Đạo Sinh và Cưu Ma La Thập
Hòa Thượng Thích Chân Tôn
Trong tháng 4 năm nay (2020), bị luật cách ly của chính quyền vì sự truyền nhiễm của con phi nhân Corona Covid-19, tôi có nhiều thì giờ ôn lại tang lễ của Đệ Ngũ Tăng thống, Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ và sự hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập vào năm 1964, sau cuộc đảo chánh chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành công. Thầy tôi là Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu dù thương hay ghét cũng phải công nhận công đức của Ngài thành lập Giáo Hội này không phải là ít.
Theo hiến chương GHPGVNTN thì ngôi vị Tăng thống chính thức được bầu ra từ một Đại hội. Trong giai đoạn Tăng thống viên tịch mà chưa tổ chức được Đại hội, Giáo Hội cung thỉnh vị Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống Xử lý viện Tăng Thống, thường cũng được coi như Tăng thống lâm thời.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ khi thành lập đến nay đã có năm vị Tăng Thống và trong nhiều giai đoạn có Xử lý thường vụ viện Tăng thống.
- Đệ Nhất Tăng thống (1964-1973) Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973)
- Đệ Nhị Tăng thống (1973-1979) Hòa thượng Thích Giác Nhiên (1878-1979).
- Đệ Tam Tăng thống (1979-1991) Hòa thượng Thích Đôn Hậu (1905-1991) Sau khi Đệ Nhị Tăng thống viên tịch năm 1979 cho đến 2003 không có Đại hội, do đó Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký được Giáo Hội cung thỉnh Xử lý thường vụ viện Tăng thống, tuy nhiên trên thực tế thường được coi là Tăng thống chính thức.
- Đệ Tứ Tăng thống (2003-2008) Hòa thượng Thích Huyền Quang (1920-2008), giai đoạn 1991 - 2003 là Xử lý thường vụ Viện Tăng thống và được suy tôn Tăng thống tại Đại hội Hải ngoại năm 2003.
- Đệ Ngũ Tăng thống (2011-2020) Hòa thượng Thích Quảng Độ (1928-2020). Hòa thượng Xử lý Thường vụ Viện tăng thống từ cuối 2008 đến tháng 11 năm 2011 trong kỳ Đại hội kỳ IX thì mới chính thức suy tôn Tăng thống.
Sau khi xem lại các tang lễ và đọc tiểu sử của các Ngài, tôi nhận thấy tiểu sử cũng như hành trạng của Đức Đệ Tam Tăng Thống Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu thật ly kỳ (có quá nhiều bàn luận, tranh cãi / controversy), “Hòa thượng Thích Đôn Hậu sinh 16-2-1905 tại làng Xuân An, tổng An Đồn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mất 23-4-1992 tại Chùa Linh Mụ, thành phố Huế. Hòa Thượng là Đại biểu Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và là Đệ tam Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng là Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Sự bàn luận và tranh cãi về Đệ Tam Tăng Thống chưa chấm dứt, thì những sự tranh cãi và bàn luận về GHPGVNTN vẫn tiếp tục cho đến các đời Đệ Tứ và Đệ Ngũ Tăng Thống qua các Giáo chỉ được ban hành. Âu cũng là nghiệp vận của đất nước và Giáo hội.
Sự ly kỳ nhất khi đọc đến lời tán thán công đức Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu qua hai câu đối của Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, thư tặng vào năm Đinh Mùi 1967, trước khi Đại lão Hòa Thượng ra Bắc năm 1968, chúng ta hảy tìm hiểu ngụ ý của Hòa Thượng Trí Thủ qua hai điển tích trong câu đối này để chiêm nghiệm.
CỐ ĐÔ THIÊN MỤ TỰ TRỤ TRÌ
ĐÔN HẬU THƯỢNG NHƠN HUỆ TỒN
“Đạo Sinh thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu
Thánh giả thôn châm, thiên nhơn củng thủ”.
Phật lịch nhị ngũ nhị niên, tuế thứ Đinh Mùi niên Thu.
Thiểu nạp Thích Trí Thủ thư tặng.
Đạo Sinh chào đời khoảng năm 355 hay 360 tại Bành Thành, cũng gọi Từ Châu. Ngài họ Ngụy nhưng đổi thành họ Trúc khi học đạo với Trúc Pháp Thái (320-387) tại thành Kiến Khang. Về sau học thêm với sư Huệ Viễn (334-416) tại Lư Sơn, rồi lại tới kinh thành Trường An tu nghiệp chừng hai, ba năm (khoảng từ 405) với Quốc Sư Cưu Ma La Thập (Kumârajiva, 334-413) phụ giúp dịch kinh Phật .
Là bậc Cao tăng xuất chúng, bằng trực giác mẫn tuệ, sư Đạo Sinh tự nghiệm ra một lý lẽ rất cao siêu và công khai thuyết giảng rằng ai ai cũng có Phật tính, ai ai cũng đều có thể thành Phật, kể cả những kẻ không đủ đức tin mà nhà Phật gọi là xiển đề hay nhất xiển đề (icchantika). Tư tưởng đại thừa của Đạo Sinh lập tức bị quy kết là tà vạy, phá hoại chánh pháp.
Đương thời, kinh 'Đại Bát Niết Bàn' chưa được truyền đến Trung quốc, mà chỉ có sáu quyển 'Nê Hoàn Kinh' được truyền đến kinh sư. Sáu quyển thuyết rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, chỉ trừ hạng Nhất Xiển Đề (tức là đoạn hết tất cả thiện căn). Tuy nhiên, ngài Đạo Sanh sau khi nghiên cứu tinh tường, phân chiết tìm tòi trong các nghĩa lý của kinh văn, và thâm nhập vào nơi ẩn diệu, bèn đề xướng chủ trương 'người Nhất Xiển Đề cũng có Phật tánh.
Thuyết này lại bị các người theo phái cựu học chỉ trích, vì cho đó là tà thuyết làm mê hoặc thế nhân. Càng ngày lại càng có nhiều người chê bai và phẫn nộ vì học thuyết của Ngài. Người người đều nghĩ rằng chỉ việc tống khứ Đạo Sanh ra khỏi kinh thành thì mới ngưng được tà thuyết đó. Ngài rời khỏi kinh thành (năm 430), đến núi Hổ Khâu ở phía đông nước Ngô. Theo quyển 'Phật Tổ Thống Ký' thứ hai mươi sáu, thì lúc trú tại núi Hổ Khâu, ngài Đạo Sanh giảng kinh Niết Bàn cho các tảng đá. Ngài thuyết rằng Nhất Xiển Đề cũng có Phật tánh, nên các tảng đá gật đầu. Câu chuyện này được gọi là 'Đạo Sanh thuyết pháp, các tảng đá gật đầu'.
Đến khi Kinh Đại Bát Niết Bàn lần đầu tiên có bản dịch, tăng chúng đọc thấy câu: Tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tính, có thể tu học thành Phật (Nhất thiết chúng sinh, giai hữu Phật tính, học đắc thành Phật). Thế là thiên hạ bèn xúm nhau ca tụng trí tuệ của Đạo Sinh, rần rần lên núi, tranh nhau rước sư về chùa mình thuyết pháp! Sư thoát trần năm 434.
Nhất-xiển-đề, Phạn ngữ Icchantika, là một khái niệm nói về một hạng người ‘đặc biệt nguy hiểm’ trong đạo Phật, mà hạng người này cũng tồn tại trong các tôn giáo khác. Theo dịch nghĩa chữ Hán, nhất-xiển-đề là bất tín hay tín bất cụ, nghĩa là không có lòng tin, không đủ lòng tin. Lòng tin ở đây được hiểu là tin vào Tam bảo, vào lý nhân quả - duyên sinh, và nghiệp báo.
Trong kinh Tăng chi (chương Ba pháp, phẩm Ba hạng người), hạng người gọi là ‘không hy vọng’, được mô tả như sau: ‘Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người ác giới, tánh tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng hiện tướng là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh’. Như vậy, tất cả đều là sống hình tướng, bề ngoài dù trên danh nghĩa là người tu theo Phật pháp.”
Kumarajiva (Cưu Ma La Thập) là một cao tăng vùng Tây Vực thời cổ đại. Sư là một trong bốn dịch giả Phật học nổi tiếng, trước cả pháp sư Huyền Trang.
Thành tựu dịch thuật của Kumarajiva lừng lẫy không kém gì pháp sư Huyền Trang thời nhà Đường nhưng có lẽ "mức độ phổ biến" của sư không rộng khắp và "chính thống" như pháp sư Huyền Trang vì một lẽ Kumarajiva là một nhà sư nhưng lại phá giới kết hôn với công chúa quốc gia phật giáo cổ đại Khâu Từ, sư không ở trong chùa như các nhà sư khác mà có phủ đệ riêng.
“Sư ở đất Tần, thường giảng kinh ở chùa Thảo Đường. Vua Tần Diêu Hưng, triều thần và sa môn khoảng mấy ngàn người, nghiêm túc lắng nghe. Một hôm Diêu Tần bảo với Sư: - Đại sư thông minh, biện tài vô song. Sao lại để hạt giống Pháp không nối tiếp được! Rồi đem mười cung nữ ép nhận. Từ đó sư không ở chùa, cất nhà riêng ở. Chư tăng đệ tử có người muốn bắt chước. Sư bèn lấy một bát đựng đầy kim, bảo mọi người: - Nếu ai bắt chước ta mà ăn được bát kim này thì cho phép cất nhà riêng để ở. Sư nói xong, lấy bảy cây kim đưa vào miệng nhai nuốt. Chư tăng nể phục bèn chắp tay” câu chuyện này được gọi: Thánh giả nuốt kim, Trời người chấp tay.
Qua tiểu sử và hành trạng của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu; qua tiều sử và hành trạng cũng như hai câu đối của Hòa Thượng Thích Trí Thủ nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, (năm 1981 là Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam); qua điển tích của Sư Đạo Sinh và Cưu Ma La Thập, chúng ta nhận thấy cuộc sống quá đa đoan và phức tạp, thuận nghịch và thiện ác luôn luôn có mặt trong cuộc sống rồi mới thấy sự kham nhẫn của các Ngài để hành đạo thật là những bài học đáng kính.
Trong pháp giới vô thường và trùng trùng duyên khởi, khó mà hiểu được mọi sự việc xảy ra, do vậy trong cuộc đời cũng có lúc nói chuyện với đá, có khúc phải nuốt kim, vì thế, phải biết nhẫn nhục mới từ bỏ được việc ác hay nghịch cảnh, thực hành được điều thiện hay thuận cảnh cũng phải nhẫn nhục mới thực hành được. Ta bà là cõi kham nhẫn, nhẫn nhục kiên trì trở thành hiện thực trong đời sống của một vị biết tu tập. Nhờ thế, những điều xấu ác và nghịch cảnh trong cuộc đờicủa một vị tu tập được đẩy lùi và những điều thiện và thuận cảnh càng được thăng tiến.
Xin kết thúc bằng một đoạn “kinh Thắng Man” nói về nhẫn ba la mật: “Đối với những ai cần được thuần thục bằng nhẫn nhục; nếu bị những chúng sinh ấy mạ lỵ, hủy nhục, phỉ báng, khủng bố, thì con sẽ bằng tâm không oán hận, tâm lợi ích, năng lực nhẫn đệ nhất, cho đến nhan sắc không thay đổi, tùy theo tâm ý của những kẻ ấy mà làm cho thuần thục, khiến cho chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trong Chánh pháp. Đó gọi là Sằn-đề ba-la-mật.”
Mùa Phật Đản 2564/2020
Nguồn Wikipedia.
- Tag :
- HT Thích Chân Tôn