GIỚI BẢN KHẤT SĨ TÂN TU
(The Revised Pratimoksha)
Nghi thức Tụng Giới Nam Khất Sĩ
Hội Đồng Giáo Thọ Đạo Tràng Mai Thôn Thực Hiện 12-01-2004
Lời Ngỏ
Giới kinh (Ba-la-đề-mộc-xoa) là con đường đào luyện người xuất gia. Thực tập theo Giới kinh, người xuất gia thanh tịnh hóa thân tâm, nuôi dưỡng lòng từ bi để tiếp xử với mọi loài và đi tới trên con đường giải thoát. Giới kinh không phải chỉ là những luật lệ. Phải hiểu giới như là phép rèn luyện, và mỗi giới trong Giới kinh bảo đảm cho người xuất gia một lĩnh vực tự do các biệt. Thực tập theo Giới kinh, ta bảo vệ được tự do trong đời sống hằng ngày. Và cũng vì vậy, Giới kinh (Pratimoksha) được dịch là biệt biệt giải thoát (tự do trong mọi lĩnh vực), xứ xứ giải thoát (ở đâu cũng được thảnh thơi) và đối hướng giải thoát (bước về hướng thảnh thơi). Giới nào cũng phát xuất từ sự thực tập chánh niệm. Chánh niệm giúp ta thấy rõ được những tư tưởng, lời nói và hành động nào giúp ta đi về phía giải thoát, và những tư tưởng, lời nói và hành động nào đưa ta về nẻo khổ đau hệ lụy.
Từ năm thứ năm sau ngày thành đạo, đức Thế Tôn đã bắt đầu chế giới cho chúng xuất gia, với sự cộng tác của các thầy lớn. Công trình chế giới này được kéo dài cả bốn mươi năm, mỗi giới đáp ứng với một trường hợp hoặc một nhu cầu thực tập. Ngày đức Thế Tôn nhập Niết bàn, Ngài có dạy thầy Ananda rằng những giới nhỏ không cần thiết và quan trọng mấy có thể được bỏ bớt đi để sự hành trì giới luật luôn mang tính thích ứng. Nhưng đã hơn 2500 năm mà lời dạy ấy của đức Bổn sư vẫn chưa được thực hiện.
Mấy trăm năm sau ngày Bụt nhập diệt, khoảng hai mươi tông phái Phật giáo đã được hình thành, mỗi tông có luật tạng (Vinaya Pitaka) riêng của mình. Luật tạng là một nền văn học phong phú có mục đích quy định tiêu chuẩn và phương pháp thực tập để người xuất gia và cộng đồng xuất gia có thể sống hạnh phúc, thành đạt trong sự nghiệp giải thoát và giác ngộ. Vì luật tạng của tông phái nào cũng có nguồn gốc nơi Phật giáo nguyên thỉ, nên thanh quy và Giới kinh của các tông phái tuy nhiều nhưng đại khái vẫn cùng chung một tinh thần và nội dung.
Giới kinh (Pratimoksha) là trái tim của luật tạng. Đây là một văn bản mà các vị xuất gia đã thọ giới lớn phải tụng đọc mỗi tháng hai lần trong lễ Bố tát (Uposadha). Bố tát có nghĩa là trưởng tịnh, nghĩa là nuôi lớn sự thanh tịnh. Ở Việt Nam và Trung Quốc, các thầy và các sư cô thường tụng giới bản của Đàm Vô Đức Bộ (cũng gọi là Pháp Tạng Bộ, tiếng Phạn là Dharmagupta) trong khi ở các nước Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện... các thầy lại tụng giới bản của Xích Đồng Diệp Bộ (Tamrasatiya) cũng gọi là bộ phái Theravada. Giới bản của Đàm Vô Đức Bộ có 250 giới về phía nam khất sĩ, trong khi giới bản của Xích Đồng Diệp Bộ chỉ có 227 giới. Ngoài một vài điểm sai khác không quan trọng, hai giới bản này gần như giống hệt với nhau.
Đạo Bụt phải được duy trì như một thực tại sống động. Như một thân cây, các cành khô phải được cắt đi để cho những nụ mới được xuất hiện. Những nụ mới này là những giáo lý và những phương pháp thực tập có thể đáp ứng được những nhu yếu của thời đại và văn hóa mới. Những phát triển kỹ thuật, tin tức báo chí và tốc độ của đời sống mới đã ảnh hưởng nhiều tới đời sống những người xuất gia. Những dấu hiệu của sự phá sản và xuống dốc của nếp sống xuất gia đã được nhận diện rất rõ trong đạo Bụt và ở các tôn giáo khác. Vì vậy sự có mặt của một Giới bản tân tu đã trở nên một điều cần thiết.
Hội đồng giáo thọ của đạo tràng Mai Thôn trong năm năm qua đã tham vấn với rất nhiều vị luật sư cũng như các vị trưởng thượng ở Việt Nam và ở ngoại quốc trong quá trình nhận diện những nhu yếu mới của giới xuất gia để có thể cống hiến một Giới bản tân tu vừa có tính cách khế cơ vừa có tính cách thực tiễn. Các vị xuất gia gốc Âu, Mỹ và Úc Châu cũng đã được tham khảo. Vì vậy Giới bản tân tu này hy vọng có thể đáp ứng được nhu cầu của giới xuất gia cả Đông lẫn Tây. Trong khi thực hiện Giới bản tân tu, chúng tôi đã nỗ lực để đừng gia tăng thêm số lượng các giới. Số giới trong giới bản của nam khất sĩ vẫn còn là 250 giới, và trong giới bản của nữ khất sĩ vẫn còn là 348 giới - y hệt với con số trong giới bản của Đàm Vô Đức Bộ.
Giới bản tân tu này đã được công bố lần đầu ngày 31.3.2003 tại Viện Đại Học Tăng Già Trung Ương ở Hán Thành, Đại Hàn, một trong những xứ Phật giáo Đại Thừa ở Châu Á. Trong Giới bản tân tu, những giới không còn thích hợp với hiện đại được thay thế bằng những giới có công năng bảo hộ cho sự thực tập và giá trị đích thực của người xuất gia trong thời đại mới, như những giới có liên hệ tới sự sử dụng xe hơi, máy vi tính, máy truyền hình, điện thoại cầm tay, trò chơi điện tử, điện thư và mạng lưới Internet. Giới bản cổ truyền đáp ứng tuyệt hảo với thời đại của Bụt, Giới bản tân tu đáp ứng đích thực với thời đại mới, rất thiết thực, không hề có tính cách lý thuyết hoặc giả định. Các vị luật sư trong khi giảng dạy giới bản luôn luôn nói về nguồn gốc của sự chế giới cho từng giới; Giới bản tân tu cũng vậy, các giới mới được chế tác cũng căn cứ trên môi trường sinh hoạt của tăng thân trong xã hội hiện thời. Sự công bố Giới bản tân tu sẽ ảnh hưởng không những tới giới Phật giáo mà cũng sẽ có ảnh hưởng tới các tôn giáo khác. Và đây không phải chỉ là một sự kiện thuộc giới tâm linh và tôn giáo: nó còn là một sự kiện văn hóa.
Có người hỏi: Quý vị là ai mà dám tu chỉnh giới của Bụt ? Câu trả lời: Chúng ta đều là con của đức Thế Tôn, và chúng ta là sự tiếp nối của Người. Chúng ta phải làm cho được điều mà đức Thế Tôn phó thác. Đức Thế Tôn đã để ra rất nhiều tâm huyết để đào tạo tăng thân xuất gia của Người. Đạo Bụt sở dĩ còn có mặt, đó là nhờ giáo đoàn xuất gia chưa bao giờ từng đứt đoạn. Mục đích của sự tân tu giới bản là để yễm trợ cho người xuất gia tự bảo hộ được tự do của mình, để cho con đường giải thoát đích thực có thể tiếp tục, và để cho Bụt và giáo đoàn nguyên thỉ của Người còn được tiếp tục mãi mãi về sau cho thật tốt đẹp.
Đạo Bụt đang được phát triển ở phương Tây. Nếu không có những tăng thân xuất gia vững mạnh và chính thống, thì đạo Bụt ở đây sẽ chỉ có thể có một phong trào nhất thời rồi sẽ tan rã. Nếu không có một tăng đoàn xuất gia tu học vững chãi có gốc rễ sâu sắc nơi giáo lý và hành trì của Bụt thì dù đó là một cuộc cách mạng văn hóa hay một phong trào văn hóa, nó cũng sẽ bị quét sạch và không để lại những dấu vết gì đáng kể trong xã hội.
Để cho đạo Bụt còn mãi là một truyền thống sinh động, giáo lý và hành trì phải có tính khế cơ. Giới kinh không phải chỉ để cho chúng ta nghiên cứu và giảng thuyết thao thao bất tuyệt mà không đem ra thực hành cho có hiệu quả. Đức Thế Tôn tin cậy nơi sự thông minh, tuệ giác và lòng can đảm của các thế hệ đệ tử tương lai để cho giáo lý và sự thực tập mà Ngài truyền trao được luôn luôn đổi mới, đáp ứng được những nhu cầu của từng thời đại. Vì vậy cho nên công việc tân tu Giới kinh rất là cần thiết.
Theo truyền thống, người thọ giới lớn phải học giới ít nhất là trong năm năm từ ngày thọ giới; trong trường hợp chúng ta, thì phải học cả giới bản cổ truyền và giới bản tân tu. Ta không nên học giới với mục đích trở thành học giả hoặc nhà chuyên môn nghiên cứu, mà phải học để hành trì để tiến bước trên đường tịnh hóa và giải thoát, thấy rằng các giới điều, các uy nghi và các thanh quy là thiết yếu cho sự sống còn của giáo đoàn xuất gia. Học hỏi và thực tập Giới kinh tân tu cùng với cổ truyền, chúng ta sẽ khám phá trở lại được cái đẹp, cái lành và cái thật của nếp sống phạm hạnh.
Người tại gia có cơ hội đọc Giới bản tân tu sẽ có khả năng phân biệt được vị xuất gia nào có hành trì giới luật nghiêm túc và vị nào không hành trì, do đó sẽ biết yểm trợ cho giáo đoàn xuất gia một cách hữu hiệu.
Thiền sư Nhất Hạnh và
Hội Đồng Giáo Thọ Đạo Tràng Mai Thôn
- Tag :
- HT Thích Nhất Hạnh