SA DI LUẬT NGHI
YẾU LƯỢC THƯỢNG HẠ
Đệ-Tử, Bồ-Tát-giới, chùa Vân-Thê Sa-Môn Châu-Hoằng biên-tập.
Thích Tâm Châu dịch chữ Hán ra chữ Việt
THIÊN TRÊN: CỬA GIỚI-LUẬT
Phật dạy người xuất-gia, năm Hạ trở về trước chuyên-tinh về giới-luật, năm Hạ trở về sau, mới cho nghe giảng về giáo-lý và tham thiền.
Thế nên, vị Sa-Di cạo tóc rồi, trước phải thụ mười giới, sau mới đến giới-đàn thụ giới Cụ-Túc. Nay được tên Sa-Di, chính do ở chỗ thụ giới. Thế mà, người ngu mờ vậy không biết, người dại khinh mà chẳng học, lại toan vượt bực, ý muốn cao xa, cũng đáng thương xót!
Nhân đem mười giới, lược-giải vài lời, để cho người mới học, biết phương-hướng tới. Người hảo tâm xuất-gia, dốc chí vâng làm, cẩn-thận, chớ có trái phạm.
Như thế, sau
này, gần thì làm thềm bực cho giới Tỳ-Khưu, mà xa thì làm cội gốc cho giới
Bồ-Tát.
Nhân giới sinh
định, nhân định phát tuệ, ngỏ hầu thành-tựu Thánh-đạo, chẳng uổng chí người
xuất-gia vậy!
Nếu ai muốn xem rộng hơn, tự mình nên xem trọn bộ Luật-tạng.
Mười giới sau đây, rút trong kinh Sa-Di Thập-Giới. Đức Phật sai Tôn-Giả Xá-Lỵ-Phất truyền-trao cho ông La-Hầu-La.
GIỚI THỨ NHẤT: KHÔNG SÁT SINH
Trên từ chư Phật, Thánh-nhân, sư, tăng, cha mẹ và dưới cho đến các loài: bò, bay, cựa-quậy... côn-trùng nhỏ-nhặt, phàm các loài có tính-mạng không nên cố ý giết. Hoặc mình giết, hoặc xúi người giết, hoặc thấy người khác giết tùy-hỷ, trong kinh nói rằng: “Ai phạm giới này chẳng phải là Sa-Di vậy.” (Trong kinh, luật nói rộng-rãi vì văn nhiều, nên không chép ra đây).
Trong kinh chép: “Tháng mùa Đông hay sinh ra loài rận, nếu áo có rận, bắt bỏ vào ống và lấy bông gòn cho vào cho nó ấm, rồi cạo những cấu nhơ trong mình, bò vào cho nó ăn. Với tâm từ, còn sợ chúng đói, lạnh mà chết, huống là còn dám giết chúng!
Cho đến, những việc như lọc nước, che đèn, không nuôi các loài mèo, chồn v.v.. đều là đạo từ-bi của đức Phật. Loài nhỏ còn không nuôi, loài lớn chúng ta hẳn biết rõ ý vậy!
Hạnh từ-bi như thế, mà người đời nay không làm được, còn thêm sự giết hại, nên chăng?
Trong kinh Sa-Di Thập-Giới có nói: “Thi ân tế phạp, sử kỳ đắc an” nghĩa là, ra ân cứu giúp lúc người bị thiếu ngặt, khiến cho họ được yên vậy, nếu thấy kẻ khác giết-hại, nên khởi tâm từ.
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!
GIỚI THỨ HAI: KHÔNG TRỘM CẮP
Giải rằng: Những vật quý trọng như vàng, bạc cho đến vật nhỏ như cây kim, ngọn cỏ, người ta không cho thì không được lấy.
Hoặc của thường-trụ, hoặc của tín-thí, hoặc của chúng-tăng, hoặc của nhà nước, hoặc của dân, hoặc của tất cả; hoặc cướp ngang mà lấy, hoặc ăn cắp, hoặc dối gạt mà lấy..., cho đến việc trốn thuế, dối đò v.v.., đều là thái-độ gian-trộm!
Trong kinh chép: “Một Sa-Di trộm của thường-trụ bảy trái cây, một Sa-Di thứ hai trộm của chúng-tăng vài cái bánh, một Sa-Di thứ ba trộm của chúng-tăng một chút đường phèn, cả ba Sa-Di này, khi chết phải đọa vào địa-ngục.”
Vì vậy, trong kinh có nói: “Thà chịu chặt tay chứ không lấy của phi-tài.”
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!
GIỚI THỨ BA: KHÔNG DÂM DỤC
Giải rằng: người tại-gia giữ năm giới, chỉ cấm tà-dâm. Người xuất-gia thụ mười giới, đoạn hẳn dâm-dục.
Hễ can-phạm tất cả nam, nữ trong thế-gian, đều là phá giới.
Kinh Lăng-Nghiêm chép: “Tỳ-Khưu-Ni Bảo-Liên-Hương, riêng làm việc dâm-dục và tự nói rằng: dâm-dục không phải như sát-sinh, như ăn trộm, không có tội báo, liền cảm thấy trong thân sức nóng phát ra mãnh-liệt và sinh-thân ấy phải đọa vào địa-ngục.”
Người đời vì dâm-dục, thân mất, nhà tan. Người xuất-gia, ra khỏi nhà thế-tục làm vị Tăng, há lại vi-phạm!
“Căn-bản sinh-tử, dâm-dục là thứ nhất.”
Trong kinh nói: “Dâm-dật mà sống, chẳng bằng trinh-khiết mà chết.”
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!
GIỚI THỨ TƯ: KHÔNG NÓI DỐI
Giải rằng: Nói dối có bốn loại:
Một là, Vọng-Ngôn: Nghĩa là, lấy phải làm trái, lấy trái làm phải; thấy nói là chẳng thấy, chẳng thấy nói là thấy, nói những lời dối-trá chẳng thực v.v ...
Hai là, Ỷ-Ngữ: Nghĩa là, những lời nói thêu-dệt trau-chuốt, khúc hát hay, lời tình-tứ, khơi lòng dục, thêm sự bi-cảm, làm xiêu tâm-chí người ta.
Ba là, Ác-Khẩu: Nghĩa là lời nói thô-ác, mắng nhiếc người ta v.v..
Bốn là, Lưỡng-Thiệt: Nghĩa là nói lưỡi đôi chiều, hướng người này nói người kia, tới người kia nói người này, ly-gián ân-nghĩa, xúi giục đấu-tranh v.v... Cho đến, trước khen, sau chê, trước mặt phải, sau lưng trái. Chứng ghép tội cho người và vạch bày cái xấu của người.
Như trên, đều thuộc loại vọng-ngữ.
Nếu kẻ phàm-phu tự nói mình đã chứng được quả Thánh, như nói: “Mình được quả Tu-Đà-Hoàn, quả Tư-Đà-Hàm v.v...” gọi là đại-vọng-ngữ, tội ấy rất nặng.
Còn vọng-ngữ vì cứu người cấp-nạn, phương-tiện quyền biến khéo-léo, từ-bi giúp ích cho người, thì không phạm.
Cổ-nhân nói:
“Điều cốt-yếu để lập công-hạnh cho mình, trước tiên là không được vọng-ngữ”.
Người đời còn thế, huống là người học đạo xuất-thế!
Trong kinh chép:
“Một Sa-Di khinh cười một vị Tỳ-Khưu già đọc kinh, tiếng như chó sủa mà vị
Tỳ-Khưu già ấy đã là bực A-La-Hán. Nhân ấy vị Tỳ-Khưu già dạy cho vị Sa-Di kia
biết, nên gấp sám-hối, hầu khỏi đọa vào địa-ngục, nhưng vẫn phải làm thân chó.”
Một lời nói ác, bị hại đến thế! Vì vậy trong kinh nói: “Ôi, người ta ở đời, búa
ở trong miệng. Sở dĩ, thân mình bị chém, là do lời nói ác” .
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!
GIỚI THỨ NĂM: KHÔNG UỐNG RƯỢU
Giải rằng: Uống rượu là uống những thứ gì có chất rượu, có thể làm say người ta. Nước Tây-Vực xưa có nhiều loại rượu. Có những loại, lấy cây mía, trái nho, các thứ hoa mà làm ra rượu. Và, Trung-Hoa lấy gạo làm ra rượu, cũng đều không nên uống.
Trừ khi có bịnh nặng, nếu không có rượu, không sao chữa khỏi được, nên bạch cho chúng biết, rồi sau mới uống. Vô cố, một giọt cũng không được thấm vào môi.
Cho đến, không được ngửi rượu, không được dừng ở nhà làm rượu và, không được lấy rượu cho người uống.
Ông Nghi-Địch làm rượu rất ngon, vua Vũ-Đế nhà Hạ uống biết, nhưng nhân đó liền cấm dứt.
Vua Trụ nhà Ân, làm ao đổ rượu, nước phải diệt vong!
Làm vị Tăng mà uống rượu, đáng hổ-thẹn lắm!
Xưa kia có một ông Ưu-Bà-Tắc-giới, nhân vì phá giới rượu mà các giới liền bị phá. Trong 36 lỗi, chỉ một lần uống rượu liền phạm hết. Như vậy, lỗi chẳng phải nhỏ!
Những người ham uống rượu, chết phải đọa vào trong địa-ngục Phí-Thỉ (phân sôi), đời đời ngu-si, mất giống trí-tuệ.
Rượu là thứ thuốc dại mê-hồn, tệ hơn vị tỳ-chậm. Cho nên trong kinh Thập-Giới nói rằng: “Thà uống nước đồng sôi, đừng nên phạm vào rượu”.
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!
GIỚI THỨ
SÁU:
KHÔNG ĐEO TRÀNG
HOA HƯƠNG,
KHÔNG THOA
HƯƠNG VÀO MÌNH.
Giải rằng: Tràng hoa là một vật phẩm, người Tây-Vực (Ấn-Độ) lấy hoa xâu làm tràng, để trang sức trên đầu. Như người Trung-Hoa, lấy các loại nhung, lụa, vàng, ngọc, châu báu chế làm khăn, mũ v.v... vậy.
Thoa hương vào mình, như những người sang bên Tây-Vực lấy các thứ danh-hương nghiền làm bột và bảo kẻ thanh-y thoa vào mình. Tại Trung-Hoa có những thứ như đeo hương, xông hương và các thứ son phấn v.v...
Người xuất-gia há nên dùng những thứ ấy!
Đức Phật chế ra ba y, toàn dùng bằng vải gai, to, thưa. Những thứ bằng lông thú, miệng con tằm hại vật, tổn lòng từ, chẳng phải các thứ người xuất-gia nên dùng.
Trừ khi người nào tuổi đến bảy mươi, già yếu quá, không có vải lụa thì không ấm, nên có thể mặc được. Những người khác thì không được.
Vua Vũ nhà Hạ mặc áo xấu, ông Công-Tôn nhà Hán đắp mền vải. Vua, quan là hàng sang-trọng, đáng sắm mà còn không sắm, há là người tu mong đắc đạo lại trở lại tham đồ mặc hoa-mỹ ư? Y-phục hoại sắc, áo phấn-tảo che thân-hình, mới hợp với người xuất-gia vậy.
Xưa kia có vị Cao-Tăng( tức là Huệ-Hưu Pháp-Sư, đời Đường) ba mươi năm mang một đôi giầy, há là kẻ phàm vậy ư?
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!
GIỚI THỨ
BẢY:
KHÔNG CA, VŨ,
XƯỚNG KỸ, KHÔNG ĐI XEM, NGHE
Giải rằng: “Ca” là miệng hát ra những bài hát. “Vũ” là thân làm trò múa giởn. “Xướng kỹ” là những loại đàn cầm, đàn sắt, ống tiêu, ống quản v.v...
Không được tự mình làm, không được khi người khác làm, cố ý đến xem, nghe.
Xưa kia có ông Tiên, nhân nghe các cô gái hát giọng tiếng vi-diệu, liền mất thần-túc-thông. Xem, nghe còn hại như thế, huống là mình tự làm ư?
Người ngu-mê đời nay nghe trong kinh Pháp-Hoa có câu: “Tỳ-bà nạo-bạt” liền tha-hồ đi học âm-nhạc. Song, trong khinh Pháp-Hoa nói về âm-nhạc, là để cúng-dường chư Phật, không phải là để vui cho mình!
Những tự-viện ứng-hợp với việc làm đạo-tràng pháp-sự cho nhân-gian, còn có thể làm được. Nay vì đường sinh-tử, bỏ tục, xuất-gia, há lại không tu việc chính, mà lại đi cầu học nghề âm-nhạc cho giỏi sao?
Cho đến đánh cờ vây (vi-cơ), cờ lục-bác, ném xúc-xắc (đầu-trịch), đánh bạc (su-bồ) các việc, đều loạn đạo-tâm tăng thêm lỗi xấu.
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!
GIỚI THỨ
TÁM:
KHÔNG NGỒI
GIƯỜNG CAO, RỘNG, LỚN
Giải rằng: Đức Phật chế giường cây, cao không quá tám ngón tay đức Như-Lai. Quá kích-thước đó thời phạm.
Cho đến các thứ
giường sơn vẽ, chạm trổ và các thứ màn nệm bằng tơ lụa cũng không nên dùng.
Người xưa dùng cỏ
làm tòa ngồi, đêm thì nằm ngủ dưới gốc cây. Nay ta có giường chõng cũng đã hơn
xưa rồi, sao còn muốn giường cao, rộng chỉ làm buông-lung cho tấm thân giả-dối!
Ngài Hiếp-Tôn-Giả, suốt đời, lưng chẳng đặt xuống chiếu. Ngài Cao-Phong-Diệu Thiền-Sư lập nguyện đứng ba năm, không bén tới giường chõng. Ngài Ngộ-Đạt Quốc-Sư đời Đường, nhân ngồi lên tòa trầm-hương giảng pháp, còn bị tổn phước mà mắc quả báo.
Than ôi, có thể mà chẳng răn được ư!
GIỚI THỨ CHÍN: KHÔNG ĂN PHI THỜI
Giải rằng: Phi thời là quá giờ Ngọ, không phải thời-phận của chư Tăng ăn. Chư Thiên ăn sớm mai. Chư Phật ăn giờ Ngọ. Loài quỷ ăn tối. Chúng-Tăng nên học Phật, không ăn quá giờ Ngọ.
Loài Ngã-Quỷ nghe tiếng chén bát thời trong cổ họng bốc lửa. Vì vậy, ăn đúng giờ Ngọ, còn nên im-lặng, huống là ăn quá giờ Ngọ ư?
Xưa kia có vị Cao-Tăng (Pháp-Huệ Thiền-Sư) nghe vị Tăng ở căn phòng bên, sau giờ Ngọ, nổi lửa nấu ăn, bất giác, ngài sa nước mắt khóc, thương Phật-Pháp suy-tàn vậy!
Người đời nay, thân-thể suy-yếu, nhiều bịnh muốn ăn hoài hoài, hoặc không thể giữ được giới này, nên người xưa có nói bữa ăn chiều vì muốn chữa bịnh, cũng ví như “Dược-Thạch”. Tuy thế, phải biết, đó là trái lời Phật dạy sinh tâm rất thẹn-hổ và, phải nghĩ đến nỗi khổ của loài Ngã-Quỷ, thường làm việc thương xót cứu giúp, không ăn nhiều, không ăn ngon, ăn mà tâm-ý không yên, họa may mới có thể được! Và, nếu chẳng được như thế, mắc tội rất nặng!
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!
GIỚI THỨ
MƯỜI:
KHÔNG CẦM GIỮ
ĐỒ SINH, TƯỢNG, VÀNG, BẠC, CỦA BÁU
Giải rằng: “Sinh” là vàng thực. “Tượng” là tương-tự (gần giống như); tương-tự vàng là bạc. Nghĩa là: Vàng, bổn-chất của nó vàng, nay đem bạc nhuộm màu vàng, màu nó giống như vàng mà thôi!
Của Báu, đây là chỉ cho bảy thứ châu báu vậy.
Vì các thứ vàng, bạc, của báu trên đều thêm lớn lòng tham, hư hại đạo-nghiệp, nên đức Phật khi còn tại thế, chư Tăng đều đi khất-thực, không lập lò bếp; y-phục, phòng-thất, đều nhờ thí-chủ ủng-hộ. Đã nhờ ngoại duyên ủng-hộ, dù có cầm giữ vàng bạc, cũng thành vô-dụng. Cầm giữ còn cấm, thì biết được sự thanh-bạch như thế nào!
Ông Quản-Ninh và ông Hoa-Hâm đời nhà Hán cuốc đất được vàng, chẳng thèm lấy. Người thế-nho còn thế, người Thích-Tử xưng là nghèo, còn chứa của làm chi?
Người đời nay, đều chẳng hay làm hạnh khất-thực. Hoặc vào chốn tùng-lâm, hoặc ở nơi am-viện, hoặc đi phương xa, cũng không khỏi phải chi-phí đến tiền bạc. Tất nhiên vậy, nhưng nên biết đó là trái lời Phật dạy, sinh tâm rất hổ thẹn và, nên nghĩ đến sự nghèo thiếu của kẻ khác, mà thường làm việc bố-thí, Không lo tìm, không cất chứa, không buôn bán và, không dùng bảy báu, trang-nghiêm y-phục, khí cụ, các vật.. họa may còn có thể được!
Như hoặc chẳng được như vậy, mắc tội rất nặng!
Than ôi, có thể nào mà chẳng răn được ư!
CHÚ-THÍCH
1.Cụ-Túc: Tức là giới Tỳ-Khưu.
2.Năm Chúng Xuất-Gia: Tức là Sa-Di, Sa-Di-Ni, Thức-Xoa-Ma-Na, Tỳ-Khưu, Tỳ-Khưu-Ni.
3.Hạ: Người xuất-gia không lấy năm của đời làm tuổi. Mỗi năm có 3 tháng an-cư kết Hạ, các vị Tỳ-Khưu tinh-tiến tu-hành được viên-mãn cho tới ngày tự-tứ, được thêm một tuổi, gọi là tuổi Hạ (Hạ-lạp).
4.Ba mươi sáu lỗi: Nhân uống rượu mà phạm 36 lỗi. Kinh Thiện Ác Sở Khởi nói: 1/ Của cải hao mất. 2/ Hiện-tại nhiều tật-bịnh. 3/ Khi say đánh lộn với người. 4/ Thêm nhiều sự sát hại. 5/ Tăng thêm lòng giận-dữ. 6/ Nhiều việc không toại-ý. 7/ Trí-tuệ dần kém. 8/ Phúc-đức không thêm. 9/ Phúc-đức càng giảm. 10/ Tiết-lộ chuyện kín. 11/ Sự-nghiệp không thành. 12/ Thêm việc ưu-khổ. 13/ Các căn mê-muội. 14/ Nhơ-nhuốc cho cha mẹ. 15/ Không kính bậc Sa-Môn. 16/ Không tin người tu phạm-hạnh. 17/ Không kính Phật. 18/ Không kính Pháp và Tăng. 19/ Gần bạn ác. 20/ Xa bạn lành. 21/ Bỏ việc ăn uống. 22/ Thân-thể trần-truồng. 23/ Việc dâm-dục lẫy-lừng. 24/ Nhiều người không ưa. 25/ Nói cười lả-lướt. 26/ Cha mẹ không mừng. 27/ Bà con ghét bỏ. 28/ Hay làm việc phi-pháp. 29/ Xa-lìa chính-pháp. 30/ Không kính bậc hiền-thiện. 31/ Trái phạm nhiều tội-lỗi. 32/ Xa-lìa đạo Niết-Bàn. 33/ Điên-cuồng khất-khưởng. 34/ Tán-loạn thân tâm. 35/ Buông-lung tâm ác. 36/ Thân hoại, mệnh mất đọa vào địa-ngục lớn, chịu khổ khôn cùng.
5.Bảy thứ châu báu: Tức là vàng, bạc, lưu-ly, pha-lê, xà-cừ, san-hô, hổ-phách.