Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

061-090

08 Tháng Bảy 201200:00(Xem: 5011)
061-090

Đỗ Đình Đồng Góp Nhặt
DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
tức GÓP NHẶT CÁT ĐÁ
Hiệu Đính và Bổ Sung

61. ĐIỂM CÂN ĐỐI CHÍNH XÁC

 

Thiên Lợi Hưu (Sen no Rikyu), một bậc thầy của Trà thang (Cha no yu), muốn treo một giỏ hoa lên một cây cột. Ông yêu cầu một người thợ mộc giúp. Ông hướng dẫn người thợ mộc đặt giỏ hoa cao hơn một tí, thấp hơn một tí, sang phải một tí, sang trái một tí, cho đến khi ông tìm ra điểm chính xác. Cuối cùng Thiên Lợi Hưu nói: “Đúng là chỗ đó.”

Người thợ mộc muốn thử ông, đánh dấu điểm đó rồi giả vờ quên. “Chỗ này hả? Có lẽ chỗ này?” người thợ mộc tiếp tục hỏi, chỉ nhiều điểm khác nhau trên cây trụ.

Nhưng cảm quan của Thiên Lợi Hưu về sự cân đối chính xác đến nỗi không có điểm nào đúng cả cho đến khi người thợ mộc chỉ lại điểm cũ đã đánh dấu trên cột.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

62. ÔNG PHẬT MŨI ĐEN

 

Một ni cô cầu ngộ, đúc một tượng Phật và bọc tượng bằng vàng lá. Bất cứ đi đâu cô cũng mang tượng Phật vàng này theo.

Nhiều năm trôi qua, vẫn cứ mang tượng Phật của mình theo, cô ni đến sống trong một ngôi chùa nhỏ ở vùng quê. Trong chùa này có nhiều tượng Phật, mỗi tượng có một bàn thờ riêng biệt.

Cô ni muốn đốt nhang cho ông Phật vàng của mình. Không có ý thích hương nhang thơm bay lạc sang các ông Phật khác, cô bèn tạo một đường ngầm để khói nhang chỉ bay đến tượng Phật của cô thôi. Vì vậy khói nhang đã làm đen cái lỗ mũi ông Phật vàng, khiến nó xấu đi một cách đặc biệt.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

63. RYONEN

 

Ryonen là pháp danh của một ni cô sinh năm 1797. Cô là cháu nội của Shingen, chiến sĩ Nhật nổi tiếng. Với thiên tài thi ca và sắc đẹp quyến rũ của cô lúc mười bảy tuổi cô đã phục vụ hoàng hậu với tư cách một công nương của triều đình. Danh vọng đã chờ đón cô ngay lúc tuổi còn trẻ như thế.

Bỗng nhiên hoàng hậu yêu dấu của cô qua đời, những giấc mộng vàng của Ryonen vụt tan biến, cô trở nên ý thức chính xác về sự vô thường của cuộc đời trong thế gian này. Ấy chính là lúc cô muốn học Thiền.

Tuy nhiên thân nhân của cô không đồng ý, và thực tế đã bắt cô lấy chồng. Ryonen đã đồng ý khi có lời hứa rằng sau khi sinh được ba đứa con, cô sẽ đi tu. Cô đã làm xong điều kiện này trước khi cô hăm lăm tuổi. Lúc bấy giờ chồng và thân nhân không ai còn khuyên can cô đừng thực hiện ý muốn của cô. Cô cạo tóc và lấy tên là Ryonen có nghĩa là nhận thức rõ ràng và cô bắt đầu đi hành hương.

Cô đến thành phố Edo và xin Tetsugyu nhận cô làm đệ tử. Thoạt thấy cô, Tetsugyu đã từ chối ngay vì cô đẹp quá.

Rồi Ryonen lại đến một sư khác là Hakuo. Hakuo cũng từ chối cô cùng một lý do, nói rằng sắc đẹp của cô chỉ gây phiền phức.

Ryonen bèn lấy bàn ũi nóng đặt lên mặt. Chỉ vài phút sau, sắc đẹp của cô biến mất vĩnh viễn.

Rồi Hakuo nhận cô làm đệ tử.

Để kỷ niệm giây phút ấy, Lương viết một bài thơ lên phía sau một cái gương soi nhỏ:

Bên hoàng hậu khi xưa ta đã đốt

Nén hương thơm xông áo đẹp tuyệt vời.

Giờ làm khất sĩ không nhà, ta lại đốt

Vẻ mặt này vào Thiền viện để tu.

 

 Khi sắp từ giả thế giới này, Ryonen lại viết một bài thơ khác:

 Sáu mươi sáu lần thu đã đi qua

 Cảnh thu thay đổi mắt ta đã nhìn.

 Ánh trăng ta nói đủ rồi,

 Xin đừng hỏi nữa, hãy ngồi lắng nghe

 Tiếng tùng bách khi không gió lộng.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

64. DIỆU NHÂN

 

Ni sư Diệu Nhân, tên thế tục là Ngọc Kiều, là con gái của Phụng Loát Vương. Lúc còn nhỏ, bà được vua Lê Thánh Tông nuôi trong hoàng cung. Lớn lên gả cho nhà họ Lê. Khi chồng mất, bà không tái giá. Một hôm bà than:

- Ta xem tất cả pháp trong thế gian như giấc mộng, huyễn ảo, huống là các thứ phù vinh mà đáng trông cậy sao?

Rồi bà đem tất cả tư trang ra bố thí, cạo tóc xuất gia. Sau khi đắc pháp với Thiền sư Chân Không, bà làm trụ trì Ni Viện Hương Hải ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du Bắc Việt.

Có người đến cầu học, ni sư dạy:

- Chỉ tánh mình trở về nguồn, nhanh chậm liền tùy đó mà vào.

Thường ngày, ni sư chỉ thích ngồi lặng lẽ, có bệnh kỵ âm thanh và màu sắc. Có người học hỏi:

- Tất cả chúng sanh bệnh nên ta bệnh, tại sao lại kỵ thanh sắc?

Ni sư dùng mấy câu kinh Kim Cang trả lời:

 Nếu dùng sắc thấy ta,

 Dùng âm thanh tìm ta,

 Người ấy hành tà đạo,

 Không thể thấy Như Lai .

 - Tại sao ngồi yên ?

 - Xưa nay không đi .

 - Thế nào chẳng nói ?

 - Đạo vốn không lời .

 Một hôm (vào năm 1113), ni sư có bệnh, nói kệ dạy chúng:

 Sanh già bệnh chết

 Xưa nay lẽ thường.

 Muốn cầu thoát ra

 Mở trói thêm ràng.

 Mê đó tìm Phật

 Lầm đó cầu Thiền.

 Thiền, Phật chẳng cầu,

 Uổng miệng không lời .

 

 Nói kệ xong, ni sư cạo tóc, tắm rửa, ngồi kiết già viên tịch.

 (Thiền Sư Việt Nam)

 

 

 

 

65. VỊ TƯƠNG CHUA

 

Dairyo là vị tăng đầu bếp ở chùa của Thiền sư Bàn

Khuê. Dairyo quyết định rằng mình phải chăm sóc tốt sức khỏe cho vị lão sư của mình và chỉ cho lão sư ăn vị tương (tương đậu nành trộn với bột lúa mì và men) tươi thôi. Bàn Khuê để ý thấy mình được ăn thứ vị tương ngon hơn các đệ tử, liền hỏi: “Hôm nay ai là người nấu ăn?”

Dairyo được gọi đến. Bàn Khuê biết rằng theo tuổi tác và địa vị của mình chỉ nên ăn vị tương tươi. Vì vậy sư nói với ông tăng điển tọa: “Rồi anh xem tôi sẽ không ăn gì cả.” Nói xong câu ấy, sư vào phòng đóng cửa lại.

Dairyo ngồi ngoài cửa xin sư thứ lỗi. Bàn Khuê không trả lời. Dairyo ngồi ngoài cửa và Bàn Khuê ở trong phòng, cứ như thế bảy ngày.

Cuối cùnghy vọng, một đệ tử khác gọi lớn với Bàn Khuê: “Được rồi, ông có thể đúng đó, ông thầy già ơi, nhưng gã đệ tử trẻ này phải ăn. Y không thể nhịn đói mãi được!”

Vì thế Bàn Khuê mở cửa. Sư mỉm cười, bảo Dairyo: “Tôi nhất định ít ra cũng ăn các món y như các đệ tử của tôi. Tôi không muốn anh quên điều này khi anh làm thầy.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

66. ÁNH SÁNG CÓ THỂ BIẾN MẤT

 

Một môn sinh tông Thiên Thai, một trường phái triết học Phật giáo, đến viếng Thiền viện của Nga Sơn, với tư cách một một đệ tử. Vài năm sau khi người ấy ra đi, Nga Sơn cảnh cáo: “Học đạo bằng cách suy luận cũng có ích như góp nhặt những điều rao giảng. Nhưng hãy nhớ rằng trừ phi anh thiền định không ngừng, ánh sáng đạo của anh có thể biến mất.”

 

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

67. NGƯỜI CHO PHẢI CẢM ƠN

 

Trong lúc Seisetsu là trụ trì của chùa Viên Giác thời Kiêm Thương, sư cần có những phòng ốc rộng rãi hơn, các phòng sư đang giảng dạy đều quá đông. Umezu Seibei, một thương gia ở Edo, quyết định cúng năm trăm lạng vàng để xây cất những phòng ốc rộng rãi hơn cho trường. Thương gia mang số tiền này đến sư.

Seisetsu nói: “Được rồi, tôi sẽ nhận.”

Umezu đưa túi vàng cho Seisetsu, nhưng ông ta không hài lòngthái độ của sư . Với ba trăm lạng, người ta có thể sống cả năm, và bây giờ đến năm trăm lạng mà người thương gia cũng không được một tiếng cảm ơn.

“Trong cái túi đó là năm trăm lạng,” Umezu ngầm gợi ý.

“Cái đó ông đã nói với tôi rồi,” Seisetsu đáp.

“Dù cho tôi là một thương gia giàu có, nhưng năm trăm lạng là một món tiền lớn,” Umezu nói.

“Ông muốn tôi cảm ơn ông,” Seisetsu hỏi.

“Nên như vậy,” Umezu đáp.

 “Tại sao lại là tôi?” Seisetsu hỏi. “Người cho phải cảm ơn chứ.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

68. DI CHÚC VÀ ƯÓC MONG

 

Nhất Hưu (Ikkyu), Thiền sư nổi tiếng thời Ashikaga, là con của thiên hoàng. Khi sư còn rất trẻ, mẹ sư đã bỏ hoàng cung đến chùa để học Thiền. Do đó hoàng tử Nhất Hưu cũng trở thành đệ tử. Khi mẹ sư qua đời để lại cho sư một lá thư, viết: 

 

Gửi Nhất Hưu:

Mẹ đã làm xong việc làm trong đời của mẹ và bây giờ mẹ đang trở về với Thường Hằng. Mẹ muốn con trở thành một đệ tử giỏi và nhận ra Phật tánh của mình. Con muốn biết mẹ có ở địa ngục hay là mẹ luôn luôn bên cạnh con hay không.

Nếu con trở thành người nhận ra rằng Phật và Bồ-đề-đạt-ma là những kẻ phục vụ cho con, con có thể bỏ học và làm việc cho thế nhân. Đức Phật đã thuyết pháp bốn mươi chín năm và trong trọn thời gian đó thấy rằng nhất thiết không có nói lời nào. Con nên biết tại sao. Nhưng nếu con không và chưa muốn biết, hãy tránh suy nghĩ vô ích.

 

 Mẹ của con,

 Không sinh không chết.

 Mồng một tháng Chín.

 

T.B.: Mục đích chính của lời Phật dạygiác ngộ chúng sinh. Nếu con lệ thuộc bất cứ pháp môn nào, con chỉ là một côn trùng vô tri. Kinh sách Phật giáo có đến tám chục ngàn quyển, nếu con đọc hết mà vẫn không thấy bản tánh mình, thì ngay cả lá thư này con cũng chẳng hiểu được. Đây là di

 

chúc và ước mong của mẹ.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

69. TRÀ SƯ VÀ KẺ ÁM SÁT

 

Taiko, một chiến sĩ Nhật sống trước thời Đức Xuyên, học Trà thang (Cha no yu) với Thiên Lợi Hưu (Sen no Rikyu), một bậc thầy trong nghệ thuật diễn đạt tịch tĩnh và hài hòa.

Kato, chiến sĩ thị vệ của Taiko, cho rằng nhiệt tâm dành cho trà đạo của kẻ bề trên mình là chểnh mảng chuyện quốc gia, nên anh ta quyết định giết Thiên Lợi Hưu. Anh ta giả vờ viếng xã giao trà sư và được mời uống trà.

Trà sư là người thiện xảo trong nghệ thuật, thoáng nhìn thấy chiến sĩ là biết ngay ý định của anh ta, vì thế liền mời Kato bỏ kiếm bên ngoài trước khi vào phòng trà, giải thích rằng trà đạo tượng trưng cho hòa bình.

Kato không nghe, nói: “Tôi là chiến sĩ, tôi phải luôn luôn có kiếm. Trà thang hay không trà thang, tôi phải có kiếm.”

“Tốt lắm. Hãy mang kiếm anh vào uống chút trà,” Thiên Lợi Hưu bằng lòng. 

Chiếc ấm đang sôi trên lò than hồng. Bỗng nhiên Thiên Lợi Hưu lật nhào nó xuống. Hơi nước sôi phụt lên, khói và tro tràn ngập cả phòng. Chiến sĩ giật mình chạy ra ngoài.

Trà sư xin lỗi. “Ấy là lỗi của tôi. Hãy trở lại uống chút trà. Kiếm của anh tôi đang cầm đây, bị dính đầy tro, tôi sẽ lau sạch và trả lại anh.”

Trong tình trạng này chiến sĩ nhận thấy rằng thật

 

 không thể giết được trà sư nên anh ta bỏ ý định.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

70. CHÁNH ĐẠO

 

Ngay trước khi Ninakawa qua đời thì Thiền sư Nhất Hưu đến viếng. “Tôi độ ông nhé?” Nhất Hưu hỏi.

Ninakawa đáp: “Tôi đến một mình và đi một mình. Ông độ tôi thế nào?”

Nhất Hưu trả lời: “Nếu ông nghĩ thực có đến và đi. Đó là mê hoặc. Để tôi chỉ ông con đường không đến cũng không đi.”

Với những lời này Nhất Hưu đã vén mở con đường rõ ràng đến nỗi Ninakawa mỉm cười ra đi.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

71. CỬA THIÊN ĐÀNG

 

Một người lính tên là Nobushige đến hỏi Thiền dư Bạch Ẩn: “Thiên đàng và địa ngục có thực chăng?”

Bạch Ẩn hỏi lại: “Anh là ai?”

Chiến sĩ đáp: “Tôi là một samurai.”

“Anh mà là chiến sĩ! Quan chúa nào thuê anh làm thị vệ? Mặt anh trông giống kẻ ăn mày.”

Nobushighe nổi giận và bắt đầu rút kiếm, nhưng Bạch Ẩn vẫn nói tiếp: “Hóa ra anh cũng có kiếm đấy! Có lẽ kiếm anh quá cùn không thể chém đầu tôi được.”

Ngay khi Nobushige rút kiếm khỏi vỏ, Bạch Ẩn nói: “Cửa địa ngục mở ra ở đây!”

Nhân đó người chiến sĩ nhận thức được lời thầy dạy, đút kiếm vào vỏ và lễ bái.

Bạch Ẩn nói: “Cửa thiên đàng mở ra ở đây.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

72. BẮT ÔNG PHẬT ĐÁ

 

Một thương nhân vác năm chục cuộn vải, vì trời nóng, dừng lại nghỉ dưới bóng mát của một tượng Phật lớn bằng đá. Anh ta chợt ngủ quên ở đó. Khi tỉnh dậy hàng hóa biến mất. Anh ta lập tức báo cáo với cảnh sát.

Một quan tòa tên là O-oka mở một phiền tòa để điều tra. “Rằng ông Phật đá phải là kẻ ăn cắp hàng hóa,” quan tòa kết luận. ‘Ông ta được đặt ra là để chăm sóc phúc lợi của dân, nhưng lại không làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng. Hãy bắt ông ta.”

Cảnh sát bắt ông Phật đá mang đến tòa. Một đám đông ồn ào đi theo pho tượng, tò mò muốn biết quan tòa phán quyết như thế nào.

Khi O-oka xuất hiện trên công đường liền trách cử tọa to tiếng ồn ào.

 “Các người có quyền gì xuất hiện trước tòa cười đùa như thế này? Các người đã khinh tòa nên phải nộp phạt và ở tù.”

 Dân chúng vội vàng xin lỗi. Quan tòa nói: “Tôi phải phạt các người, nhưng tôi sẽ miễn cho nếu trong vòng ba ngày mỗi người mang đến cho tòa một cuộn vải. Ai không tuân hành sẽ bị bắt.”

 Một trong những cuộn vải người ta mang đến được thương nhân nhận ra ngay là của mình, và tên cắp bị khám phá một cách dễ dàng. Thương nhân nhận lại hàng hóa của mình, phần kia được trả lại cho dân.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

73. NHỮNG NGƯỜI LÍNH CỦA LÒNG NHÂN TỪ

 

Một hôm một sư đoàn quân Nhật tập trận giả. Một số sĩ quan thấy cần phải đặt tổng hành dinh của họ trong ngôi chùa của Nga Sơn.

 Nga Sơn bảo người nấu ăn: “Hãy cho các sĩ quan đó ăn những món đơn giản như chúng ta.”

 Điều này làm cho các quân nhân đó tức giận, vì họ thường được biệt đãi. Một người đến nói với Nga Sơn: “Thầy nghĩ chúng tôi là ai? Chúng tôi là những người lính, hy sinh tánh mạng cho quốc gia. Tại sao thầy không đối xử chúng tôi cho hợp cách?”

Nga Sơn nghiêm nghị trả lời: “Anh nghĩ chúng tôi là ai ? Chúng tôi là những người lính của lòng nhân từ, mục đích là độ tất cả chúng sinh.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

74. CON ĐƯỜNG HẦM

 

 Zenkai là con trai của một samurai, du hành đến Edo và trở thành kẻ hộ vệ cho một viên chức cao cấp ở đó. Anh ta bỗng yêu người vợ của viên chức đó và bị khám phá. Để tự vệ, anh ta giết viên chức rồi cùng với người vợ kia đào tẩu.

 Về sau cả hai trở thành những tên ăn cắp. Nhưng người đàn bà quá tham lam đến nỗi khiến Zenkai ghê tởm. Cuối cùng anh ta bỏ người đàn bà đó, đi đến tỉnh Buzen xa xôi, nơi đây anh ta trở thành một kẻ ăn mày lang thang.

 Để chuộc phần nào tội lỗi trong qúa khứ, Zenkai quyết tâm làm một việc thiện trong đời mình. Biết có một đoạn đường nguy hiểm đi qua dốc đá đã gây thương tích và làm chết nhiều người, Zenkai quyết định đào một con đường hầm thông qua vùng núi đó.

 Ban ngày Zenkai đi xin ăn, ban đêm đào núi. Ba mươi năm trôi qua, con đường hầm dài 695 mét, cao 6 mét và rộng 9 mét.

 Hai năm trước khi việc làm hoàn tất, thì người con trai của viên chức bị giết, là một kiếm sĩ tài ba, tìm ra Zenkai và đến giết để trả thù cha.

 Zenkai nói: “Tôi sẽ tự nguyện dâng mạng sống này cho anh, nhưng hãy để tôi làm xong việc này đã. Đến ngày tôi đào xong, anh có thể giết tôi.”

Vì thế người thanh niên chờ cái ngày đó. Nhiều tháng trôi qua, Zenkai tiếp tục đào. Người thanh niên trở nên chán nản vì không có gì để làm và anh ta bắt đầu giúp Zenkai đào đường. Sau khi giúp hơn một năm, anh ta ngưỡng mộ ý chí kiên cường và cá tánh mãnh liệt của Zenkai.

 Cuối cùng con đường hầm đã xong, người ta có thể sử dụng và qua lại an toàn.

“Việc của tôi đã xong, bây giờ hãy chém đầu tôi đi,” Zenkai nói.

“Làm sao con có thể chém đầu thầy được, người thanh niên nói qua làn nước mắt.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

75. NGU ĐƯỜNG VÀ HOÀNG ĐẾ

 

 Nhật hoàng Goyozei học Thiền với Thiền sư Ngu Đường. Thiên hoàng hỏi: “Thiền nói chính tâm này là Phật, có phải không?”

 Ngu Đường đáp: “Nếu tôi nói phải, hoàng thượng sẽ nghĩ rằng mình hiểu mà không hiểu. Nếu tôi nói không, tôi sẽ mâu thuẫn với một sự kiện mà nhiều người hiểu rất rõ.”

 Hôm khác hoàng đế lại hỏi: “Người ngộ đạo sẽ đi đâu khi chết?”

 Ngu Đường đáp: “Tôi không biết.”

 Hoàng đế hỏi: “Tại sao thầy không biết?”

 Ngu Đường đáp: “Bởi vì tôi chưa chết.”

Hoàng đế do dự muốn hỏi thêm vễ những điều tâm chưa nắm được. Vì vậy Ngu Đường lấy tay đập xuống sàn nhà như để đánh thức hoàng đế, và hoàng đế giác ngộ!

 Sau khi giác ngộ, hoàng đế càng kính trọng Thiền và lão sư Ngu Đường hơn, còn cho phép Ngu Đường được đội mũ trong hoàng cung vào mùa đông. Khi Ngu Đường hơn tám mươi tuổi, thường hay ngủ gục trong khi thuyết pháp, và hoàng đế lặng lẽ lui sang phòng khác để vị lão sư có thể hưởng được những gì còn lại mà tấm thân đòi hỏi .

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

76. SINH TỪ ĐÂU ĐẾN, CHẾT ĐI VỀ ĐÂU?

 

Thiền sư Trí Bảo, đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông, khi chưa đắc đạo chợt gặp một Thiền tăng. Thiền tăng thấy sư liền hỏi:

 - Sinh từ đâu đến, chết đi về đâu?

suy nghĩ, vị tăng ấy bảo:

 - Khi ông suy nghĩ, mây trắng bay ngàn dặm.

 Sư không đáp được. Vị tăng ấy quát:

 - Chùa tốt mà không có Phật.

 Nói xong bèn bỏ đi . Sư tự than rằng:

 Ta tuy có tâm xuất gia, nhưng chưa được yếu chỉ của người xuất gia... Từ đây, sư dạo khắp bốn phương tìm bậc thiện tri thức tham hỏi. Khi đến tham kiến Thiền sư Đạo HuệTiên Du, lại đem câu hỏi của vị tăng trên ra hỏi. Đạo Huệ bảo:

- Sanh không từ đâu đến, chết không đi về đâu.

Sư hỏi:

- Thế ấy, đâu chẳng rơi vào chỗ không sao ?

Đạo Huệ bảo:

- Chân tánh diệu viên, thể tự không tịch, vận dụng tự tại, chẳng đồng với sanh tử. Thế nên, sinh không từ đâu đến, chết không đi về đâu .

Ngay câu nói này, sư liền lãnh ngộ, nói:

 Chẳng nhờ gió cuốn mây trôi hết,

 Đâu thấy trời trong muôn dặm thu.

Đạo Huệ hỏi:

- Ông thấy cái gì ?

Sư đáp:

- Biết nhau khắp thiên hạ, tri âm có mấy người.

Sư bèn từ tạ trở về núi.

 (Thiền Sư Việt Nam)

 

 

 

77. TRONG BÀN TAY ĐỊNH MỆNH

 

Một đại chiến sĩ Nhật tên là Nobunaga quyết định tấn công kẻ thù mặc dù ông chỉ có một phần mười số người mà cuộc đối địch đòi hỏi . Ông biết mình sẽ thắng nhưng lính của ông thì nghi ngờ.

Trên đường di chuyển, ông dừng lại ở một ngôi đền Thần Đạo và bảo binh sĩ: “Sau khi viếng thánh điện, tôi sẽ tung một đồng xu đoán quẻ. Nếu mặt có đầu giơ lên, chúng ta sẽ thắng; nếu mặt có đuôi giơ lên, chúng ta sẽ thua. Chúng ta nằm trong bàn tay của định mệnh.”

 Nobunaga vào thánh điện, im lặng khấn nguyện. Ông bước tới tung đồng xu lên. Mặt có đầu hiện lên. Các chiến sĩ hăng say chiến đấu đến nỗi họ thắng trận dễ dàng.

 “Không ai thay đổi được bàn tay định mệnh,” người cận vệ nói với ông sau cuộc chiến.

 “Sự thực không phải vậy,” Nobunaga nói và giơ đồng xu, thực ra là do hai đồng ghép lại, nên hai mặt đều có đầu.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

78. SÁT SINH

 

 Một hôm Nga Sơn dạy chúng: Những người phản đối việc sát sinh cũng như những người muốn bảo vệ mạng sống của tất cả chúng sinh đều đúng.

Bảo vệ cả thú vật và côn trùng cũng tốt. Còn những người giết thì giờ thì sao, những kẻ phá hoại của cải, những kẻ tàn phá kinh tế chính trị thì thế nào? Chúng ta sẽ không bỏ qua họ. Hơn nữa, còn kẻ rao giảng không có ngộ thì thế nào? Y đang giết chết Phật giáo đó.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

79. MỒ HÔI KASAN

 

 Sư Kasan được thỉnh cử hành tang lễ cho một lãnh chúa trong tỉnh.

 Trước đây sư chưa bao giờ gặp các lãnh chúa và các nhà quí tộc nên sư hồi hộp. Khi nghi lễ bắt đầu, sư toát mồ hôi.

 Sau đó, khi trở về chùa, Kasan tập trung đồ chúngthú nhận rằng mình chưa đủ tư cách làm thầy vì khi ở trong thế giới danh vọng sư thiếu phong cách giống như sư có nơi chùa chiền ẩn dật. Rồi Kasan từ chức và trở thành đệ tử của một sư khác. Tám năm sau, sư trở lại với các đệ tử cũ, khi đã ngộ.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

80. HÀNG PHỤC MA

 

 Một cô vợ trẻ bị bệnh sắp chết. Cô nói với chồng: “Em yêu anh lắm. Em không muốn xa anh. Đừng có bỏ em mà đến với người đàn bà nào khác. Nếu anh như vậy, em sẽ làm ma trở về quấy rầy anh mãi.”

Chẳng bao lâu cô vợ qua đời. Người chồng tôn trọng ước muốn cuối cùng của vợ được ba tháng, nhưng rồi anh ta gặp một người đàn bà khác và phải lòng cô ta. Họ đính hôn và sẽ cưới nhau.

 Ngay sau khi đính hôn, hằng đêm một con ma xuất hiện trước mặt anh chồng, trách anh ta không giữ lời hứa. Con ma rất tinh khôn. Nó kể đúng y những gì đã tiết lộ giữa anh chồng và người yêu mới. Bất cứ khi nào anh ta tặng vị hôn thê món quà gì con ma cũng miêu tả được từng chi tiết. Nó còn lặp lại được những cuộc nói chuyện nữa, khiến anh chồng phiền não đến độ không thể ngủ được. Có người biết chuyện khuyên anh chồng đem vấn đề đến vị Thiền sư ở gần làng nhờ giúp đỡ. Cuối cùng, trong tuyệt vọng, người đàn ông khốn khổ đã đến nhờ Thiền sư.

Thiền sư bình luận: “Người vợ trước của anh đã thành ma. Anh làm hay nói gì, nó đều biết cả. Nó phải là một con ma rất khôn ngoan. Thật sự anh nên kính trọng một con ma như thế. Lần tới khi nó xuất hiện, hãy đánh cuộc với nó. Hãy bảo nó rằng nó biết nhiều quá, anh không thể dấu nó cái gì hết, và nếu nó có thể trả lời được một câu hỏi, anh hứa sẽ từ hôn và tiếp tục sống độc thân.”

 Người đàn ông hỏi: “Tôi phải hỏi cô ta câu gì?”

 Thiền sư đáp: “Hãy hốt một nắm đầy đậu nành và bảo cô ta hãy nói đúng có bao nhiêu hạt đậu trong tay anh. Nếu cô ta không nói được thì anh biết đó chỉ là hình ảnh trong trí tưởng tượng của anh thôi và nó sẽ không còn làm phiền anh nữa.”

 Đêm hôm sau khi con ma xuất hiện người đàn ông tán tỉnh nó, bảo rằng nó biết hết mọi thứ.

Con ma đáp: “Đúng vậy. Em còn biết hôm nay anh đã đi gặp ông Thiền sư đó.”

 Người đàn ông yêu cầu: “Vì em biết rất nhiều, bây giờ hãy nói anh nghe có bao nhiêu hạt đậu trong bàn tay này!”

Chẳng còn ma nào nữa để trả lời câu hỏi .

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

81. NHỮNG ĐỨA CON CỦA

ĐỨC HOÀNG THƯỢNG

 

 Sơn Cương Thiết Chu (Yamaoka Tesshu) là gia sư

 

của Nhật hoàng. Sư còn là một bậc thầy về kiếm thuật và là một đệ tử giỏi của Thiền.

 Nhà của sư là chỗ trú chân của những kẻ la cà vất vưởng. Sư chỉ có một bộ quần áo duy nhất, vì vậy trông sư lúc nào cùng nghèo.

 Hoàng đế nhìn thấy quần áo sư sờn mòn quá đỗi, liền ban cho sư ít tiền để mua quần áo mới. Hôm sau Sơn Cương lại xuất hiện cũng với bộ quần áo cũ nát đó.

 Hoàng đế hỏi: “Quần áo mới thế nào rồi, thầy Sơn Cương?”

 Sơn Cương giải thích: “Bần tăng đã gửi quần áo đó cho những đứa con của đức Hoàng thượng rồi.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

82. NGƯƠI LÀM GÌ VẬY?

HÒA THƯỢNG NÓI GÌ VẬY ?

 

 Trong những lúc gần đây, người ta nói nhiều chuyện vô lý về sư phụđệ tử, về việc người học trò ưu ái thừa kế giáo lý của thầy, ghi nhận họ truyền đạo sang trò. Dĩ nhiên Thiền phải được truyền bằng cách này, tâm truyền tâm, và sự thật đã được truyền như thế trong quá khứ. Im lặng và khiêm tốn ở cương vị cao hơn là chuyên môn và xác quyết. Người thọ nhận một giáo lý như thế có thể giữ kín sự vụ có khi đến vài chục năm. Mãi cho đến khi có người khám phá ra, do cần cầu, rằng chân sư đã có sẵn bên cạnh, người ta biết rằng giáo lý đã được truyền thụ, rồi ngay cả khi thời cơ đến một cách hoàn tòan tự nhiêngiáo lý tạo lấy lối đi theo quyền riêng của nó. Một cách vô điều kiện ông thầy còn nói, “Tôi là người thừa kế sư Mỗ.” Một lời tuyên bố như thế tỏ ra trái ngược hoàn toàn.

Thiền sư Vô Nan (Mu-nan) chỉ có một người thừa kế tên là Tướng Trung (Shoju). Sau khi Tướng Trung hoàn tất việc học Thiền, Vô Nan gọi Tướng Trung vào phòng riêng. Sư nói: “Tôi đã già rồi và tôi biết cho đến bây giờ, Tướng Trung, anh là người duy nhất sẽ truyền giáo lý này. Đây là một quyển sách được truyền xuống sư này đến sư khác đã bảy đời. Tôi cũng đã thêm vào nhiều điểm theo hiểu biết của tôi. Sách này rất có giá trị, tôi trao nó lại cho anh, tượng trưng cho quyền thừa kế.”

 Tướng Trung đáp: “Nếu sách ấy là vật quan trong như vậy, tốt hơn hòa thượng hãy giữ lấy. Con thọ nhận Thiền không văn tự của hòa thượng và con hài lòng như thế.”

 Vô Nan nói: “Tôi biết. Dù vậy, tác phẩm này được truyền từ sư này đến sư khác đã bảy đời, vì vậy anh có thể giữ nó làm tín vật thọ nhận giáo lý ấy. Đây.”

 Bất ngờ hai người đang nói chuyện trước một lò lửa. Ngay lúc sách vừa chạm vào tay, Tướng Trung dúi nó vào than hồng. Tướng Trung không có tham vọng sở hữu .

 Vô Nan, trước giờ chưa từng nổi giận, hét lên: “Ngươi làm gì vậy?”

Tướng Trung hét lại: “Hòa thượng nói gì vậy?”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

83. MỘT NỐT NHẠC THIỀN

 

 Sau khi Kakua diện kiến Nhật hoàng, không ai biết sư thế nào. Sư là người Nhật đầu tiên đến Trung hoa học Thiền, nhưng vì sư không biểu lộ điều gì, chỉ trừ một nốt nhạc duy nhất, người ta không nhớ sư có mang Thiền về quê hương.

 Kakua viếng Trung quốc và nhận được chánh giáo. Khi ở Trung quốc sư không hành cước mà chỉ thiền định liên tục. Sư sống trong một ngọn núi hẻo lánh. Khi nào có người tìm thấy sư và yêu cầu chỉ dạy, sư chỉ nói một vài lời và dời đi chỗ núi khác, nơi khó tìm thấy hơn.

 Hoàng đế nghe nói về Kakua, khi sư trở về Nhật, liền yêu cầu sư dạy Thiền để khuyến thiện nhà vua cũng như quần thần. 

 Kakua đứng trước nhà vua, im lặng. Rồi từ trong tăng bào sư lấy ra một cây sáo và thổi lên một tiếng ngắn. Sau khi cúi đầu lễ bái, sư biến mất.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

84. ĂN LỜI TRẮCH MẮNG

 

Một hôm nhiều chuyện xảy ra làm trễ việc chuẩn bị nấu bữa ăn chiều của Fugai, một Thiền sư phái Tào Động, và tăng chúng trong chùa. Trong lúc vội vàng ông tăng nấu ăn cầm cái liềm ra vườn cắt những ngọn rau xanh, xắt nhỏ nấu canh. Vì vội vã, ông ta không biết có một phần con rắn bị cắt theo rau.

Đồ chúng của Fugai nghĩ rằng họ chưa bao giờ được ăn một bữa canh ngon như thế. Nhưng khi chính Fugai thấy trong bát mình cái đầu rắn, sư cho gọi ông tăng nấu ăn đến. “Cái gì thế này?” sư giơ cái đầu rắn lên hỏi .

“Ồ, cảm ơn hòa thượng,” ông tăng nấu ăn cầm lấy cái đầu rắn ăn lẹ làng.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

85. VẬT CÓ GIÁ TRỊ NHẤT TRÊN THẾ GIAN

 

Một đệ tử hỏi Tào Sơn, một Thiền sư Trung hoa: “Cái gì có giá trị nhất trên thế gian này?”

Sư đáp: “Cái đầu con mèo chết.”

Người đệ tử lại hỏi: “Tại sao cái đầu con mèo chết lại có giá trị nhất trên thế gian?”

 Tào Sơn đáp: “Bởi vì không ai nói giá nó được.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

86. HỌC IM LẶNG

 

Các đệ tử của ThiênThai tông (Tendai) thường học thiền định trước khi Thiền đến Nhật bản. Có bốn đệ tửbạn thân, họ hứa với nhau là họ sẽ giữ im lặng trong bảy ngày.

Ngày thứ nhất tất cả đều im lặng. Sự thiền định của họ bắt đầu một cách thuận lợi, nhưng khi đêm đến các ngọn đèn dầu trở nên mờ dần, một người trong bọn không chịu được kêu người phục vụ: “Hãy sửa mấy cái đèn ấy đi!”

Người thứ hai ngạc nhiên vì nghe người thứ nhất nói, liền nhắc: “Chúng ta đã đồng ý là không ai được nói tiếng nào.”

“Hai chúng mày đều ngu. Tại sao chúng mày nói chứ?”

“Tao là người duy nhất không nói,” người thứ tư kết luận.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

 

87. LÃNH CHÚA ĐẦU BÒ

 

Hai Thiền sư Đại Ngu (Daigu) và Ngu Đường (Gudo) được một lãnh chúa mời đến diện kiến. Khi đến nơi, Ngu Đường nói với lãnh chúa: “Ngài bản tánh trí tuệ và có khả năng bẩm sinh để học Thiền.”

“Vô lý,” Đại Ngu nói. “Tại sao ông lại nịnh cái đầu bò này chứ? Ông ta có thể là một lãnh chúa nhưng đâu có biết gì về Thiền.”

Vì vậy, thay vì xây chùa cho Ngu Đường, lãnh chúa xây chùa cho Đại Ngu và học Thiền với sư.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

88. MƯỜI NGƯỜI THỪA KẾ

 

Các đệ tử Thiền thề rằng dù cho bị thầy giết chết họ cũng học Thiền. Họ thường cắt ngón tay lấy máu in dấu quyết tâm của họ. Trong lúc lời thệ nguyện chỉ còn là hình thức, và vì lý do này, một đệ tử đã chết dưới tay của Dịch Đường (Ekido) khiến cho anh ta có vẻ là một kẻ hy sinh vì đạo.

Dịch Đường trở thành một ông thầy nghiêm khắc. Các đệ tử sợ sư. Một trong những đệ tử giữ nhiệm vụ đánh chuông báo giờ giấc trong ngày, đã bỏ lỡ nhịp đánh khi mắt của anh ta bị một cô gái đẹp, đi ngang qua cổng chùa, hấp dẫn.

Ngay lúc đó, Dịch Đường đã đứng sau lưng anh, đánh anh một gậy và cú đánh bất ngờ đã giết chết người đệ tử.

Người bảo trợ của người đệ tử, nghe tai nạn xảy ra, đến ngay Dịch Đường.

Khi biết rằng không thể trách sư, ông ta ca ngợi sư vì sự chỉ dạy nghiêm túc.

Thái độ của Dịch Đường vẫn y như lúc người đệ tử còn sống.

Sau khi sự việc xảy ra như thế, Dịch Đường đã có thể đào tạo hơn mười người giác ngộ thừa kế dưới sự hướng dẫn của sư, một con số phi thường

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

89. SỰ CẢI HÓA CHÂN THẬT

 

 Ryokan đã hiến đời mình cho việc học Thiền. Một hôm sư nghe người cháu trai, bất chấp lời khuyên răn của thân nhân, đã tiêu phí tiền bạc với một kỹ nữ. Khi người cháu trai thay thế sư quản lý của cảitài sản gia đình đang trong hồi tiêu tán, các thân nhân yêu cầu sư làm cách nào để cứu vãn tình hình.

Ryokan phải đi qua một con đường dài đến viếng người cháu trai sư đã nhiều năm không gặp mặt. Người cháu tỏ ra có vẻ vui mừng khi gặp lại ông chú của mình và mời chú ở lại qua đêm.

Ryokan ngồi thiền suốt đêm. Sáng hôm sau khi ra đi sư chỉ với người thanh niên: Chú ắt phải già đi rồi, tay run quá. Cháu giúp chú buộc lại sợi dây dép rơm này được không? Ryokan

Người cháu vui vẻ giúp chú. Ryokan kết thúc: “Cảm ơn cháu. Cháu thấy không, mỗi ngày con người ta trở nên già yếu dần. Cháu hãy tự bảo trọng lấy mình.” Rồi Ryokan từ giả, không một lời về người kỹ nữ hay về sự phàn nàn của thân nhân. Nhưng từ sáng hôm ấy, người cháu không còn phung phí tiền của nữa.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

 

 

90. TÁNH TÌNH

 

Một Thiền sinh đến phàn nàn với Thiền sư Bàn Khuê: “Bạch hòa thượng, con có một cái tính bất trị. Làm sao con có thể trị nó được?”

Bàn Khuê đáp: “Anh có cái gì lạ lắm sao? Hãy đưa đây tôi xem.”

Người đệ tử trả lời: “Ngay bây giờ thì con không thể cho hòa thượng xem được.”

 Bàn Khuê hỏi: “Khi nào thì con có thể cho ta xem ược?”

Người đệ tử đáp: “Nó xuất hiện bất ngờ lắm.”

Bàn Khuê kết luận: “Vậy nó chẳng phải là bản tánh chơn thật của con. Nếu là bản tánh chơn thật, con có thể cho ta xem bất cứ lúc nào. Khi sinh ra con không có nó, cha mẹ cũng không cho con. Hãy nghĩ kỹ xem.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM