THIẾU NHI CỦA TÔI,
CÁC CHÁU LÀ TƯƠNG LAI CỦA TÂY TẠNG
Đức Đạt Lai Lạt Ma - Tuệ Uyển
Bị Buộc Phải Lưu Vong
CHÚNG TÔI PHẢI TRÔNG thật là thảm não khi được chào đón bởi những binh lính biên phòng Ấn Độ. Có tám mươi người chúng tôi, thân thể tất cả đều kiệt lực qua hành trình và về tinh thần bị choáng ngợp bởi thử thách.
Khi chung tôi đến Tezpur, hàng trăm thông điệp, thư từ, và điện tín đang chờ tôi. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới gởi cho tôi những lời chào mừng và động viên. Tôi tràn ngập lòng biết ơn, nhưng cũng với một cảm giác cấp bách. Ưu tiên là việc chuẩn bị một tuyên bố súc tích cho nhiều người đang chờ đợi một lời từ tôi để gởi đến các phương tiện truyền thông. Thế nên tôi thuật lại những sự kiện một cách thẳng thắn và trong những thuật ngữ vừa phải. Thế rồi, sau một bửa ăn trưa nhẹ, chúng tôi lên xe lửa đi Mussoorie.
Hàng trăm hay ngay cả hàng nghìn người đổ đến để xem chúng tôi khi chúng tôi du hành ngang qua, vẩy tay chào chúng tôi và mong chúng tôi được hậu đãi. Ở một vài nơi người ta thậm chí còn dọn đường rầy để chúng tôi có thể di chuyển nhanh hơn. Tin tức lan truyền một cách nhanh chóng khắp hang cùng ngỏ hẻm ở Ấn Độ, và dường như là mọi người đều biết về sự hiện diện của tôi trên chuyến xe lửa ấy. Hàng nghìn người liên tiếp đổ đến hoan nghênh tôi với những lời hô vang "Đức Đạt Lai Lạt Ma Ki Jai! Đức Đạt Lai Lạt Ma Zindabad!" (Đức Đạt Lai Lạt Ma trường thọ! Cầu cho Đức Đạt Lai Lạt Ma sống lâu!
Tôi rất xúc động. Trong ba thành phố lớn mà tôi đi qua - Siliguri, Benares, và Lucknow - tôi phải rời xe lửa và tham gia vào những buổi tụ hội không chuẩn bị trước với những đám đông mênh mang chào mừng tôi bằng việc tung hoa. Toàn bộ hành trình dường giống như một giấc mơ lạ thường. Khi nghĩ lại việc ấy, tôi biết ơn vô vàn với người dân Ấn Độ vì sự ân cần tử tế dạt dào vào thời điểm ấy của đời tôi.
Vài ngày sau đó, một thông cáo từ cơ quan truyền thông của Trung Cộng đến, lên án tuyên bố Tezpur của tôi như "một tài liệu đầy sai trái của biện luận, dối trá và lẫn tránh." Theo sự diễn dịch của Trung Cộng về những sự kiện, tôi đã bị bắt cóc bởi những kẻ nổi loạn ở Lhasa, hành động được trả lương bởi "những đế quốc xâm lược."
Tôi bị choáng váng khi thấy rằng Trung Cộng đang cáo buộc những đế quốc tưởng tượng, chẳng hạn như người Tây Tạng ở Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ, và "phe nhóm quyền lực" của tôi, thay vì thừa nhận sự thật rằng đồng bào tôi đang đòi hỏi tự do đã nổi lên chống lại họ.
***
Trong năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp thế giới và thế giới đã gặp Tây Tạng. Nhưng truyền thông quốc tế chỉ nhấn mạnh về bản chất huyền bí của văn hóa Tây Tạng, với những tiêu đề vốn nổi bật một sự pha lẫn về sự dị thường và tôn giáo và hạ thấp những vấn đề chính trị về sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Cộng ở Tây Tạng ở phía sau. Vì vậy, Paris Match, trong số ngày 28 tháng Tư năm 1959, vinh danh "Joan of Arc[1] của Tây Tạng" người được cho là có sự hướng dẫn kỳ diệu Đức Đạt Lai Lạt Ma trong hành trình của ngài qua những đường đèo cao nhất trên thế giới. Tạp chí này không tiếc lời ca ngợi sức mạnh siêu nhiên của vị đạo sư trẻ tuổi, người được họ so sánh với một nhà huyển thuật triệu hồi sự bảo vệ của những linh thức nhân từ vốn ngài biết thuần hóa như thế nào.
Tuy nhiên, hoàn cảnh chỉ trở nên tệ hại hơn ở Tây Tạng. Biết rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tìm cách đến Ấn Độ, Mao được nói là đã la lên, "Chúng ta đã thua trận!" Nhưng tốc độ của cái được gọi là cải cách dân chủ chỉ tăng tốc trong tất cả mọi vùng của Tây Tạng, không chỗ nào được loại trừ. Chính quyền Trung Cộng đã xóa bỏ tầng lớp cai trị của Tây Tạng; tất cả những người đối kháng bị tàn sát, các lạt ma bị bắt giữ, và những kho tàng tôn giáo và nghệ thuật của các tu viện bị cướp bóc. Ở trung tâm Tây Tạng, trong 2,500 tu viện chỉ còn sót lại 70 ngôi mà thôi.
Quân chiếm đóng Trung Cộng đã làm hàng chục nghìn người chết trong vài năm, nhiều lời nhân chứng đều nói giống nhau: người Tây Tạng không chỉ bị đưa ra xử bắn mà thiêu sống, dìm chết, bóp cổ, treo cổ, chôn sống, xé đôi, phanh thây làm tư, chặt đầu.
Giữa năm 1959 và 1960, có tám mươi nghìn người theo chân Đức Đạt Lai Lạt Ma trên con đường lưu vong. Sự hổ trợ của Nehru cần thiết để được thành công nếu đời sống của những người Tây Tạng bây giờ tị nạn ở Ấn Độ được tổ chức thành một cộng đồng. Tuy nhiên, Nehru mặc dù muốn giúp đở người Tây Tạng một cách chân thành, lại nóng lòng muốn duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với Trung Hoa Mao-ít.
Ưu Tiên Của Tôi Là Chấm Dứt Sự Tắm Máu
VÀO NGÀY 24 THÁNG BA 1959, Pandit Jawaharlal Nehru tự thân đến để gặp tôi ở Mussoorie. Chúng tôi nói chuyện với nhau khoảng vài giờ đồng hồ, trong sự hiện diện của một người thông dịch duy nhất. Tôi hiểu để kể cho ông nghe chi tiết về những gì xảy ra từ khi tôi trở lại từ Bắc Kinh đến Tây Tạng, theo sự cố vấn lập đi lập lại của ông. Tôi tiếp theo tuyên bố rằng tôi sẽ hành động đối với người Trung Cộng như ông đề nghị, với công lý và trung thực, bình phẩm họ khi họ không có lý do để làm như vậy, trong khi vẫn cố gắng để bảo toàn những thuật ngữ của Thỏa Ước Mười Bảy Điểm.
Ở những điểm nào đó trong sự đối thoại của chúng tôi, Nehru đấm vào bàn với nắm tay của ông. "Làm sao có thể như thế!" ông la lên một hay hai lần như vậy. Tôi tiếp tục, mặc dù rõ ràng là ông hơi bị sốc. Để kết luận, tôi nói với ông rất chắc chắn rằng quan tâm chính của tôi có hai phần: "Tôi quyết định giành lại sự độc lập của Tây Tạng, nhưng bây giờ, ưu tiên của tôi là làm chấm dứt sự tắm máu." Với những lời này, Nehru không thể kiềm chế được nữa. "Điều đó là không thể," ông nói trong một giọng đầy cảm xúc. "Ngài nói ngài muốn độc lập và đồng thời ngài không muốn một cuộc tắm máu. Không thể được!" Làn môi dưới của ông rung lên dữ đội khi ông nói.
Tôi đã bắt đầu nhận ra rằng vị thủ tướng tự thấy mình ở trong một vị trí cực kỳ phức tạp và lúng túng. Trong quốc hội Ấn Độ, một cuộc tranh luận căng thẳng mới về vấn đề Tây Tạng đã tiếp theo sau tin tức về sự đào thoát của tôi. Trong nhiều năm Nehru đã bị bình phẩm bởi nhiều chính trị gia về vị thế của ông đối với tôi. Tôi hiểu rằng tương lai của tôi và tương lai của đồng bào tôi rất bấp bênh hơn là tôi tưởng.
Sự ủng hộ chính trị dè dặt của Nehru đồng hành cùng với một cam kết kiểu mẫu về việc tổ chức giáo dục cho trẻ em Tây Tạng. Nhiều trẻ em Tây Tạng đã đến Ấn Độ với gia đình, những người vốn mất mát tất cả mọi thứ, và Nehru, nhận ra thảm kịch của họ, đề nghị Đức Đạt Lai Lạt Ma thành lập những trường học đặc biệt cho họ cũng như để bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng. Một tổ chức độc lập cho sự giáo dục của người Tây Tạng, trong Bộ Giáo Dục của Ấn Độ, được thành lập, và việc xây dựng trường học được tiến hành với sự tài trợ của chính phủ.
Trẻ Em Của Hy Vọng
KHÔNG BAO LÂU SAU sự đào thoát ồn ào của chúng tôi đến Ấn Độ, tôi đã đưa ra những ngôn từ sau đây để động viên cộng đồng tị nạn mới của chúng tôi:
"Các thiếu nhi của tôi, chúng tôi muốn làm cho các cháu trở thành những thành viên tận tụy, hữu dụng của cộng đồng chúng ta. Các cháu phải hành động với cả trái tim của các cháu vì đồng bào, tôn giáo, và vấn đề Tây Tạng.
"Các cháu thiếu nhi của tôi, các cháu là những con người. Các cháu không phải là cây cỏ cũng không phải là bông hoa, vốn bị tàn phai trong nắng nóng hay bị tan hoang bởi mưa đá và bảo giông. Không giống như cây cỏ, các cháu có thể nắm lấy vận mạng các cháu trong tay. Bất cứ các khổ đau thân thể nào các cháu có thể chịu đựng, thì các cháu nên luôn luôn giữ một ý thức trong sáng và một tâm hồn vững vàng, cứng rắn.
"Hồng Quân Trung Cộng đã làm mỗi chúng ta đau khổ vô vàn. Chúng ta không nên lãng quên những tàn bạo này. Các cháu phải làm việc cần mẫn để thu thập kiến thức và đấu tranh với những vũ khí của công lý và luật lệ. Ngày và đêm, các cháu phải cố gắng để có được sự tu dưỡng rộng lớn hơn nhằm để phục vụ tôn giáo của các cháu và đồng bào của các cháu. Đó là trách nhiệm cá nhân của các cháu.
"Các cháu thiếu nhi, các cháu nên tiếp tục công việc đã được bắt đầu bởi những người lớn. Không nên đứng qua một bên và không làm gì, giống như chúng ta đang chờ đợi mưa rơi xuống từ bầu trời. Tất cả chúng ta phải làm việc năng nổ. Trẻ cũng như già, chúng ta hãy cố gắng để nhận ra mục tiêu chung của chúng ta.
"Các cháu thiếu nhi của tôi, càng nhìn các cháu, tôi càng cảm thấy hạnh phúc hơn. Các cháu đại diện cho sự hy vọng của một tương lai tốt đẹp hơn, và các cháu sẽ xoay sở để vượt thắng những khó khăn đang nằm phía trước. Các cháu là ngưỡng cửa của sự tồn tại; các cháu phải trở nên mạnh mẽ hơn mỗi ngày, đừng lãng phí thời gian quý báu của các cháu. Các cháu là tương lai của Tây Tạng."
***
Đức Đạt Lai Lạt Ma và thiếu nhi Tây Tạng
Tháng Tư năm 1960, một năm sau khi lưu vong, phát ngôn viên một trại ở Jammu đã đến gặp Đức Thánh Thiện với một tin tức báo động. Trong một cuộc chuyển tiếp của một nhóm tị nạn ở Ladakh, một trận bảo tuyết đã bùng lên. Bị tấn công với cơn lạnh thêm vào sự thiếu dinh dưỡng và thiếu sự chăm sóc y tế, trẻ em đã bị giết chết rất nhiều.
Vận mạng của trẻ em là một ưu tiên tuyệt đối của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ở Tây Tạng Trung Cộng đã bắt đầu một cuộc vận động "học tập yêu nước", tách rời trẻ em khỏi cha mẹ của chúng và ngay cả lưu đày những thành phần thông minh nhất sang Trung Hoa. Đối với những người tị nạn trẻ tại Ấn Độ, họ bị đe dọa với nạn đói và bệnh tật. Toàn bộ một thế hệ đang ở trong hiểm họa.
Quyết định của Đức Đạt Lai Lạt Ma là ngay lập tức. Ngài yêu cầu những thành viên trong gia đình ngài và những viên chức trong đoàn tùy tùng của ngài lãnh trách nhiệm săn sóc những trẻ em bệnh tật hoặc suy dinh dưỡng bằng việc tạo nên cơ quan vì mục tiêu đó với sự giúp đở của chính phủ Ấn Độ. Một phái viên được gửi tới những người tị nạn với thông điệp sau:
"Sự sống của đồng bào là rất gian khó. Tôi đã quyết định thành lập một cơ sở để chào đón con em của chúng ta. Nếu đồng bào giao phó chúng cho tôi, như vậy sẽ đơn giản hóa đời sống của đồng bào và con em của chúng ta sẽ được học hỏi để sống độc lập và kỳ vọng ở chính chúng.
"Điều gì hơn thế nữa, chúng sẽ trở thành những người Tây Tạng thật sự, những kẻ thừa kế sự tự do mà chúng ta mới tìm được. Chúng sẽ không bao giờ quên cha mẹ chúng, tổ tông chúng, anh chị em chúng, đồng bào chúng những người đã hy sinh cho chúng. Dĩ nhiên, tôi không áp đặt việc này; cha mẹ và con cái có thể thực hiện lựa chọn của họ một cách tự do."
Khi phát ngôn viên vừa dứt lời, có một thời khắc im lặng. Sau đó, người cha của một đứa bé gái bốn tuổi lên tiếng. Ông đã không chấp nhận sự truyền thụ vốn ngăn chặn người Tây Tạng trở thành người Tây Tạng trong chính xứ sở của họ và buộc họ lên án dân tộc họ, quê hương họ, và tôn giáo họ. Cho nên với đứa con gái của ông trên vai, ông và vợ đã theo chân Đức Đạt Lai Lạt Ma vượt Hy Mã Lạp Sơn. "Tôi nghĩ," ông kết luận, "đó là một cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi trong việc cống hiến sự chăm sóc và giáo dục con em chúng ta."
Một bà cụ tật nguyền của một cậu bé Tây Tạng đứng lên và nói, "tôi đã cầu nguyện để thấy bằng chính mắt tôi sự chết của những kẻ đã thi hành sự diệt chủng như vậy trên quê hương chúng ta. Bất hạnh thay, tôi đã quá già; tôi nghĩ tôi sẽ chết ở đây. Nhưng có cháu ngoại trai tôi và tất cả những trẻ em khác. Thế nên tôi cầu nguyện chúng có thể được chăm sóc để chúng có thể chuẩn bị báo thù cho tất cả những người chúng ta đã chết một cách mau chóng.
Cha của một trẻ em khác cũng tuyên bố, "Tôi cầu nguyện để thấy Tây Tạng được tự do trước khi tôi chết. Đức Đạt Lai Lạt Ma muôn năm!" Những người tị nạn lập lại, "Đức Đạt Lai Lạt Ma muôn năm!" Và những trẻ em yêu cầu cha mẹ chúng để chúng đi với Đức Đạt Lai Lạt Ma, đến cơ sở đã được thiết lập cho chúng.
Năm 1960, cùng lúc đoàn tùy tùng của Đức Đạt Lai Lạt Ma lãnh trách nhiệm với các trẻ em, chính phủ Ấn Độ mở trường tiểu học và trung học dưới thẩm quyền của sự quản lý tự trị. Cùng năm ấy một viên chức bộ nội vụ của Tây Tạng, trong sự phối hợp với những thẩm quyền Ấn Độ và quốc tế, lãnh trách nhiệm trông nom sự hòa nhập của người tị nạn, những người bây giờ lan tõa khắp Ấn Độ trong khoảng năm mươi trại.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng tổ chức một bộ Văn Hóa và Tôn Giáo để tái tạo những đại tu viện và những trường đại học của chúng trong vùng đất lưu vong.
Trong triều đại ngắn ngủi của ngài ở chính Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tiến hành hiện đại hóa xã hội phong kiến Tây Tạng. Trong lưu vong, ngài giới thiệu dân chủ với chính quyền của ngài bằng việc áp dụng một hiến pháp tạm thời phân quyền, bình đẳng mọi công dân trước luật pháp, tự do bầu cử, và chính trị đa nguyên.
Việc dân chủ hóa này, cùng với việc bắt đầu của sự thế tục hóa cơ cấu chính trị Tây Tạng, là câu trả lời tuyệt vời nhất đối với sự tuyên truyền của Trung Cộng cáo buộc rằng ngài muốn tái lập quyền lực cá nhân của ngài.
Tôi Là Người Đề Xướng Chế Độ Dân Chủ Thế Tục
MẶC DÙ CHƯA TỪNG CÓ một xã hội Phật Giáo nào phát triển một hệ thống dân chủ trong chính quyền của nó, nhưng cá nhân tôi vô cùng ngưỡng mộ sự dân chủ thế tục. Khi Tây Tạng vẫn còn tự do, chúng tôi nuôi dưỡng một sự cô lập mà thiên nhiên đã cho chúng tôi, suy nghĩ sai lầm rằng chúng tôi có thể bảo đảm cho sự hòa bình bên trong và bảo vệ cung cách ấy. Không chú ý đến những thay đổi mà thế giới đang trải qua, chúng tôi hầu như không lưu tâm rằng Ấn Độ, một trong những người láng giếng gần gũi nhất của chúng tôi, đã trở thành một nền dân chủ lớn nhất trên thế giới sau khi giành độc lập thắng lợi một cách hòa bình. Sau này, chúng tôi phải đau khổ để biết rằng, trên trường quốc tế cũng như tại quê hương, tự do phải được chia sẻ và thụ hưởng trong sự sống chung với những người khác. Người ta không thể sử dụng độc quyền của tự do.
Mặc dù người Tây Tạng bên ngoài quê hương Tuyết Sơn đã bị biến thành người tị nạn, nhưng chúng tôi có tự do để thực hành những quyền của chúng tôi. Những anh chị em của tôi bên trong Tây Tạng không có cùng những quyền để sống ngay trên chính quê hương của họ. Đó là tại sao những người tị nạn chúng tôi có trách nhiệm dự đoán và tưởng tượng về một Tây Tạng của tương lai. Trải qua nhiều năm chúng tôi đã đưa vào thực hành một kiểu mẫu dân chủ chân thật trong những cung cách đa dạng. Sự thật là chữ dân chủ đã quen thuộc với tất cả những người Tây Tạng tị nạn và họ minh chứng cho điều này.
Tôi đã chờ đợi từ lâu lúc chúng tôi có thể định nghĩa một hệ thống chính trị được áp dụng cho cả truyền thống chúng tôi và sự đòi hỏi của thế giới hiện đại, một nền dân chủ có gốc rể trong bất bạo động và hòa bình. Chúng tôi gần đây đã đưa ra những thay đổi sẽ củng cố nền dân chủ của chính phủ chúng tôi trong lưu vong. Với vài lý do, tôi đã quyết định rằng tôi sẽ không là lãnh tụ, hay ngay cả là một phần trong chính quyền, ngày Tây Tạng giành lại được nền độc lập của nó. Vị lãnh tụ tiếp theo của chính quyền Tây Tạng nên được bầu ra trong một cuộc phổ thông đầu phiếu. Có nhiều thuận lợi cho một sự cải cách như vậy vốn sẽ cho phép chúng tôi trở thành một nền dân chủ chân thật và hoàn toàn. Tôi hy vọng rằng, cảm ơn cho những sự thay đổi này, đồng bào tôi sẽ có thể biểu lộ một cách rõ ràng về những quyết định liên quan đến tương lai của Tây Tạng.
Tiến trình của chúng tôi về dân chủ hóa đã ảnh hưởng đến mọi người Tây Tạng trên toàn thế giới. Tôi nghĩ rằng những thế hệ tương lai sẽ nhìn vào những sự chuyển biến như những hoàn thành chính yếu của kinh nghiệm chúng tôi trong lưu vong. Giống như sự truyền bá Phật Giáo vào Tây Tạng đã trui rèn xứ sở chúng tôi. Tôi tin chắc rằng sự dân chủ hóa xã hội chúng tôi sẽ củng cố sức sống của đồng bào Tây Tạng và cho phép thể chế chính quyền chúng tôi phản chiếu khát vọng và ngưỡng mộ thân thương nhất của họ.
Tự Do, Bình Đẳng Và Huynh Đệ Cũng Là Những Nguyên Tắc Của Phật Giáo
Ý TƯỞNG RẰNG CON NGƯỜI có thể sống một cách tự do như những cá nhân, những kẻ bình đẳng trong nguyên tắc và vì thế có trách nhiệm với nhau là tuyệt hảo trong liên đới với Phật Giáo. Như những Phật tử, những người Tây Tạng chúng tôi quý trọng đời sống con người như tặng phẩm quý giá nhất, tin tưởng rằng triết lý và giáo lý Phật Giáo là con đường để đến sự tự do tối thượng - một mục tiêu có thể đạt đến được bởi những người nam và nữ bình đẳng như nhau.
Đức Phật thấy rằng mục tiêu của đời sống là hạnh phúc. Ngài cũng thấy rằng, trong khi si mê đưa chúng sanh vào thất bại và khổ đau vô tận, thì tuệ giác giải thoát họ. Nền dân chủ hiện đại căn cứ trên nguyên tắc tất cả mọi người là bình đẳng, rằng mỗi chúng ta có quyền để sống một cách tự do và hạnh phúc. Đạo Phật cũng nhận ra rằng con người có quyền quyết định vận mệnh của mình, rằng tất cả những thành viên của gia đình nhân loại có quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm. Sự tự do này không chỉ ở trên bình diện chính trị mà cũng ở trên trình độ căn bản, nơi mọi người phải được tự do với sợ hãi và nghèo khổ. Cho dù giàu hay nghèo, có học hay không, đến từ bất cứ xứ sở nào, theo bất cứ tôn giáo nào, lý tưởng nào chúng ta tán thành, thì mỗi chúng ta ở trên tất cả những thứ ấy và là một con người như tất cả những người khác. Không chỉ chúng ta muốn hạnh phúc và cố gắng để xa rời khổ đau, mà chúng ta có quyền chính đáng để theo đuổi những mục tiêu này.
Hiến chế được Đức Phật thiết lập là Tăng Già (Sangha), hay cộng đồng tu sĩ, và nó vốn tuân thủ những quy luật của dân chủ. Trong một tình huynh đệ như thế, các cá nhân là bình đẳng, bất chấp tầng lớp xã hội hay đẳng cấp bẩm sinh. Sự phân biệt vi tế duy nhất nằm dựa trên sự thâm niên trong thụ giới.
Sự tự do cá nhân, trong kiểu mẫu của sự Giải Thoát và Giác Ngộ, là mục tiêu chính yếu của cộng đồng, và nó được hoàn thành bằng việc tu dưỡng tâm thức trong thiền tập. Những mối quan hệ hàng ngày căn cứ trên sự bố thí, tôn trọng, và chú ý đến người khác. Bằng việc hướng dẫn đời sống mà không có một chỗ ở nhất định, tu sĩ tự tách rời khỏi sự sở hữu, mà không sống trong sự cô lập hoàn toàn. Tập quán khất thực chỉ củng cố tính tỉnh giác về sự lệ thuộc của họ. Trong cộng đồng, những quyết định được hiện thực bằng bỏ phiếu, và những bất đồng được giải quyết bằng đồng thuận. Vì vậy, Tăng Già là một mẫu mực trong dạng thức của sự bình đẳng xã hội, chia sẻ tài vật, và tiến trình dân chủ.
***
Trong chuyến du hành sang Trung Hoa năm 1954, Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố sự nhiệt tình của ngài với chủ nghĩa Mác-xít, vốn cho phép nền kinh tế xã hội chủ nghĩa gần với lý tưởng Phật Giáo hơn là chủ nghĩa tư bản. Trong triết lý Mác-xít, ngài thấy những nguyên tắc bình đẳng và công bằng xã hội thân thiết với Đạo Phật: "Tâm trí tôi có thể đỏ đẹp hơn những nhà lãnh đạo Trung Cộng. Ở Trung Hoa chế độ Cộng Sản đang thống trị mà không có lý tưởng Cộng Sản," ngài tuyên bố một lần nữa năm 2008, trong việc biểu lộ giấc mơ của ngài về một sự tổng hợp giữa Phật Giáo và chủ nghĩa Mác-xít vốn có thể có hiệu quả cao nhất trong chính trị.
Tôi Yêu Hình Ảnh Những Thanh Gươm Biến Thành Những Lưỡi Cày
Vào ngày 17 tháng Mười năm 2007, trong mái vòm của điện Capitol ở thủ đô Hoa Sinh Tân, Hoa Kỳ, một lần nữa trong năng lực của ngài như một con người, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận Huân Chương Vàng Quốc Hội Hoa Kỳ, gần hai mươi mốt năm sau khi nhận giải Nobel Hòa Bình ở Oslo, Na Uy.
Ngài bước lên bục trong y áo tu sĩ truyền thống: chiếc y vàng nghệ rộng phủ trên bộ đồ màu đỏ sậm, để hở vai bên phải. Chung quanh ngài, những bức tượng trang nghiêm được tạc bằng đá cẩm thạch để nhớ lại thời gian oai hùng của Thomas Jefferson và những vị cha già khai sinh nước Mỹ, và những bích họa kỷ niệm những chiến trận mà trong ấy George Washington, Lafayette, và những nhà yêu nước khác đã chiến đấu vì sự độc lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Tổng thống George W. Bush đã làm thính chúng xúc động khi ông đề cập rằng lúc còn là một cậu bé, Đức Đạt Lai Lạt Ma "đã giữ một mô hình tượng Thần Tự Do bên cạnh ngài". Những năm sau này, trong lần thăm đầu tiên Hoa Kỳ, ngài đã đến Công viên Battery ở thành phố New York để ngài có thể thấy bức tượng thật sự cao lớn ngay trước mắt.
Tổng thống tiếp tục với chủ đề quyền tự do, nhắc lại tổ tiên ông đã giành được nền độc lập qua một cuộc cách mạng và rằng ''Jefferson đã xem việc tự do thờ phụng là một trong những phước lành lớn nhất của Hoa Kỳ." Theo tổng thống, "Sự tự do này không thuộc vào một đất nước, nó thuộc về cả thế giới."
Tổng thống đã nói nhân danh chính quyền Hoa Kỳ. Để bảo vệ tự do, đất nước của ông đã nhờ đến sức mạnh. Nói như một cảnh sát viên thế giới và như nguyên thủ của một quốc gia quân sự hùng mạnh nhất thế giới, George W. Bush đã biện giải về một nền hòa bình bị đe dọa bởi khủng bố.
Tuy nhiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói như một con người và biện hộ cho một con đường của hòa bình tiến tới hòa bình.
***
Có một thông điệp tuyệt vời trong Thánh Kinh vốn thôi thúc chúng ta biến những thanh gươm thành những lưỡi cày. Tôi yêu hình ảnh này của một vũ khí làm thành một khí cụ để phục vụ cho nhu cầu căn bản của con người. Đó là biểu tượng của một thái độ giải trừ vũ khí nội tại và ngoại tại. Trong tinh thần của thông điệp cổ xưa này, dường như quan trọng đối với tôi với ngày nay là việc nhấn mạnh tính cấp bách của một chính sách dài lâu là: phi quân sự hóa toàn hành tinh.
***
Hòa bình không phải được ra lệnh, cũng không phải được áp đặt bằng sức mạnh. Kết quả của từ bi, hòa bình "chín muồi từ trái tim con người và chiếu soi trên thế giới," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với chúng ta như vậy.
Loài Người Thích Cung Cách Hòa Bình Hơn
TÔI BẢO ĐẢM RẰNG mọi người đều đồng ý với nhu cầu cho việc chiến thắng bạo động, nhưng nhằm để loại trừ nó một cách hoàn toàn, trước nhất nó phải được phân tích.
Ở một quan điểm cực đoan thực tiển, chúng ta chú ý rằng bạo lực đôi khi có thể hữu dụng. Một vấn nạn được giải quyết một cách nhanh chóng hơn bằng sức mạnh. Nhưng một sự thành công như vậy thì thường đạt được bằng sự hy sinh những quyền lợi và sự cát tường của kẻ khác. Bất cứ vấn nạn nào được giải quyết bằng cách ấy lại gây ra một vấn nạn khác.
Nếu một lý trí vững chắc được đặt vào việc phục vụ cho một nguyên nhân, thì bạo lực là vô ích. Khi người ta bị thúc đẩy bởi một mong ước vị kỷ và không thể có được những gì người ta muốn qua lý luận hợp lý, thì người ta viện đến sức mạnh. Ngay cả trong khuôn khổ của sự tranh cải gia đình hay sự bất đồng thân hữu, nếu bạn tự hổ trợ bạn với một lý luận có căn cứ, thì bạn sẽ bảo vệ một cách không mệt mõi vị thế của bạn, từng điểm một. Tuy nhiên, nếu bạn thiếu những động cơ hợp lý, thì bạn sẽ mau chóng bị tràn ngập bởi sân hận, là thứ vốn không bao giờ có dấu hiệu của sự mạnh mẽ, mà là của sự yếu kém.
Cuối cùng, thật quan trọng để thẩm tra động cơ của chúng ta, cũng như của những kẻ đối nghịch. Bạo động và bất bạo động có thể có nhiều hình thức, vốn khó để phân biệt nếu chúng ta chỉ nhắm đơn thuần vào quan điểm ngoại tại. Một động cơ tiêu cực sản sinh một hành vi bạo động sâu sắc, ngay cả khi nó dường như thân hữu và tế nhị. Trái lại, một động cơ chân thành tích cực nhất thiết là bất bạo động trong thực tiển, ngay cả nếu những hoàn cảnh áp đặt một mức độ nghiêm trọng nào đó. Trong bất cứ trường hợp nào. Tôi có cảm giác rằng chỉ sự quan tâm từ bi cho người khác thì mới có thể biện minh cho phương sách với sức mạnh.
Tôi đã từng nghe nhiều người phương Tây nói rằng về lâu về dài những phương pháp bất bạo động của sự phản kháng thụ động được Thánh Gandhi bênh vực là không thích hợp cho mọi người và chúng thì thích đáng hơn ở phương Đông. Hãy năng động hơn. Những người phương Tây yêu cầu những kết quả tức thời, bất cứ tình cảnh nào, ngay cả với giá của sinh mạng họ. Tôi nghĩ thái độ này không phải luôn luôn là tuyệt hảo nhất. Trái lại, sự thực hành bất bạo động là lợi ích trong bất cứ trường hợp nào. Nó đơn giản đòi hỏi sự quyết tâm. Mặc dù những phong trào tự do ở Đông Âu đạt được mục tiêu nhanh chóng của họ, sự phản kháng bất bạo động, chính bản chất của nó, thường đòi hỏi sự kiên nhẫn.
Với điều này trong tâm, tôi cầu nguyện cho những ủng hộ viên của phong trào dân chủ ở Trung Hoa duy trì sự hòa bình, mặc cho sự đàn áp dã man và những khó khăn trước mắt của họ. Tôi chắc chắn rằng họ sẽ duy trì sự bình lặng. Đại đa số những người Trung Hoa trẻ, những thành viên của phong trào đều sinh ra và lớn lên trong một chế độ Cộng Sản rất khắc nghiệt. Nhưng trong mùa xuân 1989, họ đã tự động đưa vào thực hành sách lược phản kháng thụ động rất thân thiết với Mahatma Gandhi. Tôi thấy trong điều này một sự biểu hiện rõ ràng rằng, như một phương sách cuối cùng, loài người thích cung cách của hòa bình, mặc dù tất cả những chỉ dấu là đối nghịch lại.
***
Gandhi là một kiểu mẫu chính trị đầu tranh bất bạo động, và ảnh của ông hiện diện trong nhiều văn phòng hành chính Tây Tạng. Một nhân vật vĩ đại của hòa bình và hòa giải, Mahatma, nhân cách vĩ đại được vinh danh sau khi chết đồng thời như Đức Đạt Lai Lạt Ma trong lúc được trao giải Nobel hòa bình. Bằng việc làm như vậy, Hội đồng Nobel muốn sửa chửa lỗi lầm của họ vì đã không trao danh hiệu này cho Gandhi trước đây.
Để giành độc lập cho Ấn Độ từ sức mạnh thuộc địa của Anh, Gandhi đã tổ chức không chỉ phản kháng bất bạo động mà cũng là bất tuân dân sự, bất hợp tác với những kẻ chiếm đóng, và tuần hành chống đối. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma bị phiền trách vì đã giới hạn di sản bất bạo động của Gandhi, ngài chỉ ra rằng phạm vi không cho phép người Tây Tạng sao chép lại ở Tây Tạng phương pháp vốn đã giành lại tự do cho Ấn Độ khỏi sự thống trị của Anh Quốc. Gandhi trong thực tế có thể tự bảo vệ cho ngài trước một tòa án của luật lệ, và mặc dù chế độ thuộc địa của Anh Quốc ở Ấn Độ rất khắc nghiệt, nhưng vẫn tôn trọng những quyền cá nhân, vốn không phải là trường hợp của nhà đương cục Trung Cộng. Do vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma biện hộ cho việc nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh của Gandhi trong khi áp dụng nó trong hoàn cảnh của Tây Tạng.
Gandhi Sẽ Làm Gì ở Vị Trí Của Tôi?
CHUYẾN THĂM NEW DELHI lần đầu tiên của tôi là đến Rajghat, nơi hỏa táng của Mahatma Gandhi. Tôi tự hỏi nếu ngài vẫn còn sống thì ngài sẽ cho tôi một lời khuyên bảo khôn ngoan như thế nào. Tôi nghĩ ngài chắc chắn sẽ dùng tất cả sức mạnh của ngài, tất cả ý chí của ngài, và toàn bộ cá tính của ngài vào một cuộc vận động bất bạo động vì sự tự do của đồng bào Tây Tạng. Điều đó làm tôi thư thái trong quyết định của tôi là luôn luôn đi theo tấm gương của ngài, cho dù bất cứ chướng ngại nào có thể sinh khởi. Và hơn thế nữa, tôi quyết tâm không liên kết bản thân tôi với bất cứ hành vi bạo động nào.
***
Đức Đạt Lai Lạt Ma không bao giờ dao động với quyết định ban đầu của ngài để trả lời với sự hung hãn của Trung Cộng bằng bất bạo động. Kể từ lúc bắt đầu cuộc chiếm đóng, ngài đã cố gắng để mở ra một cuộc đối thoại với Bắc Kinh và bảo vệ quyền lợi của Tây Tạng trong phạm vi của Thỏa Ước Mười Bảy Điểm, mặc cho sự bất công trắng trợn của nó. Trong năm 1958, khi quân kháng chiến của những người Khampa trở nên triệt để hơn ở miền Đông Tây Tạng, ngài yêu cầu họ giao nộp vũ khí. Những Chiến Sĩ Tự Do này đã thề chiến đấu đến chết cho Tây Tạng. Vì họ không thể phá vở lời thề này cũng không thể bất tuân Đức Đạt Lai Lạt Ma, cho nên nhiều người đã tự sát.
Đến ngày nay, vị lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng đã kiên trì con đường bất bạo động. Trong những cuộc bạo động ở Lhasa năm 1987 và 1988, ngài vui mừng khi thấy những tu sĩ đã cầm những súng trường của Trung Cộng đập vở chúng thay vì quay lại chống lại những kẻ chiếm đóng, như vậy là nói không với ngôn ngữ của vũ khí.
Tháng Ba năm 2008, khi những cư dân của Lhasa nổi dậy và cam kết bạo động chống lại Trung Cộng, chính quyền Bắc Kinh buộc tội Đức Đạt Lai Lạt Ma xúi giục những hành động này. Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng trong trường hợp ấy họ có thể lấy lại giải Nobel Hòa Bình của ngài, và ngài thách thức nhà cầm quyền Trung Cộng đến Dharamsala để điều tra và chứng minh cho những lời tố cáo của họ.
Biểu tình ở Lhasa năm 1987-1988
Nhưng ngài ân hận sự kiện là cùng lúc những tu sĩ tham gia những cuộc chống đối một cách hòa bình lại bị trấn áp tàn bạo, một người Tây Tạng trẻ đã tổ chức ăn trộm, đốt phá và cướp giật. Trong khi thừa nhận rằng những hành động của họ xảy ra do bởi thất vọng và do bị đối xử như những công dân hạng hai ngay trên quê hương của họ, ngài lên án việc sử dụng bạo lực và tuyên bố nếu đồng bào của ngài xa rời con đường bất bạo động thì ngài có thể không còn là phát ngôn viên cho họ nữa.
Bình luận vào việc lựa chọn bất bạo động từ quan điểm chính trị, Samdhong Rinpoche xác nhận rằng phương pháp này đã sản sinh ra những kết quả bất ngờ trong hình thức của sự thông cảm quốc tế cho vấn đề Tây Tạng. Nếu chiến trận quân sự được Đức Đạt Lai Lạt Ma động viên, nó sẽ không thành công, và bây giờ Tây Tạng có thể đã chìm vào sự lãng quên.
Ẩn Tâm Lộ, Thursday, February 18, 2016
[1] Jeanne d'Arc (tiếng Việt: Gian-đa, 6 tháng 1 năm 1412 – 30 tháng 5 năm 1431) là một nữ anh hùng người Pháp trong cuộcchiến tranh Trăm năm giữa Pháp và Anh. Jeanne chứng thực là cô nhận được mặc khải từ Chúa muốn cô giải phóng quê hương mình từ ách thống trị của người Anh trong cuộc Chiến tranh trăm năm.
- Từ khóa :
- Tuệ Uyển