Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Cuộc Đời Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro

20 Tháng Bảy 201903:52(Xem: 2483)
Cuộc Đời Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro

CUỘC ĐỜI ĐỨC JAMYANG KHYENTSE CHOKYI LODRO
Orgyen Tobgyal Rinpoche[1] giảng
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ

 

 

Vị thứ hai trong dòng những tái sinh Jamyang Khyentse là Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro, người vĩ đại đến mức thật khó để tôi thậm chí thốt lên danh hiệu của Ngài; dẫu vậy, tôi vẫn làm thế như một cách để làm lợi lạc chúng sinh khác. Danh hiệu đầy đủ của Ngài là Jamyang Khyentse Chokyi Lodro Rime Tenpe Gyaltsen Pal Zangpo[2]. Danh hiệu bí mật của Ngài, do Dodrupchen Rinpoche thứ ba – Tenpe Nyima[3] ban trong một quán đỉnhRigdzin Dupa[4] đặc biệt, là Pema Yeshe Dorje. Bởi đạo sư vĩ đại này, thủ lĩnh tối cao của đàn tràng, sống khá gần đây, có nhiều người còn sống có thể nhớ cuộc đời Ngài và làm chứng cho những điều tôi sẽ kể sau đây.

Hóa thân trước đó, Tổ Pema Osel Dongak Lingpa[5], đã viên tịch và hòa tâm trí tuệ của Ngài vào tim của đại học giả Vimalamitra[6] ở Ngũ Đài SơnTrung Quốc. Sau đấy, để làm lợi lạc những giáo lý và chúng sinh ở Xứ Tuyết [Tây Tạng], Ngài tái xuất hiện trong năm hóa thân, như được tiên đoán trong các tiên tri Terma. Kim Cương Trì Jamgon [Kongtrul] Lodro Thaye[7] đã giám sát việc công nhận lần lượtnhững hóa thân này. Mỗi vị trong những tâm tử chính yếu của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo đã chịu trách nhiệm cho một hóa thân. Ví dụ, vị mà Tổ Jamgon Kongtrul chịu trách nhiệm và thiết lập ở [Tu viện] Palpung[8] được gọi là Beru Khyentse. Một hóa thân được tấn phong tại trụ xứ Dzongsar và một tại Tu viện Dzogchen. Một hóa thân do Ngài Ponlop Loter Wangpo[9] công nhận và được gọi là Galing Khyentse. Tất cả các hóa thân này đã noi gương người tiền nhiệm trong những phẩm tính vô song của việc nghiên cứukinh nghiệmchứng ngộ và hoạt động giác ngộ. Nhưng trong tất thảy, vị nổi bật như ngọc báu trang hoàng trên đỉnh của cờ chiến thắng vĩ đại là Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro.

Cháu trai và cũng là tâm tử thù thắng của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo, Ngài Kathok Situ Chokyi Gyatso[10], chưa có một hóa thân tại Tu viện Kathok[11] của mình; vì thế, với những thỉnh cầu nhất tâmvà chí thành, Ngài thỉnh cầu Kim Cương Trì Jamgon Kongtrul Lodro tìm kiếm một hóa thân nữa cho Kathok. Đức Jamgon Kongtrul nói rằng Ngài đã công nhận những hóa hiện về thân, khẩu, ý và phẩm tính, nhưng nếu được thỉnh cầu, Ngài có thể công nhận hóa hiện về hoạt động. Dẫu vậy, Ngài cảnh báorằng thật khó để hóa hiện này làm lợi lạc trụ xứ chính yếu của Tu viện. Ngài giải thích rằng nếu trở thành một hành giả Heruka, vị ấy sẽ đem đến lợi lạc lớn lao hơn. Sau đấy, Kathok Situ Rinpoche thỉnh cầu Ngài công nhận đứa bé và Đức Jamgon Kongtrul thấy rằng vị ấy sẽ chào đời vào năm Tỵ, là con trai của Rigdzin Tsewang Chokdrup, người lại là con trai của Serpa Terton vĩ đại.

Gia đình bên nội có thể truy nguyên về Terton Dudul Dorje vĩ đại và bao gồm nhiều vị phát lộ kho tàng chân chính khác. Gia đình bên ngoại đến từ Amdo[12] và mẹ Ngài là hậu duệ của đạo sư Sergyi Chadral vĩ đại. Ngài sinh vào năm Thủy Tỵ [1893] với nhiều dấu hiệu tuyệt vời cũng như điềm báo phi phàm, nhưng cha mẹ Ngài đều là các hành giả xả ly vĩ đại và chẳng phấn khích về những chuyện này. Vì thế, họ đã không ghi chép lại chúng và cũng chẳng viết lại bất kỳ thông tin chiêm tinh nào.

Như được thỉnh cầu bởi Ngài Kathok Situ Chokyi Gyatso, Đức Jamgon Kongtrul đã công nhận đứa bé là một hóa thân của Tổ Jamyang Khyentse. Sau đấy, lên tám tuổi, Ngài được thỉnh mời đến sống tại Tu viện Kathok. Hôm Ngài đến Kathok, toàn bộ vùng xung quanh Horpo và Kathok hoàn toàn chìm trong tuyết, đến mức khắp nơi đều màu trắng. Điều này rất lạ thường với vùng đó và mọi người xem đây là một dấu hiệu vô cùng tích cực cho tương lai. Trong một ngày cát tường, Kathok Situ Rinpoche đã cử hành nghi lễ cắt tóc trong ngôi chùa chính trước sự hiện diện của bức tượng Phật vĩ đại và trao cho Ngài danh hiệu Jamyang Khyentse Chokyi Lodro. Giữa những Tulku khác cùng đại chúng ở Tu việnkhi ấy, Ngài đơn giản được biết đến là Tulku Lodro.

Lúc học đọc với thầy giáo thọ, Ngài có thể đọc mà không gặp khó khăn gì và đã học thuộc nhiều bản văn thực hành Sakya và Trì Tụng Danh Hiệu Đức Văn Thù đơn giản nhờ việc đọc một lần. Đây là một dấu hiệu cho thấy Ngài đang đánh thức lại ký ức từ đời trước. Thỉnh thoảng tôi thường trêu chọc vài vị Tulku trong Tu viện của chúng tôi, nói rằng, “Thầy tôi đã ghi nhớ Trì Tụng Danh Hiệu Đức Văn Thù khi còn là một đứa trẻ, thậm chí không cần nghiên cứu nó, trong khi quý vị, những Tulku, đã trì tụng trong nhiều tháng mà vẫn chưa thuộc được!”.

Một đêm, Ngài đang trong động nhập thất trên ngọn đồi phía sau Kathok, ngồi trên tấm thảm bên cạnh thầy giáo thọ và trì tụng những lời cầu nguyện. Trong lúc trì tụng đà-ra-ni Kim Cương Điều Phục[13], Ngài có thể thấy rõ ràng Tu viện Kathok phía dưới, đang chiếu sáng rực rỡ dưới ánh trăng tròn và lúc ấy, Ngài có một linh kiến về trung tâm tu viện Sakya vĩ đại, rõ ràng như thể Ngài thực sự ở đó và nhớ rõ ràng kiếp trước của Ngài là Ratna Vajra. Ngài nhớ mọi chi tiết trong đời và tất cả những gì Ngài sở hữurõ ràng như thể điều đó chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.

Lần nọ, Kathok Situ Rinpoche tổ chức một cuộc gặp gỡ với tất cả những Tulku đang sống ở Tu việnKathok. Ngài yêu cầu họ tiến hành một sự tiên tri giấc mộng đặc biệt và tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến việc họ đã từng là ai trong các đời trước kia. Khi họ trở lại báo cáo điều mà họ phát hiện ra, vài Tulku nói rằng họ chắc hẳn là hóa thân của vị đạo sư vĩ đại nào đó, người đã xuất hiện trong những giấc mơ của họ. Một số nói rằng họ nằm mơ thấy Phổ Ba Kim Cương hay Độ Mẫu Tara hoặc Bổn tôn nào đó. Khi họ hỏi Tulku Lodro – như Ngài thường được biết đến vào thời điểm đó – về những giấc mơ, Ngài nói rằng Ngài không nằm mơ thấy ai lạ thường, chỉ là một người đàn ông Tây Tạng bình thường trong trang phục trung tâm Tây Tạng, một bộ Chuba trắng dài với áo choàng xanh dương và khuyên tai ngọc lam, và tóc của ông ấy được búi lại phía sau. Khi Ngài nói điều này, Situ Rinpoche ngạc nhiên và nói thật lạ thường làm sao. Situ Rinpoche bảo rằng, “Thật lạ! Sao có thể như vậy?”. Tất cả những Tulku khác trêu chọc Ngài, nói rằng, “Chúng tôi là các hóa thân của những đạo sư vĩ đại này, nhưng Tulku Lodro chỉ là một gã bình phàm từ trung tâm Tây Tạng”. Nhưng sau này, Ngài nhận ra rằng đây là một dấu hiệu cho thấy Ngài từng là vua Trisong Detsen[14].

Là một đứa trẻ, Đức Jamyang Khyentse thường khám phá khắp nơi và luôn luôn tìm cách trải nghiệm những thứ mới mẻ. Một lần, khi thầy giáo thọ của Ngài đi ra ngoài một lúc, Ngài bắt đầu lục lọi các tủ và khi tìm thấy một bình thủy ngân to, Ngài uống rất nhiều. Lúc thầy giáo thọ quay về, ông ấy thấy những giọt thủy ngân trên sàn và sau đó tìm kiếm các ngăn tủ, ông ấy thấy rằng chiếc bình trống không. Ông ấy bảo Tulku Lodro đứng dậy, nhưng khi Ngài làm thế, vài giọt thủy ngân chảy xuống từ y áo. Thầy giáo thọ hỏi rằng, “Có một bình thủy ngân trong tủ của Ta, nó đâu rồi?”. Đức Jamyang Khyentse đáp rằng, “Con đã uống rồi!”. Thầy giáo thọ nhìn chằm chằm. Sau đấy, ông ấy đến gặp Situ Rinpoche và thưa rằng, “Tulku Lodro thực sự khác thường. Ngài đã uống hết một bình thủy ngân mà còn chẳng bị đau đầu. Con không nghĩ rằng Ngài có thể là một đứa trẻ bình phàm”.

Ngài cũng thích xem nhảy múa và những cuộc giải trí; vì thế, thỉnh thoảng khi Ngài cảm thấy thích xem một kiểu biểu diễn như vậy, Ekajati[15], Nữ Hộ Pháp Vinh Quang Của Mật Thừa Bí Mật, sẽ xuất hiện và theo lời thỉnh cầu của Ngài, Bà ấy sẽ phanh ngực để phát lộ toàn bộ vũ trụ tam giới.

Trong một giấc mơ khác mà Ngài có khi còn trẻ, Ngài đến ngôi chùa Tramdruk, nơi mà một Mandala vĩ đại được chuẩn bị sẵn sàng cho một quán đỉnh. Ở đó, Ngài thấy Guru Rinpoche an tọa trên một tòa cao, với nhiều người ngồi thành hàng, sẵn sàng thọ nhận quán đỉnh. Trong hàng phía trước Ngài, Ngài thấy một tu sĩ và một phụ nữ trong trang phục Tây Tạng cùng nhiều vị khác và ngồi bên Ngài là một người đàn ông trong trang phục cư sĩ bình thường. Cùng nhau, họ đã thọ nhận quán đỉnh từ Guru Rinpoche. Sau đấy trong đời, Ngài nhận ra rằng những vị Tăng ngồi phía trước Ngài là Vairocana[16] và Namkhe Nyingpo[17] cùng những vị khác mà từ chư vị, Ngài – [khi là] vua Trisong Detsen – đã thọ nhận quán đỉnh. Người phụ nữ chính là Yeshe Tsogyal[18]. Dù cho khi ấy Ngài là vua của Tây Tạng, sẽ là không thích hợp nếu Ngài ngồi phía trước chư đạo sư của mình.

Mười ba tuổi, Đức Jamyang Khyentse hoàn thành những nghiên cứu và được Kathok Situ Rinpoche cử đi du hành quanh Horkhok và Dzachukha để thu thập tịnh tài cho Tu việnNhư tự truyện bằng thi kệ của Ngài có nói, Ngài cũng đến vương quốc Ling:

‘Ta đã gặp đức vua và hoàng hậu Phật tử xứ Ling,

Và giải thích Gang Gi Loma từ trí nhớ.

Với lòng sùng mộ, họ nhớ về thầy mình,

Và cả hai òa khóc.

Từ đó trở đi, họ trở thành những thí chủ của Ta,

Với giới luật thanh tịnh, sự hào phóng, sùng mộ và từ ái’.

Như đoạn kệ này chỉ ra, Ngài đã ban một luận giải tỉ mỉ về Gang Gi Lodro, lời cầu nguyện nổi tiếng đến Đức Văn Thù Sư Lợi, cho đức vua xứ Ling, người là một Terton, hoàng hậu và những thành viên khác trong hoàng gia. Họ vốn là các đệ tử của cố đạo sư Jamyang Khyentse và khi Ngài giảng dạy, họ xúc động nhớ về những kỷ niệm đến mức rớt nước mắt và thấy Ngài chính là Tổ Jamyang Khyentse Wangpo. Từ đó trở về sau, họ trở thành những thí chủ của Ngài.

Sau đấy, Ngài đến Dzachukha và Adzom Gar. Trước khi Jamyang Khyentse Rinpoche đến đó, Đức Adzom Drukpa Natsok Rangdrol[19] có ba giấc mơ, trong đó, Ngài thấy Bổn Sư Jamyang Khyentse Wangpo. Ngài hiểu rằng đây là dấu hiệu cho thấy vị Tulku từ Kathok, người mà Ngài đang chờ, là hóa thân thực sự của đạo sư Jamyang Khyentse Wangpo và vì thế, Ngài tổ chức lễ cung nghênh đặc biệtvới một đoàn diễu hành hoành tráng. Đức Adzom Drukpa đắp bộ y đỏ đặc biệt và búi tóc theo kiểu đặc biệt. Tất cả những đệ tử hát Bài Ca Tiệc Tsok (tsok-lu) trong lúc chờ đợi và đích thân Đức Adzom Drukpa đi một quãng đường xa để cung nghênh Ngài Jamyang Khyentse. Lúc ấy, Đức Adzom Drukpa dâng cúng dường lớn lao bằng tất cả những gì Ngài đã nhận được. Sau này trong đời, Đức Jamyang Khyentse ngẫm nghĩ lại về điều này và nói rằng đó là một món cúng dường lớn đến mức gần như khôngai có thể sánh được.

Trong một khóa an cư mùa hạ tại Tu viện Kathok, khi Ngài ban giáo lý về Lời Cầu Nguyện Cực Lạc và các chủ đề khác, Ngài truyền cảm hứng cho hàng nghìn học giả bằng những giảng giải sáng ngời.

Trong ba năm, khi thầy giáo thọ của Ngài ốm, Đức Jamyang Khyentse vất vả gánh nước, nhặt củi, chăm sóc vị thầy và v.v. Ngài không nhận được sự giúp đỡ từ bất kỳ ai khác, mà tự làm tất cả. Sau này, Ngài nói rằng đây là phương pháp thù thắng để tích lũy công đức và tịnh hóa các che chướng. Ngài thường bảo rằng, “Ta đã tịnh hóa chút ác nghiệp của bản thân bằng cách thực sự phục vụ bậc thầy”. Thầy của Ngài rất nghiêm khắc và thường đánh Ngài dù có lý do hợp lý hay không. Sau đấy trong đời, bất cứ khi nào Ngài cạo đầu, bạn có thể thấy tất cả các vết sẹo từ những trận đòn này. Vào cuối năm Ngài mười ba tuổi, thầy giáo thọ qua đời.

