Hành Trạng Và Sự Nghiệp
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni,
Kính thưa quý Phật tử,
I. Hạnh Nguyện Vào Đời
Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã có rất nhiều chư vị Thạch Trụ Tòng lâm, Thiền sư Thạc đức hóa thân làm Bồ Tát hạnh để giữ gìnngôi nhà Phật giáo lúc thăng, khitrầm theo dòng sử mệnh quê hương.
Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu là bậc xuất trần Thượng sĩ trên dòng lịch sử thời cận đại.
Hòa Thượng Pháp danh là Trừng Nguyên, Hiệu là Thích Đôn Hậu. Tính theo dòng kệ Thiền phái Liễu Quán thì thuộc vào đời thứ 8. Thế danh là Diệp Trương Thuần, sinh ngày 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ, tức ngày 16 tháng 2 năm 1905 tại làng Xuân An, Xã An Đồn, Quận Triệu Phong, Tỉnh Quảng Trị.
Hòa Thượng tuy sống trong gia đình Nho giáonhưng lại có túc duyên với Phật pháp. Mặc dầu,thưở thiếu thời Hòa Thượng làu thông Tứ Thư, Ngũ Kinh…Nềnvăn học Nho Lão khôngđáp ứng được ước vọng tìm cầu cái khả tính giác ngộ, giải thoát hiện hữu trong tâm thức của Hòa Thượng. Do vậy,tuy còn trong lứa tuổi ấu niên, tự thân Hòa Thượngđã luôn thể hiện tánh đức, dung nhan như một bậc xuất trần. Quả thật “Hữu ư trung hình ư ngoại”.
Khi tổ Tâm Tịnh gặp Hòa Thượng trong chuyến đi hoằng pháp nơi quê nhà, Tổ liền cảm nhận được chú bé này là pháp khí của nhàThiền trong tương lai. Tổ lưutâm dạy dỗ, hướng dẫn học Giới Luật Thiền môn, oai nghi để làm chuẩn mực, kỷ cương cho con đường xuất gia sau này.
Đúng với hạnh nguyện và túc duyên trong Phật pháp, năm 19 tuổi Hòa Thượng đến chùa Tây Thiên thành tâm đảnh lễ Tổ Tâm Tịnh xin được thế phát xuất gia vào ngày 19 tháng 6 năm Quý Hợi – 1923. Vừa tròn 1 năm sau, Hòa Thượng thọ Tam đàn Cụ túc tại chùa Từ Hiếu. Tổ Tâm Tịnh – Bổn sư làm Đàn đầu. Nhưng mới chỉ được 2 năm thì Sư phụ–Tổ Tâm Tịnh viên tịch, năm 1926.
Trước sự trống vắng hình ảnh thân kínhcủa Bổn Sư, không nơi nương tựa, không người sách tấn trên con đường tu tập, Hòa Thượng đã đến chùa Hồng Khê y chỉ với sư huynh của mình là Tổ Giác Tiên, để từ đây Hòa Thượng đã tiến thân trên con đường tu học Phật pháp ngày càngtinh tấn hơn.
Năm 22tuổi, Hòa Thượng được gần gũi với các bậc Tôn túc, danh Tăng thời bấy giờ, lại có được môi trường học hỏi Phật pháp để tiến thân xa hơn nữa, nên khi trường Phật Học Thập Pháp tại Bình Định thành lập và Tổ Phước Huệ làm Giáo thọ - bậc danh Tăng thời bấy giờ, Hòa Thượng bèn xin Tổ Giác Tiên để cùng các Pháp lữ lên đường vào Bình Định tham học.
Con đường hoằng dương Phật pháp được mở rộng, Sơn môn, Tự viện được xương minh, Hội An Nam Phật Học ra đời năm 1932, đồng loạt các trường Trung học, Đại học Phật giáo được thành lập tại chùa Tây Thiên, Ban giám đốc đã cung thỉnh Tổ Phước Huệ từ Bình Định ra làm Giáo thọ. Đây là cơ hội tốt nhất, Hòa Thượng đã tiếp tục theo đuổi đèn sách như chí nguyện xuất trần,biểu lộ qua nếp sống hàng ngày. Khác hơn ai hết, như cái tên Ôn Nhu Phúc Hậu mà Thầy Tổ đã ban cho. Hòa Thượng đã thể hiện trọn vẹn khi được thỉnh cử làm Thủ chúng, làm Giáo thọ cho Phật Học Đường Báo Quốc, Ni viện Diệu Đức – Huế. Hòa Thượng giảng dạy tại Đại học Tây Thiên, làm Giảng Sư cho Hội An Nam Phật Học.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Phật giáo năm 1936, Hòa Thượng được cử làm thân Giáo Sư Phật Học Đường Báo Quốc, làm tuyên Luật Sư các Sơn môn, Đạo tràng Thừa Thiên – Huế. Chính trong thời điểm này, Hòa Thượng là một trong những bậc Sơn môn chấn hưng Phật giáo đắc lực nhất tại miền Trung. Hình ảnh của Hòa Thượng trong các trường Phật học, đứng giảng Phật pháp cho học Tăng hay trong chốn thâm u của các Tự viện đã làm thành mẫu mực,kỷ cương cho đàn hậu học kế thừa trên dòng lịch sử nhà Thiền. Hòa Thượng đã vân du hóa độ, giảng Luật dạy Kinh khắp các tỉnh miền Trung mà nhất là ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Hòa Thượng đã đem cái sở học của mình ân cần trao gởi lại cho Học Tăng, các Phật Học Viện, từ thân giáo đến khẩu giáo. Đâu đâu hình bóng của Hòa Thượng cũng luôndẫn đầu trong chốn Tòng lâm, Phạm vũ. Oai nghi, tế hạnh, mẫu mực như là một thân Giáo sư khả kính uyên bác Kinh Luật để cho đàn hậu học noi theo.
Vào những năm 1940, 1942 Hòa Thượng đã mở một chuyến hoằng pháp tại Vương Quốc Lào. Tại đây Hòa Thượng đã tiếp xúc với Vua Sãi cũng như tham dự nhiều cuộc lễ hội Phật giáo Lào bằng truyền thống văn hóa dân tộc. Hòa Thượng đã thay thế vai trò của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, chánh Hội Trưởng Hội An Nam Phật Học – Thừa Thiên. Đồng lúc này Hòa Thượng được chư Sơn môn – Huế cung thỉnh giữ chức vụ Trútrì Quốc Tự Linh Mụ. Một ngôi chùa lịch sử, thơ mộng tọa lạc bên bờ sông Hương mà bao nhiêu thi nhân mặc khách đã nhiều lần viếng thăm,để lại thơ văn, thi phú cho nền văn học nước nhà:
“ Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ Canh gà Thọ Xương”
Ở nhà Như Lai, gìn giữ Tạng pháp của Như Lai để từ đó Hòa Thượng đã hóa thân đảm nhận nhiều trọng trách, Phật sự đáng kể. Năm 1948 Hòa Thượng là Cố vấn Đạo hạnh Hội Phật Học Trung Phần, Tuyên LuậtSư Đại Giới Đàn Báo Quốc, giữ chức vụ Chánh Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Phật Học Trung Phần, thay thế Cụ Chơn An – Lê Văn Định. Năm 1951 làm đàn đầu Hòa Thượng giới đàn chùa Ấn Quang – Sài Gòn, làm Giám Luật cho sơn mônTăng Già Trung Phần,cho giáo Hội Tăng Già toàn quốc. Năm 1956 Hòa Thượng làm chủ nhiệm Liên Hoa Tập rồi Liên Hoa Nguyệt San…v.v.
Qua hailĩnh vực, làm bậc mô phạm chốn nhà Thiền thì Hòa Thượng đã hiện thân đầy đủ phạm hạnh để tứ chúng đồng quyngưỡng, là mực thước cho Tăng chúng học theođời sống phạm hạnh ấy. Về lĩnh vực thế học, tri thức của đời thì Hòa Thượng là bậc thức giả, văn phong của thời ấy. Đã bao nhiêu người quy ngưỡng bằng niềm tin vững chắc. Chính vậy, mà hầu như Tăng tín đồ Phật giáo Huế đã an tâm, đặt trọn niềm tin nơi Hòa Thượng,bậc lãnh đạo tối cao.
Sơ lược vài nét về hạnh nguyện vào đời của Hòa Thượng để chúng ta có một bài học sống động của tự thân giữa cuộc đời thiên lưu, thiên biến này. Ở bất cứ vai trò nào Hòa Thượng cũng chu toàn. Có lẽ đây chính là túc duyên từ kiếp trước mà nhất là lãnh vực Phật pháp, Đạo học, Chơn thường.
Năm 1977, Đại Hội Kỳ 7 của GHPGVNTN tại Ấn Quang đã suy tônHòa Thượng lên ngôi vị Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống. Cũng như sau khi Đức Đệ Nhị Tăng Thống Thích Giác Nhiên viên tịch, Hòa Thượng tiếp tục đảm nhiệm ngôi vị Xử Lý Viện Tăng Thống, và mãi cho đến ngày Đại Hội Khoáng Đại của GHPGVNTHHN tại Hoa Kỳ tổ chức tại chùa Cổ Lâm Seattle năm 2001, toàn thể Đại Hội Đồng suy tôn Hòa Thượng lên ngôi vị đệ Tam Tăng Thống. Chỉ đương cử chừng ấy sự nghiệp không thôi cũng đủ cho chúng ta hôm nay học và học mãi đến mai sau. Học để thấy mình còn thiếu sót, hụt hẫng quá nhiều giữa cuộc đời đầy phong ba bão tố. Học cái học của người xưa để làm gương cho cái làm của chúng ta bây giờ, để cùng pháp lữ ngồi lại với nhau mà kê vai gánh vác ngôi nhà Phật giáo Việt Nam nơi Hải Ngoại ngày một bền vững và trang nghiêm hơn nữa.
II. Độ Đời Kham Nhẫn:
Đạo Phật đồng hành cùng với dân tộc suốt trongdòng lịch sử hơn 2000 năm qua. Khi đất nướcđượcthái hòa thịnh trị, thì đạo Phật cũng được xương minh. Khi đất nướcnghèo đói suy vi thì đạo Phật cũng hòa mình chia sẻ. Điều này được chứng minh qua các triều đại Phật giáo Lê, Trần v.v….
Bằng hạnh nguyện kham nhẫn, Hòa Thượng đã vận dụng phương tiện mà tùyduyên hóa độ, cũng như thi hành Phật sự của Giáo Hội nhằm thiết lập, dựng lại những gì đã suy vi, ngã đổsuốt trong thời gian qua vì biến cố của đất nước. Trong Thông Điệp đề ngày 11 tháng 10 năm 1991, Hòa Thượng với cươngvị Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN đã đích thân gửi đến chư Tôn Hòa Hượng Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni và Đồng bào Phật tử Việt Nam ở Hải ngoại. Nội dung Thông Điệp như sau:
“Kính thưa quý vị, trước hết, thay lời chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng ni và đồng bào Phật tử trong nước, tôi trân trọng gửi đến chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng ni và đồng bào Phật tử Việt Nam ở Hải ngoại lời thăm hỏi ân cần trong đạo tình nồng nhiệt nhất”.
Hòa Thượng nhắn nhủ tiếp:
“…nhưng tôi và quý vị trong hội đồng lưỡng viện của Giáo Hội vẫn giữ đúng truyền thống của Phật giáo Việt Nam trước sau như một. Sự chịu đựng kiên trì ấy phải chăng đã làm sáng tỏ thêm đặc tính nổi bật của Phật giáo Việt Nam là luôn luôn gắn liền với vận mạng dân tộc. Yếu tố căn bản để có được sự chịu đựng kiên trì như vậy, trước hết chính là tinh thần thống nhất, đoàn kết và Hòa hiệp của Tăng già”.
Trong cươngvị Xử Lý Viện Tăng Thống, Hòa Thượng không yên tâm khi thấy Giáo Hội đối diệntrước ngưỡng cửa phân tâm, ly tán của lòng người, tiếp tục kêu gọi Tăng Ni, tín đồ Phật tử hãy ngồi lại với nhau và phụng hành Phật sự, gìn giữ ngôi nhà Phật giáo Việt Nam bền vững. Hòa Thượng đã chân thành khuyến thỉnh trong bức Thông Điệp gồm có 4 điều. Nơi đây xin được trích điều thứ nhất:
“Tất cả Chư Tăng nguyên trước đây từng là giáo phẩm, nhân sự Tăng sĩ thuộc GHPGVNTN, nay đang hành đạo và tu học tại nhiều quốc gia trên thế giới,nên có kế hoạch thành lập một Giáo Hội hợp nhất, lấy tên là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hải Ngoại”.
Điều khuyến thỉnh thứ nhất này Chư Tôn đức Tăng ni và quý Phật tử đã thi hành nhiều thập niên về trước, mà mỗi quốc gia, châu lục đều có GHPGTN riêng, cũng như văn phòng Điều Hợp Liên Châu của GHTN ở Hải ngoại.
Sau cùng Thông ĐiệpcủaHòa Thượng nói:
“Trên đây là tất cả niềm thao thức của chúng tôi, những người đã và đang gắn chặt đời mình với sự thịnh suy của Đạo pháp, trong một hoàn cảnh hết sức phức tạp và khó khăn như hiện nay. Vì danh dự của Giáo Hội, vì tiền đồ của Phật giáo Việt Nam và vì sự quang vinh của dân tộc kính mong quý liệt vị đặc biệt lưu tâm.”
TM Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN, Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống ấn ký, Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu.
Điều mà ai cũng thấy, sau năm 1975 Giáo Hội đã đi vào một khúc quanh lịch sử bi thảm, nghiệt ngã, mọi Phật sự bị tê liệt. Chư Tôn Túc trong Hội Đồng Lưỡng Viện bị bắt bớ, tù đày, biệt giam, câu lưu rồi chết trong ngục tùcộng sản. Một số khác tìm đường vượt biên ra hải ngoại để hành hoạt, hóa đạo đến hôm nay. Hòa Thượng đứng trước thảm cảnh của đất nước, ly tan nhân sự của Giáo Hội, lòng nghĩ chẳng yên, đã viết Tâm Thư gửi ra cho Chư Tôn đức Tăng Ni đang hành đạo ở hải ngoại vào ngày 10 tháng 9 năm 1991 như sau:
“Đức Thế Tôn ra đời, chuyển vận bánh xe chánh pháp, đem lại trí tuệ và tình thương, hạnh phúc và an lạc cho Chư Thiên và loài người. Hàng chúng Tăng đệ tử thế hệ này qua thế hệ khác tâm trong tâm, nguyện cùng nguyện đã từng hòa hợp với nhau để kế tục sự nghiệp cao cả ấy…”.
Hòa Thượng nhắn nhủ tiếp:
“Trong lịch sử truyền bá Phật giáo Việt Nam cũng như thế giới, có lúc rất bi thảm đầy tủi nhục, nhưng có lúc vẻ vang cũng đáng tự hào. Lúc bi thảm là lúc bản thể của Tăng Ni bị lu mờ, nội bộ của Tăng Ni bị phân tán, thành phần của Tăng Ni có nhiều điểm dị biệt, giới hạnh suy kém và hiểu biết đạo lý một cách cục bộ phiến diện. Trái lại, lúc vẻ vang là lúc nội bộ chúng Tăng hòa hiệp, biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư, những ngã chấp tầm thường để tiến xa trên con đường tịnh hạnh, lấy giác ngộ giải thoát làm cứu cảnh, lấy bản nguyện độ sanh làm sự nghiệp. Bài học lịch sử này, Tăng Ni Việt Nam đã và đang rút ra từ kinh nghiệm đầy quý báu trong cuộc sống thực tại”. … “Tăng Ni Việt Nam đang tu học và hành đạo ở hải ngoại, những người con của Giáo Hội, đang đem chuông đi đánh ở xứ người.” … “Năm nay tôi đã xấp xỉ cửu tuần, sự sống có thể ngừng lại bất cứ lúc nào và sự từ giã anh em trong trọng trách của mình cũng chưa kỳ hẹn được, nên tôi thiết tha kêu gọi quý vị hãy phát huy hơn nữa bản thể của Tăng già mà đoàn kết hòa hợp, hãy cùng nhau thể hiện tinh thần tương kính, tương thuận, tương giáo, tương sám như luật dạy. Hãy vì sự tồn tại của Giáo Hội, vì sự quang vinh của Đạo pháp và dân tộc…. Tăng Ni Phật tử tại quê nhà đang gửi gắm rất nhiều niềm tin tưởng và đạo tình cao quý ở quý vị….”.
Đạo tình thắm thiết, bổn phận trách nhiệm gánh nặng trên đôi vai trước ngưỡng cửacủa lịch sử thời đại nếu không ý thức để vẹn toàn Phật sự, hộ trì Giáo Hội thì bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát tất cả những gì đang ở phía trước. Đây là bài học lịch sử mà Hòa Thượng đã đem hết tấm lòng của bậc lãnh đạo tối cao Giáo Hội để viết lên tâm thư thống thiết này.
Kính bạch Chư Tôn đức Tăng Ni,
Kính thưa quý Phật tử,
Cuối cùng là lời Di Huấn, Hòa Thượng nhắn nhủ cùng thất chúng đệ tử. Lời Di Huấn gồm có 6 điều, nơi đây chỉ xin phép được trích điều thứ nhất:
“Khi Thầy không còn nữa, anh em các con hãy biết thương quý nhau trong tinh thần hòa hợp. Người đi trước phải có trách nhiệm giúp đỡ, dìu dắt kẻ đi sau, nhất là đối với việc nghiêm trì tịnh giới, tinh tấn tu hành để khỏi phải luống uổng chí nguyện của kẻ xuất gia”… “Các con hãy luôn luôn thức tỉnh, nhớ nghĩ đến cuộc đời vô thường mà tinh tấn nhiều hơn. Hãy nhớ lấy, mong lắm thay!
Linh Mụ, ngày 29 tháng 2 năm 1988. Lão bệnh Tỳ Kheo Đôn Hậu.”
III. Tánh Đức Tu Trì
Chúng ta đã lược qua Hành Trạng và Sự Nghiệp của Hòa Thượng, cũng đủ để làm kỷ cương, quy củ cho nhiều đời tu tập. Từ lãnh vực tiếp Tăng độ chúng, đến những Phật sự trùng hưng Già lam, Phạm vũ. Trách nhiệm đối với Giáo Hội, nói chung là sự trường tồn của Đạo pháp mà Hòa Thượng đã phân thân qua nhiều lãnh vực, như ở hai phần đầu đã nói. Giờ thì chúng ta hãy trầm tư, lắng lòng thanh thản để nghe hương vị giải thoát được toát ra từ thân tâm của Hòa Thượng, đặt Giới Luật lên hàng đầu. Thọ trì tịnh giới là việc cấp thiết không giải đãi, không xem thường, giữ Giới như giữ tròng con mắt. Bảo hộ Giới như bảo hộ mạng sống. Giới Luật là năng lực thiết lập và tài bồi cho đoàn thể Tăng già hòa hiệp và thanh tịnh. Có hòa hiệp, có thanh tịnh mới mong thành đạt lý tưởng của người xuất gia. Cũng trong Thông Điệp Phật Đản, Hòa Thượng viết:
“Có sống hòa hợp mới mong làm tròn nhiệm vụ của người con Phật đối với đại sự mở bày Tri Kiến của Đức Từ Phụ, mới mong làm nên những sự nghiệp ích nước lợi dân. Điều này có nghĩa rằng, sống hòa hiệp là điều kiện tất yếu cho sự tiến tu, và sự tiến tu chỉ có thể được thực hiện nếu có sống hòa hợp.”
Chúng ta đọc tiếp trong Lời Giới Thiệu “Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Sao”, Hòa Thượng đã ân cần sách tấn: “Những ai thường thao thức cho sự giải thoát của hính mình và sự tồn tại mãi mãi của đạo Phật ở thế gian, thì việc cần yếu nhất là phải luôn luôn tôn trọng và nghiêm trì tịnh giới. Bằng ngược lại tức là chính chúng ta đã làm cho Chánh pháp bị lu mờ và bản thân chúng ta bị sa đọa chứ không phải do một thế lực nào có thể đầy đọa chúng ta hoặc bắt chúng ta phải bỏ đạo.”
Ấy là đạo học tu trì của Hòa Thượng, chúng ta lắng nghe bài Kệ mà Hòa Thượng đã cảm tác qua hương vị Giới Luật như sau:
“Hành thâm tỳ ni tạng
Giới thể tịnh trang nghiêm
Định lực tồi ma đạo
Tuệ quang chiếu giác viên.”
Qua Yếu Chỉ bài Kệ trên, chúng ta có thể hiểu như là bài Kệ Sở Ngộ của Hòa Thượng, qua công phu trì Giới hành Luật. Cảm nhận được Bậc tâm sạch như băng, ý trong như tuyết, dẫu Thánh giả hay Nhơn thiên đều nghiêm thân khể thủ, mà Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã đề tặng hai câu đối:
“Thánh giả thôn châm, thiên nhơn cũng thủ
Không sanh thuyết pháp, ngoạn thạch điểm đầu.”
Ôn Tuệ Sĩ cũng viết hai câu đối để nói lên tánh đức tu trì của Hòa Thượng như sau:
“Thiên chu mê vụ, cử trạo kích kinh đào, thanh đoạn cử thiên, trường xướng vô sanh vô ngã.
Kiều mộc tằng nham, phất vân huy hạo nguyệt, ảnh phù không giả, thùy vi tức vọng tức chơn.”
Một bậc Thầy ngàn đời khả kính, qua tánh đức tu trì, là cột trụ nhà Thiền mà dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ghi tạc một cách đậm nét.
Đôi dòng cảm nghĩ mà sưu tập tài liệu để ghi lại vài nét vềHành Trạng và Sự nghiệp của Đức Đệ Tam Tăng Thống GHPGVNTN, kính dâng lên Chư Tôn đức Tăng Ni cùng gửi đến quý cư sĩ Phật tử, nhân ngày Đại Lễ Khánh Thành ngôi chùa mang tên Ngài là ĐÔN HẬU. Tất nhiên, là không làm sao nói cho hết được công hạnh của một vị Bồ tát hóa thân vào đời ác năm trược vì bản hoàiđộ sinh, mà chúng con chỉ làm công việc thưa thỉnh đôi điều để tất cả chúng ta hôm nay lắng lòng thanh tịnh mà tưởng niệm Hành trạng và Sự nghiệp cao vời của một bậc Thạch Trụ Tùng lâm của Phật Giáo Việt Nam.
Thành kính đảnh lễ Chư Tôn đức Tăng Ni
Kính cảm ơn TT Thích Viên Giác Viện chủ, Trú trì chùa Đôn Hậu Na Uy.
Kính cảm ơn quý Thiện hữu Trí thức, quý vị cư sĩ Phật tử và toàn thể liệt quý vị.
Trân trọng,
San Diego, ngày 21 tháng 8 năm 2019
TK Thích Nguyên Siêu