Nhà Xuất Bản Ananda Việt Foundation 2017
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa chư vị Thức giả,
chư vị văn nghệ sĩ cùng tất cả quý quan khách,
Nói đến Văn Hóa Phật Giáo, chúng ta đều hiểu đó là Văn Hóa Giác Ngộ. Một lời nói có văn hóa. Một việc làm có văn hóa. Một ý nghĩ có văn hóa. Ba phạm trù thân, khẩu, ý luôn trong sáng, luôn được phòng hộ ấy là văn hóa tu chứng. Văn hóa hướng thượng, văn hóa đi trên con đường bậc thánh của tự thân mỗi người phát nguyện hiến thân tu tập.
Qua nội dung của hai tác phẩm: Thiền Tông Qua Bờ Kia của tác giả Nguyên Giác và Đạo Phật, Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh của tác giả Đào Văn Bình, độc giả sẽ thấy nếp sống văn hóa Phật Giáo luôn có mặt từ đầu đến cuối tác phẩm. Có mặt một cách tích cực. Xây dựng cho một nhân sinh quan lành mạnh, nếu là ở thế gian, xã hội đời thường, và nếu là xuất thế gian cho những ai quyết tâm hạ thủ công phu thì tâm được định tĩnh, gặt hái quả thánh ngay trong đời hiện tại. Những yếu tố trong sáng, những nét văn hóa giác ngộ ấy được hiển bày từ ý vị Thiền Tập Tỉnh Thức. Từ sự chân thật của Tâm. Từ những lời giảng dạy của Đức Phật. Từ những nội dung của kinh Hoa Nghiêm, kinh Duy Ma Cật, kinh Kim Cang. Từ những Phật học Tánh Không, Bát Nhã… Nét văn hóa Phật Giáo ấy đã hóa thân vào làng mạc, thôn xóm nơi đời sống của người bình dân, trẻ em học đường, bà mẹ mang thai, hay võ thuật, quân đội, nhà tù… ca sĩ, nghệ sĩ, tu sĩ… còn hơn nữa, nét văn hóa Phật Giáo ấy có mặt nơi cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà để ngắm hoa sen Ao Thất Bảo, để nghe tiếng chim ca lăng tầng già hót. Và xách giỏ hái hoa cúng dường 10 phương chư Phật mà không trễ giờ để về thọ dụng cơm trưa… chúng tôi chỉ xin được thưa đôi điều, còn lại kính mời quý độc giả thưởng lãm những nét văn hóa Phật Giáo được tồn trữ trong hai Tác Phẩm nói trên.
Và bây giờ, chúng tôi xin thưa cùng tác giả của Thiền Tông Qua Bờ Kia rằng: Tác Phẩm mang nhiều màu sắc của Thiền tập, hóa thân vào xã hội để vực dậy những gì đã đổ nát từ những tư duy của con người. Làm sống dậy những tâm hồn trẻ trung, giàu lòng yêu thương, phụng sự. Dập tắt những sự căng thẳng của chính nó, vì cuộc sống quá nhiều mộng mị. Hướng dẫn, giáo dục con người qua nhiều phạm trù: Từ bản thân đến gia đình – từ xã hội đến cộng đồng quốc tế, giải trừ những cơn phiền muộn, nhìn thấy rõ sự chân thật trong lẽ sống. Chỉ bày để cho con người tự thân thấy vô thường, vô ngã, bất nhị, trung đạo, tánh không, văn tư tu, Tam Vô Lậu Học mang tính tự giác để giải thoát. Hay Thiền định, cũng có nghĩa là giữ giới – bình đẳng giới để con người nhẹ nhàng rũ bỏ mọi thứ phụ tùng chung quanh đời sống, mà chỉ có một điều duy nhất là đi thẳng vào lòng người, kiến tánh thành Phật.
Dưới nhiều dạng thức, qua kiến giải Phật Pháp tác giả đã dẫn dắt độc giả qua những lãnh vực Phật Pháp như Thiền Tĩnh Thức được giảng dạy cho: quân đội, ca sĩ, học sinh, người mẹ mang thai, trại tù, chính quyền, giới chức lãnh đạo quốc gia … trong mọi lãnh vực, mọi tầng lớp người trong xã hội. Đây là một thực tại làm hiển lộ yếu tính độc đáo, thực tiễn của nền giáo dục thiền định đánh thức con người cho chính nó. Tác giả đã trải nghiệm qua nhiều tinh thần giáo pháp dưới mọi chủ đề, ngang qua Tứ A Hàm và Năm Bộ Nikàya. Qua tinh thần giáo pháp Đại Thừa: Kinh Duy Ma Cật, Kinh Kim Cang, Kinh Hoa Nghiêm, Bát Nhã… để giới thiệu cho người đọc có một cái nhìn sâu sắc, thực tại khách quan rằng, Đạo Phật là Đạo Như thật. Là Đạo Giác Ngộ. Là Đạo tu chứng. Là Đạo Từ Bi Trí Tuệ có trong mỗi chúng ta. Đây là niềm hạnh phúc cho những ai hay chính tự thân tác giả đắm mình trong biển Phật Pháp phát sinh một niềm hỷ lạc vô biên. Do vậy, mà tác giả viết: “Cơ duyên lớn nhất trong cõi này là được mang thân người học kinh Phật, tu thiện hạnh, tập thiền pháp… không gì đẹp hơn là được ngấm mình trong Phật Pháp, nơi từng dòng, từng chữ đều mang sức mạnh chuyển hóa, đều mang vị giải thoát từ chặng đầu cho tới chặng cuối.”
Thiền Tông Qua Bờ Kia không phải là tác phẩm dành cho mọi trình độ, căn cơ người, mà rất kén chọn, độc giả phải mang kiến thức nghiên cứu, có học Phật, tu Phật; có chịu thực tập gia trì để nếm hương vị giải thoát thì mới được hiện tại lạc trú, mới thấy được pháp lạc bây giờ và ở đây, như tác giả viết: “Khi tu tập thực sự, sẽ thấy pháp môn nào của Ngài cũng đẹp tuyệt vời. Tập một ngày là hạnh phúc một ngày, tập một giờ là hạnh phúc một giờ, tập một phút là hạnh phúc một phút. Giải thoát là ngay ở đây và ngay bây giờ. Nhưng giải thoát cũng là thấy tức khắc rằng ngay cái ở đây và bây giờ cũng không có chỗ hiện ra trong tâm của người tỉnh thức.”
Xuyên qua 27 đề tài, từ Một Nhà Nước Tỉnh Thức đến Thân Cận với Tánh Không như theo thứ tự của mục lục, độc giả sẽ bắt kịp sự trình bày của Tác giả một cách khái lược qua các phạm trù:
Thứ nhất Kinh: Tác giả viết: “Đơn giản đọc lại kinh Pali, có thể thấy rằng tới 90% kinh là dạy về thấy, nghe, hay, biết… dạy về sắc, thọ, tưởng, hành, thức… dạy thấy tâm nơi không một pháp nào dính vào, nhìn thấy tâm nơi chỗ rỗng rang, nhìn thấy tâm nơi khởi lên và biến diệt, nhìn thấy tâm vô tác, vô thường… ngắn gọn, đây là dạy thấy tánh.?”
Và nơi đây, chúng ta từ từ, trang trọng đọc lời tác giả đã nhẹ nhàng theo dòng tư tưởng qua đề tài Bản Lai Vô Nhất Vật:
“Tôi đã lớn lên cùng với những dòng Bát Nhã Tâm Kinh. Những lời sắc bất dị không đã nghe âm vang như tiếng mõ ban mai, như tiếng tim đập của những ngày vui và của những đêm buồn, như tiếng mưa rơi mái hiên trong những buổi chiều ngồi đọc thơ Nguyễn Du. Tương tự như thế, tôi cũng say mê kinh Pháp Bảo Đàn. Trong đó nhớ nhất là câu “Bản lai vô nhất vật – Trước giờ chưa từng có một vật. Những chữ này làm sáng rực những trang kinh, làm tràn ngập lòng tôi những niềm vui như trưa nắng sân chùa. Cho dù thú thật, ngay cả từ thời thơ trẻ, hiểu chỉ lơ mơ, và tu chỉ dò dẫm.
Trong tận cùng , sau này tôi thấy, Pháp Phật chỉ là “không để tâm dính vào bất kỳ một pháp nào” nghĩa là như kinh Kim Cang nói, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm…”
Thứ hai giới luật: Tác giả tự hỏi:
“Tại sao giữ giới là quan trong nhất đối với người học Phật? Nhiều thập niên trước, tôi hỏi Bổn sư là Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu, rằng Ngũ Giới nhiều quá con làm sao giữ nghiêm ngặt được. Thầy nói: con chỉ cần giữ một giới thôi đó là Bình Đẳng Giới… giữ giới Bình Đẳng là thấy tham, sân, si tức khắc là giới, định, tuệ. Thấy phiền não tức khắc là Niết Bàn…
“Hãy hình dung một vị Thấy (bất kể học lực tới đâu, bất kể quê mùa hay thành thị) giữ giới chăm chăm, sáng trưa chiều tối đều quan sát tâm mình và muốn giữ đúng giới pháp… không cần kinh nào cao siêu, khi nhà sư đó quán sát tâm để giữ đúng giới pháp như thể tự động là Thiền, và do vậy tự động giới sẽ sinh ra định và tuệ.”
Thứ ba luận giải: Tác giả đã dẫn người đọc vượt qua thế giới nhị nguyên, không đem tâm chấp trước, dính mắc pháp trần nhị biên, mà thấy đâu cũng là pháp Chân Như thường hằng – bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm… Nhất thiết pháp giai thị Phật Pháp. Tác giả viết: “Muốn chứng Nhất Phật Thừa chớ nên chán ghét lục trần. Nhất thừa làm biệt danh của tự tâm, lục trần, lục thức, lục căn là biểu hiện của tự tâm, đâu có thể chứng nhất thừa mà ghét lục trần…phải biết, Ngộ tâm này thì lục trần tức là nhất thừa, mê tâm này thì nhất thừa tức là lục trần.” Ấy là tư tưởng Phật học được tác giả trình bày một cách sâu sắc. Qua những tư tưởng khác nhau, đề tài Những Người Phật Tử Jubu. Tác giả đã trích dẫn rất nhiều người có tên tuổi từ Hoa Kỳ đến Do Thái…
“Trong các Jubu đó có nổi bậc cũng có nữ tải tử Goldie Hawn, người sáng lập hội Hawn Foundation để dạy Pháp Thiền chánh niệm tại nhiều quốc gia trên thé giới… Như thế cho thấy sức quyến rũ mạnh mẽ của Phật giáo đối với học giới Hoa Kỳ, đặc biệt với người Mỹ gốc Do Thái. Và rồi với nhiệt tâm tu học, nhiều vị trong đó đã trở thành các Phật tử trụ cột hoằng pháp.”
Lần lượt từng bước, tác giả đã xây dựng nội dung tác phẩm thật súc tích, trù phú cho một nhân sinh quan Phật giáo mang tính cổ truyền cũng như thời đại. Tác giả nghiền ngẫm các tin tức báo chí để rồi bằng sự nghiên cứu này đã viết một đề tài là “Thiền Tập Khi Mang Thai”. Báo New York Times trong bài viết nhan đề “The Benefits of a Mindful Prenancy” (lợi ích Thiền Tỉnh Thức Trong Khi Mang Thai) ngày 31/05/2017 cho biết một cuộc nghiên cứu mới cho thấy rằng thiền tỉnh thức có thể giúp quý bà mang thai lần đầu đối phó với sợ hãi… Thử nghiệm với 90 thai phụ, và rồi khảo sát khi các em bé ra đời được 10 tháng cho kết luận: “Thiền tỉnh thức trong khi có thai có thể có ảnh hưởng tích cực cho tiến trình phát triển cho bé sơ sinh.” Qua những lãnh vực khác: Thiền trong võ thuật, Thiền trong học đường, nhà tù, hãng xưởng… cho người bệnh, cho các nhà lãnh đạo quốc gia dân tộc… Thiền tĩnh thức đã đi vào lòng người; kể cả trong niềm tin của các tôn giáo khác. Tác giả đã dày công đọc và sưu khảo các tin tức trên các trang mạng Internet để rồi làm công trình xâu kết thành một tấm thảm rực rỡ bông hoa vô cùng quý báu để làm đẹp cho đời, làm an lành tịnh lạc cho những tâm hồn người của kiếp nhân sinh. Từ thế giới thượng lưu trí thức cho đến giai tầng trung lưu dân giả, nếu ai nỗ lực tinh cần thực tập thiền định thì tất cả đều có tâm hồn tươi mát, lạc quan yêu đời. Và đây, chúng ta hãy lắng lòng nghe tác giả nói. Nói trong yếu tính giữ tâm tỉnh giác, trong ý niệm vượt thoát và dập tắt vô minh, ưu phiền khổ luỵ, đầy dãy đau thương của kiếp người. nói để thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng như dòng nước trôi sông không sóng, không gió mà êm đềm xuôi vào lòng đại dương, lời tác giả: “và hàng ngày, trong đời thường, khi ngồi đọc hàng trăm bản tin, chọn tin, dịch tin, dò lỗi, suy tính ưu tiên các bản tin – nghĩa là đủ thứ bản tin về tham sân si đời thường, từ hình sự tới đủ thứ… Trong cả những lúc gần như kiệt sức mỗi buổi chiều, hay cả những lúc ứa nước mắt khi đọc tin quê nhà, tôi vẫn nhớ tới bản kinh trong Tương Ưng Bộ nói về tiêu chuẩn của người tu học: phải xem tâm mình có khởi lên tham sân si hay không.” Quan điểm, cái nhìn của người học Phật, tu Phật là vậy đó, lao tác suốt ngày, gần như hết sức, mệt mỏi nhưng tâm tư vẫn luôn trong sáng, giữ cho lòng thanh tịnh mà không để một mảy may rung động, phiền não nổi lên. Có nghĩa là giữ tâm vô tham, vô sân, vô si trong mọi thời xứ. Ấy là cái sống của người thế thường hay cái tu của người đạo học hai mặt thế tục và vô vi, tác giả đã hóa thân vào đó để chia sẻ sự đau đớn của trần gian qua lời dịch thơ của Nguyễn Lương Vỵ:
“Rồi thôi, đôi mắt ướt ngàn thâu
(chẳng cần lãng mạn quái gì đâu!)
Phố chợ, tiếng rao khuya xót ruột
Âm rách vai, gió thốc trong đầu”
“Nhưng, chuyện trần gian đầy những đau đớn hàng ngày như thế làm sao để có thể dìu nhau tới bờ giải thoát?”
Tuyệt vời cho những tư tưởng thuần khiết, được kết tinh bởi những tháng ngày âm thầm tu tỉnh, trầm mình trong cái không: “làm cho tâm rỗng rang” (making the mind empty – vô tâm). Nó thì rỗng không, nhưng vẫn có sự hành hoạt. Cái rỗng không này là cái người ta thường không hiểu, nhưng những ai đạt tới nó sẽ thấy giá trị khi nhận ra nó. Nó không phải là cái rỗng không của không có gì hết, mà nó là cái rỗng không vẫn nằm trong các thứ hiện hữu sôi động. A Taste of Freedom.” Tác giả đã nội hàm một cách tuyệt vời về 5 pháp an tâm của Ngài Milarepa con người siêu việt:
“Hãy để tâm tự nhiên như một em bé
Hãy để tâm như mặt biển không sóng gợn
Hãy để tâm trong suốt như ngọn lửa nến
Hãy để tâm không bận gì nữa y hệt một xác chết
Hãy để tâm bất động như một ngọn núi.”
Kính thưa quý vị thức giả, văn nghệ sĩ, quan khách, đôi lời vô cùng giới hạn, để muốn nói đến tác phẩm Thiền Tông Qua Bờ Kia mà tác giả Nguyên Giác đã trao tặng cho tất cả chúng ta món ăn tinh thần vô cùng cao quý, hiếm có giữa đời sống nhiều sự cạnh tranh để sinh tồn này. Suốt đêm đọc tác phẩm qua các đề mục cũng như nội dung, chúng tôi vô cùng cảm kích tấm lòng tu tập, phụng sự và hiến dâng của tác giả. Nếu là người diễn giảng, thuyết pháp thì đây là tập cẩm nang bỏ túi để làm tài liệu mà trao tặng đến cho thính chúng. Nếu là người đang gia tâm nghiên cứu, sưu tầm tư tưởng Phật học, thì đây là tác phẩm hàm chứa nhiều tài liệu, tư tưởng làm kim chỉ nam để hướng thân lập mệnh cho đời mình. Còn nếu như tâm hồn bị lạc lõng, chơi vơi giữa biển đời sinh tử thì đây chính là hải đảo an toàn cho những tâm hồn đó nương tựa bình an. Một tác phẩm được tập chú, gia tâm nuôi dưỡng trải qua nhiều thời gian để trưởng thành qua hai đời sống thế gian và xuất thế gian mà tác giả đã miệt mài bao công lao xây đắp để có được một thành quả to lớn hàm tàng trong tác phẩm Thiền Tông Qua Bờ Kia. Quả thật độc giả vô cùng biết ơn và hoan hỷ khi cầm quyển sách trong tay mà thấy lòng mình ấm lại; vì đâu, vì nội dung của tác phẩm đã cho mình quá nhiều lương thực, đồ ăn, nước uống để thấy bụng mình no đủ. Nói không hết lời vì ngôn ngữ của trần gian hạn hẹp. Vậy thì, cứ mở sách mà chăm chỉ đọc; đọc một cách vui thích, đam mê sẽ thấy được hương vị thơm tho nhẹ nhàng, ấm áp của lòng. Như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Còn cá nhân chúng tôi chỉ xin được làm công việc là trao tặng tác phẩm này đến cho quý độc giả từ tác giả mà thôi. Không mang một ý nghĩa nào khác hơn, vì nội dung của tác phẩm tự nó đã nói lên tất cả, đã chuyển tải tất cả mọi ý nghĩa và giá trị mà tác giả muốn gởi gấm. Chúng tôi thầm nghĩ rằng những nhà trí thức Phật tử Việt Nam hôm nay luôn được gia tâm bồi đắp cho nền văn hoá Phật Việt một cách tích cục như qua hai tác phẩm của Nguyên Giác và Đào Văn Bình thì không gì lợi lạc hơn cho con đường hoằng pháp lâu dài để lại cho nhiều thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai, cũng như hôm nay vô cùng lợi lạc.
Đi vào tác phẩm Đạo Phật, Đất Nước, Cuộc Sống, và Tâm Linh chỉ đọc tên của Tác Phẩm không thôi chúng ta thấy một khung trời cao rộng thân thương, gần gũi với chính mình. Một đạo Phật Việt Nam ngót trên 2000 năm lịch sử cùng song hành với dân tộc khi thăng, lúc trầm theo vận nước. Và nơi đó, Đạo Phật đã cho dân tộc chúng ta những gì để dựng nước, giữ nước cho đến ngày hôm nay. Rồi cũng đất nước đó, nơi chôn nhau cắt rún, của mẹ cha, của dòng tộc tổ tiên, của cuộc sống và tâm linh đầy tinh thần nhân bản, suối nguồn yêu thương, chân thật.
Tác giả xây dựng cho tác phẩm của mình qua 4 phần:
1. Thứ nhất: Niềm tin tôn giáo – Phật Giáo. Sau khi tác giả đọc quyển Đạo Phật và Dòng Sử Việt của HT Thích Đức Nhuận, tác giả đã khẳng định niềm tin và lập trường tín ngưỡng của mình: “Trong bối cảnh tang thương của đất nước và dân tộc như thế, tại sao “gốc Phật giáo” trong tôi không bị bứng đi mà lại có thể “gặp lại” Phật…”. Tác giả tiếp tục trình bày gặp lại Phật trong hoàn cảnh nào: “Chính tại sân chùa Xá Lợi (Sài Gòn) tôi đã gặp một “báu vật” khai mở trí tuệ cho tôi đó là bài pháp của Đại Đức Narada Maha Thera.” Và: “chính tại ngôi chùa Xá Lợi này, tôi nhặt được một cuốn sách nhỏ (booklet) nhan đề cốt tủy của Đạo Phật. Nội dung cuốn sách thật ngắn gọn nhưng đầy đủ và thuyết phục trong đó có một câu nói của Đức Phật “Kinh giáo của ta như ngón tay chỉ mặt trăng” vừa đọc xong câu này, tôi vội xếp cuốn sách lại và trong tôi bùng vỡ một niềm sung sướng và cảm phục, “Trời ơi, sao ông Phật này chân thật quá”.
Tác giả tiếp tục khẳng định niềm tin nơi Phật có lý trí, có kiến thức của một sinh viên luật khoa thời đó: “Đức Phật không “vơ vào” những gì không phải của mình. Luật vô thường không phải của Đức Phật. Sinh-lão-bệnh-tử không do Phật bày ra. Cái chết không do Phật thiết kế. Niết Bàn không phải là do đặc hữu của Phật mà bất cứ chúng sanh nào nếu chịu nương theo giáo lý của chư Phật (nương theo ngón tay) thì cũng đạt được Niết Bàn (tức thấy mặt trăng). Cuộc sống, vui buồn, sướng khổ của thế giới này không phải do Phật hóa phép mà do nghiệp lực vận chuyển từ vô thủy của chúng sanh. Trước khi Phật ra đời con chim tiếp tục ăn con sâu. Khi Đức Phật thành đạo con chim vẫn ăn con sâu. Khi Đức Phật nhập diệt con chim vẫn ăn con sâu. Tất cả đều Như Thị và Như Thị.”
Quả thật niềm tin có lý trí, có nhận định, sáng suốt theo luật tất tự nhiên, theo tiến trình vận chuyển của nghiệp nhân, nghiệp quả của thế giới hữu tình, vô tình… Tác giả đã có một niềm tin trong sáng, đáng kính phục. Chúng ta thử nghe thêm một đoạn nữa mà tác giả đã viết: “Vậy thì yếu tố đầu tiên tôi đến với đạo Phật là vì thấy “ông Phật” là con người thành thật. Giáo lý của Ngài là giáo lý chân thật. Ý nghĩ của Ngài là ý nghĩ thành thật. Theo tôi, chân thật (honesty) là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Thiếu thành thật, xa rời sự thật, phản lại sự thật, che dấu sự thật thì mọi giá trị đều sụp đổ kể cả những gì gọi là linh thiêng, thánh thiện.” Tác giả còn dàn trải nhiều tư tưởng Phật học trong tác phẩm này, và để rồi tác giả đã viết: “Bạn ơi, trong muôn ngàn điều có thể nói về Đạo Phật, chỉ xin bạn nhớ cho “Đạo Phật là Đạo của những người biết lắng nghe.”