Cũng vào khoảng thời gian đó, ‘hóa hiện về thân’ của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo, vị đang giữ gìntrụ xứ Dzongsar, đang ở Tu viện Dzogchen[20] để thọ nhận các quán đỉnh và khẩu truyền cho Kho Tàng Terma Quý Báu (Rinchen Terdzod)[21] từ Dzogchen Rinpoche thứ năm – Thubten Chokyi Dorje[22] và qua đời ở tuổi mười ba. Khi điều này xảy ra, vị đạo sư chịu trách nhiệm Tu viện Dzongsar khi ấy, một cháu trai khác của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo tên là Kalzang Dorje, đã gửi thư cho Situ Rinpoche, viết rằng, “Vị Tulku ở đây, tại trụ xứ Dzongsar của chúng tôi, đã qua đời và bản thân tôi cũng ốm nặng và sắp chết. Xin hãy gửi vị Tulku mà Ngài có ở Kathok để tiếp quản vị trí Khyentse tại trụ xứ Dzongsar này. Nếu Ngài từ chối, điều đó có thể làm tổn hại thệ nguyện của Ngài với Tổ Jamyang Khyentse. Đây là lời thỉnh cầu lúc lâm chung của tôi”.

Situ Rinpoche đọc bức thư nhiều lần và nghĩ rằng nếu vị đạo sư còn sống thì còn có cơ hội thảo luậnvấn đề, nhưng Ngài biết ông ấy đã viên tịch. Vì thế, Ngài hiểu rằng thờ ơ thỉnh cầu đó tương đương với việc bất tuân đạo sư của chính Ngài và Ngài không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro đến [Tu viện] Dzongsar. Đích thân Ngài đã đưa Đức Chokyi Lodro đến đó. Như vậy, Đức Jamyang Khyentse đã gia nhập Tu viện Dzongsar Tashi Lhatse[23] năm mười lăm tuổi.

Khi Kathok Situ Rinpoche và Đức Jamyang Khyentse đến Dzongsar, họ đến khu phòng chính yếu của cố đạo sư Jamyang Khyentse. Kathok Situ Rinpoche nói với vị Jamyang Khyentse trẻ, “Con phải ở lại đây, nhưng Ta thì không dám làm vậy. Ta sẽ đến phòng của mình”. Trước khi Situ Rinpoche trở vềKathok, Ngài cử hành một lễ tấn phong cho Đức Jamyang Khyentse và mặc dù chỉ có vài tu sĩ và Lama tham dựbuổi lễ được cử hành rất tỉ mỉ với một bài thuyết giảng chi tiết về năm sự hoàn hảo và v.v. Trong đêm đầu tiên, khi Ngài đang băn khoăn xem nên ngủ ở đâu, Ngài nhìn quanh căn phòng và thấy thứ gì đó làm từ gỗ trông gần giống một chiếc giường với một tấm thảm da thú; Ngài tự nhủ rằng đây chắc hẳn là chỗ đó. Vì thế, Ngài đã ngủ ở đó. Vài năm sau khi Kathok Situ Rinpoche trở lại và đến nơi cư ngụ, Đức Jamyang Khyentse yêu cầu Ngài an tọa và chỉ vào chiếc giường gỗ. Kathok Situ Rinpoche đáp rằng, “Làm sao Ta dám ngồi ở đó?”. Và thay vào đó, Ngài đỉnh lễ và chạm đầu nhiều lần. Tiếp đấy, Ngài nhìn quanh căn phòng và nói với Đức Jamyang Khyentse, “Con ngủ ở đâu?”. Đức Jamyang Khyentse chỉ vào chiếc giường và thưa rằng, “Con ngủ ở đó”. Lúc này, Kathok Situ Rinpoche thất vọngvà nói, “À, đúng như người ta thường nói: nơi con người ngủ thì chó cũng ngủ”. Ngài im lặng một lúc rồi nói thêm rằng, “Trên chiếc giường này, vị đạo sư của tất cả truyền thừa của những giáo lý Phật Đà ở Tây Tạng đã ngủ. Con có nghĩ rằng sẽ là thích hợp nếu con cũng ngủ ở đó?”. Sau đấy, Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro thưa rằng, “Có lẽ, từ nay trở đi, con không nên ngủ ở đây nữa”. Nhưng Kathok Rinpoche nói, “Không, con cứ tiếp tục. Mọi chuyện cũng ổn”.

Vào khoảng thời gian này, có một sự xung đột nhỏ giữa những môn đồ của vị tái sinh được tìm thấy bởi Ngài Loter Wangpo và những vị ủng hộ các hóa thân khác. Trước khi cuộc xung đột có thể phát triển, vua Derge đã gửi sứ giả, một thượng thư tên là Jago Tobden, vị tuyên bố rất rõ ràng rằng Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro là người sẽ sống tại trụ xứ Dzongsar và hóa thân khác sẽ sống ở Tu viện Galon. Quyết định này đã giải quyết vấn đề và ngăn những bất đồng phát triển xa hơn.

Khi Đức Jamyang Khyentse nghe nói rằng Ponlop Rinpoche Loter Wangpo sắp ban các quán đỉnh Trích Yếu Mật Điển (Gyude Kuntu)[24], Ngài đã du hành để thọ nhận chúng. Đức Loter Wangpo có một linh kiến về Tổ Jamyang Khyentse Wangpo, điều mà Ngài xem là dấu hiệu cho thấy hóa thân này khác với bất kỳ hóa thân nào khác và vì thế, đích thân Ngài đã chào đón. Họ đã chuẩn bị một tòa rất cao với nệm lụa và dâng những món cúng dường tỉ mỉ, trao cho Đức Jamyang Khyentse vinh dự vô cùng lớn lao. Đích thân Đức Loter Wangpo đã ban tất cả trao truyền từ Trích Yếu Mật Điển khi họ đến phần các Mật điển Vô Thượng Du GiàĐặc biệt, khi đến phần giới thiệu về bản tính tâm, nó được tiến hành theo truyền thống Sakya, với một tuần dành cho việc nghiên cứu và luyện tâm, lên đỉnh điểm với việc vị đạosư trao sự chứng ngộ của Ngài cho đệ tửLúc ấy, tâm của đệ tử trở nên hợp nhất bất khả phân với tâm trí tuệ của đạo sư và vị ấy đạt được mọi phẩm tính của sự chứng ngộ.

Trong những năm sau đó, khi Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro đã nghiên cứu với khoảng năm mươi lăm đến sáu mươi vị thầy chính yếu, Ngài nói rằng trong tất thảy, Ngài xem Đức Loter Wangpo là Bổn Sư, nhắc đến Ngài như là “Kim Cương Trì Loter Wangpo” và nói rằng lòng từ của Ngài là vô song.

Ngài chỉ thọ nhận phần Mật điển Vô Thượng Du Già (niruttara) từ Trích Yếu Mật Điển, bởi vì vào lúc đó, cha của Ngài, Yabje Tsewang Gyurme, đã chờ Ngài gần một năm ở Dzongsar, du hành đến đó đặc biệtđể trao cho Ngài các quán đỉnh và khẩu truyền quan trọng nhất từ trường phái Nyingma. Vì thế, không thọ nhận các phần khác, Ngài quay về trụ xứ Dzongsar.

Khi Ngài đến nơi, cha Ngài, Yabje Rigdzin Chenpo ban cho Ngài các trao truyền về Lama Gongdu của Sangye Lingpa, Kagye, Chokling Tersar cùng mọi trao truyền chính yếu về Kama và Terma, lần lượttrong khoảng thời gian hai năm.

Mười lăm tuổi, Ngài bắt đầu giảng dạy cho một số tu sĩ của Tu viện Dzongsar, trao cho họ các giáo lý về Trí Tuệ Ba La Mật (prajnaparamita). Ngài cũng thọ nhận nhiều giáo lý và quán đỉnh từ Kathok Situ Rinpoche, vị là một trong những đạo sư gốc căn bản của Ngài, và cũng thọ nhận giới luật tu sĩ.

Khi Shechen Gyaltsab Rinpoche đến Tu viện Dzongsar, Đức Jamyang Khyentse đã thọ nhận quán đỉnhtrường thọ [trong pho] Konchok Chidu[25] từ Ngài và thỉnh cầu Ngài lưu lại Dzongsar để ban thêm nhiều giáo lý và quán đỉnh. Shechen Gyaltsab Rinpoche nói rằng Ngài không thể lưu lại bởi nước ở vùng Dzongsar không tốt cho sức khỏe của Ngài và Ngài phải quay về Tu viện Shechen. Nhưng trước khi đi, Ngài nói, “Con được hoan nghênh đến gặp Ta ở đó và bởi con là hóa thân của đạo sư của Ta, Ta sẽ hoan hỷ khi trao cho con những giáo lý và quán đỉnh, nếu đó là mong ước của con”.

Mùa hè năm đó, Ngài đến Tu viện Shechen[26], đến nơi trong khóa an cư mùa hạ. Gyaltsab Rinpoche đang chủ trì một nghi lễ trong ngôi chùa chính, nhưng Đức Jamyang Khyentse háo hức được diện kiếnđạo sư đến mức thay vì gửi lời nhắn và chờ được diện kiến chính thức, Ngài đi thẳng vào trong. Khi Ngài vào trong, đại chúng đang trì tụng lời cầu nguyện vì sự hoằng dương giáo lý của Tổ Chokgyur Lingpa[27] được biết đến là Mười Phương Bốn Thời[28] và chư vị vừa đến dòng: “Cầu mong tất cả những đạo sư tôn quý, sự huy hoàng của giáo lý, tràn khắp mọi nơi như bầu trời”. Chư vị yêu cầu Ngài đến thẳng nơi cư ngụ của đạo sư và sau đó, Gyaltsab Rinpoche rời khỏi và lên cùng Ngài. Gyaltsab Rinpoche nói với Ngài rằng thật cát tường làm sao khi Ngài đến vào khoảnh khắc đó trong thời khóa thực hành và liên tục lặp lại hai dòng này từ lời cầu nguyện trong lúc đỉnh lễ Đức Jamyang Khyentse.

Sau đó, họ đi lên vùng nhập thất phía trên Shechen và dựng một trại cốt-tông nhỏ. Shechen Gyaltsab Rinpoche ban cho Ngài Trích Yếu Nghi Quỹ (Drubtab Kuntu)[29], Nyingtik Yabshyi, Damngak Dzod cùng những quán đỉnh khác. Dilgo Khyentse Rinpoche[30] cũng được thỉnh mời đến Tu viện Shechen vào thời điểm đó và được tấn phong bởi Shechen Gyaltsab Rinpoche trong phòng của Ngài.

Shechen Gyaltsab Rinpoche và Kathok Situ Rinpoche đều nhiều lần nhấn mạnh rằng để giáo lý tồn tạidài lâu trong tương lai, cả việc nghiên cứu và thực hành đều cần được thiết lập tỉ mỉ. Hai vị nói rằng không có nghiên cứu và thực hành, những giáo lý sẽ chết. Tuân theo lời khuyên của hai vị, Đức Jamyang Khyentse quyết định thành lập một trung tâm nghiên cứu (Shedra[31]) để làm lợi lạc giáo lý và giúp đảm bảo sự ổn định của Giáo Pháp trong tương lai.

Vào khoảng thời gian này, vua Derge, Tsewang Dudul, đang đăng quang ở Derge Gonchen và những đạo sư cao cấp nhất trong vùng đều được mời tham dự nghi lễ. Đức Jamyang Khyentse đến đó và Shenga Rinpoche[32], vị Khenpo vĩ đại, cũng ở đó. Khenpo Shenga vốn đang giảng dạy tại Palpung Shedra nhưng một vấn đề nhỏ xảy ra và vì thế, Ngài đã đến Derge. Khi hạnh ngộ Khenpo Shenga, Đức Jamyang Khyentse nói rằng, “Con đang nghĩ đến việc thành lập một Shedra tại Tu viện Dzongsar ở Kham-je và con sẽ cần một Khenpo. Liệu Ngài có thể đến?”. Trong một lúc, Khenpo Shenga không đáp lại điều gì. Sau đấy, Ngài nói, “Được thôi. Điều đó sẽ cực kỳ lợi lạc. Ta chắc chắn sẽ đến”. Về sau trong đời, Jamyang Khyentse Rinpoche ngẫm nghĩ lại điều này và nói rằng chẳng có điều gì khác trong đờiNgài cát tường như thế.

Sau khi Ngài trở về Dzongsar, vào ngày Mười lăm Âm lịch, công việc bắt đầu với khu nhà tu sĩ và ngôi chùa ở Kham-je, bằng việc tu bổ Chùa Ba Gia Đình Phật (Riksum Lhakhang), nơi vốn được thiết lập bởi Tổ Jamyang Khyentse Wangpo. Trong lúc đó, Khyentse Labrang khá nghèo. Họ không có gì có thể bán ngoài vài túi ngũ cốc, những thùng trà và muối. Dĩ nhiên, họ có những bức tượng và các đại diện về thân, khẩu và ý giác ngộ, nhưng chúng không phải là hàng hóa để buôn bán. Điều đó nghĩa là khi họ bắt đầu công việc chuẩn bị nền móng và v.v. Jamyang Khyentse Rinpoche đã du hành đến vùng Horkhok để gây quỹ.

Trong những chuyến đi, Ngài viếng thăm ngôi nhà của gia đình Lakar, nơi một vị Terton vĩ đại tên là Ati Terton đang sống và trì tụng những lời cầu nguyện cho gia đình. Theo lời thỉnh cầu của gia đình Lakar, Đức Jamyang Khyentse lưu lại và tiến hành các thực hành trong ba ngày. Ngài cử hành nghi lễ chiêu tài (yanguk) và ban quán đỉnh trường thọ Chime Pakme Nyingtik[33]. Khi Ngài đang ban quán đỉnh, Ati Terton cũng đến thọ nhận. Lúc ấy, Ati Terton không nổi tiếng như sau này. Khi quán đỉnh trường thọ kết thúc và mọi người đang ngồi yên lặng, Ati Terton đứng dậy và bắt đầu nói một cách tự nhiên. Ngài nói, “Hôm nay thật cát tườngChúng ta thật may mắn khi được thọ nhận quán đỉnh trường thọ Chime Pakme Nyingtik từ chính hóa thân của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo”. Nói vậy, Ngài chạm vào đầu của hai cô gái nhỏ, Tsering Chodron[34] và Tsering Wangmo[35], những vị khi ấy còn rất nhỏ, và bảo rằng, “Sau này, khi Đức Jamyang Khyentse trở thành một Trì Minh Vương vĩ đại, hai cô gái này sẽ trở thànhmột phần trong đoàn tùy tùng Không Hành Nữ của Ngài và lúc đó, thậm chí Ta cũng có thể có phước báu được phụng sự đôi chút. Mọi chuyện thật cát tường”. Đức Jamyang Khyentse hoàn toàn sửng sốttrước điều này. Ngài hỏi, “Người này đang nói gì vậy? Ta chưa từng nghe điều gì như thế!”. Nhưng nhiều năm về sau khi nhìn lại, Ngài nói, “Vị Terton này chắc hẳn thực sự biết điều gì đó”.

Dần dần, Dzongsar Kham-je Shedra được hoàn thành và Shenga Rinpoche trở thành vị đầu tiên trong hàng ngũ những vị Khenpo.

Nhiều Tu viện Sakya ở miền Đông Tây Tạng có truyền thống viếng thăm các Tổ đình ở trung tâm Tây Tạng. Trong trường hợp Tu viện Dzongsar, điều này nghĩa là đến Tu viện Ngor[36]. Vì thế, tuân theophong tục này, khoảng hai mươi tư tuổi, Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro đến trung tâm Tây Tạngvà viếng thăm nhiều thánh địa trong vùng cùng với một nhóm thị giả nhỏ.

Khi Ngài đến Tu viện Ngor vĩ đại, như một môn đồ của nhánh Thartse, Ngài sống tại nơi cư ngụ của Thartse Shapdrung và trong lúc ở đó, Ngài thọ nhận các giáo lý Lamdre Tsokshe[37]. Giống như người tiền nhiệm – Tổ Jamyang Khyentse Wangpo, vị thù thắng nhất trong những hành giả Mật thừa – một Tỳ Kheo Kim Cương Trì – Ngài đã đến Tu viện Orgyen Mindrolling[38] để thọ nhận đại giới từ Khenpo Ngawang Thupten Norbu.

Khi đến Lhasa, Ngài diện kiến Đức Dalai Lama thứ mười ba – Thubten Gyatso[39] và vị nhiếp chính, và viếng thăm ba địa điểm hành hương linh thiêng gồm Samye, Jokhang và Tramdruk, trong suốt quá trình đều dâng cúng dường lớn lao. Ngài hai mươi tư tuổi khi đến trung tâm Tây Tạng, hai mươi lăm khi thọ giới Tỳ Kheo và vì thế, Ngài chắc hẳn khoảng hai mươi sáu khi trở về miền Đông Tây Tạng.

Trên đường trở về, Ngài đi qua Chamdo, nơi đạo sư vô cùng vĩ đại và thành tựu, Chamdo Pakpa đời trước, thỉnh mời Ngài đến Jampa Ling để ban một chuỗi quán đỉnh. Dẫu cho Chamdo Pakpa là một đạo sư cao cấp của trường phái Gelukpa, ông ấy đã đến thọ nhận các quán đỉnh. Trong bài diễn thuyếttrước đám đông dân chúng trong vùng, Chamdo Pakpa tuyên bố rằng, “Hiện nay, trên khắp Tây Tạng, không có vị đạo sư nào vĩ đại hơn Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro”. Vài vị Geshe bảo thủ ngang bướng hơn hoàn toàn xúc động khi nghe tuyên bố như vậy từ Chamdo Pakpa vĩ đại và rớt nước mắt sùng kính. Những đại diện của chính quyền trong vùng cũng thỉnh cầu Đức Jamyang Khyentse cử hànhcác thực hành nhất định để xua tan chướng ngại ở đó.

Ngài cũng đi qua hai trụ xứ của những hóa thân của Tổ Chokgyur Dechen Lingpa, các Tu viện Neten và Kela. Từ Neten Chokling Rinpoche thứ hai – Ngedon Drubpe Dorje[40], một đệ tử của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo, Ngài thọ nhận nhiều quán đỉnhbao gồm Dzogchen De Sum và Tukdrup Barche Kunsel. Trong lúc Ngài ở đó, Neten Rinpoche Ngedon Drubpe Dorje đã cúng dường Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro thị giả của chính mình, tên là Tsering Wangyal, người hiện nay 92 tuổi, vẫn còn sống ở Kham, nhưng khi ấy mới chỉ mười ba. Cậu bé không thể đi cùng Đức Jamyang Khyentse ngay tức thì bởi mẹ cậu bé không muốn, nhưng cậu bé đã đến Derge vài năm sau đó và phục vụ Đức Jamyang Khyentse từ đó trở về sau, đến mức hiện nay, ông ấy là một người rất nổi tiếng và đáng kính ở Kham.

Sau đấy, Ngài đến Kela, trụ xứ của hóa thân khác của Tổ Chokgyur Lingpa – Kela Chokling Konchok Gyurme Tenpe Gyaltsen[41]; từ vị này, Ngài thọ nhận Rigdzin Sokdrup của Tổ Lhatsun Namkha Jigme, Tukdrup Sampa Lhundrup cùng nhiều trao truyền khác.

Trên đường về Derge, Ngài nghe tin rằng Kathok Situ Rinpoche đã viên tịch. Khi nghe vậy, Đức Jamyang Khyentse cầu nguyện nhiều lần và hợp nhất tâm Ngài với tâm đạo sư. Nhờ điều này, Situ Rinpoche thực sự xuất hiện và trong nhiều ngày, đã trao mọi chỉ dẫn cuối cùng và lời khuyên chưa hoàn tất. Trong vài năm sau đó, Ngài có nhiều linh kiến vào ban ngày và những giấc mơ vào ban đêm, trong đó, Situ Rinpoche xuất hiện và trao lời khuyên. Điều này được viết rõ ràng trong tự truyện của Đức Jamyang Khyentse. Ngài nói rằng họ có thể trao đổi bất cứ khi nào Ngài muốn – đây là một dấu hiệu không nghi ngờ rằng tâm trí tuệ của hai vị đã hòa nhập không thể tách rời.

Khi trở về Dzongsar, Ngài gửi lời nhắn thông báo với Shechen Gyaltsab Rinpoche rằng đã đến nơi an toàn và thưa rằng chuyến đi đến trung tâm Tây Tạng đã kết thúc thành côngĐáp lại, Gyaltsab Rinpoche gửi thư, nói rằng, “Kathok Situ Rinpoche đã viên tịch và Ta cũng rất già và sắp chết. Những giáo lý Nyingma có nguy cơ phai mờ, như ngọn đèn sắp cạn dầu. Bây giờ con phải chịu trách nhiệmchăm lo những giáo lý này với tất cả lòng bi mẫn vô song”. Thực sự, trong năm 1926 đó, không ít hơn bảy đạo sư vĩ đại đã viên tịchbao gồm Đức Karmapa Khakyab Dorje[42], Kathok Situ Rinpoche, Shechen Gyaltsab Rinpoche và Dodrupchen Jigme Tenpei Nyima[43].

Khi Shechen Gyaltsab Rinpoche viên tịch, Đức Jamyang Khyentse được cung thỉnh đến Shechen để cử hành các nghi lễ Gong-dzok (hoàn thành những ý định) và xây dựng một ngôi mộ tháp. Ngài dành đêm đầu tiên trong hành trình ở nơi gọi là Pawok, nơi Ngài có linh kiến rõ ràng về thân trí tuệ của Gyaltsab Rinpoche, vị ban cho Ngài toàn bộ trao truyền các quán đỉnh và chỉ dẫn từ Kho Tàng Terma Quý Báu và ban nhiều lời khuyên. Trong cùng linh kiến đó, Ngài thấy rất rõ ràng tất cả chi tiết về nơi mà vị tái sinh sẽ chào đờibao gồm các chi tiết về ngôi nhà, cùng với những cờ cầu nguyện đặc biệt của nó và v.v. Khi đến Shechen, Ngài cử hành thành công mọi thực hành nghi lễ.

Một thời gian trước hành trình của Ngài đến trung tâm Tây Tạng, khi mà có đôi chút xung đột ở Dzongsar giữa các nhóm của những vị tái sinh Khyentse khác nhau, Kathok Situ Rinpoche đã đến và nói với Đức Jamyang Khyentse rằng, “Có lẽ con không nên ở đây. Ta nghĩ rằng tốt hơn nếu con trở vềKathok”. Tulku Lodro, như Ngài được biết khi ấy, xem xét điều này một chút trước khi nói rằng, “Trong suốt cuộc đời con cho đến lúc này, con chưa làm điều gì ngược với những mong ước của thầy, nhưng bởi vấn đề này quan trọng đến mức con đã phải thực sự suy nghĩ về nó.  Khi con mới đến Dzongsar, chính thầy là người đã thiết lập con ở đây. Bây giờ, con đã ở đây một thời gian, nhưng sẽ là không đúng nếu con từ bỏ vị trí của mình ở đây chỉ vì một chuyện nhỏ như vậy. Con cần ở lại và làm tất cả những gì có thể để phục vụ Tu viện. Khi thầy vẫn còn ở Tu viện Kathok, chẳng điều gì con có thể làm ở đó mà thầy không thể tự mình làm tốt hơn; nhưng trong trường hợp thầy không thể ở lại đó vì lý do nào đấy, con hứa sẽ trở về trong mười lăm năm tròn và làm mọi điều có thể để phụng sự Tu viện”. Kathok Situ Rinpoche hoàn toàn kinh ngạc trước điều này. Ngài chẳng thể cất lời trong một lúc, rồi rớt nước mắt, Ngài nói, “Ta già hơn con và Ta đáng lẽ phải biết nhiều hơn con. Nhưng với điều mà con vừa nói, con đã chứng tỏ rằng con thông tuệ hơn Ta. Con không thể nào có quyết định tốt hơn thế”.

Vì thế, lúc này, Đức Jamyang Khyentse quay về Kathok. Tại đó, Ngài hoàn thành việc xây dựng Chùa Mahamuni, với bức tượng Phật lớn, mà chính Đức Kathok Situ đã bắt đầu, cũng như một mô hình cõi Zangdok Palri[44] ba tầng của Guru Rinpche từ đồng mạ vàng và Ngài giám sát việc làm khoảng hai nghìn bức tranh cuộn [thangka]. Ngài thỉnh mời Khenpo Ngakchung[45] đến Phật học viện. Nói ngắn gọn, trong mười lăm năm, Ngài đã nỗ lực để phụng sự Tu viện Kathok và hoàn thành tầm nhìn của đạo sư. Sau khi Đức Kathok Situ viên tịch, việc giữ gìn giới luật tu sĩ ở Kathok đã suy giảm và thật khó để giám sát tất cả những ngôi nhà trong Tu việnvì vậy, Đức Jamyang Khyentse đã bổ nhiệm Khenpo Kunpal[46], đệ tử của Mipham Rinpoche[47], cùng với Khenpo Jorden và Khenpo Nuden chịu trách nhiệm và họ đã thiết lập giới luật vô cùng nghiêm ngặt.

Tu viện Kathok là một trụ xứ vĩ đại với lịch sử gần một nghìn năm cùng vô vàn những vật phẩm linh thiêng và các đại diện về thân, khẩu và ý. Bởi thế, Đức Jamyang Khyentse cảm thấy rằng họ cần phảikết tập một danh sách tất cả những vật quý báu của Tu viện. Có nhiều thứ đến mức chỉ việc ghi chép danh sách tất cả những gì có trong một phòng cũng tốn ba tháng tròn.

Lúc này, Ngài thường chỉ dành vài tháng mỗi năm ở Dzongsar và gần như sống tại Kathok. Ở Kathok, Ngài rất nghiêm khắc và phạt mọi người rất nặng nếu vi phạm các quy tắc. Ở Bir [Ấn Độ] ngày nay có một ông lão tên là Drupa Rikgyal, người vốn là một tu sĩ ở Kathok lúc đó. Ông ấy kể rằng dù cho chúng ta đều biết rằng Đức Jamyang Khyentse là một trong những Bồ Tát vĩ đại nhất trên đời, tại Kathok, Ngài phẫn nộ đến mức Ngài đáng sợ như Yama, Tử Thần. Ông ấy nói với tôi rằng bất cứ khi nào họ nghe tinrằng Tulku Lodro sắp đến từ Horkhok, cả thung lũng sẽ rùng mình sợ hãi.

Khi vị tái sinh của Kathok Situ Rinpoche được công nhận bởi Dzogchen Rinpoche thứ năm – Thubten Chokyi Dorje, đúng với những linh kiến của chính Đức Jamyang Khyentse, Khyentse Rinpoche và Khenpo Ngakchung đã cử hành các nghi lễ tỉ mỉ để tấn phong. Lúc ấy, bởi sự chăm sóc lớn lao của Khyentse Rinpoche dành cho Tu viện và cũng bởi Khenpo Ngakchung đang giảng dạy và chịu trách nhiệm cho những nghiên cứu, họ đã sản sinh ra vô số học giả uyên bác.

Vào đêm trước lễ tấn phong, một vị Khenpo tên là Jamyang Lodro được Khyentse Rinpoche và Khenpo Ngakchung bảo rằng ông ấy cần phải nói về chủ đề Trí Tuệ Ba La Mật vào hôm sau trong buổi lễViễn cảnh phải nói trước sự hiện diện của hai đạo sư vĩ đại này đã đủ phiến ông ấy quá đỗi lo sợ. Ông ấy thức trắng đêm, băn khoăn xem ông ấy sẽ nói gì, nhưng chẳng ý nghĩ nào lóe ra. Trước lúc mặt trờimọc, ông ấy bị thôi thúc mạnh mẽ phải chạy trốn, nhưng quyết định rằng đó không phải là một lựa chọn.

Khi vào chùa, ông ấy thấy những bậc trì giữ Pháp tòa của Kathok, chẳng hạn Drime Shingkyong Gonpo và vị tái sinh của Getse Mahapandita, cũng như Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro và Khenpo Ngakchung, và vị tái sinh của Situ Rinpoche đang an tọa trên tòa. Đức Jamyang Khyentse bảo rằng, “Ngài vô cùng uyên bác về các bản văn, nhưng Ngài chẳng có tiền, vì thế không thể mua những bộ y đắt tiền. Hôm nay, để tạo ra kết nối cát tường thích hợp, Ta sẽ cho Ngài mượn bộ y của Ta”. Jamyang Lodro nhận bộ y và ngồi xuống, nhưng ông ấy không còn biết cách thức hay nơi mà ông ấy ngồi.

Sau đấy, khi một bữa tiệc được dâng lên với mọi kiểu bát đẹp đẽ chứa đầy cao lương mỹ vị, đã đến lúc ông ấy phải nói. Tâm ông ấy hoàn toàn trống rỗng, nhưng ông ấy tụng nhiều lời cầu nguyện đến bậc thầy và đắp bộ y đã được trao cho. Khi đứng dậy để nói, ông ấy thấy rằng mọi sợ hãi đã biến mất. Ông ấy lạy ba lần và nhắm mắt, ông ấy bắt đầu bài diễn thuyết bằng sự kính lễ. Khi nói, ông ấy chẳng nghĩ đến thời gian, mà chỉ tập trung hoàn toàn vào điều đang nói. Ông ấy được bảo phải nói khá chi tiết, vì thế, đã ban một giáo lý chi tiết nhất có thể. Cuối cùng, một trong những thị giả của Đức Jamyang Khyentse tên là Jamdra đến chỗ ông ấy và nói rằng đã đến lúc phải dừng. Họ trao cho ông ấy một chiếc khăn rất dài. Khi mở mắt và nhìn lên, ông ấy thấy rằng trời đã tối và những vì sao đang chiếu sáng. Ông ấy đã bắt đầu vào buổi sáng, ngay sau khi mặt trời mọc!

Khi Đức Jamyang Khyentse, vị tái sinh của Situ Rinpoche và Khenpo Ngakchung trở về phòng, họ đều đồng ý rằng những giáo lý về Trí Tuệ Bát Nhã thật tuyệt vời. Họ nói rằng đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tất cả công việc họ đã làm cho Tu viện Kathok là một thành côngCho đến khi Hồng Quân Trung Quốcphá hủy Tu viện, Đức Jamyang Khyentse đã tiếp tục giám sát việc điều hành Tu viện Kathok.

Những dòng truyền thừa của Lamdre Tsokshe được giữ gìn bởi Tu viện Ngor, nhưng Đức Jamyang Khyentse vẫn muốn thọ nhận các truyền thừa đặc biệt về Lamdre Lopshe đến từ Tổ Jamyang Khyentse Wangpo. Vị đứng đầu giữa tất cả những bậc trì giữ truyền thừa khẩu truyền đặc biệt này là Ngài Gaton Ngawang Lekpa[48]. Vì thế, mặc dù Đức Jamyang Khyentse đã gặp Ngài ở Gakhok, Ngài được thỉnh mời đặc biệt đến Dzongsar, nơi Ngài trao truyền những giáo lý Lamdre Lopshe với “bốn sự chân chính[49]”.

Trong quá khứ, Ngài Gaton Ngawang Lekpa đã đến Tu viện Dzongsar với ý định thọ nhận trao truyền Lamdre Lopshe này từ Tổ Jamyang Khyentse Wangpo, nhưng bị buộc phải chờ đợi trong nhiều năm. Trong thời gian đó, Ngài bị thờ ơ và thậm chí bị xem là không thích hợp để gia nhập đại chúngChư Tăng Dzongsar và dân chúng thung lũng ấy trêu chọc Ngài là Gambema, điều nghĩa là thứ gì đó giống như ‘lang thang lêu lổng’, bởi Ngài trông rách rưới và quần áo thì sờn rách tả tơi. Khi Ngài được mời trở về Dzongsar để trao lại những giáo lý này cho Đức Jamyang Khyentse, dân chúng nói rằng, “Ngày nay, dường như ai đó giống như Gambema cũng được gọi là ‘Jamgon Rinpoche’ và được đối xử như một bậc quyền cao chức trọng vĩ đại”.

Khi Ngài Ngawang Lekpa đang lưu lại Dzongsar lần đầu tiên, Tổ Jamgon Kongtrul Lodro Thaye đã viếng thăm Đức Jamyang Khyentse Wangpo. Tất cả tu sĩ và Lama đều xếp hàng để cung nghênh Tổ Jamgon Kongtrul, vị rất già khi ấy và phải đi bộ rất chậm với sự giúp đỡ của hai thị giả. Khi Tổ đến chỗ mà Gambema đứng trong đám đông, Ngài nghỉ một chút và lúc đứng đó, Ngài nhìn chằm chằm lên trời và sau đó khạc ra ít đờm và nhổ xuống đất. Gambema lập tức nhảy lên, dùng tay lấy chỗ đờm và ăn nó. Trong khoảnh khắc ấy, Ngài trải qua một sự chứng ngộ về trạng thái tự nhiên bao la như chính hư không. Điều đó nghĩa là Ngài, về một mặt nào đó, là đệ tử của cả Tổ Jamyang Khyentse Wangpo và Tổ Jamgon Kongtrul. Về sau, Ngài trở thành vị đạo sư vĩ đại nhất còn trụ thế trong truyền thống Sakya, người mà với sự kính trọng lớn lao dành cho những giáo lý Sakya, đã phục vụ truyền thống một cách to lớn.

Lama Jamyang Gyaltsen[50] từ vùng Gakhok, vị đạo sư vô cùng uyên bác và thành tựu, một tu sĩ rất nghiêm cẩn, cũng là một đệ tử của Ngài Ngawang Lekpa. Một lần, Ngawang Lekpa Rinpoche đi quanh các phòng của tất cả đệ tử và mở hộp Torma của họ để xem họ đang thực hành điều gì. Khi Ngài đến phòng của Jamyang Gyaltsen, Ngài thấy những Torma cho Lama, Yidam và Khandro [Tam Gốc] của Longchen Nyingtik. Khi thấy vậy, Ngài tự nhủ: “Jamyang Gyaltsen vô cùng uyên bác. Ta đã tưởng rằng ông ấy sẽ tiếp tục giữ gìn truyền thống Sakya thanh tịnh và đóng góp lớn lao cho sự phát triển của nó trong tương lai. Bây giờ, thậm chí ông ấy cũng đang thực hành Nyingtik! Dường như hầu hết những bậc trì giữ truyền thừa uyên bác và thành tựu ở Sakya đều đang trở thành các môn đồ của trường phái Nyingma. Truyền thống Nyingma đang trở nên nổi tiếng như mặt trời và trăng trong khi Sakya chắc chắnsẽ lu mờ”. Ngài lo lắng trước tình thế này đến mức chẳng thể ngủ được.

Sau đó, Lama Jamyang Gyaltsen đến Dzongsar, gặp gỡ Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro và Ngài Ponlop Loter Wangpo và hỏi hai vị điều gì mà ông ấy có thể làm để thúc đẩy truyền thống Sakya. Ngài Loter Wangpo và Đức Jamyang Khyentse đều nói rằng, “Nếu ông thực sự muốn đóng góp cho trường phái Sakya, ông phải xuất bản những tác phẩm được tuyển tập của Tổ Gorampa”[51]. Bởi chính quyền Tây Tạng từ lâu đã cấm việc in ấn những trước tác của Tổ Gorampa, Lama Jamyang Gyaltsen phải dành nhiều năm tìm kiếm khắp trung tâm Tây Tạng trước khi ông ấy tìm được tất cả những bản văn và sẵn sàng để đem chúng về Kham. Ông ấy chất tất cả những cuốn sách vào một cái bao và buộc vào lưng của một con la rồi bắt đầu lên đường. Khi đến vùng Derge, ông ấy phải đi qua một cây cầu hẹp bắc qua sông Drichu[52], nhưng khi ông ấy làm thế, con la trượt chân ngã và bao đựng sách cũng rơi xuống. Thấy vậy, Lama Jamyang Gyaltsen quẫn trí. Ông ấy cất tiếng gọi Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro, Panjaranatha và Mahakala Bốn Tay và đắp y, đội mũ [nghi lễ] rồi cầu khẩn chư vị. Khi ông ấy làm thế, một cách diệu kỳ, con la qua bờ bên kia.

Khi họ bắt đầu công việc xuất bản những tác phẩm của Tổ Gorampa, nhiều chướng ngại khởi lên; vì thế, Đức Jamyang Khyentse, Lama Jamyang Gyaltsen cùng tập hội 108 tu sĩ đã vân tập vào ngày Hai mươi lăm trong tháng trong ngôi chùa của chư Hộ Pháp Namgyal tại Tu viện Dzingkhok để cử hànhhàng trăm nghìn cúng dường viên thành dâng lên Hộ Pháp Panjaranatha. Khi mọi người nhìn từ xa, ngôi chùa như thể đang bốc cháy và nhiều người cưỡi ngựa đến xem điều gì đang xảy ra. Cuối thực hành, mọi chướng ngại đều được vượt qua. Các bạn cần biết rằng sự thật rằng các tác phẩm được tuyển tập của Tổ Gorampa ngày nay được phổ biến hoàn toàn nhờ lòng từ của Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro.

Điện thờ Hộ Pháp Dzing Namgyal Gonkhang vốn được thiết lập bởi Tổ Chogyal Pakpa[53] trên đường đến Trung Quốc và được xem là vô cùng linh thiêng. Theo thời gian, nó hơi đổ nát; vì vậy, Đức Jamyang Khyentse quyết định tiến hành tu bổ. Khi những sự trùng tu hoàn tất, Ngài đến cử hành lễ Rabne thánh hóa cùng với khoảng hai mươi tu sĩ. Khi đến phần thực hành tiêu trừ những kẻ gây chướng, lúc vị Chopon[54] đang cúng dường hương trầm trước bức tượng, Đức Jamyang Khyentse hướng tâm trí tuệ và bức tượng Mahakala – thứ cao khoảng hai tầng – được thấy là đang rung lắc. Vị thầy nghi lễ, người đứng trước bức tượng với hương, nghĩ rằng có một trận động đất, chạy đi và nhảy qua một cửa sổ.

Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro có một kết nối rất đặc biệt với hình tướng trí tuệ của Mahakala được biết đến là Panjaranatha (Gurgyi Gonpo)[55], vị xuất hiện trước Ngài trong các linh kiến trong suốtcuộc đời, ban những tiên tribảo vệ khỏi các chướng ngại và v.v.

Trong một Tu viện gọi là Dra Gon, nằm ở phía sau Derge Gonchen, có một trung tâm nhập thất cho truyền thừa khẩu truyền Sakya, nơi đã đổ nát, nhưng Đức Jamyang Khyentse đã dùng tiền của mình, cùng với một sự đóng góp từ vua Derge, để tài trợ việc tái thiết. Từ đó trở đi, cho đến khi bị phá hủy vào thập niên 1950, nó trở thành một trung tâm thực hành quan trọng.

Vài năm trước đó, Đức Jamyang Khyentse đã thấy rằng hoạt động của Ngài sẽ trở nên bao la và danh tiếng của Ngài sẽ lan khắp Tây Tạng đến nhường nào và Ngài nhận ra rằng Ngài cần ai đó giúp đỡ trong tất cả những dự án khác nhau. Vì vậy, cháu trai của chính Ngài – Tsewang Paljor[56] – được lựa chọn trở thành thư ký và người giúp đỡ cá nhân của Ngài khi chỉ mới mười ba tuổi.

Trong quá trình tu bổ trung tâm nhập thất ở Dra Gon, họ gặp phải rất nhiều chướng ngại. Khi Đức Jamyang Khyentse đến địa điểm, Ngài thấy rằng điều này là bởi sự hiện diện của một ngôi đền cho vị bảo vệ Shugden. Bởi thế, ngày nọ, Đức Jamyang Khyentse hiển bày hình tướng phẫn nộ và trục xuất Shugden khỏi ngôi đền ở Derge Gonchen. Có nhiều câu chuyện lạ kỳ có thể được kể vào thời điểm này về Đức Jamyang Khyentse và Shugden, nhưng tôi không cảm thấy điều đó thích hợp.

Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro thấy rằng Ngài có năm vị Bổn Sư chính yếu. Trong tất cả, vị đã giới thiệu Ngài với trạng thái tự nhiên của tâm – người mà lòng từ vì thế vượt trội tất cả những vị khác là Kim Cương Trì Loter Wangpo. Ngài Loter Wangpo thấp và phúng phính đến mức khi ban các quán đỉnh, Ngài không thể tiến hành vài thủ ấn với chuông và chày và khi ngồi trên tòa, Ngài không thể ngồi bắt chéo chân. Những vị với niềm tin và lòng sùng mộ thấy Ngài là Mahakala. Vị Bổn Sư thứ hai của Ngài là Kathok Situ Rinpoche Chokyi Gyatso. Vị thứ ba là Shechen Gyaltsab Rinpoche – Gyurme Pema Namgyal. Vị thứ tư là Dodrupchen Jigme Tenpe Nyima.

Khi Đức Jamyang Khyentse đến Dodrup Gar, Dodrup Rinpoche trước đó đã phát nguyện không bao giờ rời ẩn thất và không thốt một từ ngữ bình phàm với bất kỳ ai trong phần đời còn lại. Lúc Đức Jamyang Khyentse đến, có một đoàn cung nghênh rất hoành tráng và Dodrup Rinpoche đích thân ra trước cửa ẩn thất cùng với hai thị giả. Khi họ vào trong và ngồi xuống, sau một sự tạm ngừng khá lâu, Dodrup Rinpoche nói, “Con có mệt không?”. Đây là những lời bình phàm duy nhất mà Ngài thốt ra trong phần sau của cuộc đời.

Sau đó, Đức Jamyang Khyentse thọ nhận nhiều quán đỉnh và giáo lý Nyingtik. Đặc biệt trong [quán đỉnh] Rigdzin Dupa, Dodrup Rinpoche trao cho Ngài mật danh Pema Yeshe Dorje, điều được xem là dấu hiệu cho thấy Ngài không chỉ là hóa thân của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo mà còn của Tổ Do Khyentse Yeshe Dorje[57].

Lúc ấy, Đức Jamyang Khyentse cũng viếng thăm vị Terton lừng danh là Terton Sogyal[58], nhưng danh hiệu Terma của Ngài là Lerab Lingpa. Ngài đã thọ nhận tất cả quán đỉnh và khẩu truyền cho những phát lộ Terma của Lerab Lingpa mà Ngài có thể. Khi đó, Đức Lerab Lingpa khá ốm và để phục hồi, Ngài yêu cầu rằng thần chú trăm âm của Đức Kim Cương Tát Đỏa cần được trì tụng càng nhiều càng tốt ở Tu viện Dzongsar. Người ta ghi lại rằng khi điều này được hoàn thành, căn bệnh của Ngài biến mất và sức khỏe của Ngài được cải thiện rất nhiều. Thậm chí sau khi Lerab Lingpa viên tịch, Ngài vẫn xuất hiệntrước Đức Jamyang Khyentse vào nhiều dịp trong thân trí tuệ và ban tất cả những quán đỉnh còn lại mà trước kia chưa thể ban.

Từ Adzom Drukpa Rinpoche Natsok Rangdrol, Ngài thọ nhận các quán đỉnh và trao truyền cho Nyingtik Yabshyi cùng nhiều pho khác và tâm của hai vị hòa làm một. Cùng với Gyarong Tulku, Ngài thọ nhận những giáo lý về Yeshe Lama, quán đỉnh sức mạnh mãnh liệt của giác tính thanh tịnh (Rigpe Tsalwang) và quán đỉnh trường thọ Konchok Chidu từ Dzogchen Rinpoche thứ năm – Thubten Chokyi Dorje. Như tôi đã nói trước đó, Đức Jamyang Khyentse cũng thọ nhận vô số quán đỉnh từ chính cha của Ngài. Ngài thọ nhận khẩu truyền cho nhiều tác phẩm của Tổ Gorampa từ Lama Jamyang Gyaltsen. Vị thầy mà Ngài thọ nhận hầu hết sự đào tạo mang tính học thuật, về Trung Quán, các bộ luận của Đức Di Lặc và những khía cạnh khác của triết học Phật giáo, là Khenpo Kunpal. Từ Tulku Tashi Paljor, thường được biết đến hơn là Dilgo Khyentse Rinpoche – vị với Ngài là một về tâm trí tuệ – Ngài thọ nhận các quán đỉnh và khẩu truyền Kho Tàng Giáo Lý Mật Chú Kagyu (Kagyu Ngak-dzod) và nhiều Terma sâu xa của chính Dilgo Khyentse Rinpoche. Từ Chatral Rinpoche Sangye Dorje, vị hiện nay vẫn còn trụ thế[59], Ngài thọ nhận trao truyền những giáo lý Terma của Sera Khandro[60].

Thực sự, Ngài đã chuẩn bị để thọ nhận những trao truyền từ bất kỳ ai nắm giữ một truyền thừa không gián đoạn, thứ không bị vấy bẩn bởi những sự vi phạm thệ nguyện Samaya, chẳng hề bận tâm về thứ bậc hay danh tiếng. Nếu bạn đọc danh sách những vị thầy mà Ngài đã thọ nhận các quán đỉnh và khẩu truyền cũng như luận giải về các bản văn, thậm chí danh sách ngắn gọn trong tự truyện bằng thi kệ của Ngài, nó cũng sẽ làm bạn sửng sốt. Điều này chưa bao gồm tất cả những trao truyền mà Ngài thọ nhận. Thật ra, danh sách trọn vẹn về tất cả những gì Ngài đã thọ nhận tạo thành ba quyển[61].

Nếu chúng ta xem xét những đóng góp của Ngài trong việc giữ gìn truyền thống nghiên cứu, Ngài đã thiết lập Kham-je Shedra ở Dzongsar. Nhờ lòng từ lớn lao của Ngài trong việc thành lập Phật học việnnày, nhiều vị Khenpo vĩ đại đã và đang xuất hiện thậm chí cho đến ngày nay; một vài vị nằm trong số những đạo sư uyên bác nhất của Tây Tạng. Từ vị Khenpo đầu tiên, Khenpo Shenga vĩ đại, cho đếnKhenpo Kunga Wangchuk, vị hiện là người đứng đầu Học viện Dzongsar ở Ấn Độ[62], có mười ba vị Khenpo. Trong số những vị từng đến học tại Shedra có Khenpo Ape vĩ đại, Khenpo Rinchen[63], Khenpo Pedam[64] ở Tây Tạng và Dhongthog Tulku[65], vị đang sống ở Seattle. Thậm chí Namkhai Norbu Rinpoche[66], người ngày nay rất nổi tiếng ở phương Tây, cũng đã nghiên cứu ở Kham-je Shedra một thời gian. Những vị Khenpo đã tốt nghiệp từ Kham-je cũng đã thiết lập nhiều trung tâmnghiên cứu của riêng mình trên khắp Tây Tạng. Không những thế, Ngài cũng thành lập Gyude Shedra vĩ đại ở Kathok, điều đem đến lợi lạc lớn lao cho giáo lý.

Ở Karmo Taktsang, Ngài đã thành lập một trung tâm nhập thất vĩ đại để thực hành những chỉ dẫn trọng yếu từ tám cỗ xe lớn của truyền thừa thực hành và đặc biệt để thực hành những phát lộ Terma của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo và Tổ Jamgon Kongtrul. Rất nhiều trong số các đạo sư nhập thất trước kia, những vị đã thực hành ở đó, vẫn còn sống. Nhờ việc tu bổ trung tâm nhập thất ở Dra Gon, Ngài đảm bảo rằng truyền thừa thực hành Sakya Nyengyu vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Nếu chúng ta xem xét những bức tượng và tranh mà Ngài đã cho làm, có bức tượng Di Lặc vĩ đại ở Kham-je, mà chỉ khuôn mặt thôi đã gấp mười ba lần chiều dài bàn tay của Đức Jamyang Khyentse. Shakabpa viết trong [cuốn sách về] lịch sử Tây Tạng nổi tiếng của ông ấy rằng, đây là bức tượng Phậtbằng đồng và vàng lớn nhất ở miền Đông Tây Tạng. Ngài cũng thiết lập ngôi chùa Tse Lhakhang. Nếu chúng ta cố gắng liệt kê tất cả những bảo tháp mà Ngài đã xây dựng, các bức tượng và tranh ThangkaNgài đã cho làm, hay các cuốn sách Ngài đã xuất bản và in ấn, chúng ta sẽ không thể nào tính đếm. Thậm chí Tsewang Paljor, thư ký của Đức Jamyang Khyentse, vị đã tham gia vào những dự án này trong phần lớn thời trưởng thành, cũng không thể liệt kê tất cả.

Khi tất cả những bức tượng hay tranh này được hoàn thành, Ngài không giữ chúng trong Tu viện của Ngài mà gửi đến nơi cần chúng nhất. Hiếm có Tu viện nào ở vùng Kham không thọ nhận những cúng phẩm, chẳng hạn tượng, sách và bảo tháp, như là các đại diện của thân, khẩu và ý giác ngộ từ Đức Jamyang Khyentse.

Nếu chúng ta xem xét thời gian mà Ngài dành để thực hành nhập thấttrong suốt cuộc đời, Ngài đã dành những tháng mùa đông để nhập thất và trong một số năm, Ngài dành cả năm để nhập thất. Nếu bạn xem xét tiểu sử của Ngài và tất cả những thực hành mà Ngài đã tiến hành, bạn không thể tìm thấybất kỳ thực hành nào mà Ngài không hoàn thành sự trì tụng. Ngài hoàn thành trì tụng cho các thực hànhquan trọng nhất ba hay bốn lần. Tên các thực hành này được liệt kê trong tự truyện bằng thi kệ của Ngài. Ví dụ, Ngài trì tụng Dukkar Chokdrup mười nghìn biến.

Thành tựu mà Ngài đạt được như là kết quả của tất cả sự hành trì này thì không giống bất kỳ đạo sưnào khác trong lịch sử Tây TạngChúng ta có thể nói vậy bởi những tường thuật được viết lại của Ngài không giống bất kỳ ai khác. Có thể có những đạo sư sở hữu các kinh nghiệm vĩ đại hơn và không viết lại điều gì, nhưng chúng ta không thể xác định. Ngài để lại một quyển lớn ghi lại mọi linh kiến và giấc mơ tiên tri cùng những điều khác mà Ngài trải qua. Không may thay, điều này chỉ bao gồm khoảng hai phần năm cuộc đời Ngài. Khenpo Kunga Wangchuk sao chép một bản và sau đó xuất bản nó thành tiểu sử bí mật trong một quyển lớn.

Trong truyền thừa Nyingma về giáo lý Longchen Nyingtik[67], chúng ta biết rằng Tôn giả Longchen Rabjam đã xuất hiện trong những linh kiến trước Tổ Jigme Lingpa ba lần, trong đó, Tôn giả trao quyềnbằng sự gia trì về thân, khẩu và ý. Trong khi đó, trong những tường thuật được viết lại mà chúng ta có, Đức Jamyang Khyentse nhắc đến không ít hơn mười bảy linh kiến về Tôn giả Longchen Rabjam – và đó chỉ đến từ phần cuộc đời được ghi lại. Nếu bạn xem danh sách tất cả đạo sư hay Bổn tôn xuất hiệntrước Ngài, ban tiên tri và v.v. hiếm có đạo sư hoặc Bổn tôn nào trong các truyền thống Sarma[68] hay Nyingma không được nhắc đến. Nếu tôi phải liệt kê tất cả ở đây, chúng ta sẽ hết thời gian.

Với Ngài, toàn bộ vũ trụ của sự xuất hiện và tồn tại hiển bày như là sự thanh tịnh vô tận. Ví dụ, khi Ngài lên đỉnh Đồi Hổ phía trên Darjeeling [Ấn Độ] để ngắm mặt trời mọc, ánh mặt trời hiển bày trong hình tướng của Tôn giả Vimalamitra. Khi Ngài đến Bồ Đề Đạo Tràng, mỗi ngày, khi Ngài đến trước bức tượng Thế Tôn, Ngài có những linh kiến mà trong đó Ngài thấy Phật Kim Cương Trì tại tim của Đức Phật và Phật Phổ Hiền ở tim của Kim Cương Trì. Khi Ngài đến ngôi chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài thấy Mahakala đen bốn tay, vị nói chuyện trực tiếp với Ngài và yêu cầu một Torma. Ngài nhận ra rằng Ngài không có bản văn cúng dường Torma, nhưng bảo với đạo sư nghi lễ Lodro Chokden[69] rằng cũng ổn nếu trì tụng bản văn Mật điển Mahakala từ Kangyur và vì thế, đó là điều họ đã làm. Khi Ngài cầu nguyệndưới cội Bồ đề, Ngài có linh kiến sống động rõ ràng, trong đó Ngài thấy tất cả 1002 vị Phật của kiếp này, cùng với toàn bộ đoàn tùy tùng chư Thanh Văn và những đệ tử nam và nữ. Khi Ngài đến hang động của đại thành tựu giả Savaripa ở nghĩa địa Rừng Lành, Ngài thấy Savaripa trực tiếp và được trao quyềnbằng tâm trí tuệ, đến mức toàn bộ thân Ngài rúng động. Trong những ghi chép có nói rằng điều này được Gonpo Tseten chứng kiến. Khi tôi hỏi Gonpo Tseten về điều này, Ngài nói rằng Ngài thấy Đức Jamyang Khyentse nhìn vào hư không và thốt lên “Ah!” khi thân thể bắt đầu run lên và Ngài lo lắng rằng đạo sư có thể bị ốm.

Không may thay, tôi không thể nói nhiều về tiểu sử bí mật của Ngài và tất cả những linh kiến này một cách chi tiết, bởi nó sẽ tốn ít nhất một tuần.

Từ những buổi nói chuyện ở Lerab Ling vào ngày 23 và 24 tháng 8 năm 1996, ban đầu do Sogyal Rinpoche chuyển dịch [sang Anh ngữ], sau đó được dịch lại và hiệu đính bởi Adam Pearcey vào năm 2005.

Nguồn Anh ngữ: https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/orgyen-tobgyal-rinpoche/biography-khyentse-lodro.

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.



[1] Theo Rigpawiki (https://www.rigpawiki.org/), Orgyen Tobgyal Rinpoche sinh năm 1951 ở Nangchen, Kham, miền Đông Tây Tạng. Ngài là con trai của Neten Chokling Rinpoche đời thứ ba. Mặc dù nổi tiếng là Gyalchen Tulku, hóa thân hoạt động của Tổ Taksham Nuden Dorje, Ngài không được chính thức công nhận là một vị Tulku – đạo sư tái sinh – khi còn trẻ, bởi người ta nói rằng điều này sẽ gây ra nhiều chướng ngại cho cuộc đời Ngài. Ngài là anh trai của Khyentse Yeshe Rinpoche – Jamyang Gyaltsen và Dzigar Kongtrul Rinpoche và được trìu mến gọi là Abu Rinpoche (Abu nghĩa là anh trai trong phương ngôn vùng Kham).

[2] Nếu chúng ta chuyển dịch danh hiệu này, nó nghĩa là Diệu Âm Bi Trí, Tuệ Pháp, Bảo Tràng Vinh Quang Hiền Của Giáo Lý Bất Bộ Phái.

[3] Theo Rigpawiki, Dodrupchen Jigme Tenpe Nyima – Dodrupchen Rinpoche thứ ba (1865-1926) – một trong những đạo sư Tây Tạng xuất sắc nhất thời đó và là thầy của nhiều vị đạo sư vĩ đại, bao gồmĐức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro. Ngài rất được Đức Dalai Lama [thứ 14] kính trọng, vị gọi Ngài là “một học giả vĩ đại và một Yogi xuất chúng”. Các trước tác của Ngài là một trong những nguồn chính yếu được sử dụng bởi Đức Dalai Lama khi nghiên cứu Dzogchen và Đức Dalai Lama thường xuyêntrích dẫn trong lúc giảng dạy.

[4] Theo Rigpawiki, Rigdzin Dupa ‘Tập Hội Trì Minh’ là thực hành Đạo Sư cấp bên trong từ Longchen Nyingtik, phát lộ Terma của Tổ Jigme Lingpa.

[5] Về Tổ Jamyang Khyentse Wangpo – Pema Osel Dongak Lingpa, tham khảohttps://thuvienhoasen.org/a30571/cuoc-doi-duc-jamyang-khyentse-wangpo.

[6] Theo Rigpawiki, Đức Vimalamitra [Vô Cấu Hữu] hay Mahavajra – một trong những đạo sư Phật giáoẤn Độ uyên bác nhất. Ngài đến Tây Tạng vào thế kỷ Chín, khi mà Ngài giảng dạy rộng khắp và biên soạn cũng như chuyển dịch vô số bản văn Phạn ngữTinh túy giáo lý của Ngài được biết đến là Vima Nyingtik, một trong những giáo lý Tâm Yếu của Đại Viên Mãn.

Đức Vimlamitra dành mười ba năm ở Tây Tạng và sau đó, hứa khả sẽ trở lại Tây Tạng mỗi một trăm năm trong một hóa hiện để thúc đẩy những giáo lý Tịnh Quang Đại Viên Mãn Dzogpa Chenpo, Ngài rời đến Ngũ Đài Sơn ở Trung Quốc. Tại đó, Ngài duy trì, trong thần cầu vồng, ‘Thân Đại Chuyển Di’, và Ngài sẽ duy trì ở đó cho tới khi tất cả 1002 vị Phật của Hiền Kiếp này xuất hiện. Khi tất cả chư vị đã làm thế, Ngài sẽ một lần nữa đến Kim Cương Tòa ở Ấn Độ, nơi mà Ngài sẽ hiển bày trạng thái giác ngộ viên mãn và hoàn hảo.

[7] Về Tổ Jamgon Kongtrul Lodro Thaye, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a30929/tieu-su-duc-jamgon-kongtrul-yonten-gyatso.

[8] Theo RigpawikiTu viện Palpung hay Palpung Chokhor Ling được thành lập năm 1729 bởi Ngài Situ Panchen Chokyi Jungne dưới sự bảo trợ của vua [xứ] Derge – Tenpa Tsering (1678-1738). Sau đấy, nó thay thế Karma Gon gần Chamdo, trở thành trụ xứ của những tái sinh Tai Situ, những vị sau đó được biết đến là Palpung Situ.

[9] Theo Rigpawiki, Đức Jamyang Loter Wangpo, tức Thartse Ponlop Loter Wangpo (1847-1914) – một đạo sư Rime Sakya quan trọng của Tu viện Ngor Thartse, người đóng vai trò then chốt trong phong tràoRime. Ngài là một đệ tử của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo và một vị thầy của Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro. Ngài nổi tiếng về việc kết tập Trích Yếu Mật Điển theo nguồn cảm hứng của bậc thầy – Tổ Jamyang Khyentse Wangpo cũng như xuất bản ấn bản đầu tiên được in của Giải Thích Cho Đệ Tử Cá Nhân trong hệ thống Lamdre của trường phái Sakya, điều trước kia chỉ được truyền miệng và rất ít khiđược giữ gìn dưới dạng bản văn viết tay. Ngài Jamyang Loter Wangpo cũng thọ nhận những chỉ dẫnDzogchen từ Đức Nyoshul Lungtok.

Tuyển tập 139 bức thangka Mandala được vẽ cho Trích Yếu Mật Điển được Sonam Gyatso Thartse Khen Rinpoche bảo vệ vào năm 1958 và sau này được phát hành với hơn một ấn bản.

[10] Theo Rigpawiki, Kathok Situ Chokyi Gyatso – vị Kathok Situ thứ ba (1880-1923/5) – cháu trai và vị kế thừa tâm linh của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo và là một trong những đệ tử xuất sắc nhất của Mipham Rinpoche. Ngài là đạo sư chính yếu của Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro. Ngài nổi tiếngvới cuốn hướng dẫn hành hương đến trung tâm Tây Tạng.

[11] Theo RigpawikiTu viện Kathok – Kathok Dorje Den – cổ nhất trong sáu Tổ đình Nyingma. Tu việnđược thành lập bởi Tổ Kathok Dampa Deshek, em trai của Ngài Phagmodrupa Dorje Gyalpo, vào năm 1159, phía trên Horpo, ở miền Đông Tây Tạng. Địa điểm này được xem là một trong hai mươi lăm thánh địa của miền Đông Tây Tạng và đại diện cho địa điểm linh thiêng chính yếu về hoạt động giác ngộ. Sau khi Tu viện ban đầu trở nên ọp ẹp, một Tu viện mới được xây dựng tại đó vào năm 1656 bởi Terton Rigdzin Duddul Dorje (1615-1672) và Rigdzin Longsal Nyingpo (1625-1692). Có khoảng 800 tu sĩ tại Tu viện trước khi Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng.

Tu viện nổi tiếng về học thuật và đã đào tạo ra một vài trong số những học giả vĩ đại nhất trong lịch sửTây Tạng, chẳng hạn Kathok Rigdzin Tsewang Norbu (1698-1755) và Getse Pandita Gyurme Tsewang Chokdrup (sinh năm 1761). Gần đây hơn, Kathok Situ Chokyi Gyatso và Khenpo Ngawang Palzang [tức Khenpo Ngakchung] nằm trong số những đạo sư vĩ đại nhất liên quan đến Tu viện này.

[12] Theo Rigpawiki, Amdo hay Do-me là phần Đông Bắc của Tây Tạng. Đây là một trong ba tỉnh chính của Tây Tạng; hai tỉnh còn lại là Kham và U-Tsang.

[13] Theo Rigpawiki, Vajravidarana hay Điều Phục Kim Cương là một hình tướng bán phẫn nộ của Kim Cương Thủ và đà-ra-ni của Bổn tôn này, được xếp là một Mật điển Kriya, nổi tiếng về tác dụng chữa lành và tịnh hóa. Đà-ra-ni này khơi dậy vô số nghi thức và luận giải, cả Ấn Độ và Tây Tạng, và thường được trì tụng bởi những Phật tử Tây Tạng và Newar. Trong Tạng ngữ, nó được giữ gìn chủ yếu dưới hai dạng, một trong Kangyur và một trong [truyền thống] Nyingma.

[14] Theo Rigpawiki, Vua Trisong Detsen (742- khoảng 800 hoặc 755-797 tùy theo các nguồn tài liệuTrung Hoa) – vị vua thứ ba mươi tám của Tây Tạng, con trai của vua Me Aktsom, Ngài là vị thứ hai trong ba vị vua tâm linh vĩ đại và là một trong những đệ tử chính yếu của Guru Rinpoche. Chính nhờ những nỗ lực của Ngài mà chư đạo sư vĩ đại – Ngài Tịch Hộ Shantarakshita và Đại Sư Liên Hoa Sinhđã đến từ Ấn Độ và thiết lập Phật giáo vững chắc ở Tây Tạng.

[15] Theo Rigpawiki, Ekajati – một nữ Hộ Pháp quan trọng của những giáo lý Dzogchen. Bà được miêu tả là có một búi tóc (nghĩa đen của tên Bà), một mắt và một vú.

[16] Theo Rigpawiki, Vairotsana hay Berotsana hoặc Vairocana (thế kỷ 8-9) – vĩ đại nhất trong tất cả những Lotsawa [dịch giả] Tây Tạng. Cùng với Đại Sư Liên Hoa Sinh và Đức Vimalamitra, Ngài là một trong ba đạo sư chính yếu đã đem giáo lý Dzogchen đến Tây Tạng.

[17] Theo Rigpawiki, Namkhe Nyingpo (thế kỷ 8-9) – một trong hai mươi lăm đệ tử [chính yếu] của Guru Rinpoche.

[18] Theo Rigpawiki, Yeshe Tsogyal – vị phối ngẫu căn bản của Đại Sư Liên Hoa Sinh. Bà là Kim Cương Hợi Mẫu trong thân người và là một hóa hiện của Độ Mẫu Tara và Buddhalochana.

[19] Theo Rigpawiki, Adzom Drukpa Drodul Pawo Dorje hay Natsok Rangdrol (1842-1924) – một đạo sư quan trọng trong truyền thừa Dzogchen và Longchen Nyingtik. Ngài là một đệ tử của Đức Shechen Ontrul Thutob Namgyal, Kathok Situ Chokyi Lodro, Jamyang Khyentse Wangpo, Jamgon Kongtrul Lodro Thaye, Patrul Rinpoche, Khenpo Pema Vajra, Nyala Pema Dundul và Mipham Rinpoche và là thầy của Tokden Shakya Shri, Terton Sogyal Lerab Lingpa, Yukhok Chatralwa Choying Rangdrol, Tso Patrul Rinpoche và Jamyang Khyentse Chokyi Lodro.

Namkhai Norbu Rinpoche (1938-2018) được xem là hóa thân trực tiếp của Ngài.

[20] Theo RigpawikiTu viện Dzogchen – Rudam Orgyen Samten Choling, một trong sáu Tổ đình Nyingma của Tây Tạng, được thành lập bởi Tổ Dzogchen Pema Rigdzin (1625-1697) vào năm 1675 (theo Đại Từ Điển Tây Tạng) hoặc 1684 (theo Tổ Jamyang Khyentse Wangpo). Nó trở nên đặc biệt nổi tiếng về [Phật học viện] Shri Singha Shedra do Gyalse Shenphen Thaye thành lập vào thời Dzogchen Rinpoche thứ tư – Mingyur Namkhe Dorje, không lâu sau khi Tu viện gần như bị phá hủy bởi một trận động đất vào năm 1842. Trong những đạo sư vĩ đại đã từng sống và giảng dạy tại Dzogchen có Khenpo Pema Vajra, Patrul Rinpoche, Mipham Rinpoche và Khenpo Shenga.

Trong thời của Dzogchen Rinpoche thứ năm (1872-1935), Tu viện Dzogchen ở thời kỳ đỉnh cao của các hoạt động, với năm trăm tu sĩ cư ngụ, mười ba trung tâm nhập thất và ước tính hai trăm tám mươi [Tu viện] nhánh – một tập hội gồm hàng vạn vị Lama, Tulku, Khenpo, Tăng và Ni. Quanh năm, một chuỗi những nghi lễ phức tạp mở rộng được hoàn thành. Dzogchen cũng là một trong những trung tâm nổi tiếng nhất về vũ điệu nghi lễ linh thiêng, ngày nay thường được biết đến là vũ điệu Lama.

Ngôi chùa chính đã bị phá hủy bởi hỏa hoạn vào tháng Hai năm Hỏa Tý (1936). Nó được xây dựng lại và sau đó, toàn bộ Tu viện bị phá hủy bởi người Trung Quốc vào cuối thập niên 1950.

[21] Theo Rigpawiki, Rinchen Terdzod – Kho Tàng Giáo Lý Ẩn Giấu Quý Báu là một trong Năm Kho Tàng Vĩ Đại của Tổ Jamgon Kongtrul. Đây là một tuyển tập từ tất cả các Terma được phát lộ cho đếnthời của Ngài, bao gồm cả các kho tàng của Tổ Chokgyur Lingpa. Lo sợ rằng những giáo lý này sẽ bị mất, Ngài bắt đầu việc kết tập vào năm 1855 với sự gia trì của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo và hoàn thành vào năm 1889. Đơn giản thọ nhận các quán đỉnh và khẩu truyền Rinchen Terdzod cũng cần từ 4 đến 6 tháng.

[22] Theo Rigpawiki, Đức Thubten Chokyi Dorje (1872-1935) là vị Dzogchen Rinpoche thứ năm.

[23] Theo RigpawikiTu viện Phật giáo Tây Tạng Dzongsar được Tổ Chogyal Pakpa thành lập khi trở về từ Trung Quốc vào năm 1275. Trước đó, đây vốn là một ngôi chùa Nyingmapa và Kadampa và ban đầu là địa điểm của một điện thờ Bonpo. Trước năm 1958, Dzongsar có từ 300 đến 500 tu sĩ, nhưng toàn bộ vùng đó sẽ tràn ngập lều trại bất cứ khi nào Tổ Jamyang Khyentse Wangpo hay Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro ở đó, với những người cắm trại nhiều ngày hay thậm chí nhiều tuần với hy vọngđược diện kiến những đạo sư vĩ đại này. Tất cả chùa chiền đã bị phá hủy vào năm 1958, nhưng việc xây dựng lại đã bắt đầu vào năm 1983 dưới sự dẫn dắt của bác sĩ Lodro Phuntsok.

[24] Theo RigpawikiTrích Yếu Mật Điển là một tuyển tập bao la những giáo lý và truyền thừa từ toàn bộ các trường phái lịch sử của Phật giáo Tây Tạng, điều được kết tập bởi Ngài Jamyang Loter Wangpo.

Có 315 quán đỉnh và 25 luận giải trong Trích Yếu, thứ bao gồm những giáo lý hiếm từ các truyền thốngSakya, Gelug, Kagyu, Nyingma, Bodong, Dolpa, Jonang, Shyije, Orgyen Nyengyu và Kalachakra. Đặc biệt, trong trường hợp của Bodong, Dolpa và Orgyen Nyengyu, nếu không được gìn giữ trong Trích YếuMật Điển, những giáo lý và thực hành này có lẽ sẽ biến mất.

Tuyển tập Ngor nổi tiếng gồm 139 Mandala của Trích Yếu Mật Điển được Thartse Khen Rinpoche (1930-1988) bảo vệ, người sau đó đem cùng theo khi chạy khỏi Tây Tạng vào năm 1958 và sau đó biên soạn tác phẩm trọng yếu về chúng, thứ bao gồm một sự phân tích về bản văn và luận giải về các bản văn gốc Phạn ngữ.

[25] Theo Rigpawiki, Konchok Chidu ‘Hiện Thân Phổ Quát Của Những Đấng Quý Báu’ – một pho Terma được phát lộ bởi Tổ Rigdzin Jatson Nyingpo (1585-1656).

[26] Theo RigpawikiTu viện Shechen – một trong sáu Tổ đình Nyingma của Tây Tạng, được thành lậpvào năm 1695 bởi Tổ Shechen Rabjam Tenpe Gyaltsen, người được Đức Dalai Lama thứ năm cử đến Kham với mục đích này.

[27] Về Tổ Chokgyur Lingpa, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a30774/cuoc-doi-duc-chokgyur-lingpa.

[28] Lời cầu nguyện này cũng được gọi là Lời Nguyện Đàn Tràng Kim Cương Giới.

[29] Theo RigpawikiTrích Yếu Nghi Quỹ – Drubtab Kuntu, cũng được gọi là Tuyển Tập Tất Cả Phương Pháp Thành Tựu – một tuyển tập các nghi quỹ chính yếu và những thực hành khác của truyền thốngSakya, được kết tập bởi Tổ Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892) và đệ tử – Ngài Jamyang Loter Wangpo (1847-1914).

[30] Về Dilgo Khyentse Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a32138/tieu-su-dilgo-khyentse-rinpoche-1910-1991-.

[31] Theo Rigpawiki, Shedra là một từ trong Tạng ngữ, nghĩa đen là ‘trung tâm giảng dạy’. Trong các trung tâm Tu viện truyền thống, Shedra là ngôi trường mà chư Tăng và Ni nghiên cứu những bản văn Phật giáo quan trọng nhất, dựa trên các giảng giải của thầy họ hay vị Khenpo.

[32] Theo Rigpawiki, Khenpo Shenga – Shenpen Chokyi Nangwa (1871-1927) – một vị quan trọng trong phong trào Rime, người chấn hưng việc nghiên cứu ở nhiều vùng của miền Đông Tây Tạng bằng cách thành lập các Phật học viện Shedra và chỉnh sửa chương trình học tập với sự nhấn mạnh vào các bộ luận mang tính kinh điển của Ấn Độ.

[33] Theo Rigpawiki, Chime Pakme Nyingtik ‘Tâm Yếu Thánh Nữ Bất Tử’ là một thực hành trường thọđược phát lộ như là Terma tâm bởi Tổ Jamyang Khyentse Wangpo vào năm 1855. Nó mô tả một Mandala của Bạch Độ Mẫu (trong hình tướng Bạch Độ Mẫu Như Ý Luân) hợp nhất với Vũ Vương.

[34] Theo Rigpawiki, Khandro Tsering Chodron (1929-2011), vị phối ngẫu tâm linh của Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro, được công nhận là một trong những nữ hành giả xuất sắc nhất của Phật giáo Tây Tạng trong thời gian gần đây và được xem là một hóa hiện của Shelkar Dorje Tso [một trong những vị phối ngẫu của Guru Rinpoche].

[35] Theo Rigpawiki, Mayum Tsering Wangmo, cũng được biết đến là Tselu, là mẹ của Sogyal Rinpoche và Dzogchen Rinpoche. Bà nổi tiếng là một Dakini vĩ đại và hóa hiện của Phật Đỉnh Tôn Thắng. Bà là chị gái của Khandro Tsering Chodron. Bà sinh vào năm 1925, là con gái của Dechen Tso, công chúa xứ Ling và Sonam Tobgyal từ gia đình Lakar, một hóa hiện của vị bảo vệ Gonpo Tsokdak.

[36] Theo RigpawikiTu viện Ngor Ewam Choden – một Tu viện Sakya quan trọng và là trụ xứ của nhánh Ngor, được thành lập bởi Tổ Ngorchen Kunga Zangpo vào khoảng năm 1430. Tu viện được đặt tên như vậy bởi trong quá trình xây dựng, Tổ Ngorchen Kunga Zangpo nằm mơ rằng toàn bộ tuyển tập Giáo Pháp khởi lên từ các chữ E và WAM. Trước khi hoàn toàn bị phá hủy trong thời kỳ Trung Quốcxâm chiếm, đây là một Tu viện rất tích cực, với khoảng 1000 tu sĩ vào những năm 1950. Nó mới chỉ được xây dựng lại một phần.

Tu viện Ngor được chia thành bốn Thượng Sư Viện (Labrang), theo truyền thống chia sẻ những trách nhiệm trụ trì và cùng nhau dẫn dắt các hoạt động điều hành và tâm linh của Tu viện: Luding, Khangsar, Thartse và Phende.

[37] Vào đầu thế kỷ Mười sáu, những giáo lý Lamdre (Đạo Và Quả) đã phát triển thành hai dòng trao truyền chính yếu: sự trình bày phổ thông được biết đến là Tsokshe và sự trình bày bí mật được biết đến là Lopshe.

[38] Theo RigpawikiTu viện Orgyen Mindrolling – một trong sáu Tổ đình Nyingma. Tu viện được thành lập vào năm 1676 bởi Tổ Minling Terchen Gyurme Dorje – Rigdzin Terdak Lingpa cùng với em trai Lochen Dharmashri. Tu viện có mối liên hệ mật thiết với Đức Dalai Lama thứ năm, nhưng bị phá hủytrong chiến tranh Dzungar vào năm 1717-8, trong đó, em trai của Tổ Terdak Lingpa – học giả Lochen Dharmashri vĩ đại bị giết hại. Con gái của Tổ Terdak Lingpa – Jetsun Mingyur Paldron, chạy đến Sikkim và sau đó trở về Mindrolling và cùng với anh trai Drinchen Rinchen Namgyal, đã xây dựng lại Tu việnvới sự hỗ trợ của Polha Taiji.

[39] Theo Rigpawiki, Thubten Gyatso – Đức Dalai Lama thứ mười ba (1876-1933) là tiền thân của vị Dalai Lama hiện tại – Đức Tenzin Gyatso và là một trong những vị quan trọng nhất và sống thọ nhất trong truyền thừa của những vị Dalai Lama. Ngài trị vì trong giai đoạn chính biến, điều khiến Ngài buộc phải sống lưu vong từ năm 1904 đến 1909 và 1910 đến 1913. Những đạo sư của Ngài bao gồm Terton Sogyal, vị đã du hành đến Lhasa nhiều lần để trao cho Ngài các giáo lý và quán đỉnh.

[40] Theo Rigpawiki, Neten Ngedon Drubpe Dorje, vị Neten Chokling thứ hai (1873/74-1927) – một trong những hóa thân trực tiếp của Tổ Chokgyur Dechen Lingpa và là một đạo sư của Ngài Jamyang Khyentse Chokyi Lodro.

[41] Theo Rigpawiki, Konchok Gyurme Tenpe Gyaltsen, tức vị Tsikey Chokling thứ hai hay Kela Chokling (1871-1939) – một trong hai vị tái sinh trực tiếp của Tổ Chokgyur Dechen Lingpa, người cư ngụ tại Tu viện Tsikey. Bổn Sư của Ngài là Samten Gyatso và Ngài là một trong những vị thầy của Tulku Urgyen Rinpoche.

[42] Theo Rigpawiki, Khakhyap Dorje, vị Karmapa thứ mười lăm (1870/1-1921/2) là một đệ tử của cả Tổ Jamyang Khyentse Wangpo và Tổ Jamgon Kongtrul. Ngài đã phát lộ cả Terma đất và tâm. Hai con trai của Ngài là Karse Kongtrul và Shamarpa. Một trong những vị phối ngẫu của Ngài là vị Dakini vĩ đại từ Tsurphu – Khandro Ugyen Tsomo.

[43] Terton Sogyal Lerab Lingpa cũng viên tịch vào năm đó theo một vài ghi chép. 

[44] Theo Rigpawiki, Zangdok Palri – Núi Huy Hoàng Màu Đồng là cõi Tịnh độ nơi Guru Rinpoche đang cư ngụ, được cho là tọa lạc ở Ngayab Ling.

[45] Theo Rigpawiki, Khenpo Ngawang Palzang hay Khenpo Ngakchung (1879-1941) là một trong những đạo sư Dzogchen quan trọng và có tầm ảnh hưởng nhất trong thời gian gần đây. Ngài được xem là một hóa hiện của Đức Vimalamitra, người đã hứa khả rằng Ngài sẽ xuất hiện mỗi một trăm năm.

[46] Theo Rigpawiki, Khenpo Kunzang Palden (khoảng năm 1862-1943) hay Khenpo Kunpal, cũng được biết đến là Gekong Khenchen Kunzang Palden hay Thubten Kunzang Chokyi Drakpa, là một học giả vĩ đại trong truyền thống Nyingma, một đệ tử thân thiết và người viết tiểu sử của Patrul Rinpoche.

Ngài sinh ở thung lũng Dzachukha thuộc Kham và xuất gia trở thành tu sĩ dưới sự dẫn dắt của Khenpo Yonten Gyatso của Tu viện Dzogchen. Sau khi thọ nhận trao truyền từ Tổ Jamyang Khyentse Wangpo và Dzogchen Rinpoche thứ năm, Ngài trở thành một trong những vị trì giữ vĩ đại của truyền thừaLongchen Nyingtik. Ngài cũng là một đệ tử quan trọng và người viết tiểu sử của Mipham Rinpoche. Ngài đã giảng dạy tại Tu viện Gekong ở Dzachukha và là vị thầy đầu tiên tại Phật học viện [Shedra] của Tu viện Kathok, nơi mà Ngài được hỗ trợ bởi Khenpo Ngawang Palzang (Khenpo Ngakchung). Ngài để lại nhiều trước tác quan trọng, chẳng hạn Những Câu Chuyện Về Vinaya và một luận giải về Ngọn Đuốc Xác Quyết của Mipham Rinpoche. Ngài nổi tiếng nhất với luận giải về Nhập Bồ Tát Hạnh, điều vẫn được giảng dạy tại hầu hết các Shedra ngày nay.

Ngài là vị thầy chính yếu của Popa Tulku và cũng đã giảng dạy Khunu Lama Tenzin Gyaltsen.

[47] Về Mipham Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a32261/tieu-su-duc-mipham-jamyang-namgyal-gyatso-1846-1912-

[48] Theo Rigpawiki, Gaton Ngawang Lekpa (1867-1941) – một đạo sư Sakya quan trọng liên quan đếnTu viện Tharlam, người nổi tiếng về sự trì giới nghiêm cẩn và những khó khăn mà Ngài chịu đựng trong mười lăm năm nhập thất. Người ta kể rằng Ngài đã hoàn thành 4.100.000 lễ lạy trong cuộc đời. Ngài là một đệ tử của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo và là thầy của Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro và Dezhung Rinpoche.

Ngài viên tịch vào ngày 29 tháng 3 lịch Tây Tạng.

[49] Sự chân chính của bậc thầy, kinh nghiệm trực tiếp, bản văn (tức Mật điển Hevajra) và bộ luận (Những Đoạn Kệ Kim Cương của Virupa). Để biết thêm thông tin về Ngài Gaton Ngawang Lekpa và những giáo lý Lamdre, tham khảo The Three Levels of Spiritual Perception [Ba Cấp Độ Nhận ThứcTâm Linh] của Deshung Rinpoche.

[50] Theo Rigpawiki, Gapa Khenpo Jamyang Chokyi Gyaltsen hay Khenpo Jamgyal (1870-1940) là vị Khenpo thứ ba của Phật học viện Dzongsar. Ngài là một đệ tử của Đức Loter Wangpo cũng như Khenpo Shenga. Ngài là thầy của Dezhung Rinpoche và Khenpo Appey.

[51] Theo Rigpawiki, Gorampa Sonam Senge (1429-1489) – một trong những triết gia vĩ đại trong lịch sử Tây Tạng, người mà những tác phẩm của Ngài thường chỉ trích các trước tác của Je Tsongkhapa, kết quả là chúng bị chính quyền Tây Tạng cấm. Đầu thế kỷ Hai mươi, các tác phẩm còn lại của Ngài được kết tập bởi Khenpo Jamyang Gyaltsen và được xuất bản bởi Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro và tiếp tục tạo thành một phần lớn trong chương trình giảng dạy tại Phật học viện (Shedra) Dzongsar. Ngài là vị trì giữ Pháp tòa thứ 6 của Tu viện Ngor, giữ vị trí này từ năm 1483 đến 1486.

[52] Theo Rigpawiki, Drichu là một trong những dòng sông lớn của Kham, được biết đến là Dương Tử ở Trung Quốc.

[53] Vị cuối cùng trong “Ngũ Tổ” của trường phái Sakya, Chogyal Pakpa Lodro Gyaltsen (1235-1280) thiết lập những mối liên hệ mạnh mẽ với triều đình của Vua Mông Cổ Kublai Khan, người đã đóng góp rất nhiều để tăng cường sự cai trị của phái Sakya ở trung tâm Tây Tạng.

[54] Theo Rigpawiki, Chopon – đạo sư nghi lễ trong các thực hành Kim Cương thừa.

Theo truyền thống, ba vị trí căn bản trong một Tu viện là Umdze, Gekko và Chopon. Các vị Chopon hay ‘đạo sư nghi lễ’ nắm giữ kiến thức nghi lễ về tất cả khía cạnh nghi lễ của các truyền thống mà Tu việnthực hành. Họ giám sát việc chuẩn bị cho các nghi lễ và đóng vai trò là đạo sư của các nghi thức về thực hành hàng ngày, Drupchen và quán đỉnh.

[55] Theo Rigpawiki, Panjaranatha hay Gurgyi Gonpo là một hình tướng Mahakala, đặc biệt phổ biếntrong truyền thống Sakya là vị bảo vệ pho Hevajra của các Mật điển.

[56] Theo Rigpawiki, Tsewang Paljor (1909-1999) – thư ký riêng của Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro. Ông ấy là chồng thứ hai của Mayum Tsering Wangmo và là cha của Dzogchen Rinpoche thứ bảy.

[57] Theo Rigpawiki, Do Khyentse Yeshe Dorje (1800-1866) là hóa thân về tâm của Tổ Jigme Lingpa. Ngài được cho là con trai của vị bảo vệ Nyenchen Tanglha. Vị thầy gốc của Ngài là Đức Dodrupchen đời thứ nhất – Jigme Trinle Ozer. Cuộc đời của Ngài nổi bật với nhiều sự kiện diệu kỳ khác nhau, đặc biệttrong thời thơ ấu và trong phần đời sau – khi Ngài là thợ săn, giống như một vài đại thành tựu giả ở Ấn Độ cổ. Ngài nổi tiếng đã giới thiệu cho Patrul Rinpoche bản tính của tâm trong khi đánh và túm tóc của Patrul Rinpoche.

[58] Theo Rigpawiki, Terton Sogyal, Lerab Lingpa (1856-1926), tiền thân của Sogyal Rinpoche, là một Terton viết nhiều và đạo sư của Đức Dalai Lama thứ mười ba.

[59] Chatral Rinpoche đã viên tịch vào năm 2015. Về cuộc đời của Ngài, tham khảohttps://thuvienhoasen.org/a30967/chatral-rinpoche-cuoc-doi-cua-mot-huyen-thoai.

[60] Theo Rigpawiki, Sera Khandro Dewe Dorje hay Kunzang Dekyong Wangmo (1892-1940) – một nữ Terton vĩ đại, vị mà những bản văn kho tàng được nhiều đạo sư Nyingma vĩ đại kính trọng. Bà là vị phối ngẫu của Tulku Trime Ozer, một trong những người con trai của Terton Dudjom Lingpa lừng danh. Bà cũng là một trong những đạo sư gốc của Chatral Rinpoche và đã tái sinh thành con gái của Ngài – Saraswati (được công nhận bởi Đức Karmapa Rangjung Rigpe Dorje).

Một tái sinh khác, được Dudjom Rinpoche công nhận, là Tare Lhamo.

[61] Danh sách tất cả những gì Ngài đã thọ nhận không được tìm thấy trong Tuyển Tập Trước Tác của Ngài. Nó là một trong những tác phẩm chính bị thiếu của Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro, thứ không được đem ra khỏi Tây Tạng. Các tác phẩm khác gồm hướng dẫn toàn diện của Ngài về các địa điểm hành hương của trung tâm Tây Tạng và nhật ký của Ngài. Ngài cũng được cho là đã biên soạnmột luận giải về Mật điển Guhyagarbha, nhưng tác phẩm này cũng bị mất.

[62] Theo Rigpawiki, Khenpo Kunga Wangchuk (1921-2008) là vị Khenpo cao cấp nhất tại Học viện Dzongsar ở Ấn Độ.

[63] Một vị thầy của Dzongsar Khyentse Rinpoche, Dzigar Kongtrul Rinpoche, Chokyi Nyima Rinpoche và nhiều vị Lama khác.

[64] Tức Khenpo Pema Damcho.

[65] Theo Rigpawiki, Dhongthog Rinpoche Tenpe Gyaltsen hay T.G. Dhongthog Rinpoche (1933-2015) là một trong những học giả Phật giáo Tây Tạng xuất sắc thời kỳ gần đâyđặc biệt nổi tiếng với vai trò sử gia, người biên soạn từ điển và một tác giả viết nhiều. Từ năm 1979, Rinpoche sống tại Seattle, Hoa Kỳ. Ngài đã xuất bản rất nhiều cuốn sách bằng Tạng ngữ và Anh ngữ, đặc biệt thông qua Học viện Sapan mà Ngài là giám đốc sáng lập.

[66] Theo Rigpawiki, Chogyal Namkhai Norbu Rinpoche (1938-2018) là một trong những đạo sưDzogchen xuất sắc nhất thời kỳ gần đây.

[67] Về Longchen Nyingtik, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a31844/gioi-thieu-ve-tam-yeu-cua-coi-gioi-bao-la.

[68] Theo Rigpawiki, Sarma – các trường phái Tân Dịch của Phật giáo Tây Tạng, thứ tuân theo những sự chuyển dịch sau này, được thực hiện từ thời của dịch giả Rinchen Zangpo (958-1055) vĩ đại trở vềsau, gồm Kagyu, Sakya, Kadampa và Gelug.

[69] Theo Rigpawiki, Lama Chokden, tên đầy đủ là Jamyang Lodro Chokden, đến từ Tu viện Tsechu ở Nangchen, miền Đông Tây Tạng. Ngài là đạo sư của các nghi lễ cho Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro và sau này trở thành một trong những thầy giáo thọ của Dzongsar Khyentse Rinpoche.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 1040)
Vào lúc 11 giờ ngày 01/01/2024, tại chùa Kiều Đàm số 1129 S Newhope Street, thành phố Santa Ana, miền Nam California, Đạo tràng Khánh Anh cùng chùa Kiều Đàm đã tổ chức Lễ Khánh tuế lần thứ 97 Trưởng lão Hòa thượng Thích Thắng Hoan.
(Xem: 1348)
Hòa Thượng THÍCH TUỆ SỸ (1945-2023)
(Xem: 1921)
Mỗi khi có dịp gặp và ngồi nói chuyện về tỉnh Khánh Hòa, Quách Tấn đều nhắc cho tôi biết là, Khánh Hòa có 2 người tiếng tăm đã vượt biên giớiHòa thượng Thích Quảng ĐứcBác sĩ Yersin.
(Xem: 5741)
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Ngũ Thế, Hiền Như Tịnh Thất Trụ Trì, Pháp danh Tâm Hỷ, tự Thanh Diệu Pháp Ni Sư Chơn linh.
(Xem: 3564)
Ni Trưởng Thích Nữ Như Tuấn vừa viên tịch tại Chùa Phổ Hiền, Strasbourg, Pháp Quốc
(Xem: 4809)
Daisetsu Teitaro Suzuki sinh ngày 11 tháng 11 năm 1870 và mất ngày 12 tháng 7 năm 1966 tại thành phố Kamakura, Nhật Bản
(Xem: 4591)
Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan - Chánh văn phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN Hoa Kỳ
(Xem: 6676)
Được tổ chức tại Chùa Phật Đà, San Diego, California, vào lúc 10:00am ngày 27/9/2020.
(Xem: 18227)
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tôn, tứ thập tam thế, Húy Thượng Tâm Hạ Nhẫn, Tự Hành Từ, Hiệu Chí Tín Giác Linh Trưởng Lão Hòa Thượng Liên đài chứng giám
(Xem: 3860)
Là bậc Cao tăng xuất chúng, bằng trực giác mẫn tuệ, sư Đạo Sinh tự nghiệm ra một lý lẽ rất cao siêu và công khai thuyết giảng rằng ai ai cũng có Phật tính
(Xem: 2952)
Mắt không phải là xiềng xích của sắc (cái được thấy), sắc cũng không phải là xiềng xích của mắt. Bất cứ tham và luyến nào khởi lên dựa vào hai thứ đó
(Xem: 5565)
Do niên cao lạp trưởng đã thu thần viên tịch vào lúc 02h56 phút ngày 16 tháng 4 nhuận năm Canh Tý - nhằm ngày 7 tháng 6 năm 2020 tại Thiền Viện Vạn Hạnh. Trụ thế: 84 năm, 47 hạ lạp.
(Xem: 11026)
Các tác phẩm của Thầy phần lớn được dịch từ Hán tạng, gồm giới kinh và các nguồn văn học Phật giáo Đại thừa với tư tưởng uyên thâm về triết họctâm lý học.
(Xem: 9061)
Thầy Tuệ Sỹ Là Viên Ngọc Quý Của Phật Giáo và Của Việt Nam - Nguyễn Hiền Đức
(Xem: 2597)
Bài của Olaf Beuchling - đăng trên tạp chí "BUDDHISMUS Aktuell“ (Phật Giáo Ngày Nay) số 2/2020, phát hành tháng Tư, Năm, Sáu – từ trang 44 - 49 Việt dịch: Đạo Hữu THỊ CHƠN Ngô Ngọc Diệp
(Xem: 6812)
Đại Lão HT Thích Quảng Độ viên tịch lúc 21 giờ 30 ngày 22 tháng 2 năm 2020, thượng thọ 93 tuổi, 73 hạ lạp
(Xem: 3227)
Dịch theo bản Anh dịch “The Enlightenment of Chiyono” của Anne Dutton, từ các trang 173-179 của sách “Zen Sourcebook: Traditional Documents from China, Korea, and Japan
(Xem: 5883)
Giới đàn là một nghi lễ để truyền trao giới pháp cho các giới tử là những người xuất gia theo đạo Phật. Để thành tựu được một giới đàn, phải có đủ 3 yếu tố: Tam sư, thất chứng và giới tử.
(Xem: 3974)
Nhận thấy nhu cầu tìm hiểu những nhân vật, con người, đã và đang đóng góp công sức cho Phật giáo Việt Nam ngày nay...
(Xem: 5383)
Ôn thường canh cánh về Mẹ bên lòng khi còn sanh tiền. Trước khi “chết” Ôn về quê thăm Mẹ, lạy tình thương của Mẹ từ thuở ấu thơ.
(Xem: 18377)
“Rốt cuộc, tôi không biết gì, không có ý định gì cả, nên cuộc đời tôi ‘không vẫn hoàn không’, không có gì đáng nhớ, đáng nói… ‘Không vẫn hoàn không’ là Phật cho, tôi mới được như vậy.”
(Xem: 6320)
Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang (1923-2019) vừa viên tịch
(Xem: 5791)
Trưởng Lão HT Thích Chơn Thành sinh ngày mùng 9 tháng 8 năm 1934, tại Xã Xuân Thọ, Quận Sông Cầu, Tỉnh Phú Yên, Việt Nam.
(Xem: 3507)
Bài Thuyết Trình: Hành TrạngSự Nghiệp của Trưởng Lão Hòa Thượng THÍCH ĐÔN HẬU Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN nhân ngày Khánh Thành Chùa Đôn Hậu tại Na Uy
(Xem: 13430)
Kính Mừng Thọ 70 tuổi HT Thích Như Điển tổng hợp những bài viết cho Hoà Thượng Phương Trượng
(Xem: 5362)
Chương trình tang lễ của HT Thích Quảng Thanh được tổ chức tại Chùa Bảo Quang từ ngày 14 đến 17/6/2019
(Xem: 2711)
Hòa Thượng Thích Thiện Định là vị Tổ khai sơn chùa Pháp Hoa tại Marseille, Pháp Quốc.
(Xem: 3976)
Ngài thế danh là Diệp Quang Tiền, Pháp danh Tâm Khai, tự Thiện Giác (Đồng sư với Hòa thượng Thiện Châu ở bên Pháp), hiệu Trí Ấn Nhật Liên
(Xem: 4537)
Chúng ta nói chuyện thế kỷ 13, đó là một thời nước lớn phía Bắc không thôi kinh ngạc khi nghĩ tới nước nhỏ Đại Việt phía Nam, cả về quân sự và Phật pháp.
(Xem: 3918)
Tây Tạng xưa nay là xứ huyền bí. Đó là vùng đất thường được gọi là mái nhà của thế giới, nơi sản sinh ra nhiều bậc thánh giả siêu việt, mà ngài Lạt Ma tái sinh Zong Rinpoche là một trong những hình ảnh tiêu biểu.
(Xem: 2618)
GS Tenzin nói, những kinh nghiệm đó cho anh thực hiện nhiệm vụ thông dịch khá là tuyệt vời. Đối với một người thông dịch nào không quen thuộc với Đức Đạt Lai Lạt Ma, công việc như thế sẽ rất là khó.
(Xem: 4353)
Hòa Thượng Thích Như Điển - Chân Dung Một Nhà Văn
(Xem: 3318)
Sư cô Thích Nữ Chủng Hạnh sanh ngày 12 tháng 8 năm 1933. Do tuổi cao sức yếu, đã thâu thần thuận tịch vào ngày 07 tháng 11 năm 2018. Trụ thế: 86 năm, Hạ lạp: 07 năm.
(Xem: 4677)
A Dục, Asoka (Sanskrit). Khi đức Phật Thích ra đời, Vua A Dục là một đứa trẻ, trong lúc đang chơi đức Phật đi ngang qua, đứa trẻ đem cát mà coi như cơm cúng dường cho Phật...
(Xem: 7514)
Chương trình tang lễ được tổ chức từ ngày 23 đến 25 tháng 10 năm 2018 tại Chùa Diệu Quang, 3602 W 5th St, Santa Ana, CA 92703. Tel: (714)554-9588
(Xem: 3430)
Sư bà Nguyên Thanhthế danh Lê Thị Quan, sanh năm1944, tại Quy Nhơn, là con gái thứ ba trong năm người con của ông Lê Đức Khánh và bà Trần Thị Quýt, làng Phú Nhơn, xã Cát Trinh, khuyện Phù cát, tỉnh Bình Định.
(Xem: 3715)
Chương Trình Lễ Tang sẽ được tổ chức lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy ngày 4 tháng 8 năm 2018 và Chủ Nhật ngày 5 tháng 8 năm 2018, tại Đạo Tràng Nhân Quả, 10801 Trask Ave, Garden Grove, CA 92843
(Xem: 3427)
Hòa Thượng Thích Thiện Hữu thế danh Nguyễn Hữu Nghĩa thượng Như hạ Lễ tự Viên Nhơn, hiệu Thiện Hữu sinh năm Giáp Thân (1944) tại xã Nhơn Khánh, quận An Nhơn, tỉnh Bình Định.
(Xem: 7574)
Thay mặt chư tôn đức Tăng, Ni và quý Cư Sĩ Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK nhất tâm nguyện cầu Giác Linh Sư Bà Tân Viên Tịch Cao Đăng Phật Quốc.
(Xem: 12509)
Lễ Nhập Quan: Vào lúc 10 giờ sáng Thứ Sáu, ngày 12 tháng 1 năm 2018 tại Peek Funeral Home, 7801 Bolsa Ave., Westminster, CA 92683
(Xem: 16157)
Đức Trưởng lão Hòa Thượng thượng ĐỨC hạ CHƠN Viện chủ Tu Viện Quảng hương Già Lam, Sài Gòn vừa viên tịch lúc 03g40′ ngày 27/11/2017
(Xem: 4538)
Khó hình dung rằng một phụ nữ Anh đang phụ trách về kế toán trong một công ty quản trị quỹ đầu tư đa quốc bỗng nhiên trở thành một vị ni sư theo truyền thống Tây Tạng
(Xem: 52588)
HT Thích Đức Niệm - Trụ trì Chùa Ưu Đàm, Tp. Marina, California viên tịch lúc 11:30AM ngày 20/10/2017...
(Xem: 8630)
Hòa Thượng Phương trượng Chùa Thiền Tôn, húy Tắc An hiệu Lãng Thiện đời thứ 23 dòng thiền - Thiên Thai Giáo Quán Tông
(Xem: 16033)
Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Tuyền (1938-2017) Khai Sơn Chùa Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản
(Xem: 4052)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu được tồn vinh đó là nhờ công đức sáng lập của Thầy.
(Xem: 3791)
Chỉ cần, đối cảnh vô tâm, hay cứ để mặc cho các pháp được thấy như là được thấy, được nghe như là được nghe… Và đó là Thiền Tông: không một pháp nào để làm.
(Xem: 8651)
Kỷ Yếu Tri ÂnTán Dương Công Đức của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Huệ... TT Thích Nguyên Tạng
(Xem: 4006)
Ngay từ hồi còn trẻ cụ Chu Văn An (1292-1370) đã nổi tiếng là một người cương trực, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách.
(Xem: 12653)
Sư Bà đã viên tịch ngày 15/1/2017. Lễ Nhập Kim Quan vào lúc 9am, Chủ Nhật, 22/01/2017; Lễ Trà Tỳ vào lúc 3pm, Thứ Hai, 23/01/2017
(Xem: 12415)
Tuệ Sĩ – Người ẩn mình dưới lòng hố thẳm hun hút, Tuệ Sĩ – Trên đỉnh Trường Sơn chót vót sương mù, mây trắng.
(Xem: 17149)
Chúng con/tôi vừa nhận được tin: Thượng Tọa THÍCH ĐỨC TRÍ Trụ trì Chùa Tam Bảo Tulsa, Oklahoma vừa viên tịch...
(Xem: 7158)
Vào tháng 4 năm 1998, tôi trở về nhà ở Dharamsala, Ấn Độ, sau hành trình giảng dạy dài và khoản thời gian miệt mài viết lách tại Mông Cổ và phương Tây.
(Xem: 5854)
Đại lão HT Thích Thiện Bình đã thu thần viên tịch 17-11-2016 (18-10-Bính Thân), tại chùa Long Sơn TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), thọ 84 tuổi.
(Xem: 7215)
Xuất gia năm 1960, thọ Sadi giới ngày 17-11 năm Quý Mão (1963) tại Tổ đình Tường Vân, thọ cụ túc giới năm 1964 tại giới đàn Quảng Đức
(Xem: 8353)
Đức Vua Bhumibol Adulyadej, vị hoàng đế ở trên ngai vàng lâu nhất thế giới, vừa băng hà tại bệnh viện ở thủ đô Bangkok ngày 13-10-2016.
(Xem: 5307)
Tiểu sử của một lama vĩ đại được gọi là “namtar” (rnam-thar), một tiểu sử mang tính cách giải thoát, vì nó tạo nguồn cảm hứng cho người nghe...
(Xem: 6674)
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa con nhà gia giáo thuộc hạng trung lưu, trong gia quyến ai nấy đều theo đạo Phật.
(Xem: 8680)
Trong cuộc phỏng vấn năm 1999, Richard Gere nói về những năm tháng tu tập của mình, sự cống hiến của anh cho Lão sư của mình là Ngài Đạt La Lạt Ma.
(Xem: 5388)
Chu Văn An (1292-1370) hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, tên thụy là Văn Trinh. Tên thật của Chu Văn An vốn là...
(Xem: 6421)
Theo các nhà nghiên cứu về lịch sử Phật giáo, người Nga đã biết đến đạo Phật nhờ tiếp xúc với các lân quốc vùng châu Á như Mông Cổ, Tây Tạng...
(Xem: 4693)
Thupten Jinpa là một cựu tăng sĩ, hoàn tục để lập gia đình, trở thành một tác giả, và trong 30 năm qua, là người thông dịch chính về tiếng Anh cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.
(Xem: 14076)
Lễ nhập Kim Quan lúc: 04 giờ chiều ngày Thứ Bảy: 25/6/2016; Lễ cung tống Kim Quan trà tỳ lúc: 08 giờ sáng ngày Thứ Năm: 30/06/2016
(Xem: 5603)
Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng Lê Văn Duyệt, toàn thân Ngài bất động điềm nhiên trong tư thế thiền định...
(Xem: 5734)
Bài thuyết trình cho Khóa An Cư Kiết Hạ tại Niệm Phật Đường Fremont, SanJose, từ ngày 13-23 tháng 6 năm 2016
(Xem: 9874)
Kỷ Yếu Tri ÂnTán Dương Công Đức của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn
(Xem: 8732)
Đức Trưởng Lão HT Thích Như Huệ Chứng minh Đạo sư GHPGVNTN Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan
(Xem: 7145)
Trong số mấy chục vị Thánh Tử Đạo ấy có Sư Cô Thích Nữ Diệu Định ở Quảng Nam-Đà Nẵng...
(Xem: 35057)
Lễ nhập kim quan lúc: 09:00am, ngày 12/3/2016. Lễ di quan lúc 10:00am ngày 15/3/2016
(Xem: 5504)
Đại Lễ Tri Ân nhị vị Hòa Thượng Trưởng Lão của Giáo HộiTrưởng Lão Tăng Giáo Trưởng HT Thích Huyền Tôn và Trưởng Lão Chứng Minh Đạo Sư HT Thích Như Huệ.
(Xem: 10602)
Kỷ Yếu Tưởng Niệm HT Thích Hạnh Tuấn (1956-2015) Chùa Trúc Lâm Chicago, USA ấn hành 2015
(Xem: 13075)
Kể từ khi tổ Minh Hải–Pháp Bảo khai tông lập giáo, tính đến nay dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã trải qua 300 năm lịch sử với 12 đời truyền thừa...
(Xem: 7610)
Dẫu là một ông vua, cai trị một đế chế rộng lớn, quyền uy sinh sát trong tay, nhưng kỳ thực A Dục Vương vẫn là một đệ tử Phật, một tín đồ thuần thành của Phật Giáo.
(Xem: 17732)
HT Thích Tâm Thọ, Thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên thế giới, Viện Chủ Chùa Giác Hoàng, Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ
(Xem: 6586)
Thiền sư BẠCH ẨN HUỆ HẠC (Hakuin Ekaku), thế danh Iwajiro (Nham Thứ Lang, nghĩa là cậu bé đá), quê tại Hara, tỉnh Suruga, thị trấn Numazu, hạt Shizuoka, Nhật Bản.
(Xem: 19849)
HT Thích Hạnh Tuấn, Trú Trì Chùa Trúc Lâm, Chicago, đã viên tịch; Lễ Nhập Liệm vào ngày thứ 4, 4/11/2015; Lễ Trà Tỳ vào ngày Chủ Nhật, 8/11/2015
(Xem: 13343)
Cả Đức Thích Ca Mâu Ni Phật và Guru Rinpoche đều tiên tri sự ra đời và thành tựu tâm linh của Tông Khách Ba.
(Xem: 16143)
Long Thọ (Nagarjuna, Klu-grub), cùng với Vô Trước (Asanga, Thogs-med), là hai đại hành giả tiên phong của truyền thống Đại thừa.
(Xem: 26903)
Lễ nhập quan sẽ được cử hành vào lúc 14 giờ ngày 25 tháng 08 năm 2015 (nhằm ngày 12/07/Ất mùi)
(Xem: 28704)
Trưởng lão Hòa Thượng vừa thâu thần viên tịch tại Tổ đình Từ Quang, thành phố Montreal, Canada, lúc 10g15 thứ Năm, ngày 20-8-2015, trụ thế 95 tuổi đời, 74 Hạ Lạp
(Xem: 10802)
Kỷ Yếu Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Minh Tâm (1940-2013)
(Xem: 7592)
Pháp danh của ông là Buddhadasa có nghĩa là người tỳ kheo hầu hạ Đức Phật, thế nhưng người dân Thái thì lại gọi ông là Ajhan Buddhadasa.
(Xem: 7047)
Ngài Tịch Thiên (Shantideva) là một trong những vị luận sư lỗi lạc nhất của thời kỳ sau trong quá trình phát triển tông phái Đại thừa
(Xem: 10156)
Ngài Huyền Trang theo truyện Tây Du không gọi là Huyền Trang mà kêu là Tam tạng thỉnh kinh hay Đường Tăng. Trong sách nói đủ là Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
(Xem: 10170)
Tranh vẽ Chân Dung HT Tuệ Sỹ của nhiều tác giả
(Xem: 8046)
Có một người đã cắt bỏ được sợi dây ràng buộc của gia đình để sống theo tăng đoàn của đức Phậtcống hiến trọn cuộc sống của mình cho công cuộc hoằng dương Phật pháp, đó là Tôn Giả Phú Lâu Na.
(Xem: 8078)
Huệ Viễn đại sư họ Cổ, nguyên quán xứ Lâu Phiền ở Nhạn Môn thuộc tỉnh Sơn Tây. Ngài sanh tại Thạch Triệu, năm Giáp Ngọ, vào niên hiệu Diên Hy đời vua Thành Đế nhà Tấn.
(Xem: 6850)
Đức Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ (1909 - 1984), Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN là bậc cao tăng có những cống hiến to lớn đối với Đạo pháp và Dân tộc
(Xem: 9991)
Đức Đệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Việt Nam Thống Nhất, Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, viên tịch năm kỷ Mùi.
(Xem: 20732)
Hòa Thượng Thích Tuệ Chiếu, thế danh Lưu Đức Thụy, Pháp danh Thiện-Uẩn, Pháp hiệu Hồng Liên, pháp tự Tuệ Chiếu thuộc Thiền Phái Lâm Tế đời thứ 40.
(Xem: 24079)
Phật giáo Bắc tông nói chung, Thiền tông nói riêng đều lấy giác ngộ làm mục đích tiến tu. Dù là tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia trong khi tu hành được đôi phần giác ngộ đều được mọi người quí kính.
(Xem: 15190)
Quyển Ngữ Lục này là tập hợp từ những lời thị chúng của Thiền Sư Duy Lực trong những kỳ thiền thất tại Việt Nam kể từ năm 1983 cho đến những năm tháng cuối đời.
(Xem: 8184)
Từng nghe, lòng dạ kiên trinh, ý chí vững bền, khí tiết đặc biệt đâu phải hoàn toàn do bẩm tính tự nhiên mà phải dốc lòng kính ngưỡng, noi theo những bậc có đức hạnh cao vời.
(Xem: 18642)
Vào lúc 15 giờ ngày 14/12/2014, tại An Tường tự viện, Oakland, California, Hoa Kỳ, các tự viện đã phối hợp cùng Môn đồ pháp quyến tổ chức Lễ truy niệm và phát tang HT húy thượng Đồng hạ Đạt, tự Thông Đạt, hiệu Thanh An, Viện chủ An Tường tự viện
(Xem: 16555)
Những ngữ cú của Sư được chép rải rác trong trứ tác của các nhà, nhưng chưa được gom tập. Cho nên vào niên hiệu Nguyên Văn, thiền sư Huyền Khế biên tập và đặt tên là Động Sơn Lục, tàng bản tại Bạch Hoa Lâm.
(Xem: 10863)
Ngài Long Thọ (Nagarjuna) thường được tôn xưng là “đức Phật thứ hai” bởi các truyền thống Phật Giáo Đại Thừa tại Tây Tạng và Đông Á.
(Xem: 7297)
SB Diệu Không thế danh là Hồ Thị Hạnh, húy là thượng Trừng hạ Hảo, hiệu là Nhất Điểm Thanh. Sư Bà sinh năm 1905, con gái Út của Cụ Hồ Đắc Trung và Cụ Châu Thị Lương, làng an Truyền, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên.
(Xem: 7887)
Hòa Thượng thế danh là Nguyễn Văn Kính, sanh ngày 17 tháng 11 năm Tân Mão, nhằm ngày 17 tháng 12 năm 1891, tại làng Dưỡng Mong Thượng, tổng Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.
(Xem: 14171)
Trì Châu Nam Tuyền Phổ Nguyện Thiền Sư quê ở Tân Trịnh, Trịnh Châu, họ Vương, theo Đại Hoè Sơn, Đại Huệ thiền sư xuất gia, đến Tung Nhạc thọ giới cụ túc.
(Xem: 7954)
Mỗi khi tâm niệm đến hành trạng Thiền sư Vạn Hạnh, chúng ta không thể không đề cập đến con ngườisự nghiệp Lý Công Uẩn.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant