳng khuyết, thường tu phạm hạnh thù thắng’.

Lại có nguyện nghe tên đắc nhẫn, Bồ Tát phương khác do nghe tên ngài, ngay khi ấy đạt được một, hai hoặc ba thứ nhẫn chứng bất thối chuyển, đủ chứng minh rằng diệu đức của danh hiệu A Di Đà khó nghĩ lường nổi.

Như sách A Tự Quán của Đông Mật viết: ‘Từ chữ A sanh ra hết thảy đà ra ni, từ hết thảy đà ra ni sanh ra hết thảy Phật’. Chữ A là vua, hết thảy đà ra ni và hết thảy chư Phật là bạn. Trong một chữ, chủ bạn công đức vô lượng vô biên thì chính là huyền ý ‘viên minh cụ đức’ vậy.

Hơn nữa, trong cõi nước ấy, sắc, thanh, hương, vị, xúc mỗi thứ đều viên minh cụ đức. Vì vậy, hiện quang, thấy cây, nghe tiếng, ngửi hương, không điều gì là chẳng tăng trưởng thiện căn.

‘Nếu có chúng sanh thấy quang minh của ta chiếu chạm đến thân không ai chẳng an lạc, từ tâm làm lành’. ‘Sóng vỗ vô lượng âm thanh vi diệu... Được nghe các thứ âm thanh như vậy rồi, tâm họ thanh tịnh, không có các phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục thiện căn’. ‘Tỏa khắp nơi muôn thứ hương ôn nhã muôn đức, có ai ngửi thấy trần lao cấu tập tự nhiên chẳng khởi. Gió chạm vào thân, an hòa vừa phải, khoan khoái như là tỳ kheo đắc Diệt Tận Định’.

Lại còn:

‘Nếu có chúng sanh thấy cây Bồ Đề, nghe tiếng, ngửi hương, nếm vị của trái, chạm phải ánh sáng, nghĩ đến công đức của cây, sáu căn đều được thanh tịnh, không có các não hoạn, trụ bất thối chuyển cho đến khi thành Phật đạo’.

Trong nguyện hương báu xông khắp lại nói: ‘Hương ấy xông khắp mười phương thế giới, chúng sanh ngửi thấy đều tu hạnh Phật’. Đủ thấy, một hạt bụi, một sợi lông không thứ gì chẳng viên minh cụ đức.

Sách Hoa Nghiêm Huyền Đàm giải thích các pháp là sự sự vô ngại là do duy tâm sở hiện. Nguồn gốc của các pháp chẳng phải là có chủng loại riêng, chỉ là pháp sai biệt duyên khởi của Như Lai Tạng Tâm của chính mình. Vì vậy, chúng ắt phải có cái lý có thể dung hòa được nhau.

Sách Hoa Nghiêm Kim Sư Tử Chương viết: ‘Hoặc ẩn hoặc hiển, hoặc một, hoặc nhiều đều không có tự tánh. Do tâm xoay chuyển nói sự, nói lý, có thành, có lập thì gọi là duy tâm hồi chuyển thiện thành môn’. Duy tâm thiện thành môn chính là chủ bạn viên minh cụ đức môn.

Phẩm Tích Công Lũy Đức trong kinh này đây có thuật Pháp Tạng tỳ kheo ‘trụ chơn thật huệ, dũng mãnh tinh tấn một bề chuyên chí trang nghiêm cõi nước mầu nhiệm’ nên biết được rằng y báo, chánh báo thanh tịnh trang nghiêm của cõi Cực Lạc đều do Chơn Thật Huệ hiện ra. Như Vãng Sanh Luận cho rằng ba thứ trang nghiêm vào trong một pháp cú, một pháp cúthanh tịnh cú, thanh tịnh cú là chơn thật trí huệ vô vi Pháp Thân thì biết được rằng trang nghiêm cõi nhiệm mầu chính là thanh tịnh Pháp Thân, không hai, không khác.

Phẩm Thọ Lạc Vô Cực của kinh đây chép:

‘Một phen tâm khai ngộ, liễu đạt, minh bạch, thấu triệt (khai đạt minh triệt) tướng tự nhiên của tự nhiên, trong tự nhiên tự có căn bổn, tự nhiên quang sắc nhập lẫn vào nhau, chuyển biến tối thắng, Uất Đan thành thất bảo, trong hư không tự nhiên thành vạn vật’ (*).

Kinh nói ‘một phen khai minh’ thì cái được khai minh đó chính là tự tâm của ngay đương sự. Bảy báu cùng muôn vật là chỉ cho cõi Phật. Do một tâm của chính mình mà hiện ra cõi nước mầu nhiệm, do tâm xoay vần thành ra thế giới. Thế nên, sự sự vô ngại, viên minh cụ đức. Vì vậy, kinh dạy: ‘Khai hóa hiển thị chơn thật tế’.

Chơn thật tế là bổn tế Chơn Như thật tướng. Vì thế, điều được hiển thị ở đây là: Ngay nơi tướng chính là Đạo, ngay nơi sự chính là Chơn. Không thứ gì chẳng phải là Chơn Như, Thật Tướng. Cũng có nghĩa là không một thứ gì chẳng phải là tự tâm. Vì thế, siêu tình, ly kiến, đầy đủ trọn vẹn Thập Huyền.

Sự thù thắng độc đáo của kinh Hoa Nghiêm chỉ cốt ở Thập Huyền mà kinh Vô Lượng Thọ này cũng có đủ, đủ chứng minh rằng kinh này chẳng khác gì kinh Hoa Nghiêm. Cuối kinh Hoa Nghiêm dùng mười đại nguyện vương để dẫn dắt quy về Cực Lạc. Kinh này đây hoàn toàn hiển thị Tịnh tông, dẫn dắt phàm thánh cùng quy Cực Lạc nên gọi kinh này là kinh Hoa Nghiêm bản trung thì thật là có căn cứ vậy.

Lại theo như sách Yếu Giải phán định kinh Tiểu Bổn: ‘Hoa Nghiêm áo tạng, bí tủy Pháp Hoa, tâm yếu của hết thảy chư Phật, kim chỉ nam của muôn Bồ Tát hạnh đều chẳng ngoài kinh này’ thì Cực Lạc chẳng rời Hoa Tạng thế giới, Di Đà chính là Tỳ Lô Giá Na. Vì vậy, phán định kinh này thuộc Viên giáo ai dám bảo là chẳng đúng.

Nhưng cách phán giáo này cũng chỉ là tướng sai biệt của bình đẳng. Nếu là người căn cơ viên mãn thì pháp nào cũng đều là viên, ‘pháp này bình đẳng, chẳng có cao, thấp’. Đấy là tướng bình đẳng trong sai biệt.

 

7. Bộ loại sai biệt

 Để hiểu sâu kinh này, cần phải biết các kinh luận cùng bộ loạikinh điển nói kèm pháp Tịnh Độ để tiện việc nghiên cứu, tham khảo.

7.1. Đồng bộ

 Kinh này là kinh điển đồng bộ với kinh Tiểu Bổn Di Đà. Bản dịch đời Ngô của kinh này cũng được đặt tên là A Di Đà kinh, trùng tên với bản dịch kinh Tiểu Bổn của ngài La Thập đời Tần. Vì vậy, tục gọi kinh này là Đại Bổn, kinh A Di Đà bản dịch đời Tần là Tiểu Bổn. Sách Sớ Sao cho rằng hai bản Đại, Tiểu ‘văn dầu chi tiết hay giản lược, nhưng nghĩa không ưu, liệt, cho nên phán định là đồng bộ’.

Hiện tại, Tiểu Bổn Di Đà có ba thứ:

 * A Di Đà kinh, do ngài tam tạng pháp sư Cưu Ma La Thập dịch vào đời Diêu Tần.

 * Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ kinh của ngài Huyền Trang dịch đời Đường.

 * A Di Đà kinh Tần Đường lưỡng dịch hội tập bản do Bồ Tát giới cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập thời hiện đại.

 Hai bản dịch đời Tần và Đường đại thể tương đồng, chỉ sai biệt đôi chút. Bản dịch đời Tần tinh yếu, lưu loát, được mọi người coi trọng. Bản Đường dịch thì chuẩn xác, tường tận, tận lực giữ trọn nguyên tác. Thầy tôi hội tập hai bản dịch này, gạn hết những điểm tinh yếu, lại dựa vào bản kinh khắc đá thời Lục Triều bổ túc hai mươi chữ bị sót mất trong bản dịch đời Tần.

Xét theo bản kinh đá ở Tương Dương và bản chép tay của người thời Lục Triều để khắc đá, sau chữ ‘nhất tâm bất loạn’ còn có dòng chữ chuyên trì danh hiệu, dĩ xưng danh cố chư tội tiêu diệt, tức thị đa thiện căn phước đức nhân duyên’ gồm hai mươi mốt chữ.

Nguyên Chiếu đời Tống cũng chép như vậy trong tác phẩm Linh Chi Sớ. Đại sư Cừ Am đời Minh cũng đề cao bản Thạch kinh. U Khê đại sư trong tác phẩm ViênTrung Sao còn lớn tiếng hô hào: ‘Bản được lưu truyền hiện tại (chỉ bản dịch đời Tần) bị sai sót, phàm đọc tụng, tu tập nên dựa theo cổ bản để bổ túc cho đúng’.

Hội bản nương theo ý các vị tiên đức, thu nhập thêm hai mươi mốt chữ đó. Trong hội bản này gồm đủ ưu điểm của hai bản dịch lại bổ khuyết chỗ thiếu sót của bản dịch đời Tần. Thánh ý được hiển lộ trọn vẹn, dễ được hiểu thấu đúng đắn. Như vậy, nguyên văn của bản dịch đời Tần phải là ‘nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu’ (tám chữ này phải nên đọc một hơi) thật tương đồng bản dịch đời Đường ‘hệ niệm bất loạn’, cũng tương đồng ý chỉ ‘nhất hướng chuyên niệm’ của kinh này, chỉ bày tỉ mỉ diệu pháp Trì Danh từ quả khởi tu, quả giác nhân tâm, tha lực thầm gia hộ chẳng thể nghĩ bàn.

Sách Yếu Giải viết: ‘Nếu chấp trì danh hiệu chưa đoạn kiến, tư thì tùy theo là tán hay định, chia thành ba bậc, chín phẩm nơi cõi Đồng Cư’, đủ thấy chúng sanh chỉ cần tín, nguyện, trì danh, quyết được vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Cực Lạc. Thật chẳng đợi phải đạt đến sự nhất tâm bất loạn hoặc lý nhất tâm bất loạn. Diệu dụng của pháp môn Trì Danh được giãi bày hết ra, đủ chứng minh hội bản thật có công với thánh giáo vậy.

7.2 Đồng loại

 Hễ kinh điển nào xướng xuất: nghĩ, niệm Di Đà, nguyện sanh Cực Lạc đều được coi là đồng loại. Trong các kinh ấy cũng có thân, sơ. Kinh nào trì danh niệm Phật là thân, đề cao pháp khác là sơ.

 * Phật thuyết Quán Vô Lượng Thọ kinh: kinh này cùng với hai kinh Đại Bổn, Tiểu Bổn ở trên được gọi chung là Tịnh Độ Tam Kinh, là kinh điển cơ bản của Tịnh tông. Kinh này giảng đầy đủ về mười sáu diệu môn, khuyên dạy quán tưởng niệm Phậttrì danh niệm Phật.

 * A Di Đà Phật Cổ Âm Thanh Vương Đà Ra Ni kinh: khuyên dạy trì danh và kiêm trì chú.

 * Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm: mười đại nguyện vương dẫn dắt quy về Cực Lạc.

 * Hậu xuất A Di Đà Phật kệ kinh: Từ đầu đến cuối chỉ là kệ, gồm năm mươi sáu câu. Trong ấy có câu: ‘Phát nguyện giống như chư Phật, thề hai mươi bốn chương’ tương đồng với hai mươi bốn điều nguyện trong hai bản dịch đời Ngô và Hán.

 * Chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông của kinh Thủ Lăng Nghiêm: khuyên dạy chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật. Dùng tâm niệm Phật nhập vô sanh nhẫn.

 * Bát Châu Tam Muội kinh: do tam tạng pháp sư Chi Lâu Ca Sấm người xứ Nhục Chi dịch vào đời Hậu Hán. Ngoài ra, Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ kinh là bản dịch khác của kinh này. Kinh chú trọng dùng chín mươi ngày làm kỳ hạn, chẳng ngồi, chẳng nằm, tu Phật lập tam muội, Thiên Thai tông gọi là Thường Hành Tam Muội, xướng danh, quán niệm A Di Đà Phật.

 * Vãng Sanh Luận: do Bồ Tát Thiên Thân soạn, đề xướng ngũ môn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ (Nhất luận trong ‘Tịnh tông tam kinh nhất luận’ là chỉ cho luận này).

 * Vãng Sanh Luận Chú của đại sư Đàm Loan đời Bắc Ngụy soạn, là một bộ sách cổ của Tịnh tông.

 * Du Tâm An Lạc Đạo: do đại sư Đạo Xước đời Đường soạn là một trong những bộ sách cổ.

7.3 Kinh, luận nói kèm về Tịnh Độ

 Lại có các kinh, luận tuy chẳng chuyên luận về Tịnh Độ, nhưng cũng kiêm xưng tán Cực Lạc, khuyên lơn vãng sanh.

Các kinh ấy như: kinh Pháp Hoa, kinh Bi Hoa, kinh Tùy Nguyện Vãng Sanh, kinh Văn Thù Sở Thuyết Bát Nhã, kinh Mục Liên Sở Vấn, kinh Thập Vãng Sanh, kinh Quán Phật Tam Muội (Phật thọ ký cho ngài Văn Thù sẽ sanh về Cực Lạc), kinh Văn Thù Phát Nguyện (Văn Thù nguyện cầu sanh Cực Lạc), kinh Nhập Lăng Già (Phật thọ ký cho Long Thọ sanh cõi Cực Lạc), Tỳ Bà Sa luận (do Long Thọ Đại Sĩ soạn), Đại Trí Độ luận (cùng tác giả), Đại Thừa Khởi Tín Luận (Bồ Tát Mã Minh soạn) v.v...

Kinh, luận Tịnh Độ có đến trăm mấy mươi bộ. Trên đây chỉ lược nêu các kinh sách thuộc cùng bộ loại và kinh, luận đề cập đến Tịnh Độ. Còn như số lượng các kinh điển trong Mật bộ có liên quan đến Tịnh Độ còn nhiều hơn nữa nhưng chẳng kể ra.

8. Dịch, hội hiệu, thích

 ‘Dịch’ chỉ cho bản dịch gốc. ‘Hội hiệu’ chỉ các bản do căn cứ vào các bản dịch gốc để hội tập (tổng hợp, khảo đính những bản dịch của cùng một kinh để chọn ra những điểm trọng yếu), hiệu đính. ‘Thích’ chỉ cho các bản chú giải kinh này.

8.1 Các bản dịch kinh này

 Kinh này ‘được đức Phật thường nói, các sư đua nhau dịch, được truyền đến Trung Hoa rất sớm, riêng mình nó có rất nhiều bản dịch’ (xem lời tựa kinh này của cư sĩ Mai Quang Hy). Từ Đường đến Tống có 12 dịch bản. Bản đời Tống, Nguyên đã mất, nay chỉ còn lại được năm bản dịch.

 a. Vô Lượng Thọ Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh do sa môn người xứ Nhục ChiChi Lâu Ca Sấm dịch ở Lạc Dương vào đời Hậu Hán (từ đây gọi tắt là bản Hán dịch).

 b. Phật thuyết Chư Phật A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo kinh, tên khác là Vô Lượng Thọ kinh, tên khác nữa là A Di Đà kinh, do ưu bà tắc Chi Khiêm tự Cung Minh người xứ Nhục Chi dịch vào đời Ngô (gọi tắt là bản Ngô dịch).

 c. Vô Lượng Thọ kinh do sa môn người Ấn ĐộKhang Tăng Khải dịch ở chùa Bạch Mã, Lạc Dương vào đời Tào Ngụy (gọi tắt là bản Ngụy dịch).

 d. Vô Lượng Thọ Như Lai hội do tam tạng Bồ Đề Lưu Chí người Nam Ấn Độ dịch vào đời Đường, bản này trích từ kinh Đại Bảo Tích (gọi tắt là bản Đường dịch).

 e. Phật thuyết Đại Thừa Vô Lượng Trang Nghiêm kinh do sa môn Pháp Hiền người xứ Tây Vực dịch vào đời Tống (gọi tắt là bản Tống dịch).

Bảy bản dịch, hiện đã mất, căn cứ theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, liệt kê như sau:

 a. Vô Lượng Thọ kinh, hai quyển, do sa môn An Thế Cao người nước An Tức dịch vào đời Hán.

 b. Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh, hai quyển, do sa môn Bạch Diên dịch ở chùa Bạch Mã, Lạc Dương vào đời Tào Ngụy.

 c. Vô Lượng Thọ kinh, hai quyển do sa môn Trúc Đàm Ma La Đa (Pháp Hộ) dịch vào đời Tấn.

 d. Vô Lượng Thọ Chí Chơn Đẳng Chánh Giác kinh, hai quyển, tên khác là Lạc Phật Độ Lạc Kinh, một tên nữa là Cực Lạc Phật Độ kinh, do sa môn Trúc Pháp Lực người Tây Vực dịch vào đời Đông Tấn.

 e. Tân Vô Lượng Thọ kinh, 2 quyển, do sa môn Phật Đà Bạt Đà La (Giác Hiền) người nước Ca La Vệ La dịch ở chùa Đạo Tràng vào đời Đông Tấn.

 f. Tân Vô Lượng Thọ kinh, 2 quyển, do sa môn Bảo Vân người Kinh Châu dịch ở chùa Đạo Tràng vào đời Tống.

 g. Tân Vô Lượng Thọ kinh hai quyển, sa môn Đàm Ma La Mật Đa (Pháp Tú) người nước Kế Tân dịch vào đời Tống.

 Bảy bản bị thất lạc trên đây và năm bản còn giữ được được gọi là ‘thập nhị thế dịch’ (các bản dịch trong mười hai đời). Thật ra là 8 đời, mười hai lần dịch: Đời Hán hai bản dịch, đời Ngô một bản, đời Tào Ngụy hai bản, đời Tây Tấn một bản, Lưu Tống hai bản, Đường một bản, Triệu Tống một bản. Như vậy, về thời gian dịch thuật là trong 8 triều đại, số lượng bản dịch là mười hai.

Sách Bình Giải viết: ‘Phàm trong các kinh, không có kinh nào được lưu truyền, dịch thuật thịnh hành như kinh này. Đó là do kinh này giảng thẳng lẽ xuất thế, lợi ích vô biên vậy’.

Sách Hội Sớ viết: ‘Trong hết thảy các kinh được nhiều người lưu truyền, dịch thuật không kinh nào được như kinh này. Đó là bởi đạo lý thẳm sâu, lợi ích tối thượng vậy’. Cả hai bộ sớ có cùng một nhận định.

So sánh năm bản dịch còn lưu truyền trong đời thì chẳng giống với trường hợp của hai bản dịch kinh A Di Đà hay sáu bản dịch của kinh Kim Cang: kinh văn tuy chi tiết hay giản lược khác nhau đôi chút nhưng nội dung thật sự tương đồng. Năm bản dịch của kinh đây, chẳng những kinh văn chi tiết hay giản lược khác nhau rất nhiều mà ngay cả nội dung mức độ rộng lược cũng rất khác.

Lấy ví dụ, với đại nguyện của Phật A Di Đà khi còn tu nhân, hai bản Hán dịch và Ngô dịch nêu hăm bốn nguyện, bản Tống ghi băm sáu nguyện, bản Ngụy, Đường ghi bốn mươi tám nguyện. Ngay nội dung mỗi nguyện cũng dịch khác nhau, đủ thấy sự khác biệt khá lớn.

Được lưu truyền phổ biến nhất hiện thời là bản Ngụy dịch. Sách Bình Giải chỉ ra rằng đem hai bản dịch đời Ngô và Hán so với bản Ngụy dịch, chỉ kể những điểm chính yếu đã có tám điểm khác nhau. Còn nếu so với bản Đường dịch, đại khái có bảy điểm khác nhau. Ở đây, tôi không thuật rõ. Còn đến bản dịch đời Tống so với các bản dịch khác, sự sai biệt còn lớn hơn nữa.

Các bản dịch vì sao sai khác? Cư sĩ Trầm Thiện Đăng đời Thanh viết trong sách Báo Ân Luận rằng:

‘Lược khảo các kinh, sở dĩ có sự bất đồng, nói tóm lại là do ba nguyên nhân:

- Người dịch khéo, vụng chẳng giống nhau.

- Phạn bản truyền chép khác biệt

- Đức Bổn Sư trước sau tuyên nói nhiều lượt chẳng giống nhau. Đức Bổnthuyết pháp hơn ba trăm hội, nhiều lần chỉ dạy quy hướng Tịnh Độ thì tự nhiên mỗi lần nói không dùng cùng một bài giảng, phải tùy thời, tùy cơ, khai triển đại ý.

Phải căn cứ theo ý chẳng chấp mặt chữ, lẽ hiển nhiên là như vậy’.

Vì vậy, ta thấy rằng kinh Vô Lượng Thọ được Phật giảng nhiều lần nên chẳng phải chỉ có một Phạn bản. Do kinh văn được dùng để dịch đã khác nhau nên bản dịch có mức độ khéo vụng khác nhau. Bởi vậy, lời văn của các bản dịch tự nhiên sai khác.

Ông Trầm lại còn chỉ ra nguyên nhân Phạn bản dễ bị sai lạc:

‘Các bản kinh tiếng Phạn đều là bản chép tay nên dễ bị chép sai, sót. Như bản Hán dịch của kinh Đại Bổn trải bao đời đến nay, bị chép lầm hay sót đến vài mươi chữ, văn nghĩa không nhất quán.

Lại như tàng bản của kinh Tứ Thập Nhị Chương so với bản khắc đá do Triệu Văn Mẫn viết và các bản được lưu thông ngoài Đại Tạng thì chương, tiết trước sau, nhiều ít, đều bất đồng. So với những đoạn trích dẫn trong sách Pháp Uyển Châu Lâm cũng khác. Hơn nữa, những chữ [trong kinh ấy] được chọn ra [để giải thích] trong sách Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa đều không thấy trong các bản lưu hành.

Đại để là do kinh được tụng trì, tu tập nhiều thì được lưu truyền, chép lại nhiều nên lỗi đắc, thất, dị, đồng cũng nhiều’.

Sách Bình Giải của Nhật cũng viết: ‘Thẩm định các kinh thì là do quá nhiều bản Phạn đến nỗi văn nghĩa được truyền dịch thành ra có chỗ tường tận hay sơ lược chẳng đồng’.

Rõ ràng, tác giả sách Bình Giải đồng ý với ông Trầm, cùng cho rằng kinh này được Phật nói nhiều lượt. Như vậy, tụng tập nhiều, truyền chép Phạn bản nhiều lượt, Phạn bản có nhiều bản còn, tỉ mỉ, hay sơ lược sai khác. Các thẻ kinh tiếng Phạn lại dễ bị lạc mất, thành ra hiện tại các bản dịch thật khác biệt xa nhau.

Thuyết của sư Nhật Khê người Nhật cũng giống thuyết ông Trầm. Ngài nói:

‘Câu văn của bản dịch khác so với kinh đây (chỉ bản Ngụy dịch) có chút sai khác chẳng phải là ít. Xét ra, lắm dị bản, truyền thọ lại chẳng phải một lần nên thành ra sai khác như thế. Hoặc là do chẳng phải chỉ nói có một lần chẳng hạn như các kinh Bát Nhã. Do kinh này là bổn hoài của Như Lai, mỗi chỗ ngài nói khác nhau nên có nhiều bản. Đấy là do lòng đại bi cùng cực vậy’.

Các vị đại đức trên đây đều cho rằng kinh này là pháp được đức Thế Tôn nhiều lần tuyên nói, điều này thật có chứng cứ. Ví dụ như, bản Đường dịch mang tên Vô Lượng Thọ Như Lai hội là một hội của kinh Bảo Tích, đủ chứng minh rằng khi Phật nói kinh Đại Bảo Tích cũng nói ra kinh này. Ông Trầm lại bảo:

Bản Ngụy dịch văn từ tường tận, nghĩa lý trọn vẹn nên từ xưa đến nay các vị giảng sư hay dùng bản này. Bản Đường dịch không sai khác mấy do dịch từ cùng một bản Phạn. Bản Tống dịch rất lưu loát, rõ ràng, nhưng câu cú, chữ nghĩa so với các bản trên khác nhau rất lớn nên phải xuất phát từ bản Phạn khác. Hai bản dịch đời Hán và Ngô, văn từ thô tháp, trúc trắc, nhưng nghĩa lý bổ sung cho nhau nên ắt phải là được dịch theo một Phạn bản khác nữa’

Ông Trầm tuy chưa thể trực tiếp đem Phạn bản ra so sánh để chứng minh, nhưng nếu nghiên cứu năm bản dịch còn tồn tại, ta có thể suy ra rằng hiện tạiít nhất ba bản Phạn. Vì vậy, thuyết của ông Trầm rất đáng tin.

Còn như ý kiến của các sư khác cho rằng ‘Năm bản dịch chỉ là các bản dịch khác nhau từ cùng một Phạn bản, nhưng có sai biệt là do ý thích của dịch giả khác nhau’ thật chưa đủ sức thuyết phục! Chẳng hạn như, so hai bản dịch đời Tần và Đường của kinh Tiểu Bổn, do người đời Tần còn đơn giản nên ngài La Thập gom mười phương Phật thành sáu phương Phật, đấy thật là chỗ khéo léo ứng cơ của dịch giả: Văn giản lược để thích ứng căn cơ, nhưng nghĩa lý của kinh chẳng mất. Đó mới là ý thích và sự khéo léo của dịch giả.

Còn xét về sự sai biệt giữa các bản dịch của kinh này, sự sai biệt lớn nhất là chẳng những giản lược, chi tiết sai khác mà nghĩa lý cũng sâu rộng khác hẳn. Vì vậy, chẳng thể bảo là do ý thích của người dịch sai khác.

Lấy ví dụ, Di Đà đại nguyệnduyên khởi của Tịnh tông, là cương tông của kinh này mà cái nguyện ‘mười niệm ắt vãng sanh’ là cốt tủy của Di Đà đại nguyện. Nguyện này thấy trong hai bản Ngụy dịch, Đường dịch, nhưng không có trong phần đại nguyện của hai bản dịch Hán và Ngô.

Nếu cho rằng bốn mươi tám đại nguyện của hai bản Đường, Ngụy đem so với hăm bốn đại nguyện của hai bản Ngô, Hán chỉ là cách dịch thu rộng hay nói gọn khác nhau thì thật khó bề thuyết phục. Trong đời có người dịch nào lớn mật như thế, dám dựa theo ý riêng, tự tiện lược đi đại nguyện tâm tủy. Vì vậy, nguyên bản để dịch phải khác nhau thì dịch bản mới sai khác đến như vậy.

Lại như trong hăm bốn đại nguyện của bản Ngô dịch, có hai nguyện thù thắng: ‘Nước không nữ nhân’ và ‘liên hoa hóa sanh’ mà trong hai bản dịch Đường và Ngụy tuy đủ bốn mươi tám nguyện lại chẳng hề có hai nguyện ấy. Nếu bảo rằng cùng một bản gốc, các bản dịch chỉ dịch đủ hay tóm gọn chẳng đồng, thử hỏi hai nguyện ấy của bản Ngô dịch lấy từ đâu ra? Vì sao trong hăm bốn nguyện thì có, còn trong bốn mươi tám nguyện lại hoàn toàn chẳng có? Rõ ràng, các Phạn bản dùng để dịch không phải chỉ là một bản. Thật đúng như thuyết của cư sĩ Trầm Thiện Đăng: kinh này được đức Thế Tôn tuyên thuyết nhiều lần, lại do các thẻ kinh Phạn dễ bị thất lạc, thành ra có các bản gốc sai khác vậy.

Do những điều trên, ta thấy rõ việc hội tập các bản dịch thật là cần thiết. Do vậy, từ đời Tống đến nay, Vương Long Thư, Bành Nhị Lâm, Ngụy Mặc Thâm, và tiên sư: cư sĩ Hạ Liên Cư trước sau cùng hội tập, hiệu đính kinh này.

8.2 Bốn loại hội hiệu bản

 Năm bản dịch nói trên đều có những chỗ ưu, liệt, phô bày hay ẩn kín riêng. Chẳng hạn như hai bản Hán và Ngô dịch không đề cập tới bổn nguyện mười niệm vãng sanhyếu chỉ ‘nhất hướng chuyên niệm’. Đến đoạn kinh giảng rộng về ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu, đức Thế Tôn rát miệng, nhọc lòng giảng dạy chân thành mà hai bản Đường và Tống dịch chẳng chép đủ. Bản Ngụy dịch chép đủ, thật là bản đứng đầu trong các bản dịch, nhưng lại thiếu hai nguyện ‘nước không nữ nhân’ và ‘liên hoa hóa sanh’ nên cũng chưa phô bày đầy đủ.

Vì vậy, ông Long Thư Vương Nhật Hưu đời Tống phê bình các bản dịch như sau:

‘Đại lược tuy giống nhau nhưng trong ấy có rất nhiều chỗ sai khác. Hơn nữa, lời văn mỗi bản dịch hoặc bị thiếu sót hoặc quá rườm rà khiến người ngại xem, hoặc thiếu chỗ rất quan trọng đến nỗi mất cả ý nghĩa thật sự. Hoặc kinh văn có đề cập đến nhưng ý nghĩa đã bị mất.

Do vậy, kinh của đức Thích Ca Văn Phật nói, yếu chỉ độ sanh của A Di Đà Phật trở nên rối rắm chẳng rành mạch, dài dòng nhưng không rõ ràng, tôi thật tiếc lắm’.

Bởi thế, ông phối hợp bốn bản dịch Hán, Ngô, Ngụy, Tống giảo chánh, hội tập, soạn thành một bản, đặt tên Đại A Di Đà kinh. Đây chính là bản hội tập đầu tiên của kinh này.

Các bản hiệu hội từ đời Tống đến nay, có bốn thứ:

a. Đại A Di Đà kinh do quốc học tấn sĩ Long Thư Vương Nhật Hưu đời Tống soạn.

b. Vô Lượng Thọ kinh do Bồ Tát giới đệ tử Bành Tế Thanh đời nhà Thanh phân định chương mục và hiệu đính.

c. Ma Ha A Di Đà kinh do Bồ Tát giới đệ tử Thừa Quán Thiệu Dương Ngụy Nguyên hội dịch vào đời Thanh (Nguyên tên là Vô Lượng Thọ Kinh, sau cư sĩ Chánh Định Vương Ấm Phúc giảo đính đổi thành tên này).

d. Phật thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh do Bồ Tát giới đệ tử Vận Thành Hạ Liên Cư hội tập vào thời hiện đại.

Như vậy, kinh này có năm bản dịch gốc, bốn bản hội tập, thành ra chín bản.

Trong năm bản dịch, riêng bản Ngụy dịch phổ biến nhất, đến khi hội bản của ông Vương ra đời liền chiếm lấy địa vị ấy. Liên Trì đại sư viết trong tác phẩm Sớ Sao rằng: ‘Phần nhiều dẫn kinh theo bản của ông Vương do bản họ Vương phổ biến trong đời, người đời quen thấy’. Cuối đời Thanh, Ấn Quang đại sư cũng khen bản họ Vương là ‘văn nghĩa tường tất, lưu thông mạnh trong đời’. Do đây thấy được rằng bản của họ Vương được phổ biếnTrung Quốc còn hơn bản Ngụy dịch.

Bản họ Vương tuy rất phổ biến, còn được chép vào Càn Long Đại Tạng và Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng kinh của Nhật, nhưng tác phẩm của họ Vương có ưu điểm lẫn khuyết điểm. Chẳng hạn như Sớ Sao phê:

‘Bản hội tập của ông Vương so với năm bản dịch thì giản dị, rõ ràng, hiện đang lưu truyền, lợi ích rất lớn. Nhưng chẳng dựa vào Phạn bản, chỉ phối hợp bản tiếng Hán, chưa đúng cách dịch thuật. Nếu dùng Phạn bản để dịch lại thành bản thứ sáu không ai dị nghị. Do vậy, ông chẳng gọi là dịch mà bảo là giảo chánh.

Cách ông ta chọn, bỏ lời dịch cũ lại cũng chưa trọn vẹn: như với ba bậc vãng sanh, bản Ngụy dịch đều nói phát Bồ Đề tâm, nhưng bản họ Vương chỉ có bậc trung phát Bồ Đề tâm, bậc hạ không phát, bậc thượng chẳng đề cập đến. Như vậy là cao, thấp lẫn lộn.

Vả lại, ‘nhiều căn lành’ nói trong kinh là cốt ở phát Bồ Đề tâm, tuy ba bậc chẳng đồng lại cùng phát tâm thì đấy đúng là yếu chỉ vãng sanh. Nay ông ta lại lược đi nên bảo là chưa trọn vẹn’.

Lời luận của Liên Trì Đại Sư về chỗ tinh yếu thật là xác đáng! Trong lời tựa của chính ông Vương có viết: ‘Chỗ nào văn manh mún, không thứ tự, lầm loạn chẳng so sánh được thì dùng ý mình để sửa chữ’. Thật đúng với điều Liên Trì đại sư chỉ ra: ‘Chẳng căn cứ theo Phạn bản’ là căn bịnh nặng, chẳng đúng phép dịch thuật. Nếu căn cứ theo Phạn bản dịch lại thì mới được phép dùng câu văn tự soạn để làm rõ nghĩa kinh. Còn nếu hội tập, sao chẳng dùng lời dịch gốc, lại tự ý viết thêm, muôn phần chẳng nên vậy.

Đến phần ba bậc vãng sanh cũng vậy, tự tiện sửa đổi bản Ngụy dịch, đánh mất thứ tự cao thấp. Đấy đều là những tỳ vết khó bưng bít của bản họ Vương vậy!

Cư sĩ Bành Nhị Lâm (tên là Thiệu Thăng) đời vua Càn Long nhà Thanh cũng chẳng thỏa mãn với bản họ Vương. Ông nhận định về bản của họ Vương trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận như sau:

Bản của họ Vương so ra lưu loát, phổ biến mãi đến nay, nhưng có điểm đáng phê bình. Như trong Tự Phần từ chữ ‘du bộ thập phương’ trở đi nói rộng về hạnh nguyện Bồ Tát nhằm khiến hành giả phát khởi đại tâm, tích tập cội đức, rốt ráo thành Phật, đấy chính là cương lãnh trọng yếu của chương mở đầu kinh này, họ Vương lại lược đi.

Đến phần hai bậc vãng sanh: thượng, hạ, bậc thì gạt bỏ phát Bồ Đề tâm, bậc thì nói chẳng phát. Trong phần thai sanh, lược bỏ từ chữ ‘ngờ vực Phật trí’ cho đến ‘thắng trí’. Trước đã trái với chánh nhân thành Phật, sau lại mất chánh trí vãng sanh. Những điểm khác như với thứ tự các nguyện, lẫn lộn trước sau đều đáng giảo chánh’.

Họ Bành nhìn thấy lỗi của họ Vương nên chuyên dùng bản Ngụy dịch, lược những chỗ phiền phức, lại căn cứ theo bản của ngài Vân Thê, thêm vào số thứ tự trước sau của bốn mươi tám nguyện, đặt tên là Vô Lượng Thọ Kinh, thành ra bản thứ bảy (bản của họ Vương là bản thứ sáu). Nhưng bản này chỉ là bản Ngụy dịch được phân chia thành từng đoạn, chẳng phải là bản hội tập các bản dịch.

So sánh hai bản thì bản của ông Bành có ưu điểm hơn bản Ngụy dịch. Cận đại, cư sĩ Đinh Phước Bảo khi viết Vô Lượng Thọ Kinh Tiên Chú thì bản dùng để chú giải là bản của họ Bành. Tiếc thay bản của họ Bành chỉ là tiết hiệu bản, chưa bổ cứu được khuyết điểm của bản ông Vương, vẫn chưa được coi là bản tốt nhất.

Triều Hàm Phong nhà Thanh, cư sĩ Ngụy Thừa Quán ở Thiệu Dương cho rằng các bản dịch lẫn bản của ông Vương chưa hoàn thiện bèn hội tập năm bản dịch gốc, soạn riêng thành một bản, đặt tên là Vô Lượng Thọ Kinh (bản của ông Ngụy hội tập năm bản dịch gốc, là nguồn gốc của ngũ hội bản. Bản họ Vương chỉ là tứ hội bản, hội bản không dùng bản Đường dịch).

Dưới triều Đồng Trị, cư sĩ Vương Ấm Phước đặc biệt coi trọng bản họ Ngụy, từng đích thân ghi rằng: ‘Gần đây, Thiệu Dương Ngụy cư sĩ lại thuận theo lời đại sư Vân Thê, khảo sát khắp các bản dịch, soạn riêng thành một bản gồm trọn tông yếu, văn từ giản dị, thích đáng, được coi là bản hay nhất của kinh này’. Ông Vương lại tra khảo khắp các bản, đích thân hiệu đính, đặt tên kinh là Ma Ha A Di Đà kinh, thành ra phiên bản thứ tám của kinh này.

Ông Ngụy phát tâm rộng lớn, lại tinh thông văn tự, muốn cứu chữa khuyết điểm lớn là soạn kinh của cư sĩ Vương Long Thư, nên gộp đủ năm bản dịch hội tập thành một kinh, tận lực tìm tòi lai lịch của từng câu mong thành bản hoàn chỉnh. Sở nguyện thật thù thắng, thành tựu cũng lớn lao. Bản hội tập của ông vượt xa bản họ Vương. Cư sĩ Vương Ấm Phúc khen là bậc nhất trong tám bản kinh cũng chẳng quá đáng.

Đáng cảm khái là ông Ngụy tuy nguyện tận lực sửa chữa khuyết điểm soạn kinh của họ Vương, tiếc thay vẫn chưa hoàn toàn tránh khỏi. Nay sẽ nêu lên những điểm lớn rành rành như sau:

a. Nguyện thứ hai trong bản họ Ngụy là: ‘Nếu tôi thành Phật, trời, người trong nước thuần là hóa sanh, chẳng có thai sanh..’ Bốn chữ ‘chẳng có thai sanh’ không tìm thấy trong các bản dịch. Vả lại, bốn chữ ấy mâu thuẫn với lời văn của bản dịch gốc. Bản Ngụy dịch chép: ‘Phật bảo Di Lặc.... Nhân dân cõi ấy có kẻ thai sanh’. Hai bản dịch Đường, Tống cũng giống vậy mà hội bản của họ Ngụy viết ‘chẳng có thai sanh’. Đây thật là tì vết khó giấu vậy.

b. Một đoạn ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu có đến vài ngàn chữ, mà bản họ Ngụy tóm tắt thành ‘Lúc sanh đau, lúc già đau, lúc bịnh đau, lúc chết đau, hoạn nạn cùng khổ đau đớn, lửa dâm dục đốt, lửa sân giận đốt, lửa tham trộm cắp đốt, lửa tà ngụy đốt, lửa ngu si đốt, đấy là ngũ thống, ngũ thiêu’. Ngụy cư sĩ vốn nguyện ‘không một chữ nào chẳng có lai lịch’, nhưng tiếc chưa thể thật triệt để ý nguyện ban đầu. Đoạn trên đây, so với các bản dịch chẳng có lai lịch.

c. Hội bản của họ Ngụy nói cung điện, lầu quán, đường vũ, phòng gác của Cực Lạc ‘hoặc ở trên hư không, hoặc trên đất bằng, hoặc nương cây báu mà trụ’. Câu ‘nương cây báu mà trụ’ không có trong bản dịch nào cả.

d. Trong hội bản, câu ‘Từ đấy về sau, Vô Lượng Thọ kinh cũng giảm, chỉ trừ bốn chữ A Di Đà Phật rộng độ quần sanh’ cũng không có trong bản dịch nào.

Do những điều trên, bản của họ Ngụy so với các bản có trước, tuy bản sau trội hơn bản trước, tiếc rằng vẫn chưa hoàn toàn tránh nổi cái lỗi thêm chữ sai lầm. Cái lỗi lớn ấy ắt phải sửa chữa hầu tránh cho đời sau thành thói, thậm chí soán cải kinh văn. Vì vậy, cần phải ngừa lỗi nhỏ lâu ngày thành to, tuyệt trừ nguồn tội, lại khiến Đại kinh chóng có được bản tốt nhất. Bởi thế, tiên sư là lão cư sĩ Hạ Liên Cư bèn soạn ra bản thứ chín.

Tiên sư Hạ Liên Cư cư sĩ, lúc nhỏ học Nho, trước là Trình, Chu, sau Lục, Vương, trưởng thành học Phật, nhiếp Thiền, Mật quy về Tịnh Độ. Cụ Hạ thông suốt các sách vở, hiểu sâu văn tự, dụng công lâu dài, hiểu tường tận giáo pháp.

Năm Nhâm Thân (1932), phát nguyện hiệu đính kinh này, đóng cửa tạ khách, suốt cả ba năm, xét kỹ cả năm bản dịch gốc, khảo sát kỹ càng hội bản của ba nhà, không một câu nào chẳng xem xét kỹ, không một chữ nào chẳng cân nhắc, cung kính, cẩn thận, ngày ngày khấn cầu trước Phật, thiên châm vạn chước cả trong giấc ngủ.

Đến khi hoàn thành, tứ chúng hoan hỷ Lão pháp sư Huệ Minh là bậc thông triệt cả Tông lẫn Giáo (ngài là thầy quy y của cụ Hạ) đắp y, nâng kinh chụp ảnh trước điện Phật, đích thân ấn chứng. Cậu tôi là cư sĩ Mai Hiệt Vân giảng liên tục trên đài phát thanh, khen là bản hay nhất. Từ Châu pháp sư chuyên giảng kinh này ở đất Kinh Lỗ, cũng đích thân soạn khoa phán. Lão hòa thượng Diệu Thiền, phương trượng Cực Lạc Am ở Bắc Kinh mời hội trưởng Sơn Đông nữ tử liên xã (hội phụ nữ niệm Phật tỉnh Sơn Đông) là Ngô Thiến Hương đến chùa giảng kinh này suốt hai tháng. Còn những người phát tâm hoằng dương, chuyên chú trì tụng chẳng tính nổi số. Ấn hành, lưu thông liên tục chẳng dứt.

Vì vậy, cậu tôi là Mai lão cư sĩ khen rằng:

‘Yếu chỉ của Tịnh tông cùng thâm cực vi, phát huy được chỗ uẩn áo tiền nhân chưa phát huy được’‘tinh đáng minh xác, rành rành có chứng cứ, không một nghĩa nào chẳng thuộc bản dịch gốc, không một câu nào ra khỏi kinh gốc... Đủ các điểm hay, không sự thật nào chẳng thâu tóm. Tuy muốn cho là bản chẳng hay cũng chẳng được’.

Lời của cậu tôi nay đã được mọi người công nhận, còn đem bản kinh này thâu nhập vào ấn bản mới của Tục Tạng. Đại kinh bụi phủ ngàn năm, nay mới có được bản hoàn thiện. Ý nguyện hội tập kinh của tiên hiền đã viên mãn. Đại kinh phóng quang, chúng sanh hữu hạnh, bản kinh mang tên Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh là bản thứ chín của Đại kinh.

8.3 Chú thích kinh này

Trong năm bản dịch, bản Ngụy dịch tương đối đầy đủ. Vì vậy, các chú sớ Đại kinh phần nhiều dùng bản Ngụy dịch. Các bậc đại đức Trung Quốc nhiều vị soạn chú giải cho Tiểu Bổn Di Đà, còn chú giải Đại Bổn chỉ có hai vị: Tịnh Ảnh (Huệ Viễn) đời Tùy và Gia Tường (Cát Tạng) đời Đường.

a. Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, sáu quyển, do sa môn Huệ Viễn thuộc chùa Tịnh Ảnh ở kinh đô đời Tùy soạn, tục gọi là Tịnh Ảnh sớ.

b. Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ do ngài Cát Tạng ở chùa Gia Tường đời Đường soạn. Tục gọi là Gia Tường Sớ.

 Ngoài ra, chú giải của hai vị Cảnh Hưng, Nguyên Hiểu ở nước Tân La (nay thuộc Triều Tiên) nay cũng được lưu truyềnTrung Quốc:

a. Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Thuật Văn Tán, ba quyển do ngài Cảnh Hưng nước Tân La trứ tác, tục gọi là Cảnh Hưng sớ.

b. Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu, một quyển, do sa môn Nguyên Hiểu thuộc chùa Hoàng Long nước Tân La soạn. Ngài từng qua Tàu du học, sau về nước, danh tiếng vang dội chốn Hải Đông. Sớ giải của ngài gọi là Hải Đông Sớ.

c. Du Tâm An Lạc Đạo, một quyển cũng do ngài Nguyên Hiểu soạn, là một trong mười tác phẩm cổ của Tịnh tông.

Quang minh của Đại kinh chiếu rực Nhật Bổn, chú thích rất thịnh, vượt xa Trung Hoa. Riêng bút giả được biết đã hơn hai mươi loại, như là:

a. Vô Lượng Thọ Phật Tán Sao, một quyển, do ngài Thiện Châu chùa Hưng Phước viết.

b. Vô Lượng Thọ Kinh Thuật Nghĩa, 3 quyển, do Tối Trừng soạn.

c. Vô Lượng Thọ Kinh Tư Ký, một quyển, Trí Cảnh soạn.

d. Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Uyển, bảy quyển, ngài Nam Sở chùa Tổng Trì ở Kỷ Châu soạn.

e. Vô Lượng Thọ Kinh Lược Tiên, tám quyển của ngài Viện Khê, chùa Thiền Lâm, Lạc Đông, soạn năm Hưởng Bảo thứ năm.

f. Vô Lượng Thọ Kinh Sao, bảy quyển của Vọng Tây Lâu Liễu Huệ.

g. Vô Lượng Thọ Kinh Trực Đàm Yếu Chú Ký, hăm bốn quyển, do ngài Tây Dự chùa Tăng Thượng soạn năm Vĩnh Hưởng thứ tư.

h. Vô Lượng Thọ Kinh Kiến Văn, bảy quyển của Lương Vinh.

i. Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Huyền Khái, một quyển của Tiểu Thương Tây Ngâm.

j. Vô Lượng Thọ Kinh Hội Sớ, bảy quyển, ngài Tuấn Đế chùa Thắng Thọ ở Việt Tiền soạn.

k. Vô Lượng Thọ Kinh Khai Nghĩa, sáu quyển, do ngài Huệ Không chùa Bình An Tây Phước soạn.

l. Vô Lượng Thọ Kinh Quán Tư Nghĩa, ba quyển, do ngài Ý Châu Lý Viên soạn.

m. Vô Lượng Thọ Kinh Hiển Tông Sớ, mười bảy quyển, ngài Tánh Hải Vô Nhai ở Giang Châu soạn.

n. Vô Lượng Thọ Kinh Yếu Giải, ba quyển, Pháp Sâm soạn.

o. Vô Lượng Thọ Kinh Giảng Lục, bảy quyển, do ngài Nam Lân chùa Phá Lặc An Lạc thuộc Kỷ Châu soạn.

p. Vô Lượng Thọ Kinh Phạm Hưởng Ký, sáu quyển, Linh Phượng soạn.

q. Vô Lượng Thọ Kinh Nhãn Tủy, mười một quyển, Nhiếp Châu Định Chuyên Phường Nguyệt Khê soạn.

r. Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Ký, năm quyển, Giới Hoa Tạng Am Huệ Nhiên soạn.

s. Vô Lượng Thọ Kinh Hải Trích Ký, hai mươi quyển, khoa chú hai quyển, Nhiếp Châu Tiểu Tằng Nễ Hiến Vinh Thái Nham soạn.

t. Vô Lượng Thọ Kinh Vĩnh An Lục, mười ba quyển, Ý Báo Chuyên Phường Huệ Vân soạn.

u. Vô Lượng Thọ Kinh Bình Giải, mười tám quyển, Thích Đạo Ẩn soạn.

v. Vô Lượng Thọ Kinh Hợp Tán, bốn quyển, Quán Triệt soạn.

Trong những tác phẩm này, cuốn thứ tám, thứ mười, thứ 20, thứ hăm hai được dẫn chứng nhiều trong sách này.

Ngoài ra, chú thích những bản hiệu hội, gồm có ba tác phẩm:

a. Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận, ba quyển, Bành Tế Thanh soạn vào đầu triều Thanh.

b. Vô Lượng Thọ Kinh Tiên Chú, Đinh Phước Bảo soạn vào cuối triều Thanh.

Hai bản chú giải trên đều dùng tiết bản của Bành Tế Thanh.

c. Phật Thuyết Ma Ha A Di Đà Kinh Chung Luận do Chánh Định Vương Canh Tâm soạn dưới đời Quang Tự nhà Thanh. Bản dùng để chú giải là bản hiệu hội thứ tám của Ngụy Thừa Quán.

Ngoài ra, vào cuối đời Thanh, cư sĩ Trầm Thiện Đăng soạn Báo Ân Luận ba quyển có các phần Tịnh Độ Pháp Môn Cương Yếu, Vô Lượng Thọ Kinh Cương Tông, Vãng Sanh Chánh Nhân Luận v.v….

9. Tổng thích kinh đề (giải thích chung về tên kinh)

9.1 Kinh đề

Phật thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

(Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Chi Lâu Ca Sấm dịch đời Hậu Hán. Phật thuyết Chư Phật A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo kinh, tên khác là Vô Lượng Thọ kinh, tên khác nữa là A Di Đà kinh, Chi Khiêm dịch vào đời Ngô. Vô Lượng Thọ Kinh, Khang Tăng Khải dịch vào đời Tào Ngụy. Vô Lượng Thọ Như Lai Hội, Bồ Đề Lưu Chí dịch vào đời Đường. Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, Pháp Hiền dịch vào đời Triệu Tống.

Từ nhà Hán đến nhà Tống, các bản dịch khác nhau của kinh này xét thấy có mười hai bản, lưu truyền đến cận đại chỉ còn năm bản trên.) 

Bồ tát giới đệ tử Vận Thành Hạ Liên Cư, pháp danh Từ Tế, hội tập các bản dịch và kính chia thành chương mục.

Phàm danh đề của kinh đều nhằm trực hiển yếu chỉ của kinh khiến cho người học do tên kinh thấu được cái thể, một phen xem qua tên kinh hiểu ngay được đôi chút đại ý kinh. Vì vậy, tông Thiên Thai chú thích kinh trước hết phải giải thích tên kinh.

Năm bản dịch gốc của Đại kinh đều có tên riêng. Hội bản của họ Vương mang tựa đề Đại A Di Đà Kinh để phân biệt với bản dịch gốc và Tiểu Bổn, nhưng chữ Đại thêm vào ấy không có căn cứ. Tiết bản của ông Bành và hội bản của ông Ngụy đều đặt tên là Vô Lượng Thọ Kinh giống như bản Ngụy dịch, nhưng ba bản khác nhau mang cùng một tên dễ gây nhầm lẫn. Ông Vương Chánh Định lại đổi tên hội bản của ông Ngụy thành Ma Ha A Di Đà kinh. Hai chữ Ma Ha cũng không có căn cứ.

Xét cả mười hai bản dịch từ đời Hán đến đời Tống, dùng chữ Vô Lượng Thọ làm tên đã hết mười bản, dùng chữ Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác đặt tên có hai bản. Dùng Chánh Giác để đặt tên có một bản. Bản dịch đầu tiên là bản Hán dịch có tên Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh. Bản cuối cùng là bản đời Tống có tên Phật thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm kinh.

Nay hội bản này lấy tựa đề Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh của bản Tống dịch làm đầu, bỏ chữ kinh trùng lập đi, lấy tựa đề Vô Lượng Thanh Tịnh Trang Nghiêm Bình Đẳng Giác kinh, bỏ hai chữ trùng lập là Vô Lượng; vì vậy, tựa đề kinh thành ra Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Tự nhiên hay khéo, chẳng cần đẽo gọt, nguyên danh của hai bản dịch gộp thành một tên. Mười hai đề kinh đều gộp trong một tựa đề. Ý chỉ lớn lao của toàn bộ kinh tự nhiên rọi trước mắt. Yếu nghĩa của Tịnh tông chứa trọn trong đề kinh. Nhân pháp dụ, giáo lý hạnh, thể tướng dụng v.v.. cùng hiện rõ trong một cái tên như hạt châu trong lưới Đế Thích thâu nhiếp trọn vẹn hết thảy pháp mầu. Do đây, có thể thấy được đôi phần chỗ hay khéo của hội bản này.

Chữ đầu của tựa kinh là Phật. Phật là tiếng gọi tắt của chữ Phạn ‘Phật Đà’, nghĩa là Người Giác Ngộ. Giác là đối với mê mà nói. Mê là chúng sanh. Ba điều giác ngộ trọn vẹn thì gọi là Phật. Ba điều giác ngộ là: tự giác, giác tha, và giác mãn. Ba giác viên mãn gọi là Phật Đà. Vì vậy, Phật là chúng sanh viên mãn trọn cả ba giác, chúng sanh là Phật chưa giác ngộ.

Thêm nữa, Phật là một trong mười hiệu. Mười hiệu là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật. Đầy đủ mười hiệu thì được đời tôn trọng nên gọi là Thế Tôn.

Thế Tôn tiếng Phạn là Bạc Già Phạm (Bhavagan). Kinh Phật Địa chép: ‘Bạc Già Phạm thanh tịnh bậc nhất, cùng tột pháp giới, cùng tận hư không, suốt trọn đời vị lai’ (Luận Thành Thật gộp chung cả Vô Thượng SĩĐiều Ngự Trượng Phu thành một hiệu, tức là cho rằng từ chữ Như Lai đến Thế Tôn là mười hiệu. Mười hiệu sẽ được giải thích tường tận trong phẩm thứ tư).

Trên đây đã chỉ ra Phật là danh hiệu chung của bậc cực thánh.

Xét trong kinh này, chữ Phật trong tựa kinh là đức Sa Bà giáo chủ: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Tàu dịch tên ngài là Năng Nhân Tịch Mặc. Năng Nhân là dụng, Tịch Mặc là thể. Quả cao vòi vọi đến mức rốt ráo hoàn toàn, đại thừa nguyện thuyền sanh đời ngũ trược, thị hiện thành Phật để hóa độ chúng ta, diễn thuyết kinh này, chính là bậc từ phụ đại ân đại đức của hết thảy chúng sanh, là bậc đạo sư không pháp nào chẳng biết, không pháp nào chẳng thấy, là đấng Thích Tôn đại giác viên mãn.

Thuyết là duyệt (vui vẻ), đẹp lòng mong mỏi. Hai chữ ‘Phật thuyết’ chỉ rõ kinh này được chính kim khẩu của Phật nói ra, chẳng phải do kẻ khác nói. Phật lấy độ sanh làm nguyện, nay chúng sanh cănchín muồi, kham thọ đại pháp Tịnh Độ giải thoát rốt ráo. Vì vậy, ngài vui vẻ nói để phô bày bổn hoài.

‘Đại thừa’ là dụ. Thừa có nghĩa là chuyên chở. Được kẻ lớn sử dụng, hoặc pháp được sử dụng là lớn lao thì gọi là Đại thừa, khác hẳn Thanh Văn, Duyên GiácTiểu thừa chỉ cầu tự giác. Thập Nhị Môn Luận viết:

‘Trong hai thừa, Ma Ha Diễn cao hơn nên gọi là Đại thừa. Phật đại nhân cỡi cỗ xe (thừa) này nên gọi là Đại.

Lại trừ diệt được nỗi khổ lớn lao của chúng sanh, ban cho sự đại lợi ích nên gọi là Đại.

Nó lại còn là thừa của các vị Đại Sĩ: Quán Thế Âm, Đắc Đại Thế, Văn Thù Sư Lợi, Di Lặc Bồ Tát... nên gọi là Đại.

Lại do dùng thừa này để tột cùng bờ, đáy của hết thảy các pháp, nên gọi là Đại.

Lại như trong kinh Bát Nhã, Phật tự nói Ma Ha Diễn vô lượng vô biên. Do các nhân duyên ấy, gọi là Đại’.

Kinh Bửu Tích lại nói: ‘Đạo thực hành của chư Phật Như Lai chánh chơn chánh giác, thừa ấy gọi là Đại Thừa’.

Các kinh, luận trên đây chỉ rõ Đại Thừa chỉ có chư Phật, Bồ Tát mới có thể thực hiện (thừa) nổi, nên nói: ‘Được kẻ lớn sử dụng’.

Hơn nữa, đạo được vận dụng là sở hạnh của chư Phật Như Lai nên pháp được sử dụng là lớn lao. Vì vậy, gọi là Đại Thừa.

Hơn nữa, cái ‘Đại’ này ngay do thể thành tên, Đại có nghĩa là thường trọn khắp.

Thể không bờ bến, dứt bặt các đối đãi: ngang thì khắp trùm mười phương, dọc thì thông suốt ba đời. Quá khứ vô thỉ, vị lai vô chung, chẳng có pháp nào trước, chỉ có cái này có trước hết thảy các pháp (như bài kệ của Phó Đại Sĩ: ‘Có một vật có trước cả trời đất, vốn vô hình lặng lẽ’) nên cưỡng gọi là Đại như kinh Niết Bàn chép: ‘Cái Đại vừa được nói đó được gọi là Thường’. Lại chép: ‘Cái Đại vừa nói đó tánh nó rộng lớn dường như hư không’.

Trong kinh này, hai chữ Đại Thừa dùng để ví cho Đệ Nhất Nghĩa Đế của Tịnh Tông: ‘Tâm này là Phật, tâm này làm Phật’. Tâm năng niệm vốn đã là Phật, khởi tâm niệm Phật, niệm niệm làm Phật nên cái pháp được thực hành ấy to lớn.

Hơn nữa, năng tu chính là cái tâm ‘tâm này là Phật’. Cái được tu (sở tu) chính là cái tâm ‘tâm này làm Phật’. Năng tu, sở tu chỉ là một tâm, ngay nơi tâm ấy là Phật. Tâm, Phật chẳng hai nên lại có thể nói rằng: năng tu chính là ông Phật ‘tâm này là Phật’, sở tu là ông Phật ‘tâm này làm Phật’. Tự Phật, tha Phật chỉ là một Phật. Tự, tha chẳng hai. Tự, tha giống hệt nhau. Tu, chứng chẳng hai, siêu tình, ly kiến. Vì vậy, cưỡng gọi là Đại.

Đem cái năng thừa, sở thừa ấy cưỡng gọi là Đại nên trong tên kinh, dùng Đại Thừa làm thí dụ để chỉ rõ cái yếu chỉ của trọn bộ kinh.

‘Vô Lượng Thọ’, tiếng Phạn là A Di Đà, tức là thánh hiệu của đấng giáo chủ thế giới Cực Lạc được nói trong kinh này. Ba chữ A Di Đàmật ngữ hàm chứa vô biên mật nghĩa. Nếu dịch thánh hiệu ấy từ Phạn sang Hán để tỏ rõ yếu chỉ bí mật bằng ngôn từ thông thường, ta có thể dịch tên ngài thành vô biên đức hiệu. Kinh này dịch tên ngài thành Vô Lượng Thọchỉ trích lấy một nghĩa trọng yếu nhất mà thôi.

Mười hai thánh hiệu như: Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang… nói trong kinh cũng chính là đức hiệu của Phật A Di Đà. Bản dịch đời Hán dịch tên ngài thành Vô Lượng Thanh Tịnh Phật, Vô Lượng Giác, Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác (chữ Giác ở đây cùng nghĩa với chữ Phật).

Ba thánh hiệu vừa nêu đều có chữ Vô Lượng, nhưng thật ra, công đức, trí huệ, thần thông, đạo lực của Phật, sự trang nghiêm của y báo, chánh báo, thuyết pháp, hóa độ mỗi một thứ đều vô lượng. Do đức Thế Tôn diệu đức vô lượng nên đức hiệu của ngài cũng vô lượng. Trong mỗi danh hiệu lại hàm chứa vô lượng đức nên trì danh ngài sẽ chiêu cảm được vô lượng đức.

Ba chữ đầu tiên trong danh hiệu bản kinh này là Vô Lượng Thọ: dùng ba chữ ấy để thống nhiếp những điều được giảng trong kinh vì Vô Lượng Thọ là thể của Pháp Thân thường trụ.

Thọ là thể của trí Như Như. Quang là tướng của trí Như Như. Vì vậy, dẫu tên kinh chỉ nói về thọ đức nhưng cũng ám chỉ quang đức.

Sách Bình Giải giảng: ‘Hết thảy ba thứ trang nghiêm của Cực Lạc Tịnh Độ (Phật trang nghiêm, Bồ Tát trang nghiêm, quốc độ trang nghiêm) đều quy về thọ mạng’.

Lại còn viết rằng: ‘Ba thứ trang nghiêm của y báo, chánh báo nơi cõi nước An Lạc nằm gọn trong một pháp cú Vô Lượng Thọ vậy’.

Vì vậy, đức hiệu Vô Lượng Thọ được nêu trong tựa đề kinh này gồm cả nguyện hạnh của Pháp Tạng khi ngài còn tu nhân lẫn quả địa Phật đức. Y, chánh, chủ, bạn của Cực Lạc, yếu chỉ của kinh, không một điều nào chẳng được thâu tóm trọn vẹn trong tựa đề bản kinh này.

Sách Thám Huyền Ký giảng chữ ‘Trang Nghiêm’ rằng: ‘Trang nghiêm có hai nghĩa: Một là đầy đủ đức, hai là trang hoàng cho đẹp đẽ’. Vì vậy, kinh Tiểu Bổn nói: ‘Cõi nước Phật ấy thành tựu công đức trang nghiêm như thế’. Xin xem lại phần trên ba thứ trang nghiêm được nói trong Vãng Sanh Luận. Nếu bàn tỉ mỉ thì có đến hăm chín thứ trang nghiêm, do quá nhiều nên ở đây chẳng trích dẫn.

Kinh Vô Lượng Thọ chép: ‘Nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ’, ‘trang nghiêm các hạnh’, lại chép:

‘Ta đã thành tựu hạnh thanh tịnh trang nghiêm cõi Phật’, ‘Cõi nước Cực Lạc công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn như vậy’.

 Lại còn chép: ‘Cõi Cực Lạc kia đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm’.

Các đoạn được dẫn chứng như trên đã hiển thị rõ ràng ý nghĩa “trang nghiêm” trong tựa kinh. Các câu ‘Nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ’, ‘trang nghiêm các hạnh’ là hạnh nguyện thù thắng của Pháp Tạng. Bởi hạnh mà đắc quả nên nói: ‘Ta đã thành tựu hạnh thanh tịnh trang nghiêm cõi Phật’. Cảm được quả là cõi vui sướng nên nói: ‘Cõi Cực Lạc kia đầy đủ vô lượng công đức, trang nghiêm’.

Các câu ‘màu sắc đẹp đẽ chói lọi chẳng thể nhìn trọn nổi’, ‘vô lượng ánh sáng rực rỡ chiếu ngời vô cực’, ‘bạch châu, ma ni dùng làm dây chăng, sáng đẹp không gì sánh được’, ‘hoa, trái luôn thơm tho, quang minh rực rỡ’, ‘gió thổi ngát, nước chảy tỏa mùi thơm’, ‘vô lượng quang minh, trăm ngàn diệu sắc thảy đều đầy đủ’, ‘vật kỳ diệu, quý, lạ trang hoàng khắp nơi, ánh sáng, màu sắc chói ngời, đẹp đẽ đến cùng cực’ đều là những câu tả rõ thế giới của đức Phật ấy đủ các sự trang nghiêm khắp cả cõi nước, thể hiện ý nghĩa ‘trang hoàng’ của chữ ‘trang nghiêm’.

Còn các câu như ‘như thật an trụ, đầy đủ trang nghiêm’ trong phẩm thứ chín của kinh này lại nhằm diễn tả ý nghĩa ‘đầy đủ các đức’. Do vậy, thế giới Cực Lạc trang nghiêm như thế đều là do an trụ nơi Như Thật. ThậtChơn Thật Tế, nghĩa là ‘đầy đủ các đức’. Câu ‘hết thảy trang nghiêm hiện ra tương ứng’ trong phẩm mười lăm chính là nói về ý nghĩa ‘viên minh cụ đức’ của sự sự vô ngại pháp giới.

‘Thanh Tịnh’ là ba nghiệp thân, miệng, ý lìa hết thảy ác hạnh, phiền não, cấu nhiễm.

Sách Thám Huyền Ký giảng: ‘Tam nghiệp không lỗi thì bảo là thanh tịnh’, nghĩa là ba nghiệp: thân, miệng, ý đều không có lầm lỗi.

Thêm nữa, cõi ‘thanh tịnh’ chỉ Tịnh Độ, thân ‘thanh tịnh’ chỉ Phật thân, người thanh tịnhNhư Lai. Sách Vãng Sanh Luận lại bảo ba thứ trang nghiêm vào trong một pháp cú. Một pháp cúthanh tịnh cú. Thanh tịnh cú là chơn thật trí huệ vô vi Pháp Thân. Điều này xứng hợp một cách khéo léo tự nhiên với chữ ‘trang nghiêm thanh tịnh’ được dùng trong tựa đề bản kinh.

Ba thứ trang nghiêmvô lượng trang nghiêm bao gồm trong một thanh tịnh cú, ấy chính là ‘hết thảy tức là một’. Kinh còn chép:‘Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh’, đó chính là ‘một tức là hết thảy’. Huyền chỉ kinh Hoa Nghiêm lại được thấy nói khắp nơi trong kinh này.

Hơn nữa, bản Hán dịch gọi Phật A Di ĐàVô Lượng Thanh Tịnh Phật, nguyện thứ mười tám trong bản dịch ấy ghi:

‘Khi tôi làm Phật, nhân dân trong các cõi Phật có kẻ hành đạo Bồ Tát thường nhớ nghĩ tôi với tâm tịnh khiết, lúc họ hết tuổi thọ, tôi cùng chẳng thể tính các tỳ kheo bay đến đón, cùng đứng trước mặt. Người ấy liền sanh về cõi tôi thành a duy việt trí’.

‘Tâm tịnh khiết’ trong câu trên chính là tâm thanh tịnh, cũng chính là thanh tịnh cú của Vãng Sanh Luận.

Phật tên là Vô Lượng Thanh Tịnh Phật, tâm Phậtvô lượng thanh tịnh tâm. Tóm lại, cả hai cùng là một pháp cú. Đó chính là thanh tịnh cú, tức là: chơn thật trí huệ vô vi Pháp Thân, cũng tức là một câu Phật hiệu. Vì vậy, phát đại tâm, trì danh niệm Phật, lúc mạng sắp dứt được Phật tiếp dẫn vãng sanh chính là tông chỉ ‘phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’ của kinh này.

Lại nữa, thanh tịnhbiểu thị Thật Tế lý thể: từ thanh tịnh cú sanh ra ba thứ trang nghiêm, ba thứ trang nghiêm cùng vào trong thanh tịnh cú, đấy là ý nghĩa ‘thanh tịnh trang nghiêm’ của tựa đề kinh.

‘Bình đẳng’ là vượt khỏi sai biệt. Câu kinh dạy: ‘Tâm, Phật, chúng sanh cả ba không sai biệt’ chính là nói rõ ý nghĩa chữ Bình Đẳng. Kinh Nhập Phật Cảnh Giới nói: ‘Bồ Đề gọi là bình đẳng, gọi là Chơn Như, cho đến bình đẳng chính là nhập bất nhị pháp môn’. Vì vậy, có sai biệt thì thành hai, tức là chẳng ‘Như’.

Vì thế, Bình Đẳng chính là nhập vào Bất Nhị, chính là Chơn Như. Đủ thấy: nghĩa bình đẳng rất sâu. Nay tựa đề kinh nói ‘Bình Đẳng Giác’ thì ta có thể hiểu theo bốn cách như sau:

- Một là pháp bình đẳng phổ giác hết thảy chúng sanh, tức là pháp khiến cho khắp hết thảy chúng sanh cùng bình đẳng thành Phật. Pháp ‘phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’ của kinh này thích ứng khắp ba căn. Kinh này dạy: ‘Hết thảy hàm linh trong tương lai đều nương theo pháp này mà được độ thoát’ chính là ý nghĩa ‘bình đẳng phổ giác’.

- Hai là dùng pháp bình đẳng để giác ngộ chúng sanh. Tịnh Ảnh sớ viết: ‘Vô tác, vô sở hữu v.v... là pháp bình đẳng’.

Pháp Trì Danh ‘tâm làm Phật, tâm là Phật’ thầm hợp diệu đạo, khéo nhập vô sanh, dẫu có niệm lại thành vô niệm, do vãng sanh chứng vô sanh, niệm đến khi năng - sở cùng mất, cho nên pháp Trì Danh chính là yếu chỉ ‘nên không trụ vào đâu để sanh tâm’ của kinh Kim Cang Bát Nhã và cũng đúng là pháp ‘vô tác, vô sở hữu’ nói trong Tịnh Ảnh Sớ.

Dùng pháp như vậy dạy dỗ chúng sanh, vượt ngang khỏi tam giới, thành Cứu Cánh Giác. Đó là dùng pháp bình đẳng để giác ngộ chúng sanh.

- Ba là, Bình Đẳng GiácChánh Giác của Như Lai. Chánh Giác không có hết thảy sự khác biệt: cao, thấp, sâu, cạn nên gọi là Bình Đẳng Giác.

- Bốn là riêng trong kinh này, Bình Đẳng Giác chính là danh hiệu của đấng giáo chủ Cực Lạc.

Tựa đề kinh gồm đủ các nghĩa nói trên.

‘Kinh’, tiếng Phạn là tu đa la, nghĩa đen là sợi chỉ, nghĩa bóngkhế kinh.

Chữ ‘Khế’ có hai nghĩa:

- Một là khế lý, lý là thật tế lý thể.

- Hai là khế cơ.

Cơ là cơ nghi (10), căn cơ của chúng sanh, cũng có nghĩa là thời cơ, thời tiết nhân duyên. Vì vậy, khế cơphù hợp với tính tình cùng thời đại của chúng sanh. Nay do nói gọn, bỏ chữ Khế, chỉ gọi là Kinh.

Kinh có đủ bốn nghĩa: xuyên suốt, thâu tóm, thường hằng, pháp. Xuyên suốt là lý xuyên suốt tất cả những điều được nói. Thâu tóm là thâu giữ chúng sanh được hóa độ. Thường là xưa nay chẳng đổi. Pháp là xa, gần cùng tuân theo. Dùng cả bốn chữ vừa nêu trên đây mới nói hết được ý nghĩa chữ Kinh.

Ngoài ra, những điều Phật dạy được gọi chung là Kinh. Vì vậy, một chữ ‘kinh’ trong tựa đề là tên chung, mười bốn chữ ‘Phật thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác’ là tên riêng của mình kinh này.

Các kinh được đặt tên chẳng ngoài việc dùng nhân (người), pháp, dụ: hoặc chỉ dùng một trong hai thứ (đơn), hoặc dùng cả hai hoặc ba (phức). Vì vậy, thành ra bảy loại: 3 loại chỉ dùng một thứ, 3 loại dùng đến hai thứ và một loại dùng đủ cả ba (cụ túc), cộng chung thành bảy loại.

Chẳng hạn như:

a. Chỉ dùng một thứ (đơn):

 - Đơn nhân: A Di Đà kinh. A Di Đà là nhân, không có pháp, dụ.

- Đơn pháp: Đại Bát Nhã kinh. Đại Bát Nhã là pháp, không có nhân, dụ.

- Đơn dụ: Phạm Võng kinh. Phạm Võng là dụ, không có nhân, pháp.

b. Phức:

- Nhân - pháp: Văn Thù Vấn Bát Nhã kinh, Văn Thù là nhân, Bát Nhã là pháp, không có dụ.

- Pháp - dụ: Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Diệu Pháp là pháp, Liên Hoa là dụ, không có nhân.

- Nhân - dụ: Bồ Tát Anh Lạc kinh, Bồ Tát là nhân, Anh Lạc là dụ, không có pháp.

c. Cụ túc nhân pháp dụ:

 Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Phật là nhân, Đại Phương Quảng là pháp, Hoa Nghiêm là dụ.

 Tựa đề hội bản kinh Vô Lượng Thọ đây cũng đủ nhân, pháp dụ:

Chữ Phật trong tựa đề kinh biểu thị người đắc quả cõi này, Vô Lượng Thọ là người đắc quả cõi kia, cho nên trong tựa đề kinh có người đắc quả của cả hai cõi. Bảy chữ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác là pháp. Hai chữ Đại Thừa là dụ. Thừa là cỗ xe. Kinh này có thể chuyên chở vô lượng chúng sanh cùng đến chỗ có của báu, giống như xe trâu trắng lớn trong kinh Pháp Hoa nên dùng Đại Thừa làm dụ.

Các kinh đều có đủ giáo-hạnh-lý: Dựa vàolập giáo, nương theo giáo tu hành, từ hành hiển lý. Những nhà chú giải khi giải thích đề kinh cần phải nói rõ trong đề kinh riêng có đủ giáo, hạnh, lý.

Xét về kinh này, ‘Phật thuyết Đại Thừa’ là giáo, ‘Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác’ là hạnh, ‘Vô Lượng Thọ’ là lý.

Vô Lượng Thọ hàm ý ba đời nhất như, bổn thể Pháp Thân thường trụ Niết Bàn, cũng chính là Phật tánh sẵn đủ của chúng sanh, là bổn tâm ‘tâm này là Phật’. Vì vậy, phán định Vô Lượng Thọ thuộc về lý vì nó chính là Thật Tế lý thể.

‘Phật thuyết Đại Thừa’ là giáo, nghĩa là nương theo lý thể ‘Vô Lượng Thọ’ để trực chỉ Đại Thừa.

Vô Lượng Thọ là dụ, vì Phật tuyên thuyết Đại kinh để nói về cái chúng sanh vốn sẵn có đủ. Lý do phán định chữ ‘Phật thuyết Đại Thừa’ là giáo đã rõ.

Lại còn từ giáo khởi hạnh nên ‘Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác’ chính là diệu hạnh được đức Phật giảng dạy. Một câu Di Đà dùng trang nghiêm tự tâm, thanh tịnh tự tâm thì chính là ‘y giáo tu hành’, chẳng nhọc phương tiện, tự được tâm khai hiển lộ trọn vẹn bình đẳng giác sẵn có. Ấy là dùng hạnh hiển lý.

Hơn nữa, được vãng sanh thì ngộ vô sanh nhẫn, từ thể khởi dụng, lại dùng diệu pháp bình đẳng này bình đẳng phổ độ hết thảy chúng sanh vãng sanh Tịnh Độ cùng chứng Đại Giác. Đấy cũng chính là từ các hạnh hiển lý vậy.

Nếu đem tựa đề kinh phối hợp với tam đại thì Vô Lượng Thọthể đại, Trang Nghiêm Thanh Tịnhtướng đại, Bình Đẳng Giácdụng đại.

Căn cứ theo bản Hán dịch, Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác nghĩa là A Di Đà Phật thì ta có thể đem tựa đề kinh này phối hợp với ba giác:

 - Vô Lượng Thọ PhậtBổn Giác của ta.

- Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm để trang nghiêm tự tâm là Thỉ Giác.

- Thỉ Giác hợp với Bổn Giác, thẳng tiến đến Cứu Cánh Giác chính là chữ ‘Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác’ trong tựa đề kinh.

 Lại có thể hiểu như sau: Bình Đẳng GiácBổn Giác của ta, khởi tâm niệm Phật để tự ‘trang nghiêm’ là Thỉ Giác. Thỉ, Bổn chẳng rời nhau, thẳng tiến trên đường giác ngộ, chóng vào được Tịch Quang, chứng ‘Vô Lượng Thọ’.

Như vậy, Bình Đẳng Giácnhân tâm (cái tâm dùng làm nhân) của ta, Vô Lượng Thọ là quả giác của chúng ta.

Diệu nghĩa được phát triển đến vô tận như thế nhưng đều nằm gọn trong tựa đề. Vì vậy, sách Viên Trung Sao có câu sớ như sau: ‘Nghe tựa đề kinh được vô lượng công đức’. Lời sao giảng: ‘Như kinh Kim Quang Minh và các kinh Đại Thừa khác phần nhiều nêu thuyết này’.

 

Phần Giải Thích Kinh Nghĩa 

A. Tự Phần 

Tự Phần lại chia làm hai: một là thông tự, hai là biệt tự.

Thông tự còn gọi là Chứng Tín Tự, các kinh đều có. Các ngài Thiên Thai, Gia Tường dựa theo sáu thứ thành tựu trong Pháp Hoa Luận để luận về Chứng Tín Tự.

Sáu thành tựu là như Tông Mật đại sư nói: ‘Một là tín, hai là văn, ba là thời, bốn là chủ, năm là xứ, sáu là chúng’. Sáu duyên chẳng đủ, giáo pháp chẳng hưng khởi được nên phải đủ cả sáu; do đó, bảo là thành tựu. Dùng sáu điều ấy để chứng thực kinh văn, xác quyết đây là lời Phật dạy chơn thật đáng tin, vì thế gọi là ‘chứng tín’. Hai phẩm đầu tiên của kinh này thuộc về thông tự phần.

Biệt tự còn gọi là phát khởi tự, tức là đầu mối phát khởi toàn kinh vì pháp chẳng thể tự khởi lên một mình. Phát khởi phải có duyên do. Duyên do phát khởi của các kinh khác nhau nên lại gọi là biệt tự.

Chẳng hạn như kinh Tiểu Bổn A Di Đà chẳng hỏi tự nói, kinh này thì do Thế Tôn phóng quang hiện tướng tốt lành, A Nan thưa hỏi mà nói. Mỗi kinh chẳng giống nhau nên gọi là biệt tự. Phẩm thứ ba của kinh này thuộc về phần biệt tự.

I. Thông tự

 1. Pháp hội thánh chúng

 Chánh kinh:

 Tôi nghe như thế này: Một thời, Phật tại thành Vương Xá, trong núi Kỳ Xà Quật, với các đại tỳ kheo chúng một vạn hai ngàn người câu hội. Hết thảy đại thánh đã đạt thần thông, tên các ngài là: tôn giả Kiều Trần Như, tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Đại Mục Kiện Liên, tôn giả Ca Diếp, tôn giả A Nan v.v... làm thượng thủ. Lại có Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát và hết thảy Bồ Tát trong Hiền kiếp đều đến nhóm hội.

 Giải:

‘Tôi nghe như thế này’ (như thị ngã văn): các kinh đều dùng bốn chữ này để đặt ở đầu kinh là do di giáo của đức Thế Tôn.

Khi Thế Tôn sắp bát Niết Bàn, A Nan buồn rầu chẳng kìm nổi, A Nê Lâu Đà khuyên ngài rằng: ‘Đau buồn ích chi, trước hết phải nên hướng về Phật thưa hỏi bốn việc: Việc thứ nhất, là đầu hết thảy các kinh nên đặt chữ nào?’ Phật liền đáp rằng: ‘Nên để như thị ngã văn, Phật tại chốn mỗ, thời mỗ...’. (tức là sáu thành tựu vừa nói ở trên).

Ở đây, chữ ‘Ngã’ chỉ A Nan.

‘Như thị ngã văn’ ngụ ý pháp môn như thế ấy chính do A Nan tôi được nghe từ đấng Thích Tôn. Câu này phá được nỗi nghi ngờ của người đương thời vì lúc A Nan kết tập kinh điển, đại chúng khởi lên ba điều nghi: một là nghi Phật sống lại, hai là nghi A Nan thành Phật, ba là nghi Phật ở phương khác đến. Vì vậy, khi A Nan nói: ‘Như thị ngã văn’ các mối nghi được giải quyết hết.

Nếu nghi rằng: Phật thành đạo đã hai mươi năm A Nan mới xuất gia, lại đến mười năm sau đó, A Nan mới vâng mạng làm thị giả; như vậy, với những kinh Phật dạy trong ba mươi năm trước đó sao A Nan lại đều bảo là ‘tôi nghe’? Có ba cách giải thích: triển chuyển văn, Phật trùng thuyết, A Nan tự thông.

- Triển chuyển văn: Kinh Báo Ân nói những kinh nào A Nan không được nghe trước đó thì nghe từ các tỳ kheo khác hoặc nghe chư thiên nói.

- Phật trùng thuyết: Kinh Báo Ân nói A Nan tuân lệnh Phật làm thị giả bèn xin ba điều, điều thứ ba là những kinh chưa được nghe xin Phật giảng lại. Phật chấp nhận.

- A Nan tự thông: Kinh Kim Cang Hoa nói A Nan đắc Pháp Tánh Giác Tự Tại tam muội nên với những kinh chưa nghe, ngài tự có thể ức trì.

 a. ‘Như thị’ là Tín Thành Tựu là điều đầu tiên trong sáu thứ thành tựu.

 Trí Độ Luận nói: ‘Biển cả Phật pháp, tin thì vào được’. Kinh Hoa Nghiêm lại dạy:‘Tín làm tay như người có tay đến chốn trân bảo, tùy ý nhặt lấy. Người nếu không tay không được thứ gì’. Rõ ràng, tín là cửa đầu tiên để nhập pháp, bỏ tín thì không cách nào nhập được. Tín là điều quan trọng nhất để lãnh hội được nên có câu: ‘Vừa vào cửa Tín liền lên địa vị Tổ’.

Chữ ‘Như thị’ còn chỉ cái thể của điều được nghe, tức là Lý Thể của Thật Tướng. Xưa nay chẳng biến đổi nên nói là ‘Như’. Đúng như lý mà nói nên bảo là Thị.

Với bản kinh này, Ngẫu Ích đại sư bảo: ‘Nương theo lý Thật Tướng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ quyết định chẳng sai nên bảo là Thị’ .

Do diệu lý Thật Tướng chỉ là tự tánh của một niệm tâm hiện tiền: chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng đi, chẳng đến, trạm nhiên, thường trụ nên nói là Như. Nương tâm tánh ấy niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì: năng niệm là tâm Thật Tướng, sở niệm (điều được niệm) là vị Phật của Thật Tướng, cái được sanh là cõi Thật Tướng, đều do Thật Tướng Chánh Ấn in vào. Vì vậy, đại sư nói: ‘Quyết định chẳng sai là Thị’.

b. ‘Ngã văn’văn thành tựu. Lúc A Nan kết tập pháp tạng tự nói: ‘Như thị pháp môn, ngã tùng Phật văn’ (Pháp môn như thế tôi nghe từ đức Phật). Ngã là tự ngã, Văn là đích thân nghe, đem điều ấy bảo với đại chúng thì thật đủ để chứng tín.

Thánh nhân vô ngã sao A Nan lại tự xưng là Ngã? Vì chẳng hoại giả danh vậy!

Thật Tướng vô tướng nên chẳng giống như phàm phu có Ngã. Thật Tướng chẳng phải là bất tướng nên chẳng giống Vô Ngã của Tiểu Thừa. A Nan thuận theo thế gian giả gọi là Ngã chẳng trái nghịch Đệ Nhất Nghĩa Đế.

Lại nữa, như Quán Kinh Sớ nói: ‘Không Ngã thì không ai nghe, không ai nghe thì sự giáo hóa tuyệt. Vì để truyền dạy, hóa độ chẳng tuyệt, giả danh nói Ngã’.

‘Văn’ (nghe) là căn tai phát sanh nhĩ thức. Ở đây chẳng bảo là tai nghe mà lại nói là ‘ngã văn’ là do chữ Ngã bao trùm các căn. Dùng cái tổng thể thay thế cho cái riêng biệt, dùng Ngã thế cho tai nên nói Ngã Văn.

‘Như Thị’ biểu thị tín nguyện, ‘ngã văn’ biểu thị sư thừa: điều tôi được nghe đều từ kim khẩu đức Thế Tôn nói ra, truyền thừa có đầu mối, quyết định chẳng phải do người khác nói, hoặc tôi tự bịa ra, dùng đây để chứng tín.

c. ‘Nhất thời’ (một thời) là Thời Thành Tựu. Thời chẳng phải là thật pháp, dài, ngắn tùy tâm, kéo dài hay thu gọn cùng một lúc, ba a tăng kỳ trong một niệm như Sớ Sao giảng:

‘Hoặc kẻ nói đắc đà-ra-ni: trong một sát na, trong một chữ, nói hết thảy pháp môn. Hoặc kẻ nghe do đắc nhĩ căn thanh tịnh: trong một sát na, lúc nghe một chữ, với hết thảy những thứ khác đều không chướng ngại. Hoặc kẻ nói trong chốc lát, người nghe lâu dài. Hoặc kẻ nói lâu lắc, người nghe thành chốc lát. Hoặc kẻ nói dùng thần lực kéo dài hay thâu ngắn tùy nghi, căn khí của kẻ nghe lợi, độn chẳng phải chỉ một loại.

Cổ đức bảo thánh, phàm trong tam thừa thấy báo thân, hóa thân của Phật, tuổi thọ dài ngắn, thành Phật lâu, mau đều chẳng giống nhau. Nay chỉ lấy khoảng thời gian Phật cùng đệ tử, thầy trò cơ cảm tương ngộ, nói, nghe xong xuôi thì gọi là Một Thời’.

Hơn nữa, kinh Phật Địa Luận dạy: ‘Nói nghe xong xuôi gọi chung là Một Thời’.

Bởi vậy, trong kinh chẳng nói là năm đó, tháng đó, chỉ căn cứ lúc thầy, trò căn cơ tương ứng hòa hợp, nói, nghe hoàn tất thì gọi là ‘một thời’. Hơn nữa, trong kinh chẳng nêu năm tháng vì lịch pháp mỗi nơi chẳng giống nhau.

Thêm nữa, cách phân chia thời gian trên thế giới chẳng giống nhau: Một ngày đêm trên trời Tứ Thiên bằng với năm mươi năm dưới trần.

Vả lại, khoa học hiện đại đã chứng minh rằng thời gian mặt trời đi trọn một vòng quanh trung tâm hệ Ngân Hà (tức là một năm thái dương) tương đương với thời gian hai vạn vạn năm trên địa cầu. Tốc độ chuyển động của vật thể càng gần với vận tốc ánh sáng thì thời gian cũng tùy theo vận tốc chuyển động của vật thể mà biến đổi chẳng có số lượng nhất định. Vì thế, trong kinh chỉ nói ‘một thời’ là hết sức thực tế vậy.

d. ‘Phật’Chủ Thành Tựu. Phật là tông chủ của hết thảy chúng sanh nên gọi là Chủ. Hơn nữa, trong sáu thành tựu, Chủ Thành Tựu đóng vai trò trọng yếu nhất.

Phật, tiếng Phạn là Phật Đà, nay chỉ nói Phật là nói gọn. Phật Đà dịch sang tiếng Hán là Giác Giả. Tự giác, giác tha, giác hạnh viên dung.

Tự giác là khác với phàm phu bất giác.

Giác tha là khác với Nhị Thừa chỉ giác ngộ riêng mình.

Giác mãn là khác với Bồ Tát còn đang tu nhân. Ba giác cùng viên mãn, là bậc tôn quý nhất trong thánh chúng nên xưng là Phật.

Lại còn dịch là Trí giả, trí chính là nghĩa của chữ Giác. Trí không gì chẳng biết nên nói: đắc nhất thiết chủng trí, đó là nghĩa của chữ ‘giác mãn’. Trong kinh này, chữ Phật ở đây chỉ cho đấng đại ân từ phụ: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

e. ‘Tại thành Vương Xá, trong núi Kỳ Xà Quật’ là Xứ Thành Tựu.

Về thành Vương Xá, từ xưa cho rằng có hai thành: một là Thượng Mao Thành (hoặc là Thượng Đệ thành, cựu thành), hai là Hàn Lâm Thành (tân thành), hai thuyết bất nhất. Theo Trí Độ Luận:

Sau khi Phật niết-bàn, vua A Xà Thế do thấy nhân dân ít đi bèn bỏ đại thành Vương Xá, dựng tiểu thành ở gần đó’.

Sách Bình Giải giảng: ‘Thành Vương Xá vốn là thành cũ Thượng Đệ. Lại dựng thành nhỏ là thành Hàn Lâm. Đấy là thành vua A Xà Thế đắp sau khi Phật diệt độ, Phật nào có trụ nơi thành mới? Rõ ràng chỗ Phật từng ở là Thượng Đệ thành’.

Lời này chứng minh được rằng Phật nói kinh này tại cựu thành. Sách Từ Ân Truyện chép:

‘Vương Xá cựu thành ở nước Ma Yết Đà, xưa kia nhiều vị quân vương sống trong ấy. Nơi thành ấy lại có mọc nhiều cỏ tranh thơm (hương mao) đẹp đẽ nên gọi tên như vậy’.

Lại nữa, sách Vọng Tây Sớ của Nhật viết: ‘Nếu theo ý tông gia, ta nên gọi [thành Vương Xá] là Thượng Mao’ (tông gia: chỉ ngài Thiện Đạo đại sư), ý nói: thành Vương Xá nói trong kinh đó chính là cựu thành Thượng Mao. Thuyết này đáng tin nên chẳng nêu các thuyết khác.

Pháp Hoa Luận viết: ‘Như thành Vương Xá vượt xa hết thảy các thành khác, ngụ ý pháp môn này là tối thắng’:

Xứ Ngũ Thiên Trúc có mười sáu thành lớn, thành Vương Xá lớn nhất, cho nên Phật trụ ở thành này nói kinh là để hiển thị sự tối thắng của kinh này.

Lại nữa, sách Đại Bảo Tích Kinh Luận ghi:

‘Hỏi: Vì sao pháp này chỉ nói ở thành Vương Xá mà không nói ở các thành quách khác?

Đáp: Do bởi pháp môn này là trụ xứ của pháp vương. Ví như thành Vương Xá là chỗ cư ngụ của vua nên gọi là Vương Xá. Pháp môn này cũng giống thế, là chỗ cư ngụ của pháp vương. Để biểu thị nghĩa này nên nói là trụ thành Vương Xá’.

Núi Kỳ Xà Quật là một trong năm hòn núi ngoài thành Vương Xá. Tịnh Ảnh Sớ viết:

‘Núi Kỳ Xà, Tàu dịch là núi Linh Thứu. Núi này có nhiều bậc linh tiên cư trụ nên gọi là Linh. Cũng do có chim Thứu sống trong núi này nên gọi là Thứu’ và: ‘Đảnh núi này hình giống đầu chim Thứu nên cũng gọi là Thứu Đầu sơn’.

Sách Tây Vực Ký nói về núi này như sau: ‘Mặt Nam của phía Bắc núi đột nhiên cao vót lên như chim Thứu đậu, cũng giống như cái đài cao. Sắc núi biếc in lên không trung đậm nhạt rõ nét. Như Lai ngự trong đời năm mươi năm thường ở núi này thuyết nhiều diệu pháp’.

Trí Độ Luận giảng:

Núi Kỳ Xà Quật hơn hết trong năm ngọn núi vì:

* Tinh xá trong núi này gần thành nhưng khó lên được. Vì gần thành nên đi khất thực không vất vả, khó lên nên hạng người tạp nhạp chẳng tới. Vì vậy, ngự ở núi này chẳng trụ nơi chỗ khác.

* Núi Kỳ Xà Quật này là chốn phước đức xa xưa, là chỗ thánh nhân thích ở. Phật là chúa các thánh nên hay ngự ở đây.

* Núi Kỳ Xà là trụ xứ của tam thế chư Phật.

* Trong núi này thanh tịnh, là nơi có phước đức, vắng vẻ, thanh tịnh, là hành xứ của hết thảy chư Phật, là nơi được thập phương Bồ Tát cung kính, khen ngợi, tám bộ đại lực chúng thần thủ hộ cung kính, cúng dường. Các kinh Đại thừa phần nhiều được nói tại núi này.

* Trong núi, mười phương vô lượng đại lực Bồ Tát vô lượng trí huệ, phước đức thường đến gặp Thích Ca Mâu Ni Phật, lễ bái, cung kính nghe pháp. Các kinh Đại thừa phần nhiều giảng tại núi này’.

Sách Pháp Hoa Luận viết: ‘Núi Kỳ Xà Quật trỗi hơn các núi khác, Phật thường ngự ở đây thuyết pháp nhằm hiển thị pháp này là tối thắng’. Vì lẽ đó, kinh này được nói tại núi này.

 f. ‘Với các đại tỳ kheo chúng một vạn hai người câu hội’: Phẩm này chỉ nêu tỳ kheo chúng và Bồ Tát chúng. Cuối phẩm thứ ba sẽ nêu đủ các ba chúng đệ tử và các thiên chúng:

‘Lại có tỳ kheo ni năm trăm người, thanh tín sĩ bảy ngàn người, thanh tín nữ năm trăm người. Dục giới thiên, Sắc giới thiên, chư thiên Phạm chúng cùng nhóm trong đại hội’.

Cuối kinh cũng chép: ‘Chư Bồ Tát, Thanh Văn, thiên long bát bộ, hết thảy đại chúng, nghe lời Phật dạy đều hoan hỉ lớn, tin nhận, vâng làm’ cho thấy lúc Phật thuyết kinh, trong hội có các đại Bồ Tát, Thanh Văn, tỳ kheo, tỳ kheo ni, thanh tín sĩ, thanh tín nữ, cho đến chư thiên Phạm chúng, thiên long bát bộ đều đến nghe pháp. Đây chính là Chúng Thành Tựu trong sáu thành tựu.

Trong hội có Bồ Tát, Thanh Văn, các hạng trời, nguời và tứ chúng đệ tử cõi này: một vạn hai ngàn người cùng nghe, chẳng phải chỉ mình A Nan được nghe, điều ấy đủ để chứng tín vậy.

Câu ‘Với các đại tỳ kheo’ biểu thị Phật cùng đại chúng cùng ở trong hội.

‘Tỳ kheo’ là tiếng Phạn, danh từ này có đến ba nghĩa nên chẳng phiên dịch. Ba nghĩa là:

- Khất sĩ: tức là khất thực, khất pháp. Khất thực là đã xuất gia rồi thì xin ăn để nuôi thân, chẳng làm ăn, không tích chứa, bỏ hết vạn duyên, một dạ thanh tu, nên nói: Xin ăn để nuôi thân. Khất pháp là tìm thầy hỏi đạo, nằm sương dãi gió, tìm cầu Phật pháp mong thành thánh quả, nên bảo: khất pháp để dưỡng tâm.

- Phá ác: chánh huệ quán sát phá phiền não ác, hết kiến tư hoặc, siêu xuất tam giới.

- Bố ma (làm ma sợ hãi): Như kinh Niết Bàn nói: ‘Tánh ma cấu tệ (theo Trung Hoa Đại Tự Điển, chữ Cấu có tám nghĩa, một nghĩa trong ấy là Ác), kỵ người hơn mình. Thấy ai hơn mình lòng sanh kinh hãi. Lại sợ người ấy giáo hóa nhiều chúng sanh cùng thoát khỏi sanh tử khiến cảnh giới ma trống rỗng nên sanh lòng sợ hãi’.

Nếu người xuất gia thọ giới, Yết Ma thành tựu thì được không hành dạ xoathiên hành dạ xoa lan truyền nhau khen ngợi. Tiếng đồn lên đến tầng trời thứ sáu của Dục giới, ma nghe thấy sanh tâm hoảng sợ.

‘Đại’ tiếng Phạn là Ma ha, có ba nghĩa là đại, đa, thắng.

* Đại là như A Di Đà Sớ Sao giảng: ‘Thiên vương, đại nhân cùng kính ngưỡng, do đức chẳng nhỏ nên gọi là Đại’. Tịnh Ảnh Sớ chép: ‘Đức cao quý mênh mông hơn hẳn kẻ cận học khác nên gọi là Đại’.

* Đa là nội điển, ngoại tịch không sách vở nào chẳng thông suốt rộng rãi, chẳng phải là kẻ hiểu biết ít ỏi, nên gọi là Đa.

* Thắng là vượt hơn những kẻ học khác, vượt lên trên cả chín mươi sáu thứ ngoại đạo.

Ngoài ra, Phật Địa Luận còn nêu ba nghĩa khác: Một là lợi căn tột bực, là chủng tánh ba la mật. Hai là đắc quả vị vô học. Ba là đắc tiểu quả rồi, tiến lên đại Bồ Đề. Do ba nghĩa trên đây nên gọi là Đại.

Ngài Gia Tường lại bảo: Đại có ba nghĩa, một là sanh sự hiểu biết lớn lao, hai là phá ác lớn, ba là chứng đại quả.

Do những điều trên, ta thấy đại tỳ kheo là bậc tỳ kheo đức cao trọng vọng, từ Tiểu thừa hướng đến Đại thừa, là bậc tôn túc trong các tỳ kheo.

‘Một vạn hai ngàn người câu hội’ là nói về số lượng các vị tỳ kheo. Bộ Hội Sớ của Nhật viết:

Các kinh thường nêu một ngàn hai trăm năm mươi người. Kinh này và kinh Pháp Hoa lại nói một vạn hai ngàn người. Đó là do bổn hoài xuất thế, là pháp hội thù thắng cả một đời nên thập phương đại đức đều như mây nhóm đến’.

Thuyết trên rất đúng, hội chúng đông đảo biểu thị Thế Tôn thuyết pháp thù thắng. Chữ ‘câu’ lại có nghĩa là cùng nhóm đến.

Câu ‘Hết thảy đại thánh thần thông đã đạt’ khen ngợi đức của các đại tỳ kheo. ‘Hết thảy’ là tiếng để bao gồm tất cả sự vật, ‘hết thảy’ còn có nghĩa là khắp cả. ‘Hết thảy đại thánh’ là lời khen ngợi. Gia Tường sớ giảng: ‘Tâm dạo nơi không lý; ẩn, hiển khó lường nên gọi là thánh nhân’.

Hội Sớ viết: ‘Từ Sơ Quả trở lên đều gọi là Thánh. Đã cùng tột quả Đại A La Hán thì gọi là Đại Thánh. Cũng có thể hiểu là ngoài hiện làm Thanh Văn, trong ẩn giấu hạnh Bồ Tát nên gọi là Đại Thánh’.

Tịnh Ảnh Sớ viết: ‘Đại có hai nghĩa: một là địa vị cao lớn, hai là đức thù thắng, nên gọi là Đại. Hiểu biết đúng đắn gọi là Thánh’.

Từ những điều trên, ta thấy: nếu từ đức mà nói thì khế hợp Không lý, hiểu đúng chánh đạo gọi là Thánh. Hoặc từ địa vị mà nói: từ Sơ Quả trở lên gọi là Thánh, nhưng phải hồi Tiểu hướng Đại, hành Bồ Tát đạo, hướng thẳng đến Phật quả (mới gọi là tột cùng quả Đại A La Hán), hoặc là bậc đại quyền thị hiện mới gọi là Thánh.

Ngài Tịnh Ảnh lại nói: ‘Thần thông’ đã đạt: khen ngợi đức của họ thù thắng. Việc làm thần dị nên gọi là Thần. Không bị úng trệ là Thông, tức là thân thông (thần túc thông), thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm và lậu tận. Vì vậy, Thần nghĩa là chẳng lường được, Thông nghĩa là vô ngại’.

Về chữ ‘đạt’, ngài Gia Tường giảng: ‘Đạt là chứng, chính là chứng sáu thông, tam minh.’

Đương thời, ngài A Nan tuy chưa đắc Lậu Tận, nhưng do là đương cơ nên cũng kể trong số các vị này. Ngài Tịnh Ảnh lại giải thích rằng:

‘A Nan lợi căn tăng thượng tuy còn ở địa vị Hữu Học (chưa được quả vị vô học) mà thành được vô thượng công đức thắng diệu nên gọi là Đại Thánh. Đã hiểu biết trọn vẹn thần thông nên cũng gọi là đã đạt’. Do vậy, ngài A Nan cũng được nêu tên trong ‘hết thảy đại thánh thần thông đã đạt’.

‘Tên các ngài là: tôn giả Kiều Trần Như’: Tôn Giả, tiếng Phạn là A Lê Gia (Arya), dịch là thánh giả, tôn giả, tức là bậc trí đức đầy đủ đáng tôn trọng, cũng là tiếng tôn xưng A La Hán. Ngài Tịnh Ảnh nói: ‘Có đức đáng tôn trọng nên gọi là Tôn Giả’. Sách Hội Sớ giảng: ‘Tôn là tôn quý, có đức đáng quý nên gọi là Tôn Giả’.

Kiều Trần Như: tên gọi đủ trong tiếng Phạn là A Nhã Kiều Trần Như. A Nhã là tên, Kiều Trần Như là họ, dịch sang tiếng Hán là Liễu Bổn Tế, Tri Bổn Tế hoặc là Dĩ Tri (đã biết), Vô Tri (Vô Tri không có nghĩa là không biết gì mà có nghĩa là biết được cái không).

Ngài Tịnh Ảnh bảo: ‘A là không, Nhã là trí. Chứng Vô Thành Trí nên gọi là Vô Trí. Vô là bổn tánh của hết thảy các pháp nên gọi là Bổn Tế. Hiểu biết rõ ràng bổn tế ấy nên gọi là Liễu Bổn Tế’.

Lúc đức Thế Tôn chuyển pháp luân lần thứ nhất độ năm tỳ kheo, ngài Kiều Trần Như ngộ đạo đầu tiên.

Sách Pháp Hoa Văn Cú chép: ‘Ngài là đệ tử thứ nhất trong giáo pháp của Phật Thích Ca’.

Trong phẩm Đệ Tử kinh Tăng Nhất A Hàm, Phật gọi ngài là ‘Tỳ kheo bậc nhất trong hàng Thanh Văn của ta: khoan dung, nhân từ, hiểu rộng, có khả năng khuyến hóa khéo léo, dạy dỗ thánh chúng, chẳng mất oai nghi’.

Kinh này trước hết nêu tôn danh của ngài nhằm biểu thị: người có thể nghe nhận kinh pháp này đều là đệ tử bậc nhất. Phẩm ‘Chẳng phải là Tiểu thừa’ của kinh này chép:

‘Được nghe danh hiệu A Di Đà Phật rồi có thể trong một niệm sanh lòng hoan hỷ, quy y chiêm lễ, đúng lời dạy tu hành… nên biết người ấy chẳng phải là Tiểu thừa, đáng gọi là đệ tử bậc nhất trong pháp của ta’.

‘Tôn giả Xá Lợi Phất’: chữ Xá Lợi trong tiếng Phạn là chim Thu Lộ, Phất là con. Do vậy, tên ngài dịch là Thu Tử. Tên ngài đặt theo mẹ, mẹ ngài thân hình đoan chánh, mắt trong như mắt chim Thu Lộ nên đặt tên ngài là Thu Tử, nghĩa là con của bà Thu Lộ. Ngài còn có tên là Châu Tử, cũng là do mắt mẹ ngài trong như ngọc. Ngài còn được gọi là Thân Tử vì mẹ ngài thân hình đoan chánh.

Xá Lợi Phất là bậc trí huệ đệ nhất trong các Thanh Văn đệ tử Phật. Lúc còn trong thai, ngài đã khiến cho mẹ nói năng hùng hồn hơn cả ông cậu Câu Hy La (ông này sau cũng chứng A La Hán). Tám tuổi đã lên tòa giảng, mười sáu tuổi đi các nước nghị luận vô song, trong vòng bảy ngày hiểu trọn Phật pháp.

Kinh này nói đến pháp hết thảy thế gian khó tin được, chỉ có bậc đại trí mới có thể tin tưởng sâu xa chẳng nghi ngờ. Vì vậy, tên ngài được kể ở đầu kinh ngay sau ngài Kiều Trần Như.

‘Tôn giả Mục Kiện Liên’ chính là ngài Ma Ha Mục Kiện Liên trong kinh A Di Đà. Ma Ha nghĩa là lớn, Mục Kiện Liên là họ, dịch là Tán Tụng hay Thái Thúc hoặc Lai Phục Căn. Dòng họ này nhiều người xuất gia nên trước tên của tôn giả thêm chữ Đại thành Đại Thái Thúc (Đại Mục Kiện Liên) để phân biệt. Tên ngài là Câu Luật Đà. Cha tên Tướng Quốc, cầu con từ thần cây Câu Luật Đà sanh được ngài nên đặt tên như thế. Trong các đệ tử Phật, ngài thần thông đệ nhất.

Trí Độ Luận viết: ‘Như Xá Lợi Phất là bậc trí huệ đệ nhất, Mục Kiện Liên thần túc đệ nhất’, ‘Xá Lợi Phất là đệ tử bên phải Phật, Mục Kiện Liên là đệ tử bên trái’.

Tôn giả thần thông rất rộng, chẳng hạn như: đem toàn bộ người họ Thích trong một thành bay lên trời Phạm thiên. Ngoại đạo dời núi, ngài chế ngự khiến núi chẳng lay động, hàng phục rồng độc v.v... những sự như vậy khó lòng thuật đủ.

‘Tôn giả Ca Diếp’: Ca Diếp là họ, Tàu dịch là Quy hoặc Ẩm Quang. Ngài tên Tất Ba La, cũng là tên một loài cây. Do cha mẹ cầu đảo nơi thần cây ấy sanh ra ngài nên lấy tên cây đặt tên. Tôn giả là con nhà trưởng giả đại phú, bỏ cả gia tài lớn lao, tu đại hạnh đầu đà, được mọi người biết đến nên gọi là Đại Ca Diếp để phân biệt với ba vị Ca Diếp đồng thời: Thập Lực Ca Diếp, Đồng Tử Ca Diếp, Đồng Nữ Ca Diếp.

Ca Diếp còn dịch là Quy. Sách Pháp Hoa Văn Cú viết: ‘Đời xưa học đạo, rùa thiêng đội bản đồ tiên ứng hiện. Tên dòng họ được đặt theo đức nên gọi là họ Quy’.

Ca Diếp còn dịch là Ẩm Quang vì thời Phật Tỳ Bà Thi, ngài làm thợ luyện kim cùng một cô gái nghèo dùng vàng ròng trang hoàng tượng Phật. Từ đấy trở đi, trong chín mươi mốt kiếp, thân như vàng ròng, quang sắc chói lòa che lấp các sắc khác nên gọi là Ẩm Quang (Ẩm nghĩa là nuốt mất, ánh sáng của ngài “nuốt” mất các sắc khác).

Tôn giả hành đầu đà bậc nhất. Đầu Đà là tiếng Phạn, Tàu phiên âm là Đẩu Thấu hoặc Đào Thải vì mười hai hạnh ấy đào thải trần lao phiền não.

Mười hai hạnh là: Ở chốn a lan nhã (chốn vắng lặng), thường hành khất thực; khất thực theo thứ tự; ngày chỉ ăn một bữa; ăn có chừng mực; sau giờ ngọ chẳng uống các thứ tương (11); mặc y phấn tảo; chỉ có ba y; ngồi nơi mồ mả; ngủ dưới gốc cây; ngồi nơi đất trống; chỉ ngồi không nằm. Dùng các khổ hạnh ấy tảo trừ thân tâm.

Ca Diếp tuổi già chẳng bỏ hạnh đầu đà. Phật thương ngài suy yếu khuyên hãy thôi nghỉ, Ca Diếp vẫn giữ hạnh đầu đà như cũ, Phật khen ngợi nồng nhiệt rằng: ‘Có hạnh đầu đà, pháp của ta trường tồn lâu dài’. Do vậy bảo ngài hành đầu đà bậc nhất.

Nói sơ lược, Đại Ca Diếpsơ tổ truyền tâm ấn Phật của Thiền tông. Quyển thứ ba kinh Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi chép:

Đại Phạm đến Linh sơn đem hoa kim sắc ưu bát la cúng Phật, trải thân làm tòa, thỉnh Phậtchúng sanh thuyết pháp. Thế Tôn lên tòa, giơ cành hoa cho chúng xem. Trăm vạn trời người thảy đều ngơ ngẩn, chỉ có Kim Sắc đầu đà hé miệng mỉm cười, Thế Tôn nói:

- Ta có chánh pháp nhãn tạng Niết Bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng vi diệu pháp môn, phó chúc Ma Ha Ca Diếp”.

Đây chính là công án ‘Thế Tôn niêm hoa’.

Thế Tôn truyền tâm ấn cho Ca Diếp làm sơ tổ Thiền tông. Ca Diếp lại truyền cho A Nan làm nhị tổ. Nay nêu tên ngài Đại Ca Diếp ở đầu kinh chính là để biểu thị thâm ý Thiền, Tịnh bất nhị.

‘Tôn giả A Nan v.v...’: Bản Đường, Tống dịch là A Nan Đà, gọi tắt là A Nan, Hán dịch là Khánh Hỷ, Hoan Hỷ, còn dịch là Vô Nhiễm. Ngài là con của Bạch Phạn Vương, em họ của Phật, sanh trong ngày Phật thành đạo. Tịnh Phạn Vương nghe tin thái tử thành Phật, lại nghe trong cung sanh con trai càng thêm hoan hỷ, bèn phán: ‘Hôm nay đại cát, là ngày hoan hỷ’, bảo với sứ giả: ‘Đứa trẻ ấy nên đặt tên là A Nan’.

Hơn nữa, tôn giả đoan chánh thanh tịnh như tấm gương trong vắt. Trông thấy hình dạng ngài, nghe tiếng ngài, xem uy nghi của ngài, không ai chẳng hoan hỷ, nên đặt tên như vậy.

Ngoài ra, tôn giả theo Phật vào long cung, thiên cung, tâm không ham đắm. Phật đã năm mươi lăm tuổi, A Nan mới xuất gia, hầu Phật hai mươi lăm năm, pháp Phật tuyên thuyết ngài đều nhớ giữ, chẳng quên một chữ. Kinh Niết Bàn gọi A Nan là bậc đa văn. Ca Diếp cũng khen rằng: ‘Nước biển cả Phật pháp chảy vào tâm A Nan’ nên gọi ngài là đa văn bậc nhất.

Chữ ‘đẳng’ (vân vân...), bản Ngụy dịch kể tên ba mươi mốt vị, còn hội bản chỉ nêu trên năm vị thượng thủ nên viết là ‘A Nan v.v...’ để chỉ chung các vị còn lại.

‘Làm thượng thủ’: Hiện tại gọi thủ tọaThượng Thủ. Địa vị cao hơn hết trong đại chúng gọi là Thượng Thủ.

Số lượng các vị Thượng Thủ trong các kinh chẳng đồng, chẳng hạn như trong kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ, trong số một ngàn hai trăm năm mươi vị đại bí sô, nêu tên bốn vị Xá Lợi Phất, Mục Kiện Liên, Đại Ca Diếp, A Nê Luật Đà là Thượng Thủ. Kinh này thì năm vị như Kiều Trần Như v.v... làm Thượng Thủ. Họ là Thượng Thủ trong các đại tôn giả ‘hết thảy đại thánh thần thông đã đạt’.

Xét ra, câu ‘hết thảy đại thánh thần thông đã đạt’ vốn là câu khen ngợi đức hạnh của Bồ Tát như kinh Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ chép: ‘Cùng chúng: bốn vạn hai ngàn đại tỳ kheo, tám vạn bốn ngàn Bồ Tát, hết thảy đại thánh thần thông đã đạt’.

Kinh đây dùng lời khen ngợi Bồ Tát để ca tụng Thanh Văn là ngụ ý các vị thánh chúng thường theo hầu Phật vốn là Pháp Thân Đại Sĩ, ẩn bổn thùy tích, hoặc là thánh chúng phương khác giúp Phật hoằng hóa: đóng vai trò những người gây ảnh hưởng.

Câu ‘Hết thảy đại thánh’ chỉ bổn địa của họ: vốn là bậc Bồ Đề rốt ráo. ‘Thần thông đã đạt’quyền tích: dùng du hý thần thông đến cõi này. Do vậy, biết được rằng các hàng Thanh Văn vừa được nêu trên đều là bậc đại quyền thị hiện hỗ trợ đức Thế Tôn ta khai hiển pháp môn Tịnh Độ.

Xét chung, năm vị thánh nói trên:

Liễu Bổn Tế biết rõ bổn tế lâu xa nên được nêu tên đầu tiên.

Thân Tử trí huệ bậc nhất biểu thị Phật trí, trí chẳng nghĩ bàn, trí chẳng thể nói, trí Đại thừa rộng lớn, trí không gì bằng, không chi sánh, tối thượng thắng trí, sâu rộng không bờ bến của Phật Di Đà.

Mục Kiện Liên thần thông đệ nhất, hiển thị thệ nguyện du hý thần thông.

Đại Ẩm Quang hiển thị quang minh thù thắng của Phật Di Đà không gì chẳng chiếu tỏ, là tôn quý nhất trong các quang minh, là vua của các đức Phật.

Khánh Hỷ biểu thị: nghe tên hoan hỷ đều được độ thoát.

Hơn nữa, Ca Diếpsơ tổ của Tông môn, A Nan là nhị tổ, A Nhã Kiều Trần Như biểu thị bổn tế của đương nhân, Xá Lợi Phất biểu thị trí huệ vốn sẵn có của chúng sanh; Mục Kiện Liên chính là thần thông chúng sanh sẵn có; Ẩm Quanglinh quang độc diệu, thoát khỏi căn trần; Hoan Hỷ biểu thị sự vui sướng bình sinh, tâm tâm tiếp nối.

Vì vậy, một bộ Đại kinh đúng là phó pháp truyền tâm; một câu danh hiệu phơi bày trực tiếp Như Lai diện mục. Lãnh hội được điều này mới đáng xưng là “hổ mọc thêm sừng”. Chỉ cần hăm hở mà niệm thời là vô thượng thâm thiền. Chẳng nệ định trì, tán niệm, quyết định chẳng phí uổng công lao.

Kinh này trước nêu Thanh Văn, sau kể Bồ Tát, thật đúng như cuốn mười hai của Phật Địa Luận viết:

Trước nói Thanh Văn, sau nêu Bồ Tát. Chúng Thanh Văn gần gũi Thế Tôn vì được Phật đích thân giáo hóa. Hơn nữa, các Thanh Văn thường theo đức Phật nên hình tướng giống với đức Phật’.

Vì vậy, phần nhiều các kinh thường nêu Thanh Văn rồi mới nói đến Bồ Tát.

‘Lại có Phổ Hiền Bồ Tát’: Bồ Tát là chữ Phạn nói tắt, nói đủ là ‘Ma-ha Bồ-Đề Chất-đế-tát-đỏa’. Ma ha dịch là Đại, ‘Bồ Đề’ là Đạo, ‘chất-đế’ là Tâm, ‘tát đỏa’ dịch là chúng sanh hoặc hữu tình. Gộp lại là ‘đại đạo tâm chúng sanh’, nói gọn là Bồ Đề Tát Đỏa, nghĩa là Giác Hữu Tình.

Chứng ngộ giống như Phật là Giác. Chưa hết vô minh nên gọi là Hữu Tình. Giác lại có nghĩa là Phật đạo mình đang mong cầu, hữu tìnhchúng sanh mình đang hóa độ. Việc lợi sanh gấp rút, rộng độ chúng sanh cùng chứng Đại Giác nên gọi là Giác Hữu Tình. Hai chữ Bồ Tát là cách nói giản lược nhất.

Vì sao là Đại Đạo Tâm Chúng Sanh? Vì đủ cả bốn điều lớn lao. Tịnh Ảnh Sớ giảng bốn điều lớn lao là:

‘Một là nguyện đại: vì cầu đại Bồ Đề. Hai là hạnh đại: vì thành tựu hai lợi (lợi mình, lợi người). Ba là thời đại: vì trải qua ba vô số kiếp. Bốn là đức đại: vì đầy đủ các công đức Nhất Thừa’.

Bồ Tát cũng bao gồm lục đại của kinh Pháp Hoa: tín đại pháp, giải đại nghĩa, phát đại tâm, hướng đến đại quả, tu đại hạnh, chứng đại đạo. Do đầy đủ các thứ ‘đại’ nói trên nên gọi là Đại Đạo Tâm Chúng Sanh.

Phổ Hiền còn gọi là Biến Cát. Thanh Lương Sớ nói Phổ Hiền có ba loại: một là Vị Tiền (chỉ phát tâm Phổ Hiền), hai là Vị Trung (Đẳng Giác Bồ Tát), ba là vị hậu Phổ Hiền (đắc quả nhưng chẳng xả nhân hạnh, tức là đã thành Phật nhưng chẳng bỏ hạnh khi còn tu nhân).

Thanh Lương Sớ giải thích chữ Phổ Hiền như sau: ‘Quả không gì chẳng cùng tận là Phổ, chẳng xả nhân địa là Hiền’. Đấy chính là vị hậu Phổ Hiền do Như Lai hóa hiện.

Còn như sách Hội Sớ giảng: ‘Thể trọn khắp pháp giới là Phổ, địa vị gần với bậc cực thánh là Hiền’ thì đấy là vị trung Phổ Hiền, là Đẳng Giác Bồ Tát.

Sách Hội Sớ lại nói: ‘Có thể dẫn dắt, chế ngự hết thảy chúng, phát mười đại nguyện vương, nguyện vãng sanh Tây phương, đặc biệt khen ngợi Di Đà nên trong kinh này, ngài là thượng thủ’.

Lại như sách Thám Huyền Ký viết: ‘Đức bao trùm pháp giới là Phổ, thánh thiện, nhu hòa đến cùng cực là Hiền’.

Quyển một của Đại Nhật Kinh Sớ ghi: ‘Phổ Hiền Bồ Tát: Phổ là khắp hết thảy các chỗ, Hiền nghĩa là sự lành mầu nhiệm nhất; tức là nguyện hạnh do tâm Bồ Đề khởi lên và thân, miệng, ý thảy đều bình đẳng, trọn khắp hết thảy các chỗ đều thuần nhất diệu thiện, đầy đủ các đức. Vì vậy, lấy đó làm tên’.

Phổ Hiền, Văn Thù là hai vị hiếp sĩ (12), hầu hai bên Phật Thích Ca, là Thượng Thủ trong hội của đức Thích Ca. Trong hội Hoa Nghiêm, họ cũng là Thượng Thủ.

Phổ Hiền Bồ Tát còn là trưởng tử của hết thảy chư Phật. Tứ Thập Hoa Nghiêm Tứ Thập Tụng ghi: ‘Hết thảy Như Laitrưởng tử, danh hiệu của ngài là Phổ Hiền’ cho thấy Phổ Hiền chính là từ Pháp Thân của Như Lai xuất hiện, hóa thành vị Đẳng Giác Đại Sĩ khen ngợi Thích Tôn, xướng diễn thánh giáo.

Trong Mật giáo, Phổ Hiền chính là Kim Cang Tát Đỏa, sơ tổ của Mật giáo. Kim Cang Tát Đỏa chính là Kim Cang Thủ Bồ Tát Ma Ha Tát. Kinh Thánh Vô Động Tôn Đại Oai Nộ Vương Bí Mật Đà Ra Ni chép: ‘Ông Kim Cang Thủ đây là Pháp Thân Đại Sĩ, vì vậy, tên là Phổ Hiền’.

Sách Ngũ Bí Tát Quyết của ngài Kim Cang Trí cũng ghi: ‘Kim Cang Tát Đỏa chính là tên khác của Phổ Hiền Đại Bồ Tát, ngài cũng được gọi là con trưởng của hết thảy Như Lai, cũng gọi là Đại A Xà Lê’.

Phẩm thứ hai Đức Tuân Phổ Hiền của kinh này cũng có câu ‘vì dạy Bồ Tát, làm a xà lê’.

Nay trong kinh này, Phổ Hiền Đại Sĩ được kể tên là bậc thượng thủ cao nhất, chính là để hiển thị: Mật, Tịnh bất nhị. Vì vậy, tiên sư là Hạ lão cư sĩ nói:

‘Tịnh Độ chính là hiển thuyết của Mật giáo (Tổ sư Liên Hoa Sanh Đại Sĩ của Hồng giáo Mật tông Tây Tạng chính là hóa thân của Phật A Di Đà. Vì vậy, Hồng giáo tôn sùng A Di Đà, sốt sắng khuyên sanh Cực Lạc hơn các tông phái khác. Trong bản giải thích kinh này, tạm chẳng bàn luận về chi tiết yếu chỉ Mật, Tịnh bất nhị).

‘Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát’ cũng gọi là Mạn Thù Thất Lợi, Tàu dịch là Diệu Thủ, cũng dịch là Diệu Cát Tường, còn dịch là Diệu Đức, là thầy của chư Phật. Kinh Phóng Bát nói:

‘Nay tôi được thành Phật đều do ơn của Văn Thù Sư Lợi. Quá khứ vô ương số chư Phật đều là đệ tử của Văn Thù Sư Lợi. Các vị tương lai cũng cậy sức oai thần của ngài. Ví như trẻ nít trong đờicha mẹ, Văn Thùcha mẹ trong Phật đạo vậy’.

Kinh Tâm Địa Quán nói: ‘Mẹ giác ngộ của ba đời là Diệu Cát Tường’.

Sách Pháp Hoa Sớ của ngài Gia Tường giảng chữ Diệu Đức như sau: ‘Văn Thù, Tàu dịch là Diệu Đức, do thấy rõ ràng Phật tánh, đức không gì chẳng viên mãn, quả không gì chẳng cùng tột, nên xưng là Diệu Đức’.

Hội Sớ chép: ‘Chứng ba đức vi diệu như Phật nên cũng gọi là Diệu Cát Tường. Ba thứ hoặc, nghiệp, khổ nếu còn có chút phần chẳng gọi là Cát Tường. Địa vị đạt đến rốt ráo, ba đức hiển lộ trọn vẹn, nên lại hiệu là Diệu Cát Tường’.

Trong chúng Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là bậc trí huệ bậc nhất. Ngài vốn là Long Chủng Tôn Vương Như Lai, hiện tại ở cõi Thường Hỉ phương Bắc thành Phật hiệu là Bảo Tích Như Lai. Đời vị lai, ngài thành Phật hiệu là Phổ Kiến Như Lai. Như vậy, Đại Sĩ Văn Thù thành Phật trong ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Nay ngài thị hiện trong hội này làm bậc đại trí độc tôn, biểu thị pháp môn này chỉ có người đại trí mới tín nhập nổi.

Hơn nữa, Diệu Đức là thấy rành rẽ Phật tánh nên kinh văn đặt ngài làm thượng thủ tiếp ngay theo Phổ Hiền chính là nhằm để biểu thị ý chỉ Thiền, Tịnh bất nhị.

‘Di Lặc Bồ Tát và hết thảy Bồ Tát trong Hiền kiếp đều đến nhóm hội’: Di Lặc, Tàu dịch là Từ Thị, là họ của Bồ Tát, tên ngài là A Dật Đa, Tàu dịch Vô Năng Thắng. Nói đầy đủ là Từ Vô Năng Thắng. Sách Di Đà Sớ Sao viết:

‘Do khi ngài còn trong thai, mẹ liền có tâm từ, nên lấy đó làm họ. Lại trong đời quá khứ, gặp Đại Từ Như Lai, nguyện cùng mang hiệu này liền được từ tâm tam muội. Lại nữa, xưa kia ngài làm bà la môn, hiệu là Nhất Thiết Trí, trong tám mươi năm tu tập hạnh từ. Trong thời đức Phật Phất Sa, lại cùng với Thích Ca Như Lai phát tâm Bồ Đề thường tu tập từ định.

Kinh Tư Ích lại chép: ‘‘Chúng sanh trông thấy ngài liền đắc từ tâm tam muội’’. Kinh Bi Hoa lại chép: ‘‘Phát nguyện trong kiếp đao binh, ủng hộ chúng sanh’’ nên ngài từ bi giáng sanh trong đời, thương xót đến muôn kiếp sau, lòng từ đến cùng tột, vượt xa phàm tiểu nên không ai hơn được ngài (Vô Năng Thắng)’.

Đại sĩđịa vị bổ xứ, hiện đang ở Đâu Suất nội viện, bốn ngàn năm sau (bốn ngàn năm của trời Đâu Suất, tương đương với năm mươi bảy ức sáu trăm vạn năm ở địa cầu) hạ sanh trong cõi này thành Phật, phước đức thù thắng, ba hội Long Hoa độ sanh vô lượng.

Kinh này lấy ba vị Đại Sĩ trên làm thượng thủ của chúng Bồ Tát là vì ba vị Đại Sĩ có duyên sâu xa với Tịnh Độ, thật khéo ảnh hưởng hải hội đại chúng cùng quy hướng Tịnh Độ. Trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Phổ Hiền Bồ Tát ở trong rừng Thệ Đa phát mười đại nguyện vương, rồi nói:

‘Kẻ ấy lúc mạng chung, trong sát na cuối cùng, hết thảy các căn đều tán hoại, hết thảy thân thuộc đều xa lìa, hết thảy oai thế đều thối thất. Phụ tướng, đại thần, cung điện, trong, ngoài, voi, ngựa, xe cộ, kho tàng quý báu, hết thảy các thứ như vậy đều chẳng theo mình nữa, chỉ có nguyện vương này chẳng rời bỏ, trong hết thảy thời nó dẫn đường trước mặt, trong một sát na liền được vãng sanh Cực Lạc thế giới. Đến nơi rồi, liền thấy A Di Đà Phật’.

Lại nói kệ rằng: ‘Nguyện tôi vào lúc mạng sắp dứt, trừ sạch hết thảy các chướng ngại. Tận mặt thấy Phật A Di Đà, liền được vãng sanh cõi An Lạc. Tôi đã vãng sanh cõi ấy rồi, hiện tiền thành tựu đại nguyện này, viên mãn hết thảy chẳng còn sót, lợi lạc hết thảy chúng sanh giới’.

Lại nữa, trong kinh Văn Thù Phát Nguyện có câu: ‘Nguyện tôi lúc mạng chung, diệt trừ các chướng ngại, gặp mặt A Di Đà, vãng sanh cõi An Lạc. Sanh cõi Phật ấy rồi, thành mãn các đại nguyện, A Di Đà Như Lai hiện tiền thọ ký cho’.

Hai vị Đại Sĩ phát nguyện cầu sanh Cực Lạc thù thắng như thế ấy nhằm khuyên nhủ hết thảy Bồ Tát đều tin kính đại trí của Văn Thù, nhập đại hạnh của Phổ Hiền, dẫn dắt khắp các chúng sanh cùng quy Cực Lạc. Vì vậy, kinh này nêu các ngài làm thượng thủ. Tiếp đó, nêu tên Bồ Tát Di Lặc.

Kinh Đại Bảo Tích, pháp hội Phát Thắng Chí Lạc Hội, có chép:

‘Nếu có chúng sanh phát mười tâm, với mỗi mỗi tâm chuyên niệm hướng về A Di Đà Phật, người ấy mạng chung sẽ được vãng sanh thế giới của đức Phật ấy. Bạch Thế Tôn! Những gì là mười thứ tâm, do những tâm ấy sẽ được vãng sanh thế giới của đức Phật ấy?’ đủ thấy Di Lặc Đại Sĩ phụ trợ đức Thích Ca hoằng truyền diệu pháp Tịnh Độ.

Hơn nữa, trong phẩm thứ ba mươi hai ở phần sau kinh này, ngài Di Lặcđương cơ. Trong phẩm bốn mươi sáu, Phật phó chúc Đại Sĩ Di Lặc như sau:

‘Ta nay theo đúng lý tuyên thuyết pháp môn rộng lớn vi diệu được hết thảy chư Phật khen ngợi như thế, giao phó các ông thực hiện sự thủ hộ rộng lớn để pháp này được tồn tại lâu dài chẳng diệt’.

Di Lặc tuân lãnh lời Phật phó chúc, hoằng trì kinh này. Vì vậy Đại Sĩ chẳng chỉ trong hội Long Hoa đời tương lai quyết nói kinh này mà còn suốt tột cùng đời vị lai cũng sẽ thường nói kinh này chẳng dứt.

‘Hiền kiếp’: Trụ kiếp hiện tại tên là Hiền Kiếp. Trong đại kiếp này có ngàn đức Phật xuất thế, vì vậy tên là Hiền kiếp. Quyển năm kinh Bi Hoa chép: ‘Thế giới Phật này sẽ có tên là Sa Bà… Khi ấy có đại kiếp tên là Hiền Thiện, trong đại kiếp ấy, có ngàn vị Thế Tôn thành tựu đại bi, xuất hiện trong đời’.

Theo Phật Tổ Thống Ký, trong kiếp này, đức Phật thứ nhất tên Câu Lưu Tôn Phật, kế đến là Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, vị thứ ba là Ca Diếp Phật, vị thứ tư là đức Thích Ca Mâu Ni Phật hiện tại. Sau đấy có Di Lặc Phật v.v… chín trăm chín mươi sáu vị Phật nối tiếp nhau xuất thế. Nay trong hội này, Di Lặc Bồ Tát và chín trăm chín mươi lăm vị Đại Sĩ khác sẽ thành Phật trong Hiền Kiếp đều đến nhóm hội, nghe Phật thuyết pháp.

Vì vậy, ta biết rằng hết thảy các đức Phật vị lai trong Hiền kiếp đều sẽ tuyên thuyết kinh này (nói thêm: trong Hiền kiếp có tất cả một ngàn lẻ năm vị Phật, một ngàn lẻ một vị từ Di Lặc trở đi đều chưa thành Phật, chẳng thường thấy đề cập đến nên chẳng chép chi tiết).

Trong phẩm thứ nhất, dùng tín, văn, thời, chủ, xứ, chúng, sáu thứ thành tựu để chứng tín kinh này. Giống như kinh Pháp Hoa, chúng đại tỳ kheo trong kinh này là một vạn hai ngàn vị trỗi vượt hẳn các kinh khác. Hơn nữa, giống như kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát là vị thượng thủ đầu tiên của kinh này. Rõ ràng, kinh này tương đồng hai kinh Viên Giáo vừa nói trên.

2. Đức Tuân Phổ Hiền

Phẩm thứ hai nói chi tiết thêm về các vị thánh chúng đã được phẩm trên đề cập. Đầu phẩm này, trong hàng Bồ Tát, lại nêu lên mười sáu vị Chánh Sĩ thượng thủ như Hiền Hộ v.v... Cuối phẩm cũng nêu ba chúng kia và chư thiên đại chúng nhằm bổ túc chúng thành tựu trong sáu thứ thành tựu đã được nói trong phẩm đầu.

Đập ngay vào mắt chúng ta là tên của phẩm này là Đức Tuân Phổ Hiền, ngụ ý: vô lượng vô biên các đại Bồ Tát đến hội đều cùng tuân tu Phổ Hiền đức. Phổ Hiền đức thật ra vô lượng, nhưng điểm cốt lõi lại chính là mười đại nguyện vương dẫn dắt về Cực Lạc. Đó là điểm trọng yếu của phẩm này.

Chánh kinh:

 Lại có bọn Hiền Hộ mười sáu vị Chánh Sĩ, tức là: Thiện Tư Duy Bồ Tát, Huệ Biện Tài Bồ Tát, Quán Vô Trụ Bồ Tát, Thần Thông Hoa Bồ Tát, Quang Anh Bồ Tát, Bảo Tràng Bồ Tát, Trí Thượng Bồ Tát, Tịch Căn Bồ Tát, Tín Huệ Bồ Tát, Nguyện Huệ Bồ Tát, Hương Tượng Bồ Tát, Bảo Anh Bồ Tát, Trung Trụ Bồ Tát, Chế Hạnh Bồ Tát, Giải Thoát Bồ Tát làm Thượng Thủ.

Giải:

‘Chánh Sĩ’: Kinh Độ Thế nói: ‘Khai Sĩ, Đại Sĩ, Thánh Sĩ, Lực Sĩ, Chánh Sĩ v.v... đều là những danh xưng khác của Bồ Tát’.

Sách Bình Giải giảng: ‘Chánh là chánh đạo, Sĩ là sĩ phu, danh xưng của người tại gia. Các vị Đại Sĩ này: ngoài hiện hình tướng phàm phu, trong thâm đạt chánh đạo, sống tại gia, gọi là vị Chánh Sĩ’.

Lại nữa, sách Hội Sớ viết: ‘Mười sáu vị Chánh Sĩ như kinh Văn Thù Sư Lợi Nghiêm Tịnh nói: ‘‘Bồ Tát tám vạn bốn ngàn và mười sáu vị Chánh Sĩ’’ cho thấy danh xưng Chánh Sĩ chỉ hàng tại gia Bồ Tát. Chánh là chánh đạo, Sĩ là cư sĩ. Các vị Đại Sĩ này tuy sống lẫn với phàm nhân nhưng đã thoát khỏi tà đạo từ lâu, thâm đạt chánh pháp nên gọi là Chánh Sĩ’.

Theo trên, ta thấy rằng Chánh Sĩtại gia Bồ Tát.

Ngoài ra, trong Mật tông, con số mười sáu biểu thị sự viên mãn vô tận. Sách Xuất Sanh Nghĩa nói: ‘Số lượng dẫu đến hà sa trần hải (13) cũng chỉ nêu mười sáu vị mà thôi, số nhiều đến trần sa cũng chẳng ra ngoài số này’.

Bọn ‘Hiền Hộ’ mười sáu vị Chánh Sĩ thường được thấy nhắc đến trong kinh, luận. Kinh Thắng Tư Duy Phạm Thiên và kinh Tư Ích có nêu tên mười sáu vị này.

Trí Độ Luận nhắc đến mười sáu vị, nhưng chỉ nêu tên sáu vị đầu. Luận chép: ‘Bọn Thiện Thủ (Hiền Hộ) mười sáu vị Bồ TátBồ Tát tại gia’, rồi nêu tên năm vị, chẳng nêu đủ các tên.

Kinh Tư Ích chép: ‘Nếu có chúng sanh nghe tên họ rốt ráo đắc Tam Bồ Đề. Vì vậy, gọi họ là Thiện Thủ’.

Lại nữa, kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ chép: ‘Đại thành Vương Xáưu bà tắc tên là Hiền Hộ làm thượng thủ của chúng’.

 Trong pháp hội Hiền Hộ Trưởng Giả của kinh Đại Bảo Tích, Phật nói về các điều vui của trưởng giả Hiền Hộ như sau: ‘Ông ta hưởng quả báo khoái lạc, dẫu đến đại vương Đế Thích của trời Đao Lợi còn chẳng bằng nổi, huống hồ nhân gian’.

Sách Danh Nghĩa Tập viết: ‘Bạt Đà Bà La dịch là Hiền Hộ, tự gìn giữ hiền đức lại hộ trì chúng sanh. Hoặc dịch là Hiền Thủ, do ngài ở địa vị Đẳng Giácthượng thủ của các bậc hiền’.

Đủ thấy Chánh Sĩ Hiền Hộ thị hiện sanh trong thành Vương Xá, là vị tại gia Bồ Tátđịa vị Đẳng Giác. Trong kinh Bát Châu Tam Muội, Bồ Tát Bạt Đà Hòa (Hiền Hộ) là người phát khởi Niệm Phật Tam Muội, đích thân thấy được Phật Di Đà. Xét ra, trong kinh này ngài đến trong pháp hội thù thắng đây để hỗ trợ hiển bày pháp môn Niệm Phật Tam Muội.

‘Thiện Tư Duy Bồ Tát’: bản Đường dịch ghi là Thiện Tư Duy Nghĩa Bồ Tát, bản Ngụy dịch ghi là Thiện Tư Nghĩa Bồ Tát. Theo phẩm Hiện Sanh của kinh Tứ Đồng Tử, các vị Chánh Sĩ như Thiện Tư Duy Bồ Tát từ thế giới phương khác đến cõi này thị hiện làm tại gia Bồ Tát:

‘Về phương Đông, cách đây mười ngàn câu chi cõi Phậtmột thế giới tên là Bảo Minh, Phật hiệu Sư Tử Minh Thanh Như Lai, có một vị Bồ Tát tên là Thiện Tư Nghị (tức là Thiện Tư Duy) thác sanh đến cõi này, hóa sanh trong cung vua A Xà Thế.

Nơi phương Nam cách đây năm trăm ức thế giớimột thế giới, Phật hiệu Bảo Tích Thiện Hiện Như Lai, có một Bồ Tát tên Tịch Tĩnh Chuyển (tức là Huệ Biện Tài) sanh vào nhà đại cư sĩ Tự Sư Tử trong thành Xá Vệ đây.

Ở phương Tây, cách khỏi đây tám ức trăm ngàn cõi Phật, chỗ đức Lạc Âm Như Lai có một vị Bồ Tát tên Vô Phan Duyên (tức Quán Vô Trụ) hóa sanh vào nhà đại cư sĩ Thiện Quỷ trong nước Ba La Nại.

Về phương Bắc, cách đây sáu vạn bốn trăm ngàn ức cõi Phật, chốn đức Trụ Bồ Đề Phần Chuyển Như Lai có một Bồ Tát tên là Khai Phu Thần Đức (tức là Thần Thông Hoa) sanh trong nhà đại tướng Sư Tử của thành Tỳ Gia Ly. Bốn đồng tử này với vô lượng đại chúng cùng đến rừng Sa La Song Thọ cung kính cúng dường’.

Thêm nữa, bốn vị Chánh Sĩ: Quang Anh Bồ Tát v.v... tiếp theo đó như quyển 7 kinh Phật Danh có nói: bốn vị Bồ Tát Quang Anh, Huệ Thượng (tức là Trí Thượng), Tịch Căn, Nguyện Huệ từ cõi Phật ở bốn phương nhóm đến.

Hơn nữa, kinh Văn Thù Sư Lợi Nghiêm Tịnh cũng nói bốn vị Chánh Sĩ này từ bốn phương đến, giống như trong kinh Tứ Đồng Tử nói. Hơn nữa, quyển ba kinh Nguyệt Đăng Tam Muội chép: ‘Hương Tượng từ chỗ đức Phật A Súc ở phương Đông và na do tha Bồ Tát cùng đến chào hỏi đức Thích Ca Mâu Ni Phật’.

Từ Hiền Hộ đến Hương Tượng Bồ Tát tổng cộng là mười vị Chánh Sĩ, còn sáu vị khác thì như sách Bình Giải chép: ‘Ngoài ra, Trí Tràng (tức là Bảo Tràng), Bảo Anh, Trung Trụ, Chế Hạnh, Giải Thoát v.v... tuy chưa thấy chứng cớ trong các kinh khác, nhưng cứ theo trên mà suy, họ cũng phải là Đại Sĩ từ phương khác đến cõi này’.

Xét ra, sách Bình Giải dùng bản Ngụy dịch để chú giải, trong bản ấy chỉ nêu tên mười lăm vị Chánh Sĩ, thiếu tên Huệ Biện Tài Bồ Tát. Tên vị Bồ Tát này thấy trong bản Đường dịch.

Sách Bình Giải cho rằng Tín Huệ chính là Huệ Biện Tài. Phải coi hai tên trên (Tín Huệ và Huệ Biện Tài) là tên của hai người thì mới phù hợp với con số mười sáu vị. Vì vậy, Tín Huệ Bồ Tát cũng giống như các vị Chánh Sĩ Bảo Tràng v.v.. đều từ phương khác đến. Sách Bình Giải có giảng rõ điều trên, nguyên văn:

‘Đầu tiên nêu lên bọn Hiền Hộ mười sáu vị Chánh Sĩ để chỉ rõ pháp này chẳng lấy phát tâm xuất gia làm gốc. Kế đến, nêu tên các vị đến từ phương khác, ngụ ý: trong cõi Phật mười phương đều dùng pháp này làm đại sự xuất thế, cùng tinh tấn đến cầu pháp này’.

Lời bàn trên rất phù hợp yếu chỉ của kinh vì đối với kẻ tại gia tu hành, Trì Danh Niệm Phậtthích hợp nhất. Thập phương Đại Sĩ đều đến nghe pháp biểu thị pháp này thù thắng, thật là đại sự nhân duyên vậy.

Hơn nữa, chữ Hiền Hộ ngụ ý Như Lai khéo hộ niệm các Bồ Tát. Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh, độ khắp ba căn, thâu trọn vạn loại, đúng là ý nghĩa chữ Hiền Hộ.

Thêm nữa, Thiện Tư Duy biểu thị chánh trí minh liễu, tin sâu Phật huệ, lại còn biểu thị: Pháp Tạng lúc còn tu nhân năm kiếp tư duy kết thành thắng nhân đại nguyện.

Huệ Biện Tài biểu thị: tin Phật huệ, biện tài vô ngại như trong kinh nói: ‘Diễn từ biện, trao truyền pháp nhãn’, ‘thường dùng pháp âm giác ngộ các thế gian’.

Quán Vô Trụ (xem bản Đường dịch. Bản Ngụy dịch là Không Vô) biểu thị ý nghĩa sau đây trong kinh này: ‘Ví như huyễn sư giỏi hiện các tướng khác lạ, nhưng trong các tướng ấy thật chẳng thể được’, cũng biểu thị ngài Pháp Tạng bao kiếp tu nhân hạnh, nói pháp không, vô tướng, vô nguyện.

‘Thần Thông Hoa’ biểu thị sức thần thông, muôn hạnh kết thành đức hoa để tự trang nghiêm, đầy đủ phương tiện thành tựu chúng sanh như kinh chép: ‘Du bộ thập phương, hành quyền phương tiện’.

Quang Anh biểu thị quang minh chiếu rực. Các chữ Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang v.v... tôn quý nhất trong các quang minhý nghĩa của chữ Quang Anh.

Bảo Tràng (bản Ngụy dịch ghi là Trí Tràng) biểu thị trí huệ thù thắng ví như tràng báu.

Trí Thượng (bản Ngụy dịch ghi là Huệ Thượng) biểu thị các ý nghĩa ‘trí thù thắng tối thượng, không gì bằng, không gì sánh’, ‘trí oai đức rộng lớn chẳng thể nghĩ bàn’ trong kinh. Diệu trí vô thượng như vậy siêu xuất hết thảy nên gọi là Thượng Trí.

Về Tịch Căn, sách Hội Sớ giảng: ‘ Trí và cảnh đều vắng lặng, các căn thanh tịnh nên gọi là Tịch Căn’. Sách Bình Giải cho rằng: ‘Cảnh và trí đều tịch diệt, căn bổn nghiêm tịnh thì gọi là Tịch Căn’.

Theo như phẩm Chơn Thật Công Đức của kinh này chép: ‘Rốt ráo các ba la mật của Bồ Tát mà thường an trụ các tam ma địa bất sanh bất diệt’ thì đúng là biểu thị: Tịch là căn bổn có công năng chiếu soi vô cùng, chiếu mà thường tịch. Vì vậy, Tịch Căn biểu thị thọ mạng vô lượng.

Sách Hội Sớ giảng ‘Tín Huệ’ như sau: ‘Tín tâm trí huệ, vĩnh viễn cắt đứt lưới nghi’. Sách Bình Giải giảng: ‘Tin rõ Phật trívô thượng trí huệ’.

Trong kinh này, theo như các câu: ‘Đã từng cúng dường các Như Lai thì có thể hoan hỷ tin được sự này’, ‘Thân người khó được, Phật khó gặp, tín huệ, nghe pháp là điều khó nhất trong các điều khó’ thì Tịnh Độ Tông là pháp khó tin. Nếu ai tin nhận được đều là do huệ căn sẵn có từ trước.

Nguyện Huệ biểu thị: trí huệ rộng lớn, đại nguyện vương của Phật Di Đà lại được hỗ trợ bằng tín huệ của bậc Chánh Sĩ, biểu thị: Tịnh Độ dùng ‘tín, nguyện, trì danh’ làm tông.

Hương TượngBồ Tát từ cõi Phật A Súc ở phương Đông đến, từng trong hội Duy Ma làm người cùng nghe pháp. Thân hương tượng tỏa ra mùi thơm, mùi nơi thân Bồ Tát này cũng thế. Sức hương tượng rất mạnh biểu thị Di Đà nguyện lực vô biên.

Bảo Anh biểu thị Di Đà nguyện hải trang nghiêm bằng vô lượng công đức diệu bảo có thể khiến cho phàm phu không có công đức được chóng thăng lên địa vị bất thối, chứng nhập Niết Bàn. Đấy thật là thứ quý báu nhất trong các báu nên nói là Bảo Anh.

Trung Trụ: an trụ Trung Đạo, chẳng rơi vào hai bên, ngay nơi tướng chính là đạo, ngay nơi sự tức là chơn, tịnh niệm nối tiếp, ngay nơi niệm lìa được niệm (đương niệm ly niệm) là ý nghĩa của Trung Trụ.

Chế Hạnh biểu thị nghiêm trì tịnh giới, ngừa ác làm lành. Hơn nữa, Niệm Phật chính là trì giớiý nghĩa của Chế Hạnh.

Giải Thoát biểu thị trừ diệt kết phược nên gọi là Giải Thoát. Như kinh nói: ‘Riêng thân mình độ thoát đạt được phước đức, đắc đạo Nê Hoàn trường thọ’‘Gặp được kinh này, tùy ý mong muốn đều được đắc độ’.

Câu ‘Làm Thượng Thủ’ ngụ ý mười sáu vị Đại SĩThượng Thủ của vô lượng vô biên tại gia Bồ Tát cùng lúc đến dự hội. Theo sách Hội Sớ và Bình Giải thì:

- Phổ Hiền, Văn Thùthượng thủ trong pháp hội của Phật Thích Ca nên nêu tên hai vị Đại Sĩ này để tổng nhiếp hết thảy Bồ Tát.

- Di Lặcthượng thủ của các Bồ Tát tương lai thành Phật trong Hiền Kiếp.

- Mười sáu vị Chánh Sĩ: Hiền Hộ v.v... là thượng thủ của tại gia Bồ Tát.

Thuyết này hợp lý nên tôi chẳng chấp nhận thuyết của ngài Tịnh Ảnh. Ngài Tịnh Ảnh cho rằng Văn Thù, Phổ Hiền cũng thuộc số các Bồ Tát thành Phật trong Hiền kiếp.

Chánh kinh:

Đều cùng tuân tu đức của Đại Sĩ Phổ Hiền, đầy đủ vô lượng hạnh nguyện, an trụ trong hết thảy pháp công đức, du bộ thập phương, hành quyền phương tiện, nhập Phật pháp tạng, rốt ráo đến bờ kia.

Giải:

Trong phẩm này, từ câu ‘Đều cùng tuân tu’ cho đến câu cuối cùngchẳng thể nghĩ bàn’ đều là khen ngợi đức hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát và của hết thảy Bồ Tát trong hội.

‘Đại sĩ’ tức là Bồ Tát, tức là đại đạo tâm hữu tình. Sĩ là sĩ phu. Đại như trong phần giảng về Đại Đạo Tâm đã nói. Pháp hội kinh này lấy Phổ Hiền Bồ Tát làm thượng thủ của hết thảy Bồ Tát. Các vị khác như Văn Thù, Di Lặc, Hiền Hộ v.v... các vị xuất gia, tại gia Bồ Tátmười phương vô lượng vô biên các đại Bồ Tát đến nhóm hội đều tuân hành theo đức của Phổ Hiền Đại Sĩ.

Phổ Hiền Đại SĩHoa Nghiêm trưởng tử. Cốt lõi cái đức của ngài là mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm nói mười đại nguyện rộng lớn của Đại Sĩ như sau: một là lễ kính chư Phật, hai là khen ngợi Như Lai, ba là rộng tu cúng dường, bốn là sám hối nghiệp chướng, năm là tùy hỉ công đức, sáu là thỉnh chuyển pháp luân, bảy là thỉnh Phật ở lâu nơi đời, tám là thường học theo Phật, chín là hằng thuận chúng sanh, mười là đều hồi hướng về khắp tất cả. Mười nguyện như trên, nguyện nào cũng nói:

‘Đại nguyện này của tôi chẳng có cùng tận. Niệm niệm nối tiếp chẳng có gián đoạn. Thân, ngữ, ý nghiệp chẳng có nhọc mỏi’.

Phẩm Hạnh Nguyện còn nói:

‘Nếu ai tụng nguyện này, người ấy lúc lâm chung, trong sát na cuối cùng, hết thảy các căn thảy đều tán hoại, hết thảy thân thuộc thảy đều lìa bỏ, hết thảy oai thế thảy đều thối thất. Phụ tướng, đại thần, cung thành trong ngoài, voi, ngựa, xe cộ, trân bảo, kho đụn, hết thảy các thứ như thế không còn theo mình nữa. Chỉ có nguyện vương này chẳng hề lìa bỏ, trong hết thảy thời luôn dẫn đường đằng trước. Trong một sát na liền vãng sanh Cực Lạc thế giới.

Đến nơi rồi, liền thấy Phật A Di Đà.. Người ấy tự thấy mình sanh trong hoa sen, được Phật thọ. Được thọ ký xong, trải vô số trăm ngàn vạn ức na do tha kiếp, khắp trong bất khả thuyết bất khả thuyết thế giớimười phương, dùng sức trí huệ tùy lòng chúng sanh mà làm lợi ích... Có thể ở trong biển phiền não đại khổ cứu vớt chúng sanh khiến họ được ra khỏi, đều được vãng sanh thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà’.

Hơn nữa, nguyện thứ mười là ‘phổ giai hồi hướng’ hiển thị nghĩa chữ ‘Phổ’. Từ nguyện lễ kính ban đầu đến nguyện thứ chín ‘hằng thuận chúng sanh’ hiển thị ý nghĩa chữ Hiền.

Do đó, mười đại nguyện hiển thị ý nghĩa danh xưng Phổ Hiền. Phổ là theo chiều dọc tột cùng ba đời, Hiền là bao hàm trọn vẹn không sót.

Thanh Lương Sớ nói: ‘Với quả không gì chẳng đạt đến cùng tột là Phổ, chẳng bỏ tu nhân là Hiền’. Rõ ràng, Phổ Hiền trong kinh này là vị hậu Phổ Hiền, cũng tức là như Thiện Đạo đại sư nói: là tướng từ quả hướng đến nhân.

Hơn nữa, bài kệ của Phổ Hiền có câu: ‘Tôi đã vãng sanh cõi kia rồi, hiện tiền thành tựu đại nguyện này... Nguyện tất cả các chúng sanh đang bị chìm đắm, chóng sanh về cõi Phật Vô Lượng Quang’, đúng là ngài Phổ Hiền tự nói: Tôi đã vãng sanh cõi Cực Lạc kia rồi, thành tựu mười đại nguyện đã phát, bèn dùng công đức hạnh nguyện thù thắng hồi hướng cho chúng sanh đều cùng sanh Cực Lạc.

‘Phổ giai hồi hướng’ thành tựu nghĩa Phổ. Bốn mươi tám nguyện của Phật Di Đà thâu tóm hết thảy chúng sanh chính là bổn nguyện ‘phổ giai hồi hướng’.

Mười đại nguyện vương của Phổ Hiền chính là sự diễn giảng rộng của đại nguyện thứ ba mươi lăm của Phật Di Đà. Nguyện rằng: ‘Sanh trong nước ta ắt rốt ráo chứng nhất sanh bổ xứ, trừ những ai do bổn nguyện độ chúng sanh mặc giáp hoằng thệ, giáo hóa hết thảy hữu tình cho đều phát tín tâm, tu Bồ Đề hạnh, hành Phổ Hiền đạo’.

Do đó thấy được rằng: đa số thánh chúng trong hội đã từng sanh Cực Lạc mặc giáp hoằng thệ, du hóa thập phương giúp Phật hoằng hóa. Lần lượt giáo hóa, lần lượt độ thoát như thế. Vì vậy, trong kinh này, vô lượng vô biên hết thảy các Bồ Tát đều tuân theo đức của Phổ Hiền Đại Sĩ.

‘Đầy đủ vô lượng hạnh nguyện, an trụ trong hết thảy các pháp công đức’: Hai câu này khen ngợi thật đức của Đại Sĩ. ‘Vô lượng’ là lớn, nhiều, không cách nào đo lường nổi thì gọi là “vô lượng”. Nhiếp Đại Thừa Luận Thích giảng: ‘Chẳng thể dùng thí dụ so sánh để biết nổi thì là vô lượng’.

‘Hạnh’ là các đại hạnh: lục độ, tứ nhiếp v.v... ‘Nguyện’ là các nguyện thù thắng: tứ hoằng thệ, mười đại nguyện v.v... Nguyện để dẫn dắt hạnh. Hạnh để viên mãn nguyện. Hạnh như chân, nguyện như mắt, nương dựa lẫn nhau.

‘Đầy đủ’ là viên mãn không thiếu sót. Hạnh Nguyện Phẩm chép: ‘Nghe nguyện vương này, đọc, tụng, biên chép... thì những người ấy trong khoảng một niệm tất cả hạnh nguyện đều được thành tựu’ chính là từ quả hướng nhân, dùng phương tiện thiện xảo của Phật Di Đà gia trì hồi hướng thành tựu vô lượng hạnh nguyện siêu xuất các thánh vị của Thập Địa.

‘An trụ trong hết thảy pháp công đức’: ‘Hết thảy công đức’ chỉ công đức vô tận của Phật quả. Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Công là công năng, các hạnh đều có công năng lợi ích nên gọi là Công. Công này là gia đức (đức vốn tự có sẵn) của thiện hạnh nên gọi là công đức. Thể của đức gọi là pháp’.

‘Pháp’: tiếng Phạn là Đạt Ma, chỉ chung cho hết thảy các thứ chẳng luận là lớn hay nhỏ, hữu hình, vô hình, chân thật hay hư vọng, là sự vật hay là đạo lý... đều gọi là Pháp.

Duy Thức Luận nói: ‘Pháp là quỹ trì’. Quỹ là khuôn phép có thể giúp cho chúng sanh khởi lên kiến giải. Ví dụ: ‘vô thường’ khiến cho chúng sanh khởi lên kiến giải vô thường. ‘Trì’ là gìn giữ, chẳng bỏ tự tướng. Hết thảy các pháp mỗi thứ đều có tướng của nó.

Câu ‘An trụ hết thảy’ được Hội Sớ giảng như sau: ‘An trụ nghĩa là bất động. Đức thành chẳng thối nên bảo là an trụ. Không đức nào chẳng đủ nên nói là hết thảy’.

Trong đoạn Hạnh Nguyện phẩm vừa dẫn ở trên, câu ‘Trong khoảng một niệm, tất cả hạnh nguyện đều được thành tựu’ ý nói: Trong một niệm viên thành hạnh nguyện nên có thể an trụ trong hết thảy pháp công đức của Như Lai Phật quả.

‘Du bộ thập phương, hành quyền phương tiện’: hai câu này khen ngợi quyền đức của Đại Sĩ.

‘Du bộ’ có nghĩa là du hànhdu hóa. ‘Thập phương’ là bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc và bốn góc Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc hợp thành tám phương; kể cả hai phương trên, dưới thành ra mười phương. Chữ ‘thập phương’ biểu thị hết thảy nơi chốn trong không gian.

‘Du bộ thập phương’thần thông du hý của Đại Sĩ, du hành tự tại, hóa độ hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới.

Trong câu ‘Hành quyền phương tiện’, chữ Quyền là đối với Thật mà nói.

Quyền có nghĩa là “quyền nghi” hay “quyền biến”, người đời hay nói: ‘Thông quyền đạt biến’. Quyền là tên khác của Phương Tiện. Sách Pháp Hoa Văn Cú giảng: ‘Phương là pháp, Tiện là dùng’.

Nói một cách thô thiển, Phương là phương pháp, Tiện là tiện lợi.

Xét trong Phật giáo, chữ Phương Tiện có nghĩa như kinh Đại Tập dạy: ‘Có thể điều phục chúng sanh khiến cho họ đều hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì gọi là Phương Tiện’.

Lại như sách Pháp Hoa Huyền Tán giảng: ‘Thực hành, tạo tác là Phương, khéo phù hợp cơ nghi là Tiện’.

Lại như Tịnh Ảnh Sớ viết: ‘Hóa hạnh khéo léo, thích nghi với từng chúng sanhhiện ra các thứ khác nhau thì gọi là Quyền phương tiện’.

Tổng hợp ý kiến của những kinh luận trên, ta thấy rằng: Dùng phương pháp khéo léo, ổn thỏa, tiện lợi, khéo khế hợp căn cơ của chúng sanh để dẫn dắt họ hướng đến Quả Giác Cứu Cánh thì gọi là ‘hành quyền’ hoặc ‘hành phương tiện’.

‘Nhập Phật pháp tạng, rốt ráo đến bờ kia’: Ngài Gia Tường giảng chữ Nhập là ‘Khế giải tông nguyên’, Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Chứng hội là nhập’. Có thể thấy được rằng Nhập là khế hội, chứng nhập, cũng chính là chữ Nhập trong câu ‘nhập Phật tri kiến’ của kinh Pháp Hoa.

Gia Tường sớ giảng chữ ‘Phật pháp tạng’ rằng: ‘Gọi Lý là Tạng’, nghĩa là: Phật pháp tạnglý thể của pháp tánh. Pháp tánh hàm tàng vô lượng tánh đức nên gọi là Phật pháp tạng.

Hơn nữa, pháp tánh hàm chứa, bao gồm hết thảy Phật pháp nên gọi là Phật pháp tạng. Vì vậy, ý nghĩa câu‘nhập Phật pháp tạng’ giống như câu ‘khéo nhập Phật huệ, thông đạt đại trí’ của kinh Pháp Hoa.

Ngoài ra, sách Bình Giải căn cứ trên ý nghĩa từ nhân hướng đến quả giảng như sau:

‘Tạng báu hết thảy công đức của Như Laicông đức của Phật quả. Biển báu lớn công đức ấy gọi là Phật pháp tạng, tức là Nhất Thừa mà Phật đã sở đắc’.

Luận thuyết của sách Bình Giải chỉ rõ: các Bồ Tát trong hội này đều là bậc đại quyền thị hiện từ quả hướng đến nhân, đã nhập Nhất Thừa quả hải của Như Lai, nhưng chẳng bỏ nhân hạnh nên đến hội này nhằm tán trợ đức Thích Ca.

‘Rốt ráo’ (cứu cánh) nghĩa là đạt đến cùng cực. Trí Độ Luận giảng chữ ‘bờ kia’ như sau: ‘Chữ ba-la Hán dịch là bỉ ngạn’. Lại nói: ‘Coi sanh tử là bờ bên này, Niết Bàn là bờ bên kia’. Kinh Niết Bàn cũng chép: ‘Bờ kia là dụ cho Như Lai’.

Vì vậy, sư Tịnh Ảnh giảng chữ ‘cứu cánh Niết Bàn’ như sau: ‘Hiển rõ quả tất cánh, đạt đến bờ kia Niết Bàn thì gọi là cứu cánh’ (ý lời sớ nói: Thể hiện rõ ràng giác quả cùng cực mà mình đã chứng đắc, đạt đến bờ kia Niết Bàn thì gọi là “cứu cánh”).

Theo sách Bình Giải thì lại là chứng nhập biển báu nhất thừa đại công đức, khế hợp với Niết Bàn mà Phật đã chứng đắc. Các vị Đại Sĩ này đã viên chứng quả đức, từ quả hướng đến nhân, tuân theo Phổ Hiền đức hiện khắp mười phương, đến trong pháp hội để cùng hoằng dương Tịnh pháp.

Cư sĩ Bành Tế Thanh nói:

‘‘Hành quyền phương tiện, nhập Phật pháp tạng, rốt ráo đến bờ kia’, ý nghĩa của ba câu này bao trọn pháp môn Tịnh Độ. Hết thảy sở hạnh của Bồ Tát chẳng rời phương tiện. Do phương tiện nên giữ lấy Tịnh Độ, thường được thấy Phật.

Do thấy Phật, nghe pháp, tu hành, nhập Phật pháp tạng nên viên mãn giác tâm, đạt đến bờ kia một cách rốt ráo. Nếu khôngphương tiện thì vô lượng hạnh môn trọn chẳng thành tựu như kinh Đại Bát Niết Bàn dạy:

‘‘Bồ Tát này do tương ứng với Bát Nhã ba la mật nên từ chốn này chết đi, sanh trong cõi Phật khác. Từ một cõi Phật này đến cõi Phật khác, nơi nơi, chốn chốn, thường được gặp gỡ chư Phật Thế Tôn để cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán, cho đến khi thành Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề trọn chẳng rời Phật’’.

Nên biết: muốn chẳng rời Phật, phải lấy Niệm Phật làm nhân như Thập Địa trong kinh Hoa Nghiêm, thủy chung chẳng rời niệm Phật’.

Theo ông Bành, Bồ Tát độ sanh cần phảiphương tiện. Phương tiện tối thắng là dạy người niệm Phật. Niệm Phật sanh Phật quốc, thấy Phật, nghe pháp, trọn chẳng rời Phật nên nhập được Phật pháp tạng, rốt ráo đến bờ kia. Ông Bành bàn như vậy chứng tỏ đã lãnh hội sâu xa ý chỉ kinh này.

Chánh kinh:

Nguyện trong vô lượng thế giới thành Đẳng Chánh Giác. Bỏ Đâu Suất, giáng hạ vương cung, bỏ ngôi vị, xuất gia, khổ hạnh học đạo. Thị hiện như thế để thuận theo thế gian. Dùng sức định huệ hàng phục ma oán, đắc vi diệu pháp thành tối chánh giác. Thiên nhân quy ngưỡng thỉnh chuyển pháp luân. Thường dùng pháp âm giác ngộ các thế gian, phá thành phiền não, hoại các hào dục, rửa sạch cấu ô, hiển minh thanh bạch. Điều chúng sanh, tuyên diệu lý, trữ công đức, bày phước điền. Dùng các pháp dược cứu chữa ba khổ. Lên địa vị quán đảnh, thọ ký cho Bồ Tát. Để dạy Bồ Tát làm a xà lê, thường tu tập vô biên các hạnh tương ứng, thành thục Bồ Đề vô biên thiện căn, vô lượng chư Phật đều cùng hộ niệm.

Giải:

Hai câu cuối của đoạn trước: ‘Nhập Phật pháp tạng, rốt ráo đến bờ kia’ là lần thứ hai khen ngợi Thật Đức của bậc Đại Sĩ. Đoạn kinh văn này và hai đoạn tiếp theo sau lại khen ngợi Quyền Đức của Bồ Tát: trong khắp mười phương, thị hiện tám tướng thành đạo thù thắng

‘Nguyện trong vô lượng thế giới thành Đẳng Chánh Giác’: Nguyện là thệ nguyện. Sách Pháp Quật viết: ‘Mong cầu đạo xuất thế là Nguyện’.

‘Thế giới’: Thế chỉ thời gian, Giới chỉ không gian. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: ‘Thế là dời chuyển, Giới là phương vị. Nay ông nên biết: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, thượng, hạ là Giới. Quá khứ, vị lai, hiện tại là Thế’.

‘Đẳng Chánh Giác’ là chữ trong bản Đường dịch, là cách dịch theo kiểu Tân dịch. Bản Ngụy dịch ghi là Đẳng Giác, đó là Cựu dịch. Đẳng Giáchai nghĩa:

- Đẳng Giácđịa vị cùng tột của Bồ Tát, sẽ đắc Diệu Giác Phật quả. Công đức, trí huệ của bậc này gần tương đương với Diệu Giác nên gọi là Đẳng Giác. Đại sư Đàm Loan nói: ‘So với Diệu Giác còn kém một bậc nên gọi là Đẳng Giác’.

- Đẳng GiácPhật quả. Sách Vãng Sanh Luận Chú nói: ‘Do các pháp bình đẳng nên các Như Lai bình đẳng. Vì vậy, chư Phật Như Lai gọi là Đẳng Giác’.

Trí Độ Luận cũng viết: ‘Chư Phật bình đẳng nên gọi là Đẳng Giác’. Sách Hội Sớ nói: ‘Đẳng Giác có hai nghĩa: một là Như Lai gọi là Đẳng Giác. Hai là địa vị nhất sanh bổ xứ’.

Do đó, các nhà chú giải kinh đối với đoạn kinh này cũng có hai cách giải thích:

- Một, Bồ Tát trụ địa vị Đẳng Giác trong mười phương thị hiện tám tướng thành đạo.

- Hai, đấy chính là Phật quả: từ quả hướng nhân, thị hiện tám tướng cho đến lực dụng sau khi đã thành Phật.

Nói tóm lại, Đại Giác diệu dụng chẳng thể nghĩ bàn, chẳng nên với hai thuyết này cưỡng chấp một thuyết. Áp dụng cả hai thuyết chẳng trở ngại nhau vì chúng Bồ Tát đông đảo ắt hẳn cảnh giới của họ chẳng chỉ có một.

‘Bỏ Đâu Suất, giáng hạ vương cung, bỏ ngôi vị, xuất gia, khổ hạnh học đạo...’ là tám tướng thành đạo. Do địa vị chẳng chỉ có một nên thành ra năm thứ. Sách Bình Giải viết:

‘a. Như phẩm Hiền Thủ kinh Hoa NghiêmKhởi Tín Luận có nói: Bồ Tát trọn vẹn địa vị Thập Tín, thị hiện tám tướng. Kinh Chiêm Sát nói trong bốn loại thành Phật, loại thứ nhất là tín mãn sẽ làm Phật.

b. Như trong kinh Đại Tập, quán đảnh trụ Bồ Tát (Bồ Tát đã viên mãn các địa vị thuộc Thập Trụ) có thể trong thế giới không có Phật thị hiện tám tướng. Kinh Chiêm Sát nói loại thứ hai thành Phật là giải mãn sẽ thành Phật.

c. Phẩm Giáo Hóa Bồ Tát kinh Nhân Vương nói tám tướng của bậc Sơ Địa. Loại thứ ba thành Phật trong kinh Chiêm Sát là chứng mãn sẽ làm Phật.

d. Kinh Nhập Như Lai Trí Đức Bất Tư Nghị nói cứu cánh địa (nhất sanh bổ xứ) thị hiện tám tướng. Loại thứ tư thành Phật trong kinh Chiêm Sát là hết thảy công đức hạnh mãn sẽ thành Phật.

e. Phẩm Bất Tư Nghị kinh Hoa Nghiêm nói đến trí xuất sanh trong mỗi niệm của chư Phật. Đó là Hậu Đắc Trí của Phật xuất sanh thị hiện tám tướng.

Trong năm loại này, bốn loại trước là từ nơi nhân thị hiện. Loại thứ năm là nghiệp dụng sau khi đã thành Phật.

Đa số các sư cho rằng tám tướng thị hiện được nói đến trong kinh này là loại thứ tư (bổ xứ) thành Phật. Nếu căn cứ theo tông của kinh [Vô Lượng Thọ] đây thì tám tướng thành đạo không thể thuộc loại thứ tư. Do được tạo thành bởi phương tiện hồi hướng khéo léo của Phật Di Đà nên nhân quả đều chẳng thể nghĩ bàn được. Nếu cưỡng luận, may ra chỉ có loại thứ năm (đã thành Phật) là phù hợp’.

Do những ý kiến trên, ta thấy: người thị hiện tám tướng thành đạo có đến năm địa vị. Một khuynh hướng cho rằng đấy là tướng thị hiện của bậc nhất sanh bổ xứ thành Phật, sách Bình Giải thiên trọng ý kiến ‘đã thành Phật’.

Các thuyết chẳng mâu thuẫn nhau, năm địa vị cùng tồn tại nào trở ngại đến nhau. Do có vô lượng vô biên Bồ Tát mười phương đến nhóm hội, nên xét về mặt bình đẳng, dẫu địa vị của họ sai biệt cũng nào có trở ngại gì.

Thêm nữa, ‘tám tướng thành đạo’ là lệ thường của bổn sư Thích Ca Mâu Ni và hết thảy chư Phật. Hiềm vì các kinh luận tách ra hay gộp lại khác nhau nên thành khác biệt: hoặc nói bảy tướng, cho đến chín tướng, mười tướng. Ở đây chỉ nói tám tướng là điều được đa số các kinh, luận đề cập.

Ngay cả trong tám tướng, nội dung tám tướng trong mỗi kinh, luận cũng chẳng giống nhau.

Đại Thừa Khởi Tín Luận nói tám tướng là: từ trời Đâu Suất giáng hạ, nhập thai, trụ thai, xuất thai, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết Bàn.

Nhưng trong Tứ Giáo Nghi, tám tướng lại là: từ trời Đâu Suất giáng hạ, gá thai, sanh ra, xuất gia, hàng ma, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết Bàn.

So sánh hai thuyết này thì Tứ Giáo Nghi tách tướng ‘thành đạo’ của luận Khởi Tín ra làm hai: hàng mathành đạo, gộp hai tướng ‘nhập thai’ và ‘trụ thai’ của luận Khởi Tín thành ‘gá thai’. Rõ ràng, hai thuyết này chỉ vì tách ra hay gộp lại nên thành ra bất đồng chứ nội dung chẳng khác.

Gia Tường Sớ dựa theo Tứ Giáo Nghi phán định tám tướng thành đạo rất phù hợp với bản hội tập kinh này; do vậy, tôi dùng thuyết của Gia Tường Sớ:

‘Bỏ Đâu Suất’ là tướng thứ nhất. ‘Giáng vương cung’ là tướng thứ hai và thứ ba. ‘Bỏ ngôi vị, xuất gia, khổ hạnh học đạo’ là tướng thứ tư. ‘Hàng phục ma oán’ là tướng thứ năm. ‘Thành tối chánh giác’ là tướng thứ sáu. ‘Thỉnh chuyển pháp luân, thường dùng pháp âm, giác ngộ các thế gian’ cho đến các câu tiếp theo đó là tướng thứ bảy. Trong đoạn kế tiếp, câu ‘trong hạng trung hạ căn hiện diệt độ’ là tướng thứ tám.

‘Bỏ Đâu Suất’ là tướng thứ nhất: từ trời Đâu Suất giáng hạ.

Đâu Suất hoặc Đâu Thuật, Đổ Sử Đa vốn là một chữ, chỉ dịch âm sai khác, có nghĩa là Diệu Túc, Tri Túc, Hỷ Túc v.v... Đó là tầng trời thứ tư trong Dục giới, nội viện hiện là Tịnh Độ của Di Lặc Đại Sĩ. Ngoại viện là chốn dục lạc của thiên chúng. Phẩm Thuyết Pháp Môn của kinh Phổ Diệu nói:

‘Trời Đâu Suấtđại thiên cung tên là Cao Tràng rộng lớn hai ngàn năm trăm sáu mươi dặm. Bồ Tát thường ngự ở đó vì các chúng trời phu diễn kinh điển’. Quyển thứ năm Phật Địa Luận chép: ‘Hậu thân Bồ Tát giáo hóa trên trời Đổ Sử Đa’. Hậu thân Bồ Tát tức là nhất sanh bổ xứ Bồ Tát. Trong thế giới này, quá khứ, vị lai hiện tại, tam thế bổ xứ Đại Sĩ đều từ cõi trời này giáng hạ.

‘Giáng vương cung’ là giáng sanh vào vương cung, gộp cả tướng thứ hai ‘gá thai’ và tướng thứ ba ‘xuất sanh’. Kinh Nhân Quả chép đức Bổn Sư Thích Ca gá thai như sau:

‘Khi ấy, Ma Gia phu nhân trong khi ngủ say thấy Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà từ trên không hạ xuống, chui vào hông phải. Thân hiện bóng ra ngoài như đang ở trong lưu ly’. Còn như khi sanh ra thì như kinh Niết Bàn tả: ‘Từ mẹ là Ma Gia mà sanh. Sanh xong, liền bước khắp nơi, mỗi nơi bảy bước’. ‘Bước khắp nơi’ là bước đủ cả mười phương: bốn góc, trên, dưới… 

Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Trong thập phương, mỗi phương đều bước bảy bước thị hiện sức trượng phu phấn tấn, trong thập phương độc xuất vô úy’.

Bản Ngụy dịch còn chép: ‘Từ hông phải sanh’. Sách Thích Ca Phổ cũng chép: ‘Bồ Tát được dần dần sanh ra từ hông phải của mẹ’, .

‘Bỏ ngôi vị xuất gia, khổ hạnh học đạo’ là tướng xuất gia thứ tư. Bản Ngụy dịch chép tỉ mỉ, nguyên văn:

‘Thị hiện sống trong vương cung, trong khoảng sắc vị. Thấy già, bịnh, chết, hiểu đời vô thường, bỏ đất nước, của cải, ngôi vị, vào núi học đạo, cưỡi ngựa trắng. Mão báu, chuỗi ngọc sai người đem trả về. Bỏ áo quý đẹp để khoác pháp phục, gọt sạch râu tóc, ngồi đoan nghiêm dưới cội cây, khổ hạnh sáu năm, thực hành điều nên làm’.

Kinh Phổ Diệu chép: ‘Khi ấy, Thái Tử ngày ăn một hạt mè, một hạt đậu. Trong sáu năm, ngồi xếp bằng’ tu tập hạnh gian nan siêng khổ.

‘Thị hiện như thế để thuận theo thế gian’: Câu này xuất phát từ bản Đường dịch, hiển thị sâu xa huyền chỉ kinh Pháp Hoa. Phẩm Thọ Lượng kinh Pháp Hoa chép:

‘Hết thảy thế gian trời, người, a tu la đều cho rằng Phật Thích Ca Mâu Ni nay bỏ cung họ Thích đến thành Già Gia chẳng xa, ngồi đạo tràng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Nhưng này thiện nam tử! Thật ra, ta từ khi thành Phật đến nay đã vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức na do tha kiếp... Từ đấy trở đi, ta thường trụ trong thế giới Sa Bà này thuyết pháp giáo hóa, cũng ở nơi khác, trăm ngàn vạn ức na do tha a tăng kỳ cõi, dạy dỗ lợi ích chúng sanh.... Như Lai thấy các chúng sanh ưa thích pháp nhỏ, đức mỏng cấu nặng nên vì kẻ ấy nói: “Ta xuất gia không lâu đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

Nhưng thật ra từ khi ta thành Phật đến nay đã lâu xa dường ấy, chỉ vì phương tiện giáo hóa chúng sanh cho họ nhập Phật đạo mà nói như thế’.

Đối chiếu hai kinh, tin chắc đức Bổnthị hiện tám tướng thành đạo chỉ vì tùy thuận căn cơ của chúng sanh trong thế gian, hành quyền phương tiện khiến khắp tất cả đều được độ thoát mà thôi. Thật ra, đức Thích Tôn đã thành Phật từ rất lâu.

‘Dùng sức định huệ hàng phục ma oán’: câu này cũng trích từ bản Đường dịch, là tướng hàng ma thứ năm.

Ma là tiếng gọi tắt của chữ Phạn ‘Ma La’, Tàu dịch là Chướng Ngại vì nó hay gây chướng ngại cho người tu đạo, cũng dịch là Sát Giả vì làm hại sự lành của người và cũng bởi do nó thường hành phóng dật, đoạn huệ mạng. Ma La còn dịch là Ác Giả vì lắm ái dục. Có bốn loài ma, ngài Tịnh Ảnh nói:

‘Một là phiền não ma tức là: tham, sân v.v... hay hại thiện pháp. Hai là ấm ma, tức là thân ngũ ấm hoại diệt lẫn nhau. Ba là tử ma hoại được mạng căn. Bốn là thiên ma thích hoại sự lành của người khác’. Loài ma bị hàng phục trong kinh này là Thiên Ma.

Bà Sa Luận chép: ‘Xưa kia, Bồ Tát ở dưới gốc Bồ Đề, đầu đêm ma nữ đến quấy nhiễu, nửa đêm ma quân cùng đến bức não.. Trong khoảnh khắc, [Bồ Tát] quán sát thấy vậy liền nhập định khiến cho binh chúng của ma tan bại đọa lạc’.

Sách Tây Vực Ký cũng chép: ‘Nhóm các thần chúng, tề chỉnh ma quân, sắp bày quân ngũ kéo đến bức bách Bồ Tát. Bồ Tát ngay khi ấy nhập đại từ định. Binh khí của chúng đều biến thành hoa sen, quân ma hoảng loạn, thất bại, rùng rùng thua chạy’.

Các đoạn trích dẫn trên đều nói về định lực của Bồ Tát.

Lại như Trí Độ Luận chép: ‘Bồ Tát do sức trí huệ đại phá ma quân’ là nói về huệ lực của Bồ Tát. Vì vậy, kinh này chép: ‘Dùng sức định huệ hàng phá ma oán’. Chữ ‘oán’ chỉ oán gia.

‘Đắc vi diệu pháp, thành tối chánh giác’: Hai câu này là tướng thành đạo thứ sáu.

‘Vi diệu’ là như kinh Duy Ma nói: ‘Vi diệu là Bồ Đề vì các pháp khó biết’. Bồ Đềtri kiến của Phật, cũng chính là Thật Tế lý thể, là tự tánh của đương nhân. Kinh dạy: ‘Chẳng phải do ngữ ngôn, phân biệt mà biết được nổi’ nên nói là ‘vi diệu khó biết’‘vi diệu là Bồ Đề’. Tịnh Ảnh Sớ cũng viết: ‘Lý là diệu pháp, do đắc pháp này nên thành Chánh Giác’. Lý chỉ cho Thật Tế lý thể nên ý câu này cũng giống với đoạn kinh vừa nêu trên. Thêm nữa, kinh Trường A Hàm nói: ‘Đại trí của Như Lai vi diệu độc tôn’.

Gộp tất cả các ý trên thì ‘đắc pháp vi diệu’ là khế hợp với Phật trí của đức Thế Tôn, nhập diệuThật Tướng, chứng Bồ Đề chánh chơn nên thành Chánh Giác. Chánh GiácThật Trí của Như Lai. Vì vậy, thành Phậtthành Chánh Giác.

‘Tối chánh giác’ là sự giác ngộ vô thượng cứu cánh viên mãn của Phật như sách Thích Ca Phổ ghi: ‘Đắc đạo vô thượng chánh chơn là tối chánh giác’. Sách Hội Sớ giải: ‘Giác ngộ tột bực nên nói là thành tối chánh giác’. Thành tối chánh giácrốt ráo thành Phật.

 Câu ‘Thiên nhân quy ngưỡng, thỉnh chuyển pháp luân’ và các câu tiếp theo đó là tướng thứ bảy.

‘Thiên nhân’ là những kẻ thuộc thiên đạo. ‘Quy’ là quy kính, ‘ngưỡng’ là khâm ngưỡng.

Trí Độ Luận chép:

Ngay sau khi đức Phật Thích Ca Văn thành đạo, trong năm mươi ngày im lặng chẳng thuyết pháp, tự nhủ: ‘‘Pháp ta rất sâu, khó hiểu, khó biết, hết thảy chúng sanh bị pháp thế tục trói buộc nên chẳng hiểu nổi, chi bằng ta yên lặng nhập niềm vui Niết Bàn’’.

Ngay khi ấy, các Bồ TátThích Đề Hoàn Nhân, Phạm thiên vương, chư thiên chắp tay kính lễ, thỉnh Phật vì các chúng sanh chuyển pháp luân lần đầu. Khi ấy, đức Phật im lặng nhận lời thỉnh, đến rừng Nai nơi thành Ba La Nại chuyển pháp luân’.

Kinh Pháp Hoa cũng chép:

‘Khi ấy, các Phạm vương, và các trời Đế Thích, Hộ Thế Tứ thiên vương, cùng Đại Tự Tại thiên và các chúng trời khác, quyến thuộc trăm ngàn vạn, cung kính chắp tay lễ, thỉnh ta chuyển pháp luân’.

Chữ ‘Pháp luân’ chỉ giáo pháp của Phật. Diễn thuyết giáo pháp của Phật gọi là Chuyển Pháp Luân. ‘Luân’ chính là luân bảo của Chuyển Luân Thánh Vương xoay chuyển trong tứ thiên hạ đè bẹp các oán địch. Vì vậy, nó thường được ví với giáo pháp của Phật: cũng lưu chuyển trong hết thảy chúng sanh giới phá trừ các phiền não.

Sách Pháp Hoa Văn Cú viết: ‘Chuyển pháp hóa độ người khác: từ nơi tâm của Phật lọt vào tâm người khác gọi là Chuyển Pháp Luân’. Sư Gia Tường nói: ‘Từ mình đem đến người khác nên nói là Chuyển’. Ngoài ra, sách Thám Huyền Ký giảng chữ ‘pháp luân’ như sau:

‘Pháp nghĩa là Quỹ Trì, nói chung có bốn nghĩa là Giáo, Lý, Hạnh, Quả. Luân là cái được thành, cũng có bốn nghĩa:

a. Viên mãn: do chẳng khuyết giảm. 

b. Đức đầy đủ: do các tướng: vành, đùm, căm... đều đầy đủ.

c. Hữu dụng: do nghiến nát các hoặc chướng.

d. Chuyển động: nghĩa là từ đây tới kia, tức là từ Phật chuyển tới chúng sanh. Cũng có nghĩa là từ kia hướng đến đây, tức là từ chúng sanh đạt đến Phật quả’.

Thường dùng pháp âm giác ngộ các thế gian’: Từ câu này trở đi, cho đến trước câu ‘trong hạng trung, hạ ấy mà hiện diệt độ’ đều nói về tướng chuyển pháp luân.

‘Pháp âm’ chỉ chung tất cả giáo pháp của Như Lai chẳng giới hạn trong thanh âm, ngôn ngữ. Ấy là vì đức Thế Tôn thuyết pháp thì vi trần nói, hoặc cõi nước nói, nói một cách mạnh mẽ, nói không gián đoạn, lúc nói là thuyết pháp mà lúc im lặng cũng là thuyết pháp, chẳng phải chỉ hữu tình nói mà vô tình cũng nói. Vì vậy, chẳng thể cho rằng pháp âm chỉ thu hẹp trong ngôn giáo của đức Thế Tôn.

Đại sư La Thập giảng chữ ‘thế gian’ như sau:‘Thế gian là tam giới’, tức là Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới. Thế Tôn sau khi nhận lời thỉnh, cả một đời diễn giảng đủ các pháp: Đại, Tiểu, Quyền, Thật, Thiên, Viên để đánh thức hết thảy chúng sanh trong tam giới nên nói là: ‘Thường dùng pháp âm giác ngộ các thế gian’. Đây chính là tổng tướng của chuyển pháp luân.

Câu ‘Phá thành phiền não’ trích từ bản Đường dịch. Phiền Não là tham, sân, si v.v... phiền tâm não thân nên gọi là “phiền não”. Hơn nữa, mười thứ: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới thủ được gọi là mười phiền não. Tông Thiên Thai gọi ba thứ hoặc: kiến tư, trần sa, vô minh là ba phiền não. Trí Độ Luận chép: ‘Phiền não khiến cho tâm phiền vì nó gây não loạn’.

‘Thành’ là thành trì. Phật diễn diệu pháp phá tan thành lũy phiền não trong thân tâm chúng sanh nên kinh nói: ‘Phá thành phiền não’.

Tịnh Ảnh Sớ giảng câu ‘hoại các hào dục’ như sau: ‘Tâm ái dục sâu thẳm khó vượt được nên gọi là Hào, dạy đoạn trừ [tâm ái dục] khiến nó tan nát’.

Sách Bình Giải viết: ‘Hoại các hào dục là bỏ dục tâm. Ái dục là gốc các khổ. Dòng dục sâu rộng chúng sanh chìm đắm trong ấy khó vượt qua được nên gọi là Hào. Sách Tự Uyển giảng: ‘‘Hào là mương nước lớn bao quanh thành’’. Gươm Phật pháp chặt nát tan hào lũy dục’.

Sách Hội Sớ giảng câu ‘Rửa sạch cấu ô, hiển minh thanh bạch’ như sau:

‘Coi ái phiền não dường như cấu ô, Không Huệ trừ được [phiền não] nên cũng như là “rửa sạch”. Trừ tà hiển chánh là “hiển minh”. Do gìn giữ pháp thành nên bảo là “thanh bạch”. Vượt khỏi các hủy báng nên nói là “thanh bạch”.

Chữ ‘pháp thành’ trong đoạn văn trên ám chỉ trí đoạn quả như sách Hợp Tán viết: ‘Trí đoạn quả gọi là “pháp thành”. Gia Tường Sớ ghi: ‘Trừ bỏ mê cấu nên nói là “rửa sạch”… Hiểu được vô tướngvô lậu minh, vì vậy bảo là “thanh bạch”.

Sách Bình Giải cũng viết: ‘Rửa sạch cấu ô, hiển minh thanh bạch là đức tính của mưa xối. Mưa có khả năng rửa sạch bụi nhơ của các vật, có đức tính hiển hiện cái thể thanh bạch. Pháp luân của Như Lai rửa sạch bụi nhơ trần lao, khai hiển tịnh thể sẵn có’.

Tổng hợp các cách giải thích trên thì ‘thanh bạch’ là trí đoạn quả, là vô lậu minh, là tịnh thể vốn có. Nếu nhìn theo quan điểm Thiền môn, ‘rửa sạch cấu ô’ chính là ‘hồi thoát căn trần’, ‘hiển minh thanh bạch’ là ‘linh quang độc diệu’. Quy về Tịnh Tông: ‘cùng nhiếp sáu căn’ là ‘rửa sạch cấu ô’, ‘tịnh niệm tiếp nối’ và ‘tự được tâm khai’ là ‘hiển minh thanh bạch’. Vì ‘một tiếng Phật hiệu là một tiếng tâm’, Niệm Phật chính là Thỉ Giác hợp với Bổn Giác vậy.

‘Điều chúng sanh, tuyên diệu lý’: “Điều” là điều hòa. “Chúng sanh” là hết thảy hữu tình. Tuyên là chỉ bày. “Diệu lý” là lý thể của Thật Tướng, cũng chính là ‘Phật tri kiến’ của kinh Pháp Hoa. Khai Phật tri kiến, thị Phật tri kiến chính là ‘tuyên diệu lý’ khiến cho hết thảy hữu tình ngộ Phật tri kiến, nhập Phật tri kiến là ‘điều chúng sanh’. Điều hòa dây đàn khiến nó phát ra đúng âm thanh, điều hòa chúng sanh khiến chúng khế hợp Trung Đạo. Pháp môn Tịnh Độtri kiến Phật, trì danh niệm Phậthòa hợp vào Trung Đạo.

‘Trữ công đức, bày phước điền’: ‘Trữ’ là tích chứa. ‘Phước điền’: ruộng gieo lúa của thế gian gọi là ruộng lúa, dùng ngay hình ảnh ấy làm thí dụ chỗ để chúng sanh gieo phước thì gọi là “phước điền”. Tịnh Ảnh Sớ viết:

‘Tích chứa nhiều đức gọi là “trữ công đức”. Thị hiện nhận lãnh vật cúng dường nên gọi là Bày. Sanh phước thiện cho đời như ruộng sanh ra các vật nên gọi là Phước Điền’.

Sách Bình Giải viết: ‘Phước điềncúng dường Như Lai, vật thí tuy nhỏ được phước rộng lớn; giống như ruộng tốt, tuy gieo ít giống, thâu hạt rất nhiều. Kinh Bồ Đề Bổn Sanh nói: “Sở dĩ Phật là phước điền là vì chứa công đức vô thượng”.

Các cách giải thích trên đây đều phù hợp ý kinh này. Hơn nữa, luận Câu Xá nói có bốn thứ phước điền:

- Thú điền: tức là súc sanh.

- Khổ điền: người bần cùng khốn khổ.

- Ân điền như cha mẹ v.v…

- Đức điền: thánh hiền trong tam thừa.

Đấy là nghĩa rộng của phước điền.

‘Dùng các pháp dược, cứu chữa ba khổ’: Chư Phật độ sanh theo bịnh cho thuốc. Thuốc ví với diệu pháp của Như Lai, bịnh ví cho chúng sanh tật khổ như kinh Niết Bàn nói: ‘Vì độ chúng sanh nên nói pháp dược vi diệu vô thượng’.

‘Ba khổ’ là:

a. Khổ khổ: do việc khổ xảy đến nên sanh phiền não.

b. Hoại khổ: do pháp vui mất đi mà sanh khổ não.

c. Hành khổ: hành nghĩa là dời chuyển. Do hết thảy đều dời chuyển, vô thường nên sanh khổ não.

Gia Tường Sớ viết: ‘Sự khổ trong ba cõi (tức là sanh tử trong ba cõi) gọi là ba khổ’. Sách Bình Giải cho rằng lời giải thích của sư Gia Tường thỏa đángtrừ diệt cái khổ sanh tử trong ba cõi thật phù hợp với tông chỉ của Tịnh tông.

Sách Bình Giải giảng đoạn văn trên như sau: ‘Như Lai đại y vương biết được bệnh, tùy theo bịnh cho thuốc, trị cái khổ trong ba cõi. Bịnh có nhiều loại nên pháp dược cũng nhiều. Vì vậy, nói là các pháp dược’.

Lên địa vị quán đảnh’: Quán Đảnh là ở Ấn Độ vào thời cổ, khi quốc vương lên ngôi, lấy nước bốn biển rưới lên đảnh đầu vua. Mật giáo cũng giống thế, có pháp quán đảnh. Quán đảnh có nhiều loại, nói giản lược thì có hai thứ:

 a. Kết duyên quán đảnh: Để hành nhân cầu pháp được kết duyên với Phật, dẫn hành nhân vào đàn, truyền cho ấn và chơn ngôn của Bổn Tôn. Từ đấy trở đi, hành nhân có thể nương theo lời dạy, tùy sức tu tập. Đó là “kết duyên quán đảnh”.

 b. Thọ chức quán đảnh: Để bậc tích chứa công hạnh đúng pháp được phép truyền thọ bí pháp nên làm pháp quán đảnh. Được quán đảnh xong, người ấy kham làm thầy dạy, làm bậc a xà lê trong Mật pháp. Đấy là thọ chức (hoặc truyền giáo) quán đảnh.

 

Đó chỉ là phân chia một cách đại lược. Nếu bàn tỉ mỉ thì với hai loại quán đảnh vừa nói trên, lại có bốn cách quán đảnh thường được sử dụng:

 a. Bình quán: được tùy ý tu tập cách sanh khởi theo thứ lớp.

 b. Mật quán: được tùy ý tu tập về các khí mạch, minh điểm (14).

 c. Huệ quán: được tự tại tu trì Bồ Đề tâm quyết.

 d. Đại Thủ Ấn quán: được tự tại tu trì pháp môn Đại Thủ Ấn.

 Mật giáo đặt nặng vấn đề truyền thừa: chưa qua quán đảnh chẳng được tự tiện tu tập; các nghi quỹ, kinh điển cũng chẳng được tự tiện đọc.

Ngoài ra, quán đảnh còn phân biệt giữa Sơ Vị và Hậu Vị như quyển thứ mười lăm Đại Nhật Kinh Sớ viết:

‘Ví như dòng sát-lợi trong thế gian muốn kế tục ngôi vị để dòng vua chẳng dứt, phải quán đảnh cho đích tử: lấy nước bốn biển đựng vào bốn cái bình báu... giội lên đầu thái tử. Giội nước ấy xong, lớn tiếng xướng ba lần: ‘Mọi người nên biết: ‘‘Thái tử đã nhận lãnh địa vị xong. Từ nay trở đi, với tất cả mệnh lệnh của ngài đều phải phụng hành’’.

Nay đấng Như Lai pháp vương cũng giống như vậy, muốn cho dòng Phật chẳng đoạn nên dùng cam lộ pháp thủy rưới lên đảnh Phật tử... Từ đây trở đi, hết thảy thánh chúng đều phải kính ngưỡng, cũng phải biết rằng người này rốt ráo chẳng thối thất vô thượng Bồ Đề, quyết định kế tục địa vị pháp vương của Như Lai’.

Cách giải thích trong đoạn sớ văn trên đây là xét theo người thuộc Sơ Vị.

Còn với hạng Hậu Vị thì như sách Bí Mật Ký giảng: ‘Bồ Tát từ Sơ Địa đến Đẳng Giác lúc gần đạt quả Phật cứu cánh, chư Phật dùng nước đại bi quán đảnh, tự hạnh liền viên mãn, chứng đắc Phật quả là nghĩa của chữ Đảnh’.

Quyển bảy của sách Bí Tạng Ký Sao viết: ‘Quán nghĩa là đại bi hộ niệm. Đảnh nghĩa là Phật quả cao tột nhất. Chư Phật hộ niệm làm cho trụ nơi Phật đảnh đều gọi là Quán Đảnh’.

Nay kinh này chép: ‘Lên địa vị quán đảnh’, nếu xét về các bậc Đại Sĩ trong hội thì là Hậu Vị, còn về phía chúng sanh được dạy dỗ thì là Sơ Vị.

‘Thọ ký Bồ Đề’: Thọ nghĩa là giao cho. Ký là ghi biết, cũng có nghĩa là huyền ký. Phật đối với chúng sanh đã phát đại tâm trao lời huyền ký tương lai quyết định thành Phật thì gọi là ‘thọ ký’.

Ngài Cảnh Hưng bảo: ‘Đức thánh nói đương quả (quả trong tương lai) khiến cho biết được nhân lợi (cái lợi do tu nhân) thì gọi là thọ ký’.

Nghĩa là: đức Phật tiên đoán tương lai sẽ thành quả Phật khiến cho hành nhân ngay khi ấy biết được cái lợi của việc tu nhân của chính mình, làm cho hành nhân biết được rằng cái nhân Bồ Đề hiện tại quyết định trở thành cái quả thành Phật nên gọi là thọ ký.

Ý của câu ‘thọ ký Bồ Đề’ là các bậc Đại Sĩ trong hội đều được thọ ký quyết định sẽ thành Phật. Lại còn hàm ý: các vị Đại Sĩ này rộng vì chúng sanh thọ ký thành Phật.

‘Vì dạy Bồ Tát làm a-xà-lê, thường tu tập vô biên các hạnh tương ứng’: A Xà Lê (acarya) dịch là Giáo Thọ, cũng dịch là Quỹ Phạm Sư, là bậc khuôn phép về chánh hạnh, là tiếng tôn xưng bậc mô phạm cho chúng Tăng, thường dùng để chỉ bậc dạy dỗ pháp lành.

Trong kinh này, nếu nói theo ý câu ‘lên địa vị quán đảnh’ thì a xà lê là bậc a xà lê chỉ dạy chơn ngôn, cũng gọi là “kim cang a xà lê” do vị này kế tục địa vị tổ sư Kim Cang Tát Đỏa. A xà lê là tiếng tôn xưng bậc truyền pháp quán đảnh.

‘Tương ưng’ nghĩa là khế hợp như: tam mật tương ưng, cảnh trí tương ưng v.v... Mật tông lấy ý chỉ tam mật tương ưng làm điều cốt lõi ngõ hầu thân, khẩu, ý của chúng sanh khế hợp với tam mật của Như Lai, cho nên: ngay nơi thân này thành Phật. Vì vậy, Mật tông còn gọi là Tương Ưng tông.

Câu này và câu ‘lên địa vị quán đảnh’ ở trên biểu thị sâu xa ý chỉ: Tịnh, Mật chẳng hai, ngụ ý: Các Đại Sĩ trong hội do hoằng truyền Mật thừa, do dạy dỗ các Bồ Tát thành Kim Cang A Xà Lê nên bản thân luôn luôn tu tập vô lượng vô biên hạnh tương ưng.

‘Thành thục Bồ Tát vô biên thiện căn. Vô lượng chư Phật đều cùng hộ niệm’: Thiện Căn là sự lành nơi ba nghiệp thân, miệng, ý. Vững chắc chẳng thể lay động nổi thì gọi là Căn. Thêm nữa, sự lành sanh ra diệu quả, sanh ra các điều lành khác nên gọi là ‘Căn’.

‘Hộ niệm’giữ gìn, ức niệm. Sách Hội Sớ giảng: ‘Hộ là che chở, gìn giữ. Niệm là nghĩ nhớ’. Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Giữ gìn (hộ) khiến cho lìa ác, niệm khiến cho tăng trưởng thêm lên’. Vì vậy, hai câu trên là lời khen ngợi chung các vị Đại Sĩ trong hội tuân tu Phổ Hiền đức, khiến cho các Bồ Tát đều thành thục vô biên thiện căn. Do đó, chư Phật đều cùng hộ niệm.

Chánh kinh:

Trong các cõi Phật đều có thể thị hiện ví như huyễn sư giỏi hiện các tướng lạ. Trong các tướng ấy, thật không có gì để được. Các vị Bồ Tát này cũng lại như thế: thông các pháp tánh, đạt chúng sanh tướng, cúng dường chư Phật, khai đạo quần sanh, hóa hiện thân mình tựa như ánh chớp, xé rách lưới kiến hoặc của ma, cởi các trói buộc, vượt xa địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, nhập pháp môn: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện, khéo lập phương tiện hiển thị tam thừa.

Giải:

Đoạn kinh văn trên tiếp tục nói về tướng thứ bảy: chuyển pháp luân. Tên của phẩm này là Đức Tuân Phổ Hiền thật phù hợp với ý nghĩa Bồ Tát Phổ Hiền được kể làm thượng thủ. Kinh này là Viên giáo, từ quả khởi nhân, nên kế ngay sau ngài Phổ HiềnVăn Thù. Phổ Hiền tượng trưng cho Hạnh, Văn Thù tượng trưng cho Trí.

Vô trí thì chẳng thể khởi hạnh nên lại phải kể rõ tên ngài Văn Thù, đúng như sách Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận nhận định:

Chẳng qua khỏi nổi biển trí Văn Thù thì khó nhập Phổ Hiền hạnh môn vì chẳng biết rõ: một niệm viên đốn, bình đẳng chánh tánh, phàm lẫn thánh cùng có, không sai khác chút nào. Do chẳng rõ nên tất cả hạnh nguyện đều chẳng đầy đủ. Vì sao vậy?

Từ ngoài tâm khởi tu nên thành hữu lậu. Do vô biên công đức chẳng ngoài tự tâm, tùy thuận Chơn Như tu hết thảy pháp thì đầy đủ được vô biên công đức’.

Vì vậy, từ câu ‘trong các cõi Phật, đều có thể thị hiện’ trở đi là nói về trí đức của Văn Thù, chẳng hạn như những câu ‘ví như huyễn sư giỏi hiện các tướng lạ. Trong các tướng ấy, thật không có gì để được’ v.v… đều biểu thị ý nghĩa: từ Văn Thù diệu trí tu tập viên mãn hạnh Phổ Hiền thù thắng.

Tám câu từ chữ ‘trong các cõi Phật’ trở đi đều hiển thị trí đức của các Bồ Tát trong hội. Câu ‘trong các cõi Phật đều có thể thị hiện’ biểu thị cái đức phổ môn thị hiện của các Đại Sĩ: chẳng chỉ trong mình cõi nước này thị hiện tám tướng mà còn trong mười phương thế giới hiện trọn tám tướng.

 ‘Huyễn sư’thí dụ, Trí Độ Luận nói: ‘Phương Tây có nhà huyễn thuật có thể hóa hiện hết thảy cung điện, thành quách, nhà viện, thắt khăn thành thỏ, biến đai thành rắn... các thứ biến hiện’. Vì vậy, kinh này mượn tài huyễn hóa của nhà ảo thuật để ví cho Đại Sĩ phổ môn thị hiện. Do đó, kinh chép: ‘Ví như huyễn sư hiện các tướng lạ’.

Rồi nói: ‘Trong các tướng ấy, thật không có gì để được’ vì thật sự biết là huyễn nên với huyễn chẳng mê như trong kinh Bảo Tích, Học Huyễn Thái Tử nói kệ khen ngợi Phật rằng: ‘Như huyễnhuyễn hóa, tự chẳng mê nơi huyễn, vì biết huyễn hư vọng, Phật xem đời cũng thế’.

Đây cũng chính là như kinh Viên Giác dạy: ‘Biết huyễn liền lìa, lìa huyễn chính là Giác’. Vì vậy, với huyễn tướng chẳng chấp, chẳng đắc. Kinh văn nhiều lần khen ngợi tỉ mỉ Thật Đức và Quyền Đức của Đại Sĩ: ‘Đều có thể thị hiện’ là Quyền Đức, ‘thật chẳng thể được’ là Thật Đức. Các Đại Sĩ trong hội đều trọn vẹn hai đức Quyền, Thật này nên nói rằng: ‘Các Bồ Tát ấy cũng lại giống như thế’.

‘Thông các pháp tánh, đạt chúng sanh tướng’: Pháp Tánh cũng gọi là Thật Tướng, Pháp Giới, Niết Bàn, Thật Tế v.v... ‘Tánh’ là thể. Tự thể của hết thảy pháp gọi là “pháp tánh” như Khởi Tín Luận Nghĩa Ký giảng: ‘Pháp tánh nghĩa là hiểu rõ chơn thể này phổ biến... thông với hết thảy pháp làm tánh’.

Lại nữa, sách Duy Thức Thuật Ký viết: ‘Tánh là thể. Thể của hết thảy pháp gọi là pháp tánh’. Sách Đại Thừa Nghĩa Chương cũng viết: ‘Thể tánh của pháp gọi là pháp tánh’.

Vì vậy, pháp tánh là thể của vạn pháp, dù trong pháp nhiễm hay tịnh, dù nơi hữu tình hay nơi vô tình, tánh của nó chẳng hề biến đổi nên gọi là Pháp Tánh.

Lại nữa, Pháp Tánh chính là Chơn Như, cũng chính là Thật Tướng. Quyển thứ 5 của Gia Tường Pháp Hoa Sớ viết: ‘Pháp tánh chính là Thật Tướng, tam thừa đắc đạo không ai chẳng do nó’.

Quyển một sách Chỉ Quán cũng chép: ‘Pháp tánh gọi là Thật Tướng, còn chẳng phải là cảnh giới của Nhị Thừa huống hồ phàm phu’.

Hoa Nghiêm tông cho rằng Chơn Nhưhai nghĩabất biếntùy duyên. Về mặt tùy duyên, do nó tạo ra hết thảy các pháp nên gọi Chơn Nhưpháp tánh. Lại do chẳng bất biến nên tuy tùy duyên tạo ra nhiễm hay tịnh, hữu tình hay vô tình vạn phápChơn Như chẳng đổi, chẳng biến. Ví dụ: nước biến thành sóng mà chẳng biến mất tánh nước. Pháp tánh Chơn Như thuần thiện chẳng nhiễm, chỉ do duyên mà có nhiễm hay tịnh, nhưng pháp bị biến đổi thì lại có nhiễm hay tịnh khác biệt.

Sách Hội Sớ lại viết: ‘Bồ Tát có hai thứ trí làm căn bổn cho hết thảy hạnh tu. Những gì là hai?

Một là Như Lý Trí chiếu soi bổn tánh các pháp chẳng một, chẳng khác, chẳng sanh, chẳng diệt thì gọi là thông các pháp tánh.

Hai là Như Lượng Trí chiếu soi tướng khác biệt của chúng sanh, mê, ngộ, phàm, thánh đều khác. Đây gọi là đạt chúng sanh tướng’.

Như vậy, ‘thông các pháp tánh’ là Căn Bổn trí, ‘đạt chúng sanh tướng’ là Sai Biệt trí.

‘Cúng dường chư Phật’: Cúng dường có hai loại:

- Một là tài cúng dường: cúng dường hương hoa thức ăn, tài vật....

- Hai là pháp cúng dường: đúng như lời dạy tu hành, lợi ích chúng sanh.

Lại có ba loại cúng dường:

a. Lợi cúng dường: dùng hương, hoa, thức ăn v.v..

b. Kính cúng dường: khen ngợi, cung kính

c. Hạnh cúng dường: thọ trì, tu hành diệu pháp.

Sách Bình Giải viết: ‘Có thể đi qua vô lượng cõi Phật, khởi lên cúng dường nhiều như mây nên bảo là cúng dường chư Phật’.

‘Khai đạo quần sanh’ là như kinh Duy Ma chép: ‘Tuy biết các cõi Phậtchúng sanh là không mà thường tu Tịnh Độ giáo hóa chúng sanh’ thì gọi ‘khai đạo quần sanh’.

‘Hóa hiện thân mình như ánh chớp’: Duy Thức Luận quyển mười chép: ‘Thần lực khó lường nên có thể hóa hiện’. Các Đại Sĩ trên cúng dường, dưới hóa độ, bình đẳng phổ chiếu; cũng chẳng phân biệt: ưu, liệt, thân, sơ, vật, ngã, kia, đây...

Sách Hội Sớ chép:

‘Ánh chớp gồm bốn ý nghĩa: một là rất nhanh chóng, hai là phá tối tăm, ba là chẳng trụ, bốn là chẳng phân biệt.

Bồ Tát trong một niệm, một thời, đến khắp tất cả mười phương thế giới, trên cúng dường chư Phật, dưới lợi ích quần sanh, chẳng có tướng xuất nhập, trước sau lẹ làng như ánh chớp.

Bồ Tát có thể chiếu các Phật hội, phá tối tăm cho chúng sanh như ánh chớp trừ tối.

Bồ Tát hiện ra vô lượng thân ứng hiện trong các cõi nước nhiều như vi trần, chẳng có trụ xứ, chẳng có dấu vết như ánh chớp nháng trên không: chẳng biết từ đâu đến, đi, cũng không dấu tích nhất định.

Bồ Tát bình đẳng, không có phân biệt trước, sau, đây, kia... như ánh chớp soi vật chẳng phân biệt trước, sau, đây, kia’.

‘Xé lưới kiến hoặc của ma’: ‘Xé’ là phá hoại. Ma thì như Trí Độ Luận giảng: ‘Đoạt huệ mạng, hoại đạo pháp và gốc lành công đức nên gọi là Ma’.

‘Kiến’ là suy nghĩ, tìm cầu, quyết định v.v… bao hàm cả chánh lẫn tà. Sách Chỉ Quán, quyển năm viết: ‘Hết thảy phàm phu chưa đạt thánh đạo hễ khởi lên một niệm nhỏ nhiệm thì đều là Kiến’. Sách Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển 5 lại giảng: ‘Suy cầu gọi là Kiến’. Trên đây là nghĩa rộng: phàm có suy nghĩ, so sánh, phân biệt, suy cầu v.v... đều gọi là Kiến.

Sách Chỉ Quán, quyển mười lại viết: ‘Có tri giải quyết định thì gọi là Kiến’, nghĩa này khá hẹp vì chỉ xét tới tri giải có tánh quyết định. Kiến có chánh, tà, các loại kiến: hữu, vô, tạm, thường... đều là tà kiến.

‘Lưới kiến hoặc của ma’tà kiến bời bời đan rối vào nhau khiến người khó thoát ly, giống như lưới rập nên gọi là lưới tà kiến. Kinh Hoa Nghiêm dạy: ‘Ngã mạn tưới tắm, lưới kiến tăng trưởng’.

 Trí Độ Luận, quyển mười một cũng viết: ‘Vào trong lưới tà kiến, phiền não phá chánh trí’.

‘Lưới kiến hoặc của ma’ chính là lưới tà kiến. Trí Độ Luận, quyển 8 viết: ‘Hữu niệm đọa lưới ma, vô niệm thì thoát được’ cho thấy: khởi tâm động niệm đều đọa lưới ma, chỉ có tịnh niệm nối tiếp, vô niệm mà niệm mới xuất ly được.

‘Cởi các triền phược’: Triền là vấn vít. Phược là trói buộc.

Theo đại sư Cảnh Hưng, ‘triền phược chính là tám triền ba phược’ (các vị khác đa số cho rằng có mười triền, bốn phược. Ở đây, tôi theo thuyết của sư Cảnh Hưng). Tám triền là: vô tàm, vô quý, ganh ghét, keo kiệt, làm việc ác, ham ngủ, lao chao, hôn trầm. Ba phược là tham, sân, si.

Tịnh Ảnh Sớ viết: ‘Cũng có thể hiểu rằng các phiền não kết gọi chung là triền phược. Bồ Tát dạy người đoạn lìa chúng thì bảo là Cởi’. Hai câu trên đây ý nói các Bồ Tát trong hội do ‘thông các pháp tánh, đạt chúng sanh tướng’, đầy đủ Căn Bổn TríSai Biệt Trí nên có thể vì chúng sanh phá lưới ma kiến khiến họ lìa bỏ tà nghiệp, có thể vì hữu tình giải trừ các triền phược cho họ được thoát phiền não.

‘Vượt xa địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, nhập pháp môn: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện’: Hai câu này lại khen ngợi Thật Đức của các vị Đại Sĩ trong hội: sở giác thù thắng vượt xa địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật.

‘Thanh Văn’đệ tử theo pháp Tiểu thừa của Phật, nghe giáo pháp của Phật ngộ lý Tứ Đế, đoạn hai hoặc: kiến và tư, thoát khỏi phần đoạn sanh tử nhập Niết Bàn. Tịnh Ảnh Sớ nói: ‘Ngôn giáo của đức Phật thuyết gọi là Thanh. Nghe tiếng giải ngộ nên gọi là Thanh Văn’.