2. Trách nhiệm của đất nước.
Tác giả đã nhận định và nêu rõ lập trường của mình trong sự tương quan giữa chính quyền và người dân: “Nếu chính quyền được điều hành bởi những Phật tử thì những Phật tử đó không được nói dối. Đất nước còn nghèo còn khó khăn thì phải nói ra cho rõ, không phóng đại tô màu cho những thành tích. Hãy dẹp bỏ và phê bình thẳng thắn nạn: “làm thì láo, báo cáo thì hay” việc nào chưa làm được cũng phải nói ra cho rõ. Chỗ nào tham nhũng, chỗ nào tham ô, cửa quyền móc ngoặc, bòn rút của công thì cũng phải can đảm nói ra để cùng nhau sửa chữa. Không đưa ra những thống kê giả tạo để tự lừa mình và dối gạt dân.”
Nơi đây, tác giả đã góp thêm ý kiến: “Một đất nước xung đột về tôn giáo khác biệt văn hóa thì không có sự kính nể của thế giới, chưa kể đất nước sẽ tan nát. Muốn đất nước thuần hóa về văn hoá thì song song với tự do tín ngưỡng phải có một dòng chính “mainstream” tức là một tôn giáo làm trụ cột cho tâm linh và bản sắc dân tộc.”
3. Phụng sự cuộc sống: tác giả đã có một cái nhìn và sở thích không giống như phần lớn của người đời, mà tinh thần phụng sự cuộc sống tác giả đã thật quá gần gũi với tầng lớp cư dân giản dị, quen thuộc và thiên nhiên, những hình ảnh sống chân thật từ xóm làng, thôn quê mộc mạc là những hình ảnh đã in sâu, tô đậm trong tâm thức tác giả để viết thành lời: “Tôi thích lang thang trên hè phố để ngắm nhìn những em bé đang tung tăng cắp sách đến trường… những người thợ mồ hôi nhễ nhãi đang miệt mài với những công trình xây cất, họ là những thợ thầy sáng tạo, mà tôi yêu quý… những khu phố vắng vẻ trong những buổi chiều êm ả… có cả tiếng ve kêu như tiếng nhạc của hè. Những mùa thu lá đổ. Những ngày mùa đông gió thổi ù ù, lá rơi rơi… lá rơi để những ngọn đèn trong nhà sao ấm cúng lạ thường khi những bữa cơm buổi tối của gia đình tụ hội. Tôi thích lang thang vào cả những xóm thôn lao động để nghe tiếng bà mẹ ru con tiếng võng kẽo kẹt…” Tâm hồn và hành động phụng sự cuộc sống của tác giả không chỉ là tích cực, dấn thân trong lãnh vực xã hội của thế gian này mà tác giả còn thích và ham nhiều hơn nữa để “lang thang lên nước cực lạc của đức Phật A Di Đà để xem Ao Thất Bảo, đưa tay hứng hoa mạn đà la, hoa man thù sa… Để xem Phật A Di Đà đã thành tựu công đức trang nghiêm như thế nào. Thật lạ lùng các giống chim ở Quốc Độ này cũng biết niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Hành trang mà tôi mang theo chỉ một bộ kinh Bát Nhã. Khi nào thấy lòng xao xuyến, lo âu tôi lại niệm Lục Tự Di Đà. Tôi không còn lo sợ chi cả.”
Kính thưa quý độc giả, khi đọc qua những tư tưởng, quan điểm dị thường để phụng sự cuộc sống một cách tích cực của tác giả chúng tôi thấy sức sống của tác giả, thật cao quý, ung dung hòa mình vào cuộc sống của nhà tu mà không đem tâm phân biệt, đây là cuộc sống cao sang quyền quý và kia là nếp sống thấp hèn cơ cực. Quả thật làm rung động lòng người làm cảm khái một nỗi niềm đến với độc giả khi đọc qua những trang chữ này. Những dòng chữ này: “Đời đẹp vì có người, có mình, có ta… Vậy, thì bạn ơi! Hãy đến với tất cả mọi người… và đến bằng tâm hồn trẻ thơ.” Cao quý quá! Chân thật quá! Dàn trải ra một cuộc sống như nhiên.
4. Xây Dựng Nếp Sống Đẹp Tâm Linh: cụ thể nếp sống tâm linh thành ra những sự sinh hoạt hằng ngày. Nếp sống tâm linh đó đã hiển bày qua lời nói. Khả ái, quý kính, nhẹ nhàng, qua cử chỉ dịu dàng, thân thiện; qua việc làm yêu thương giúp đỡ…. Tác giả viết: “Giữ gìn trang nghiêm giới hạnh là thân đẹp. Ăn ở hiền hoà thuỷ chung là nết đẹp. Thấy người ta ngã mà nâng lên đó là cử chỉ đẹp. Thấy người ta đói cho ăn, rách cho mặc, nghèo túng mà giúp đỡ đó là tấm lòng đẹp. Phụng dưỡng cha mẹ già, chu cấp người cô quả cô độc tôn quý các bậc hiền thánh cúng dường chư Tăng ni đó là tâm hồn đẹp. Thấy người ta lâm nguy, sợ hãi mà nói lời an ủi giúp đỡ, đó là ngôn ngữ đẹp. Không một tà niệm nảy sinh đó là ý đẹp. Thấy người ta tới, không hiểu biết mà khai mở trí tuệ, cho học hành chữ nghĩa, đó là trí huệ đẹp. Phá vỡ màn vô minh hướng dẫn chúng sinh vào con đường an vui, giải thoát đó là cái đẹp tối thắng mà Trời Đế Thích phải trải hoa tán thán.”
Qua một đoạn khác tác giả chậm rãi, từ từ làm sạch tâm hồn, làm tâm thanh tịnh bằng cách lượm từng mẩu rác, quét từng vật dơ, để lòng thanh thản, an vui: “Sự sạch sẽ làm trang nghiêm cuộc sống và thế giới. Ngay đầu óc chúng ta cũng cần sạch sẽ. Muốn sạch sẽ thì phải quét rác. Một chiếc máy điện tử muốn tốt cũng phải “đổ rác”. Đầu óc con người muốn thanh tịnh, sạch sẽ cũng phải “đổ rác”, đổ bớt rác rưởi của tâm hồn. Những ý nghĩ bất tịnh, tương tranh, thù hận đố kỵ, tị hiềm, những tư tưởng loại trừ, kỳ thị, ghét bỏ đều là rác rưởi của tâm hồn. “Quét rác” và “đổ rác” là việc làm thường xuyên của người nào muốn tâm hồn thanh tịnh…”
Giản lược đôi điều trong vô số những tư tưởng hay đẹp, hướng thượng của tác phẩm Đạo Phật, Đất Nước, Cuộc Sống Và Tâm Linh của tác giả Đào Văn Bình, để hầu chuyện với quý độc giả hôm nay. Thật sự khi đi vào nội dung của tác phẩm độc giả sẽ thấy lòng mình trầm xuống, một thứ êm dịu của tâm hồn biết cái thiện, cái quý, cái hạnh phúc an vui trong cuộc sống đời thường. Và nếu có một đời sống tâm linh. Niềm tin yêu sâu sắc trong Phật pháp thì nơi đây chính là điểm tựa, chỗ gởi gấm cho chính mình trên tiến trình tu tập. Hoàn thiện cho bản thân và an bình cho thế giới.
Kính cảm ơn tác giả đã cho đọc một Tác Phẩm thật lợi ích trong cuộc sống con người hôm nay cũng như mai sau.
Kính cảm ơn toàn thể chư liệt vị.
Kính chúc quý vị thân tâm thường an lạc.
San Diego, 18 tháng 11, 2017
Thích Nguyên Siêu
- Tag :
- HT Thích Nguyên Siêu