- 1. Bồ Đề Đạt Ma Và Giá Trị Siêu Việt Của Nền Thiền Học Việt Nam
- 2. Huệ Năng Với Niềm Cô Đơn Không Cùng
- 3. Lâm Tế Nghĩa Huyền Tiếng Hét Vang Động trong Vô Cùng
- 4. Vạn Hạnh Thiền Sư Con Người Độc Dị Của Ngàn Năm Trước Và Sau
- 5. Thiền Và Thi Ca Trong Thi Kệ Mãn Giác Thiền Sư
- 6. Tuệ Trung Thượng Sĩ Hiện Thân Của Duy Ma Cật Và Bàng Long Uẩn
- 7. Thiền Sư Hương Vân Đại Đầu Đà
- 8. Thiền Sư Chân Nguyên Con Người Của Thế Kỷ 17
- 9. Thiền Sư Hương Hải
- 10. Thiền Sư Thanh Đàm
HUỆ NĂNG VỚI NIỀM CÔ ĐƠN KHÔNG CÙNG
“Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ”
Nếu sự hiện diện của Bồ Đề Đạt Ma là kẻ đi trong cô đơn nhất, thì sự hiện hữu của Lục Tổ Huệ Năng là kẻ sống với cô đơn nhất. Huệ Năng con người đã được mệnh xưng là kẻ siêu việt trong lịch sử Thiền Tông mà cho đến bây giờ chưa một ai có thể đương đầu nổi, một kẻ cô đơn vượt thoát ra ngoài tử sinh chỉ duy nhất một lần nghe kinh.
Những lời thuyết pháp của Huệ Năng cho đến bây giờ vẫn còn vang động trong vô cùng, hình bóng của người trở thành biểu tượng cao cả phủ xuống che mát thiền môn, làm tác động và sống lại tinh thần “ưng vô sở trụ” mà mười ba thế kỷ trôi qua, ảnh hưởng đó vẫn hiện hữu mãnh liệt trong mỗi con người, trong mỗi thời đại theo sự chuyển vần của thời gian vô cùng, không gian vô tận, bể dâu của cuộc đời. Huệ Năng đắc pháp năm 23 tuổi là một thanh niên đầy đủ tự tin, vùng lên với tất cả khí phách của một kẻ phi thường, hoán chuyển mọi tối tăm trở thành thứ ánh sáng quét sạch bóng đêm phủ xuống cuộc đời chớp nhoáng như điện xẹt.
Từ một chú tiều đốn củi nuôi mẹ bỗng chốc trở thành Thiền Tổ Huệ Năng. Chặng đường cô đơn ban đầu ấy không một sự truyền thừa tra vấn nào cả, nhưng Huệ Năng đã đạt được tâm Phật nhờ một người tụng kinh Kim Cang đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.
Sự giác ngộ của ngài hẳn nhiên là sự chấn động trực tiếp, đẩy lùi tất cả những dính mắc vướng bận của tâm, chuyển hóa những vướng bận ấy trở thành cơn dông bão mà công năng của nó tàn phá và san bằng những trì trệ ứ đọng trong hành trình tiêu hủy đập phá vô minh.
Huệ Năng đã khai quật nội tâm của mình trong sự cô đơn cùng cực nhất, là người không biết lấy một chữ, không có thầy để trao truyền Phật Tâm, nhưng rồi trở thành một kẻ độc đáo nhất trong việc khơi mở đốn giáo mà chưa có ai sánh bằng. Những tuyệt kỷ và công lực mà Huệ Năng tung ra làm đảo lộn hành trình đi đến giác ngộ bằng phương pháp tiệm giáo. Phải chăng nội tâm của Huệ Năng là giải đất bằng mầu mỡ chỉ cần trong tích tắc nào đó là hột gống giác ngộ ấy trổi dậy ngay? Chặng đường của có không, giác ngộ bùng vỡ trong sát na, như nhát dao chém phăng vào thân cây tách rời ra khỏi gốc rễ chằng chịt. Và phải chăng Huệ Năng dùng cả ý lực của mình trong việc chặt phá thân cây như là những nhát dao đoạn trừ sự vướng động của tâm thức? Nếu Huệ Năng giác ngộ từ sự truyền thừa của sư phụ thì điều này không thể gọi là sự cô đơn trong giác ngộ. Và có lẽ trước đó chưa một lần nào Huệ Năng đọc kinh sách bởi lẽ ngài vốn không biết chữ, thì như vậy sự bùng vỡ của giác ngộ vốn đã được huân trưởng tu tập từ trước.Trường hợp của Huệ Năng khác xa với Huyền Giác trong việc ngộ rồi sau đó mới nhờ thầy ấn chứng. Huyền Giác là một tăng sĩ thuộc thành phần trí thức chuyên tu tập theo kinh luận Phương Đẳng và phép chỉ quán của Thiên Thai, nhưng sau nhờ bộ kinh Duy Ma mà ngài đạt được tâm Phật. Với Huệ Năng, ngài đã không có được điều kiện để đọc kinh sách hay nghiên cứu tu tập từ trước mà sự giác ngộ của ngài trong sự bất chợt thoáng qua, duy nhất một lần nghe kinh và giác ngộ ngay tức khắc. Bù lại điều đó Huệ Năng có một tuyệt kỷ phi thường trong việc mở cánh cửa đi thẳng vào giác ngộ trong sát na, không cần phải đi quanh co. Huệ Năng không biết chữ, nhưng tất cả ẩn nghĩa tiềm ẩn đằng sau văn tự thì Huệ Năng rõ như rõ chính nội tâm giác ngộ nơi ngài. Văn tự chỉ là phương tiện diễn đạt cho kẻ khác hiểu, đằng này Huệ Năng đã hiểu và đang sống trọn vẹn với sự hiểu chân chính đó, thì văn tự nếu không phải thừa với ngài sao? Huệ Năng còn được gọi là kẻ “vô học”. Thật ra không có gì để Huệ Năng phải học cả, tất cả mọi thứ đều không thể nào thoát ra khỏi bổn thể chân như. Huệ Năng đã từ đó mà đi ra nên chỉ việc vung tay là cả càn khôn chấn động, mở miệng là pháp âm thậm thâm vi diệu tuôn trào.
I. CUỘC TRẮC NGHIỆM GIỮA NGŨ TỔ HOẰNG NHẪN VÀ HUỆ NĂNG:
Huệ Năng đã âm thầm lên núi Hoàng Mai bái yết Ngũ Tổ trong một tâm trạng giữa mê và ngộ, giữa cái sống và chết, giữa sự quyết định thành tựu giác ngộ hay bung xuống vực sâu của tử sinh. Ngài tìm đến Ngũ Tổ không phải để cầu pháp mà để được trắc nghiệm và nhờ ấn chứng cho sự giác ngộ của mình. Huệ Năng nhờ sự công phá và gõ nhịp liên tục của toàn bộ tinh thần “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của kinh Kim Cang mà thành tựu được sự giác ngộ của mình.
Kinh Kim Cang có công năng phá trừ những mê vọng, hiển bày sự giác ngộ chặt tan những nghi ngờ và làm hưng khởi chân tâm một cách toàn triệt. Ngã chấp và pháp chấp bị san bằng tiêu hủy mà kinh Kim Cang đã thuyết minh.Không trụ vào bất cứ ở đâu, vì không có chỗ nào cần thiết để trụ cả. Còn có quan niệm trụ thì phải trôi lăn trong vòng sinh tử, còn phải tốn công tháo gỡ trói buộc.
Một khi sự chấp trước tham đắm không còn thì tâm như vừng nhật nguyệt, theo đó mới thể nhập trọn vẹn vào giác ngộ. Huệ Năng đã nhờ vào tinh thần đó ngự trị và tác động liên tục không một phút giây nào dừng lại nên Huệ Năng tự tại trong mọi chiều hướng.
Huệ Năng tìm đến Ngũ Tổ không phải để cầu thầy dạy bảo mà chỉ duy nhất phơi bày sự giác ngộ của mình để Tổ ngắm xem.
- Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn hỏi Huệ Năng: “Ngươi ở phương nào đến đây muốn cầu việc gì ?”
- Huệ Năng thưa rằng: “Đệ tử người ở Lĩnh Nam, vốn chỉ là một tên thường dân ở Tân Châu, nay lặn lội từ phương xa đến bái lạy Hòa Thượng chỉ cầu làm phật chứ không cầu gì khác.”
- Tổ nói: “Ngươi là người Lĩnh Nam lại thuộc giống mọi rợ làm thế nào mà thành Phật được ?”
- Huệ Năng thưa rằng: “Con người tuy có Nam Bắc, Phật tánh lại chẳng có Bắc Nam. Tuy thân mọi rợ này không giống với thân Hòa Thượng nhưng Phật tánh không có gì sai khác.
Ngũ Tổ trắc nghiệm Huệ Năng bằng những câu hỏi thông thường dù rằng chỉ để tìm hiểu tông tích của kẻ mới đến, nhưng trong đó đã hàm chứa những ẩn ngữ thâm sâu, nếu không có nội công thâm hậu không dễ gì thoát được và tạo sự chú ý của ngài. Huệ Năng vốn dứt trừ được sự phân biệt, đối đãi mà yếu nghĩa của kinh Kim Cang tác động liên tục trong ngài, những nghi hoặc, sai biệt bỗng chốc vỡ tung ra từng mảnh, chỉ còn lại tinh thần trong trắng và sự ngự trị của chân tâm tròn đầy. Bằng vào tinh thần ấy, Huệ Năng mới thoát được những đòn bí hiểm thí mạng mà Ngũ Tổ đã trắc nghiệm.Sau đó vì sự có mặt đông đảo của đồ chúng, Ngũ Tổ bảo Huệ Năng lui ra đi xuống dưới làm việc. Hơn tám tháng trường đạp chày giã gạo, chưa hề được phép lên nhà tổ để nghe kinh, nhưng nhờ tinh thần trinh nguyên, và sự nung nấu của kinh Kim Cang, thêm bầu không khí thiền hằng ngày Huệ Năng cảm nhận và chính nhờ vào bài kệ của Thần Tú tác động mãnh liệt trong nội tâm, những hoang mang giữa sự biết gì và không biết gì không còn là sự mơ hồ, mà trở thành những đường nét rõ ràng xuất hiện ngay trong tâm của ngài đè bẹp tất cả sự biết và không biết đó trong một thoáng, từ chú tiều bỗng chốc trở thành Thiền Tổ Huệ Năng.
Bài kệ của Thần Tú viết trên vách tường, Huệ Năng không biết chữ nên nhờ người khác đọc hộ. Âm vang của nó khiến cho Huệ Năng bay bổng lên tận mây ngàn và thấy rằng mình tách rời ra khỏi những sai biệt, dính mắc, mài dũa tâm thức. Nếu không nhờ có Thần Tú hẳn nhiên đã không có Huệ Năng, phải chăng Thần Tú đã tự nguyện mang hạnh nguyện chuyển tiếp cho sự bùng lên của Huệ Năng? Và vô tình Thần Tú trở thành thầy của Huệ Năng theo nghĩa thầy mà không biết hay chưa hề biết mình là thầy. Công ơn của Thần Tú đối với Huệ Năng không ít vậy.
Nếu không có bài kệ của Thần Tú:
Thân thị bồ đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Mạc sử nhạ trần ai
Tạm dịch:
Thân là cội bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn phải lau chùi
Chớ để dính bụi bậm
Hẳn nhiên không có bài kệ của Huệ Năng:
Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?
Tạm dịch:
Bồ đề vốn không cội
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính trần ai?
Những tháng ngày Ngũ Tổ chờ đợi để có dịp trao truyền y bát cho người thừa kế, may mắn thay ngài đứng trước miếng đất tâm đã cày bừa sẵn, hạt giống bồ đề đang chờ đợi cái ấn mạnh tay của ngài là chổi dạy che mát cả bầu trời. Để rồi Huệ Năng với bài kệ ấy được trao truyền y bát và tâm ấn của Thiền Tông trở thành Lục Tổ Huệ Năng.
“Sở dĩ Ngũ Tổ trao pháp cho Lục Tổ (thay vì trao cho Thần Tú), là vì Lục Tổ lặng lẽ mà hợp với đạo, thầm kín mà hội được diệu nghĩa Như Lai.” (Truyền Tâm Pháp Yếu).
Lối canh ba Huệ Năng được Ngũ Tổ phó chúc y bát và thuyết kinh Kim Cang cho ngài nghe. Từng lời kinh len lõi vào tận tiềm thức, ngự trị trong đó, để rồi cả cuộc đời của Huệ Năng y cứ vào yếu nghĩa thâm sâu của Bát Nhã phát huy và trao truyền cho nhân thế. Cho đến bây giờ lời kinh ở Tào Khê vẫn còn vang vọng đâu đây trong mỗi con người.
Huệ Năng nhận lãnh y bát trong âm thầm lặng lẽ không một ai hay biết, sau đó Ngũ Tổ đưa Huệ Năng qua sông về phương nam giáo hóa. Huệ Năng đã không thể giảng pháp ngay lúc bấy giờ vì bị quân dữ đuổi, ngài phải âm thầm cô đơn lánh nạn trong nhóm thợ săn gần mười sáu năm trường. Một người đắc pháp trong âm thầm và phải lánh nạn trong thời gian dài như thế thật là sự cô đơn khủng khiếp nhất. Dĩ nhiên sự cô đơn này nói lên tâm trạng của một kẻ vượt thoát ra ngoài tương quan giữa có và không, hiện hữu và mất mát. Và sự cô đơn này cũng có nghĩa vận dụng tất cả những thắng duyên của nội tại, đắm mình trong diệu dụng của chân như, mà không cần sự tác động của bên ngoài.
Khám phá nội tại là điều tối cần trong việc truy tìm uyên nguyên của giác ngộ, những đối tượng bên ngoài chỉ là phương tiện nhất thời, và không một ai có thể đưa ta đến giác ngộ bằng chính ta. Cuộc đời của Huệ Năng quả là sự cô đơn không cùng, chính nhờ sự cô đơn này nung nấu rèn luyện ngài trở thành một người phi thường mà cả mười mấy thế kỷ rồi trong lịch sử Thiền Tông chưa một ai có thể sánh kịp. Với Huệ Năng con người thoát ra khỏi đối đãi nên không thấy nhị nguyên, có không, mà tất cả trở nên vô nghĩa, không trở ngại bước tiến của ngài, dù điều đó được xây dựng trên đông đảo, hay trong cô liêu.
II. KINH PHÁP BẢO ĐÀN
Những lời thuyết pháp của Huệ Năng đã gây chấn động mãnh liệt và vang dội trong tận cùng tâm thức, làm lung lay những vọng tưởng mà con người đang trực diện. Nó tựa như cơn gió lốc cuốn phăng đi những trì trệ ứ đọng mà con người lẩn quẩn trong đó. Điều trước hết và trên hết để đi vào tư tưởng của Huệ Năng cần nhất là phải lắng đọng và thanh tịnh nội tâm của mình. Trong mỗi con người vốn sẵn có bổn lai diện mục, trí tuệ bát nhã, nhưng vì sự bao phủ của những sai biệt nên chìm đắm trong tử sinh. Nếu xoay tất cả những nắm bắt ra bên ngoài, chiếu rọi vào nội tâm làm hưng khởi sự an tịnh thì chặng đường đi đến giác ngộ mới không lạc lối. Sự thanh tịnh bừng lên phải qua quá trình lắng đọng trong những đối diện, tiếp xúc mà không khởi lên những quan niệm tham đắm.Chính sự lắng đọng trong những sinh hoạt từng phút giây là dấu hiệu đạt được thanh tịnh ở nội tâm.
Dĩ nhiên điều này được thành tựu một khi hành giả buông thỏng tất cả, kể cả ý niệm của thanh tịnh, vì nếu còn vướng bận dù đó chỉ là ý niệm thì vẫn rơi vào vi tế của chấp trước.Như thế hành trình đi đến giác ngộ vẫn còn ngăn cách. Tìm đến tư tưởng của Huệ Năng trong khi tâm thức vẫn còn dong ruổi theo trần thế thì không thể nào cảm nhận được những gì mà ngài đã thuyết giảng chỉ luống công mà thôi, không khéo trở thành kẻ tri thức chỉ biết suy luận trong đống kho tàng kinh sách, chính sở tri chướng ấy trở ngại cho chặng đường đoạn trừ vô minh phong tỏa.
Pháp Bảo Đàn Kinh gồm 10 phẩm:
- Hành Do
- Bát Nhã
- Nghi Vấn
- Định Huệ
- Tọa Thiền
- Sám Hối
- Cơ Duyên
- Đốn Tiệm
- Tuyên Chiếu
- Phó Chúc
Bằng vào quan niệm thường tình nên chia ra có mười phẩm, nhưng với trí tuệ Bát Nhã quán chiếu thì tất cả đều không, cái không của so đo, tính toán, dài ngắn đều như cơn lốc và bị trí tuệ này cuốn hút vào hư vô ngay. Một khi nó bùng lên không có khởi điểm và chấm dứt, tựa như tấm gương phản chiếu sự vật nhận và trả ngay không lưu lại dấu vết gì nơi gương cả, nó tựa như mặt nước hồ thu không gợn sóng, dấu vết của con nhạn bay qua chỉ in xuống dòng nước nhưng rồi sau đó trả lại sự yên lặng cho mặt hồ. Nhạn vô tình bay qua, nước vô tình in bóng nhạn, nhưng chưa một lần nhạn và nước nhận diện nhau. Và nếu cố tình đi chăng nữa thì nhạn vẫn là nhạn, nước vẫn là nước, điều này không vì thế mà trở ngại bước tiến đến sự an tịnh. Nếu có đối tượng và ngã chấp thì hẳn nhiên vẫn phải tử sinh, sống chết. Phải vùng lên với tất cả hùng lực sẵn có, gõ liên tục vào nội tâm, và đem cả nguyện lực bình sinh thoát ra ngoài mối tương quan đối đãi thì mới chấm dứt được con đường lẩn quẩn.
“Nầy thiện tri thức ! Phải biết rằng nếu chẳng ngộ thì Phật là chúng sanh, còn một niệm mà ngộ được thì chúng sanh là Phật. Vậy mới biết muôn pháp đều ở nơi lòng mình, sao chẳng noi theo từ trong lòng, để chóng tỏ cái Bổn Tánh Chơn Như của mình ?”
(Pháp Bảo Đàn Kinh)
Lối vào giác ngộ, điều tiên quyết phải chùng mình vượt qua khỏi giá buốt tê cóng nơi tâm hồn, quên đi tất cả những duyên trần thế, làm tươi mát tâm hồn bằng cách nở những nụ cười rạng rỡ trên đôi môi, nụ cười này được xuất phát với tất cả sự lắng đọng trong tâm hồn, để từ đó tạo nên cửa ngõ đi vào an lạc. Một niệm ngộ được rồi cần phải duy trì liên tục đừng để ngăn ngại thì đạo quả giác ngộ chắc hẳn hiển lộ. Chuyển hóa ngộ đó để trở thành nước cam lộ nuôi dưỡng tuệ căn thân mạng để vươn lên phá tan chướng ngại trì trệ con đường thoát khỏi tử sinh. Một khi móc xích cột chặt con người được đập vỡ, cả càn khôn bỗng chốc trở thành mây khói, chỉ còn lại những đỉnh đồi hoang vu reo với gió nội mây ngàn, cất tiếng vang làm chấn động cả đất trời. Để rồi từ đỉnh đồi cao vút đó phóng thẳng mình xuống đi vào cuộc đời, hoán chuyển những thống khổ của chúng sanh.Nếu đứng mãi trên đó băng tuyết lạnh lùng sẽ chôn vùi hạnh nguyện cao cả. Đừng trụ mãi ở đâu dù nơi đó là Niết Bàn cao sang hay tử sinh đảo lộn. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn Lục Tổ có dạy:
“Thiện Tri thức !đừng trụ bất cứ ở đâu ở trong ở ngoài, thì lui tới được tự do. Đừng để tâm chấp trước thì thông suốt hết không gì vướng mắc. Kẻ ngu nếu bỗng chốc trí sáng tâm mở thì với người trí không khác.”
Pháp âm của Huệ Năng đã được ghi lại trong Pháp Bảo Đàn mà công năng của nó quét sạch tiêu tan những vọng tưởng đảo điên mà con người đang trực diện, một thứ ánh sáng xuyên thủng màn đêm làm ấm lại dòng nước vi diệu của nhân sinh. Dòng nước ấy sẽ luân lưu trong vô cùng, để tưới mát lòng người và những đồng hoang nội cỏ, tạo nên những chất liệu nuôi sống con người trong thế giới hôm nay. Thế giới được mệnh xưng tràn ngập sự khủng khiếp thống khổ nhất, con người trở thành nô lệ cho chính mình, sẵn sàng còng đôi tay của mình nhảy vào hố thẳm ngút ngàn của điên loạn. Âm vang của Huệ Năng từng phá tan và sẽ tiếp tục phá tan những đe dọa tâm linh trong mỗi con người, với điều kiện kẻ ấy phải vận dụng bình sanh gõ liên tục vào chính tâm thức của mình.
III. CUỘC TRẮC NGHIỆM GIỮA HUỆ NĂNG VỚI HUYỀN GIÁC VÀ THẦN HỘI:
Ba mươi năm trước Huệ Năng (638-713) âm thầm mang cả hành trang của một kẻ đang chơi vơi giữa tử sinh, giữa mê và ngộ, giữa cái đang biết và biết có đúng không, giữa hoang mang của con người ngộ nhưng chưa có người ấn chứng. Huệ Năng mang tâm trạng của kẻ đi cầu sư để trắc nghiệm sự tâm chứng của mình, mà trước đó Huệ Năng trong một sát na đã bừng khởi và đột nhiên tung mình ra khỏi tương quan của sự sống chết, phóng mình trên đỉnh núi mà bóng dáng của nó không đi qua chặng đường của trí thức suy luận, như một tiếng nổ long trời lở đất dội mạnh vào tâm tư của chú tiều đốn củi, qua đường dây châm ngòi của “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Tiếng nổ vang dội ấy đẩy lùi những cột khói đen lên tận trời cao mà ba mươi năm sau Huyền Giác (665-713) cũng cùng một tâm trạng như thế.
Huyền Giác một tăng sĩ thuộc thành phần uyên bác, tinh thâm kinh luận Phương Đẳng tột bực, nhưng vẫn rơi vào sở học, sau nhờ đọc kinh Duy Ma Cật mà đi vào biển trí tuệ của Duy Ma, để rồi sau đó khúc ca Chứng Đạo ra đời qua mười ba thế kỷ mà âm vang đường nét và những dòng chữ chưa hề tan loãng. Huyền Giác đã phải khổ công đi hết con đường tri thức của mình, những quan điểm và lý luận của tâm thức nếu không vỡ tung hẳn nhiên không thể đi vào chân trời của giác ngộ vốn đã không dung chứa sở tri chướng.
Huyền giác tìm đến Huệ Năng và đã bỏ tất cả chặng đường cũ của mình, chuyển hóa trở thành chất liệu đang nuôi dưỡng sự nung nấu tác động của Duy Ma, chỉ nhờ Huệ Năng trắc nghiệm sự giác ngộ ấy có đúng không.
Huyền Giác vào Tào Khê gặp Huệ Năng đi quanh sư ba vòng xong chống tích trượng đứng.
- Huệ Năng nói: “Phàm làm sa môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh. Đại đức từ đâu đến mà lớn lối ngạo mạn vậy ?”
Huyền Giác đáp: “Sanh tử là việc lớn, vô thường mau chóng lắm.”
Thoạt đầu Huyền Giác đưa vấn đề sống chết lên trên, đó là vấn đề lớn nhất của kiếp người nếu không khéo vượt thoát thì mãi chìm đắm trong đêm dài tăm tối. Sự mau chóng của nó không đủ thời gian để Huyền Giác có thể cúi mình xuống sụp lạy Huệ Năng. Và cũng có thể Huyền Giác đưa ra câu hỏi mà trước đó đã từng dày vò ám ảnh. Bản chất của đạo Phật vốn thoát ly ra khỏi tử sinh, bằng vào phương cách nào để được thoát ly ra khỏi chặng đường ấy?
- Huệ Năng trả lời: “Sao chẳng thể nhập cái lý “vô sanh” thấu rõ cái nghĩa “không chóng”.”
Huệ Năng đã dùng đòn thí mạng ban đầu để quật ngã Huyền Giác và cũng là để trắc nghiệm vị đại đức lớn lối ngạo mạn nầy. Lối vấn đáp là thuật diệu dụng của Thiền Tông đến thời kỳ Huệ Năng đã triển khai và làm hưng thịnh kỹ thuật độc đáo nầy. Nó len lõi đi vào tâm thức của kẻ đối diện như con dao mà bên ngoài được bao bọc bằng nhung gấm, nếu không khéo sẽ bị chặt phăng ngay. “Thể” và “Thấu Rõ” mà Huệ Năng đưa ra chính là bổn thể của vô sanh diệt. Con người chỉ biết đắm chìm trong sự nắm bắt nên luôn đau khổ, một khi dừng lại và quán chiếu thẳng vào thể tánh của sự sanh diệt thì nó tan loãng và tiêu hủy ngay. Sự hợp tan ấy tạo cho con người những ảo tưởng về sự tồn tại và diệt vong, nhưng nếu một khi nó đã không gây được sự tác động ở nội tại thì chính nó sẽ hủy diệt. Như vậy không sanh được xuất hiện với điều kiện không thấy có sự sanh diệt theo quan niệm nắm bắt, mất mát. Một khi đã không sanh thì làm gì thấu rõ cái nghĩa của không chóng.Điều này được dựng lên bởi sự đi qua nhanh chóng của kiếp người, lúc ẩn, lúc hiện, mới đó đã bị vô thường cuốn mất, nhưng nếu con người vốn không đến thì lấy gì đi nhanh chóng? Huyền Giác đã thể nhập trọn vẹn yếu nghĩa này và nhận chân ra được cội nguồn của nó nên Huyền Giác đáp: “Thể tức “vô sanh” thấu vốn “không chóng”.”
- Huệ Năng nói: “Đúng vậy !Đúng vậy !”
- Huyền Giác bèn dùng hết oai nghi mà vái lạy, giây lát xin cáo về.
- Nhưng Huệ Năng vẫn chưa buông tha bèn bồi thêm đòn nữa: “Về chóng thế sao?”
Đòn này nguy hiểm hơn câu nói khi trước nhiều, trước đó Huệ Năng chỉ muốn thử xem Huyền Giác đã vào đạo chưa.Còn câu hỏi nầy Huệ Năng đã biết rõ Huyền Giác thật sự bước vào cổng của ngôi nhà.Và cũng để kiểm chứng lại sở đắc của Huyền Giác.
- Nhưng với nội công sẵn có, Huyền Giác đáp: “Vốn mình chẳng phải động há có mau chóng sao?”
Bởi lẽ Huyền Giác chưa một lần đi thì lấy gì mà động và chưa một lần đến thì lấy gì về chóng hay chầy.Nhưng Huệ Năng đâu có dễ dàng buông tha Huyền Giác như vậy.
- “Ai biết chẳng phải động ?”
- Huyền Giác vẫn lầm lì đem cả tuyệt chiêu mà mình đã đạt được bèn đáp: “Đúng là tại nhân giả sanh tâm phân biệt.”
Lối “cơ phong vấn đáp” thừa dịp là tặng cho nhau những nhát kiếm để thử sức nhau.Nhát kiếm này chỉ thẳng vào tâm điểm của giác ngộ. Nhưng Huệ Năng vẫn tự tại dùng nhát kiếm đẩy thẳng vào Huyền Giác một chiêu nữa:
- “Ông đã thấu cái ý vô sanh ?”
Huyền Giác lanh trí đỡ ngay:“Vô sanh há có ý sao?”
- Huệ Năng vặn ngay: “Không có ý thì ai phân biệt đây ?”
- Huyền Giác đáp:“Phân biệt cũng chẳng phải là ý.”
- Huệ Năng bảo: “Tốt lắm !Hay nán lại một đêm.”
Nhân đó người sau gọi là “đêm giác ngộ” tuyệt vời.
Một nhân vật quan trọng nữa trong cuộc đời của Huệ Năng đó là Thần Hội.
Thần Hội người đã mang tất cả những âm vang cao vút của Huệ Năng tống thẳng vào kinh đô và quần chúng Trung Quốc. Khi Huệ Năng lánh nạn và sau này truyền bá Đông Sơn Pháp Môn chỉ trong phạm vi biên cương Việt Nam và Trung Quốc, nên triều đình và phần lớn nhân dân Trung Quốc không được biết đến. Trong khoảng thời gian nầy, Thần Tú đang được trọng vọng ở triều đình, mọi người cứ nghĩ Thần Tú là người kế thừa tâm ấn của Ngũ Tổ. Nhưng nếu không nhờ Thần Hội đem những sở đắc của mình từ nơi Huệ Năng và dùng trí tuệ Bát Nhã quét sạch hệ phái Lăng Già của Thần Tú thì Huệ Năng sẽ không được triều đình Trung Quốc biết đến. Và cũng chính nhờ Thần Hội khôi phục lại danh vị Lục Tổ cho Huệ Năng bằng phương pháp Đốn Giáo đẩy lùi Tiệm Giáo của Thần Tú do Phổ Tịch đệ tử của Thần Tú (lúc này cả hai vị Huệ Năng và Thần Tú đã viên tịch) phát huy. Những lời thuyết pháp của Thần Hội mạnh như vũ bão quét sạch những tông phái Thiền lúc bấy giờ và lấy lại ngôi vị Lục Tổ cho Huệ Năng vào năm 732.
Năm mười ba tuổi Thần Hội tìm đến Huệ Năng ở núi Tào Khê bái lạy và hỏi:
- “Hòa thượng lúc ngồi thiền thấy hay không thấy ?”
Huệ Năng đứng dậy đánh Thần Hội ba cái và hỏi:
“Nầy Thần Hội lúc tôi đánh ông đau hay không đau?”
- Thần Hội trả lời: “Vừa đau vừa không đau.”
- Lục Tổ nói: “Tôi cũng vừa thấy vừa không thấy.”
Thần Hội lại hỏi: “Bạch Đại Sư, tại sao vừa thấy vừa không thấy ?”
- Lục Tổ đáp: “Tôi thấy nghĩa là thường thấy lỗi lầm của mình cho nên bảo là thấy, còn không thấy nghĩa là không thấy lỗi lầm của người khác. Cho nên tôi vừa thấy, vừa không thấy. Còn ông tại sao vừa đau vừa không đau ?”
Thần Hội thưa rằng: “Nếu không đau thì đệ tử đâm ra giống cây đá vô tình. Nếu đau thì đệ tử tức đồng với phàm phu, khởi lòng oán hận.”
Lục Tổ nói: “Nầy Thần Hội, cái thấy với không thấy vừa rồi là hai biên kiến, đau với không đau là sinh diệt. Ông ngay cả tự tánh còn chưa thấy đòi dám đến đây bởn người.”
Thần Hội bái lạy không nói gì nữa. Dù rằng Thần Hội chưa thấy tự tánh mình nhưng với khẩu khí của chú bé mới mười ba tuổi quả thật đáng được tán dương. Và sau đó trở thành môn nhân của Lục Tổ để rồi mang cả tinh túy Bát Nhã mà Tổ đã truyền thừa, gây chấn động kinh thành Trung Quốc, làm rung chuyển lay động tận gốc rễ những hệ phái Thiền bấy giờ. Công ơn Thần Hội quả vĩ đại vậy.
IV.ẢNH HƯỞNG HUỆ NĂNG ĐỐI VỚI NHÂN LOẠI TRONG HIỆN TẠI:
Mười mấy thế kỷ trôi qua nhưng pháp âm của Huệ Năng vẫn còn bàng bạc và ngự trị trong tận cùng tâm thức. Pháp âm ấy tựa như dòng nước trong mát giúp cho người đi trong sa mạc tìm được niềm vui khôn tả. Những lời pháp vi diệu vẫn âm thầm len lỏi trong thời gian, không gian vô cùng, tạo nên một nền đạo lý chính thống, ấp ủ, vỗ về, và nuôi sống con người mười mấy thế kỷ nay, không những ở Việt Nam, Á Đông mà lan tràn trên thế giới. Nếu không có Huệ Năng thì sẽ không bao giờ có cái gọi là đạo Thiền tuyệt diệu cả. Thiền đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến những văn hóa nghệ thuật mà nhân loại đang nghiên cứu như là một con đường cần thiết phải trở về, để khơi dậy nguồn sống tâm linh. Vì nếu chạy theo những xô bồ, những văn minh vật chất hiện tại, chỉ vô tình đẩy lui con người mỗi ngày rơi vào khủng hoảng tiêu diệt hơn. “Thiền đã ảnh hưởng thế nào đến học thuật văn hóa tây phương ở thế kỷ XX nầy thì mọi người đều biết.Thiền đã tác động đến cả một nền văn chương hoa Kỳ ở hạ bán thế kỷ XX nầy. Không kể văn hào Henry Miller đã đi trước trong việc lãnh hội Thiền từ những năm 1932-1934 mà chỉ cần kể những tên tuổi nổi tiếng khắp thế giới của thế hệ văn, thi sĩ Hoa Kỳ như: J.D.Salinger, William Burroughs, Jack Kerouac, Allen Ginsherg, và nhất là đại thi sĩ Gary Shyder người mở đầu khai thị Thiền Tông cho cả một thế hệ và nhiều thế hệ văn thi sĩ Hoa Kỳ.”
Ảnhhưởng của Huệ Năngđi vào tâm thức con người không qua cửa ngõ suy luận, mà đi vào một cách nhẹ nhàng, khi cảm nhận được sự biến dịch không tồn của sự vật. Con đường đi đến giác ngộ xa thăm thẳm nếu không nhờ vào cửa ngõ đi thẳng (đốn giáo) của Huệ Năng thì khó mà tới đích nhanh. Niềm cô đơn cuối cùng của Huệ Năng là cho đến bây giờ có một vài tư liệu cho rằng ngài là người Việt Nam chứ không phải là người Trung Hoa như từ trước chúng ta đã quan niệm. Huệ Năng giác ngộ trong cô đơn không có sự truyền thừa của sư phụ, và đã âm thầm ra đi trong cô đơn khi được trao y bát, và mười sáu năm trường cô đơn lánh nạn. Cho đến bây giờ niềm cô đơn khủng khiếp nhất là chưa được xác định rõ rệt quốc gia đã sản sinh ra ngài. Đối với chúng ta dù ngài được sinh ra từ một quốc gia nào cũng không quan trọng. Điều quan trọng nhất ảnh hưởng của ngài đối với nhân loại và chúng ta như thế nào ? Nếu trong mỗi chúng ta thực hành lời dạy của ngài để được giác ngộ, thì cá nhân ấy là quốc độ của ngài, dù người này là Mỹ, Đại Hàn, hay Trung Hoa, Việt Nam v.v…
Chỉ có điều nầy mới thể hiện được tinh thần phụng trì và làm sáng lại những di huấn tối hậu mà ngài trao truyền cho chúng ta.
Sự cô đơn mà Huệ Năng trải qua để bây giờ được bù đắp là cả thế giới quỳ xuống tôn sùng một bậc vĩ nhân siêu phàm nhất trong lịch sử Thiền Tông, đưa con người tìm đến giác ngộ bằng con đường đi thẳng không quanh co tốn thời gian. Chặng đường ấy Huệ Năng khơi dậy ở Tào Khê mà bây giờ vẫn vang vọng đâu đây, pháp âm đó vẫn ngự trị trong vô cùng mênh mang của đất trời, của sự sống chết mà con người đang trực diện băn khoăn. Làm sao tung mình ra khỏi sự cô đơn và nếu có cô đơn thì cũng cô đơn như Huệ Năng đã từng cô đơn…