‘Bích Chi Phật’: Bích Chi là tiếng Phạn, Tàu dịch là Nhân Duyên. Phật nghĩa là Giác. Vì vậy, cựu dịch Bích Chi PhậtDuyên Giác, tân dịchĐộc Giác. Theo Đại Thừa Nghĩa Chương, Duyên Giác có hai cách hiểu:

- Một là quán mười hai nhân duyên, đoạn hoặc chứng chơn, từ duyên mà giác ngộ nên gọi là Duyên Giác.

- Hai là do các duyên sự tướng của ngoại giới như gió thổi cây động v.v... mà được giác ngộ nên bảo là Duyên Giác.

Tông Thiên Thai lại phân chia hai danh từ này như sau:

- Ra đời gặp nhằm lúc Phật xuất hiện, quán mười hai nhân duyên được giác ngộDuyên Giác.

- Ra đời nhằm lúc không có Phật, thấy ngoại duyên: gió thổi cây động, lá rụng, hoa bay mà thành đạo thì là Độc Giác.

Hai thừa Thanh Văn, Bích Chi Phật nói trên đều là bậc hạ căn trong hàng đệ tử Phật.

Nay các Đại Sĩ đây vượt xa hơn bọn họ như sách Bình Giải nói:

‘Nhị Thừa tuy đắc ba Không môn, nhưng chìm đắm nơi Thiên Không. Bồ Tát chẳng như vậy, thấu đạt lưới huyễn đắc pháp bình đẳng. Vì vậy, tuy trụ ba Không môn mà chẳng trụ vô vi, cho nên dẫu làm Thanh Văn, làm Duyên Giác lại siêu việt địa vị Thanh Văn, Duyên Giác’.

Hơn nữa, kinh Đại Bảo Tích, pháp hội Thiện Đức Thiên Tử có chép:

Dùng pháp Thanh Văn giáo hóa chúng sanh nên ta là Thanh Văn. Dùng pháp Bích Chi Phật giáo hóa chúng sanh nên ta là Bích Chi Phật. Dùng pháp đại bi giáo hóa chúng sanh nên ta là Bồ Tát.

Trong hết thảy pháp được giải thoát vì hết thảy vô ngại. Với chúng sanh mình hóa độ, hoặc dùng pháp Thanh Văn giáo hóa để làm lợi ích, hoặc dùng pháp Bích Chi Phật giáo hóa để làm lợi ích, hoặc dùng pháp Bồ Tát giáo hóa để làm lợi ích nên ta là Thanh Văn, ta là Duyên Giác, ta là Bồ Tát’.

Câu này nói đến phương tiện khéo léo của các Đại Sĩ: tùy cơ độ sanh thị hiện làm Nhị Thừa, chẳng bỏ hình tướng Thanh Văn, Bích Chi Phật nên bảo là ‘vượt xa’. Chữ Địa trong chánh kinh là địa vị, là cảnh giới.

Chữ ‘Không, Vô Tướng, Vô Nguyện’ được Tịnh Ảnh Sớ giảng như sau: ‘Chúng sanh và pháp đều không có tự tánh nên gọi là Không. Cho đến nhân duyên cũng chẳng có tướng nên bảo là Vô Tướng. Do vượt khỏi cái bị lấy, xa lìa tâm chấp lấy nên bảo là Vô Nguyện’.

 Trí Độ Luận lại nói: ‘Vô Nguyện nên chẳng tạo nghiệp sanh tử, nên cũng gọi là Vô Tác’.

Lại viết: ‘Quán các pháp không gọi là Không. Trong cái Không đó chẳng thể giữ lấy tướng, ngay khi ấy, chuyển được cái Không nên gọi là Vô Tướng.

Trong Vô Tướng, chẳng có thứ gì được làm ra để sanh trong tam giới nên ngay khi ấy, chuyển được Vô Tướng nên gọi là Vô Tác (tức là vô nguyện).

Ví như cái thành có ba cửa, một thân người chẳng thể cùng lúc vào được ba cửa. Nếu muốn vào thành, phải theo một cửa mà vào. Thật tướng của các pháp là Niết Bàn thành. Thành có ba cửa: Không, Vô Tướng, Vô Tác.

Nếu người theo cửa Không vào, chẳng thấy là không, cũng chẳng chấp tướng thì người ấy ngay khi đó đã xong việc, chẳng cần đến hai cửa kia nữa.

Nếu ai vào cửa Không lại chấp tướng cho rằng mình đắc cái Không ấy, cho nên người ấy chẳng qua nổi khỏi cửa, đường thông hóa nghẽn. Nếu trừ được tướng Không thì theo cửa Vô Tướng mà vào.

Nếu tâm chấp trước tướng Vô Tướng sanh hí luận thì để trừ tướng Vô Tướng phải vào cửa Vô Tác’.

Ý nói: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện ví như ba cái cửa. Do pháp môn này khế nhập thành Niết Bàn Thật Tướng của các pháp.

Nếu ai từ cửa Không đi vào nhưng chẳng thấy Không tướng liền vào thẳng ngay tòa thành Niết Bàn.

Nếu thấy có tướng Không thì chẳng vào nổi. Nếu trừ được tướng Không thì liền có thể theo cửa Vô Tướng mà vào.

Nếu như chấp tướng của Vô Tướng thật là tướng của Vô Tướng thì cũng chẳng vào được. Để trừ tướng Vô Tướng này, cần phải từ cửa Vô Tác (tức là Vô Nguyện) vào thẳng trong thành. Vì vậy, kinh dạy: ‘Nhập pháp môn: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện’.

‘Khéo lập phương tiện, hiển thị tam thừa’: Phương là phương pháp, Tiện là tiện dụng. Pháp Hoa Văn Cú giảng: ‘Phương là phương pháp, Tiện là dùng’. Sách Pháp Hoa Huyền Tán ghi: ‘Tạo tác, thực hành thì là Phương. Khéo thích ứng căn cơ là Tiện’.

Sách Pháp Hoa Nghĩa Sớ viết: ‘Phương tiện là tên khác của thiện xảo. Thiện xảocông dụng của trí’.

Kinh Đại Tập dạy: ‘Điều phục được chúng sanh khiến chúng quy hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì gọi là Phương Tiện’.

Hội Sớ cũng nói: ‘Kinh Niết Bàn chép: ‘‘Trí độ (bát nhã ba la mật) là mẹ của Bồ Tát, Phương Tiện là cha’’. Hiểu thấu Không, Vô Tướngđại trí. Tùy nghi sắp bày, thi hànhphương tiện.

Phương tiện có hai thứ: một là hiểu sâu Không mà chẳng chấp tướng thọ chứng. Hai là do lý Thật Tướng thẳm sâu không ai tin nhận nổi nên phải dùng phương tiện dụ dẫn quần sanh khiến cho giác ngộ dần dần.

Đức ấy rộng lớn chỉ có Bất Nhị Thừa (tức là không thuộc hàng Nhị Thừa) mới làm nổi. Vì thế, bảo là khéo lập’.

Chữ Thừa trong ‘tam thừa’ là cỗ xe. Sách Tứ Giáo Nghi Tập Chú giảng: ‘Thừa có nghĩa là chuyên chở, chở ra khỏi tam giới trở về Niết Bàn’. Hơn nữa, Thừa ví như công cụ chuyên chở khiến người ngự trên thừa ấy đều đạt tới quả địa.

Kinh Pháp Hoa dùng ba loại xe dê, nai và trâu để ví cho ba thừa: tiểu, trung, đại. Tiểu là Thanh Văn thừa. Trung là Duyên Giác thừa. Đại là Bồ Tát thừa. Phẩm Thí Dụ kinh Pháp Hoa chép:

‘Như Lai có vô lượng trí huệ, lực, vô sở úy, các pháp tạng, có thể ban cho hết thảy chúng sanh pháp Đại Thừa (chỉ cho nhất Phật thừa), nhưng chúng chẳng thể lãnh nhận hết nổi.

Này Xá Lợi Phất! Bởi nhân duyên đó, phải biết rằng: chư Phật do sức phương tiện nơi một Phật thừa phân biệt thành ba’.

Sách Pháp Hoa Văn Cú cũng nói: ‘Phương tiện là cửa... Thể nhập được chơn thật, hiển lộ được chơn thật toàn là do công của phương tiện.

Theo cách giải thích này, Tiểu Thừa là cái cửa để vào được Đại Thừa nên Tiểu Thừa được gọi là giáo pháp phương tiện.

Hơn nữa, tam thừa thông với Nhất Thừa nên tam thừa cũng gọi là Phương Tiện Giáo’.

Những đoạn kinh, luận trên thật đã tỏ rõ được yếu chỉ ‘khéo lập phương tiện, hiển thị tam thừa’ (Tướng thứ bảy: chuyển pháp luân đến đây đã xong).

Chánh kinh:

Trong hạng trung, hạ căn ấy, thị hiện diệt độ.

Giải:

Đây là tướng thứ tám của tám tướng thành đạo: bát Niết Bàn.

Niết Bàn, cựu dịchDiệt Độ, tân dịchViên Tịch. ‘Diệt độ’ là diệt nhân quả sanh tử, diệt hết dòng lũ sanh tử. Kinh Niết Bàn dạy: ‘Diệt các phiền não gọi là Niết Bàn. Lìa các hữu cũng là Niết Bàn’.

Sách Tâm Kinh Lược Sớ của ngài Hiền Thủ ghi: ‘Niết Bàn, Tàu dịch là Viên Tịch, ý nói: không đức gì chẳng đủ nên bảo là Viên, không chướng nào chẳng tận nên nói là Tịch’.

Sách Bình Giải cũng viết: ‘Nghĩa đầy ắp pháp giới, đức đầy đủ như cát sông Hằng là Viên. Thể cùng tột chơn tánh, dứt tuyệt hoàn toàn sự vướng mắc vào hình tướng là Tịch’.

Các kinh luận trên đây đều nói về bậc Pháp Thân Đại Sĩ chuyên chí Phật quả, chẳng trụ vào diệt tận, nhưng vì để nhiêu ích hai thừa: trung và hạ nên dùng phương tiện khéo léo thị hiện tướng diệt độ. Như phẩm Thọ Lượng kinh Pháp Hoa chép:

‘Nếu Phật trụ lâu dài trong đời thì kẻ đức mỏng chẳng gieo trồng căn lành, bần cùng, hạ tiện, tham đắm ngũ dục, bị vướng vào lưới ức tưởng vọng kiến nếu thấy Như Lai thường trụ bất diệt sẽ khởi ý kiêu ngạo, phóng túng, sanh lòng mỏi lười biếng, chẳng thể sanh nổi ý tưởng khó gặp Phật và tâm cung kính được... Vì vậy, Như Lai tuy thật chẳng diệt lại nói là diệt độ’.

Chẳng phải là diệt độ lại hiện có diệt độ nên bảo là ‘thị hiện’. Thị hiện như vậy là để độ căn cơ trung, hạ. Nếu là thượng căn thì thấy Như Lai chẳng từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Vốn đã thoát khỏi sanh diệt thì nào có Niết Bàn?

Vì vậy, Trí Giả đại sư đời Tùy khi đọc đến phẩm Dược Vương của kinh Pháp Hoa thấy một hội Linh Sơn nghiễm nhiên chưa tan.

Chánh kinh:

Đắc các tam ma địa vô sanh vô diệt và đắc hết thảy đà ra ni môn, tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm tam muội, đầy đủ tổng trì, trăm ngàn tam muội, trụ thiền định sâu, đều thấy vô lượng chư Phật. Trong khoảng một niệm qua khắp hết thảy cõi Phật.

Giải:

Tam-ma-địa là tiếng Phạn, xưa phiên âm là tam-muội, tam-ma-đề, tam-ma-đế v.v... dịch nghĩa là Định, Chánh Định, Chánh Thọ, Điều Nghi Định, Chánh Tâm Hạnh Xứ, Đẳng Trì v.v...

Trí Độ Luận giảng: ‘Tâm khéo trụ một chỗ chẳng động gọi là tam muội’ và:

‘Hết thảy thiền định cũng gọi là định, cũng gọi là tam muội’, và: ‘Các hạnh hòa hợp đều gọi là tam muội’, ‘hết thảy thiền định nhiếp tâm đều gọi là tam ma đề, Hán dịch là chánh tâm hạnh xứ’.

Thêm nữa, sách Pháp Hoa Huyền Tán viết: ‘Tiếng Phạn là tam ma địa, Tàu dịch là Đẳng Trì. Bình đẳng gìn giữ cái tâm để tiếp xúc với cảnh thì chính là định’.

Ngài Thiên Thai giảng: ‘Dùng Không huệ chiếu soi các pháp môn thiền định, xuất sanh cho đến vô lượng tam muội’.

Trong kinh đây, tiếp ngay theo câu ‘mà hiện diệt độ’ là câu ‘đắc các tam ma địa vô sanh vô diệt’ là ý nói: Các Đại Sĩ tuy thị hiện tướng Niết Bàn nhưng thật chẳng sanh chẳng diệt, bình đẳng thường trụ Như Như Pháp Thân. Các vị Đại Sĩ này đều tuân theo Phổ Hiền đức từ quả hướng đến nhân.

‘Đà ra ni’ là tiếng Phạn, Tàu dịch là Trì, Năng Trì, Năng Giá. Trí Độ Luận giảng:

‘Đà ra ni, Hán dịch là Năng Trì hoặc Năng Giá.

Năng Trì là nhóm họp các thiện pháp, gìn giữ khiến cho chúng chẳng tan, chẳng mất; ví như đồ đựng hoàn hảo đem đựng nước, nước chẳng rò rỉ mất.

Năng Giá là có thể ngăn chặn khiến cho ác tâm bất thiện chẳng sanh. Nếu toan gây tội ác thì khiến cho chẳng thực hiện được. Do vậy, gọi là đà ra ni’.

Luận còn viết: ‘Bồ Tát đắc hết thảy các tam muội: tam thế vô ngại minh v.v… ấy thì với mỗi một tam muội sẽ đắc vô lượng a tăng kỳ đà ra ni. Các thứ ấy hòa hợp thành ra năm trăm đà ra ni môn. Đấy là tạng thiện pháp công đức của Bồ Tát’.

Như vậy, tam muội là định. Sở đắc do định lực phát huệ gọi là đà ra ni như sách Trí Độ Luận giảng: ‘Tu hành tam muội này phải tu hành lâu rồi mới thành được đà ra ni. Các tam muội ấy cùng trí huệ thật tướng của các pháp sanh ra đà ra ni’.

Sách còn nói: ‘Tam muội chỉ là pháp tương ứng với tâm. Đà ra ni lại chẳng tương ứng với tâm, tâm chẳng tương ứng với đà ra ni. Tâm chẳng tương ứng với đà ra ni là nếu như có người đắc văn trì đà ra ni, tuy tâm có sân giận, đà ra ni cũng chẳng tan mất, thường theo hành nhân như bóng theo hình’.

Như vậy theo Trí Độ Luận, tam muội phải do tâm tương ưng mới hiện hữu như bình, chén chưa nung, tuy có hình dạng bình, chén mà chẳng đựng được nước. Đà ra ni như bình, chén đã qua lửa nung nên gìn giữ được vô lượng công đức của Bồ Tát. Tuy có lúc tâm chẳng tương ưng (chẳng hạn như khi tâm sanh phiền não), đà ra ni vẫn thường theo hành nhân như bóng theo thân.

Trí Độ Luận còn viết: ‘Đà ra ni đời đời thường theo Bồ Tát, còn các tam muội chẳng được vậy, hễ đổi thân liền bị mất’. Vì vậy, đà ra ni một phen đã được là vĩnh viễn được, hơn hẳn tam muội.

Hoa Nghiêm Tam Muội là tên gọi khác của Phật Hoa Nghiêm Tam Muội: dùng nhất chân pháp giới vô tận duyên khởi làm lý thú. Thấu đạt lý thú ấy thì liền từ tri giải khởi ra vạn hạnh, trang nghiêm Phật quả nên gọi là Hoa Nghiêm. Do nhất tâm tu nên gọi là tam muội.

Tịnh Ảnh Sớ viết: ‘Như kinh Hoa Nghiêm nói, tam muội này thống nhiếp hết thảy Phật pháp trong pháp giới vào trong bản thân nó’.

Kinh Bát Thập Hoa Nghiêm chép: ‘Lúc ấy, Phổ Hiền Bồ Tát nhập tam muội rộng lớn tên là Phật Hoa Nghiêm’

Lục Thập Hoa Nghiêm lại chép: ‘Phổ Hiền Bồ Tát chánh thọ tam muội, tam muội ấy tên là Phật Hoa Nghiêm’.

Sách Pháp Giới Ký viết:

‘Hoa Nghiêm tam muội được giải thích như sau: Hoa là vạn hạnh của Bồ Tát, vì sao? Do công dụng của hoa là có thể kết trái (chỉ quả đức), hạnh có khả năng cảm được quả. Tuy là pháp nội, ngoại khác nhau, nhưng lực dụng sanh cảm tương tự.

Dùng sự để tỏ bày pháp nên gọi là Hoa. Nghiêm là hạnh thành, quả mãn, khế hợp tương ưng, cấu chướng vĩnh viễn tiêu trừ, chứng lý viên mãn. Dựa trên dụng để khen ngợi đức nên gọi là Nghiêm.

Tam muộilý trí vô nhị, triệt để dung hội, đây, kia đều chẳng còn, năng, sở dứt bặt nên nói là tam muội’.

Kinh Hoa Nghiêm lại chép: ‘Hết thảy tự tại khó nghĩ bàn là do thế lực của Hoa Nghiêm tam muội vậy’.

Sách Hợp Tán lại viết: ‘Pháp giới duy tâm gọi là Phật Hoa Nghiêm. Dùng hoa nhân hạnh trang nghiêm khiến cho tướng trạng của quả đức được hiển hiện. Nhập tam muội này hiển hiện thập phương Phật và cõi Phật’.

Gia Tường Sớ lại viết: ‘Tam muội này dùng để trang hoàng Pháp Thân nên gọi là Hoa Nghiêm’.

Các thuyết như trên đều tỏ rõ ý nghĩa của Hoa Nghiêm tam muội.

Thuyết ‘pháp giới duy tâm gọi là Phật Hoa Nghiêm’ của sách Hợp Tán ngụ ý: nhất chơn pháp giới chỉ là tự tâm. Thấu đạt được điều này thì đó chính là Hoa Nghiêm tam muội. Còn thuyết ‘tam muội này dùng để trang hoàng Pháp Thân’ của Gia Tường Sớ ngụ ý: tam muội đều dùng để trang nghiêm Pháp Thân, Pháp Thân chính là tâm diệu minh vốn có, cũng chính là tự tâm. Vì vậy, hết thảy các pháp không pháp nào chẳng tự pháp giới lưu xuất, lại cũng quy về pháp giới ấy.

‘Tổng trì’ là đà ra ni. ‘Đầy đủ’ là trọn vẹn, ý nói: hết thảy đà ra ni, không môn nào chẳng đầy đủ. Đà ra ni có bốn loại:

a. Pháp đà ra ni: Còn gọi là văn đà ra ni, tức là với giáo pháp của Phật, nghe, giữ chẳng quên.

b.Nghĩa đà ra ni: với nghĩa của các pháp, tổng trì chẳng quên.

c. Chú đà ra ni: với các chú tổng trì chẳng quên. Chú là câu nói bí mật, có oai lực thần dị không lường nổi do Phật, Bồ Tát từ trong thiền định phát ra, nên gọi là chú đà ra ni. Dịch theo ý nghĩa thành ra bốn tên: minh, chú, mật ngữ, chơn ngôn.

Sách Bí Mật Ký viết: ‘Phàm phu, nhị thừa chẳng biết được nổi nên gọi là Mật Ngữ. Chơn ngôn của Như Lai thật chẳng hư vọng, nên gọi là Chơn Ngôn’.

d. Nhẫn đà ra ni: an trụ trong thật tướng của pháp gọi là Nhẫn. Giữ cái Nhẫn đó là nhẫn đà ra ni.

Sách Hội Sớ giảng câu ‘Trăm ngàn tam muội’ rằng:

‘Trăm ngàn tam muộichúng sanh vô lượng, tâm hạnh bất đồng: có lợi căn, có độn căn. Với các kiết sử, có kẻ sâu dày, có kẻ mỏng nhẹ. Vì vậy, Bồ Tát thực hành trăm ngàn các tam muội để đoạn trừ trần lao cho họ.

Giống như muốn làm cho những kẻ nghèo được giàu có lớn thì phải chuẩn bị đủ các tài vật. Đủ hết thảy vật dụng rồi, sau đấy mới có thể cứu giúp những kẻ nghèo. Lại như muốn trị các bịnh, phải chuẩn bị đủ các thứ thuốc, sau đó mới trị nổi’.

Lại như Trí Độ Luận nói: ‘Từ Thủ Lăng Nghiêm tam muội cho đến hư không tế vô sở trước giải thoát tam muội, lại như Kiến Nhất Thiết Phật tam muội cho đến Nhất Thiết Như Lai Giải Thoát Tu Quán Sư Tử Tần Thân v.v... vô lượng a tăng kỳ tam muội của Bồ Tát.

Với các tam muội như thế ấy, không môn nào chẳng đầy đủ nên nói là: đầy đủ thành tựu trăm ngàn tam muội’.

Trong luận còn viết: ‘Trong mỗi một tam muội đắc vô lượng đà ra ni’. Đà ra ni chínhtổng trì. Vì vậy, kinh dạy: ‘Đầy đủ tổng trì trăm ngàn tam muội’.

‘Trụ thiền định sâu, đều thấy vô lượng chư Phật’: Trụ thiền định sâu là an trụ thiền định thâm diệu. Sách Hội Sớ giảng: ‘Thiền định sâu là trụ trong tam muội vi diệu, sâu xa, u huyền, chẳng phải là pháp Nhị Thừasơ tâm Bồ Tát thực hành nổi’.

Sách Bình Giải lại viết: ‘Bản Đường dịch ghi là ‘‘nhất thiết chủng thậm thâm thiền định’’. Nhất thiết chủng là Nhất Thiết Chủng Trí. Do hết thảy sự là lý nên bảo là thậm thâm’. Vì vậy, thâm định thật ra là lý định, chẳng phải chỉ là sự định.

Tịnh Ảnh Sớ lại viết: ‘Trụ thâm định môn làm chỗ y cứ để khởi hạnh. Tâm không có đến đi, dùng ngay sức của pháp môn tam muội để khởi hạnh nên phải trụ định. Tiếp đó, nói đến khởi hạnh: ‘‘Đều thấy hiện tại vô lượng chư Phật’’ nghĩa là nhiếp hạnh rất rộng’.

Ý của ngài Tịnh Ảnh nói: ‘Đều thấy chư Phật’ là hạnh môn. Khởi hạnh môn này nương thiền định sâu, chẳng đợi phải khởi tâm động niệm, trực tiếp từ sức của pháp môn tam muội mà khởi hạnh. Vì vậy, cần phải trụ thiền định thậm thâm.

Xét trong kinh này, việc hành giả được thấy Phật trong khi nhập định chính là đại nguyện thứ bốn mươi lăm của Phật Di Đà: ‘Trong định cúng Phật’. Nguyện văn như sau:

‘Các chúng Bồ Tát trong các cõi Phật mười phương nghe danh tự của ta rồi đều đạt được Phổ Đẳng tam muội thanh tịnh, giải thoát, các tổng trì sâu, trụ tam ma địa. Cho đến khi thành Phật, trong định thường cúng vô lượng vô biên hết thảy chư Phật, chẳng mất định ý’.

Sách Bình Giải giảng: ‘Phổ Đẳng tam muội là thâm định môn. Tam muội này do trí nguyện của Phật Di Đà tạo thành, rất sâu không bờ đáy, nên gọi là thâm thiền định. ‘‘Đều thấy tất cả’’ là nói đến nghiệp dụng của nó’.

Dựa theo lời nguyện trên có thể thấy rằng các Bồ Tát trong hội đều cậy vào sức trí nguyện của Phật Di Đà, do nghe được danh hiệu Di Đà nên đều đắc Phổ Đẳng tam muội v.v... được nguyện lực gia trì: trong định cúng dường vô lượng chư Phật. Do đến cúng Phật nhất định thấy Phật nên nói là ‘đều thấy vô lượng chư Phật’.

Kinh Bát Châu lại nói: ‘Bồ Tát này chẳng dùng thiên nhãn thấy tỏ, chẳng dùng thiên nhĩ nghe suốt, chẳng dùng thần túc đến cõi Phật kia, chẳng từ nơi đây chết sanh về cõi kia, mà ngay nơi chỗ này được thấy rõ.

Phật dạy: “Bồ Tát nơi cõi nước thế gian này niệm A Di Đà Phật. Do chuyên niệm nên được thấy”.

Liền hỏi: “Trì pháp gì được sanh cõi ấy?”

A Di Đà Phật bảo rằng: “Muốn sanh về đó thì thường niệm danh ta”.

Do vậy, Niệm Phật tam muội được gọi là Bảo Vương tam muội. Vì thế, cái Thiền Định thậm thâm thấy được chư Phật ấy đều hoàn toàn quy trọn về Niệm Phật tam muội. Vì lẽ đó, công đức trì danh niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn, Nhất Thừa nguyện hải chẳng thể nghĩ bàn.

‘Trong khoảng một niệm, qua khắp hết thảy cõi Phật’: Một niệm chỉ cho khoảng thời gian thật ngắn ngủi, nhưng lâu chừng bao nhiêu thì các thuyết chẳng đồng nhất. Như quyển thượng kinh Nhân Vương Bát Nhã bảo: ‘Chín mươi sát na là một niệm. Một sát na trong một niệm trải qua chín trăm lần sanh diệt’. Vãng Sanh Luận Chú quyển thượng lại chép: ‘Trăm lẻ một lần sanh diệt là một sát na. Sáu mươi sát na là một niệm’.

Cả hai thuyết cùng cho rằng trong một niệm có nhiều sát na, nhưng Trí Độ Luận cho rằng ‘trong khoảng khảy ngón tay có sáu mươi niệm’. Quyển 18 sách Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký ghi: ‘Sát na, Tàu dịch là niệm, trong khoảng khảy ngón tay có sáu mươi sát na’. Hai thuyết này cùng cho rằng một niệm chính là một sát na.

Thuyết này giản dị dễ nhớ nên đời sau hay dùng thuyết này: một niệm là một sát na.

Còn như trong một sát na hay một niệm mà có thể qua khắp các cõi Phật thì chính là nguyện thứ mười một của Phật Di Đà: ‘Trong khoảng một niệm, chẳng thể vượt qua ức na do tha trăm ngàn cõi Phật, đi giáp khắp tất cả các chốn cúng dường chư Phật thì chẳng lấy Chánh Giác’.

Đoạn kinh ở phần trước đã nói: các vị Đại Sĩ này ‘tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm tam muội’.

Xét về quả, tam muội ấy còn được gọi là Hải Ấn tam muội.

Gọi là Ấn là vì dùng ấn chương của thế gian làm thí dụ. Văn tự khắc trên ấn có thể ngay lập tức cùng lúc hiện ra, chẳng có sai biệt trước sau; toàn thể cùng phơi bày, chẳng có điểm nào ẩn giấu.

Gọi là Hải vì giống như biển cả: đồng thời hiện bóng hết thảy các tướng sai biệt. Hình tượng sai khác dẫu muôn ngàn, thể của nước nào khác. Muôn tướng khởi lên đầy dẫy nhưng nước vẫn trong lặng. Có vạn tướng thì nước vẫn thế. Không có tướng thì nước vẫn thế. Không có thời gian trước sau, nên kéo dài hay rút gọn đều cùng một lúc. Ba đời xưa nay chẳng ngoài cái niệm hiện tiền, cùng hiện trong nước nên rộng, hẹp tự tại, mười phương thế giới chẳng ngoài ngay chốn này.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: ‘Hết thảy tự tại khó nghĩ bàn là do thế lực của Hoa Nghiêm tam muội’.

Lại nữa, sách Bình Giải viết: ‘Trong khoảng một niệm đi khắp trọn vô lượng cõi Phật là đã đạt đến thế giới Vô Lượng Thọ Nhất Thừa thanh tịnh, quy kết về Niệm Phật tam muội’.

 Thuyết này rất sâu sắc! Do bởi niệm Phật được sanh Cực Lạc, liền có thể nương vào sức gia bị phát xuất từ nguyện thứ mười một trong Nhất Thừa nguyện hải của Di Đà Như Laixuất hiện thần thông diệu dụng chẳng thể nghĩ bàn như vậy, trong khoảng một niệm qua khắp các cõi Phật. Đó chẳng phải là điều Nhị Thừa thấu hiểu được nổi.

Chánh kinh:

Đắc Phật biện tài, trụ Phổ Hiền hạnh, khéo có thể phân biệt ngữ ngôn của chúng sanh, khai hóa, hiển thị Chơn Thật Tế, vượt xa các pháp sở hữu của thế gian, tâm thường trụ chắc chắn nơi đạo độ thế.

Với hết thảy vạn vật tùy nghi tự tại, vì các thứ loại làm bạn chẳng thỉnh, thọ trì pháp tạng thậm thâm của Như Lai, hộ trì Phật chủng tánh khiến thường chẳng đoạn tuyệt. Hưng đại bi, mẫn hữu tình, diễn từ biện, trao pháp nhãn, lấp nẻo ác, mở cửa lành.

Với các chúng sanh, xem như chính mình, cứu vớt, gánh vác khiến đều vượt lên bờ kia, đều gìn giữ vô lượng công đức của chư Phật, trí huệ thánh minh chẳng thể nghĩ bàn.

Các đại Bồ Tát như vậy vô lượng vô biên, cùng lúc nhóm đến.

Giải:

‘Đắc Phật biện tài’: Biện tàitài năng tuyên nói pháp nghĩa một cách khéo léo. Đây chính là điều được đề cập trong Tịnh Ảnh Sớ: ‘Ngôn thì biện luận rành rẽ, ngữ thì khéo léo’.

Trong cuốn Pháp Hoa Sớ, ngài Gia Tường giảng chữ biện tài như sau: ‘Đáp ứng nhanh chóng từng căn cơ là Biện, lời lẽ bóng bảy là Tài’.

Như vậy, có thể nhanh chóng thích ứng với từng căn cơ mới được gọi là “biện tài”.

Sách Hội Sớ giảng: ‘Ngôn âm dứt hoặc là Biện, tùy cơ hay khéo là Tài, không điều gì chẳng phát xuất từ thánh trí’. Trong ba thuyết vừa nói, thuyết này hay nhất.

Tịnh Ảnh Sớ lại bảo Như Lai đắc bốn trí vô ngại, Như Lai dùng trí vô ngại hưng khởi bốn thứ biện tài:

a. Nghĩa vô ngại biện: biết rõ nghĩa lý của hết thảy các pháp vì thông đạt chẳng úng trệ.

b. Pháp vô ngại biện: thấu đạt danh tự của hết thảy các pháp vì phân biệt chẳng úng trệ.

c. Từ vô ngại biện: Với danh từ, nghĩa lý của các pháp, thuận theo ngôn ngữ khác biệt của hết thảy chúng sanh ở các nơi khác nhau mà vì họ diễn nói khiến ai nấy đều được hiểu.

d. Nhạo thuyết vô ngại biện: tùy theo căn tánh và pháp muốn được nghe của hết thảy chúng sanh mà vì họ diễn thuyết viên dung chẳng trệ.

Thuyết trên cho rằng các bậc Đại Sĩ khế hợp thánh trí, đắc vô ngại biện tài, khéo thích ứng căn cơ, giảng giải rộng rãi, bàn luận khéo léo nên bảo: ‘đắc Phật biện tài’.

Sách Bình Giải lại còn giải thích rộng thêm như sau:

‘Nếu y vào căn bổn giáo, chỉ nói một chữ cũng là đắc Phật biện tài vì truyền lời chơn thật của Như Lai vậy. Chẳng phải chỉ những Bồ Tát này được thế mà lời của phàm phu nói cũng đồng như biện tài của chư Phật. Tán dương công đức Phật huệ chỉ để khai hóa kẻ hữu duyên trong mười phương mà thôi’.

‘Trụ Phổ Hiền hạnh’: ở phần trước, kinh nói các Đại Sĩ ‘đều cùng tuân tu đức của Phổ Hiền Đại Sĩ’. Ở đây, kinh chép ‘trụ Phổ Hiền Hạnh’  ý nói các Đại Sĩ đều an trụ đại hạnh của Phổ Hiền Đại Sĩ. Mỗi vị đều dùng mười đại nguyện vương dẫn dắt quy về Cực Lạc. Trong kinh Hoa Nghiêm chỉ có một mình ngài Phổ Hiền xướng xuất, dắt dìu như vậy, còn trong kinh này có vô lượng vô biên Pháp Thân Đại Sĩđức hạnh như Phổ Hiền đều đến nhóm hội, cùng hoằng truyền Tịnh tông.

‘Khéo hay phân biệt ngữ ngôn của chúng sanh’: Đây là câu trích từ bản Đường dịch, bản Ngụy dịch ghi ‘nhập các ngôn âm, khai hóa hết thảy’. Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Nhập có nghĩa là hiểu, hiểu biết các ngôn âm của chúng sanh, dùng đó để khởi thuyết’.

Hội Sớ dẫn lời kinh Mật Tích như sau: ‘Tam thiên đại thiên thế giới này có tám mươi tư trăm ngàn cai loại chúng sanh, ngôn từ đều khác biệt.

Xét ra, hết thảy đều quy về việc ban cho chúng sanh một nghĩa chí chơn. Bồ Tát thuận theo các loại chúng sanh mà nói ra những lời khác nhau để thuyết pháp, khai hóa’.

Kinh Mật Tích cũng chép: ‘Bồ Tát này nhập được các thứ ngôn âm nên có thể thuyết pháp khai hóa’.

Kinh Xưng Tán Đại Thừa Công Đức lại chép: ‘Các loài bàng sanh, quỉ v.v... cũng được nghe đức Như Lai dùng ngôn âm của từng loại mà thuyết pháp’.

Do những điều trên, chúng sanh vô biên nên ngôn ngữ của chúng sanh cũng có nhiều thứ, nhưng Pháp Thân Đại Sĩ đều hiểu rành rẽ, theo ngôn ngữ của từng loại mà thuyết pháp, ứng cơ tùy duyên làm lợi cho khắp tất cả. Chúng sanh trong đường ác cũng được Như Lai dùng ngôn âm đúng với chủng loại của mình mà giảng khiến họ được nghe pháp đắc độ. Đoạn kinh này chỉ rõ: các Đại Sĩ trong hội đều có trí huệ biện tàicông đức oai lực như thế.

‘Khai hóa hiển thị Chơn Thật Tế’: Khai hóa chính là ý ‘khai Phật tri kiến’ của kinh Pháp Hoa. ‘Hiển thị’ là ‘thị Phật tri kiến’. ‘Tế’ là bờ mé rốt ráo. ‘Chơn Thật Tế’ chính là tri kiến của Phật.

Toàn thể một bộ diệu pháp Tịnh Độ đều là Phật tri kiến, chỗ nào cũng là cảnh giới Hoa Nghiêm. Vì vậy, trong kinh này, câu nào cũng là khai hóa, hiển thị Chơn Thật Tế, đều là ‘khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật’.

Trí Độ Luận viết: ‘Như, Pháp Tánh, Thật Tế cả ba đều là tên gọi khác nhau của Thật Tướng các pháp’. Sách Bình Giải viết: ‘Diệu xứ Thật Tướng tận lý chí cực gọi là Tế’. Chuẩn theo hai thuyết trên, ‘Chơn Thật’ chính là tên khác của Thật Tướng.

Chơn Thật Tếdiệu lý Thật Tướng cứu cánh chí cực mà cũng chính là tri kiến Phật vậy. Sách Hội Sớ nói: ‘Khai hiển chơn thật là hiển thị, nghĩa là đem mười pháp giới quy về Nhất Thừa quyết định thành Bồ Đề. Chơn thật tế là dùng nhất Phật thừa để làm pháp tối hậu vậy’.

Sách Bình Giải lại viết:

‘Nếu y theo Tiểu Thừa thì thiên chơn là thật tế. Nếu xét theo Tiệm giáo thì ly nhị biênthật tế. Nếu xét theo Thánh Đạo Thật Giáo thì thật tướng của các pháp là chơn thật tế.

Nếu xét theo Tịnh Độ, quang xiển đạo giáoquyền phương tiện, thệ nguyện nhất Phật thừa là chơn thật tế, là biển nhất thật chơn như vậy. Thánh đạo thủ lý nhưng không duy lý, Tịnh Độ dùng sự nhưng chẳng chỉ biết có sự (đây chính là sự tức lý, sự sự vô ngại).

Nếu theo cách hiểu của chúng sanh thì có sự, lý, không, hữu sai khác, nhưng nếu đứng trên quan điểm chư Phật ngợi khen tấm tắc thì chỉ có thệ nguyện nhất Phật thừa, biển nhất thật chơn như này là chơn thật tế’.

Rõ ràng sách Hội Sớ và Bình Giải cùng xem Nhất Phật thừa của Tịnh Tông là chơn thật tế và cũng là tri kiến của Phật vậy. Nay các Đại Sĩ vì các chúng sanh tuyên diễn thệ nguyện nhất Phật thừa được chư Phật mười phương cùng khen ngợi, nên nói: ‘Khai hóa hiển thị chơn thật tế’.

Vì vậy, Chơn Thật Tế chính là tự tâm. Minh bổn tâm của mình, thấy được bổn tánh của chính mình thì là ‘khai hóa, hiển thị Chơn Thật Tế’, nhưng trong pháp môn Niệm Phật cũng lại bất nhị: tâm này là Phật, tâm này làm Phật. Vì vậy, tâm mình niệm Phật chính là chơn thật tế nên nói rằng: ‘Một tiếng Phật hiệu, một tiếng tâm’. Kinh cũng dạy: ‘Nếu ai chỉ niệm A Di Đà thì gọi là vô thượng thâm diệu thiền’.

Ngoài ra, phẩm ba kinh này nói Như Lai ‘muốn cứu vớt quần manh ban cho cái lợi chơn thật’. Trong phẩm thứ tám, Pháp Tạng tỳ kheo ‘trụ chơn thật huệ, dũng mãnh tinh tấn, một dạ chuyên chí trang nghiêm diệu độ’.

Ba thứ chơn thật sau đây: chơn thật tế, chơn thật lợi, chơn thật huệ chính là cương lãnh của kinh này; trong phẩm kế tiếp sẽ giảng tường tận.

‘Vượt xa các pháp vốn có của thế gian’: Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Nghĩa là vượt khỏi hết thảy các pháp phần đoạn, biến dịch của thế gian’.

Sách Hợp Tán giảng: ‘Vượt khỏi hai thứ chết: phần đoạn và biến dịch, an trụ trí nhị không xuất thế. Đó chính là thành tựu trí đoạn nhị đức’.

Sách Hội Sớ giảng: ‘Tam giới hư dối đều chẳng thường trụ, gọi chung là thế gian. Chúng sanh, cõi nước muôn vàn sai khác thì gọi là các pháp sở hữu. Bồ Tát do đại trí huệ thấu đạt tánh không vô tướng một cách sâu xa nên bảo là vượt khỏi’.

Thuyết của sách Bình Giải hơi khác với hai thuyết trước: ‘Các pháp sở hữu của thế gianhữu vi, bị phá hoại thì gọi là thế gian. Y, chánh, thiện, ác, nhân, quả v.v... hết thảy các pháp hữu vi gọi là pháp sở hữu. Bồ Tát biết được hết thảy tam giớihư vọng, nhưng chẳng bỏ hạnh thế gian nên gọi là vượt xa’.

Các thuyết nói trên đều đúng, nhưng thuyết của sách Bình Giải phù hợp với kinh này nhất.

‘Tâm thường trụ chắc chắn nơi đạo độ thế’: Độ là ra khỏi. Câu này ý nói: tâm thường an trụ trong đạo vô vi xuất thế.

Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Chắc là yên ổn, vững vàng, ý nói: thường an trụ đạo độ thế vô vi chơn thật’.

Sách Bình Giải nói: ‘Xuất hữu vi, chứng vô vi, nhưng không chấp vào vô vi nên bảo là trụ chắc. Bồ Tát này tâm thường trụ nơi vô trụ xứ Niết Bàn nên bảo là tâm thường trụ’.

Lại nữa, sách Hội Sớ viết: ‘Bi, trí in vào nhau để làm chỗ nương náu thần trí nên gọi là trụ chắc’.

‘Với hết thảy vạn vật tùy ý tự tại’: Chữ ‘vạn vật’ chỉ vạn pháp. ‘Tự tại’ là thông đạt vô ngại. Phẩm Tự kinh Pháp Hoa nói: ‘Tận các hữu kết, tâm được tự tại’. Tự tại còn là việc làm không bị úng tắc, thần thông tự tại. Hễ tâm vướng mắc thì bị vật chuyển, thành ra bị phiền não trói buộc. Phàm phu chấp có, Nhị Thừa trệ không đều là đọa trong tình chấp, đều là tâm bị vật chuyển, cho nên với vạn vật chẳng được tự tại. Đại sĩ thâm đạt pháp tánh, ngay nơi tướng lìa được tướng, chẳng bị vật chuyển nên không bị trói buộc. Nhà Thiền nói: ‘Chỉ cần vô tâm với vạn vật, nào ngại vạn vật thường vây quanh’.

Tiến lên bước nữa thì vật bị tâm chuyển nên có thể tùy ý tự tại như Tịnh Ảnh Sớ viết: ‘Do thành tựu thần thông thù thắng, với hết thảy vật có thể biến hóa tùy ý nên có thể lợi vật, ấy là tự tại’. Đại sĩ thần thông tự tại, với hết thảy vạn vật tâm chẳng bị câu thúc, tùy duyên biến hóa nhiêu ích chúng sanh: bỏ núi Tu Di vào trong hạt cải, chuyển bốn biển vào trong một đầu lông, tùy ý lợi người nên bảo là ‘tự tại’.

‘Vì các thứ loại làm bạn chẳng thỉnh’: Thứ là loại, phẩm loại. ‘Thứ’ còn có nghĩa là chúng. ‘Thứ loại’ chỉ chúng sanh. Hội Sớ giảng chữ ‘bạn chẳng thỉnh’ (bất thỉnh hữu) như sau:

‘Chúng sanh quay lưng với giác ngộ, trầm mê trôi nổi, sanh manh không có mắt, không có lòng mong được thoát. Bồ Tát thương xót họ, không có ý nghĩ mỏi nhàm, thường làm bạn chẳng thỉnh, tùy duyên yêu thương, che chở.

Vì vậy kinh Niết Bànbài kệ rằng:Thế gian muốn được cứu phải cầu xin rồi sau mới được. Như Lai chẳng được thỉnh mà thường làm chỗ về nương”.

Kinh Duy Ma lại giảng chữ ‘bạn chẳng thỉnh’ thế này: ‘Mọi người chẳng thỉnh mà làm bạn để giúp cho an ổn’. Ngài Tăng Triệu nói: ‘Bạn thật chẳng đợi thỉnh như từ mẫu luôn hướng đến con trẻ’.

Ngài Tịnh Ảnh nói: ‘Do chúng sanh cần được hóa độ không có căn cơ cảm được chư thánh cho nên gọi là ‘chẳng thỉnh’. Bồ Tát cưỡng hóa nhân duyên, xưng là bạn để an ổn chúng sanh. Chúng sanh được hóa độ tuy có đạo cơ, nhưng không ưa thích, chẳng biết cầu thánh nên gọi là ‘chẳng thỉnh’. Bồ Tát tùy cơ cưỡng hóa, gọi là ‘an’.

‘Thọ trì pháp tạng rất sâu của Như Lai’: Câu này có hai cách giải thích:

a. Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘‘Tu cho hiểu được rành rẽ rằng Như Lai tạng tánh là ‘pháp tạng rất sâu của Như Lai’. Ám chướng đã trừ, tâm mình hiện rõ nên gọi là thọ trì’. Thuyết này cho rằng minh tâm là ‘thọ trì pháp tạng rất sâu’.

b. Sách Bình Giải nói: ‘Nghe, trì pháp tạng của hết thảy Như Lai trong ba đời, đa văn quy về nhất văn, nhất văn chính là nghe một danh hiệu này’. Thuyết này cho rằng nghe Phật danh hiệu chính là ‘thọ trì pháp tạng rất sâu’. Thuyết này rất phù hợp với Tịnh tông.

‘Hộ Phật chủng tánh khiến thường chẳng tuyệt’: Hộ là giữ gìn, duy trì. Giải thích chữ ‘Phật chủng tánh’ có nhiều thuyết: Sách Thám Huyền Ký, quyển 11 viết: ‘Sở hạnh của Bồ Tát gọi là Phật chủng’. Tịnh Ảnh Sớ lại bảo: ‘Pháp giới các độ là Phật chủng tánh’.

Thật ra, hai thuyết này giống nhau, đều lấy lục độ, vạn hạnh của Bồ Tát tu hành làm Phật chủng tánh. Chữ ‘độ’ ở đây là vượt thoát dòng sanh tử, lên bờ Niết Bàn. Vì vậy, ‘độ’ là Phật chủng tánh.

Sách Hội Sớ dựa vào các kinh, luận cho rằng Phật chủng tánh có đến bốn nghĩa, ở đây chỉ nêu lên ba nghĩa:

 a. Phật tánh chúng sanh cùng có: Trong tâm chúng sanh sẵn có Như Lai tánh, bổn lai bất biến, sanh ra các công đức còn nhiều hơn cát sông Hằng, nhưng bị vô minh che lấp, nên dẫu có mà cũng như không. Vì họ, Bồ Tát khởi sự giáo hóa, khai phát Như Lai tạng họ sẵn có. Đó gọi là thiệu long Phật chủng.

 b. Lấy Bồ Đề tâm làm Phật chủng: Kinh Hoa Thủ dạy: ‘Ví như không có bò, chẳng có đề hồ. Nếu khôngBồ Tát phát tâm, không có Phật chủng. Nếu có bò thì có đề hồ. Cũng vậy, nếu có Bồ Tát phát tâm thì Phật chủng chẳng đoạn’.

 c. Lấy xưng danh làm Phật chủng: Kinh Bảo Tích dạy: ‘Ví như trồng cây, có hạt giống không bị mục nát của cây ấy, đầy đủ nhân duyên mọc mầm. Này thiện nam tử! Nghe danh hiệu Phật là được hạt giống, đầy đủ nhân duyên lại được thọ ký’. Đoạn kinh trên ý nói: các thứ hạt giống nếu chẳng mục nát ắt có khả năng sanh rễ, nảy mầm, lớn thành cây to. Nghe danh hiệu Phật như được hạt giống, tín nguyện trì danh chính là đầy đủ nhân duyên, ắt được thọ ký thành Phật nên bảo rằng trì danhPhật chủng.

 Theo Hội Sớ, Bồ Đề tâmxưng danh hiệu Phật là Phật chủng tánh; đủ chứng minh rằng kinh này lấy ‘phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’ làm tông, đúng là ‘hộ Phật chủng tánh khiến thường trụ chẳng tuyệt’.

Gia Tường Sớ giảng chữ ‘thường trụ chẳng tuyệt’ là: ‘Muốn làm cho pháp chủng của Như Lai chẳng dứt vậy’.

Tịnh Ảnh Sớ nói: ‘Giữ gìn cho ly chướng, khởi thiện không gián đoạn thì gọi là thường chẳng tuyệt’.

Sách Bình Giải lại viết: ‘‘Đại Luận chép: ‘Nơi không Phật, khen ngợi danh từ Tam Bảo (tam bảo âm)’’. “Tam Bảo âm” là thọ trì, tuyên nói Phật pháp tạng. Chúng sanh do đấy gieo căn lành, phát sanh trí, thành đức khế lý, nên hạt giống Tam Bảo được liên tục lưu truyền, thường chẳng bị dứt mất’.

Cả ba thuyết trên đều hợp lý cả.

Cả mười câu từ ‘Hưng đại bi’ cho đến câu ‘cứu vớt, gánh vác cho họ đều vượt lên bờ kia’ đều nói về đức hạnh đồng thể đại bi, vô duyên đại từ của Đại Sĩ.

‘Hưng đại bi, mẫn hữu tình’: Mẫn là thương xót nghĩ đến. Bồ Tát thương xót chúng sanh làm cho tất cả được thoát khổ, chẳng phải như lòng bi do ái kiến của Nhị Thừa, phàm phu nên gọi là “đại bi”.

Sách Hội Sớ lại viết: ‘Dẹp khổ là bi, cho đến bi là chơn thật bình đẳng bi, nên gọi là đại bi’.

Lại như kinh Niết Bàn, quyển 11 dạy: ‘Tam thế chư Thế Tôn lấy đại bi làm căn bổn’.

Quyển 1 kinh Đại Nhật của Mật bộ ghi: ‘Bồ Đề tâm là nhân, đại bi là căn bổn’. Vì vậy, các Đại Sĩ đều cùng phát tâm đồng thể đại bi.

‘Diễn từ biện’: do từ tâm mà thốt lên. Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Nương lòng từ mà nói ra thì gọi là diễn từ biện’.

Trao pháp nhãn’: Pháp nhãn là một trong ngũ nhãn của Như Lai. Ngũ nhãn là: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãnPhật nhãn. Pháp nhãntrí huệ soi thấu hết thảy pháp môn để độ sanh của Bồ Tát. Hội Sớ giảng: ‘Phật đạo chánh kiến gọi là pháp nhãn’. Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Trí soi chiếu pháp nên gọi là pháp nhãn’.

Do đó, pháp nhãnliễu đạt các thứ căn khí của chúng sanh, khéo biết hết thảy pháp cứu độ, ứng theo căn cơ mà ban pháp để độ thoát họ. Trí huệ như vậy gọi là pháp nhãn. Ngài Tịnh Ảnh lại viết: ‘Truyền dạy pháp khiến hiểu biết thì gọi là trao pháp nhãn’. Dạy dỗ chúng sanh khiến họ với Phật pháp sanh hiểu biết đúng đắn thì cũng giống như đem pháp nhãn trao cho chúng sanh vậy.

‘Lấp’ là làm nghẽn. ‘Nẻo ác’ba đường ác: súc sanh, quỉ, địa ngục. Đường ác rất khổ, muốn cho họ được thoát khỏi nên dạy người lìa ác thì chính là đóng lấp con đường dẫn đến nẻo ác. Trong kinh này, đức Di Đà có đại nguyện: ‘Sanh về cõi ta, chẳng bị đọa trong đường ác nữa’ thật đúng là ý ‘lấp nẻo ác’.

Sách Hội Sớ lại giảng chữ ‘mở cửa lành’ như sau: ‘Là đại bi đức. Cửa lành là cửa Bồ Đề Niết Bàn’. Phẩm Thọ Lượng Vô Cực của kinh này chép: ‘Ắt được siêu tuyệt, vãng sanh cõi Phật vô lượng thanh tịnh của A Di Đà Phật’ thật chính là mở cửa lành một cách chân thật vậy.

‘Với các chúng sanh, xem như chính mình’ nghĩa là: đồng thể đại bi. Cái được người đời yêu mến nhất không gì bằng thân mình. Vì xem chúng sanh như thân mình nên có thể cứu độ quần sanh, tâm chẳng tạm bỏ. Kinh Niết Bànbài kệ rằng: ‘Hết thảy chúng sanh thọ các khổ khác nhau cũng như chính bản thân Như Lai chịu khổ’. Vì vậy, phổ nguyện ‘cứu vớt, gánh vác cho đều vượt lên bờ kia’.

Chửng (tạm dịch là cứu) là cứu trợ, tế (tạm dịch là vớt) là độ, làm cho hoàn thành, làm lợi ích. Do đó, “chửng tế” có nghĩa là cứu độ. Trong kinh Đại Pháp Cự Đà Ra Ni, Phật dạy:

‘Trách nhiệm của Bồ Tátthệ nguyện gánh vác hết thảy chúng sanh xuất ly thế gian... Ví như trưởng giả trong nhà giàu có dư dật, nhiều của cải, chỉ có một con. Vì thương yêu con nên của cải, vật yêu thích đều trao hết cho con, chẳng hề chán nhọc.

Bồ Tát cũng lại giống như vậy: hết thảy vật yêu thích đều trao hết cả cho, cho đến khiến chúng sanh nhập vô dư Niết Bàn. Vì vậy, gọi là “gánh vác gánh nặng”.

Đoạn kinh vừa dẫn trên đã hiển thị sâu sắc ý nghĩa ‘cứu vớt, gánh vác’.

‘Vượt lên’ là đến nơi. ‘Bờ kia’ (bỉ ngạn) là Niết Bàn. Đại Luận, quyển mười hai viết: ‘Nếu có thể thẳng tiến chẳng lui, hoàn thành Phật đạo thì gọi là “đến bờ kia”, ý nói: Đại Sĩ phổ độ làm cho hết thảy chúng sanh chứng nhập Vô Dư Niết Bàn rồi mình mới chứng Niết Bàn.

‘Đều hộ trì vô lượng công đức của chư Phật, trí huệ thánh minh chẳng thể nghĩ bàn’: Hai câu trên đây nói rõ các Đại Sĩ đầy đủ phước trí nhị nghiêm, là bậc Bồ Tátđịa vị ngang với quả vị, nhưng từ quả hướng nhân, đều đã đắc phước đức trang nghiêm của Như Lai.

‘Trí huệ thánh minh chẳng thể nghĩ bàn’trí huệ trang nghiêm của Như Lai mà các Đại Sĩ đều đã chứng đắc (Tịnh Ảnh Sớ và sách Bình Giải, Hợp Tán cùng chấp nhận thuyết này).

‘Thánh’ là chánh. Ngài Tăng Triệu nói: ‘Trí huệ là thể. Thánh minh là dụng. Không sự gì chẳng chiếu là Thánh. Bồ Tát quyền thật linh chiếu, chẳng thể dùng ngôn ngữ, suy nghĩ, bàn luận để hình dung nổi nên bảo là ‘chẳng thể nghĩ bàn’.

Ý của Triệu công là:

Trí huệ là bổn thể, thánh minhdiệu dụng, đều chiếu rõ, thông đạt được hết thảy sự nên gọi là Thánh. Thật tríQuyền trí của Bồ Tát phát sanh diệu dụng sáng tỏ vằng vặc để chiếu soi, chúng sanh phàm tình trọn chẳng thể hiểu nổi nên bảo là ‘chẳng nghĩ nổi’. Vì hết thảy ngôn ngữ chẳng diễn đạt nổi nên nói: chẳng thể bàn nổi. Do ngôn ngữ, phân biệt chẳng thể diễn đạt được nên không cách chi mô tả, bàn luận, hình dung nổi trí huệ ấy.

Hơn nữa, ‘chẳng thể nghĩ bàn’ có hai loại:

- Một là lý không: do hoặc tình chẳng thể thấu đạt nổi.

- Hai là thần kỳ: kẻ trí cạn chẳng suy lường được. 

Trí Độ Luận lại viết: ‘Trong pháp Tiểu Thừa chẳng hề có việc chẳng thể nghĩ bàn, chỉ trong pháp Đại Thừa mới có, [ví dụ] như trong mười sáu kiếp nói kinh Pháp Hoa mà tưởng như trong khoảng bữa ăn’.

‘Các vị đại Bồ Tát như thế vô lượng vô biên, cùng lúc đến hội’ là câu tổng kết: các vị đại Bồ Tát đức tuân Phổ Hiền, do nghe giảng, khen ngợi diệu pháp Tịnh Độ, do hoằng truyền rộng rãi nguyện vương Phổ Hiền, vì phổ độ thập phương tam thế hết thảy hữu tình vãng sanh Tịnh Độ, cứu cánh Niết Bàn, đồng đức đồng tâm nên cùng lúc nhóm đến. Tịnh Ảnh Sớ viết: ‘Vì pháp tâm giống nhau nên cùng lúc nhóm đến’.

Chánh kinh:

 Lại có tỳ kheo ni năm trăm người, thanh tín sĩ bảy ngàn người, thanh tín nữ năm trăm người, trời Dục giới, Sắc giới thiên, chư thiên Phạm chúng đều cùng tới trong đại hội.

Giải:

‘Thanh tín sĩ’ưu bà tắc. ‘Thanh tín nữ’ ưu bà di. Đoạn kinh trên chỉ thấy trong bản Hán dịch, bản Ngụy dịch chỉ chép chúng Bồ Tát, và tỳ kheo. Cuối bản Tống dịch chép: ‘Cùng trời, rồng, tám bộ hết thảy đại chúng, nghe lời Phật dạy đều hoan hỉ lớn’ , như vậy đều là phần nói rộng bản Ngụy dịch vậy.

(Hết phần thông tự)

II. Biệt Tự

Phẩm tiếp theo đây là Biệt Tự, cũng là Phát Khởi Tự. Trong phần này, Như Lai hiện tướng lành, phóng quang, A Nan hoan hỷ thưa hỏi, Thế Tôn chánh đáp điều nghi, diễn xuất một bộ pháp bảo quảng đại, viên mãn, giản dị, nhanh tắt, phương tiện rốt ráo, hy hữu bậc nhất, khó được gặp gỡ là kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 32344)
Các chuyên gia đã từng nói cơ năng não bộ của con người so với máy vi tính phức tạp nhất trên thế giới lại càng phức tạp hơn.
(Xem: 6395)
Phật Đà Thập Đại Đệ Tử Tán - Hòa thượng Tuyên Hóa giảng thuật, Nguyễn Minh Tiến Việt dịch
(Xem: 11026)
Các tác phẩm của Thầy phần lớn được dịch từ Hán tạng, gồm giới kinh và các nguồn văn học Phật giáo Đại thừa với tư tưởng uyên thâm về triết họctâm lý học.
(Xem: 30189)
Đã phát khởi chí nguyện Đại thừa, lại kiên quyết thực hiện chí nguyện ấy, đó thực sự là cung cách hùng dũng của con sư tử đang vươn mình, và do đó phải được nhìn đến bằng cung cách của con voi chúa.
(Xem: 30270)
Vua và phu nhân gởi thơ cho Thắng Man, đại lược ca ngợi công đức vô lượng của Như Lai, rồi sai kẻ nội thị tên Chiên Đề La đem thư đến nước A Du Xà... HT Thích Thanh Từ dịch
(Xem: 7860)
Tất cả các nhà đạo học và thế học muốn thành tựu kết quả tốt đẹp trong cuộc đời, thì trước hết, họ phải trải qua quá trình kham nhẫn, nỗ lực, tu, học, rèn luyện tự thân, giúp đỡ, và đem lại lợi ích cho tha nhân.
(Xem: 11962)
Bảy Đức Thế Tôn quá khứ từ Thế Tôn Tỳ Bà Thi, Thế Tôn Thích Ca, và chư Thế Tôn vị lai đều chứng ngộ Vô Thượng Bồ Đề từ sự chứng ngộ sự thật Duyên khởi.
(Xem: 12130)
Trong các bản Kinh Pháp Cú, phổ biến nhất hiện nay là Kinh Pháp Cú Nam Truyền, tức là Kinh Pháp Cú dịch theo Tạng Pali.
(Xem: 11450)
Có lần Đức Phật sống tại Rajagaha (Vương Xá) trong Khu Rừng Tre gần Nơi Nuôi Những Con Sóc. Lúc bấy giờ, vị Bà La Môn tên là Akkosa Bharadvaja đã nghe người ta đồn đãi như sau:
(Xem: 12481)
Tôi nghe như vầy. Có lần Đức Phật, trong khi đi hoằng pháp ở nước Kosala nơi có một cộng đồng rất đông Tỳ Kheo, ngài đi vào một tỉnh nhỏ nơi cư trú của người Kalama
(Xem: 34281)
Quy Sơn Cảnh Sách Học Giải - Tác Giả: Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu; Thích Thiện Trí (Thánh Tri) Phỏng Việt Dịch và Viết Bài Học Giải
(Xem: 9668)
Kinh này khởi đầu bằng lời người Bà La Môn hỏi rằng làm thế nào người ta có thể tự thanh tịnh hóa khi nhìn thấy một vị Thượng nhân đã Thanh tịnh,
(Xem: 52062)
Nguyên xưa ngài Quán Nguyệt Pháp sư đem hai thời kinh khóa tụng: Mai đóng chung và chiều nhập chung lại làm một đại thể làm một tập lớn. - Chú giải: Ngài Quán Nguyệt; Dịch giả: HT Thích Khánh Anh
(Xem: 10580)
Tôi nghe như vậy: Một thời, đức Thế Tôn trú tại thành phố Śrāvastī (Xá-vệ), nơi rừng cây Jeta (Kì-đà), vườn của Ông Anāthapiṇḍada (Cấp-cô-độc),
(Xem: 10331)
Bài kinh này trong đoạn cuối (bài kệ 787), câu “không nắm giữ gì, cũng không bác bỏ gì” được Thanissaro Bhikkhu ghi chú rằng ...
(Xem: 10535)
Lúc bấy giờ, Bồ tát Đại sĩ Akṣayamatir[1] từ chỗ ngồ đứng dậy, vắt thượng y[2] qua một bên vai, chắp hai tay[3] hướng về đức Thế Tôn và thưa rằng:
(Xem: 10311)
Khi khảo sát về PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM, chúng tôi tự nghĩ, chúng ta cần phải biết Bồ-Đề là gì? Bồ-Đề Tâm là thế nào? Phát Bồ-Đề Tâm phải học theo những Kinh, Luận nào?
(Xem: 12905)
Đại ý bài kinh này Đức Phật dạy chúng đệ tử không nên truy tìm quá khứ, không nên ước vọng tương lai vì quá khứ đã đoạn tận.
(Xem: 16009)
Evaṃ me sutaṃ, “như vầy tôi nghe”, là lời Ngài Ananda bắt đầu mỗi bài kinh mà có lẽ không Phật tử nào là không biết.
(Xem: 21601)
Nếu tính từ thời điểm vua Lương Vũ Đế tổ chức trai hội Vu lan ở chùa Đồng Thái vào năm Đại Đồng thứ tư (538), thì lễ hội Vu lan của Phật giáo Bắc truyền đã có lịch sử hình thành gần 1.500 năm.
(Xem: 9491)
Phật dạy giới này áp dụng chung cho tất cả các Phật tử tại gia, không phân biệt Phật tử này thuộc thành phần hay đẳng cấp xã hội nào.
(Xem: 6983)
Sa-môn Thích Đàm Cảnh dịch từ Phạn văn ra Hán văn, tại Trung-quốc, vào thời Tiêu-Tề (479-502). Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn, tại Canada, năm 2018.
(Xem: 10260)
Đức Phật A Di Đà tự thân có ánh sáng vô lượng, chiếu khắp cả mười phương mà không có vật gì có thể ngăn che. Vì vậy nên Phật A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Quang Phật.
(Xem: 12447)
Nguyên tác Hán văn: Tì-kheo Linh Diệu, tông Thiên Thai soạn - Dịch sang tiếng Việt: Thích Thọ Phước
(Xem: 12614)
Ngài Buddhaghosa sanh ra và lớn lên nước Magadha, thuộc Trung Ấn Độ, vào thế kỷ thứ V trong ngôi làng Ghosa, gần địa danh nơi đức Phật thành đạo Bodhigaya
(Xem: 16067)
Nghiên Cứu Về Kinh A Hàm (Ãgama, Sanscrist)
(Xem: 16327)
Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy".
(Xem: 13686)
Đây là những điều tôi nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây Kỳ Đà ở thành Vương Xá.
(Xem: 16328)
Vào thời Đức Thích-ca-mâu-ni, không có hệ thống chữ viết được phổ biếnẤn Độ. Do đó, những thuyết giảng của Ngài được ghi nhớ và ...
(Xem: 11885)
"Lại nữa, lúc bấy giờ Mahāmati thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, ngài đã từng dạy rằng: từ lúc Như Lai chứng nghiệm giác ngộ cho đến...
(Xem: 13651)
Kinh Địa Tạng là một trong các kinh Đại thừa được phổ biến rộng rãi trong quần chúng Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay song song với các kinh Kim Cương, Di Đà, Phổ Môn...
(Xem: 14199)
Nguyên tác: Tôn giả Thế Thân (Acarya Vasubandhu) - Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng; Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh
(Xem: 9088)
No. 1613 - Nguyên tác: Tôn giả An Huệ; Dịch Hán: Tam Tạng Pháp sư Địa-bà-ha-la; Dịch Việt: Tâm Hạnh
(Xem: 11636)
Duy thức nhị thập luận, do bồ tát Thế Thân soạn, ngài Huyền trang dịch vào đời Đường... được thu vào Đại chính tạng, tập 31, No.1590.
(Xem: 11162)
Bồ-tát Trần Na tạo luận. Tam tạng Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch. Việt dịch: Quảng Minh
(Xem: 16046)
Nghe như vầy, một thời Đức Phật ở nước Xá Vệ ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc cùng chúng đại Tỳ Kheo năm trăm vị. Bấy giờ các thầy Tỳ Kheo...
(Xem: 14214)
No. 699; Hán dịch: Đời Đại Đường, Trung Thiên Trúc, Tam tạng Pháp sư Địa bà ha la, Đường dịch là Nhật Chiếu
(Xem: 16049)
Đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni, bắt đầu chuyển pháp-luân, độ cho năm vị Tỳ-Khưu là Tôn-giả Kiều-Trần-Như v.v... Sau cùng, Ngài thuyết pháp độ cho ông Tu-bạt-đà-la.
(Xem: 12579)
Kinh Phạm Võng nằm trong Đại Chánh Tạng, tập 24, ký hiệu 1484, gọi đủ là Phạm võng kinh Lô xá na Phật thuyết bồ tát tâm địa giới phẩm đệ thập
(Xem: 11904)
Phật thuyết-giảng Kinh Phạm-Võng để dạy về giới-luật, và các pháp cao-siêu vượt thoát được sáu mươi hai kiến-chấp vốn là các tà-kiến đã...
(Xem: 11638)
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Ở đây,,,
(Xem: 15518)
Đại Chánh Tân Tu, Bộ Kinh Tập, Kinh số 0434; Dịch Phạn - Hán: Tam Tạng Cát-ca-dạ, Dịch Hán - Việt và chú: Tỳ-kheo Thích Hạnh Tuệ; Hiệu đính: HT Thích Như Điển
(Xem: 11360)
Đời Đường, Thận Thủy Sa Môn Huyền Giác Soạn; Thánh Tri dịch nghĩa Việt và viết bài học giải...
(Xem: 13875)
Phật giáo được khai sáng ở Ấn-độ vào năm 589 trước kỉ nguyên tây lịch (năm đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo), và đã tồn tại liên tục, phát triển không ngừng trên ...
(Xem: 11860)
Trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền, Dược Sư là một bản kinh thường được trì tụng nhằm mục đích giải trừ tật bệnh, cầu nguyện bình an...
(Xem: 12414)
Thích-ca là phiên âm của tiếng Phạn. Phiên âm Hán Việt là Năng Nhân. Tức là họ của đấng hóa Phật ở cõi Ta-bà...
(Xem: 14788)
Kinh chuyển Pháp luân là bài thuyết Pháp đầu tiên của Đức Phật Thích-ca sau khi Ngài đã đắc đạo.
(Xem: 11834)
Ba Ngàn Oai Nghi Của Vị Đại Tỳ Kheo - Được xếp vào tập T24 - Kinh số 1470 - Tổng cộng kinh này có 2 quyển
(Xem: 12969)
Những gì xảy ra trong thế giới này đều bị qui luật Nhân quả chi phối. Mọi thứ xuất hiện ở đời đều có nhân duyên. Hạnh phúcthế gian hay Niết bàn của người tu đạo không ra ngoài qui luật ấy.
(Xem: 14303)
Satipatthana Sutta là một bản kinh quan trọng làm nền tảng cho một phép thiền định chủ yếu trong Phật giáo là Vipassana...
(Xem: 20448)
Kinh Tứ Thập Nhị Chương là một bài Kinh được truyền bá khá rộng rải ở các Tồng Lâm Tự Viện của Trung QuốcViệt Nam từ xưa đến nay.
(Xem: 13049)
Bản dịch này được trích ra từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Vol. 48, No. 2010. Bởi vì lời dạy của Tổ Tăng Xán quá sâu sắc, súc tích, và bao hàm trong 584 chữ Hán,
(Xem: 10823)
Dịch từ Phạn sang Tạng: Kluḥi dbaṅ-po, Lhaḥi zla-ba; Dịch Tạng sang Việt: Phước Nguyên
(Xem: 20524)
Trí Phật là trí Kim – cang, Thân Phật là thân Kim – Sắc, cõi Phật là cõi Hoàng – kim, lời Phật tất nhiên là lời vàng.
(Xem: 14182)
Bấy giờ Hòa Thượng Vakkali nhìn thấy Đức Phật đang đi đến từ xa, và ông đã cố gắng ngồi dậy.
(Xem: 20076)
Xin dâng hết lên Tam Bảo chứng minh và xin Quý Ngài cũng như Quý Vị tùy nghi xử dụng in ấn tiếp tục hay trì tụng cũng như cho dịch ra những ngôn ngữ khác...
(Xem: 17394)
Niệm Phật Tâm Muội do HT Hư Vân soạn, Sa môn Hiển Chơn dịch; Tọa Thiền Dụng Tâm Ký do Viên Minh Quốc Sư soạn, HT Thích Thanh Từ dịch
(Xem: 13793)
Khi Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, ngài soi thấy năm uẩn đều KHÔNG, liền qua hết thảy khổ ách.
(Xem: 31687)
Viết ra các bài Phật học thường thức này, chúng tôi không có tham vọng giới thiệu toàn bộ Phật pháp và chỉ cốt giúp cho các bạn sơ cơ hiểu được một cách đúng đắn, đạo lý năm thừa trong Phật giáo mà thôi.
(Xem: 11879)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Kinh văn số 1675. Tác giả: Long Thọ Bồ Tát; Sa Môn Sắc Tử dịch Phạn sang Hán; HT Thích Như Điển dịch Việt
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant